u.c. Bài phụ 3 của bài 21-Tl.3 - Trần Xuân An -- Trả lời - bàn luận - cuối bài phê phán Nguyễn Hoàn

TRẢ LỜI NHỮNG Ý KIẾN NGẮN TRÊN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NHÀ VĂN & TRÊN ĐIỂM MẠNG TOÀN CẦU CỦA NHÀ VĂN XUÂN ĐỨC

 

Trước hết, xin cảm ơn những người thuộc giới cầm bút và quý người đọc đã có ý kiến, cho dù với thiện cảm, công minh hay chưa thiện cảm, khá thiên lệch.

 

Tựu trung, có ba loại ý kiến:

 

Một là, về quan điểm sử dụng tư liệu (1 - loại tư liệu của người Việt, tư liệu Pháp, cố đạo đã công bố từ lâu, được dịch ra tiếng Việt, xuất bản trong nước và 2 - loại tư liệu mới do bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, cô Từ Vân tìm kiếm ở Pháp, Tahiti mang về). Tôi đã khẳng định quan điểm của tôi: “Đại Nam thực lục” kỉ IV, V & VI  là tư liệu chuẩn cứ với quan điểm nghiên cứu dưới ánh sáng độc lập, tự do hiện nay. Các tư liệu khác chỉ có giá trị bổ trợ, nhất là tư liệu mới tìm kiếm được, cần phải có chứng thực của các trung tâm lưu trữ.

 

Hai là, về cách viết bài báo của Nguyễn Hoàn. Tôi đã nhắc nhở Nguyễn Hoàn về đức tính công tâm khi cầm bút. Đơn cử một ví dụ, để hoàn thành một công trình thủy lợi, có 3 đơn vị chủ lực thi công và nhân lực phụ trợ của 4 tỉnh, nhưng khi tổng kết, lại chỉ kể 1 đơn vị chủ lực và nhân lực 1 tỉnh thôi; tổng kết đó chỉ gây bất bình, và sự bất bình ấy là chính đáng. Nếu không lên tiếng phản đối, các hồ sơ tư liệu về công trình thủy lợi ấy đều ghi như bài tổng kết (hay có dạng tổng kết), hẳn là nguy to, tai hại vô kể.

 

Ba là, có vài ý kiến khác, xoáy vào quá trình tiến hành nghiên cứu, biên khảo của tôi. Tôi trả lời gộp vào những dòng dưới đây.

 

Nói chung, những ý kiến ngắn ấy tôi đã đọc, và tôi cảm thấy cũng chỉ nên trả lời ngắn gọn thôi, chỉ mong những ai đã bỏ chút thì giờ viết ý kiến và những người đọc thầm lặng khác vui lòng đọc bốn đầu sách tôi đã xuất bản chính thức với hình thức sách in giấy (Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004, Nxb. Thanh Niên, 2006, 2008) cùng 2 tập kỉ yếu hội thảo, hội nghị về Nguyễn Văn Tường (1824-1886), ấn hành vào năm 1996 và 2002 – kỉ yếu 2002 đã được in thành sách, “Nguyễn Văn Tường, cuộc đời và lời giải” (PGS.TS. Đỗ Bang chủ biên, Nxb. VHTT, 2006). Bốn đầu sách do tôi nghiên cứu, biên khảo, tôi đã đưa trọn vẹn lên điểm mạng của tôi. Một số bài tham luận của các nhà nghiên cứu khác trong hai kỉ yếu 1996, 2002 cũng có thể tìm thấy ở đó. 

 

Nếu quý vị kính mến không đủ thì giờ để đọc hết, xin vui lòng chỉ đọc bốn “Lời thưa đầu sách”(1)do tôi viết,có cùng đề tài là nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886). Ở mỗi lời thưa đầu sách, tôi đã giới thuyết rõ phương cách nghiên cứu, biên khảo của tôi và cách viết theo từng thể loại. Xin liệt kê theo các thời điểm viết (không phải các thời điểm xuất bản): 1) biên khảo thơ (2000); 2) nghiên cứu một số chủ điểm mấu chốt và bình chú, đối thoại (2000-2002); 3) tiểu sử biên niên (2001); 4) truyện kí – biên khảo hay truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử về cuộc đời, hành trạng nhân vật lịch sử (2002-2003). Mỗi thể loại có một cách viết riêng.

 

Cuốn thứ 1, về thơ, chỉ phần chú thích mới là sử; ở cuốn này, tôi đặc biệt chú trọng khảo chứng một văn bản thi tập bị công bố muộn(2). Đây là cuốn đầu tiên, nên những ý tưởng rất quan trọng của tôi về Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và thời đại ông, tôi đã thể hiện ở các chú thích thơ, các bị chú cuối năm bài viết của năm nhà nghiên cứu khác (Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển, PGS.TS. Võ Xuân Đàn, GS. Đoàn Quang Hưng).

 

Cuốn 2, khảo luận sử học & trích đọc - bình chú, đối thoại.

 

Cuốn 3, chắt lọc sử liệu cũ một cách nghiêm ngặt (sử liệu gốc), theo đề tài, với quan điểm, lập trường nghiên cứu nhất định.

 

Cuốn 4, truyện – kí, nhưng lại là truyện kí căn cứ vào tài liệu lịch sử (sử liệu gốc và sử liệu thứ cấp, kể cả giai thoại, chuyện kể lại của các hậu duệ), có chú thích minh bạch; thậm chí những chi tiết nào tôi hư cấu thêm, tôi cũng ghi rõ là hư cấu thêm (chứ không phải bịa ra hoàn toàn).

 

Mỗi thể loại có một cách viết riêng và biên độ dung nạp của từng thể loại cũng khác. Nhưng chung quy tôi vẫn nghiêm túc xác định xuất xứ sử liệu, định giá, phân loại sử liệu và ghi ở phần chú thích rất kĩ, ngay ở cuốn thuộc thể loại tổng hợp: truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử.

 

Mong rằng những người cầm bút và quý người đọc lưu ý những điều trên. Ngoài ra, có vài ý nhỏ trong một vài ý kiến ngắn, hẳn không quan trọng lắm, nhưng cũng đã có đề cập trong bốn đầu sách của tôi (3).

 

Một lần nữa, xin thành thật cảm ơn tất cả quý người viết những ý kiến ngắn và Ban biên tập Trang thông tin Hội Nhà văn Việt Nam cùng nhà văn Xuân Đức, đặc biệt cảm ơn ý kiến ngắn của ông Ngô Vưu.

 

TRẦN XUÂN AN

15-02 HB9 ( 2009 )

______________________

 

(1) Lời thưa đầu sách (cuốn “Thơ Nguyễn Văn Tường [1824-1886] – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng” do Trần Xuân An biên soạn, khảo luận, khảo chứng và các bản dịch thơ, 5 bài khảo luận sử học, văn học của các tác giả khác, Nxb. Thanh Niên, 2008):

 

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/tho_nvt-vnvcnthvttuong_1.htm

 

Đây là một lời thưa đầu sách trong đó có những dòng tôi lí giải vì sao tôi phải làm tiếp cuốn “Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường (1824-1886) thi tập”, chủ yếu là một bản dịch dang dở, không một chú thích, phần lớn chỉ dịch thơ (không dịch nghĩa), một ít bài chỉ dịch nghĩa (không dịch thơ), do nhà nghiên cứu (Nnc.) Trần Viết Ngạc sưu tầm, giới thiệu (châu bản), Nnc. Trần Đại Vinh, Nnc. Vũ Đức Sao Biển dịch và giới thiệu, khảo luận ngắn (ĐHSP. TP.HCM. ấn hành nội bộ, 1996). Nói rõ hơn, ở đây: Tôi cảm thấy tôi có trách nhiệm phải làm tròn, không thể để bản dịch thi tập ấy cứ dở dang mãi, nên tôi nhờ nhà nghiên cứu, phiên dịch Nguyễn Tôn Nhan phiên âm và dịch nghĩa những bài còn lại, riêng tôi phụ trách dịch vần (dịch lại thành thơ đúng thể Đường luật), soạn lại phần dịch nghĩa (tra cứu khá vất vả) và tôi phải chú thích tỉ mỉ cho từng bài; đồng thời, tôi thấy bản thân tôi có trách nhiệm làm rõ hơn về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, nên tôi cần phải bị chú cuối mỗi bài trong 5 bài khảo luận, giới thiệu của các tác giả ghi trên (Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển, PGS.TS. Võ Xuân Đàn, GS. Đoàn Quang Hưng); và cũng đồng thời, tôi đã đưa vào một bài khảo luận sử học chủ lực của tôi. Tất cả công việc tôi làm, các bản in vi tính (3 bản, 2000, 2003, 2004, mỗi bản đều có nâng cấp về các bản dịch thơ) đều được sự đồng ý của các nhà nghiên cứu, dịch giả đã kể tên, kể cả TS. Ngô Thời Đôn, người phụ trách hiệu đính các bản dịch và cơ quan chủ quản công trình là Khoa Sử, ĐHSP. TP.HCM..

 

(2) Xem thêm: Trần Xuân An – “Khảo chứng một văn bản thi tập bị công bố muộn”:

 

http://tranxuanan.writer.3.googlepages.com/khao-chung-noidung-vanban-thitapnvt.htm

 

(3) Trong ý kiến ngắn của Lê Tiến Công, có nhiều ý nhỏ, tôi đã trả lời bên trên. Riêng cụm từ “chủ nghĩa thực dân Pháp”, Lê Tiến Công bẻ ra từng từ và cho rằng cấu tạo thành một cụm từ như thế là không hợp lí, thì tôi thấy kể ra Lê Tiến Công cũng hơi … kì cục. Khi nói đến chủ nghĩa [thực dân] là đã đề cập đến hệ tư tưởng [cùng với quân đội viễn chinh...]. Hệ tư tưởng của chủ nghĩa thực dân thế kỉ XIX là gì (Trần Trọng Kim gọi là “truyền đạo” kết hợp “tìm đất”; nhiều người khác: chủ nghĩa tư bản Phương Tây trở thành chủ nghĩa đế quốc Âu – Mỹ…) và đối với nước Pháp nó mang màu sắc, đặc điểm cụ thể như thế nào, hẳn ai cũng biết (khẩu hiệu: “Thiên Chúa và Tổ quốc Pháp”, vai trò của Hội Thừa sai Paris…). Có thể xem ở lời thưa đầu sách ở cuốn “Tiểu sử biên niên Nguyễn Văn Tường…” (Trần Xuân An, Nxb. Thanh Niên, 2006).

 

TXA.

(Tối 15-02 HB9 & 6:45, 16-02 HB9, có chỉnh sửa vài lỗi gõ phím)

 

 

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE