c. Trần Xuân An - Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa - Tệp 3

 

trần xuân an

Nguyễn Văn Tường,

những người trung nghĩa từ xưa,

tưởng không hơn được

   author's copyright

07/01/09

 

A.

 

Lời thưa

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

 

B.

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

Phụ lục 3

 

 

C.

 

Ngoài sách

 

Cuối sách

 

 

____________

____________

 

Hình ảnh 1

 

Hình ảnh 2

 

Bản đồ

 

 

 

 

 

 

 

                             

 

TRẦN XUÂN AN

 

NGUYỄN VĂN TƯỜNG,

“NHỮNG NGƯỜI TRUNG NGHĨA

TỪ XƯA,

TƯỞNG KHÔNG HƠN ĐƯỢC”

KHẢO LUẬN VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH SỬ HỌC

 

 

  

Nhà Xuất bản

2003

  (trước và chính xác: 02-7 HB2 [2002])

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

VỀ MỘT VÀI TRANG

ĐẢO NGƯỢC SỰ THẬT LỊCH SỬ

VÌ MỤC ĐÍCH TUYÊN TRUYỀN

TRONG VIỆT NAM VONG QUỐC SỬ

 

I.

 

Về mặt tình cảm sử học, đây là cả một nỗi đau lòng và đáng phiền trách. Tuy nhiên, để trả lại sự công bằng cho lịch sử, trên tinh thần khoa học khách quan, chúng ta không nên tránh né. Vết thương sử học cần được hội chẩn và phẫu thuật tập thể.

Bài viết này chỉ là một đề xuất.

Với sự giới hạn vấn đề, chúng tôi mạnh dạn tạm đúc kết khuynh hướng, chủ trương chính trị của Phan Bội Châu ở giai đoạn thành lập và hoạt động trong Duy tân hội, Quang phục hội. Qua đó, chúng tôi cũng muốn chỉ rõ căn nguyên, động cơ của cụ Phan và Lương Khải Siêu trong việc xuyên tạc bằng cách đảo ngược sự thật lịch sử về Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Từ Dũ. Ở đây, chưa nói đến việc Phan Bội Châu vừa có điểm đúng, vừa có chỗ sai khi đồng thời đả kích tình trạng đè nén dân quyền thời Tự Đức, lẫn đả kích Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp “mở lối cho giặc đến” [1] (1).

 

II.

 

1. Phan Bội Châu bị mắc mưu tuyên truyền bôi nhọ nhằm dập tắt phong trào Cần vương của Hector (khâm sứ thực dân Pháp), Đồng Khánh, Nguyễn Hữu Độ, Phan Liêm, Phạm Phú Lâm, và của hai cố đạo Puginier, Camelbeck cùng đồng bọn tả đạo trong Thiên Chúa giáo, sau khi Đất nước và triều đình hoàn toàn rơi vào tay giặc Pháp. Thế hệ cụ Phan còn bị ảnh hưởng ít nhiều do sự nhồi sọ bởi nội dung giảng dạy, có thể như bản thảo Đại Nam thực lục, chính biên, đệ lục kỉ (1885 – 1888), trong nhà trường thực dân nửa phong kiến (trường học ở phủ, huyện và Quốc tử giám). Đây chính là các nguyên nhân tạo ra sự hoang mang, rối nhiễu, tác hại khôn lường trong xã hội Việt Nam hồi đó.

Mặt khác, nhận thức về hiện thực lịch sử trong thực tế đời sống của Phan Bội Châu vẫn có nhiều sai sót. Cụ Phan sai lầm đến mức lẫn lộn chi tiết cụ thể nhất là cái chết của Phạm Thận Duật với cái chết của Nguyễn Văn Tường; thậm chí cụ không biết chính xác ba tỉnh Miền tây Nam kì mất vào năm nào! v.v… Những sai sót ấy là do sự bưng bít thông tin, bị ngăn cấm liên lạc… Trong điều kiện bị thực dân độc quyền thao túng, lũng đoạn, xuyên tạc thông tin và bị chúng hạn chế liên lạc như thế, làm sao cụ Phan hiểu và biết được chút gì đúng với sự thật về những nhân vật lịch sử trong triều đình Huế trước ngày 06.9.1885! Những nhân vật lịch sử ấy lại cách thế hệ cụ Phan đến bốn, năm mươi tuổi! Huế lại xa Nghệ An tít mù tắp! Nói như vậy, phải thấy ở Việt Nam vong quốc sử những ghi nhận không sai sót đáng kể về phong trào Cần Vương (2), một phong trào do chính sĩ phu, nông dân trực tiếp tiến hành; riêng khía cạnh sưu thuế (20 loại thuế của thực dân Pháp với sự tàn ác của chúng) là vấn đề sát sườn, nhân dân xứ Nghệ và bản thân cụ Phan cũng phải gánh chịu, thì không thể sai sót được. Phong trào nhân dân chống sưu thuế nặng nề dậy lên vào năm 1908 ở Trung kì là một minh chứng… Từ đó, với cái nhìn tổng thể về Việt Nam vong quốc sử, có thể nói rộng ra, ngoài những nhận thức chính xác về bản chất thực dân nói chung và sự phản kháng của nhân dân nói chung, không phải người yêu nước, nhiệt tâm cứu nước là không sai sót về kiến thức lịch sử, mà thậm chí vẫn sai sót nghiêm trọng nữa là đằng khác, và có lắm người sai sót mãi cho đến cuối đời!

Từ sai sót đến đảo ngược sự thật lịch sử về Nguyễn Văn Tường… là do một thủ đoạn chính trị.

 

2. Phan Bội Châu chủ trương bảo hoàng, tôn quân, trung quân như một thủ đoạn: tôn phù Cường Để (Nguyễn Phúc Hồng Dân), hậu duệ của hoàng tử Cảnh (tín đồ Thiên Chúa giáo) [2] (3). Phan Bội Châu cố ra sức tạo lại uy tín cho hoàng tộc triều Nguyễn vốn bị Dục Đức, Hiệp Hòa, Hồng Hưu… làm sứt mẻ. Vì vậy, cụ quy hết tội làm mất nước là do các đại thần và do Từ Dũ! Ở điểm này, Phan Bội Châu “bảo hoàng hơn vua”! Cụ Phan còn kém xa vị vua yêu nước Thành Thái, mặc dù Thành Thái là con trai Dục Đức (bị Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết phế truất, do thân Pháp và thân tả đạo). Thành Thái đã bảo đảm được quyền trung thực cho Quốc sử quán, nên đã bảo đảm được sự thật lịch sử, đồng thời đã chứng tỏ được sự công minh của sử học (sử học bất vị thân, luật pháp bất vị thân), và như thế là giữ được uy tín cho vương triều Nguyễn.

 

3. Phan Bội Châu liên kết với một bộ phận linh mục, giáo dân trước khi xuất dương vào năm 1905 [3]. Tuy nhiên, chắc chắn không phải cụ Phan liên kết với Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam thuở bấy giờ, một “giáo hội” mà hàng giáo phẩm (chức sắc) cao cấp đều do cố đạo Pháp, Tây Ban Nha nắm giữ! Do mối liên kết đó, Phan Bội Châu đổ tội để đả kích trực tiếp Nguyễn Văn Tường, Từ Dũ, đả kích ám chỉ Nguyễn Phúc Thuyết (cụ Phan không gọi là Tôn Thất Thuyết hay Lê Thuyết). Và khi Phan Bội Châu đã sang Trung Hoa, cụ không một lần ghé thăm Tôn Thất Thuyết, mặc dù hoạt động nhiều năm gần nơi Tôn Thất Thuyết đang sống lưu vong [4].

 

4. Mọi người đều biết rõ khi Pháp chuẩn bị xâm lược Bắc Kì lần thứ hai, Nguyễn Văn Tường đã đại diện triều đình tiếp xúc với Đường Đình Canh (Chiêu thương cục) để liên minh với nhà Thanh, vào những tháng cuối năm 1881, đầu năm 1882. Nhưng sau đó, nhà Thanh Trung Hoa đã mưu toan và bộc lộ dã tâm cùng với Pháp xâu xé, chia đôi Bắc Kì, nên Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết buộc lòng phải thực hiện ngoại giao đối trọng, trung lập giữa hai nước xâm lược ấy. Đó là thế trận “toạ sơn quan song hổ đấu” [5]. Và cuộc chiến tranh Pháp – Hoa ngã ngũ với sự thất bại về phía Trung Hoa.

Việc thực hiện ngoại giao đối trọng, trung lập giữa hai nước xâm lược Pháp – Hoa, với thế trận “toạ sơn quan song hổ đấu”, không những khiến Pháp thù ghét, còn khiến những kẻ Đại Hán bành trướng chủ nghĩa như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu không thể không căm hận. Thật ra, Pháp thù ghét là chuyện đã đành, còn chính những kẻ Đại Hán cam tâm xâu xé một nước láng giềng trước nạn thực dân da trắng đúng ra phải tự vấn lương tâm.

Phan Bội Châu còn có bút hiệu là Phan Thị Hán, nên không thể không đồng tình với Lương Khải Siêu để “chụp mũ” Nguyễn Văn Tường!

 

5. Phan Bội Châu bị chi phối bởi tư tưởng Đại Hán chủ nghĩa, bảo hoàng, nỗi hận chính biến Mậu tuất (1898) của Lương Khải Siêu (học trò của Khang Hữu Vi) [6]. Lương Khải Siêu đã trút nỗi hận của mình, từ thái hậu Từ Hi và Viên Thế Khải sang hai hình tượng văn sử bất phân đã bị bóp méo theo ý đồ chủ quan là thái hậu Từ Dũ và Nguyễn Văn Tường, nhằm mục đích ám chỉ, để vận động cho cách mạng Trung Hoa ngay trong nước Trung Hoa. Lương Khải Siêu đã viết, đăng báo và in Việt Nam vong quốc sử để phát hành chủ yếu ở Trung Hoa, một phần ở Nhật Bản; số lượng bản sách đưa về Việt Nam chỉ 50 cuốn.

Ý tưởng miệt thị người Giao Chỉ, đề cao người Việt bị lai Hán một cách vong bản, thậm chí gọi hẳn người Kinh (Việt) là người Hán, chẳng lẽ là tư  tưởng của Phan Bội Châu [7]? (4).

  

6. Phan Bội Châu hoạt động cứu nước theo phương châm của nhà chính trị bá đạo Machiavel: “cứu cánh (mục đích cuối cùng) biện minh cho phương tiện (thủ đoạn, vũ khí vật chất, tinh thần, bất kể xấu, tốt, thiện, ác, vinh, nhục)” [8].

Trong sáu nguyên nhân đó, chúng tôi cho rằng hai nguyên nhân 2, 3 và 4 là quan trọng, nguyên nhân 5 (bị chi phối bởi Lương Khải Siêu) là quyết định. Đúng hơn, chính Lương Khải Siêu đã viết phần lớn Việt Nam vong quốc sử (VNVQS.) với sự đồng tình của Phan Bội Châu như các học giả Trung Hoa đã bao năm khẳng định.

Từ chủ trương chính trị bảo hoàng, phương châm hoạt động chính trị machiaveliste và kiến thức lịch sử vừa bị sai lệch vừa “thực dụng” như thế, từ việc chịu tác động của các mối liên kết như thế, không lạ gì khi cụ Phan (và Lương Khải Siêu) viết về Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Từ Dũ… như vậy, trong Việt Nam vong quốc sử (VNVQS., xuất bản năm 1905).

 

III.

 

Tuy nhiên, cần thấy rõ là ở Việt Nam quốc sử khảo (VNQSK., xuất bản sau đó bốn năm, vào năm 1909), Phan Bội Châu quy tội làm mất nước là chỉ do Từ Dũ mà thôi [9]. Phải chăng Phan Bội Châu đã mặc nhiên phủ nhận những dòng chữ cụ viết về Nguyễn Văn Tường ở Việt Nam vong quốc sử, do sự phản hồi của công luận?

Phan Bội Châu không viết cụ thể, nhưng chúng ta vẫn thấy được đôi điều qua thái độ người đọc Việt Nam vong quốc sử trước khuynh hướng chính trị bảo hoàng, Đại Hán chủ nghĩa vốn là căn nguyên trực tiếp của vấn đề (thể hiện ở chương I của VNVQS.; và cũng ở VNVQS., sđd., tr. 61 – 62). Lưu Vĩnh Phúc là một người Hán, thuộc loại giặc Cờ, sau làm quan cho cả Thanh lẫn Việt, Nguyễn Thiện Thuật là quan chức Việt chống Pháp nhưng tiếc thay, lại nhận ấn đề đốc của nhà Thanh (5), chúng tôi không nói đến. Còn Phan Châu Trinh, cụ im lặng, không tán thành tôn quân kiểu đó? Riêng Tôn Trung Sơn (Tôn Dật Tiên), tuy cũng là người Hán nhưng vốn đề xướng chủ nghĩa tam dân, là tỏ thái độ rõ rệt:

“Tôn [Dật Tiên – TXA. chua thêm (ct.)] vì đã đọc qua bản Việt Nam vong quốc sử, ông biết trong óc tôi chưa thoát khỏi quân chủ tư tưởng, nên ông hết sức bài bác đảng quân chủ lập hiến là hư ngụy…” [10].

Đó là đọc chủ trương chính trị qua sử kí, một khi sử kí không còn là sử kí, mà đã bị biến thành phương tiện tuyên truyền!

Về sau, khi tâm sự với GS. Nguyễn Thiệu Lâu, vào khoảng thời gian gần cuối đời (trước 1940), Phan Bội Châu đã phủ nhận Việt Nam vong quốc sử (chắc chắn là chỉ các trang về Nguyễn Văn Tường, Từ Dũ, Tôn Thất Thuyết) và phủ nhận cả Ngục trung thư (bởi một phần nào đó), tuy vẫn xem hai cuốn sách ấy dẫu sao cũng có ích, với lời lẽ tỏ vẻ chua xót, tự ái:

 

                         “Tôi trót viết hai bộ sách đó

                         vì nó ghi tên tôi để lại…” [11].

 

Đó là lúc cụ Phan giảng về Kinh Xuân thu, một mẫu mực về tín sử của nhà nho, cho GS. Nguyễn Thiệu Lâu, bất chợt Nguyễn Thiệu Lâu hỏi cụ Phan về Việt Nam vong quốc sử và Ngục trung thư! Trong tình huống ấy, cụ Phan không thể không tự ái, lại không thể không vớt vát tự ái bằng đôi câu trịch thượng!

Hồ Song cũng đã phê phán Việt Nam vong quốc sử khi giới thiệu Việt Nam quốc sử khảo:

“Việt Nam quốc sử khảo […] không phải là một tác phẩm trong đó những xúc động mãnh liệt, những thuyết lí về nhân sinh nhiều khi lấn át phần sử liệu như trong Việt Nam vong quốc sử. […] Việt Nam quốc sử khảo mang tính sử học rõ rệt [với những sai sót nhất định – TXA. ct.] [12].

GS. Lương Duy Thứ cho Việt Nam vong quốc sử là một tác phẩm nặng phần hư cấu (fiction), sau khi chỉ rõ vai trò của Lương Khải Siêu trong việc viết và in tác phẩm ấy:

“Giá trị về mặt tư liệu lịch sử bị hạn chế. Giá trị thực của Việt Nam vong quốc sử là giá trị văn chương” [13].

Còn ý kiến của GS. Trần Văn Giàu, chúng tôi đã có lần viết: Dẫu sao GS. cũng đã gián tiếp phủ định, đả phá các dòng chữ trong vỏn vẹn hơn một trang sách và trong một đoạn khác, vốn viết sai lầm, xuyên tạc về Nguyễn Văn Tường, (và Tôn Thất Thuyết trong việc phế lập), ở Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu, Lương Khải Siêu [14]. Tuy nhiên, do GS. Trần Văn Giàu nhận thức không đúng về tinh thần chủ chiến của một nhà ngoại giao khéo léo nhưng vẫn cứng rắn là Nguyễn Văn Tường và tinh thần chủ chiến ở một nhà quân sự cứng rắn nhưng thiếu mềm dẻo là Tôn Thất Thuyết trong sự so sánh, nên đi đến đánh giá không chính xác. Hơn nữa, GS. Trần Văn Giàu cố ý không biết đến sự đánh tráo nhân vật trong vè Thất thủ Thuận An, mặc dù trong Đại Nam liệt truyện [15] đã ghi rõ: Nguyễn Trọng Hợp là người xé chăn vải trắng, viết lên đó chữ “Âu” để đầu hàng Pháp, chứ không phải là Nguyễn Văn Tường [16]! Nghiêm trọng nhất là GS. lại cố ý không biết tới hai bức mật dụ của Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) từ Tân Sở gửi về cho Nguyễn Văn Tường và hoàng tộc sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi (05.7.1885) [17]!… Sao GS. lại phớt lờ đi tinh thần đấu tranh khẳng khái của Nguyễn Văn Tường trước kẻ thù đã thắng trận, với tên tay sai cơ hội Nguyễn Hữu Độ mà cả Hạnh Thục ca (HTC.) [18] (6) cũng ghi nhận? Chẳng lẽ GS. cố tình quên cả bản án cáo thị của De Courcy, De Champeaux và cả bản án chung thẩm của ngụy triều Đồng Khánh về Nguyễn Văn Tường (và Tôn Thất Thuyết, Trương Văn Đễ, Trần Xuân Soạn) [19]? Những cứ liệu này và nhiều cứ liệu khác về Nguyễn Văn Tường trong hai tháng “chia tách triều chính”, chúng tôi đã trích dẫn, ghi rõ xuất xứ, và đã phân tích, bình luận ở bài nghiên cứu Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi (05.7.1885) của chúng tôi. Ở đây, tránh sự sa đà, xin chỉ nhắc lại như thế.

Cái chính là GS. Trần Văn Giàu đã có tham khảo Việt Nam vong quốc sử [20] nhưng hầu như phản bác lại Phan Bội Châu (thực ra do Lương Khải Siêu viết) ở những trang về Nguyễn Văn Tường… Dẫu vậy, GS. vẫn còn nặng lời!

Với bài nghiên cứu nhỏ, viết theo dạng phân tích từng chủ điểm nói trên, chúng tôi đã gián tiếp tranh luận, đính chính lại những gì GS. Trần Văn Giàu cố tình quên, cố ý sai lệch, hoặc thiếu sót, với tinh thần dân chủ trong học thuật.

Vấn đề ở đây vẫn đang là một vài trang đảo ngược sự thật lịch sử trong Việt Nam vong quốc sử mà GS. Trần Văn Giàu đã chứng minh là sai lạc, xuyên tạc, mặc dù GS.  không chỉ ra trực tiếp đích danh Phan Bội Châu (và Lương Khải Siêu!).

Hơn nữa, trong giới sử học, giới nhà văn Nam, Bắc, 1954 – 1975, và cả trước đó cũng như sau này, mặc dù có nhiều lời khen chê, thậm chí dựng đứng chuyện bịa để căn cứ vào đó mà chỉ trích thậm tệ, nhưng chưa có ai viết về Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) một cách xuyên tạc bằng lối đảo ngược sự thật lịch sử như Phan Bội Châu (thực ra là do Lương Khải Siêu!). Nói gọn hơn, chỉ mỗi tác giả Việt Nam vong quốc sử viết ngược như vậy!

 

IV.

 

Chúng tôi trình bày nhận thức như trên không phải nhằm phủ định toàn bộ tác phẩm VNVQS., và để phủ định nhà yêu nước lớn, tác gia lớn Phan Bội Châu, mà chỉ cốt chỉ ra những hạn chế, sai sót nghiêm trọng và tai hại của cụ Phan. Vả lại, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận định về Phan Bội Châu thật thấm thía: ““Vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn” chính là câu tự phê bình đời thất bại của Cụ [Phan]” [21], chúng ta còn nói thêm gì nữa (7)! Và chúng ta còn biết nói gì nữa, khi chính cụ Phan đã viết:

     “Lời tự phán: Lịch sử của tôi, hoàn toàn là lịch sử thất bại. Nhưng sổ dĩ [kiểm điểm lại? – TXA. ct.] được cái thất bại đó, những chỗ tì vết rất rõ ràng, mà những chỗ có thể tự tín được, cũng không phải là không có. […] Một đời mưu việc gì, chỉ cốt hỏi ở nơi mục đích, cầu thu hiệu ở năm phút cuối cùng; đến thủ đoạn (8), phương châm tuy có lúc thay đổi cũng không kể. […] … Điều trên thường tự nghĩ là một chút lành có thể kể ra được. Biết ta chăng? Tội ta chăng? Đều thừa nhận cả” [22].

Nếu nói thêm, có lẽ phải khẳng định, đừng bao giờ quá mê tín vào một ai, cho dù đó là vĩ nhân, vì vĩ nhân vẫn là một con người với những hạn chế nhất định! Và phải tỉnh táo, sáng suốt, khoa học, bình tâm nhận chân rằng: Không một danh nhân nào, vĩ nhân nào, kể cả giáo chủ sáng lập tôn giáo nào, thật sự toàn bích. Nguyễn Thượng Hiền, người tuổi trẻ đã chứng kiến, đã khóc thương thái phó Nguyễn Văn Tường (“không quá Tây môn bi thái phó”), và nhiều chí sĩ khác, về sau, khi gia nhập Duy tân hội, Quang phục hội, đâu phải mọi điều đều tán thành theo cụ Phan! Họ chấp nhận “đại đồng, tiểu dị” để cùng dấn bước trên con đường cứu nước, cứu dân (9). 

Chúng ta cũng thường thấy, mặc dù cùng mục đích giải phóng dân tộc, chống ngoại xâm, nhưng khác thế hệ, khác lập trường, khác chính kiến, những người yêu nước vì lí do tuyên truyền, họ có thể “chụp mũ” lẫn nhau! “Vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn (:cứu cánh biện minh cho phương tiện)” là thế! Nói như vậy, chúng tôi không có ý định đánh đồng bản chất, động cơ của mọi loại chính kiến, kể cả loại chính kiến của bọn tay sai, thực dân, phát xít, đế quốc, tả đạo.

Rốt lại, chúng tôi thấy cần phải có một tinh thần khoa học thực sự nghiêm minh, với quyết nghị cần công bố rộng khắp của hội nghị khoa học lịch sử để xử lí một vài trang đảo ngược sự thật lịch sử về Nguyễn Văn Tường… trong Việt Nam vong quốc sử. Hơn nữa, vẫn cần phải thanh lọc nốt những trang sách hiện đang tồn tại vốn bị nhiễm độc bởi sự tuyên truyền bôi nhọ của thực dân Pháp, tả đạo, bọn bành trướng Đại Hán và ngụy triều Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại… Không có gì bi kịch hơn, đau xót hơn khi ngẫm lại, nhận ra người yêu nước bị mắc mưu, nhiễm độc tuyên truyền của các loại giặc đó, có thể kể thêm loại chủ “hòa”, bảo hoàng ngu trung, để hạ bệ, bôi nhọ, tiếp tay giặc “đập tan tành” người yêu nước! (“Đập tan tành”, cách dùng từ của tên khâm sứ thực dân De Champeaux! (10)).

Là lớp cháu chắt của thế hệ cụ Phan, chúng tôi dám đâu vô lễ với tiền bối. Nhưng trong văn nghệ, học thuật, không có tinh thần phê phán và tự phê, sẽ không có sự tiến bộ, sẽ rơi vào trì trệ, tụt hậu, ngay cả trong sáng tác, nghiên cứu. Nội dung tự phê (Tự phán) cũng cần được người đương thời và hậu thế phê bình, góp ý! Ở khía cạnh cụ thể khác, né tránh vấn đề, khóa chặn tinh thần phê và tự phê, là nhẫn tâm trước nỗi đau lòng sử học, trước vấn nạn đáng phiền trách. Vấn nạn sử học ấy, tưởng vô hình trung đã giải quyết về cơ bản tuy còn nhiều hạn chế tai hại, một cách rộng rãi bằng quốc ngữ, từ 1921, lúc Việt Nam sử lược của nhà giáo, học giả Trần Trọng Kim xuất bản! Đến năm 1982, bảy năm sau khi Đất nước thống nhất, Việt Nam vong quốc sử lại bị tái bản trong tình trạng không được xử lí một cách khoa học và thích đáng. Thật đáng kinh ngạc, vào năm 2001, Trung tâm Ngôn ngữ Đông – Tây vẫn còn liên kết để tái bản Việt Nam vong quốc sử với một vài trang đảo ngược sự thật lịch sử như vậy cùng vài dòng phê phán mơ hồ, né tránh như bản 1982!

 

V.

 

Để kết thúc bài viết, xin nhấn mạnh lại hai điểm:

Về tính khoa học với các sử liệu gốc (CHÂU BẢN…) được trích dẫn đầy đủ của Đại Nam thực lục, chính biên, các kỉ IV (1847 – 1883), V (1883 – 1885), VI (1885 – 1888), chúng tôi đã hơn một lần khẳng định rõ. Chúng tôi xem đó là tư  liệu chuẩn cứ để nghiên cứu giai đoạn lịch sử này và cụ thể là về Nguyễn Văn Tường. Những soạn phẩm biên khảo, các bài nghiên cứu của chúng tôi đã thể hiện đậm nét điều đó, trong khi chờ đợi toàn bộ phần châu bản triều Nguyễn thời chống Pháp và Cần vương (1858 – 1898), kho lưu trữ đặt tại TP.HCM., được dịch và công bố, trong khi chờ đợi Pháp và Vatican dịch và công bố trọn vẹn hồ sơ thời thực dân của họ cũng thuộc giai đoạn này. Mong các sử gia Pháp, sử gia Vatican hãy có thiện chí sử học và ý thức sử học khách quan cao hơn nữa, với sự chứng kiến của các sử gia trên thế giới! (11).

Nếu đặt một sự so sánh giữa Đại Nam thực lục IV, V, VI với Việt Nam vong quốc sử, sẽ thấy ra sự chênh lệch quá đáng về tư liệu trích dẫn. Tư liệu trích dẫn trong Việt Nam vong quốc sử là ở mức số không! Sử học là gì? Đơn giản nhất cũng là “nói có sách, mách có chứng”. Và tư liệu gốc (12) – ấy là bằng chứng pháp lí, phải được giám định thực nghiệm (niên đại giấy mực, bút tích…) – là yếu tố tiên quyết, còn mọi quan điểm bình giá (tùy theo ưu thế lẫn hạn chế của từng thời đại) vẫn là thứ yếu. Nói như thế về quan điểm bình giá, chúng tôi đã xác định: Đạo lí và công lí dân tộc (chủ nghĩa yêu nước, nhân nghĩa Việt Nam truyền thống – hiện đại) là vĩnh hằng. Phan Bội Châu (thực ra là do Lương Khải Siêu) viết sử nhưng không có một cứ liệu sử học nào cả, thậm chí không tham khảo một tài liệu nào cả, mà rất cảm tính, nhiệt tình đến mức chỉ thấy cái nhiệt tình cứu nước ấy và thủ đoạn chính trị, chứ không thấy có thiện tâm và trí tuệ khoa học (xin đặt trong giới hạn vấn đề và chỉ một vài trang VNVQS.). Chúng tôi đã có một bài viết ngắn về khía cạnh này.

Về thái độ đối với sử học, chúng tôi đã so sánh giữa vị vua yêu nước, bị giặc Pháp lưu đày tít tận hòn đảo Réunion giữa biển châu Phi là Thành Thái với nhà yêu nước, ông già Bến Ngự an trí tại kinh đô Huế là Phan Bội Châu, và lấy làm tiếc cho cụ Phan về một vài trang trong Việt Nam vong quốc sử !

 

                                TRẦN XUÂN AN

 

1. CHÚ THÍCH bài VỀ MỘT VÀI TRANG ĐẢO NGƯỢC SỰ THẬT LỊCH SỬ VÌ MỤC ĐÍCH TUYÊN TRUYỀN TRONG VIỆT NAM VONG QUỐC SỬ

                                                           

(1). “Hoà” ước Nhâm tuất 1862 do Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp kí với Bonard (Pháp) và Guittierez (Tây Ban Nha).

 

(2). Phan Bội Châu không biết Lê Trung Đình khi khởi nghĩa, ông cử nhân trẻ tuổi này lại quờø quạng tôn phù Tuy Lí vương, một nhà thơ hoàng tộc đã câu kết với thực dân Pháp vào thời Hiệp Hòa nên bị đày vào Quảng Ngãi, mặc dù Tuy Lí vương từ chối. Tuy nhiên cụ Phan vẫn xác định đúng: chính tên phản bội Nguyễn Thân đã giết Lê Trung Đình theo lệnh Pháp.

 

(3). Nếu chúng tôi nhớ không nhầm, thì trong một cuốn sách, Bác Hồ đã phê phán rất đích đáng Phan Bội Châu: “Đuổi cọp [Pháp] cửa trước, rước hổ [Nhật, Tàu] cửa sau”.

 

(4). Hồi kí này được PBC. viết năm 1929, xuất bản lần đầu vào năm 1956 (sau khi cụ Phan chết [1940] đến 16 năm).

 

(5). Dư đảng Thái Bình thiên quốc đã biến tướng thành phỉ; Lưu Vĩnh Phúc đã mưu toan xâm lược Cao Bằng. Đối với Đất nước ta, Lưu Vĩnh Phúc là kẻ đã từng gây tội ác nhưng cũng là người có công lao (ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 191, 220, 379; tập 32, sđd., tr. 42; tập 33, sđd., tr. 26; tập 36, sđd., tr. 100…). Trong điều kiện quan quân Triều đình Huế bị bó buộc bởi các “hòa” ước, với sự cho phép của Tự Đức, Lưu Vĩnh Phúc được quan tướng nhà Nguyễn sử dụng để đánh Pháp.

Nguyễn Thiện Thuật nhận ấn đề đốc của nhà Thanh “nên không mấy được nhân dân hết lòng ủng hộ” (Chống xâm lăng, sđd., tr. 449; ĐNTL.CB., tập 35, sđd., tr. 253).

Chúng tôi hiểu vì sao GS. Trần Văn Giàu đề cao Lưu Vĩnh Phúc đến thế… “Sử học tuyên huấn” rất cần phải xem xét lại. Xin để sử học phải là sử học đúng nghĩa.

 

(6).  Nguyễn Nhược Thị Bích, Hạnh Thục ca, Trần Trọng Kim [*] sưu tầm, Nxb. Tân Việt, 1950 [?].

[*] Trong lời tựa cho bộ sách Chống xâm lăng của mình, GS. Trần Văn Giàu cho biết: GS. rất chú ý tham khảo các tư liệu của những học giả mác-xít và tiến bộ như Trần Huy Liệu, Siếc-sơ-nô, Đào Duy Anh… nhưng GS. vẫn thừa nhận Trần Trọng Kim, cũng như Phan Trần Chúc, đã tìm được những tư liệu lịch sử có giá trị xác thực nhất định [phải hiểu là có vài mươi phần trăm sai lệch, nhất là những dòng Trần Trọng Kim, Phan Trần Chúc bôi nhọ nhân cách Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết] (sđd., tr. 12).

 

(7). “Vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn” (cứu cánh biện minh cho phương tiện – Machiavel)! Với quan niệm đó, Phan Bội Châu (Phan Thị Hán, Phan Sào Nam) không phải là nhà khoa học lịch sử, cũng không phải là nhà văn đúng nghĩa! Về vận động chính trị, câu nhận định của cụ Huỳnh Thúc Kháng … (xin phép cụ Phan) là thật đích đáng! Tuy nhiên chúng tôi vẫn nghĩ rằng số loại trang như trên trong tác phẩm cụ Phan không nhiều.  

 

(8). Thủ đoạn. Theo Hán – Việt từ điển của Đào Duy Anh, do chính Phan Bội Châu đề từ vào ngày 01.03.1931 (Nxb. Trường Thi, 1957, tr. 440): “Cái ngón làm việc, như ta thường nói mánh khoé”ù. Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Nxb. KHXH. – Trung tâm Từ điển học, 1994, tr. 926): “Cách làm khôn khéo, thường là xảo trá, chỉ cốt sao cho đạt được mục đích riêng của mình”.

 

(9). Đông Kinh nghĩa thục, một tổ chức của một số nhà yêu nước (cũng cùng lứa tuổi với cụ Phan Bội Châu hoặc trẻ hơn), nhưng lại do chính tên thông ngôn, tay sai của Pháp là Nguyễn Văn Vĩnh [1882 – 1936] (Đông Dương tạp chí) thảo điều lệ và đứng tên trong đơn xin chính quyền thực dân Pháp để thành lập. Phan Khôi (tuần báo Sông Hương, số 01, ngày 01.08.1936), và có lẽ cả Hoàng Đạo Thuý (Người và cảnh Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1982), đều có ít nhiều nghi ngờ trò mật thám nhử mồi giăng câu của Nguyễn Văn Vĩnh, trong việc thành lập Đông Kinh nghĩa thục này. Khi Nguyễn Văn Vĩnh bị phá sản trong kinh doanh, phải đi tìm vàng ở Lào, rồi chết ở đấy (1936), Phan Bội Châu lại viết câu đối phúng điếu!?! Xin chép ra để khảo chứng tư liệu và tham khảo thêm về cụ Phan và về Nguyễn Văn Vĩnh:

“Duyên tương tri nhớ trước mười năm, xe tự do chung lái, sóng biển vui tai, mộng hồn há lẽ hững hờ, quang cảnh còn in mây Thuận tấn [cửa Thuận ở Huế – TXA. ct.].

Tài bác học trỗi trong hai nước, đàn ngôn luận phất cờ, làng văn mở mặt, công nghiệp tuy còn lở dở, thanh âm từng giạt gió Ba Lê [Paris – ct.]”.

(Dẫn theo: Hoàng Tiến, Chữ quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết thế kỉ 20, Nxb. Thanh Niên, 2003, tr. 64, 68, 69…).

[Đây là một công trình nghiên cứu tuy thuộc cấp Nhà nước nhưng vẫn có sự lệch lạc quan điểm về chữ quốc ngữ].

 

(10). Trích dẫn: “Hôm qua tôi đã tiếp kiến quan Thương bạc [Nguyễn Văn Tường; nhân cuộc thăm viếng ngoại giao vào dịp Tết Nguyên đán – TXA. ct.] ông đến báo cho tôi biết là ông đã từ chức thượng thư Ngoại giao… Tôi không ngờ việc vận động nhỏ của tôi [với Trần Tiễn Thành – TXA. ct., theo Y. Tsuboi] chống thượng thư đó lại có kết qủa nhanh chóng đến thế… Vì thấy rằng không thể mở rộng các mối quan hệ chính trị nếu cứ phải giao thiệp với quan Thương bạc mãi, tôi đã nghĩ phải buộc ông ta từ chức và thay ông ta bằng một người ít chống đối ảnh hưởng của ta hơn… Quan Thương bạc vẫn còn là thượng thư Bộ Hộ và thứ trưởng Viện Cơ mật. Với tư cách sau, ông vẫn còn có thể chống đối chúng ta. Muốn thoát nạn, ta còn phải đập ông ta tan tành cả ở phía ấy”.

(Lưu trữ AOM. Aix. Amireaux 12923; Champeaux, đại biện tại Huế gởi thống đốc Nam kì; Huế, ngày 6.2.1881. Dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 270).

     Trích dẫn đối chiếu:

“Lại còn nói rằng, người nước Pháp rất ghét viên Bạc thần trước là Nguyễn Văn Tường, tất rồi sẽ dùng thế lực cưỡng bách truất thoái để đẩy đi xa; vậy câu nói này là nói thế nào?

     Ôi! Người làm tôi ai cũng vì chủ nấy: Nguyễn Văn Tường giúp vì nước nhà, cũng tức như viên sứ Pháp giúp vì nước Pháp; cái đạo làm tôi tất phải như thế, có gì mà đáng ghét? Trước kia viên ấy tuy sung chức ở Thương bạc, cùng với ngày nay tuy đã giải nhiệm, song phàm việc gì đều có quan đại thần hiệp thương bàn rồi tâu lên mới quyết định, viên ấy có thể nào độc đoán để ngăn trở việc? Vả giả sử có thể làm độc đoán thì hạng bề tôi như vậy còn nước nào mà chẳng thích dùng? Tưởng nước Pháp cũng nên ban thưởng để khuyến khích cho những kẻ làm tôi trong thiên hạ và để gương đời sau vậy. Như Hán Cao Tổ phong cho Quý Bố và chém Định Công, Tống Thái Tổ phong tặng cho Hàn Thông và truất phế Ngạn Thăng, như thế mới hợp cái đạo trị nước, chứ có khi nào lại xua đuổi bỏ đi! Nếu [truất thoái, không trọng đãi – ct.] như thế thì bao nhiêu kẻ làm tôi tha thiết vì vua mình cũng đuổi bỏ cả hay sao? Và còn lấy gì mà tỏ sự khuyến trừng? Vậy quyết nhiên không có lẽ ấy”.

(Dụ của Tự Đức, ngày 19.5 âl., TĐ. 34 [1881], trích từ: Thơ văn Tự Đức, tập II, Ngự chế văn tam tập, bài “Đuổi viên hành nhân Nguyễn Hoằng” (linh mục), Nxb. Thuận Hóa, 1996, tr. 176 – 177).

[Đâu là công lí đối với bọn thực dân xưa nay? TXA.].

 

(11). Trong lời giới thiệu cuốn sách Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (của Yoshiharu Tsuboi, do UB. KHXH. Thành ủy TP.HCM. xb., 1990), GS. Trần Văn Giàu viết: “… cái kho châu bản đồ sộ và quý giá có lẽ còn quan trọng, căn bản hơn là tư liệu của Bộ Hải quân và Bộ Thuộc địa Pháp nữa. […] Không khai thác châu bản một cách triệt để mà chỉ bằng vào các hạng người Pháp phần lớn thuộc quân xâm lược hay chuẩn bị xâm lược, thì làm sao biết rõ, biết đúng một thời kì lịch sử “mấu chốt” của nước nhà, làm sao đánh giá các nhân vật chính xác?” (sđd., tr. 12).

Hiện nay, toàn bộ Châu bản triều Nguyễn chưa được công bố trọn vẹn. Cho đến thời điểm này, chỉ có các tài liệu thống kê, tóm lược, trích dịch:

-      +++ Tổng mục lục châu bản triều Nguyễn, do Uỷ ban Dịch thuật sử liệu Viện Đại học Huế (trước 1975) thống kê, phân loại, tài liệu đánh máy, hiện lưu trữ tại Thư viện KHXH. TP.HCM..

-      +++ Mục lục châu bản triều Nguyễn, do Cục Lưu trữ Nhà nước, Viện Đại học Huế xb. trước 1975; Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản (hai tập, triều Gia Long, nửa đầu triều Minh Mạng), 1998;

-      +++ Châu bản triều Tự Đức (1847 – 1883), Vũ Thanh Hằng, Trà Ngọc Anh, Tạ Quang Phát tuyển chọn và dịch, Ban Văn học thuộc Viện KHXH. TP.HCM. in ronéo, 1979. Tài liệu này vừa được Trung tâm Nghiên cứu Quốc học chỉnh lí (nhưng lại chỉ “tuyển chọn và lược thuật”!), Nxb. Văn Học xuất bản trong tháng 5.2003. Rất tiếc, trong các năm có nhiều sự kiện rất quan trọng (chẳng hạn, 1881 – 1883, Pháp chuẩn bị rồi thực sự đánh chiếm Bắc Kì lần thứ hai, Nguyễn Văn Tường đại diện cho triều đình nước ta liên minh với nhà Thanh, Trung Hoa…), lại để thiếu sót, không có một trang châu bản nào liên quan, đề cập đến. Nói cụ thể hơn, năm 1881, chỉ có hai tiểu mục về tiễu phỉ và về việc gửi người đi học cách sử dụng đại bác; hai năm 1882, 1883, chỉ có dăm tiểu mục về sách sử, chứ không có lấy một sự kiện nào về chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, xã hội cả (chưa kể sự nhầm lẫn, ghép vào châu bản thời Thành Thái; hẳn không phải vô ý?)! Theo lời giới thiệu ở những trang đầu sách, châu bản triều Tự Đức hiện còn đến 352 (ba trăm năm mươi hai) tập, mỗi tập gồm khoảng 600 (sáu trăm) trang chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp viết tay, và 600 tr. của mỗi tập có độ dày từ 06 (sáu) đến 10 (mười) xăng ti mét. Thế nhưng, cuốn “Châu bản triều Tự Đức (1847 – 1883), tuyển chọn và lược thuật” nói trên, chỉ có 288 (hai trăm tám mươi tám) trang in chữ quốc ngữ, cỡ 16 x 24 cm, kể cả lời nói đầu, lời giới thiệu và phần sách dẫn! Thật quá ít ỏi, sơ lược (cố nhiên là không được chú giải, phân tích!). Đáng tiếc là việc tuyển chọn cũng không tiêu biểu chút nào! Đâu rồi số châu bản 1882 – 1883?

Ngoài ra, còn châu bản các triều liên quan đến Nguyễn Văn Tường và ĐNTL.CB. IV, V, VI như triều Kiến Phúc (1884): 01 (một) tập; triều Đồng Khánh (9.1885 – 1888): 04 (bốn tập). Đó là chưa nói đến châu bản triều Thành Thái (1889 – 1907): 74 (bảy mươi bốn) tập; triều Duy Tân (1907 – 1916): 35 (ba mươi lăm tập)… Vẫn chưa được công bố!

Tuy nhiên, căn cứ vào phương pháp suy luận khoa học, chúng tôi đoan chắc rằng các châu bản được trích dẫn trong ĐNTL.CB. IV, V, VI vẫn là các văn bản tương đối có giá trị tiêu biểu (theo nguyên tắc sử dụng dẫn chứng). Từ đó, suy ra, kho châu bản không thể mâu thuẫn với ĐNTL.CB. (1847 – 1888), mà chỉ làm rõ hơn, mạnh mẽ hơn những gì còn quá rụt rè ở các phần sử thuộc các kỉ kể trên: tinh thần chống Pháp, chống tả đạo của nhân dân, sĩ phu và vua quan triều Nguyễn. Sự rụt rè ấy là do áp lực của thực dân Pháp, của tả đạo Thiên Chúa giáo!

Dĩ nhiên, tham khảo được châu bản vẫn là tốt nhất. Nhưng, rất đáng tiếc, cuốn “Châu bản triều Tự Đức” nói trên lại quá thiếu sót và tuyển chọn không tiêu biểu. Hoặc giả, châu bản đã bị thất tán những phần quan trọng, tiêu biểu đó?!? Chúng tôi không tin như vậy, và đã qua điện thoại, trực tiếp hỏi GS.TS. Mai Quốc Liên, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, người đã viết lời nói đầu cho cuốn sách. Ông trả lời rằng: “Châu bản về các năm 1881 – 1883 vẫn còn, tuy không đầy đủ. Sở dĩ không đưa vào sách số châu bản ấy là do người tuyển chọn. Phải nhờ GS. Trần Nghĩa trả lời cụ thể về vấn đề này”. Dẫu sao, trước tình trạng cuốn “Châu bản triều Tự Đức” như thế, trong khi chờ “Châu bản…” được bổ túc, chúng tôi đành vui lòng tự đối chiếu với cuốn sách của chúng tôi (TXA.), cũng cùng một cách thức biên soạn tương tự, nhưng lại lấy ĐNTL.CB. IV, V, VI làm chuẩn cứ, mặc dù đề tài chỉ nhắm đến một nhân vật cùng các sự kiện tiêu biểu cho thời đại ấy: “Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, ‘kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp’”. Rất tiếc là cuốn “Tiểu sử…” này chưa được xuất bản! Tuy vậy, với ĐNTL.CB. IV, V, VI, sẽ có sự bổ cứu, và nhất là để khỏi khiếm khuyết khi nhận định về Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) cùng các triều vua liên quan. Về giá trị ĐNTL.CB. IV, V, VI và tính thống nhất tương ứng theo từng giai đoạn phân kỉ của ba kỉ sử ấy với châu bản, chúng tôi đã trình bày bên trên và ở bài viết sau trong cuốn sách này.

 

(12). Xin xác định chuẩn xác thuật ngữ tư liệu gốc hay cụ thể hơn, ấy là sử liệu gốc. Không thể cho rằng Việt Nam vong quốc sử là sử liệu gốc về Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Từ Dũ, Phan Thanh Giản…, mà tác phẩm đó chỉ là sử liệu gốc về chính Phan Bội Châu (và Lương Khải Siêu). Vả lại, Phan Bội Châu cũng không phải là người chứng cùng thời, cùng việc (đồng thời, đồng sự) và tại chỗ về những nhân vật lịch sử kể trên. Đó chỉ là sơ lược trên hai nét nghĩa trong nhiều nét nghĩa khác của thuật ngữ tư liệu gốc.

 

 

2. CƯỚC CHÚ bài VỀ MỘT VÀI TRANG ĐẢO NGƯỢC SỰ THẬT LỊCH SỬ VÌ MỤC ĐÍCH TUYÊN TRUYỀN TRONG VIỆT NAM VONG QUỐC SỬ

 

[1] Phan Bội Châu, Những tác phẩm của Phan Bội Châu (NTPCPBC.), tập I, gồm Việt Nam vong quốc sử (VNVQS.) và Việt Nam quốc sử khảo (VNQSK.), Chương Thâu dịch, Hồ Song giới thiệu, Văn Tạo chủ biên… , Nxb. KHXH., 1982, tr. 73.

[2] Phan Bội Châu, Tự phán, Huỳnh Thúc Kháng đề tựa (1946), Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2000, tr. 31, 35 – 37, 77, 104…

[3] Tự phán, sđd., tr. 42.

[4] Tự phán, sđd., tr. 55… Đối chiếu và xem thêm: Nguyễn Ngọc Hà, bài “Linh mục Đậu Quang Lĩnh và những hoạt động kính Chúa yêu nước trong Duy tân hội”, báo Người Công Giáo Việt Nam, số 9, ra ngày 01. 5. 1995; trích in lại trong cuốn Côn Đảo, ký sự và tư liệu, Ban Liên lạc cựu tù chính trị, Sở Văn hoá – thông tin và Nxb. Trẻ TP. HCM. liên kết biên soạn, xuất bản. Trong bài báo này, căn cứ trên những số liệu rút ra từ Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số tháng 4. 1994, Nguyễn Ngọc Hà cho biết, tổ chức Duy tân Giáo đồ hội của Thiên Chúa giáo Việt Nam thành lập từ năm 1903, và Duy tân Giáo đồ hội Nghệ – Tĩnh bắt đầu hoạt động vào tháng 4. 1904; Phan Bội Châu đã liên minh mật thiết với tổ chức này, từ thời điểm 1903. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa giáo vốn rất căm thù Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên, tập 35, Nxb. KHXH., 1975, tr. 61 – 62, 90 – 91; tập 36, Nxb. KHXH., 1976, tr.127 và tr.174. Xem thêm chú thích (7) của bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05.7.1885”.

[6] Tự phán, sđd., tr. 56 – 59…

[7] NTPCPBC., Việt Nam vong quốc sử, sđd., tr. 78; NTPCPBC., Việt Nam quốc sử khảo, sđd., tr. 182 – 184.

[8] Tự phán, sđd., tr. 12, 17…

[9] NTPCPBC., VNQSK., sđd., tr. 201; xem thêm tr. 148 – 149, tr. 305 – 306. Bổ khuyết tư liệu trích dẫn cho bài viết

“Về một vài trang đảo ngược sự thật lịch sử

vì mục đích tuyên truyền trong

Việt Nam vong quốc sử”,

cước chú số [9]:

“VIỆT NAM QUỐC SỬ KHẢO” (xuất bản năm 1909) là cuốn sách Phan Bội Châu viết sau cuốn “Việt Nam vong quốc sử” (cuốn sách mà nhiều học giả ngờ rằng Lương Khải Siêu viết [1905]). Dẫu sao, rõ ràng sau bốn năm, trước sự phản hồi của công luận thuở bấy giờ, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã phải viết khác trước (khác với sự nhận thức hoặc sự bóp méo lịch sử theo phương châm chính trị bá đạo machiavelisme – “cứu cánh biện minh cho phương tiện” hay “vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn” – khi viết “Việt Nam vong quốc sử”). Ở “Việt Nam quốc sử khảo”, Phan Bội Châu quy tất cả lỗi mất nước là do một người “đầu sỏ”: thái hoàng thái hậu Từ Dũ!

Nguyên văn trích đoạn như sau:

 

“… Sở dĩ gọi là nước vì có chủ quyền, có nhân dân, có đất đai. Nếu ba thứ ấy còn thì nước còn là nước, ba thứ ấy mất thì không phải là nước nữa. Lấy một trong ba thứ ấy đem cho người ngoài thì gọi là giặc của nước; lấy cả ba thứ ấy đem tất cho người ngoài thì là đầu sỏ của giặc nước.

[…]

Nước ta,  […] ta kể được ba người giặc của nước:

Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần và để cầu nhà Minh sắc phong cho, y đã cắt 59 thôn của châu Lộc Bình cho lệ thuộc vào phủ Tư Minh của nhà Minh.

Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, sợ nhà Minh hỏi tội, đã lấy hai châu Thạch Tích, Niêm Lãng và bốn động Cổ Sâm, Tư Lẫm, Kim Lặc, Liễu Cát hiến cho nhà Minh. Bản án kết tội bọn ấy nên ghi là: “Lấy đất đai của nước, nhân dân của nước, tặng người ngoài, tội đáng chém!” [*]. Chúng nó lấy lời gì để biện bạch được?

Còn một người nữa thì là một mẹ một con thuộc bản triều [**]. Vì ham sống yên phận đã đem một lúc cả ba thứ nói trên dâng cho lũ giặc. Thật là một tên giặc đầu sỏ lớn của nước ta”.

 

(Phan Bội Châu, Những tác phẩm Phan Bội Châu, tập I [gồm Việt Nam vong quốc sử & Việt Nam quốc sử khảo], Văn Tạo chủ biên và các dịch giả, Nxb. KHXH., 1982, tr. 200 – 201; xem thêm tr. 148 – 149, tr. 305 – 306.).

 

Lẽ ra, tôi đã trích đoạn trên để đưa vào bài viết đã nêu, trong cuốn “Nguyễn Văn Tường, ‘những người trung nghĩa từ xưa tưởng không hơn được’” này, nhưng thấy chỉ cần dẫn chứng gián tiếp là đã đầy đủ; vả lại, bài viết là một bài báo, cần phải ngắn gọn, nên không thể trích dẫn nhiều.

Nhân đây, cũng xin khẳng định lại một lần nữa:

Thật ra, Phan Bội Châu quy tất cả lỗi làm mất nước cho Từ Dũ cũng không thể hoàn toàn đúng với sự thật lịch sử. Chẳng qua Phan Bội Châu vừa tránh sự phản hồi phê phán của công luận nhưng đồng thời vẫn muốn chạy tội cho hoàng tộc Nguyễn, cụ thể là chạy tội cho Dục Đức, Hiệp Hoà, Tuy Lý vương, Hồng Tu, Hồng Sâm, và vô hình trung cũng chạy tội bớt tội cho Trần Tiễn Thành. Ai cũng biết Từ Dũ có họ Phạm, không phải thuộc huyết thống hoàng tộc Nguyễn, trong khi Phan Bội Châu đang tôn phù hậu duệ nhà Nguyễn: Cường Để (đích tằng tôn của hoàng tử Cảnh)!

Nhà yêu nước, tác gia lớn Phan Bội Châu không phải không có những sai sót, ngộ nhận trong kiến thức lịch sử; huống nữa, vì cứu cánh là cứu nước khỏi hoạ thực dân Pháp, cụ Phan bất chấp và không từ chối cả thủ đoạn xuyên tạc lịch sử (“cứu cánh biện minh cho phương tiện!”)! Đó là sự sai lầm, rất đáng tiếc của Phan Bội Châu. Và chính vì thế, cụ Phan đã tự kiểm điểm rằng, phương châm “vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn” của Machiaveli mà cụ Phan (và Lương Khải Siêu) vận dụng, chính là một trong những nguyên nhân thất bại trên con đường cách mạng, cứu nước. Xin vui lòng xem kĩ những bài viết trong cuốn sách, và xem thêm các cuốn sách, tập sách khác của tác giả cùng một đề tài.

Ở đây, tôi chỉ xin nhắc lại một điều đã viết trong nội dung chính của cuốn sách.

 

(*) “Hạ 14 chữ đó, thì bọn ấy cũng tự thấy là không oan” (Lời phê [của Hoàng Trọng Mậu – TXA. chua thêm]). Ở đây, tôi (TXA.) không bàn đến hai nhân vật lịch sử này. Xin vui lòng xem: Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi), Đại Việt sử ký toàn thư (các sử gia thuộc sử viện, sử vụ từ triều Trần đến Lê trung hưng, 1697), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn, 1884).

(**) Tức là Từ Dũ và Tự Đức (hai mẹ con).  Đây là chú thích của người dịch (PGS. Chương Thâu). Theo tôi (TXA.), căn cứ vào hai chữ “một người” của câu trên, Phan Bội Châu tuy không nêu đích danh nhưng vẫn xác định rất rõ, là đề cập về Từ Dũ. Đoạn PBC. viết về Từ Dũ này tôi mạn phép in đậm + nghiêng.

 

05. 06. HB 4 (2004).

TXA.

[10] Tự phán, sđd., tr. 77.

[11] Nguyên văn lời cụ Phan, xem: Nguyễn Thiệu Lâu, Quốc sử tạp lục, Nxb. Mũi Cà Mau, 1994, tr. 12.

[12] NTPCPBC., VNQSK., sđd., tr. 149.

[13] Từ điển văn học (TĐVH.), tập II, Nxb. KHXH., 1984, tr. 548.

[14] Xem: Chống xâm lăng (CXL.), [Nxb. Xây Dựng, 1956 – 1957], Nxb. TP.HCM. tái bản, 2001, tr. 316 – 319, 547, 549 – 567…

[15] Đại Nam liệt truyện (ĐNLT.), tập 3, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 125.

[16] CXL., sđd., tr. 432.

[17] Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.), tập 36, Nxb. KHXH., 1976, tr. 225 – 228.

[18] ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 236 – 237; Nguyễn Nhược Thị Bích, Hạnh Thục ca (HTC.), Trần Trọng Kim sưu tầm, Nxb. Tân Việt, 1950 [?], tr. 48.

[19] ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 247; tập 37, sđd., tr. 35.

[20] Chống xâm lăng (CXL.), sđd., tr. 585 – 586…

[21] Tự Phán , sđd., tr. 12.

[22] Tự phán, sđd., tr. 17, 18.   

 TXA.

 

 

 

 

(  xem tiếp : bài 4  )

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 07/01/09                                                                   

Trở về trang chủ

                                                                 

_____________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7