s. Bài 19c-Tl.2 - Trần Xuân An - Khúc khuỷu đường về Tổ quốc (kì 3)

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

Trần Xuân An

KHÚC KHUỶU ĐƯỜNG VỀ TỔ QUỐC

(viết tiếp từ 7 giờ 07’, ngày 08-11 HB7)

 

3

Cơn mưa chiều hôm ấy ập xuống, với những bản tin trên truyền hình về tình hình mưa lụt ở miền trung, làm trôi luôn lời hẹn cùng nhau ăn tối của anh Hoá và tôi.

Sáng hôm sau, ngày đầu tuần, lúc khoảng 9 giờ sáng, anh Hoá đến nhà tôi bằng chiếc xe 50 phân khối. Khoá chiếc xe ấy lại trước nhà, chúng tôi cùng nhau trên xe máy của tôi chạy về phía Quận 1. Anh cần giao dịch gì đó với một văn phòng đại diện thương mại của Hàn Quốc tại cao ốc Hanwah. Trong khi đi tìm cao ốc ấy, tôi ghé vào một hiệu ảnh, mua một cuộn phim Kodak, và lắp vào máy ảnh rồi cùng anh Hoá tìm đến.

Chờ anh Hoá, tôi có dịp ngắm nhìn đường Nguyễn Huệ và con đường bên hông cao ốc. Mới đó thôi, chỉ khoảng dăm bảy tháng, nơi đây đã hiện ra vẻ thay đổi rõ rệt. Điều đó khiến cho tôi có cảm giác như đã lâu lắm rồi mới từ quận Tân Bình lên đến đây! Tôi mỉm cười một mình khi nghĩ hẳn ai đó ở Quận 1 này khi về quận Tân Bình cũng có cảm giác như vậy.

Mươi phút sau, anh Hoá bước ra. Chúng tôi lại về Quận 3, kiếm một quán cà phê nào đó ngồi đợi cho đến giờ hẹn của anh Hoá với anh Minh Mẫn.

Quán Văn Nghệ ở 81 Trần Quốc Thảo vào sáng đầu tuần, như hầu hết mọi sáng đầu tuần khác, vắng hẳn những khuôn mặt thân quen, trừ Bùi Chí Vinh đang bận rộn gì đó với ai đó. Tôi chỉ chào Vinh khi vào và khi ra.

 

                               

        

Ảnh 1 & 2: Trần Xuân An & anh Nguyễn Văn Hoá (05-11 HB7 [2007])

Links ảnh to, rõ nét (hoặc bấm vào ảnh):

http://picasaweb.google.com/tranxuanan.writer/BanBeThanThuocQuenBiet2/photo#5131848947703437138

http://picasaweb.google.com/tranxuanan.writer/BanBeThanThuocQuenBiet2/photo#5131849093732325250

 

Trở về nhà tôi, trước khi lấy xe, anh Hoá và tôi cùng chụp chung vài tấm ảnh kỉ niệm (2). Sau đó, cùng anh, hai người hai xe, chạy về nơi anh đang tạm trú. Ngồi ở phòng khách, tôi bấm giúp anh hai kiểu ảnh, gần và xa, phía phông sau là 2 chữ “nhẫn”, “phúc”. Tôi rất tiếc vì không có độ lùi trong một căn nhà thành phố bề ngang vốn không được rộng lắm, cũng vì máy ảnh không thuộc loại có ống kính với nhiều cự li, nên thiếu mất một chữ “tâm”. Tôi nghĩ chữ “tâm” đã ở trong lồng ngực của mỗi người và trên gương mặt của anh Hoá rồi. Và tấm ảnh sẽ toát lên chữ “tâm” vô ngôn, còn “nhẫn”, “phúc” cần phải khẳng định rõ nét.

 

                                  

         

Ảnh 3 & 4: Anh Nguyễn Văn Hoá -- Chữ "Tâm" ngỡ chỉ vô ngôn,

vì đoán rằng tấm ảnh 3 bị hỏng do ống kính máy ảnh không thu hết được (05-11 HB7 [2007])

Links ảnh to, rõ nét (hoặc bấm vào ảnh):

http://picasaweb.google.com/tranxuanan.writer/BanBeThanThuocQuenBiet2/photo#5131849029307815794

http://picasaweb.google.com/tranxuanan.writer/BanBeThanThuocQuenBiet2/photo#5131848990653110114

 

Khi anh Minh Mẫn đến, lẽ ra tôi ra về, vì tôi có hẹn gì đâu với luật sư Võ Văn Quới, một trí thức Phật tử, anh Hoá được thầy Thích Nhật Từ giới thiệu để lo việc mua nhà đất. Bởi thế, khi mới cùng nhau ngồi trước bàn giấy trong văn phòng, uống nước tủ lạnh, chờ trà lài của anh Quới ngấm trong bình, anh Hoá đã niềm nở giới thiệu tôi theo công việc tôi đeo đuổi mười năm gần đây nhất: nghiên cứu sử học. Tôi không ngờ anh Quới cũng biết đến những cuốn sử tôi đã xuất bản chính thức. Điều bất ngờ hơn nữa là anh Quới rất thấu hiểu những người thuộc nhóm Giao Điểm cũ ở Mỹ cùng những hoạt động của nhóm với tạp chí điện tử “Giao Điểm / com” do anh Hoá trực tiếp phụ trách.

Trò chuyện một lúc khá lâu về Giao Điểm, anh Võ Văn Quới nhắc lại lời anh Hoá nói với tôi khi còn ở quán Văn Nghệ:

– Tôi không thuộc loại người thích cực đoan. – Anh Quới dùng tiếng Pháp, “fatanique” (cuồng tín) –. Mặc dù là một Phật tử, nhưng lại thuộc phái tôn thờ Phật Di Lặc, biểu tượng của niềm vui vẻ. – Anh nói, khi đi vòng vào phía sau bàn giấy, có lẽ rút phích cắm dây điện trở đang đun nước, đưa hai tay ôm lấy tượng Di Lặc được đặt ngay trên bàn giấy, vị trí đối diện với anh, những khi anh ngồi làm việc –.

Tôi đã đọc cuốn sách có đoạn viết về Đức Di Lặc, một vị Phật chưa xuất hiện, và cũng hiểu đó là viễn tượng của niềm vui sướng ở tâm thức các thương nhân người Hoa. Tượng Phật Di Lặc là một hình dung của trí tưởng tượng, có nét giống với ông già Noel của Thiên Chúa giáo.

– Mặc dù là Phật tử, nhưng tôi cũng thường xuyên đi giảng luật hôn nhân, gia đình cho các tín đồ Thiên Chúa giáo, nếu các linh mục mời. Tất nhiên tôi đi với tư cách cá nhân. Và sự thể đó cũng khiến nhiều người thắc mắc. Nhưng với tôi, tôi là thế đó, không cực đoan. Tôi cũng vốn được cha tôi dạy bảo, – anh Quới nói tiếp, với gương mặt hơi cúi xuống, một gương mặt hiền hoà, duy đôi mắt sau gọng kính trắng là hơi mệt mỏi, có dăm đường gân máu li ti hoe đỏ – “an bần lạc đạo” là không thể, bởi “bần” làm sao “lạc” được, chấp nhận nghèo nàn làm sao vui sống theo lẽ đạo cho nổi. Do đó, tôi luôn có ý thức làm việc cho có tài sản.

Anh Quới còn nói về quan hệ thắm thiết của anh với các hậu duệ của nhân vật lịch sử Trần Tiễn Thành. Anh có vẻ hơi nghiêng tình cảm về phía nhân vật chủ hoà, thân Pháp này, vì anh hình như tỏ ra không thiện cảm với những nhân vật lịch sử chủ chiến cùng thời với Trần Tiễn Thành, như Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết.

Anh Hoá buột miệng nói ngay:

– “Ám sát chính trị” trong lịch sử là thường thôi. – Có lẽ do nói nhanh, anh Hoá bỏ mất hai chữ ‘nhân vật’, lẽ ra là “ám sát nhân vật chính trị” (?) –.

– Tôi đã nghiên cứu rất kĩ và thấy quả thật nhân vật Trần Tiễn Thành đúng như tôi đã viết. – Tôi khẳng định, và quay sang anh Hoá – Sao cuốn ghi chép niên biểu Trần Tiễn Thành của ai đó chỉ mới đăng tải phần đầu, còn phần sau ngay cả “Giao Điểm online” cũng không đăng tiếp, mặc dù “Giao Điểm / com”“Giao Điểm / online” đều do các hậu duệ Trần Tiễn Thành tài trợ.

Anh Hoá không nói gì nhiều hơn về những rắc rối cũ của “Giao Điểm / com” . Nhưng tôi tự nghĩ, những hậu duệ của Trần Tiễn Thành cũng đã trung thực chấp nhận sự thực lịch sử về tổ tiên họ.

Anh Võ Văn Quới nói thật gọn với ngữ điệu khá mạnh, mặc dù nhỏ giọng:

– Lịch sử thì mặc lịch sử! Quên đi!

Một lúc, anh lại nói:

– Khoa học thì mặc khoa học! Tôn giáo vẫn rất cần huyền thoại. Và tôi thấy chất keo tôn giáo luôn bền vững.

Tôi nhìn vào tấm ảnh chụp tượng Phật Di Lặc và nhiều người đang đứng trước bệ tượng, trong đó có cả anh Quới và anh Minh Mẫn. Hình như anh Minh Mẫn liên tưởng từ một người đồng hành trong tấm ảnh ấy:

– Tôi về miền tây Nam Bộ, thấy ở dưới đó, nhân dân tin chắc rằng mộ vua Quang Trung và cả mộ vua Hàm Nghi đều được mai táng ở đất ấy.

– Sự thật tâm lí lịch sử là đúng, nhưng sự thật lịch sử lại không đúng. – Tôi nói –. Nhân dân Nam Bộ mới mở cõi khoảng 300 năm, có công quá lớn với đất nước, nhưng họ vẫn có mặc cảm xa rời nguồn cội Bắc Bộ và Trung Bộ. Tâm lí ấy khiến họ mơ ước Quang Trung và Hàm Nghi phải được mai táng ở vùng đất mới, quê hương mới của họ. Mơ ước có thể sinh ra ảo giác. Và ảo giác khiến người ta có thể tin là thần báo mộng. Thần báo mộng, chỉ nơi mai táng hai vị vua kia, với họ, là sự thật. Nhưng sự thật lịch sử là không phải như vậy.

– Dẫu sao tôi vẫn không cực đoan. – Anh Quới nói, trở lại vấn đề –. Tôi là người tôn trọng tính thực tế. Trong thực tế, nhân dân vẫn tôn thờ những gì được truyền tụng là linh nghiệm. 

– Thảo nào anh thành công. Những người nhất quyết tôn trọng khoa học, duy khoa học, thường là thất bại trong đời sống thực tế. – Tôi nói, cố mỉm cười –. Tôi cũng như ông Trần Chung Ngọc, ông Nguyễn Mạnh Quang và anh Bùi Kha, có lẽ hơi duy khoa học. Nhưng riêng tôi, mặc dù phê phán Thiên Chúa giáo, tôi vẫn thừa nhận Thiên Chúa giáo là một bộ phận văn hoá của nhân loại, nó thấm sâu, trải rộng khắp châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Nói rõ hơn, tôi phê phán Thiên Chúa giáo ở góc độ sử học, góc độ thần học, nhưng tôi vẫn thừa nhận văn hoá của nó. Và, xin thưa, tôi có một phát hiện rất riêng của chính tôi, khi giải mã hình tượng Jésus: Jésus là một nhân vật lịch sử, một nhân vật lịch sử có ý thức phục hồi nước Do Thái dưới ách thực dân La Mã cổ đại, tương tự như Hai Bà Trưng, nhưng chiến công là không có gì. Tuy chiến công không có, nhưng nội ý thức phục hồi độc lập cho Do Thái cũng đáng quý rồi. Có điều là các linh mục không chấp nhận. Nếu Thiên Chúa giáo được hiểu như tôi giải mã, được giảng trong nhà thờ như thế, hẳn chúng ta yên tâm là giáo dân nước ta và nhiều nước khác không bị lợi dụng như trong lịch sử cận - hiện đại.

Anh Quới nói như la lên, mặc dù khẽ giọng:

– Thế là anh hạ giá Jésus rồi. Đời nào Vatican chịu! Jésus là Thiên Chúa của mọi vua chúa.

– Nhưng sự thật lịch sử về Jésus là chỉ có vậy. – Tôi cười xoà –. Thiên Chúa giáo là tôn giáo của riêng một bộ phận dân tộc Do Thái. Và Jésus chỉ đấu tranh cho dân tộc Do Thái mà thôi. Anh Bùi Kha dẫn Kinh Thánh để chứng minh, đại để là Jésus nói, thà ném miếng bánh cho chó còn hơn cho người không phải là Do Thái. Nếu đấu tranh cho độc lập của dân tộc, đất nước mình và cho các dân tộc, quốc gia khác nữa, thì mới xứng đáng là biểu tượng độc lập dân tộc của nhân loại. Tôi thấy, nhìn tổng thể, Jésus cũng không nói gì, hành động gì cho mọi nền độc lập của mọi quốc gia, dân tộc trong nhân loại.

Khi nói, tôi hướng mắt về phía anh Minh Mẫn, mong rằng trí nhớ của anh xác định giúp tôi chi tiết về một bài viết của anh Bùi Kha (Hồng Chương?). Tôi thấy anh Minh Mẫn gật đầu.

– Tôi nghĩ Đức Phật lại khác. Đức Phật từ bỏ ngai vàng, có nghĩa là từ bỏ chính trị. Ngài cứu đời bằng văn hoá tâm linh, với chủ trương diệt khổ. “Tham sân si và vô minh” là cỗi nguồn của “khổ”; “khổ” và “diệt khổ”, theo Phật giáo là vấn đề con người, nhân loại, chứ không phải là vấn đề dân tộc. Nói đúng hơn, “khổ” được nhìn ở góc độ cá nhân phận người, kiếp chúng sanh. Và nói chung, kinh điển Phật giáo có tính nhân loại hơn. Kinh Thánh Thiên Chúa giáo chỉ gói gọn trong phạm vi Do Thái. – Điều này tôi đã viết trong một cuốn tiểu thuyết của tôi, “Mùa hè bên sông”.

Khi tôi ngừng lại, cả bốn người chúng tôi đều cảm thấy mệt vì cũng đã gần 12 giờ trưa. Trong không khí bỗng dưng im vắng, anh Hoá nói:

– Có thầy Minh Mẫn đây, một người trường chay, tôi xin mời tất cả chúng ta bữa cơm chay.

Trong bữa cơm chay tại quán "Thiền Duyên" (Thuyền Viên), đường Nguyễn Văn Đậu, câu chuyện lại hướng về việc mua nhà đất và xe máy của anh Hoá. Anh Hoá được luật sư Quới, “người được uỷ nhiệm trước toà, trong lĩnh vực luật pháp” (attorney at law, trong danh thiếp của anh Quới), chỉ dẫn cách mua nhà đứng hẳn tên của chính anh Hoá, nếu anh Hoá chứng minh được bằng giấy tờ hộ tịch là anh được sinh ra tại Sài Gòn và nếu anh mở một công ti tại đây. Điều đó khiến anh Hoá vui lên nhưng hình như anh vẫn còn phân vân.

Lúc này, tôi có cảm giác là buổi sáng này, trưa này, là những giờ khắc đáng nhớ. Tôi chỉ cảm thấy mình còn mắc nợ ân nghĩa với anh Hoá, chưa đền đáp được, vì quả thật trong việc giúp anh mua xe, mua nhà, tôi còn quá kém cỏi, mơ hồ. 

Trên đường về, khi anh Hoá ngồi phía sau tôi, tôi muốn bày tỏ điều đó, nhưng rồi cũng chỉ im lặng. Anh Hoá cũng đang phân vân, chưa dứt khoát quyết định gì. Đúng là phương cách nào cũng có những cái vướng, và đều phải “khúc khuỷu, quanh co”. Tôi thầm nghĩ, chuyến bay về nước tuy xa đến thế, nhưng sao thuận tiện đến thế, còn việc mua nhà, mua xe máy, đâu cách trở bao lăm về quãng đường, sao “khúc khuỷu, quanh co” đến vậy.

Trên đường về nhà anh Hoá trọ, tôi đoán chừng tâm trạng anh Hoá cũng rối bời nhiều nỗi. Như ngày hôm kia. Như ngày hôm qua. Nặng nề đến kinh hoảng. Và tôi tin chỉ với những thông tin thật, không phải ảo tưởng, anh Hoá sẽ tìm ra cách để hồi hương, về với cội nguồn Tổ quốc.

Hôm sau, vào lúc trưa, khi loay hoay, chạy lui chạy tới trên một quãng đường để tìm số nhà, tôi mới biết anh chỉ còn cách nhờ người bà con ruột thịt đứng tên giúp anh. Đó là một người còn trẻ tuổi tên Tuấn, giám đốc một công ti xây dựng. Tuấn đến khi tôi và anh Hoá đã ngồi trong quán Ruốc (3).

Trước khi từ giã anh Hoá tại quán Ruốc, tôi hỏi khẽ anh, tôi sẽ viết những trang kí về những ngày qua, anh có ngại không.

– Nếu bạn viết với phong cách báo chí, tôi nghĩ là mình không nên có ý kiến. Có nhà báo, phóng viên nào hỏi thế đâu, khi họ viết kí sự người thật việc thật, sau một những cuộc tiếp xúc nào đó.

Tôi liên tưởng đến tình trạng bất hợp pháp về quy mô, bất hợp pháp một cách hiển nhiên của tờ Tuổi Trẻ...

Mặc dù anh Hoá nói thế, tôi vẫn cẩn trọng ghi thêm vào tên thể loại chữ “truyện”. Vâng, tôi chỉ dám gọi bừa ghi chép thực tế này là truyện kí. Với chữ “truyện” thêm vào, ở trường hợp bài viết này, khác với các trường hợp khác, tôi cần nói rõ để người đọc sẽ không tin tuyệt đối những gì tôi viết đây là hoàn toàn sự thật, không phải là căn cứ của mọi thắc mắc có tính hành chính...

Tuy vậy, tôi vẫn sống và viết theo một trong những phương châm: Không nói xấu người khác sau lưng họ, khi họ vắng mặt. Tôi đã và sẽ gửi điện thư thông báo đến những ai tôi có đề cập tới, kể cả toà soạn Tuổi Trẻ.

Và dẫu sao, với tôi, truyện kí "Khúc khuỷu đường về Tổ quốc" là kỉ niệm, mặc dù khi viết, tôi hi vọng những dòng chữ này sẽ giúp anh Hoá và những Việt kiều trên đường về nước đỡ phần “khúc khuỷu, quanh co”...

 

Trần Xuân An

10 : 46’ cùng ngày, 08-11 HB7

Đã trau chuốt lại vài chữ, lúc 14 : 01'.

Sẽ thêm vài dòng cuối kì 3, sau khi nhận được các phản hồi, nếu thấy cần thiết.

__________________________

(2) Vì lí do kĩ thuật của máy chụp bằng phim, các tấm ảnh mới được đưa lên web trong ngày 12-11 HB7. Thành thật cáo lỗi cùng người đọc. (08-11 HB7 & 12-11 HB7)

(3) Trong vài phút khi gặp Tuấn (bà con ruột thịt của anh Nguyễn Văn Hoá, hiện làm giám đốc một công ti xây dựng), tôi có đưa ra vấn đề để cả ba người cùng bàn luận: Hiện nay Nhà nước ta có công chứng về việc đứng tên thay hay không? Nói cụ thể hơn, ở trường hợp này, Việt kiều như anh Hoá, theo pháp luật hiện nay, không được mua nhà, xe máy, không được nhận sự sang nhượng quyền sử dụng đất trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhưng do nhu cầu, anh Hoá phải nhờ người đứng tên thay. Vậy Nhà nước có công chứng giấy tự xác nhận đứng tên thay, xác nhận chủ nhân nguồn vốn xuất ra, và xác nhận nhân chứng (như ở chú thích (1) cho phần bài kì 2) hay không? Theo tôi nghĩ, nếu Nhà nước, cụ thể là Phòng Công chứng tại TP.HCM. chấp nhận công chứng loại giấy tay như vậy, thì trước mắt, đó là một giải pháp khả thi, tránh được những hệ luỵ, sự cố đáng tiếc cho xã hội.

Thực ra, nếu Nhà nước không chấp nhận công chứng công khai ở Phòng Công chứng, thì tự thân 2 loại giấy tay hội đủ các yếu tố như đã trình bày (ở chú thích (1) cho phần bài kì 2) cũng đã có giá trị pháp lí nhất định. (09-11 HB7)

 

Xem lại kì 1 & kì 2:

Trần Xuân An -- Khúc khuỷu đường về Tổ Quốc (truyện kí) -- kì 1 (06-11 HB7)

Trần Xuân An -- Khúc khuỷu đường về Tổ Quốc (truyện kí) -- kì 2 (07-11 HB7)

 

PHẢN HỒI 1

Tôi vừa nhận được một phản hồi từ một người đọc ở Hà Nội: Giấy phép của báo Tuổi Trẻ do Bộ Văn hoá - Thông tin (2001) cấp, chứ không phải do Thành đoàn TP.HCM. hay Sở VH-TT. TP.HCM. cấp. Sự thể này cũng tương tự như ở các nhà xuất bản địa phương, giấy phép cũng được cấp do Cục Xuất bản (cấp toàn quốc), chứ không phải do Phòng Xuất bản (cấp địa phương). Tuy vậy, thực chất báo Tuổi Trẻ vẫn mang danh nghĩa chính thức về mặt pháp lí là "Cơ quan [ngôn luận] của Thành Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh TP.HCM." mà thôi. Sự thể này còn nói lên sự bất cập của cơ chế (phi lí về tính hệ thống): cơ quan chủ quản ở cấp thành phố (địa phương), trong khi đó cơ quan cấp giấy phép lại ở cấp trung ương (toàn quốc).

 

Từ đó, có thể nêu câu hỏi, chẳng lẽ Thành Đoàn TNCS. HCM. TP. Đà Nẵng, Thành Đoàn TNCS. HCM. TP. Đà Lạt ... cũng có quyền ra báo và phát hành khắp toàn quốc, ra nước ngoài như báo Tuổi Trẻ?

 

Xin đính chính và phân tích rõ hơn.

Thành thật cảm ơn.

TXA. (10-11 HB7)

PHẢN HỒI 2

Một độc giả gửi đến WebTgTXA. như sau:

"Vui lòng xem bài hỏi đáp "Việt kiều nhờ người khác đứng tên sở hữu nhà" mục "Giải đáp pháp luật" trên báo Tuổi Trẻ online (Thứ ba, 9/10/2007, 14:34 GMT+7):

http://diaoc.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=223414&ChannelID=240  "

Xin thành thật cảm ơn.

WebTgTXA. (15-11 HB7)

 -------------------------------

 

Bài (3 kì) đã đăng trên Tcđt. Hội Tụ (giaodiem.com.vn)

       _____________________________________________________________________________________

WebTgTXA. mới mở thêm hai trang mới:

 

BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

(thường xuyên cập nhật theo từng tháng)

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi_mucluctrang

THÔNG BÁO CẬP NHẬT

Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG "BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update

 

      _______________________________________________________________________________________

 

    

Ý KIẾN NGƯỜI ĐỌC  (Link cũ)

http://txawriter.wordpress.com  (Link mới)

Trở về

 

trang bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-7

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-6

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-5

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-4

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-3

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

 

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-1.htm

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

 

Xem thêm:

THƠ PHỔ NHẠC:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thophonhac

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

    lên đầu trang (top page)   

 

Ngày 08-11 HB7;

09-11 HB7;

Đưa 4 tấm ảnh TXA.-NVH. & NVH. lên web: 12-11 HB7;

Phản hồi 2: 15-11 HB7