g. Tiểu mục 7 - Sưu hợp tuyển của nhiều tác giả (đã hoãn): Phùng Gia Lộc - Hàn Vũ Hùng

authorS's

copyright

TRẦN XUÂN AN

( sưu tập, tuyển chọn & giới thiệu )

văn của những người cùng thời

trong và ngoài nước

12/19/06

 

Tác phẩm

của

những người

cùng thời:

 

Thơ

 

Văn

 

Luận

 

...............................

Người sưu tuyển

& giới thiệu:

 

Liên lạc

 

Góp ý

 

                             

        

       Lời thưa chung

     về trang của những người cùng thời

 

      Sưu tập, tuyển chọn hoặc giới thiệu tác phẩm (sáng tác, ghi chép, nghiên cứu, khảo luận...) theo các nguyên tắc sau đây:

 

        ++ Được sự đồng ý của các tác giả (nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu...) và các tác giả ấy không thay đổi sự đồng ý đó. Đối với những tác giả đã quá cố, người sưu tập, tuyển chọn sẽ liên lạc với gia đình hoặc chỉ xin mạn phép...

        ++ Ghi chú xuất xứ cụ thể, chi tiết cuối mỗi bài hay mỗi trích đoạn

        ++ Các tác giả tự giữ bản quyền về tác phẩm của mình

        ++ Không có nhuận bút (vì đây chỉ là trang web cá nhân của người sưu tập, tuyển chọn & giới thiệu)

        ++ Mục đích của việc sưu tuyển hoặc giới thiệu này chỉ có tính chất giao lưu, đoàn kết

 

        Mong đợi sự góp ý.

        Trân trọng & cảm ơn.

        Trần Xuân An

 

 

        văn

 

 

MỤC LỤC

(VĂN CỦA NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI):

 

(Đây chưa phải là những bút kí, truyện ngắn, trích đoạn tiểu thuyết hay nhất của các tác giả)

 

1. Phùng Gia Lộc - Cái đêm hôm ấy ... đêm gì?  --  trang 1

2. Hàn Vũ Hùng - Chuyện một lãng tử  --  trang 1

3. Thu Nguyệt - Quê hương ở đâu? --  trang 2

http://c.1asphost.com/TrXuanAn/an/trangcnncthoi/trangcnncthoi_van_tr2.htm

4. Hàn Nguyệt - Trinh nguyên --  trang 3

http://c.1asphost.com/TrXuanAn/an/trangcnncthoi/trangcnncthoi_van_tr3.htm

 

              (sẽ đăng tải tiếp)

 

Cũng có thể xem tại:

http://www.tranxuanan-trangcnncthoi.blogspot.com

(các links trên có khi bị trở ngại) 

 

__________________________________________________________________

 

1

 

 

PHÙNG GIA LỘC

nhà văn 

 

Cái đêm hôm ấy... đêm gì?

 

   

Cuối năm 1983, tôi được ở nhà chờ quyết định về nghỉ chế độ. Chiều chủ nhật, thằng Học con tôi rủ rỉ nói:  

- Con bắt được bác Quang ăn bánh cuốn ở hàng anh Minh. Bác đi thồ sắn ở chợ Phúc Địa về. Bác cho mấy bó nhưng con không lấy. Bác dặn con về đừng nói với bố mẹ là đã gặp bác. Nói, hôm nào sang bác đánh chết.  

- Hừ! Lại thế nữa...  

Tôi buột miệng bảo với con thế, rồi thừ ra. Bạn bè anh em cùng một phòng với nhau mà đi qua không vào. Có điều gì nhỉ?  

Sáng thứ hai tôi sang cơ quan ứng mấy cân gạo và định bụng sẽ gặp, trút sấm sét lên đầu anh ấy. Nghe tôi trách, Lê Trung Quang, trưởng phòng tổ chức Ủy ban huyện Thọ Xuân, cười hà hà làm lành thật đôn hậu, dễ yêu:  

- Giá có một mình thì tôi vào. Đằng này những bốn binh, khao được, anh cũng liệt. Vả lại, bốn cái xe nặng è, sợ tối.  

Là trưởng phòng tổ chức ủy ban huyện, anh cũng để gia đình vợ con đói thiếu. Ra anh còn kém cỏi hơn cả tôi, một kẻ chân chim trần trụi, một tay sắp trở thành "phó thường dân". "Nhà mình cũng bí. Nộp sản đi rồi, lúa đã cạn. Khó mà ăn thấu tết được". Quang lắc đầu bảo thế.  

Anh gạn tôi:  

- Ông ở đây với tôi đêm nay cho vui. Tôi buồn quá.  

Tôi chỉ vào mấy cân gạo đã bó buộc sau xe, bảo anh Quang:  

- Phải mang "hàng chiến lược" này về chứ.  

Nếu nghe lời Lê Quang Trung nằm lại với anh một đêm, thì tôi đã không thể nào hình dung nổi ở Phú Yên xã tôi Cái đêm hôm ấy là đêm gì...  

Có cái "các" quá giang của Lê Trung Quang cho mượn, tôi không phải mất ba đồng tiền đò. Qua sông Chu gió vù vù bên tai, tôi phải kéo vành mũ len, trùm thấp cho đỡ run. Tôi về đến nhà, trời đã sẩm tối, con mực xông ra í a í ẳng vờn chân lên hông. Vợ tôi bế thằng Văn ngủ khì trong lòng, ngồi bên bếp than vỏ cao su um khói. Bên cạnh, thằng cu Thức bốn tuổi đang liến láu. Còn Học - thằng con nhớn đang học bài ở nhà trên.  

Thấy tôi về thằng Thức reo lên:  

- A bố! Bố về là bố về! Có chi không bố?  

- Có cái rét cóng đây này!  

Tôi nói rồi dắt xe vào nhà, mở túi gạo, vác xuống bếp khoe:  

- Ứng được năm cân gạo.  

Bà cụ thân sinh ra tôi mệt đã lâu, thấy tôi về, cũng gượng chống gậy xuống bếp sưởi. Cụ bảo:  

- Mẹ Học đi nấu cơm cho bố va ăn!  

Tôi hỏi:  

- Nhà ăn rồi hả mẹ?  

Cái thằng Thức đến là hở miệng, cấm có giấu nó được tí gì. Nó nói:  

- Chỉ nấu cơm cho bà với em thôi! Mẹ với anh Học, với con ăn cháo rau má rồi. Bữa nay mẹ luộc rõ nhiều rau cải.  

Tôi thấy cay sè trong mắt.  

- Thế thì nấu thêm vào. Hết thì tao đi bới đất, nhặt cỏ, van ông vái bà. Làm con người mà miếng cơm chín vào bụng vẫn không đủ thì sống thế nào?  

Vợ tôi định cãi câu gì đó, nhưng lại thôi, vội trao thằng Văn cho bà rồi lại mở túi gạo đi vo. Bà cụ nói:  

- Rau cải ế nhăn! Đói, chả mấy người mua. Hôm nay mẹ va không đong được gạo. May lấy được đấy, không thì mai gác con lên...  

Ngoài cửa gió ào ào, tiếng chó sủa ổng oảng ở đầu ngõ. Có tiếng ai hỏi mua rau cải nhà tôi. Cô Hoa vợ chú Được. Hoa cũng người họ Phùng, gọi tôi bằng bác. Chồng cô ấy là đội trưởng đội sản xuất cũ, nay vừa được rút lên làm trưởng ban định mức, rồi phó chủ nhiệm. Cô vào bếp vừa nói, vừa run:  

- Sao năm nay rét sớm thế này? Bác bán cho cháu mấy bó rau cải xào.  

Vợ tôi bắc nồi cơm lên bếp, mấy bà cháu phải dồn chỗ cho hai người đàn bà tê cóng này ngồi cạnh bếp hơ tay, ngó chẳng khác những viên đạn bị nén trong cái băng lò xo tròn. Tuy gần bằng tuổi vợ tôi, nhưng là hàng cháu họ, nên Hoa vẫn bác bác, cháu cháu ngon ơ.  

- Bác có ngan, gà gì để cho cháu vài cân. Giá mấy cũng được, cháu không quản.  

- Còn có vài ba con, phải để hôm sau bà...  

Tôi lừ mắt chặn lại câu nói hớ, khiến vợ tôi im bặt. Chả là vì mẹ đẻ ra tôi yếu lắm rồi. Cụ đã bảy mươi lăm tuổi, lại phù nề mặt mũi vàng ủng như quả thị rụng. Ai cũng bảo khó qua cái đầu mùa Đông này. Vì vậy gia đình tôi đã lo chuẩn bị ngầm, phòng sau khi cụ về cõi. Cái gì vợ tôi cũng bảo dành để hôm sau bà... thành quen miệng. Cau cũng phơi kỹ bỏ be để hôm sau, thậm chí bọt bẹt được đồng rau nào cũng dồn mua ván đóng sẵn áo quan để hôm sau... Ấy nhưng nói đến cái chết, cụ lại giận và làm nau: Bay trông tao chết à? Tao phải sống để nhìn con cháu được đến lúc sung sướng chứ. Khổ mãi rồi.  

Tôi hỏi Hoa để lấp láp câu hớ rồi cho bà cụ khỏi giận:  

- Mua đồ nhậu làm gì tối thế này?  

- À... mua cho mấy thằng về đội ta thu sản, khuya các hắn đớp. Đội và quản trị thuê khoán cháu nấu.  

Vì có chồng ở ban quản trị, cô ấy cũng là loại biết nhiều chuyện "bí mật nội bộ". Hoa thì thò cho vợ tôi biết đêm nay là đêm "đồng khởi" thu sản, tổng vét cả xã. Họ sẽ đổi chéo, công an và dân quân đội này về đội kia, vét bằng hết. Vì đội 12 này là nặng gánh nhất, nên họ sẽ điều về đây những tay cứng cựa. Hoa khuyên:  

- Bác có thiếu sản, thì liệu mà xoay đi  

- Thế thì tao đét bán rau cho mi nữa.  

Vợ tôi toan từ chối, nhưng Hoa nài mãi và có tôi nói vào nên chị chàng mới chịu nghe. Hoa cầm đèn ra vườn soi cho vợ tôi hái. Cô ấy cầm rau, rồi còn đi các nhà bên cạnh hỏi mua gà. Cơm cạn, tôi vần cạnh bếp. Vì không phải ghế độn khoai độn sắn gì nên chín rất mau. Thấy chỉ nấu mình cơm tôi, lòng tôi lại buồn nổi gai. Vợ tôi bế thằng út vào lót cho nó ngủ trong buồng, rồi lấy cho tôi cái bát, đôi đũa. Cuộc chào mời đùn đẩy, nhường nhịn nhau rõ bực.  

Tôi lùa hai bát cơm với nước dưa chua, rồi bỏ đấy. Bà cụ nài, rồi tôi dỗ thằng Thức cũng lắc đầu không dám ăn chỗ cơm còn lại. Hắn sợ mẹ. Nhà này, mẹ chúng nó có quyền uy tối thượng. Biết vậy, nhưng tôi cũng sắp trở thành kẻ sống nhờ...  

Ngồi ở bếp, tôi hỏi vợ:  

- Nhà mình còn thiếu của hợp tác xã bao nhiêu thóc nữa em?  

Cô ấy không trả lời tôi mà nói rất vô lễ:  

- Có biết thế này, đái tòe tòe vào, chứ tội gì lôi về. Cha đời! Bữa trước thì tuyên bố vớt được nấy ăn nấy, người ta mới hụp lặn xuống nước lụt mà khở (gở) từng bông lúa. Nay lại giở trò giảm tỷ lệ!  

Tôi vỗ về:  

- Thôi! Lụt thì lụt cả làng, em ạ! Em nói xem, so với tổng sản phải nộp, nhà ta thiếu bao nhiêu?  

- Một tạ mười hai cân, em đã trình bày với anh Nhà đội trưởng rồi. Thực tế mò được hạt nào đã ăn hết hạt nấy. Mấy lâu nay bán được đồng rau nào mua ăn, không bán được thì nhịn. Đã nói khất rồi. Không cho khất, thì nhà đấy có dỡ được, đến mà dỡ.  

- Phải mềm mỏng, em ạ! Khéo bán khéo mua thua người khéo nói! Gia đình mình, con cái mình còn ăn đời ở kiếp nơi đây.  

Vợ tôi rền rĩ như sắp khóc:  

- Chả nhẽ kiếm liều thuốc chuột, cho vào nồi cháo, ăn hết cả nhà cho sướng cái đời...  

Ngồi sưởi ở bếp rất lâu, vỏ cao su cháy tàn, đã vạc hai ba đống than, mà chẳng ai muốn nói với ai câu nào nữa. Bà cụ ngồi lâu, mỏi và chán chuyện bỏ đi nằm. Thằng Học làm toán xong, lấy cho bà nồi than, rồi cũng rúc xuống bếp. Hắn đi bốc rơm lót ổ ngay cạnh bếp, lấy ván chắn rồi trải chiếu, ôm chăn ra nằm.  

- Ngủ đây mà ấm, bố ạ!  

Trong giường thằng Út Văn khóc í óe. Hắn lại đái lạnh đít rồi. Mẹ nó vào quả không sai. Nó được ôm ra bếp sưởi, nằm gọn trong lòng mẹ. Gần một tuổi mà nó còn bắt nhá cơm bón và bú thì hơn con bê non. Lại nhai tòm tọp thế đó! Tôi đùa với con để nó cười sằng sặc cho dịu cơn lo buồn.  

Gần mười hai giờ khuya, cả nhà đi nằm. Tôi ngủ với hai thằng oắt trong ổ rơm dưới bếp.  

Có điều gì đó bồn chồn và nơm nớp...  

Bỗng tiếng kẻng gõ giục giã liên hồi. Kẻng khắp xã: từ đội 1 đến đội 15, như một sự bùng nổ dây chuyền. Tiếng loa phóng thanh mở hết cỡ đọc bản tin, kế hoạch huy động lương thực của tỉnh và chỉ thị của tỉnh ủy về công tác lương thực.  

