e. Trần Xuân An - Có một nơi lá mãi xanh - Tệp 5

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

TRẦN XUÂN AN

có một nơi lá mãi xanh

 

CHƯƠNG NĂM

 

 

 

1

 

 

            Đêm qua, sau khi chở Niên về đầu hẻm, Điệp băng qua đường, chạy được một quãng, anh cảm thấy mặt đất, xe cộ, nhà cửa cùng các loại ánh đèn của phố xá chung chiêng. Do men bia, Điệp cũng biết vậy, bởi hai tay cầm ghi đông như sượng lại. Điệp ghé vào một quán nước sáng đèn màu. Dựng xe xong, anh bước tới một trong nhiều chiếc ghế đặt xoay ra đường phố, với đôi chân hơi lảo đảo. Anh ngồi sững sờ, im lặng, uống liên tiếp hai li đá chanh với rất nhiều chanh. Thử nhắm mắt, anh thấy trời đất quay cuồng trong đầu. Cảm giác ấy còn cảm nhận từ khắp cơ thể. Điệp không ngờ anh say đậm thế. Nỗi đau, niềm cay đắng với chút sĩ khí trước Niên, và với ánh buồn thăm thẳm trong đôi mắt Niên, tất cả đã khiến Điệp uống nhiều, quên bụng đói, dù Niên chỉ rót bia thêm cho anh một cách cầm chừng. Điệp đã tự rót đầy cho anh, quá nhiều đến mức anh cũng quên mình uống bao nhiêu.

            Điệp mỉm cười buồn bã một mình, cái mỉm cười bất động rất lâu trên môi anh rồi tắt đi bằng một cái mím vô nghĩa.

            Hơn nửa giờ sau, Điệp mới lên xe, chạy rà rà dọc lề phố, ghé một tiệm thuốc tây, mua vài viên pa-ra và C, rồi kiếm một xe mì dọc đường. Điệp chỉ ăn được nửa tô.

Gần mười giờ đêm, Điệp mới ngủ được. Trước giấc ngủ mệt mề, gương mặt Bông Trang hiện ra trong đầu anh như một ngạc nhiên và thắc mắc. Tám giờ sáng nay, Điệp mới mở mắt thức dậy, anh lại thắc mắc và ngạc nhiên về Bông Trang.

            Nỗi đau, niềm cay đắng đã mãn tính trong Điệp từ bao năm nay, trở thành cái hận buồn rầu, chua chát. Điệp đã cạn li cà phê bằng những ngụm nhỏ, ngồi thẫn thờ hồi lâu, nhìn ra khung cửa.

            Thật ra, Điệp biết, giữa anh và Cúc Tần đã thật không còn gì để suy nghĩ, dự định nữa. Một cuộn băng nhạc đã bị ngắt, dở dang, nửa sau của băng nhạc ấy hóa ra là trắng, cái trắng của sự im lặng lạnh nhạt, của những câu nói đã trở thành tạp âm vô nghĩa. Như vậy đó, giữa anh và Cúc Tần, thật không còn gì. Điệp giận mình lẩm cẩm với nỗi chua cay, cứ muốn nối lại một sợi dây đàn đã đứt! Điệp muốn vứt cả băng nhạc ấy, cả sợi dây đàn ấy của tình yêu anh vào sọt rác của kỉ niệm.

            Điệp thấy buồn cười cho anh.

            Ngày hôm qua, anh đến nhà Niên, trong dự định có hơn một nửa là ý đồ tìm hiểu người đã được Cúc Tần yêu. Điệp biết, đấy là ý đồ không tốt đẹp gì. Anh thất bại, anh muốn hiểu vì sao Niên chiến thắng. Lẽ ra anh chẳng cần phải tọc mạch vào đời tư của Niên làm gì. Vô ích. Tất cả là sự đã rồi. Biết vậy, nhưng Điệp không cưỡng được ý đồ tò mò đáng ghét của anh. Điệp xấu hổ vì cuộc thăm viếng Niên không thật trong sáng, vào chiều hôm qua, của chính anh.

            Qua nhiều lần gặp nhau ở Lá Xanh, nhất là sau cuộc chạm vào nhau vài lời khiêu khích, châm chọc một cách bất giác gần đây, Niên đã cáo từ về trước, đã khiến Điệp có cảm tình với Niên, để rồi từ đó đã trở thành một nửa khác của lí do anh đến thăm Niên. Và với cuộc chuyện trò, bên những chai bia gần như suông, Điệp bỗng dưng rơi vào tình thế không thể không nói một lời cao thượng với Niên. Có gì đó trong thâm sâu lòng anh đã khiến anh cao thượng như muốn vớt vát cho sự lui tới Lá Xanh như thể kèo nèo, lì lợm, của chính anh. Điệp đau xót mừng cho sự cao thượng của anh, cái cao thượng chẳng đặng đừng. Điệp thở dài, thế vẫn còn khá hơn ti tiện, đê mạt. Anh chẳng biết anh có an ủi anh không khi nghĩ về mình như vậy.

            Lúc này, bên li cà phê, Điệp nhớ về Cúc Tần như một nỗi buồn hận cay đắng. Những năm tháng anh ảo tưởng Cúc Tần yêu anh, có khi đã yêu thật cũng nên, dẫu sao cũng làm nên một chuỗi kỉ niệm đẹp về hi vọng, niềm say đắm trong tim anh. Đôi lần hồi tưởng lại, anh giận dữ đến phẫn nộ với đôi hàm răng nghiến chặt, gương mặt tái bầm: Hóa ra anh bị lừa. Mười năm, ròng rã mười năm anh yêu cô ấy, thăm viếng, chuyện trò, có nhiều cuộc đi chơi chung với gia đình, đã hứa hôn để bị từ hôn một cách nhục nhã, nỗi nhục nhã đã đẩy anh vào một bi kịch chua chát khác. Nhưng cũng may cho tâm hồn anh, anh chưa đến nỗi đen tối trong suy ngẫm. Anh cay đắng nhận ra mọi đau đớn, tủi hận của anh đều do anh là chính. Mười năm, lãng phí suốt mười năm đẹp nhất của đời người cho một ảo tưởng tình yêu! Để được nghe cô ấy, cô giáo Cúc Tần ấy, nói một lời yêu anh từ đôi môi xinh đẹp của cô, anh mất gần trọn sáu năm đeo đuổi. Để cầm lấy bàn tay cô lần thứ nhất, gắn vào ngón tay áp út chiếc nhẫn hứa hôn, anh ngu si mất thêm hai năm nữa! Rồi chẳng bao lâu, anh giận dữ ném ra đường chiếc nhẫn bị trả lại mặc cho xe cộ nghiến lên bao làn bánh vô tâm. Anh hối tiếc anh yêu nhầm một tượng đá chứ không phải con người. Nỗi tự ái, niềm đau bị xúc phạm (lại xúc phạm một cách dịu dàng mà quyết liệt!) khiến bao lần trái tim anh bùng lên ngọn lửa hung bạo, khi chỉ một mình anh giữa khuya vắng.

            Điệp thở dài. Lạ lùng sao, anh vẫn còn yêu cô với một tình yêu ngu muội, dẫu ý thức rõ tính chất ngu muội đáng khinh bỉ ấy.

            Điệp tái mặt trong nỗi xấu hổ đến nhục nhã, khi hồi tưởng, chính anh đã bao lần, hàng trăm lần hơn, có lẽ, đã ngồi một mình ở Lá Xanh, dẫu Cúc Tần từ chối khéo léo không tiếp chuyện anh. Anh đã yêu Cúc Tần đến độ hèn lụy, đã nài xin, van vỉ cô hãy yêu lấy anh, thậm chí thương anh thôi cũng đành, thương anh như anh đã thương những bệnh nhân quằn quại! Và Cúc Tần đã mủi lòng, đã xiêu lòng, đã thương hại anh để rồi dịu dàng từ hôn anh!

            Điệp không ngây ngô. Điệp đã học bài học về con gái, đàn bà bằng cách học của các thị dân. Quanh anh, có bao cô gái ngỏ ý yêu anh với rất nhiều hứa hẹn trong tầm tay. Điệp không phải là nhà nghiên cứu xã hội hay nhà văn chuyên viết về đàn bà hoặc xã hội đen, nhưng anh cũng đủ để gọi là lõi đời. Tất cả, để cuối cùng Điệp hiểu ra rằng, tình dục không phải là tình yêu, và tình yêu đôi khi chỉ thoáng gợi lên trong anh sự chiêm ngưỡng thuần khiết về Cái Đẹp. Đôi khi, trong anh cồn lên ý định chiếm hữu tình dục của cô để có thể chiếm hữu tình yêu của cô. Nhưng làm sao anh có thể thô bạo đến táo tợn, dẫu với một động cơ duy nhất là tình yêu chân thành đến cuồng si trong anh. Anh cũng sợ phải trả nợ với cái giá anh phạm phải.

            Mười năm! Mười năm lãng phí với một vô vọng, với đau đớn trước tuyệt vọng!

            Điệp quá thuộc bài học con gái, đàn bà, nhưng anh không hiểu nổi Cúc Tần lẫn một số ít thuộc dạng người như cô. Điệp đã mất trọn mười năm để học bài học về dạng con gái kiểu Cúc Tần, để tự học chính anh. Mười năm ngu muội!

            Và chiều hôm qua, anh mới hiểu rõ thêm chút nào về Cúc Tần khi đến nhà Niên, gặp cả Bông Trang, bé Ca Dao, nhất là khi uống bia với Niên. Hóa ra, Niên tầm thường đến thế. Niên viết văn khá sâu, chuyện trò không thể nói là phù phiếm, nông cạn, nhưng xem ra không phải không quá bình thường? Niên chỉ tầm thước, nước da đen nâu, đôi mắt to, buồn, đôi khi ngơ ngác. Niên lại có vợ con nữa - một điều gây kinh ngạc cho Điệp lúc biết chuyện. Khi gặp gỡ, anh lại ngạc nhiên. Gương mặt vợ Niên chỉ dễ nhìn, dáng thấp đậm, nước da tai tái và khô, sớm già với những nếp nhăn mờ. Gặp vợ Niên đâu đó, anh sẽ không nhớ. Nhưng cái tên của vợ Niên khi khớp với khuôn mặt ấy, dáng người ấy, giọng nói ấy, nhắc Điệp đã nhớ lại, chắc chắn không nhầm.

            Cúc Tần! Điệp không thể hiểu được Cúc Tần. Rõ ràng, Điệp bất ngờ khi hiểu Cúc Tần không phải không liều mạng khi yêu Niên. Con người như thế lại liều mạng đến bất chấp như thế!

            Bông Trang! Bông Trang? Điệp có nhầm không nhỉ?

            Điệp thay áo quần, xuống gác. Điệp nói với hai đứa em gái và ba má, trưa chủ nhật này anh không về nhà ăn cơm.

            Dắt chiếc xe máy mới tinh ra khỏi cổng, Điệp bấm nút khởi động, vọt ra khỏi đường hẻm còn ướt cơn mưa đầu mùa. Anh chợt nhớ mình chạy hơi ẩu. Điệp cố gắng mỉm một nụ cười, rồi giãn hai khóe môi cho gương mặt bớt u ám, mệt mỏi, rầu rĩ.

            Điệp đến một người bạn cũ rất thân đã mấy tháng rồi không gặp lại nhau.

 

 

2

 

 

            Người bạn thân ấy của Điệp, hiểu rất rõ về một Bông Trang năm nào, lại vắng nhà.

            Điệp đành chào ba má Thư và xin phép về. Thật ra, Điệp đã nảy ra ý định đến nhà một người bạn khác.

            Đi qua mấy ngã tư, Điệp thấy chính anh đang làm một trò khá vớ vẩn. Vợ Niên mặc vợ Niên, can gì đến sự tuyệt vọng của anh đâu! Điệp hơi giật mình, nghĩ anh chẳng tử tế, đàng hoàng gì khi lao vào việc xác minh vớ vẩn này. Điệp ngần ngừ ở một ngã tư khác dưới ánh nắng đổ lửa. Anh nản lòng, đoán chắc hồi đêm, lúc nửa khuya, Gò Vấp không được tưới cơn mưa đầu mùa. Nắng gắt, lại chợt chạnh nghĩ, Điệp rẽ qua đường khác, khác với ý định ban đầu, để về nhà. Đến một ngã tư khác nữa, anh lại quyết định vẫn đến nhà Bút, người Điệp hi vọng anh ta chưa quên Bông Trang. Điệp quay lại đường cũ cách nơi dừng xe một quãng.

            Chủ nhật, người bạn ấy đang ngồi búng đàn trước một tập nhạc đặt trên bàn phòng khách. Thấy Điệp, anh ta cười niềm nở.

            - Dựng xe,  ép sát vào vách một chút. Vào đây! Vào đây! Lâu ngày quá - anh ta nói, cầm đàn đứng ở cửa.

            Khi hai người ngồi đối diện nhau trước hai li đá lạnh, Điệp cười với người bạn chung lớp ở trường y năm nào:

            - Thăm nhau một chút vậy thôi. Chủ nhật rảnh rỗi mà. Dạo này sao, có gì mới không?

            - Vẫn thường, ngày tám tiếng đến công ti, chủ nhật nghỉ, chẳng biết đi đâu. Điệp có gì vui lại chưa? Tao hơi rầu vì cái vụ mới đây của Điệp.

            Điệp cười buồn:

            - Chẳng có gì đâu, Bút ơi! - Điệp hơi nghèn nghẹn - Đau, chỉ đau thôi. Chia tay rồi.

            Bút rút một điếu thuốc lá, chưa vội châm lửa, vẫn thân mật đến ''mày, tao'' khi ngồi riêng thế này như hồi nào:

            - Ờ, tao biết chuyện của Điệp rồi. Nhưng, nè, giấy tờ, các loại khác có liên quan thì sao?

            - Thì tòa án phán sao chịu vậy - Điệp đáp, cười gượng - Mà thôi, may chưa có con với nhau. Có con lại kẹt lớn, kẹt nặng. Thôi, thôi nhé. Mình với Lựu Lý xem như xong rồi. Chấm hết chuyện này đi - Điệp lại gượng cười - Chấm hết sau một năm chung sống! Ly dị cho nhẹ đời nhau!

            - Vậy Cúc Tần? - Bút hỏi sau khi nhả khói thuốc, với vẻ đăm chiêu, môi hơi khẽ run, sợ chạm vào vết thương của Điệp.

            - Thôi, đừng hỏi nữa Bút! Chuyện cũ hơn cả chuyện cũ mà cứ hỏi!

            Bút ngẩn người một chút, chẳng biết mua vui cho bạn cách gì đây.

            - Vậy thì... - Bút vừa nói, vừa ngẫm nghĩ - Trưa nay ở lại với tao nghen. Lên gác, hai đứa uống vài chai, nhưng tôn nóng. Ra quán, cũng vài chai với nhau, nhưng có thể hơi ồn. Điệp chọn cái nào?

            Điệp khoát tay cười:

- Sợ rồi, mới ''quắc cần câu'' hồi hôm. Kiếm quán nào uống cà phê rồi ăn cơm bụi.

            Bút gật đầu:

            - Cũng ghê hén! Dạo này cũng biết ''quắc cần câu'' nữa! Đợi một chút, mình thay áo quần.

            Điệp chở Bút qua đường Nguyễn Thái Sơn, qua chợ Gò Vấp, rẽ trái, chạy theo sự chỉ dẫn của Bút.

            - Thôi, uống bia đi Điệp, uống ít thôi. Điệp có gì ''hậu xỉn'' đâu, mặt mày tươi rói mà.

            - Ừ, tùy bạn. Ít thôi nghen... - Điệp hỏi luôn điều cần hỏi - Này Bút, Bút nhớ con nhỏ Bông Trang không?

            Bút vừa chỉ đường cho Điệp vừa hỏi:

            - Bông Trang nào ta?

            - Bông Trang người Châu Đốc đó.

            - Thôi, đến rồi, cho xe vào sân luôn - Bút nói - Nhớ rồi, nhớ rồi... Được, sẽ nhớ lại coi - Bút nghĩ thầm trong bụng, thằng Điệp này sau vài keo ê ẩm đã xuống cấp rồi, và cũng ái ngại cho bạn.

            Quán vườn nhưng có vẻ bình dân. Hai người bạn tìm một góc vắng người. Hai chiếc khăn vào bao ni lông đặt trên dĩa được một cô gái bưng ra cùng với tấm thực đơn bọc nhựa.

            - Hai chai bia Sài Gòn trước đã. Điệp ''đi chợ'' đi! - Bút đẩy tấm thực đơn trên bàn qua trước mặt Điệp.

            Điệp gọi một món nhẹ tiền rồi cầm lấy chiếc khăn, xé nhẹ, trong khi Bút bóp khẽ bao khăn đánh bóc một tiếng.

            Sau khi cạn hai li đầy cho đã khát, Bút hỏi Điệp:

            - Điệp hỏi con nhỏ Bông Trang làm gì? Nó ở dưới Long An chứ đâu trên này? - Bút nghiêm mặt, tỏ vẻ khinh bỉ - Tao không ngờ thằng Tại lại tồi tệ đến vậy! Hại con người ta quá trời.

            Điệp mừng rỡ:

            - Vậy là Bút nhớ rồi! Con nhỏ Bông Trang đó đấy.

            - Nó người Sa Đéc, ông thầy ơi! Châu Đốc đâu mà Châu Đốc! - Bút vừa nhai đậu phụng da cá vừa nói - Thằng Tại thuộc loại gian ác... Điệp có nhớ hồi nó khai trương phòng mạch với lại tiệm thuốc tây ''tí hon'' của nó không?

            Điệp gật đầu, ngả người ra lưng ghế, tỏ vẻ chán nản.

            - Con nhỏ Bông Trang, hồi đó, dạy trung học ở Long An đâu chừng hai năm thì đụng phải ông Tại nhà ta, từ Sài Gòn, cắp ống nghe với lại ống chích về. Cô giáo Bông Trang với ông Tại nhà ta là bà con gần nghen Điệp! Bông Trang mượn vốn giúp anh họ. Và cuối cùng, Điệp biết đó.

            - Anh em họ, như thế là quá tốt. Cô giáo tỉnh nhỏ có phụ huynh thương, đứng ra lãnh nợ giùm. Thành ra mang tiếng quỵt nợ! Đúng vậy không? - Điệp hỏi Bút.

            Bút đã đỏ au gương mặt bởi men bia:

            - Thế là Điệp nhớ kĩ rồi. Điệp có nhớ thằng Thư không? Tại mai mối Bông Trang cho Thư. Thư nó chê Bông Trang vừa mập vừa lùn, có thước tư! Thư nó nói thẳng ngay trước mặt anh em thằng Tại luôn! Bông Trang bị hai vố nhục muốn tự tử luôn đó. Sau đó, buồn quá, cô giáo bèn lên Sài Gòn, bỏ dạy luôn.

            Điệp thở dài:

            - Thư ác quá! Sáng nay tao mới đi kiếm Thư. Nó vắng nhà. Vậy vụ nợ phụ huynh cho Tại mở tiệm thuốc, sau có trả được không?

            - Bông Trang chạy làng luôn. Giáo viên tiền đâu mà trả. Năm cây vàng! Thằng Tại vượt biên, mất sạch, lại bị tù nữa.    

- Giờ Tại ở đâu? - Điệp nghe mặt mình tím lại, anh hỏi Bút, và đẩy li bia ra.

            - Sao vậy? Thêm chút nữa chứ?

            - Thôi, mình nhậu hồi hôm mệt quá - Điệp đánh trống lấp - Tại bây giờ... Tại giờ ở đâu hở Bút?

            - Nó ở ngoài Trung, chẳng biết tỉnh nào - Bút chép miệng - Đời buồn thiệt tình! Bông Trang dạy khá lắm đó, nhưng cả tin vào ông anh họ, nên nỗi! - ngẫm nghĩ một hồi, thấy Điệp im lặng, tay vê vê hạt đậu phụng một cách mệt mỏi, Bút nói tiếp - Mà này, Điệp, sao mày hỏi Bông Trang?

            Điệp vẫn cúi mặt, nhướng mắt lên nhìn Bút:

            - Mới gặp lại, kể từ tuần lễ  về Long An chơi, dự khai trương cái tiệm thuốc thằng Tại, đến giờ. Hơn mười năm mới gặp.

            - Ở đâu? Chồng con gì chưa? Bộ chưa hả? - Bút cười thăm dò Điệp.

            - Rồi... Bút nghe tên nhà văn Phan Cát Niên không? Chồng nó đó.

            - Ủa - Bút nhổm người, hai tay tì lên mép bàn - Cha nhà văn ''gốc Châu Phi'' đấy hả? Giả đẹp trai, tài hoa chớ bộ!

            Điệp cười, gật đầu. Anh mệt mỏi nhìn ra đường. Nắng trưa gay gắt, xe cộ thưa đi từ lúc nào. Điệp kín đáo nhìn đồng hồ: mười hai rưỡi. Ngao ngán đến trống rỗng, Điệp nhìn lên vách, nhìn cái nhìn vô nghĩa vào chiếc quạt máy đang xoay tít. Một cảm giác hả hê dâng lên trong lòng Điệp nhưng Điệp cố gắng kìm chế. Chiếc đầu anh cứ nghĩ là phải thương cho Niên và Bông Trang, nhưng trái tim anh cứ cuộn lên máu chưa lọc lại, thứ máu bầm của tủi hận, hả hê. Theo con mắt người đời, gia đình Niên chỉ là thứ thất cơ lỡ vận, giang hồ tứ chiếng gặp nhau chăng? Điệp bỗnggiật mình ngỡ tìm ra đáp số: Cúc Tần yêu Niên có lẽ do Niên có chút tài văn chương? Điệp cười, tài đã đến đâu, vội đánh đổi đời mình một cách liều mạng đến thế! Đời buồn khóc và buồn cười quá đỗi!

            Thấy Điệp chán uống, Bút vẫn lai rai một mình với cả chiếc bánh mì và đĩa bò kho mới gọi thêm.

            - Không uống thì ăn đi mậy, Điệp - Bút đẩy phần của Điệp lại gần Điệp hơn - Chèng đéc, làm gì như ''hậu sản'' vậy!

            Điệp cắm cúi ăn vì sợ cảm giác say nặng chiều tối hôm qua, mỉm cười hai cặp chữ ''hậu xỉn'' và ''hậu sản'' của Bút.

            - Nè, Điệp, tao tò mò chút nghen. Mày với nhỏ Lựu Lý sao rồi? Uở, quên, sao chia tay vậy?

            - Hận đời, cưới vợ chơi - Điệp cố gắng phớt tỉnh - Vợ gì mới cưới mà ông nói gà bà nói vịt! Lựu Lý vừa khoái xài sang vừa khoái... lắm mồm lắm miệng! Hết chịu xiết!

            Bút thân tình đến sỗ sàng:

            - Mày! Điệp! Do Điệp cả đó. Hận thì hận, rồi quên, rồi nhạt đi chứ, ai lại cưới vợ ẩu xỉ vậy!Mày hại nhỏ Lựu Lý luôn đó. Nó đẹp quá chứ lị!

            Điệp tím mặt:

            - Thôi ông thầy! Đừng dạy đời nữa! Lựu với Lý!

            Bút thoáng sửng người, phá ra cười xòa.

            - Không ai chịu nổi đâu! Cổ con nhà giàu, mười hai căn nhà lầu. Đúng vậy. Nhưng chỉ hợp với tay nào chịu khó... có tiền, và chịu khó... bịt tai! - Điệp cũng cười với bạn sau câu nói của mình, rồi lập tức lạnh mặt.

            Ngồi thêm một lúc nữa, Bút gọi tính tiền. Hai người bạn chở nhau ra về. Mặt đường nhựa hừng hực nóng.

            Đến hẻm nhà, Bút vỗ vai Điệp, cười hăng hắc suồng sã, bảo: ''Quên đi mày! Quên tuốt! Làm lại cuộc đời nghen Điệp! Tao sẽ tổ chức đám cưới cho Điệp!''. Điệp nhìn bạn, gật đầu, cười buồn. Bút lại nói: ''Để tao giới thiệu cho, mát tay lắm đó nghen!''.

            Điệp vào số, chạy một quãng vài mét, còn nghe Bút nói vọng theo: ''Quên tuốt! Làm lại!''.

            Trên đường về, đang giữa trưa, Điệp muốn về nhà luôn, nhưng sực nhớ Thư, anh đi chậm lại, và cuối cùng, sau một chốc suy nghĩ, thấy đã hỏi thì hỏi cho hết lẽ, anh ghé nhà Thư. Điệp nghe Thư nói đúng y những gì anh với Bút chuyện vãn hồi nãy.

            Điệp thấy mình cũng tầm thường khi mất cả buổi sáng cho lòng tò mò, tọc mạch hơi đáng mắc cỡ một cách lãng xẹt, vô duyên. Nhưng anh được bù đắp bằng sự hả hê tầm thường! Điệp bỗng tự căm ghét chút bẩn thỉu trong tâm hồn anh. Lần thứ mấy rồi Điệp có cảm giác tự căm ghét này! Anh muốn Niên, Bông Trang và cả bé Ca Dao, cả Cúc Tần nữa, hãy tha thứ cho anh với cái tầm thường không cưỡng được!

 

 

3

 

 

            Điệp cởi áo choàng trắng, mở dây buộc khẩu trang cũng màu trắng, mắc lên móc phía sau khung cửa gỗ. Anh nhìn bao quát phòng mạch chỉ rộng cỡ mười thước vuông được che chắn bằng gỗ sơn trắng và kính năm li, rồi tắt đèn, đóng cửa lại, xoay chìa khóa, rút ra, bỏ túi. Điệp mỉm cười chào chủ nhà mặt tiền, người cho anh mướn mười thước vuông ấy mấy năm nay. Anh dắt xe ra lề đường. Phố đã tràn ngập ánh đèn, bóng đêm đã xuống. Một cảm giác cô đơn sau một ngày miệt mài làm việc công và tư lại len vào anh. Điệp chầm chậm theo dòng xe cộ.

            Từ sau ngày li dị với Lựu Lý, Điệp càng buồn, càng ngao ngán. Có những khoảng trống thời gian, anh chẳng biết lấy gì lấp đầy.

            Đúng như Bút nói, quả thật cuộc hôn nhân vội vã giữa anh và Lựu Lý, phần lớn là do anh, trong việc dẫn đến đổ vỡ. Đổ vỡ vì anh chưa thật hiểu kĩ tính nết của Lựu Lý. Điệp cũng mừng khi thấy Lựu Lý bằng lòng với sự li hôn, đồng thời anh cũng giật mình, chua chát về việc đổ vỡ đó. Kết hôn rồi li dị, mọi việc quá chóng vánh và giản đơn trong đời người! Khởi đầu bằng nụ cười, kết thúc cũng bằng nụ cười hơi gượng gạo chút ít. Điệp thấy sự đổ vỡ không có gì thê thảm, trái lại, như cuộc chơi ngắn hạn. Có điều, khi ngẫm ngợi, nhận ra hôn nhân chỉ là cuộc chơi, Điệp thấy chính quan niệm mặc nhiên ấy, hững hờ, lạnh lùng, xơ cứng cảm xúc đến vô cảm, thật quá đáng sợ, đáng sợ đến kinh dị! Ờ, mà cũng nhẹ đời nhau!

            Điệp vừa lái xe máy vừa nghĩ ngợi. Đêm nay, anh cũng chẳng biết đi đâu. Dạo này, sau khi chia đôi số tiền bán căn hộ ở chung cư mới xây cất, Điệp đang ở tạm nhà ba má. Ngỡ như thuở còn độc thân, nhưng quả thật trong lòng Điệp đã có quá nhiều thay đổi. Anh vẫn đang tìm một căn hộ ở chung cư nào khác để sống một mình một cõi.

            Nỗi tủi hận từ quan hệ với Cúc Tần, cồn lên dữ dội, lắng xuống tê tái, rồi buồn đến dửng dưng, hững hờ. Điệp đã từ lâu kết luận về chính anh: anh là gã đàn ông trí thức có đầu óc thông minh và trái tim ngu muội. Điệp thở dài, ghé một quán phở.

            Điệp lại len vào giữa dòng xe cộ ngược xuôi. Điệp lại ghé một quán cà phê vườn. Anh tìm một chỗ ngồi vắng vẻ, gọi một li chanh rum với yêu cầu rất nhiều rum. Điệp chợt nhận ra, từ một người thích hành động, anh đã trở thành kẻ thích suy tưởng.

            Men rượu bừng ngay trong máu anh một cảm giác rần rần khắp người. Anh nhớ về Lựu Lý. Làm sao anh dễ dàng quên được một người đã là vợ anh, người đàn bà đầu tiên đi sâu vào đời anh một cách khá trọn vẹn, duy mặt tình cảm, chỉ là phơn phớt đâu đấy bên ngoài trái tim. Không. Cũng không phải thế. Ngoài phương diện kinh tế, họ chung mâm bát và chung giường, hòa hợp và va chạm cá tính, trong đó thể hiện cả tư tưởng, quan niệm sống. Điệp nghĩ, ít nhiều giữa anh và Lựu Lý đã có tình cảm vợ chồng. Tình cảm vợ chồng đã nảy sinh, dù với mức độ ban đầu. Anh cũng hiểu ra tình cảm vợ chồng không phải là tình yêu đương. Hai tình cảm này có thể đồng nhất, cũng có thể khác nhau, khác nhau nhưng cùng tồn tại trong một người! Giữa anh với Lựu Lý, một cách chân thành, sòng phẳng, đã thẳng thắn giao ước với nhau bằng miệng, cả bằng giấy, về kinh tế gia đình. Cả hai không muốn tình cảm vợ chồng bị ràng buộc về giấy tờ nhà cửa, lương bổng thu nhập. Họ đã hứa với nhau là chỉ chung nhau máu thịt và trách nhiệm ở con cái. Có sòng phẳng đến lạnh lùng không? Quả là ràng buộc kinh tế gia đình cũng là một điều kiện để cả hai bị ràng buộc về đời sống vợ chồng. Có nặng nề không thứ ràng buộc ấy? Giữa anh với Lựu Lý  không một ràng buộc nào cả vì họ chưa vội có con, còn pháp luật sẵn sàng kết, sẵn sàng li. Cũng nhẹ nhàng, sòng phẳng thật, lúc chia tay nhau vĩnh viễn!Điệp mỉm cười thẫn thờ, vô hồn.

            Điệp lơ đãng nhìn những đôi bạn tình chuyện trò, chợt thấy một đôi quá táo bạo, anh quay mặt đi, nhổ nước bọt một cách kín đáo. Bãi nước bọt, vì cử chỉ sượng sùng, bất giác, rơi xuống trên mũi giày đen anh đang mang ở chân. Bãi nước bọt trắng phếu trên da thuộc xi đen, lấp lánh ánh đèn màu.

            Điệp chợt da diết nhớ Cúc Tần.

            Anh gọi người tiếp tân tính tiền. Điệp giật mình vì giá cả ở đây đắt gấp hai những quán khác.

            Điệp lại lên xe len vào đường phố. Chất rượu mạnh làm nước bọt tứa ra dưới lưỡi Điệp. Anh rút khăn tay, trún nước bọt vào vuông vải nhàu nhò. Bỗng chuỗi suy tưởng về chính anh với Lựu Lý đọng lại trong anh một hình ảnh: cửa thoát trong trường hợp khẩn cấp của mỗi căn nhà. Anh lẫn Lựu Lý đã quá lạm dụng lối thoát ấy một cách vội vã chăng? Sao Lựu Lý và anh không điều chỉnh cho nhau về mọi mặt trong một thời gian nữa hẵng hay? Đã vội vã cưới nhau, khi chưa kịp hiểu hết mọi nét tính cách của nhau, chưa kịp tự giác cất đi cái mặt nạ đóng kịch như mọi người ít nhiều đều kịch ngoài xã hội, lại vội đập vỡ Cái Nghĩa như một thứ rẻ tiền cổ lỗ! Cái nghĩa có thể thay đổi tính nết, cách sống của nhau không nhỉ?

            Một lần nữa, chất rượu mạnh tứa nước bọt ra đầu lưỡi, Điệp lại trún vào vuông khăn tay nhàu nhò. Điệp nghĩ, có thể hôm nào anh lại bàn chuyện này với Lựu Lý, nếu cô ấy chưa quên anh.

            Đến nhà, Điệp bấm chuông, chuẩn bị dắt xe vào.

 

 

4

 

 

            Nếu ngày thứ hai trong tuần sẽ gọi là ngày thứ nhất, hôm nay là thứ bảy, ngày nghỉ cuối tuần. Sáng chủ nhật này Điệp không biết đi đâu. Anh cũng đã lười với những trang sách y khoa. Điệp cảm thấy anh sa sút quá, về sức khoẻ và cả ý chí tự học thêm. Anh định rủ bạn bè lập một nhóm thể thao, sau khi cưới Lựu Lý. ý định ấy cũng đổ vỡ, trong sự rạn nứt rồi đổ vỡ của quan hệ vợ chồng.

            Lúc mới thức dậy, Điệp nhớ Cúc Tần. Hóa ra, anh còn nhớ cô ngay cả trong giấc ngủ. Nỗi nhớ từ giấc ngủ còn vương qua những phút đầu tiên mới thức dậy. Thật kì quặc, một nỗi nhớ quá vô ích - Điệp lẩm bẩm tự trách mình.

            Lúc dắt xe ra, muốn chạy trốn nỗi cô đơn, dằn vặt, Điệp lại ngần ngừ. Đến quán nước nào, gọi nhờ điện thoại đến Lựu Lý xem thử, hay đến Lá Xanh? Không. Cả hai đều không nên. Nghĩ vậy, dứt khoát với mình như vậy, nhưng rồi Điệp thấy chẳng đành lòng. Anh biết anh còn khổ tâm bởi chưa chịu dứt khoát. Quên. Phải quên. Phải dứt khoát cho nhẹ lòng - Điệp tự bảo.

            Điệp đang chạy xe từ từ, bỗng một ý nghĩ buồn cười nảy ra trong đầu anh, sao chiếc xe máy mới tinh này không là con ngựa, để anh nhắm mắt, mặc nó đưa đi đâu thì đi cho khỏe óc. Anh lại giận mình đã lẩm cẩm, để mình sa sút quá đáng. Yêu Cúc Tần, không phải cô ấy mà chính tình yêu đương trong anh đã tha hóa anh quá nhiều. Lòng tự trọng của anh đã giảm đến mức thảm hại. Không thể như thế được nữa!

            Điệp bỗng dứt khoát hẳn. Anh vào một tiệm hủ tiếu gọi một tô. Ăn xong, anh mua thêm mấy chiếc bánh bao nữa để mang về cho ba má và hai em. Đúng rồi, phải về nhà. Phải giải quyết tất cả những rắc rối vào sáng hôm nay, chỉ trong sáng hôm nay nữa thôi. Không thể chậm trễ được nữa. Không lẩm cẩm, dở hơi được nữa. Điệp chợt ngỡ ngàng khi thấy anh ném chiếc muỗng trong tay lên bàn nghe cạch một tiếng, khiến hai người lạ chung bàn ngơ ngác nhìn anh. Anh vội xin lỗi, và họ hiểu anh có một tâm trạng gì đó khá rắc rối.

            Điệp lên gác, thay áo quần, mở nhạc êm dịu. Anh tìm trong cuốn lưu ảnh của anh những tấm hình anh chụp với Cúc Tần và gia đình Bảo, cả gia đình cô Sông Phố, gia đình ông Phước nữa - những tấm ảnh anh đã định đốt đi trong những lần một mình giận dữ bởi nhục nhã. Và đây rồi, ảnh đám cưới anh với Lựu Lý, ảnh căn hộ hạnh phúc chóng vánh, mỏng manh của họ.

            Nhìn những giọt cà phê rơi, anh nghe buồn lạ lùng. Nằm ngả lưng trên chiếc ghế xếp, anh cố nhớ lại một vài lần gặp gỡ chuyện trò giữa anh với Cúc Tần.

            - Mình quen nhau từ lúc anh mới ra trường, em đang thực tập sư phạm, vậy đã năm năm. Và đây là lần thứ mười một, anh ngỏ lời yêu em, em nghĩ sao? - lần ấy, Điệp nhìn vào mắt Cúc Tần và nói, giọng cố giữ vẻ cứng cỏi để giấu tâm trạng hồi hộp.

            Không ngạc nhiên nữa, Cúc Tần chỉ cười.

            - Em thấy em cũng lớn rồi, ''muộn'' rồi - hồi ấy, Cúc Tần còn tự tin để nói ra chữ ''muộn'', bởi cô nghĩ mình còn trẻ, cũng có thể cô tế nhị tự hạ mình để Điệp khỏi buồn - Nhưng hình như anh và em không hợp nhau.

            Điệp cố ghìm tự ái:

- Anh nghĩ, Cúc Tần nên thực tế hơn. Chúng ta là hai trong những kẻ biết điều. Biết điều - Điệp dằn mạnh trong ngữ điệu để lưu ý Cúc Tần, để lấy lại tự tin - Biết điều, nghĩa là không làm buồn lòng nhau, thì sao lại không thể sống chung với nhau?

            Cúc Tần nhìn vào tập sách trên tay, cô nói khẽ:

            - Em cũng chẳng hiểu nữa. Đã nhiều lần em nói với anh người con gái nào gặp anh sẽ rất hạnh phúc. Em may mắn gặp anh, nhưng em vẫn dự cảm rằng em không hưởng được may mắn ấy.

            Điệp thấy chính cách nói quá dịu dàng, khiêm tốn của Cúc Tần bấy lâu nay đã khiến anh không thể rứt ra được khỏi Lá Xanh. Sau này, anh ngẫm lại, bỗng quá hận cách nói ấy. Điệp nghĩ sao cô ấy không tạt vào mặt anh một gáo nước lạnh bằng ngôn từ. Rõ là cũng vì anh đã điếc thật rồi khi yêu, anh vẫn cố vớt vát chút hi vọng trong lời cự tuyệt!

            Một lần khác, sau suốt cả tháng trời đăm chiêu (có khi như sững sờ, Cúc Tần nhìn đăm đăm vào chiếc nhẫn hứa hôn trên ngón tay áp út của mình) lúc gặp Điệp, cô buồn bã lạ lùng. Lần đó, Điệp nói:

            - Em dự định thế nào về ngày cưới? Và cũng định ngày đi thôi, nghen Cúc Tần! - Điệp cố gắng giữ chút sĩ diện đàn ông.

            - Em không hiểu được em. Có gì đó cứ khiến em chần chừ, không dứt khoát được - Cúc Tần vẫn dịu ngọt.

            Điệp dang hai tay, ngẩn người. Anh bực bội, muốn đấm tay xuống mặt bàn cho li ấm, lọ đường nảy tưng lên, rơi vỡ hết trên nền sân. Điệp dằn lòng:

            - Em bị bệnh văn chương thơ phú mất rồi! Anh bảo em cần thực tế. Phải thực tế. Văn chương thơ phú dễ gây cho người ta ảo tưởng. Đời là tiền bạc và sức khỏe. Văn chương chỉ là thứ trang sức! - Điệp giận quá hóa thô bạo. Nói xong, anh chợt dịu lại - Em, Cúc Tần, em nghĩ lại đi, nghĩ lại, nghĩ suy lại giúp anh, giúp cả hai chúng mình! - Điệp da diết.

            Cúc Tần vẫn đằm thắm. Cô vẫn cúi đầu nghe Điệp nói. Cô cũng đã quen cung cách của anh bác sĩ cuồng si này bảy năm nay, cơ hồ cứ mặc Điệp nói gì thì nói cho hả giận.

            - Anh Điệp! Có lẽ vậy đó anh. Có lẽ... - Cúc Tần ngẫm nghĩ - em thiếu óc thực tế thật. Nhưng hình như anh nói vậy cũng oan cho em. Em vẫn rất thích, thích văn chương thơ phú hiện thực hơn lãng mạn. Tuổi lãng mạn phiêu bồng sương khói qua rồi. Em chừng như thiếu thực tế khi đứng trước hạnh phúc anh dự định. Em không hiểu nổi em mà anh!

            - Em thuộc loại báu vật, quý nhân, thánh hiền hay tượng đá gì rồi. Hay anh hạ mình quá, em khinh anh? - Điệp bực tức nói, chợt lạnh người phát hiện ra điều đó - Ờ, có thể! Ngay từ đầu, những tháng đầu, lẽ ra anh phải rút lui. Chính vì em khước từ anh, anh đau đớn, và anh phải chinh phục cho bằng được em bằng sự hạ mình nhục nhã - Điệp nghẹn ngào - Và vì thế em càng coi thường anh?

            Cúc Tần bỗng sợ hãi. Cô khoát tay muốn xua đi những câu nói của Điệp.

            - Không. Không bao giờ em có ý làm cao hay khinh thường anh. Em luôn quý anh, kính trọng anh. Có điều, em không hiểu nổi anh. Và em, em không thể hiểu nổi em... Ờ, sao anh Điệp không quên những dằn vặt, khổ tâm bằng nghiên cứu khoa học nhỉ. Giá như, anh Điệp là nhà phát minh y học... Chính em khinh em chưa là một giáo viên đầy sáng tạo thì có! - Cúc Tần nói như thầm thì - Em có nói những câu vớ vẩn, em xin lỗi anh nghen Điệp!

            Hôm ấy, Điệp dự cảm một đổ vỡ. Và quả thật, mấy tháng sau anh nghe Cúc Tần đề nghị hủy hứa hôn. Nhục nhã, rụng rời. Bây giờ cảm giác ấy vẫn còn trong anh.

            Điệp uống một ngụm cà phê, chợt nhớ mình chưa bỏ đường vào li. Anh lấy muỗng, tìm lọ đường, khoắng nhẹ. Tiếng nhạc êm dịu đầy ắp gian gác nhỏ. Điệp muốn mình thật bình thản khi quyết định đốt hết những tấm ảnh kỉ niệm với Cúc Tần, với Lựu Lý. Kỉ niệm mà làm gì! Nhưng để mười năm sau, hai mươi năm sau, biết đâu tủi hận sẽ thành thương cảm, ngậm ngùi. Đấy là những nỗi đau chứ đâu phải là những điều xấu xa, bẩn thỉu. Điệp lại phân vân. Có phải anh thiếu quyết đoán? Thực chất, ngoài vẻ cương nghị ở dáng dấp, nét mặt, anh là người yếu đuối chăng? Có lẽ nào vài chục năm sau anh không còn hận nữa, anh lại thương chính anh một thời tủi nhục, thương Cúc Tần đa đoan, thương Lựu Lý vội vã và quá chiều chuộng bản thân với nhiều thóc mách?

            Điệp mỉm cười buồn bã. Ờ, mong không lâu đến thế, anh sớm thương hết mọi người trong cuộc đau hôn nhân đời anh. Có phải trước hết, mỗi người chính là nạn nhân của chính mình?

            Điệp cố bình thản nhấp từng ngụm cà phê.

            Từ phút này, Điệp sẽ làm lại cuộc đời - anh dứt khoát với nắm tay siết lại, hàm răng nghiến chặt. Đúng vậy, bác sĩ Điệp không thể tuyệt vọng, đớn hèn, chịu lụy được - anh tự nhắc nhở. Anh bật cười thành tiếng nhỏ khi nhìn nắm đấm của mình. Đúng, Điệp phải đấm vào thằng tôi hèn lụy của Điệp, thằng tôi vội vã của Điệp - Điệp mỉm cười xót xa mà hồn hậu.

 

 

 

Xem tiếp:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/co_mnlmxanh-6.htm

Cũng có thể xem tại:

http://tranxuanancmnlamaixanh.blogspot.com/

http://tranxuanancmnlamaix2.blospot.com/

Trở về trang

danh mục tác phẩm -- muc lục:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danhmtphamtxa_googlepcreator.htm

 

bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

______________________________________________________________________________________________________________

 

Trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7