p. Bài 16-PBTL5: Trần Xuân An - Về cái chết (1597) của Nguyễn Diễn (Nguyễn Miện) & về hậu duệ của ông

-- Khảo cứu ngắn --

(nhân vật lịch sử & sử kí, sự tích lưu truyền và tiểu thuyết lịch sử)

02-8 HB10 (2010)

http://txawriter.wordpress.com/2010/08/02/cai-chet-nguyen-dien-1597/

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=10744

  

 

VỀ CÁI CHẾT (1597) CỦA NGUYỄN DIỄN (NGUYỄN MIỆN)

& VỀ HẬU DUỆ CỦA ÔNG

(SỬ KÍ, SỰ TÍCH LƯU TRUYỀN VÀ TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ)

Trần Xuân An

Hào quận công đích thực là ai?

Hào quận công đích thực đã chết như thế nào?

Những ai là hậu duệ đích thực của Hào quận công đích thực?

I. Hào quận công đích thực là ai?

Trong lịch sử cũng như trong đời sống hiện thực, có một số nhân vật trùng tên họ lẫn nhau. Còn về chức vụ, hàm và tước, sự trùng nhau là chuyện không đáng bàn. Thậm chí, ở trường hợp trùng cả mĩ hiệu lẫn tước, cùng trên một địa phương và cùng thời điểm, như “Hào quận công” cùng ở Hải Dương, cùng vào quãng thời gian từ 1596 đến 1598 là việc cũng có thể xảy ra, nhất là hai “Hào quận công” ở hai chiến tuyến khác nhau, một là quan tướng vua Lê chúa Trịnh đang truy quét tàn binh đối phương, một là quan tướng của nhà Mạc suy tàn đang cố sức phản kích.

“Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ tục biên” ghi chép về nhân vật Hào quận công trong thời điểm tháng giêng năm Bính thân (1596) như sau:

“Ngày mồng 2, Tráng vương ngụy Mạc Kính Chương dời ra đóng ở Yên Quảng… […] Ngày mồng 3, đến sông ở các huyện Thanh Lâm, Thanh Hà, đánh nhau với quân của Phan Ngạn từ giờ tý đến giờ ngọ, kịch chiến trên sông.[…] Viên tướng người Giao Thủy là Lễ quận công thấy thế giặc mạnh, tự liệu quân ít, sức không chống nổi, tự đem quân của mình lui trước. Phan Ngạn cho là nhát sợ, [chiếu theo quân pháp – TXA. chua thêm], chém chết đem rao cho mọi người biết. Thế là ai nấy đều liều chết cố đánh. […], bắt sống được mấy viên tướng giặc là bọn Hào quận công (không rõ tên)…[…] (1).

Đoạn sử ấy còn được ghi chép về việc quân của Phan Ngạn giả mặc áo quần của quân Mạc, bắt tướng Mạc Hào quận công, đang là tù binh, phải chấp nhận dẫn đường đến nơi Mạc Kính Chương (Mạc Tráng vương) đang đóng. Nhờ Hào quận công ấy nên quân của Phan Ngạn đi qua những chốt gác của quân Mạc một cách dễ dàng, lại được Mạc Kính Chương đích thân ra đón. Lúc ấy, Phan Ngạn tấn công, Mạc Kính Chương không kịp trở tay, bị bắt sống.

Như vậy, Hào quận công này, vốn không rõ tên họ, vốn là quan tướng nhà Mạc, hoàn toàn không phải là Hào quận công Nguyễn Diễn (còn có tên là Miện), quan tướng vua Lê chúa Trịnh, con trai thứ tư của Nguyễn Hoàng (1525-1613).

Qua đoạn sử ấy và đoạn sử vào năm Ất dậu (1598), người đọc còn thấy ngoài “Hào quận công”, còn có sự trùng mĩ hiệu và tước khác, đó là “Lễ quận công”. Hai Lễ quận công thuộc về hai chiến tuyến khác nhau, bên Lê – Trịnh và bên Mạc.

Nếu không có sự phân biệt như thế, người đọc sẽ rất khó tiếp thu, vì chúng ta biết rằng, trong nhiều trường hợp, mĩ hiệu, tước hàm đã được nhà viết sử gọi thay tên họ thật, lại có trường hợp không biết cả danh tính, nên chua thêm là “không rõ họ tên”.

II. Hào quận công đích thực đã chết như thế nào?

Chúng ta thử đối chiếu 4 đoạn sử dưới đây, từ các nguồn khác nhau:

1) “Đại Việt sử ký toàn thư”, bản kỷ tục biên [ĐVSKTT.BKTB., gọi tắt là “Toàn thư”, tục biên], bản Nội các quan bản 1697, bản dịch & chú thích: Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long; hiệu đính: GS. Hà Văn Tấn, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2003, tập 3, tr. 309-310, ghi chép như sau:

“… Đinh dậu, năm thứ 20 [1597] […] Tháng 11, ngày 20, Tiết chế Trịnh Tùng sai bọn Đô đốc đồng tri Hòa [Hào – TXA. sửa lỗi chính tả] quận công Nguyễn Miện, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê, Kế quận công Phan Ngạn đem thủy quân gồm 50 chiếc thuyền ra Hải Dương đánh phá đảng ngụy, khởi hành ngay ngày hôm ấy. Nguyễn Miện một mình tự kiêu khinh địch, tự cho là bọn giặc tàn chẳng đáng lo, không bàn bạc với các tướng, tự mình đem 4 chiếc binh thuyền bản bộ, khinh suất xông thẳng vào trong trận, đến chỗ giặc mai phục, gặp thuyền giặc. Hào quận công sai bắn súng lớn vào giặc. Lễ quận công bị trúng đạn chết ở trong thuyền. Giặc ở trong thuyền mặc áo của Lễ quận công, thúc quân đánh bừa, lại đâm chết Hào quận công tại trận. Quân hai bên đánh giết lẫn nhau, quan quân bị chết cũng đến hơn 80 người, quân lính đều chạy. Gặp quân của Bùi Văn Khuê tiếp đến, quân giặc bỏ thuyền lên bờ chạy tan. Văn Khuê lấy được thủ cấp của Nguyễn Miện rồi về. Sau Văn Khuê lại đem quân lùng tìm, lấy được đầu của Lễ quận công đem về kinh dâng nộp; [vua / chúa –TXA. chua thêm] sai đem bêu 3 ngày. Tiết chế Trịnh Tùng xét thưởng cho Văn Khuê 10 cân vàng, thăng chức thiếu bảo”.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục, tiền biên” (ĐNTL.TB.), Bản dịch của Tổ Phiên dịch Viện Sử học (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính), Nxb. Giáo Dục tái bản, tập 1, 2002. tr. 34-35:

“Đinh dậu, năm thứ 40 [1597] […] Mùa đông, tháng 11, thổ phỉ Hải Dương là bọn Thủy, Lễ, Quỳnh, Thụy (đều không rõ họ, tự xưng quận công) kết bè đảng mấy nghìn, đánh úp giết tướng trấn thủ, cướp phá các huyện Thủy Đường, Nghi Dương và Tiên Minh. Hoàng tử thứ tư là Diễn (có tên nữa là Miện, làm quan triều Lê, chức Tả đô đốc Hào quận công) cùng tướng nhà Lê là Bùi Văn Khuê và Phan Ngạn lĩnh 50 binh thuyền đến đánh ở sông Hổ Mang. Diễn đem 4 chiếc binh thuyền bản bộ vào trước xông lên đánh, mất tại trận. Vua Lê truy tặng Thái phó”.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” (KĐVSTGCM., gọi tắt là Cương mục), Bản dịch của Tổ Phiên dịch Viện Sử học, Nxb. Giáo Dục, tập 2, 1999. tr. 217-219:

“Mậu tuất, năm thứ 21 (1598) […] Tháng 4, mùa hạ. Mưa. Lính thổ ở Hải Dương làm phản. Thái tổ Gia dụ hoàng đế ta đi đánh, dẹp yên được.

Lúc ấy ở xứ Hải Dương có Thủy quận công (không rõ họ tên) người làng Thủy Đường và Lễ quận công (không rõ họ tên) người Nghi Dương đều làm phản, cướp bóc ở quận huyện; lại có người ở Tiên Minh mạo xưng là anh em quận Quỳnh, quận Thụy (đều không rõ họ tên) họp bè đảng cướp bóc, bọn này cùng quận Thủy liên kết với nhau. Các huyện ở Hải Dương sợ hãi sự bạo ngược của họ, đều phải miễn cưỡng đi theo. Về phía nhà Lê thì Hào quận công Nguyễn Miện cùng bọn Phan Ngạn đem quân đi đánh. Miện vì khinh thường quân địch, bị giết chết. […] Trước đây… […] Đến nay, Thái tổ Gia dụ hoàng đế ta [tức Nguyễn Hoàng – TXA. ct.] thống lĩnh quân thủy, đem bọn thiếu bảo Bùi Văn Khuê đi trước đánh dẹp; hữu tướng Hoàng Đình Ái thống lĩnh quân bộ; Kế quận công Phan Ngạn thống lĩnh các cơ binh Nội Thủy. Ba đạo quân tiến đánh cùng một lúc. […] Bình định được hết xứ Hải Dương. Sau khi thắng trận, dẫn quân về, các tướng đều được thăng thưởng…”.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam liệt truyện, tiền biên” (ĐNLT.TB.), Bản dịch của Tổ Phiên dịch Viện Sử học (Đỗ Mộng Khương dịch, Hoa Bằng hiệu đính), Nxb. Thuận Hóa, tập 1, 1993. tr. 36-37:

“Hoàng tử thứ 4: Diễn. Sinh mẫu là ai không rõ. Diễn làm quan nhà Lê đến tả đô đốc, Hào quận công. Năm Mậu tuất [1598, Lê - Quang hưng 21 – Viện Sử học chỉnh & chua]. Mùa đông, thổ phỉ Hải Dương là lũ Lễ, Quỳnh và Thụy (không rõ họ ba người này) kết đảng vài ngàn người, giết tướng trấn thủ, cướp bóc các huyện Thủy Dương, Nghi Dương. Diễn cùng các tướng Lê Văn Kim, Phan Ngạn cùng đánh nhau với giặc ở sông Hổ Mang. Diễn đem binh thuyền dưới quyền mình xông vào trước, đâm chết tên Lễ. Giặc họp quân lại để đánh, Diễn bị chết trận. Vua Lê truy tặng thái phó, thụy là Nghĩa Liệt”.

Chúng ta thấy có sự khác biệt về cái chết của Lễ quận công (hay chỉ gọi là Lễ) thuộc phe nhà Mạc. Cái chết ấy thực sự là chết vì bị quân của Hào quận công Nguyễn Diễn (tức Nguyễn Miện) bắn bằng súng (theo ĐVSKTT.BKTB.) hay bị đâm bằng gươm dáo (theo ĐNLT.TB.)? Tuy nhiên, đó không phải là nhân vật chúng ta quan tâm khảo sát.

 

 

 

 

Cái chính ở đây chính là cái chết của Hào quận công Nguyễn Diễn (Nguyễn Miện). Cả bốn trích đoạn đều cho chúng ta thấy Nguyễn Diễn chết tại trận đánh, chứ không phải chỉ bị thương vì một mũi tên độc ở cánh tay, đến khi về đến doanh trại hay nhà người thiếp (vợ bé) mới chết. Trong cả bốn trích đoạn, trích đoạn từ ĐVSKTT.BKTB. là chứa đựng nhiều chi tiết cụ thể nhất: “… Giặc […] lại đâm chết Hào quận công tại trận. […] Gặp quân của Bùi Văn Khuê tiếp đến, quân giặc bỏ thuyền lên bờ chạy tan. Văn Khuê lấy được thủ cấp của Nguyễn Miện rồi về…”. Có thể nói gọn hơn: Quân Mạc đâm chết Hào quận công Nguyễn Diễn, cắt đầu ông; Bùi Văn Khuê sau khi đánh tan quân Mạc, tìm được thủ cấp của ông, mang về. Chúng ta cũng có thể suy đoán: Hình như phần thây không đầu của Nguyễn Diễn đã bị quân Mạc ném xuống sông, Bùi Văn Khuê (tướng Lê – Trịnh) không tìm ra. Chúng ta cũng có thể khẳng định: trong trường hợp tìm được thủ cấp với mặt mũi râu tóc (bị đâm chết và cái đầu bị cắt để bêu), thì không thể lầm lẫn.

Bốn đoạn trích bên trên là từ các bộ sử khác nhau, chủ yếu là của hai bên đối nghịch nhau về lập trường trong các giai đoạn sau, ở những thời đoạn các bộ sử được biên soạn. Đó là sử triều Nguyễn (Đàng Trong) và sử triều Lê – Trịnh (Đàng Ngoài).

III. Những ai là hậu duệ đích thực của Hào quận công đích thực?

Chắc hẳn đây cũng là điều đã quá rõ ràng, khi đọc đoạn truyện sử (tiểu sử) dưới đây:

“Diễn có bốn trai là Tuấn, Đường, Cơ, Phú, đều theo Thái tổ vào Nam. Hi Tông hoàng đế [Nguyễn Phúc Nguyên – TXA. ct.], năm thứ 19, Nhâm thân (1632), Tuấn làm Quảng Bình trấn thủ, hiệu lệnh nghiêm túc, quan lại và nhân dân đều được ở yên. Sau đó Tuấn được triệu về làm đến đô đốc. Đường và Cơ đều làm đến chưởng doanh. Phú làm đến đội trưởng” (2).

Chúng ta cũng có thể khẳng quyết sự thật là như vậy, vì trong trận đánh trên, có cả Nguyễn Hoàng (cha đẻ của Nguyễn Diễn):

“Mậu tuất, năm thứ 41 [1598], mùa xuân, tháng 3, chúa [tức là Nguyễn Hoàng – TXA. chua thêm] đem thủy quân đánh dẹp Hải Dương, phá tan quân thổ phỉ ở dãy núi Thủy Đường, bắt được đồ đảng giặc đem về” (3).

Đoạn trích từ “Cương mục”, ở phần trên (I.3.) của bài viết này, cũng diễn tả sự có mặt tại trận đánh của Nguyễn Hoàng:

“Trước đây… […] Đến nay, Thái tổ Gia dụ hoàng đế ta [tức Nguyễn Hoàng – TXA. ct.] thống lĩnh quân thủy, đem bọn thiếu bảo Bùi Văn Khuê đi trước đánh dẹp; hữu tướng Hoàng Đình Ái thống lĩnh quân bộ; Kế quận công Phan Ngạn thống lĩnh các cơ binh Nội Thủy. Ba đạo quân tiến đánh cùng một lúc. […] Bình định được hết xứ Hải Dương. Sau khi thắng trận, dẫn quân về, các tướng đều được thăng thưởng…”.

Như thế, Nguyễn Hoàng biết rất rõ cái chết của con trai mình (Nguyễn Diễn [tức Miện]) cũng như hoàn cảnh vợ con của Nguyễn Diễn. Khi Nguyễn Hoàng đem thân bằng quyến thuộc, tướng sĩ thuộc hạ trung thành vào Đàng Trong như một cuộc ra đi không hẹn ngày về, “một đi không trở lại”, vào hai năm sau (1600), ông đã mang theo 4 đứa cháu nội mồ côi cha (con của Nguyễn Diễn). Bấy giờ, nếu thật có đứa con cuối cùng của Nguyễn Diễn, tên là Năng, như trong một cuốn tiểu thuyết gần đây (tác giả cho rằng đó tư liệu lưu truyền trong gia tộc, được viết lại) (4), thì chú bé Năng ấy cũng đã 3 tuổi. Theo kinh nghiệm quan sát được, đứa bé ở tuổi nhỏ hơn thế, vẫn có thể đi đường biển dài ngày. Vả lại, khi Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong, ông còn để lại một người con trai và một người cháu để làm con tin cho Lê – Trịnh, đó là Nguyễn Hải và Nguyễn Hắc:

“Canh tý, năm thứ 43 [1600] (Lê – Thận Đức năm 1, mùa đông, tháng 11, đổi kỷ nguyên là Hoằng Định; Minh – Vạn Lịch năm 28), mùa hạ, tháng 5, chúa từ Đông Đô trở về. Bấy giờ chúa đã ở Đông Đô 8 năm, đánh dẹp bốn phương đều thắng, vì có công to, nên họ Trịnh ghét. (5) […] chúa nhân dịp đem quân tiến đánh, liền đem cả tướng sĩ thuyền ghe bản bộ, đi đường biển thẳng về Thuận Hóa, để hoàng tử thứ năm là Hải và hoàng tôn là Hắc ở lại làm con tin. Nghe tin ấy, lòng dân xao xuyến. Trịnh Tùng ngờ chúa vào chiếm Tây Đô, bèn đưa vua Lê chạy về Tây Đô, để giữ vững căn bản. Đi đến huyện An Sơn, bọn hoàng tử Hải đón đường nói rằng chúa về Thuận Hóa, chỉ nghĩ việc bảo vệ đất đai, thực không có ý gì khác. Vua Lê vỗ về, vẫn cho bọn Hải quản binh như cũ. Chẳng bao lâu vua Lê lại về Đông Đô” (6).

Đó là chưa kể, sau khi đi biệt vào Thuận Hóa (Đàng Trong) (1600) không lâu, ông còn gả thêm một người con gái út là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (con trai của Trịnh Tùng) nữa. Như vậy, Nguyễn Hoàng trước sau đã để lại trên đất Bắc (Đàng Ngoài) hai người con ruột, một cháu nội, chưa kể số cháu ngoại (7)… Với số lượng thân nhân ấy, lại đều là những người đang ăn bổng lộc Lê – Trịnh, chức quyền cao đến tót vời, chẳng lẽ họ không tìm cách nuôi dưỡng chú bé Năng nào đó; hoặc giả, mẹ chú bé Năng ấy chẳng lẽ không có dịp nào tìm kiếm thân thuộc vốn cùng huyết thống của chú bé Năng, trên đất Bắc?

Do đó, vấn đề đặt ra ở đây, là khi viết tiểu thuyết lịch sử, người viết sẽ xử lí như thế nào giữa sử kí với sự tích lưu truyền trong dân gian (thậm chí chỉ trong gia tộc nào đó), nếu giữa chúng có sự mâu thuẫn. Theo tôi nghĩ, người viết tiểu thuyết lịch sử không thể quên các thao tác của một người nghiên cứu khoa học, cụ thể là khoa học lịch sử, tối thiểu cũng phải ghi chú xuất xứ sử liệu, ý tưởng sử học vay mượn, và cẩn trọng ghi rõ đâu là tư liệu sử kí thành văn và đâu là các nguồn dân gian khác. Ngoài ra, những chỗ nào hư cấu vượt ra khỏi sử liệu thành văn đã được giám định, cũng phải chú thích rõ. Nếu không, tình trạng nhiễu loạn thông tin (kể cả bản quyền – sở hữu trí tuệ) là không thể khắc phục được. Tôi cũng nghĩ rằng, yêu cầu như vậy sẽ không hạn chế tính tiểu thuyết của tác phẩm.

Trần Xuân An

TP.HCM., khoảng 09:00 đến 16:37, ngày 02-7 HB10 (2010).

_________________________

(1) “Đại Việt sử ký toàn thư”, bản kỷ tục biên, sđd., tập 3, tr. 299-301: Bính thân [1596]; đối chiếu với Cương mục: Quốc sử quán triều Nguyễn, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, sđd., tập 2, 1999, tr. 209-201: Bính thân, năm thứ 19 [1596].

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam liệt truyện, tiền biên”, sđd., tập 1, 1993. tr. 37.

(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục, tiền biên”, sđd., tập 1, 2002. tr. 34.

(4) Tố Hoài, “Ký tự chìm trên bia đá cổ”, Nxb. Thanh Niên, 12-2009. Biết đâu bài viết bổ cứu này sẽ góp phần giúp nhà văn Tố Hoài tìm ra những ẩn số lịch sử, từ lâu đã khiến anh trăn trở, thao thức kiếm tìm.

(5) Tôi tách khỏi đoạn này một ít chữ viết về sự chống đối của các tướng Lê – Trịnh về sau (1600), khi chúa Trịnh ngày càng vô đạo đến mức quá đáng: “… Gặp lúc bọn tướng Lê là Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê làm phản ở cửa Đại An (nay thuộc Nam Định)…” ĐNTL.TB., sđd., tập 1, 2002. tr. 34-35).

(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục, tiền biên”, sđd., tập 1, 2002. tr. 34-35.

(7) Nguyễn Hoàng còn có một người chị gái (Ngọc Bảo), thân sinh (Nguyễn Kim) gả cho Trịnh Kiểm trước đó (1600) khá lâu, tức là mẹ đẻ của Trịnh Tùng. Bà mất năm 1586.

Đã gửi đăng trên Tcdttl. TranNhuongCom & Tcđttl. PhongDiepNet

vào lúc khoảng 18:00, 02-7 HB10 (2010)

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=10744

Có dăm chữ viết nhầm (về thế thứ thân nhân Nguyễn Hoàng), đã được sửa lại.

BÀI LIÊN QUAN:

QUANH VẤN NẠN LỊCH SỬ:

KẺ CÁT CỨ HAY ANH HÙNG MỞ CÕI?

(những ý tưởng ngoài lề

khi đọc tiểu thuyết “Ký tự chìm trên bia đá cổ” của Tố Hoài):

Bấm vào đây

Trần Xuân An

 

__________________________________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE