d. Bài 4-Tl.2 - Trần Xuân An -- Vài lời - "Toàn bộ phỏng vấn với cựu TT. Võ văn Kiệt" trên BBC

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

MỘT CUỘC TRẢ LỜI PHỎNG VẤN

ĐỀ CẬP ĐẾN VẤN NẠN NHỨC NHỐI CỦA NHỮNG NGƯỜI CẦM BÚT

 

Vài lời của người đọc và nghe

“Toàn bộ phỏng vấn với cựu TT Võ văn Kiệt”

trên BBCVietnamese.com

 

 

Nên chăng có một bộ sử giai đoạn 1930 – 1945 – 1954 – 1975 – 1989 và các tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh giai đoạn lịch sử ấy, theo tinh thần cuộc trả lời phỏng vấn của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt? [*]

Như đã tôi đã viết, các nhà văn (nói chung, đúng hơn là các nhà văn học [**]) có bản lĩnh, từ xưa đến nay, tự biết mình phải viết gì, không nhất thiết làm hèn mình đi, như phải dựa dẫm vào ý kiến các nhà lãnh đạo chính trị đương quyền hay đã hưu trí. Tuy nhiên, ở nước ta, chúng ta cần tham khảo để có thể xuất bản chính thức với dạng sách in giấy và khỏi bị gây phiền nhiễu bằng những cách thức công khai cùng thủ đoạn không quang minh chính đại của công an.

Thiết tưởng cũng cần nói rõ hơn: Cần phải có văn bản có giá trị pháp lí; chứ lời phát biểu có tính chất “dân vận”, “trí vận”, “đối ngoại”, “xã giao”, “nói vậy nhưng không phải làm vậy”, “hoà giải không phải vì dân tộc, đất nước mà chỉ vì mục đích củng cố chính quyền vững mạnh hơn, tranh thủ cảm tình của thế giới, vô hiệu hoá các phần tử chống đối trong và ngoài nước”, cũng chỉ dành cho quần chúng ngây thơ mà thôi! Mặt khác, một khi viên chức các cấp chính quyền, toà án có văn bản chủ trương, nghị quyết với nội dung như thế, họ sẽ “yên tâm công tác”. Nếu có những thế lực đen tối nào (không phải công an chìm, cán bộ có bản chất chuyên chính) gây phiền nhiễu, khủng bố, thì các viên chức thuộc các cấp chính quyền, toà án mới dám bảo vệ công dân – tác giả, mà bản thân họ không sợ bị “mất ghế”.

Nói tóm lại: Phải thấy tận mắt những bộ sử, những tác phẩm văn chương, học thuật, các giáo trình, giáo án, sách giáo khoa theo tinh thần như vậy, và sách phải đi vào đời sống thực sự, chứ lời phát biểu, trả lời phỏng vấn cũng chưa thuyết phục được ai.

Tôi chợt nhớ một câu của Nguyễn Trãi tâu lên hoàng đế nhà Hậu Lê: “Làm sao cho tận thôn cùng xóm vắng, không còn tiếng hờn giận, oán sầu, ấy là gốc của nhạc”. Không có gì chí lí và sâu sắc hơn. Phản ánh đúng sự thật lịch sử (gồm cả tâm tư các bộ phận nhân dân trong quá trình lịch sử), công bằng trong phân tích, nhận định hiện thực – lịch sử (ai có tội phải ghi tội, ai có công phải ghi công), đó là căn bản của văn học nghệ thuật và sử học cũng như các ngành khoa học xã hội, nhân văn khác. Nhân dân chỉ hờn giận, oán sầu khi văn chương, khoa học xã hội bị viết lệch, bị cắt xén, bị xuyên tạc phía này, tô hồng phía kia…

Hi vọng những Nguyễn Trãi thời nay có lẽ không bị tru di tam tộc.

Trần Xuân An

15-5 HB7 (2007)

Bài đã đăng trên BBCVietnamese.com:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2007/05/070516_tranxuananhistory.shtml 

 

[*] Trong chú thích này, chữ màu mực nâu là các câu, đoạn trích nguyên văn bài lược thuật cuộc phỏng vấn; những câu màu mực đen là của tôi (TXA.):

"Kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù Việt Nam là Mỹ sau này, kẻ thù Việt Nam là Trung Quốc đánh biên giới phía bắc, chúng ta cũng khép lại quá khứ được, thì tại sao chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy mà lại cứ đố kỵ lẫn nhau''.

Khép lại quá khứ nghĩa là sử học cũng khép lại, cũng đóng băng? Tôi nghĩ không nên như vậy, mà cần nhận thức rõ hơn thực dân, tả đạo, phát-xít, đế quốc, bành trướng, kể cả Liên Xô, và cần hoà giải dân tộc trên cơ sở nhận thức rõ "quốc gia", "cộng sản" trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Đoạn dưới đây, ông Võ Văn Kiệt chỉ nói trong ngữ cảnh là ứng cử đại biểu quốc hội (2007), nhưng có liên hệ đến thời chiến tranh:

"Trước hết ông bác bỏ quan điểm rằng người cộng sản không yêu nước. Ông khẳng định ông là một "người quốc gia yêu nước đi theo chủ nghĩa cộng sản"".

"Ngược lại, ông Võ Văn Kiệt nói: "Tôi đã đặt vấn đề này và cũng viết trong một số bài rằng có một cách nhìn méo mó từ phía một số người cộng sản rằng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội là đúng, còn những người yêu nước khác mà không yêu chủ nghĩa xã hội thì không yêu nước đủ như mình"".

"Ông nói "Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào"".

"Quan điểm về hòa hợp hòa giải dân tộc và cụm từ thường được gọi là “quốc gia và cộng sản" cũng được ông nói đến".

Người viết bài nêu ý kiến này (TXA.) muốn vận dụng cách nhìn nhận của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt để lí giải cuộc chiến tranh giai đoạn 1930 - 1945 - 1954 - 1975 - 1989. Nên chăng?

Khi đề cập đến mảng văn học Nhân văn - Giai phẩm và văn học Miền Nam (1954-1975), cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt còn nói đến việc đánh giá lại. Vậy, nên chăng, phải viết lại văn học sử giai đoạn ấy?

[**] Ở đây chỉ nói riêng các nhà văn học. Tất nhiên các nhà sử học càng cần phải bản lĩnh.

 

 

Toàn bộ phỏng vấn với cựu TT Võ văn Kiệt

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/05/070514_vovankiet_part_3.shtml

Kí giả Xuân Hồng thực hiện

 

 

Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, vị thủ tướng của những năm đổi mới đầu tiên ở Việt nam đã có ý kiến chính thức với lãnh đạo đất nước là nên đối thoại với những người bất đồng chính kiến.

 

Phóng viên Xuân Hồng của BBC

phỏng vấn Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Sài Gòn hôm 17.04

 

Ông nói rằng "chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng".

Ông cũng nói thêm chính phủ không nên áp dụng "biện pháp hành chính đi đầu" với họ, trừ phi là" con người hoặc sự việc đó có nguy hại đối với đất nước, nhưng không được quy chụp người ta".

Ông nhận xét rằng dân chủ tại Việt Nam đã có những bước phát triển tốt, nếu tính tình hình đổi mới từ đầu vì người dân phê phán mạnh hơn các sai trái của các người cầm quyền.

Ghi âm phỏng vấn:

Phần một cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt

Phần hai cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt

Phần ba cuộc phỏng vấn với ông Võ văn Kiệt

 

Trong cuộc phỏng vấn dài, ông Võ Văn Kiệt cũng đề cập tới cuộc bầu cử quốc hội hiện nay.

Ông nói: "Tôi và một số không ít anh em khuyến khích là nên có đổi mới, khuyến khích có tình trạng tự ứng cử để cho các ứng viên có trách nhiệm ".

Ông Kiệt nói: "Một quốc hội có người tự ứng cử và được dân bầu lên một cách tự do sẽ tốt hơn quốc hội bây giờ".

Ông Võ Văn Kiệt khiêm nhường nói rằng ông có trách nhiệm thi hành chính sách đổi mới, chứ nhất mực không nhận là kiến trúc sư của đổi mới.

Theo ông, kiến trúc sư đổi mới chính là Bộ Chính trị Trung ương Đảng mà ông là một thành viên.

 

Tổ quốc [không -- TXA. chua thêm] là của riêng ai

Ông cũng khẳng định: "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả"

Trong một cuộc phỏng vấn dài với BBC, ông Kiệt nói Việt Nam nay đã bắt tay với tất cả các kẻ thù trong quá khứ và không có lý do gì người Việt không thể cùng ngồi lại.

''Hơn 30 năm rồi, năm nay nữa là 32 năm, không có lý do gì giữa chúng ta với nhau không hòa giải được.

''Kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù Việt Nam là Mỹ sau này, kẻ thù Việt Nam là Trung Quốc đánh biên giới phía bắc, chúng ta cũng khép lại quá khứ được, thì tại sao chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy mà lại cứ đố kỵ lẫn nhau.''

BBC trích riêng để nhấn mạnh: ''Tôi có ba cháu trai, mất đi hai cháu trai trong thời chiến. Ba cháu gái mất đi hai cháu, cũng trong thời chiến" -- Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Trong phỏng vấn với Xuân Hồng của đài BBC tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng Tư thứ 32 kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, ông Kiệt cũng nói về những mất mát trong chính gia đình ông:

''Tôi có ba cháu trai, mất đi hai cháu trai trong thời chiến. Ba cháu gái mất đi hai cháu, cũng trong thời chiến.

''Và có thể tôi nhắc ông nhớ trong thảm sát ở sông Sài Gòn năm 1966, Mỹ bắn chìm một cuộc hành quân ở vùng Củ Chi đất thép, bắn chìm chiếc tàu Thuận Phong. Trên 100 người trong đó có vợ con tôi, tức là một đứa trai, một đứa gái và vợ tôi.

''Tới bây giờ tôi chưa tìm lại được hài cốt. Có thể một số người dân khác họ bị nạn cũng tương tự như thế.''

Ông Kiệt cũng nói chính trong gia đình ông cũng có những người đứng ở hai bên bờ chiến tuyến do hoàn cảnh bắt buộc như vậy.

Vị Cựu Thủ tướng nói đã tới lúc bỏ lại phía sau những chia rẽ mà ông nói rằng phần nhiều do 'nước ngoài' can thiệp gây ra.

 

Nhiều đường yêu nước

Nói đến cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, ông cho biết ông ủng hộ mạnh chuyện để các ứng viên tự ứng cử và muốn người dân được "tự do lựa chọn".

Ngoài ra, ông hoan nghênh việc người Việt ở nước ngoài có hai quốc tịch và được tham gia ứng cử ở Việt Nam.

Vấn đề định nghĩa thế nào là một người Việt Nam yêu nước cũng được BBC đặt ra với nhà chính trị được nói là tuy nghỉ hưu nhưng vẫn còn nhiều ảnh hưởng.

Trước hết ông bác bỏ quan điểm rằng người cộng sản không yêu nước. Ông khẳng định ông là một "người quốc gia yêu nước đi theo chủ nghĩa cộng sản".

Ngược lại, ông Võ Văn Kiệt nói: "Tôi đã đặt vấn đề này và cũng viết trong một số bài rằng có một cách nhìn méo mó từ phía một số người cộng sản rằng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội là đúng, còn những người yêu nước khác mà không yêu chủ nghĩa xã hội thì không yêu nước đủ như mình".

 

Phóng viên Xuân Hồng & cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt

BBC trích riêng để nhấn mạnh: “Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào”. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ông nói "Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào".

Quan điểm về hòa hợp hòa giải dân tộc và cụm từ thường được gọi là “quốc gia và cộng sản" cũng được ông nói đến.

Về hòa hợp hòa giải dân tộc, ông khen đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 'làm tốt hơn tôi' về vụ nghĩa trang Biên Hòa.

Và cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng kể lại với BBC giai đoạn 10 năm sau 1975 mà ông coi là "có nhiều sai lầm" vì theo một mô thức kinh tế nhất định.

 

Đối với văn nghệ sĩ

Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt nói rằng trong tiến trình hội nhập, thì các văn nghệ sĩ ở miền nam trước đây có tác phẩm "chống đối, không phù hợp hoặc cản trở cho hướng đi lên của đất nước", nay cũng có thể được đánh giá khác hơn.

Ông cũng lấy trường hợp của bốn người có tham gia vào phong trào "Nhân Văn & Giai Phẩm", mặc dù chưa được "phục hồi" nhưng vừa qua đã được thưởng bằng tiền mặt.

Ông Kiệt nói "Có nhiều tác phẩm không [phải không – nguyên văn, theo đĩa ghi âm phỏng vấn – TXA. chua thêm] có nội dung như truớc đây, nhưng cũng đã được xuất bản, vì trong quá trình đi lên, có mặt này, mặt khác trong việc xử lý những văn nghệ sĩ".

Ông bộc bạch: "Nói thẳng với nhau: cũng như những người đối lập bây giờ, có những ý kiến khác nhau, chính kiến khác nhau, thì mình xử lý không được tốt, và phải nhìn lại".

 

Không chấp nhận phá hoại môi truờng (TXA. lược bớt)

[ ….. ]

 

Trong cuộc nói chuyện dài hơn một giờ đồng hồ, ông Võ Văn Kiệt cũng nói đến các nhân vật như ông Nguyễn Hộ và ông Trần Bạch Đằng.

Một kỷ niệm khó quên với Xuân Hồng là dù chính ông Võ Văn Kiệt đã đồng ý để BBC phỏng vấn nhưng phóng viên BBC đã phải mất nhiều cuộc gặp với cơ quan chức năng, mới gặp được ông chỉ một giờ trước khi ra phi trường về Anh.

Kí giả Xuân Hồng thực hiện

_____________________________________

Ý kiến thảo luận của người đọc... (lược bỏ, vì không thể đăng lại trên web này)

TXA. sao chụp lại bài & ảnh, 15-5 HB7 (2007)

 

Xem thêm ý kiến tổng bí thư Nông Đức Mạnh: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/bosung_giaoluu.htm

 

 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

Trở về trang bài mới - sách mới - tin tức mới:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

 

Trở về trang chủ "Web. Tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 15-5 HB7 (2007) = 29-3 Đinh hợi HB7

Có bổ sung chú thích [**], lúc 15 : 30' cùng ngày.

Thêm từ phát-xít và dấu phẩy sau từ đó trong chú thích [*]: 10 : 25', 19-5 HB7.