r. Tiểu mục 44 - Giao lưu đoàn kết - Nguyễn Chiến

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

NGUYỄN CHIẾN

 

Chân dung NGUYỄN CHIẾN (nhiếp ảnh: Nguyễn Ngọc Hạnh)

 

NGUYỄN CHIẾN

CƯỠI BÓNG MÌNH QUA GIẤC MƠ HOANG

(Đọc tập thơ Trích tôi của Đỗ Thượng Thế)

WebTgTXA. rất tiếc là chưa được đọc tập thơ “Trích tôi” của Đỗ Thượng Thế, chỉ loáng thoáng thấy vài dòng, dăm đoạn qua bài giới thiệu bay bướm chất thơ của Nguyễn Chiến. Đỗ Thượng Thế “trích đoạn” chính anh, Nguyễn Chiến lại trích đoạn những phần tự trích của Đỗ Thượng Thế. Xem thế, chẳng khác nào ngồi trong nhà, nhìn bóng một người làm thơ chạy đuổi theo bóng mình, lướt qua trước khung cửa sổ với quá nhiều ô mắt cáo – những ô mắt cáo ấy chia cắt người và bóng ra nhiều mảnh vuông. Cũng vui mắt. Có thoáng ngỡ là chú bé hồn nhiên cưỡi ngựa tàu cau bên sông Thu Bồn. Có thoáng tưởng là tiên ông râu tóc làm vườn cầm chổi quét lá mùa thu Vĩnh Điện. Có thoáng đoán chừng là cô bé quàng khăn đỏ Bà Rén (Bà Rắn?) cỡi chiếc chổi biết bay trong truyện cổ tích bên Tây xa lắc, đáp trên mây Hội An phố cổ. Cũng thú vị.

Nhưng dẫu sao, WebTgTXA. nói như vậy là quá phiêu phỏng, bông lơn, không đặt trên cơ sở văn bản tác phẩm của Đỗ Thượng Thế vì không có tập thơ "Trích tôi" trên tay, cũng chưa được hân hạnh gặp gỡ tác giả thơ Đỗ Thượng Thế bao giờ. Do đó, bài viết dưới chỉ thể hiện cách cảm nhận của riêng nhà giáo -- tác giả Nguyễn Chiến và của chỉ riêng ông, về thơ Đỗ Thượng Thế và cũng chỉ riêng về thơ Đỗ Thượng Thế.

WebTgTXA. mong được đăng tải nhiều bài viết khác nữa của nhà giáo -- tác giả Nguyễn Chiến.

Trân trọng & quý mến.

WebTgTXA

 

Có lần Đỗ Thượng Thế nói với tôi: Rất sợ bị vần nhịp lừa mị làm hỏng í thơ. Người thơ nầy rất có í thức viết mới, viết như thế nào đó để bộc bạch, giãi bày cho đến kiệt cùng, chứ không chịu hạ mình để cho vần điệu phỉnh phờ, ràng buộc mà sinh hạ những câu thơ xập xèng, ẻo lả, điệu đàng. Hãy xem trong Trích tôi, Đỗ Thượng Thế đã cố gắng viết mới theo hướng nào?

Tôi biết Đỗ Thượng Thế còn có những bài thơ rất trữ tình, rất… dễ đọc. Xin ghé lại một chút với những vần thơ ấy:

Chìm sâu trong giấc cỏ xanh

Ánh biếc chong ngày rờ rỡ

Sực mùi giêng xưa hít thở

Ấm hơi đánh thức nỗi thầm

 

Gót gầy ướm dấu chân non

Gặp tiếng chim thơm vườn ổi

Sông nắng vô tư bơi lội

Ao mưa nơm úp ụp òa…

(Trong giấc cỏ xanh)

Chưa từng tát cạn đêm sâu

Chưa ngồi nhặt bóng chưa khâu vá hồn

Chưa em chưa cả ta thôi

Cả mưa xưa phía cuối trời còn tuôn

(Như chưa)

Người đọc thơ anh rất thích những bài thơ như thế. Nhưng anh lại để mặc cho chúng nằm xẹp đâu đó trong góc lòng anh. Anh muốn, ở tập thơ đầu tay nầy, giới thiệu một Đỗ Thượng Thế gào khô khản vắng… cỡi bóng mình qua giấc mơ hoang, nhập thân vào con vụ trụi trần cuồng quay, vào bóng cò già… gầy nhom, vào con nít trần truồng bến trưa hò hét, có khi tê dại thèm… đương kì ngực hương dậy mẫy hoặc ngồi hít hà cái mùi hạnh phúc trong: Tã lót bé thơ / Lung linh nét nhạc / Tong tong mặt trời… Anh muốn ra mắt một Đỗ Thượng Thế với những câu thơ bụi bặm, tung hứng, xập xòe, quẫy đạp cho tím bầm hồn vía…

Cách tân là yêu cầu của văn chương mọi thời đại, là trách nhiệm của người cầm bút chân chính. Xét trên tiêu chí nầy, Đỗ Thượng Thế đã dũng cảm gồng mình "quăng thân vào gió bụi" (chữ của Tố Hữu) giằng co với chữ mà viết những bài thơ không cấu tứ, dồn nén ngôn ngữ, không vần không điệu, mở lối cho mình. Tôi nghĩ: muốn viết mới trước hết phải đổi mới cảm hứng. Một khi quan niệm thẩm mĩ thay đổi, điệu hồn thay đổi tất sẽ dẫn tới đổi mới nghệ thuật biểu hiện, cách bộc lộ cảm xúc… Không mới trong mĩ cảm thì cái gọi là cách tân, thể nghiệm chỉ là trò múa may con chữ. Xem cái biểu đạt quan trọng hơn cái được biểu đạt thì khó mà không rơi vào duy mĩ. Cái tôi trong Trích tôi không "đơn ngã" mà nhiều màu, lắm sắc. Lúc là thâm căn cố đế thằng tôi quê bần, lúc "sang trọng" làm đứa con hiểu đến tận cùng đường cày đời cha, đến cuối cùng vụ mùa đời mẹ, khi cao đạo giương cánh phù sinh / thanh lọc phong trần, khi cũng "phàm trần" sững sờ trước đương kì ngực hương dậy mẫy.  Lúc già như bóng cò già, lúc trẻ như con nít trần truồng, khi như con vụ cuồng quay, khi  lắng đáy tâm… Cứ thế, Đỗ Thượng Thế tha hồ khám phá chính mình và "trích" ra cho đời một cái tôi khát khác. Bản ngã được mở ra nhiều hướng, í tưởng bị hút dần về phía những ngõ khuất của vô thức; người thơ mon men đi vào miền siêu cảm mà tìm bóng mình qua giấc mơ hoang. Vì vậy, hiên thực trong thơ anh tồn tại ở những nét mờ nhòa. Bóng mẹ, bóng cha, bóng cò gầy, bóng vạc giạt dàu thức trắng, con chó và tay săn trộm chó… chỉ thóang qua. Nhiều ám ảnh, ẩn ức khó gọi tên. Gió trong thơ anh là gió không mùa, mưa là mưa Trịnh (Công Sơn), mây huyền thọai, trăng héo trong tranh, bươm bướm chuồn chuồn la đà cổ tích, lũ chỉ là biến tấu . Nhiều câu thơ của anh không phải để hiểu. Đọc thấy hay, thấy choi chói nỗi niềm nhưng thấu nghĩa thật khó. Như thế nầy chắc chính anh cũng mơ hồ:

- Giạt rều rềnh lao đao

Mấy mươi năm hồn hanh bụi mốc

Nhịp lửa xới hăng hăng củi rục

Giọt tranh loang đẫm ngực

Âm ẩm bùn vũng trâu

Thân dế nhiều khi lụt lội

Áo cơm vắt vẻo ngọn khuya

Khát cứ hà rầm ngập nỗi

Lại cơn úng tóc dàu về

(Biến tấu lũ)

- Nỗi đắm cạn bãi bờ ngày xô sóng lận

Bọt nước vỡ thau những chân trời rựng tím

Những cánh say mù biếc

Những dát hồng nắng mưa

Những thiên lưới dằng dai kiêu bạc

Những mẩy trăng những ngần sao

             Những đẫm ngợp

(Không đề)

Tôi nhớ ai đó hỏi một nhà thơ: - Ông định nói gì trong thơ? Nhà thơ trả lời: - Nếu nói gì thì nói chứ làm thơ để làm gì? Người làm thơ nhiều khi viết để giải tỏa một ẩn ức, "viết vì nghe theo một tiếng gọi mơ hồ, bí mật nhưng dai dẳng của ngôn ngữ" (Henry Miller). Đỗ Thượng Thế tập tành đi theo tiếng gọi ấy chăng?

Í thức thể hiện cái tôi khát khác, nên anh thiên về biểu hiện những chiều kích của tâm hồn hơn là tái hiện thực tại. Anh đã cố gắng mở rộng biên độ cảm xúc và diễn đạt bằng những ám thị, ẩn dụ… Vì thế, trong nhiều câu thơ hình ảnh đan chồng, cảm xúc níu quấn, ‎ í tưởng xô lệch:

- Thằng nhãi con giương cao chùm nắng mẹ cho, chân ngập điệu mưa non, mê rêu rao trật tự cầu vồng

(Sắc màu riêng)

-  Những ngọn gió thì đương mùa lên tắt nghỉ

Một đời hương biết ngát vào đâu khi bướm tiên lũ lượt về trời

Rêu ám giấc mơ cứ đòi đêm thóat kiếp

Mà đêm đêm như cái bào thai… kìa người đàn bà đang cơn vỡ ối

(Hồi âm)

-  Về phía nào!?

Phía nào…?

Trước mặt trời tứ tán

Trái tim ta vỡ òa như bầy kiến

Tha chiếc bóng cỏ xanh

Rân rần tháo chạy…

(Mê lộ cỏ)

Nhiều người viết mới hết sức cực đoan, muốn tung hê truyền thống. Họ không ưa cả những cách nói cho đẹp lời (mĩ từ pháp). Họ cho rằng đó là thứ xảo ngôn của hạng thi sĩ điêu toa, giả dối. Từ đó cứ viết câu thơ đuồn đuột, đến khó chịu. Đỗ Thượng Thế chừng mực. Anh vẫn có thơ lục bát nhưng làm mới đi một tí. Đó là cách vắt dòng và hài thanh phá cách:

Chắt cạn cùng

Lắng đáy tâm

Ưá đầu ngọn bút

Cái thần phiêu diêu

Nét cơn khát cánh chim trời

Nét lại hồi nét một thời đương xuân

(Nét)

Thơ và nhạc là hai chị em sinh đôi (Phan Hùynh Điểu). Thơ có thể dài, có thể ngắn, có vần hoặc không vần, hài thanh hoặc không nhưng không thể không có nhịp điệu. Điệu hồn mới thì thơ tự nhiên có cấu trúc âm nhạc mới. Đỗ Thương Thế "sợ" vần nhưng thơ anh vẫn có tiết tấu, biến tấu:

Em – dịu dàng

Đi qua

Bén!

Lửa!

Từ đôi mắt biếc

Tận tim anh

Cháy!

Bùng!

(Cấm lửa)

Thơ đòi hỏi kiệm lời. Tôi đặc biệt ưu ái lối thơ có cảm xúc nén chặt trong những câu thơ tỉnh lược đến mức tối đa. Thơ hay có khi là những mảnh ghép rời nhưng có chất keo cảm xúc kết dính bên trong. Trích tôi không nhiều những vần thơ như thế. Đỗ Thượng Thế khá chắc tay, phả được sắc hồn đẫm ngợp vào thơ; song vẫn còn những câu ngắn nhưng thừa chữ:

Mọi kho xăng đều cấm lửa

Để đề phòng tai nạn xảy ra

(Cấm lửa)

Vẫn còn những câu nhưng chưa đọng, í bé hơn lời:

Thì một gã khát tình

Ngữa mặt

Trông mày

Lắm ảo tưởng

Nhưng không í định…

(Bóng mưa bay)

Lắm khi người viết không bước khỏi bóng mình:

Mỗi thóang thu trôi bến cũ đều rằm

(Một dòng sông)

Thiếu nữ lạnh ngực rằm

(Kí sự đêm)

Một đêm…

Em dậy rằm

(Giấc xa xăm)

Trong cuộc dấn thân đi tìm cái mới, Đỗ Thượng Thế đã dám "bước qua lời nguyền":

Ta hẫng rơi bóng câu thề trắng đất

Bước ngày lên…

(Mê lộ cỏ)

Có thể xem Trích tôi là thể nghiệm ban đầu thành công của Đỗ Thượng Thế. Anh đã làm mới được mình bằng những bài thơ với một cái tôi khát khác;  người đọc có thể ngã hồn lên tin cậy. Vội mừng cho anh…

Cuối năm 2008

NGUYỄN CHIẾN

(giáo viên Trường PTTH. Nguyễn Duy Hiệu, Vĩnh Điện, Quảng Nam)

____________________

Xem thêm: Các bài khác của Nguyễn Chiến:

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/nguyenchien_tho.htm

http://tranxuanan.writer.3.googlepages.com/nguyenchien_tu-hoi-tu-dap.htm

________________________________________________________________________________________________

 

    

Ý KIẾN NGƯỜI ĐỌC & GIỚI CẦM BÚT:

http://txawriter.wordpress.com (link mới)

THÔNG TIN - GIAO LƯU - ĐOÀN KẾT:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

 

Đặc biệt:

Ý KIẾN NGƯỜI ĐỌC & "NHÀ CẦM BÚT & CÁI NHÀ Ở":

http://txawriter.wordpress.com/2007/08/29/tra-loi-nguoi-doc-1-nha/

 

_______

 

Trở về

TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

 

THÔNG BÁO CẬP NHẬT Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update_mucluctrang

 

 

trang "Các trang mục trên WebTgTXA.":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

đặc biệt, trang toàn bộ tác phẩm Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danhmtphamtxa_googlepcreator.htm

 

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE 

  

 

    lên đầu trang (top page)   

15-12 HB8 (2008) = 19-11 Mậu tí HB8