z+a. Bài 26-Tl.3 - Trần Xuân An -- Giải thích một số điểm - "Xin đừng 'tranh công'..."

GIẢI THÍCH MỘT SỐ ĐIỂM TRONG BÀI VIẾT CỦA NGUYỄN HOÀN:

“Xin đừng ‘tranh công’ mà hãy nghĩ chuyện ‘hậu’ giải oan cho Nguyễn Văn Tường”

 

Trần Xuân An

 

I. Đề

 

Tôi thật sự ngạc nhiên khi đọc thấy trên mạng vi tính toàn cầu, cuối tháng 3-09, lại xuất hiện bài báo mới viết của Nguyễn Hoàn về vấn đề “tranh công” trong việc giải oan cho nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886). Đây là một vấn đề mà ngay từ đầu, tôi nhận ra đó là “thế trận” tạm gọi là “lục súc tranh công”. Biết vậy, nhưng bất đắc dĩ, tôi phải lên tiếng trên bốn trang thông tin điện tử mà Nguyễn Hoàn có đăng bài, trong đó có trang của Hội Nhà văn Việt Nam. Thật ra còn báo điện tử Quảng Trị và điểm mạng Văn Chương Việt nữa, Nguyễn Hoàn có đăng, nhưng hai chỗ này đều khép vấn đề lại một cách bất công! Đó là chưa kể báo in giấy Quảng Trị. Tuy thế, tôi nghĩ vấn đề đã được giải quyết xong, chỉ mong được đăng lại trên báo chí in giấy như Tạp chí Xưa và Nay để lưu trữ về sau là đã ổn. Không ngờ, Nguyễn Hoàn lại tiếp tục tranh luận, tỏ ra không hiểu rõ vụ việc hoặc chỉ là nguỵ biện nhằm vớt vát sỉ diện của một nhà báo.

 

Để tiện theo dõi, lẽ ra tôi sẽ lần lượt giải thích lại theo thứ tự các điểm trong bài viết nói trên của Nguyễn Hoàn. Nhưng thực ra, có những điểm tôi đã giải thích cặn kẽ trong hai bài viết đã đăng, cùng các đoạn viết ngắn, xem như lời nói thêm đăng ở phần “bàn luận” (comment) dưới hai bài ấy. Nguyễn Hoàn không chịu hiểu hay đúng hơn, đã hiểu nhưng vẫn cố tình xảo ngôn, nguỵ biện ở bài “Xin đừng ‘tranh công’ mà hãy nghĩ chuyện ‘hậu’ giải oan cho Nguyễn Văn Tường”! Xin cảm phiền và vui lòng đọc lại:

 

1. Bài 1: “Sự công tâm tối thiểu cần có khi cầm bút”:

http://hoinhavanvietnam.vn/News.asp?cat=13&scat=&id=897   

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6485

http://xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=733&nhom=6  

 

2. Bài 2: “Nghĩ về cách biện giải, những ngộ nhận và một ý hướng tốt cho khu di tích Tân Sở”:

 

http://hoinhavanvietnam.vn/News.asp?cat=&scat=36&id=1055  

http://nhavan.vn/article/BantronVN/887/   

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6585  

http://xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=747&nhom=6  

 

Tuy vậy, tôi nghĩ cũng nên nhắc lại một cách ngắn gọn nhất những điểm đã có ở 2 bài ghi trên nhưng Nguyễn Hoàn vẫn cố tình nguỵ biện, đồng thời sẽ trả lời kĩ lưỡng hơn những điểm tạm xem là đưa ra lần đầu tiên ở bài Nguyễn Hoàn mới viết và mới đăng.

 

II. Giải

 

1. Điểm 1:

 

Nhà báo Nguyễn Hoàn một lần nữa cho rằng anh không nhắc đến các nhà nghiên cứu sử học có đóng góp nổi bật và cả tôi, trong bài anh thể hiện suy nghĩ từ việc giải oan cho Nguyễn Văn Tường (1824-1886), mà chỉ đề cao bà Oanh, cô Từ Vân và ông Nguyễn Bưa là hợp lí. Đó là điều tôi đã cho là Nguyễn Hoàn thiếu công tâm tối thiểu khi cầm bút. Tôi trích lại một ý đã viết để dễ hình dung: “Đơn cử một ví dụ, để hoàn thành một công trình thủy lợi, có 3 đơn vị chủ lực thi công và nhân lực phụ trợ của 4 tỉnh, nhưng khi tổng kết, lại chỉ kể 1 đơn vị chủ lực và nhân lực 1 tỉnh thôi; tổng kết đó chỉ gây bất bình, và sự bất bình ấy là chính đáng. Nếu không lên tiếng phản đối, các hồ sơ tư liệu về công trình thủy lợi ấy đều ghi như bài tổng kết (hay có dạng tổng kết), hẳn là nguy to, tai hại vô kể”.

 

2. Điểm 2:

 

Nguyễn Hoàn viết rằng tôi tự xem tôi là người có công nghiên cứu rốt ráo nhất và tôi phủ nhận sự đóng góp của các nhà nghiên cứu khác. Đến lúc này, tôi vẫn tự nghĩ như vế thứ nhất (giải quyết rốt ráo nhất), nhưng về vế thứ hai, tôi không bao giờ viết vậy, mà rất trân trọng đồng thời khẳng định là tôi có thừa kế sự đóng góp của các nhà sử học từ trước đến nay, nhất là các tập thể sử thần Quốc sử quán triều Nguyễn, các nhà nghiên cứu hiện thời, đặc biệt là các vị có tham luận trong các cuộc hội nghị, hội thảo về nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường hoặc riêng về Nguyễn Văn Tường. Bốn đầu sách tôi nghiên cứu, biên soạn và viết đều có mục trang trọng ghi tên quý vị ấy và danh mục sách tham khảo; hơn thế nữa, đều có lời cảm ơn chân thành nhất của tôi đối với những vị đã ít nhiều minh oan cho Nguyễn Văn Tường. Về các nhà nghiên cứu như GS. Trần Văn Giàu, GS. Bửu Kế, PGS.TS. Võ Xuân Đàn, GS. Đoàn Quang Hưng, nhà nghiên cứu (Nnc.) Trần Viết Ngạc, Nnc. Trần Đại Vinh, Nnc. Vũ Đức Sao Biển, cùng nhiều nhà nghiên cứu tôi có trích dẫn, như GS. Nguyễn Văn Kiệm, tôi đều trang trọng ghi tên các vị ấy (cùng xuất xứ bài in, đoạn trích).

 

Về việc tôi khẳng định tôi giải quyết rốt ráo nhất: Trước hết, tôi vẫn nghĩ là thiếu khiêm tốn khi khẳng định về mình, nhưng vì ở thế buộc phải lên tiếng khẳng định. Thứ nữa, là do hai lẽ: Trong hội thảo tại Huế (02-7-2002), tôi gửi đến bốn tham luận, nhưng ở tập “Các báo cáo khoa học” (gọi là Kỉ yếu 2002), tôi chỉ có một bài, còn một bài đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số ra cùng thời điểm diễn ra hội thảo. Bài tham luận của tôi trong tập Kỉ yếu 2002 kể trên, vẫn là bài giải quyết rốt ráo nhất. Về sau, khi Kỉ yếu 2002 in thành sách “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), cuộc đời và lời giải” (Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2006), mới bổ sung thêm phần tư liệu bà Oanh, cô Từ Vân mang về (tư liệu này, trước khi in thành sách, nghĩa là khoảng sau hội thảo 2002, có công bố vài trang trên Tạp chí Xưa và Nay). Một lẽ khác, tôi đã viết đến bốn đầu sách chuyên đề về Nguyễn Văn Tường. Xin lưu ý giúp, từ xưa đến nay chưa ai viết sách chuyên đề về nhân vật lịch sử này. Vì thế, tôi vẫn tự cho mình là người giải quyết rốt ráo nhất về Nguyễn Văn Tường. Tất cả kỉ yếu và sách đều in giấy trắng mực đen và hầu hết đã đưa lên mạng toàn cầu.

 

Cũng nên nhắc thêm, nhấn đậm để Nguyễn Hoàn nhớ giúp: Bản án chung thẩm của bè lũ De Courcy và triều Đồng Khánh, đối với nhóm chủ chiến, và sự thi hành án (trong tập 37 Đại Nam thực lục chính biên, kỉ Đồng Khánh, 1885-1888, Nxb. KHXH., 1977, tr. 35 & các trang khác), cùng dụ, cáo thị của Đồng Khánh, Hector, Nguyễn Hữu Độ tại các tỉnh tả trực kì, tả kì phía nam Huế (sđd.), sau ngày Kinh đô quật khởi và bị thất thủ (05-7-1885), tôi là người đầu tiên khai thác nghĩa và đúng hướng. Về một trang rưỡi trong “Việt Nam vong quốc sử”, tôi cũng là người đầu tiên phân tích, phê phán. Và nói chung, bất kì vấn nạn nào trong phạm vi đề tài Nguyễn Văn Tường (1824-1886), tôi đều giải quyết rốt ráo, không chỉ hai tháng sau ngày 05-7-1995.

 

Có thêm một điều, Nguyễn Hoàn ở gần cuối bài viết, đồng nhất hai cụm từ “có công đầu” với “giải quyết rốt ráo” rồi gán cho tôi. Như vậy là, xin lỗi, Nguyễn Hoàn quá xảo ngôn! Tôi đã khẳng định, chính công cuộc Đổi mới, Cởi trói là có công đầu, còn có công giải quyết trực tiếp vấn nạn lịch sử về Nguyễn Văn Tường là những vị mà tôi có trích nguyên bài hoặc trích đoạn trong các cuốn sách nghiên cứu, biên soạn, truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử của tôi, nhưng tuyệt nhiên chưa có vị nào giải quyết rốt ráo. Tuy nhiên, phải cần kể thêm, từ trước, cách đây cả trăm năm, Quốc sử quán triều Nguyễn đã rất có công ghi chép tư liệu gốc.

 

3. Điểm 3:

 

Nhà báo Nguyễn Hoàn viết rằng: “các cuốn sách của ông Trần Xuân An không có mặt và không hề được trưng dẫn trong các kỳ hội thảo, hội nghị của giới sử học về Nguyễn Văn Tường nên ở đây không lạm bàn”. Anh không chịu hiểu điều tôi đã giải thích trong bài tôi đã đăng, là từ 2000, 2001, 2002 và 2003, tôi đã lần lượt hoàn tất các đầu sách của tôi, và ngay sau khi hoàn tất bản vi tính trong mỗi thời điểm vừa kể, tôi đều có kính gửi Văn phòng Tạp chí Xưa và Nay tại TP.HCM., kính gửi ra Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế cùng nhiều nhà nghiên cứu khác, trước hết là để được Hội Khoa học lịch sử Việt Nam giám định bản thảo sách và đồng thời là trình báo thành quả nghiên cứu của bản thân. Còn việc xuất bản chính thức là sau đó, 2004, 2006, 2008. Để đi đến hội thảo, hội nghị là phải có những bước chuẩn bị, tương tác như vậy. Các nhà nghiên cứu khác cũng làm vậy, chứ không chỉ một mình tôi. Hội thảo, hội nghị chỉ là sự chính thức hoá kết quả quá trình chuẩn bị, tương tác, và có thể có thêm ý kiến mới mà thôi. Sự trình báo kết quả nghiên cứu, đóng góp ý kiến đâu nhất thiết phải qua hội thảo, hội nghị, mặc dù hội thảo, hội nghị là quan trọng. Trong điểm này, có một ý phụ không quan trọng nhưng Nguyễn Hoàn lại xảo ngôn hòng biện minh cho việc cuốn sách truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử của tôi (vốn là tập thành của 3 đầu sách do tôi nghiên cứu, biên soạn trước) về Nguyễn Văn Tường, là không đáng đề cập đến trong việc giải oan cho Nguyễn Văn Tường. Đó là việc Nguyễn Hoàn lại trích một câu của GS. Đinh Xuân Lâm và một câu khác của nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Tôi  giải thích với Nguyễn Hoàn để anh hiểu điều này: Mặc dù ưu ái giới thiệu cuốn “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)”, Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004, hai vị vẫn khẽ chê vài câu như thế. Tuy nhiên, tôi vẫn cho là khi viết truyện kí lịch sử (căn cứ vào sử kí và trên cơ sở khảo cứu tư liệu lịch sử) vẫn phải phân tích và trích nguyên văn tư liệu có giá sử học, đồng thời phải dẫn xuất xứ để bảo đảm tính khoa học, nên phần khảo cứu tư liệu lịch sử (gồm dẫn xuất xứ) cuối mỗi chương là rất cần thiết. Hơn nữa, đó là một điều mới mẻ, công phu và cẩn trọng rất nên được hoan nghênh. Điều quan trọng là GS. Đinh Xuân Lâm đã đặt tên cho bài giới thiệu sách là “Chiêu tuyết cho Nguyễn Văn Tường” (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Viện Sử học, thuộc Viện KHXH Việt Nam, số tháng 5 [348], 2005; Tạp chí Nghiên cứu lịch sử cũng đã dịch ra tiếng Anh). Tôi trang trọng nhấn đậm để nhà báo Nguyễn Hoàn hiểu. Còn ý kiến của nhà văn Nguyễn Khắc Phê, rằng tôi chưa đi sâu vào tâm lí nhân vật. Tôi trả lời cho Nguyễn Hoàn rõ: Lí do là bởi tôi không thể vượt quá giới hạn thể loại truyện kí lịch sử để nhảy sang tiểu thuyết lịch sử. Phần truyện trong thể loại truyện kí lịch sử, chứ không phải là đơn thuần truyện hư cấu! Đi sâu vào tâm lí nhân vật lịch sử sẽ dẫn đến tình trạng người đọc cho là hay (tính nghệ thuật) nhưng giảm bớt mức độ tin (tính thuyết phục khoa học), vì hư cấu quá nhiều. Mức độ hư cấu cho phép ở truyện kí lịch sử chỉ như những lớp vữa của một toà nhà bằng gạch, mà gạch chính là tư liệu gốc, có giá trị sử học. Vấn đề quan trọng là nhà văn Nguyễn Khắc Phê rất trân trọng phần nghiên cứu sử của tôi, Nguyễn Hoàn lại lờ đi!

 

4. Điểm 4:

 

Tôi vẫn cho rằng ý kiến của nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc và ý kiến tôi về số tư liệu bà Oanh, cô Từ Vân tìm kiếm được, cơ bản, cốt yếu là giống nhau. Tôi đã nhấn đậm các cụm từ: càng củng cố thêm (DTQ.) và “có giá trị bổ trợ (TXA.). Cho dù các từ ngữ quanh hai cụm từ trên khác nhau ở mức độ biểu cảm về sự tin cậy nhưng cốt lõi là xếp loại giá trị giống nhau. Cụm từ “có giá trị bổ trợ tôi sử dụng chỉ đặt trong điều kiện là, nếu tư liệu bà Oanh mang về có chứng thực của các trung tâm lưu trữ tại Pháp và Tahiti. Ở đây, một lần nữa, tôi khẳng định tôi vẫn lấy “Đại Nam thực lục chính biên” các kỉ có liên quan làm chuẩn cứ, tất nhiên với các thao tác xới lật cần thiết trong điều kiện độc lập, tự do của chúng ta hiện nay, chứ không phải “cái quan định luận”, định luận đúng mức, toàn diện sau khi đậy nắp ván thiên quan tài Nguyễn Văn Tường đâu! (1). Tôi cũng muốn nhấn mạnh quan điểm sử dụng tư liệu của tôi (2): “Quan điểm sử dụng tư liệu của tôi vẫn là sử dụng tất cả mọi nguồn tư liệu, kể cả tư liệu từ phía đối phương, đối lập (Pháp, tả đạo trong Thiên Chúa giáo, cánh chủ “hòa”, bảo hoàng, Đàng Ngoài, kể cả tư liệu bà Ngọc Oanh, cô Từ Vân mới kiếm tìm, mang về…), nhưng vẫn lấy “Đại Nam thực lục” với các tư liệu gốc, gồm sớ, tấu, dụ, chiếu, cáo thị, bản án đã châu phê trong đó làm chuẩn cứ. Tất nhiên, tư liệu bà Ngọc Oanh, cô Từ Vân mới kiếm tìm, mang về, nếu được chứng thực bởi các trung tâm lưu trữ tại Pháp, Tahiti vẫn có giá trị hơn là chưa được chứng thực. Giá trị của việc chứng thực này là quá hiển nhiên, đơn giản, sao chúng ta lại tranh cãi đến thế, thật quá vô lí! (3). Và cho dẫu chúng đã được chứng thực, thì “Đại Nam thực lục” (kỉ IV, V, và cả kỉ VI) vẫn là tư liệu chuẩn cứ”.

 

5. Điểm 5:

 

Còn đây là điểm xem ra có thể cho là mới ở bài viết mới nhất của Nguyễn Hoàn: Các trung tâm lưu trữ ở Pháp không có phòng chứng thực. Với các sách đã xuất bản, chẳng lẽ tôi không biết các tư liệu chỉ cần trích dẫn và chua xuất xứ là đủ. Nhưng đây là số tư liệu về phía thực dân Pháp mà phần lớn mới được phát hiện, mới công bố, còn gọi là “tư liệu đầu tay”, do đó, đòi hỏi chúng phải có một hội đồng khoa học thẩm định, và hội đồng đó thường là ở tại Pháp (như tư liệu trong các luận án tiến sĩ, mặc dù không phải chuyên đề về Nguyễn Văn Tường, của Cao Huy Thuần, Yoshiharu Tsuboi...). Vả lại, tư liệu tìm thấy ở Pháp thường là khá mâu thuẫn nhau (tư liệu xác thực và tư liệu tuyên truyền), nên việc thẩm định phải hết sức khoa học. Một lẽ nữa, như cô Từ Vân viết trong một bài thuật sự về quá trình tìm kiếm tư liệu: những tư liệu đó đã sắp mủn và có khả năng hư hỏng hoàn toàn trong nay mai; nên tôi nghĩ, như thế lại càng phải được chứng thực kẻo muộn. Khi chúng đã tự phân huỷ hoàn toàn, lấy gì để đối chứng?!? Bấy giờ, đem các tham số ghi chú đến cũng chỉ tìm ra bản sao chụp hoặc thậm chí không có bản sao chụp nữa, thì làm sao? Lẽ ra việc này phải để Viện Sử học nước ta hoặc các nhà nghiên cứu có chuyên môn cao ở hải ngoại cùng với bà Oanh, cô Từ Vân đi tìm kiếm thì ổn hơn.

 

6. Điểm 6:

 

Một điểm khác, cũng có thể nói là mới đưa ra, nhưng lại càng chứng tỏ nhà báo Nguyễn Hoàn nguỵ biện, xảo ngôn (xin lỗi, phải nói rõ như vậy!). Nguyễn Hoàn viết: “Một thực tế không thể chối cãi, khi ông Trần Xuân An viết rằng: “Tôi khẳng định là tôi không cần đến tư liệu chưa được chứng thực ở Pháp mà Từ Vân và bà Oanh tìm kiếm, đem về nước”, chính là ông đã viết ngược, nói ngược không chỉ với kết luận của giới sử học, mà còn nói ngược, viết ngược với chính những gì ông đã từng viết. Lương tâm người nghiên cứu, người viết văn không cho phép bất cứ ai được nói lập lờ, nay thế này, mai thế khác, nói hai giọng lưỡi. Chính ông Trần Xuân An, trong cuốn sách của ông, nhan đề “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)”, NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2004, ở phần “Thông tin [TXA. nhấn đậm] về các hội nghị, hội thảo khoa học, ông đã dẫn lại thông tin [TXA. nhấn đậm] về Hội nghị thông báo [TXA. nhấn đậm] những nghiên cứu và sử liệu về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong phong trào Cần Vương do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 1-11-2003 ... [TXA. lược bớt (4)] ... Đến đây, bạn đọc chắc đã quá rõ vì lẽ gì ông Trần Xuân An từng nói xuôi theo kết luận chung của giới sử học nay lại nói ngược một mình trái khoáy về số tư liệu mà bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm được. Tình trạng nói ngược này, nếu không vì ám ảnh “tranh công”, sợ mất quyền sở hữu trí tuệ như ông nói, không vì bực dọc cá nhân do các đầu sách của ông không được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế nhắc tới trong lễ giải oan cho Nguyễn Văn Tường thì còn vì động cơ gì nữa?”.

 

Là nhà báo, hẳn Nguyễn Hoàn phải hiểu các thuật ngữ thông tin, thông báo, và cả trần thuật. Trong những đầu sách của tôi, tôi đều có cho in lại phần thông tin, thông báo về các hội nghị, hội thảo khoa học ấy. Vấn đề khi đưa ra thông tin, thông báo, phải trích nguyên văn hoặc phải trần thuật một cách xác thực, nghĩa là tinh thần, nội dung người ta viết thế nào, mình phải trần thuật lại thế ấy nhưng ngắn gọn hơn. Còn việc sử dụng tư liệu bà Oanh, cô Từ Vân tìm kiếm mà nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc đã công bố vài trang trên Tạp chí Xưa và Nay (kể cả bài thơ kí sự của cô Từ Vân, chỉ có giá trị du kí, mà ông Trần Viết Ngạc bảo tôi đọc giúp), tất nhiên tôi phải dè dặt chứ! Mặc dù đã có thông tin, thông báo kể trên từ Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cá nhân người nghiên cứu vẫn có quyền dè dặt. Tại sao dè dặt? Tôi đã trình bày trong bài viết trước rồi. Tôi bỏ công sức bao nhiêu năm trời và cả gần bảy, tám chục triệu đồng tiền túi của tôi để in bốn đầu sách (chưa tính tiền xếp chữ vi tính và mười tám triệu đồng tài trợ, đặt mua trước), kể cả danh tính tôi (danh dự người cầm bút là quan trọng nhất), làm sao tôi có thể chấp nhận công trình của mình là “lá cải”, “hàng chợ”!

 

Tôi cũng ngạc nhiên khi nhà báo Nguyễn Hoàn đọc hai bài viết chính cũng như vài đoạn phụ tôi tranh luận với anh, anh cố tình không chịu hiểu điều chủ yếu tôi xoáy sâu: “Đại Nam thực lục chính biên”, các kỉ có liên quan, đặc biệt là các tư liệu gốc trong đó, là tư liệu chuẩn cứ; không nên quá phụ thuộc vào tư liệu của thực dân Pháp. “Cầm dao, phải nắm đằng cán”, tục ngữ đã dạy chúng ta như vậy. Nói cách khác, nếu không xác định tư liệu chuẩn cứ, người nghiên cứu sẽ bị động, sẽ tự biến thành con rối cho người ngoài giật dây.

 

Điều quan trọng là tôi phải bảo vệ công trình nghiên cứu, biên soạn và truyện – sử kí – tư liệu lịch sử của tôi.

 

7. Điểm 7:

 

Tôi rất vui mừng nếu khu di tích Tân Sơn tại Cam Lộ, Quảng Trị được tôn tạo. Tôi cũng đã viết trong bài số 2 đã dẫn phía trên: “Hơn thế nữa, tôi cũng đã đề xuất là nên xây dựng lăng mộ cải táng di cốt vua Hàm Nghi tại Tân Sở, chứ không phải tại Huế. Tân Sở với Dụ Cần vương, Dụ Hoàng tộc và Dụ Nguyễn Văn Tường – thể hiện sách lược cũng là chiến lược “đánh – đàm” – là đỉnh cao chói sáng của vị vua trẻ tuổi yêu nước, kháng chiến này. Nếu không cải táng tại Tân Sở, mà tại Huế, là vô tình làm hạ thấp tầm vóc Hàm Nghi và không có nghĩa lí gì về lăng mộ cải táng của Hàm Nghi trong tương lai!”. Ý kiến về việc cải táng di cốt vua Hàm Nghi tại Tân Sở, tôi đã viết từ khi báo chí đưa tin về việc này, chứ không phải từ bài báo đầu tiên của Nguyễn Hoàn với đầu đề “Suy nghĩ từ việc giải oan cho Nguyễn Văn Tường” đâu! 

 

III. Kết

 

Tôi kết thúc bài viết hôm nay bằng cách trích lại từ bài viết trước: “Tất thảy các hậu duệ của Nguyễn Văn Tường (1824-1886), trong đó có tôi, đều rất vinh hạnh khi được nhiều nhà nghiên cứu sử học riêng lẻ hay thuộc nhiều trường đại học góp phần và đồng thuận qua các tham luận khoa học, dưới sự tổ chức, lãnh đạo của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện sử học Việt Nam, Hội KHLS. Thừa Thiên – Huế trong việc giải oan cho nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886). Không những thế, tôi còn muốn Chính phủ Cộng hòa Pháp, Nhà nước CHXHCN. Việt Nam cùng các trường đại học, viện nghiên cứu của hai nước tổ chức lễ minh oan cho Nguyễn Văn Tường một cách trọng thể nữa kia. Tôi chỉ là một trong những người nghiên cứu riêng lẻ có đóng góp mà thôi (sở dĩ một thân một mình lại có đóng góp đến bốn đầu sách là do bản thân có nhiều nỗ lực). Còn trong nội bộ hậu duệ của Nguyễn Văn Tường, cảnh “lục súc tranh công” đáng chê cười và đau lòng nếu sẽ diễn ra, chỉ là cái bẫy vô tình hay cố ý ai đó đơm ra giữa đường, tôi đã cảnh giác và cảnh báo trước. Trên đời này, có những cái bẫy do những ngẫu nhiên giăng ra như thế, chẳng do ai cả. Bài viết trước của nhà báo Nguyễn Hoàn, đến lúc này, thôi thì cứ tin là Nguyễn Hoàn không ngờ nó cũng là một cái bẫy như vậy”.

 

Tôi nghĩ nếu chỉ vì sỉ diện mà Nguyễn Hoàn lại viết tiếp để đăng trên báo chí, mạng vi tính toàn cầu về vấn đề “tranh công” này thì ngày càng lộ rõ bản chất của anh: một nhà báo thiếu công tâm tối thiểu và nguỵ biện, xảo ngôn.

 

 

Trần Xuân An

Viết từ 15:41 đến 19:36, ngày 02-4 HB9 (2009)

Sửa chữa, sáng sớm 03-4 HB9

 

_______________________

 

(1) “Cái quan định luận” là quan niệm ngày xưa đối với cá nhân nhân vật lịch sử. Ngày nay, hạn định giải mật là khoảng 20 năm kể từ khi sự kiện diễn ra mà nhân vật có can dự, và không còn chế độ đảm nhiệm chức vụ suốt đời (như làm vua chẳng hạn), mà đều phải về hưu ở tuổi 60-65. Do đó, định luận không nên đợi khi đậy nắp quan tài, vì như thế khác nào xử án khiếm diện (vắng mặt bị cáo), rất dễ xảy ra bất công!

 

(2) Nhân đây, cũng xin lưu ý là tôi đã đính chính, bổ sung thêm mấy chữ “là chưa được chứng thực” và một câu Và cho dẫu chúng đã được chứng thực, thì “Đại Nam thực lục” (kỉ IV, V, và cả kỉ VI) vẫn là tư liệu chuẩn cứ” ở đoạn Nguyễn Hoàn trích dẫn của tôi từ bài viết số 2 kể trên.

 

(3) Cũng nhân đây, nói rõ, vì Nguyễn Hoàn hiểu lầm trong bài viết của anh: Mấy chữ “tranh cãi đến thế, thật quá vô lí!” là tôi vừa phản hồi vừa nhại ông Văn Công Hùng (một nhà thơ đã quên mất cặp phạm trù biện chứng “bộ phận – toàn thể” trong lí luận).

 

(4) Xin xem thêm theo link:

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6904  

 

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE