m. Trần Xuân An - Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tệp 13 / tập I

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

07/01/09

           

 

TẬP I

 

 

Tệp 1

 

Tệp 2

 

Tệp 3

 

Tệp 4

 

Tệp 5

 

Tệp 6

 

Tệp 7

 

Tệp 8

 

Tệp 9

 

Tệp 10

 

Tệp 11

 

Tệp 12

 

Tệp 13

 

Tệp 14

 

Tệp 15

 

Tệp 16

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

 

Trần Xuân An,

nội hậu duệ thế hệ thứ năm.

 

 

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

Xem:

Tạp chí điện tử Giao Điểm tháng 11-2005:          

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm

Blogger (Google) tháng 12-2005

http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/

   & các trang tiếp theo: … 2a … 2b … 2c …

 

 

 

TỆP 13

phân đoạn 3

truyện kí thứ sáu

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

VỚI NGỌN BÚT, THANH GƯƠM,

RA BẮC TIỄU PHỈ

 

Truyện kí thứ sáu

(phân đoạn 3)

 

      7

      Theo đường bưu trạm của quân thứ, tán tương Nguyễn Văn Tường đã đệ gửi tập bản sớ Xếp đặt công việc ở Bắc Kì vào kinh hơn mấy tháng rồi. Đó là tập sớ ông tự thấy là hết sức quan trọng bởi rất đỗi tâm huyết. Sau khi gửi, ông không ngớt suy nghĩ về sáu tỉnh Nam Kì. Lo việc Bắc Kì, làm sao quên được Nam Kì với những Trương Định, Thiên hộ Dương, Nguyễn Trung Trực và nhà thơ Đồ Chiểu với những bài văn tế nghĩa sĩ đau lòng xé ruột, hừng hực nỗi căm thù giặc Pháp và khinh ghét “tả đạo”! Ông thấm hiểu tận tim gan niềm bi tráng Cần Giuộc:

“… Ngoài cật có một manh áo vải,

           nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi;

Trong tay cầm một ngọn tầm vông,

           chi nài sắm dao tu, nón gỗ.

Hoả mai đánh bằng rơm con cúi,

           cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;

Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay,

           cũng chém rớt đầu quan hai nọ.

Chi nhọc quan quản gióng trống kì,

                                  trống giục,

           đạp rào lướt tới,

           coi giặc cũng như không;

Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to,

           xô cửa xông vào,

           liều mình như chẳng có.

Kẻ đâm ngang, người chém ngược,

           làm cho mã tà, ma ní hồn kinh;

Bọn hè trước, lũ ó sau,

           trối kệ tàu thiếc, tàu đồng

                                       súng nổ…”

“Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh” tố cáo với muôn đời tội ác của giặc Pháp:

“Kể mười mấy năm trời khốn khó,

           bị khảo, bị tù, bị đày, bị giết,

           trẻ già nào xiết đếm tên;

           đem ba tấc hơi mỏn bỏ liều,

           hoặc sông, hoặc biển, hoặc núi,

                                       hoặc rừng,

           quen lạ đều rơi nước mắt…

Phạt cho đến người hèn kẻ khó,

           thâu của quay treo,

           tội chẳng tha con nít đàn bà,

           đốt nhà bắt vật…”

      Chính nhà thơ mù loà nhưng tâm nhãn sáng ngời ấy, nhà thơ có nguyên quán Thừa Thiên nhưng mang cốt cách và tâm hồn Nam Kì lục tỉnh ấy, cũng khẳng định cho trái tim mình trước sự xâm lăng văn hoá:

                     “… Dù đui mà giữ đạo nhà

                     Còn hơn có mắt ông cha không thờ…”

      Và những bài hịch khác không ghi lại tên người viết, hầu như đã trở thành tiếng nói của phân số lớn nhân dân Nam Kì lục tỉnh, một đa số nhân dân cực kì sáng suốt, sáng suốt trong căm hận, dũng cảm, đau đớn, tuyệt vọng:

“Bớ các quan ơi,

           chớ thấy chín trùng [:nhà vua]

                                              hoà nghị

           mà tấm lòng địch khái

  [:căm giận giặc] nỡ phôi pha,

           chớ rằng ba tỉnh giao hoà

           mà cái việc cừu thù đành lơ lửng;

Bớ các làng ơi,

           chớ thấy đồn luỹ dưới Gò Công

                                              thất thủ

           mà trở mặt hại nhau,

           chớ nghe trên Bến Nghé phân cư

           mà đành lòng theo mọi [:Pháp]!

Hỡi ơi, oán nhường ấy, hận nhường ấy,

           cừu thù nhường ấy,

           làm sao trả đặng mới cam;

           công bấy lâu, nghiệp bấy lâu,

           lao khổ bấy lâu

           nay đành nỡ bỏ qua sao phải?…”.

      Bộ phận nhân dân ấy đã chua xót khinh bỉ những kẻ sĩ, những tên lưu manh cam tâm làm nô lệ:

“… Xin chớ phân bì kẻ sĩ

           hoặc ra làm phủ, hoặc ra làm

                                                huyện;

           ấy là đồ hư, đồ bỏ, đồ thúi, đồ nhơ.

Chớ thác chước thằng dân

                            hoặc theo [đi] mướn, hoặc theo đi

    [lính] thuê;

           ấy những đứa dại, đứa hoang,

                         đứa cùng, đứa quái…”

      Về một Trương Định, một Phan Tòng đã vượt qua nỗi trăn trở, khắc khoải trong mâu thuẫn giằng xé giữa “trung quân” với “ái quốc”, “trung thần” hay “nghịch thần”, bởi chân lí đã rất giản dị, “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là quý, xã tắc thứ nhì, vua chỉ đáng xem nhẹ):

“… Giúp đời dốc trọn ơn nam tử

Ngay chúa nào lo tiếng nghịch thần…”

“ … Viên đạn nghịch thần treo trước mắt

Lưỡi gươm địch khái nắm trong tay…”

      Nhân dân Nam Kì lục tỉnh đang chịu đựng nỗi đau khổ lớn đến thế, chất chứa nỗi căm thù giặc Pháp, “tả đạo” sâu nặng đến thế, và họ đã trực diện chống Pháp, chống “tả đạo”. Cho dẫu biết trước là sẽ thất bại, Nam Kì vẫn chống giặc, bởi không còn con đường nào khác! Mặc dù triều đình trên giấy tờ phải đành gọi họ là “nghịch thần”, nhưng trong nội bộ vẫn khen ngợi họ là những người trung nghĩa. Nam Kì lục tỉnh thế đấy, nhưng Bắc Kì còn đầy rẫy những phỉ là phỉ, phỉ Tàu, phỉ Việt, cột chân quan quân triều đình nơi biên giới xứ Bắc! Chẳng biết làm thế nào được!

      Tháng mười một năm Tự Đức thứ hai mươi mốt (1868), sau khi tuân dụ vua, đình thần điều nghiên suốt mấy tháng, và tháng ấy đã nghị xử vụ thất thủ Nam Kì. Ngay cả Nguyễn Tri Phương chủ chiến, Nguyễn Bá Nghi chủ “hoà” đều bị giáng, phạt cùng một loạt quan chức. Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp dẫu đã chết vẫn bị truy đoạt lại chức hàm. Đồng thời, nhà vua quyết định cho đục bỏ tên Phan Thanh Giản ở bia tiến sĩ, để lưu mãi mãi cái án trảm giam hậu với mục đích “giết người đã chết để răn về sau”… Vua Tự Đức đã ăn năn là “không biết tính xa, dùng người sai lầm” (63)!

      Cũng vào tháng mười một, năm sau, năm Tự Đức thứ hai mươi hai (1869), một tên quan năm với chức vụ giám đốc theo lệnh tướng Pháp ở Gia Định đáp tàu thuỷ ra Huế. Lần này, sứ giả Pháp được bái yết vua Tự Đức để dâng quốc thư. Quốc thư lại vẫn nội dung cũ: Pháp muốn ta giao hẳn cho chúng ba tỉnh Miền tây Nam Kì (An Giang,Vĩnh Long, Hà Tiên) bằng cách lập “hoà” ước mới (64). Đó là điều Nguyễn Văn Tường kịch liệt phản đối bằng một bản sớ hồi tháng ba, năm năm Tự Đức thứ hai mươi mốt (1868). Bản sớ ấy của ông nhằm vạch trần âm mưu của thực dân Pháp trong việc lập “hoà” ước mới ấy! Lần này tiếp sứ giả Pháp, vua Tự Đức và đình thần yêu câu Pháp trả lại cho ta tỉnh Biên Hoà và thôi khoản “bồi thường chiến phí”. Pháp vẫn một mực tham lam!

      Sau đó ba tháng, đầu năm Tự Đức thứ hai mươi ba (1870), Pháp một lần nữa nằng nặc đòi lập “hoà” ước mới. Tên tướng suý Ô Khởi (Ô Khỉ, Ohier) về nước rồi, tên tướng khác sang thay ở phủ suý Gia Định là De Cornulier Lucinière vẫn tiếp tục trao quốc thư với yêu cầu cũ và chúng vẫn giữ lòng tham lam cũ! Nhà vua tham khảo ý kiến các tỉnh thần. Tổng đốc Bình – Phú Thân Văn Nhiếp, tổng đốc An – Tĩnh Hoàng Tá Viêm đề nghị phải được các nước phương Tây, các nước châu Á Tế Á công chứng, sau khi ta đã bác bẻ Pháp một số điều khoản để giành lại quyền lợi ở mức độ nào đó, nếu phải kí kết “hoà” ước mới. Nhóm đình thần Trần Tiễn Thành tâu lên vua: “Ta đang hết sức chịu khuất, mong để chống chế, [nhưng] chưa có [đủ] cốt cách. Nếu lấy lời tranh luận, chẳng những không ích [gì], lại sinh khó ra. Xin tạm hãy chờ nước ấy [và nước Y Pha Nho] đưa thư trả lời, mới hợp cơ hội […]. Huống chi các nước khác cũng một giuộc với nhau […]” (65). Vua Tự Đức chỉ còn biết khẳng định một câu: “Ta không phải găng mà lí nước ấy là trái” (65). Nhà vua vẫn muốn giữ vững quan điểm không nhân nhượng, nhưng với sự nhũn nhặn, như năm kia đã khẳng định với bang biện Thành Hoá Nguyễn Văn Tường, người được triệu vào kinh, sung bồi sứ của sứ bộ dự định sang Pháp, Anh và Y… Khi được tin về vụ nhà vua tham khảo ý kiến tỉnh thần này cùng những ý kiến phúc tâu của họ, tán tương Nguyễn Văn Tường thấy chính Thân Văn Nhiếp, người từng dâng sớ xin vua “nằm gai nếm mật”, cũng đã phải chịu khuất. Hoàng Tá Viêm cũng đành chịu khuất. Có điều hai viên quan ấy đề xuất một việc rất bình thường nhưng hoá ra vẫn khó: phải được các nước phương Tây, các nước châu Á công chứng, sau khi ta đã bác bẻ Pháp một số điều khoản để giành lại quyền lợi ở mức độ nào đó, nếu phải kí kết “hoà” ước mới (65)!

      Tháng ba năm ấy, sứ giả Y Pha Nho lại sang đệ trình quốc thư đáp lễ, nhưng không chịu theo nghi thức triều yết của nước ta. Vua Tự Đức cũng đành phải nhân nhượng! Quốc thư của Y Pha Nho nhắc lại việc trước đây vua Tự Đức cho lời lẽ nước ấy không thực tế trong thương thảo hội ước thương mãi. Rồi cũng chẳng đâu vào đâu! Tên sứ giả ấy bái biệt, tự tiện ra ngay Nam Định bàn bạc với cố đạo, dân theo đạo ở đấy. Triều đình phải ra lệnh cho quân binh bố trí ngăn chặn, phòng bị (66).

      Điều thấy rõ nhất là trong mấy năm qua, Pháp vẫn một mực giữ lòng tham, không chịu nhân nhượng ta một mức độ nhỏ nào, nhưng chúng vẫn nhiều lần ngoan cố ép buộc triều đình nước ta kí kết “hoà” ước mới với điều khoản nhượng đứt thêm cho chúng ba tỉnh Miền tây, để hợp thức hoá hoàn toàn chủ quyền cho chúng trên lục tỉnh Nam Kì, trong thực tế chúng đã cưỡng chiếm trọn vẹn từ năm Đinh mão (1867)!

      Một lần nữa, tán tương Nguyễn Văn Tường tự khẳng định, không chiến và thủ thì không thể đàm phán được gì hết. ““Chân lí (!)” thuộc về kẻ mạnh”! Kẻ bạo ngược cướp nước nhưng giàu có thì “nói quấy nói quá chúng nghe ầm ầm”, huống chi bọn thực dân vốn cá mè một lứa!

      Thế rồi, một tin hết sức chấn động lan truyền đi! Thời cơ cứu lấy Nam Kì đã đến?

      Bốn tháng sau khi viết tập bản sớ về việc xếp đặt Bắc Kì và gửi vào kinh đô, đệ trình lên vua Tự Đức, một sự kiện gây chấn động ở nước Pháp lan truyền đi khá nhanh qua những người khách thương cập bến ở Gia Định, Huế, Hà Nội, và cũng chính suý phủ Pháp tại Nam Kì báo tin cho triều đình nước ta biết: Vua Nã Phá Luân đệ tam (Napoléon III: Charles Louis Bonaparte) của Pháp đã bị quân Phổ Lỗ Sĩ (Prusse / Đức) bắt sống, sau non hai tháng nổ ra cuộc chiến tranh giữa Pháp với Phổ (19.7.1870 – 02.9.1970) (67). Napoléon III dẫu đã liên minh với nước Nga sa hoàng, vẫn phải chiến bại, kéo cờ trắng đầu hàng Phổ, phải cắt nhượng cho Phổ hai tỉnh Alsace va Lorraine, đồng thời phải “bồi thường chiến phí” đến năm tỉ phật-lăng (franÇ). Cũng như ở Nam Kì, sau khi nhà vua đã kí hàng ước với hai khoản cắt đất, bồi tiền, nhân dân vẫn chiến đấu. Ở Pháp, cuộc xâm lược của Phổ Lỗ Sĩ chỉ thật sự hoàn tất vào bốn tháng sau (18.01.1871), lúc cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống Phổ hoàn toàn bị dập tắt, cũng là lúc nước Phổ dưới quyền thủ tướng Bismark, làm lễ thành lập đế quốc Đức ngay tại thành phố Versailles của Pháp, nay đã bị Đức chiếm đóng (68).

      Theo đường ngựa trạm và nguồn tin từ khách thương, hầu như các quan, sĩ phu đều biết tin tức đó. Họ chờ một sắc dụ từ triều đình ban ra để tấn công quân Pháp tại Nam Kì, giành lại sáu tỉnh non sông Tổ quốc. Ai cũng nghĩ rằng thời cơ đã đến. Thế nhưng, khi “vua cho là có thể thừa cơ được, bàn sai Viện Thương bạc viết thư bảo tướng [Pháp ở Gia Định] ấy giao trả sáu tỉnh, để về mà cứu lấy căn bản” (67), thì đình thần lại bàn, và cuối cùng nhà vua cũng chỉ muốn lấy lời nhân hậu để thuyết phục Pháp! Thư gửi đi, nhận thư phúc đáp, để rồi cuối cùng “đình thần cho là nước ấy không muốn điều đình. Ta đương có việc ở biên giới phía Bắc, việc ở nước Tây [:Pháp] chưa nên nhân tiện hành động! Vua [cũng] theo lời!” (67).

      Triều đình nước ta, nhân dịp đáo lệ triều cống, ngay lập tức lập sứ bộ sang Trung Hoa. Tháng mười năm ấy (1870), tán tương Nguyễn Văn Tường và các quan quân thứ dẫn quân đi đánh dẹp bọn phỉ, mở đường cho sứ bộ Nguyễn Hữu Lập, Phạm Hy Lượng, Trần Văn Chuẩn (69). Trong dịp đó, Nguyễn Văn Tường và các quan quân thứ biết ý định nhà vua cùng triều đình: biên soạn sẵn bản ghi nhớ những điểm cốt yếu như một dạng đề cương cho sứ bộ căn cứ vào đấy mà ứng đối với Thanh triều cũng như với sứ thần các nước Cao Ly, Nhật Bản, Lưu Cầu (Riu Kiu), đáo lệ họ cũng đang đến Yên Kinh. Ngoài việc sứ bộ có nhiệm vụ thuyết phục vua Thanh tăng cường phối hợp với ta để tiễu trừ bọn giặc Cờ ở biên giới hai nước, trên lãnh thổ ta, tán tương Nguyễn Văn Tường còn hiểu rõ thái độ ứng phó của triều đình, trước tình hình cách mạng và chiến tranh Pháp – Phổ, trong dự kiến ở đề cương, là rất cẩn trọng, ngại gây hiềm khích thêm với Pháp và các nước Phương Tây, ngay cả khi sứ bộ không thể không bàn luận đến vấn đề ấy với vua Thanh và với sứ thần các lân bang! Cẩn trọng đến mức sứ bộ được dặn dò, mỗi mẩu giấy bút đàm xong đều phải được thu gom lại! Cẩn trọng và giữ quốc thể (69)!

      Nhạy cảm nhất với tình hình ở Pháp, có lẽ vẫn là các cố đạo Pháp, vốn thuộc Hội Truyền giáo của Paris tại nước ngoài.

      Đạo Gia Tô ở Pháp từng có một thời gian dài bị suy vi do những cuộc cách mạng dân chủ nổ ra trong nước. Cách mạng của nhân dân Pháp nổ ra từ thời tương ứng với giai đoạn nước ta gần như được thống nhất Đàng Trong – Đàng Ngoài, nhờ thanh gươm, vó ngựa quân Tây Sơn (1789), và cách mạng Pháp còn tiếp tục nổ ra ở những thập niên sau đó (1848, 1870). Đạo Gia Tô ở Pháp có một thời gian lại rất thịnh đạt, thực sự trở thành một công cụ xâm lược các nước hải ngoại, đấy là giai đoạn dưới triều Napoléon III, tên vua có nữ quỷ hoàng hậu Eugénie rất sùng đạo Chúa, triều đại kéo dài suốt mười tám năm (02.12.1852 – 1870) (68).

      Từ trước ngày Napoléon III bị Phổ bắt sống, phải đầu hàng, chấm dứt Đế chế II, các cố đạo và bọn dân đạo thân Pháp hoặc thực sự là tay sai của chúng ở nước ta đã lo sợ cuống cuồng! Nỗi lo sợ ấy đến với chúng muộn nhất cũng từ trước Tết Nguyên đán năm Tự Đức thứ hai mươi ba, Canh ngọ (1970). Đó là dịp đầu năm mới dương lịch 1970. Bấy giờ, ở Pháp, những khẩu hiệu vang lên sau khi em họ Napoléon III, tên hoàng thân Pierre Bonaparte, ám sát Vitor, một nhà báo cộng hoà: “Nước cộng hoà muôn năm!”, “Bọn Bonaparte phải chết!”, “Đuổi bọn giáo sĩ ra khỏi nhà nước!”. Và từ đó, phong trào cách mạng bắt đầu bùng nổ đồng thời với cuộc chiến tranh Pháp – Phổ, dẫn đến cuộc cách mạng vô sản Công xã Paris, 18.3.1971. Đó là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, tuy chỉ tồn tại trong bảy mươi hai (72) ngày (68).

      Do đó, trong tháng mười nguyệt lịch năm Tự Đức thứ hai mươi ba, Canh ngọ (1870), giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ liền mật tâu lên vua Tự Đức thông qua môi giới là Trần Tiễn Thành :

      “Xin sai người đi đến Gia Định dò thám, dâng kế, khiến cho tướng Pháp trả lại ta sáu tỉnh, mang cả quân về nước, để dẹp nạn trong nước, rồi lại sang buôn bán như người Anh ở Hạ Châu [tức bán đảo Mã Lai].

      Cần chơi thân với người Anh, nước ấy thấy ta tìm đến người Anh, mới dễ nguôi lòng về bàn định hoà ước. Lại phái người sang thủ đô nước Anh thăm dò, tuỳ tiện bày kế.

      Trần Tiễn Thành nhân xin sai Nguyễn Hoằng (người bên đạo theo sai phái) đi sang nước Pháp bảo là cho người đi học, rồi nhân tiện cho Nguyễn Trường Tộ theo sang để trình bày lợi hại với viên cố đạo Tây [dương] và xem sự thể tình hình các nước Anh, Nga, Úc, Phổ. Và nước Pháp vẫn trông cậy ở hai viện Công hầu và Thứ dân, nêu ngầm thương thuyết với hai viện đó, có cơ hội gì, lần lượt tâu về” (70) .

      Một là, dâng lên kế hoạch để quân ta lấy lại sáu tỉnh Nam Kì. Nhưng sau đó nước ta vẫn quan hệ với Pháp về thương mại, như Hạ Châu (Mã Lai – Singapore) với người Anh (thực dân).

      Hai là, nên quan hệ mật thiết với người Anh theo thể thức đó để Pháp nguôi bàn chuyện định lại “hoà” ước, đồng thời phái người sang Anh thăm dò, tuỳ theo tình hình mà bày kế sách (chúng đang ép buộc triều đình nước ta kí kết “hoà” ước mới với điều khoản nhượng đứt thêm cho chúng ba tỉnh Miền tây, để hợp thức hoá hoàn toàn chủ quyền cho chúng trên lục tỉnh Nam Kì).

      Ba là, Trần Tiễn Thành lại tâu xin cho linh mục Nguyễn Hoằng và Nguyễn Trường Tộ sang Pháp trình bày với các viên cố đạo Pháp ở bên ấy (Hội Truyền giáo Paris), thương thuyết với lưỡng viện Quốc hội Pháp (Viện Quý tộc, Viện Thứ dân), đồng thời để xem xét tình hình các nước Anh, Nga, Úc, Đức…

      Vua Tự Đức cho rằng đó là việc hệ trọng, nên cho vời giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ, một người đã từng sang Tây du học lâu năm, vào kinh để hỏi về việc ấy (70)!

      Nhà vua hẳn không hề biết giáo dân Đinh Văn Điền ở Yên Mô, Ninh Bình và giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ ở Nghi Lộc, Nghệ An cũng là một giuộc? Từ tháng mười nguyệt lịch năm Mậu thìn (1868), phải chăng phong trào lật đổ Đế chế II ở Pháp đã bắt đầu manh nha, và nỗi lo âu của Hội truyền giáo Paris đã truyền sang Đinh Văn Điền từ đấy? Nguyễn Trường Tộ với nỗi lo sợ ấy, nay đã trở nên cuống cuồng. Ngẫm cho cùng, thực chất những giáo sĩ, giáo dân người Việt đang cố tìm một lối thoát cho chính họ! Họ sợ rằng, một khi nước Pháp với phong trào cách mạng dân chủ tư sản và công xã vô sản nắm chính quyền ở Pháp, họ sẽ mất chỗ dựa! Cho nên, họ phải tính toán trước, đi nước đôi với cả Pháp lẫn Anh! Thay vì bọn Pháp thực dân, chiếm hẳn lục tỉnh Nam Kì làm thuộc địa, họ muốn triều đình chấp nhận thực dân Anh “bảo hộ” như ở Hạ Châu (Mã Lai)! Chẳng lẽ Nguyễn Trường Tộ không biết thực dân Anh đã hất cẳng Hà Lan, Bồ Đào Nha, chiếm hẳn “đất thuộc địa eo biển” ở Hạ Châu (Mã Lai), gồm Singapore, Malacca, Pénang, từ năm Tự Đức thứ hai mươi, Đinh mão (1867) (71)! Pénang, nơi từng được gọi là “mảnh đất bàn đạp” cho tiến trình xâm lược của bọn thực dân Tây Âu, là “căn cứ địa” của các cố đạo bạch quỷ viễn chinh ở Viễn Đông, chuyên đào tạo những tên tay sai như Pierre Tạ Văn Phụng, Pétrus Trương Vĩnh Ký, và cả Nguyễn Trường Tộ!

      Tán tương Nguyễn Văn Tường chợt nhớ hôm nào khi khâm sai đại thần Vũ Trọng Bình mới ra Lạng Sơn, các quan quân thứ chua chát bàn bạc về “tả đạo”.

      Sau bữa cơm chào đón khâm sai đại thần họ Vũ hôm ấy, họ chuyện trò mãi, cho đến khi tiếng điêu đẩu vang lên báo hiệu đổi phiên tuần canh.

      - Hay là tên giáo dân Đinh Văn Điền này muốn thoát khỏi quyền lực của giáo hoàng La Mã như Anh giáo? Anh giáo là một thứ Thiên Chúa giáo (đạo Gia Tô) của nước Anh, độc lập, không có quan hệ với La Mã. Và y cũng muốn thoát khỏi nanh vuốt của Hội Truyền giáo Ba Lê (Paris)?

      - Những tên theo Thiên Chúa giáo (đạo Gia Tô) ở các nước như nước ta, giáo hoàng bạch tạng La Mã bảo gì chúng tuân lệnh răm rắp, đến mức bảo chấp nhận mất nước, làm dân nô lệ, chúng cũng vâng lời! Ngu không thể tưởng được!

      - Tên giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ vẫn như cái đuôi của con chó Ngô Gia Hậu (Gauthier). Chó bị chặt đuôi vẫn còn sống được, nhưng đuôi chó lìa khỏi đít chó thì thối rữa khác gì khúc thịt chết! Nguyễn Trường Tộ đã bao giờ rời khỏi hai tên giám mục Hậu (mgr. Gauthier), Phê Chính Hoà (mgr. Croc) đâu! Nguyễn Trường Tộ như thế, nữa là Đinh Văn Điền!

      - Việc “sát tả” ở nước ta, đâu phải chống dị giáo Tin Lành như vua Phi Líp đệ nhị (Philippe II) của Y Pha Nho và vua Lu Y đệ thập tứ (Louis XIV) của Pháp! Hai hoàng đế Tây Âu ấy giết hại biết bao nhiêu người chỉ vì dị giáo! Ở nước ta, đó là vấn đề giữ nước khỏi bị xâm lược, nô dịch, sùng bái Nhi Nhu (Giê Su, Jésus) mà quên mất tổ tiên, anh hùng dân tộc! Ai chẳng biết những tên cố đạo như giám mục Hậu (Gauthier), giám mục Hoà (Croc) là thực dân đội lốt tôn giáo, nhất là tên giám mục Phu Nhi Chi (Puginier) ở Kẻ Sở (Hưng Yên), ở Hà Nội!

      - Giá như tên Nguyễn Trường Tộ bỏ hẳn đạo Gia Tô để đứng vào giới Văn thân nho sĩ chúng ta thì hay biết bao nhiêu! Chỉ tiếc là y không chịu bỏ “tả đạo” mà chỉ chấp nhận bỏ tổ tiên, nguồn cội mà thôi! Ta học triết thuyết Khổng Mạnh nhưng đâu có thờ lạy, sùng bái, mê muội như y sùng bái, mê muội Nhi Nhu (Jésus) đâu! Chúng ta vẫn chỉ thờ kính tổ tiên, nguồn cội và anh hùng dân tộc ta, còn lập Khổng miếu là chỉ để tỏ ra biết ơn danh nhân “vạn thế sư biểu” thôi! Hãy xem trên bàn thờ các nhà, từ dân cho đến quan, có bức tượng, tấm tranh nào tạc, vẽ Khổng tử đâu! Chẳng lẽ Nguyễn Trường Tộ chưa hiểu tiểu truyện Nhi Nhu (Jésus) trong Kinh thánh, chẳng lẽ chưa đọc Gia Tô bí lục và những chương về Cảnh giáo (một tên khác của đạo Gia Tô) do Nguyễn Văn Siêu mới viết?

      - Thôi, xin phép các quan! Để bữa khác! Thế nào triều đình cũng có thông tư về tình về lương – giáo. Nhưng nhiệm vụ chính của ba đạo quân binh chúng ta là tiễu phỉ! Phải diệt cho bằng hết bọn phỉ Tàu, phỉ Bắc Kì mới rảnh tay, nhẹ đầu để lo việc lấy lại Nam Kì và làm việc khác được!

      Bấy giờ, lúc đêm đã bước sang canh hai, các tướng tá mới chia tay nhau đi làm công việc của mình.

      Tán tương Nguyễn Văn Tường một lần nữa lại băn khoăn trước câu hỏi: Phải chăng Đinh Văn Điền, Nguyễn Trường Tộ muốn bày tỏ một thái độ chống Pháp để xác lập chính nghĩa trước dư luận và trước triều đình để tiếp tục theo Thiên Chúa giáo? Hay chỉ muốn tìm một chỗ dựa mới, một khi nước Pháp đã bùng nổ cách mạng dân chủ và công xã Paris?

      Và điều tán tương Nguyễn Văn Tường thấm thía nhất vẫn là: Thời cơ giành lại lục tỉnh Nam Kì đã xuất hiện, nhưng chớp lấy thời cơ ấy để đuổi bọn cướp nước bị bấn loạn ở sào huyệt chính quốc, ta vẫn không chớp lấy nổi, do chân tay triều đình ta quá yếu, thân thể triều đình ta quá kiệt quệ! Thế nên đành tiếc rẻ, để vuột mất thời cơ! Điều rất đơn giản, ai cũng có thể biết, là phải chuẩn bị sẵn lực lượng để chớp lấy thời cơ, giành chiến thắng, nhưng thật sự rất đỗi nan giải lại là việc chuẩn bị lực lượng! Bọn phỉ Tàu hàng vạn tên, bọn cổ phỉ (phỉ hùa reo) người Việt hàng mấy ngàn tên vẫn không ngừng ra sức quấy nhiễu ở biên giới và miền biển Bắc Kì, với súng ống đạn dược được Pháp, Anh viện trợ, bán chác qua tay lái buôn Jean Dupuis!

      Tán tương Nguyễn Văn Tường không thể không tìm hiểu về nước Pháp và Thiên Chúa giáo, nhân dân vẫn đang gọi là nước Phú bạch tạng, bạch quỷ và tả đạo, dữu dân. Không ai không biết câu ngạn ngữ trích từ sách binh pháp: “Biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng!”. Trong điều kiện phải đương đầu trước cuộc xâm lăng của Pháp và đương đầu với một tôn giáo đã bị xuyên tạc bản chất để thành công cụ thực dân, nô dịch, ông không thể không tìm hiểu đối phương. Đó là điều tất nhiên!

     

      8

      Sau khi thấy tình hình biên giới Bắc tạm yên, quân Thanh của Phùng Tử Tài rút về Trung Quốc, bấy giờ, Nguyễn Văn Tường viết tập bản sớ “Về kế hoạch xếp đặt công việc ở Bắc Kì”. Ông không lạc quan về tình hình một cách chủ quan, khinh địch. Quả thật, nếu bọn giặc Cờ không tràn qua lại, ngóc đầu dậy, bọn cổ phỉ (giặc hùa reo) người Việt (Kinh, Tày, Thái, Mèo…) không tiếp tục “giậu đổ bìm leo”, “theo đóm ăn tàn”, quan quân ta cũng có thể chớp lấy thời cơ chiến tranh Pháp – Phổ nổ ra, cách mạng dân chủ và Công xã Paris bùng dậy, Đế chế II của Bonaparte ở Pháp sụp đổ, để kéo đại binh vào giải phóng lục tỉnh Nam Kì. Mặc dù không dễ mua được súng đạn hiện đại như quân kháng chiến Mễ Tây Cơ (Mê-hi-cô, Mexico) (72), một nước giáp ranh với Mỹ Lợi Kiên (US. America), mặc dù cũng không thấy chủ trương buông nhả thuộc địa của chính phủ Công xã Paris (73), nhưng nếu tình hình thuận lợi hơn, quân binh triều đình cùng với nghĩa sĩ Nam Kì nước ta vẫn có thể đánh bật được bọn phủ suý Pháp, tiêu diệt được bọn mã tà, ma ní của chúng, và chắc chắn nước ta sẽ đạt được chiến thắng nhất định, vào thời điểm thời cơ xuất hiện.

      Mỹ Lợi Kiên (US. America) là một nước có nhiều tên cao-bồi (cowboy) luôn luôn kè kè súng đạn, ăn ngủ với súng đạn, lại có nhiều tên lái buôn giàu có nhờ buôn lậu súng đạn. Do đó, ngay ba năm trước (1867), quân kháng chiến Mễ Tây Cơ, dưới sự lãnh đạo của một linh mục thoát li khỏi giáo quyền La Mã, đã mua được súng đạn hiện đại, và nhờ vậy, đã quét sạch bọn Pháp ra khỏi nước, cho dù nước Mễ không có thời cơ như năm Canh ngọ (1870) này.

      Năm Tự Đức thứ hai mươi ba, Canh ngọ (1870) này, thời cơ nghìn năm có một đã xuất hiện, mặc dù chính phủ Công xã Paris vẫn muốn giữ chặt thuộc địa mà Đế chế II xâm lược được, mặc dù quân ta vẫn còn thiếu súng đạn tối tân của thời hiện đại (thế kỉ XIX), nhưng rõ ràng tình hình đã thuận lợi hơn trước. Vậy mà tiếc thay, chính bọn Tàu giặc Cờ lại tràn sang, và bọn cổ phỉ (giặc huà reo) người Việt ngóc đầu dậy, giam chân đại quân triều đình nước ta ở Bắc Kì!

      Hoặc giả, phải chăng một phần khác, ta vẫn không chớp lấy nổi thời cơ, do binh đao liên miên, do chân tay triều đình nước ta quá yếu, thân thể triều đình nước ta quá kiệt quệ? Thế nên đành tiếc rẻ, để vuột mất thời cơ!

      Tháng sáu nguyệt lịch, tán tương Nguyễn Văn Tường viết tập bản sớ “Về kế hoạch xếp đặt công việc ở Bắc Kì”, những tưởng tạm yên. Nhưng, sau đó non một tháng, ngay tháng bảy, Tô Tứ (Tô Quốc Hán), một tên đầu sỏ giặc Cờ, cùng với Tăng Á Trị, trước đây đã xin hàng ở Lạng Sơn, nay lại nổi dậy làm phản. Hai tên tướng phỉ Tàu cũng thuộc bọn giặc Cờ, loại Cờ vàng, Đặng Vãn và Hoàng Sùng Anh, cùng hàng vạn tên tiểu tốt khác lại tràn sang nước ta quấy nhiễu, chiếm cứ, cướp bóc, giết chóc (74). Như thế, rõ là sau khi ba mươi mốt doanh quân nhà Thanh của tướng Phùng Tử Tài mới rút, bọn phỉ ẩn núp được tại núi rừng Thái, Tuyên, Cao, Lạng… lại lập tức nổi dậy, hàng vạn tên đồng bọn mới bị dẫn độ về Tàu lại tràn sang!

      Các quân thứ phải phiên chế lại. Đoàn Thọ, tổng thống Bắc Kì quân vụ. Tổng thống quân thứ Lạng – Bằng Vũ Trọng Bình đã được phong hiệp thống Bắc Kì quân vụ. Lê Bá Thận, tham tán quân thứ Lạng – Bằng và sau đó chuyển về Thái Nguyên. Ông Ích Khiêm, tán lí. Thành Lạng Sơn lại trở thành đại bản doanh của các quân thứ như hồi năm Mậu thìn (1868), lúc mới xuất quân ra Bắc!

      Trước tình hình đó, tán tương Nguyễn Văn Tường lại phải lên ngựa cùng một số lớn lính tuỳ tùng sang tận Phủ Thái Bình của Trung Quốc để thương thuyết. Tướng Phùng Tử Tài lại sai phái tri phủ Thái Bình nhà Thanh sang hiểu dụ lũ phỉ ấy. Đó là Từ Diên Húc (75).

      Cũng trong tháng tám nguyệt lịch, tên tướng phỉ Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc đã xin hàng quân binh ta. Y thưa, về nước Tàu, thế nào y cũng bị tử hình, nên y xin được ở lại Bảo Thắng thuộc tỉnh Hưng Hoá để cùng đồng bọn làm ăn. Thấy y là một trong những tên tướng tàn quân của Thái bình thiên quốc, tuy đã biến chất thành phỉ, tuy cũng đã từng toan chiếm cứ Cao Bằng để xưng hùng, xưng bá, nhưng dũng cảm, có tài cầm quân và tâm địa không đến nỗi tàn ác lắm, quan quân ta đồng ý cho y theo để chịu sai phái tiễu trừ phỉ. Bố chính sứ Hưng Hoá Nguyễn Huy Kỷ là một viên quan mộ đạo Phật, từng được thuộc cấp và dân chúng rất mực kính nể, xem ông như Phật sống(76). Chính Nguyễn Huy Kỷ và án sát Trần Doãn Đạt đem việc xin hàng, đái công chuộc tội của y tâu vào vua Tự Đức. Nhà vua bảo rằng: “Dùng người Man đánh người Man là một việc cần. [Lưu] Vĩnh Phúc vốn thù nhau với Hoàng [Sùng] Anh, nên khéo khích dùng. Nhưng sợ tính chưa thuần, khó quen dần. Đừng hi vọng quá nhiều, lại thành ra khó chế ngự” (52).

      Từ đó, Lưu Vĩnh Phúc trở thành một người đắc lực.

      Như thế, một mặt có Từ Diên Húc (tri phủ nhà Thanh) hiểu dụ chiêu hàng bọn phỉ Tàu, một mặt có những người Tàu như Lưu Vĩnh Phúc truy quét chính đồng bọn người Tàu cam tâm làm phỉ. Ngoài ra, tổng thống Bắc Kì quân vụ Đoàn Thọ lại còn muốn chỉ sử dụng lính Nam Kì! Ông đã tâu vào kinh, nên tuyển thêm lính Nam Kì (hiện sinh sống tại các vùng tị địa ở Bình Thuận), vì lính Bắc Kì hèn nhát không sử dụng được! (Phải chăng tâm thế binh lính Đàng Ngoài ít nhiều u ám, mệt mề bởi bất mãn trước sự phân biệt đối xử?). Vua Tự Đức trách, vấn đề là tướng, chứ không phải binh sĩ (77). Vua còn dẫn lịch sử, quân nào đã từng đánh tan quân Nguyên – Mông, quân Minh? Sau đó, quân Chiến Tâm được thành lập, tuyển mộ lính tráng từ Hà Tĩnh trở ra Bắc (77).

      Trong khi các quân thứ phiên chế lại và vạch kế sách tiễu trừ phỉ như vậy, thành Cao Bằng lại bị bọn phỉ Tàu, phỉ Việt đầu hàng làm phản. Các tên đầu mục phỉ Nguyễn Tứ, Trương Thập Nhất, Đặng Vãn, Lục Vãn dẫn bốn, năm trăm tên tốt phỉ đánh úp, chiếm thành, giết mất án sát Hoàng Tạo, vì ông không chịu khuất phục, còn bố chính Nguyễn Văn Thận bị mất tích (78)!

      Thế là thành Cao Bằng lần thứ hai bị chiếm!

      Đó là một tin trong tháng chín năm Tự Đức thứ hai mươi ba, Canh ngọ (1870), làm rúng động triều đình và các quân thứ!

      Tình hình biên giới Bắc không thể yên được, trở lại căng thẳng như cũ!

      Vua Tự Đức liền ban dụ trong khắp cả các quân thứ, các tỉnh trong nước (79)!

Thành Cao Bằng mất vào lúc tương đương với thời điểm Phổ đánh bại Pháp (9.1870)! Thời cơ thuận lợi cho nước ta xuất hiện, ta đành để trôi qua, vuột mất!

    

Hết phân đoạn 3 truyện kí thứ sáu (còn tiếp)

                                                             

Viết đến dòng chữ này lúc 16 giờ kém 10 phút,

  ngày mùng ba tháng mười, năm 2002

(27.8, Nh. ngọ, HB.2),

tại thành phố Hồ Chí Minh.

TXA.                                                             

 

                   

(63)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 267 –270.

(64)    ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 382.

(65)     ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 7 – 8.

(66)     ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 17 –18.

(67)     ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 47 – 48.

(68)     LSCĐTG., tập 1, Nxb. KHXH., 1986, tr. 342 – 357; tập 2, Nxb. KHXH., 1985, tr. 7 – 65.

(69)     ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 56 – 59.

(70)     ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 59 – 60.

(71)     LSCĐTG., tập 3, Nxb. KHXH., 1985, tr. 299 – 324.

(72)     LSCĐTG., tập 1, Nxb. KHXH., 1986, tr. 352.

(73)     Theo các tác giả Nguyễn Văn Hồng, Vũ Dương Ninh, Võ Mai Bạch Tuyết, trong Lịch sử cận đại thế giới, (LSCĐTG.), tập 1 & tập 2, Nxb. KHXH., 1986 và các tư liệu khác: Khi cuộc chiến tranh Pháp – Phổ 1870 – 1871 nổ ra, Karl Marx có theo dõi sâu sát, nhất là đối với phong trào công nhân Pháp và Công xã Paris. Chính Karl Marx đã góp phần chỉ đạo cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới ấy. Tuy nhiên, Karl Marx và Quốc tế Cộng sản I (thứ nhất) không hề đề cập đến vấn đề thuộc địa với ý hướng ủng hộ các dân tộc chống chủ nghĩa thực dân xâm lược, cụ thể như trường hợp nước ta chống Pháp chẳng hạn. Vấn đề ủng hộ phong trào giải phóng các dân tộc (các đất nước) bị áp bức bởi chủ nghĩa thực dân, đế quốc tư bản chủ nghĩa chỉ được đề cập lần đầu tiên bởi V. I. Lénine trong luận cương “Vấn đề thuộc địa” (1920). Phải chăng đó là lí do cơ bản để Bác Hồ viết bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin” (1960)? Xin lưu ý ở nhan đề bài viết ấy: chủ nghĩa Lê-nin chứ không phải chủ nghĩa Mác – Lê-nin! Chúng tôi chú thích để thấy rằng  các nước Á, Phi, Mỹ la-tinh chống Âu Mỹ xâm lăng nói chung, và nói riêng triều Nguyễn cùng dân tộc ta chống Pháp, đều ở trong một điều kiện không có một lực lượng nào ở Âu Mỹ ủng hộ, nếu không nói là, như thế, mặc nhiên ngay cả Quốc tế Cộng sản I & II vô hình trung cũng đều đứng về phía Âu Mỹ xâm lược. Có người cho rằng, ngay cả Quốc tế III cũng chủ trương tiến hành cách mạng vô sản ở chính quốc trước, mới có thể giải phóng các thuộc địa. Chính nhà nghiên cứu Phan Ngọc trong cuốn “Bản sắc văn hoá Việt Nam” (Nxb. Văn hoá Thông tin, 1998), bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh, đỉnh cao của văn hoá Việt Nam” đã viết: “Chân lí mà Nguyễn [Ái Quốc] phát hiện và đấu tranh không biết mệt mỏi sau khi đã vào Đảng Cộng sản Pháp chính là tìm mọi cách lôi cuốn Quốc tế III và các đảng cộng sản theo con đường mà chính mình là người phát hiện. Điều này vào những năm hai mươi hãy còn quá mới, nên không mấy người cộng sản trong các nước đế quốc tán thành” (sđd., tr. 448); “… Nguyễn Ái Quốc vào [Đảng Cộng sản] với một mục đích riêng, khác đa số những người cộng sản: khiến Quốc tế III ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, xem nó ngang với nhiệm vụ thực hiện cách mạng ở chính quốc. Ta hiểu điều đó rất mới và rất khó”. Phan Ngọc còn trích dẫn lời Nguyễn Ái Quốc: “Còn các đảng cộng sản của chúng ta như Đảng Cộng sản Anh, Hà Lan, Bỉ và các nước khác, mà giai cấp tư sản ở đấy đã chiếm giữ thuộc địa thì đã làm những gì?… Tất cả những việc mà các đảng của chúng ta đã làm về việc này thật hầu như chưa có gì cả. Còn về phần tôi, là một người sinh trưởng trong một nước hiện nay là thuộc địa của Pháp và là một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, tôi lấy làm tiếc phải nói rằng Đảng Cộng sản Pháp chúng tôi làm ít và rất ít cho các nước thuộc địa” (Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 1, 1995) (tr. 450). Sau Cách mạng tháng 10 Nga 1917 mà còn như thế! Ở đây, chúng tôi chỉ chú thích để làm rõ ý tưởng: Các nước Á, Phi, Mỹ la-tinh chống Âu Mỹ xâm lăng nói chung, và nói riêng triều Nguyễn cùng dân tộc ta chống Pháp, đều ở trong một điều kiện không có một lực lượng nào ở Âu Mỹ ủng hộ. Và chỉ giới hạn vấn đề ở đó. Ngoài ra, các khái niệm “chủ nghĩa xã hội không tưởng” (trước Karl Marx, chúng tôi thay thế bằng các từ ở thế kỉ XIX là “lí thuyết xã hội đại đồng viễn tưởng”), “chủ nghĩa xã hội khoa học” (từ Karl Marx) và “chủ nghĩa xã hội hiện thực” (từ Lê-nin, tại Liên Xô…) tự bản thân chúng đã rõ nghĩa, thiển nghĩ khỏi cần phải minh định, giới thuyết cụ thể.

(74)    ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 39.

(75)     ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 42.

(76)     ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 62 – 63.

(77)     ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 44.

(78)     ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 46.

(79)     ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 50 – 51…

 

 

Hết

phân đoạn 3

truyện kí thứ sáu

(còn tiếp)

 

XIN XEM TIẾP TỆP 14

phân đoạn 3

truyện kí thứ sáu

 

 

 

(  xem tiếp tệp 14  ) 

 

Trở về trang chủ

Cập nhật: 07/01/09

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7