d. Trần Xuân An - Ngôi trường tháng giêng - Tệp 4

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

 

06/30/09

 

12 tháng 3 năm HB6 (2006)

           

 

        Phần 1

 

        Phần 2

 

        Phần 3

 

        Phần 4

 

        Phần 5

 

        Phần 6

 

        Phần 7

 

        Phần 8

 

        Phần 9

 

        Phần 10

 

        Phần 11

 

        Phần 12

 

        Phụ lục

 

 

 

 

 

 

 

trần xuân an

 

 

ngôi trường

tháng giêng

 

tiểu thuyết

 

 

 

 

 

 

 

 

nhà xuất bản

THANH NIÊN

 

2003

 

 

 

            

 

xem

http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/

 

( phần 4 )

 

 

15

 

Sáng chủ nhật này Hoán không ra thăm nhà ở huyện lị Đa Công. Anh ở lại để cùng anh em nhà tập thể đi chơi ngoài trời. Đạ Nga, hay suối Nga, hơn ba tuần nay là địa điểm cả Khoai, Nam, Huyện lẫn Lộc Biếc dự định sẽ tới chơi trọn một ngày, trước khi đến đợt kiểm tra chất lượng nửa học kì một. Cuộc đi chơi này, ngoài Hoán, còn có thêm Đồi Hương, Cam Ly, Suối Vui, cả các cô giáo dạy năm lớp cấp một ca chiều. Đó là nhị Xuân (Lá Xuân, Đóa Xuân) và tam Thu (Sóng Thu, Hồ Thu, Trăng Thu). Một sự ngẫu nhiên thú vị về sự trùng tên!

Hoán đã nhờ Hạ đi quanh xóm trung tâm để mượn đàn ghi ta, và may mắn là đã mượn được một cây không đến nỗi nào. Anh còn liên hệ với cô Phước, hiệu phó, cũng là nội trợ của anh em, trích ra số bo bo, tiêu chuẩn lương thực, cả mấy kí bột mì, vốn là tiêu chuẩn thể dục thể thao của riêng anh, để bù đổi mì ăn liền, và để làm bánh nướng. Ngoài ra, mỗi người ra quán tự mua thêm chuối, bánh ngọt. Chuối ở xứ này rẻ như thể cho không!

Mười bốn anh em, trừ cô Phước, cô Nhân cùng hai nhân viên cấp dưỡng ở lại trông nhà, bước ra khỏi sân với cả soong, ấm nước, một vài bó củi nhỏ lỉnh kỉnh. Mười bốn nụ cười! Họ đi theo lối mòn từ trường qua khu B. Nắng đã ấm những giọt sương lạnh. Sương tan dần theo gió sớm.

Lộc Biếc hỏi Trăng Thu đang đi bên cạnh:

- Đạ là suối, là nước. Còn Nga là gì hở Trăng Thu?

- Em đâu có biết. Chắc chắn không thể dịch đùa như anh Nam, nửa Chiau Mạa, nửa Hán – Việt như hôm nọ: Suối Vui là Đạ Lạc!– Trăng Thu cười khúc khích –.

- Đạ Nga theo kiểu đó là Suối Ngỗng, Suối Vịt!– Lộc Biếc đùa –. Có thể, Suối Tốt Đẹp, Suối Con Gái …

- Chỉ là cái tên của một con suối theo tiếng Chiau Mạa hoặc tiếng K’Hor, có thể không có nghĩa gì cả (17).

Đường đang bằng phẳng, bỗng thấy trước mắt một con dốc. Hai bên đường, nương rẫy hoa màu đã xơ xác vì đang vào mùa khô, chỉ bạt ngàn dâu tằm xanh mượt, tuy cũng có vài quả đồi bị xói mòn nhiều nên sắc dâu thưa thớt, vàng úa. Tập quán du canh du cư đã từ lâu đốt phá quá nhiều khu rừng nguyên sinh. Những người dân kinh tế mới ở tận Quảng Ngãi vào đây lập nghiệp cuối đường biên của các đồn điền trà, cũng là quãng đầu của những khu rừng đã nhiều năm thành rừng non – những quả đồi mới tự phục hồi sau vài mùa phá rẫy.

Mùa khô, hoa màu chỉ tươi tốt nổi ở các khoảnh đất dưới lũng thấp. Lộc Biếc thấy nhiều bóng người mang gùi mây đang chăm bón cây hoặc quả.

Nghe tiếng suối, Lộc Biếc suýt reo lên. Cô đã cảm thấy cần cởi áo khoác ra, vắt lên vai cho dịu người, nghe đôi chân cũng đã hơi mỏi. Lộc Biếc đợi Suối Vui đang đi tới gần cô, rồi cả hai cùng sóng bước theo Trăng Thu.

- Suối Vui đã lên tiếng đấy! – Lộc Biếc trêu –.

- Vâng. Em cứ thao thao suốt ngày đêm giữa hoang vắng.

Lộc Biếc giật mình:

- Suối Vui sao buồn thế!

- Vui một mình!

- Không có hai mình?

- Chị Lộc Biếc kì quá!– Suối Vui khẽ nhéo tay Lộc Biếc với gương mặt đỏ ửng –.

Lộc Biếc đùa vui thế thôi, nhưng chính lời nói đùa của cô khiến cô cảm thấy chạnh lòng. Lộc Biếc thấy trong tâm hồn mình cũng có một nỗi hoang vắng. Cô muốn quên đi, và dường như cô đã quên được nỗi hoang vắng đến xót xa mấy tháng gần đây. Lộc Biếc không muốn cúi gục xuống lòng mình lúc này, cô vừa đi vừa lắng tai nghe suối Nga đang xôn xao, ào ạt chảy xiết. Đôi chân theo lối nghiêng dốc cứ muốn chạy ngay xuống con suối khá rộng dưới kia.

- Đến Đạ Nga rồi đó.– Lộc Biếc nghe tiếng Hoán từ đằng sau vang tới –. Nhớ “phanh” lại kẻo té nhé! Nhớ bấm các đầu ngón chân xuống đất!

- Theo quy luật vật lí của anh phải không?– Lộc Biếc cười khi nghe Lá Xuân đáp –.

- Đúng vậy! Nếu không Đạ Nga sẽ đưa cô xuống biển luôn!– Hoán nói với giọng trầm, kéo dài từng chữ như tiếng thần rừng trong cổ tích –.

- Đi biển kiểu đó đỡ tốn tiền xe!– Cam Ly cười khanh khách trong tiếng cười của mười ba anh em giáo viên –.

Lộc Biếc đứng sững hồi lâu bên bờ suối. Nước trong vắt, chảy rất xiết qua rất nhiều tảng đá nhẵn. Suối rộng đến bốn, năm mét, có quãng còn rộng hơn thế. Bắc ngang qua con suối là hai thân cây, mỗi thân to cả một choàng tay. Chưa bao giờ Lộc Biếc thấy suối rừng không phải qua phim ảnh, cô ngẩn ngơ trong niềm thích thú.

- Khoai nói đúng. Nếu trường mình và xóm trung tâm nằm ven suối, trên mấy ngọn đồi này thì quá tuyệt.– Nam đứng phía sau, xúc động nói –.

- Rất tình tứ, rất hùng tráng, phải không?– Lộc Biếc vẫn nhìn dòng nước thao thiết chảy –.

Hoán ở bên kia bờ, nói vọng sang:

- Thôi! Lát nữa thỏa sức ngắm. Bây giờ đi tìm chỗ ven suối bên này để quẳng các thứ lỉnh kỉnh đã.

Chỗ được chọn là một khoảng đất khá rộng, có những tảng đá lớn từ dưới đất nhô lên, nhiều tảng rộng như các phản gỗ. Bóng đồi che khuất nắng. Bên dăm gốc cây khá lớn, người ngồi, kẻ nằm nghỉ mệt. Hơi nước tỏa ra dịu mát. 

Hoán ngồi xếp bằng trên tảng đá, búng đàn, nhưng không phải hát mà nói lớn:

- Không có chương trình! Ai muốn hát hò ngâm đọc gì thì tùy. Có điều không được đi xa chỗ này, không được tắm.

Và Hoán hát một khúc tình ca. Giọng anh lẫn trong tiếng suối, vọng vào lưng đồi.

- Núi rừng thích thật!– Huyện đến bên Lộc Biếc –.

Cô vẫn ngồi trên tảng đá nhìn suối:

- Thích thật! Sao bây giờ mới biết Đạ Nga, sau hai tháng!

- Lâu nay bận bịu quá.– Huyện ngồi xuống bên cạnh –.

- Thầy Huyện thấy trường mình vui không?– Đồi Hương nhìn anh, vẫn giữ cách xưng hô truyền thống –.

Huyện gật đầu:

- Lúc mới về, hơi nản. Đúng như anh Giảng nói, bây giờ đã vui đất, vui người –.

- Bọn em mới về, thầy Huyện biết không, muốn khóc luôn đó. Nhớ Đà Lạt quá trời.

- Chưa khóc thật à?– Lộc Biếc hỏi –.

- Khóc thật đó chứ.– Đồi Hương xấu hổ –. Đâu có mê mải làm việc như chị Lộc Biếc!

- Mê mải nên suốt tháng nay anh Giảng lo phát sốt!– Lộc Biếc cười –.

- Có gì đâu! Thầy Giảng lo xa vậy thôi. Hôm kia họp phân hiệu, thầy Giảng rào đón cho xong chuyện vậy mà.– Đồi Hương nói, ném một hạt khô xuống suối –.

- Cô Đồi Hương thấy không, hôm họp ấy, Lộc Biếc đã khẳng định, buổi báo cáo chuyên đề ấy chỉ là sinh hoạt trong nội bộ giáo viên trên tinh thần khoa học thôi …– Huyện phân trần giúp –.

Lộc Biếc nói vội:

- Biết vậy, em chả báo cáo đâu! Thật ra, không chỉ phát biểu rõ hôm kia, mà ngay tại buổi báo cáo tháng trước, em vẫn khẳng định, cái gì tham khảo, vẫn tham khảo, còn sách giáo khoa, nền nếp giảng dạy, vẫn là “pháp lệnh”, vẫn là nguyên tắc cơ mà! Em cảm thấy trót làm phiền Ban Giám hiệu, ông Binh với mọi người! Kì quá!– Cô hơi nhăn mặt với chính mình –.

- Nhưng có gì căng thẳng, nặng nề lắm đâu!– Đồi Hương muốn chia sẻ với Lộc Biếc –.

- Anh Giảng còn ra công văn đưa cho Hạ mang đến tận các phân hiệu nữa đó, Đồi Hương biết không?– Lộc Biếc cười –. Chẳng lẽ Đồi Hương là thư kí hội đồng mà không biết sao?

- Công văn gì chị?– Đồi Hương ngơ ngác thật sự –.

- Công văn về việc giải thích rõ lí do gộp ba đại hội lại làm một, và về buổi báo cáo chuyên đề! Anh Giảng muốn khẳng định lại, “sách giáo khoa là “pháp lệnh””, “nền nếp giảng dạy trước nay vẫn là nguyên tắc”, chấn chỉnh sự dao động tư tưởng ấy mà …– Lộc Biếc vẫn mỉm cười tuy giọng nói hơi chán ngán –. Nhưng anh Giảng làm vậy là đúng với cương vị của ảnh …

Tiếng suối vẫn róc rách với dòng nước thao thao chảy xiết trước mặt ba người. Làn nước xé ra bọt trắng khi gặp phiến đá cản.

… em ơi mùa xuân đến rồi đó

thắm đỏ lòng ta sắc mặt trời

nghe xôn xao giữa đời vui

chim én đã bay về

                         đã bay về … (18)

Trăng Thu đang ôm đàn hát với giọng ca cao vút, trong vắt, bên cạnh Hoán và Lụa. Trăng Thu hết mình với tiếng đàn ghi ta rất điêu luyện, với giọng ca vô cùng truyền cảm của cô. Hoán nghệch mặt ra nom rất buồn cười.

Đằng xa kia, Nam, Khoai và các cô giáo khác cũng quay mặt lại nhìn ngắm. Trăng Thu đang quá đỗi nghệ sĩ.

Rồi vẫn cùng tiếng đàn của Trăng Thu, Lá Xuân hát với chất giọng khàn rất khỏe của cô:

… rất dài và rất xa

là những ngày thương nhớ

nơi cháy lên ngọn lửa

là trái tim yêu thương … (19)

Ngỡ Lộc Biếc đang rối lòng, Đồi Hương nắm tay bạn:

- Nhưng anh Giảng vẫn phân công chị Lộc Biếc làm trưởng nhóm bổ túc văn hóa cho ông Binh cơ mà! Lại còn trợ lí cho anh Quỳnh trong kế hoạch tự học tự bồi dưỡng các mặt của nhà tập thể mình nữa! Có gì đâu …– Đồi Hương muốn Lộc Biếc bớt âu lo – … vẫn phân công, phân nhiệm …

- Thì có gì đâu …– Lộc Biếc cười –. Lộc Biếc chả lo gì cả. Đó là anh Giảng phòng xa thôi. Nghe đâu ông K’Đăng, trưởng Phòng Giáo dục cũng hay chuyện rồi đó.– Lộc Biếc lại quay qua nhìn Đồi Hương –. Cám ơn Đồi Hương nhé. Lộc Biếc chẳng lo gì đâu. Thôi, quên chuyện ở trường đi. Chúng mình cũng phải hát hò gì chứ, anh Huyện?

Lúc này, Hoán vẫn ngồi xếp bằng trên mỏm đá cao nhất. Nhóm của Khoai đằng kia cũng đã đến ngồi quanh Trăng Thu và Lá Xuân. Suối Vui nói:

- Thầy Khoai hát hay đọc thơ đi chứ!

Khoai lúng túng:

- Tôi chỉ biết hát với giọng vịt cồ, lại chẳng biết đàn địch gì cả. Có điều vẫn hát một bài thơ của chính tác giả … là Đỗ Khoai với nhạc của một người bạn hồi sinh viên.

- Đừng lo, em sẽ đệm theo giọng của thầy, hát tới đâu em đệm tới đó.– Trăng Thu búng đàn một cách điệu nghệ –.

- Cảm ơn trước nhé!

má đi chào ai năm mới

áo bay bay gió tháng giêng

tinh sương con gà đã đợi

gáy ran ngoài ngõ láng giềng

 

bầy chim đứng hót không yên

chuyền cành chíp chiu luyến láy

bươm bướm nhấp nhô nhấp nháy

như là đôi mắt thiên nhiên … (20)

Khoai hát với giọng đầy cảm xúc, song không hề để ý đến tiếng đàn. Trăng Thu phải hoàn toàn theo anh một cách linh hoạt. Nếu không rành đàn và nhạc lí, người khác đã phải ôm đàn đứng ngọng với cách hát rất tùy hứng của Khoai. Dẫu sao, Khoai đã cố gắng khắc phục sự lóng cóng cố hữu của anh. Anh như bị ca từ của chính anh thu hút! Nhưng rồi Khoai bỏ lửng.

Nam cũng “xung phong” ngâm một bài lục bát:

- Cô Trăng Thu đệm ngâm thơ như đàn bầu, đàn tranh nhé!– Anh cười, bày tỏ sự cảm phục Trăng Thu –.

Trăng Thu dạo một điệu nhạc đệm thơ.

bây giờ ngoài mình mưa chưa

con nghe lành lạnh ngày thưa chân người

 

nhìn sông nước lã trôi xuôi

con như lạc giữa dòng đời đã lâu

 

bỗng dưng không biết từ đâu

bay ngang trời đất một màu tóc sương

 

con úp mặt nhớ quê hương

thương sao quán mẹ bên đường mưa bay (20)

Không khí lắng xuống, theo giọng ngâm không hay sao vẫn da diết của Nam. Hoán bỗng nói:

- Đây là Đạ Nga. Tôi còn đoán theo câu Kiều,  “đầu lòng hai ả tố nga” , dứt khoát đây còn là Suối Thanh Nữ. Nói theo thơ Tố Hữu, gì đấy …, “suối nghiêng xõa mái tóc dài làm duyên”? À, nhớ rồi, “con sông A Sáp tóc dài làm duyên”, hình như vậy. Nếu suối thanh nữ đẹp thế thì “nước lã người dưng” mới hay, vì sẽ thân thương ấm lòng …– Hoán với nụ cười khùng khục khi khoái chí –.

Tiếng cười của Hoán không lẫn giữa những tiếng cười trong trẻo đang vang lên, dẫu có gì đó như là bối rối, mắc cỡ nơi những giọng cười con gái ấy.

Đã trưa rồi, mọi người nhóm bếp. Ngọn lửa nhảy nhót quanh soong nước sôi. Những gói mì ăn liền được thả vào. Hoán nhặt thêm một ít cành đã khô cả sương và hơi đất ẩm, đặt vào bếp lửa.

Bữa ăn được dọn trên một tảng đá phẳng. Những tiếng cười nói rộn rã ven dòng suối không mỏi mệt, ào ào tuôn chảy. Dăm người đi rẫy về, ngang qua suối, gửi vào tiếng chào với nụ cười.

Lộc Biếc thấy mọi người đã tìm chỗ nghỉ trưa, cô cũng tới cạnh Cam Ly và Đồi Hương bên một gốc cây đang tỏa bóng râm. Dưới gốc cây cũng lổn nhổn đá tảng, có phiến ngả lưng được. Trải áo khoác, nằm lên, nghe hơi đá thấm vào lưng dễ chịu. Lộc Biếc nhìn lên lá cành lay động rất khẽ, cô ngạc nhiên không thấy bóng chim nào. Có lẽ chim đã bay vào rừng sâu. Lộc Biếc lại nhìn trời trong xanh, cao vời vợi, cô đợi một phiến mây bay qua … Bỗng dưng, cô nhớ nhà quá đỗi. Bài lục bát của Nam khiến cô nhớ mẹ, nhớ ba vô cùng, nhớ cả hai em nữa. Lộc Biếc rưng rưng nước mắt. Nhưng chả lẽ con gái đã lớn rồi, cứ ở nhà quanh quẩn với mẹ! Lộc Biếc tự hiểu, cô đã trưởng thành, cần phải bước vào đời, phải luyện rèn mình trong xã hội. Cô muốn chính cô phải trở thành con người hoạt động xã hội, chứ không phải chỉ quanh quẩn xó nhà, chỉ lo chuyện nâng khăn sửa túi. Phải đổi khác môi trường sống để phát hiện ra chính mình … Dòng lên tưởng lại dẫn dắt cô nhớ lại đêm Trung thu hôm nào ở sân trường Bảo Nghĩa. Sau khi buổi ca hát quanh đống lửa đã vãn, dưới ánh trăng lồng lộng, bao la, rười rượi trước hiên nhà, cô ngồi bên cạnh Suối Vui trong lúc mọi người đã ngủ. Đêm ấy, cô buồn đến muốn khóc, hiểu ra chính cô còn quá nhiều khiếm khuyết. Cô chưa bao giờ có điều kiện để học đàn mặc dầu thành phố quê hương là nơi thuận tiện nhất. Tuổi thơ Lộc Biếc không có nổi một cây đàn, không mời được một giáo viên âm nhạc làm gia sư, hoặc đủ tiền để đến một lớp nhạc. Lộc Biếc mê đàn bầu, đàn tranh và các nhạc cụ dân tộc biết bao! Nhưng điều khiến cô buồn nhất là hiểu trong tâm hồn không có bóng dáng trẻ thơ, hầu như cô không yêu thích trẻ thơ! Đó có phải là sự khiếm khuyết về nữ tính, báo hiệu sự bất hạnh sau này? Có phải chính đứa con của mình sau này mới dạy cho mình tình yêu trẻ nhỏ, để hoàn thiện nữ tính cho mình? Cô tự lập luận như thế, vẫn nghe lòng nặng trĩu nỗi buồn. Một người nữ không yêu quý trẻ thơ không thể gọi là người nữ chăng? Cô tự nhận ra niềm đam mê duy nhất của cô là sự mạnh về phẩm chất trí tuệ. Vả lại, cô được đào tạo theo hệ giảng dạy cho tuổi thanh niên trung học! … Cô không nghĩ đã sai lầm, nhưng vẫn biết chính cô đã có sự khiếm khuyết về nữ tính … Dòng liên tưởng miên man cùng tiếng suối trong hoang vắng lại đưa cô nhớ về Trường, người yêu từ năm thứ ba đến giữa năm thứ tư đại học của cô, kẻ đã khiến trái tim cô lạnh buốt suốt học kì cuối. Cô muốn quên Trường đi, quên hẳn đi, không còn dấu vết gì nơi tâm hồn nữa. Trí nhớ con người không phải là tấm bảng đen để cô có thể xóa sạch hình ảnh của Trường đã được chính cô vẽ bằng phấn trắng! Lộc Biếc đã dửng dưng, rồi xiêu lòng, điên đảo vì Trường, đau đớn đến chìm đắm vì Trường. Đó là một tình yêu đến từ từ, ngâm ngấm, dần dần, rồi say ngất … Có lẽ, không có gì khác hơn, chính lòng thủy chung đã khiến cô điên đảo và đau đớn, vì sau thời gian ngất say như rượu ngấm, là sự chán mứa đến nôn mửa trước sự rỗng tuếch, tầm thường của Trường, càng ngày càng nhận rõ. Trường – một gã con trai ích kỉ. Mọi nỗ lực học tập, kể cả yêu đương của Trường, đều xuất phát từ lòng ích kỉ ấy. Trường yêu Lộc Biếc, thật ra anh ta yêu chính anh ta, Lộc Biếc chỉ là phương tiện tình cảm! Hiểu ra bản chất của Trường, cô điên đảo và đau đớn khi phải đấu tranh với đức tính đúng theo đạo lí: thủy chung. Lộc Biếc không thể chủ động chia tay, nhưng tình yêu đối với Trường ở cô đã khô cạn. Cô buồn nôn trước chân dung bên trong của Trường, chân dung đích thực của anh ta. Còn gì đau đớn hơn khi Lộc Biếc nhận ra cô chỉ là một phương tiện, tuy thuần tình cảm! Rất may cô đã biết dừng lại trước những tính toán xác thịt của Trường! Song Trường không yêu ai ngoài Lộc Biếc, cũng chẳng hề phụ rẫy cô! Trường – gã con trai không có tình cảm yêu đương đích thực! Cô đã mong chờ sự phụ rẫy của Trường biết bao! Làm sao cô đành chủ động chia tay, tuy với kẻ xem cô chỉ là phương tiện, để chỉ hãnh diện với lũ bạn bè đua đòi yêu đương như thứ thời trang tuổi trẻ! Tuổi trẻ phải yêu đương mới là tuổi trẻ! Lộc Biếc chỉ là phương tiện thời thượng để trang sức cho tuổi trẻ Trường! Cô đã mong chờ sự phụ rẫy của Trường biết bao! Sự kéo lê ngày tháng trưng diện cho tuổi trẻ của Trường khiến cho Lộc Biếc bị giam trong xiềng xích của anh ta, khiến cô điên lên trong đau xót, khiến cô trở thành người không chút thủy chung, tàn nhẫn nói lời chia tay! Trường dồn cô đến bước đường cùng, đẩy cô xuống vực thẳm nhục nhã! … Lộc Biếc  vẫn trừng trừng mở mắt trong giấc trưa bên suối. Tiếng suối như một khát vọng khôn nguôi, thao thiết mãi mãi. Cô cảm nhận độ căng thẳng nơi tiếng suối ngỡ như đều đều … Lộc Biếc thở dài. Cô tự nghĩ cô có duy lí quá không? Cô có chẻ sợi tóc làm mười không? Cô có phân tích trái tim đến nát bấy cả trái tim không? Nhưng lẽ nào Lộc Biếc đành mê muội, hay đành thả trôi đời như một cánh bèo trên dòng sông yêu đương, hoàn toàn phó mặc sự đẩy đưa … Lộc Biếc vẫn trừng trừng mở mắt trong giấc trưa bên suối. Có phải cô là nhà phê bình tình yêu đương, chứ không có mảy may tính chất của một người yêu? Phẩm chất tâm hồn của một con người được gọi là người yêu gồm những gì? Có mô thức nào không? Người ta không định nghĩa được tình yêu đương bởi họ là tín đồ của tôn giáo yêu đương, họ muốn huyền bí hóa, thiêng liêng hóa tình yêu của họ, hay đấy chỉ là sự làm dáng rất chân thành, rất trong sáng của trái tim? Người ta muốn “lặng lẽ chuồi theo dòng cảm xúc”, hay “tiếng cầm ca”, cả với tình yêu đương cũng vậy. Cô cũng muốn “thương” trái tim, quá thương nữa là đằng khác (21). Và bởi quá thương, cô phải phân tích để hiểu hết trái tim, tận mỗi tế bào sâu kín ở trái tim Lộc Biếc và trái tim Trường. Không hề nát bấy, trái tim vẫn khỏe. Rất khỏe trái tim trong lồng ngực mỗi người, khi thoát nỗi đau riêng … Mỗi con người là một cá thể không ai giống ai, thậm chí, những tình yêu đương trong một trái tim cũng khác nhau. Người yêu là người thơ chăng? Đừng yêu hay sống thơ bằng cái đầu chăng? Nhà thơ muốn đừng làm nghèo nàn cuộc đời bằng các định nghĩa khái quát khô cứng! …  “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”! (21). Tình yêu đương có phải rất cảm giác, rất da thịt không? … Lộc Biếc cảm thấy bị sa lầy theo dòng liên tưởng đang thao thiết trôi bỗng bị hút vào vực xoáy, để rồi bị ném vào bùn sình mà bên trên xanh màu cỏ như thảo nguyên … Lộc Biếc nhớ An-đ-rê Gi-đ (André Gide) với sự phê phán ý tưởng Kinh thánh, thiên đàng là hạnh phúc, muốn đến phải bước qua “khung cửa hẹp” với sự ép xác … Không phải vậy và cũng không phải thế … Lộc Biếc bỗng dưng đỏ mặt một mình khi chợt hồi tưởng, cô đã từng giằng xé biết bao lần chính tâm hồn cô, trước những cử chỉ âu yếm rợn người, nồng cháy nhục cảm cô đã hình dung từ đôi môi, từ bàn tay Trường, khi Trường bộc lộ trong đôi mắt si dại bốc lửa, trong giọng nói ríu lại bởi hơi thở gấp lúc ngồi cạnh cô tại một quán vắng ban trưa. Rồi những quán vắng và những ban trưa như thế. Cô đã rụt rè, đã bị khung cảnh với sự gần kề cuốn vào ao ước, nhưng bản năng tự vệ của người nữ cùng với sự trinh khiết thơm ngát đúng theo đạo lí truyền thống đã giúp cô biết ngăn lại môi hôn cưỡng đoạt của Trường. Và bao giấc mơ khuya vắng rất vô thức, một mình với sự bừng tỉnh xấu hổ, trào nước mắt mừng rỡ như thoát chết, vì mơ chỉ là mơ của giấc ngủ … Dòng liên tưởng chả hiểu vì sao lại dẫn đưa cô trôi lạc trên chiếc thuyền độc mộc của niềm tự vấn vào lúc này. Cô đã dũng cảm đối diện với chính mình. Là con người, không ai không có dục vọng, có điều, may thay, kẻ bị dục vọng đánh bại bao giờ cũng ít, bởi không ai không biết cách chiến thắng nó. Lộc Biếc đã sợ những quán vắng, những cuộc đi chơi cho dù có vài bạn bè cùng đi … Quan hệ càng cởi mở càng dễ sa ngã! Hãy biết giữ mình, giữ đầu óc trong sạch! … Nói theo cách nói của nhà văn nào đó, cô đã giáp mặt hiện thực của cõi nỗi và chìm trong chính cô, một cách lạnh lùng như ngẫm lại sự thật con người … Lộc Biếc lặng lẽ nhìn tán lá xanh ngời lên dưới nắng trưa, vòm trời bao la trên cao xanh vời vợi kia. Dòng Đạ Nga vẫn thao thao ào ạt chảy xiết với độ căng muôn đời của nó. Sức sống rất thanh nữ nơi hoang vắng này khôn nguôi. Cô biết, trong giấc trưa đã hơi muộn so với thường ngày, có lẽ vì tiếng suối, vì những đôi chân mỏi, các bạn của cô có thể nhiều người không ngủ nữa nhưng vẫn nằm dưới các bóng cây, tựa lưng vào đá tảng vẩn vơ suy tưởng, lơ mơ với bao ý tưởng tản mạn.

Có ai đã ra suối khoát nước, vui vẻ nói cười. Lộc Biếc cũng nhổm dậy, bước ra bờ suối. Nước suối lạnh ngắt.

- Nước vận đọâng cừ khôi như kiện tướng thể thao, sao chẳng nóng tí nào vậy thầy Hoán?– Đóa Xuân trêu –. 

- Chắc động năng vẫn biến thành nhiệt năng chứ.– Hoán thấy mình hơi thật thà, anh vỗ nước vào mặt, lau vội –. Cô Đóa Xuân không vận động sẽ thành tượng đá. Nếu luôn “tư duy chân tay, tư duy cơ bắp”, cô sẽ phát sáng.

- Một Đóa Xuân phát sáng, quá đẹp!– Nam nói –. Đóa Xuân ấy nghiêng bóng xuống Hồ Thu, quá trữ tình cổ điển!– Sợ hiểu nhầm, Nam cười –. Rất cổ điển một nét đẹp thiên nhiên! Tuyệt vời!

- Chẳng lẽ em không vận động, em lạnh lắm sao?– Hồ Thu nhìn Hoán và Nam –.

- Tôi phát hiện ra dạo này anh em nhà mình chơi thơ, chơi ngôn từ hình ảnh rất hay đấy! Hồ Thu là “tấm gương sáng” mà! Còn Sóng Thu là gì?– Nam ngẫm nghĩ –. Là sự vận động dịu mát, rất sinh động! “Tấm gương sáng” cũng có khi nổi sóng chứ!

- Phát sáng lấp lánh!– Lộc Biếc góp lời với tiếng cười –.

Đóa Xuân mỉm cười, cùng mọi người đến gần gốc cây có tán lá rộng nhất. Nắng đã tròn bóng lá, giờ bóng lá đã theo nắng, chênh chếch. Mười bốn nụ cười vây quanh cây đàn ghi ta với mấy tập nhạc chép tay, có bài chỉ chép ca từ, xen kẽ là những bài thơ.

- Như đã nói hồi sáng, không có chương trình. Tâm sự vụn hay hát hò ngâm đọc gì cũng được. Và thưa đồng chí Lụa, chiều nay khoảng bốn giờ là về nhà, phải không? – Hoán nói –.

Lụa gật đầu:

- Còn phải lo các thứ lặt vặt cuối tuần nữa chứ, đúng không?

Lộc Biếc tựa đầu vào vai Suối Vui, bỗng nhớ một bài thơ của Nguyễn Trãi,  “Côn Sơn có suối đàn cầm, Mưa tuôn đá sạch ta nằm ta chơi”, ai đó đã dịch ra thành lục bát với hai câu khởi đầu rất trích tiên như vậy. Cô chẳng hiểu sao cô muốn chỉ nghe các bạn hát và ngâm thơ, còn cô chắc chắn sẽ chẳng hát bài nào cả, cũng chẳng đọc thơ nữa. Có lẽ cô mệt với dòng suy tưởng miên man lúc đang giấc trưa. Sợ mỏi vai Suối Vui, cô ngả hẳn đầu và tảng đá.

Lắng nghe một vài khúc hát quen thuộc, Lộc Biếc bỗng giật mình khi Cam Ly nói:

- Chị Lụa, em hát nhạc vàng của Văn Cao được không?

- Văn Cao? …– Lụa hỏi –. Tác giả quốc ca?

- Vâng. Văn Cao, với “Suối mơ” …

- Thì cứ hát.– Lụa cười –. Hỏi Lộc Biếc đây này.

Lộc Biếc hơi mắc cỡ trong tình huống Cam Ly hồn nhiên đặt ra. Khoai bỗng nhanh miệng đến bất ngờ:

- Nghe tham khảo chứ! Tôi muốn tham khảo tuốt!

Lộc Biếc cười:

- “Suối mơ” cũng như nhạc xanh của Liên Xô chứ có gì!

- Hát đi, về tôi viết kiểm điểm thay cho.– Hoán cười khùng khục –.

Mọi người đều cười ngặt nghẽo. Trang Thu phải dạo đàn khá lâu, đợi tiếng cười cuối cùng chấm dứt.

- … suối mơ

bên bờ thu vắng

dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng …

… suối hát theo đôi chim quyên …

… từng hẹn cùng nhau về xây nhà bên suối

nghe suối róc rách hoa lừng hương gió mát

đàn ai đùa trong khóm lá vàng tươi …

Tiếng hát Cam Ly vừa dứt, Huyện hỏi:

- Đàn ai đùa hay đàn nai đùa …?

- Đàn đùa bằng âm nhạc trong khóm lá mới tươi sáng chứ! Nai thì xoàng quá!– Suối Vui nói –.

- Còn chim quyên? Có phải đỗ quyên?– Đồi Hương hỏi –.

- Thôi, thôi! Nhưng có thể. Thoát li thực trạng mất nước! Thôi, thôi! Cứ hát để cảm thông một thế hệ dưới chế độ thực dân Pháp … – Nam vừa đùa vừa thật –. Giả nai thôi! Mất nước, tươi sáng nỗi gì!

Cam Ly dỗi:

- Em chả thèm hát nữa đâu!

- Thôi mà, cô em! Ráng lên! – Nam thân mật –.

Cam Ly cười, bảo cô sẽ hát nhạc xanh, bài “Đôi bờ”:

-… đêm dài qua

dưới cơn mưa, em mong chờ anh tới

cây cỏ hoa như nói nên lời

em hạnh phúc nhất đời!

lòng em riêng chỉ biết yêu anh

với tình yêu thiết tha

một dòng sông sóng nước bao la

đôi bờ đâu cách xa … (22)

Lời hai của “Đôi bờ” rất buồn, Cam Ly nghẹn ngào hát. Lộc Biếc rưng rưng muốn khóc, nghe cay cay ở sống mũi. Đôi mắt cô bỗng thẫn thờ, xa vắng.

Nam cũng bâng khâng nhớ Huế, nhớ dòng sông ngỡ chừng bình thản nhất nước, nhớ tấm thảm Ba Tư, nghìn lẻ một đêm cổ tích, với đôi thiên nga do chính Sông Hương, người yêu đã chia tay của anh, ngày ngày cắm cúi dệt ở tổ hợp thêu ren xuất khẩu.

Không khí lắng buồn. Tiếng suối Đạ Nga vẫn thao thao, ào ào chảy. Nam hát “Chiều Mát-x-cơ-va”, nhưng lại bồi hồi nhớ Huế:

- … chiều thanh vắng là đây

bên dòng suối rì rào

hàng cây lắng tiếng chuông đêm thâu

hỡi em thấu chăng tình anh, lòng bao trìu mến

Huế yêu thương trong chiều vắng êm đềm … (22)

Những tiếng vỗ tay vang lên. Khoai cảm động, bởi hơn ai hết, anh hiểu Nam. Anh đùa Nam, lại chỉ nói khẽ với Cam Ly:

- Thay Mát-x-cơ-va bằng Huế yêu thương là hay lắm. Chuông tình Sông Hương không biết có vang vào Đạ Nga không. Ở đây, tiếng chuông nhớ Huế cũng là tiếng quả tim ngân rung, vang từ đây tới Huế.

Nam đã hát cho Đạ Nga, và cả Sông Hương nữa, với niềm sâu lắng.

- Thầy Khoai hát tiếp bài thơ của thầy hồi sáng đi!– Trăng Thu vẫn cầm đàn, gảy nhẹ, khi tiếng ngân cuối của Nam dứt hẳn –.

Khoai hòa mình vào anh em bằng tiếng hát vịt cồ:

- … nắng reo mướt tóc thanh niên

em thơ xênh xang áo mới

nụ cười bên đọt dứa hiền

tiếng pháo hồng treo khắp lối

 

mời nhau dăm múi sầu riêng

thấy vườn Mỹ Tho bùi ngọt

nối lửa đôi ba điếu thuốc

nghe xao xuyến trời Điện Biên

 

lời chúc câu chào huyên thiên

rượu nồng bay trong mái lá

niềm vui tràn ra ngoài hiên

từng mảng nắng vàng rất lạ

 

thăm nhau, thăm nhau tháng giêng

áo khăn nhạt rồi bóng tối

má ơi, nắng ngoài Hà Nội

bay vào thơm lúa Thừa Thiên

 

thoảng hương đất, nhớ tổ tiên

đã cho cái nương, cái rẫy

thương, thương đàn con biết mấy

giữ gìn mùa xuân y nguyên (20)

Rồi Lá Xuân với “Dòng sông xanh Đa-nuýp”, cuối cùng là Trăng Thu với “Trở về mái nhà xưa” (23), nhạc trữ tình lãng mạn Phương Tây, đẹp những nét rất cổ điển.

Khi mọi người đứng dậy, gom lại đồ đạc lỉnh kỉnh để ra về, Hoán vẫn ôm đàn hát, trong tiếng cười của mọi người, như tiếc nuối:

- … tội nghiệp thằng bé

nhớ thương mãi quê nhà

giàn thiên lí đã xa mãi ngàn xa …

- Hoan hô dân ca Mỹ!– Khoai la lớn, và cũng bằng giọng vịt cồ, anh vừa bước theo bạn bè vừa hát trong tiếng đàn đã rối của Hoán –. Dân ca Việt Nam vẫn hay nhất.

Khoai nói rồi hát tiếp:

- … người ơi, người ở đừng về …

… người về em chẳng cho về

em níu vạt áo em đề câu thơ …

- Thầy Khoai đừng hát thay Đạ Nga nghe chưa!– Lá Xuân nói –.

- Kính chào tạm biệt cô gái thi sĩ Đạ Nga đã đề thơ vào áo!– Khoai bỗng linh hoạt như chưa bao giờ vui đến thế, anh nói khi bước qua hai thân cây được bắc ngang suối –.

Lộc Biếc đi bên cạnh Đồi Hương, cảm thấy đôi chân mỏi rã rời lúc bước lên dốc. Tiếng suối vẫn thao thiết, ào ạt chảy tự muôn đời không ngừng nghỉ dưới kia. Cô đứng đợi Cam Ly. Cam Ly mỉm cười. Lộc Biếc nói với cô giáo trẻ da bồ quân mười tám tuổi ấy:

- Không những anh Hoán, mình cũng viết kiểm điểm thay Cam Ly nếu Lụa khiển trách, vì đã hát nhạc vàng thời mất nước, thoát li hiện thực của Văn Cao. – Cô cười thành tiếng, hơi gượng nhưng chân thành –.

- Đùa vậy chứ phó bí thư Chi đoàn chúng ta cũng biết “tham khảo” lắm chứ bộ.– Cam Ly cười ngặt nghẽo với Hồ Thu –.

Hồ Thu dọa:

- Khôn hồn thì tự phê triệt để trước khi bị “đấu”!

- Nhất trí!– Cam Ly vẫn cười –.

Khoai và Hoán đi sau cùng nhưng đã kịp bước cùng bốn cô gái đang kháo chuyện. Hồ Thu quay sang Khoai:

- Không ngờ thầy Khoai làm thơ hay vậy!

Khoai mỉm cười, khiêm tốn, tự giấu bớt độ sâu và tinh tế của tâm hồn mình đi:

- Xin được “trừ bì” bớt. Cái chất bên trong chẳng được mấy tí! Cô Hồ Thu biết không, bài ấy còn một đoạn nữa, bị ông bạn làm nhạc cắt mất.

- Thầy Khoai đọc thêm đi. Chắc đoạn ấy “có vấn đề”?

Khoai lắc đầu, ngần ngừ rồi đọc:

- … kiễng chân hái nhánh tre nghiêng (24)

lộc non nao nao lòng dạ

mơ ước về trong tay má

xin đời ngát mãi tháng giêng.   

– Và anh nói tiếp –. Có điều tục lệ hái lộc đầu năm người ta vận động bỏ đi rồi, bởi mùa xuân là Tết Trồng cây, chứ không nên làm đau cây! – Khoai nói với giọng sâu lắng –.

Lộc Biếc mở to mắt, thoáng sững người vì lí do bài thơ bị cắt đoạn cuối. Cô vẫn bước, buột miệng:

- Nhân đạo lắm! Nhưng biết làm thế nào được …

- Vừa trồng, vừa hái.– Đồi Hương đề nghị –.

Cả nhóm sáu người không ai nói gì nữa. Họ im lặng bước bên nhau trong nắng chiều. Tiếng suối Đạ Nga vẫn còn vang vọng mờ nhòa rồi mất hẳn.

Như không thể dứt bỏ được cảm giác ngường ngượng bởi tình huống Cam Ly hồn nhiên đặt ra từ lúc hát nhạc vàng hồi nãy, Lộc Biếc lại nói sau khi mọi người đã im lặng khá lâu:

- Thật ra mọi điều đều rất dễ bị ngộ nhận. Mỗi người không hiểu hết mình, lại thường hiểu lầm về người khác, tác phẩm của người khác. Không phải bất khả tri, bí hiểm hóa. Nhận thức là một quá trình. Cần nhận thức lại sự nhận thức trước đó … Như bài thơ của anh Đỗ Khoai …– Lộc Biếc như nói một mình –. Tự do sáng tác, phải thật, phải tốt, phải đẹp …

Cả sáu người vẫn bước giữa nắng chiều. Lộc Biếc có cảm giác hẫng đi trong sự im lặng. Cam Ly thấy một cách mơ hồ, nắng xiên khoai đang chiếu vào người cô những tia nóng không trừu tượng hay mông lung chút nào. Khoai đang xúc động trước sự diễn đạt ý tưởng rất thuần lí của Lộc Biếc, nhưng không thể thốt thành lời. Khoai lén nhìn Lộc Biếc. Giọt mồ hôi dưới tóc mai của cô lóng lánh, bất chợt lóe sáng, khiến anh nghe rúng động tận đáy trái tim mình.

Khoai vẫn nghĩ theo bước chân. Anh đã bao lần cảm xúc mãnh liệt trước các trang văn lí luận, loại văn thuần lí, ngỡ khô khốc với các thuật ngữ ngỡ lạnh lùng, tẻ nhạt, nữa là trước ngôn từ trí tuệ của cô giáo ngữ văn Lộc Biếc. Giọt mồ hôi mãi lóe sáng, dưới những sợi tóc mai của người anh yêu, trong tứ thơ chiều nay.

 

16

Lộc Biếc ngồi đối diện với ông Binh. Trên bàn tiếp khách hình chữ nhật, giữa họ là cây đèn dầu cỡ trung, được vặn bấc sáng, hai cuốn sách và hai cuốn vở. Lộc Biếc giảng bài vừa đủ để ông Binh nghe. Ông lặng lẽ nhìn xuống mặt bàn, thỉnh thoảng lại ghi chép vào vở. Trong những quãng im lặng, Lộc Biếc nghe tiếng đọc bài ê a của mấy đứa cháu nội ông Binh dưới nhà vọng lên.

- Thưa bác, đây là bài đầu tiên của chương trình lớp mười. Từ nãy đến giờ, cháu nói chuyện như thế có nhanh quá không?– Lộc Biếc cố tránh hai chữ “giảng bài” –.

- Không, như vậy là vừa. Cô giáo cứ tiếp tục cho.

Lộc Biếc lại trình bày tiếp. Trước khi vào bài học, cô đã đề nghị ông Binh chia vở ra làm hai, không kể lề vốn là một đường kẻ đỏ mờ. Một bên, cô đọc để ông ghi dàn ý của bài giảng. Không phải đọc hết, ghi hết một lần, cô vừa giảng vừa nhắc ông ghi các tiêu đề, các ý chính. Một bên khác, cô theo dõi cách ghi thêm những gì ông lưu ý trong bài giảng của cô. Lộc Biếc muốn kiểm tra một cách tế nhị sự tiếp thu của ông Binh, xem ông nhạy cảm với điều gì nhất, để từ đó cô rút kinh nghiệm, dạy sát hợp với trình độ và tuổi tác của ông hơn. Cô cảm thấy mừng vì sẽ không vất vả lắm cho cả hai người. Kiểu chữ của thế hệ ông Binh khá rõ nét, Lộc Biếc đọc ngược vẫn đễ dàng.

- Thưa bác, như cháu đã trình bày, chữ quốc ngữ với hai mươi bốn chữ cái La Tinh có thuận lợi hơn chữ Nôm của ông cha mình không?

Ông Binh gật đầu:

- Rất thuận lợi. Cố gắng một tuần là đọc thông viết thạo

- So với các nước láng giềng, dân tộc mình hơi … lạ đấy.– Lộc Biếc mỉm cười –. Nhật, Nam – Bắc Triều Tiên, Thái Lan, Căm-pu-chia … vẫn giữ “chữ Nôm” của dân tộc họ. Lào cũng thế … Bác nghĩ sao ạ?

Trầm ngâm một lát, ông Binh hơi ấp úng:

- Cũng lạ thật. Chẳng lẽ …

- Trong quá trình bị thực dân, một số nước không sử dụng cả tiếng nói lẫn văn tự của nước họ trong hành chính, ngay trong giao dịch hàng ngày nữa, như Ấn Độ, Phi-líp-pin … Họ dùng tiếng Anh!

Ông Binh buông bút, bóp tay vào trán:

- Ấn Độ là nước cực kì văn minh kia mà!

- Vâng. Văn minh Ấn Độ lan tỏa khá rộng, cũng như La Mã, Ai Cập, Hy Lạp, Do Thái ở châu Âu, châu Phi và Trung cận Đông. Cũng như Trung Hoa, Ấn Độ là cái nôi văm minh của châu Á.

- Nhưng sao lạ thế?– Ông Binh nhíu mày, trong ánh mắt ông có một tia lửa lóe lên –. Mất gốc à?

- Cháu không dám lạm bàn. Chữ Pháp, chữ Anh, chữ Nga, chữ Đức, chữ Tây Ban Nha  … cũng là các dạng chữ nôm của các nước châu Âu ấy. Họ vay mượn bộ chữ cái La Tinh, Ả Rập để kí âm. Nhật, Triều Tiên, Việt Nam mượn các kí hiệu văn tự của Trung Hoa để ghi tiếng nói của dân tộc. Cũng tương tự thế, chữ Phạn đã được Thái Lan, Căm-pu-chia vay mượn. Tạm nói giản đơn như vậy.– Cô tiếp –. Tiếng nói và chữ viết! Tiếng nói là hồn nước, là di sản của cả dân tộc, hàng nghìn năm …

- “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn” …  “Tiếng ta còn, nước ta còn” … Tôi nhớ không chính xác, hồi xưa, Phạm Quỳnh có viết đại để như vậy.– Ông Binh buột miệng, ngắt lời Lộc Biếc –.

- Đó là một vấn đề. Nước mất dài lâu, dân tộc bị đồng hóa, bị cai trị suốt nghìn năm, tiếng nói dân tộc vẫn tồn tại. Không những tiếng nói vẫn tồn tại mà dân tộc ta còn biết tiếp thu và phát triển vốn từ vựng một cách rất phong phú, cực kì tinh tế. Nước ta trước Cách mạng Tháng tám, vẫn dùng chữ Hán nhưng ngôn ngữ hàng ngày trong giao dịch vẫn sử dụng tiếng Việt; hơn nữa, còn đọc chữ Hán theo cách Việt, đồng thời sáng tạo và sử dụng chữ Nôm. Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm … được viết bằng chữ Nôm. Sau này, Pháp lại buộc dùng tiếng Pháp và chữ Pháp … Chữ Nôm, ấy là thành quả của trí tuệ dân tộc, vẫn bị bị một bộ phận người vong bản trong nước xem “nôm na là cha mách qué”!?! Đó là vấn đề chữ Nôm.– Lộc Biếc ngừng lại, nhìn ông binh ghi –. Còn câu nói của Phạm Quỳnh, cháu nghĩ thế này. Truyện Kiều, tuy là tinh hoa của tiếng ta và chữ Nôm, vẫn chưa phải là “từ điển” (kho từ vựng) chữ Nôm đầy đủ. Chữ còn, tiếng còn nhưng nước mất vẫn cứ mất. Nếu cứ mất như thế, rất nguy hiểm, có nguy cơ mất cả chữ lẫn tiếng, như Do Thái chẳng hạn … Nhắc đến Do Thái cho dễ thấy, chứ Do Thái còn khá, còn phục hồi lại được. Nhiều dân tộc có quốc gia hẳn hoi vẫn mất … Phải cứu nước, để còn tất cả, trong đó có tiếng nói dân tộc, chữ viết dân tộc. Câu nói của Phạm Quỳnh, có người phê phán là tay sai, mị dân, hay tiêu cực (chấp nhận sống dưới gót giày thực dân “bảo hộ”) … Thưa bác, thế hệ bác đã cứu được nước, đánh đổ được chữ Hán lẫn chữ Pháp khỏi vị trí thống trị của chúng. Thế hệ chúng cháu xin nhớ ơn.

Cả ông Binh lẫn Lộc Biếc đều sững người. Ông Binh chớp chớp mắt. Lộc Biếc cũng không ngờ đã thốt ra một lời nhớ ơn, biết ơn đậm đà đến vậy, như một tình cảm hồn nhiên từ vô thức.

- Trở lại vấn đề chữ quốc ngữ với mẫu tự La Tinh: cái “lạ” của dân tộc mình, thưa bác, có lạ không?

- Không. Cô giáo đã khảo sát qua nhiều dân tộc, Anh, Pháp, Mỹ … với chữ của họ. Riêng so sánh với các nước láng giềng, quả hơi “lạ”. Nhưng vậy thì dễ học, dễ đọc, mình vẫn giữ được hồn nước.

- Bác có nghĩ rằng, với chữ quốc ngữ với mẫu tự La Tinh, mình đã li khai, thoát khỏi sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa để độc lập hơn không?

- Tôi chưa nghĩ …– Ông Binh ngập ngừng –.

- Có thể đó là một biểu hiện của sức mạnh Việt Nam, một phản ứng văn hóa, theo tinh thần Nguyễn Trãi,  “Nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu; núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc, Nam] cũng khác” .– Lộc Biếc chú thích với giọng nhỏ hơn –. Ở đây, Bắc là Phương Bắc, tức Trung Hoa; Nam là Phương Nam, tức Việt Nam. – Cô nói tiếp –. Đó chỉ là phản ứng văn hóa, chứ không phải theo Tây. Phải xét phản ứng ấy trong điều kiện cụ thể – lịch sử. Chưa dân tộc nào chống Tây kịch liệt, lâu dài như Việt Nam. Mượn Tây chống Tàu, mượn Tây chống Tây, để Việt rất Việt, trong thế đứng của mình, ở châu Á và trên thế giới.

Ông Binh gật gù:

- Thế hệ chúng tôi chỉ biết hành động theo lòng yêu nước. Chính ý thức độc lập, tự do đã dẫn dắt như vậy. Tôi cũng không hiểu hết …– Ông nói chân thành –.

- Không ai hiểu hết tiềm lực của mình.– Lộc Biếc kết luận –. Chúng cháu cảm ơn bốn nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam ta. Cháu cảm ơn bác.

Ông Binh ngơ ngác, sững nhìn cô giáo trẻ.

Cô nhìn vào đồng hồ đeo tay của ông Binh, thấy đã hơn chín giờ tối. Ngoài trời tối đen và chắc khá lạnh. Cô cũng cảm thấy hơi mệt, vội nói:

- Thưa bác, tạm ngừng ở đây. Xin bác lưu ý lại nguồn gốc của tiếng nói các nhân tộc nói chung, trong đó có nhân tộc Kinh chúng ta, theo quan điểm duy tâm và duy vật. Xin bác lưu ý thêm vấn đề chúng ta mới mở rộng, đó là chữ quốc ngữ. Lần sau, bác cháu mình sẽ nhắc lại chữ viết thời Hùng Vương, cả nguồn gốc chữ quốc ngữ theo chữ cái La Tinh, để bổ sung vào vấn đề mới bàn. Xin phép bác cho cháu về lại nhà tập thể.

Ông Binh cảm ơn cô giáo, tiễn cô ra tận ngõ. Lộc Biếc thấy ở khu trung tâm vẫn còn ánh đèn le lói qua các kẽ ván. Gió khuya thổi lạnh buốt. Nền trời đầy sao sáng, nhấp nhánh, xanh biếc. Cô nảy ra ý định sẽ nhờ Hoán, trong chủ nhật tới, sẽ mua giúp cô một cây đèn pin ở Đa Công. Cô mỉm cười hình dung một người cầm vầng trăng thu nhỏ đi trong đêm. Bỗng dưng cô nhận ra hình như cô đang có cảm giác cồn cào của người đói bụng, ngực khao khao rất lạ, có lẽ là cảm giác mệt của người thiếu dinh dưỡng, lao tâm. Lộc Biếc vẫn bước trong đêm một mình. Cô sực nhớ người anh với cô em gái trong một bài thơ của Giang Nam,  “Nghe tin em vào đại học” . Mới cách đây một tiếng rưỡi đồng hồ, cô đã muốn trào nước mắt trước mái tóc bạc cúi xuống ghi chép bên ngọn đèn dầu của ông Binh, người đã trải qua hai mùa kháng chiến. Không, không chính xác đâu, những trên ba mươi năm dằng dặc! Hai mùa, đó là chữ của tâm lí, của tu từ. Tóc đã bạc, đã thưa, đã vào thu. Còn tháng giêng trong mùa thu không? Cô khẽ buột miệng: bác Binh ơi … Khát vọng học hành thời tuổi trẻ sống lại trong cụ già đã sáu mươi ngoài có làm xanh lại mái tóc hay chóng úa bạc hơn? Lộc Biếc lặng lẽ bước trong đêm một mình. Gió khuya thổi lạnh buốt. Đâu đó có tiếng chó sủa. Cô vẫn bước. Lộc Biếc chợt cảm thấy xấu hổ khi nhận ra mỗi lần nhớ đến miếng ăn, cô lại nhớ mẹ! Lúc này, cô cũng nhớ thành phố Hồ Chí Minh, nhưng mắc cỡ quá, vì nỗi nhớ chỉ hướng về tô hủ tiếu bốc khói về đêm ở đầu hẻm gần nhà! Lộc Biếc bước về nhà tập thể với những ý tưởng không đầu không cuối.

Chợt Lộc Biếc đi nép vào hàng hiên của dãy nhà liền căn, vì nhác thấy hai bóng người đi tới.

- Lộc Biếc đó phải không?– Một giọng Đà Nẵng –.

- Anh Huyện! Lộc Biếc đây!– Cô reo lên –.

- Hai anh em đi đón đồng chí cô giáo đây. Dạy bổ túc có vui không?– Huyện thân mật –.

Lộc Biếc cười mừng rỡ:

- Em dạy đại học bằng chương trình lớp mười! Thật đó, không phải “đại học chữ to” đâu! – Cô cười khúc khích với niềm tự hào rất đỗi sinh viên –. Ý tưởng lại rất riêng!

Khoai ứa nước mắt trong bóng tối. Hai chữ “Lộc Biếc” ngọt và cay trong miệng anh. Cô gái anh đau đớn yêu thương không buồn để ý đến anh, kẻ đang đứng bên Huyện sao!

Đang đi về, cô bỗng vỗ tay vào sách vở:

- Ồ, em quên vấn đề quốc tế ngữ mất!

 

 

( xem tiếp phần 5 )

 

 

Trở về trang chủ

 

THÔNG BÁO

            Cập nhật: 06/30/09

          

            (tháng / ngày / năm)

 

 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7