Trần Xuân An - Giữa thuở chuyển mùa (Hậu chiến, không riêng ai) (VI)

HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI

Chương VI

Trần Xuân An

 

1

 

Chuông reo, báo hết tiết thứ hai. Huyên bước xuống khỏi bục giảng lớp 12C với cuốn vở giáo án và sách giáo khoa. Học sinh đứng dậy chào tiễn. Ra khỏi lớp, đến phòng văn thư gần đó, Huyên định ghé vào xem báo trước khi về lại nhà tập thể phía sau. Nhân tiện, anh rửa vội mấy ngón tay còn dính bụi phấn bảng ở thau nước được bác Uy cai trường múc sẵn, đặt trên giá sắt nơi góc hiên, rồi lau khô bằng chiếc khăn cũng vắt trên giá ấy. Vào văn phòng, thấy có mấy phong thư bưu tá viên mới đem đến, đặt ở bàn giấy, kề chiếc máy đánh chữ, Huyên nhặt lên xem thử có thư mình không. Huyên mỉm cười khi thấy thư của Hồng Vàng, cũng vẫn bốn chữ viết tắt L.T.H.V. ở góc phải trên của phong thư, nhưng địa chỉ đã là TP.HCM., chứ không còn là Đà Lạt nữa. Huyên cầm luôn tờ báo Nhân dân, nói với cô thư kí văn phòng: Tôi mượn tờ báo này, lát nữa sẽ mang trả. Không kịp thấy cô ấy có gật đầu, ghi sổ gì đó hay không, Huyên bước nhanh, rời khỏi nơi đó, để đọc thư Hồng Vàng một cách trọn vẹn hơn.

Cửa phòng ở đóng, như vậy là Chu có tiết thứ ba. Huyên mở cửa ra vào và mở luôn cửa sổ, ngồi sau bàn viết. Huyên mỉm cười một lần nữa trong niềm vui lần thứ năm nhận được thư cô học trò trung học mới trở thành sinh viên năm thứ nhất này.

Thư Hồng Vàng thể hiện niềm vui khi đã trải qua được gần trọn một học kì tại Đại học Sư phạm TP.HCM., với niềm đam mê văn chương, ngôn ngữ Việt được nhân lên gấp bội.

Huyên tạm gác lại niềm vui cộng hưởng, đồng cảm trong anh để liếc xem mấy trang báo Nhân dân. Anh bắt gặp bài thơ của Tố Hữu, nhan đề khá lạ với phong cách nhà thơ này: “Đêm cuối năm”! Và cả bài thơ nữa, là một trời đáng kinh ngạc!

 

“Đêm cuối năm. Riêng một ngọn đèn

Dở hay, khôn dại, những chê khen

Làm, ăn, hai chữ, quen mà lạ

Thế cuộc, nhân tình, rõ trắng đen

 

Gỡ lối “bao” xưa, người mọc cánh

Được mùa “khoán” mới, đất lên men

Tự cường, mới biết ai gan góc

Luồn lọt, hay chi phận yếu hèn

 

Cách mạng, mừng thêm tay đóng góp

Hư danh, chừng bớt kẻ đua chen?

Dòng đời cứ chảy, tan bèo bọt

Thế trận lòng dân dậy tiếng kèn!

 

31-12-1981”.

 

Điều kinh ngạc là thơ trên báo Nhân dân lại có giọng điệu, nỗi niềm như Nguyễn Bỉnh Khiêm và chút ít tâm trạng Cao Bá Quát! Thơ của một tác giả nào đó trên đất nước Việt Nam mình hiện nay mà như vậy, đã đáng kinh ngạc rồi, nhất là khi nó được đăng trên tờ báo vốn là cơ quan trung ương của Đảng. Nhưng quái lạ thay, đó lại là thơ của Tố Hữu, một nhà thơ suốt mấy mươi năm kiên quyết nắm vững quyền lực chuyên chính văn chương nữa!

Chẳng lẽ Nguyễn Minh Châu (1978), Hoàng Ngọc Hiến (1979) lại tác động đến cả thi sĩ chuyên chính ấy (1982)!

Nhưng Huyên không thể giữ tờ báo ấy lâu, anh đành phải mang ra phòng văn thư để trả lại.

Đang tiết thứ ba, ở văn phòng vắng hoe, không có giáo viên nào, chỉ còn cô văn thư và anh Lê Thừa Ích, nay là hiệu trưởng, vừa mới thay thế anh Đặng Đắc San trong học kì một này.

Với niềm kinh ngạc vừa bùng lên trong tâm trí mình, lại gặp anh Ích, vốn là giáo viên ngữ văn Việt, Huyên chìa trang báo có bài thơ mới nhất của Tố Hữu:

- Anh Ích đã đọc bài thơ này của Tố Hữu chưa? Anh xem thử.

Anh Ích nheo mắt, vì không mang theo kiếng tuổi:

- Sao, có gì lạ à?

- Vâng, quá lạ. Không nói thơ trong ngăn kéo của phó thường dân, cán bộ hưu non nào đó. Chỉ nói thơ đăng báo. Dù đăng báo thường thôi, thì bài thơ này cũng đã lạ rồi, anh ạ. Huống nữa, là của Tố Hữu, lại báo Nhân dân! Anh xem thử.

Anh Ích cầm ngay tờ báo, đi nhanh qua phòng hiệu trưởng.

Huyên quay gót bước lui nhà tập thể.

Huyên vừa bước vừa nghĩ, sáng nay, anh nhận được thư Hồng Vàng nhưng không hiểu thế nào lại đọc được cả bài thơ thế thái nhân tình như thế của Tố Hữu, cũng gần như cùng một lúc!

2

Bài thơ “Đêm cuối năm” của Tố Hữu đăng trên báo Nhân dân, số đặc biệt khoảng đầu năm 1982, được tác giả ghi phía dưới: 31-12-1981, như bùng vỡ một trận mưa dữ dội bất thường trong tháng rét buốt nhất của mùa khô cao nguyên Liên Khàng - Đức Trọng này, đối với Huyên. Trận mưa chưa từng có ấy kéo dài từ trước Tết Nguyên đán năm Nhâm tuất (1982) cho đến sau Tết cả hai tháng, trong tâm trí Huyên.

Thơ Tố Hữu không còn như trước đó nữa.

Có chất Nguyễn Bỉnh Khiêm, có chất Cao Bá Quát, trong bài thơ ấy.

Từ bài thơ “Từ ấy” đến bài thơ “Đêm cuối năm” là quãng thời gian không thực? Không những Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, mà lần này, cả Tố Hữu!

Thêm một lần, Huyên tự khẳng định trong đầu mình như thế. Với Huyên, có một sự đổ vỡ của ảo vọng về phương thức sáng tác nào đó, mà “Đêm cuối năm” có thể chỉ là một nhát búa cuối cùng, khởi đầu trận mưa ầm ào cuồn cuộn lũ.

Trong cơn say từ cuộc rượu, hình như rượu nấu từ ngô, trắng đục, với một dĩa cải chua vàng úa được “kí sổ” từ bác Uy gái, những câu thơ từ chốn sâu thẳm nào đó của tâm hồn Huyên hiện dần ra trong đầu anh, trong khi anh Nguyễn Văn ôm đàn khẽ hát. Huyên biết đã đến lúc tâm trạng ướt đẫm trận mưa kéo dài gần vài tháng qua bắt đầu kết đọng thành tứ thơ với những câu chữ, âm điệu mơ hồ. Huyên đột ngột từ giã anh Văn. Anh Văn gật đầu nhưng vẫn không ngừng hát. Huyên đi vòng ra phía trước, trở về phòng mình, thấy Chu đang ngồi chuyện trò với cô Hậu trên bậc thềm, dưới ánh đèn điện hành lang vàng yếu. Huyên mở khoá cửa phòng, bước vào, bật đèn, ngồi vào ghế sau bàn viết.

Ngay trong đêm đó, Huyên viết trọn bài thơ mới nhất, buồn nhất, thảng thốt nhất, và hi vọng nhất, khác với mạch thơ và giọng thơ trước đó của mình. Nhưng cũng chỉ là phác thảo.

Đến tuần sau, vẫn lại là một phác thảo khác, mặc dù tứ thơ và phần lớn câu chữ, âm điệu vẫn thế. Lại chỉnh sửa, để biểu đạt tứ thơ sinh động hơn bằng những từ ngữ, hình ảnh, âm điệu đắt hơn. Rồi Huyên cũng hoàn tất bài thơ ấy với cảm giác tạm hài lòng. Huyên tạm hài lòng khi bài thơ đã hình thành trên những trang giấy của tập vở nháp, đồng thời Huyên cũng biết mình đã khác trước.

 

LẠI BẮT ĐẦU TỪ CHỮ CÁI THỨ NHẤT

 

sớm mai bên hồ Xuân Hương

thấp thoáng nắng trên mưa sương bất chợt

cô gái không quen ngước tròn đôi mắt

nắng loáng qua niềm vui không ngờ

khi chung quanh tiếng thông buồn như khóc

nước rêu xanh che rong nhờn và rác

trời cứ sương cứ nắng cứ mưa

huyền hoặc, mị lừa?

những gì là có thực?

 

niềm ray rứt dẫn lòng tôi đi lạc

hoang mang sương mù

thảng thốt, mỉm cười, bẻ bút

thề chẳng bao giờ dại dột làm thơ

phải chăng là có thực?

 

hai năm chẳng dại dột làm thơ

thơ-phi-thơ biến tôi thành gã lái buôn đau đớn nhất

mua nghìn giọt lệ bán trăm ngọc biếc

thu vào hờn oán đổi trả sương hoa

đóng thuế lương tâm cho bao việc nhiễm Mao

lãi vô vàn: rợn lạnh những hư vô!

phải chăng là có thực?

 

“Đêm cuối năm”. Tôi mềm trong tiếng thơ

rượu tàn cơn ngầy ngật

thấp thoáng nắng trong mưa sương lất phất

và đôi mắt, đôi mắt, triệu nghìn đôi mắt

từ đời thực hiện về

mưa chiêm bao sao ướt đầm khuôn mặt ai kia

rũ xuống bàn

sửng sốt

thảng thốt nhìn hai tay khánh kiệt

phải chăng là có thực?

 

những gì là có thực?

tôi ngọng nghịu hỏi mình như trẻ thơ

và tập đọc lần thứ nhất

chữ A

ngơ ngác

chữ A

môi run hạnh phúc.

 

26-02-1982

(mùng 3 tháng 2 Nhâm tuất)

 

Huyên muốn mình phải khởi đầu lại một lần nữa, khởi đầu một kiếp sống khác, như một đứa trẻ bắt đầu học bảng chữ cái, chữ thứ nhất là A.

Như mọi vùng trời cao nguyên khác, ven hồ Xuân Hương ở Đà Lạt thường có những cơn mưa sương bất chợt, xen lẫn những thoáng nắng cũng bất chợt như thế. Thoáng mưa sương, thoáng nắng vàng, rất hư ảo. Thoáng nắng ấy trên đôi mắt của một cô gái nào đó, như thể niềm vui hư ảo bất ngờ. Trong khi đó, quanh cô gái là khung cảnh của hồ Xuân Hương nước xanh màu rêu, rong rác nhớp nhúa. Đó là hiện thực. Niềm vui hư ảo kia là có thực hay hồ nước dơ bẩn vì bị bỏ bê, chưa được vét lọc kia là có thực? Niềm vui siêu vượt, thoát li thực tại đáng buồn? Lãng mạn có thực hay hiện thực tả chân có thực? Có thực chăng lãng mạn bất chấp bối cảnh hiện thực?

Huyên hoang mang và chệch hướng, như một kẻ đi lạc giữa thực tại cuộc đời. Anh bẻ bút, thề không làm thơ nữa. Nhưng có thực sự là Huyên đã tự ý chấm dứt đam mê sáng tác thơ, anh cũng không rõ. Huyên cũng không rõ có thực hay không, về thời gian hai năm nào đó. Có phải là hai năm trải qua hai vùng đất khai hoang lập ấp được gọi là “kinh tế mới”? Hai năm không xác định ấy, có phải anh đã thâm nhập vào thực tế xã hội để gom nhặt những giọt nước mắt khổ đau, đói khát, nỗi niềm hờn ghét, oán hận, để mong "mua bán, trao đổi" chất liệu đó, sau khi đã chuyển hoá thành hình tượng thơ ca? Trong khi cả nước đang phê phán, khắc phục di chứng maoist, có thực chăng những kẻ bảo thủ chủ nghĩa Mao đã thu thuế, lại là “thuế lương tâm” của “gã lái buôn” chất liệu đời bi hận, chế biến thành thơ ca lóng lánh? “Lời lãi” anh thu được chỉ là hư vô! Có thực chăng? Có thực hai năm nào đó anh đã thôi làm thơ? Nói không, nhưng thật ra, Huyên vẫn làm thơ tuyên truyền, đánh đồng “hiện thực hiện có” bằng “hiện thực nên có”. Làm thơ tuyên truyền theo nghĩa vụ khai hoang lập ấp cũng là làm thơ, và mặc dù đó là thơ có ích, có tác dụng thực tế, nhưng không phải là làm thơ đúng nghĩa, sáng tạo thơ ca đích thực chăng?

 

Để rồi, trong không gian hình thành từ dư âm của trận mưa dài thảng thốt, bất thường từ “Đêm cuối năm”, trong cơn say bởi men rượu, Huyên nhận ra niềm vui hư ảo, hư ảo như thoáng nắng trên mưa sương ven hồ Xuân Hương nhớp nhúa, hôi hám, lại trở về trong giấc chiêm bao đầy mưa. Niềm vui hư ảo không phải trên một đôi mắt mà cả nghìn, cả triệu đôi mắt. Một trời lãng mạn với bao thoáng chốc hân hoan hư ảo giữa đời thực, hiện về trong chiêm bao. Nhưng mưa chiêm bao ấy chảy ròng trên khuôn mặt chính anh hay khuôn mặt ai xa lạ, anh không rõ. Khuôn mặt ấy rũ ập xuống bàn như một tấm khăn sũng nước. Khuôn mặt ấy ngẩng lên, sửng sốt nhìn hai bàn tay mình, hai bàn tay trắng, đã khánh kiệt vốn liếng sự nghiệp. Thơ ca “hiện thực nên có”, “hiện thực ‘phải đạo’” đã phá sản, thì đã đành chăng? Thứ thơ ca lãng mạn sáng, bất chấp bối cảnh hiện thực đen, một cách duy ý chí, cũng đã thực sự phá sản chăng? Có thực chăng giấc mơ men say đầy thảng thốt ấy?

Huyên cảm thấy anh đã hoàn toàn phá sản, khánh kiệt, bởi vốn liếng thơ ca của anh hoá ra chỉ là vàng mã hư vô, sự nghiệp văn chương của anh chỉ là giấy rác vô giá trị. 

Nhưng Huyên không buông xuôi, vứt bỏ cuộc đời mình. Anh lại bắt đầu một kiếp sống mới, như một đứa trẻ bắt đầu con đường chữ nghĩa của nó bằng chữ thứ nhất trong bảng chữ cái. Huyên cảm thấy anh hạnh phúc trong sự thoát kiếp, đổi đời lần này, 1982.

Mặc dù viết với tâm trạng khủng hoảng về phương pháp sáng tác, gồm cả trong đó phương thức phản ánh hiện thực, và chỉ về phương pháp sáng tác mà thôi, ở một thời điểm không thật bình tĩnh, Huyên không ngờ trước được bài thơ “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất” (hay “Lại tập đánh vần”) là nguyên nhân chính dẫn đến tai hoạ trong cuộc đời một giáo viên, một người làm thơ là anh. Và cả điều này nữa, liệu có đúng là vậy không? Huyên cũng không rõ.

 

3

 

Dáng người của anh Nguyễn Huynh không thể lẫn với người nào khác. Quả là đúng rồi, chính anh Nguyễn Huynh. Anh ấy đang cỡi chiếc xe Honda nữ, được sản xuất từ những năm sáu mươi, chạy vượt qua cổng trường. Và chừng như thấy ở các phòng học không khí học tập, giảng dạy nghiêm túc quá, anh ngừng xe, tắt máy giữa sân trường, dắt xe đi bộ đến văn phòng. Đang ngồi bên bàn nước, Huyên vội bước ra ngay để đón anh:

- Anh vừa từ Đà Lạt về đây? Thật bất ngờ.

- Ừ, đi chiếc Honda này cũng tiện.

- Anh kiếm ra xăng trong giai đoạn này là tài lắm.

Anh Nguyễn Huynh cười.

Gần đây Huyên đã chuyển sang phòng lồi bên phải của nhà tập thể, nơi trước đây là phòng của anh Ích, để cùng ở chung với Bùi, một giáo viên vật lí mới về trường. Huyên dẫn anh Nguyễn Huynh về phòng của mình. Sau đó, hai anh em cùng xuống chợ Tùng Nghĩa để mua một ít thức ăn. Anh Nguyễn Huynh vốn là người tháo vát ngay cả trong việc chợ búa này, và cả trong nấu nướng nữa, khi đã mang thức ăn về đến bếp tập thể. Bếp tập thể dạo này bệ rạc hẳn, không còn nền nếp như năm học trước. Bác Uy gái cũng đã xin thôi việc để lo làm cải chua ra bán ở chợ chồm hổm chiều, gần quán “Bít tất”. Bếp vẫn còn đỏ lửa than nhưng cô nhân viên mới tuyển tên Nhi đã xong việc của mình. Anh Nguyễn Huynh và Huyên tiếp tục bắc soong lên bếp ấy, sau khi làm cá, rửa rau ở thềm giếng bên cạnh. Đó là chiếc giếng phải sử dụng tay quay, vì có độ sâu ít ra cũng ba mươi mét.

Xong xuôi, Huyên và anh Nguyễn Huynh về phòng ở.

Dĩ nhiên là bữa cơm trưa hơi sớm so với thường lệ này có cả rượu. Chừng như anh Huynh không thể thiếu rượu được, và thói xấu này cũng lây sang cả Huyên, mặc dù Huyên không thể nghiện được loại chất cay này!

Thật ra, đó là bữa rượu thì đúng hơn, để còn xem thơ của nhau nữa.

Huyên không thể không đưa bài thơ mới nhất của mình, “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất”, cho anh Huynh đọc bằng mắt, vì phép lịch sự, không thể đọc to thành tiếng như ở nhà anh trên Đà Lạt. Vả lại, loại thơ này cũng khó để đọc lên bằng miệng, nghe bằng tai. Anh Huynh sửng sốt, đọc đi đọc lại mấy lần. Anh bảo đưa cho anh một bản chép tay, về lại Đà Lạt anh sẽ đánh máy chữ giúp cho.

Sau đó, cuộc rượu vẫn tiếp tục. Trên gương mặt anh Huynh, càng hiện rõ tâm trạng buồn bực, bức bối, đau đời vốn có ở anh.

Lúc tiễn anh Nguyễn Huynh lên lại Đà Lạt, có lẽ cũng đã ba giờ chiều. Nắng vẫn còn vàng ấm, chưa se lạnh.

- Huyên làm thơ như bài mới nhất vừa rồi, anh thấy sẽ phiền hà lắm đó. Không khéo Huyên sẽ về Huế chơi với Trần Vàng Sao! Huyên đừng tưởng là trong đám học sinh, trong cán bộ công nhân viên nhà trường, không có PA.25! – Anh Huynh cười, trấn an Huyên sau câu nói thật –. Nhưng đã sinh ra làm thằng làm thơ, viết văn thì phải chấp nhận tai hoạ. “Chữ tài liền với chữ tai một vần” mà!

Anh Huynh ngồi lên xe, nổ máy.

- Huyên nhớ Trần Vàng Sao không? Tay đó khổ một đời vì thơ! Anh cũng vậy, Huyên cũng vậy. Mỗi đứa khổ một cách.

- Vậy thì, anh đừng đánh máy chữ bài thơ đó nữa. Anh xem một mình thôi nghe!

Huyên cảm thấy hơi sợ trong lòng, mặc dù biết nội dung bài thơ chẳng có gì phải đáng sợ. Huyên những muốn lấy lại bài thơ Huyên đã chép tay đưa cho anh Huynh giữa cuộc rượu vừa rồi, vì với bản tính nghệ sĩ, biết đâu anh ấy vô tư, hứng chí cho người này, kẻ khác xem. Nhưng anh Huynh đã nói:

- Huyên yên tâm. Anh lên Đà Lạt lại đây!

Anh Huynh chìa tay. Huyên bắt tay anh. Hai bàn tay siết chặt, tin cậy. Ngay sau đó, anh Huynh rồ ga, vọt đi trên quốc lộ 20.

Khi quay bước vào sân trường, Huyên tự nghĩ, chẳng có gì đáng sợ cả, ở bài thơ ấy. Có lẽ nó không thể đăng trên báo, in vào sách được, trong bối cảnh hiện nay, nhưng hoàn toàn không có một chi tiết, từ ngữ nào có thể làm nhức mắt PA.25. Ờ, cũng có thể có, ở ít câu chữ cường điệu đen, tạo ấn tượng mạnh, nhưng Huyên không quả quyết đó là thực, để rồi kết thúc vẫn là khởi đầu một giai đoạn sáng tác với ý hướng sáng tạo mới: “... những gì là có thực? / tôi ngọng nghịu hỏi mình như trẻ thơ / và tập đọc lần thứ nhất / chữ A / ngơ ngác / chữ A / môi run hạnh phúc”.

Phải đặt mỗi chữ, mỗi hình ảnh thơ trong chỉnh thể bài thơ, không nên tách ra để suy diễn. Hỡi những kẻ có quyền lực, những kẻ có chức năng theo dõi, hãy hiểu giúp điều đó cho bao người làm văn chương! Huyên muốn nói như vậy. Nhưng Huyên lại chợt giật mình khi thấy nấm đất trồng hoa cỏ giữa sân trường, Nho cho học sinh đắp đắp và ươm tưới, để tạo cảnh quan như thể công viên, sao từa tựa nấm mộ Đạm Tiên!

 

4

 

Những ngày sau đó, Huyên nghĩ đến Hồng Vàng, và tự hỏi: liệu Hồng Vàng sẽ cảm nhận như thế nào nếu đọc được bài thơ ấy. Chẳng phải là Huyên và cả Hồng Vàng nữa, từng mơ ước là văn chương nước mình sẽ được vận động, phát triển đúng với quy luật hơn đó sao! Chẳng phải Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến và cả Tố Hữu, quan trọng nhất là Tố Hữu với bài thơ “Đêm cuối năm”, đã mở ra một trào lưu sáng tác mới mẻ, chân thực hơn trước đó sao! Đúng rồi, chân thực. “Đêm cuối năm” không hay, không mới về thi pháp, nhưng chân thực hơn vì đời thường hơn, con người hơn – con người có khi đối diện với cái tôi cô đơn của chính mình, chứ đâu phải cứ luôn luôn là con người của tập thể.

Ở nước ta, sự thể là thế. Mỗi người sáng tác không thể là một chủ thể sáng tạo độc lập có tính mở đường. Tất cả phải chờ ở “tiếng chim đầu đàn”! Nay “tiếng chim đầu đàn” đã phát tín hiệu đổi mới, cho phép mỗi cánh chim có những phút tách khỏi đội hình tập thể, sống với cõi riêng của nó! Không biết đó là sự đổi mới với ý thức tự giác, thấy cần phải đối diện với cái tôi riêng tư, hay là do sức ép từ bên dưới tác động ngược lên trên, thể hiện ở Tố Hữu từ “Đêm cuối năm”, 31-12-1981!

Ở nước mình, sự thể là thế! Bất kì sự sáng tạo đột phá nào cũng cần đến những người bảo trợ tinh thần, những người chịu làm tấm mộc che đỡ. Người ta cũng không muốn những kẻ không đáng tin tưởng lắm về lí lịch lại dám làm Phùng Quán, Hữu Loan, Boris Pasternak, Solzhenitsyn, thậm chí chỉ là người cầm bút phản biện với ý thức xây dựng! Thật ra, Huyên chỉ là người làm thơ bị khủng hoảng về phương pháp sáng tác mà thôi!

Huyên cũng muốn chép bài thơ “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất” để gửi Hồng Vàng, nhưng rồi anh ngại phiền hà, rối rắm cho cô sinh viên năm thứ nhất ấy.

Thầy giáo Huyên cũng có ý đợi anh Lê Thừa Ích, hiệu trưởng, nói cảm nghĩ của chính anh về bài thơ thế thái nhân tình của Tố Hữu, nhưng từ trước Tết Nguyên đán mãi đến sau Tết hơn hai tháng, anh Ích vẫn không nói gì. Anh ấy là một người kín kẽ!

Huyên cảm thấy không dám chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp, cho dù đã có những kỉ niệm phấn trắng bảng đen, những lần ngồi quán cà phê, dăm cuộc rượu nhỏ rất thâm tình với nhau:

 

ĐÊM UỐNG RƯỢU Ở TRƯỜNG, DẶN NHAU - 1982

 

một dĩa cải chua, vài con khô cá

chạy được chai rượu đầy, sẵn cái chén mẻ,

                                                              cũng hay!

ba thằng giáo chuyền tay vầng trăng nứt

nhớ nước mắt đừng rơi, xin ấm góc trời này!”

 

Huyên làm thơ về nhóm bạn giáo viên của mình với ước muốn xin giữ ấm góc trời dạy và học. Đó cũng chính là lí do để Huyên không chia sẻ với đồng nghiệp bài “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất”, mà chỉ chia sẻ với bạn văn chương là anh Nguyễn Huynh.

Thậm chí, bài thơ này của Huyên, anh cũng cất giấu dưới đáy va li, sợ Bùi ở cùng phòng, tình cờ đọc thấy. Huyên bắt đầu có cảm giác lo sợ của một người cầm bút cất giấu bản thảo... quốc cấm! Trạng thái tâm lí thường vượt trên mức của sự tự nhận thức, mức tình trạng thực tế một cách thái quá! Đầu óc tự biết là bài thơ ấy chẳng có gì đáng ngại, thế mà cũng lo sợ đến hoang mang, tự đốt đi rồi tự chép lại, sợ cả bạn cùng phòng!

 

T.X.A.

TP.HCM., 02:17, 16-03 – 11:40, 17-03 HB13 (2013)

 

ĐÃ GỬI TTTĐT. HỘI NHÀ VĂN TP.HCM. (17-03 HB13 [2013])

& TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG (17-03 HB13 [2013])

 

http://txawriter.wordpress.com/2013/03/18/hau-chien-khong-rieng-ai-vi-tiep-theo/

 

 

Chương I:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-i

 

Chương II:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-ii

 

Chương III:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-iii

 

Chương IV:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-iv

    

Chương V:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-v

 

Chương VI:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-vi

 

Xem tiếp:

"Hậu chiến, không riêng ai" -- tiếp theo -- (VII)

 

 

 

 

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE