Trần Xuân An - Giữa thuở chuyển mùa (Hậu chiến, không riêng ai) (IX) - chương cuối

 

 Tiếp theo từ "Hậu chiến, không riêng ai (I)"   

  Tiếp theo từ "Hậu chiến, không riêng ai (II)" 

   Tiếp theo từ "Hậu chiến, không riêng ai (III)" 

   Tiếp theo từ "Hậu chiến, không riêng ai (IV)" 

  Tiếp theo từ "Hậu chiến, không riêng ai (V)" 

   Tiếp theo từ "Hậu chiến, không riêng ai (VI)" 

     Tiếp theo từ "Hậu chiến, không riêng ai (VII)"  

    Tiếp theo từ "Hậu chiến, không riêng ai (VIII)" 

Nếu gặp trở ngại, cũng có thể bấm vào các đường dẫn ở cuối trang (cột chữ bên phải).

_______________

Xem cuối trang này:

Lời cuối truyện - hồi ức:

ĐIỀU CẦN NHẤN MẠNH

VỀ NHÂN VẬT TRONG “HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI”

(Bài này đã được bổ sung, hoàn chỉnh vào ngày 20-6 HB13 [2013]) Mới!

"Hậu chiến, không riêng ai"

Bản PDF đã được sửa lỗi gõ phím, 

có thể in ra giấy

(ngày 05-7 HB13 [2013]):

PDF  

HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI

Chương IX

Trần Xuân An

 

1

 

Mình đang phân vân không biết sẽ kết thúc cuốn truyện - hồi ức này như thế nào. Hồi ức về một quãng thời gian hai niên khoá rưỡi, 1980-1983, tự nó đã thuộc về thì quá khứ hoàn tất. Dẫu muốn dẫu không, cũng đã đành là thế đó.

Năm 1992, sau chín năm, mình có về lại Đà Lạt và Đạ Nông. Sau đó mấy năm, lại có thêm một chuyến nữa. Những cảm xúc, suy tưởng trong hai lần đó đã kết đọng thành thơ. Thơ, đã in thành sách. Sách như những cánh chim bay tứ tung tám hướng mười phương. Mình không nhắc lại ở những trang chữ này nữa.

2008, cách 1983 hai mươi lăm năm! 2008, mới đây thôi, thế mà đã năm năm rồi! Năm ấy, mình đã cùng mười mấy nhà cầm bút thuộc Hội Nhà văn TP.HCM. có lên Đà Lạt để dự trại sáng tác. Đó là lần thứ ba mình lên lại “thành phố giữa trời cao”, sau cái năm biến cố 1983 (biến cố, đúng vậy, ít ra là đối với riêng mình). Và tiếc thay, chỉ được nhìn lướt qua Đạ Nông, trên chuyến xe của Hội, trong lượt đi cũng như lượt về. Dịp đó, chương thứ nhất của cuốn sách này được hình thành trên tập bản thảo của mình: truyện ngắn “Hậu chiến, không riêng ai”.

2013, mình lại viết tiếp thêm bảy chương hồi ức nữa. Và chương thứ chín (chương cuối) này, lại là một truyện ngắn.

Vậy đó, cuốn sách sẽ mở đầu bằng một truyện ngắn (với thời điểm 2008) và kết thúc cũng bằng một truyện ngắn (2013), ở giữa là bảy chương hồi ức (về 1980-1981, 1981-1982, 1982-1983). Có điều, ở truyện ngắn này, mình không giấu mặt nữa, mà hiện diện với đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số ít: Mình.

Cách đây mấy hôm, mình vẫn đang phân vân. Thế rồi, mình biết không thể nào tránh được, lại phải một lần khẽ gọi lên thành tiếng “Hồng Vàng!”, và cả “Cúc Trắng!” nữa, như một sáng sớm trung tuần tháng chín 2008 tại Đà Lạt. Đó là lúc mình cùng hai người bạn văn, anh Nguyên Việt và Trường, bước vào vườn hoa nọ, bỗng mình sững sờ trước vẻ đẹp của những đoá bông hồng vàng tươi thắm và bông cúc trắng tinh khiết.

- Ông thích hai loại hoa này đến thế sao? – Một người làm vườn thấy mình đứng sững như bị trời trồng vì mê mải ngắm hồng vàng, cúc trắng, bước đến hỏi với một nụ cười cởi mở –.

- Vâng, đẹp lạ lùng quá, bà à. – Mình đáp, như trong cơn mê –.

- Nếu vậy, thay vì phải ra chợ Hoà Bình, ông có thể lấy tại đây mỗi thứ một chục đoá, đem về chưng.

- Vâng, nhưng cho tôi chọn riêng mỗi thứ một đoá còn nguyên ở cây trên luống.

Người đàn bà làm vườn đã trên bảy mươi tuổi nhưng vẫn còn tinh ý lắm, mỉm một nụ cười, khiến mình cảm thấy ánh mắt trên khoé môi kia như đồng cảm với kỉ niệm của mình.

- Những cô gái tên Hồng Vàng, tên Cúc Trắng trên đời này thì nhiều, nhưng đâu là hai đoá bông ông nghĩ rằng là chỗ thân quen riêng của ông? – Người làm vườn lại nói, như một giáo viên ngữ văn hưu trí hay ít ra cũng là một người đam mê đọc văn chương –.

Mình vừa đi dọc các luống hoa để tìm hai đoá bông thương mến, y như bà ấy nói, vừa nghĩ bà ấy nói chuyện hay thật. Trạng thái mê mải tìm kiếm khiến mình quên nói một câu tán thưởng.

Vậy đó, thế là mình mua được hai bó hoa hồng vàng, cúc trắng cùng với hai đoá riêng tươi thắm nhất, tinh khiết nhất.

Nhưng rốt lại, hai bó hoa ấy cùng hai bó hoa khác, cẩm chướng tím nhạt và lay ơn đỏ, do anh Nguyên Việt và Trường mua, đã được đặt trước tượng đài vết thương chiến tranh – hậu chiến, còn hai đoá bông lẻ mình vẫn giữ, để dành cho những trang viết về đề tài đó. Về đến Nhà Sáng tác, mình thẫn thờ ngồi ngắm hai đoá bông đặt trong chiếc li thuỷ tinh trong vắt dùng để uống nước. Và truyện ngắn “Hậu chiến, không riêng ai” đã hình thành tại đấy. Hoàn toàn không có hai người nữ nào tên là Hồng Vàng, Cúc Trắng, trong suốt cả mười lăm ngày dự trại sáng tác. Đó chỉ là hai hình tượng nhân vật văn chương...

Cho đến hôm qua, một ngày gần cuối tháng ba 2013, mình lại vẽ hai đoá bông thương mến ấy trên màn hình máy vi tính. Loay hoay suốt một buổi sáng cho đến gần hết buổi chiều, mình mới vẽ xong một bức tranh nhỏ “Hồng Vàng, Cúc Trắng với những năm tháng ấy”.

Từ sáng đến giờ, gần như suốt ngày hôm nay, mình lại ngồi thẫn thờ ngắm bức tranh vi tính đó. Mình lại mở một trang trong điểm mạng riêng của mình, có một bức tranh khác, phục chế từ tranh gốc của Nguyễn Thái Tuấn, có tên là “Nạn nhân của bọn khoái trá bằng khủng bố, bạo hành” (The victim of the sadists), phần nào nhã hơn tên tranh cũ nhưng hàm nghĩa vẫn vậy, rồi cũng thẫn thờ xem lại.

Và như ai đó trong cổ tích, truyện truyền kì, mình thầm thì: “Hãy ra khỏi tranh, gặp gỡ cố nhân và chuyện trò với nhau đi! Mình là tác giả Trần Xuân An đây, các bạn còn nhớ không?”.

Mình nhìn lại, thấy hai bức tranh khi đã được đặt vào khung, để gần nhau, như thể hai khung cửa kính dày có rèm buông của hai căn phòng ở một khu du lịch trên một bờ biển. Cửa kính, dĩ nhiên có thể nhìn xuyên thấu vào trong phòng, nếu kéo rút rèm lại, để thấy hai đoá hồng vàng, cúc trắng, và cửa kính cũng có thể phản chiếu, in hình mặt biển, bờ biển, cây xương rồng, đôi dép quai dấu ô vào đó.

Kì diệu thay, một người đàn ông, còn ba năm nữa sẽ chạm tuổi sáu mươi, bước ra từ một khung cửa (một trong hai bức tranh vi tính), với giọng nói, gương mặt đến cả vóc dáng đều in hệt mình. Không chỉ nhân hình, nhân dạng, mà cả hai cái tôi cũng đồng nhất với nhau. Trong một chớp mắt, mình và người đàn ông ấy hoà nhập lại thành một người, như bóng nhập vào hình. Và từ khung cửa phòng bên cạnh (bức tranh vi tính thứ hai còn lại), Hồng Vàng bước ra. Khi hai người bất ngờ gặp nhau ở hành lang, người đàn bà năm mươi tuổi này thảng thốt nhìn người đàn ông (chính là mình đó!), thảng thốt mỉm cười, và chào: “Thầy Huyên! (Thầy Trần Xuân An)! Em chào thầy”. Mình chỉ biết đáp lại bằng một câu nói đã kìm nén cảm xúc: “Rất vui mừng khi lại được gặp nhau, Hồng Vàng!”. Mình nhìn vào phòng, qua khung cửa còn để mở: “Còn Cúc Trắng, cô ấy đang mải đọc gì trên máy vi tính thế kia?”. Bà Hồng Vàng vẫn hay đỏ mặt trong một thoáng như năm xưa: “Cúc Trắng đang đọc truyện - hồi ức của thầy (Trần Xuân An) đó! Thật quá đỗi bất ngờ!”.

 

2

 

Quá đỗi bất ngờ, đúng vậy! Ông Huyên cũng như bà Hồng Vàng, và em gái, bà Cúc Trắng, đều không thể ngờ họ lại tình cờ gặp nhau ở khu du lịch ven biển này. Đúng vậy, không hẹn mà gặp!

Cách đây hai hôm, ông Huyên muốn có vài ngày rong chơi để ngẫm nghĩ thêm về những trang cuối cuốn truyện - hồi ức ông đang viết dở, và cũng ngẫu hứng ông chọn vòng du lịch TP.HCM. – Phan Rang, theo một mẩu quảng cáo trên báo, thay vì về Đà Lạt hay Đạ Nông. Cơ chừng tâm lí ông né tránh thành phố, huyện lị quá nhiều kỉ niệm ấy, để có thể tỉnh táo ngẫm nghĩ trong hồi tưởng! Và cũng rất ngẫu nhiên, hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng khi đang theo dõi đến đoạn cuối cuốn truyện - hồi ức của ông Huyên trên mạng toàn cầu, họ bỗng dưng cùng chung tâm trạng muốn có dăm ngày đi thật xa Đà Lạt quê nhà thân yêu của họ, để có thể làm sống lại hoài niệm một cách sâu lắng hơn. Hai chị em buông công việc đang làm, thương lượng với nơi công tác, sắp xếp người thân coi sóc hộ việc nhà, rồi chọn một vòng du lịch, theo một mẩu quảng cáo trên máy truyền hình: TP.HCM. – Đà Lạt – Phan Rang – Nha Trang. Ở điểm đến Đà Lạt, công ti chỉ đón thêm một ít khách đã có suất đặt trước.

Thật ra, ông Huyên đã có vài ba chuyến lên Đà Lạt, nhưng ông cứ ngần ngại, sợ sẽ trở thành kẻ quấy rầy hạnh phúc gia đình của người xa xưa ông từng thương mến, và mãi còn thương mến. Thế rồi, đến chuyến tháng chín 2008, ông ngẫu nhiên gặp Cúc Trắng ở một hiệu tân dược trước chợ Hoà Bình... Cũng do ngẫu nhiên đun đẩy...

Thật ra, hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng cũng từ lâu biết chắc ông Huyên đã thường trú hẳn tại TP.HCM.. Địa chỉ họ nắm rõ, ghi trong sổ tay, khắc sâu trong trí nhớ. Nhưng biết bao nhiêu lần họ về thành phố sầm uất nhất nước ấy, họ đã không thể tìm đến thăm ông Huyên, người thầy giáo cũ, chỉ vì họ không dám làm kẻ đánh thức lại kỉ niệm tươi đẹp và đau đớn ngày xa xưa... Thế rồi, tháng chín 2008 ấy, ngẫu nhiên đun đẩy...

Và lần này, sau năm năm, bên bờ biển Phan Rang, một lần nữa ngẫu nhiên lại đun đẩy, để ba “cố nhân” gặp gỡ nhau!

Ông Huyên nhìn gương mặt ngày xưa, nay đã in dấu thời gian trôi qua, nhưng lại đẹp những nét hồi xuân thắm đượm:

- Nếu có thể, mình mời Cúc Trắng cùng ra quán cà phê kia đi. – Ông Huyên chỉ ra phía có cửa hàng ẩn hiện trong rừng dương liễu, gần biển hơn –.

Bà Cúc Trắng cũng đã ra chỗ họ đứng, với nụ cười rất tươi:

- Không ngờ lại có cuộc gặp gỡ kì diệu như thế này!

- Thật vô cùng kì diệu! – Và ông Huyên mời luôn cả bà Cúc Trắng cùng ra chỗ tay ông vừa chỉ –.

Ba người bước trên lối đi lót đá giữa nền cát trắng, sau khi đã đóng cửa phòng. Từ hành lang dãy phòng khách sạn ra đến cửa hàng khoảng chừng hơn năm trăm mét. Gió biển mát rượi xuyên qua rừng dương, reo lên âm thanh vi vu, xen lẫn với tiếng sóng vỗ bờ.

- Xe chở đoàn du lịch của hai bạn hình như mới ghé vào đây lúc mười giờ đêm hôm qua, có phải vậy không? – Ông Huyên hỏi –.

- Vâng. – Bà Hồng Vàng đáp –.

- Lộ trình của đoàn du lịch này sẽ đi những đâu?

- Khoảng chín giờ rưỡi sẽ đi một số nơi tại Phan Rang, rồi chiều sẽ đi tiếp ra Nha Trang... – Bà Hồng Vàng lại đáp –.

Ông Huyên cảm thấy nghèn nghẹn khi biết số thời gian còn lại chỉ vỏn vẹn hơn một tiếng đồng hồ. Nếu trừ đi thời gian làm các thủ tục lặt vặt, họ chỉ còn khoảng bốn mươi lăm phút! Ông bấm phím mở màn hình máy điện thoại di động, và thấy: 7:42.

- Tiếc quá! – Bà Cúc Trắng đi bên cạnh chị, buột miệng nói –. Giá như thầy Huyên và chúng em cùng đi chung một đoàn!

- Tiếc thật! – Ông Huyên cũng buột miệng –. Đoàn du lịch của tôi chỉ đi đến Phan Rang này thôi. Nhưng... – Ông Huyên bỏ lửng câu nói với một thoáng ý nghĩ vụt hiện trong đầu –.

Họ đã đi đến cửa hàng giải khát thuộc khu du lịch này. Ông Huyên định nói tiếp ý nghĩ vừa bỏ dở: Cả ba người đều có thể tự tách ra khỏi hai đoàn kia để cùng nhau vạch ra một lộ trình riêng. Tại sao không? Rất muốn nói, họ có thể chớp lấy cơ may một cách giản đơn như thế, nhưng ông Huyên cảm thấy ngần ngại thế nào đó. Hầu như cả ba người đều im lặng chờ đợi nhau nói lên điều ấy.

Bước lên thềm lát đá nhẵn bóng, họ chọn một chiếc bàn ở nơi có thể thấy hết quang cảnh biển không xa lắm ngoài kia. Sau khi đã gọi thức uống, ông Huyên nói:

- Trông Hồng Vàng, Cúc Trắng vẫn không khác gì cách đây gần năm năm, khi chúng ta gặp nhau ở Đà Lạt.

- Thầy cũng vậy. Em rất mừng khi thấy thầy vẫn khoẻ mạnh. – Bà Hồng Vàng nói luôn –. Em cũng biết trong năm năm qua, thầy cũng đã viết thêm, xuất bản thêm một số đầu sách. Cuốn thầy đang viết đã là đầu sách thứ ba mươi ba rồi. – Bà Hồng Vàng chân thành tỏ bày niềm vui –. Những cuốn sau "sự cố 1982, 1983" đó và vài cuốn gần đây nhất khẳng định rõ là thầy không phủ nhận những gì thầy đã viết, mặc dù thầy có lỡ tay viết bài “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất”.

- Tôi không phủ nhận gì cả. Đặc biệt, hai năm “kinh tế mới”, khai hoang lập ấp, tôi đã viết thành hai đầu sách văn xuôi: tiểu thuyết - hồi ức “Ngôi trường tháng giêng” và truyện vừa - hồi ức “Bên kia Dốc ‘Mạ ơi!’” với tất cả nâng niu, trân trọng. Tôi chắt chiu tất cả những vui, những buồn, những được, những mất... Bài thơ “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất” chỉ là kỉ niệm về sự khủng hoảng phương pháp sáng tác! Tai hoạ là từ bài thơ đó, bởi bộ phận PA.25 bị lạm dụng? Hay tai hoạ từ sự nhiệt tình trong việc giảng dạy ngữ văn Việt, bởi “kẻ xấu”? Đến nay tôi cũng chưa rõ... – Ông Huyên nói –. Dẫu sao, tôi cũng vẫn miệt mài cố gắng... Còn Hồng Vàng, ngoài việc cùng trông coi biệt thự cà phê, em vẫn tiếp tục giảng dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt chứ?

- Vâng. Thời điểm này, em tranh thủ đi du lịch với Cúc Trắng vài ba hôm được là vì cả hai đều cố gắng thương lượng, thu xếp công việc... – Bà Hồng Vàng định nói là cũng vì cuốn truyện - hồi ức của ông Huyên trên mạng toàn cầu, khiến hoài niệm thôi thúc họ có chuyến du lịch bất ngờ này, nhưng bà bỏ dở câu nói –. 

Ông Huyên quay sang bà Cúc Trắng:

- Cúc Trắng vẫn làm ở khoa dược của Bệnh viện Đà Lạt?

- Vâng, không có thay đổi gì, thầy ạ. – Bà Cúc Trắng mỉm cười –.

Cà phê phin đã được bưng ra. Gió biển thổi một cái nắp phin rơi xuống mặt bàn. Người tiếp viên nhặt lên, đậy lại, và rời khỏi bàn.

Ông Huyên không hỏi thăm về chồng con của bà Hồng Vàng, vì ông ngại sẽ làm chạnh lòng bà Cúc Trắng. Qua lần gặp gỡ ở Đà Lạt hồi 2008, ông đã biết Cúc Trắng đến thời điểm ấy vẫn còn độc thân. Bây giờ, tuy Cúc Trắng mỉm cười khi nói “không có gì thay đổi”, ông biết Cúc Trắng đã quen lâu lắm rồi với tình cảnh đơn lẻ của mình nên mới bình thản cười được như thế. Ý nghĩ về nỗi đau của bao người nữ thời hậu chiến nhưng vẫn còn chiến tranh ở Campuchia và ở biên giới phía Bắc, thời người ta hay nói “trai thiếu, gái thừa”, khiến ông Huyên suýt nữa gục đầu xuống nghĩ ngợi, nhưng ông kịp giữ vẻ bình thản như chính Cúc Trắng.

- Tôi vẫn tin cuộc sống tuy có nhiều điều không vui, nhưng cũng lắm may mắn đến không ngờ. Làm sao có thể không cảm thấy vui mừng, phải nói là vui mừng quá chừng quá đỗi, và bất ngờ, đến mức bàng hoàng, khi tôi được gặp hai bạn ở đây!

- Nhưng đáng tiếc biết bao, khi chỉ còn hơn ba mươi phút nữa! – Bà Cúc Trắng nói –.

Ông Huyên cảm thấy run tay khi nhấc ba cái nắp phin, đặt xuống bàn, kề mỗi chiếc tách sứ trắng, rồi nhấc từng chiếc nồi phin đặt lên mỗi cái nắp đó. Ông mở nắp hộp đường, cẩn thận úp nắp để khỏi bị gió biển thổi bay. Mỗi người tự cho thêm đường vào tách của mình. Im lặng kéo dài trong mấy phút. Vẫn không ai nói gì cả, mặc dù cả ba người đều có chung ý tưởng rằng họ có thể tự tách ra khỏi hai đoàn du lịch đã có lộ trình vạch trước của mỗi đoàn. Mỗi người đều cảm thấy có những trở ngại riêng mà họ không dám vượt qua. Phải chăng Cúc Trắng là người được quyền tự do nhất, nhưng đồng thời cũng là người cảm thấy bi kịch nhất, trong tình huống này? Có phải ông Huyên và cả bà Hồng Vàng nữa, đều thầm nhủ, ước chi họ đang là độc thân như Cúc Trắng? Nếu đang là vậy, chắc ba mươi phút còn lại sẽ được cộng thêm vài mươi năm cho Huyên và cho Hồng Vàng. Tuy nhiên, hẳn lúc này, bà Hồng Vàng vẫn còn nhớ hai câu bà đã đau đớn nói trong buổi sáng cùng ông Huyên ngồi trong quán cà phê quen thuộc thuở nào, ở Đà Lạt năm 2008: “Nhưng dẫu sao cũng không thể cứu vãn được gì hết. Tất cả đã muộn”. Lúc này, chắc chắn hai câu nói đó vẫn còn vang lên trong trí nhớ ông Huyên. Đúng rồi. Đau đớn thật. Có điều, biết làm thế nào được! Ông Huyên thầm nghĩ. Một cơ may lại xuất hiện trong đời nhau, sự ngẫu nhiên đã dành cho nhau, nhưng không ai có thể vươn tay ra nắm bắt, giữ chặt mãi mãi cơ may ấy!

 

Bỗng dưng bà Cúc Trắng phá vỡ sự im lặng giữa ba người, bằng cách khoắng đường trong tách. Tiếng lanh canh rất khẽ từ chiếc muỗng nhỏ chạm vào tách sứ vang lên mơ hồ trong tiếng sóng dào dạt, tiếng gió biển lồng lộng, tiếng dương liễu vi vu. Bà Cúc Trắng nâng tách, uống hết cả tách cà phê đã nguội, rồi đặt tách xuống, như thể đang uống một chén thuốc nam sắc đậm. Bà tiếp tục rót trà vào tách, nâng lên, tráng miệng.

- Thầy Huyên và chị Hồng Vàng cứ ngồi đây nghe! Em ra với biển bây giờ đây. Khoảng mươi phút nữa, em sẽ quay lại...

Ông Huyên và bà Hồng Vàng biết bà Cúc Trắng sẽ nói như thế, để dành riêng cho hai “cố nhân” mươi phút “riêng tư”, nên họ chỉ mỉm cười như mặc nhiên thoả thuận với nhau.

Nhìn theo bước chân của bà Cúc Trắng trên lối đi lát đá giữa cát trắng, dẫn ra gần mép bờ biển, nơi sóng đang ào ạt vỗ, cả hai người đều đang im lặng. Họ vẫn nhìn theo bà Cúc Trắng, khi bà ấy tháo giày, cầm ở tay, đi chân trần ra đến đoạn cát đẫm ướt. Bà Cúc Trắng lại bước dọc theo mép nước. Có khi sóng khoả cả đôi chân bà.

Ông Huyên bấy giờ mới quay mặt lại để nhìn vào gương mặt vẫn quay nghiêng của bà Hồng Vàng, người ông yêu mến từ thuở bà còn là cô gái mười tám, hai mươi tuổi! Người con gái học trò trung học rồi đại học đó cũng đã say đắm xen lẫn niềm kính trọng, tha thiết yêu ông, thầy giáo Huyên, năm Huyên mới hai mươi lăm, hai mươi bảy tuổi!

Bà Hồng Vàng cứ nhìn xa xăm, mông lung ra biển, mặc dù biết ông Huyên đang nhìn ngắm mình với ánh mắt da diết và nồng cháy nhất. Chưa bao giờ bà cảm nhận được ánh mắt chan chứa cảm xúc đến mức như thế. Có phải chăng đây chính là giây phút thiên thu? Một giây, một phút chứa đựng, sôi trào, lắng đọng cả ngàn năm? Ngàn năm chỉ đáng kể là giây phút này?

- Hồng Vàng! – Huyên khẽ gọi với tất cả niềm cảm xúc, tưởng chừng như đang còn ở tuổi hai mươi bảy thuở nào –. Chúng ta chỉ còn bảy, tám phút nữa! – Ông Huyên nhắc –. Em quyết định đi! –. Và ông nói với giọng sôi nổi mặc dù vẫn khẽ khàng –. Không phải chúng ta, mà chính là ngẫu nhiên đã đun đẩy để chúng ta có những giây phút này, giây phút chúng ta còn có thể quyết định cho trái tim của em, trái tim của tôi –. Bất giác, ông Huyên như muốn co siết lại những ngón tay mình, như mỗi lần phải quyết định một điều hệ trọng tưởng chừng vượt cả sức chịu đựng trạng thái căng thẳng –.

Bà Hồng Vàng quay mặt lại, và cúi xuống:

- Quyết định điều gì đây, thầy?

Bây giờ ông Huyên mới sực tỉnh. Thế mà ông cứ nghĩ cả hai người đều có chung một một ý nghĩ, cho dù mặc nhiên không nói ra. Không, ông Huyên không tin như vậy. Ông nghĩ hẳn bà Hồng Vàng vẫn còn ngượng ngùng khi biểu lộ sự đồng cảm mặc nhiên ấy.

- Chỉ còn năm phút nữa thôi! Hồng Vàng! Em quyết định đi! – Ông sợ thì giờ trôi qua một cách quá uổng phí và đồng thời cũng không muốn cảm nhận về sự đồng cảm mặc nhiên kia là hoàn toàn sai lầm, ông nói tiếp –. Em quyết định đi! Chẳng hạn như chúng mình sẽ tách khỏi hai đoàn du lịch, để cùng Cúc Trắng tổ chức chuyến đi riêng.

Ngẫm nghĩ từng chữ của ông Huyên mới nói ra, bà Hồng Vàng khẽ nói:

- Tại sao thầy đưa ra đề nghị ấy, lại còn dùng từ “chẳng hạn”... Hẳn còn đề xuất khác nữa? – Bà Hồng Vàng nói như thể tự suy nghĩ một mình –.

Vì tiếng gió luồn qua rừng dương liễu và tiếng sóng biển vỗ bờ, ông Huyên quên phắt trong quán giải khát vẫn đang còn đôi ba bàn có khách cùng những tiếp viên, ông ghé mặt đến gần gương mặt của bà Hồng Vàng hơn, mặc dù giữa họ là chiếc bàn mây đan lót kính.

- Chẳng hạn, quyết định hệ trọng hơn giữa chúng ta! – Không thể quanh co vì thì giờ không còn nhiều, nhưng ông Huyên vẫn chỉ có thể nói ở mức độ đó –.

Bà Hồng Vàng im lặng. Nhìn gương mặt ông từng yêu dấu suốt hơn ba mươi năm qua, ông Huyên thấy mình cơ chừng vừa rạo rực vừa đau đớn bởi sự kìm nén.

- Chúng ta chỉ còn ba phút nữa! Hồng Vàng!

Nói xong, và chỉ thấy sự im lặng của bà Hồng Vàng, ông Huyên bắt đầu cảm nhận ra sự phũ phàng đổ ập lên niềm bồng bột bất ngờ trong chính ông.

- Em không có quyết định nào cả, thầy à. Ở tuổi này, em tưởng cuộc đời cứ vậy mà trôi. – Và nước mắt hình như ứa ra trên mỗi khoé mắt bà –. Năm em đã thi tốt nghiệp phổ thông trung học xong, em đã gửi thư nhắc thầy, em đã bước vào năm thứ nhất của lứa tuổi trưởng thành rồi, sao thầy không đối đãi với em như giữa người lớn với nhau? Thật ra, em đã quyết định rồi, mặc dù thầy vẫn còn ngại em chưa vào đại học. Và rồi, hai năm sau, em cũng đã quyết định rồi, với thầy, thầy không nhớ sao? Em gật đầu rồi, từ thuở đó, nhưng không lâu sau đó, thầy lại bặt tin... – Bà Hồng Vàng nói như trong cơn mê hồi tưởng –. Em quyết định lâu lắm rồi mà, thầy! – Và bà Hồng Vàng bỗng chua chát –. Chỉ có điều là chúng ta không có may mắn thực hiện quyết định ấy.

Ông Huyên sốt ruột:

- Không! Tôi muốn nói là lúc này, ở đây, chứ không phải ba mươi năm trước, ở TP.HCM. và Đà Lạt. Chúng ta không còn nhiều thì giờ! Cúc Trắng sắp về đến nơi rồi kìa.

Cả hai nhìn ra lối đi lát đá dẫn ra biển, họ thấy rõ bà Cúc Trắng đang bước về, trên lối đi ấy, với đôi giày đã được mang lại vào hai bàn chân.

- Chúng ta vẫn còn một, hai phút nữa!

- Em chỉ xin cảm ơn thầy đã viết cuốn truyện - hồi ức ấy, để em biết cặn kẽ hơn vì sao thầy bặt tin, sau khi em đã quyết định cho trái tim mình, cuộc đời mình bằng cái gật đầu trước lời tỏ tình, cầu hôn của thầy, thuở đó.

- Đó, sự thể như thế đấy! Hẳn em biết tôi đã rơi vào khủng hoảng như thế nào, trước nạn khủng bố, trước sự bỏ nghề, cái nghề dạy học đói rách nhưng tôi đã yêu nghề, đau đớn, dằn vặt với nghề, những mong việc dạy học sẽ hiệu quả hơn, nhân văn, nhân ái hơn... – Ông Huyên chợt ngưng lại, rồi nói –. Nhưng vấn đề là lúc này, chỉ giữa chúng mình! Lúc này, chứ không phải ba mươi năm trước nữa! Chúng ta đang sống ở giây phút này, ở đây!

- Vâng, em cũng đã nói rồi. Ở tuổi năm mươi, em làm sao dám phiêu bồng. Chồng con, đã đâu vào đấy từ quá lâu rồi... Em đã là bà ngoại rồi, thầy không nhớ sao. Và chính thầy, gia đình riêng của thầy cũng thế, mặc dù thầy chưa có đứa cháu nào...

Bà Cúc Trắng đã bước lên bậc thềm để đến chỗ hai người đang ngồi. Thế là hết! Còn có thể cứu vãn gì nữa đâu. Ông Huyên cũng nhận ra một thoáng xốc nổi ông mới trải qua, và hơn bao giờ hết, ông biết ở tuổi năm mươi bảy, gia thất đã ổn định, ông không có quyền xốc nổi như thế nữa.

- Đã đến giờ chúng ta phải chia tay rồi đó! – Bà Cúc Trắng mỉm cười, bình thản nói –.

Tiếng người quản lí và hướng dẫn đoàn du lịch TP.HCM. – Đà Lạt – Phan Rang – Nha Trang đã vang lên trong loa phóng thanh, nhắc các thành viên về trả phòng, lấy hành lí và ra chỗ đỗ xe. Cả ba người đứng dậy, cùng một số du khách ở các bàn khác, bước đi trên lối lát đá để về lại dãy phòng khách sạn.

Trên đường ra tiền sảnh, phía trước là sân đỗ xe, ông Huyên chỉ biết nói với bà Hồng Vàng một câu cuối cùng trong cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên này:

- Hồng Vàng là một người mà chồng con, gia tộc mãi mãi tin cậy và tự hào.

- Em cũng còn nhớ thầy đã nói với em thuở đó, thầy rất quý trọng những người đã cưới vợ vì chữ hiếu đối với mẹ của mình, chứ không phải vì tình yêu, hạnh phúc của chính mình. – Bà Hồng Vàng nói với giọng kìm nén nỗi nghẹn ngào, cố giữ vẻ bình thản –. Xét cho cùng, chúng mình đều là con người của bổn phận, trách nhiệm, hết cha mẹ rồi lại đến chồng con hay vợ con, cả cháu chắt nữa... Trên đời, thật hạnh phúc là ai được toàn vẹn cả tình yêu đương, sự nghiệp lẫn nghĩa vụ với các mối quan hệ thâm thiết kia... Và dẫu sao... Thật là chúng mình cũng đều đã quá muộn rồi.

Người tốt sẽ được lòng tất cả, và có thêm sự nghiệp, càng xứng đáng được quý trọng chăng? Trong thực tế xã hội, không phải người có đức có tài đều được như vậy! Ông Huyên không để hai câu nói có dấu hỏi và dấu cảm thán bật ra thành tiếng. Ông đưa hai người bạn lên xe. Chờ xe chạy khuất, ông buồn bã nhưng thanh thản bước về phòng mình, và quyết định tách khỏi đoàn du lịch ông đã trả tiền trọn suất, để một mình quay lại nhà, ở TP.HCM..

Lấy hành lí ra khỏi phòng xong, ông đứng nhìn lại hai khung cửa kính, thấy cơ chừng vẫn còn đó hai bức tranh “Hồng Vàng, Cúc Trắng...”“Nạn nhân của bọn khoái trá...”.

Sau đó ít ngày, ông Huyên vẫn còn tự hỏi, chẳng hiểu vì đâu ông lại có những phút giây xốc nổi, bồng bột với cảm xúc mãnh liệt, thiết tha như thế? Phải chăng là bởi Hồng Vàng hai mươi và Hồng Vàng năm mươi vẫn chỉ là một, Huyên hai mươi bảy và Huyên năm mươi bảy cũng chỉ là một? Những phút giây ấy chỉ là hồi quang của tuổi trẻ chính mình?

 

3

 

Trước mặt mình, khi định viết nốt những dòng chữ cuối truyện, vẫn là hai bức tranh ấy. Mình đành thầm thì: “Thôi, các nhân vật của tôi ơi, hãy lại là bông hồng vàng, bông cúc trắng, hãy lại là hình tượng nạn nhân không hiện diện trong tranh”. Và sau đó, mình mở ra trang viết này, tiếp tục gõ phím.

 

T.X.A.

            TP.HCM., 15:37, 30-03 – 22:44, 31-03 HB13 (2013)

 

ĐÃ GỬI TTTĐT. HỘI NHÀ VĂN TP.HCM. (01-04 HB13 [2013])

& TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG (01-04 HB13 [2013]),

trước khi đưa lên website này

http://txawriter.wordpress.com/2013/04/02/hau-chien-khong-rieng-ai-ix-word-tiep-theo/

 

TRANH MINH HỌA:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-ix

https://sites.google.com/site/tranxuananwriter/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-ix

Xin lưu ý: Nếu gặp trở ngại đường dẫn (link) 1 (trên, thanh nét), xin bấm vào đường dẫn 2 (dưới, đậm nét). Các cặp đường dẫn dưới đây cũng tương tự như vậy.

NỘI DUNG:

Chương I:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-i

https://sites.google.com/site/tranxuananwriter/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-i

Chương II:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-ii 

https://sites.google.com/site/tranxuananwriter/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-ii

Chương III:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-iii

https://sites.google.com/site/tranxuananwriter/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-iii

Chương IV:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-iv 

https://sites.google.com/site/tranxuananwriter/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-iv

Chương V:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-v 

https://sites.google.com/site/tranxuananwriter/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-v

Chương VI:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-vi 

https://sites.google.com/site/tranxuananwriter/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-vi

Chương VII:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-vii 

https://sites.google.com/site/tranxuananwriter/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-vii 

Chương VIII:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-viii 

https://sites.google.com/site/tranxuananwriter/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-viii

Chương IX (chương cuối):

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-ix-word 

https://sites.google.com/site/tranxuananwriter/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-ix-word 

Lời cuối truyện - hồi ức (xem cuối trang)

Hết cuốn truyện – hồi ức này.

 

 PDF  

Docs.Google 

(Đã thay bằng tệp PDF 03-6HB13)

 

Dưới đây là tệp PDF mới thực hiện vào ngày 03-06 HB13:

PDF 03-06 HB12 (2013)

Doc_TXA-HauChienKhongRiengAi--03-06HB13.pdf 

XIN VUI LÒNG TÔN TRỌNG BẢN QUYỀN CỦA TÁC GIẢ

 

TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN TỪNG CHỮ,

TỪNG Ý TƯỞNG CỦA MÌNH

 

Bản PDF đã được sửa lỗi gõ phím, bổ sung "Lời cuối truyện - hồi ức", có thể in ra giấy 

(05-7 HB13 [2013))

PDF

Docs.Google 

(tệp PDF 05-7HB13)

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    Lên đầu trang (top page)   

 

 

PDF

(Đã thay bằng tệp PDF 03-6HB13)

 

LỜI CUỐI TRUYỆN – HỒI ỨC:

ĐIỀU CẦN NHẤN MẠNH

VỀ NHÂN VẬT TRONG “HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI”

THÔNG TIN ĐÃ CÓ THỂ CÔNG KHAI TRÊN SÁCH BÁO HIỆN NAY:

ĐIỀU CẦN NHẤN MẠNH

VỀ NHÂN VẬT TRONG “HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI”

 

Trần Xuân An

 

Nhân vật Nguyễn Phan Huyên (Trần Xuân An) trong truyện - hồi ức “Hậu chiến, không riêng ai” (T.X.A.), thuở 1982-1983, đã trải qua một cuộc khủng hoảng về phương pháp sáng tác và chỉ về phương pháp sáng tác mà thôi. Trên cơ sở tán thành hai bài của Nguyễn Minh Châu (1978, “Viết về chiến tranh”), Hoàng Ngọc Hiến (1979, về “chủ nghĩa hiện thực ‘phải đạo’”), nhất là cảm nhận bài thơ “Đêm cuối năm” của Tố Hữu (1982) (*), và theo nhận thức, suy nghĩ của Huyên, thì chính vì sự máy móc, áp đặt quá đáng trong việc vận dụng phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, nên tác phẩm văn chương trước 1978, 1982 không có sức thuyết phục đối với người đọc cũng như đối với học sinh học ngữ văn Việt.

 

Đó là một trong hai nguyên nhân, dẫn đến việc Huyên gặp phải tai họa bị khủng bố. Nguyên nhân kia là quá nhiệt tâm, nhiệt tình và quá lừng lẫy trong việc giảng dạy ngữ văn Việt. Huyên không biết nguyên nhân nào là chính.

 

Nhưng dẫu sao, nhân vật Nguyễn Phan Huyên vẫn là một nhân vật tích cực, không đầu hàng số phận. Huyên rời khỏi bục giảng, nhưng vẫn làm thơ, viết truyện, nghiên cứu sử học, phê bình văn chương. Huyên cũng không phủ nhận những tác phẩm anh đã viết theo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Hơn thế nữa, Huyên xem một số bài thơ trong đó là thuộc loại tác phẩm thành công của Huyên (được viết lúc tuổi đời cường tráng nhất). Đồng thời, Huyên cũng không phủ nhận quãng thời gian hai năm anh sống, giảng dạy, sáng tác tại hai vùng kinh tế mới Bảo Nghĩa, Suối Hương (1978-1979 & 1979-1980). Đặc biệt, chính tiểu thuyết – hồi ức “Ngôi trường tháng giêng” (T.X.A., 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003) và truyện vừa – hồi ức “Bên kia Dốc ‘Mạ ơi!’” (T.X.A., 2012, Nxb. Hội Nhà văn, 2012) đã khẳng định điều đó.

Hai nhân vật khác, Hồng Vàng và Cúc Trắng, dẫu sao, cũng thành đạt trong cuộc sống. Một người là giảng viên trường cao đẳng sư phạm, một người là dược sĩ công tác ở bệnh viện tỉnh.

Với nhan đề “Hậu chiến, không riêng ai”, bắt nguồn từ một câu thơ của Ximônôp (K.M. Simonov), “Không nỗi đau nào của riêng ai”, cuốn truyện - hồi ức này thể hiện nỗi đau hậu chiến trước Đổi mới, và bi kịch đó đã hoá giải sau khi công cuộc Đổi mới được mở ra, trên nhiều bình diện, gồm cả vấn đề phương pháp sáng tác... Tác phẩm được kết thúc một cách có hậu trong chừng mức nào đó, phù hợp với lô-gic cuộc sống và phù hợp với đạo lí, được thấy rõ qua sự thành đạt nhất định, sự nhận thức đúng mực về tình cảm, hạnh phúc riêng tư cho dù không như ý, không tròn đầy của ba nhân vật ấy.

Có lẽ cũng cần nói thêm: Trong tác phẩm “Hậu chiến, không riêng ai”, hai nhóm thủ phạm khủng bố có thể là PA.25 và “kẻ xấu” trong xã hội, nhưng tác giả (Trần Xuân An) đã khu biệt rõ, một bên là dăm bảy nhân viên PA.25 bị lạm quyền lạm dụng và một bên cũng chỉ là dăm bảy “kẻ xấu”, chứ không phải toàn bộ phân ngành PA.25 hoặc toàn xã hội đều là như thế... Tâm trạng bất bình, bức xúc trong lĩnh vực cụ thể này trước Đổi mới là phổ biến, nhưng từ đó đi đến manh động ở mức độ khủng bố thì không phải là nhiều. Không nhiều, nhưng vẫn làm nổi rõ thực trạng tâm lí của các phân số xã hội. Về hiện tượng khủng bố, mọi người đã có thể đọc thấy không ít thông tin, ở nhiều lĩnh vực, trên báo chí hiện nay.

<<<<<< Đoạn liền kề phía trên, có thể đọc như sau: Có lẽ cũng cần nói thêm: Trong tác phẩm “Hậu chiến, không riêng ai”, hai nhóm thủ phạm khủng bố là nhóm bảo thủ và nhóm “kẻ xấu” trong xã hội. Nhưng tác giả (Trần Xuân An) đã khu biệt rõ. Một bên, chỉ dăm ba người bị chột dạ vì bỗng chốc Huyên lại làm một bài thơ quá thật về bao giọt lệ và nỗi niềm hờn oán trước những hiện tượng ‘quá “tả”’, không chỉ tại các vùng “kinh tế mới” mà nhiều nơi, nhiều chốn khác trong xã hội nước ta thuở ấy. Và một bên, cũng chỉ dăm bảy “kẻ xấu” không thể chấp nhận tinh thần, nội dung giảng dạy ngữ văn thuở bấy giờ, nhất là những tác phẩm “phải đạo” được trích giảng... Dĩ nhiên không phải toàn xã hội đều là như thế... Tâm trạng bất bình, bức xúc trong lĩnh vực cụ thể này trước Đổi mới là phổ biến, nhưng từ đó, đi đến manh động ở mức độ khủng bố tinh thần thì không phải là nhiều. Không nhiều, nhưng vẫn làm nổi rõ thực trạng tâm lí của hai phân số xã hội cực đoan nhất. Còn đại đa số vẫn muốn nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng, đọc đúng và học đúng sự thật – sự thật trong tiêu chí tận chân, tận thiện, tận mĩ của văn chương, với tinh thần hoà giải, hoà hợp dân tộc. Đại đa số này tuy ấm ức nhưng không manh động, cực đoan mà chỉ thầm thì khát vọng... Về hiện tượng khủng bố, mọi người đã có thể đọc thấy không ít thông tin, ở nhiều lĩnh vực, trên báo chí hiện nay.>>>>>>

Qua ba nhân vật Huyên, Hồng Vàng, Cúc Trắng và hai nhóm thủ phạm trực tiếp gây ra tai hoạ khủng bố, đồng thời qua hiện thực đã được “cởi trói” sau Đổi mới ít nhiều đã được phản ánh, truyện - hồi ức “Hậu chiến, không riêng ai” không phải là một tác phẩm bôi đen hiện thực và có ý đồ không đúng đắn, bên ngoài văn chương.

 

T.X.A.

18-5 HB13 (2013)

_________________________

 

(*) Bài luận của Nguyễn Minh Châu, đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội, số 11-1978; in lại: Nguyễn Minh Châu, “Trang giấy trước đèn”, Tôn Phương Lan (sưu tầm, tuyển chọn), Nxb. KHXH., 2002, tr.50-63. Bài luận của Hoàng Ngọc Hiến, “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua”, đăng trên tuần báo Văn nghệ, số 23, ra ngày 09-7-1979. Bài thơ “Đêm cuối năm” của Tố Hữu, đăng trên báo Nhân dân, số đặc biệt, đầu năm 1982.

Xem thêm:

1) Nhiều tác giả, “Từ điển văn học”, bộ mới, Nxb. Thế giới, 10-2004, tr.287-288: Mục từ “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” do Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân viết.

2) GS. Phương Lựu, “Chung quanh vấn đề phương pháp sáng tác hiện nay”, đăng trên Tạp chí Cộng sản in giấy (8-2008) và điện tử (25-08-2008)...v.v...

3) GS. Trần Đình Sử, “Tính ngụy tạo của khái niệm phương pháp sáng tác trong lí luận phê bình văn học mác-xít” (“Cần loại bỏ phương pháp sáng tác ra khỏi lý luận phê bình văn học hiện nay”), tham luận hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học”, do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.W. và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 10-4-2012, đăng trên Tttđt. Viết Văn (vietvan.vn) thuộc Đại học Văn hóa, Hà Nội, và điểm mạng cá nhân trandinhsu. wordpress. com, ngày 24-05-2013, ...v.v...