m.b. Bàn luận: Trần Hoàng - Nguyễn Thái Đạt - TXA.: Tên đường phố

Bàn luận:

Chuyen tro ve ten duong pho voi TS. Tran Hoang

Đăng bởi txawriter  (wordpress . com) vào Tháng Năm 6, 2008

CHUYỆN TRÒ VỀ TÊN ĐƯỜNG PHỐ VỚI TIẾN SĨ TRẦN HOÀNG (ĐHSP. TP.HCM.)

1. Thư của TS. Trần Hoàng (ĐHSP.TP.HCM.):

Anh Trần Xuân An thân kính,

Dạo này tôi bận đi dạy suốt tuần, nên chưa thể sắp xếp ngồi chơi với nhau một bữa, mong anh thông cảm. Tôi có một vấn đề đang bức xúc nhưng lại không chuyên sâu đã nêu trên blog, chợt nhớ đến anh là chuyên gia về vấn đề này, nên xin mời anh truy cập blog http://360.yahoo.com/tranhoangtran của tôi, tham khảo các nội dung kể cả phần comment trong bài Tên đường, đặt cả cho tay sai của giặc,  và cho một số ý kiến. Cảm ơn anh rất nhiều.

2. Thư của Trần Xuân An (WebTgTXA.):

 

Thân kính gửi anh Trần Hoàng (ĐHSP.TP.HCM.)

 

Anh vui lòng đoc trên Google search (từ chìa khoá “Trần Xuân An” “Cao Xuân Dục”):

.

http:// www. google .com . vn/search?num=100&hl=vi&newwindow=1&q=%22Tr%E1%BA%A7n+Xu%C3%A2n+An%22+%22Cao+Xu%C3%A2n+D%E1%BB%A5c%22&btnG=T%C3%ACm+ki%E1%BA%BFm&meta

 

Chiều nay hoặc ngày mai, tôi sẽ viết thư trả lời anh, vì sáng nay tôi bận chút việc.

 

Chúc anh vui khoẻ

 

Trân trọng,

Thân ái,

TXA.

.

3. Thư của Trần Xuân An (WebTgTXA.):

 

Thân kính gửi anh Trần Hoàng (Khoa Ngữ văn Việt, ĐHSP.TP.HCM.),

 

Sáng nay, nhận được điện thư anh qua Gmail. Tôi đã đọc, và cũng đã trả lời vắn tắt. Tôi định chiều nay hoặc ngày mai sẽ viết thêm một cái thư dài hơn để “chuyện trò” với anh và những người viết lời bàn luận trên web-blog của anh, nhưng rồi ngay lúc này đây, 9 : 20, tôi đã có thể sắp xếp chút việc riêng để gõ phím gửi anh, sau khi đã đưa thư anh lên mục “Ý kiến người đọc và giới cầm bút” ở WebTgTXA. (txawriter. worldpress. com).

 

Tôi sẽ đi vào từng chủ điểm một:

 

1. Tôi hoàn toàn nhất trí với anh về quan điểm đặt tên đường (và cả tên quảng trường, trường học, công viên…) ở nước ta bằng tên của các nhân vật lịch sử (chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội…) có công lao với dân tộc, đất nước, và có thể vừa có công với dân tộc lại vừa có công với nhân loại. Dĩ nhiên, tiêu chí cơ bản vẫn là công lao cống hiến cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam. Không ai chấp nhận việc đặt tên những nơi công cộng ấy để tôn vinh, với mục đích cho mọi thế hệ noi theo, bằng tên những kẻ bán nước, hại dân, xem nhẹ Tổ quốc, làm tay sai cho giặc ngoại xâm.

 

Quan điểm chung xưa nay là vậy. Tuy thế, từ những nhận định khác nhau về từng nhân vật lịch sử trong chính trị sử, văn học sử… mà việc đặt tên đường gây ra những ý kiến bất đồng.

 

2. Về nhân vật lịch sử Cao Xuân Dục: Ông này được nhận định trên hai lĩnh vực chính trị, văn hoá.

 

Những trang anh quét chụp (scan) từ “Quốc sử tạp lục” của Nguyễn Thiệu Lâu, chủ yếu là những đoạn Nguyễn Thiệu Lâu trích dẫn từ “Đại Nam thực lục, chính biên” kỉ V (kỉ Kiến Phúc và phụ chép Hàm Nghi xuất đế, 1884-1885). Những trang ấy tôi đã đọc trực tiếp, trích trực tiếp từ bản dịch của Viện Sử học, nên tôi có thể khẳng định với anh là chúng ta sẽ nhất trí với nhau là Cao Xuân Dục được xếp một giuộc với Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Trọng Hợp, Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân. Cao Xuân Dục đã đánh dẹp cuộc khởi nghĩa cần vương ở Bãi Sậy. Nếu có dịp đọc kỉ VI (kỉ Đồng Khánh, 1885-1888, do chính Cao Xuân Dục làm tổng tài Quốc sử quán), anh cũng sẽ thấy Cao Xuân Dục đúng là như vậy.

 

3. Nhưng “giặc Sậy” do ai lãnh đạo? Nguyễn Thiện Thuật. Ai cũng biết Nguyễn Thiện Thuật là nhà yêu nước, chống Pháp. Có điều, tôi thấy Nguyễn Thiện Thuật sai lầm ở ngọn cờ kháng chiến: lấy danh nghĩa nhà Thanh để chống Pháp. Điều này cũng thể hiện quan điểm của một số sĩ phu hồi ấy, đại để, thà để Đại Nam làm một tỉnh của Tàu, còn hơn là trở thành thuộc địa, “xứ bảo hộ” của Pháp. Nhiều nhà nghiên cứu (như GS. Trần Văn Giàu) cũng đã khẳng định ngọn cờ loại này không được quần chúng ủng hộ, vì rõ ràng là đằng nào cũng mất nước, không mất nước vào tay Tây thì cũng vào tay Tàu.

 

4. Quan điểm của loại người như Cao Xuân Dục là thoả hiệp với Pháp còn hơn thoả hiệp với Tàu. Vì thế, Cao Xuân Dục được Pháp trọng dụng, từ chức tri phủ thăng vùn vụt lên thượng thư, Đông các điện đại học sĩ. Về hành trạng chính trị, ông ta là tay sai của Pháp. Có một ý kiến về sử học đáng lưu tâm: Nhận định nhân vật lịch sử nên căn cứ vào hành trạng, chứ không nên căn cứ vào những thứ do nhân vật lịch sử viết hay nói. Ở câu này, “nhân vật lịch sử” được hiểu là nhân vật chính trị trong lịch sử, nhất là các nhân vật lịch sử có mâu thuẫn giữa hành trạng chính trị và trước tác hay lời nói được ghi chép lại, vì trước tác, lời nói có thể “mị”.

 

5. Tuy nhiên, dẫu sao, Cao Xuân Dục về mặt văn hoá lại có đóng góp quan trọng. Trong bộ sách có sự đóng góp quan trọng của ông, mặc dù phần lớn quan điểm nhận định là quan điểm của nguỵ triều Đồng Khánh tay sai, bù nhìn, nhưng cũng có nhiều câu, nhiều đoạn thể hiện lương tri của người viết. Nhưng cũng có bộ sách ông chỉ là tổng tài. Nói cụ thể hơn, về sử học, dẫu là tổng tài (“Đại Nam thực lục chính biên”, kỉ VI), ông ta không phải muốn viết gì thì viết, vì Quốc sử quán không chỉ một người, mà cả một tập thể ba, bốn chục người bàn luận và chấp bút. Do đó, nếu gạt đi màu sắc biểu cảm “phải đạo” trong thuật sự, thì còn lại nội dung thông tin khách quan, và đặc biệt là mảng tư liệu (dụ, tấu, sắc, bản án….) được trích chép, phải nói là rất có giá trị.

 

Trên đây là một số ý kiến của tôi. Những ý kiến này đều được bảo chứng bởi sử liệu. Lẽ ra tôi phải trưng dẫn xuất xứ sử liệu như yêu cầu nghiên cứu khoa học, nhưng đây là thư, nên anh có thể kiểm tra lại ở các cuốn sách của tôi trên web.

 

Vài điều “trò chuyện” với anh như vậy.

 

Mong thư của anh. Hẹn anh thư sau.

 

Trân trọng,

Thân ái,

Trần Xuân An

10 : 54, 06-5 HB8 ( 2008 )

.

Tái bút: Tôi xin miễn “trò chuyện” với những người giấu tên thật, thậm chí dùng biệt danh đùa bỡn, viết lời bình luận. Trong mọi cuộc thảo luận, giấu tên hay dùng cái gọi là “nickname”, đều không tốt, thể hiện thái độ thiếu dũng cảm và sợ trách nhiệm về phát biểu của chính mình. Thân kính mong anh thông cảm.

.

Vài lời viết thêm (lúc 21 : 05, 06-05 HB8):

Để tránh những hiểu lầm đáng tiếc, tôi khẳng định rõ: “Đại Nam thực lục chính biên”, các kỉ IV, V & VI, là phần sử đồ sộ nhất, đầy đủ nhất và có giá trị nhất của thời bấy giờ (1847-1883; 1883-1885; 1885-1888). Khi sử dụng các kỉ này, chúng ta chỉ khai thác phần tư liệu gốc (châu bản) và phần thông tin khách quan (sau khi đã gạt đi màu sắc bảo hoàng…). Và chỉ chừng đó thôi, giá trị các kỉ ấy cũng vượt hẳn mọi cuốn sử khác. Ngoài ra, đó cũng là kết quả của các tập thể sử quan ở Quốc sử quán, chứ không phải sử do những cá nhân sĩ dân viết. Bấy giờ, sử do cá nhân viết chỉ là ghi chép chủ quan, không có tư liệu gốc (châu bản) dẫn chứng.

Xin nhớ rằng, giá trị của “Đại Nam thực lục chính biên”, các kỉ kể trên, là giá trị khách quan, bất chấp tổng tài của Quốc sử quán là ai.

Xem thêm: http://tranxuanan.writer.googlepages.com/nguyen_vtnntntxtkhduoc_b4.htm

(và cả cuốn: http://tranxuanan.writer.googlepages.com/nguyen_vtnntntxtkhduoc )

TXA.

5. Thư của TS. Trần Hoàng (ĐHSP. TP.HCM.):

06-05-2008 22:55

Anh Trần Xuân An thân kính,

Xin cảm ơn anh đã kịp thời hồi âm lá thư của tôi. Những ý kiến của anh – một nhà nghiên cứu chuyên sâu về sử Việt Nam cận – hiện đại – với những chỉ dẫn cụ thể về sử liệu, đối với tôi và những người quan tâm đến vấn đề này là rất có giá trị. Tôi tha thiết mong với kiến thức và uy tín sử học của mình, anh sẽ đưa vấn đề Cao Xuân Dục này ra trước công luận , để trả lại sự thật lịch sử cho lịch sử nước nhà.

Xin anh cho phép tôi công bố thư trả lời của anh cho tôi lên Weblog của tôi để rộng đường dư luận.

Kính chúc anh và gia đình dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc.

Thân kính.

TRẦN HOÀNG

6. Thư của Trần Xuân An (WebTgTXA.):

07-05-2008 06:15

Thân kính gửi anh Trần Hoàng,

Về đề tài này tôi có nghiên cứu kĩ, trải qua nhiều năm tháng đọc sách, tìm tư liệu, suy ngẫm và viết sách. Chỉ vậy thôi. Anh bảo tôi là chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu, khiến tôi hơi hổ thẹn. Nhưng cho dù tôi có nhiều cố gắng, tôi cũng chỉ dám tự tin vào giai đoạn cận đại (chủ yếu nửa sau thế kỉ XIX), còn về giai đoạn hiện đại (XX đến nay; cụ thể hơn là từ 1945 đến nay), tôi làm gì có tư liệu gốc để nghiên cứu cho thấu đáo !

Về cái thư tôi phúc đáp anh, anh có thể sử dụng. Dưới đây là bản trên web của tôi (tối hôm qua tôi có chỉnh sửa vài câu chữ). Nếu anh không đọc được vì bản này không có dấu thanh (sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã, không dấu), anh vui lòng vao địa chỉ web này:

http://txawriter.wordpress.com/2008/05/06/chuyen-tro-ve-ten-duong-pho-voi-ts-tran-hoang/

Trân trọng & thân quý,

TXA.

6. Thư của Nguyễn Thái Đạt (Web Người Cố Quận):

07-05-2008 09:08

Xin tự giới thiệu:

Em là Nguyễn Thái Đạt, cử nhân kinh tế đại học Kinh tế TP.HCM

Hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM

Tuổi: 25

Điện thoại liên lạc: 0909171275

Nick name tren web blog của em: Người Cố Quận

Em có việc này, cũng khá bức xúc vì không phải là chuyên môn của mình, nên không biết thực hư là thế nào.

Tình cờ em vào blog của TS.Trần Hoàng, đọc entry của TS về “tên đường đặt cả cho tay sai của giặc”, tay sai đó là Cao Xuân Dục. Em hết sức hoang mang, vì không phải là người chuyên sử nhưng lại yêu sử nước nhà, nhất là sự thật lịch sử.

Mấy hôm nay, nhằm truy tìm sử liệu xem có phải Cao Xuân Dục là tay sai hay không, em đã đọc một số tư liệu (”Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, lên google search, và cả web của http://tranxuanan.writer.googlepages.com/) nhưng em vẫn không tìm được cứ liệu rõ ràng để nói CXD là tay sai, ngoại trừ quyển sách “Quốc sử tạp luc” của Nguyễn Thiệu Lâu mà TS Hoàng có scan 3 trang lên web blog.

Vì em nghĩ, để quy kết một nhân vật như Cao Xuân Dục mà chỉ căn cứ duy nhất vào một quyển sách biên soạn như thế thì không đủ thẩm quyền trên bình diện học thuật, nên em không tin là CXD là tay sai, bán dân hại nước.

Em đã viết một entry nhằm phần nào làm giãi bày một số thắc mắc của em, và cả TS Trần Hoàng tại blog của mình, mời chú vào xem: http: // blog. 360. yahoo. com/blog-Qko2YbElc6dy0MR5 Phm6p40 6BEBB; _ylt=AqGsZmWRuy8 0GNIxFu. ZXC.0AOJ3

Được biết chú có đủ thầm quyền để giải đáp những thắc mắc này, nên mạo muội viết thư hỏi thăm chú. Rất mong hồi âm và câu trả lời rõ ràng từ chú về vấn đề này.

Thân chào! chúc chú sức khỏe

Nguyễn Thái Đạt

 

 

 Link: Tay sai (?) Cao Xuân Dục & “giặc Sậy” (scan)

Link: Nhà yêu nước Nguyễn Thiện Thuật (1844-1926) & giặc Thanh (Tàu) (scan)

7. Thư Trần Xuân An (WebTgTXA.):

14 : 10, 07-5 HB8

Thân kính gửi anh Trần Hoàng (ĐHSP. TP.HCM.),

Quý mến gửi anh Nguyễn Thái Đạt (Web Người Cố Quận, ĐTDĐ: 0909171275),

Không một ai có đủ thẩm quyền phán định trong sử học cả. Chỉ có tư liệu được giám định bằng phương pháp khoa học thực nghiệm mới có thẩm quyền ấy.

Tôi chỉ là một người nghiên cứu trong giới hạn đề tài tôi tự xác định mà thôi. Tôi khẳng định và bảo vệ những gì tôi đã nghiên cứu.

Có một vài điều khác nữa, nẩy sinh trong những lời bàn luận, khi đề cập đến cuốn sách “Quốc sử tạp lục” của giảng viên Nguyễn Thiệu Lâu, chẳng hạn như thế nào là loại sách biên soạn nói chung, biên soạn kiểu “quơ quào” hay biên soạn nghiêm túc, khoa học; làm sao xác định ranh giới giữa các loại: biên soạn, biên khảo, khảo cứu, nghiên cứu, khảo luận…; thế nào là tư liệu tham khảo và thế nào là tư liệu gốc; hoặc, khía cạnh khác, lời lẽ quá khiêm tốn kiểu nhà nho, trí thức theo văn hoá người Việt mình có phù hợp với quan hệ xã hội bây giờ hay không; lại còn vấn đề “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”… Nhưng đó là những vấn đề không phải trọng tâm. Ở đây, vấn đề là nhận định nhân vật lịch sử Cao Xuân Dục và việc lấy tên ông để đặt tên đường phố. Vấn đề này, tôi chỉ đưa ra một số sử liệu như thế. Xin tuỳ các anh nhận định… Về Cao Xuân Dục, cũng có chi tiết phải làm rõ, xác thực hơn, như chuyện “trời chỉ có một mặt trời…”…

Quý mến,

TXA.

Tái bút: Xin nhắc lại một đoạn trong thư đã gửi: “Nhưng “giặc Sậy” do ai lãnh đạo? Nguyễn Thiện Thuật. Ai cũng biết Nguyễn Thiện Thuật là nhà yêu nước, chống Pháp. Có điều, tôi thấy Nguyễn Thiện Thuật sai lầm ở ngọn cờ kháng chiến: lấy danh nghĩa nhà Thanh để chống Pháp. Điều này cũng thể hiện quan điểm của một số sĩ phu hồi ấy, đại để, thà để Đại Nam làm một tỉnh của Tàu, còn hơn là trở thành thuộc địa, “xứ bảo hộ” của Pháp. Nhiều nhà nghiên cứu (như GS. Trần Văn Giàu) cũng đã khẳng định ngọn cờ loại này không được quần chúng ủng hộ, vì rõ ràng là đằng nào cũng mất nước, không mất nước vào tay Tây thì cũng vào tay Tàu”.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều nghĩa sĩ kháng chiến chống Pháp với ngọn cờ Cần vương hay chỉ vì độc lập, tự chủ của dân tộc, và họ chỉ dựa vào nhân dân mà thôi, mặc dù trong điều kiện bấy giờ là rất tuyệt vọng, họ cũng biết trước là phải chấp nhận một kết cục bi tráng. Đó là những nghĩa sĩ đã ghi lại những dấu son trong pho sử của dân tộc, muôn nghìn thế hệ mai sau vẫn mãi mãi tự hào.

Tôi nghĩ đến bi kịch quá lớn của các quan lại, sĩ dân nước ta hồi ấy…

____________

Chỉnh chữa các lỗi kĩ thuật ở tiểu mục này lần cuối: 21 : 49, ngày 07-05 HB8

.

8. Thư của TS. Trần Hoàng (ĐHSP.TP.HCM.):

07-05-2008 22:27

Anh Trần Xuân An thân kính!

Xin chân thành cảm ơn anh về những ý kiến quý báu kịp thời, giúp khẳng định một vấn đề lịch sử – xã hội mà chúng tôi đang rất quan tâm.

Kính chúc anh và gia đình dồi dào sức khỏe, thành công và hạnh phúc.

Kính chào anh.

TRẦN HOÀNG

9. Thư của Nguyễn Thái Đạt (Web Người Cố Quận, Yahoo 360):

08-05-2008 07:00

Xin kính chào học giả Trần Xuân An

Trước hết em xin cảm ơn học giả. Em rất lấy làm vui mừng vì học giả đã bỏ công trả lời thư mà em gởi hôm qua.

Vấn đề này khi TS. Trần Hoàng và em nói trên blog thì cũng có khá nhiều người quan tâm, nên sau khi có câu trả lời từ học giả, em sẽ viết một bài nho nhỏ để phần nào giải đáp thắc mắc của mọi người, và trong bài xin trích một số đoạn trong thư mà học giả gởi cho em và TS. Hoàng được không ạ.

Cảm ơn ý kiến của học giả về vấn đề biên soạn… nghiêm túc hay không nghiêm túc. Vì không có cơ hội đối chứng tài liệu gốc nên em đã có sự nhận định chủ quan.

Chốt lại vấn đề, dựa theo cứ liệu mà học giả đã cung cấp, cụ Cao Xuân Dục có thể được hiểu theo 2 khía cạnh: Văn hóa và chính trị.

Về văn hóa, em đã đọc một bài của PGS.TS. sử học Chương Thâu nói rất rõ về công lao của cụ Dục và cũng đã nói vì sao tên đường lại đặt tên ông (bài đăng trên Thông tin khoa học xã hội năm 2005).

Còn về trận đánh Bãi Sậy, đúng là ông có dẹp nghĩa quân Bãi Sậy, tuy nhiên Nguyễn Thiện Thuật đã sai lầm trong ngọn cờ kháng chiến, mượn Tàu đánh Tây thì cũng có khác nào cõng rắn về nhà, vì vậy để đưa ra kết luận ông là công hay tội trong vụ này cũng thật khó phải không ạ.

Rốt cuộc, ông là người sống nhờ ân huệ của Pháp, tuy nhiên lại là một người có tâm với đất nước, với văn hóa nước nhà (bằng chứng là những công trình ông để lại), và là một người ủng hộ những tư tưởng chống Pháp như đã từng giúp cụ Phan Bội Châu như trong bài PGS Chương Thâu có nói. Một lần nữa kính xin ý kiến chốt của học giả về vấn đề này.

Kinh cảm ơn học giả đã bỏ ít thời gian để đọc những dòng này.

Kính chào và kính chúc học giả sức khỏe

Thân

Nguyễn Thái Đạt

9. Thư của Trần Xuân An (WebTgTXA.):

08-05-2008 08:49

Thân kính gửi anh Trần Hoàng (ĐHSP.TP.HCM.),

quý mến gửi anh Nguyễn Thái Đạt (Web Người Cố Quận),

Tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề sử học các anh quan tâm.

1

Tuy nhiên, trước khi bàn nốt chuyện còn lại, xin nói rõ là tôi cảm thấy ngượng về những danh xưng không có cơ quan hữu trách hoặc hội nghề nghiệp nào công nhận, như “nhà nghiên cứu”, “học giả”, “chuyên gia”… Xin nói rõ, về học vị, tôi chỉ tốt nghiệp đại học sư phạm (xem như cử nhân sư phạm). Về nghề nghiệp, tôi là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM., nên cũng chỉ là nhà văn (nhà thơ). Về nghiên cứu sử học, tôi chưa là hội viên hội sử học nào, mặc dù đã có 3 đầu sách đã xuất bản về lĩnh vực này.

Vì thế, chỉ nên gọi tôi đúng như thực trạng học vị, danh nghĩa được hội nghề nghiệp công nhận, hoặc chỉ gọi họ tên Trần Xuân An là đủ rồi. Bàn về chuyện này xem ra hơi … kì … cục.

Nhưng các anh biết đó, do thực trạng hậu chiến ở nước ta, lại do tư duy quan lí xã hội không chấp nhận nhiều khuynh hướng học thuật khác nhau, nên có nhiều người viết có cả chục đầu sách xuất bản, vẫn không được vào hội nghề nghiệp nào cả… Do đó, có nhiều người tôi vẫn gọi họ là nhà nghiên cứu, căn cứ vào số lượng sách do họ viết là trên 2 đầu sách (tiêu chuẩn vào hội), chứ không căn cứ vào việc có hay không có thẻ hội viên. Đây là trường hợp ngoại lệ.

2

Xin trở lại vấn đề sử học chúng ta đang quan tâm.

Sự gặp mặt giữa PBC. và CXD. đã được PBC. viết trong cuốn “Tự phán” (”Phan Bội Châu niên biểu”). Chẳng có gì gọi là giúp đỡ! Đúng ra, CXD. từ chối giúp đỡ PBC.

Có một điều bên lề, xin nói nhỏ với nhau là ông PGS. X. nào đó không được giới trí thức đánh giá tốt đâu. Ông này, theo nhận xét của nhiều người, là đã ăn tiền hối lộ của Thiên Chúa giáo hay những thế lực chủ hoà nào đó. Tôi không biết nhận xét ấy có đúng hay không.

Rốt lại, tôi vẫn thấy cần phải dựng thêm một tấm bia ở mỗi góc đường phố, dưới cột tên đường. Nội dung tấm bia ấy phải ghi công lẫn hạch tội. Nếu không như vậy, sẽ rơi vào tình trạng vàng thau lẫn lộn, mặc dù vàng rất quý nhưng thau cũng là một kim loại cần dùng. Tất nhiên tối thiểu phải là thau, chứ lẫn vào rác rến là không được.

Các anh có biết là Trương Vĩnh Ký, Tôn Thọ Tường vẫn có tên đường ở TP.HCM. không?

Đó là hai tên tay sai hạng nặng! Thật là điên đầu!

2

Vấn đề phát sinh do tôi: 2 chữ “phải đạo”.

Xin vui lòng lưu ý là chữ phải được hiểu trong ngữ cảnh. Điều này thuộc lĩnh vực chuyên sâu của TS. Trần Hoàng, nhưng cũng xin hiểu giúp như vậy. Tính chất phải đạo thời nguỵ triều Đồng Khánh là phải tay sai, phải nịnh Pháp, phải chống nghĩa sĩ Cần vương… Tính chất “phải đạo” của thời chúng ta là gần như “chủ nghĩa phải đạo” mà GS. Hoàng Ngọc Hiến lên án công khai hồi 1979 (nguyên văn: “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” trong văn học)… Ở lĩnh vực sử học, có thể nói theo cách của GS. Hoàng Ngọc Hiến là chủ nghĩa sử học phải phép (chỉ trích lãnh tụ, nêu tổn thất của chiến dịch, chỉ rõ sai lầm của phong trào cộng sản và công nhân, hay cụ thể hơn, gọi Nguyễn Văn Thiệu bằng “ông” một cách trung tính là … sai phép, lỗi đạo…). Như thế thì mỗi loại “phải đạo” của mỗi giai đoạn lịch sử mỗi khác, tuy nhiên về chất là khác hẳn nhau, đối lập nhau (Đồng Khánh thì rặt bán nước, tay sai, bù nhìn rồi).

Vắn tắt vài dòng như vậy.

Thân kính chúc mạnh khoẻ và thành đạt.

Trân trọng & thân ái,

TXA.

Tái bút (sau khi gửi thư):

– Có nhiều giảng viên, giáo sư đại học, tiến sĩ thuộc chế độ cũ, học hàm học vị hẳn hoi (học hàm hồi trước là ngạch lương bổng và chức vụ giáo sư đại học mà họ đảm trách, chứ không do Quốc hội phong), thì phải gọi là gì? Ngay 2 từ “giáo sư” (trung học, đại học) của thời chúng ta bây giờ lại chỉ được gọi là giáo viên (?). Như vậy có hợp lí, thoả đáng không? Nên xét về mặt định nghĩa và quy ước?

– Trích thư tôi? Nếu anh muốn trích, tôi cũng đồng ý. Vui lòng trích đúng nguyên văn thôi, anh Nguyễn Thái Đạt à.

Xin chấm hết cuộc thảo luận này. Bàn vấn đề trọng tâm đã nêu thôi. Vấn đề phát sinh, nếu cứ bàn vì sợ ngộ nhận, thì không biết đến bao giờ cùng, và … lạc đề mất!

Kính chào các anh.

_______________

16 : 19, 08-05 HB8: bổ sung trang scan thứ 2: ĐNTL.CB. kỉ 5

Bài viết này được đăng vào Tháng Năm 6, 2008 lúc 9:01 sáng và tập tin được lưu ở Chuyen tro ve ten duong pho voi TS. Tran Hoang. Tagged: dat-ten-duong. Bạn có thể theo dõi các phản hồi của bài viết này thông qua RSS 2.0 dòng thông tin. Bạn có thể Để lại lời nhắn, hoặc trackback từ trang của bạn.

Có mộ phản hồi tới “Chuyen tro ve ten duong pho voi TS. Tran Hoang”

txawriter đã nói

Tháng Năm 8, 2008 lúc 3:36 chiều

TƯ LIỆU VỀ NHÀ YÊU NƯỚC NGUYỄN THIỆN THUẬT (1844-1926)

http://209.85.175.104/search?q=cache: P8-4kgdS7c0J:tranxuananpcdtnvt3b.blogspot.com/2005/12/ph-chnh-i-thn-nguyn-vn-tng-tp-iii-b-9.html+%22Nguy%E1%BB%85n+Thi%E1%BB%87n+Thu%E1%BA%ADt%22+%22Tr%E1%BA%A7n+Xu%C3%A2n+An%22&hl=vi&ct=clnk&cd=2&gl=vn

http://tranxuananpcdtnvt3b.blogspot.com/2005/12/ph-chnh-i-thn-nguyn-vn-tng-tp-iii-b-9.html

“…Cũng như đề đốc Tạ Hiện, “tán tương quân thứ Sơn Tây Nguyễn Thiện Thuật (cử nhân người Hải Dương) nhận trát của quan nhà Thanh, đem quân nhà Thanh về Hải Dương gọi họp quân nghĩa dũng, đánh nhau với Pháp. Các nơi trong hạt ấy đều khởi quân để ứng theo. […] Từ đấy về sau, [quân do Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy] thường thường đến sát tỉnh thành đánh nhau với Pháp, bên nào cũng có tử thương” (91) ! Rất tiếc, mặc dù mục đích là rất chính nghĩa, nhưng Tạ Hiện, Nguyễn Thiện Thuật không độc lập khởi nghĩa, tranh thủ viện trợ, lại mượn danh nghĩa nhà Thanh và chiến đấu dưới cờ của họ!…”.

(91) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 253.

Trả lời

 

 

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, WORDPRESS, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE