u. Bài 21-Tl.3 - Trần Xuân An - Sự công tâm tối thiểu cần có khi cầm bút (phê phán nhà báo Nguyễn Hoàn)

LÀM RÕ VIỆC PHÊ PHÁN NHÀ BÁO NGUYỄN HOÀN (BÁO QUẢNG TRỊ):

SỰ CÔNG TÂM TỐI THIỂU CẤN CÓ KHI CẦM BÚT

 

Trần Xuân An

 

Có những vấn đề không phải thuộc loại gay go, nhưng đối với một người cầm bút trong tư thế riêng nào đó, vấn đề ấy lại trở nên khó viết. Khẳng định công sức lao động chính đáng của bản thân, để khỏi bị thiệt thòi, thậm chí để khỏi bị mất quyền sở hữu trí tuệ đương nhiên của chính mình, tuy việc ấy là cần thiết, nhưng dẫu sao cũng là một việc bất đắc dĩ.

 

Không những cảm thấy bất đắc dĩ phải lên tiếng trước sự việc bất công, tôi còn nhận ra tôi đang bị đẩy vào tình huống buộc phải đụng chạm, làm rạn vỡ những quan hệ tốt đẹp giữa tôi và một số nhà nghiên cứu sử học tên tuổi, giữa tôi và những người bà con, tuy ít hoặc không thân mật, nhưng có chung một huyết thống dòng tộc.

 

1.

 

Nhận thức được sự thể và nguy cơ đó, tôi chỉ khẳng định lại một lần nữa một vài điều cốt yếu trong mấy điện thư tôi đã trao đổi với nhà báo Nguyễn Hoàn (Báo Quảng Trị):

 

“Xin hãy xem những tập kỉ yếu hội nghị, hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường thì rõ:

 

1) Kỉ yếu hội nghị về đề tài “Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường (1824-1886)”, ĐHSP. TP.HCM., 1996;

 

2) Kỉ yếu hội thảo khoa học về đề tài “Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1884-1886)”, Hội KHLS. TT-Huế, 2002 (đã xuất bản dưới dạng sách in: PGS.TS. Đỗ Bang chủ biên, “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), cuộc đời và lời giải”, Nxb. VHTT., 2006).

 

Đọc kĩ những bài tham luận trong 2 kỉ yếu đó, sẽ thấy ai là người giải quyết rốt ráo nhất về Nguyễn Văn Tường (1824-1886).

 

Tôi khẳng định là tôi không cần đến tư liệu chưa được chứng thực ở Pháp mà Từ Vân và bà Oanh tìm kiếm, đem về nước vào năm 2003, 2004 (sau khi tôi đã hoàn tất cả bốn đầu sách), mặc dù cuốn sách nào của tôi, tôi cũng liệt kê thêm cho đầy đủ sự đóng góp tìm kiếm tư liệu này (và tên tuổi các nhà sử học có tham luận). Số tư liệu ấy chỉ có giá trị bổ trợ, nếu chúng đã được chứng thực, giám định khoa học thực nghiệm. Cường điệu, quan trọng hóa quá đáng về số tư liệu này là có dụng ý không trong sáng, là rơi vào bẫy chịu lệ thuộc cựu thù thực dân.

 

Ngoài ra, tôi là người duy nhất đã nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu và viết về đề tài Nguyễn Văn Tường (1824-1886) đến bốn đầu sách (cả 04 đầu sách đều đã xuất bản chính thức bằng sách in giấy)”.

 

Nói thẳng thắn ra, trong Hội nghị khoa học về nhóm chủ chiến triều đình Huế do Trường Cao đẳng Sư Phạm TP.HCM. tổ chức, vào năm 1991, các nhà nghiên cứu (Nnc.) chỉ mới dám bàn lướt qua về Nguyễn Văn Tường (1824-1886), vì những định kiến oan khiên do các loại sách sử thực dân Pháp, ngụy triều Đồng Khánh, cánh bảo hoàng và bộ phận tả đạo trong Thiên Chúa giáo, rồi sách sử Đàng Ngoài, kế đến là sách sử “tả” khuynh cực đoan ở Miền Bắc (xin lỗi, phải nói thật) vẫn khỏa đen nhân vật lịch sử này.

 

Hội nghị khoa học về đề tài “Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường (1824-1886)”, do Đại học Sư phạm TP.HCM. tổ chức vào năm 1996, cho dù đã bước khá xa một đỗi đường nghiên cứu để tiếp cận với sự thật lịch sử, vẫn không có quá bốn bài khẳng định lòng yêu nước trước sau như một, không đầu hàng giặc của Nguyễn Văn Tường, mặc dù toàn bộ các bài tham luận đều phủ nhận luận điệu Nguyễn Văn Tường là tay sai của giặc Pháp. Những bài viết này, tôi đã xin phép các tác giả của chúng (đó là các vị: PGS.TS. Võ Xuân Đàn, GS. Đoàn Quang Hưng, Nnc. Trần Viết Ngạc, nhạc sĩ, nhà báo Vũ Đức Sao Biển…) để đưa vào cuốn “Thơ Nguyễn Văn Tường (1824-1886) – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng” (1). Cũng trong cuốn ấy còn có bài của Nnc. Trần Đại Vinh, khẳng định lòng yêu nước của Nguyễn Văn Tường, ngay cả sau khi kinh đô thất thủ, ông phải quyền nghi quay về phía “hòa” (không lâu sau, giảng viên Trần Đại Vinh đã điều chỉnh lại nhận thức này).

 

Sau đó 6 năm, lại có Kỉ yếu hội thảo khoa học về đề tài “Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1884-1886)”, do Hội KHLS. TT-Huế, in ấn vi tính, 2002. Nhưng mãi đến năm 2003, tài liệu này mới được bổ sung thêm mấy bài viết, vài chục trang tư liệu (2) để xuất bản chính thức dưới dạng sách in giấy, do PGS.TS. Đỗ Bang làm chủ biên, “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), cuộc đời và lời giải”, Nxb. VHTT., 2006. Đây là một cuốn sách đã được phát hành rộng rãi, có thể tìm mua ở nhiều hiệu sách, tìm đọc ở các thư viện, nên tôi thấy không cần phải trần thuật nhiều về nội dung của nó.

 

Trong cuốn “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), cuộc đời và lời giải”, tôi có một bài tham luận sử học: Nguyễn Văn Tường (1824-1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh đô quật khởi (5-7-1885)(3). Đây là bài viết mà tôi đã khẳng định trong một điện thư khác gửi nhà báo Nguyễn Hoàn: “Tôi khẳng định thêm rằng, những kiến giải của tôi về điểm mấu chốt là vai trò Nguyễn Văn Tường (1824-1886) trong cuộc Kinh đô quật khởi, bị thất thủ, và hai tháng sau đó là của riêng tôi”. Vâng, đúng là tôi đã và mãi còn khẳng định như thế. Mở rộng ra cả cuộc đời, hành trạng Nguyễn Văn Tường (1824-1886), tôi hoàn toàn tự tin để khẳng định lại: “Và những gì tôi viết về đề tài này, tôi đều có những đóng góp mới mẻ của chính tôi. Xin nhắc lại: Những ý kiến của người nghiên cứu trước đây và hiện nay tôi đều ghi rõ xuất xứ trong bốn (04) đầu sách đã xuất bản” (2004, 2006, 2008).

 

Một điểm khác nữa, tôi cũng đã khẳng định và bảo vệ quan điểm sử dụng tư liệu của tôi: “Tôi khẳng định là tôi không cần đến tư liệu chưa được chứng thực ở Pháp mà Từ Vân và bà Oanh tìm kiếm, đem về nước vào năm 2003, 2004 (sau khi tôi đã hoàn tất cả bốn đầu sách), mặc dù cuốn sách nào của tôi, tôi cũng liệt kê thêm cho đầy đủ sự đóng góp tìm kiếm tư liệu này (và tên tuổi các nhà sử học có tham luận)”…

 

Tôi đã xác định rằng, tư liệu “Đại Nam thực lục chính biên” (gọi tắt là Thực lục, hai kỉ IV, V, kể cả kỉ VI) của các tập thể sử quan Quốc sử quán triều Nguyễn là tư liệu chuẩn cứ. Vấn đề là chúng ta phải soi rọi, xới lật chúng dưới ánh sáng khoa học và trong điều kiện độc lập, tự do hiện nay. Để bảo vệ quan điểm này, tôi đã trình bày, phân tích, dẫn giải luận cứ, luận chứng trong cả bốn đầu sách tôi đã xuất bản chính thức, đặc biệt trong lời thưa đầu sách của cuốn “Thơ Nguyễn Văn Tường…”. Nếu chúng ta không xác định được tư liệu chuẩn cứ, chỉ trông mong vào tư liệu của phía Pháp (hoặc các nguồn tư liệu “vô bằng cớ” khác), chúng ta sẽ luôn bị động, dao động, hoang mang, bị giật dây như những con rối. Tôi đã viết gửi nhà báo Nguyễn Hoàn về loại tư liệu bà Nguyễn Thị Oanh, cô Từ Vân tìm kiếm ở Pháp, ở Tahiti:

 

“Số tư liệu ấy chỉ có giá trị bổ trợ, nếu chúng đã được chứng thực, giám định khoa học thực nghiệm. Cường điệu, quan trọng hóa quá đáng về số tư liệu này là có dụng ý không trong sáng, là rơi vào bẫy chịu lệ thuộc cựu thù thực dân”.

 

2.

 

Điều chủ yếu tôi phê phán và trao đổi khá gay gắt đối với nhà báo Nguyễn Hoàn không phải là những gì anh viết về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong bài báo đăng gần như một lúc trên bốn trang thông tin điện tử, báo điện tử (có thể cả trên báo in giấy như Báo Quảng Trị chẳng hạn): Văn chương Việt, Trung tâm Văn hóa Hội Nhà văn Việt Nam, Quảng Trị online, “Phong Điệp net”, cuối tháng giêng, đầu tháng 02-‘’09 (trước và sau Tết Nguyên đán Kỉ sửu HB9 vừa qua). Cơ bản nhận thức của Nguyễn Hoàn về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường là không khác tôi (chắc hẳn anh đã tham khảo 04 đầu sách của tôi khá kĩ; xem lại bài của tôi trong “Nguyễn Văn Tường [1824-1886], cuộc đời và lời giải” [3]). Nguyễn Hoàn chỉ nhấn mạnh thêm một vài câu trích từ tư liệu của bà Oanh và cô Từ Vân, nhưng lại quên đi 2 bản án, trong đó có bản án chung thẩm về nhóm chủ chiến, mà đứng đầu danh sách là tên của nhân vật chủ chiến Nguyễn Văn Tường (1824-1886). Đó là bản án cực kì có giá trị về mặt sử liệu, nhưng nó lại nằm ở kỉ Đồng Khánh (1885-1888), thuộc thời đoạn sau khi Nguyễn Văn Tường đã bị lưu đày, nên ít người nghiên cứu lưu ý hoặc cũng có thể họ bị định kiến che mắt khi đọc Thực lục. Hai tư liệu khác cũng tương tự như vậy, nhiều nhà nghiên cứu quên để ý và Nguyễn Hoàn cũng quên, đó là dụ và cáo thị của Đồng Khánh, Hector phổ biến ở các tỉnh tả trực kì và tả kì (từ Quảng Nam vào Bình Thuận), khi ngụy triều này và thực dân Pháp đánh phá phong trào Cần vương ở đó.

 

Tôi phê phán Nguyễn Hoàn và có thái độ, lời lẽ khá gay gắt với anh, không phải chỉ vì bài báo vừa rồi, mà còn vì anh đã một lần cố tình đề cao quá đáng tư liệu Từ Vân tìm kiếm trong dịp anh viết bài, phỏng vấn về lễ giải oan, tôn vinh Nguyễn Văn Tường (1824-1886) hồi tháng 6 năm 2006. Bấy giờ, phải chăng có phần nào đó trong động cơ viết bài, thực hiện phỏng vấn là Nguyễn Hoàn ngầm ý chơi khăm Trần Xuân An và các nhà nghiên cứu khác cho bõ ghét. Khía cạnh nghiêm trọng hơn là Nguyễn Hoàn đề cao quá mức tư liệu thuộc loại chưa công bố hay mới kiếm tìm được tại Pháp, nhưng khổ thay, chúng hầu hết không có dấu đóng chứng thực của các kho lưu trữ tại Pháp; và như thế, tất sẽ dẫn đến nguy cơ như đã nói: chúng ta sẽ luôn bị động, dao động, bị giật dây như những con rối.

 

Nói như vậy, tôi không phải không xem tư liệu của Thiên Chúa giáo, thực dân Pháp là cần thiết, nếu những tư liệu ấy đã công bố từ lâu trên báo chí, được sử dụng trong những công trình khoa học đã được thẩm định và thử thách bởi thời gian, công luận. Các bài viết, các đầu sách tôi viết đã thể hiện điều đó. Tôi đã sử dụng đến tối đa loại tư liệu này.

 

Thậm chí, nói đơn giản nhưng thật ra vô cùng quan trọng: Mấu chốt nhất là xuyên suốt tư liệu phía Pháp, bộ phận tả đạo trong Thiên Chúa giáo từ trước đến nay: công nhiên hay mặc nhiên xác nhận Nguyễn Văn Tường luôn luôn là kẻ thù không đội trời chung với chúng, luôn luôn chống lại chúng, ngay cả khi ông bị giảm lỏng trong hai tháng sau ngày thất thủ kinh đô Huế (05-7 – 05-9-1885). Chỉ cần như thế thôi. Các tư liệu loại này trong nước đã có và đã được dịch ra tiếng Việt… Đơn giản hơn nữa là chỉ cần phía Pháp chứng thực Nguyễn Văn Tường chưa bao giờ chịu bị chúng mua chuộc để làm lợi cho chúng (như trong “Việt Nam vong quốc sử”, nhà yêu nước Phan Bội Châu, nhà canh tân nhưng bảo hoàng là Lương Khải Siêu đã xuyên tạc).

 

Đối với tôi, về tư liệu của người Việt, cho dù dưới thời mất nước hoàn toàn, các sử gia Quốc sử quán vẫn giữ được tinh thần dân tộc; và trong tình thế, hoàn cảnh ấy, các sử gia càng nung nấu lòng trung thực hơn, càng hi vọng những gì họ viết sẽ sáng lên vào một tương lai dân tộc sẽ thoát ách nô lệ. Đó là xét về tình cảm, tâm thế. Xét về nguyên tắc, tôi tin chắc các nhà chép sử triều Nguyễn không bao giờ dám xuyên tạc, tự ý sửa chữa chiếu, dụ, cáo thị và bản án đã được châu phê, bởi vì điều đó đã được đưa vào luật pháp thành văn và đã có những án đại hình về sự cố ý hay lỡ lầm vi phạm (vụ Dục Đức, Trần Tiễn Thành chẳng hạn). Đó là các tư liệu gốc, tư liệu chuẩn cứ. Phải xác định tư liệu chuẩn cứ để tiếp nhận hay phê phán, loại bỏ tư liệu khác, trong đó có tư liệu của các cố đạo và thực dân Pháp.

 

Một lẽ khác, cũng thường tình thôi, là tôi bất bình khi không chỉ một lần Nguyễn Hoàn cố tình quên lãng bốn đầu sách chuyên đề về Nguyễn Văn Tường (1824-1886) do tôi nghiên cứu, biên khảo, viết và xuất bản chính thức bằng tiền túi của chính tôi (tôi chỉ được tài trợ một lần khoảng gần 23 triệu đồng từ 3 nguồn khác, cũng là bà con, anh em, vào năm 2006). Nhưng cái chính, cốt lõi trong sự bất bình ấy lại chính là âu lo công trình của bản thân sẽ bị vô hiệu hóa về quyền sở hữu trí tuệ. Một công trình đầu tiên và duy nhất đến bốn đầu sách khoảng 2.200 trang với chuyên đề về Nguyễn Văn Tường (1824-1886) nhưng trong lễ giải oan cho ông lại không được nhắc tới, hẳn là có dụng ý sâu xa nào đó về lâu về dài. Trước mắt, sự thể ấy đẩy tôi vào tình huống buộc phải lên tiếng, mà lên tiếng chắc hẳn sẽ mất lòng, gây gãy vỡ quan hệ giữa tôi và các nhà nghiên cứu sử học, cái chính là gãy vỡ quan hệ giữa tôi và ông Nguyễn Bưa (có chức quyền), bà Oanh, cô Từ Vân (có tiền bạc). Nói như thế, bởi lẽ, thật ra, ai cũng biết là nhà sử học Dương Trung Quốc đã cùng nhiều nhà sử học khác giám định bốn đầu sách của tôi và chính ông đã viết ý kiến giám định; chính GS. Đinh Xuân Lâm đã viết bài giới thiệu, thẩm định cuốn “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)” (Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004) của tôi trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (2005); và cũng chính Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử dịch ra tiếng Anh (2006).

 

Tôi phê phán, khá gay gắt trong lời lẽ đối với nhà báo Nguyễn Hoàn vì sự thiếu công tâm có hệ thống, đã được nhắc nhở nhưng không thay đổi của anh ta. Một nhà báo lẽ ra phải đấu tranh cho sự công bằng, hay ít ra là không để bài viết của mình bị khiếm khuyết, sai lệch so với sự thật một cách cố tình. Nguyễn Hoàn thiếu công tâm từ bản chất nên mới viết một cách khiếm khuyết, sai lệch như thế. Ở đây là sự khiếm khuyết, sai lệch về sự đóng góp tâm huyết, trí tuệ và về quan điểm sử dụng tư liệu trong công việc giải oan cho Nguyễn Văn Tường (1824-1886).

 

Bài viết này không nhằm đi sâu vào việc chứng minh quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân tôi trong các tập kỉ yếu thể hiện công sức của nhiều nhà nghiên cứu qua các hội nghị, hội thảo khoa học kể trên. Tất cả đều đã được in ấn, giấy trắng mực đen, kể cả bốn đầu sách của tôi. Người đọc rất dễ đối chiếu, so sánh, phân định. Ngoài phạm vi giới nghiên cứu ra, chứng minh quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân tôi là một việc tuy cần thiết nhưng cũng có thể là khá buồn cười, thậm chí là nhỏ mọn, là tệ hại, đau lòng, khác nào làm diễn ra cảnh “lục súc tranh công” trong quan hệ bà con, chung cội rễ, huyết thống… Riêng tôi, cả bốn đầu sách đã xuất bản (2004, 2006, 2008) và một số bài viết tranh luận trong vài năm gần đây của tôi (2005-2008), tôi đều đã đưa lên các tạp chí điện tử ở Mỹ, ở Pháp (với ý hướng để Việt kiều được rõ và hi vọng có thể được bổ sung tư liệu) và ở nước ta, tập trung nhất là đưa lên trên điểm mạng cá nhân của tôi (để có nhiều người đọc hơn).

 

Đơn giản, chủ đích của bài viết này chỉ là bày tỏ thái độ bất bình, không thể không phê phán nhà báo Nguyễn Hoàn vì sự thiếu công tâm, sự chấp nhận viết báo một cách khiếm khuyết, sai lệch của anh ta.

 

Ồ, nhưng cũng có thể, trong quan hệ xã hội của những người cầm bút, cũng có mưu kế li gián chăng? Phải chăng bạn, hay đúng hơn, ai đó, tổ chức nào đó ở ngoài giới cầm bút “nhờ” bạn lập thế (tạo bẫy) để tôi phải lên tiếng, và tôi lên tiếng hẳn phải đụng chạm đến nhiều người, nhiều tổ chức, hội nghề nghiệp?

Nếu đã từng có truyền thống lẩy Kiều, kể cả những câu thuộc loại tình cảm riêng tư, để nói về chính trị, xã hội trong ngữ cảnh nhất định, như “mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”, tại sao không thử lẩy một câu ca dao:

 

“Ví dầu tình bậu muốn thôi

Bậu gieo tiếng dữ (hay kế dữ?) cho rời bậu ra!”.

 

Dẫu là ai đó, tổ chức nào đó “nhờ” bạn đi nữa, tôi cũng phải lên tiếng, để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chính đáng của bản thân tôi thể hiện trong bốn đầu sách và những bài viết sau đó (2005-2008) tôi viết về đề tài Nguyễn Văn Tường (1824-1886); và cho những tác phẩm thuôc các thể tài khác của tôi.

 

TRẦN XUÂN AN

13:30 – 17:59, ngày 05-02 HB9 (2009)

________________________________

 

(1) “Thơ Nguyễn Văn Tường (1824-1886) – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng” được hoàn tất bản thảo, in vi tính từ năm 2000; bổ sung, sửa chữa về các bản dịch thơ trong năm 2003; gửi ra Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử để được giám định, năm 2003; công bố trên mạng toàn cầu vào năm 2005 và chính thức xuất bản thành sách in giấy, 2008 (Nxb. Thanh Niên). Đây là cuốn đầu tiên trong bốn đầu sách do tôi viết, biên khảo, nhưng lại được chính thức xuất bản sau ba đầu sách kia… Nói đúng hơn, 3 bài của hai nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, của nhạc sĩ, nhà báo Vũ Đức Sao Biển đã có sẵn trong bản dịch dang dở “Kỳ Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường thi tập” (ấn phẩm lưu hành nội bộ, ĐHSP.TP.HCM., 1996).  

 

(2) Thêm 1 bài của Nnc. Trần Viết Ngạc, 1 bài tổng kết hội thảo của Tổng thư kí Hội KHLS. Dương Trung Quốc, 2 bài kí sự, cảm nghĩ về việc tìm tư liệu của bà Nguyễn Thị Oanh, cô Từ Vân và số tư liệu ấy đã được gộp vào.

 

(3) Bài viết “Nguyễn Văn Tường (1824-1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc Kinh đô quật khởi (5-7-1885)” đã đã in ở Kỉ yếu (2002) và ở cuốn “Nguyễn Văn Tường, cuộc đời và lời giải” (2006), người làm sách gõ phím sai chính tả, sai chữ khá nhiều và bị cắt bớt phần tư liệu trích thêm ở các chú thích. Cũng bài đó, nó đã được chính tôi nâng cao, triển khai thêm một chút ít nhưng cơ bản vẫn như vậy, và in ở 2 đầu sách của tôi: “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa” (Nxb. Thanh Niên, 2006), “Thơ Nguyễn Văn Tường (1824-1886) – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng” (Nxb. Thanh Niên, 2008).

 

Link: http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/tho_nvt-vnvcnthvttuong_5.htm   

 

 

 

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE