Trần Xuân An - truyện 3 - Nỗi đau Suối Hương (Đạ Hương)

NỖI ĐAU SUỐI HƯƠNG

Chương III (truyện ngắn 3)

Trần Xuân An

 

1

 

Mãi đến hơn hai tháng sau khi Đình về dạy học ở Suối Hương, anh mới biết có một người bạn cũ hiện đang vất vả và kiên nhẫn tập làm nông dân, sinh sống trên vùng đất khai hoang lập ấp này.

 Một buổi sáng, vào giờ ra chơi của lớp học, một nữ sinh có tên Linh Lang, ngọc thiêng, đi nhanh qua nhà tập thể Phân hiệu, xin tìm gặp thầy Đình. Ngày hôm đó, Đình gặp phiên trực nhật, phải lo việc nấu ăn, rửa chén và đun nước uống cho cả nhà, vì gần một tháng rồi, Phân hiệu đã tách hẳn ra khỏi bếp ăn tập thể Trường Phổ thông cơ sở Suối Hương. Đang lui hui nhóm bếp, Đình phải bước vội vào gian văn phòng. Đáp khẽ lời chào của Linh Lang, và Đình hỏi:

- Có việc gì không Linh Lang?

- Thưa thầy, có một anh tên Sanh, ở gần nhà em, nhờ em đưa đến thầy lá thư của anh ấy gửi.

Đình lướt nhanh mắt trên trang giấy học trò Linh Lang lễ phép đưa bằng hai tay. Lá thư đó chỉ là mấy dòng chữ:

“Phan Huyên Đình quý mến!

Nhờ các học sinh phổ thông trung học không ngớt ca ngợi thầy Đình dạy ngữ văn quá hay, nên mình mới biết bạn vào đây dạy học.

Mình là Bùi Phúc Sanh đây. Bạn có còn nhớ những lần chúng ta chuyện trò với nhau về văn chương, ở hành lang Đại học Văn khoa Huế và ở quán cà phê Góp Gió không? Mình rất nhớ Huế và bao nhiêu là kỉ niệm đáng quý như rứa!

Sau “đại hạn, bị sao Thái Bạch chiếu”, mình đã vào Suối Hương này cuốc đất, nuôi heo. Rứa mà cũng được gần hai năm rồi!

Nếu có buổi nào bạn rảnh và không trở ngại chi, mình sẽ ghé Phân hiệu PTTH. tại Suối Hương này thăm bạn?

Thân quý,

BPS.”.

Đình phải thốt lên tiếng kêu khẽ:

 - Trời đất ơi! – Rồi Đình nhìn Linh Lang, nói tiếp –. Cảm ơn Linh Lang nghe! Thật không ngờ Bùi Phúc Sanh lại vào đây lập nghiệp. Anh Bùi Phúc Sanh là bạn tôi, hồi anh ấy còn học năm thứ hai Đại học Văn khoa Huế, còn tôi từ Đại học Sư phạm qua Văn khoa học thêm phân khoa phụ.

- Dạ, anh Sanh mừng lắm, khi biết thầy dạy ở đây. – Linh Lang nói –.

- Em chờ tôi một phút nghe! Tôi nhờ em chuyển mấy chữ về cho anh Sanh.

Sợ hết giờ ra chơi, Đình vội viết ngay ở mặt sau trang thư:

“Chiều nào học sinh cũng nghỉ học, giáo viên cũng nghỉ dạy. Hãy đến chỗ mình chơi nghe!

Chờ.

PHĐ.” 

Linh Lang đón nhận bằng cả hai tay rồi xin phép về lại lớp học.

Nhìn Linh Lang bước ra sân, Đình mới sực nhớ cô gái học trò lớp mười này đã mười chín tuổi rồi. Nếu còn ở Huế, hẳn Linh Lang đã vào năm thứ nhất đại học!

Đình lại bước lui sau bếp, tiếp tục nhóm lửa. Khi đã bắc soong gạo vo rồi lên bếp, Đình định tiếp tục ra chỗ để nước để rửa nắm lá bụp giấm, mớ rau đọt khoai vừa hái ở mảnh đất sau nhà, Huế đã đứng trên thềm chái, hỏi Đình:

- Hoá ra ông có người quen ở xóm Linh Lang à? Mình cũng có một gia đình quen ở xóm Linh Lang. Hôm nào mình tới thăm cho biết.

- Thế thì hay quá! – Đình cười, trả lời Huế –.

Và Đình tiếp tục công việc trực nhật, thực ra cũng chỉ vỏn vẹn các việc của “anh nuôi”, lại là “anh nuôi” của bếp tập thể nhỏ, thường xuyên cơm rau, không thịt cá. Dẫu sao nấu cơm bằng gạo vẫn dễ hơn là nấu bo bo xay vụn! Đó cũng là nhờ Sương, phân hiệu trưởng, khéo vận động một doanh trại bộ đội gần đó, cho gặt mấy khoảnh lúa muộn, nên các giáo viên mới có gạo để ăn, thay bo bo xay vụn theo tiêu chuẩn lương thực. Gạo rẫy có tên là “ba xe”, dẻo và thơm ngát! Còn nấu canh thì lại dễ hơn nữa, vì chỉ chờ soong nước sôi lên sùng sục, cho vào hai muỗng ruốc tím Huế cùng vài quả ớt xanh đỏ bẻ ra, rồi thả vào nắm lá bụp giấm, là xong. Lá bụp giấm có vị chua rất đặc biệt, tuyệt vời. Rau khoai lang luộc, khi siêng thì luộc thêm, quá dễ! Rau lang chấm nước ruốc cũng ngon lắm!

Nhà sắp có khách, may là gặp lúc có gạo để nấu cơm đãi khách! – Đình vui vui, tự nhủ thầm –.

Vừa làm “lê anh nuôi” bếp nghèo, Đình vừa nghĩ về Sanh và nhớ lại những kỉ niệm thời sinh viên ở Huế. Không biết Sanh có còn hài hước được không trong hoàn cảnh bi đát đến vậy!

 

2

 

Buổi chiều đầu tiên gặp lại Sanh, Đình không nhận ra ngay được đó là người bạn cũ học trước anh một lớp ở Văn khoa, trước Ngày Thống nhất. Đình ngồi sau khung cửa sổ nhà tập thể Phân hiệu, nhìn ra ngõ, thấy một người tóc thưa, hoe cháy với nước da xanh tái, đôi mắt sâu của người bệnh, mặc quần áo cũ sờn, bạc màu, mang đôi dép nhựa lấm bụi, anh không thể ngờ đó chính là Sanh ngày nào. Chỉ khi Sanh vào đến nhà, mở miệng cười và cất tiếng chào, Đình mới tin chắc đó là Sanh. Đình reo lên mừng rỡ.

Sau mấy tiếng đồng hồ chuyện trò thân mật, Sanh mời anh em nhà tập thể Phân hiệu đến nhà Sanh chơi.

Dăm ngày sau, Đình và Huế mới có thể đến thăm nhà Sanh.

Xóm nhà Sanh ở cách Phân hiệu cũng khá xa. Con đường đất nhỏ đến nhà chạy qua mấy cánh đồng mùa khô trơ rạ, rộng bạt ngàn, những cánh đồng vẫn còn nhiều thân cây rừng to cao chết khô từ thời chiến tranh.

Nhà Sanh gần với bờ sông Đạ Dưng. Trước nhà có mấy khóm hoa thạch thảo tím. Chừng như loại hoa ấy thích hợp với chất đất ở đây. Cũng là nhà tranh vách phên tre, nhưng xem ra xơ xác, tiều tuỵ hơn những ngôi nhà khác trong xóm. Phía sau nhà là một mảnh vườn khá rộng, nhưng không phải trồng cây ăn trái mà để gieo lúa, và cũng đã thu hoạch xong, đang trơ gốc rạ. Hẳn đó là đất thổ cư, được biến thành ruộng lúa riêng. Ở một góc vườn, còn có thêm một chuồng heo. Với cái nhìn khi còn cách nhà Sanh mươi bước, Đình thấy như vậy.

Sanh với một cô gái còn trẻ, có lẽ là vợ của Sanh, đang đứng chờ để đón Đình và Huế cùng một học sinh nam dẫn đường, vào nhà.

Nghe Sanh giới thiệu, Đình biết được vợ Sanh tên là Cẩm Thạch. Sau khi giới thiệu một cách rất thân tình, lịch sự, Sanh còn đùa tếu:

- Nhà vợ chồng mình đúng là một túp lều tranh hai trái tim chì.

- Cả hai vợ chồng cộng lại thành Thạch Sanh, ở bộng cây rồi ở lầu son gác tía mấy hồi! – Đình cũng đùa cho vui –.

- Nhưng Thạch Sanh này đã chẳng diệt được chằng tinh, đại bàng, chẳng cứu được công chúa, cũng chẳng diệt được tên Trung Quốc xâm lược nào, mà lại bị sên vắt, muỗi sốt rét tấn công đến liệt giường liệt chiếu, còn bị Trung Quốc gieo rắc nghi kị, làm cho khó sống hơn, may nhờ tôn nữ thanh niên xung kích này cứu sống. – Nói một thôi dài với giọng tự trào, biếm lộng, Sanh cười, một nụ cười nhăn nhúm, trên gương mặt còn di chứng sốt rét –.

- Không ngờ chị Cẩm Thạch là tôn nữ! Chuyện cũng li kì chứ không phải thường đâu! –. Đình cũng cười, nói thêm –.

Thật ra, đã nhà tranh vách phên tre, trong nhà cũng không có gì ngoài kệ tre có lư nhang, bộ bàn ghế tre, chiếc giường tre. Chỉ khác một điều là nhà dù thế vẫn có cửa phên, chứ dãy nhà tranh ở Bộ phận Giáo dục, Uỷ ban xã đều không nhà nào có cửa cả. Hẳn ở đây gần sông, gió sông lạnh về khuya, và cũng không an ninh bằng.

Lát sau, cậu học trò xin phép về nhà, chỉ còn lại bốn người. Không lâu sau đó, Cẩm Thạch cũng đi ra sau bếp để lo bữa trưa.

Sanh vấn thuốc rê hút liên tục. Trong câu chuyện, Sanh hỏi Huế:

- Anh Huế tốt nghiệp năm nào?

- Năm 1977, nhưng mới được bổ nhiệm năm nay. Mình cũng phải trải qua hai năm thanh niên xung kích ở Nam Đông, thuộc tỉnh Thừa Thiên mình ngoài đó. – Huế đáp –.

Sanh nhả khói thuốc, trầm giọng, buồn buồn:

- Mình lại thê thảm hơn nhiều. Không những không học tiếp được mà còn phải ở trại cải tạo Bình Điền gần một năm rưỡi...

- Mình cũng đã nghe nói, là vì anh Sanh muốn du học... bằng cách vượt biên. Trên thuyền lại toàn những người trốn học tập cải tạo, nên mới bị đi Bình Điền. Có phải không Sanh? – Huế chỉ gọi tên thôi, như với bạn, cho thân tình –.

Sanh gật đầu.

Sanh đối với Đình vốn là bạn cũ, nên Đình cũng đã kể ít nhiều cho Huế nghe, hôm Sanh đến nhà Phân hiệu thăm. Có những chi tiết đời riêng của Sanh, Đình thật lòng cũng không muốn ai biết, chẳng hạn như Sanh có ông thân sinh vốn là cán bộ cách mạng hoạt động nội thành, nhưng bản thân Sanh lại không hợp với cha, nên hai cha con cứ tránh mặt nhau, sau Ngày Thống nhất, tuy ở chung trong một nhà.

Cuộc chuyện trò ngưng lại vì Cẩm Thạch đã dọn cơm lên. Đó là bữa ăn có cơm trắng, có canh chua bụp giấm cá tươi, tuy chỉ gọn gàng trong hai cái soong đen nhẻm muội khói củi bếp, với một chén nước mắm ớt. Đặc biệt, Sanh còn mua sẵn một xị rượu đế.

Bữa cơm tưởng vui, nhưng rồi chính vì men rượu khiến cho nỗi trầm uất chất chứa đau khổ, đắng cay, trong tâm hồn Sanh, tràn ra, đến mức một người như Sanh cũng phải trào nước mắt khi tâm sự.

- Bị công an bắt khi vượt biên, nên bị buộc thôi học, lại phải đi trại cải tạo. Được phóng thích về, không khí trong nhà căng thẳng quá, lại thất nghiệp, nên mình phải đăng kí đi KTM.. Vào đây, bị sốt rét đến gần chết. May mà gặp Cẩm Thạch trong bệnh xá. Cẩm Thạch là thanh niên xung kích, cũng “côi cút” như mình, cũng bị sốt rét như mình, nhưng nhẹ hơn, chăm sóc giúp, không thì chết lâu rồi. Sau đó, mình với Cẩm Thạch, “côi cút” như nhau, nên thành vợ thành chồng, tập làm nương làm rẫy... Bọn mình hình như đều bị vô sinh do thuốc trị sốt rét hay sao mà đến nay... may mắn là chưa có đứa con nào! –. Sanh cười khậc lên –. Nhưng cái đau nhất của đời mình là không thể đổi đời thay phận được!

- Sanh hình như đã có một thời gian đi dạy học tại Suối Hương này mà!

- Cũng có. Nhưng sau đó, bị cắt hợp đồng, khi trường học đã “ổn định tổ chức”.

- Vậy ông thân sinh của Sanh không giúp đỡ, bảo lãnh gì sao? – Đình đành hỏi thật –.

Sanh lắc đầu, xua tay:

- Thôi đừng nói nữa! Bi kịch của mình là bởi tính chất quyết liệt của quan điểm, lập trường, nhưng không phải xuất phát từ mình.

Không khí bỗng trở nên ngột ngạt, nên Đình và Huế ngỏ lời tạm biệt với vợ chồng Sanh - Cẩm Thạch.

Huế bảo Đình ghé thăm một người quen của Huế. Nhưng muốn tìm được nhà người đó, trước hết phải tìm ra nhà Linh Lang. Đi một đoạn dài, hầu như thấy nhà nào cũng như nhà nào, đều là tranh tre và đều trồng lúa là chính, ngoài các thứ rau trái làm thức ăn tự cung tự cấp hằng ngày. Dĩ nhiên nhà cửa tuy tranh tre nhưng cũng khang trang hơn nhà của Sanh - Cẩm Thạch nhiều.

Sau một hồi, họ cũng hỏi được nhà Linh Lang, và cô học trò lớp mười này cũng chỉ ra nhà người quen của thầy giáo Huế.

Không ngờ đó lại là một ngôi nhà bi đát khác. Trong nhà, người đàn ông khoảng sáu mươi tuổi đang nằm rên hừ hừ vì lên cơn sốt rét, còn người đàn bà, vợ của ông, cũng già nua, gầy sắt lại, ngồi bó gối bên ông.

Huế và Đình chỉ vào thăm một chốc, nghe thấy tiếng rên của ông già trên giường đến mức xốn xang không thể chịu đựng nổi, nên có nói với bà già là họ sẽ giúp bà gánh ông ra trạm xá y tế, nhưng bà lại bảo không sao đâu, lâu nay vẫn vậy, chỉ rên như thế một hồi rồi tỉnh táo lại như thường, sau đó chỉ cần ăn giun đất xào nghệ và uống nước sả cùng các thứ lá rừng là khỏi! Không biết nói sao nữa, hai thầy giáo đành phải cáo từ.

Trên đường về lại Phân hiệu, họ mới được một người đàn ông trung niên, tình cờ gặp trên đường đi, kể thêm về gia đình ông bà vốn làm nghề xích lô đạp, bán chè gánh ở Huế đó: Họ có hai người con trai đều là thanh niên, trai tráng, nên cứ ngỡ đăng kí đi KTM. là có đất ruộng cho con trai. Nhưng vào đây, giai đoạn đầu khổ cực quá, lại bị bệnh sốt rét đe doạ đến tính mệnh cụ già nữa, nên hai người con trai lại dẫn cha mẹ bỏ trốn. Nói theo tiếng lóng ở Suối Hương là “vạch”, theo nghĩa vạch rừng mà thoát. Nhưng cả hai ông bà già đã bị bắt lại, bị dẫn độ từ Phương Lâm gì đó, vào lại Suối Hương này. Hai người con trai lánh được, nhưng sợ quá, cũng trốn biệt tăm biệt tích luôn, để tránh khỏi vào trại cải tạo!

Đình và Huế, trong câu chuyện dọc đường về, họ nhận ra, không phải ai vào vùng KTM. này cũng đều tốt đẹp hơn như một số ít cô gái giang hồ, một số ít Tú Bà, Mã Giám Sinh ở các vạn đò, hay một số ít khác là những tay anh chị khét tiếng đã được phóng thích, mà thậm chí còn bị lâm vào cảnh bế tắc hơn, tình huống tồi tệ hơn. Như gia đình Sanh đó! Như gia đình ông đạp xích lô, bà bán chè gánh đó!

Những dẫu sao đi nữa, những cánh đồng bát ngát, bạt ngàn, tuy đã vào mùa khô, trơ gốc rạ, đang trải rộng trước mắt, chung quanh hai thầy giáo trẻ, cùng những ngôi nhà tranh khang trang, cũng khiến họ cảm thấy Suối Hương không phải là vùng đất không thể no ấm. Và bên cạnh Suối Hương, còn có dòng sông Đạ Dưng, thượng nguồn sông Đồng Nai, đầy tôm cá. Nhưng hứa hẹn Suối Hương trở thành thị trấn tương lai, thành phố tương lai ư? Quá viển vông, xa vời!

- Hai thầy giáo có lẽ đã biết Trường Phổ thông cơ sở Suối Hương trước đây còn mang tên Võ Thế Yên không? Cậu Võ Thế Yên nớ bị tai nạn lao động trên cánh đồng ni, do cây ngã, đè chết.

- Nhưng vì sao, đến chừ, lại không còn đặt tên trường bằng tên của anh ấy nữa?

- Lúc đầu, trường chỉ là trường do Ban Chỉ đạo vùng KTM. Suối Hương thành lập, nên đặt tên Võ Thế Yên thành tên trường là để động viên Lực lượng Thanh niên xung kích. Thực sự là chỉ với mục đích như rứa thôi. Về sau, trường đã thành trường phổ thông cơ sở chính quy rồi, thì người ta cũng bỏ luôn cái tên Võ Thế Yên! – Người đàn ông trung niên cười to, giọng cười vừa đau xót, vừa mỉa mai –.

Đình và Huế im lặng bước. Hẳn họ thầm nghĩ trong lòng, tiếng cười của người đàn ông trung niên này không phải không đúng. Võ Thế Yên hi sinh, nhưng chỉ hi sinh do tai nạn lao động, nên việc đặt tên anh thành tên trường học cũng chỉ là sự thổi phồng nhất thời, vì mục đích nhất thời. Rồi mọi cái nhất thời đều được đánh giá lại là đương nhiên. Nhưng nghe sao phũ phàng, chua xót, mỉa mai quá đỗi! Đó cũng là một nỗi đau khó nói! Các cụm từ hoa mĩ “thị trấn tương lai”, “thành phố tương lai”, và cả cái danh tính “Võ Thế Yên” nữa, xét cho cùng, cũng để động viên phong trào, có tính nhất thời!

 

 

3

 

 Sự thật là có những cuộc “vạch” – bỏ trốn – khỏi vùng “kinh tế mới” khai hoang lập ấp này. Lần đi thăm nhà người quen của Huế ở xóm Sanh và Linh Lang khiến Đình nhớ lại những bến xe, nhất là các bến xe liên tỉnh mà anh có dịp đi qua, nghỉ qua đêm để chờ mua vé đi tiếp. Trên những bến xe nhớp nhúa, hôi hám, đầy đặc kẻ ngồi, người nằm vạ vật, trẻ con kêu khóc cẳn nhẳn ấy, Đình biết có không ít người đi lẻ hoặc hộ gia đình là dân KTM., do nhìn thấy dáng vẻ tiều tuỵ, lấm bẩn, xơ rơ xác rác cùng hành lí nồi niêu soong chảo lem luốc, cũ mèm đến xót xa của họ, do tình cờ nghe họ chuyện trò với nhau và cũng bởi Đình có nhiều lần hỏi chuyện họ với ý thức thường xuyên quan sát, ghi nhận những gì diễn ra quanh mình để tích luỹ vốn sống.

Từ sau Ngày Thống nhất không lâu cho đến năm 1979 ấy, phong trào KTM. khai hoang lập ấp diễn ra khắp cả Miền Nam. Biết bao người bức bí về miếng ăn trong thời buổi cực kì túng quẫn về lương thực đã phải đăng kí lên đường đi KTM.. Đi, lại vì chỗ ở vốn là các chung cư, cư xá, trại gia binh, trại tạm cư thuộc công hữu của chế độ cũ bị giải thể, bị trưng dụng... Và đi KTM., còn do những nguyên nhân chính trị - xã hội thời hậu chiến khác (đi, là điều kiện để được phóng thích sớm hơn; đi, vì bị buộc phải đi do trót sa vào các tệ nạn từ thời chiến tranh hay mới phát sinh sau này...) – hậu chiến, thời khó khăn trăm bề, lại bị Mỹ cấm vận và bị Khmer Đỏ tấn công ở phía Tây Nam, bị Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc. Đi KTM., sự thật là bất đắc dĩ, phần lớn là do “đói, đầu gối phải bò”, chứ có ai lại phấn khởi trong việc rời bỏ quê hương bản quán hay phố phường thành thị đâu!

Trừ một số người vốn xuất thân từ nông thôn và quen với việc cày bừa, chăn nuôi, còn dân thành thị lâu đời hay đã thị dân hoá, việc đi vào những vùng đất khai hoang như Suối Hương để lập nghiệp là cả một trời khó khăn, gian khổ, thậm chí không thể chịu đựng nổi, nhất là khi đã giáp mặt với sốt rét, sên vắt, nhà cửa tranh tre phong phanh, các tiêu chuẩn trợ cấp có hạn, và thực tế họ không thấy gì ở tương lai ngoài sự tối đen bế tắc. Vì thế, “vạch” – vạch rừng tìm đường trốn thoát – là một phần sự thật ở Suối Hương, khá xám xịt,  bên cạnh những sự thật khác, tươi sáng hơn.

Có người liều mạng quay về nơi chốn cũ, mặc dù hộ khẩu đã bị cắt xoá, nhà cửa đã thay chủ. Có người nhờ có quan hệ bà con, bạn bè với ai đó ở nơi nào đó, thì ghé vào tá túc. Phần lớn là tìm đến vùng KTM. khác, thuộc tỉnh khác, dễ thở, dễ sống hơn.

Nhưng việc kiểm tra hộ khẩu nghiêm ngặt, đến nỗi nhiều người cam đành chịu chết chứ không đi bệnh viện, nên không ít người, không ít hộ gia đình phải tự quay lại hoặc bị dẫn độ về Suối Hương.

Tuy nhiên, cũng là sự thật hiển nhiên, một thứ sự thật phơi bày trước mắt mọi người, đó là những cánh đồng bát ngát, bạt ngàn, những lô vườn thổ cư rộng rinh, đều đặn nối liền, những ngôi nhà tranh phên tre khang trang... Suối Hương là vùng đất hứa hẹn cho những cuộc đời nông dân yên bình, chân chất, tuy trước mắt vẫn còn gian khổ, bị đe doạ bởi sốt rét...

Lần đi thăm gia đình Sanh và vợ chồng già quen biết của Huế, dẫu sao, cũng khiến Đình thấm thía nỗi đau sâu thẳm nhất của con người, đó là không còn có cơ may nào để có thể đổi đời thay phận ở người tuổi trẻ, đó là chấp nhận chờ chết ở người già, và còn khiến Đình thấm thía nỗi đau, đối với những người còn sống, về sự nâng lên, hạ xuống danh tính người thanh niên xung kích đã chết.

 

4

 

Một chiều nọ, Sanh lại đến thăm nhà tập thể Phân hiệu. Tuy vẫn còn mái tóc khô kiệt như cỏ úa, vẫn hai hốc mắt sâu trên gương mặt gầy hóp, xanh tái, chưa loại trừ được di chứng bệnh sốt rét, chưa hồi phục sức khoẻ hoàn toàn, nhưng Sanh cũng không thể đánh mất thói quen của người có học vấn là quan tâm đến những diễn biến thời sự trên đất nước và trên thế giới.

Ngồi ở phòng khách, Sanh vấn thuốc rê, nhìn Đình và Huế:

- Dạo này, nghe thiên hạ trong xóm kháo nhau về hai chữ “bung ra” trên đài phát thanh, xem ra họ cũng khoái lắm.

- Đúng là đã có Nghị quyết đề cập đến phương hướng “bung ra” trong kinh tế: Thay vì “bao cấp”, “duy ý chí”, “nóng vội” thì tháo mở dần cho các thành phần kinh tế. Kinh tế quốc doanh, tập thể cũng được tự chủ, tự hạch toán kinh doanh, theo phương thức khoán sản phẩm đến người lao động, nhóm lao động... Đồng thời cũng chấp nhận phần nào về kinh tế thị trường, thôi ngăn sông cấm chợ... Đại để theo văn bản sơ khởi và nội dung các vị đang họp bàn là vậy.

- Như vậy là lùi nhanh, lùi mạnh, lùi vững chắc, chứ không tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc nữa? – Sanh cười hăng hắc –.

- Có lẽ vậy, nhưng lùi hay tiến gì thì cũng phải vững chắc.

- “Cha chung không ai khóc”, đó là bi kịch của các hợp tác xã. May là Suối Hương chưa bị “nóng vội”, nên chỉ mới tổ chức tổ vần công, đổi công thôi.

- Sanh này, hình như lúa trồng trên vườn đất thổ cư tốt hơn, năng suất cao hơn là lúa trên những cánh đồng tập thể, phải không?

- Chắc chắn rồi. – Sanh lại cười –.

Cười xong, Sanh lại đăm chiêu, nghĩ ngợi. Nhả khói thuốc rê, nhấp một ngụm nước, Đình nói:

- Sanh có dự định mở rộng sản xuất gì đó không?

Sanh gượng cười:

- Chỉ mong làm sao cho đủ ăn ngày hai bữa mà cũng quá mệt rồi. Mình đã trót là học sinh, sinh viên sống ở thành phố, bây giờ cầm cái cuốc, cái liềm, thật chán nản không thể tưởng tượng được. Thật là vậy đó.

- Không khéo rồi vợ chồng Sanh cũng “vạch” khỏi vùng Suối Hương này?

- Bọn mình cũng đã “vạch” rồi, nhưng thất bại. – Sanh lại cười –. Riết rồi cũng chỉ hình thành một ước mơ nhỏ nhoi là đủ ăn ngày hai bữa, sống như cư sĩ tại gia. Thế thôi.

- Tiên cảnh tại tâm?

Sanh bật cười thành tiếng, vừa chua chát, vừa cam phận.

Bỗng dưng, tiếng của anh Hỉ, trưởng Ban Công an xã ngoài đường: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa tự trị Suối Hương!”.

Hoan và Thừa ở hai gian nhà hai bên, cùng với ba người bạn tại bộ bàn ghế gỗ ở phòng khách đều cười khúc khích.

- Ông Hỉ công an này sao lại buồn cười đến vậy ta?

- Mô hình đó là như thế nào?

- Chắc là chỉ những người ở Suối Hương này, từ cựu thanh niên xung kích đến dân KTM. chính cống ngoài Huế vào, cùng nhau tự cai quản, cụ thể là tự tổ chức lấy các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội như một nước độc lập vậy, nhưng không cát cứ mà thống thuộc vào tổng thể Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng Sanh à, đó là anh Hỉ công an đùa thôi. Làm gì có chuyện đó! Thậm chí, mình ngỡ anh Hỉ cường điệu, phóng đại để châm biếm anh Cửu, hay thử lòng nhà tập thể này cũng nên!

Sanh như bị điện giật, đứng dậy, nói lời tạm biệt. Anh bắt tay Đình và Huế, chào Hoan cùng Thừa, rồi bước ra khỏi cửa.

Đình chỉ biết nhìn theo dáng đi tuy cố ý giữ vẻ bình thường, nhưng có gì đó hơi mất tự nhiên của Sanh.

 

5

 

Khoảng hơn nửa tháng sau, Huế được Linh Lang báo tin là ông cụ bị bệnh sốt rét, vốn làm nghề đạp xích lô, là người quen của Huế, đã trút hơi thở cuối cùng.

Khi Huế và Đình sắp xếp được việc đổi tiết dạy để đi dự lễ an táng thì muộn mất một buổi. Họ chỉ biết ghé vào nhà, chia buồn với bà cụ, thắp nhang cắm vào chiếc lư trên kệ tre ở căn giữa ngôi nhà tranh.

Huế và Đình cũng nhờ Quang, một em học sinh nam, đưa đi thăm mộ.

Ba thầy trò cùng đi trên một con đường nhỏ dẫn vào phía bìa rừng, nơi đang dần hình thành nghĩa trang của Suối Hương. Ở đó đã có mươi nấm mộ.

Đứng trước nấm mộ đất đắp còn mới, ba thầy trò chỉ biết ngậm ngùi cảm thương.

Lát sau, Đình hỏi em học sinh:

- Quang có biết ngôi mộ của anh Võ Thế Yên không? Nếu biết thì thầy trò mình đến viếng một chốc.

- Dạ, thầy đi với em.

Đó cũng là một ngôi mộ đắp bằng đất, đã xanh um cỏ, nhưng tấm bia bằng gỗ có khắc tên họ và năm sinh, năm mất cùng quê quán của Võ Thế Yên vẫn đọc được. Ai đó mới kẻ lại bằng sơn màu đỏ.

- Thì ra anh này cũng là dân phường Thuận Thành, thành phố Huế!

Một lúc sau, ba thầy trò đứng vái thêm lần nữa, rồi lững thững bước về.

Huế chép miệng:

- Không biết hai người con trai của ông cụ ấy bây giờ ở đâu?

Đình chỉ thầm hi vọng hai người ấy sẽ tìm được một chốn dung thân tại một vùng đất khai hoang lập ấp nào đó, chẳng hạn như thuộc tỉnh Đăk Lăk hay tỉnh Sông Bé, và sẽ tìm cách đưa mẹ đến ở chung để phụng dưỡng tuổi già.

Đình cũng chợt nhớ đến Nếp Hương, cô y sĩ đã tốt nghiệp Trường Cán sự y tế Huế, nay trở thành thợ may bán chuyên nghiệp tại nhà. Nhưng Đình biết Suối Hương ở xóm khác, cách xa đến vài cây số đường làng, hẳn Nếp Hương cũng không hay biết gì về nỗi đau chờ chết của ông cụ đạp xích lô và nấm mộ của ông. Vả lại, trong tay Nếp Hương đâu có một viên thuốc, một ống tiêm nào đâu! Còn “nụ cười tươi tắn” của Nếp Hương? Phải chăng ngoài nét tươi tắn trời cho, nụ cười ấy hẳn nở sáng từ niềm hi vọng chung cho Suối Hương, chứ cô không thể biết hết hay xoa dịu được tất thảy bao nỗi đau riêng, trong đó có cả nỗi đau thân phận của riêng Nếp Hương nữa?

 

6

 

Hơn một tuần sau, cậu học trò tên Quang, cùng xóm với Linh Lang, trao cho thầy giáo Đình một lá thư khá dài của Sanh, lúc anh vừa dạy xong tiết ngữ văn, ở tiết thứ ba của buổi học, trước giờ ra chơi. Đình ngồi nán lại sau bàn giáo viên để đọc lá thư đó:

“Phan Huyên Đình thân mến,

Không hiểu sao mình có nhu cầu được giãi bày một điều mình rất khó nói. Thư này gửi đến bạn, xem ra cũng hơi buồn cười, và nếu bạn cảm thấy phiền lòng, thì thôi, đừng đọc. Còn với mình, xem như mình đã tâm sự với bạn rồi.

Thật ra, bi kịch của mình hiện nay, trước hết là do lỗi của mình. Nhưng mình thấy không cần đi sâu vào cái lỗi “vượt biên” đó làm gì. Cái bi kịch chính của mình hiện tại là mình không thể nào thay đổi được khát vọng, chí nguyện và nếp sống cũng như nếp lao động trí óc mà mình đã được hình thành từ hồi mới được sinh ra đời. Mình là thị dân, từ ấu thơ đến tuổi hai mươi, đều sống ở thành phố Huế, nên mình có biết cuốc đất, gieo lúa, gặt thóc, trồng rau, chăm gà, nuôi heo, đánh cá bao giờ đâu. Mình cũng như mọi thanh niên Huế đương nhiên đều đã bị điều kiện hoá. Chúng mình chỉ biết đến học tập, học tập và học tập, để có trình độ học vấn nhất định, để đỗ đạt, rồi làm những công việc của thị dân, của giới viên chức, giới kĩ nghệ, hay làm thầy giáo. Thế mà số phận xô đẩy, mình phải vào lập nghiệp ở một vùng rừng già, mới khai hoang lập ấp là Suối Hương này, một nơi như thể bị cô lập giữa trùng trùng điệp điệp rừng già, chỉ nối thông với bên ngoài bằng con đường đất độc đạo mới mở, còn đường thuỷ thì lắm ghềnh, nhiều đá tảng giữa lòng sông, một nơi hoàn toàn thiếu thốn mọi tiện nghi tối thiểu mà loại thị dân nghèo như mình từng được biết đến.

Vậy đó, nên làm sao mình có thể chấp nhận được cuộc sống từ thị dân, sinh viên, với chí nguyện trở thành trí thức, lại bị số phận xô đẩy trở thành dân cày, bị nông dân hoá.

Con người ta, nói chung, ai cũng muốn vươn lên, chứ không ai muốn chui xuống. Từ người nông thôn, vươn lên thành thị dân, thành trí thức, thành công chức thì rất dễ. Ngược lại, thật vô cùng khó.

Kí sinh trùng sốt rét rừng già vẫn mai phục trong thân thể mình nữa!

Vì thế, thật lòng mà nói, mình không thể an cư lạc nghiệp ở vùng đất Suối Hương này được. Nhưng trên đất nước này, đi đâu rồi cũng không thoát được cách thức quản lí hộ khẩu của công an. Đôi khi, mình nghĩ, mình chẳng khác chi một tù nhân khổ sai chung thân tại Suối Hương.

Phan Huyên Đình thân mến,

Nhưng hình như mình nói quá nhiều về mình, phải không? Mong bạn thông cảm với lời giãi bày này nghe! Hoàn toàn không phải mình là kẻ bất tài trong cuộc lập nghiệp ở Suối Hương, chẳng hạn như ra sức làm một anh nông dân (chưa bị vào hợp tác xã), một nông dân khấm khá chút đỉnh cho vợ (may là con chưa có) được nhờ cậy, mà chính vì mình không muốn làm nông dân (mặc dù vẫn rất kính trọng nông dân).

Thân chúc Đình và anh em nhà tập thể Phân hiệu PTTH. được vui khoẻ, không bị kí sinh trùng sốt rét tấn công.

Hẹn gặp lại bạn vào một ngày nào đó.

Thân,

BPS.”.

Đình đọc lướt nhanh để xem Sanh muốn nói điều gì, trước khi thong thả đọc lại từng chữ của Sanh, vì Đình linh tính Sanh đang làm một cuộc “vạch” khác. Nhưng khi đã về nhà tập thể, đọc lại lá thư của Sanh, Đình nhận thấy Sanh giãi bày khá kĩ về nỗi đau khổ trong quá trình sinh viên thị dân bị nông dân hoá, chứ không viết rõ ràng Sanh sẽ “vạch” hay không, thậm chí, chừng như nếu “vạch”, thì Sanh cũng chỉ “vạch” mỗi một mình. Nếu thế, chẳng lẽ anh chàng này nỡ ích kỉ, bỏ Cẩm Thạch lại một mình “côi cút” giữa Suối Hương?

Chiều hôm đó, Đình định đi đến nhà Sanh để gạn hỏi về ý định sâu kín của Sanh. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, đọc tới hai ba lần câu cuối của lá thư, “Hẹn gặp lại bạn vào một ngày nào đó”, Đình thấy Sanh có đủ sáng suốt và có quyền tự quyết định cuộc đời và tương lai của chính Sanh. Đó không phải là một bức thư tuyệt mệnh, để Đình sẽ phải hối hận là đã không khuyên ngăn Sanh. Đình cũng nghĩ, có thể Sanh chỉ giãi bày tâm sự, nhất là gián tiếp lí giải về cảnh sống riêng, vì lòng tự trọng mà thôi, và chỉ có vậy. Bởi nghĩ như thế, nên Đình cũng không vội gì gặp lại Sanh.

Đình lại một lần nữa nhớ đến “nụ cười tươi tắn” của Nếp Hương. Phải chăng đó là nụ cười của bậc thánh quên mình, chứ không phải của con người phàm trần, có chung, có riêng? Nỗi đau của Sanh cũng tương tự như nỗi đau của Nếp Hương. Hơn nữa, Sanh còn tự nhận lỗi đã “vượt biên”, chứ Nếp Hương, cô y sĩ ấy có lỗi gì do bản thân tự gây ra đâu! Rõ ràng nỗi đau của Nếp Hương là phải lẽ hơn! Nhưng sao Nếp Hương vẫn giữ được nụ cười tươi tắn đến nhường ấy!

 

TP.HCM., 9:10, 19-9 HB12 – 17:47, 20-9 HB12

TXA.

 

Xem tiếp chương IV (truyện ngắn 4)

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE