s. Bài 19a-Tl.2 - Trần Xuân An - Khúc khuỷu đường về Tổ quốc (kì 1)

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

Trần Xuân An

KHÚC KHUỶU ĐƯỜNG VỀ TỔ QUỐC 

(khởi viết từ 15 giờ, ngày 06-11 HB7)

 

1

Anh Nguyễn Văn Hoá gọi điện thoại cho tôi. Như những người đang chịu đựng một nỗi đau tang chế lớn nhất của con người, tôi phân vân đến mức chậm chạp, và rồi cũng đồng ý sẽ đến nơi anh đang tạm ở trong những ngày anh về nước, tính toán, sắp đặt để hồi hương. 

Tôi nhận ra anh đang ngồi đọc báo để chờ tôi đến, bên trong căn nhà có một phòng khách khá rộng. Anh vẫn như hôm mới đây lần đầu tôi được gặp, khi anh cùng anh Minh Mẫn đến thắp nhang trước linh cữu mẹ tôi. Đó là một người đàn ông trên 50 tuổi, to cao, với những nét tròn trên gương mặt và hàm râu mép dày gần bạc trắng. Vầng trán anh cũng tròn và rộng, nét rộng của tuổi bắt đầu thưa tóc. Anh Hoá vẫn không giấu được vẻ trí thức mặc dù cách ăn mặc của anh không đạo mạo, tuy vẫn rất lịch sự.

 

 

Gặp anh Hoá lần thứ ba, sau dăm phút trang nghiêm, ngắn ngủi ở tang lễ và thoáng thấy anh thêm một lần hôm đưa tiễn linh cữu mẹ tôi đến nơi yên nghỉ ở một nghĩa trang xa trung tâm thành phố, thật sự là đã chuyện trò với nhau nhiều đâu, nhưng giữa tôi với anh hầu như đã hiểu nhau khá nhiều, qua gần ba năm trời trao đổi điện thư, đọc tác phẩm, bài báo của nhau. Tôi gặp anh như gặp một người bạn cố tri lớn hơn tôi dăm bảy tuổi. Do đó, tôi chở anh trên xe máy, vẫn chuyện trò như thể chúng tôi đang tiếp tục chuyện trò qua điện thư.

– Tìm một nơi nào lót dạ buổi sáng nghe anh? – Tôi mời anh.

– Rứa thì đến chỗ có bún bò Huế. 

Tôi mỉm cười, hiểu anh vẫn rất nhớ Huế mặc dù anh mới từ Huế vào sau năm hôm về thăm quê nhà nội ngoại ngoài ấy.

Vượt qua mấy quãng đường Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Sĩ, tôi đưa anh đến quán “O Hè” để nhớ bún bò “Mụ Rớt” nổi danh mấy chục năm trời ở Huế.

Tôi lại mỉm cười khi thấy cô thu ngân kiêm quản lí quán không Huế chút nào với bộ ngực đồ sộ “khoe của” bằng cổ áo trễ rộng. Nhưng bún bò vẫn rất Huế với vị ruốc thổ ngơi, đặc sản, cho dù đã hơi ngòn ngọt vị Sài Gòn.

Chúng tôi tiếp tục cuộc chuyện trò thân thiết từ gần ba năm trời qua.

– Anh về nước đã ba lần, ‘’01, ‘’03 và ‘’07, lần này, anh có cảm tưởng ra răng?

– Thấy đã khá lên nhiều về nhiều mặt, nhưng hình như phát triển lộn xộn như xe cộ trên đường phố. Có thể vì rứa nên “tai nạn” hơi nhiều.

– Thấy như vậy, anh vẫn quyết định hồi hương thật à?

– Thật chứ. Trong những tháng gần đây, mình rất sốt ruột, nóng lòng về chuyện hồi hương. Lần này, như đã “i meo” (e-mails) cho bạn, mình quyết phải mua nhà đất, và trước mắt là mua tạm một chiếc xe máy để đi lo việc giấy tờ, thủ tục. – Anh Hoá nói, trong giọng nói của anh đậm niềm thiết tha, nhưng hình như tôi còn nghe thấy nỗi “Việt kiều hồi hộp” nào đó, đúng như cụm từ cách đây dễ chừng đã trên 15 năm bỗng lan truyền trong những câu chuyện thường ngày ở nhiều nơi chốn khác nhau trong xã hội. – Thật tâm là rất muốn hồi hương, để làm kinh tế với mục đích phụ, mục đích chính vẫn là điều mình bao năm đeo đuổi, đó là báo chí, văn nghệ.

Tôi nói lại điều đã viết trong điện thư gửi anh:

– Anh cứ về đây vài tháng rồi hiểu hết tình hình. Bấy giờ quyết định vẫn chưa muộn. Văn nghệ, báo chí! Không dễ chút nào đâu anh.

– Mình tin chắc thế nào xã hội nước mình cũng phải đi đến chỗ hội nhập và tự do.

Tôi như thể đang cắn phải một lát ớt cay lẫn trong những sợi bún:

– Tự do? Anh nhầm rồi, nếu anh lạc quan quá đáng. Tôi không khủng bố tinh thần anh chút nào, nhưng anh Nguyễn Phú Yên bảo anh rằng tôi thuộc loại người sung sướng, vì không phải làm gì ngoài việc nghiên cứu, sáng tác, thì không đúng, vì chỉ đúng một nửa. Thật ra, như vậy là có điều kiện về thời gian nhưng thực chất là vẫn bị cô lập. Anh quá biết những Trần Đức Thảo, những Phùng Quán, Trần Dần quá thừa quỹ thời gian đến mức “phung phí” vào việc câu cá chờ thời chẳng hạn, nhắm lấp đầy cô đơn, ghẻ lạnh, bởi xã hội nước mình còn nặng tính chất “đàn cừu”. “Đàn cừu”, anh biết đó, con đầu đàn nhảy xuống vực, cả đàn nhắm mắt nhảy theo, con đầu đàn ra sức leo núi, cả đàn cũng ra sức leo núi, không cần biết dưới vực ấy, trên núi ấy có cỏ ngọt hay chỉ toàn đá sỏi... Và có lẽ con đầu đàn ghét chú cừu nào trong đàn thì cả đàn cũng ghẻ lạnh theo, không cần biết nguyên nhân... Mỗi con cừu đều lo sợ đến lượt nó bị ghẻ lạnh như vậy.

– Mình biết... – Anh Hoá nói, và tiếp theo là im lặng, với cái nhìn đưa quanh, dò xét, cảnh giác.

– Một người bạn của tôi, Lê Phước Sinh. Sinh đã đưa tôi xem một bài báo của Thanh Thảo viết về một chuyện ngụ ngôn. Tôi kể lại để anh nghe: Có hai con chim bị bắt nhốt vào lồng. Tuy không phải lồng son (tôi cứ cho là lồng làm bằng dây kẽm gai), nhưng riết rồi, hai con chim vốn khát vọng trời xanh tới mức vùng quẫy đến chảy máu, rụng lông đầu và cánh, chúng cũng phải quen dần, quen dần, rồi yên phận. Đến khi người giam hãm nó mở cửa lồng, cả hai con chim đều không buồn bay, thậm chí chúng còn mến cả người đã giam hãm nó. Nghe huýt sáo, chúng bay đến đậu trên tay y một cách trìu mến. Con người mình cũng bị “điều kiện hoá” đến mụ mẫm như rứa đó.

Anh Hoá im lặng. Tôi thấy gương mặt anh như những gương mặt nào đó thuở những năm trăn trở nhất của nước mình, sau làn khói thuốc lá. Tôi nghĩ anh mới chân ướt chân ráo về nước, anh đang kìm lòng để không bày tỏ một thái độ nào.

– Anh thấy anh em mình nên tìm đến một quán cà phê vắng khách nào đó không?

Anh Hoá gật đầu, gương mặt tươi tỉnh lên một chút, như nhẹ bớt khối nặng cảnh giác.

Ra khỏi quán, móc ví lấy thẻ gửi xe, tôi vừa đạp cần khởi động máy, vừa nói:

– Văn nghệ, báo chí như rứa và nỗi sợ liên luỵ cùng tâm lí thiếu đầu óc tự chủ của “đàn cừu”, đến bao giờ mới có tự do, tự chủ và bình đẳng. – Tôi hiểu mình đang nói quá gọn, quá tắt đến mức như thể thiếu lô-gích.

Tôi đèo anh vượt hết đường Lê Văn Sĩ, qua Trần Quốc Thảo, chạy một quãng dài và quẹo phải, ghé vào một quán cà phê thường là vắng khách, vì giá cả khá cao, mức giá trội lên để trả cho sự yên tĩnh, ít khách, vẻ lịch sự của khung cảnh, chứ không phải vì phẩm chất cà phê hay âm nhạc.

Chúng tôi ngồi giữa những chậu hoa kiểng, bên vách nhà được trang trí như một vách đá thiên nhiên. Đó là một nơi ngay tầng trệt, vẫn có thể ngước mắt nhìn những cụm mây trắng bay giữa vòm trời xanh. Vách đá giả, hoa cỏ giả nhưng trời mây kia rất thật. Và thật trang nhã là tập thực đơn chỉ gồm thức uống.

– Mình vẫn thiết tha với ý định về nước để hoạt động báo chí, văn nghệ. – Anh Hoá nói.

Tôi không hiểu do đâu mà anh lại quyết tâm cao đến vậy. Tôi chỉ biết lặng im ngẫm nghĩ. Khi anh hỏi về một vài địa chỉ, tôi lặng lẽ vào quầy thu ngân để mượn giúp anh cuốn niên giám điện thoại. Và không thể khác được, tôi vẫn nghĩ ngợi, để mặc anh lật tìm những dãy số điện thoại anh cần liên lạc.

– Bây giờ thì chưa có tự do báo chí. Nhưng rồi sẽ có. Mình ở nước ngoài, qua các kênh truyền thông trong nước, ngoài nước, mình theo dõi rất sát, rất kĩ, và thấy những tín hiệu đáng hi vọng. Mình nghĩ là điều mình nói không phải không có cơ sở. – Anh Hoá lại nói, sau khi đã tìm thấy một vài con số điện thoại cần thiết phải biết để liên lạc với mục đích mua xe máy, mua nhà đất.

– Tôi kể anh nghe thêm một chuyện. Ở nước ngoài, chắc anh biết vụ báo Tuổi Trẻ vừa rồi. Tôi không quan tâm đến khía cạnh thay đổi nhân sự được cho là nổi bật. Không, không đáng gì vấn đề nhân sự. Tôi chú ý đến một điều lâu nay ai cũng biết, BBC, AFP, CNN, RFA, VOA... đều biết, đó là Tuổi Trẻ mãi mãi là tờ báo địa phương, thậm chí là tờ báo của một tổ chức chính trị của thanh niên một địa phương. Theo giấy phép và dòng chữ ghi rõ dưới cái tên Tuổi Trẻ, nó chỉ có quyền phát hành trong tầng lớp sinh viên, học sinh, thanh niên các ngành nghề, cụ thể là chỉ có thể bán ở những quán bán báo trong các trường đại học, cao đẳng, trung học và bán tận nơi những cơ quan, xí nghiệp có chi đoàn thanh niên cộng sản, và chỉ trong địa phương thành phố Hồ Chính này mà thôi. Tất nhiên đề tài của nó cũng phải bị giới hạn như vậy. Tuy là thế, nhưng nó vẫn tự bung ra, thành một trong vài ba tờ báo lớn nhất nước, phát hành từ Cà Mau đến Nam Quan và ra tận nước ngoài, qua Xunhasaba. Đó là chưa kể Tuổi Trẻ online. Người ta quá biết nó tự “vượt rào”, cứ mặc nhiên cho “vượt rào”. Nhưng cả các vị lãnh đạo cao nhất nước vẫn không cho nó có một giấy phép tương xứng. Người ta muốn đặt tờ Tuổi Trẻ vào thế bất hợp pháp, có thể bị buộc phải trở về giới hạn pháp lí được ghi trong giấy phép và ngay ở dòng chữ dưới 2 chữ Tuổi Trẻ ở trang nhất. Nó như thế đó. Nó không đấu tranh được cho chính nó, thì nó đấu tranh cho người thấp cổ bé họng thế nào được! – Nói chậm rãi và nói khá dài dòng như vậy, tôi ngừng lại vì cảm thấy cũng khá trọn ý, những gì tôi muốn nói, và nhìn anh Hoá.

Anh Hoá im lặng.

Sự im lặng của anh Hoá khiến tôi ngạc nhiên, mặc dù tôi biết anh mới chân ướt chân ráo về nước, cần dè dặt. Tôi ngạc nhiên vì đã từng đọc nhiều bài viết “nổ trời” của anh trên tạp chí điện tử Giao Điểm một thời gian dài anh phụ trách như một chủ biên và ở tạp chí điện tử HT. sau khi Giao Điểm ngưng hoạt động.

Chuông điện thoại đâu đó réo. Không phải từ điện thoại của tôi. Anh Hoá chưa sắm riêng cho mình chiếc điện thoại nào. Anh Hoá như sực nhớ, và muốn tránh nỗi im lặng đang căng cứng như thể những sợi khói thuốc cũng không chịu tan loãng, anh nói:

– Thôi. Khoan nói thêm chuyện báo chí. Mình cần gặp một người để để nói chuyện mua xe và nhà đất.

– Cũng như chuyện sinh phần ở nghĩa trang, chuyện nhà đất và xe cộ, về bản chất vấn đề, y hệt chuyện báo Tuổi Trẻ. Chúng ta luôn bị đặt trong thế bất hợp pháp, luôn luôn phập phồng, lo âu, đến nhũn cả người, rão cả thần kinh. – Tôi nói.

Tôi nói và biết rằng vì ân nghĩa với anh Hoá, qua gần ba năm trời trên mạng liên thông toàn cầu, tôi cần nói thật để anh khỏi những ảo tưởng, cho dù anh là người làm báo, ít ảo tưởng nhất. Tôi nói những gì mọi người trên thế giới này đã biết, kể cả ngụ ngôn Thanh Thảo kể trên Kiến thức Ngày nay, kể cả vụ báo Tuổi Trẻ hầu như không tờ báo, đài phát thanh nào trên thế giới không đề cập đến. Chỉ có điều tôi nói đến khía cạnh tôi quan tâm, có thể nhiều người không lưu ý vì báo chí trong nước phớt lờ và báo chí nước ngoài không hiểu hết.

Ngoài trời, nắng. Trên đầu chúng tôi, một khoảng trời lộ thiên cũng nắng. Nhưng may thay chỗ chúng tôi ngồi lại là một không gian râm mát.

 

(còn tiếp)

 

Trần Xuân An

18 : 10’ , 06-11 HB7

Có trau chuốt lại vài chữ (nội dung không thay đổi), lúc 21 : 00, cùng ngày.

Xem tiếp:

Trần Xuân An -- Khúc khuỷu đường về Tổ Quốc (truyện kí) -- kì 2 (07-11 HB7)

       _____________________________________________________________________________________

WebTgTXA. mới mở thêm hai trang mới:

 

BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

(thường xuyên cập nhật theo từng tháng)

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi_mucluctrang

THÔNG BÁO CẬP NHẬT

Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG "BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update

 

      _______________________________________________________________________________________

 

    

Ý KIẾN NGƯỜI ĐỌC  (Link cũ)

http://txawriter.wordpress.com  (Link mới)

 

Trở về

 

trang bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-7

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-6

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-5

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-4

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-3

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

 

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-1.htm

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

 

Xem thêm:

THƠ PHỔ NHẠC:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thophonhac

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

    lên đầu trang (top page)   

 

Ngày 06-11 HB7; 07-11 HB7