Hoàng Văn Nhân, đội trưởng đội 12, đọc trên loa danh sách những nhà thiếu thóc chưa giao nộp cho hợp tác xã. Đèn đóm soi rừng rực ở các ngã đường. Chó sủa ơi là chó sủa. Cũng cái loa phóng thanh ấy, có tiếng ông chủ tịch xã gọi cán bộ về đội 12 hội ý.  

Ông trưởng công an xã Nguyễn Đình Định gào rát cổ trên loa, giọng giật giội gọi lực lượng dân quân, công an tăng cường về chi viện cho đội 12, tạo đà cho đội hoàn thành chỉ tiêu huy động. Tôi rùng mình nghĩ đội tôi là đội trọng điểm, nên cán bộ xã, hợp tác xã, vón cục cả về đây. Họ sẽ gõ cho ra chục tấn thóc còn tồn sổ.  

Gần một giờ sáng, công an, dân quân đã ập đến các nhà nợ thóc. Tiếng chó sủa vang, tiếng lợn kêu èng ẹch như bị chọc tiết ở các nhà gần quanh, làm thằng Út Văn khóc thét lên, ôm riết lấy mẹ. Thằng Thức cũng im thin thít, nằm co trong lòng tôi không dám cựa. Bên nhà ông Ái, láng giềng cách vườn nhà tôi một hàng rào, công an và dân quân đang lùng sục. Tiếng ông bà Ái kêu xin và tiếng quát lác, tôi nghe rõ mồn một.  

- Cứ bắt lấy cái xe đạp! Phích, xô, bắt ráo!  

Ở cổng nhà tôi đã có bước chân rình rịch, con chó mực đang có chửa bị quất, kêu ử ử.  

Cạch cạch cạch.  

- Chị cò Lộc, mở cửa ra!  

Tiếng thằng bé trong buồng khóc thét. Thằng Thức đang ôm tôi, nghe em khóc cũng òa khóc toáng lên. Thằng Học mười hai tuổi đã học lớp tám rồi, mà cũng níu lưng tôi run bắn. Nghe tiếng quát lần thứ hai, từ nhà bếp, tôi chạy lên. Một luồng đèn pin soi giữa mặt làm tôi lóa mắt, phải lấy tay che.  

- Có chuyện gì đấy, các bạn trẻ ơi?  

- Thu thóc, thu thóc chứ còn gì, ông đừng hỏi vờ.  

Vợ tôi đã mở toang cửa, tay ôm thằng bé ngất lịm. Một anh, hai anh... bốn anh bạn trẻ ùa vào nhà. Anh đi đầu cao to, tóc cắt tăng gô, mặc áo bông thùng thình, soi đèn pin rồi đánh diêm châm cái đèn hoa kỳ ở bàn thờ. Có lẽ Tâm "hộ pháp" là người này. Phải, tôi đã thấy anh ta đứng chân hộ vệ giữa, trong một cuộc đá bóng với xã khác. Tay anh cầm cái choòng sắt cỡ ngón tay cái. Vợ tôi mời họ ngồi ghế. Bà cụ đang ốm ở giường bên cũng cố ngóc dậy, run rẩy chào.  

- Theo danh sách đội báo, chị còn thiếu hơn tạ thóc. Yêu cầu chị đem nộp ngay!

Bà cụ tôi đáp thay con dâu:  

- Các bác các anh ơi! Có còn cái gì mà nộp. Các anh và các bác không thấy đàn con hắn đói xanh đói trong đi à? Các bác không thấy tôi cũng phát phù phát nề, vàng cây úa lá đây à?  

- Chúng tôi không hỏi mụ nghe chưa?  

Cả bốn người cùng soi đèn pin khắp nhà trong, nhà ngoài, dưới bếp, bên chái. Hai người tuông soi cả trong vườn rau. Vợ tôi mếu máo:  

- Làm gì có lúa để ngoài ấy. Các anh xéo nát cả rau.  

Tôi chạy ra trụ sở đội, định tìm cán bộ trình bày. Chủ tịch Phê, bạn dạy học với tôi ngày trước, đi bộ đội về giải nghệ, vào cấp ủy, đang đứng đấy. Thấy thế tôi mừng quýnh. Lại thấy cả Phùng Gia Miện anh họ tôi, làm bí thư đảng ủy cũng có mặt, tôi càng yên trí. Nhưng thấy tôi họ quay đi lảng tránh.  

Anh Miện bảo nhỏ tôi:  

- Chú về động viên gia đình thanh toán bằng đủ, nhà mình là cán bộ. Không có thóc thì nộp bằng tiền. Lãnh đạo đã nhất trí cho nộp cả bằng tiền rồi đó.  

Tôi đang định nói: "Đã không có thóc thì làm cóc gì có tiền", nhưng anh họ tôi đã dịu giọng:  

- Ở đội trên, hắn bắt cả anh Thiện, anh ruột tôi, mà tôi cũng phải điếc đi... "Mất mùa màng, lợi ích thứ ba của người lao động phải hy sinh cho lợi ích của nhà nước". Đồng chí bí thư tỉnh ủy đã chỉ thị thế, chú biết rồi đó.  

Lúc ấy ở trụ sở, công an, dân quân đã khuân về nào xe đạp, bàn ghế, tủ, chum vại, thùng tôn, lợn gà... để ngổn ngang ra tận ngõ. Tên chủ nhà thiếu thóc đề chữ bằng phấn trắng vào các đồ vật: Ông Ất, ông Do Khả, ông Hưng, ông Hồng, ông Khính (mẹ đẻ cô Hoa, mẹ vợ chú Được phó chủ nhiệm)... Mấy con bò bị bắt cột gần đó sợ đèn, sợ đám đông cứ lồng lên, chực bứt mũi. Chúng xoay vòng quanh, ngửa lên mặt kêu "hấp bồ", "hấp bồ"...  

Tôi loạng choạng đi về nhà, thấy người ta đang còn soi đèn tìm rất kỹ. Tôi nói:  

- Các người anh em soi tìm gì cho mất công. Nhà tôi xin khất đến mai, tìm cái bán chác, nộp tiền bằng đủ.  

Anh đầu tốp nháy nháy mắt ra hiệu.  

- Đêm nay là đêm nay! Mai chúng tôi mất thưởng ai chịu cho?  

- Bắt cái xe đạp ni, bay!  

Hai ba anh chạy lại. Tôi từ tốn ngăn họ:  

- Các đàn anh ơi! Tôi không làm ruộng sản mà. Đây là xe đạp nhà nước cấp cho tôi để tôi đi công tác. Các vị bắt cái này không được đâu.  

- Nếu chúng tôi cứ bắt thì sao?  

Tôi loáng nghĩ được một mẹo. Rút cái "thẻ hội viên Hội văn nghệ tỉnh" ra, tôi nói:  

- Tôi phản đối! Tôi là "nhà báo"! Tôi sẽ kiện lên tận ông Đồng.  

Nước cờ của tôi không ngờ lại có hiệu quả. Họ im lặng. Hẳn họ đã biết tên tôi dưới những bài đăng nào chăng.  

Chợt vị "hộ pháp" nhìn chằm chằm vào cỗ quan tài để dưới gầm bàn thờ, rồi đi lại, vừa gõ vừa hỏi:  

- Cái gì trong này, chị Lộc?  

Im lặng...  

- Cái gì trong này, chị nói mau?  

Vợ tôi ấp úng. Tôi muốn tắc thở.  

- Có cái gì đâu...  

Mấy vị hăm hở lại, đạp lật nghiêng một cái. Nắp văn thiên bung ra, lúa chảy rào rào. Cả toán reo lên như một hiệp đào vàng trúng vỉa:  

- A! Lúa! A lúa! Lúa! Anh em ơi. Ghê thật! Thế mà giả nghèo giả khổ.  

Mẹ tôi chống gậy vái dài:  

- Van các anh! Cắn rơm cắn cỏ tôi lạy các anh! Lúa của tôi. Đó là tạ lúa hai đứa con gái hắn mua góp lại cho, để hôm sau tôi chết, bà con thương mà chạy đến để ăn lưng cơm sốt.  

Thực ra là của hai bà chị trong đó mỗi người có mười cân thôi. Ba mươi chín cân tiêu chuẩn hai tháng vừa qua tôi lấy về, còn lại là hơn bốn mươi cân, vợ tôi đong để dành "hôm sau" cho bà.  

Bà cụ nói như rên rẩm:  

- Đã bảo xay phứa đi cho con nó ăn không nghe. Cứ bóp mồm bóp miệng, để dành làm chi. Sống chả thấy đâu nữa là!  

Một tay râu tóc lồm xồm hỏi:  

- Chị có gánh đi hay không thì bảo?  

Một tay khác tôi hơi quen mặt, đến trước vợ tôi lạy lia lịa:  

- Thôi em xin bà chị. Em đi làm ở đây thế này, nhưng lại có bọn khác đến chỗ em làm ác y hệt. Nhà em cũng thiếu mà. Chị không gánh, để cánh này bê cả hòm ra, chị phải chịu hai chục công là ít, chưa nói phạt tiền.  

Họ xúm vào khiêng bàn thờ ra, để lôi hòm lúa. Bất đồ hai thằng Học và Thức từ bếp tuôn lên, ôm lấy tay chân chư vị, van rối rít.  

- Cháu van các chú! Các chú đừng lấy lúa này đi. Lâu nay các cháu phải nhịn để dành bữa sau cúng cỗ bà, làm ma bà!  

- Buông ra đi! Ô hay, đồ con nít!  

Bà cụ loạng choạng đi lại, giơ gậy cản:  

- Các ông không thương trẻ, thì các ông thương lấy thân già, để lấy phúc đức cho con cháu.  

Vì họ đá vấp gậy, lại yếu như con căng cắc lột, bà cụ ngã chỏng queo như chiếc ghế đổ.  

- Ối Đảng ôi là Đảng ôi! Chính phủ ôi... Trông xuống mà coi...  

Tôi xốc mẹ lên giường, bịt mồm cụ lại:  

- Mẹ! Mẹ không được la như thế! Đây không phải Đảng! Đảng ta không làm thế. Đảng không chủ trương thế này!  

Tôi nói vậy và ngoặp hai hàm răng vào cổ tay mình để kìm giữ cái gì cứ chực tung ra. Hai vợ chồng xúc hết lúa ra thúng bì. Dặn thằng Học trông em, ngó bà, tôi cùng vợ hì hục gánh thóc ra trụ sở nộp...  

Đoạn cuối này tôi dành cho anh Quang.  

Lê Trung Quang ơi! Anh có thể giấu cái bi kịch của gia đình anh, nhưng tôi không còn có thể che giấu nỗi đau của nhân dân bất hạnh. Dù sự tiết lộ này có làm mất cái chức huyện ủy viên của anh, thì tôi cũng thấy cứ phải nói ra.  

Chuyện thật của nhà anh đây: lúa vay ăn còn nợ bảy tạ, con Lâm, thằng Sơn phải đi mò hến từng bữa, chị ấy nấu bánh đúc đi các làng đổi lúa. Anh mà nói ra, người ta cho là anh bêu riếu. Việc thật ở nhà tôi đêm 26 tháng 11 năm 1983, người ngoài cuộc hẳn cho là mình bịa. Cho đến nay, mỗi khi nghĩ đến, tôi cứ thảng thốt hỏi mình: "Cái đêm hôm ấy... đêm gì?".  

 

 

 

 

PHÙNG GIA LỘC

(cuối năm 1987).

Theo Báo Văn Nghệ

 

 

 

Theo Tuổi Trẻ Online

Thứ tư (thứ ba mới), 21/12/2005, 11:44 (GMT+7)

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=114622&ChannelID=89

 

 

 

__________________________________________________________________

 

2

 

HÀN VŨ HÙNG

nhà văn

 

 

 

 

 

 

Chuyện một lãng tử

 

Người sưu tuyển trân trọng đăng tải lại "Chuyện một lãng tử", một trong những truyện ngắn thuộc loại đầu tay của Hàn Vũ Hùng, với niềm thương tiếc về số phận tài hoa và quá ngắn ngủi của anh. Xin xem thêm thơ của Hàn Vũ Hùng cùng một vài nét về cuộc đời anh ở mục "Thơ của những người cùng thời". TXA.

Nhiều năm về trước tôi sống lang bạt kỳ hồ. Tôi muốn làm một lãng tử tự do mang cái mộng ước như ông Mácxim Goocky thời kiếm sống. Tôi tìm đến Sài Gòn với những hy vọng khá hoang đường, rồi lại từ bỏ Sài Gòn hoa lệ bay lên rừng Vĩnh An. Nơi đây những mảnh đời bầm dập đang cố trút sức lực mình để vật ngã rừng và biến rừng thành than. Cuộc sống ở đây lạ lùng và thú vị, tâm hồn lãng mạn của tôi bị kích thích mãnh liệt. Khi tôi xuất hiện, nhiều ánh mắt nhìn chọc vào tôi tò mò giễu cợt khiến tôi cảm thấy xấu hổ về dáng vẻ bảnh bao công tử bột của mình. Đây là một cộng đồng thập cẩm tứ xứ, toàn là thứ bất đắc chí, thất cơ lỡ vận, chán đời hay bị đời xua đuổi và cả những kẻ chạy trốn đời. Ngay tối đầu tiên tôi đã dự một cuộc nhậu kinh thiên động địa gồm toàn những "cao thủ chân giày", họ là thợ cưa, thợ lò, đánh xe bò, làm thuê, gọi chung là dân làm than hay dân rừng. Tôi say chết dừ nhưng vui khôn tả. Trong đám dân rừng ấy tôi chú ý và ưa thích anh thanh niên vạm vỡ da ngăm đen, gương mặt kiểu găngxtơ, mái tóc rậm tài tử. Anh vui vẻ hòa nhã, từng lời ăn tiếng nói đến hành vi tỏ ra là một quân tử mã thượng có học thức, rất đáng mến, tuy vậy ở anh vẫn có một uy lực gì đó làm người khác phải gờm sợ. Chính anh ngăn không cho tôi uống thêm và dìu tôi về ngủ ở lều anh. Chúng tôi thân nhau nhanh chóng, thường giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc nhậu nào cũng có nhau.

Có một người bạn như anh tôi yên tâm lắm. Ở đây có khá nhiều người có học thức cao và có đời sống ôn hòa bình yên nhưng người ta vẫn không quên sử dụng luật rừng khi cần thiết, vì cũng có không ít những tên lưu manh. Tôi nghe kể rằng, từ ngày có anh ở xóm bằng lặng này chuyện xung đột đâm chém không còn nữa, thanh niên uống rượu say không còn cà chớn quậy phá. Mọi người sống thân ái giúp đỡ nhau, chí thú làm ăn.

Chỉ ít lâu sau, tôi nghe kể anh là du đãng khét tiếng ở Sài Gòn bị truy nã trốn lên đây ẩn thân. Có vài giai thoại kinh người. Tôi không tin. Anh rất nhẫn nại làm ăn, không từ một công việc nặng nhọc nào miễn có tiền. Anh sống hiền hòa trầm lặng, buổi tối dành độ một hai giờ viết nhật ký cũng như tôi viết văn làm thơ vậy. Anh thích đọc, vớ phải cuốn sách hay mảnh báo nào là đọc ngấu nghiến. Chỉ khi anh làm việc mới biểu lộ một sức lực phi thường thô bạo và có những cử chỉ hung dữ.

Một buổi chiều tôi cưa củi về sớm thấy anh nằm bên gốc cây bằng lăng hút thuốc vẻ suy tư. Tôi thường gọi đùa anh là "Triết gia" cũng vì cái vẻ suy tư đắm đuối thường trực của anh.

- Uống rượu nha Hùng? Anh nói.

Chúng tôi tìm một chỗ kín đáo bên bờ sông uống rượu tay đôi. Lần đầu tiên anh kể tôi nghe chuyện riêng tư của anh.

Ngày mai anh về Sài Gòn gặp một người con gái.

 

 

 

 

° ° °

 

 

Anh thấy nàng lần đầu tại đám cưới một người quen. Nàng không kiều diễm kiêu sa, nhưng lập tức anh si mê nàng. Ở người con gái xinh tươi duyên dáng, thông minh và đằm thắm kia có một mãnh lực gì đó khiến anh cảm thấy một chấn động rung chuyển tâm hồn mình. Ánh mắt, nụ cười, giọng nói và dáng đi lạ lùng như một cô gái Nhật của nàng làm anh xao xuyến say mê. Anh đã từng quan hệ gần gũi rất nhiều cô gái xinh đẹp hơn, hấp dẫn hơn nhưng chưa bao giờ anh có cảm xúc kỳ lạ như đối với nàng.

"Mình chưa bao giờ yêu ai cả, với đàn bà mình chỉ việc chiếm đoạt và hành hạ. Mình không hề thương nhớ một ai. Chỉ có nàng là mình thấy khác, ra về mình cứ bị ám ảnh, cứ thèm nhớ da diết. Muốn được nói với nàng những lời thật dịu dàng, thật tha thiết... Nàng phải thuộc về anh! Ý nghĩ ấy bám chặt vào anh, kẻ luôn luôn đi chiếm đoạt, tên tướng cướp tham lam và tàn nhẫn. Nhưng lần đầu tiên tên tướng cướp đã ngại ngần rụt rè không dám tiến đến tiếp cận với nàng. Nàng có vẻ cao vời hoặc là quá hư ảo. May lúc đó không có gã trai nào đưa đón hay tán tỉnh nàng, anh sẽ choảng cho hắn một trận nhớ đời. Sau đó anh biết nàng là sinh viên khoa ngữ văn trường đại học tổng hợp. Chưa có người yêu. Cha nàng là giáo sư dạy ở trường y dược. Má nàng là bác sĩ, vốn là một hoa khôi nổi tiếng, con của một gia đình thượng lưu danh giá. Anh em nhà nàng đều là trí thức cao cấp. Cái lý lịch vàng son ấy khiến anh nhụt chí, tự thấy mình chỉ là tên khố rách áo ôm hèn hạ. Xem ra nàng còn danh giá hơn má nàng hồi xưa.

Song hình ảnh nàng thiêu đốt anh. Ngày nào anh cũng lượn xe máy bám sát nhà nàng lẫn trường đại học. Anh ăn diện như một công tử thượng lưu đứng đắn, đẹp như một tài tử điện ảnh, phong độ hào hoa, lì như găngxtơ, không quên mặc áo tay dài để che lấp những hình xăm quái gở trên hai cánh tay và cạo râu nhẵn nhụi.

Ban đầu nàng sợ hãi, sau đó lạnh lùng khinh bỉ, không tiếp cận những lời đường mật ve vãn của anh. Đến khi nàng đi đâu cũng có một nhóm bạn hộ tống thì anh thất vọng, giận dữ. Nàng biết rõ tung tích anh, đó mới là điều tệ hại nhất. Trận đấu này anh đã bị tổn thương nặng nề và anh không có "cướp bóc gì được" - "Mình cảm thấy nhục nhã chưa từng thấy. Có khi mình muốn bảo bọn đàn em đón đánh tụi bạn nàng một trận cho hả giận, thậm chí mình đã có ý nghĩ bảo một thằng đâm xe vào nàng cho nàng phải tàn tật. Mình trừng phạt nàng bằng đủ trò trong tưởng tượng. Rốt cuộc mình thực hiện thủ đoạn...". Anh quả thật là một tên du đãng khét tiếng. Anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với người chú ruột. Học đến lớp 9, bỏ học, đi bụi đời, tuyệt giao với người chú bủn xỉn tàn nhẫn. Anh cầm đầu một băng bụi đời chuyên đi quấy phá trộm cướp. Ỷ có võ thuật và sức khỏe, lại oán hờn cuộc đời, anh thường xuyên gây sự đánh nhau với thiên hạ. Trừ giết người còn không có chuyện gì anh không dám làm. Bị tù hai đợt 7 năm, ra tù anh sống nay quận này mai quận khác, tổ chức đàn em dùng xe máy đi trấn lột, bề ngoài thì ăn chơi như một công tử thời thượng. Các nhà hàng sang trọng, các tụ điểm ăn chơi, các động điếm đều nhẵn mặt anh: Anh còn nổi tiếng tay chim gái thượng thặng. Đẹp trai, hào phóng, phong độ găngxtơ, lại chơi ghita hay, anh quyến rũ nhiều hạng đàn bà con gái, đã làm tan nát bao nhiêu đời hoa trong trắng. Anh sống cuộc đời phóng đãng như thế với một niềm kiêu hãnh đồi bại. Có vẻ như anh muốn chiếm đoạt cả thế gian. Chiếm đoạt để tàn phá. Cái gì không chiếm đoạt được bằng tài nghệ, bằng dụ dỗ khôn khéo, anh sẽ chiếm đoạt bằng bạo lực hay bất kỳ thủ đoạn nào. Càng chiếm đoạt được anh càng cảm thấy cô đơn, càng thèm khát. Nỗi cô đơn thiêu đốt anh sau mỗi cuộc chơi thắng lợi. Trong anh tràn ngập một dục vọng điên cuồng, tăm tối. Cho đến khi gặp nàng, anh choáng váng cảm thấy va phải bức tường định mệnh.

Rốt cuộc nàng bị bắt cóc đưa về một căn nhà ở Bình Triệu. Anh ra lệnh trói nàng nằm giữa giường rồi bảo đàn em biến đi.

- Tôi đã bảo em rồi, tôi sẽ chiếm được em!

- Anh là thằng hèn! Một thằng tiểu nhân! - Cô gái khóc lóc, la lối. Nỗi sợ hãi làm mặt nàng tái xanh.

- Tôi là thằng quỷ sứ, nếu em muốn gọi vậy. Nhưng đêm nay em phải làm tình với thằng quỷ sứ này. Tôi sẽ thức hết đêm nay để yêu em, yêu đến kiệt cùng sức lực tôi, yêu cho đủ cả đoạn đời còn lại của tôi. Ngày mai tôi bị xử bắn cũng vui lòng. Đời tôi chết cũng vừa. Còn em sẽ sống để nhớ tôi suốt đời, cho dù nhớ để căm thù. Hừ, chưa chắc em đã căm thù! Rồi em sẽ thấy.

Tên tướng cướp đưa những ngón tay điệu nghệ mân mê đầu gối nàng, vuốt ve những ngón chân, những ngón chân mảnh dẻ trắng muốt, rồi cúi xuống hôn lên từng ngón.

- Đồ khốn khiếp! Đồ dâm đãng! Đồ súc vật! Nàng vùng vẫy la hét, nỗi căm phẫn làm mặt nàng đỏ ửng lên.

- Em có thể chửi tôi là đồ sâu bọ, nếu em muốn. Nhưng đêm nay con giòi bọ khổng lồ này sẽ ngấu nghiến, sẽ bò lên khắp thân thể ngọc ngà của em, không chừa một mẩu da nào! Lỗi tại em cả, tại sao em khinh bỉ tôi, em không yêu tôi? Tôi có thể làm tất cả những gì em muốn, để em hạnh phúc. Tôi yêu em, chưa từng yêu ai ngoài em. Tôi sẵn sàng chết đi trăm lần với trăm thứ nhục hình để được em yêu. Sau đêm nay sống tận cùng xương tủy với em, tôi có thể bị tù hoặc tôi ra đi. Em cứ căm thù, cứ nguyền rủa - giọng anh say đắm ngọt ngào, thành khẩn bỗng trở nên giận dữ thô bạo: - Nhưng em bây giờ đang thuộc về tôi, tôi có thể làm gì tùy thích, thậm chí có thể giết em nếu tôi hứng. Ha ha, em phải biết rằng chưa có một con đàn bà nào dám kiêu kỳ với Cường râu này mà không phải trả giá!

Anh điên cuồng lột quần áo cô gái. Nàng khóc rống lên. Anh cười khoái trá và nhại tiếng khóc như trẻ con của nàng.

- Đồ hèn hạ! Đồ súc vật! Nàng nhổ nước bọt vào mặt anh.

- Nhưng đồ súc vật này rất yêu em!

Anh lột quần áo mình luôn, đứng sát bên mặt nàng. Một tên bạo chúa đứng trước một bại tướng tù binh, khoái trá với niềm lạc thú sắp hưởng thụ. Anh như kẻ háu đói đứng trước bàn tiệc thịnh soạn. Cố kiềm chế mình, phải chén từ tốn, nhâm nhi mới khoái lạc cao nhất, trong khi nàng cay đắng tủi nhục cùng cực nhắm tịt mắt, cố vùng vẫy thoát khỏi những vòng dây. Nước mắt nàng tuôn ra ướt đẫm gối. Tấm thân nàng đẫm mồ hôi. Tên tướng cướp không một chút sờn lòng, còn cố làm cho nàng phải mở mắt và vừa thì thầm bên tai nàng những lời ngọt ngào dung tục, vừa cầm khăn mùi xoa lau mồ hôi trên tấm thân nàng nhẹ nhàng tỉ mỉ như lau một đồ vật có giá trị, đúng hơn là như lau bát đũa trước khi đánh chén. Nàng không ngớt nhổ nước bọt. Tội nghiệp, vốn ngôn ngữ chửi mắng của nàng quá hạn chế, cho dù là một sinh viên ngữ văn!

- Tôi sẽ giết anh! Nhất định tôi sẽ giết anh! Đồ sâu bọ! Nàng nghiến răng, nằm yên không còn nức nở nữa. Có lẽ nỗi tuyệt vọng và căm thù ngùn ngụt trong lòng nàng.

- Em cứ việc giết anh, nhưng nhớ rằng anh yêu em! Và nhớ rằng em là vợ anh trong đêm tân hôn kỳ thú này! Gã Đông Gioăng và tên tướng cướp cùng cất lên một điệu cười của loài đười ươi.

"Mình leo lên giường ôm lấy nàng. Giây phút ấy mình tưởng như thế gian không còn ai ngoài hai đứa. Như một con thú háu đói..."

Tôi nhìn Cường khó hình dung anh là con thú háu đói. Ánh mắt anh đằm thắm dịu dàng, phong thái khoan hòa tự trọng. Anh nổi tiếng là một con người can đảm, tử tế hiền lành và là vô địch vật tay; các cô gái ở căng tin lâm trường khoái anh hết cỡ, sẵn sàng ngủ với anh nếu anh muốn, nhưng anh tránh né họ. Có lần đang nhậu, một người rủ tôi và anh đi chơi hoang. Có một ả từ Sài Gòn lên chịu chơi hết "đất", trên chân cô ả xăm một bầy chuột nối đuôi nhau chạy từ dưới lên đến bụng.

Mới nghe tôi đã ớn lạnh. Cường cũng từ chối. Khi ra về anh bảo với tôi: "Mình không muốn chơi kiểu đó. Từ ngày lên đây mình chưa hề ngủ với cô gái nào. Phải tập nín Hùng ạ, rồi cũng quen đi". Tôi là một gã trai tân, biết điều này anh quý tôi lắm, đùa rằng giá như anh có thể đổi được cái trong trắng của tôi để anh tặng cho một người con gái anh tôn thờ..."

- Đồ sâu bọ! Anh có dừng lại không? Nàng hét bằng giọng khản đặc căm giận vào tai anh. Anh sững lại như một luồng điện phóng qua người.

- Anh đừng tưởng rằng dùng bạo lực anh có thể chiếm được tình yêu của tôi. Anh có thể chiếm được thân xác này, nhưng chỉ là cái anh chiếm được ở những con điếm. Tôi không bao giờ thuộc về anh cả, không bao giờ! Ngày mai tôi sẽ tìm giết anh, tôi giết anh như giết một con sâu bọ bẩn thỉu, không cần pháp luật.

Một nỗi hổ thẹn nóng buốt mặt ào đến như cơn bão và hình như có cả niềm yêu thương vụt xô đến như sóng trào, khiến anh bừng tỉnh. Anh mặc quần áo lại cho nàng rồi quỳ sụp xuống bên giường.

- Tôi là thằng du đãng hèn hạ. Tôi là thứ sâu bọ, là đồ súc vật. Còn em thật cao quý, thật can đảm. Chỉ vì tôi vô cùng yêu em, tôi yêu em hơn cả má tôi nếu má tôi còn sống. Má tôi cũng cao quý, cũng can đảm và cũng đẹp như em vậy. Rồi tôi sẽ cố xứng đáng với em, tôi sẽ khác đi, có giá trị hơn, rồi em sẽ thấy. Tôi sẽ đưa em về nhà, từ đây tôi sẽ làm người bảo vệ em suốt đời. Chỉ xin em một ân huệ là em đừng xa lánh tôi. Tôi là một kẻ điên cuồng, đã làm bao điều ngu xuẩn tội lỗi, chính em sẽ cứu vớt tôi.

Anh cởi dây trói, pha cho nàng ly sữa nóng rồi kể chuyện về cuộc đời mình - Nàng im lặng lạnh lùng với vẻ mặt oán hờn.

" - Mình sung sướng khi nghĩ rằng nàng hẳn sẽ biết ơn mình. Từ hôm sau mình trở thành con người khác. Bọn đàn em không có mình nên không dám đi ăn cướp nữa. Mình bán dần những thứ mình có để tiêu trong khi chờ tìm một công việc gì đó kiếm sống. Sống trở thành nỗi đam mê; đó là mình bí mật bám sát nàng, có khi ngồi trong quán cà phê hàng giờ để chờ nàng đi ngang. Ba lần áp sát mời nàng đi chơi đều bị từ chối, nàng có vẻ bối rối trò chuyện với vẻ lịch sự hững hờ. Mình chỉ muốn chết quách đi cho xong.

Tôi nhìn anh cảm thấy thương hại. Anh được tạo hóa dày công tạo nên với nhiều ưu đãi như thế, mà lại vơ lấy một số phận quá ư rẻ tiền. Chẳng biết ai đã lầm lẫn. Chiều đã tan, sự yên tĩnh bao trùm khắp mặt sông đang sẫm dần, một sự yên tĩnh cồn cào làm lòng ta chợt rung lên nhè nhẹ bởi niềm thương nhớ và phiền muộn về sự biến chuyển vô thường của cuộc đời, về sự lầm lẫn của mỗi đời người, và con người tồn tại dường như để sửa chữa những lầm lẫn hầu đạt một sự viên mãn nào đó. Ở tôi cũng có một sự lầm lẫn, lẽ ra là một sinh viên y khoa, tôi lại là thằng làm than vớ vẩn giờ đây ngồi bên dòng sông La Ngà giữa chốn rừng rú uống rượu khề khà với một gã găngxtơ khét tiếng và nghe gã kể chuyện tình quá ư trung cổ với một nàng sinh viên xinh đẹp thuộc nòi thượng lưu quý phái. Hay là chẳng có một sự lầm lẫn nào cả?

- Thế rồi khi cạn túi mình đi bửa củi thuê cho một tổ hợp chất đốt. Phải nói là lột xác đấy! Cho đến bây giờ mình vẫn luôn luôn ngạc nhiên về mình.

Anh nghĩ ra thủ đoạn viết nhật ký. Hằng ngày anh nạo vét tâm tư mình phơi bày trên trang giấy. Một tháng sau anh gởi cho nàng và viết quyển khác. Anh lại gởi cuốn thứ hai, sau đó nhận thấy nàng có thái độ cởi mở thân thiện với anh hơn. Nàng thôi dè dặt nghi kỵ anh. Anh gởi cuốn thứ ba kèm một lời mời đi chơi. Nàng chấp nhận. Hai người đi xem ca nhạc rồi đi ăn hủ tiếu như đôi bạn thân thiết.

Một hôm anh đánh bạo ngỏ lời đính hôn với nàng. Nàng trố mắt ngạc nhiên rồi cười phá lên:

- Anh thật là một tay lãng mạn và ngông cuồng vĩ đại! Em nể anh đấy! Anh muốn làm một cú "xì căng đan" phải không? Anh tưởng gia đình em không tán loạn và phát điên lên vì có một chàng rể như anh à? Hay thật, một ý tưởng vĩ đại và đẹp làm sao!

Anh bối rối và đau nhói trong tim.

- Em không chế giễu anh đâu. Em ca ngợi anh đấy chứ. Biết được chắc ba má em xỉu mất!

- Em hãy nói đi, em có chịu làm vợ anh không? Em có yêu anh chút nào không? Một chút cũng được!

- Yêu-một-chút để làm cái gì! - Nàng cười to - Anh tưởng lấy con gái cưng của một vị giáo sư đáng kính như ba em dễ lắm à? Cho dù cô ả có mê tít anh đi nữa! Anh là gì nào? Một chàng tiến sĩ vừa ở ngoại quốc về chắc? Hay một bác sĩ lừng danh? Và anh có gì nào? Một biệt thự tuyệt đẹp? Một địa vị cao sang? Hay một bộ đồ nữ trang thứ thiệt tặng cho ái nữ của họ sắp lấy cái bằng cử nhân văn chương? Hay là anh có một bầy lâu la đệ tử sẵn sàng hầu hạ cô ả suốt đời và có thể quậy phá cướp bóc thiên hạ để mua vui cho cô ả?

- Em im đi! Em đừng xúc phạm anh quá đáng - Anh nổi nóng, vừa xấu hổ vừa cay đắng bất mãn.

- Thế thì anh là cái gì? Anh nói đi!

Anh cúi đầu, máu sôi trong từng thớ não, u mê như say rượu. Nàng quá phũ phàng. Anh muốn chửi rủa nàng một câu thiệt tục.

- Anh sẽ vượt biên - Anh buột miệng.

Nàng im lặng một lúc rồi nói khẽ, giọng ẩn chứa một sức nặng khó hiểu:

- Rốt cuộc anh vẫn là thằng hèn!

Suốt một tháng hai người không gặp nhau. Một buổi chiều anh chặn nàng ngay trước nhà. Nàng có vẻ vui mừng. Anh nhận thấy nước da nàng hơi xanh xao, vài nốt mụn nhỏ trên má.

- Anh nghĩ là anh có thể xin cưới em mà không đến nỗi xấu hổ với gia đình em - Anh chìa ra một túi vàng lá - Tụi mình sẽ có một cuộc sống đàng hoàng và anh sẽ làm được những gì em muốn.

- Anh làm gì có số vàng này? - Nàng nhìn anh nghi ngờ.

Vòng vo một hồi, bị nàng bắt bẻ, rốt cuộc anh thú nhận rằng anh đã lột của những người vượt biên. Anh cố giải thích rằng làm thế chỉ vì muốn cưới nàng, đây là cú ăn cướp cuối cùng, sau đó anh sẽ làm một người danh giá để xứng đáng với nàng.

- Trời ơi, sao mà tôi muốn giết anh quá! - Nàng giận dữ nhìn anh như sắp phun nước bọt - Anh có biết quá khứ phóng đãng của anh đã dày vò tôi khổ sở như thế nào không? Tôi hy vọng anh sẽ thay đổi thành người quân tử, thế mà anh vẫn còn là thằng ăn cướp mạt hạng. Thế anh tưởng tôi là con điên đồng đảng với anh à? Tôi yêu anh, bây giờ tôi chẳng giấu gì chuyện đó, tôi sẵn sàng... Trời ơi, anh chỉ làm tôi thêm nhục nhã! Anh cút đi, anh đừng gặp mặt tôi nữa!

- Có thật là em yêu anh chứ? Thật chứ? Bây giờ anh phải làm gì em nói đi, anh là nô lệ của em.

Lúc đó nếu nàng bảo nhảy vào lửa chắc mình làm ngay. Bảo tự chặt tay mình cũng làm. Mình sướng điên lên Hùng ạ, đến nỗi mình muốn được khóc thật đấy. Nhưng nhìn ánh mắt nàng mình cảm thấy lo sợ.

- Tôi không muốn thấy cái túi vàng dơ bẩn đó, anh vứt đi. Tôi cũng không muốn đi nuôi một thằng tù!

- Nhưng dù sao cũng lỡ rồi - Anh trân trối nhìn nàng - Đây là cả một sự nghiệp... Anh thề...

- Tôi và túi vàng, anh muốn lấy cái gì? Nói đi!

Anh rùng mình.

- Mình cảm thấy đây là giây phút định mệnh, một định mệnh khắt khe. Sau này mỗi khi nhớ lại giây phút ấy mình vẫn hồi hộp ớn lạnh. Hùng sẽ làm gì khi đó?

- Hẹn vài ngày suy nghĩ.

- Vậy là nàng cho "nốc ao" liền. Chỉ cần mình tranh cãi thôi hay tỏ ra quá do dự là mình mất nàng vĩnh viễn. Sau này nàng đã thổ lộ vậy. May sao...

... Cường vụt ném túi vàng cho một người hành khất tàn tật. Ánh mắt nàng ngời lên vẻ xúc động mãnh liệt.

- Anh thật tuyệt vời! Anh có thể đưa em đi đến chỗ nào mà anh muốn - Nàng cười rạng rỡ, sờ tay âu yếm lên mặt anh - Hay là trở lại cái căn phòng hôm trước đi.

- Em muốn như vậy thật hả cưng?

- Vâng. Anh sẽ lại trói em và nói những lời hung bạo điên rồ ấy chứ? - Nàng chế nhạo anh.

Họ đính hôn với nhau. Anh tạm biệt nàng lên rừng. Anh sẽ cưới nàng chừng nào nàng tốt nghiệp và anh có thừa tiền tổ chức một đám cưới đàng hoàng ở nhà hàng. Nếu gia đình nàng phản đối anh sẽ thuê một căn hộ và đưa nàng đến ở. Chuyện anh bị truy nã là tin vịt, mặc dù người ta luôn có lý do để bắt anh. Anh làm việc như điên. Ban đầu đi làm thuê những công việc nặng nhọc như bốc vác củi, than, đắp lò, ra than, cưa củi đun, cả những việc linh tinh, miễn có tiền. Ở đây miễn có sức lực và chịu khó là kiếm nhiều tiền. Thời gian đầu anh bị các cuộc nhậu "lột" hết, không dành dụm được.

Anh tự đắp một lò than nhỏ sức chứa bảy tạ nhưng vẫn làm thuê cho các chủ lò khác. Sức làm việc của anh thật phi thường, ngoài những lúc làm thuê, anh còn dư sức làm giúp cho hàng xóm.

Bây giờ nhìn anh khó tưởng tượng nổi anh đã từng là một tay ăn chơi thượng thặng của Sài Gòn.

 

 

 

 

° ° °

 

 

Anh về thành phố, nhờ tôi trông coi cái lò. Hai hôm sau anh lên, vui tươi khác thường. Anh khoe với tôi những thứ gạo, cá khô, mỡ, đường, thuốc lá đều do nàng đi chợ mua. Nàng còn gửi lên một mớ sách văn học cho chúng tôi đọc, vì anh khoe với nàng có một người bạn ít tuổi là nhà thơ cùng làm than. Nàng thích lắm. Muốn làm quen với "nhà thơ". Lần đầu tiên tôi thấy anh vui nhộn tíu tít như thế. Tôi hơi ngượng về sự tự hào của anh đối với tôi. Mới 21 tuổi tập tành viết văn, vô danh tiểu tốt, tôi có là quái gì so với con người từng trải như anh và nàng sinh viên văn khoa xinh đẹp của anh. Tôi muốn nhanh chóng trở thành nhà văn tên tuổi để xứng với niềm tự hào của anh.

Chúng tôi sống với nhau chừng năm rưỡi. Anh có hai lò than và sắm được cưa máy, một dụng cụ hái tiền rất ngon lành. Bản tính tài tử, làm ăn theo cảm hứng, tiêu xài vô lối, tôi bị phá sản, hơn nữa, bị mất cắp một vố đậm, tôi bỏ rừng về. Mục đích lên rừng của tôi không phải kiếm tiền như Cường, đấy chỉ là một cuộc chơi như những cuộc chơi về trước và sau này. Tôi không tìm kiếm mà là sống. Cũng như Cường đã Sống đoạn đời du đãng mà chẳng tìm kiếm cái gì cả. Cái thực sự đáng cho ta tìm kiếm một ngày kia sẽ biểu lộ trong khi ta Sống với tất cả tiềm năng của mình, đến với ta như thể ta chủ tâm tìm kiếm vậy. Sự lóe sáng của định mệnh không là gì khác, chính là sự lóe sáng của tim não.

Rừng Vĩnh An nghe nói đã thành lòng hồ Trị An. Đời người chắc cũng dâu bể. Không biết họ đã thế nào. Ôi, bao nhiêu năm tháng đã trôi qua. Không biết bây giờ họ ở đâu? Nhưng tôi rất tin họ bù đắp và làm cho nhau hoàn chỉnh. Tình yêu đích thực nâng họ lớn lên. Mỗi khi nhìn thấy những cục than hầm đỏ rực, tôi lại nhớ đến Cường và thấy từ ngày có Thủy đời anh đã phát sáng.

 

 

HÀN VŨ HÙNG

 

 

Nguồn:

+++  Diễn đàn THỜI ÁO TRẮNG

+++  Bản PDF:

http://tieulun.hopto.org:25000/index2_get.php?cat1=TacGia_SansAccents&cat2=HanVuHung

+++  Bản tiếng Pháp:

http://www.vietoonet.com/modules.php?name=Content&pa=showpage&pid=38

 

 

( xem tiếp văn của những người cùng thời -- trang 2 )

http://c.1asphost.com/TrXuanAn/an/trangcnncthoi/trangcnncthoi_van_tr2.htm

 

 

Quay về trang chủ của tuyển tập:

http://www.tranxuanan-trangcnncthoi.blogspot.com

 

 

 

CÁC TÁC GIẢ CÙNG THỜI TỰ GIỮ BẢN QUYỀN

All rights reserved for every author oneself

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Ngày khai trương

trang này:

12 - 3 HB6 ( 2006 )

Cập nhật 12/19/06 

(tháng / ngày / năm)                                                                                                     

                                                                                                                                Trở về trang chủ

(Web. Trần Xuân An)

http://www.tranxuanan-writer.blogspot.com

(Web. Tác phẩm Trần Xuân An) 

                                                                                                      Nobody have permission for editting this document.

 

 

 

_________________________________________________________________________________________________

Trở về

trang bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

 

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-1.htm

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

 

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

Ngày đưa trang này lên mạng liên thông: