z+h. Bài 33-Tl.2 - Trần Xuân An - Vài ý nghĩ về văn Nguyễn Thị Bích Nga

 Vài ý nghĩ về văn Nguyễn Thị Bích Nga

 

Trần Xuân An

 

Nếu chỉ gặp và chuyện trò một vài lần, nhìn dáng vẻ, nghe giọng nói, biết được công việc dạy học, dịch sách, viết văn của Nguyễn Thị Bích Nga và có thể được giới thiệu rõ hơn một chút, từ bé đến lúc này, cô chỉ sống ngay tại Sài Gòn - TP.HCM., nơi cô được sinh ra, lớn lên, học tập và trưởng thành trong nghề nghiệp, chắc hẳn người được may mắn gặp gỡ ấy sẽ vô cùng ngạc nhiên, khi đọc những đoạn văn ngắn liên hoàn trên điểm mạng vi tính này. Với một lối văn trong sáng như ánh mắt của trẻ thơ, Nguyễn Thị Bích Nga cho người đọc thấy cô có một vốn sống về nông thôn Nam Bộ không thể nói là những gì thu nhặt được sau một vài chuyến đi thăm thú miệt vườn. Không những cảnh vật, ngôn ngữ đậm chất đồng bằng Chín Rồng, Nguyễn Thị Bích Nga còn rất tinh tế ghi nhận được những nét tâm lí của tuổi nhỏ vùng đất ấy.

 

Nếu bảo rằng, nhà văn vốn có một tư chất đặc biệt là biết thu nhận vốn sống gián tiếp, điều đó có chi là mới mẻ, nhưng quả thật không bao giờ sai. Và cũng không có gì lạ, nếu người ta sực nhớ ra một điều sơ đẳng: con người có một mẫu số chung về tâm lí, mà sự khác biệt nhau là ở phần tử số. Thật ra, tâm lí con người thị dân và nông dân, cho dù ở Mỹ hay ở Nhật, ở Nga hay ở Ấn, về cơ bản không có gì khác nhau. Chỗ khác nhau là lứa tuổi và bản sắc địa phương, gồm ngôn ngữ địa phương, món ăn địa phương, khung cảnh địa phương, thậm chí gồm cả cảm xúc địa phương... Nguyễn Thị Bích Nga tinh tế là ở chỗ cô đã biết vận dụng chính đời sống tâm lí của mình để khắc hoạ hình tượng nhân vật trong một bối cảnh đậm chất miệt vườn. Cũng không thể nói rằng Nguyễn Thị Bích Nga chỉ vận dụng mỗi một tâm lí của chính mình hay của những người thị thành như mình. Ngạc nhiên là ở đó. Tất nhiên cần phải hiểu sâu nhà văn nữ này về cuộc sống thực với những năm tháng cô đã trải qua, mới có thể lí giải được mỗi ngạc nhiên như đã nói.

 

Và nhờ một chút ngẫm nghĩ đó, tôi đọc tiếp chùm truyện ngắn về loài vật dưới đây. Cũng với năng lực nội quan về tâm lí, Nguyễn Thị Bích Nga đã vận dụng đời sống tâm lí của chính mình, của loài người nói chung, để miêu tả một chú chim Sâu, một cô Bươm Bướm trắng, một chị Chuồn Chuồn lửa... Và đặc biệt, cô đã "thấy và nghe" được sự giao cảm đến mức một người đàn ông nào đó đã có thể cùng đối thoại với anh chim Sâu và gia đình của "anh" ấy, bằng một thứ siêu ngôn ngữ, và Nguyễn Thị Bích Nga đã diễn đạt ra bằng tiếng Việt trong trẻo của mình. Trong chùm truyện ngắn này, khác với những đoạn văn trên, Nguyễn Thị Bích Nga cho người đọc cảm nhận thêm một chất ngụ ngôn có màu sắc triết lí. "Tấm lòng vàng" khiến chúng ta không thể không suy nghĩ, cho dù tán thành với tác giả hay không. Hiến một quãng đời sống, cho dù đã tàn tạ, của mình, cho một cơn thèm ăn của một sinh vật khác sắp chết, liệu có xứng đáng tôn vinh là "tấm lòng vàng"? Nhưng có lẽ chất ngụ ngôn của Nguyễn Thị Bích Nga quả là dịu ngọt, dịu ngọt và nhẹ nhàng nữa, nhưng  thấm thía biết bao, về một tổ ấm hạnh phúc, trong "Vợ chồng chim sâu"...

 

Và...

 

Nhưng lúc này tôi đang làm gì vậy? Chẳng lẽ tôi quên bẵng việc cảm thụ truyện ngắn để nghiên cứu lao động nhà văn và chính cuộc đời nhà văn Nguyễn Thị Bích Nga chỉ qua ngần này trang sách của cô? Đúng là chỉ qua một giọt nước biển, người ta có thể hiểu được biển lớn, bởi trong giọt nước biển ấy, chứa tất cả phẩm và chất của biển lớn. Nhưng tôi không thể không biết thêm rằng, muốn thế, cần phải rong ruổi biết bao tháng ngày trên toàn bộ biển lớn kia, và còn phải bay cho đến tận mặt trăng, để phóng cái nhìn về biển lớn trên trái đất, mới có thể hiểu một giọt nước biển ấy.

 

Tôi muốn nói, không chỉ ở phần sáng tác, có thể không nhiều (hay chưa nhiều?), như cô khiêm tốn nói, mà ở phần tác phẩm dịch thuật, Nguyễn Thị Bích Nga cũng đã thể hiện được chính mình với tài năng của mình. Tôi tin điều đó, bởi rất nhiều người quên Đặng Trần Côn, nhưng không thể không nhớ Đoàn Thị Điểm (hay Phan Huy Ích?), rất nhiều người quên Anatole France nhưng không ai không nhớ Thanh Tịnh, ngỡ như chính Thanh Tịnh mới chính là tác giả đoản văn "Tôi đi học"...

 

Trần Xuân An

16 : 43', 3-6 HB7

 

Đã đăng tại:

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/nguyenthibichnga.htm

 

Ở bài này, đã thay chữ “đây” bằng 5 chữ: “điểm mạng vi tính này” (10-12 HB9)

 

________________________________________________________________________________________________

 

 

Trở về trang Giao lưu:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

 

 

Trở về trang bài mới - sách mới - tin tức mới:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

 

Trở về trang chủ "Web. Tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 03-6 HB7 (2007) = 18-4 Đinh hợi HB7

Bổ sung vài dòng cảm nhận: 16 : 44' cùng ngày