Trần Xuân An - TÍCH HỢP HAY KHÔNG TÍCH HỢP & VẤN NẠN MÔN SỬ DO ĐÂU

TÍCH HỢP HAY KHÔNG TÍCH HỢP

& VẤN NẠN MÔN SỬ DO ĐÂU

Trần Xuân An

Chưa bàn đến sự kết hợp với giáo dục đạo đức, nhân cách khi giảng dạy, chỉ nói riêng về cách thiết kế nội dung truyền đạt, phương pháp tìm hiểu kiến thức, rèn luyện kĩ năng trong nhà trường, thì giáo dục ở Miền Nam trước 1975 cũng như sau đó, đều giống nhau ở việc chuyên môn hoá bộ môn từ cấp 2 phổ thông (trung học đệ nhất cấp hay trung học cơ sở) trở lên. Ở nhà trường tiểu học chế độ cũ, rõ ràng đã có sự tích hợp với những môn có tên gọi: thường thức (cách trí), sử địa (từ lớp ba đến lớp nhất)… bên cạnh hai môn chính có tính chuyên biệt hơn là toán (hình học, số học) và quốc văn (gồm tập đọc, tập làm văn). Ở Miền Bắc, hẳn cũng vậy. Giáo viên cấp 1 (tiểu học) đều vẫn phụ trách giảng dạy tất cả các môn. Nhưng nhà giáo ở cấp 2 và cấp 3 (cấp 3, tức là trung học đệ nhị cấp, trung học phổ thông), thuở còn riêng hai Miền, rồi sau 1975, khi thống nhất, cả nước theo nền giáo dục Miền Bắc, cũng đều là các nhà giáo bộ môn. Từ “professeur” trong tiếng Pháp có nghĩa đó.

Ai cũng thấy rõ ở cấp 2 trở lên, môn nào ra môn nấy, lớp càng cao thì tính chuyên môn hẹp càng rõ, nhưng thực sự vẫn có sự đồng hành, tương tác, liên hệ giữa các môn. Nếu học môn này mà không học môn kia theo cách thức tương quan đó, thì không thể hiểu bài, làm được bài tập. Việt văn, triết (tâm lí học, luận lí học, đạo đức học, siêu hình học), sử, địa, công dân giáo dục, ngoại ngữ liên quan với nhau. Toán, lí, hoá, vạn vật (sau 1975, sinh học) cũng vậy. Đó là chưa kể các môn hội hoạ, âm nhạc, thể dục. Người giảng dạy cũng luôn có ý thức liên hệ, vận dụng kiến thức từ các môn khác liên quan đến môn mình phụ trách, trong chừng mức nhất định.

Như vậy, ở cấp 1, tính tích hợp nhiều hơn, nhưng vẫn chú trọng đến tính chất công cụ tư duy của toán và Việt văn (nếu thiếu, sẽ không có công cụ để rèn luyện tư duy rành mạch, chặt chẽ, chính xác và diễn đạt cũng lúng túng). Và ở cấp 2, cấp 3, tính chuyên môn hoá cao hơn, sâu dần, nhưng tính tích hợp (liên quan, tương tác) vẫn có, đương nhiên phải có.

Hiện nay, vấn đề tích hợp lại trở thành dự án cải cách giáo dục với chiều hướng đẩy lên ở cả hai bậc trung học, thậm chí không còn các môn vốn được chuyên môn hoá, như môn sử chẳng hạn! Việc đó có lợi gì, hay ấu trĩ hoá trung học?

Tôi nghĩ rằng, vấn đề là cải cách nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, chứ không thể tích hợp hoá theo kiểu ấu trĩ hoá hai cấp trung học như thế. Môn nào ra môn đó, nhưng cần thiết phải tăng cường ý thức liên quan, tương tác giữa các môn.

Cải cách giảng dạy, học tập môn sử đang là vấn đề thời sự. Cụ thể hơn, về quốc sử (chưa nói sử thế giới), ở cấp 2, với nội dung đầy đủ nhưng tinh giản, học sinh đã được nắm vững lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc suốt bốn ngàn năm (kể cả giai đoạn huyền sử). Lên cấp 3, học sinh đi vào học các chuyên đề, với sự mở rộng, đào sâu, có vận dụng tốt các kiến thức quốc sử ở cấp 1 và cấp 2.

Không thể giảng dạy môn sử bằng cách dựa hẳn vào những vấn đề thời sự — thời sự đang diễn ra cái gì, thì vận dụng kiến thức lịch sử để dạy ngay chuyên đề về cái đó — như trong bài viết của tác giả Đăng Nguyên trên báo Thanh Niên, số ra ngày 19-11-2015. Nhà giáo không thể cứ chạy theo thời sự như vậy được! Dạy và học phải theo chương trình đã được Hội đồng Giáo dục quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Còn vấn đề thời sự thuộc về ngoại khoá, thường do giáo viên đặc trách báo chí phụ trách. Đó là các buổi được gọi là “nói chuyện thời sự”.

Thực sự, theo tôi, không chỉ là vấn đề phản đối tích hợp môn sử vào các môn giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng, mà vấn đề nội dung giảng dạy môn sử như thế nào. Nếu biến môn sử thành môn minh hoạ cho quan điểm đấu tranh giai cấp Mác – Lê – Sta – Mao, đồng thời, theo đó, các giáo án đều ghi rõ ở phần mục đích yêu cầu rằng, “giáo dục học sinh căm thù giai cấp phong kiến, tư sản, bọn thực dân xâm lược và chế độ Mỹ – Nguỵ, đồng thời bồi dưỡng lòng kính yêu lãnh tụ và biết ơn chế độ mới do Bác Hồ sáng lập, biết ơn các chiến sĩ, đồng bào trong sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo”, thì học sinh và thầy giáo đều cảm thấy bị áp đặt. Khi bị áp đặt, dĩ nhiên ai cũng chán ngán. Và nặng nề hơn nữa, một khi quan điểm, lập trường sử học Miền Bắc áp đặt vào Miền Nam sau 30-4-1975, càng khiến nhà giáo, học sinh cảm thấy rõ sự thiếu khách quan, công bằng, thậm chí chỉ là dối trá, “một nửa sự thật” (đối với người Miền Bắc), xu thời (đối với người Miền Nam) (*).

Môn lịch sử trong nhà trường phải là một môn độc lập, có liên quan đến các môn học khác, được thiết kế chương trình đồng hành, tương quan với nhau. Và môn lịch sử phải thật sự công bằng, khách quan, khoa học, có tính đặc trưng không lẫn với các môn khác.

Môn lịch sử liên quan đến vấn đề hệ trọng của dân tộc, không phải là nhất thời, mà thuộc về thường xuyên, mãi mãi : sự hiểu biết về quá trình hình thành, phát triển dân tộc, về lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, về tinh thần dân tộc, ý chí độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ.

T.X.A.

09:10 – 11:08, 19-11 HB15 (2015)

(*) Xin xem thêm bài “SỰ THẬT LỊCH SỬ KHÁCH QUAN HAI MIỀN (1945-1954-1975) MÃI MÃI VẪN VẬY, CHO DÙ BÓP MÉO, CHẤP NHẬN HAY PHỦ NHẬN” của Trần Xuân An:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-4/txa-su-that-lich-su-khach-quan-1945-1954-1975

&

https://txawriter.wordpress.com/2015/08/07/su-that-lich-su-khach-quan/

.

.

Đã đăng ở FACEBOOK & txawriter.wordpress.com

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE