Trần Xuân An - Giữa thuở chuyển mùa (Hậu chiến, không riêng ai) (III)

HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI

Chương III

Trần Xuân An

 

1

 

Nắng buổi sáng đã phủ tràn hai vuông đất trồng khoai sắn đã dỡ củ và lối đi ở giữa. Nắng phủ tràn cả hai cây phượng đối xứng, sát bên hiên, đã cao vượt lên quá tầm tay với. Nắng vàng rực khắp hành lang nhà ở tập thể giáo viên, nơi thầy giáo Huyên đang đứng với cuốn vở giáo án, sách giáo khoa trong tay.

Trước mặt anh là văn phòng nhà trường, gần kề dãy phòng học cũ, chắc hẳn được xây từ mươi năm trước, trông cũ kĩ hơn dãy nhà tập thể mới tất công này. Cũng trước mặt anh, ngay phía sau văn phòng, dãy phòng học kia và ở hai bên hai vuông sân của nhà ở tập thể, vốn đã được tận dụng để trồng trọt khoai sắn tăng gia, là nhà ăn tập thể còn tạm bợ và ngôi nhà mái tôn vách gỗ, nơi ở của gia đình một nhân viên...

Huyên để tầm mắt vượt lên nóc dãy phòng học, nhìn ngọn cây thông cao vút duy nhất trên sân trường, nếu không kể những cây thông non mới trồng. Nắng đã lấp loá ở những cành thông xanh lá trên cao.

Chỉ vài phút thôi, đứng ở hành lang trước phòng của mình và một đồng nghiệp, Huyên đã cảm nhận được hơi ấm của nắng trong tiết trời se lạnh của cao nguyên tháng mười. Khung cảnh này đã trở nên thân thuộc đối với thầy giáo Huyên trong gần hai tháng nay, kể từ đầu tháng chín 1980, khi anh rời phân hiệu trung học ở Đạ Huoai, rời trường chính ở Đạ Công để lên Đạ Nông này giảng dạy. Nhưng chính những lần đứng sưởi nắng buổi sáng trong khoảng mấy phút như đang lúc này đây, Huyên lại nhớ nhiều hơn đến Bảo Nghĩa, một ngôi trường cấp cơ sở, nơi anh trải qua đó năm dạy học đầu tiên, trước khi dạy ở Đạ Huoai năm học vừa rồi, vì dẫu sao Bảo Nghĩa ở cao độ cỡ 800, cũng cùng khí hậu cao nguyên như Đạ Nông, ở cao độ khoảng dưới 1000.

Bất chợt, anh Nguyễn La Sắc, hiệu phó phụ trách lao động nhưng vẫn đảm trách thêm việc giảng dạy ngữ văn cho hai lớp thuộc hai khối mười một và mười hai, đi từ cửa phòng phía sau dãy nhà ở tập thể, vòng ra phía trước. Khi thấy Huyên đang đứng ở hành lang, anh cười, vừa đi vừa nói:

- Huyên có tiết dạy sáng nay à? – Anh Sắc nhìn đồng hồ đeo tay –. Còn khoảng hai mươi phút nữa mới đổi tiết, xuống phòng hội đồng ngồi chơi với mình một chút. Mình sẽ bàn với Huyên việc này.

Bước xuống khỏi bậc thềm, Huyên nói vâng và cùng đi với anh Sắc trên lối đi sẫm màu đất nâu đen.

- Huyên này, mình định nhờ Huyên cộng tác với mình để làm một buổi ngoại khoá cho khối mười một. Đề tài thú vị lắm, mình tâm đắc lắm.

- Đề tài cụ thể là gì anh? Liệu em có đóng góp được không?

- Về Nguyễn Du.

- Vậy thì tuyệt vời quá.

Hai người bước vào phòng hội đồng giáo viên qua khung cửa mở phía sau. Đó là nơi có những khung lịch công tác, giảng dạy cá nhân của các giáo viên, bảng thời khoá biểu học tập, đứng lớp của toàn trường và những bộ bàn ghế học trò xếp quanh theo bốn bức vách, chứ chưa có chiếc bàn lớn với những chiếc ghế tựa chung quanh như các trường phổ thông trung học lớn khác, mặc dù đây là trường phổ thông trung học trọng điểm duy nhất của cả tỉnh. Thấy phòng hội đồng lạnh lẽo quá, anh Sắc bảo Huyên:

- Anh em mình qua phòng văn thư uống nước luôn.

Phòng văn thư cùng chung vách với phòng hội đồng và có cửa thông. Thật ra, phòng văn thư cũng chỉ có một bàn giấy của một cô nhân viên kế toán kiêm thư kí văn phòng, diện tích còn lại dành để đặt bàn ghế tiếp khách, cũng là bàn nước, ghế ngồi giải lao hay chờ đến tiết dạy của giáo viên. Cô văn thư đang lục tìm giấy tờ gì đó ở những chiếc tủ bên phòng hiệu trưởng.

Lúc này, chẳng có giáo viên nào ở đây ngoài anh Sắc và Huyên, nước uống cũng chưa có.

- Mình định nhờ Huyên làm giúp mình một phần, trong buổi ngoại khoá đó. – Anh Sắc nói, khi đã đối diện với Huyên, hai người ngồi hai bên chiếc bàn nước –. Nói cụ thể là Huyên đảm trách giúp phần tiểu sử của Nguyễn Du, khai thác và nhấn mạnh rõ những nét cần thiết để làm cơ sở cho phần chính là bài khảo luận thuyết trình của mình.

Huyên hỏi:

- Nhưng chủ đề là gì anh?

- Mình đặt nhan đề là “Nguyễn Du chọn lựa và hối hận vì sự chọn lựa của mình”. Đó cũng chính là chủ đề. – Anh Sắc nói với nét mặt tỏ ra rất tâm đắc –.

Huyên hơi giật mình:

- Hay! Em thấy rất hay đấy. – Huyên cười chia sẻ –. Mặc dù đã kỉ niệm 160 năm ngày mất của Nguyễn Du, cách đây khoảng một tháng, nhưng Nguyễn Du vẫn rất thời sự, trong thời đoạn giao thời này.

Có lẽ anh Sắc cần giấu đi tính thời sự hay sao đó, nên anh nói:

- Thời sự hay không là tuỳ người nghe báo cáo chuyên đề, chứ mình chỉ làm đúng tinh thần khoa học mà thôi. Cuộc đời và tâm trạng Nguyễn Du qua thơ chữ Hán và cả Truyện Kiều của ông như thế nào, mình trình bày lại như thế, chỉ nhằm cung cấp thêm kiến thức cho học sinh khối mười một... Đó cũng là dịp sinh hoạt ngoại khoá của tổ xã hội anh em mình.

Huyên cười:

- Em nhất trí sẽ lo phần tiểu sử Nguyễn Du cho phù hợp với bài báo cáo chuyên đề của anh. Anh “chọn lựa” em cộng tác, anh không phải “hối hận vì sự chọn lựa” của anh đâu!

Cả hai thầy giáo, cách nhau khoảng mười mấy tuổi, cùng thú vị cười thành tiếng.

Bác cai trường, tên Uy, bước vào với chiếc bình nước và khay li tách trên tay:

- Xin lỗi hai thầy, tôi thấy chưa đến giờ ra chơi nên giờ mới có nước trà. Nước trà còn nóng, hai thầy dùng nước nhé. – Bác cai vừa nói vừa rót nước vào hai chiếc li nhỏ, và nhận gần cùng lúc tiếng cảm ơn của hai thầy giáo –.

Sau tiếng chuông ra chơi, nhiều giáo viên đã có mặt ở phòng văn thư cũng là phòng tiếp khách và giải lao ấy. Câu chuyện của anh Sắc và Huyên tạm ngừng lại.

Lúc cùng anh Sắc trên đường đến hai lớp mà mỗi người có tiết dạy, Huyên nói thêm với anh ấy:

- Em sẽ khẳng định một chút về thời đoạn của Nguyễn Du, để ngầm nhấn mạnh giao thời thuở đó khác với giao thời thuở này, kẻo phiền hà anh à.

Nói xong, Huyên đi nhanh đến lớp mình dạy.

 

2

 

Sau đó khoảng một tuần, phần chương trình học sinh khối mười một phải học về Nguyễn Du với dạng bài tác giả - tác phẩm sắp hoàn tất để chuẩn bị bước vào phần tác giả - tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu, buổi ngoại khoá đã được tiến hành, tại hội trường của nhà trường. Dĩ nhiên phải tổ chức vào buổi chiều. 

Hội trường toạ lạc ở vị trí góc vuông của hai dãy phòng học, gồm một dãy song song với nhà tập thể giáo viên và một dãy đối diện với dãy phòng thư viện, phòng thực nghiệm, phòng giáo cụ, phòng truyền thống... Ba dãy phòng học tập nói chung ấy như ba cạnh của một hình vuông mà ở giữa là sân trường, có cột cờ trước một cây thông cao vút, và đoạn quốc lộ 20 ngang qua trường là cạnh còn lại. Dãy nhà tập thể giáo viên là đường gạch dưới của hình vuông đó.

Chiều hôm ấy, các phòng học đều vắng lặng như mọi buổi chiều. Học sinh thuộc bốn lớp khối mười một đã có mặt tại hội trường. Ngoài ra, còn có thêm một số học sinh giỏi ngữ văn của hai khối lớp kia. Ban giám hiệu, ngoài anh Sắc, còn hai vị nữa – anh San và cô Phú Sơn –, cũng như anh Ích, thư kí công đoàn, cô Nguyên, bí thư đoàn trường, đều đến tham dự. Cũng đến tham dự còn có một số giáo viên tổ tự nhiên.

Sau lời phát biểu rất ngắn của hiệu trưởng, lời giới thiệu cũng rất gọn của tổ trưởng xã hội Lý Phú Lộc, thầy giáo Huyên bắt đầu phần tiểu sử – niên biểu của Nguyễn Du (1765-1820) (1).

Học sinh khối mười một mặc dù đã học tiểu sử Nguyễn Du ở giờ học chính khoá, nhưng đến lúc này, mới thật sự thấy rõ “lí lịch” của bậc thi hào là rất “phức tạp”.

Trước hết, Nguyễn Du được sinh ra, lớn lên và làm quan, làm thơ vào một trong những giai đoạn phức tạp nhất của lịch sử nước ta. Chính tính phức tạp ấy đã góp phần hình thành cho dân tộc ta một thi hào.

Tìm hiểu sâu hơn về bối cảnh lịch sử: Đó là thời điểm dòng sông Gianh chia cắt đất nước khoảng hai trăm năm thành hai Đàng, Đàng Ngoài và Đàng Trong, trở thành dòng sông thống nhất, nối liền non sông thành một dải, quy về một mối, nhờ vó ngựa, thanh gươm của thiên tài quân sự Tây Sơn Nguyễn Huệ và binh tướng của ông. Nhận định chung là thế, nhưng diễn biến không đơn giản, kết thúc cũng ngoài nhận định đó... Chúa Nguyễn Đàng Trong, trước đó, do sự tấn công của quân Lê – Trịnh, phải rời bỏ Phú Xuân (Huế) để tìm đường bôn tẩu. Sau khi Tây Sơn trở nên hùng mạnh, triều đình vua Lê – chúa Trịnh Đàng Ngoài cũng sụp đổ, lưu vong. Phía Nam, quân ngoại viện Xiêm La tràn qua Nam Kỳ nước ta, liền bị Nguyễn Huệ đánh tan. Phía Bắc, quân Thanh của Trung Hoa vin vào cớ cứu giúp Nhà Lê nhằm thực hiện mưu đồ xâm lược, thống trị cũng bị quét sạch bởi hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ. Nhưng không bao lâu, triều đại Tây Sơn cũng sụp đổ trước sức phản công của chúa Nguyễn với sự giúp sức của cố đạo Pháp (cha Cả  Pigneau de Béhaine) và một số lính đánh thuê người Pháp (do cố đạo tuyển mộ, không thuộc triều đình nước Pháp). Triều đại Nhà Nguyễn khởi đầu, bằng sự phục hồi vương quyền chúa Nguyễn, bởi Gia Long Nguyễn Ánh, người đã đánh đổ Tây Sơn để thừa hưởng và kế tục sự nghiệp thống nhất đất nước tuy vẫn còn dở dang, chưa trọn vẹn của chính Tây Sơn. Nói khái quát, ngắn gọn hơn: thời đại Nguyễn Du là thời đất nước ta diễn ra cuộc nội chiến giữa ba tập đoàn phong kiến (một, vua Lê – chúa Trịnh; hai, chúa Nguyễn; và ba, Tây Sơn) dẫn đến hai cuộc chiến tranh chống hai lực lượng ngoại bang là quân Tàu Nhà Thanh và quân Xiêm La, đồng thời diễn ra công cuộc thống nhất trọn vẹn bởi sự chiến thắng cuối cùng của một Đàng (chúa Nguyễn Đàng Trong), chứ không phải của lực lượng phong kiến thứ ba (Tây Sơn).

Tìm hiểu sâu hơn về thân nhân ruột thịt của Nguyễn Du: Cha của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm, làm đến chức tể tướng (thủ tướng) triều vua Lê chúa Trịnh, là người đã cùng Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy quân lính Đàng Ngoài đi đánh chúa Nguyễn Đàng Trong, chiếm kinh đô Phú Xuân và ruổi quân, truy kích chúa Nguyễn cùng quan binh đến tận Quảng Nam. Đó là trận đánh cuối cùng của Nguyễn Nghiễm, vì ông đã cảm bệnh tại Nam Ô (Quảng Nam), phải quay trở về quê rồi chết, chết trong vị thế là một kẻ thù trực tiếp của chúa Nguyễn. Anh ruột khác mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Khản, cũng là tham tụng (tể tướng) tại phủ chúa Trịnh. Nguyễn Điều, cũng là anh cùng cha khác mẹ, làm quan cho Lê – Trịnh đến chức đứng đầu một xứ Sơn Tây. Nguyễn Nễ (Nguyễn Đề), anh cùng cha cùng mẹ, cũng làm quan trong phủ chúa Trịnh Đàng Ngoài, nhưng sau đó, chính Nguyễn Nễ, như anh vợ Nguyễn Du là Đoàn Nguyễn Tuấn, kẻ sĩ Bắc Hà, lại làm quan cho Tây Sơn, sau khi vua Lê chúa Trịnh bại vong. Ngược lại, một người anh cùng cha khác mẹ khác của Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh, lại theo phong trào “phục quốc” chống Tây Sơn, bị Tây Sơn bắt được, giết chết, và đốt sạch, phá sạch cơ ngơi họ Nguyễn tại Nghi Xuân, Tiên Điền, Hà Tĩnh. Xin lưu ý là Nguyễn Quýnh chống Tây Sơn vì vua Lê chúa Trịnh, chứ không phải vì chúa Nguyễn. Trong những người anh đó, Nguyễn Nễ là đặc biệt quái lạ, có thể nói là cơ hội chủ nghĩa bậc nhất, vì ông là kẻ đã từng làm quan cho chúa Trịnh, lại làm quan cho Tây Sơn rồi cuối cùng lại làm quan cho Gia Long. Cũng xin lưu ý: Nguyễn Nễ là quan lớn của Tây Sơn, với chức vụ quân đội là hiệp tán nhung vụ, trong khi Tây Sơn vốn là kẻ thù của chúa Nguyễn, và biết đâu đã có lúc Nguyễn Nễ trực tiếp chỉ huy quân đánh quan binh chúa Nguyễn. Nhìn chung về thân nhân Nguyễn Du: hầu hết là quan lớn, lớn nhất hay khá quan trọng, của hai lực lượng thù địch với chúa Nguyễn, trong đó, cha là kẻ thù số một của chúa Nguyễn vì trực tiếp đánh chiếm Phú Xuân (Huế) và truy kích chúa Nguyễn đến tận Quảng Nam.

 

Tìm hiểu sâu hơn về bản thân Nguyễn Du: Nguyễn Du vốn là một viên quan võ cấp thấp dưới triều vua Lê chúa Trịnh. Khi Tây Sơn chinh phạt vua Lê chúa Trịnh và đánh đuổi quân Nhà Thanh Trung Hoa, Nguyễn Du phải sống ẩn dật suốt mười năm ở quê vợ, tại xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, từ 1787 đến 1796. Khi Nguyễn Du vào lại quê nhà ở Tiên Điền, Hà Tĩnh, “mười năm gió bụi” xem như kết thúc, để mở đầu giai đoạn “ở ẩn dưới chân núi Hồng Lĩnh”. Trong thời đoạn “gió bụi”, ông đã có ý định tham gia phong trào “phục quốc”, cầm gươm chống Tây Sơn, nhưng ý định đó chỉ biểu lộ lấp loé trong thơ, chứ chưa thể hiện thành hành động. Lúc về Tiên Điền, ông cũng từng mưu toan vào Gia Định (Nam Kỳ, Đàng Trong) để phò giúp chúa Nguyễn, chống lại Tây Sơn. Việc bị tiết lộ, nên Nguyễn Du bị quan Tây Sơn là Nguyễn Thận bắt giam hơn ba tháng. Sau đó, ông được phóng thích, nhờ anh ruột là Nguyễn Nễ, người đã làm quan cho Tây Sơn và cũng thân thiết với Nguyễn Thận, xin Nguyễn Thận tha cho. Sáu năm sau, khi Nguyễn Ánh đã lên ngôi hoàng đế trên đất nước đã thống nhất hai Đàng (hai Miền), ba Phe (ba lực lượng), thành một mối, Nguyễn Du thấy khó lòng từ chối, đã ra làm quan cho triều đại mới của Gia Long, kết thúc giai đoạn “ở ẩn dưới chân núi Hồng Lĩnh”. Từ 1802, khi Nguyễn Du đã 37 tuổi, cho đến, 1820, 55 tuổi, lúc ông qua đời tại Huế do bệnh dịch, Nguyễn Du làm quan cho triều đình nhà Nguyễn, một thế lực mà trong thời chiến tranh, vốn xem cha ông là kẻ thù trực tiếp, số một. Ông tiến dần từ chức tri huyện cho đến quan hàm cao nhất là Cần chánh điện đại học sĩ, quan chức là hữu tham tri Bộ Lễ (thứ trưởng) và được ban tước hiệu Du Đức hầu. Ông còn được giao phó nhiều trọng trách, như làm chánh sứ, thay mặt triều đình Nhà Nguyễn, sang Trung Hoa. Tuy nhiên, Nguyễn Du làm quan cho triều Nguyễn cũng với nhiều “tâm sự”, “nỗi niềm”, nhiều lần xin cáo quan về quê nghỉ dưỡng bệnh, đến khi mắc bệnh nguy kịch tại kinh đô cũng không muốn uống thuốc điều trị... Nguyên nhân có lẽ một phần xuất phát từ chính tâm lí của ông, còn một phần khác, chủ yếu và trực tiếp hơn, là do lòng ghen tị của quan chức cùng thời, nhất là quan chức Đàng Trong vốn gắn bó với triều Nguyễn từ trước, đặc biệt là trong thời Nguyễn Ánh còn bôn tẩu, chinh chiến. Phải chăng chính cái chết uất của Nguyễn Nễ do sự truy bức của tri phủ Nguyễn Văn Chiêu đã khiến Nguyễn Du luôn lo sợ về những viên quan như Nguyễn Văn Chiêu quanh mình? Có thể không thực sự thấu hiểu lắm, nhưng vua Gia Long cũng đã trực tiếp vừa an ủi vừa trách nhẹ ông: “Nhà nước dùng người, ai giỏi thì cất lên, không hề phân biệt người Bắc, kẻ Nam. Khanh với Ngô Vị đã được vua biết tài mà bổ dụng, làm quan đến chức á khanh (tham tri), biết điều gì cứ nói để làm cho hết chức trách của mình, sao lại cứ rụt rè, sợ sệt, chỉ dạ dạ vâng vâng thế thôi” (2).

Nếu gọi đó là “lí lịch” như danh từ hiện tại chúng ta đang sử dụng, thì đúng là “lí lịch” ấy quá phức tạp. Và sự thể quan cũ kể công, moi tội quan mới vừa kịp quy thuận, theo về, xuất phát từ tâm địa so bì, đố kị, thời nào cũng có...

Cuối phần do mình đảm trách, vẫn trước máy vi âm (micro), thầy giáo Huyên nói:

- Qua thân thế - tiểu sử và hành trạng Nguyễn Du, người đương thời và hậu thế nhận thấy triều Nguyễn, cụ thể là Gia Long, Minh Mạng, không xem lí lịch là quan trọng, và tin vào sự tự cải tạo, biến đổi của bản thân từng người. Nhà Nguyễn vẫn sử dụng, cất nhắc lên vị trí quan chức rất cao, không những quan lại, con cháu của những ai đã phục vụ cho triều đại của vua Lê chúa Trịnh cựu thù mà cả những đối tượng như thế thuộc triều đại Tây Sơn vốn cũng là cựu thù của Nhà Nguyễn, và chỉ trừng phạt họ, khi họ chống lại Nhà Nguyễn. Chính điều này đã góp phần quan trọng trong việc ổn định xã hội Việt Nam – Đại Nam dưới triều Nguyễn, và triều Nguyễn để lại tiếng thơm muôn đời, ít ra là ở chính sách dùng người, sử dụng nhân tài, nguyên khí của nước nhà, của non sông Tổ quốc. – Thầy giáo Huyên nói tiếp –. Hiện nay, về mặt xác định đối tượng phục vụ trong các lĩnh vực công tác, Đảng và Nhà nước đã chỉ rõ, đó là nhân dân, đất nước, với lòng trung hiếu là “trung với nước, hiếu với dân”, với ý thức “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; và đặc biệt trong lĩnh vực văn chương, với chủ nghĩa biện chứng và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, người học tập, nghiên cứu và sáng tác đã xác định phải hướng ngọn bút của mình vào đất nước, vào nhân dân, chứ không phải dùng văn chương để thể hiện sự gặm nhấm nỗi lòng, uẩn khúc trong tâm tư cá nhân. Chúng ta có tài, có hồn, thì hãy học thay, hãy viết thay cho nhân dân, cụ thể là công nhân, nông dân, học và viết về đất nước, vì đất nước, về nhân loại, vì nhân loại, chứ không phải viết cho cá nhân mình, và dẫu có viết về cá nhân mình thì cũng vì nhân dân, đất nước, vì nhân loại. Vì thế, chủ nghĩa lí lịch trong văn chương hiện nay là vô nghĩa. Nhưng chúng ta cũng nghiên cứu mảng thơ tâm sự cá nhân của Nguyễn Du, để hiểu một nhà thơ lớn thời phong kiến, mang ý thức hệ phong kiến, cuối giai đoạn trung đại trong văn học sử nước ta.

Phần thân thế - tiểu sử của Nguyễn Du, thầy giáo Huyên chỉ trình bày trong khoảng hai mươi phút. Sau đó, buổi ngoại khoá mới đi vào phần chính của đề tài với gần chín mươi phút. Đó là bài báo cáo chuyên đề của thầy giáo Nguyễn La Sắc: “Nguyễn Du đã chọn lựa và hối hận vì sự chọn lựa của mình – tâm sự thi hào qua thơ chữ Hán và Truyện Kiều” (3).

Có một điều đặc biệt là thầy giáo Sắc đã dùng ý tưởng về Từ Hải của một nhà nghiên cứu nổi tiếng, để phân tích hình tượng Từ Hải trong Truyện Kiều, nhằm chứng minh trong cả quãng đời làm quan cho triều Nguyễn, từ Gia Long cho đến đầu đời Minh Mạng, Nguyễn Du vẫn luôn hoài vọng, nuối tiếc Quang Trung Nguyễn Huệ – Nhà Tây Sơn –, chứ không phải hoài vọng, nuối tiếc triều đại vua Lê chúa Trịnh. Anh khái quát: một là, Nguyễn Du chọn lựa việc chống Tây Sơn, nhưng chỉ mới có ý định; hai là, Nguyễn Du chọn lựa việc mưu tính chạy vào Gia Định để phò tá Nguyễn Ánh, bất chấp cha ruột mình là kẻ thù số một, trực tiếp của Nguyễn Ánh, nhưng chưa thực hiện thì đã bị quan Tây Sơn bắt giam; ba là, Nguyễn Du dù muốn dù không cũng đã chọn lựa làm quan trong triều Nguyễn nhất thống, nhưng ông lại hoài vọng, tiếc nuối Tây Sơn, một lực lượng ông từng có ý định chống lại nhằm “phục quốc” cho vua Lê chúa Trịnh hay chúa Nguyễn, vì Tây Sơn là lực lượng hào hùng, oanh liệt nhất. Tâm sự Nguyễn Du là cả một khối mâu thuẫn, luẩn quẩn, luôn chọn lựa và cũng luôn hối hận vì sự chọn lựa của chính ông.

Buổi sinh hoạt ngoại khoá, báo cáo chuyên đề chủ yếu cho học sinh khối mười một hôm ấy, khoảng vào tháng mười 1980, giữa học kì một năm học 1980-1981, được Ban Giám hiệu đánh giá rất cao và học sinh, giáo viên có mặt rất bằng lòng.

Tuy vậy, khi thầy giáo Huyên bước ra khỏi hội trường, dăm học sinh giỏi thuộc cả ba khối lớp mười, mười một, mười hai đi theo, trong đó, có một em khẽ nói:

- Nói như thầy và thầy Sắc, thì vấn đề “chủ nghĩa lí lịch” không quan trọng trên bước đường học hành và làm quan dưới chế độ phong kiến; và dưới chế độ mới hiện nay, “chủ nghĩa lí lịch” trong lĩnh vực học tập, công tác, và cả sáng tác, cũng không còn là vấn đề. Có điều, thưa thầy, trong thực tế, em thấy chính anh ruột của em, năm vừa rồi làm bài rất tốt, nhưng chính quyền địa phương vẫn phê lí lịch rất nặng nề nên không đi học đại học được.

Huyên phải bước về phía dãy phòng học vắng người, rồi ngoắt các em học sinh ấy đến bên cạnh, và anh nói, cũng khẽ thôi:

- Tôi biết trong thực tế xã hội dưới chính quyền mới vẫn còn thực trạng đáng buồn như vậy. Tuy nhiên, tôi vẫn nói trên cơ sở tư liệu sách vở, văn bản nghị quyết, chỉ thị của Đảng (4) và Nhà nước, tôi tiếp thu được, và chủ yếu là bằng suy nghĩ của chính tôi, với hi vọng sẽ góp phần chuyển biến trong xã hội càng sớm càng tốt, ít ra là có sự chuyển biến trong các em, những người sẽ là những cán bộ chính quyền địa phương và cấp cao hơn ở tương lai, chẳng hạn.

 Huyên cười thông cảm với nhóm học sinh ấy, trong khi các em cũng hé miệng cười, nhưng là những nụ cười không trọn vẹn, phân vân, nghi hoặc, không tin lắm vào những lời nói của thầy giáo Huyên về vấn đề lí lịch sẽ được hoá giải hiện nay. Nụ cười của Huyên bỗng tắt ngấm khi anh thoáng thấy một học sinh lớp mười cau mày, tỏ vẻ không đồng ý với anh, chừng như vẫn còn muốn duy trì sự cố chấp về lí lịch.

 

3

 

Trong buổi sáng ở Đà Lạt, giữa học kì hai năm học 1980-1981, Huyên cùng với Ngàn, giáo viên thể dục, tình cờ gặp hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng giữa đường ven hồ Xuân Hương, rồi cả bốn thầy trò, anh em cùng đến tiệm cà phê Thanh Thuỷ chuyện trò, góp ý. Chính lúc đó, Huyên đã nhớ lại buổi sinh hoạt ngoại khoá ấy giữa học kì một, cách đó chừng sáu tháng thôi, nhưng Huyên thấy không nên nhắc lại làm gì. Ngay cả khi viết thư trả lời lần đầu tiên cho cô học trò Hồng Vàng, thầy giáo Huyên cũng phân vân rồi quyết định không đề cập đến. Huyên cảm nhận ở Hồng Vàng, nỗi khúc mắc, vướng víu, phân vân về việc chọn lựa ngành nghề chuyên môn ngữ văn Việt trong đợt thi vào đại học, hoàn toàn không phải là nỗi băn khoăn, mâu thuẫn, luẩn quẩn của Nguyễn Du. Nguyễn Du chọn lựa triều đại trong “sự rạn vỡ ý thức trung quân Nho giáo”, giữa những trận bão táp máu xương từ ba hướng của thời đại ông, nên Nguyễn Du “chọn lựa rồi hối hận vì sự chọn lựa của mình”. Còn Hồng Vàng, sự chọn lựa của cô học trò lớp mười hai này lại hoàn toàn không phải là sự lựa chọn chế độ chính trị, mà chính là sự lựa chọn có nên hay không nên dấn thân trên con đường học tập, nghiên cứu văn chương hiện hành, và có thể cả sáng tác văn chương nữa. Con đường đó hiện tại vẫn còn nhiều áp đặt, trói buộc, thực dụng chủ nghĩa trong cách giáo dục công dân qua bộ môn ngữ văn chăng? Và liệu có chăng những trận bão táp từ ba khuynh hướng văn chương, lãng mạn, hiện thực phê phán và yêu nước – cách mạng, trong tâm tư Hồng Vàng?... Chính nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà nghiên cứu, phê bình Hoàng Ngọc Hiến, và bao người cầm bút khác nữa, kể cả bản thân Huyên, cũng thao thức, về hiện thực hiện có bị chính họ “tô hồng” bằng hiện thực nên có trong văn chương, về đặc điểm chung nhất của văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa ở nước ta là “hiện thực ‘phải đạo’”. Không ai nghĩ rằng hai tác giả ấy qua đó thể hiện sự chọn lựa chế độ chính trị. Các tác giả khác cũng thế, Huyên cũng thế. Thậm chí, không một ai phủ nhận tác phẩm trước đó của mình, cho dù họ ít nhiều có cảm giác thiếu trung thực vì “phải đạo” trong quá khứ. Chẳng hạn, lẽ nào hình tượng con người mới là hình nhân không băn khoăn, trăn trở, không biết tự vấn, mà thẳng tuột, luôn luôn lạc quan, xốc tới... Giới cầm bút chỉ muốn một sự cải cách, đổi mới, để văn chương phát triển, vận động đúng với quy luật nội tại của chính nó, và họ được trung thực hơn mà thôi. Còn ở Hồng Vàng, có thể giản dị, cụ thể là học làm gì, dấn thân theo con đường văn chương làm gì, khi văn chương bị chế giễu, chê bai đến thế!... Và điều thầy giáo Huyên đã góp ý cho cô học trò Hồng Vàng cũng đơn giản chỉ là, cứ dấn thân trên con đường văn chương theo sở thích, năng khiếu của mình, vì con người đi vào đời, tạo lập sự nghiệp bản thân, phục vụ xã hội, mà sai lạc với thiên tư, tư chất bẩm sinh của bản thân là con người hỏng, không phát huy đúng tài sức bản chất của mình. Đồng thời, anh muốn động viên Hồng Vàng, hãy cố gắng, kiên quyết không thụ động học tập, không thụ động nghiên cứu, và cũng không thụ động cả trong sáng tác nữa nếu Hồng Vàng có dự định sáng tác, mà với ý thức góp phần tích cực tác động vào tiến trình, để văn chương đích thực là văn chương, tự do sáng tác phải thật sự tự do, và tự do đó phải gắn liền với chân thiện mĩ (thật - tốt - đẹp)...

Nhưng thầy giáo Huyên không muốn làm rối trí Hồng Vàng, vì thời gian ôn thi, luyện thi chỉ còn hơn hai tháng nữa... Dẫu sao vào cuối tháng ba năm 1981 ấy, buổi ngoại khoá cách đó khoảng sáu tháng về Nguyễn Du do đồng nghiệp lớn tuổi hơn – anh Nguyễn La Sắc – tổ chức và trực tiếp báo cáo chuyên đề, Huyên chỉ đóng góp phần nhỏ, đã được đánh thức, khơi dậy lại, trong tâm trí Huyên... Và cũng từ sự góp ý cho cô học trò Đà Lạt tên Hồng Vàng, thầy giáo Huyên cũng đang nhớ lại một “sự cố” khác trên con đường giảng dạy, nghiên cứu văn chương, trong năm học này, tại Đạ Nông...

 

T.X.A.

TP.HCM., 06:10, 01-03 HB13 – 10:50, 02-03 HB13 (2013)

 

(1) Trần Xuân An (1980), tham khảo từ nhiều tư liệu, như: Nguyễn Du, “Truyện Kiều”, Hà Huy Giáp giới thiệu, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích, Trương Chính biên soạn phần niên phổ, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp tái bản, 1976, tr. 495-509.

(2) Đã đối chiếu: Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam liệt truyện”, tập 2, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 335-336.

(3) Bài nghiên cứu của nhà giáo Nguyễn Diệp, tháng 10-1980.

 

(4) Chỉ thị của Ban Bí thư, số 66 – CT./TW., ngày 26-02-1979: “Về một số công tác trước mắt đối với trí thức cũ ở Miền Nam”, Văn kiện Đảng, toàn tập, tập 40 (1979), Nxb. Chính trị quốc gia, 2005.

 

--- CÒN TIẾP ---

 

ĐÃ GỬI TTTĐT. HỘI NHÀ VĂN TP.HCM. (03-03 HB13 [2013])

& TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG (04-03 HB13 [2013])

 

http://txawriter.wordpress.com/2013/03/04/hau-chien-khong-rieng-ai-iii-tiep-theo/

 

 

Chương I:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-i

 

Chương II:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-ii  

 

Còn tiếp:

"Hậu chiến, không riêng ai" -- tiếp theo -- (IV)

 

 

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE