GS. Nguyễn Quốc Trị (Hoa Kỳ) -- Về Nguyễn Văn Tường, 1824-1886 (bài 2)

 

 

Bản sao để LƯU (ngày 15-5 HB9 [2009])

 

Bài 2

Nguyễn Văn Tường có tư thông với bà Học Phi

và giết vua Kiến Phúc không?

Nguyễn Quốc Trị

 

4 BÀI VIẾT CỦA ÔNG NGUYỄN QUỐC TRỊ

 

Tạp chí điện tử Giao Điểm (giaodiem com), tháng 5 năm 2005:

Bốn bài viết của ông Nguyễn Quốc Trị (Hoa Kỳ) trên mạng liên thông toàn cầu “thahuong net” (Google, Yahoo. MSN search):

 

Bài 1:

http://members.cox.net/luanlac/vanhoa/nvt&slcp.htm

Nguyễn Văn Tường và sách lược chống Pháp dưới Triều Nguyễn

 

Bài 2:

http://members.cox.net/luanlac/vanhoa/nvt&hpkp.htm

Nguyễn Văn Tường có tư thông với bà Học Phi và giết vua Kiến Phúc không?

 

Bài 3:

http://members.cox.net/hoaihuong/vanhoa/nvtthl.htm

Nguyễn Văn Tường tham lam?

 

Bài 4:

http://members.cox.net/hoaihuong/vanhoa/nvttnh.htm

Nguyễn Văn Tường tàn nhẫn?

__________________________________

Vài lời của Trần Xuân An: Nếu cứ liệt kê, phân tích và cải chính tất cả những gì kẻ thù của Nguyễn Văn Tường bôi nhọ, xuyên tạc, đơm đặt về ông và từ những người cố ý hay vô tình phụ họa, lặp lại luận điệu bôi nhọ, xuyên tạc, đơm đặt ấy, như ông Nguyễn Quốc Trị đã thực hiện một cách khá đậm đặc trong 3 bài viết 2, 3 & 4 dưới đây, hoặc sử dụng tư liệu đã được chứng minh là giả mạo (thư gửi thống đốc Tahiti chẳng hạn), như trong bài viết 1 (cũng ở chùm bài kể trên) thì hóa ra là mắc mưu chúng, vô hình trung tiếp tay cho chúng. Chúng sẽ càng được thể mà bôi nhọ, xuyên tạc, đơm đặt về những nhân vật lịch sử khác.

______________________________

Bài 2

 

Nguyễn Văn Tường có tư thông với bà Học Phi và giết vua Kiến Phúc không?

Nguyễn Quốc Trị

 

LTS: Tác giả là nguyên Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, Sài gòn. Ông có khảo cứu về vấn đề phát triển các quốc gia chậm tiến, và sáng tác cuốn Third World Development: Aspects of Political Legitimacy and Viability. Associated University Presses, 1989; 2010 Eastpark Blvd, Cranbury, NJ 08512; ÐT (609) 655-4770; Fax (609) 655-8366; là một tác phẩm được báo chí quốc tế ở Nữu Ước, Luân Ðôn và Ba Lê ngợi khen.

Tác giả giữ BẢN QUYỀN. Bài này là một thành phần của cuốn sách tác giả đang soạn về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường. Mọi sử dụng, bất kỳ dưới hình thức nào, cần sự đồng ý của ông Nguyễn Quốc Trị.

Trong bài ‘Nguyễn Văn Tường và sách lược chống Pháp dưới Triều Nguyễn’ ở cùng một chỗ trên mạng lưới này, người viết đã, dựa vào những tài liệu mới khám phá, chứng minh rằng Nguyễn Văn Tường (NVT) đã trung kiên giúp triều Nguyễn thực hiện sách lược ‘hoà để mưu chiến’ và ‘châm chước thời cơ’ để chống lại cuộc xâm lăng của người Pháp. Với sách lược đó, Việt Nam đã bảo toàn được chủ quyền nội bộ hầu thực thi các kế hoạch tự cường, như sơn phòng, chế tạo và nhập cảng súng đạn, nhằm chống lại người Pháp trong trường kỳ. Từ 1868 cho đến 1885, ngày NVT bị Pháp đày đi Tahiti, Triều Nguyễn đã dùng ngoại giao để gìn giữ chủ quyền qua các hiệp ước NVT ký vào 1874, 1884 cọng với sự khai thác các mâu thuẫn giữa Pháp và Trung Hoa. Ðến khi thế của Tàu không còn, và người Pháp quyết tâm đem quân tiêu diệt Triều Ðình, toan tính bắt vua quan chống Pháp, NVT đã lập kế hóa giải âm mưu đó của Pháp bằng cách để cho Tôn Thất Thuyết đánh úp Pháp trước và đem vua Hàm Nghi đi Tân Sở, trong lúc đó NVT ở lại, dùng hậu thuẫn của phe Cần Vương do ông Thuyết cầm đầu, để mặc cả với Pháp một thế hoà mới, nếu được, và nếu không, dùng chính thực lực của mình để kháng chiến. NVT đã thất bại. De Courcy, một tên tướng võ biền, đã không điều đình, và bắt ông đi đày ở Côn lôn và Tahiti. Ông mất sau một thời gian ngắn bị tù đày, nhưng phe chống Pháp, do vua Hàm Nghi và ông Thuyết lãnh đạo, cũng như sau này bao chiến sĩ quốc gia khác, đã kéo dài cuộc tranh đấu dành lại độc lập mãi cho đến ngày toàn thắng, ngày mà đại quân Pháp phải cuốn gói ra đi. Nhận thấy NVT là một kẻ thù quá lợi hại, người Pháp rất khâm phục tài đức của ông, nhưng cũng đồng thời, vì mục tiêu chính trị, tìm cách xuyên tạc, bôi lọ ông nhiều không kể xiết. Một trong những chuyện, mà họ dựng ra, việc NVT giết vua Kiến Phúc để che dấu sự tư thông với bà Học Phi, mẹ nuôi của vua, sẽ được bàn trong bài này. Các chuyện xuyên tạc khác sẽ được xét trong một dịp sau.

i. Cái chết bình thường vì bệnh của vua Kiến Phúc

A. Theo chính sử nhà Nguyễn

Vua Kiến Phúc, sinh ngày 12-2-1869, lên ngôi thay vua Hiệp Hòa ngày 2-12-1883, và mất ngày 31-7-1884 sau 8 tháng lên ngôi. Về cái chết của ngài, chính sử của nhà Nguyễn viết:

‘’ Vua không khỏe, ngọc thể vi hòa, đình thần đã xin vua tĩnh dưỡng, và chia nhau đi cầu đảo các linh từ, sau đó đã khỏe, nhưng chưa được bình phục như cũ, đến ngày mồng bảy tháng này, ngày kỷ mão mới ngự điện Văn Minh. Chịu lễ chầu mừng, ban thưởng lụa hoa cho các bầy tôi có sai bậc, rồi sau lại không được khỏe. Thái y tiến thuốc, không thấy công hiệu. Ngày mồng mười nhâm ngọ, bệnh kịch, giờ ngọ hôm ấy vua mất ở chính tẩm điện Kiến Thành." (Ðại Nam Thực Lục Chính Biên [ÐNTL], XXXVi, 151-2) Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội Hà nội, 1962-1978)

B. Theo nhân chứng trong Triều Nguyễn

Hạnh Thục Ca cũng có tường thuật việc vua Kiến Phúc mất vì bịnh như sau: . . .

Nào ngờ nhiều nỗi chẳng may,

Trị vì sáu tháng bệnh rày lại mang,

Hết lòng khấn vái thuốc thang,

Gẫm âu số mệnh đành khôn cải trời.

Nương mây phút sớm tếch vời,

Năm thân tháng sáu rụng rời cành xuân...

(Nguyễn Nhược Thị, Hạnh Thục Ca, Trần Trọng Kim phiên dịch và chú thích, Sài gòn, Tân Việt, 1950, 30-1)

C. Theo Khâm sứ Pháp Rheinart

Hôm 1-8-1884, một ngày sau khi Vua Kiến Phúc băng hà, Khâm sứ Rheinart ghi chú rằng vua mất vì bệnh một cách bình thường như sau:

"Vua Kiến Phước mất ngày hôm qua lúc đứng bóng sau khi cơn bệnh trở lại trong môt thời gian rất ngắn. Tôi đã đánh điện đi Paris và Hà-nội để báo tin. Vị vua trẻ tuổi, theo tôi tưởng, đã bị một bệnh về óc nảo hay tủy xương sống [maladie du cerveau ou de la moelle épinière]. [1] { ct. của Sogny, NQT ct.}

Cha của vua đã mất vì bịnh điên. Cái chết của vua là một cái chết tự nhiên [mort naturelle], nhưng nó đã đến một cách quá bất ngờ làm cho mọi người kinh ngạc. Ðứa trẻ đáng thương đã làm vua một cách miễn cưỡng: nó sống trong sự kinh hoàng, luôn luôn lo sợ bị một số phận như người tiền nhiệm, buồn bực, trầm mặc, trốn tránh mọi người. Trong một thời gian khá lâu nó không dậy nổi, tôi không biết nó có thể đứng lên mà không cần người đỡ không, từ lúc bị bịnh, nghĩa là từ ba tháng nay . . ."(‘M. Rheinart, premier chargé d’affaires à Hué, Journal, notes, et correspondance’, Bulletins des Amis du vieux Hué [BAVH], số 1 & 2, 1943, 173; NQT dịch và nhấn mạnh).

Lời ghi chú này của Rheinart, một viên chức thuộc địa rất kiên cường trong việc tìm cách dựng lên một ông vua làm tay sai cho Pháp, dù chứa đựng nhiều thiên kiến và sai lạc, đã công nhận là cái chết của vua Kiến Phúc không có gì là mờ ám. Trước đó gần hai tháng, khi Patenôtre cùng Rheinart đến Huế để ký Hiệp ước 6-6-1884 , 2 ông đã biết là Vua bị bệnh sắp chết, nên đã cùng nhau duyệt qua [passer en revue] độ 30 vị hoàng thân có cơ thừa kế được ngôi vua, như Patenôtre đã kể. (Jules Patenôtre, Souvenirs d’un diplomate. Paris, Ambert, 1913-14, tome 1, 103) .

Cái chết của vua Kiến Phúc là một sự thiệt hại lớn lao cho phe chống Pháp, do NVT và Tôn Thất Thuyết lãnh đạo, sau khi lật đỗ vua Hiệp Hòa đã âm mưu đi với Pháp. Nhưng đối người Pháp thực dân thì đó là cơ hội tốt để họ tìm cách bôi lọ NVT.

ii. Bộ máy tuyên truyền Pháp và cái chết của vua Kiến Phúc

A. Theo ông Chánh Sở Mật Thám An Nam

Thật vậy, trong phần trích dẫn nói trên về lời ghi chú ngày 1-8-1884 của Rheinart, L. Sogny, Chánh sở Mật thám An nam và là người bình giải cuốn nhật ký của Rheinart đăng trong BAVH năm 1943, đã không ngần ngại đánh một chú thích 1 nói rằng; ‘Các giới An nam thạo tin nhất không hề do dự rằng [cái chết đó, NQT ct.] là do một sự đầu độc. Lúc đó vua 14 tuổi.’ (‘M. Rheinart ...’, ibid. ) Trong một chú thích ở một chỗ khác trong bài đó, Sogny nói rằng NVT, mà thiên hạ đồn là có tư thông với bà mẹ nuôi của vua, đã cho lệnh giam Kiến Phúc ngay trong lúc ông này làm vua, hầu đưa con mình lên thay; đồng thời cũng nói rằng, bằng cách thủ tiêu Kiến Phước, các phụ chính muốn hủy bỏ hiệp ước 1884 đã được vị vua trẻ ký ( ibid., 128, ct. 1). Rồi ở một chú thích khác, ông Chánh sở Mật thám thêm rằng vua Kiến Phước bị đầu độc ‘theo lệnh của một phụ chính’ (ibid., 194, ct. 1).

B. Theo LM Adolphe Delvaux với 3 tin khác nhau

Vào 1941, Delvaux viết trong BAVH rằng, theo tin đồn, vua Kiến Phúc bị đầu độc. Sau khi nói rằng bà Học Phi, vợ thứ ba của Tự Ðức, đã nhận vua làm con nuôi và dạy dỗ ngài, nên rất được ngài tín nhiệm, tác giả kể tiếp:

" Nguyễn-Văn-Tường đã có biết bà Học-Phi từ một thời gian nào; những cái lưỡi xấu kể thì thầm rằng ông có với bà nhiều hơn là chỉ sự tôn trọng . . .[ ] Ông không quên một cơ hội nào để gặp bà, và khi vua bị bịnh đậu mùa [petite vérole], Tường càng chuyên cần gấp bội trong việc đến gần vua và gần người đàn bà săn sóc vua. Vua đã nhiều lần để ý thấy ông phụ chánh trao điếu thuốc đang cháy cho bà mẹ nuôi mình; nhưng ngài không nói gì cả. Một đêm nọ vua có vẻ thiêm thiếp ngủ, ngài đã có thể nghe được câu chuyện giữa hai người. Sau khi để cho Tường nói một lúc, ngài bổng hét lên: ‘Tao lành, tao chặt đầu cả ba họ’ [Une fois que je serais remis, je vous ferais couper la tête, à vous et à vos fils [litt: à trois générations]. [ ] Vị phụ chính cảm thấy mình bị nguy khốn. Thay vì bỏ trốn, phải chăng nên thủ tiêu kẻ địch của mình? Ông đi xuống viện Thái Y, nhà thuốc của hoàng gia: thuốc đã sắc sẵn cho vua; nhận thấy thuốc đó không tốt, ông chế theo kiểu của ông. Theo lời khuyên của bà Học-Phi, vua uống thuốc mới, và, sáng mai lại, người ta thấy vua chết một cách đột ngột." (Adophe Delvaux, ‘Quelques précisions sur une période troublée de l’histoire d’Annam’. BAVH, số 3, 1941, 251; NQT dịch và nhấn mạnh)

Một điều đáng lưu ý là tác giả Delvaux, trong một bài khác, viết về cái chết của NVT, nói rằng vị phụ chính này đã bóp cổ vua Kiến Phúc chết, chớ không phải đầu độc như chính tác giả đã nói theo tin đồn trong bài nói trên. Ỏ đây, tác giả nhớ lộn rằng vua là rể của NVT và nói rằng ‘ .... người con rể bất hạnh của ông, vua Kiến Phúc, bị chính người cha vợ bóp cổ . . .[ . . . son infortuné gendre, le roi Kiến-Phúc, étranglé par son propre beau père . . .]’. (‘ La mort de Nguyen-Van-Tuong Ancien Régent d’Annam’. BAVH, số 4, 1923, 430; NQT dịch và nhấn mạnh). Về việc vua bị NVT bóp cổ chết này, tác giả Delvaux chỉ xác quyết như vậy mà không nói nguồn tin ở đâu, nên không có cách gì kiểm soát được, và không thấy ai nói như vậy.

Trước đó, vào 1916, trong một bài sưu khảo về tòa sứ Pháp ở Huế và các vị sứ giả đầu tiên, tác giả Delvaux lại đưa ra một thuyết khá ngộ nghĩnh về nguyên nhân cái chết của vua Kiến Phúc, khác hẳn với các nguồn tin nói trên - đầu độc hay bóp cổ. Theo thuyết này thì NVT và Tôn Thất Thuyết đã triệt hạ vua Kiến Phúc để ngăn ngừa quân Pháp vào đóng ở Mang Cá theo Hiệp ước 1884, vì, theo tác giả, các phụ chính nghĩ rằng văn kiện này đã được ký nhân danh vua Kiến Phúc, vậy nếu vua mất thì hiệp ước cũng không còn. Thật vậy, sau khi kể rằng một đại đội thủy quân lục chiến Pháp đến Huế vào giữa tháng 6, 1884 để trở thành đoàn quân bảo vệ vị Tổng trú sứ ở Huế và đóng ở Mang Cá, chiếu theo Hiệp ước 6-6-1884, tác giả nói tiếp:

" Hai phụ chánh Tường và Thuyết dùng mọi cách để ngăn cản sự chiếm đóng đó, nếu không trực tiếp, thì ít nhứt cũng bằng một cách vòng vo. Theo họ, cần phải thủ tiêu hiệp ước, và, để đi đến chỗ đó, các ông chỉ thấy còn một cách: thủ tiêu Kiến Phúc vì hiệp ước đã được ký kết nhân danh vị vua này. Vào những ngày đầu tháng Tám, người ta nghe rằng vua đã mất trong đêm 31 tháng Bảy, ‘sau một cơn bệnh lâu dài’ và ngay ngày sau đã được em ngài là Ưng Lịch [Hàm Nghi] thay thế." (Delvaux, ‘La légation de France à Hué et ses premiers titulaires [1875-1893]’, BAVH, số 1, 1916, 52-3, NQT dịch và nhấn mạnh). Tác giả đưa ra luận cứ này dựa theo cuốn La guerre du Tonkin, không biết tác giả (titre perdu), Sceaux, imp. Charaire et fils, trang 367.

Tóm lại, chỉ theo một mình tác giả Delvaux, NVT đã giết vua Kiến Phúc bằng 3 cách khác nhau: trong bài viết năm 1916, tác giả cho rằng NVT đã cùng ông Thuyết ‘thủ tiêu’ [faire disparaitre] vua để vô hiệu hóa Hiệp ước Bảo hộ 1884; trong bài viết năm 1923, tác giả lại nói rằng NVT giết vua bằng cách bóp cổ; rồi trong bài viết năm 1943 thì kể rằng NVT âm mưu với bà Học Phi để đầu độc vua. Như vậy, tưởng ai cũng có thể tự mình đánh giá mực độ khả tín của các tin trên do một vị linh mục của Hội Thừa sai Hải ngoại ở Paris, và môt vị chánh sở mật thám Trung Kỳ đưa ra: các tin đó triệt tiêu, vô hiệu hóa lẩn nhau.

C. Cái chết của vua Kiến Phúc và các tác giả thực dân Pháp khác

Thuyết ‘vô hiệu hóa Hiệp ước Bảo hộ’ , mà Delvaux đã dựa theo, đã được phần đông các tác giả Pháp đề ra căn cứ vào lý luận, mà họ gán cho các ông phụ chính, là nếu vua Hiệp Hòa đã bị thủ tiêu là vì đã công nhận sự bảo hộ của Pháp qua Hiệp ước Bảo hộ 1883 , thì nay vua Kiến Phúc phải chịu chung số phận vì Hiệp ước Bảo hộ 1884. Thật vậy, theo tác giả Huard thì về ‘cái bệnh tình ấy của vua, không có gì lầm lộn khó hiểu cả, đó chính là cái bệnh đã cướp đi Hiệp Hòa và có thể cả Tự Ðức nữa; đó là nền đô hộ Pháp’ (Lucien Huard, La guerre illustrée: Chine, Tonkin, Annam. Paris, Boulanger, s.d., 367; do Nguyễn Văn Phong dẫn trong La société vietnamienne de 1882 à 1902 d’après les écrits des auteurs francais. Presses universiraires de France, Paris, 1971, 245, ct. 4; NQT dịch).

Vial, cựu Thiếu tá Hải quân và Thống sứ Bắc kỳ, cũng nói theo một đường hướng tương tự rằng: ‘Có lẽ đúng là các ông phụ chính không chấp nhận trách nhiệm về các sự nhượng bộ dành cho nước Pháp, và đỗ lên đầu một hoàng thân trẻ vô hại và suy nhược... Có tin đồn rằng Hội đồng Phụ chính đã thủ tiêu ổng . . .’ (Paulin Vial, Nos premières années au Tonkin. 1889, 169; do Phong dẫn, ibid., ct. 5; NQT dịch).

Các nguồn tin đã nói đã được tác giả LM Nguyễn Văn Phong tổng hợp một cách tài tình gọn ghẽ như sau: Sự háo hức của Hiệp hòa, vì cảm thấy bị hăm dọa trầm trọng, đã thỉnh cầu sự giúp đỡ của Pháp với những lời lẽ dụng ý mơ hồ [theo Picard Destelan và J. Masson, ct. 6], đã phải thúc dục cái chết của ổng... theo lệnh hai phụ chính. Cái chết, dù cho là tự nhiên [theo Rheinart, ct. 7] hay cưỡng bách [theo Masson, ct. 8], của Kiến Phước, đã bi giam giữ rồi trong cung theo lệnh của Tường, không những được dùng làm duyên cớ để thủ tiêu hiệp ước 1884, chiếu theo ‘một giả tưởng ngoại giao của Á đông cho rằng một hiệp ước không có giá trị gì hết khi mà người ký nó chết gần như là liền sau đó’ [theo Pouvourville, ct. 9], mà còn ăn khớp hoàn toàn với ý muốn của Tường, người đã bị tai tiếng là đã có liên lạc thân mật với một bà vợ hầu của vua [theo Rheinart, ct. 7]." (Phong, op. cit., 247; NQT dịch và tóm các chú thích) Ỏ đây, có một điểm đáng lưu ý, về phương diện phương pháp ghi chú tài liệu, là Rheinart, như đã nói trên, trong nhật ký của mình, không hề đả động gì đến việc NVT đầu độc Kiến Phúc, mà chính Sogny, Chánh sở Mật thám An nam và là người bình giải nhật ký ấy (do con của Rheinart cung cấp cho báo BAVH), đã thêm vào bằng một chú thích số 1 ở chỗ Rheinart ghi rằng cái chết của vua là một cái chết tự nhiên. Trong chú thích 1 đó, Sogny nói rằng vua bị đầu độc dựa theo ‘giới thao tin An nam’. Trong sách của Cha Phong có ghi ở chú thích 7, trang 247: ‘Rheinart, Journal, notes, op. cit., pp. 128, n. 1, 173’, nhưng quên nói rõ là Sogny chớ không phải Rheinart nói. Do đó, sử gia Vũ Ngự Chiêu, mặc dầu là người đã viết sử dựa rất nhiều vào tài liệu đầu tay và đứng về phương diện quyền lợi quốc gia Việt nam, và bênh vực hai ông phụ chính nhiều hơn các sử gia khác, đã dựa vào sách Cha Phong, trang 247 mà viết rằng:

"Khâm sứ Rheinart, qua hệ thống tình báo riêng, cho rằng Kiến Phước đã bị Phụ chính Tường hạ độc, không những vì Nguyễn Văn Tường tưởng rằng hiệp ước 1884 sẽ trở thành vô giá trị nếu người ký kết từ trần, mà còn do lòng dục vọng muốn duy trì những liên hệ mật thiết với một vương phi." (Vũ Ngự Chiêu, Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, Tập 1. Văn Hóa 99, 353) Tuy nhiên, sau đó trong phần chú thích số 75, trang 361, tác giả lại tự hỏi: ‘Có nguồn tin cho rằng Nguyễn Văn Tường giao du thân mật với mẹ nuôi Kiến Phước. Chẳng hiểu chi tiết này xuất xứ từ đâu.

iii. Nguyễn Hữu Ðộ và việc vua Kiến Phúc chết

Ðể trả lời câu hỏi này tưởng nên xem thêm câu chuyện về phía sử Việt nam. Khoảng một năm sau khi vua Kiến Phúc mất, trong một bức thư gởi Ðại tướng de Courcy, ông Nguyễn Hữu Ðộ, một vị quan thân Pháp ở Bắc kỳ, có nói ám chỉ rằng Vua nghe chuyện gian díu giữa NVT và bà Học Phi nên uất ức mà chết, chớ không phải bị NVT đầu độc, hay duyên cớ mờ ám nào khác. Ông Ðộ đã nói nguyên văn như sau trong thơ:

‘’Chúng tôi thân hào sĩ xứ Bắc hà kính bẩm Ðại nguyên soái thống xuất Bắc kỳ quân vụ toàn quyền đại thần các hạ:

...

Vua Kiến Phúc lên ngôi, tính người trong sạch, thiên tư khôn sáng, bọn nghịch thần ấy [NVT và Tôn Thất Thuyết, NQT ct.] e rằng không lợi cho mình, cùng nhau thông mưu với Nội đình, ngẫm chu cuộc phế lập. Thêm nữa, những tiếng [buông khe] không tốt, truyền bá ra ngoài, cho đến vua Kiến Phúc cũng tức giận mà chết. Than ôi! Thảm thay! ‘’ (Phan Trần Chúc, Vua Hàm Nghi. Nhà Xuất bản Thuận Hóa, 1995, 89, NQT nhấn mạnh. Rất tiếc tác giả Chúc, cũng như phần đông các sử gia Việt, không cho biết xuất xứ bức thư, cũng như tài liệu dùng để tham khảo, nhưng bức thư có thể có thực ở đâu đó, mà người viết chưa tìm ra được).

A. Nguyễn Văn Tường và Nguyễn Hữu Ðộ

Về tương quan giữa NVT và ông Ðộ, tác giả cuốn Vua Hàm Nghi cho biết là:

"Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết xét biết rằng Nguyễn Hữu Ðộ đã ngầm giao thiệp với người Pháp để gây thế lực riêng cho mình nên muốn triệu về để giữ mối họa về sau. Nhưng Ðộ là người rất giảo quyệt néo riết lấy người Pháp. Và không những không theo mệnh lệnh của triều đình, Ðộ lại còn dụng tâm mượn thế lực của Pháp để trừ cho kỳ được Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết." (Chúc, op. cit., 88)

Những lời này bình luận này rất phù hợp với những gì chính sử nhà Nguyễn là Ðại Nam Thực Lục đã nói. (ÐNTL, XXXVi, 234, 236, 237). Ngoài ra, còn nhiều lý do khác khiến ông Ðộ âm mưu ám hại NVT. Một trong những câu chuyện thường được kế lại là vụ dân Hà nội dựng đền sinh từ Nguyễn Hữu Ðộ lúc ông làm quyền Tổng đốc tỉnh đó. Chuyện vỡ lỡ lên đến tai Triều đình, ông Ðộ đã dâng sớ cáo lỗi, viện cớ là dân chúng thương ông và tự động làm, và ông không ngăn họ được. Quan Khoa đạo Bùi Hữu Tạo điều tra và hặc tội, vì lẽ rằng ông Ðộ đã nghe lời nịnh hót của bang biện và đề đốc tỉnh đó gởi thân hào phủ huyện chia nhau góp mỗi người 200 lạng để xây sinh từ lên đến hàng vạn. Việc được điều tra lại thì lại nói là sinh từ chỉ do dân một thôn làm, và một môn thuộc của ông Ðộ là Võ Văn Hoạt nhận lãnh một mình tự ý làm tất cả. Hai ông phụ chính Tường và Thuyết thấy chuyện vô lý, vì một tiểu dân như tên Hoạt làm sao mà có thể một mình đảm đương một việc to lớn hơn vạn bạc như vậy được, nên cho điều tra kỹ càng lại. Trong lúc cuộc tái điều tra đang tiếp diễn thì đến hè năm sau nội vụ được tạm xếp vì kinh thành thất thủ. (ÐNTL, XXXVi, 213-4) Một chuyện khá ngộ nghĩnh liên quan đến vụ này, là sau khi theo lệnh người Pháp dựng vua Ðồng Khánh lên ngôi, việc trước tiên mà ông Ðộ làm là khiến vua ra dụ ân xá cho những trường hợp như của mình. Sử chép:

‘’Vũ hiển điện đại học sĩ sung Cơ mật viện đaị thần là Nguyễn Hữu Ðộ tâu nói: Quốc triều lập phép, hình phạt có đủ điều lệ, kỹ càng đến nhường nào. . . . Từ sau khi tiên đế chầu trời, quyền thần giữ chính nước, khinh thường bỏ cả điển hình. . . . Trừ các tội danh phạm phải từ ngày 16 tháng 6 năm Tự Ðức 36 trở về trước đều theo án trước xử lý ra, còn tự ngày 17 trở về sau, không cứ là can khoản gì, phạm tội gì ... đều làm danh sách tâu lên đợi chỉ cho khoan xá và truy trả lại chức hàm, khiến cho khỏi bị can lạm. Vua y cho." (ÐNTL, XXXVii, 26; NQT nhấn mạnh)

B. Nguyễn Hữu Ðộ và vua Ðồng Khánh

Dưới Triều Ðồng Khánh, ông Ðộ hầu như nắm toàn quyền, dưới sự điều khiển trực tiếp của người Pháp. Trong giai đoạn đầu, một mình ông kiêm quản luôn 6 bộ, một việc trái hẳn với điển lệ nhà Nguyễn. Khi chính ông Ðộ thấy ái ngại và xin chỉ trông coi bộ Binh mà thôi, vua Ðồng Khánh không cho, vì sợ tự đảm đương công việc các bộ kia không nổi. Vua cũng không thấy thẹn thùng mà xác nhận rằng ‘... khanh theo nước Pháp đón trẫm vào nối ngôi vua...’, và yêu cầu ông Ðộ giúp vua như vậy trong một thời gian vài năm nữa. Ông Ðộ, vì muốn chuẩn bị đi làm thêm chức Bắc kỳ Kinh Lược Sứ, tức trong thực tế là vua xứ Bắc kỳ, trực tiếp dưới quyền người Pháp, nên cố này nĩ, dựa theo tiền lệ là các đại thần như Trương Ðăng Quế, Trần Tiễn Thành trước kia cũng chỉ kiêm quản có một bộ Binh là tối đa, vua mới chịu y cho. (ibid., 194-5) Ðến năm Ðồng Khánh thứ 3 [1888], mặc dầu đã làm chức Kinh Lược ở Bắc, ông vẫn kiêm nhiệm chức Cơ Mật Viện đại thần ở kinh, nên Triều đình phải xây nhà riêng cho ông, và thành tài sản riêng của ông, dựa theo tiền lệ xa xưa ở bên Tàu và đời Minh Mạng. Chính sử chép rằng:

‘’Vua nghĩ các công thần khi xưa, xét trong sử truyện, cũng có ban cấp nhà riêng; Nguyễn Hữu Ðộ đã phong tước công, thì nhà riêng cũng nên ban cấp; duy hiện nay gỗ chưa được dư dụ, thợ thuyền cũng thiếu, nếu nhà nước xây dựng cho, hơi có chưa tiện. Bèn chuẩn cấp cho 1.000 lạng bạc, giao cho nhà viên ấy thuê làm. [ ] [Quách Tử Nghi đời Ðường có công lao lớn, giữ yên nhà vua, đức tôn, cho ruộng tốt, đồ dùng đẹp, vườn đẹp, nhà chứa sách, chép không xiết được; Ngụy Liễu Ông đời Tống tặng thái sư, cho nhà cửa. Ðời Minh, Vu Khiêm, tài lược nhanh nhẹn, lo nước quên mình, cho nhà ở cửa Tây Ba; Thang Hóa phong Tín quốc công, Thái tổ cho tiền làm nhà. Bản triều, khoảng năm Minh Mệnh, nguyên trung hưng công thần là Trịnh Hoài Ðức, không có nhà riêng, vì tuổi già xin trí sự, vua không cho, cho 2.000 quan tiền cùng gỗ, gạch, ngói, để làm nhà ở ngay kinh]. (ÐNTL, XXXViii, 84)

C. Nguyễn Hữu Ðộ và người Pháp

Sở dĩ ông Ðộ được giao quyền lớn chưa từng có như vậy là vì từ lâu trước đó, ông đã lập được nhiều công trạng với người Pháp, và được họ hoàn toàn tin dùng. Một trong những thành tích phục vụ Pháp khá nổi tiếng hồi đó của ông Ðộ là việc giúp Ðức Cha Puginier xây nhà thờ trên chùa Bảo Thiên ở Hà nội. Công sứ Pháp ở Hà nội hồi bấy giờ là Bonnal đã khen ngợi tinh thần hợp tác của ông Ðộ và kể lại một bằng chứng như việc chiếm hữu đất chùa một cách hợp pháp như sau:

‘’San bằng cái chùa và tịch thu miếng đất, thật không có gì dễ bằng trong thời gian chiếm đóng..., tuy nhiên, công bình mà nói, tôi cảm thấy ít nhiều ái ngại trong việc phạm một sự lạm quyền kiểu đó, nên thấy nên nhờ ông Tổng đốc, Nguyễn Hữu Ðộ. Ông rất tâm đầu ý hiệp với vị Giám mục [Puginier, NQT ct.] và muốn làm vừa lòng ngài cũng như tôi vậy. Thoạt tiên, ông cho điều nghiên xem có ai là hậu duệ của người sáng lập ra chùa, đã chết hai thế kỷ trước, và, lẽ dĩ nhiên, không tìm ra ai. Thứ đến, ông chỉ thị cho các công dân lãnh đạo trong phường, được chọn lựa có vẻ như là do sự may rủi giữa các người Công giáo, đến thẩm lượng mức độ kiên cố của ngôi chùa; họ không ngần ngại xác quyết rằng ngôi chùa đã mục nát có thể sập gây nguy hiểm cho những người qua lại. Bây giờ, mọi việc đã đâu vào đấy. San bằng ngôi chùa và tịch thu miếng đất vô chủ vì lợi ích quốc gia là những biện pháp chính đáng theo tâp tục An nam, và không thể bị ai phản đối được.... [Ông Tổng đốc] cũng lãnh luôn trách nhiệm chuyển nhượng vô thường khu đất bị sung công cho giáo phận, và lấy làm thỏa thích được chính thức dâng trình mãnh bằng khoán khu đất cho đức giám mục ..." (André Masson, The Transformation of Hanoi, 1873-1888. Madison, Wi: Center for Southeast Asian Studies, University of Wisconsin-Madison, 1983, 51, NQT dịch)

Lịch sử Pháp thực dân, nói chung, không những bỏ lơ không nói đến những hành vi tham nhũng hay bê bối của ông Ðộ, mà còn giải thích những hành vi thân Pháp của ông như là do lòng ái quốc của ông thúc đẫy. Trong một bài biên khảo về ông Ðộ (L. Sogny, ‘Les familles illustres de l’Annam: S.E. Nguyễn-Hữu-Ðộ’. BAVH, no. 2, 1924, 169-204), Ông Sogny, Chánh sở Mật thám Trung kỳ, cho rằng ông Ðộ là giòng dõi Nguyễn Trãi, và là người duy nhất trong lịch sử nước An nam, sau khi kinh đô Huế rơi vào tay Pháp, đã được thăng từ chức thị lang, hàng chánh tam phẩm, lên chánh nhứt phẩm, và đứng đầu triều (t. 190); là một ông quan rất hiếm có đã tận tâm với nước Pháp theo lời của Jean Dupuis (t.189); là bạn của nước Pháp trong mọi trường hợp, và đã có nhiều thiện cảm với Dupuis từ khi làm phủ thần ở Quảng Yên, theo lời của Ernest Millot, bạn thân của Dupuis (t. 190-1). Sogny kể thêm rằng sau khi hai ông Tường và Thuyết truất phế vua Hiệp Hòa thì ông Ðộ giận đến khóc lên và tố cáo các tội ác của các phụ chính với người Pháp (t.187); rồi khi nghe vua Hàm Nghi rời kinh thành với ông Thuyết thì ông Ðộ khóc nức nỡ, và đề nghị với Pháp cho mình về kinh giúp lập lại trật tự; và trước khi chết vì bịnh, Ông Ðộ đã gởi thơ cho toàn quyền và khâm sứ Pháp có đoạn như sau:

‘’Trong 3 năm qua nước chúng tôi bị suy đồi. Uy quyền quốc gia lọt vào tay bọn phản quốc đã vì tham vọng riêng, mang lại tai họa cho đất nước chúng tôi. Ngôi báu đã bị khuynh đảo. May mắn thay, Chính phủ Pháp vĩ đại đã không lìa bỏ chúng tôi. Họ đã hạ cố ban cho tôi lòng tin của họ, và tôi đã được cái ân trạch giao tiếp với những viên chức cao cấp của chính phủ ấy để giải quyết các vấn đề quốc gia, và tái tục, bằng những hiệp ước, mối giây liên lạc thân hữu giữa hai chính phủ. [ ] Nếu nước chúng tôi được như ngày nay, đó là nhờ ở lòng nhân đức của chính phủ Pháp. Tôi xin mang cái kỷ niệm êm đềm đó xuống nấm mồ và truyền nó vào thân xác của tôi. Than ôi! Tôi không thể nào bày tỏ tất cả lòng tri ân nồng nhiệt và chân thành của tôi .... ‘’ (t. 202, NQT dịch).

D. Nguyễn Hữu Ðộ và Phan Ðình Bình

Ðó là tấm lòng của ông đối với nước bảo hộ. Còn đối với đồng nghiệp cùng chí hướng cọng tác với mình, ông Ðộ đã đối xử thế nào? Chính sử ghi rằng vào 1887, dưới triều Ðồng khánh, ông Ðộ đã tìm cách ám hại ông Phan Ðình Bình, bằng cách mật tấu cho vua biết rằng ông Bình trước kia đã vận động đưa con vua Dục Ðức là giòng trưởng và cũng là cháu ngoại của mình, chớ không phải cho hoàng tử Chánh Mông [Ðồng Khánh] lên ngôi. Ông Bình là một vị quan cao cấp hơn ông Ðộ, đã theo lệnh người Pháp, từ Bắc cùng về kinh một lần với ông, và giữ một chức vụ xấp xỉ như ông. Ðồng Khánh là một ông vua rất đa nghi, vì sợ bị các phe phái trong Triều ám hại, nên phản ứng rất dữ dội. Thật vậy, theo Ðại Nam Thực lục ( XXXViii, 23-7) thì ‘‘Bấy giờ Nguyễn Hữu Ðộ từ Bắc kỳ mật tâu: Ðình Bình khi ở Bắc kỳ đề xướng ... lập hoàng tôn [con vua Dục Ðức, giòng trưởng, NQT ct.], còn suy tôn nhà vua [Ðồng Khánh, NQT ct.]... Vua lấy làm giận, bèn giải chức Ðình Bình, giao cho tôn nhân, đình thần xét rõ." (ibid., 23) Sau khi nội vụ được điều tra xong, đình thần đề nghị Ðình Bình và vợ phải tội chém, nhưng giam đợi lệnh. Ðược vua giao xét lại, ông Ðộ nói : ‘Việc Ðình Bình can phạm là việc trọng đại, trị bằng tội phải chịu, thực không phải là oan uổng, kính thảy nhà vua xử đoán, pháp lệnh nghiêm minh, may cho tôn xã, và may cho thần dân lắm.’ [ ] [Vua] ‘bèn chuẩn cho theo như nghĩ định. Ðình Bình rồi sau ở trong nhà giam uất ức mà chết.’ (t. 27) Chính sử đã tổng kết nội vụ như là một trường hợp ‘đồng nhi bất hòa’ giữa hai ông quan Việt thân Pháp:’ Nhà vua được lập lên là do quan Pháp và Nguyễn Hữu Ðộ bàn định. Ðình Bình từ ngoài Bắc về, nương tựa vào người khác mà danh vị ngang nhau, nhận chức không nghi ngờ, Hữu Ðộ để tâm không bằng lòng, sau nhân làm việc quan có ý kiến bất đồng, nên mới bị nạn.’ (t 27) Ông Baille, Công sứ Pháp ở Huế thời đó, có tường thuật vụ này và nêu ra khá nhiều thắc mắc, nhưng cũng như sử sách thực dân nói chung, không ai chỉ trích ông Ðộ là ‘chuyên quyền’ hay là độc ác gì cả. (Baille, Souvenirs d’Annam [1886-1890]. Paris, Nourritt et Cie, 1891, 107-114)

E. Nguyễn Văn Tường nhường lương cho Nguyễn Hữu Ðộ

Ngoài ra, việc NVT đã xin vua cho được nhường một phần lương của mình cho ông Ðộ lúc 2 ông cùng làm việc tại Thương bạc viện cũng không mấy ai nhắc đến. Sự việc xảy ra vào mùa thu năm 1875 khi vua Tự Ðức:

‘’Cấp thêm cho biện lý bộ Lại sung tham biện thương bạc Nguyễn Hữu Ðộ 200 quan tiền. Khi ấy Nguyễn Văn Tường tâu nói: Thần sung làm việc ở viện bạc [thương bạc, NQT ct.], ngoài số lương thường, hàng năm được thêm tiền bổng 600 quan, [viện {Cơ Mật, NQT ct.} thêm được 300, thương bạc thêm 300] Hữu Ðộ chưa dự hàng đại thần nhưng việc công cùng giúp đỡ lẫn nhau, đều có san sẻ khó nhọc. Thần xin vâng lãnh tiền viện 300 quan, còn tiền bổng 300 quan thương bạc thêm cho, xin chờ chỉ chuẩn cho chia cấp cho tham biện Hữu Ðộ. [ ]

Vua không nghe, cấp thêm cho Ðộ hàng năm 200 quan." (ÐNTL, XXXiii, 258)

F. Nguyễn Hữu Ðộ và nhóm Hà Nội

Dù sao, việc ông Ðộ phao ra tin vua Kiến Phúc uất ức mà chết, vì nghe tin đồn bà hoàng mẫu me nuôi mình tư thông với NVT, không những là do lòng căm thù cá nhân đối với NVT, mà còn ăn khớp với kế hoạch của một phe thực dân mà các sử gia Pháp ngày nay gọi là ‘nhóm Hà nội’ [Clan de Hanoi]. Nhóm này gồm những nhân vật như là Ðức Cha Puginier, Tướng Brière de l’isle, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp, ông Silvestre, Giám đốc Chính trị và Dân sự vụ, mà chính sử ta kêu là thượng thư bộ Lại của bên phía Pháp, và Ðại tá Pernot, chỉ huy đồn Mang Cá ở Huế. Họ chủ trương tiêu diệt Triều đình Huế, và trước khi Huế thất thủ một năm, họ đã dự trù thay thế vua Hàm Nghi và hai phụ chính Tường, Thuyết bằng vua Ðồng Khánh [sau này], và các ông Nguyễn Hữu Ðộ và Phan Ðình Bình. Nhóm Hà nội, theo lời của chính ông Lemaire, Tổng trú sứ tại Huế trước khi kinh thành rơi vào tay Pháp, đã dùng mọi thủ đoạn để buộc tội Triều đình, như tố cáo rằng tất cả những thất bại, bất lợi, rắc rối xảy ra cho phía Pháp, từ Lạng sơn cho đến Cao mên, đều là do Triều đình, tức hai ông phụ chính, gây ra. (Thư Lemaire gởi Freycinet, 7/4/1885. S.H.A.T. 10H3 [ex carton 3], do Charles Fourniau dẫn trong Annam-Tonkin, 1885-1896: lettrés et paysans vietnamiens face à la conquête coloniale. Paris: l’Harmattan, 1989, 29). Tướng Brière, chẳng hạn, đã buộc tội triều đình thông đồng với Tàu để đánh Pháp bằng cách trưng ra một tài liệu bằng chữ nho, mà ông Lemaire, giỏi Hán ngữ, xem lại chỉ là một văn kiện trưng thu gạo. (S.O.M. A30 [72] 2/1885, do Fourniau dẫn, ibid., 29, ct. 31). Ðại tá chỉ huy đồn Mang Cá ở Huế thì cùng quân lên thành triệt hạ các đại bác và bịt ngòi hơn 200 khẩu; tập trận giả sát bờ thành Huế, cho lính dạo chơi ngay chung quanh cấm thành, đánh đập lính gác, phá phách những quan lại ra vào, và tìm kế bắt cóc hai ông phụ chính Thuyết và Tường. (Thơ Lemaire gởi bộ Ngoại giao 9-4-1885. S.O.M. A30 [72], do Fourniau dẫn, Annam, 30; Thơ Pernot gởi Brière de l’isle. S.H.A.T. 10H6 [ex carton 9]; sự kế thừa Tướng de Courcy. Thư tín Pernot-Brière - 4-5/1885; do Fourniau dẫn, ibid., 30; ‘’Thơ: Lại Bộ Thượng Thư Nguyễn Văn Tường gởi Nguyên Soái Pháp tại Tahiti’. Tiếng Sông Hương 1994, 126-7). Khi de Courcy từ Pháp sang với toàn quyền quân và dân sự, nhóm Hà nội tìm cách thuyết phục ông này thực hiện kế hoạch triệt hạ triều đình Huế đã dự trù của mình.

iV. Sự phổ biến tin đồn qua các sử sách thông dụng của Việt Nam

Trong khuôn khổ chiến dịch này của nhóm Hà nội, việc ông Ðộ, theo lệnh của Silvestre, đã gởi thơ nói trên cho de Courcy tố cáo ám hại NVT, trong đó có chuyện vua Kiến Phúc chết vì uất ức, không có gì lạ. Rồi từ đó, tin đồn này được tiếp diễn dưới không biết bao nhiêu hình thức, tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người viết sử.

A. Sử gia Trần Trọng Kim

Trong một cuốn sử ảnh hưởng sâu đậm nhất vào hai ba thế hệ người Việt nam cho đến ngày nay, ông Trần Trọng Kim viết : ‘’Có chuyện nói rằng: khi vua Kiến Phúc se mình, nằm trong điện, đêm thấy Nguyễn văn Tường vào trong cung, ngài có quở mắng. Ðến ngày hôm sau, thì ngài ngộ thuốc mà mất." (Việt-nam sử-lược, Sài gòn, Bô Giáo Dục xuất bản, 224, ct. 175) Tác giả không cho biết tin này lấy từ đâu. Rồi trong cuốn Hạnh Thục Ca của Nguyễn Nhược Thị, do ông phiên dịch và chú thích, mặc dầu tác giả Nguyễn Nhược Thị không đả động gì đến câu chuyện này, sử gia Kim cũng ghi dài thêm một chút: ‘’Vua Kiến Phúc mất, có một điều rất bí ẩn, là người ta nói rằng: ngài mắc bệnh đậu mùa, nằm trong điện, đêm nghe tiếng giày đi. Ngài hỏi ai đi đó, thì thấy Nguyễn văn Tường tâu rằng: ‘Tôi’. Ngài quở rằng: ‘Ðêm hôm thầy vào làm gì trong cung?’ Tường không nói gì, rồi sáng hôm sau thì vua Kiến Phúc mất. Người ta nghi là Tường cho thuốc độc giết vua. Việc này chưa rõ thực hư thế nào, nhưng cũng ghi vào đây làm một chuyện đáng ngờ." (Nguyễn Nhược Thị, Hạnh Thục Ca. Sài Gòn, Tân Việt, 1950, t. 31, ct. 1)

B. Sử gia Phạm Văn Sơn

Sử gia Phạm Văn Sơn thì đi xa hơn một chút nữa trong cuốn Việt Sử Toàn Thư (trên mạng lưới). Ở trang 460, chú thích 121, tác giả nói đó là tin đồn, nhưng ông có vẻ coi như là thiệt, vì dựa theo đó ông cho rằng vua chết không phải vì lý do chính trị, như một số sử gia khác đã nói: ‘’... Theo dư luận ở Huế nhà vua bị đầu độc do tay bà học phi và Nguyễn Văn Tường. Hai người này tư thông với nhau. Nhà vua biết được đang sẽ trừng trị việc thông gian thì Tường ra tay trước. Cái chết của vua Kiến Phúc như vậy không phải là vì chính trị". Rồi cũng trong sách đó, đến trang 465, thì tác giả mặc nhiên cho tin đó là như thật, chớ không phải là tin đồn nữa, vì bây giờ ông lại nói: ’ Vua Kiến Phúc ở ngôi được hơn 6 tháng và mất ngày mồng 7 tháng 4 năm Giáp Thân [1884] trong một trường hợp vô cùng thê thảm như trên đã kể.’

C. Sử gia Phan Khoang

Sử gia Phan Khoang, thận trọng hơn, và có vẻ có thiện cảm hơn với NVT: ‘’Vua Kiến Phúc chết vẫn còn bí mật. Có người nói Nguỳễn Văn Tường bỏ thuốc độc giết vua để làm mất vị Quốc-trưởng đã lập hòa ước Giáp Thân với Pháp; có người nói là bà Học-phi Nguyễn-thị [vợ vua Tự-đức] là mẹ nuôi của vua Kiến-phúc có tư tình với Nguyễn Văn Tường, một hôm, nhân vua đau, Tường vào thăm có trò chuyện với bà, vua nghe và có hăm dọa, Tường thấy nguy, xuống Thái-y-viện bốc một thang thuốc để dâng vua uống, ngày hôm sau thì vua băng. Nhưng phần đông đều cho là vua chết vì bệnh." (Việt-Nam Pháp-thuộc-sử. Sài gòn: Phủ Quốc-vụ-khanh đặc trách văn hóa, 1971, trang đầu của Chương Mười, ct. 1, NQT nhấn mạnh )

V. Sự tiểu thuyết hóa, hay tiếu lâm hóa, lịch sử thực dân

Dần dà với thời gian, những tin đồn và suy diễn của các tác giả Pháp thực dân đã nghiễm nhiên trở thành sự thật ngày nay.

A. Cụ Phó Bảng Cư và Cô Yến ở bến Vân Trình

Mới đây, năm 1996, theo một học giả xứ Huế, câu chuyện đã được tường thuật với nhiều tình tiết được thi vị hóa: ‘’Cụ Phó Bản Cư,...., kể lại cho tôi nghe rằng: sinh tiền, Vua Tự Ðức ưa đi thăm dân ... .Ðến làng Vân Trình, . . . Phong Ðiền. Ngài từ Phá Tam Giang đi ngược lên gặp mưa to gió lớn, bèn ra lệnh ghé bến Vân Trình, thì vừa thấy trên bờ sông một thiếu nữ kiều diễm đang núp mưa dưới lùm tre. Vua rất lấy làm vừa ý, liền hạ lệnh tuyển vào Cung, phong là ‘tài nhơn’, về sau được phong ‘tam giai phi’. Bà này tên Yến, tức là bà Học Phi trong sử sách. Sự việc này đã khiến cho dân làng Vân Trình đặt câu phong dao: [ ] Trời xui có trận mưa giông, [ ] Khiến con chim én vào trong đền vàng. [ ] Về sau này có sự cấu kết giữa Nguyễn Văn Tường và bà Học Phi là người đã đưa chén thuốc [nấu theo toa của Nguyễn Văn Tường và tự y đã thêm chất hồng hoàng vào] ép vua Kiến Phúc uống, rồi sáng hôm sau thì vua chết!" (Thái Văn Kiểm, ‘Nước loạn canh tàn khóc bể dâu’ Nhớ Huế, số 8, 1996, 91-2; NQT nhấn mạnh). Với sử gia miền Sông Hương Núi Ngự này, ta thấy thêm một bước tiến nữa, là NVT đã ‘thêm chất hồng hoàng vào’. Rất tiếc là về việc tố cáo một đại thần bỏ thuốc độc giết vua là một việc quan trọng như vậy mà tác giả không cho biết rõ xuất xứ từ đâu, ngoài ông Phó Bảng Cư. Tuy nhiên, mặc dù bài viết không có thư tịch, không chú thích nguồn gốc tài liệu [trừ một vài chỗ], và chắp nối đoạn này mâu thuẫn với đọan kia [ xem trang 81 và trang 102 về cái chết của Trần Tiễn Thành], nó đã được đăng lại với đôi chút sửa đổi về hình thức và bỏ bớt một đoạn sau, vào cuốn sử mới hoàn thành năm 2002 của LS Hoàng Cơ Thụy, với tư cách là một bài ‘Sưu khảo’ (Việt sử khảo luận Từ Thái Cổ đến Hiện Ðại. Paris, Hội Văn hóa Hải ngoại, t. 1889-97). Ngoài ra, chuyện NVT và bà Học Phi cũng được LS Thụy nhắc đi nhắc lại, lúc hư lúc thực, trong bộ sử đồ sộ của mình. ( ví dụ, Op. cit., t. 1271-2, 1327).

B. Mối tình lãng mạn giữa một ông vua già và một cô gái quê

Mới đây, năm 2001, một sử gia miền Quảng Trị, trong một cuốn sách tự xuất bản, đã cho thêm vài chi tiết đáng chú ý, mà vị học giả xứ Huế nói trên có lẽ chỉ ám chỉ thôi, như: ‘...Bà Học Phi, một người trẻ đẹp. Tự Ðức đã gặp Bà khi ông ngoài 50 tuổi, mối tình lãng mạn giữa một ông vua già và cô gái quê mới 15, 16 tuổi.’ (Nguyễn Lý Tưởng, Thuyền Ai Ðợi Bến Vân Lâu. Hoa kỳ, 8-2001, 277); và bà ‘tên là Yến, người họ Nguyễn ở làng Vân Trình, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên.’ (t. 278); và NVT, sau khi ‘lấy thuốc đã pha chế sẵn, gia giảm chút ít rồi đưa cho Bà Học Phi để chính tay Bà trao cho vua uống. Kiến Phước được bà Học Phi nuôi khi còn nhỏ, thương yêu như con ruột. Vua cũng thương bà như mẹ đẻ vì bà vừa trẻ đẹp, vừa khôn khéo... rất được lòng vua. Chính tay mẹ trao thuốc cho con uống thì còn nghi ngờ gì nữa.’ (t. 279)

Vi. Mực độ khả tín nội tại của nguồn tin vua Kiến Phúc bị đầu độc

Mặc dầu câu chuyện phát xuất từ một tin đồn với ác ý do thực dân tung ra để bôi lọ một vi đại thần chống Pháp, nhưng vì nó lưu truyền dai dẳng trong lịch sử cho đến hiện tại, tưởng cũng nên mổ xẻ, phân tích xem nó có dựa trên một cơ sở nào vững chắc không. Người vô danh đã bịa đặt ra câu chuyện tỏ ra không thông hiểu gì về lịch sử Viêt nam, về sự quan trọng đặc biệt của nghi lễ trong việc cai tri nói chung, cũng như các qui tắc, thủ tục liên quan đến các họat động hằng ngày, công hay tư, của vua. Các nghi thức này được sửa đổi, cải tiến qua kinh nghiệm sống để bảo vệ sự trường tồn của triều đại và của vua. Bộ Lể là một bộ quan trọng vào bậc nhất, và cùng với Ðô sát viện, có nhiệm vụ đốc xuất sự áp dụng đúng đắn và chặt chẽ các nghi lễ của triều đình. Chính sử nhà Nguyễn đã ghi lại không biết bao nhiêu trường hợp các quan lớn nhỏ bi trừng phạt nặng nhẹ vi đã vi phạm nghi lễ, như không cất mủ khi đi vào, hoặc ngang qua, một cung điện, dinh thự nào, dù vì lý do trời mưa; Ngồi trên thuyền riêng của mình mà không quỳ lạy khi gặp thuyền vua đi qua; Ði đến những nơi cấm địa, chỉ dành cho vua và gia đình. Với những nghi thức ấn định việc vua ăn uống, giải trí, uống thuốc, tiếp kiến các quan, không làm gì có thể xảy ra được việc NVT đầu độc vua như vậy, và việc NVT cùng bà Học Phi cùng ở trong một phòng với vua, như người ta tưởng tượng xảy ra như ngày nay được.

A. Thủ tục vua uống thuốc và chữa bệnh

Sau đây là thủ tục dâng thuốc lên vua, trích trong Khâm định Ðại nam Hội điển sự lệ (Huế, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1992-3), tập XV, quyển 258 nói về viện Thái Y: ‘’... viện thái y chọn thuốc dâng lên vua dùng, do các viên viện sứ, ngự y, viện phán cùng với thị vệ thần, viên ngoại lang ty cẩn tín, đến phủ Nội vụ hội đồng 4 nha, chiếu từng hạng các vị thuốc chọn lấy thứ tốt thượng hạng, đáng dùng làm thuốc vua uống, thì kính cẩn xem xét chia hạng đem về sở ngự dược, hội đồng với xứ thị vệ đem bào chế đúng phép. Những người làm việc ấy chuyên do các viên viện sứ ngự y, viện phán cùng y chính, y phó viện ấy chính mình xét làm cho tinh khiết, khi ấy nếu thiếu người làm việc thì do thị vệ thần phái thị vệ các bậc đến làm phụ. Từ nay có bào chế thuốc vua dùng, đều phái thuộc viên đến xem xét. Nếu thấy thuốc không tốt thì cho đem việc ấy tâu lên hạch rất nghiêm.’ (t. 427-8)

Ở viện Thái y luôn luôn có các quan ngự y túc trực, và có việc gì phải hội với nhau lại mà làm: ‘’...Viện Thái y nguyên là chỗ cẩn mật... . Nay cho lấy hiên bên tả nhà dưỡng chính đường cũ làm sở ngự dược [thuốc vua dùng]. Ngự y cùng các viên kiêm quản viện Thái y đều túc trực ở đây. Còn nhân viên thuộc viện đều túc trực ở viện cũ, cho có phân biệt. Gặp có việc công cần làm, cho hội lại mà làm.’ (t. 427).

Việc xem mạch cho vua cũng được ấn định rất cẩn trọng. Chỉ những ngự y có tên tuổi và được chỉ định đích danh mới được ban bài ngà để vào cung xem mạch. (t. 428) Thủ tục bốc thuốc cho vua, do một học giả tóm lược, căn cứ vào tài liêu của ông Bửu Kế và quan ngự y Nguyễn Duy thời Tự Ðức, cũng phù hợp với những gì nói trên:

‘Chẩn mạch xem bệnh xong, viên viện sứ và ngự y phải họp hội đồng quan ngự y lại. Hai ông trình bày bệnh trạng của vua, khi mọi người đều đồng ý, lúc đó mới ra phái với chữ ký của tất cả những người đến tham dự. Nếu bệnh nhẹ thì bỏ vào một phong bì vàng, trên đề tên các vị thuốc, cân lượng, và cách thức sắc nấu. Phong thuốc đưa cho thái giám dâng lên cho vua. Một Cung nga lấy thang thuốc ấy đổ ra để nấu trước mặt một viên thị vệ. Gặp trường hợp vua bị bệnh nặng, thuốc vẫn đưa lên cho vua xem, nhưng sắc nấu tại Thái Y Viện trước mặt một hội đồng có quan cơ mật, một ông của viện Ðô sát, một của Nội Các và một của Thái Y Viện. Trường hợp vua vì uống xong mà chết thì ông ngự y bị giam lại.’ (Triệu Vân, ‘Bổ túc và đính chính sử liệu về ông Nguyễn Văn Tường’. Người Việt, 8-12-1995, 4-5).

Thủ tục vua uống thuốc chặt chẽ như vậy thì làm sao mà NVT có thể xuống Thái y viện tự ý bỏ thêm chất hồng hoàng đầu độc vua mà câu chuyện không bị vỡ lỡ và chính sử nhà Nguyễn nêu ra, nhứt là khi bộ sử này được soạn dưới thời Pháp thuộc, và không thể có thiện cảm với NVT được?

B. Vấn đề quan đến gần vua

Ngoài ra, chuyện NVT vào phòng ngủ của vua và gặp bà Học Phi 3 người với nhau mà thôi cũng không thể nào xảy ra được, vì nghi lễ không bao giờ cho phép như vậy. Các quan, dù cao cấp đến đâu, cũng chỉ liên lạc với vua bằng 2 cách chính: trước sân rồng khi thiết triều, hoặc qua tấu sớ. Sử gia Trần Trọng Kim đã mô tả việc vua Tự Ðức và các quan làm việc như sau: ‘’Thường ngài ngự triều tại điện Văn Minh... . Khi ngài đã ngự ra, thì thái giám tuyên triệu các quan vào chầu. Các quan đều mặc áo rộng xanh, đeo thẻ bài đi vào, quan văn bên hữu, quan võ bên tả. [...]... bộ nào có việc gì tâu thì đến chỗ tấu sự quỳ tâu. Như bộ nào có tâu việc gì thì các quan ấn quan trong bộ ấy đều quỳ chỗ tấu sự, rồi ông nào tâu, thì đọc bài diện tấu. Một bên các quan tấu sự lại có một ông quan nội các và một ông ngự sử đều quỳ. Quan nội các để biên lời ngài ban; quan ngự sử để đàn hạch các quan phạm phép. [...] Ngài thường làm việc ở chái đông điện Cần Chánh... .Ngài làm việc một mình, vài tên thị nữ đứng hầu để mài son, thắp thuốc hay là đi truyền việc. [ ] Lệ nước ta xưa nay các quan không được vào chỗ ngài ngự tọa làm giúp việc cho vua, cho nên việc lớn, việc nhỏ, ngài phải xem cả. [ ] Phiến sớ các nơi đều gởi về nội các. Nội các đề trong tráp tấu sự, đưa cho giám, giám đưa cho nữ quan dâng lên ngài. Ngài xem rồi giao nội các. Nội các giữ bản chính có châu điểm, châu phê, lục bản phó ra cho các bộ nha." (Trần Trọng Kim, op. cit., 195; xem thêm Mục Lục Châu bản Triều Nguyễn, Tập ii Năm Minh Mạng 6 [1825] và 7[1826], Nhà Xuất bản Văn hóa Hà Nội, 1998, xvi, xvii).

Chính tác giả Nguyễn Lý Tưởng, người tố cáo NVT về việc nói trên, cũng đồng ý về điểm này , và nói: ‘Thông thường, các quan không được vào khu nội cấm, lính thị vệ cũng phải ở ngoài, chỉ có thái giám mới được vào đó mà thôi. Nếu có lệnh triệu hồi, cũng phải giữ đúng lễ, hai bên phải đứng cách xa nhau, các quan không được nhìn mặt vua, hoàng hậu. ...Vua và hoàng hậu ngồi trên ngai, các quan phải đứng dưới ba cấp và cách xa một khoảng theo luật định vì lý do an ninh của bậc Ðế Vương.’ (Nguyễn Lý Tưởng, op. cit., 279)

C. Tại sao vua uống thuốc do một người đồng phạm trao?

Ngoài ra, cho dù việc 3 người có ở chung một phòng như câu chuyện đã dựng ra vì NVT đã lạm dụng quyền thế, vi phạm thể lệ mà không bị đàn hặc hoặc chính sử ghi lại, độc giả vẫn còn một vài thắc mắc không thể đả thông được: Nếu vua Kiến Phúc đã để ý thấy những cử chỉ thân mật giữa NVT và bà Học Phi nhiều lần, và có bắt quả tang một lần và hét lên đòi chém ba họ NVT thì tại sao vua không đòi chém luôn ba họ bà Học Phi là người đồng phạm, mà còm dám uống thuốc do bà cho uống? Tác giả Delvaux thì nói vua uống theo lời khuyên của Bà, tác giả Thái Văn kiểm thì nói bà ép vua phải uống, tác giả Nguyễn Lý Tưởng thì nói ‘Chính tay mẹ trao thuốc cho con uống thì còn nghi ngờ gì nữa.’ (xin xem lại các trích dẫn đã nói trên). Nếu ngoan hơn thì các tác giả này nên sửa lại câu chuyện là NVT đã bị bà Học Phi tố cáo là xâm phạm tiết hạnh, hay hiếp dâm bà thì vua mới không trị tội bà mà còn tin tưởng bà và uống thuốc do bà trao.

D. Vấn đề trung thực trí thức

Hơn nữa lối viết sử của các vị nói trên có phần đặc biệt và khó hiểu. Một tác giả nói NVT thêm vào thang thuốc chất hồng hoàng, được hiểu như là độc dược, để giết vua mà chả biết xuất xứ từ đâu (xin xem trích dẫn ở trên): từ ‘Cụ Phó Bảng Cư’, hay từ Delvaux, hay do chính tác giả tưởng tượng ra?; một tác giả thì viện dẫn LM Delvaux, nhưng lại kể không giống những gì Delvaux đã nói, như sau: ‘‘Theo tài liệu của A. Delvaux trong ‘’ Quelques precisions sur une periode troublée de l’Empire d’Annam‘‘ [Những sự thật về một giai đoạn khủng hoảng của triều đình Huế] thì Tường đã vấn một điếu thuốc lá trao cho Bà Học Phi, vừa lúc vua tỉnh cơn sốt mê mang, mở mắt ra và chứng kiến cảnh đó. Vua đã giận dữ nói rằng: ‘Tao lành rồi, tao sẽ chặt đầu ba họ nhà mi’. Các tác giả khác thì giải thích rằng: vua biết Tường có ý gian nên giả vờ mê man bất tỉnh để nghe câu chuyện trao đổi giữa hai người..." (Nguyễn Lý Tưởng, op. cit., 278).

Người viết xin trích dẫn sau đây nguyên văn bằng tiếng Pháp của Delvaux , đã đựợc dịch ở trên, để độc giả dễ bề nhận thức sự sai biệt: ‘’ Le roi avait remarqué plusieurs fois que le Régent avait passé sa cigarette allumée à sa mère adoptive; mais il n’en fit aucune remarque. Une nuit que le Roi semblait assoupi, il put suivre une conversation entre eux. Après avoir laissé Tường parler quelque temps, il s’écria tout à coup: ‘Tao lành..." (Delvaux, ibid., 251).

Ngoài ra, tác giả nói ‘Theo tài liệu của Delvaux’ , mà trong lúc Delvaux nói chuyện xảy ra là do người ta đồn [les mauvaises langues...] như đã dẫn ở trên, thì tác giả lại nói chuyện Delvaux kể như là chuyện thật. Còn về tiểu sử của bà Học Phi thì tác giả dựa ‘Theo Tôn Thất Hứa [trong tuyển tập nhớ Huế] nàng có tên là Yến... ở làng Vân Trình, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên...’, một chuyện mà tác giả Hứa có lẽ đã phỏng theo học giả Kiểm trong bài ‘Nước loạn canh tàn...’ đã kể, và chính tác giả Hứa, trong bài khảo cứu tương đối khá đầy đủ và vô tư về NVT đó, đã nghi ngờ mực độ khả tín của nó. (Nhớ Huế, số 6, 1994-1995, 134-5, 143, 126-143). Rồi tác giả Thuyền ai đậu bến Vân Lâu lại nói thêm ‘Theo Trần Gia Phụng [Những Cuộc Ðảo Chánh Cung Ðình, trang 316] Bà Học Phi tên là Nguyễn Thị Hương, người tỉnh Vĩnh Long, Nam Kỳ.’ (t .278). Tác giả cũng không buồn cho độc giả biết lập trường của mình là tin nào đúng, tin nào sai, hay cả 2 đều đúng, hay đều sai. Dù sao, tưởng cũng nên tìm xem thử bà Học Phi là ai.

Vii. Bà Học Phi là ai?

A. Quê bà ở Bến Vân Trình hay Vĩnh Long?

Theo chính sử nhà Nguyễn, bà Học Phi tên là Nguyễn Văn Thị Chuyên, quê quán ở Vĩnh Long. Năm Tự Ðức thứ 23 [1870), ‘Lượng Tần Nguyễn Văn đựợc tấn phong làm Khiêm phi [sau đổi phong làm Học phi.’ (ÐNTL, XXXii, 9) Công tử Ưng Ðăng [vua Kiến Phúc sau này]’mới lên 2 tuổi, phụng mệnh kén vào ở trong cung, sung làm hoàng thiếu tử, sai học phi là Nguyễn Văn Thị Chuyên nuôi dưỡng.’ (ÐNTL, XXXVi, 18). Sau khi lên ngôi, Vua Kiến Phúc: ‘’Ra ơn ban tiền cho người ngoại thích là Nguyển Văn Lữ và thôn An Ðức có thứ bậc. [Nguyên quán của Học Phi ở thôn An Ðức tỉnh Vĩnh Long. Nay Văn Ðức là cháu đích tôn phụng sự từ đường, ngụ ở xã Dương Xuân, phủ Thừa Thiên, cho Nguyễn Văn Lữ 200 chuỗi, thôn An Ðức 100, sau đó hỏi người thôn ấy hiện không có ai ở kinh đô, tiền thưởng bèn để lại đợi.] (ibid., 32)

Theo gia phả họ Nguyễn Phúc thì bà tên là Nguyễn Thị Hương, quê ở Vĩnh Long, nhưng lai lịch không rõ. (Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc, Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả. [gọi tắt: Thế Phả] Nhà Xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1995, 348, 383). Có thể Nguyễn Thị Hương là cái tên thứ hai của bà, nhưng quê bà ở Vĩnh Long là chắc chắn, chứ không phải ở làng Vân Trình, Thừa Thiên, như các tác giả trên đã nói. Dù sao, theo sử liệu trên thì trong họ của bà có người cháu đích tôn là Nguyễn Văn Ðức, ngụ ở Dương Xuân, thì cũng có thể bà đã ở đây, tức ở Thừa Thiên. Dương Xuân ở huyện Hương Trà là một cái làng khá tiếng tăm ở đất Thần Kinh, vì đó là nơi tọa lạc của sở thợ xây lăng Tự Ðức, của lăng Tự Ðức và cung điện làm chỗ ở của các bà vợ vua. (ÐNTL, XXXi, 27, 32, 48, 53, 107, 127]). Ðó cũng chính là chỗ mà ông Rheinart, vị sứ Pháp đầu tiên ở Huế, đến dẫy đất đòi xây tòa sứ, làm cho Thương bạc đại thần NVT và một số quan lại bị vua Tự Ðức trừng phạt. (ÐNTL, XXXiii, 232) Chính bà và hoàng tử Dưỡng Thiện [Kiến Phúc] đã ở nơi đây trước khi vua Kiến Phúc lên ngôi. (ÐNTL, XXXV, 257) Làng Dương Xuân cách xa làng Vân Trình độ ít nhứt trên mươi cây số. Làng Vân Trình ở gần phía Quảng Trị, và quả thật vua Tự Ðức có du hành nơi đây. Chính sử đã kể rằng vào mùa xuân năm nhâm thân, Tự Ðức thứ 25 [1872]:

‘’Vua ngự ra chơi xã Kim Ðôi, Vân Trình [thuộc phủ Thừa Thiên] thấy dòng sông thẳng suốt đến sông Vĩnh Ðịnh tỉnh Quảng Trị, trong đó có chỗ bồi nông, thuyền bè đi lại không tiện, ruộng ở 2 bên sông lại khô, sai quan ở phủ và đạo ấy đào khơi ra." (ÐNTL, XXXii, 180)

Câu phong dao ‘Trời xui có trận mưa giông, Khiến con chim én vào trong đền vàng’ của Cụ Phó Bảng Cư, qua lời học giả họ Thái, nghe cũng khá bùi tai và hấp dẫn. Vậy nên kiên nhẫn chấp nhận đi theo các tác giả cho đến cùng, là có thể vì một lý do nào đó, ví dụ: Cô Yến, tuy gốc ở Vĩnh Long, nhưng thực ra cư ngụ ở Thừa Thiên, và từ Dương Xuân đi ra Vân Trình để thăm bà con, nên gặp vua Tự Ðức ở đó; hoặc từ thôn An Ðức cô đi thuyền lên tỉnh lỵ Vĩnh Long, rồi đi xe đò lên Sài gòn, rồi đáp máy bay Air Vietnam ra Huế, về Dương Xuân rồi đi Vân Trình, núp mưa, và gặp vua, vì trời xui như vậy. Ta hảy tạm giả thuyết như vậy, để cô Yến có thể có mặt ở Vân Trình, như các sử gia đã nói, và xét đến việc Cô Yến biến thành bà Học Phi như thế nào.

B. Cô Yến có lớn kịp để thành bà Học Phi không?

Sử gia họ Nguyễn dã soi sáng độc giả về điểm này. Quả thật, mối tình giữa một ông vua già và một cô bé ở bến Vân Trình, do Phó Bảng Cư kể cho học giả Thái Văn Kiểm, đã được sử gia này bổ túc thêm một số chi tiết khá chính xác, như ‘Tự Ðức đã gặp Bà khi ông ngoài 50 tuổi, mối tình lãng mạn giữa một ông vua già và cô gái quê mới 15, 16 tuổi.’ (Tưởng, op. cit., . 277). Ðó là một dữ kiện quí giá giúp ta tính xem, theo các tuổi này thì 2 người gặp nhau, và Cô Yến trở thành bà Học Phi, vào lúc nào. Vua Tự Ðức sinh ngày 22-9-1829 và mất ngày 19-7-1883 lúc gần 54 tuổi tây .(Thế Phả, 341) Lúc vua ngoài 50 tuổi, cho đi ít nhứt là 51 tuổi, tức là vào năm 1880 [1883 trừ 3], thì vua gặp Cô Yến , 16 tuổi ỏ bến Vân Trình. Như vậy tức là Cô Yến phải sinh vào năm 1864 [1880 trừ đi16]. Ðến năm 1870, lúc vua Tự Ðức giao cho bà Học Phi nuôi Ưng Ðăng sau trở thành vua Kiến Phúc (ÐNTL, XXXii, 8; XXXVi, 9), Cô Yến mới được 6 tuổi, và trở thành bà Học Phi, theo sử gia họ Nguyễn! Có lẽ vì vậy mà khi học giả Kiểm nói khi về cung, vua phong cho bà làm ‘tài nhân’ rồi về sau ‘tam giai phi’, thì sử gia Tưởng lại sửa lại là vua ‘ra lệnh đưa nàng về cung và từ đó nàng đã trở thành Ðệ Tam Giai Phi, được vua sũng ái’ (t. 278). Vua, hay tác giả Tưởng, phong liền như vậy mà bà vẫn không lớn cho kịp để làm mẹ nuôi vua Kiến Phúc vào 1870.

C. Bà Học Phi và Thực dân Pháp

Ði xa hơn chút nữa, chính bà Học Phi cũng đã bị người Pháp thực dân và phe Việt theo Pháp không ưa và cố ý bôi lọ, vì bà là mẹ nuôi vua Kiến Phúc, một ông vua trẻ, rất có tư cách, và chống Pháp. Hơn nữa, bà đã là người, với tư cách hoàng mẫu, triệu tập triều thần để thông báo di ngôn của vua Kiến Phúc truyền ngôi lại cho vua Hàm Nghi, cũng là một ông vua trẻ chống Pháp, như lịch sử đã chứng minh. Về điểm đó, LM Delvaux có viện dẫn tác giả Silvestre kể rằng: ‘’Hoàng-Thái Phi, vợ thứ 3 của Tự-Ðức và mẹ nuôi của Kiến Phúc và Hàm Nghi, đã đóng góp lớn vào việc ngăn chận, đến cả hai lần, sự lên ngôi của Mệ Tríu [vua Ðồng Khánh, NQT ct.]... Người ta quả quyết rằng từ khi Tự Ðức mất có sự liên lạc bất chính giữa bà và phụ chính Tường, và Nguyễn Hữu Ðộ đã mạnh mẽ tìm cách thiết lập bằng chứng, nhờ ở người chỉ huy giám quan bị Tường giam giữ." (P.J. Silvestre, La politique francaise en indochine, Annales de l’Ecole des Sciences Politiques, Xi, 743, do Delvaux dẫn, ‘Quelques précisions...’, ibid., 251, ct. 2)

Như đã nói trên, Silvestre, người viết những giòng này, là giám đốc chính trị và dân vụ của phía Pháp thời đó, và là một thủ lãnh của ‘nhóm Hà Nội’, một nhóm trong đó có Ðức Cha Puginier và Tướng Brière de L’isle và chủ trương tiêu diệt triều đình Huế, nhứt là 2 phụ chính và vua Hàm Nghi, và thay họ bằng những con bài của Pháp là vua Ðồng Khánh và các ông Nguyễn Hữu Ðộ và Phan Ðình Bình. (Phillippe Devillers, Francais et Annamites, partenaires ou ennemis? 1856-1902. Destins Croisés, 1998, 281-4, 294-5, 303-6; Charles Fourniau, Vietnam, Domination coloniale et résistance nationale, 1858-1914. Paris, indes savantes, 2002, 368 et seq.) Theo Delvaux thì Silvestre là một sử gia Pháp đã cung cấp nhiều tư liệu nhứt về NVT (Delvaux, ibid., 226-7, ct. 3), và lẽ tất nhiên là người bôi lọ ông nhiều nhất, vì mục đích chính trị.

D. Bà Học Phi và vua Ðồng Khánh

Sau khi lên ngôi, vua Ðồng Khánh tất nhiên là không ưa bà nên: ‘’Chuẩn cho đình huy hiệu hoàng thái phi, còn bổng lộc chiếu vị thứ học phi chi cấp; tiết Diên-xuân và tên húy đều đình cả. Ðình thần cho việc tấn tôn ấy là tự quyền thần, không phải là di mệnh của tiên triều." (ÐNTL, XXXVii, 39)

Dưới triều Ðồng Khánh thì ông Ðộ hầu như nắm toàn quyền dưới sự điều động của người Pháp. Cả hai người và các quan cai trị Pháp lúc đó đều thâm thù NVT và tìm cách ám hại ông. Họ đã đày vị đại thần này đi Côn Ðảo rồi Tahiti, chỉ với bộ đồ mặc trên người. Họ đã ‘tước hết quan tước và tịch thu gia sản’ của ông (ÐNTL, XXXVii, 35), nhưng theo lời Gosselin thì sự tịch thu này, ‘được thi hành lúc ông bị bắt, đã gây ra trên toàn thể nước Nam một hậu quả tai hại, và tạo nên nhiều hận thù đối với chúng ta’ (Capitaine Ch. Gosselin, L’Empire d’Annam. Paris, Perrin, 1904, 220); và theo LM Delvaux thì lệnh tịch thu này, vì vậy, đã bị thu hồi. (Adolphe Delvaux, ‘La mort de Nguyen-Van-Tuong, Ancien Régent d’Annam’. BAVH, số 4, 1923, 429, ct. 2). Vì chính sử không nói gì về lệnh thu hồi này, mà về sau còn có một, hai quyết định tịch thu một số ruộng của NVT [có thể là lộc điền kèm theo tước bá và tước công] để thờ cúng vua Dục Ðức và Ôn nghị Kiên vương (ÐNTL, XXXVii, 62-3, 109), thì sự thi hành lệnh có thể đã được đình chỉ trong thực tế, để trấn an dư luận đôi chút. Ðiểm đáng lưu ý, là NVT bị họ buộc tội là ‘... từng đã chống cự nước ấy thực đã nhiều năm. Từ khi cùng với Tôn Thất Thuyết sung làm phụ chánh, chỉn lại đổng suất quan quân nổi dậy công kích quan binh nước ấy ...’ (ÐNTL, XXXVi, 247) chứ không buộc tội NVTđả thông đồng với bà Học Phi để giết vua Kiến Phúc gì cả. Chuyện này lúc đó có lẽ không ‘ăn khách’ lắm thời đó, và chỉ được hệ thống tuyên truyền của thực dân nhấn mạnh sau này hầu thực hiện một cuộc ‘ám sát tư cách’ [character assassination] của nhân vật lịch sử NVT.

Tóm lại, bà Học Phi đã hết lòng làm bổn phận của một người vợ và mẹ vua trong một hoàn cảnh đau thương của đất nước, trung kiên với triều đại và xã tắc, thủ tiết thờ chồng. Thay vì được tôn vinh thì, vì lý do chính trị, bà lại đã bị liên lụy, tai tiếng, xuyên tạc, hiểu lầm. Bà đã khóc từ biệt vua Hàm Nghi lần cuối ngày 9-7-1885 tại hành cung Quảng Trị, sống ẩn dật từ lúc ấy, và mất năm 1893. (Gosselin, op. cit., 214) Nói về bà, cuốn gia phả kể trên của nhà Nguyễn chỉ ghi võn vẹn là bà tên Nguyễn Thị Hương, người Vĩnh Long, lai lịch không rõ, và được vua Tự Ðức sai nuôi Ưng Ðăng lúc 2 tuổi. (Thế Phả, 348). Thiết tưởng sử gia có bổn phận nghiên cứu nhiều hơn về bà, đề cao những đóng góp của bà vào sự tồn vong của nhà Nguyễn cũng như công cuộc chống Pháp, và vinh danh bà.

Viii. Tổng Kết:: Truy tố Nguyễn Văn Tường ra trước Tiếu Lâm Tòa

Câu chuyện nói trên đầy vẻ khôi hài. Vậy, để tổng kết và càng làm sáng tỏ thêm mọi sự, tưởng nên đưa NVT ra trước một toà, gọi là Tiếu Lâm Toà (TLT). Chánh án TLT là Diêm Vương, đòi bị cáo ra xác nhận lý lịch. Biên lý thưa rằng từ lúc ở Tahiti về, NVT biệt tích, Công Tố Viện đã cho trát tầm nã, truy ra y đương làm Ðệ Nhứt Phụ Chính cho Ngọc Hoàng Thượng Ðế, và bất khả xâm phạm, nên xin tòa cho xử khiếm diện.

Chánh án Diêm Vương, thuộc lòng hồ sơ đã trình rồi, đòi nguyên cáo đầu tiên ra trước tòa xác nhận lý lịch. Cả tòa ngạc nhiên, một người Phú, tên là Xô Nhi trước làm Thanh Tra Lính Khố Xanh, nhưng vì có công giết chóc bọn Cần Vương không gớm tay, chữ nho lại giỏi, nói tiếng Huế dẽo kẹo như các mệ, nên lên chức Chánh Sở Mật Thám xứ An Nam. Diêm Vương phán hỏi: Ta nghe nói vợ ngươi dạy trường Ðồng Khánh được học trò con gái xứ Huế thương mến lắm, sao ngươi lại tố cáo người ta xằng bậy vậy, lúc thì ngươi nói bị cáo đầu độc vua, vì ngài bắt gặp y lăng nhăng với mẹ ngài; lúc thì ngươi lại nói rằng bị cáo đã giết vua để thủ tiêu hiệp ước 1884 mà chính bị cáo, chớ không phải vua, đã ký.

Ngươi có biết như vậy là không trung thực chút nào, và là cáo gian không? Xô Nhi thưa rằng: Ðó là nghề của thần, thần chỉ nghe tụi nó đồn, chép lại vậy thôi, để cho kẻ khác rao ra, hạ uy tín của tên NVT, vì hắn ta với tên Thuyết quyết không đội trời chung với nước của thần. Diêm Vương, chánh án TLT, hỏi: Ngươi nói để cho kẻ khác rao ra. Có phải là bọn ‘Ðô Thành Hiếu Cổ’ không? Bọn này do các nhà tu hành, cha cố thừa sai hải ngoại Pháp, cầm cán để thật lòng phát huy văn hóa đất Thần Kinh, nhà ngươi lại xen vào làm thủ quỹ, thư ký, đưa tài liệu mật, cái hư, cái thật, do bọn chỉ điểm của ngươi cung cấp, để chêm vào các bài biên khảo, tuyên truyền quàng xiêng, làm mất uy tín tờ báo của người ta. Xô Nhi thưa: Vẫn biết theo lý thuyết là như vậy, nhưng ai cũng biết cái hội đó rồi, hội viên gồm toàn là viên chức của 2 chính phủ Bảo hộ và Nam Triều, nên có thêm thần vô, cùng những việc của thần đã làm, thật cũng chẳng hại gì. Chẳng qua, đó là việc của thần làm trong khuôn khổ chức tước Chánh Sở Mật Thám An Nam, và cũng theo sự khuyến khích của thượng cấp, nhờ vậy mà 2 vợ chồng thần mới giữ địa vị được lâu dài.

Diêm Vương đòi nguyên cáo thứ hai ra trước tòa. Nhìn ra ngay là một người Phú nữa, với lối trang phục đồ đen đặc biệt, ngài Chánh Án TLT không cần hỏi tên họ, quỡ trách ngay: Ngươi là kẻ tu hành, nên lo việc đạo giáo, tại sao lại dành quá nhiều thì giờ làm việc chính trị, tuyên truyền vung vít vậy. Chẳng khác gì tên kia, lúc thì ngươi nói bị cáo bóp cổ vua, lúc thì ngươi nói y đầu độc vua để che lấp vụ lẹo tẹo với mẹ vua, lúc thì ngươi nói bị cáo cùng với tên Lê Thuyết giết vua để thủ tiêu hiệp ước, tức vì mục đích chính trị. Ngươi có biết như vậy là không những phạm tội với Chúa mà còn bị tội cáo gian như tên Xô Nhi không? Nguyên cáo thứ hai thưa: Thật ra, thần cũng thông cảm tình cảnh y và quen biết gia đình của y, nhưng vì y quá quắt lắm. Bệ Hạ nghĩ coi, theo lời Ðức Cha ở Bắc, thành Hà Nội và 4, 5 thành khác, quân nước thần đã chiếm được rồi, con cháu nhà Lê đã cùng quân Phú toan thiết lập một nước Bắc Kỳ độc lập, thì bất đồ y dắt lão Hoắc Ðạo Sinh ra, lấy lại ngon ơ. Rồi y tìm trăm phương nghìn kế chống lại nưóc thần, chém giết người đồng đạo của thần. Diêm Vương vặn hỏi: Ngươi có bằng cớ gì về việc y diệt người bổn đạo không? Nguyên cáo thưa: Chính Ðức Cha nói vậy, thần nghe vậy, vả lại ngài nói y làm phụ chánh thì y phải chịu trách nhiệm chớ. Ngoài ra, 3 bài thần viết, cách nhau nhiều năm, nên không nhớ rõ, như ảnh tên Lê Tuấn thì tưởng là của NVT. Còn tin tức của Toà Khâm, do thằng Sô Nhi đưa, nói ngược ngạo nhau quá nhiều, nên thần gạn lọc không hết được. Bọn chỉ điểm A-na-mít cũng lưu manh lắm, đưa tin tức xằng bậy để kiếm tiền khá nhiều, đúng như lão Công sứ Bai Dờ đã từng lặp đi lặp lại. Chánh án TLT tiếp tục chất vấn: Ngươi nghĩ sao về lời bình sau đây của tên Khâm sứ Lê Na, một trong những viên chức cao cấp Phú với biết bao nhiêu năm làm vìệc ở xứ này, và rất nhiều kinh nghiệm trong việc liên lạc với các người đồng hội của ngươi? Chính tên này đã xác nhận là vua Kiến Phúc chết bình thường vì bệnh, và có nói rằng:" ... Những tin tức do các vị thừa sai cung cấp không bao giờ chính xác và thường hay không đúng." Nguyên cáo tâu: Chắc là tụi nó đồn bậy, làm hoang mang dư luận, hay dịch láo sai nghĩa, chớ tên này thường bênh vực phe thần, phe thần từng hợp tác chặt chẽ với y, thần tưởng y chẳng bao giờ dám nói vậy đâu. Diêm Vương liền đòi nhân chứng Lê Na ra đối chất. Sau khi thề nói toàn sự thật, Lê Na tâu: Quả thật thần có viết: ‘Les renseignements donnés par les missionnaires ne sont jamais précis et sont souvent inexacts.’ Nhưng thần chỉ ghi trong nhựt ký để riêng mình biết thôi, không ngờ thằng nhỏ con thần nó giao cả cái nhật ký cho cái hội đó, rồi lão Xô Nhi đăng ra trong BAVH, số 1 & 2, 1943, t. 33, thêm vào lời bình giải ba-lăng-nhăng của y, làm sai lạc ý nghĩa và hoang mang dư luận. Chánh án TLT quát: Thế tại sao trong công văn gởi thượng cấp sau vụ Ðồ Phỗ Nghỉa, ngươi cũng than phiền là các thừa sai Pháp đã lập đảng chính trị ủng hộ tên Gạt Nhi chiếm Bắc kỳ, mặc dầu Ðức Cha Phu Chi Ni đã tuyên bố long trọng với tên này là ngài chỉ lo việc đạo, và không dính dáng gì đến việc đời, và không muốn làm gì có hại đến tổ quốc thứ hai của ngài. Lê Na tâu: Về tất cả các điểm này, thần xin giữ vững lập trường là mình nói đúng, dựa theo kinh nghiệm bản thân. Nếu Bệ Hạ không tin lời thần thì xin hỏi các thượng cấp cao của thần, như các Ðề đốc Phô Na, và Li Gô Ðơ Rơ Nui Di thì biết rõ tự sự. Những chuyện này chúng thần giữ tối mật, nay tụi chống thực dân khui ra cả, tư liệu văn khố đầy dẫy, thần tưởng không nên dấu diếm làm gì nữa.

Chánh Án TLT Diêm Vương tuyên bố: Ta thấy đã quá đầy đủ dữ kiện, bằng chứng xuyên tạc bôi lọ rồi, không cần hỏi thêm các nguyên cáo khác nữa, nhứt là các thằng A-na-mít, vì các ngươi phần nhiều vô tình bị lầm lạc, bắt chước mù quáng theo những gì các tên kia viết, tưởng như đó là khuôn vàng thước ngọc, hoặc bị tình thế gò bó, hoặc tài liệu gốc tìm không ra, hoặc bằng tiếng Hán đọc không được. Ðôi khi ta biết cũng có kẻ muốn kiếm chút phẩm hàm, danh vọng, hoặc tiếng tăm là học giả, sử gia, nhưng quả chỉ đáng thương hại thôi.. Và rồi Diêm Vương kết luận: Toà đã không đề cử luật sư chính phủ để bào chữa cho bị cáo, vì mọi sự đã đành rành, minh bạch, bị cáo hoàn toàn vô tội. Có sự hơi lạ là các ngươi không ai mướn luật sư cả, nhưng, theo kinh nghiệm bản thân, ta hiểu, luật sư giỏi và đứng đắn không ai sẽ chịu cãi cho các ngươi, còn những tay cà mèn, không ai mướn, thì kiếm đường vô làm chính trị cả, có mướn được cũng vô ích, tiền mất tật mang mà thôi, một số các ngươi không thể nào thoát tội cáo gian được. Tuy nhiên, đừng lo, ta thông cảm, vì chính ta cũng viết sử giống như các ngươi, nên đều được cho hưởng trường hợp giảm khinh, là lý do chính trị mà. Vậy ta tuyên bố: Cảnh cáo mọi nguyên cáo, từ rày về sau phải nói có sách mách có chứng đàng hoàng, không được nói ẩu và tất cả, cùng với ta, chung nhau đóng góp cho đủ một đồng bạc để bồi thường danh dự cho: Thái phó Cần chánh điện đại học sĩ lãnh Lại bộ thượng thư kiêm sung Cơ mật viện đại thần Kỳ Vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường, và cho Hoàng Thái Phi Nguyễn Văn Thị Chuyên. Còn về phần bị cáo NVT thì ta khỏi cần lo, người đã lên thiên đàng làm Ðệ Nhứt Phụ Chánh cho Ngọc Hoàng Thượng Ðế rồi, như đã nói. Vậy ta tuyên bố tòa bế mạc./..