e. Bài 5-Tl.2 - Trần Xuân An -- GS.TS. Yoshiharu Tsuboi hiểu lầm tuyên cáo 16-6-1874

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

GS.TS. YOSHIHARU TSUBOI HIỂU LẦM

TUYÊN CÁO 16-6-1874 CỦA TÔN THẤT THUYẾT

 

Trần Xuân An

 

Trong cuốn sách “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa” (1), vốn là luận án tiến sĩ sử học do Yoshiharu Tsuboi nghiên cứu, bảo vệ tại Pháp vào năm 1982, tác giả đã cung cấp cho người đọc một tư liệu rất đáng tham khảo. Đó là bản tuyên cáo của Tôn Thất Thuyết gửi cho sĩ phu, quan lại, thân hào, do chính Y. Tsuboi tìm kiếm trong các kho lưu trữ tại Pháp.

 

Theo sự mô tả của Y. Tsuboi, đó là lời kêu gọi nguyên văn được viết bằng chữ Hán, song đã được một thông ngôn người Việt dịch ra tiếng Pháp cho các sĩ quan Pháp đọc, lúc bấy giờ.

 

 

                                          

 

Gs.Ts. Yoshiharu Tsuboi                             (Ảnh tư liệu: Kỉ yếu Hội nghị khoa học, ĐHSP.TPHCM., 1996)

(Web Waseda)       

                                                                     

 

Khi dẫn tư liệu này, Y. Tsuboi lại trích thêm câu giới thuyết:

 

“Một quan lớn (Thuyết – tác giả [Tsuboi chua thêm]) có họ với hoàng gia, được nhà vua sai đi cầm quân chống Pháp, đã tới tỉnh Ninh Bình, tại đây ông đã tuyên bố, trong hội nghị, những quyết định sau đây” (1).

 

Nguyên văn tuyên bố đó như sau:

 

“Bản sao của tuyên bố mà hoàng thân Thuyết gởi cho sĩ phu, quan lại, thân hào…

 

      Từ mười hai năm nay, bọn dã man đã chiếm đóng nước ta và nuốt đầy họng tài nguyên của ta. Chúng ta ngưng lại đây chăng?

 

      Tôi xin bí mật khuyến cáo các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, tất cả các phủ huyện, các sĩ phu và chánh tổng, các hào mục, hãy tuyển mộ những người can đảm và hãy sẵn sàng cùng với vũ khí và thuyền bè.

 

      Cũng đã quyết định là vào tháng năm [05] này, toàn thể sĩ phu ai quê ở tỉnh nào về tỉnh ấy để các quan đầu tỉnh trao cho chức chỉ huy các đội quân, và tới ngày mười [10] tháng sáu [06] (tức 23.7.1874) phải cùng với bộ đội mình xuống tỉnh Hải Dương [TXA. nhấn mạnh] để đánh phá quân dã man và buộc chúng phải về nước bằng tàu thuyền của chúng.

 

      Tất cả những kẻ nào dám đụng chạm đến đồng đạo của ta thì là kẻ thù của ta và sẽ bị trừng trị.

 

      Ngày 03 tháng 05 năm Tự Đức thứ 27 (tức 16.06.1874)” (1).

 

      “Cờ của quân mưu phản [(sic!) – TXA.] hình vuông và màu tím” (1).

 

Tôi thấy rất cần dè đặt về câu giới thuyết tư liệu này.

 

Tuy vậy, sau khi nghiên cứu riêng tư liệu ấy, tôi đã viết một đoạn khảo luận với ngôn ngữ truyện kí:

 

      “Thượng thư Nguyễn Văn Tường hơi phân vân. Ông thừa biết, vào dịp cuối tháng sáu nguyệt lịch, sau ngày đề trên tuyên cáo một tháng, và ngay sau khi tham tán Tôn Thất Thuyết tiến công với khẩu hiệu “ngọc đá đều cháy”, đánh dẹp cuộc nội chiến lương – giáo Nam Đàng Ngoài xong, vua Tự Đức “liền chuẩn cho tham tán Tôn Thất Thuyết (hiện đóng tại quân thứ Nghệ An) lấy năm trăm (500) phái binh, giao cho đề đốc Nguyễn Văn Hùng, tán lí Nguyễn Đình Thi đi gấp đường đến cứu viện [Hải Dương]” [TXA. nhấn mạnh] (2). Bấy giờ, Hải Dương đang bị bọn hải tặc Tàu tên là Khách Công vây bức tỉnh thành rất nguy khốn. Lê Bá Thận cũng được lệnh điều quân đi đường thuỷ để phối hợp. Như vậy, hẳn là Tôn Thất Thuyết lúc ra tuyên cáo trên là nhắm đến không chỉ bọn hải tặc Tàu mà cả tên sĩ quan thực dân Pháp Dujardin, kẻ đang săm soi tìm kiếm mỏ than tại tỉnh ấy! [TXA. nhấn mạnh]” (3).

 

Từ tư liệu đáng tin cậy nào, tôi đã đi đến nhận định trên, chứ không phải như câu giới thuyết do Y. Tsuboi trích dẫn?

 

Chúng ta biết rằng, Tôn Thất Thuyết đã phụ trách mũi tấn công chủ yếu từ phía Bắc tiến vào để dẹp tan cuộc nội chiến lương – giáo Thanh - Nghệ - Tĩnh -  Bình vào tháng 6 nguyệt lịch, năm Giáp tuất (từ 14-7 đến 12-8-1874):

 

“[Tôn Thất] Thuyết được tờ [thông] tư của tỉnh Thanh, lại được tỉnh Nghệ báo là giặc chiếm giữ thành Hà Tĩnh, quan quân ở thứ Quảng Bình [của Lê Bá Thận, Nguyễn Văn Tường] hiện chưa tiến đánh, bèn cùng thống đốc Hoàng Tá Viêm bàn định hiện tình ở quân thứ [Sơn Tây] hơi thư [(…)], chính nên đi đến chỗ cần kíp […]  (4)

 

      “Đến khi đến tỉnh Thanh Hoá, [Tôn Thất Thuyết] lại xin lấy Nguyễn Đình Thi sung chức tán lí, Trương Văn Đễ quyền sung tán tương […] …” (4).

 

      “Khi ấy bọn giặc ở Nghệ An từ xã Hoàng Mai (thuộc huyện Quỳnh Lưu, giáp núi Ngọc Sơn) tràn sang phủ hạt Tĩnh Gia, đánh và quấy nhiễu. (Các sở đóng [quân] để ngăn chận như Hà Niệm thượng, Hà Niệm trung, Du Xuyên, Sơn Châu, Đội Trà, quan quân nguyên đóng ở đấy đều vỡ cả). Quan tỉnh Thanh Hoá đã phái quan quân đem bảy trăm (700) quân chia làm ba đường tiến đánh. [Tôn Thất] Thuyết tức thì đem bọn đề đốc, lãnh binh tiến quân, hợp với [quân] tỉnh Thanh Hoá đánh giáp lại, toàn được thắng trận (chém được đầu giặc, thu được tang vật của giặc rất nhiều, mà toàn quân chỉ có bốn người bị thương nhẹ). [Tôn Thất Thuyết] đuổi thẳng đến địa giới Tuần La (giáp Nghệ An), giặc ấy đều trốn chạy tan. [Tôn Thất Thuyết] rút quân về tỉnh đóng để trấn áp […] … Sau giặc ấy chuyển về hạt Nghệ An, rồi lại gọi nhau tụ họp ở các xã Thiện Kỵ, Hoàng Mai. Đường trạm không thông được. [Tôn Thất] Thuyết bèn mang quân đến địa giới Nghệ An, tiến đánh. Giặc thấy thanh thế quân lừng lẫy (khi ấy quan quân tỉnh Nghệ An hiện đương tiến đánh đến đấy), [chúng] đã chạy trốn trước. [Tôn Thất] Thuyết nhân tiện đến thẳng Trường thi tỉnh Nghệ đóng quân, cùng với tổng thống Nguyễn Chính hội bàn, cùng đánh” (4).

 

Cũng vào tháng 6 nguyệt lịch ấy:

 

“Giặc biển (tên là Khách Công) ở Hải Dương cố kết bè lũ vào sông quấy nhiễu tràn, thế rất hung hăng (thuyền hơn 40 chiếc)…” (5).

 

Tư liệu “Đại Nam thực lục” còn ghi rõ: Các phủ huyện Hải Dương lần lượt bị thất thủ, cuối cùng cả tỉnh thành cũng bị chúng vây bức. Ngay sau đó,

 

“… khi ấy, tỉnh ấy đã thương thuyết với phái viên nước Pháp là La Đăng [Dujardin – TXA. ct.] đánh giúp, nhưng [y] đùn đẩy không chịu làm thực (chỉ phái thuyền đến phận biển Quảng Yên, gọi là đi tuần bắt giặc, nhưng thực thì đi xem xét mỏ than, không chịu vào sông đánh giúp), liền tư cho 2 tỉnh Nam Định, Ninh Bình cùng giúp, số quân còn ít (1.500 người), xin phái thêm quân thuỷ, quân bộ để đánh…” (5).

 

“… [Vua] liền chuẩn cho tham tán Tôn Thất Thuyết (hiện đóng quân ở quân thứ Nghệ An) lấy 500 phái binh giao cho đề đốc Nguyễn Văn Hùng, tán lí Nguyễn Đình Thi đi gấp đường đến cứu viện; lại chuẩn cho phái ra 2 chiếc tàu Mẫn Thoả và Thuận Tiệp (hiện ở Thuận An) do thống đốc Lê Bá Thận (hiện ở quân thứ Hà Tĩnh) lấy 400 lính thuỷ, nguyên trước phái đến Hà Tĩnh, giao cho tán tương Phạm Tiến, quyền sung tán tương Trương Văn Đễ trông coi (2 thuyền đều đến cửa Nhượng ở Hà Tĩnh, đến đón để chở đi, còn Trương Văn Đễ hiện theo Tôn Thất Thuyết ở quân thứ, nay giục ngay đi đường bộ về cửa Nhượng để tiện cùng với Phạm Tiến trông coi) đi ngay để cùng đánh. Quân các đạo tiến ra chưa kịp đến nơi, án sát tỉnh ấy là Nguyễn Hữu Hoán đã đem binh dũng đi trước, viện binh các tỉnh hợp lại cùng đánh…” (5).

 

Bấy giờ, đến lúc ấy, “Phái viên nước Pháp ấy cũng đánh giúp. (Trước không chịu đánh, [Cơ mật] viện [đại] thần mới tư cho quan tỉnh ấy thương thuyết với phái viên ấy, nói các ý thư của sứ thần ta [:Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Tăng Doãn] báo cho Viện nói: đã thương thuyết với tướng [Duperré] nước ấy, [tướng Pháp] lại sức cho phái viên ấy hết sức đánh cho hết giặc biển…) …” (5).

 

“… Quan tỉnh ấy đem việc ấy tâu lên. (Nói: quan quân [ta] đánh dẹp, phái viên nước Pháp sức [5b] cho giặc phải rút lui, phái viên ấy đã thu hiệu cờ của giặc, còn tướng giặc [Khách Công] đã đến phái viên [Pháp] ấy xin nói với quan tỉnh tha cho đuổi bắt, quan án sát tỉnh ấy hiện đem quân về tỉnh canh phòng, nghiêm ngặt đợi xét” (5).

 

Còn Tôn Thất Thuyết, lúc bấy giờ, ngay tại thời điểm ấy, ông đang đảm trách nhiệm vụ đánh dẹp cuộc nội chiến lương – giáo tại Nghệ An:

 

“Tham tán Tôn Thất Thuyết đóng quân ở hạt Nghệ An vài ngày, nghe tin báo đã lấy lại được thành đạo Hà Tĩnh [do Lê Bá Thận tiến quân (6)], việc canh phòng đánh dẹp hơi thư, dâng sớ xin đem quân chuyển về Thanh Hoá, trù nghĩ cho chu đáo, vững bền, sẽ đến Tam Tuyên [Sơn – Hưng – Tuyên] làm việc. Vua y cho. (Sau đến tháng 8 rồi về tỉnh Sơn Tây)” (7).

 

Mãi cho đến tháng 2 năm Ất hợi (1875), Tôn Thất Thuyết được đổi bổ làm hộ lí tổng đốc Ninh – Thái, kiêm tổng đốc các việc quân Ninh, Thái, Lạng, Bằng để trấn áp những đoàn lũ giặc Khách Chu, Triệu tại vùng đất ấy (8).

 

“Đại Nam thực lục” còn chép, trong  tháng 5 nguyệt lịch, năm Ất hợi (1875):

 

“[Vua] sai Thương bạc viết thư trả lời cho tướng nước Pháp ở Gia Định [câu tiểu đề -- TXA. ct.].

[Phần thuyết: -- ct.] Bấy giờ quân của Tôn Thất Thuyết đóng ở quân thứ Bắc Ninh, phái viên Pháp là tướng La Đăng [Dujardin – ct.] có ý rất nghi kị, tướng Du [Duperré] đưa thư đến, cũng đem  việc ấy ra, cho nên [vua] sai đưa thư biện bạch rõ để cho khỏi nghi ngờ.

[Phần chú: -- ct.] (Ngày tháng 10 năm ngoái, tướng nước Pháp phái La Đăng [Dujardin – ct.] đem tàu Sắc Tê (La Sarthe? Le Salteé?) chở thức ăn đến cấp cho Đô Phối [Jean Dupuis – ct.], người đi theo khi ấy hiện ở Hải Dương)”  (9).

 

Có các chi tiết được ghi nhận rất cụ thể, khiến chúng ta theo dõi đầy đủ và chính xác về chuỗi ngày tháng cầm quân tiễu phỉ của Tôn Thất Thuyết trong những năm này, và điều quan trọng hơn, là nhờ những ghi nhận đó, nhất là ở đoạn trích dưới đây, chúng ta có thể khẳng định Tôn Thất Thuyết không phải không biết sử dụng “nhu thuật” đối với thực dân Pháp:

 

“[Câu tiểu đề:] [Vua] sai giải [giao] nguyên quyền tán tương quân thứ Bắc Ninh là Ông Ích Khiêm về kinh đợi án.

 

      [Phần thuyết:] Bấy giờ Ích Khiêm đem quân đánh giặc ở An Định (thuộc Bắc Ninh), tự thu quân về. Tổng đốc Bắc Ninh Tôn Thất Thuyết cho là Ích khiêm đánh giặc [mà] thương tổn [:hao quân, tổn lính ta] nhiều, tự tiện đem quân về, không theo tướng lệnh, [nên] bắt xích giam ngay, tâu xin xử trí. Quan tỉnh Hải Dương Phạm Phú Thứ [lại] nghe người nói Ích Khiêm đánh thắng, đã trình, rồi [mới] về, [nên ông] xin phái quan to đến tra xét và xin điệu [Ích Khiêm] về Hải Dương để trấn áp [phỉ]. Vua sai giải giao [Ích Khiêm] cho tỉnh Đông [:Hải – Yên] phái đi làm việc. Tôn Thất Thuyết lại tâu: “Tỉnh Đông hiện có phái viên nước Pháp ở đấy bàn bạc [việc thương chính], [và] sự thể tỉnh Đông, tỉnh Bắc cùng quan trọng, mà Ích Khiêm thì tâm tình, ngôn ngữ không phải là người yên thường giữ phận, sợ đến dỗ dành người khác sinh sự, tưởng quan tổng đốc tỉnh Đông không áp chế được. Xin chuẩn cho đem Ích Khiêm về kinh xử trị, để khỏi trở ngại” [TXA. nhấn mạnh].

 

      Vua nghe theo, sai giải giao [Ích Khiêm] cho Hà Nội xét qua, giải thẳng về kinh chờ án. (Sau Ích Khiêm đến kinh, mắc bệnh tâm hoả [lo phiền], liền cho về quê)” (10).

 

Không thể hiểu khác được: Ông Ích Khiêm vốn có tính nóng, thường xuyên như lửa đốt (tâm hoả), lại sục sôi ý chí đánh Pháp, nên ông sẽ khó tự kìm chế được, nếu hằng ngày cứ thấy Turc, La Đăng (Dujardin) lượn lờ trước mặt. Tôn Thất Thuyết cũng như quân dân nước ta, đại đa số đều thế, nhưng lại biết tự kìm chế. Không ai khác, chính Tôn Thất Thuyết, lúc này, tại tỉnh Đông (Hải Dương, Quảng Yên), Bắc Ninh, lại tâu vào triều đình Tự Đức với ý thức “hoà hoãn” như vậy.

 

Từ những trích đoạn nguyên văn tư liệu kể trên, không nghi ngờ gì nữa, GS.TS. Yoshiharu Tsuboi đã diễn dịch không thật chính xác bản tuyên cáo gửi sĩ phu, quan lại, thân hào vào ngày 03 tháng 05 năm Tự Đức thứ 27 (tức 16-06-1874). Sự thật không phải như Tsuboi hiểu:

 

“… hoàng thân Thuyết khi ấy là tổng đốc Sơn Tây, hồi 1874, được lệnh nhà vua, đem 2.000 quân về Thanh Hoá và Nghệ An để trấn áp các cuộc nổi dậy của sĩ phu, nhưng khi tới Ninh Bình, ngày 16-6-1874, ông gới tới tất cả các quan, nho sĩ, thân hào, v.v… lời kêu gọi nhân dân Bắc Hà nổi dậy chống Pháp. Khi bày tỏ thái độ rõ ràng chống Pháp như vậy, ông gây được lòng kính nể nơi quân nổi loạn, đến nỗi “người ta không biết ông ở phía nổi loạn hay ở bên phía vua quan”” (11).

 

Các tư liệu gốc, gồm lời thuật sự của Quốc sử quán triều Nguyễn và châu bản (tấu, sớ các quan có thủ bút phê duyệt, điểm son của vua) cho ta xác quyết nội dung bản kêu gọi ấy có thể được Tôn Thất Thuyết đưa ra trong lúc ông đang trên đường tiến quân vào Thanh Hoá, Nghệ An, trước tháng 6 Giáp tuất (từ 14-7 đến 12-8-1874), bởi lẽ, vào tháng 6 ấy, ông đã lao vào việc đánh dẹp cuộc nội chiến lương – giáo tại Thanh - Nghệ. Và nếu đọc kĩ bản tuyên bố mà Tsuboi tìm được, ta sẽ không tìm thấy một từ nào xác định đối tượng Tôn Thất Thuyết kêu gọi tấn công là thực dân Pháp, mà chắc hẳn ông chỉ nhắm đến giặc Khách (vốn tràn sang nước ta từ khoảng trước năm 1864 (12), lúc phong trào Thái Bình thiên quốc ở Trung Hoa đã bị người da trắng phản bội, lại cùng với quân Nhà Thanh đánh dẹp). Câu “Từ mười hai năm nay, bọn dã man đã chiếm đóng nước ta và nuốt đầy họng tài nguyên của ta” là nhằm chỉ giặc Khách. Nếu còn ngụ ý thêm, thì đấy là giặc Pháp ở mạn Hải Dương, cụ thể là Dujardin. Trong trường hợp này, nếu giả định là gồm cả Dujardin, thì cần phải hiểu Tôn Thất Thuyết chỉ tấn công Dujardin bằng những đội quân giả trang, chứ không phải quân mặc sắc phục các quân thứ Đại Nam. Nhưng sử học vốn rất hạn chế sự giả định như vậy.

 

Bài viết này chỉ giới hạn vấn đề như thế. Tuy nhiên, cũng có thể suy nghĩ thêm ít ra là một điểm liên quan nhất:

 

Tsuboi còn trích dẫn một vài “tư liệu chưa công bố”, và viết (13), chẳng hạn: “Người ta nói [Tôn Thất] Thuyết là “người đầy tham vọng đang tìm cách tiếm ngôi Tự Đức, một người có họ rất gần” [TXA. nhấn mạnh], do đó, [Tôn Thất] Thuyết trở thành đối thủ chính trị của Tự Đức: hành động và uy tín của [Tôn Thất] Thuyết không phải không có liên can đến việc giai cấp Văn thân tách rời Tự Đức” (14).  

 

Tôi nghĩ rất nên dè đặt, nếu không muốn phủ định câu tư liệu chưa công bố ấy. Chắc hẳn người Pháp đương thời, khi viết câu ấy, cũng không thoát khỏi cảm tính cá nhân.

 

TRẦN XUÂN AN

khởi viết lúc khoảng 8 : 30’, 16-5 HB7 (2007);

tạm xong lúc 11 : 50’ cùng ngày.

 

 

(1) Tài liệu lưu trữ AOM. Paris, A.90 [4], carton, 28 bis, “Révolte dans le Tonkin méridional en 1874” (Cuộc nổi loạn ở phía Nam Bắc Kỳ vào năm 1874). Xin coi: Nicole Dominique Lê, “Les missions étrangères et la pénétration français au Vietnam” (Sứ mệnh hải ngoại [:Các thừa sai] và sự thấm nhiễm Pháp vào Việt Nam), Paris, Mouton, 1975, sđd., tr. 191-192, do Yoshiharu Tsuboi dẫn trong “Nước Đại Nam đối diện với Pháp & Trung Hoa” (NĐNĐDVP & TH.), bản dịch của Nguyễn Đình Đầu và nhóm cộng tác viên, Ban KHXH. Thành uỷ TP.HCM. xb., 1993, tr. 285.

 

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục”, chính biên (ĐNTL.CB.), Tổ phiên dịch Viện Sử học, tập 33, Nxb. Khoa học xã hội, 1975, tr. 79.

 

(3) Trần Xuân An, “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)” (PCĐT.NVT.), Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004, tr. 379.

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/phu_cdtnvtuong_tep6_II.htm

 

(4) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 68-70. Xem thêm: Y. Tsuboi, NĐNĐDVP & TH., sđd., tr. 286. Thử đọc một đoạn: “Trong niềm hi vọng là [Tôn Thất] Thuyết sẽ tuyên bố ngả về họ [lực lượng Văn thân – ct.], các nhà nho nổi loạn vẫn tiếp tục trận chiến, mặc dù đã mất các đồn luỹ. Khi vào tới Nghệ An, [Tôn Thất] Thuyết biết là không có thể làm gì hơn với quân phiến loạn, nên tuyên bố sẽ đánh. Thế là cuộc nổi dậy ngưng tức khắc và người ta xoay ra trả thù” (Lưu trữ AOM. Paris A 90 (4), carton 28 bis). “Người ta” là ai mà “xoay ra trả thù”, một khi phe Văn thân ngưng chiến đấu? Phải chăng là lực lượng giáo dân Thiên Chúa giáo trả thù Văn thân? Nếu quả vậy, tình huống này thật là một bi kịch trớ trêu, trái khoáy, mà Tôn Thất Thuyết bị lịch sử đẩy vào. Hay chính Tôn Thất Thuyết cùng lực lượng Văn thân đã nhân đấy, trả thù giáo dân Nghệ - Tĩnh, vì giáo dân Nghệ - Tĩnh cũng tương tự như 12.000 quân nguỵ Françis Garnier mới tuyển mộ ở Bắc Kỳ? Nếu vậy, chúng ta phải hiểu chữ “giặc” ở đoạn trích “Đại Nam thực lục” ở trên là “giặc theo đạo Gia-tô”, một cụm từ thường thấy ở các tập 27, 28, 29, trước tập 33 này. Có lẽ chỉ nên tham khảo thêm trên cơ sở lấy “Đại Nam thực lục” của ta làm chuẩn cứ. Ngay một câu trong tập 33, sđd., tr. 120, cũng có thể cho ta thấy “giặc” bao gồm cả giáo dân: “[Vua – ct.] sai quan tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cứu chữa cho lương dân bị hại ([bị] bọn giặc đốt nhà giết người) [TXA. nhấn mạnh]”. Xem thêm bản dụ giáo dân Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình của Tự Đức (ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 186-189) để có thể tìm ta mối liên quan giữa 2 tư liệu trong "Thực lục".

 

(5) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 78-80.

 

(5b) Chữ “sức” trong ngữ cảnh này, có nghĩa là truyền lệnh. Dujardin truyền lệnh cho giặc Khách Công! Như vậy có mối liên hệ câu kết nào giữa Pháp và bọn giặc Khách này chăng? Phải chăng bọn giặc Khách cũng đánh thuê cho Pháp để quấy nhiễu Bắc Kỳ (buộc quân Đại Nam phải trải ra khắp nơi, yếu thế), với mục đích của Pháp là làm sức ép triều đình Đại Nam?

 

(6) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 77-78.

 

(7) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 80-81.

 

(8) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 170.

 

(9) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 208.

 

(10) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 198.

 

(11) Y. Tsuboi, NĐNĐDVP & TH., sđd., tr. 284-285.

 

(12) 12a.-- Y. Tsuboi, NĐNĐDVP & TH., sđd., tr. 152 – 154. Chính Tsuboi cũng khẳng định phong trào Thái Bình thiên quốc thực sự thất bại hoàn toàn vào năm 1864. Nhưng thực ra, không kể các loại giặc Khách khác, như bọn Tam Đường, chỉ tính trước đó khoảng vài năm, nhiều nhóm tàn quân Thái Bình thiên quốc biến tướng thành phỉ đã tràn sang các tỉnh biên giới nước ta để quấy nhiễu, chiếm đất, xưng hùng xưng bá. Có lẽ Tsuboi tưởng rằng cụm từ “từ 12 năm nay” trong bản tuyên ngôn là nhằm chỉ năm 1862 (thời điểm Phan Thanh Giản kí hiệp ước Nhâm tuất), nếu lấy 1874 trừ đi 12 năm ấy… 12b.-- ĐNTL.CB., tập 29, bộ sđd., 1974, tr. 325-327: Để chính xác hơn, chúng ta căn cứ vào “Đại Nam thực lục”. Các nhà nghiên cứu đã thống kê từ 1860 đến 1867, đã có đến 53 sự kiện do phỉ từ Trung Hoa tràn sang. Riêng giặc Khách Hoàng [Sùng] Anh (và thổ phỉ Tuyên Quang), vào tháng 8 nguyệt lịch, Nhâm tuất (1862), đã đông đến hơn một vạn tên. Cũng vào tháng ấy, trước sự thể ngày càng đáng lo ngại vì nạn giặc Khách, Nguyễn Tri Phương được cử làm Tây Bắc tổng thống quân vụ đại thần, tiến quân ra Bắc.

 

(13) Y. Tsuboi cũng hơi quá đáng khi viết rằng: “Thế là đối với người nổi dậy (ở Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình, 1874 – TXA. ct.), lối hành sự của Tự Đức như vậy được xem như quá thoả hiệp với Pháp và ngả về phe người Công giáo” (13a) [sđd., tr. 283-284], hoặc: “Các cuộc nổi dậy của nhà nho và những hoàn cảnh trấn áp họ đã xác nhận sự đoạn tuyệt giữa giai cấp Văn thân với chính vua Tự Đức” (13b) [sđd., tr. 287], mặc dù  Y. Tsuboi cung cấp nhiều tư liệu chưa công bố rất đáng tham khảo: “Các nhà nho cùng với phe nhóm họ nay liên minh với các đội quân nổi loạn [người sơn cước, bọn thảo khấu – TXA. ct. theo Tsuboi] mới thành lập, nhưng trong khi những đội quân này đánh nhau thẳng thừng với quân đội nhà vua, thì nhà nho quay về chống công giáo nhiều hơn” (Lưu trữ AOM. Paris, A. 90 (4), 28 bis [xem chú thích (1) bên trên] (13c) [sđd., tr. 284], và Y. Tsuboi còn phân tích: “Mục đích chính của Văn thân là phải cứu nguy nhà nước trọng đạo Khổng bằng cách diệt Công giáo. Vậy là theo nguyên tắc, họ ủng hộ chính phủ Tự Đức, đồng thời họ cũng bất đồng ý kiến với nhà vua trên một số điểm đặc biệt, nhất là về chính sách phải có đối với Công giáo. Thái độ mập mờ đó được biểu hiện cả ở hành động. Trên thực tế, trái với nhà vua, đa số quan lại và nhân viên cấp thấp ở địa phương vẫn có thiện cảm với quân nổi dậy; một phần trong số họ tham dự hẳn vào phong trào, vì những người ấy chia sẻ với sĩ phu cái ý thức rằng quốc gia đang khủng hoảng vì bị Công giáo và người Pháp đe doạ” (13d) [sđd., tr. 284].

 

(14) Lưu trữ AOM. Paris, A. 90 (4), 28 bis [xem chú thích (1) bên trên].

 

TXA.

17 : 33’, cùng ngày.

Bài đã đăng trên Tcđt. Hội Tụ:

 

http://giaodiem.us/us-2007/507/507-txa-vanbia-nvt.htm

 

Xem thêm:  http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/luong--giao_1874.htm

 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

Trở về trang bài mới - sách mới - tin tức mới:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

 

Trở về trang chủ "Web. Tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 15-5 HB7 (2007) = 29-3 Đinh hợi HB7

Có bổ sung chú thích [**], lúc 15 : 30' cùng ngày.