s. Tiểu mục 45 - Giao lưu đoàn kết - Nguyễn Phúc Vĩnh Ba

 

 

 

 

Tổng quan tình hình nước ta

thời vua Quang Toản (1792 - 1802)

Nguyễn Phúc Vĩnh Ba

 

Vài lời của WebTgTXA.: Người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ là một đỉnh cao chói sáng trong lịch sử nước ta vào thế kỉ XVIII: đánh bại 2 tập đoàn phong kiến Đàng Trong, Đàng Ngoài và lực lượng ngoại viện (Xiêm), ngoại xâm (Thanh) để thống nhất Đất nước. Hơn thế nữa, Nguyễn Huệ còn để cao việc sử dụng quốc ngữ Nôm, với ý hướng dần dần thay thế hẳn ngoại ngữ Hán. Tuy nhiên, sự nghiệp thống nhất đất nước cũng như xiển dương văn tự dân tộc của ông vẫn còn dở dang, nhất là nạn cát cứ của anh em Nhà Tây Sơn vẫn còn tồn tại. Triều Quang Toản kế tiếp lại trở thành bước trượt trước khi sụp đổ hoàn toàn. Không những vì nạn ấu chúa, lộng thần ở triều Quang Toản mà còn vì sự tấn công dũng mãnh của hậu duệ chúa Nguyễn: Nguyễn Ánh… WebTgTXA. nhận thức rằng, cuộc chiến tranh do Nguyễn Ánh tiến hành không phải yêu cầu chính trị bức thiết của dân tộc, nhưng vẫn hợp lẽ công bằng đối với công lao gia cố xây dựng, phát triển và mở cõi về phía Nam của dòng họ các chúa Nguyễn – lẽ công bằng xét theo quan điểm lịch sử - cụ thể thời phong kiến. Việc Nguyễn Ánh cầu viện Xiêm: sự nhũng nhiễu của quân Xiêm trong đời sống nhân dân Nam Bộ là có thật, nhưng nước Xiêm với sức mạnh khiêm tốn vốn có của nó không phải là một nguy cơ xâm lược đối với nước ta. Sự cầu viện cường quốc, như Đại Thanh (Trung Hoa) chẳng hạn, mới chứa đựng nguy cơ hiển nhiên ấy. Về vai trò tiêu cực của cố đạo Pigneau de Béhaine đối với lịch sử dân tộc có lẽ không nhất thiết phải nói lại ở đây, vì đã nhiều lần đề cập đến.

 

Có lẽ đó là vài lời cần thiết WebTgTXA. xin thưa ngỏ trước khi kính mời người đọc đến với bài viết dưới đây của tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba (TP.Huế).  

 

Tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba chỉ đi sâu vào triều Quang Toản (ở ngôi: 1792-1802), cho chúng ta một hiểu biết kĩ lưỡng hơn về bước trượt lịch sử của Nhà Tây Sơn sau cái chết đột ngột đáng tiếc của Quang Trung Nguyễn Huệ.  

 

 

Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (15-9-1792) thình lình vua Quang Trung băng hà với một cái chết đột ngột đầy bí ẩn. Sự nghiệp của người anh hùng kiệt xuất này sau 05 năm ngồi trên ngôi báu đành dở dang và trao lại cho người con thứ là Nguyễn Quang Toản (阮 光 纘) lúc ấy mới 9 tuổi. Quang Toản lên ngôi lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Đến năm 1801, vua Cảnh Thịnh đổi niên hiệu là Bảo Hưng và rồi kết thúc triều đại của mình vào năm 1802 sau 10 năm làm vua. Đây là một thời kỳ đầy khó khăn: ấu chúa, lộng thần, nội biến (vua còn nhỏ, cận thần lộng quyền và xung đột nội bộ), triều chính lạc hậu và tranh bá đồ vương. Nhận định chung của các nhà viết sử là vua Quang Toản không giữ được việc triều chính, làm cho các đại thần quay sang giết hại lẫn nhau dẫn đến nội bộ lục đục, triều chính suy vi. Tìm hiểu tình hình triều Quang Toản vì thế sẽ soi sáng cho chúng ta thấy được dòng chảy tất yếu của lịch sử: Một triều đại mới tất nhiên sẽ thay thế họ.

 

 

1.1  Giữa dòng một thời gian dài chiến tranh liên miên:

 

Một nét đặc trưng của thời kỳ Quang Toản là nó tiếp theo một quãng thời gian chinh chiến kéo dài với mật độ dày, qui mô lớn và địa bàn rộng chưa từng thấy trong lịch sử nước ta trước đấy. Ngoài cuộc chiến dai dẳng giữa hai phe Trịnh Nguyễn với 7 lần đụng độ cùng loạn lạc nhiều nơi trong nước, kể từ  năm 1771 anh em nhà Tây Sơn đã không rời gươm súng để mưu dựng cơ đồ. Năm 1774, Hoàng Ngũ Phúc kéo quân từ Thăng Long vào chiếm Phú Xuân, khiến vua tôi chúa Nguyễn phải chạy lánh vào Nam. Riêng vua Quang Trung 3 lần ra Bắc Hà (1786 diệt Trịnh, 1787: diệt Vũ Văn Nhậm, 1789: đánh quân Thanh) và nhiều lần vào Gia Định để đánh nhau với lực lượng  phục quốc của Nguyễn vương Ánh (1776 -1783: 5 lần, diệt Định Vương và đánh Nguyễn Phúc Ánh, 1785: diệt Xiêm,... ) làm cho việc nuôi hằng chục vạn quân của cả hai phía đã tiêu hao biết bao thời gian, nhân mạng và tài hoá của đất nước. Đó là chưa kể các cuộc thanh trừng nội bộ như vụ Nguyễn Hữu Chỉnh, vụ Nguyễn Nhạc (1787)… cũng tốn kém nhiều xương máu và lương thực. Cuối đời, vua Quang Trung còn phải dẹp một số cuộc nổi loạn của cựu thần nhà Lê như Lê Duy Chỉ ở Cao Bằng, Trần Quang Châu ở Bắc Ninh, Trần Phương Bỉnh ở Nghệ An... trong khi ở phía Nam Nguyễn vương Ánh sau khi thu hồi được Gia Định, liên tục tấn công Quy Nhơn.

                                                      

Ta có thể thấy rõ với một số dân không bao nhiêu mà vua Quang Trung duy trì một bộ máy chiến tranh lớn lao (ba đinh kén một lính) có khi lên đến cả chục vạn quân như thế, liên tục ra Bắc, vào Nam, qua Xiêm, sang Lào thì không thể nào không cạn kiệt tài hoá đất nước. Ai cũng thừa thấy rằng bên cạnh những chiến công chói loà sử sách như đánh Thanh đuổi Xiêm, quân dân ta đã phải trả một giá khá đắt cho công cuộc bình định đất nước. Vua Quang Toản lên ngôi, đành tiếp tục chinh chiến, vừa để ổn định nội bộ1 (Xem phần 2.3) lại vừa phải tiếp tục cuộc chiến với lực lượng Nguyễn Phúc Ánh ở miền Nam cứ lăm le giành lại đất cát của cha ông họ2 (Xem phần 3.2). Phải chăng tiềm lực quốc gia đã suy giảm đến mức độ báo động? (Xem biểu đồ ở cuối bài )

 

-------------------------------------------------------------------------------

1. Đô đốc Dũng diệt phe cánh Bùi Đắc Tuyên, Trần Quang Diệu đánh với Đô đốc Dũng, Quang Toản diệt Quang Thiệu và Lê Trung,..

2. Năm 1788 Nguyễn Phúc Ánh đã đánh bại Nguyễn Lữ, chiếm lại được Gia Định thành và liên tục đem quân tấn công Quy Nhơn.

 

1.2 Đất nước ngày càng nghèo khó:

 

Những năm chưa mấy yên ổn dưới thời các Chúa Nguyễn không nâng cao được nhiều đời sống đa số nông dân ta ở Đàng Trong. Công cuộc khẩn hoang cũng chỉ mới bắt đầu trên mảnh đất rộng lớn mới thu được ở phương Nam: các đơn vị hành chánh đã thiết lập, lưu dân đã định cư, vừa gây dựng vườn rẫy vừa đánh nhau với người Cao Miên và người Xiêm để bảo vệ đất đai. Dù thổ nhưỡng phì nhiêu, tôm cá phong phú, cuộc sống ưu đãi nhưng việc tích trữ của cải cho quốc gia vẫn còn hạn chế. Việc giao thương của cả hai Đàng với nước ngoài cũng chỉ ở qui mô nhỏ với các cảng chính là Quảng Ninh, Phố Hiến, Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn, và Hà Tiên chưa làm thay đổi bộ mặt trọng nông ích thương lâu đời của nền kinh tế nước ta. Nền nông nghiệp căn bản dựa vào sức người, sức vật của nhân dân ta vẫn là chỗ dựa kinh tế chủ yếu của cả Đàng Trong và Đàng Ngoài. Hệ thống kênh rạch miền Nam phải đợi đến thời Thoại Ngọc Hầu (1817, 1818) mới phát huy tác dụng. Nhìn vào các phủ chúa, các lăng tẩm đơn giản của các Chúa Nguyễn thì ta sẽ hiểu được mức độ tích luỹ của cải của Đàng Trong cũng chẳng bao nhiêu, nói chi đến đất đai Đàng Ngoài vốn đã bị khai thác quá lâu đời và chật hẹp, vua Lê chúa Trịnh thì xa xỉ truỵ lạc3. Đến thời Tây Sơn, đất nước chiến tranh liên miên như ta thấy trên, nhân dân sa vào vong binh cách đâu còn thời gian, sức lực để sản xuất ra của cải vật chất. Lãnh thổ lại chia ba phần với ba ông vua4, ba triều đình khiến gánh nặng nuôi dưỡng hệ thống quan lại đông đảo càng thêm đè vào trăm dân. Bên cạnh đó, chiến tranh còn huỷ hoại không biết bao nhiêu công trình quốc gia hay tài sản của dân chúng.

 

Ngay cả trong thời bình với một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, thủ công nghiệp thô sơ như vậy, nước ta thời ấy chỉ có thể là một quốc gia nghèo mà thôi. Bộ mặt phường phố ở một số nơi đô hội kinh kỳ không phản ánh đúng bản chất đời sống kinh tế thấp kém của đa sô nhân dân ta. Nông dân cơ cực, quan lại tham tàn, loạn lạc khắp nơi, đó là bức tranh xã hội toàn nước ta vào hậu bán thế kỷ 18.

 

1.3  Văn hoá xã hội đình trệ:

 

Những cải cách kinh tế, giáo dục, chính trị đặc sắc của Vua Quang Trung chưa có thời gian để phát huy tác dụng. Hoạ hoằn thì các nỗ lực đó cũng chỉ thể hiện ở ý chỉ và quyết tâm của nhà vua mà thôi. Việc học chữ Nôm cũng chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, các mưu sĩ đề ra các chính sách hay thì không có thế lực bằng các võ quan, vai trò quân sự lấn át các kế hoạch văn hoá, kinh tế... Một số thành tựu đáng kể đều thuộc vào thời Quang Trung. Vua Quang Trung mất, các chính sách đó xem như đành dẹp bỏ. Lấy ví dụ việc sử dụng chữ Nôm, việc chuyển dịch kinh sách sang chữ Nôm, Viện Sùng Chính chưa hoàn tất, việc thống nhất dạng chữ chưa ổn định, sách chữ Nôm chưa được phát hành, trường ốc hệ thống thi cử chưa thành nề nếp. Vua Quang Trung chỉ tổ chức được 01 kỳ thi Hương tại Nghệ An do La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp làm Chánh chủ khảo vào năm 1789. Người đi học vẫn tự học chữ Hán chủ yếu để đọc sách vở hay viết chữ Nôm. Các danh xưng văn võ quan lại đều học theo cách gọi của phong kiến Trung Quốc. Ngay cả một số sắc phong của vua Quang Trung cũng viết bằng chữ Hán 5. Tựu trung, mọi việc cũng chỉ mới khởi đầu, chưa có tác dụng lớn trong

 

------------------------------------------------------------------------

3. Xem Vũ trung tuỳ bút, Hoàng Lê nhất thống chí để hiểu thêm về đời sống cung đình của vua Lê và chúa Trịnh, nhất là thời Trịnh Sâm, Trịnh Cán...

4. Năm 1778 Nguyễn Nhạc xưng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức. Đến năm 1786 vua Thái Đức xưng là Trung Ương Hoàng Đế, cải quản Trung bộ, phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, cai quản từ Thuận Hoá trở ra Bắc và phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương, cai quản thành Gia Định và vùng Nam Bộ. Năm 1788, Nguyễn Huệ xưng đế tại Phú Xuân với niên hiệu Quang Trung.

5. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, Paris, Minh Tân, 1952, Đạo sắc phong thần Đổ Công Đại Vương trưng bày ở Hội chợ Hà Nội 1941-1942.

 

xã hội. Ví dụ nữa là hai kinh đô ở Bình Định (Nguyễn Nhạc tại vị 15 năm) và Nghệ An (Quang Trung tại vị 5 năm) cũng rất không có qui mô gì đáng kể để làm trung tâm điểm phát triển văn hoá xã hội, phần vì dang dỡ, phần không quyết tâm. Phú Xuân chỉ là đất tạm trú của triều Tây Sơn nên không được củng cố hay xây dựng.

 

Nói chung thì trên mặt chính sách, các kế hoạch khuyến nông, khuyến học, cầu hiền, … dẫu đã được vạch ra rồi nhưng hiệu quả và tác dụng của chúng vẫn còn cần nhiều đánh giá

sâu xa và cẩn trọng. Mọi tiềm lực bị binh phí tiêu tốn hết. Mọi hoạt động chủ yếu vẫn là dành cho binh bị.

 

1.4 Hậu quả của sai lầm chiến lược của  nhà Tây Sơn:

 

Việc phân chia (theo kiểu nhà Chu) lãnh thổ làm ba miền năm 1778 khi Nguyễn Nhạc xưng làm Trung Ương Hoàng Đế tại Qui Nhơn đã làm manh mún sự cai trị của một triều đại mới. Anh em vốn đã thiếu tin tưởng nhau, về sau càng bất hoà, nhất là sau năm 1787 khi Nguyễn Huệ đem quân vây thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc ngày càng an phận, chỉ lo sợ ông em ở phía Bắc. Nguyễn Lữ thì bất tài. Dù có lực lượng vào Nam ra Bắc rất dễ dàng, vua Quang Trung cũng chẳng thể đành lòng thanh toán hai anh để tập trung quyền lực. Năm 1787

khi Nguyễn Vương đem quân đánh Gia Định, Nguyễn Lữ, chưa đánh trả, đã bỏ Gia Định cho Phạm Văn Tham một mình chống giữ. Một năm sau, Nguyễn Vương chiếm lại được Gia Định, có một hậu cứ vô vàn thuận lợi: Thóc lúa đầy đủ, giao thương thuận lợi, có trái độn an toàn “Nguyễn Nhạc”. Vua Quang Trung nghe tin Nguyễn Vương đã chiếm được Nam Bộ, biết rằng hiểm hoạ quá nguy hiểm nên tìm cách tiêu diệt và đủ sức tiêu diệt nhưng tiếc thay ông mất sớm. Qua câu nói, ‘Bọn ngươi nên cùng nhau giúp Thái tử sớm thiên đến Vĩnh đô (Nghệ An) để khống chế thiên hạ. Không thế thì quân Gia Định lại, bọn ngươi không có đất mà chôn đấy’6, ta thấy vua Quang Trung đã thấy rõ sự sai lầm chiến lược bất đắc dĩ trên khi còn để cơ hội cho Nguyễn Vương vùng vẫy trở lại. Thế trận rõ ràng không còn thuận lợi cho người kế tục vương nghiệp triều Tây Sơn.

 

1.5 Lòng dân bất ổn:

 

Sự phân chia 3 vùng cai trị của anh em Tây Sơn và các tranh chấp lẫn nhau trên đã làm yếu thế lực phong kiến của họ. Vua Quang Trung với tư cách là một thái tổ hoàng đế thì trị vì quá ngắn ngủi chưa tạo được nề nếp tận trung với một chân long thiên tử trong khi ảnh hưởng của triều Lê và chúa Nguyễn vẫn còn đậm nét trong tâm trí sĩ phu Bắc và Nam hà. Các thói mới chưa lấn át các nề cũ. Nhà vua mất, tạo ra một khoảng lớn hụt hẫng, xao động niềm tin vào tân triều. Các võ tướng từng vào sinh ra tử với nhà vua không dễ sớm thần phục vua mới, nhất là một đứa trẻ còn quá nhỏ tuổi. Việc về hàng Nguyễn Vương của các danh tướng Tây Sơn cho thấy rõ điều đó. Tâm lý nhân dân đã chán nản, ê chề trước tình cảnh hỗn loạn, thay ngôi đổi chủ liên tục, chém giết lẫn nhau quá lâu dài, triều đình vô lực. Bắc Nam đều có mầm mống nổi loạn. Chế độ quân chính của vua Quang Trung, như nhiều nhà sử học đã đề cập, quá sức chặt chẽ quản lí  và huy động nhân dân không tránh khỏi những lệch lạc khiến dân tình cơ khổ7.

 

Câu ca dao ‘Lạy trời cho cả gió Nồm/ Để thuyền chúa Nguyễn dong buồm thẳng ra’  là nỗi mong mỏi có được một sự ổn định chính thể chứ không hẳn chỉ là sự ủng hộ lực lượng

 

-----------------------------------------------------------------------------

6. Đại Nam liệt truyện, tập 2, tr.529, NXB Thuận Hoá 1993.

7. GS George Dutton, ‘Rethinking the Tây Sơn Era’ (Nghĩ lại về thời Tây Sơn). Dẫn tại: BBC Việt ngữ, 31/12/2004.

 

của Nguyễn vương Ánh. Nhân dân ta dưới chế độ phong kiến nào cũng đều bị lợi dụng như nhau và họ thừa biết rằng họ đành cam tâm để cho cơn lốc tranh giành quyền lực cuốn đi. Ước mơ muôn đời của họ chỉ là được yên ổn để làm ăn và nuôi nấng gia đình họ. Không thể nào lại  có thể bảo rằng họ thích thú các cuộc chém giết những người đồng bào với họ. Cuộc sống bị xáo trộn quá nhiều khiến mọi người dân đâu còn có thời gian để hoạt động kinh tế, nói chi đến giáo dục và văn hoá. Không có công trình kiến trúc, thành tựu xã hội hay tiến bộ dân sinh nào đặc sắc trong thời kì này. Một số quan lại sĩ phu Bắc, Nam triều vẫn chưa hết lòng hoài cựu chúa, điển hình như Phạm Thái, Nguyễn Du, Hoàng Quang, Nguyễn Thiếp ….

 

Nói tóm lại, triều Quang Trung với nhiều dự định tiến bộ không có thời gian ổn định khá lâu đủ để xây dựng và phát triển bền vững kinh tế và xã hội của đất nước8. Tài năng lỗi lạc và uy tín cá nhân của vua Quang Trung có một vai trò sinh tử cho sự cường thịnh của triều Tây Sơn. Điều đó cũng có nghĩa là thiếu nhà vua, cái xương sống của triều đại này đã gãy đổ. Một đất nước nghèo khó, bất ổn, chinh chiến liên miên là gia tài mà vua Quang Toản phải gánh vác trên đôi vai  9 tuổi của mình và không thể nào gánh nổi.

 

2. Tình hình triều chính thời Quang Toản trị vì

 

Theo thông lệ của lịch sử, một triều đại phong kiến khởi đầu với một vị anh hùng kiệt xuất, nhằm thay thế một triều đại trước đang suy vi. Con cháu đời sau của người anh hùng ấy vốn không tài năng bằng người sáng lập cơ nghiệp, sa vào thói hưởng thụ, đánh mất tráng chí và cuối cùng đánh mất ngai vàng. Vua Quang Toản đã không thoát khỏi vết xe đổ đó.

 

2.1 Ấu chúa:

 

Tệ ‘phế trưởng lập thứ’ được lập lại, tạo mầm mống cho nội biến, lộng quyền để dẫn tới suy sụp  đã được gieo. Thay vì nhường  ngôi cho  con trưởng là Nguyễn Quang Thiệu (?),

vua Quang Trung quyết định giao ngai vàng cho Quang Toản, một cậu bé mới 9 tuổi đầu trong một tình hình đất nước vẫn còn rối ren (Quang Thiệu, Quang Bàn, Quang Thuỳ 9 đều lớn hơn Quang Toản). Còn non nớt, dĩ nhiên vua Quang Toản không đủ sức ổn định được triều chính, lại tin dùng cận thần, không quản chế được quần thần, nhất là những khai quốc công thần như Vũ Văn Dũng, Ngô Văn Sở, Trần Quang Diệu,... Phần lớn các sách sử đều không nói rõ vì sao vua Quang Trung lại quyết định thiếu sáng suốt như thế. Phải chăng điều này cho thấy vai trò của các mưu sĩ, cố vấn chính trị như Nguyễn Thiếp, Trần Văn Kỷ, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích,... quá lu mờ, không phát huy được tác dụng. Một nho sĩ bình thường cũng cảm nhận được nguy cơ tiềm ẩn do tai hoạ ‘ấu chúa’ qua nhiều bài học lịch sử.

 

2.2  Lộng thần:

 

Mọi việc trong triều đều do thái sư Bùi Ðắc Tuyên quyết đoán. Bùi Ðắc Tuyên là người làng Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn (Bình Khê), phủ Quy Nhơn, cậu ruột vua Cảnh Thịnh. Dưới triều vua Quang Trung, Tuyên nhờ thế em gái làm hoàng hậu mà được làm quan trong triều. Vì ít học nên chỉ làm Thị Lang bộ Lễ, nhưng lại được phép vào ra nơi cung cấm, Tuyên thường bày nhiều trò chơi để mua lòng Thái Tử. Khi Quang Toản lên ngôi, Bùi Đắc

 

 ----------------------------------------------------------

8. Lịch sử Việt Nam, Uỷ Ban KHXH Việt Nam, Hà Nội, 1971, tập I, tr.368 viết: “Những cải cách của Quang Trung tuy kiên quyết và tiến bộ cũng không đủ tạo cho xã hội một nền tảng mới”

9. Năm 1790 Nguyễn Quang Thuỳ tham gia sứ bộ của Giả Vương Phạm Công Trị. Suy ra lúc này Quang Thuỳ ít nhất cũng 18 tuổi, lúc đó Quang Toản sinh năm 1783 mới 7 tuổi đầu. Theo Quách Tấn trong ‘Nhà Tây Sơn’ thì Quang Bàn lúc đó 17 tuổi.

 

Tuyên trở thành Thái Sư một cách dễ dàng. Trong cung đã có Bùi Thái Hậu, còn trong triều lại có lắm đại thần nghiêng theo chiều gió, như Ngô Văn Sở, Phạm Công Hưng, Lê Văn Hưng... nên thế lực của Bùi Đắc Tuyên rất vững. Tuyên mỗi ngày mỗi thêm lộng hành. Những quan nào theo Tuyên thì được ưu đãi, những quan nào ra mặt chống thì bị hại, những người nào có ý chống thì bị đẩy ra làm quan xa. Bị giết có Lê Văn Hưng, bị cách chức có Đinh Sĩ An, Trần Long Vỹ, Võ Văn Cao… Do đó, nơi triều đình sinh ra bè phái chống báng lẫn nhau, làm cho gốc nước bị lung lay.

 

2.3 Nội biến:

 

- Huynh đệ tương tàn:  Trước đây Nguyễn Huệ đã từng vây đánh vua Thái Đức vào năm 1787. Mầm mống bất hoà đã có từ lâu. Năm 1793, vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) ở thành Quy Nhơn sai người đến chỗ vua Cảnh Thịnh xin cứu viện để chống cự với quân của Nguyễn Phúc Ánh. Nhà vua cho đô đốc Trần Quang Diệu làm đại tổng quản, đem quân cứu viện. Quân của Nguyễn Ánh rút về. Các tướng của vua Quang Toản chiếm luôn thành trì của vua Thái Đức. Tháng 8 năm này, vua Thái Đức uất hận mà qua đời, con cả là Nguyễn Quang Bảo lên nối ngôi bị các tướng của Cảnh Thịnh chia quân giữ thành và an trí ra huyện Phù Ly,

gọi là Tiểu triều. Về sau Quang Bảo mưu tư thông với Nguyễn Vương nên bị đánh thuốc độc chết. Nhánh Nguyễn Nhạc thuộc Nhà Tây Sơn chấm dứt từ đó. Kể từ lúc xưng Hoàng Đế ở Quy Nhơn năm 1778 đến đó, Nguyễn Nhạc ngồi ngôi vua được 15 năm.

 

Nguyễn Quang Thiệu về sau thì âm mưu với Lê Trung, Trần Quang Diệu cướp ngôi. Việc bất thành khi vua Quang Toản tiến đánh Quy Nhơn, mười ngày sau hạ được thành, bắt Quang Thiệu cùm đưa về, dùng thuốc độc giết chết. Nguyễn Quang Thuỳ lúc đó (1793) ở Bắc Thành cũng chán ngán và muốn độc lập với Quang Toản.

 

- Giết hại công thần: Năm 1794 Trung Thư lệnh Trần Văn Kỷ bị đày ở trạm Hoàng Giang đã nói với Đô Đốc Vũ Văn Dũng khi ông ta đến thăm như sau: Quan thái sư chức vị đã cao tột bực, trong tay nắm quyền làm oai làm phúc, lại đẩy ông ra ngoài, nếu có sự chẳng lợi cho  nhà nước, các ông  phỏng  còn giữ được đầu chăng? Bây giờ chẳng sớm liệu đi, sau

này ăn năn sao kịp? Đô Đốc Dũng tin và trọng Trần Văn Kỷ, nên cho lời Kỷ nói trên là phải. Hôm sau, tướng Vũ Văn Dũng về mưu với Phạm Công Hưng, Nguyễn Văn Huấn đem quân bản bộ quay về, hợp mưu với thái bảo Hóa, bắt phe đảng Đắc Tuyên bỏ ngục; lại sai người vào Quy Nhơn bắt Bùi Đắc Trụ (con Bùi Đắc Tuyên) và sai đô đốc Hài ra thành Thăng Long lập mưu bắt Ngô Văn Sở đưa về, thêu dệt thành tội trạng làm phản để dìm xuống nước cho chết vào năm 1795 10.

 

Triều chính miền Bắc từ Thuận Hoá trở ra đã rơi vào thế hỗn loạn vô phương cứu chữa. Trần Quang Diệu đang ở Nha Trang thì được tin cha con Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở đều đã bị Vũ Văn Dũng giết chết, sợ vạ lây đến mình, bèn kéo quân về, giải vây cho thành Quy Nhơn để sau đó tiếp tục về kinh đô Phú Xuân (Huế). Về tới làng An Cựu ở phía nam kinh thành, Diệu đóng quân ở bờ nam sông Hương. Dũng cùng bọn nội hầu Tứ đem quân bản bộ đóng ở bờ bắc sông, mượn lệnh vua để chống lại với Diệu. Vua Quang Toản phải sai các trung sứ qua lại vỗ về hoà giải, Quang Diệu mới chịu đem tả hữu vào yết kiến Cảnh Thịnh và giảng hòa với Vũ Văn Dũng.

 

Về sau vua Quang Toản nghe lời dèm pha tước hết binh quyền của Trần Quang Diệu. Lê Trung (cha vợ của Đại đô đốc Lê Chất, một khai quốc đại thần của Vua Gia Long sau 

 

---------------------

10. Thật ra Đại tư mã Ngô Văn Sở đã thoát chết và vào Nam đầu quân với Nguyễn Phúc Ánh.

này) dính líu tới mưu cướp ngôi của Quang Thiệu. Lê Trung bị giết và sau đó Thái phó Nguyễn Văn Huấn cũng bị giết.

 

 

2.4 Triều chính lạc hậu:

 

- Chế độ quân chính bắt đầu lơi lỏng: Nhà sử học Tạ Chí Đại Cường đã có một sáng tạo tài tình khi gọi tên nền cai trị của vua Quang Trung là nền quân chính. Sức mạnh cốt tuỷ của chính quyền Quang Trung là lực lượng quân sự. Đứng đầu các trấn là các võ quan. Để có một lực lượng quân sự hùng mạnh lên đến hằng chục vạn hầu giành được những chiến công hiển hách chống ngoại xâm và đè bẹp các phe phái chống đối trong nước, vua Quang Trung đã thi hành một chế độ quân chính hà khắc. Theo ông, ‘Triều đại Tây Sơn do đó có bản chất quân phiệt và chỉ có thể tồn tại được bằng chế độ quân chính của họ thôi.’11

 

Cũng bàn về chế độ quân chính này, sử gia George Dutton, chủ nhiệm chương trình liên khoa Đông Nam Á ở UCLA, trong luận án tiến sĩ về Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và trong bài viết ‘Nghĩ lại về thời Tây Sơn’ được trình bày tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 2, tổ chức ở TP. HCM tháng Bảy 2004 đã tìm lại các nguồn sử liệu Việt Nam và nước ngoài để chứng minh rằng những nhà lãnh đạo Tây Sơn trên thực tế cũng chỉ nhằm thiết lập một nhà nước phong kiến và cũng không giải phóng gì giai cấp nông dân.

 

Theo ông, phong trào Tây Sơn tàn nhẫn không kém gì nhà Trịnh hay Nguyễn trong việc cưỡng bức nông dân phục vụ cho các chiến dịch quân sự và các công trình xây cất. Cuộc sống của nông dân Việt Nam ở những nơi ba anh em Tây Sơn làm chủ hay chiếm đóng còn cực khổ hơn dưới ách chúa Trịnh hay chúa Nguyễn vì quân Tây Sơn liên tục tiến hành chiến tranh. Quân Tây Sơn cũng nổi tiếng ưa đốt phá, cướp bóc và thường họ đến đâu chỉ một thời gian ngắn là dân chúng tìm cách trốn khỏi vùng họ kiểm soát, để tránh không bị cưỡng bức vào quân đội hay chế độ lao dịch. Đây là một trong những lý do khiến triều đại này sụp đổ nhanh chóng12. (Ngay cả Văn Miếu Hà Nội cũng bị đập phá, chùa đình ở làng biến thành chỗ đóng quân).

 

Lên ngôi, vua Quang Toản đã chấm dứt một số chính sách trọng yếu mà vua Quang Trung đã đề ra để phục vụ chế độ quân chính trên như bãi lệnh đeo tín bài, bắt dân lậu như đã nói trên.

 

Nhà nghiên cứu lịch sử Tạ chí Đại Trường trong bài “Vai trò của Nguyễn Huệ trong chế độ quân chính của Tây Sơn” đăng trong Tập san Sử Địa số Xuân Mậu Thân (1968) viết: “Đứa bé mới lên 9, đồ sự du hí, làm gì biết được sự cần thiết của những biện pháp khắt khe. Cho nên bãi lệnh đeo tín bài, bỏ lệnh bắt dân lậu, việc làm tuy tiếng là nhân ái nhưng kỳ thực Tây Sơn đã lùi một bước dài quan trọng”.

 

Đây là một nhận định rất chí lí. Đất nước đang chia ba, ngôi báu chưa vững vàng, thù trong giặc ngoài  còn liên  miên, mầm mống phản loạn chưa bị diệt sạch thì không lí gì vua Quang Toản lại lơi lỏng việc quản lý nhân lực khiến suy yếu lực lượng quốc phòng như thế. Điều này cho ta thấy tầm nhìn chiến lược của triều đình Quang Toản còn non nớt. Vì sao? Lí do đã rõ như đã nêu trên: vua còn nhỏ, tôi gian lộng quyền và không tin dùng hiền thần.

 

---------------------------------------------------------------------------

11. Tạ Chí Đại Cường, Vai trò của Nguyễn Huệ trong chế độ quân chính của Tây Sơn, Tập san Sử Địa số chuyên khảo về Quang Trung, Xuân Mậu Thân.

 

12.GS. George Dutton, ‘Rethinking the Tây Sơn Era’ (Nghĩ lại về thời Tây Sơn). Dẫn tại: BBC Việt ngữ, 31/12/2004.

 

 

- Không tin dùng hiền thần: Các trung  thần không còn được trọng dụng. Nguyễn Thiếp, Trần Văn Kỷ, Ngô Văn Sở,... đều muốn ẩn thân, đào xuất hay qui an. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, vị đại quân sư của vua Quang Trung, người từng hoạch định các chính sách và chiến lược quân sự, văn hoá, xã hội.... cho triều Tây Sơn, đã trả lại lộc dưỡng lão mà vua Quang Trung đã ban cho trước đó. Câu nói ‘Đại sự hưu hỉ’ của ông cho thấy ông đã quá bi quan trước một triều đình đang mục ruỗng như thế này. Trung Thư Lệnh Trần Văn Kỷ, người đã bày mưu thiết kế rất nhiều cho vua Quang Trung, bị đi dày ở trạm Hoàng Giang. Vì một câu nói của danh sĩ này, Đô đốc Dũng gây nội biến, đã giết trọn nhà Bùi Đắc Tuyên và Đại Tư mã Ngô Văn Sở. Cũng vì vụ nội biến này mà Trần Quang Diệu  đem quân về Thuận Hoá và dây mơ rễ má tới vụ mưu cướp ngôi của Quang Thiệu13. Lê Trung bị giết, rồi Thái phó Nguyễn Văn Huấn cũng bị giết. Đại đô đốc Lê Chất lại về đầu Nguyễn Vương khiến lực lượng tướng tài của Bắc Bình Vương ngày xưa thành kẻ địch của triều Quang Toản.

Như vậy, triều Quang Toản phải chăng chỉ còn một số võ quan, loạn đâu đánh đấy như thiên lôi và không còn một văn quan mưu sĩ nào chỉ đạo đường lối trị quốc an dân.  Triều đình không minh quân, không lương tướng thì chuyện sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian.

 

Trong rất hiếm bài nghiên cứu về tình hình văn hoá xã hội dưới triều Tây Sơn đáng chú ý là hai bài viết của GS Lê Văn Hảo, được đăng lại trong tuyển tập ‘Tây Sơn Thuận Hoá, những dấu ấn lịch sử’: Sự phát triển rực rỡ của văn hoá Phú Xuân thời Tây SơnSự nghiệp dựng nước của Quang Trung ở kinh đô Phú Xuân.

 

Trong 02 bài viết này, GS Hảo đã đưa ra khái niệm thời Tây Sơn là khoảng thời gian 30 năm từ 1771 đến 1801 và ông dẫn trưng một số thành tựu trong thời gian đó về giáo dục, học thuật, mỹ nghệ, văn học, kinh tế…

 

Có lẽ ta nên cắt bớt khoảng 15 năm từ 1771 đến 1786 ra khỏi thời Tây Sơn thì dễ thuyết phục các nhà viết sử hơn. Trong 15 năm đó, anh em nhà Tây sơn đang bận bịu bôn Nam tẩu Bắc để thu phục sơn hà. Đánh nhau và chiếm thành đoạt luỹ là hoạt động chủ yếu chứ việc gây dựng đất nước, hay gặt hái được các thành tựu văn hoá là điều không thể có được. Với 15 năm còn lại thì rõ ràng mọi thành tựu rực rỡ lại rơi vào thời vua Quang Trung (05 năm đầu) với các danh sĩ như Nguyễn Thiếp, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Trần Văn Kỷ,…những người đề ra các sách lược giáo dục, xã hội, kinh tế cũng như có những trước tác lưu truyền hậu thế.

 

Dù vậy, GS Hảo cũng đã ôm đồm đưa vào những thành tựu văn học về sau (như Hoàng Lê Nhất thống chí; tác phẩm này đã viết rất rõ về việc vua Quang Toản bị bắt, suy ra ít nhất cũng hoàn thành sau 1802 dăm ba năm) và cả từ trước (Vè chú Lía thời chúa Nguyễn) hoặc kéo dài qua nhiều triều đại (các trước tác của Phan Huy Ích, Phan Huy Thực,… các ông này còn phục vụ cả ở  thời Gia Long) vào thời kỳ này. Bên cạnh đó thì nền văn học chữ Nôm phát triển là thành tựu nhiều đời của nhân dân ta, không thể xem là tác phẩm độc sáng do việc coi trọng chữ Nôm của vua Quang Trung. Rất nhiều tác phẩm chữ Nôm do các văn

 

----------------------------------------------------------

13. Theo Bách khoa tự diển Wikipedia, mục Vua Quang Toản. Còn theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí thì Quang Thiệu này lại là con trưởng của Nguyễn Nhạc (tức là Nguyễn Quang Bảo). Nhưng theo Trần Trọng Kim thì Quang Thiệu (con của vua Quang Trung) còn sống đến năm 1802 khi quân của Nguyễn Vương tiến quân ra Thăng Long.

thần của Nguyễn vương Ánh sáng tác.

 

Ta tạm thời tách phần thuộc thời Quang Trung để xác định các thành tựu nào đó có được dưới triều Quang Toản.

 

3.1.Các thành tựu văn hoá xã hội: Với một nền triều chính như nói trên, dột trên nóc dột xuống mọt từ trong ruột mọt ra, các thành tựu dưới triều Quang Toản chỉ là sự duy trì một hình thái xã hội chờ ngày đổi chủ.

 

- Về mặt chính trị: Dấu ấn của một triều đại phong kiến mới không được củng cố, nếu không nói là đã bị suy suyển và hư hao bởi triều đình phe cánh, nội bộ lục đục, công thần cát cứ, huynh đệ tương tàn, triều chính rối loạn. Vì thế, mười năm trị vì của vua Quang Toản ngày càng đánh mất cái chính nghĩa nhận mệnh trời thế thiên hành đạo, cứu dân giúp nước của vua Quang Trung khi tuyên cáo tế trời xưng đế. Dân chúng đâu còn niềm tin vào một chế độ mới, chính sách mới. Mãi  đến khi  nhà Nguyễn lên thay thì lòng hoài Lê vẫn còn ẩn khuất

trong tâm lý người dân Bắc Hà. Do đó việc nhân dân ủng hộ triều đại phong kiến mới không sâu sắc, kể cả trong lòng một số tướng lĩnh và quân sĩ Tây Sơn như ta đã thấy trên.

 

- Về mặt giáo dục: Với câu nói ‘Chủ cũ trở về’, nhà lãnh đạo giáo dục Nguyễn Thiếp đã trả lộc dưỡng lão và quy ẩn. Việc giáo dục và tuyển chọn nhân tài dừng lại ở mức độ tư nhân và tự phát như bao đời. Không thấy kỳ thi hay viện Thái học nào được nói đến trong sách sử dưới thời Quang Toản. Chữ Nôm thật sự chỉ là một loại chữ Hán được phức tạp thêm, muốn viết được thì trước tiên phải rành chữ Hán. Các sách chữ Nôm của Sùng Chính viện chưa được in ấn. Việc học dựa vào sách Tiểu học, Tứ thư, Ngũ kinh âu cũng là dựa vào tiếng Hán. Trong một bản văn thêu kinh Kim Cương hoàn thành vào năm Cảnh Thịnh thứ 7 còn sót lại đến nay, cả hai bài tựa đều được viết bằng chữ Hán. Gia phả của các thế gia vọng tộc thời này cũng ghi bằng chữ Hán.

 

- Về mặt học thuật: Danh sĩ của thời này khoảng vài mươi người thì cũng là thành tựu của nhiều triều đại góp lại nên không thể qui kết là thành tựu của một thời kì ngắn ngủi này. Vả lại, một số tác phẩm như Chiếu lên ngôi, Chiếu lập học, Chiếu cầu hiền… là những văn bản chính trị phục vụ nhu cầu nhất thời chưa có giá trị cao về nghệ thuật lại thuộc về thời Quang Trung. Mười năm sóng gió của triều Quang Toản là một khoảng trống của nền học thuật nước ta. Các tác phẩm văn học chữ Nôm thời này xuất hiện ở cả phe Nguyễn Vương là một quá trình hoạt động độc lập của dân tộc ta vốn có truyền thống văn hiến lâu dài. Xét cho thật kỹ thì triều Quang Toản khó có được một đóng góp nào cho học thuật nước ta.

 

- Về mặt kinh tế xã hội: Với bối cảnh như đã mô tả trên trong phần 1 cộng với triều chính như phần 2 nói trên, lại thêm từ miền Nam Nguyễn Vương đã chiếm được Gia Định từ 1790 liên tục đánh vào Quy Nhơn, xã hội thời Quang Toản quả rất bi đát: Dân không an cư, binh cách mọi miền, quan lại bất hoà, triều chính rối loạn, nhân lực thiếu hụt. Khó cho ta có thể nói rằng kinh tế phát triển được trên một bối cảnh toàn cục như vậy. Nước nghèo vì chiến chinh, dân khổ vì binh biến. Có một số tư liệu của các nhà buôn và truyền giáo nước ngoài nói đến sự cai trị ôn hoà và công bằng  dưới thời này14. Thật sự ra thì sự ôn hoà và công bằng

đó phải được hiểu rằng triều Quang Toản không còn quản lí được ngoại thương, mặc cho các thương nhân, truyền giáo nước ngoài thao túng.

 

 

---------------------------------------------------------

14. Tây Sơn Thuận Hoá, Những dấu ấn lịch sử, Bảo tàng Tổng hợp Bình Trị Thiên, 1996, trang 143.

 

 

3.2 Lực lượng phục quốc do Nguyễn Phúc Ánh lãnh đạo.

 

Công cuộc Nam tiến của các Chúa Nguyễn với sự mở rộng đến Mõ Xoài, Đồng Nai (1658), Gia Định (1698), Hà Tiên (1714), Mỹ Tho, Long Hồ (1731), Long Xuyên, Cà Mau, Kiên Giang, Trấn Giang, Trấn Di  (1739), Tầm Bôn, Lôi Lạp (1756), Trà Vang, Ba Thắc và cuối cùng là Tầm Phong Long (1757) đã mở rộng cương giới của đất nước ta đến một qui mô mới. Kể từ lúc chúa Sãi (1630) theo lời quân sư Đào Duy Từ không nhận sắc phong của nhà Lê đến năm 1744 khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương tổ chức thành một vương quốc với 12 dinh, 01 trấn kéo dài từ Quảng Bình đến Hà Tiên thì Đàng Trong xem như một giang sơn riêng của các Chúa Nguyễn. Ý thức về tính chính thống của một vương triều đã nung nấu trong tâm trí Nguyễn Phúc Ánh và những người trung thành với các Chúa Nguyễn một mưu đồ phục quốc bền bỉ và mãnh liệt15. Chính vì thế mà qua bao nhiêu lần bị quân Tây Sơn đánh bại thất điên bát đảo, tơi tả không còn một manh giáp thì Nguyễn Vương và các người tòng vong vẫn nhẫn nại bám đuổi cho đến lúc hoàn thành mục tiêu cuối cùng: chiếm Phú Xuân, Hà Nội và kết thúc cuộc nội chiến vào năm 1802.

 

Năm 1788 Nguyễn Vương (Nguyễn Phúc Ánh) chiếm Gia Định thành từ tay Nguyễn Lữ. Kể từ đấy Nguyễn Vương ba lần đem quân đánh thành Quy Nhơn. Năm 1799 Nguyễn Vương hạ thành Quy Nhơn và đổi tên thành Bình Định. Lực lượng của Nguyễn Vương với nhiều hàng tướng Tây Sơn như Nguyễn Văn Trương, Lê Chất, Ngô Văn Sở… cùng các danh tướng của ông như Tôn Thất Hội, Lê Văn Duyệt, Châu Văn Tiếp, Nguyễn Văn Thành,… đã liên tục khuấy đảo triều đình Quang Toản. Cuộc chiến giữa hai lực lượng ngày càng ác liệt và tràn lan, gây suy yếu thêm cho nền triều chính của Quang Toản  đã quá nhiều bất ổn.

 

Năm 1802 tháng 7, vua Quang Toản bị bắt tại Thăng Long, chấm dứt 14 năm trị vì của nhà Tây Sơn như trong câu vè:

 

Đầu cha lộn xuống chân con

Mười bốn năm tròn hết số thì thôi 16.

               

 

            Bài học về ấu chúa, lộng thần (Chúa Định Vương 11 tuổi, Thái phó Trương Phúc Loan) đã chấm dứt thời các Chúa Nguyễn được lặp lại quá sớm. Triều Quang Toản đã đi vào vết xe đổ chưa đầy 20 năm trước. Bi kịch này quá thường xuyên xảy ra trong các triều đại phong kiến Trung Quốc và Việt Nam. Thật là không may nó lại tái diễn khi Hoàng Đế Quang Trung băng hà sớm và để dở dang bao giấc mộng vĩ đại. Nội biến là hậu quả đương nhiên trong một hoàn cảnh đó như vốn bản chất của chế độ phong kiến. Xã hội mất ổn định, dân sinh cơ khổ, loạn lạc nổi lên. Cuộc tranh bá đồ vương lại xảy ra tiếp theo: Ai mạnh thì làm vua. Kẻ mạnh ấy là kẻ sẽ được gọi là ‘nhận mệnh trời để cai trị trăm dân’ thay cho một triều đại đã hết khí số. Tư tưởng Nho giáo là cái xương sống của các chế độ phong kiến Trung Quốc và Việt Nam thì chính cái tư tưởng này lí giải và thúc đẩy sự vận hành của dòng lịch sử.

 

            Vua Quang Toản với 10 năm ngồi trên ngai vàng đã phá tan hoang bao thành tựu mà

 

--------------------------------------------------------------

15. Điều này bộc lộ rõ khi vua Gia Long trả thù phe Tây Sơn. Ông đã nói, “Ta đã vì 9 đời chúa mà trả thù này.”

16. Chữ Quang (光) trong niên hiệu Quang Trung có chữ tiểu (小) ở trên, trong khi chữ Cảnh (景) trong niên hiệu Cảnh Thịnh có chữ tiểu nằm dưới.

 

 

vua cha của ông đã nhọc lòng xây dựng. Một triều đại phong kiến trong bối cảnh như thế  phải kết thúc như một tất yếu lịch sử. Ngược lại, nếu tồn tại, nó sẽ là một bế tắc cho dòng chảy của lịch sử. Sự hưng vong của các triều đại phong kiến đều đi theo qui luật này.

 

Nhận định về thời kỳ này, GS Phan Huy Lê đã viết: “Trong ba chính quyền Tây Sơn chỉ có chính quyền Nguyễn Huệ ở Phú Xuân tồn tại vững vàng, nhưng sau khi vua Quang Trung Nguyễn Huệ mất năm 1792, vương triều Nguyễn Quang Toản suy yếu rất nhanh. Cuộc chiến tranh Nguyễn Ánh - Tây Sơn đã thay đổi tính chất chuyển hoá thành cuộc đấu tranh giữa hai thế lực phong kiến mà thất bại của Nguyễn Lữ, rồi Nguyễn Nhạc và Quang Toản là thất bại của những chính quyền phong kiến đã suy yếu và mất lòng dân17

 

Lịch sử không cho phép ta dùng chữ NẾU (Hoàng Đế Quang Trung sống thọ hơn) nhưng để ta không xiết bùi ngùi trước hoài bão chưa thành của người anh hùng Nguyễn Huệ: một Việt Nam tương lai hùng cường.

 

Nguyễn Phúc Vĩnh Ba

Tháng 12.2008

 

 

-------------------------------------

17. GS Phan Huy Lê, Kỷ yếu Hội Thảo Khoa học “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn...” tại Thanh Hoá ngày 18, 19/10/2008, trang 18.

 

 

 

Tư liệu tham khảo chính:

 

- Đại Nam thực lục, NXB Giáo Dục, 2001.

- Đại Nam liệt truyện, NXB Thuận Hoá, 1993.

- Lịch sử Việt Nam, Uỷ Ban KHXH Việt Nam, Hà Nội, 1971.

- Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, Paris, Minh Tân, 1952.

- Ngô gia Văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản điện tử của Việt Nam thư quán.

- Phan Huy Lê, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn...”, Thanh Hoá ngày 18, 19/10/2008.

- Quách Tấn & Quách Giao, Nhà Tây Sơn, Bản điện tử của Việt Nam thư quán.

- Tạ Chí Đại Trường (2007), Việt Nam thời Tây Sơn: Lịch sử nội chiến (1771 - 1802), NXB Công an nhân dân.

- Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB Đà Nẵng, 2003.

- Nhiều tác giả, Tập san Sử Địa số Xuân Mậu Thân (1968) đặc khảo về vua Quang Trung.

                                                                                                                    

- Nhiều tác giả, Tây Sơn Thuận Hoá - Những dấu ấn lịch sử, Bảo tàng Tổng hợp Bình Trị Thiên, 1996.

- Và một số các bài viết khác đã trích dẫn.

 

 

NIÊN BIỂU TRIỀU TÂY SƠN

 

 

 ________________________________________________________________________________________________________             

 

 

 

Google page creator /  host

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, WORDPRESS,  MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE