g. Trần Xuân An - Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tệp 7 / tập I

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

07/01/09

           

 

TẬP I

 

 

Tệp 1

 

Tệp 2

 

Tệp 3

 

Tệp 4

 

Tệp 5

 

Tệp 6

 

Tệp 7

 

Tệp 8

 

Tệp 9

 

Tệp 10

 

Tệp 11

 

Tệp 12

 

Tệp 13

 

Tệp 14

 

Tệp 15

 

Tệp 16

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

 

Trần Xuân An,

nội hậu duệ thế hệ thứ năm.

 

 

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

Xem:

Tạp chí điện tử Giao Điểm tháng 11-2005:          

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm

Blogger (Google) tháng 12-2005

http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/

   & các trang tiếp theo: … 2a … 2b … 2c …

 

 

 

 

TỆP 7

Phân đoạn 2

truyện kí thứ tư

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

PHỦ DOÃN KINH ĐÔ,

NGƯỜI TỰ NGUYỆN TỪ CHỨC,

VÀ BỊ CÁCH CHỨC

 

Truyện kí thứ tư

(phân đoạn 2)

 

     

      6

      Đêm đã khuya, ngồi sau án thư trong tư dinh phủ doãn, nhìn ngọn bấc bên vành đĩa sứ xanh lam, màu men sứ Huế, đang cháy sáng, toả thơm mùi dầu phụng, vị quan tuổi đã bốn mươi hai, suy nghĩ, viết tiếp tập tâu kính đệ trình lên nhà vua. Sau khi nhìn vào mấy cây nến sáp ong đang cắm sẵn trên giá, không nỡ thắp, ông đọc lại những dòng chữ mở đầu:

      “Gần đây ở nơi kinh thành mọi người đều tụ họp kiếm ăn rất nhiều; liền mấy năm mất mùa, lúa chiêm năm nay lại tổn hại, sau này tình hình quẫn bách so với năm ngoái sợ lại tệ hơn. Nếu đợi đói mới cấp nuôi, rét mới cấp áo, không những thế khó làm được chu đáo mà của kho kế tiếp sao được. Vậy nên tính việc cứu giúp từ trước, để cho được tuỳ tiện sinh sống, rồi sẽ bổ cấp thêm” (47).

      Quan phủ doãn Nguyễn Văn Tường viết tiếp:

      “Xin liệt kê 4 khoản sau đây:

1.      Xin cấp cho dân ở ven núi : (sức khắp cho các xã dân, ai có thể đi đẵn củi, đốt than, lấy song, lấy đá được thì cho lĩnh trước tiền gạo; rồi đẵn lấy được bao nhiêu, cho đem về [quê – ct.] quán mình, tuỳ tiện chứa tạm; cứ mỗi tháng hai (2) lần, các công cuộc sở đều phái thuộc hạ, hội đồng với Nha Phủ doãn, tới nơi, chiểu theo giá chợ cho cân thu, khấu trừ tiền thuê thuyền để chở về; cốt trong một tháng tính xong các khoản).

2.      Xin cấp cho dân đánh cá ven biển: (các xã khai rõ số dân nghèo, lượng cấp cho tiền vốn công, hoặc gạo, khấu thành tiền độ ba, bốn trăm (300, 400) quan, để nhờ đó mua chài lưới; nhưng chia làm hai (2) thành, mỗi năm đệ nộp một (1) thành; trong hai năm, phải nộp đủ số cho vay trước).

3.      Xin cho ruộng của các xã đã cầm cố trả về dân để cày cấy: (phàm các xã có ruộng đất công, theo lệ quân cấp, nếu có người đem cầm cố cho nhà giàu, xin sức giao trả xã ấy; hoặc về kỉ phần của binh dân, đều chia ra cùng cày cấy trong một (1) năm; vụ hạ sang năm, gạo ăn của dân hơi thư, lại giao trả tài chủ nhận để cày cấy, khấu trừ đi. Hoặc tài chủ người nào đã có ruộng đất tư từ 5 mẫu trở lên, thì các số ruộng đất công lấy cầm ấy phải trả lại tất cả cho binh dân không có công nghiệp riêng; cùng là tài chủ có một, hai (1, 2) mẫu riêng, mà lấy cầm ruộng công số nhiều, thì liệu để lại số ruộng công cùng với [số – ct.] ruộng tư vừa đủ số năm (5) mẫu thôi, còn thì cũng châm chước giao trả lại để đều cùng giúp đỡ nhau; hạn trong một (1) tháng phải giao trả, chia cấp cho xong việc để kịp thời vụ. Nếu còn giấu giếm, chiếm đoạt, cho dân tố giác ra, chiểu luật “vi chế” [trái chế thư] gia thêm bậc lên mà trị tội. Lại sau khi quân cấp, bọn binh, dân không đủ sức cày ruộng, gieo mạ cấy thì cho tuỳ tiện để người có của đứng lĩnh canh gặt rẽ chia đôi; hoặc do Phủ châm chước cấp cho tiền gạo, tới kì lúa chín thu nộp).

Ba đều trên [xin – ct.] đều sao lục, ở đạo Quảng Trị theo đó mà làm.

4.      Xin dời huyện lị Hương Thuỷ làm ở nơi khác: (Hương Thuỷ, Phú Lộc [là – ct.] hai (2) huyện đường sá dài suốt; những dân ở núi, ở biển thuộc huyện Phú Lộc, đến huyện Hương Thuỷ, đường sá xa cách; các việc cứu giúp và khẩn yếu, thế khó kiêm coi được cả hai. Nay xin dời huyện [lị] Hương Thuỷ đến xã Sứ Lỗ Đông, cho đường thuỷ, đường bộ được tiện, mà đường đi được vừa đều. Cho huyện Hương Thuỷ kiêm nhiếp huyện Phú Lộc mới đúng)” (47).

      Mãi đến trống canh ba, ông mới xếp lại tập tâu đã ráo mực, vén tay áo rộng, dùng tay quạt tắt bớt một ngọn bấc đèn. Phủ doãn Nguyễn Văn Tường quay mặt lại, bảo người lính hầu cận vốn đứng im phía bên trái, từ đầu hôm đến giờ, cầm dĩa đèn còn lại, soi đường. Ra hành lang, người lính thắp cây đèn lồng, tắt dĩa đèn. Ông và hai người lính bước theo con đường lát gạch có mái che, nối từ thư phòng sang nhà ở. Trước khi từ giã hai người lính, quan phủ doãn bước ra sân đang thơm phảng phất hương hoa, ông nhìn lên vòm trời cao, phóng tầm mắt trông những vì sao cuối xuân, sắp vào hạ, lấp lánh sáng. Ông cảm thấy hơi nhẹ lòng một ít, nhưng vẫn còn nỗi băn khoăn, không hiểu nhà vua có chuẩn cho hay không, và Viện Cơ mật có đồng thuận với ông không.

      Mặc dù vua Tự Đức là một người cần mẫn, có nhiều đêm thức đến canh tư để phê duyệt, có khi lời châu phê dài hơn cả lời tâu, quan phủ doãn cũng phải đợi đến ba hôm sau, bởi lẽ Viện Cơ mật đã phải bàn luận đến hai hôm. Ông nhận được tập tâu sao lục, sao lục cả lời châu phê, từ Nội các chuyển về. Ông chỉ được nhà vua và các đại thần chuẩn y và nhất trí một số ý tưởng. Vua phê bút son đỏ: “Cấp tiền gạo, dời huyện lị, cốt dân có chỗ trông nhờ được, quan không hư phí, không để thêm bận giấy tờ thì mới tốt. Về khoản ruộng công, thực là tệ hại đã lâu, nhưng dân tình chưa rõ, khó khinh suất mà cho được” (47). Vua bèn sai bộ duyệt lại. Bộ Hộ, thượng thư là Phan Thanh Giản, cho là: “Về khoản trả lại ruộng cầm cố cho dân cày cấy, chỉ thêm sinh sự làm hại dân thôi”(47). Rồi không thi hành (47)!

      Quan phủ doãn Nguyễn Văn Tường thất vọng. Ông đã đội nắng dầm mưa đi thăm xét tình hình nhân gian, về tổng hợp lại những gì mắt thấy tai nghe, suy nghĩ trắng đêm, viết nên những kiến nghị ông nghĩ là rất phù hợp với thực tế, với lòng dân, đặc biệt là với đại đa số dân nghèo, đói kém, “tháng ba, ngày tám” giáp hạt. Thế mà ý của Bộ Hộ cho rằng tập trung ruộng công điền cho tài chủ (địa chủ) lại tốt hơn, thây mặc dân nghèo và neo đơn! Phủ doãn chỉ biết thở dài!

      Nhưng sau đó vài hôm, nghe đâu, đến tháng sáu sắp tới cũng định lại lệ chia đều ruộng công, trong hạn định 3 năm hoặc 6 năm (48).

 

      7

      Sang tháng tư nguyệt lịch, phủ doãn Nguyễn Văn Tường lại theo sự chuẩn y của vua, cho khoi lại sông Vĩnh Định, con sông từ Huế chảy ngang qua Quảng Trị. Khúc  ở Quảng Trị ấy, quãng Kim Giao, Hội Yên cứ bị cát dưới lòng sông đùn lên, khiến thuyền đò hay bị mắc cạn! Nhân công lần này đến ba ngàn người (3.000) với tiền công mỗi người mỗi tháng ba quan tiền, một vuông (phương) mười lăm bát gạo (49)! Quan phủ doãn cũng nghe tin vua chuẩn bị gợi ý cho Nguyễn Bỉnh và thám hoa Nguyễn Đức Đạt ra khám và dựng bia đá có khắc bài văn lưu niệm cho lần khoi sông Vĩnh Định này (50)! Tháng sáu, ông đích thân ra tận nơi để thăm xét sông Vĩnh Định và khích lệ việc trị thuỷ, chống lũ và úng nước ở các chân ruộng sâu (51).

     Sau khi viết thêm tập tâu xin vua ngăn thuyền Quảng Nam ra buôn gạo Thừa Thiên kẻo dân kinh sư đói kém, với ngầm ý vượt phạm vi quản lí là xin cho thuyền vào Vĩnh Long buôn gạo ra. Nam – Ngãi đói, Thừa Thiên – Quảng Trị nào phải không thiếu ăn! May thay vua đã chuẩn với vốn công được cấp (52). Làm quan, không gì thường xuyên thao thức bằng lo cho dân đủ no, khỏi rét!

      Mấy tháng trước, mới chẩn cấp cho dân Thuận An, và cả dân An Cư (ở chân núi Hải Vân, Thừa Thiên) bị giặc biển cướp bóc, đốt phá (53), nay giặc biển còn cả gan vào cướp đồn Tư Hiền (Thừa Thiên)! May thay đề đốc Nguyễn Cửu Lễ và phủ thừa Vũ Khắc Bí phục kích, bắn dẹp được (54). Chúng bỏ chạy thục mạng.

      Nhưng một điều hệ trọng nhất còn phải lo cho dân, ấy là dân khỏi bị quan thuộc cấp nhũng nhiễu. Tri huyện Đăng Xương là Trần Cương cùng bố là Trần Kinh lại bức dân chiếm của, ngay lập tức bị tâu hặc. Vua cách chức, giáng phạt và truy xét cả người tiến cử (55)! Quan phủ doãn Nguyễn Văn Tường cảm thấy mừng vui vì huyện quê nhà thoát khỏi một tri huyện như thế, tri huyện ấy lại trực thuộc Phủ Thừa Thiên!

     Những công việc của một phủ doãn đã giúp ông hiểu từng miếng ăn, manh áo của người dân kinh sư suốt những ngày “hậu chiến”, “hoà bình” trong thất bại, phải nhượng bộ kẻ thù Tây dương, lại gặp phải tình cảnh thiên tai dịch lệ, muà màng thất bát, khốn khó này.

 

      8

      Sáng tinh mơ ngày gần cuối tháng mười nguyệt lịch, người dân kinh thành Huế nghe tiếng trống báo hiệu có phiên thi hành án đại hình. Đặc biệt, tiếng trống ở pháp trường Bắc Dã (An Hoà), phía ngoài cửa bắc, thật dồn dập.

      Hôm nay là ngày xử tội tên đầu sỏ Pierre Tạ Văn Phụng (Phê Rô Phượng), người huyện Thọ Xương, Hà Nội, đã được các tên thực dân cố đạo, vốn đội lốt một tôn giáo có tên gọi là Gia Tô, đưa sang Pénang (thuộc Mã Lai) để đào tạo. Mấy năm trước, chúng định sai tên Phụng này đánh phá Đà Nẵng. Nhưng Đà Nẵng không có mấy dân đạo nhẹ dạ theo giặc Tây dương, chúng liền đưa tên Pierre Phụng ra Bắc Kì, bảo y đội cái tên của một hậu duệ vua Lê là Lê Duy Minh, hoặc Lê Bảo Phụng (56).

      Tên Pierre Phụng, sáng nay, bị thi hành án cùng các tên trọng phạm khác: Nguyễn Đình Ước (Quảng Yên), Lê Bá Đức (châu Tiên Yên, Quảng Yên), Vy Xuân (phủ Hải Ninh, Quảng Yên), Phan Văn Khương (Hải Dương). Cả năm tên đều bị lăng trì xử tử. Tên trọng phạm thứ sáu là Nguyễn Văn Niên (Thanh Hoá) cùng hai mươi chín (29) tên đầu mục ngụy khác đều bị xử chém (56).

      Bọn giặc theo đạo Gia Tô này đã từng được cố đạo Trường (Legrand de la Liraye) và tên Charles Duval làm quân sư, cố vấn, quấy nhiễu hung bạo nhất ở Bắc Kì, để cùng với sự tấn công đánh chiếm của lực lượng hải quân viễn chinh ở Đà Nẵng, Nam Kì, thực dân Pháp, Tây Ban Nha làm sức ép buộc triều đình kí “hoà” ước Nhâm tuất (1862). Bọn ngụy ấy đã bị Charles Duval và cả cố đạo Legrand de la Liraye bỏ rơi sau khi chúng đã đạt mục đích tạm thời. Sau đó, bọn Pierre Tạ Văn Phụng này đã bị quân binh của tổng thống quân thứ Nguyễn Tri Phương ra Bắc thảo phạt. Chúng tan tành giấc mơ “nước Bắc Kì theo Thiên Chúa giáo “được bảo hộ” bởi Tây dương” (56)! Giữa tháng chín trước đây, bọn giặc Pierre Phụng (Phê Rô Phượng) đang lênh đênh ngoài biển, gặp một đoàn tàu thuyền nước Thanh, chúng đánh cướp, nhưng bị phản công. Bấy giờ, sóng gió nổi lên, chúng bị bão cuốn, trôi giạt thuyền bè vào ngay chính địa hạt do phủ doãn Nguyễn Văn Tường quản nhiệm! Những tên đầu sỏ quyền lực nhất, hung ác nhất lại trôi vào cửa biển Hải An (Quảng Trị). Chúng toan vượt lên bộ, tìm đường trốn. Một số tên khác trôi vào đảo Thảo Dữ (Hòn Cỏ, Quảng Bình), cửa Nhượng, cửa Thuận An (Thừa Thiên). Tất cả đều bị quân binh bắt sạch, nhốt vào cũi gỗ, giải về kinh.

      Sau một tháng hơn, tra xét xong, bản án do Bộ Hình và đình thần nghị xử đã thành.

      Lòng căm hận của những người thi hành án lăng trì trút xuống những nhát dao xẻo thịt, cắt da từng miếng nhỏ trong sự gào rú kinh hồn của bọn từng bán nước, giết dân không một chút lương tâm ấy. Máu phun ra, trào ra ướt đẫm!

      Lòng uất hận trút xuống lưỡi đao của các đao phủ thủ: Tên trọng phạm thứ sáu bị chém đầu cạnh đó, như một đặc ân cuối cùng. Hai mươi chín chiếc đầu khác cùng một loạt rơi rụng! Ba mươi cần cổ phụt máu đỏ lòm, tanh tưởi!

      Ngót cả vạn người dân, hôm ấy, còn chứng kiến sáu tên giặc phản quốc thuộc loại trọng phạm bị mổ ngực, bị lấy gan tim, để làm lễ tế chiến sĩ trận vong và bao người dân lành vô tội khác, để tưởng niệm, thương nhớ trong đau xót về đất đai và nhân dân ba tỉnh Miền đông Nam Kì. Sáu bộ tim gan bọn bán nước, tay sai của thực dân và “tả đạo” Pháp, Tây Ban Nha được đựng trong sáu chiếc đĩa lớn, còn tươi màu máu. Đứng gần, có thể thấy hơi nóng thân nhiệt còn bốc lên.

      Nhiều người ngất xỉu vì sợ hãi, khiếp đảm.

      Trong hàng vạn người tham dự buổi hành hình theo quan niệm “lấy ác trị ác” từ thời trung cổ vẫn còn tồn tại đến hiện thời, có những dân đạo và giáo sĩ đạo Gia Tô. Họ làm dấu thánh, để nhớ đến cây thập tự tử hình Chúa Giê Su của người Do Thái! Chúa Giê Su bị đóng vương miện bằng gai nhọn vào đầu. Chúa bị quất bằng roi câu rút, từng miếng thịt da bị giựt rứt. Áo đã khô máu, bết vào da, lại bị lột ra, toàn thân Chúa bật máu. Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự, thoi thóp đến ba ngày, ba đêm trong đau đớn, khát nước đến cháy bỏng họng. Lưỡi giáo “ân huệ cuối cùng” của lính thi hành án xuyên vào hông, đâm thốc lên tim Chúa (57). Với liên tưởng ấy trong đức tin sai lệch, những người dân đạo và giáo sĩ kinh đô Huế làm dấu thánh và khẽ đọc: A-men! Họ nhận thức với niềm tin tôn giáo đã bị các cố đạo thực dân nhồi sọ về Giê Su xứ Na-za-rét của dân tộc Do Thái một cách đảo ngược, đảo ngược hành trạng và ý nghĩa trong sự thật lịch sử Do Thái – La Mã như thế!

      Nắng ở pháp trường Bắc Dã đã lên cao. Gần cả vạn người tập trung theo lệnh các tổng lí và cũng vì căm hận bọn bán nước, tay sai, đến lúc này, một số đã tản về bớt. Những người còn ở lại quanh cánh đồng hành hình còn chứng kiến một đao phủ thủ đã vung đao chém luôn ba thủ cấp lìa khỏi cổ ba xác chết: Pierre Phụng, Ước, Đức, bỏ vào tiểu sành, đặt trong hòm gỗ nhỏ. Theo bản án của Bộ Hình, ba chiếc đầu này sẽ bị chuyển ra Quảng Yên, Hải Dương cho nhân dân ngoài đó hả lòng căm thù và để răn những tên phản quốc khác (56).

      Những người chứng kiến cuộc trừng phạt theo án xử hôm ấy còn được thấy một trăm ba mươi lăm (135) tên phản quốc, được gọi là “giặc theo đạo Gia Tô”, cũng là đồng bọn với hai mươi chín tên đầu sỏ, đầu mục đã đền tội kia. Chúng bị đóng gông, quỳ trên đất mọc lan đầy và xâm xấp cỏ cú, cỏ gà, chứng kiến cuộc hành quyết diễn ra (56).

      Trong những tuần sau, quân binh thuộc triều đình và phủ Thừa Thiên – Quảng Trị còn bắt được nhiều tên đồng bọn “giặc theo đạo Gia Tô” này, con số lên đến năm trăm (500) tên. Chúng được tha chết nhưng phải đền tội với các mức án thấp hơn án tử hình (56).

 

      8

      Quan phủ doãn Nguyễn Văn Tường rời án thư, bước đến bộ trường kỉ bằng gõ (gụ) được chạm trổ rất tinh tế bởi những bàn tay nghệ nhân làng Mỹ Xuyên, một làng nghề truyền thống giáp giới Thừa Thiên – Quảng Trị. Trên mặt bàn, một bộ khay chén trà nạm bạc, được cấp để tiếp khách. Người lính hầu cận hiểu ý, bước đến, bỏ trà vào bình, châm nước.

      Nhấp ngụm trà ướp hương lài đầu tiên, đặt tách xuống, quan phủ doãn cho gọi viên chánh bát phẩm thư lại.

      - Bẩm, quan cho gọi…

      - Anh lấy cuốn sổ nhật biên, cho ta xem những đề mục ghi công việc mấy tháng gần đây.

      - Bẩm, vâng.

      Lát sau, viên thư lại trình quan phủ doãn:

      - Bẩm, sổ nhật biên đây ạ.

      - Được, anh để đó.

      Quan phủ doãn mở cuốn sổ khá lớn, đọc và ngẫm nghĩ về những điều lưu ý, những công việc đã và sẽ tiếp tục làm cho hoàn tất:

 

      […] (58)

      Năm Tự Đức thứ mười bảy, Giáp tí (1864):

      Tháng mười: Tham tri Bộ Binh, hiệp lí thuỷ sư Nguyễn Luận (tên cũ trong kì thi hương năm Thiệu Trị thứ nhất [1841] là Nguyễn Văn Tường) trước đây bị Đặng Huy Trước [Đặng Huy Trứ] tâu hặc về tội nhũng nhiễu binh đinh, đòi tiền hối lộ, đến nay tra xét xong, thành án: cách chức cho về sổ dân. Vua sai sao lục bản án chuyển giao cho các doanh vệ để biết, lấy đó làm răn […] (58).

      Năm Tự Đức thứ mười tám, Ất sửu (1865):

      Tháng tư: Phủ thần Thừa Thiên xin đưa Đinh Đạo (Ưng Đạo) và bốn người trong gia đình đến tế mộ thân sinh là Đinh Bảo (Hồng Bảo), vào dịp hài cốt Đinh Bảo được cải táng, để Đinh Đạo trọn tình cha con, và nếu được như thế, cũng là tỏ rõ tình vua ưu ái cho bề tôi […] (59). 

      Tháng năm: 1) Đề đốc Nguyễn Cửu Lễ xin tăng cường phòng thủ mặt biển. Các đại thần Phan Thanh Giản, Đoàn Thọ, Trần Tiễn Thành… đến kiểm xét. 2) Lưu Hội thay Nguyễn Cửu Lễ làm đề đốc kinh thành. 3) Phủ Thừa Thiên sửa lại Trường thi ở cửa Ninh Bắc […] (60).

      Tháng chín: 1) Thị độc học sĩ Phan Trung theo lời dụ của vua ra kinh. 2) Cho người lạc quyên ra làm việc. 3) Phủ Thừa Thiên theo đơn tố cáo, phái người đến khám xét ao sen đã hoá ruộng của Phú Bình công Miên Áo (cha của Vũ Tập [Hồng Tập]), vốn bị con cái bán cho Ninh Thuận công. Kết quả khám xét: Phú Bình công Miên Áo cũng bao chiếm trái phép! […] (61).

      Tháng mười: Vua dụ cho kinh doãn Nguyễn Văn Tường và các tỉnh thần tiến cử người hiền đức, theo câu nói của tiền nhân ngày xưa: “Tiến [cử] được người tài, sẽ được thưởng hậu; che giấu [ém tài], sẽ bị giết” […] (62).

      Tháng mười một: 1) Nuôi tằm ở Thái thường tự. Phủ Thừa Thiên tuyển người. 2) Xin vua đặt chức điển học (đốc học) ở đạo Quảng Trị. 3) Uỷ lạo các buôn làng cống dân ở đạo Cam Lộ, Quảng Trị. 4) Xin phòng kiểm thêm gia đình Đinh Đạo (quan hệ với phò mã Nguyễn Đình Tứ – con trai cựu thượng thư Nguyễn Đình Tân). Đức vua hỏi ý kiến phủ doãn Nguyễn Văn Tường về vấn đề Đinh Đạo. Phủ doãn phụng đáp: Không dám lạm bàn, chỉ xin giảm ở mức chia ghép các người em của Đinh Đạo tại các tỉnh gần… […] (63).

      Tháng mười hai: 1) Về thanh tra, Phủ Thừa Thiên nay thuộc Đạo Kinh kì của Viện Đô sát. 2) Đức vua lấy ý kiến triều thần, phủ, tỉnh, đạo thần về việc cấm hẳn hay đánh thuế thuốc phiện thật nặng (xem như cấm, chỉ người giàu mới hút nổi) […] (64).

      Năm Tự Đức thứ mười chín, Bính dần (1866):

      Tháng hai: Nhân đợt xét công hai khoá, gồm 6 năm (từ năm Tự Đức thứ mười bốn, Kỉ mùi [1959], đến nay): thự phủ doãn Nguyễn Văn Tường mới thăng chức, nên chỉ được thưởng thêm một cấp […] (65).

      Tháng năm: Thừa Thiên và tám (8) tỉnh khác được mùa […] (66).

      Tháng sáu: Đạo đồ Nguyễn Hoằng (người Hương Khê, đạo Hà Tĩnh), vốn biết tiếng Pháp, được điều về kinh đô Huế làm việc phiên dịch […] (67).

      Tháng bảy: Thượng thư Bộ Hộ Phạm Phú Thứ xin đặt chức tuyên phủ sứ ở 4 tỉnh và ở đạo Cam Lộ, Quảng Trị; lại đề xuất: bề ngoài là buôn bán ở thành, ở chợ, bên trong là việc quân; và một số ý kiến khác. Nhà vua chỉ đồng ý đặt tuyên phủ sứ ở đạo Cam Lộ và vẫn đặt lưu quan, còn thế tập thổ tù, phải xem lại […] (68).

      […].

 

      Những công việc của phủ doãn cùng những người đồng sự thật bộn bề, tuy bình thường, ngỡ bình thường đến nhàm nhạt, nhưng cũng có nhiều sự việc cứ ám ảnh mãi không nguôi hoặc trở thành kỉ niệm đáng nhớ, ít ra cũng có thể rút ra nhiều bài học trong việc kinh bang tế thế (sửa nước cứu đời) của kẻ sĩ rời nhà tham dự vào chính trị.

      Quan phủ doãn nhấp thêm một ngụm nước trà, ông suy nghĩ, ôn lại những gì đã tiến hành, giải quyết, những gì đang dở dang, chưa hoàn tất.

      Quan phủ doãn Nguyễn Văn Tường chợt nhớ đến lần gặp hai giám mục Pháp, Phê Chính Hoà (Croc), Ngô Gia Hậu (Gauthier) và giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ với sự hiện diện của hai thượng thư Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ (69). Sắp đến đây, hẳn sẽ còn phải ít nhiều tranh biện, thuyết phục giáo sĩ Nguyễn Hoằng nữa đây! Đức vua Tự Đức đã viết Đạo biện, quan phủ doãn vẫn còn nhớ: “Cái mà người ta gọi là Đạo không có gì huyền bí hết, không phải do thượng đế nào lập nên, mà ấy là theo Tính, theo cái Tính của con người mà trời phú từ thuở sơ sinh: Theo Tính, gọi là Đạo. Nói Tính, ấy là nói luân thường, bởi vậy cho nên ngoài nhân luân ra thì không có Đạo khác, chỉ có Đạo làm người mà thôi. Đạo chỉ có một mà thôi. Còn đạo Lão, đạo Thích, đạo Gia Tô, v.v… là những thứ mà chúng tự tôn là Đạo của chúng, chớ thực ra không phải là Đạo. Những thứ đó không phải là Đạo bởi vì những điều cơ bản mà họ chủ trương, nào tịch diệt, nào vô vi, nào thiên đường, Thiên Chúa, đều không phải là Tính người, đều không phải là luân thường”![…] “… Còn như Gia Tô là hạng người nào mà dám cho mình là Thiên Chúa?”. […] “Xuống trần cứu đời mà chính bản thân mình còn không cứu được thì còn cứu ai?” […] (70). Có những điều nhà vua nói với cách nói đế vương, nhưng ý tưởng bên trong không phải không ít nhiều sắc bén. Ông chưa rõ Nguyễn Hoằng là người như thế nào, liệu có hiểu nổi nhân tính, nhân luân, đạo làm người, tế thế, cứu thế theo quan niệm ít ra là như thế không. Nghe đâu, y tầm thường hơn Nguyễn Trường Tộ, kém xa Trương Vĩnh Kí rất nhiều!

      Lại nhấp một ngụm nước trà đã nguội, quan phủ doãn thấy chẳng có gì phải tranh luận vì cái chính là vấn đề chúng cướp nước, cướp dân và ta đang mất ba tỉnh Nam Kì, mất một bộ phận dân theo “tả đạo” ngay ở Trung Kì, Bắc Kì! Sự thật đó chưa đủ sáng mắt ra sao, còn gì để tranh luận nữa! Cướp nước là cứu thế ư?

 

      9

      Sau ba ngày mở đàn chay, buổi tối cuối chưa trả lại sự yên tĩnh thường ngày của sân chùa Pháp Vân. Hơn một trăm dân phu và nhiều đạo hữu vẫn còn chờ tuần kinh giải đàn khuya nay. Thật ra, Đoàn Trưng (71) và những người trong nhóm đứng đầu Đông Sơn thi tửu hội của ông đã lặng lẽ rời chùa. Năm người chia ra ba đường khác nhau nhưng cùng hẹn đến nền làng cũ Dương Xuân Thượng, một làng mà dân cư đã dời đi định cư nơi khác. Đất làng trở thành chỗ xây dựng lăng Vạn Niên. Nơi đó trở thành một công trường với tên gọi dân gian là “xưởng thợ”, có hàng ngàn thợ giỏi đang thi công.

      Vạn Niên cát địa đã được chuẩn định từ tháng chín Giáp tí (1864), đến tháng mười một, “xưởng thợ” bắt đầu khởi công (72). Như thế là đã hai mươi mốt tháng đổ mồ hôi, sôi nước mắt, nắng lửa, mưa dầu, gió buốt như dao cắt!

“Vạn Niên là Vạn Niên nào

Thành xây: xương lính! Hào đào: máu dân!”

      Năm nay, đã là năm Tự Đức thứ mười chín, Canh dần (1866).

      Vầng trăng tháng tám khuya mùng tám, gần Tết Trung thu, đã lặn sau những rặng núi phía tây. Theo hiệu lệnh đã bàn trước, trong số hàng ngàn người thợ, có cả vài trăm người bỗng cầm lấy khí giới vốn đã được cất giấu bí mật, và sẵn sàng tuân theo lệnh Đoàn Trưng.

      Một người thi lễ với một chân quỳ, một chân ở tư thế chuẩn bị đứng dậy, dâng bằng hai tay một thanh gươm lệnh cho Đoàn Trưng. Ông nhận lấy, rút ra, lưỡi gươm sáng quắc, với giọng nói cũng rất đanh thép:

      - Hãy nghe ta truyền sắc chỉ! Bắt lấy hai tên thống chế Nguyễn Văn Xa, biện lí Nguyễn Văn Chất! Ta tuân sắc chỉ đến đây để trói Nguyễn Văn Xa, Nguyễn Văn Chất, giải về, chờ lệnh của hoàng tôn Ưng Đạo. Sáng mai sẽ làm lễ đăng quang! Hoàng tôn Ưng Đạo là vị tân hoàng đế sẽ được tôn lập của nước Đại Nam! Ai kháng chỉ sẽ bị xử tử! Ai tuân lệnh sẽ được thưởng hậu!

      - Xin tuân chỉ! Xin tuân lệnh truyền! – Nhiều tiếng đáp khá rập ràng –.

      Nhưng những người thợ bỗng trở thành quân binh ấy chỉ bắt trói được thống chế Nguyễn Văn Xa lúc y đang ngủ ngon giấc. Họ để sổng mất Nguyễn Văn Chất, tên biện lí hà khắc, tàn nhẫn với thợ thầy nhất. Vài trăm người vốn được vận động trước cùng với ba anh em họ Đoàn (Đoàn Trưng, Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tú [Tư] Trực), Trương Trọng Hoà và Phạm Lương tạo nên một khí thế xốc dậy tinh thần phản kháng của hàng ngàn thợ thầy trên công trường. Hàng ngàn người cầm lấy những gì có thể trở thành vũ khí chiến đấu, trong đó chày gỗ để giã vôi là nhiều nhất. Theo sự phiên chế đã vạch ra trước, những người mới thức tỉnh ngay lúc đó được hướng dẫn bởi hàng trăm người vốn đã được bí mật giác ngộ và liên kết từ lâu. Suất đội Bùi Văn Liệu đã vận động từ lâu hai mươi lính tráng dưới quyền của mình. Lúc này, như bỗng dưng được truyền chất lửa, máu được hâm nóng, suất đội Nguyễn Tăng Hựu, đội trưởng Lê Văn Cơ cùng các biền binh liền ứng nghĩa.

      Hàng ngàn nghĩa binh Chày Vôi chia làm ba đạo quân. Đoàn Tú [Tư] Trực và một thủ lĩnh người làng Dã Lê là Nguyễn Văn Vũ chỉ huy tiền đạo. Chỉ huy trung đạo, không ai khác hơn là Đoàn Trưng, Đoàn Hữu Ái và Phạm Lương. Trương Trọng Hoà và, đặc biệt nhất, nhà sư trụ trì chùa Long Quang là Nguyễn Văn Quý chỉ huy hậu đạo. Ba đạo quân lần lượt vượt nhánh sông Phủ Cam, vốn tách từ chỗ cồn Dã Viên của sông Hương chảy về An Cựu, rồi vượt cả sông Hương, ào ạt tiến lên bờ bắc, ngay trước Phú Văn Lâu. Họ đợi tiếng súng lệnh theo lệ thường, mỗi sớm tinh mơ, lúc bắt đầu canh năm, đều vang lên, báo hiệu một ngày mới, cũng là lúc các cửa hoàng thành trong kinh thành mở cánh. Khi tiếng súng theo lệ thường ấy nổ vang, quân tiền đạo và trung đạo tiến vào cửa Chính Nam, lại sấn vào cửa Ngọ Môn. Nghĩa binh Chày Vôi chia ra hai nhánh, áp sát hai trại binh Cẩm Y và Kim Ngô ở hai bên tả hữu, thu lấy khí giới. Nguyễn Tăng Hựu đoạt được gươm bạc chỉ huy của hai trại binh ấy, và truyền bảo tất cả quân lính hộ thành ở đó phải tuân lệnh, lặng nghiêm. Thống chế quyền chưởng Hữu quân Tôn Thất Cúc, vốn đã bí mật liên kết từ trước, xuất hiện ở cửa đại, ông gặp Đoàn Tú Trực, trao đổi trong chớp nhoáng, liền quay bước vào cửa tả. Đoàn Tú Trực dẫn quân theo. Bất thần, phó vệ uý Nguyễn Thịnh sấn đến. Ngay lập tức, thống chế Tôn Thất Cúc lánh mặt. Chỉ huy sứ Phạm Viết Trang phối hợp với Nguyễn Thịnh đóng cửa, phản công, quyết đánh lùi nghĩa binh Chày Vôi. Nghĩa binh vẫn tiến công, phá cửa, vung gươm chém Nguyễn Thịnh và Phạm Viết Trang bị thương tại chỗ. Nghĩa binh vẫn ào ạt tiến đến nhà Duyệt Thị. Tại đấy, Hồ Uy (chưởng vệ quyền chưởng doanh Long Vũ) liền rút gươm đốc thúc quân sĩ nghinh chiến.

      Đoàn Tú Trực đang so gươm với Hồ Uy. Hai người đang dốc hết những tuyệt chiêu với những đường gươm quyết đốn hạ đối phương. Chỉ một thoáng sơ hở của Hồ Uy, lưỡi gươm của Đoàn Tú Trực đã chém đứt cả vành úp bằng đồng ở chiếc mũ Hồ Uy đang đội, chém phạt một vành tai của viên chưởng vệ ấy. Theo đà, đường gươm ấy bổ xuống vai Hồ Uy, nhưng lần nháng lửa thứ hai này, không thể đủ lực để chém đứt ngù vai cũng bằng đồng của chiếc áo giáp Hồ Uy đang mặc. Máu bắn ra, Hồ Uy hoa mắt, sợ nghĩa binh đột nhập được vào nội cung, vội ra lệnh: “Nội giám đóng ngay cửa Tả Xương!”. Hồ Uy rút vào băng bó để tiếp tục phản công.

      Trong lúc đó, Đoàn Tú Trực phóng đi tìm bắt chưởng vệ Trung quân Đoàn Thọ.

      - Đoàn Thọ đang ở đâu? – Đoàn Tú Trực quát hỏi những người lính –.

      - Bẩm, ở điện Thái Hoà! – Những người lính đáp –.

      Ngay lập tức, Đoàn Tú Trực quay lại điện Thái Hoà. Trên sân ngôi điện lớn nhất (bên trong điện đặt ngai vàng của hoàng đế), hai anh em họ Đoàn, chỉ huy tiền đạo và trung đạo gặp nhau. Lúc ấy, chỉ huy trung đạo Đoàn Trưng đang tập hợp khoảng năm đến sáu trăm nghĩa binh Chày Vôi trên sân điện, xếp theo hàng ngũ. Suất đội nghĩa binh Nguyễn Tăng Hựu lấy mác sắt ở vệ Cẩm Y cắm từng hàng sáng quắc dưới ánh hừng đông mới hé.

      Bấy giờ, phó vệ uý Nguyễn Thịnh cùng cai đội Trần Đức Lý đang quyết giữ cửa nách Ngọ Môn. Chưởng vệ Hồ Uy ra hiệu lệnh cho các quân thuộc đội Thị Vệ, Cẩn Tín, Túc Trực (?) khẩn trương phản công.

      Đoàn Trưng cho gọi đội Loan Giá đem kiệu ra đón rước hoàng tôn Ưng Đạo. Kiệu loan ra đến nửa đường, liền bị Hồ Uy quát mắng: “Phải lui ngay!”. Chỉ vào nghĩa binh, Hồ Uy lại quát: “Lũ ngươi cam tâm theo giặc à?”. Không hiểu sao chỉ với tiếng quát như vậy, nghĩa binh thuộc đoàn đi đón rước tân hoàng đế lại lui tan hết, chỉ còn khoảng ba mươi viên.

      Hồ Uy và cai đội Cáp Văn Sâm rút gươm quyết hạ sát Đoàn Tú Trực. Lần này, không địch nổi, Đoàn Tú Trực đã trúng thương, ngã xuống.

      Không những chỉ Đoàn Tú Trực bị bắt trói, ngay cả Đoàn Trưng cũng không thoát được. Thấy thế bại, Đoàn Hữu Ái chạy vào bếp Sở Hộ vệ rút đao tự vẫn. Quân triều đình truy tìm, bắt được Đoàn Hữu Ái với vết đao đẫm máu. Nguyễn Văn Vũ (đồng chỉ huy tiền đạo với Đoàn Tú Trực) nhảy đâm đầu xuống ao Thái Dịch, tự sát, bị Vũ cử Nguyễn Văn Thích thuộc quân triều đình tức tốc lao theo, bắt được.

      Lúc cuộc tiến công và phản công đang diễn ra, hậu đạo nghĩa binh Chày Vôi, do Trương Trọng Hoà và nhà sư Nguyễn Văn Quý chỉ huy, đã tiến đến bờ nam sông Hương. Sư Nguyễn Văn Quý nghe tin thám báo, biết việc không thành, bèn đi về chùa Pháp Vân, ngôi chùa bạn đồng tu của ông đang trụ trì. Trương Trọng Hoà không được báo tin, vẫn chưa biết, định đem cánh quân nghĩa binh dưới quyền mình vào trại quân doanh Thần Cơ thu lấy khí giới. Hiệp quản vệ Thần Cơ liền lấy áo quan võ và thẻ bài trao cho Trương Trọng Hoà. Sau đó, hiệp quản Vũ Giác đi theo quân nghĩa binh Chày Vôi, đánh trống làm hiệu. Các tướng thuộc quân triều đình, Nguyễn Hùng, Lê Bình đem quân ra khỏi cửa Chương Đức (phía hữu hoàng thành), phối hợp với Lê Sỹ, phản công, truy kích, bắt được Trương Trọng Hoà. Mặt khác, họ phái quân đến chùa Pháp Vân, tìm bắt nhà sư Nguyễn Văn Quý, vốn trụ trì chùa Long Quang, mấy lâu nay tới cư trú tại đấy với hai nhà sư khác, Nguyễn Văn Viên và Nguyễn Văn Lý.

      Các cửa kinh thành và hoàng thành đều bị đóng chặt, toàn bộ quân khởi binh tiến vào thành đều đã bị bắt. Số còn lại, chạy về đội cũ, hoặc thoát về công trường, xưởng thợ ở Dương Xuân Thượng, cũng có một số bỏ trốn, mất tích.

      Lúc trời đã sáng hẳn, nhân dân kinh thành Huế và những nơi lân cận mới được lệnh cho mở cửa nhà. Tin về cuộc đảo chính truyền từ nhà này sang nhà khác, gây nên sự xáo động dữ dội nhất, hơn cả vụ biến Hồng Tập và sĩ  tử trường thi năm kia.

      Phủ doãn Nguyễn Văn Tường lập tức cùng những người hầu cận đến công đường. Ông cho lính phủ chia đường chạy qua dinh đề đốc Nguyễn Hữu, người mới nhậm chức thay Lưu Hội, đồng thời chạy qua dinh phủ thừa Vũ Khắc Bí, dinh hộ thành phó sứ Nguyễn Tuần. Mặt khác, những người lính được phái đến Bộ Binh và các nơi hữu quan để thu thập tin tức.

      Khi đã phân phái xong, đang sốt ruột chờ xem tình hình diễn ra thế nào để đối phó, quan phủ doãn nhận được sắc chỉ: Tất cả phủ thần, và cả tri huyện Hương Thuỷ  Nguyễn Thừa Huy, đều bị tạm thời quản thúc tại công đường. Quân binh trực thuộc Bộ Binh vây kín nơi ông đang làm việc với gươm súng và nai nịt nghiêm chỉnh. Quan phủ doãn Nguyễn Văn Tường lạnh người, nhưng vẫn giữ được vẻ bình tĩnh cố hữu.

      Mãi đến một tuần trăng sau, ông và các đồng sự vẫn tiếp tục làm các công việc như thường lệ trong điều kiện bị quản thúc tại công đường. Trung thu năm ấy, vầng trăng sáng trong nhất trong năm cùng ông thao thức, suy tư.

      Bản án về vụ đảo chính đã được Tôn nhân phủ, đình thần nghị xử và thi hành. Quan phủ doãn Nguyễn Văn Tường đọc bản thông tư triều đình gửi về các phủ, tỉnh:

      “Đinh Đạo đến tế mả cha hắn là Đinh Bảo, lũ giặc ấy trông thấy cho là không phải người thường, đem lòng kính mến, mưu dựng lên làm vua để mong giàu sang. Các thân công là lũ Miên Định mật tâu xin trừ đi. Vua đem việc ấy bảo các quan đại thần xem lại, [các đại thần] xin y. Vua bảo rằng: “Lòng ta nếu không thể giãi tỏ với mọi người, [thì] còn có thể giãi tỏ với muôn đời, vì sự yêu ghét [hiện nay] đã thiên lệch, không thể bắt ép [mọi người] giống nhau được. Từ xưa [cũng đã] có nhiều việc như thế. Nhưng [ta] lòng tự hỏi lòng, không chút thẹn riêng. Trẫm từ trước đến nay, thương giấu [anh ruột là Hồng Bảo, cháu ruột là Ưng Đạo] cho nên trái với lời nói mọi người, để đến có việc ngày nay, thực là khổ tâm vô hạn! Nay không thể thôi được [việc] nghĩ đến xã tắc, không thể không theo lời các thân công và các quan đại thần. Làm ơn không đầy đủ, vẫn tự thấy thiếu, nhưng trừ kẻ ác cốt phải kì hết, nên quả quyết thì quả quyết, trẫm [thà] chịu tiếng hung ác, tàn nhẫn, mà trừ hết mầm ác, không để lo cho người sau. [Có thể] lũ tiểu nhân [nhân việc tận diệt,] có mượn cớ, [thì cứ] cho là [trẫm nhằm mục đích] để giữ kế lâu dài. Việc phải hay trái đã có công luận, không phải vua tôi ta có dụng tâm” (71).

      Lời dụ tiếp theo: Gia đình Đinh Đạo (Ưng Đạo) gồm mẹ và các người vợ cùng bốn người con trai lẫn gái, tất thảy tám (8) người đều bị thắt cổ chết, để được toàn thây, lại được cấp cho quan quách, vải lụa để chôn (71).

      Thống chế quyền chưởng Hữu quân Tôn Thất Cúc đã uống thuốc độc tự sát, vẫn bị xẻo thây từng mảnh, chặt đầu đem bêu, và phải đổi theo họ mẹ, thành Nguyễn Cúc (71).

      Thủ phạm: bốn (4) người: Đoàn Trưng, Đoàn Tu” Trực, Trương Trọng Hoà và nhà sư Nguyễn Văn Quý. Yếu phạm: mười ba (13) người khác. Tất cả đều bị lăng trì, bêu đầu. Thân thuộc họ đều bị bắt, gia sản bị sung công. Tám (8) người khác: trảm đầu đem bêu (71).

      Con gái Tùng Thiện công Miên Thẩm trước đây được gả cho Đoàn Trưng. Hôm ấy, khi xảy ra cuộc đảo chính, nhà thơ quý tộc Miên Thẩm liền trói con gái và cả cháu ngoại đem nộp! Ông còn tự nhận lỗi là không biết hặc tội tâu lên trước, xin dâng sớ chịu phạt. Vua cho là Miên Thẩm chỉ có tội kén rể không kĩ, phải phạt bổng tám năm (71).

      Thống chế Nguyễn Văn Xa, biện lí Nguyễn Văn Chất đều bị giải chức. Sau đó, cả hai được nghị xử và dụ chuẩn với mức án cách chức, cho hiệu lực (71).

      Còn phủ thần kinh sư?

      Bản nghị xử ghi rõ: “Vì sơ suất việc canh phòng, kiểm soát” (71).

      Phủ doãn kinh sư (thống lĩnh phủ Thừa Thiên, kiêm quản đạo Quảng Trị) Nguyễn Văn Tường, phủ thừa Vũ Khắc Bí, hộ thành phó sứ Nguyễn Tuần và cả tri huyện Hương Thuỷ Nguyễn Thừa Huy đều bị cách chức, cho gắng sức làm việc chuộc tội! Đề đốc Nguyễn Hữu (người mới nhậm chức thay Lưu Hội), vì vừa nhận chức vụ mới ít ngày, cũng bị giáng xuống suất đội Cấm Binh (71).

      Và ngay tức khắc, Võ Hiển điện đại học sĩ Nguyễn Tri Phương cùng hiệp biện đại học sĩ Vũ Trọng Bình được vua Tự Đức vời về kinh, nắm giữ Bộ Binh và Bộ Lại (73)! Để trấn tĩnh công luận, Nguyễn Tri Phương tâu xin nhà vua xuống chiếu tự phê bình (tự trách)! Nhà vua lần này lại tìm cách từ chối, bởi cho rằng không lẽ cứ tự trách mãi (74)!

     

      10

      Thế là Nguyễn Văn Tường đã hoàn toàn bị cách chức, sau hai năm hai tháng nhiệm chức phủ doãn! Ông bình tĩnh nghe quyết định nghị xử ấy vào một buổi sáng cách vụ chính biến mùng tám tháng tám đúng mười ngày, lúc ông và các đồng sự vẫn bị tạm quản thúc để điều tra tại các công đường của họ. Ông không biết mình sẽ bị đi làm việc chuộc tội ở đâu! Sung quân? Cắt cỏ chăn voi? Tạp dịch ở một vùng núi non hiểm trở như đỉnh Hải Vân, hay biên giới phía Nam, phía Bắc? Điều ông ước ao nhất là được trở lại Thành Hoá với kế hoạch ông đã dâng sớ lên vua Tự Đức, và năm ngoái ông cũng đã có lần tình nguyện từ chức để về Thành Hoá thực hiện kế hoạch ấy nhưng đức vua từ chối. Biết đâu, đây là một dịp may (75)!

      Nguyễn Văn Tường chợt nhớ, vài hôm nữa sẽ đến sinh nhật của ông, hai mươi bốn (24) tháng tám (8) nguyệt lịch. Sắp tròn bốn mươi hai năm chẵn được sinh ra đời, cộng chín tháng mười ngày trong lòng mẹ! Bốn mươi ba tuổi! Ông mỉm cười, thấm thía thấu hiểu nỗi thăng trầm của kẻ sĩ dấn thân trên con đường chính trị, kinh bang tế thế! Mặc dù không thiện cảm với thói “chữ tình là cái chi chi, chẳng chi chi cũng chi chi với tình” của Nguyễn Công Trứ, ông cũng thừa nhận cụ Uy Viễn tướng công rất bản lĩnh lúc tự bảo: “Khi làm quan, ta không lấy làm vinh; khi làm lính, ta không lấy làm nhục”! Với ông, vinh và nhục đâu chỉ quy về cá nhân bản thân và lấy cái cá nhân bản thân để định giá!

      Vụ biến Hồng Tập và sĩ tử trường thi phản đối nghị “hoà” đã đánh thức trong Nguyễn Văn Tường nhiều suy tư về thái độ của nhiều hạng người đương thời. Vụ đảo chính Đoàn Trưng liên kết với các nhà sư Phật giáo và thợ thầy Chày Vôi còn nóng bỏng, suy xét cho tận cùng, là gì? Đích thực, đúng nghĩa, đó là một cuộc lật đổ vua Tự Đức, lập nên một minh đế cho nhà Nguyễn trước nạn ngoại xâm của thực dân cầm súng đạn và thực dân cầm cây thập tự tử hình đã bị xuyên tạc ý nghĩa. Nguyễn Văn Tường chợt nhớ mấy câu trong Trung nghĩa ca, người con rể của Tùng Thiện vương Miên Thẩm viết từ hai năm trước:

 

“Gia Tô nội ứng ghê thay

Giúp đem lương thực chẳng ngày nào

không”

“Ngoài thời Tây tặc lưới giăng

Trong thời tả đạo chạy quanh bốn bề”

“Trong trừ tả đạo cho thanh

Ngoài cùng Tây tặc tranh hành một phen”  (76)

 

      Trong hai năm gần đây, nhiệm vụ vua Tự Đức giao phó cho Nguyễn Văn Tường ở kinh sư và cho Ngụy Khắc Đản ở Nghệ An là “hiểu bảo cho dân giáo” trước tình hình mâu thuẫn lương – đạo ở hai điểm nóng ấy rất gay gắt, lương – đạo thường xuyên khích bác nhau. Ông chưa bao giờ xao lãng nhiệm vụ ấy. Ông đã nhiều lần gặp giám mục, linh mục sở tại và cả giám mục Croc (Phê Chính Hoà), giám mục Ngô Gia Hậu (Gauthier), giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ từ Nghệ An vào, để nói với họ một điều: Đừng để giáo dân bỏ quên đến mức ngày càng xa lạ với phong tục thờ cúng tổ tiên và anh hùng dân tộc Việt Nam. Và cũng chỉ hỏi Croc, Gauthier, Nguyễn Trường Tộ (69): Tại sao người Việt lại tôn sùng Nhi-nhu (Jésus) và Đức mẹ Đồng trinh của Do Thái trong khi Việt Nam (Đại Nam) có biết bao anh hùng chống ngoại xâm thời một ngàn năm Bắc thuộc, như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Mai Thúc Loan… Thế mà họ vẫn ngoan cố đến mức không thể hiểu nổi! Chiếm cả ba tỉnh Miền đông Nam Kì, Pháp và “tả đạo” còn muốn chiếm cả ba tỉnh Miền tây trong đó, thế mà những kẻ mị yêu nước vẫn lừa người được sao? Bây giờ, ngay sau vụ biến Chày Vôi này, họ đã lên đường sang Pháp với dụ chuẩn y của vua Tự Đức cùng tiền nong của triều đình nhà Nguyễn, để thuê giáo sĩ về giảng dạy và mua vật dụng khoa học, công nghệ (77), mà ông biết chỉ là trò bịp và ma mị, mị triều đình và mị dân! Điều kiện của chúng trước sau vẫn là Pháp “bảo hộ” và Thiên Chúa giáo là quốc giáo! Họ mới lên đường sau cuộc nổi dậy Chày Vôi mấy hôm!

      Vầng trăng Tết Trung thu năm nay vẫn ngời sáng trong nỗi bàng hoàng của kinh đô Huế, và vẫn ngời sáng trong niềm suy tư của nguyên phủ doãn Nguyễn Văn Tường, về biến động thời thế, về quãng đời dấn thân thăng trầm.

                                                                      

Viết đến dòng chữ này lúc 10 giờ 34 phút,

    ngày 05.09.2002 (28.07 Nh. ngọ, HB.2).

 

TRẦN XUÂN AN

                                                                                                                             

 

 

(47)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 186 – 188.

(48)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 230.

(49)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 190.

(50)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 237.

(51)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 226.

(52)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 228, 229, 230.

(53)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 183, 184 – 185.

(54)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 195.

(55)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 238 – 239.

(56)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 258 – 259, 275 – 276. VNSL. (Việt Nam sử lược), sđd., tr. 502 – 505. Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (NĐNĐDVP. & TH.), UB.KHXH. TU. Tp. HCM. xb., 1993, tr. 250 – 251.

(57)       Nhiều tác giả, Kinh thánh (KT.), Hội thánh Tin Lành Việt Nam xb., 1996: phần Tân ước, các tiểu truyện về Chúa Giê-su (Jésus) của Ma-thi-ơ, Mác, Luca, Giăng. Chúng tôi tổng hợp lại.

(58)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 139 – 140. Các đoạn được xếp chữ cỡ nhỏ hơn, khổ bát chữ hẹp hơn, không sử dụng kiểu chữ nghiêng, không đặt trong dấu ngoặc kép, cùng dạng dưới đây, không phải là nguyên văn trong ĐNTL.CB., mà chỉ là các lượng thông tin (các sự kiện, sự việc…) được ghi chép trong bộ sử biên niên ấy.

(59)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 197.

(60)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 202 – 203, 204, 215.

(61)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 255, 260 – 261.

(62)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 267 – 268.

(63)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 283, 286 – 287.

(64)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 289 – 290, 294 – 296.

(65)       ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 12 – 14.

(66)       ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 34.

(67)       ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 41.

(68)       ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 50.

(69)       Nhiều tác giả, Nguyễn Trường Tộ và vấn đề canh tân đất nước (NTT. & VĐCTĐN.), Nxb. Đà Nẵng, 2000: phần Niên biểu, tr. 390 – 391. Các tiểu sử khác của Nguyễn Trường Tộ đều có ghi: trong hai năm 1864 – 1865, giáo sĩ này có đến Huế, cùng đi với giám mục Phê Chính Hoà… Chúng tôi phỏng đoán rằng, thế nào họ cũng phải gặp phủ doãn Nguyễn Văn Tường. Xem thêm: Đào Duy Anh, “Những thế gia vọng tộc ở Huế: Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành”, trong Tập san Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Huế), 4 – 6.1944 [bản dịch của Bùi Trần Phượng, trong cuốn Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành (PCĐT. Tr.TTh.), do Nguyễn Đắc Xuân biên soạn, Nxb. Thuận Hoá, 1992]. Xin lưu ý: Đào Duy Anh viết và đăng tải trên một tập san thuộc quỹ đạo chế độ thực dân, do cố đạo Cadière làm chủ bút.

(70)       Dẫn theo GS. Trần Văn Giàu, Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước nhiệm vụ lịch sử (HYTPK. & STBCNTNVLS.), Nxb. TP.HCM., 1993, tr. 356 – 357. Xin lưu ý: Cũng như nhà Hậu Lê, triều Nguyễn vốn chủ trương độc tôn Nho giáo. Chính Tự Đức cũng có lần phê phán Nguyễn Huy Kỷ đam mê Phật giáo mặc dù có dư luận phản ánh cho rằng Nguyễn Huy Kỷ vừa gần gũi nhân dân, vừa được lại dịch thuộc cấp nể sợ (ĐNTL.CB., tập 35, Nxb. KHXH., 1976, sđd., tr. 62 – 63). Một lần khác, Tự Đức bảo: triết thuyết “Phật giáo hư vô, mù mịt, có cảm cách hay không, không bởi đâu mà biết được; trẫm từ trước đến nay cũng không tin; chỉ hết lòng ta, mong cho trung hồn được siêu bạt để giúp nước được trị yên lâu dài; mới sai làm đàn bạt độ ở chùa Linh Mụ, lấy ngày trung nguyên khai kinh, tế chung các tướng sĩ chết trận ở Nam Kì, Bắc Kì từ năm thứ nhất (1848) đến nay” (ĐNTL.CB., tập 34, Nxb. KHXH., 1976, sđd., tr. 135 – 136). Xem thế, tuy quan điểm là Nho giáo, nhưng trong thực tế nhà vua vẫn cho lập đàn chay, kinh kệ. Ngoài ra, người ta còn thấy, chưa có nơi nào nhiều chùa chiền Phật giáo bằng ở kinh đô Huế của nhà Nguyễn. Đó là chưa kể các đền miếu mang đậm màu sắc Lão giáo bản địa, như điện Hòn Chén chẳng hạn. Vả lại, cũng cần thấy rõ, ngay bản thân Nho giáo tuy xem hình nhi hạ là hệ trọng, nhưng cũng có bàn đến hình nhi thượng một cách khá duy lí, mặc dù duy lí theo hệ tư tưởng duy tâm.

(71)       ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 53 – 57.

(72)       ĐNTL.CB., tập 30, sđd., 1974, tr. 131.

(73)       ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 73.

(74)       ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 62 – 63. 

(75)       ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 86 – 87.

(76)       Dẫn theo HYTPK. & STBCNTNVLS. (Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước nhiệm vụ lịch sử), sđd., tr. 368.

(77)       ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 57.

       

 

 

Hết

phân đoạn 2

trọn

truyện kí thứ tư

 

XIN XEM TIẾP TỆP 8

Truyện kí thứ năm

 

 

 

(  xem tiếp tệp 8  ) 

 

Trở về trang chủ

Cập nhật: 07/01/09

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7