d. Trần Xuân An - Nước mắt có vị ngọt - Tệp 4

 

   

trần xuân an

NƯỚC MẮT CÓ VỊ NGỌT

 

                     author's copyright

               (ALL RIGHTS RESERVED)

 

                                                                                 06/30/09

 

 

05-11 HB6 (2006)

 

truyện ngắn 1

 

truyện ngắn 2

 

truyện ngắn 3

 

truyện ngắn 4

 

truyện ngắn 5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                             

 

TRẦN XUÂN AN                                       

NƯỚC MẮT CÓ VỊ NGỌT               

 

                 tập truyện ngắn                    

liên hoàn

 

                                    Nhà Xuất bản           

 

         

 

 

Đã đăng trọn vẹn TẬP TRUYỆN LIÊN HOÀN này

trên Tạp chí điện tử Giao Điểm, 10-2005: 

search:

http://www.giaodiem.com   

link trực tiếp:

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_txa_nuocmatI.htm

 

 

 

HUYẾT THỐNG NHÂN TỘC ẤY

THƠM MÙI HƯƠNG HOA SỨ TRẮNG?

 

 

      Đôi mắt với hai hàng mi rợp, gương mặt trái xoan với làn da bồ quân! Mái tóc dài, óng mượt, thường được gọi là tóc mây, đang chia hai trên đôi vai, buông xuống mỗi bên ngực. Trà Ngọc Hãn. Thôn đang ngồi đối diện với cô, cách một bàn nước thấp. Anh lặng nhìn Ngọc Hãn, cô sinh viên Chăm, cùng tộc người với anh. Cô gái đang cúi xuống đọc những trang sách đặt cạnh li nước trên tấm kính bàn.

            - Em có thể mượn anh cuốn sách này để về sao chụp lại... - Ngọc Hãn ngước mắt lên nhìn Thôn với đôi mắt to, đen láy, cơ hồ luôn luôn long lanh nước và ánh cười -. , được không anh? - Hơi ngập ngừng, cô nói -. Em thấy cuốn biên khảo này hay quá. Em cũng thích trường ca này. - Ngọc Hãn chỉ vào hai chữ: Chăm - Bà-ni (Cam - Bini) (1) -.

            Như chạm vào nỗi niềm nào đó rất nhạy cảm trong tâm hồn Thôn, câu nói vừa rồi của Trà Ngọc Hãn khiến anh chỉ gật đầu. Một lúc, Thôn mới mỉm cười:

            - Rất tuyệt. Đó là một trường ca bi thảm nhất của nhân tộc chúng mình. Chuyện tình, nhưng đâu chỉ là chuyện tình. Ngọc Hãn có nhớ những lần gặp nhà nghiên cứu Chế Hồng Muối không? Ông ấy thường bảo: Đó là nỗi đau chia lìa nhân tộc Chăm, là một trong vài nguyên nhân dẫn đến sự tan rã vương quốc Chăm. Theo anh, sự chia cắt lãnh thổ không quan trọng bằng sự chia lìa bởi ý hệ tôn giáo, nhất là do các ý hệ tôn giáo cực đoan, độc đoán, quá khích. Pô Rô-mê (2), vị vua cuối cùng, đã đoàn kết Bà Chăm và Bà-ni quá muộn... Sự phân hóa của một cơ thể sống dẫn đến sự đổ máu thường xuyên là không thể cứu chữa. Đấy là nguyên nhân nội tại, ở tâm thức nhân tộc Chăm... - Thôn chớp mắt, mỉm cười - . Trường ca ấy mỏng mảnh, nhưng lớn lắm, nặng lắm. Đó là máu của lịch sử...

            - Vâng, em hiểu... - Ngọc Hãn lại cúi đầu, nhìn vào cuốn sách mở, che giấu xúc động -... Đó cũng là nước   mắt của trái tim..., phải không anh? - Cô ấp úng, hơi ngượng, vì trót quá tình cảm, và vì cụm từ vừa dùng, đứng riêng ra, có vẻ hơi sáo -.

            Thôn và cô sinh viên hai mươi mốt tuổi cùng chung nỗi im lặng. Ánh nắng chiều ngoài con hẻm trước mặt nhà hắt vào khung cửa sổ và khung cửa lớn. Đó là ánh nắng chiếu vào hai trụ cổng, hai cánh cửa sắt sơn màu lam, các chậu xanh cây kiểng trong hàng rào, chiếu hồng hơn mặt tiền của nhà đối diện, trước khi hắt vào phòng khách này.

            Bất ngờ, Muống Xanh về. Cô hơi tái mặt, gượng mỉm cười, chào Ngọc Hãn, lặng lẽ dắt xe lui phía sau nhà. Ngọc Hãn cũng bỏ cuốn sách vào cặp, xin phép Thôn để ra về. Tiễn chân Ngọc Hãn ở cổng nhà, Thôn tần ngần một thoáng, nhìn theo bước chân của cô sinh viên ấy. Nhà Ngọc Hãn cũng gần đây, không cách xa nhà Thôn bao nhiêu, nên cô thư thả đi bộ. Dưới ánh nắng chiều, mái tóc dài đen óng của Ngọc Hãn như óng ả hơn. Dáng thon thả, đầy đặn, thanh nhưng tròn và chắc, bước nhẹ nhàng men theo con hẻm nhỏ, với mái tóc ấy, Ngọc Hãn gợi trong Thôn một thoáng nao nao, xao xuyến.

            Ngỡ quay lại, bước vào phòng khách, sẽ gặp ngay Muống Xanh với lời trách ngọt vừa có cớ vừa vô cớ nào đó, nhưng Thôn chỉ thấy có mỗi một mình anh lúc này.

            Thôn nhặt những cuốn sách trên bàn nước, cho vào chỗ cũ trên giá sách trong tủ. Anh đẩy hai tấm kính che bụi kín lại. Bất giác, Thôn thấy cuốn lưu ảnh cũ của ba má anh ở ngăn trên cùng, giữa những cuốn sách khác. Anh mỉm cười một mình, ngậm ngùi, thoáng chút buồn buồn.

            Ngồi vào chỗ cũ, nơi Thôn đã ngồi hồi nãy để tiếp Trà Ngọc Hãn, anh cảm thấy bâng khuâng là lạ. Có lẽ Muống Xanh đã lên sân thượng phía sau, nơi khuất nắng nhờ chiều cao của lầu hàng xóm, chỗ Thị, Trúc Xinh đang tiếp chuyện Ca-ron. Thôn lắng nghe tiếng nói cười của họ, lan vào phòng của anh và của Thị ở giữa sân thượng, lan theo cầu thang, lan xuống lối đi trước hai phòng ngủ rồi lan ra phòng khách này. Thôn cố chú tâm, sao hình như không nghe tiếng cười nói của Muống Xanh. Nhưng chỉ trong một thoáng, anh thấy mình vớ vẩn, bởi Muống Xanh thường kín đáo, nhỏ nhẹ, làm sao tiếng cười nói của cô lan xuống tận đây. Thôn đoán Muống Xanh đang hờn mát gì đấy. Anh mỉm cười, thầm bảo, các cô gái bao giờ chẳng thế. Không biết hờn mát, đâu phải là con gái!

            Mới đó, đã hai năm rồi, từ ngày cái tên dân dã, bình dị, Muống Xanh - loài rau muống thân thương của mỗi bữa ăn Việt Nam, xanh ngăn ngắt lá, xanh trong nước luộc -, thường vang trên môi anh, trong giấc ngủ anh và quen thân trong căn nhà này. Muống Xanh là chị ruột của Trúc Xinh. Nét mặt, vóc dáng gần y hệt nhau, nhưng tâm hồn, tính nết, khác nhau rất nhiều. Trúc Xinh mới vào ở nhà Thôn gần mười hai tháng đã sắp làm đám cưới cùng Hát, anh trai của Quế Sương. Chuyện tình cũng đầy bi kịch!

            Anh đang bâng khuâng nghĩ ngợi vẩn vơ, chợt nghe tiếng Thị cười trên sân thượng vang giòn, vọng xuống. Thôn mỉm cười. Đứa em trai cùng cha khác mẹ của anh bao giờ cũng vậy, hồn nhiên và vui tươi, hệt như một nét tính cách Ca-ron.

            Chiều chủ nhật này, ông Lam - ba của anh -, cùng mẹ kế của anh là bà Hòa đi dự tiệc cưới ở đâu đó. Riêng anh, lại rơi vào một nỗi ngậm ngùi với những thoáng lan man.

            Đúng là nhóm bạn của anh, tình cờ nhưng không tình cờ, vì có chung một cội rễ, nên thân thiết với nhau. Nay lại có thêm Ca-ron. Ngoài dòng máu châu Phi da đen của mẹ, trong huyết quản Ca-ron còn ấm nồng thêm dòng máu thổ dân da đỏ - chủ nhân Tân Lục địa. Ở cô, hòa thắm hai dòng máu, gần như ở thi hào Pút-x-kin (Pouskhine). Ca-ron không có chút Kinh – Chăm – Môn - Khơ-me... nào trong huyết quản, nhưng lại có niềm cảm thông do sự trùng hợp về lịch sử. Người da đen châu Phi đến sống tại châu Mỹ, có điều, người da đen châu Mỹ là những nô lệ, thuở xa xưa, còn người Chăm đến lập quốc tại một phần đất của Phù Nam mênh mông này suốt mười sáu thế kỉ, từ thế kỉ thứ hai đến thế kỉ thứ mười tám (3). Nhân tộc Chăm kiêu hãnh và rực rỡ văn hóa. Người da đen châu Mỹ mạnh mẽ nhưng bi thảm với thân phận bị đọa đày, sỉ nhục bởi người da trắng thực dân và di dân. Ca-ron chan hòa trong nhóm bạn với sự thấu hiểu bi kịch loài người.

            Ngồi lặng lẽ trong một thoáng nghĩ ngợi bâng quơ, Thôn mỉm cười bồi hồi. Anh không rõ tâm trạng của mình.

                        lịch sử loài người những cuộc chuyển cư

                        lìa cội xót cay hay vung gươm dễ sợ

            Anh nhớ hai dòng thơ của một nhà thơ anh quen biết. Chính Trà Ngọc Hãn chiều nay đã gợi trong Thôn một nỗi bâng khuâng về lịch sử loài người, lịch sử của hầu hết các dân tộc trên các đất nước, lịch sử hình thành tất thảy mọi quốc gia.

            Muống Xanh, người yêu dấu của anh. Cô gái Đà Nẵng ấy học đại học ở Hà Nội, vào ở trọ nhà anh để làm việc ở một công ti sản xuất đồ chơi trẻ em, tuổi mẫu giáo và tuổi tiểu học. Cô là con gái của người bạn gái thuở sinh viên của mẹ kế. Cô cũng có trong huyết quản một huyết thống Chăm. Muống Xanh đã cùng Thôn nhiều lần đến thăm tác giả của cuốn sách biên khảo nổi tiếng, được giải thưởng của một trường đại học lớn ở nước ngoài. Có lần, họ đi cùng cô sinh viên Trà Ngọc Hãn. Lần gần đây nhất, Thôn cùng Muống Xanh và Nắng Lụa đến nhà ông. Hôm ấy, dưới giàn hoa giấy bên hông nhà, bên trong hàng rào lưới sắt, họ tình cờ gặp cả ông Trần Nguyễn Phan, bạn của nhà nghiên cứu Chế Hồng Muối. Ông Phan là người thuần Kinh, nhưng từ thuở nhỏ đã vô cùng yêu mến, kính phục những tháp đền và tượng điêu khắc Chăm.

     ''Mình không được là người Chăm. Có điều, cũng vì lí do bi kịch lịch sử, từ những cuộc chiến tranh thời Lí, Trần, Lê, rồi chúa Nguyễn, triều Nguyễn, mà mình thích viết về người Chăm. Có điều, mình chỉ đủ khả năng để viết về những người lai, Kinh – Chăm – Môn - Khơ-me - những bộ lạc Thủy Chân Lạp cổ. Rất thú vị là anh Chế Hồng Muối lại cho biết, có rất nhiều người Chăm từ xa xưa đã sống chung với người Kinh, và trở thành máu của máu, thịt của thịt, nhất là ở các thế hệ con cháu. Chiến tranh xâm lược là chuyện của các vua chúa. Người dân Chăm hay người dân Kinh chỉ là nạn nhân của các cuộc chiến tranh ấy. Và lịch sử đã diễn ra một quá trình hòa huyết, có khuynh hướng Kinh hóa. Diễn biến Kinh hóa này lại nằm ngoài ý thức của người Kinh, ngoài ý thức của cả người Chăm. Diễn biến Kinh hóa này ở các cộng đồng Kinh - Thủy Chân Lạp cũng tương tự như vậy. Tất nhiên, không hề có ý thức xâm lược, thực dân văn hóa, dẫn đến sự đồng hóa nào ở diễn trình đó cả. Sống chung, và mặc nhiên như thế. Ở người Kinh, ý thức chống sự đồng hóa của Trung Hoa lại rất rõ, rất mạnh mẽ. Chắc hẳn ý thức chống đồng hóa ấy vô hình trung lại khiến người Chăm, Thủy Chân Lạp chịu bị đồng hóa theo khuynh hướng Kinh hóa. Ví dụ: vợ Kinh, chồng Chăm, vợ không chịu Chăm hóa, buộc lòng chồng phải chiều theo vợ, chồng cũng Kinh hóa luôn. Cho dù chồng Kinh vợ Chăm cũng vậy. Tất cả diễn ra theo quy luật tình cảm, quy luật của trái tim. Ở đấy, bản lĩnh văn hóa Việt được lịch sử bồi bổ, tôi luyện thêm. Với quan điểm tổng thể, cái nhìn ấy là cục bộ, ở một số buôn, làng, phum, sóc nào đó,... không có các yếu tố khác chi phối... Nói cách khác, cái nhìn ấy có thể phiến diện nếu xét trên toàn cục... Dẫu sao, hầu như từ Lạng Sơn trở vào Quảng Bình, từ Quảng Bình trở vào tận vùng đất phù sa do chín cửa sông bồi tụ ở Nam Bộ, mà tỉnh cuối là Cà Mau, không có người Kinh nào không ít nhiều mang trong mình huyết thống Chăm - Môn - Khơ-me. Chẳng biết nói thế có xác thực không. Điều này muốn rõ, hẳn phải có một cuộc tổng điều tra nhân chủng học với sự phối kết hợp của các cơ quan khoa học liên quan!'' .- Ông Phan đùa -. ''Anh Muối cho biết, hiện tại ở Hà Nội có nhiều làng Chăm dù quần cư cũng đã Kinh hóa theo quy luật cộng sinh cộng hưởng. Đó là những làng Chăm nghệ nhân, tù binh vốn bị bắt từ thời Chế Củ, đặc biệt trong chiến tranh thời Chế Bồng Nga - vua Chăm nổi tiếng dũng mãnh, liên tục tấn công Đại Việt - (4), từ những cuộc chiến tranh Chăm - Việt sau đó. Có thể một bộ phận không ít tù binh, cư dân Chăm-pa đã được đưa ra Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, cho phép được sống phân tán, xen cư với người Việt (5)... Theo nhiều sử liệu, tư liệu dân tộc học, mã di truyền Anh-đô-nê-giêng (Indonésien) đã hòa thắm vào mã di truyền Mông-gô-lô-ít (Mongoloit) từ mấy nghìn năm trước. Ở Tây Bắc hiện tại vẫn có một số nhân tộc sử dụng ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Môn - Khơ-me''. - Ông Phan nhìn vào ông Muối -. ''Da vàng nâu, da vàng sáng ở nhân tộc Kinh, trên cả nước, từ Bắc chí Nam, có lẽ với tỉ lệ tương đương. Nói thế có quá cảm tính không? Có người tự bảo là thuần Kinh, ồ, thật ra, biết đâu lại là thuần Chăm''. - Ông Trần Nguyễn Phan nói với nụ cười thoảng một niềm xa xăm -.''Tôi chỉ là nghệ sĩ. Tôi trực giác ra sự thật ấy, một sự thật có cơ sở lịch sử, có cơ sở tình cảm. Thây mặc vua chúa của các bên với lưỡi gươm và vó ngựa trên xác dân Việt - Chăm - Môn - Khơ-me... Hầu hết người từ Nam Quan trở vào tận Cà Mau, đều là sản phẩm của bi kịch lịch sử ấy. Dòng máu chúng ta đang mang trong cơ thể mỗi người là máu hòa chung chảy ra từ bi kịch lịch sử ấy. Dẫu sao, không thể chiết tách huyết thống Việt - Chăm - Môn - Khơ-me... trong mỗi người ra được! Máu thực và máu văn hóa. Và đây không chỉ là vấn đề của Tổ quốc Việt Nam thống nhất, mà là vấn đề chung của mọi dân tộc, mọi quốc gia trên thế giới. Lịch sử đã thuộc về quá khứ, không thể thay đổi quá khứ được. Bằng dòng máu đã hòa huyết, gồm cả hòa chung văn hóa, chúng ta đành phải (hoặc phải nên) có chung một lịch sử dân tộc, kể cả lịch sử đầy bi kịch, kể cả việc chung một tương lai, tương lai Việt Nam, một đất nước gồm năm mươi mấy nhân tộc. Lịch sử đã hòa huyết cho chúng ta, rồi cho thế hệ mai sau từ máu của thế hệ chúng ta, chúng ta không còn chọn lựa nào nữa!''. - Ông Phan cười vui -. ''Cũng mừng là anh Chế Hồng Muối và Thôn còn giữ được tính thuần tộc''. Ông Chế Hồng Muối mỉm cười, bâng khuâng: ''Lịch sử đã hòa huyết, đúng là chẳng còn sự chọn lựa nào nữa! Chúng ta bị (hoặc được) lịch sử sinh nở ra, dẫu bi kịch thế nào, cũng đã trở thành đồng bào''. Ông Trần Nguyễn Phan cũng mỉm cười: ''Mai này hoặc mốt kia, người Chăm thuần tộc hay Chăm lai, Khơ-me lai sẽ cùng người Kinh lãnh đạo Việt Nam. Bằng dự cảm của người làm thơ, tôi tin vào điều đó một cách mãnh liệt. Là người thuần Kinh, tôi vẫn mong sử kí sẽ có những trang rất đẹp ở tương lai. Lịch sử sẽ bình đẳng, công bằng. Dân tộc Việt Nam chúng ta, gồm cả người Kinh lai ở Đàng Ngoài, lai trong vòng tay biên giới, với các nhân tộc khác, gốc Lào, gốc Thái, gốc Tạng, gốc Miến, vân vân, chỉ là một...'' (6). - Ông Phan cười -. ''... Dẫu gốc “ngụy”, tôi cũng vẫn là người Kinh, có điều là Kinh “ngụy”. Kinh “ngụy” cũng là Việt!''. - Ông cười tếu -. ''Nhưng đấy là tôi đùa. Vấn đề lí lịch chính trị, tôn giáo, trước mắt là nặng nề, nhưng ngẫm lại suốt chiều dài lịch sử, triều đại này thay thế triều đại kia, vân vân, thì chả là gì cả! Trên quan điểm mới về con người, tôi cũng thấy vấn đề đó chả có nghĩa lí gì! Hẳn quan điểm tôi chẳng khác quan điểm luật pháp, tuyên ngôn về nhân quyền. Vấn đề nhân tộc có lẽ thâm sâu hơn, xương tủy nhất. Có người rất đau đớn, rất quằn quại về gốc tích nhân tộc. Cứ da vàng nâu là Anh-đô, cứ da vàng sáng là Mông-gô, chưa kể tới tóc xoăn hay tóc thẳng, mắt nâu hay mắt đen, sóng mũi gãy hay không... Và trong thâm tâm sinh mặc cảm!''. - Ông Phan lại cười -. ''Đấy là cường điệu cho vui. Tôi có viết một cuốn tiểu thuyết có ít nhiều yếu tố tâm truyện về tình cảm yêu đương riêng tư. Nhân vật hoàn toàn hư cấu của tôi lại là một anh giáo da nâu sẫm như thể lai Chăm, lai Ấn - các nhân tộc có yếu tố nhân chủng gần gũi với các nhân tộc châu Phi. Với thủ pháp hư cấu nghịch lí, phi thực, nhân vật phân thân, bản sao, cái bóng, ''cái tôi'' thứ hai của anh ta lại có nước da vàng sáng. Nhân vật Niên-anh-đô-nê-giêng và nhân vật Phan-mông-gô-lô-ít chỉ là một!''. - Ông Phan cười khoái trá về thủ pháp nghệ thuật, nhưng rồi trong thoáng chốc, nét mặt ông trở nên nghĩ ngợi -.''Tất nhiên hình tượng hư cấu vẫn rất máu thịt... Như một cầu thủ bóng đá trên sân cỏ với những cái bóng của mình, tất nhiên không dám ví là tháp Bay-on (Bayon) bốn mặt, tôi muốn nói: ''Nâu là trắng, trắng là nâu, đều là da vàng máu đỏ Việt Nam''. Trầm ngâm một lúc, ông Muối nhìn chúng tôi: ''Lịch sử nhân loại đau đớn lắm. Người Bách Việt, trong đó có người Kinh, đã bị chủ nghĩa bành trướng Hán tộc ở Trung nguyên Trung Hoa xưa lấn đất. Đất Quảng Đông, Quảng Tây (Lưỡng Quảng) vốn của người Bách Việt (7). Nhân tộc Chăm cũng từ Nam Đảo dong thuyền cập bến vào dải đất chúng ta đang sống để lập quốc. Và thật ra, dân số hồi đó có bao nhiêu đâu! Còn vùng đất Nam Bộ chỉ là đất hoang, đất của rừng tràm, rừng đước, rừng bần. Phần lớn, thuở ấy, là đất ngập mặn và sình lầy, do đó gọi là Thủy Chân Lạp (có nghĩa là vùng đất Chân Lạp ngập nước, xâm xấp nước). Cả Lục Chân Lạp lẫn Thủy Chân Lạp đều là đất nước của ''vương quốc Phù Nam''. Bộ lạc Khơ-me mạnh nhất, văn minh nhất từ phía Bắc tràn xuống, chiếm nốt ''vương quốc''này. Có sử liệu ghi ''vương quốc'' này vốn rất mênh mông, từng bao gồm cả Miến Điện (Myanmar), Thái Lan, Lào, Đại Việt, Chăm-pa, Chân Lạp (Campuchia)... Vâng, vương quốc Khơ-me đã chiếm cứ phần đất cuối cùng của Phù Nam (Bnam, Phnomn?)... Đất rộng, dân thưa, vậy đó, mà vẫn chiến tranh, chiến tranh giữa Lục Chân Lạp (vương quốc Khơ-me) với Thái Lan, với Chăm, chiến tranh giữa Chăm với Việt, giữa Chăm với Trung Hoa... Các thái thú người Hán Hoa cổ đại trong các thế kỉ xâm lược, chiếm đóng An Nam, Chăm-pa, có kẻ đã tàn sát quá nửa dân tộc Chăm. Đại Việt sử kí toàn thư cũng như nhiều thư tịch cổ Trung Hoa còn ghi nhận rõ sự thể tàn khốc, bi thảm đó. Sự thật lịch sử của châu Âu, châu Phi, châu Úc cũng vậy thôi, theo quy luật ''người ăn thịt người'' kinh sợ... Thôi, dẫu sao, chúng ta đã là đồng bào rồi''. ''Thật sự là Đàng Trong và Đàng Ngoài từ sau cuộc thống nhất của Quang Trung (8) lại diễn ra một quá trình hòa huyết. Máu nhân tộc Chăm, nhân tộc Môn - Khơ-me (gồm các nhân tộc ở Trường Sơn) đã hòa thắm khắp cơ thể sống Việt Nam, từ Nam chí Bắc, làm nên máu của máu, thịt của thịt''. - Ông Phan lại nói -. ''Đấy là kinh nghiệm lịch sử. Không ai bịt miệng được tiếng nói của khát vọng độc lập, tự do Việt Nam. Bộ sử biên niên ''người ăn thịt người'' của nhân loại phải mở ra những chương tương lai chói ngời ý chí độc lập, tự do''.

            Đó là câu chuyện của buổi chiều gần đây, Thôn chợt nhớ lại với những câu rời tự dưng được ghép nối trong kí ức anh. Nỗi đau xưa đã cũ lắm rồi. Đúng vậy. Bây giờ, Tổ quốc của nhân tộc Chăm đâu chỉ vỏn vẹn dải đất Nam Trung Bộ. Nhân tộc Chăm làm chủ cả lãnh thổ Việt Nam hiện tại. Lịch sử vương quốc Chăm là một bộ phận của lịch sử Việt Nam. Cũng như vậy, lịch sử vùng đất hoang vu Thủy Chân Lạp (Nam Bộ) cũng là lịch sử Việt Nam. Không ai có quyền lấy bi kịch lịch sử để bịt miệng tương lai, làm suy yếu ý chí độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

            Ồ­, Thôn mỉm cười, bâng khuâng, tự bảo, dẫu sao cũng cần chiêm nghiệm quá khứ để hướng vào hiện tại, hướng tới tương lai. Và đúng vậy, nỗi đau xưa đã cũ lắm rồi. Nhưng chiều nay, bất ngờ anh lại nhớ, thoáng nhớ gợi lên từ Ngọc Hãn.

            Bi kịch trong trường ca Chăm - Bà-ni (Cam - Bini), cũng chính là bi kịch của ba anh và mẹ ruột anh. Thôn nhớ như khắc vào trái tim anh hình ảnh chàng thanh niên Chăm Hồi giáo tên Chế Bồng Lam và người con gái Chăm Bà-la-môn tên Đàng Thị Sương, trong cuốn lưu ảnh cất ở ngăn tủ sách. Đó là những tấm ảnh ba mẹ anh ngày xưa, thuở ông Lam còn trẻ, mẹ ruột anh chưa mất vì bệnh. Hai người, một từ Ninh Thuận vào Sài Gòn theo học, một vốn cư trú từ lâu ở thành phố này, gặp nhau, yêu nhau, và thoát li gia đình hai bên, thoát li Bà-la-môn, thoát li Hồi giáo, hai tôn giáo ngoại nhập đã tạo ra sự xâu xé, tàn sát lẫn nhau trong nhân tộc Chăm. Thoát li, để trở về với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Chăm vốn có tự lâu đời, trở về với bản sắc nhân tộc. Phải đâu cuộc thoát li ấy không làm rơi nước mắt. Tất nhiên không đến nỗi phải chịu cái chết thảm khốc như đôi tình nhân trong trường ca Chăm - Bà-ni (Cam - Bini).

            Thôn chỉ biết mỉm cười buồn bã với hồi ức. Đúng là ba mẹ anh không còn chọn lựa nào khác. Họ đã sáng suốt, sáng suốt trong đau đớn. Thôn chợt một lần nữa tự hào về bản lĩnh của ba mẹ.

            Bất giác, Thôn lại nhớ một bài thơ đã thuộc từ lâu:

                       

                        Pô Sha-nư

 

                        đang trưa Pô Sha-nư

                        hương muối biển trên đồi mằn mặn gió

                        thánh thót tiếng chim lảnh lót, hình như

                        nắng vỡ

                        hình như điệu múa rung trào trúc tre hoa cỏ

 

                        Pô Sha-nư

                        tháp cổ

                        hình như

                        đôi ba cánh buồm phần phật màu gạch đỏ

                        trôi bồng bềnh lắc lư

                        vượt mặt phẳng biển cong xa mờ cách trở

                        vẫn bây giờ neo bờ Phan Thiết nhớ

 

                        Pô Sha-nư

                        chiếc thuyền này ''ông hoàng'' nào đến ở

                        nhà sư nào mõ gõ kinh ru

                        pháo đài thuở nào đạn găm súng nổ

                        người thơ nào, hình như, tương tư

                        (chỉ được thoáng yêu mà dằng dặc khổ

                        thù hận phụ phàng đến oằn oại ngất ngư)

                       

                        tự đánh lạc nỗi đau

                                    - lòng tháp gió ù ù

                        lịch sử loài người những cuộc chuyển cư

                        lìa cội xót cay, hay vung gươm dễ sợ -

                        ảo giác ngỡ du thuyền, Pô Sha-nư

                        dập dềnh sóng vỗ

 

                        cõi đất cuối cùng đây ư

                        vương quốc lưu dân sụp đổ

                        Pô Sha-nư

                        tháp thờ hiu hắt, hình như

                        công chúa còn đâu đó

                        mắt nhìn buồn thăm thẳm thâm u

                        huyền bí màu da (nâu hồng Ấn Độ)

                        gốc tiếng In-đô - chùm đảo xa mù

 

                        Pô Sha-nư! Pô Sha-nư!

 

                        nhưng hình như

                        người người hành hương lên đồi gió

                        thương Hàn Mặc Tử

                                    ngẫm chuyện tình

                                    từ độ...

                        (giá không có tứ thơ

                                    - giết người trong mộng mơ -

                                    quằn đau đến man rợ)...

                        và yêu ơi nét duyên Kinh Chăm

                                    mận chín ngọt lừ

                        ấm áp nắng trưa bên tháp lạnh hoang vu

                        sóng biển ngời rực rỡ.

 

            Thôn nghẹn ngào. Anh biết, không phải là ''du thuyền'', đó là chiến thuyền kiêu hãnh từ Nam Đảo cập bến Phù Nam, và hẳn những lưỡi gươm đã vung lên, đẩy các thổ dân Môn - Khơ-me chạy trốn vào đại ngàn Tây Nguyên (9) ... Vương quốc Chăm hình thành để rồi sụp đổ... Rồi ''ông hoàng'' thực dân da trắng của nước Pháp xa xăm lại đến, đến để đầu hàng, thảm hại về lại xứ Pháp... Pháo đài Pháp cũ, lại súng đạn Mỹ mới... Thi sĩ Chúa, nhà sư Phật... Thôn chẳng biết có phải bi kịch đẫm máu đã được thơ ca mơ hồ hóa, bút thơ vẽ lại hiện thực bằng thi pháp tranh lụa, mờ nhòa sương khói chăng. Quên hết mọi nỗi đau để chỉ hành hương đến một thoáng chuyện tình... Tình yêu của nhà thơ, sao hóa thành thù hận đến man rợ thế kia... Nhạt nhòa đi bi kịch lịch sử, sự lừa dối yêu đương, để rực rỡ lên sóng biển ngời, nắng trưa ấm áp... Thôn hiểu, vẫn còn đó những câu hỏi neo vào lịch sử, có điều, bi kịch loài người từ thuở hồng hoang đến bây giờ, tranh đoạt, chém giết, xâm lược, sáp nhập, chia lìa, thù hận, là có thật. Và cũng có thật hiện tại hòa bình, đoàn kết trong ý chí thống nhất Việt Nam, độc lập, tự do, bình đẳng Việt Nam...

 

                        tâm hồn Trăm Việt

 

                        bỏ lại Lưỡng Quảng mênh mông,

                                                nỗi giận hóa núi rừng

                        rồng giương móng - chĩa sắt -

                                                chặn bàn chân giặc

                        cánh cò lửa trên cán thép Trường Sơn

                                                xòe bóng mát

                        sóng gió lấp láy cần đàn,

                                                dạt dào xao xuyến luyến rung.

 

                        ca dao Nam Ai Nam Bình

 

                        viên gạch Hồi In-đô còn ướt đất Phù Nam

                                                Shi-va tây bắc xa xăm?

                        vượt biển xanh? hay bươn rừng?

                                                đỏ nung trên bãi bờ thưa vắng

                        trống đồng chim Lạc Việt Thường

                                                đành vùi bùn tro thầm lặng!

                        và sáu-tám-Kinh-Mường

                                                mãi thắm hồng

                                                hồn lục-bát-Thái-Chăm.

 

                        gốc giọng Thạch Sanh

 

                        gà rừng gáy Óc Eo - trên vùi lấp cảng

                                                chợ xanh tràm

                        cây đước choãi rễ lấy mình giữ phù sa

                                                Hy-ma xứ lạ

                        máu Kinh Tày pha Chăm

                                                chất tiếng giờ đây ngọt quá

                        giữa bát ngát bùn hoang

                                                bác Ba Phi Khơ-me ha hả

                                                            tẩm giọng tình

                        hương đường thốt nốt phương nam!

 

                        trong vòng tay biên giới

 

                        vầng trán da chàm Việt Kinh

                                    ấm nụ hôn Việt Chăm nâu hồng

                        (chợt ngán ngẩm những tranh đoạt

                        những hàng rào vàng, đen, trắng, ''đỏ'')

                        tiếng lục lạc reo trên tay

                                                            lung liêng

                                                nắng thơm tháp cổ

                        mỉm cười nhìn uyên ương tung vó ngựa

                                    soải dài suốt dải non sông.

 

            Thôn đọc thầm bốn bài thơ tứ bình trên vách. Anh nhớ cô bạn gái nghiên cứu sinh, đang miệt mài với chuyên đề về lịch sử Đông Nam Á, đã tâm sự với anh, trong một lần đi điền dã: ''Tư tưởng Việt Nam khác với các tư tưởng khác. Việt Nam tồn tại là nhờ tư tưởng độc lập, tự do: Bất cứ giá nào cũng phải đấu tranh giành độc lập, giành tự do cho Tổ quốc và dân tộc. Tư tưởng ta bàn với nhau có phải là tư tưởng thỏa hiệp không? Theo người Việt Nam chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ thỏa hiệp như vậy, cho dù lịch sử Việt đã có ngót nghìn năm phải mềm dẻo, mềm dẻo nhưng quật cường, luôn luôn quật cường... Nhưng... chủ trương đoàn kết đại gia đình các nhân tộc Việt Nam trước đây và hiện tại của Đảng Cộng Sản Việt Nam là đoàn kết trong bình đẳng, bình đẳng trên mọi phương diện''. - Cô bạn gái nhìn Thôn, hơi ngập ngừng, lại mỉm cười nói -. ''Hẳn là chúng mình đã thừa biết, trên đất nước Việt Nam gồm năm mươi mấy nhân tộc hiện nay, chỉ có mỗi một nhân tộc Chăm là có quyền đấu tranh đòi quyền tự trị hoặc đấu tranh phục quốc, phục hồi vương quốc Chăm-pa, vì nhân tộc Chăm từng thành lập được một vương quốc có bề dày lịch sử; còn hai “nước” Thủy Xá, Hỏa Xá ở Tây Nguyên thì chỉ là hai bộ tộc lớn mà thôi''. - Như chạm vào nỗi đau, cô bạn gái khẽ cắn môi, buồn buồn -. ''Có thể nói cho đến cùng, chính nghĩa vẫn không thuộc về nhân tộc Chăm, mà thuộc về ''vương quốc Phù Nam'', những cư dân cổ nhất ở vùng đất này... Vấn nạn lịch sử vẫn còn đó, cho mọi đất nước, mọi dân tộc trên thế giới... Ở các quốc gia Đông Nam Á này, các nhà sử học vẫn cắm những dấu hỏi về nguồn gốc dân tộc và lịch sử đất nước họ''. - Cô bạn gái lại nhìn Thôn -. ''Trái đất ba phần tư nước mắt, Đi như giọt lệ giữa không trung''. Xuân Diệu đã viết như vậy. Và... vấn đề phục quốc, ở riêng trường hợp Chăm-pa, tại nước Việt Nam chúng mình, là tùy nhân tộc Chăm. Đấy là vấn đề của nhà tù, súng đạn. Hẳn là thất bại về cơ sở lí luận, cơ sở lịch sử, và thực lực chiến đấu. Tôi sợ hãi, không dính líu đến. Tôi là người Việt, chỉ ngẫm về vấn đề lịch sử để lại. Tổ tiên người Chăm và tổ tiên người Việt, kể cả tổ tiên người Khơ-me, đều là nạn nhân của nhau và đều là thực dân của nhau. Tôi căm giận Chế Củ, Chế Bồng Nga... Còn Chế Mân, thực chất là chỉ trả lại đất Việt Thường, Bình Văn (?) (Châu Ô, Châu Lí) của vua Hùng đã bị chiếm mà thôi! Tôi biết ơn các vua chúa Việt đã trừng phạt vua chúa Chăm-pa xâm lược, trừng phạt một cách thích đáng, nhưng cũng căm giận họ xâm lược đất nước Chăm-pa''. - Cô bạn hiểu mình trót khoa học một cách thẳng thừng, thiếu tế nhị, có thể đã chạm đến lòng tự ái nhân tộc -. ''Xin lỗi, bây giờ, vấn đề lịch sử ấy đã trở thành vấn đề nội bộ Việt Nam. Kinh cũng như Chăm, đều là hai trong những nhân tộc anh hùng. Tất cả là do bi kịch loài người, tham vọng vua chúa. Kinh hay Chăm, Môn hay Khơ-me ... cũng là một! Vì Việt Nam chúng ta, chúng ta phải làm sáng tỏ vấn đề chung, phải đánh giá cho thật chính xác mỗi nhân vật lịch sử, trên quan điểm lịch sử - cụ thể. Chúng ta không muốn lịch sử bị ''cưỡng hiếp và bôi nhọ'', kiểu sa-đích (sadisme)...''. - Người bạn gái lại nói -. ''Dẫu sao, lịch sử cũng là vấn đề đã qua... Mọi sự thể đều có tính cụ thể, Chăm-pa là Chăm-pa, không thể đánh đồng bằng các ẩn dụ văn học một cách nhập nhằng...''. - Người bạn gái nghiên cứu sinh ấy lại nói với giọng trầm lắng -. ''Mình nói vậy, có gì không phải, quá đáng, các bạn vui lòng phản biện cho''.

            Thôn lại nhìn lên tường phòng khách, nơi bộ tứ bình bằng sơn mài được treo cạnh bức phù điêu tháp Chăm bằng đá. Bốn bài thơ ngắn được viết với thư pháp chữ quốc ngữ bằng nét bút của họa sĩ, đã được phủ lên từng lớp sơn mài. Tranh bằng chữ. Đúng là trái tim thơ ca muốn bay lượn trên mặt đất lịch sử.

            Sau lưng Thôn có tiếng động khẽ. Anh quay mặt lại, mỉm cười với Muống Xanh, thay vì tiếng thở dài do chìm lâu vào thơ ca, do muốn thoát khỏi ngực nỗi niềm đã quá xưa cũ.

            - Lên sân thượng cho thoáng gió đi anh. - Muống Xanh khẽ khàng nói -. Sao buồn vậy... - Câu hỏi buông nhẹ, dịu dàng -.

            Đứng bật dậy, anh nhìn vào gương mặt trắng khắc khổ, triền miên một nỗi buồn nào đó, nhưng vẫn tỏa sáng nét nhân hậu của Muống Xanh. Anh gật đầu, bước đi trước. Lên cầu thang, đến chỗ nghỉ, Thôn đợi Muống Xanh. Lần này, anh nhìn vào đôi mắt cô:

            - Muống Xanh! Em có một nửa trong người là huyết thống Chăm thật chứ? - Giọng Thôn trầm hẳn -.

            Mở to mắt, im lặng một lúc, Muống Xanh nói:

            - Em thấy anh lạ quá đi mất. Đừng hỏi điều đó nữa. Vấn đề là trái tim. Vấn đề là cái đầu. Em yêu quý lịch sử và văn hóa Chăm như yêu quý lịch sử và văn hóa Kinh. Tình yêu ấy như thế nào, anh rõ rồi. - Cô vẫn nói bằng giọng Đà Nẵng chuẩn -.

            Thôn im lặng, bước lên cầu thang. Anh nghĩ đến việc xét nghiệm y tế tiền hôn nhân, trong đó quan trọng nhất là việc xác định các yếu tố di truyền sắc tộc. Thôn cũng thấy vừa rồi anh trót thô lỗ quá, nhưng không thể khác được, bởi lẽ, cho dù anh không thích lắm chủ nghĩa huyết tộc, anh vẫn muốn số dân Chăm thuần tộc quá ít ỏi hiện tại mãi giữ được tính thuần tộc. Thôn lại im lặng bước. Thoáng qua đầu anh hình ảnh Ngọc Hãn!

            Nhưng rồi, Thôn tự hỏi, có phải những người thuần Kinh như ông Phan đang bị các thế lực Pháp, Nhật, Mỹ, Trung Quốc... ''bịt miệng'' không? Ông ấy không hề kích động phong trào phục quốc Chăm. Và liệu những người thuần Chăm như Thôn, và gần một trăm ngàn dân Chăm thuần tộc khác có bị các nước tư bản đế quốc lợi dụng? Thôn tự hỏi một lần nữa, nghe cảm giác nhói lòng, thắt ngực trong anh. Thôn đã tự thô bạo, tàn nhẫn với câu tự hỏi trung thực!

            Non một trăm ngàn dân Chăm! Một nửa của một trăm ngàn ấy sinh sống khá tập trung ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Một nửa khác sống rải rác từng nhóm nhỏ ở vài tỉnh thành. Có thể kể thêm vài chục ngàn người thuộc nhân tộc Ê-đê, Ra-g- lay (Êđê, Raglay) cùng ngữ hệ Nam Đảo đang sinh sống ở Tây Nguyên. Ê-đê, Ra-g-lay vốn là hai nhân tộc thiểu số của vương quốc Chăm cổ, liệu bây giờ họ có đồng ý sống chung với nhân tộc Chăm?

            Đứng trước giá sách ở phòng làm việc, Thôn bảo Muống Xanh khi cô bước tới gần anh:

            - Em ra sân thượng với các bạn đi. Thông cảm nhé! Muống Xanh thở dài, bước ra. Thôn cầm cuốn sổ ghi chép của anh đã úa vàng, lật dở những trang giấy chằng chịt chữ:

            I. Vấn đề ''vương quốc Phù Nam'' (giả thuyết):

                        1. Xác định cư dân đầu tiên của lãnh thổ: ''Indonésien''.

                        2. Khởi đầu, một hoặc vài bộ lạc thị tộc hùng mạnh nhất, (có thể là người Môn), tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ Phù Nam mênh mông. Hàng vạn bộ lạc khác sống đời sống hoang dã kiểu săn bắt hái lượm, có thể phần lớn không biết đến bộ lạc hùng mạnh đã tuyên bố chủ quyền. Hiện tại, cuối thế kỉ XX, vẫn còn có những bộ lạc mới được phát hiện ở Trường Sơn, nữa là thời cổ xưa ấy!

                        3. Các nhân tộc ở Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam... từ Vân Nam, Lưỡng Quảng tràn xuống do sự bành trướng Hán tộc, và lập quốc tại ''vương quốc Phù Nam''...

            II. Vấn đề xâm lược Chăm-pa (Lâm Ấp, Chiêm Thành, nước Hời [nói trại âm “Hồi” (?)]...):

                        1. Vì Chăm-pa quấy phá, xâm lược, cướp bóc (cả phụ nữ cũng bị bắt về Chăm-pa), Đại Việt phải có cách đối phó.

                        2. Nhiều lần cho Tàu mượn đường đánh Đại Việt. Đại Việt không yên ổn ở phía Nam.

                        3. Đại Việt buộc lòng phải chống xâm lược bằng cách tấn công, ''tiêu diệt'' Chăm-pa để rảnh tay đối phó với Trung Hoa.

                        4. Bằng biện pháp thực dân ''hòa huyết'', dân Việt (gồm nhiều nhân tộc) đã trở thành chủ nhân của lãnh thổ này.

                        5. Nhân dân Đại Việt vốn hiếu hòa. Trong điều kiện lịch sử - cụ thể, ''người ăn thịt người'', để tự vệ, buộc lòng nước Đại Việt rồi Đàng Trong phải ''tiêu diệt'' Chăm-pa và chiếm Thủy Chân Lạp. Cuộc ''xâm lược tiệm tiến'' này khác về bản chất với những cuộc viễn chinh, xâm lược ở châu Mỹ, châu Uằc, châu Phi...

                        6. Nhân tộc Chăm đã mất nước đúng ba trăm năm, kể từ 1693. Phục quốc Chăm? FULRO. (10)? đoàn kết trong bình đẳng thật sự?

            Ca-ron, đen nâu, chắc lẳn và duyên dáng, đang chuyện trò vui vẻ với Thị và Trúc Xinh, bất ngờ bước vào.

            - Định trình luận án tiến sĩ luôn sao, ông phó phòng văn hóa? - Ca-ron đùa -. Thị mới nói anh chê cái bằng thạc sĩ đã có, phải vậy không? - Ca-ron cười thật tươi với đôi môi mọng, ngọt ngào màu nho tím -.

            - Nãy giờ, vẩn vơ vớ vẩn, có đọc sách, ghi chép gì đâu! - Thôn đành mỉm cười, bước ra với Muống Xanh và các bạn -. Ồ­, không ngờ dạo này vốn từ tiếng Việt của Ca-ron phong phú vậy.

            Ca-ron cười khúc khích:

     - Nguyên câu vừa rồi, em lặp lại của Thị đó.

     Ngồi nghe các bạn chuyện trò, Thôn vẫn gặp nét mặt không vui của Trúc Xinh. Anh biết cô đang âu lo cho cuộc hôn nhân với Hát. Trước đây, nét sầu muộn không hề có ở Trúc Xinh. Điều đó khiến Trúc Xinh giống chị nhưng khác hẳn chị. Bây giờ, hai chị em ruột, Trúc Xinh và Muống Xanh, không chỉ giống nhau ở tấm ảnh chụp. Họ càng giống nhau hơn trước mặt Thôn về thần sắc.

            Chỉ có Ca-ron và Thị là vẫn hồn nhiên, vui vẻ.

            Một lát, Ca-ron rút từ xách tay ra một cuốn băng hình.

            - ''Người da đỏ trong ngăn tủ'', The Indian in the cupboard. Hôm qua, ngang qua đường Huỳnh Thúc Kháng ở quận Một, em tình cờ mua được cuốn băng này. Hay quá. Rất hay.

            - Anh và Muống Xanh xem rồi. - Thôn nói -. Có lẽ Thị và Trúc Xinh chưa.

            - Ồ­, vậy sao! - Ca-ron cụt hứng -. Anh thấy hay chứ?

            - Hay. Cảm động. Cấu tứ giỏi. - Thôn cười -. Nhưng tư tưởng của cuốn phim cũ quá. Anh cảm nhận như vậy.

            - Chuyện thế nào anh? - Thị hỏi -.

            - Hai đứa trẻ học lịch sử về thời kì người da trắng châu Âu xâm lược, tàn sát người da đỏ châu Mỹ. Một đứa da trắng, một đứa da nâu bị ám ảnh. Chúng chơi đồ chơi, có tượng người da đỏ, có tượng người da trắng, có tượng người lính thực dân Anh cứu thương... Chúng thấy lịch sử ở các mẩu đồ chơi ấy. Chúng ngỡ các mẩu tượng bắn nhau khi xem phim lịch sử về giai đoạn viễn chinh, xâm lược của người da trắng ở châu Mỹ. Giá như chìa khóa giải quyết vấn đề là Tổ chức Chữ Thập đỏ, Tổ chức Trăng Non đỏ. Nhưng hai tổ chức ấy hồi đó làm gì đã có! Vả lại, xâm lược và chống xâm lược là vấn đề chính trị, quân sự... Tổ chức Chữ Thập đỏ, Tổ chức Trăng Non đỏ sau này mới có, lại là hai tổ chức vốn siêu chính thể, siêu ý hệ, siêu giai cấp, siêu chủng tộc, siêu tôn giáo... - Thôn buộc lòng phải bày tỏ ý tưởng của mình -. Tất cả do tham vọng của vua chúa... Ca-ron, bạn biết cho không, vấn đề dân tộc vốn thâm sâu, xương tủy nhất. Đó là vấn đề trên mọi vấn đề. Tôn giáo, ý thức hệ, chính thể, giai cấp... chả là gì cả, so với vấn đề dân tộc. Còn so với tình yêu đương, yêu đương chỉ là thứ vớ vẩn! Có thể vứt vào sọt rác những tôn giáo, ý hệ, chính thể, quyền lợi giai cấp, tình cảm gia đình... nhưng vấn đề dân tộc (gồm nhiều nhân tộc) thì không bao giờ! Bạn hiểu cho điều đó không?

            Bốn người trẻ tuổi lặng lẽ suy nghĩ.

            Thôn bước vào phòng làm việc, đi ra sân thượng phía trước. Nắng chiều vẫn còn chói rực trên những mái tôn của những nhà láng giềng. Giàn hoa giấy phủ kín sân lát gạch bông. Lá rụng đầy, anh và những người bạn trong nhà chưa kịp quét. Thôn lững thững bước. Nắng xuyên qua kẽ lá, cành và hoa, rơi trên mình anh. Thôn vẫn quên bẵng nắng. Anh bước đến lan can, tì cả hai bàn tay lên trên thanh ống sắt tròn còn ấm hơi nắng lúc xế trưa. Thôn nhìn xuống con hẻm nhỏ, nơi Trà Ngọc Hãn hồi nãy đã bước về nhà trong cái nhìn dõi theo của anh, cái nhìn có thoáng mộng tưởng.

 

                        một-đi-không-trở-lại và ảnh ảo

 

                        tôi xin trố mắt lặng nhìn

                        dáng mơ Chiêm nữ xưa in chân trời

                        bước từ tháp nắng về đời

                        áo xiêm chói đỏ trên lời hát xa.

 

            Như bị mê hoặc bởi nỗi đau xưa đã cũ, anh chợt nhớ bài thơ nhỏ. Đúng là lịch sử đã một đi không trở lại, nhưng ảnh ảo ấy không phải là ảnh ảo, lại là ảnh thực. Tất nhiên, căn nhà anh không phải là tháp Chăm xưa, trái tim anh cũng chưa hẳn là tháp ấy - anh cảm thấy chưa xứng đáng, không ai xứng đáng. Anh vẫn mong có những ngọn tháp chỉ để tưởng niệm các anh hùng Chăm nhân bản, chỉ để thờ lịch sử Chăm kiêu hãnh và bi thảm, để hướng tới tương lai sáng tươi như nhà nghiên cứu Chế Hồng Muối, cả ông Trần Nguyễn Phan lẫn anh đều thành khẩn và hi vọng.

            Thôn thầm đọc trong tim những câu thơ đầy thao thức của trường ca G-lang A-nác (Glang Anak) (11) cổ, nỗi thao thức tìm sinh lộ cho vương quốc Chăm. Vâng. Anh đã nhìn thấy sinh lộ của nhân tộc Chăm, không phải là vương quốc, trên con đường Việt Nam.

            Thôn ngỡ đang nhìn thấy Đền thờ Tổ Quốc Việt Nam của năm mươi bốn nhân tộc bình đẳng trên đỉnh Hải Vân, trung tâm điểm của đất nước xã hội chủ nghĩa mới mẻ, độc lập - Việt Nam.

            Mặc những đốm nắng còn nóng bỏng lấp lóa trên tóc, trên lưng áo, Thôn lại nghe vang thầm trong tâm hồn những dòng lục bát Kinh Chăm - hơi thở lục bát đã quyện hòa từ nghìn năm xưa - về một nhà thơ, về một thuở Điêu Tàn, thời Pháp xâm lược:

 

đức tin nghiệp chướng ngây ngô

niềm mất nước hóa giấc mơ kinh hoàng

thơ ai trên gạch tháp Chàm

mười bảy tuổi, vội điêu tàn tóc xanh

bóng ma gào khóc chiến tranh

đau trong đau, đã kết thành, triệu năm...

 

            Thôn đứng sững sờ, mãi cho đến khi Muống Xanh bước ra tìm, khẽ gọi anh. Anh quay mặt lại với một nụ cười mỉm. Anh không băn khoăn về gốc Chăm của Muống Xanh nữa. Thôn đang hướng trái tim về Trà Ngọc Hãn!

            - Anh đang nghĩ gì vậy? - Muống Xanh khẽ hỏi -.

            - Nhân tộc và dân tộc cũng chỉ là một phạm trù lịch sử sao? Những con cáo già trên thế giới hiện nay muốn biến tất cả thành trò hề, Muống Xanh à! - Thôn nói, giọng buồn buồn -. Anh thật lòng không muốn trở thành rô-bốt của  chúng!

            Muống Xanh nhẫn nại mỉm cười. Không phải lần đầu tiên anh nói đến điều này. Cô cũng không lạ gì nỗi đau mất nước và ám ảnh phục quốc của người Chăm.

            - Người Kinh lai Chăm – Môn - Khơ-me đang trùng trùng điệp điệp quanh ta. Cho dù ba nhân tộc cùng ngữ hệ Nam Đảo có sống tập trung lại với nhau cũng chỉ bằng dân số hai huyện. Giá như Trung Quốc trả lại cho người Việt đất ở Lưỡng Quảng, chúng ta và Hoa kiều tại thành phố này, tại Quảng Ninh ngoài Bắc sẽ thương lượng để xin một miếng bên ấy. Tất nhiên, mình sẽ lập quốc riêng. Chính anh, anh cũng sợ người Hoa. Xin-ga-po (Singapore), em biết đấy! Nhưng rõ hơn là anh đang hoang tưởng! Anh thấy cần phản biện một cách khoa học những vấn đề lịch sử để lại... Ông Trần Nguyễn Phan đã bàn với chúng ta kiểu trà dư tửu hậu rất đùa với những giải pháp... của thơ ca! Đó là một người làm thơ, viết văn, nghiên cứu sử học... Ồ­, Kinh cách mạng hay Kinh “ngụy” cũng là người Việt. Người Việt nào cũng thương người Chăm nhưng sợ người Chăm phục quốc... - Thôn nhếch mép -.

            - Bằng một nửa dòng máu Kinh, một nửa dòng máu Chăm trong em, em nói với anh lần thứ một ngàn: Đoàn kết trong bình đẳng, bình đẳng trên mọi phương diện. Một vườn hoa Việt Nam có năm mươi tư loài hoa, trong đó có loài hoa ''khách'' Hoa kiều!

            - Mất nước một ngàn năm, người Việt vẫn phục quốc đấy! Mất nước hai ngàn năm, dân Do Thái vẫn phục quốc đấy! Chúng ta mất nước chỉ mới ba trăm năm! - Thôn chậm rãi nói, vẫn giữ nụ cười buồn trên môi -. Có điều, trường hợp vương quốc Chăm-pa lại quá đặc biệt.

            - Chúng ta đang bị các con cáo già trên thế giới kích động và chia rẽ! Việt Nam là một thôi. - Muống Xanh nói như van vỉ -. Chúng ta đừng sa vào kế li gián, mọi người Việt Nam nghi ngờ lẫn nhau!

            - Ờ... Bởi vậy! Ờ, thôi... Anh chẳng biết nói sao!

            - Vấn đề bi kịch loài người, mỗi nước có một cách giải quyết, vì lịch sử và thực trạng khác nhau, nếu xét vào cụ thể.

            - Em nói đúng. - Như những lần khác, chạm vào vấn đề này, Thôn không muốn chuyện trò với Muống Xanh. Thực lòng, anh không tin vào người lai Chăm. Thôn im lặng -.

            - Anh có nghĩ rằng anh đang tự dồn vào chỗ bế tắc không? Hay anh đang bị dồn vào bế tắc?

            Quay phắt lại, Thôn nhìn sững vào Muống Xanh. Một lúc, cái sững mắt của anh mới dịu bớt.

            - Đúng. Nhân tộc Chăm đang bị cô lập. Thế lực Hồi giáo, thế lực Bà-la-môn... chúng ta đều từ bỏ, bởi vì ý hệ tôn giáo đã lỗi thời! ... Nhưng chúng ta sa vào chính trị mất rồi!

            Thôn biết anh nên im lặng thì hơn. Phong trào FULRO. của nhân tộc Chăm, từng liên kết với các nhân tộc thiểu số cổ của vương quốc Chăm-pa xưa, nay đã tan rã. Các nước đế quốc vốn hà hơi tiếp sức hầu như bó tay. Chủ trương của người Việt chỉ muốn ''Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một'', năm mươi ba nhân tộc chỉ là một trên lãnh thổ toàn vẹn do lịch sử để lại, một Việt Nam thống nhất.

            Thôn biết anh không còn chọn lựa nào khác.

            Bất giác, Thôn thở dài. Anh quên bẵng Muống Xanh vẫn đứng bên cạnh. Anh vẫn chìm vào mạch suy nghĩ. Thôn biết, ông Chế Hồng Muối là nhà nghiên cứu văn học và văn hóa Chăm, ông còn là nhà thơ Chăm của Tổ quốc Việt Nam. Ông Trần Nguyễn Phan chỉ làm thơ, viết văn, nghiên cứu sử học. Biết đâu những dự báo của trái tim thi sĩ lại là những lời tiên tri không vớ vẩn (!). - Thôn cười thầm, cay đắng -. Nhưng có bao giờ các nhà chính trị lại lắng nghe các tiếng thơ lời văn? Có hoang tưởng không, khi bảo rằng người Chăm thuần tộc, hay người Chiau Mạ thuần tộc, hoặc người Khơ-me Nam Bộ thuần tộc sẽ cùng người Kinh lãnh đạo Việt Nam? Ngăn cản những chuyện tình lai trong vòng tay biên giới sao? Những âm mưu chính trị nào sẽ đánh tráo huyết thống nhân tộc ở một con người nào đó trong tương lai trên sân khấu chính trị? - Thôn lại nhếch mép, chợt tự thấy mình hơi mâu thuẫn -.

            Thôn thấy chừng như anh bị xô vào trò đùa tai quái. Những cáo già chính trị trên thế giới có coi ai ra gì đâu! Chúng muốn biến tất cả thành những thằng hề! Bản thân chúng cũng chỉ là những thằng hề có trái tim chó sói bệnh hoạn! Thôn thở dài. Anh hiểu anh đang thầm nguyền rủa.

            Nắng chiều đã vàng úa.

            Con đường hẻm dưới kia đang có bóng dáng  nhiều người về nhà sau giờ tan sở, tan trường.

            Thôn ngẩng mặt lên, chợt bắt gặp những chùm hoa giấy đỏ, đầu những cành xanh thẫm lá.

            - Mình vào nhà đi anh! - Muống Xanh vẫn dịu ngọt  với giọng Đà Nẵng rất chuẩn -.

            Thôn gật đầu, quay bước.

            - Các bạn đâu rồi? - Thôn buột miệng -.

            - Xuống phòng khách nghe nhạc, từ khi hồi kia.

            Vô phòng làm việc, ngồi vào bàn viết, Thôn nhìn chăm quả địa cầu mô hình. Muống Xanh vẫn đứng cạnh anh, tì tay lên mặt bàn, đặt tay lên tựa ghế. Thôn đưa một ngón tay khẽ quay quả địa cầu. Như một trái bóng đá được vẽ màu đặt trên giá sắt bọc nhựa có chân tròn, quả địa cầu nhẹ xoay.

            - Các đế quốc da trắng kinh sợ thật. Từ bên châu Âu, chúng chiếm hết các hòn đảo tận châu Uằc, chia chác cả Nam Cực... - Thôn lại nhéch mép cười buồn - . ... và ''xơi'' trọn châu Mỹ!...

            - Đấy là quả bóng đá của trẻ con, có những mảng đường của kẹo, nên kiến đen, kiến trắng, kiến vàng bâu đầy! Quế Sương bảo là cái tổ kiến đấy! - Giọng của Muống Xanh chợt vui vì một phát hiện -. Châu Mỹ có hình chữ S, trông giống Việt Nam quá! Văn hóa May-a (?) (Maya) cũng rực rỡ lắm!

            - Thực chất vẫn khác! - Thôn lại gượng cười -.

            Muống Xanh chợt hỏi:

            - Anh muốn trở thành Nông Đức Mạnh thật sao? Ông ấy người nhân tộc Tày đấy!

            - Không. Anh không thích làm chính trị. Đừng đùa! Ông Nông Đức Mạnh cũng sắp hết nhiệm kì chủ tịch Quốc hội rồi!

            - Anh làm S-ta-lin (Staline) đi nhé! - Muống Xanh cười khẽ -. Ông ấy người dân tộc G-ru-đi-a (Grudia) đấy! Tất nhiên, thực chất vấn đề vẫn khác! Và em chẳng dám đùa đâu... Ờ, mà...

            - Không đùa! Hay hớm gì! Anh không thích chuyện chính trị. Có điều, bàn về sự bình đẳng các nhân tộc, nếu không bàn về quyền lực chính trị thì hóa ra vô nghĩa... G-ru-di-a đã độc lập rồi, từ sau khi Liên Xô tan rã... Vấn đề FULRO. là vấn đề chính trị! - Thôn quay lại, ngẩng nhìn Muống Xanh -. Nghiệp chướng của nhân loại đã quá dày đặc, từ vạn nghìn năm xưa và ngay ở hiện tại, trên quả đất này. Hãy sút cái tổ kiến này với bi kịch loài người vào hư vô đi! Loài người còn tệ hơn lũ kiến! - Thôn đứng dậy, nhìn gương mặt Muống Xanh đang mỉm cười, anh trầm ngâm nói khẽ -. Không có sự chọn lựa nào khác. Đã lỡ ''máu của máu, thịt của thịt'' mất rồi! -. Thôn lại mỉm cười -. Có kẻ đang giở trò thâm độc chia rẽ Việt Nam đấy!... Lỡ sáp nhập máu thịt nhân dân vương quốc Chăm vào máu thịt Việt từ lâu lắm rồi! - Một lần nữa, Thôn lại cố mỉm cười, nén tiếng thở dài -. Em không được đùa với anh về địa vị chính trị như vậy nữa! - Thôn nghiêm giọng -.

            Thôn lại ngồi xuống, nhìn chú mục vào quả địa cầu mô hình. Cả hai lặng im hồi lâu. Bất chợt, Muống Xanh hỏi khẽ, nhìn đầu ngón tay Thôn đặt vào vị trí Nam Đảo:

            - Quần đảo Gia-va (Java) ở đâu anh?

            - In-đô (Indonésia) đấy! Gia-va, người ta quen gọi là Chà-và ấy mà! - Vui trở lại, Thôn bật cười -. Muống Xanh có nhớ huyền thoại về Mai Hắc Đế (12) không?

            - Nhớ, em có nhớ. Như các nhân vật lịch sử được huyền thoại hóa đó thôi! - Muống Xanh khẽ đáp -.

            - Ông ấy có thể là hạt máu của người Chăm, thuở có thể cũng đã thống nhất hai tiểu vương quốc Lâm Aãp và Pan-du-ran-ga (Panduranga) được một vài thế kỉ.

            - Không. Hẳn là mã di truyền trội Anh-đô-nê-giêng từ xa xưa, hiểu ''Anh-đô- nê-giêng'' như một thuật ngữ cũ.

            - Có thể là hạt máu từ cuộc tình giữa một thôn nữ Việt người Châu Hoan (Hà Tĩnh) với một tướng cướp người Chăm hoặc Chà-và,. - Thôn đùa tếu -., hoặc Mã Lai.

            Muống Xanh bật cười, xua đi một ý tưởng kinh sợ.

            - Nhưng ông ấy yêu nước thật và lập được chiến công! Có điều, bây giờ, làm thế nào chấp nhận được những hạt máu ngoài vòng tay biên giới! Phải là Việt Nam của năm mươi ba nhân tộc thôi. - Muống Xanh mỉm cười -. Vâng, Mai Hắc Đế rất đúng là hạt máu của mã di truyền Anh-đô-nê-giêng. Việt Nam hiện tại có ít ra là ba mươi triệu người vàng nâu. Nâu sẫm như Mai Hắc Đế không phải ít. Khoa y học di truyền bây giờ tinh vi lắm. Người ta có thể truy ra đến mười đời (13)! Và còn khoa học quản lí hộ khẩu nữa, quản lí chặt chẽ nhưng vẫn tôn trọng nhân quyền về cư trú! - Cô giật mình, sực nhớ bản thân còn chưa có hộ khẩu thường trú, nhưng vẫn gượng mỉm cười -.

            - Anh muốn nói về con người – văn hóa, con người như một cá nhân độc lập có thể tự sinh nở ra tư tưởng, nhân phận mình, trong một hay những môi trường văn hóa cụ thể, nhất định.

            - Nhưng còn thể diện của một đất nước! Người mang dòng máu nước ngoài, chỉ là ''khách'' thôi! Sao anh cứ trăn trở mãi vấn đề đó vậy anh?

            - Hồ Dzếnh? - Thôn lại đùa -.

            - Hồ Dzếnh không thể là nhà chính trị của Việt Nam! Chỉ là nhà thơ Việt Nam thôi. Em vẫn mong có một đồng chí cộng sản chủ tịch nước, nâu sẫm như Mai Hắc Đế, lại là người Chăm thuần tộc như Chế Bồng Thôn!

            Thôn bật cười. Tiếng cười dần tắt, và nghẹn đắng.

            Bài học mất nước của vương quốc Chăm lại trở thành kinh nghiệm giữ nước cho cả dân tộc Việt Nam, trong đó có nhân tộc Chăm! - Thôn nghĩ, ý nghĩ bất giác, đau lòng ấy để lại trên môi một nụ cười...-.

            Thôn vẫn nhìn đăm đăm vào quả địa cầu mô hình. Đó là quả đất ngập biển mặn, biển nước mắt của chúng sinh, như lời của Đức Phật. Đó là giọt lệ giữa không trung trong thơ Xuân Diệu. Đó là quả bongbóng bay mong manh dễ vỡ trong ca từ một bài hát quen thuộc. Và đó cũng là cái tổ kiến màu đất bi đát theo đôi mắt của Quế Sương, trái bóng đá trẻ con dính đầy các mảng đường kẹo với nhãn quan Muống Xanh.

            ... Chiến tranh xâm lược là chuyện của các vua chúa. Người dân Chăm hay người dân Kinh chỉ là nạn nhân của các cuộc chiến tranh ấy. Và lịch sử đã diễn ra một quá trình hòa huyết, có khuynh hướng Kinh hóa. Diễn biến Kinh hóa này lại nằm ngoài ý thức của người Kinh, ngoài ý thức của cả người Chăm...

            ... Bây giờ, Tổ quốc của nhân tộc Chăm đâu chỉ vỏn vẹn dải đất Nam Trung Bộ. Nhân tộc Chăm làm chủ cả lãnh thổ Việt Nam hiện tại. Lịch sử vương quốc Chăm là một bộ phận của lịch sử Việt Nam. Cũng như vậy, lịch sử của vùng đất hoang vu Thủy Chân Lạp (Nam Bộ) cũng là lịch sử Việt Nam. Không ai có quyền lấy bi kịch lịch sử để bịt miệng tương lai, làm suy yếu ý chí độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam...

            ...Thôn thầm đọc trong tim những câu thơ đầy thao thức của trường ca G-lang A-nác (Glang Anak) cổ, nỗi thao thức tìm sinh lộ cho vương quốc Chăm. Vâng. Anh đã nhìn thấy sinh lộ của nhân tộc Chăm, không phải là vương quốc, trên con đường Việt Nam.

            Thôn ngỡ đang nhìn thấy Đền thờ Tổ Quốc Việt Nam của năm mươi ba nhân tộc bình đẳng trên đỉnh Hải Vân, trung tâm điểm của đất nước xã hội chủ nghĩa mới mẻ, độc lập - Việt Nam, một Việt Nam không bao giờ thỏa hiệp.

            Thôn vẫn nhìn đăm đăm vào quả địa cầu mô hình. Thời gian như quay lại, đứng im, ở khoảng khắc đã trôi qua trong chiều nay.

            Bất giác, Thôn nắm chặt bàn tay Muống Xanh đang đặt trên bàn, lúc anh khẽ xoay người, ngước nhìn lên gương mặt Muống Xanh. Muống Xanh mỉm cười nhìn anh âu yếm.

            - Anh không thích chính trị. Anh không muốn cây bút, trái tim của tình bạn, tình yêu đương, niềm yêu con người và cõi sống rơi vào các mưu kế chính trị. - Thôn buồn buồn nói -. Có chăng trên đời này chính trị nhân nghĩa? - Giọng Thôn hơi run, bởi anh biết có những thời đoạn lịch sử chói ngời nhờ vua sáng tôi hiền -. Chính đại đa số người Việt Nam (Việt lai Chăm – Môn - Khơ-me...), lai tự nghìn xưa, và những Nghiệm, những Quế Sương, những Trúc Xinh, Muống Xanh... mới thực sự yêu thương nhân dân và Tổ quốc Việt Nam thống nhất! - Thôn chua chát nói -.

            Thôn bước ra cửa, lặng lẽ một mình nhìn ra sân thượng . Hoa và lá rụng đầy, nắng chiều không còn lấp lóa. Chẳng hiểu sao anh lại nhớ đến Trà Ngọc Hãn, cô sinh viên Chăm thuần tộc xinh đẹp, mái tóc dài đen mượt, óng ả với áo váy dài rất Chăm màu đỏ. Hơn bao giờ hết, Thôn yêu biết mấy cô gái Chăm đậm đà bản sắc nhân tộc, nhân tộc đã sinh ra những a-ka-dét (akayet, sử thi), những a-ri-da (ariya, trường ca trữ tình), những pa-nu-ớc pa-đít (panwơch padit, ca dao), những đa-li-can (dalical, truyện cổ) cùng những gì đã tạo nên hồn nhân tộc Chăm, tự bao giờ thấm đậm vào máu anh. Tất cả sẽ qua đi, nhưng bản sắc văn hóa nhân tộc Chăm vẫn mãi mãi thơm ngát trong vườn hoa của dân tộc Việt Nam, mãi mãi thơm ngát trí quyển của hành tinh nhân loại.

            Thôn mỉm cười một mình với mộng tưởng, anh không nghe tiếng thở dài của Muống Xanh phía sau lưng. Thôn vẫn bâng khuâng nhớ Trà Ngọc Hãn thuần Chăm, mong ước một Việt Nam thống nhất, đoàn kết, độc lập, xã hội chủ nghĩa mới mẻ và không bao giờ thỏa hiệp.

            Bất giác, sau một hồi chìm sâu vào mạch suy nghĩ,  Thôn rưng rưng nước mắt. Anh hiểu anh phải mở rộng lòng ra, yêu trọn vẹn và yêu sâu thẳm Tổ quốc Việt Nam với bảy mươi triệu đồng bào, cùng tất cả những gì rất Việt Nam cũng tự bao giờ trở thành máu thịt trong anh.

 

____________________________

 

(1) Cam - Bini: trường ca cổ của người Chăm, viết về mối tình bi thảm của một đôi trai gái, Chăm Bà- la-môn (Cam), còn gọi là Bà Chăm, và Chăm Hồi giáo cũ (Bà-ni: Bi-ni).

 

(2) Po Rome (?) (1627 - 1651). Theo tư liệu Inrasara trong những cuốn sách của anh đã xuất bản.

 

(3) Năm 192, thành lập; 1693, vương quốc Chăm-pa hoàn toàn sáp nhập vào xứ Đàng Trong của Chúa Nguyễn. (Xem: Từ điển Bách khoa Việt Nam, T. 1, TTBSTĐBK. xb. - 1995, tr. 406; và các tư liệu khác). ''Môn - Khơ-me'', xin xem thêm (2) cuối sách.

 

(4) Chế Củ (làm vua: 1061 - 1074); Chế Bồng Nga (mất: 1390).

 

(5) Người Việt (Bách Việt) gồm Kinh, Tày, Thái, Mường, Dao...

 

(6) Căn cứ vào các chỉ số di truyền học về nhân chủng và căn cứ vào ngữ hệ (cùng ngữ tộc, ngữ căn - ngôn ngữ gốc), không kể số lượng từ ngữ, các dạng ngữ pháp du nhập về sau. (Chẳng hạn, ngữ căn Kinh - Mường của tiếng Việt).

 

(7) Vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, thời cổ, đã diễn ra một quá trình sống chung và hòa huyết giữa người Lạc Việt (gốc Nam Á, thuộc vùng Hoa Nam hiện tại, thường được gọi với thuật ngữ cũ, không chính xác là Mongoloite) với cư dân bản địa (thường được gọi là Indonésien - cũng là một thuật ngữ cũ, không chính xác, chỉ chung các sắc dân có màu da đậm hơn người gốc ''Nam Á''; đó là các sắc dân Môn, Khơ-me, Chăm...) thuộc vương quốc cổ đại Phù Nam mênh mông đất và thưa thớt, rải rác dân.

 

(8) Gốc Nghệ An, tóc quăn, da sần, giọng sang sảng, mắt cực sáng.

 

(9) ''Vương quốc Phù Nam'' còn là giả thuyết. Các bộ lạc thuộc ''vương quốc'' này thuở đó còn sống rải rác, hoàn toàn ở tình trạng thị tộc sơ khai. Dân số mỗi bộ lạc hẳn cực kì ít ỏi, từ vài trăm đến vài ngàn người (?).

 

(10) FULRO. (viết tắt): Front Unifié  de Lutte des Races Opprimées: Mặt trận Liên minh chiến đấu của các nhân tộc bị áp bức.

 

(11) Trường ca Chăm, xuất hiện vào khoảng cuối thế kỉ XVIII (?), thời điểm hoàn toàn suy vong của vương quốc Chăm-pa. 

 

(12) Mai Thúc Loan khởi nghĩa, thắng giặc Đường, lên ngôi năm 722.

 

(13) Thành tựu hiện nay và trong tương lai của khoa học xét nghiệm về mã di truyền có thể giúp giải oan cho nhiều người bị xuyên tạc, chụp mũ về gốc tích nhân chủng, nhân tộc.

 

 

 

Xem tiếp truyện ngắn thứ 5 (liên hoàn)

 

 

(  xem tiếp : truyện ngắn 5 )

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/30/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7