e. Trần Xuân An - Ngôi trường tháng giêng - Tệp 5

author's copyright

 

TRẦN XUÂN AN

 

06/30/09

12 tháng 3 năm HB6 (2006)

           

 

        Phần 1

 

        Phần 2

 

        Phần 3

 

        Phần 4

 

        Phần 5

 

        Phần 6

 

        Phần 7

 

        Phần 8

 

        Phần 9

 

        Phần 10

 

        Phần 11

 

        Phần 12

 

        Phụ lục

 

 

 

 

 

 

 

trần xuân an

 

 

ngôi trường

tháng giêng

 

tiểu thuyết

 

 

 

 

 

 

 

 

nhà xuất bản

THANH NIÊN

 

2003

 

 

 

            

 

xem

http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/

( phần 5 )

17

 

Chào cô giáo Xinh với bé Ngoan ở đầu ngõ nhà, sáu anh em thư thả bước về hướng xóm anh Ruộng, ôngBinh, anh Trà và doanh trại bộ đội. Đang đi ngược nắng nhưng chiều đã dịu nhờ không khí lạnh ở rừng xa lan về, bỗng cả sáu người đều quay lại khi nghe tiếng chân chạy ở phía sau. Một học sinh lớp tám vòng tay, khẽ cúi đầu, thưa trong tiếng thở mạnh, hơi dồn dập:

- Thưa thầy cô, nhà bà Tặng nhờ em đến mời thầy cô ghé chơi, ngay bây giờ ạ.

Hoán buột miệng “à” một tiếng:

- Nhớ rồi! Cảm ơn em nhé. Ngay bây giờ?

- Dạ. Em xin phép thầy cô …– Chưa dứt câu nói, em học sinh đi nhanh một đoạn để giữ lễ rồi co giò chạy về khu trung tâm –.

- Tốt quá! Anh em mình về nhà bà Tặng xơi một chầu đi! Thỉnh thoảng ở đây có “tiết mục” này.

- Là sao?– Lộc Biếc hỏi –.

- Là liên hoan có chất đạm!– Hoán nói với tiếng cười –. Cứ về đó rồi biết! Cam Ly cũng đã dự đôi phen rồi mà!

Cam Ly cười:

- Có, hồi năm ngoái.– Cô giải thích –. Ở đây thỉnh thoảng có một “quán ăn một buổi” như vậy, và khách được mời một cách hết sức tình cảm với giá cả cũng tùy đối tượng.– Cô lại cười rất hồn nhiên –.

Khoai nói:

- Mình hiểu rồi. “Cải thiện” theo kiểu “trốn thu mua” đó chứ gì! Hình như có một bài báo nào đó đã viết về chuyện này.

- “Quán ăn một buổi”! Hay đấy. Phải đi cho biết.– Nam thích thú –.

Cả sáu người đều đã quay về một đoạn đường như thể đã đồng ý với nhau tự hồi nãy.

- Có bị phê bình không? Học sinh biết được làm sao còn dám lên lớp! – Lộc Biếc phân vân –.

- Không sao đâu! Đây là sự linh hoạt của Xã với lại … cả Phòng Thương nghiệp nữa, cho dân “cải thiện”. Xóm nào cũng có như thế. Cũng đóng thuế địa phương hẳn hoi.– Hoán nói –.

Thấy cũng ngộ, sáu anh em đều cười.

- Thuế trong nguyên tắc, không “chui” đâu.– Hoán cố nói rõ –. Xin yên tâm .

Trước cửa nhà bà Tặng, ánh đèn măng sông hắt ra đường. Có tiếng cười nói khá nhộn bên trong. Lộc Biếc hơi ngỡ ngàng khi bước vào. Đúng là một quán ăn. Những nong tằm, giá gỗ được gửi đi đâu mất, thay vào đó là bốn bộ bàn ghế ở đâu mang về. Thức ăn được dọn lên bàn, giữa những khuôn mặt ửng hơi men.

- Ồ, chào thầy cô.– Tiếng những phụ huynh –.

- Thầy cô vui lòng lui sau nhà nhé.– Bà Tặng vui vẻ và ân cần nói –. Cháu ở nhà đã dọn sẵn một mâm rồi. Ở sau nhà yên tĩnh hơn, ngay phía sau vách gỗ này, chỗ phòng khách.

- Ủa, anh Ruộng! Cả anh Trà đây này.– Huyện chào –.

Trong số khách đang ngồi ăn, có anh Ruộng đang đưa tay chào lại. Bắt chặt tay Huyện, anh Trà lại bỏ chỗ ngồi đến bắt tay Khoai và Nam. Anh lại gật đầu chào một lần nữa trước hai cô giáo.

Cam Ly kéo tay Lộc Biếc lui nhà sau, sau khi chào đáp.

Anh Ruộng nói với Huyện:

- Đi đâu giờ mới tới? Lui sau đi, lát nữa mình cũng lui ngồi với các bạn. Làm trước một ngụm khai vị không?– Anh Ruộng chìa li rượu nhỏ –.

Huyện lắc tay:

- Lát nữa nhé.– Anh mỉm cười chào những người cùng bàn với anh Ruộng –.

Trong lúc đó, Khoai nói với anh Trà:

- Định đến quán anh chơi mấy lần, nhưng chưa đi được. Không ngờ có duyên với nhau! Lúc ngồi trên xe từ Đà Lạt về Công, đâu biết anh là dân ở đây!

- Tiếc là có các cô giáo,– Anh Trà ghé tai nói nhỏ –, không thì chúng mình cụng li một bữa tại đây cho vui. Hôm nào ở nhà nhé!

- Không sao đâu!– Nam nói –. Anh Trà xuống nhà sau với nhóm này, đồng ý không?

- Ừ, lui sau luôn.– Anh Ruộng vỗ vai anh Trà –. Đều là giáo với lại viên cả mà! – Từ ghép giáo viên với nguyên nghĩa của nó được anh Ruộng tách ra theo cách nói nhấn nhá khá thông thường để thêm thân mật –.

Những nụ cười thân tình vang lên thành tiếng. Nam chợt thấy, “quán ăn một buổi” này giống như các đám giỗ, đám cưới anh đã nhiều lần dự ngoài quê. Cũng độc đáo thật, nhưng thiếu đi ý nghĩa cần thiết … Có điều, giỗ, cưới là khác, bồi dưỡng chất đạm, chất béo ở vùng đất khai hoang lập ấp xa chợ đò, thị trấn lại là khác! – Nam mỉm cười nghĩ –.

Trên bàn dành riêng cho nhóm giáo viên, có mấy dĩa thịt phay, mấy dĩa tiết canh, mấy bát cháo khá lớn, một dĩa chanh ớt và chén đũa. Cũng khá lâu rồi, Lộc Biếc mới thấy lại một bữa ăn ngon lành như vậy. Không thể không thấy cồn cào ở dạ dày khi mùi thức ăn hấp dẫn tỏa ra, Lộc Biếc vừa giận vừa buồn cười cho mình. Thật ra có gì thịnh soạn lắm đâu! Chỉ mới mấy tháng gần đây cô mới có cảm giác thiếu hụt quá tầm thường này. Bất giác cô thở dài. Cô lại nghĩ cái thở dài của mình đã hơi cao đạo. Cứ dấn thân, trải nghiệm và cứ hồn nhiên! …

Trong lúc đó, Khoai giới thiệu những người chưa biết nhau. Lộc Biếc đỏ mặt khi nghe tên mình, và cô hiểu vì sao cô lại đỏ mặt.

Lộc Biếc nể nang nhắm một ngụm rượu cay giữa những tiếng cười thân tình. Khoai lén nhìn cái nhăn mặt của cô, anh cúi mặt, bồi hồi. Huyện vui như chim sáo, tuy ngồi yên một chỗ.

- Khai vị thôi nhé.– Lộc Biếc nói khẽ với Cam Ly –.

Cam Ly cười, gật đầu.

- Xin mời đi. Hay quá là hay. Đúng là “một sàng khôn” chứ chả chơi. – Nam nói –.

- Chẳng lẽ “khôn” là … thịt?– Lộc Biếc trêu, lại một lần nữa đỏ mặt sực nhớ chữ “nhục” hai nghĩa của Nguyễn Khuyến –.

- Đôi khi đồng nghĩa.– Nam đáp, anh đâu biết Lộc Biếc nghĩ gì –.

- Anh Trà này là một cây rượu đó nghe. Không cụng li nổi đâu.– Anh Ruộng nói –.

Lộc Biếc thấy anh Ruộng không có vẻ gì say cả, mặc dầu đã ăn uống ở bàn ngoài kia. Có lẽ anh ấy cũng nhát rượu. Cả anh Trà lẫn anh Ruộng chỉ ngồi ăn lai rai, còn Nam, Huyện, Khoai rất mực “chân tình”. Khoai vừa ngước nhìn lên bàn thờ. Trên đầu tủ, ba cây nhang đã cháy gần hết. Tàn nhang rơi bên dĩa thức ăn. Vẫn lặng lẽ, Khoai nhìn kĩ bàn thờ, thấy có cả áo binh, giấy vàng bạc. Cũng như Nam, Khoai cứ ngỡ đây là buổi giỗ. Anh Ruộng hiểu ý:

- Không phải kị giỗ gì đâu. Kị giỗ thiêng liêng và tình nghĩa hơn nhiều! Đây là cúng ngoại lệ. Lâu lâu làm thịt lợn, khu xóm “liên hoan”, cũng mời ông bà “liên hoan” cho vui.

- Thêm phần ấm áp! Còn đó, mặc dầu các vị đã mất.– Khoai hớp thêm một ngụm rượu nhỏ. Li rượu con con của anh nãy giờ vẫn chưa cạn –. Ở đây, mọi thứ hàng hóa đều khan hiếm, vẫn có cả hàng mã.

Anh Ruộng gật đầu:

- Ờ, mấy ông Ủy ban có vận động bỏ đi, nhưng tôi thấy vẫn hay chứ sao. Bà xã nhà tôi không cho cúng, tôi thấy bả cực đoan quá.

Nam cười, hơi ngạc nhiên:

- Chẳng lẽ anh Ruộng tin có linh hồn và cõi âm à?

Anh Ruộng gật đầu một lần nữa:

- Có chứ.

- Sao anh đi làm cách mạng?– Cam Ly cười –.

- Thôi, đừng nói chuyện đó nữa. Tôi làm cách mạng là chống thực dân, đế quốc thôi.– Anh Ruộng thấy câu chuyện hơi sa đà không phải chỗ, anh ngập ngừng muốn nói thêm gì đó, rồi nghĩ sao, lại thôi –.

- Mê tín! Còn bày đặt vàng bạc, áo binh!– Cam Ly hồn nhiên nói với tiếng cười khẽ. Cười khẽ, nhưng cô nói khá lớn giọng –.

Nam hốt hoảng, sợ bà Tặng phật lòng, vì bà đang lúi húi thái thịt gần đó, có thể nghe được. Nam nâng li, mời người mới quen để át đi câu nói của Cam Ly:

- Mời anh Trà cụng li một hớp!

- Sao lại một hớp?– Với giọng Bắc khá nặng, anh Trà ngạc nhiên –.

- Thì cho vui thôi. Ở đây hóa ra ai cũng nhát rượu.

Vừa nói, Nam vừa nhìn bóng bà Tặng, thấp thoáng sau các kẽ hở vách gỗ vốn ngăn căn đặt bàn thờ với bàn thái thịt. Có lẽ bàn thái thịt ấy mới mang lên từ nhà bếp xa tít đằng sau, để dễ phục vụ khách.

- Thì một hớp!– Anh Trà nâng li –.

Huyện, Hoán, Khoai cũng chạm li, cười vui vẻ.

- “Ba chai không sai” mà, lo gì.– Anh Trà uống cạn cả li và tự rót thêm –. Nhưng thật ra tôi cũng đủ rồi. Hôm nay rất vui là được biết thêm cô giáo Lộc Biếc. Học sinh ở đây nhắc cô hoài đấy!

- Cảm ơn anh, mấy anh ở nhà tập thể có mặt ở đây cũng nhắc đến anh Trà luôn.– Lộc Biếc đáp lễ –.

- Ồ, nhắc tôi?– Anh Trà nhìn lướt qua mấy gương mặt đang cười với anh –. Không hiểu … có gì …

- Định hôm nào mượn anh cuốn sách của Rơ-mác. – Nam nói –.  “Một thời để yêu …”, hình như anh cũng có?

- À! Tôi cũng tình cờ nhặt được của mấy bà ve chai, mang về gói kẹo bánh bán cho lũ nhóc ấy mà.

Lộc Biếc chưng hửng, nhưng ngay sau đó, cô đoán chắc anh Trà này giữ kẽ. Cô nghe Nam nói:

- Quá tiếc. Ngoài Bắc, trước bảy lăm cũng đã dịch Rơ-mác,  “Mặt trận miền tây không có gì lạ”.

Anh Trà khẽ giật mình. Thoáng nhìn anh Ruộng, anh nói:

- Gói quà vặt cho lũ nhóc còn có tiền, chứ để đọc, chỉ tổ mất tiền, ích gì!

Khoai mỉm cười. Mới hôm nào, trên xe về huyện Công, anh cựu đào binh này còn xót xa, da diết thế kia, giờ lại có giọng điệu quá tục dụng, muốn tầm thường hóa sự đời. Khoai hiểu cả anh Ruộng lẫn anh Trà, thấy họ đành phải xử sự với nhau trong cuộc sống hàng ngày như thế. Ngay cả Nam và chính cả Khoai, đối với ai đó, đều cũng phải thế thôi. Đâu dễ gì trải lòng ra với nhau được, nếu chưa thật hiểu nhau.

Nãy giờ, Nam không biết nói sao để lấy lại lòng bà Tặng. Nam hiểu, để vận động cách mạng, có người còn “cà răng, căng tai” (25), nữa là vàng mã … Không vì mục đích gì khác, ngoài sự tế nhị tối thiểu (anh cũng thấy điều đó ở Cam Ly qua vẻ ân hận, bối rối của cô), nên Nam không thể bỏ qua được cái cau mặt với nhát dao bập vào thớt ngỡ vô cớ của bà Tặng. Bà Tặng hẳn đang bực mình. Nam nói bừa, cố ý lớn tiếng, về điều mà mạch chuyện đã lướt qua từ lâu, như thể người từ cung trăng rơi xuống:

- Hoan hô tín ngưỡng dân gian!

- Trời đất, coi bộ say rồi hả ông tướng?– Lộc Biếc suýt cười thành tiếng nhưng cô lại kịp tự bưng miệng –.

- Say sơ sơ, đủ để giải mã tín ngưỡng của ông bà tổ tiên. Tôi không khẳng định có niết bàn, địa phủ hay không, tuy nhiên tôi thấy, như thể giáo cụ trực quan (mấy tuần nay giáo viên mình đang hì hục tìm kiếm, mày mò làm để tăng cường hiệu quả giáo dục, giáo dưỡng), ấy là vàng bạc, áo binh hàng mã này. Ngay bữa cỗ trên bàn thờ cũng thế. Tất cả là cho người đang sống, chứ không phải là cho người đã mất. Tất cả các thứ ấy là để dạy người sống chữ hiếu một cách hết sức cụ thể … – Nam nói một thôi dài, cố ý lớn giọng để chuộc lỗi với bà Tặng –.

Nam phấn khởi thật lòng khi thấy bà cười hả dạ.

- Tôi định nghĩa theo “nhà nghiên cứu” Nguyễn Trần Nam.– Lộc Biếc cười thành tiếng thật thoải mái –. Hiếu là chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ … Chăm lo tấm áo, manh quần, tiền bạc, xe cộ các thứ cho ông bà, cha mẹ, các chiến sĩ vô danh hi sinh vì Tổ quốc là hiếu, là nghĩa. Rất cụ thể. Không trừu tượng. Đó là mục đích, yêu cầu qua giáo cụ trực quan này. Tất cả trên bàn thờ đều là giáo cụ trực quan. Phải vậy không? Giản đơn mà thấm thía thật!

- Nam “đao to búa lớn” một cách hài hước:

- Cô phỗng tay trên công trình “châm cứu” của tôi mất rồi! Tôi xin giữ bản quyền rồi mà!

Dưới ánh đèn măng sông, tám nụ cười nãy giờ vẫn mở ra chưa tắt, cứ rộ lên rồi lại giữ mỉm.

- Nếu vậy thì hay quá. Chắc phải sắm một ít để về thuyết phục bà xã giáo dục cho lũ trẻ với cái mục đích, yêu cầu này!– Anh Ruộng nói –.

- Cái bằng “Dũng sĩ” của anh nữa. Cái đó cũng cụ thể, mặc dù thuộc phạm trù tinh thần.– Hoán nói –.

- Thôi. Cảm ơn. Nói chuyện gì khác đi mà.– Anh Ruộng cười –.

Bà Tặng rất hởi lòng hởi dạ, bưng tới thêm một dĩa thịt:

- Dĩa này xin kính biếu các thầy cô.

Anh Trà phá ra cười, mọi người cười ngặt nghẽo khi bà Tặng nói tiếp:

- Tôi cũng rất cụ thể!– Bà cũng cười rung cả vai –. Đâu phải cái gì cũng cách với lại mạng đâu!

Nam đẩy dĩa thịt lại góc bàn, phía bà Tặng:

- Nói vậy chứ … Xin cảm ơn cô. Chúng cháu vừa đủ rồi.

- Xin cứ mời. Các thầy cô cứ dùng thêm cho vui, “cây nhà lá vườn” cả mà. Thầy Nam với các thầy cô cứ thật tình cho.– Bà Tặng nói một cách chân thành, và lại bước ra bàn thái thịt sau vách gỗ –.

- Thật ra có ăn uống bao nhiêu đâu.– Huyện nói khi thấy thức ăn còn thừa nhiều, hai xị rượu, mỗi xị chỉ vơi lưng nửa –.

Cam Ly đã yên lòng, nói khẽ:

- Cảm ơn thầy Nam nhé. Đôi lúc buột miệng …

Nam cười, cũng nói khẽ:

- Tượng trưng thôi … Vàng mã ấy … Phải rất nghệ thuật!

Và trong óc Nam lại nảy ra một ý tưởng rất tếu, tếu là vỏ, còn ruột rất chân thật: tu sĩ Phật giáo cũng là  “cụ giáo trực quan”  (tấm gương sáng cho đạo hữu noi theo) đấy chứ. Nhưng Nam kịp tránh qua chuyện khác.

Lát sau, Khoai xin trả tiền tất, vì với tiền dạy phụ trội, lại không phải trừ phần trăm tập sự, lương anh cao nhất trường! Bà Tặng giãy nãy khi thấy dĩa thịt vẫn còn nguyên. Mọi người nói thật, không thể nhét vào đâu được nữa, bà mới chịu. Khoai cũng mừng khi thấy bà Tặng rất sòng phẳng bên cạnh tính bộc trực.

Chia tay anh Ruộng, anh Trà, sáu anh em bước trong gió đêm đã lạnh. Họ cơ chừng đã nghe bớt lạnh phần nào. Một vầng trăng non chênh chếch phía sau lưng, soi ánh sáng xanh nhòa trong sương loãng.

- Đúng là cả “một sàng khôn”, có điều không thể ăn hết.– Lộc Biếc nói –. Em vẫn còn rùng mình khi nhớ giáo cụ trực quan của đồng chí Quỳnh, thư kí Công đoàn! Chẳng hiểu sao ông ấy đóng góp cho bộ môn sinh vật của Lụa cả một cái sọ người thật! Kinh thật! Ổng định làm Hăm-lét (Hamlet) chắc!

Bất chợt Nam ngâm nga theo bước chân:

- anh cầm chi trên tay cái sọ trắng siêu hình

lải nhải lai nhai tồn tại hay không tồn tại

cả dân tộc bay lên cùng thời đại (26)

muốn sống ư? Chỉ có thể sống anh hùng!

Ba tiếng “Chế Lan Viên” của Nam lại buông nhanh trong đêm, kèm tiếng cười khẽ vui vui bởi kịp nhớ đúng lúc.

Sáu anh em lặng lẽ bước về nhà tập thể, với sự hưng phấn của niềm rung cảm trong ánh trăng.

- Chế Lan Viên tự đối thoại đấy.– Lộc Biếc nói, bỗng bằng giọng trầm ngâm, rơi vào suy tư theo bản tính vốn nhạy cảm với triết lí của cô –.

- Anh Trà cũng hay đó chứ,– Cam Ly nói bâng quơ –, thảo nào cô Xinh khá thân …

Mỗi người tiếp nối một ý nghĩ trên đường về.

 

18

 

Hai tháng nay, Nam đọc thấy trong đôi mắt bé Ngoan một điều gì đó làm anh băn khoăn. Nhiều lần, vào giờ ra chơi giữa buổi học, Nam giữ bé Ngoan lại để chuyện trò với ý định dò hỏi, tuy chỉ bằng những câu bâng quơ. Nam đã xem thành tích biểu bốn năm Ngoan học cấp một ở Quảng Ngãi, hỏi cô Phước, năm kia cô ấy dạy Ngoan, và cả cô Lụa, giáo viên chủ nhiệm lớp sáu năm ngoái, còn hỏi các giáo viên bộ môn nữa, để xem thử vì sao Ngoan học sút hẳn một cách khá đột ngột. Mới tháng đầu của năm học này thôi, Ngoan vui tươi, học khá tốt. Trong các tiết dạy, Nam thấy bàn tay với nét mặt rất tự tin của Ngoan, lúc xin phát biểu, ngay sau khi câu phát vấn của anh vừa dứt. Bây giờ, Ngoan lơ là, thảng hoặc lại xa xăm, bối rối, buồn rầu. Nam chẳng biết dùng một từ nào thật chính xác để gọi đúng tên tâm trạng Ngoan đang gặp phải. Anh cũng để ý đến vóc dáng của cô bé mới hơn mười hai tuổi. Nam hơi buồn cười vì sự tò mò của mình, nhưng không thể khác được. Đôi mắt sư phạm buộc anh phải tế nhị quan sát. Và qua chị Xinh, mẹ Ngoan, anh hiểu bé Ngoan chưa có biến đổi tâm sinh lí nào đáng kể. Có sự chênh lệch nào giữa tuổi tâm lí và tuổi sinh lí không?

Nam thấy những quan tâm của anh cũng chẳng đi đến đâu. Mớ kiến thức tâm lí giáo dục trong anh chỉ là các khái niệm. Nam mỉm cười nhớ một câu thơ của chính anh hồi đang theo đại học năm thứ hai:  “ngực dậy thì nứt áo hồn nhiên” (27). Câu thơ ấy Nam đã buột miệng lúc gặp em gái của một người bạn, lúc bạn ấy cùng Nam về quê thăm nhà. Tấm áo hồn nhiên của tuổi hồn nhiên nghèo khó! Có thể đó là áo đón tuổi của con nhà nghèo đã quá chật! Có điều, tuy với cảm quan thơ, Nam cũng không hiểu nổi cô bé học trò của anh, cô bé còn là bà con xa của anh nữa! Nam đành tự bảo, quan tâm cũng tổ vô ích! Tự bảo thế, Nam vẫn biết anh hãy còn chưa hết lòng với học trò. Nhưng học trò lớp Nam chủ nhiệm đến ba mươi hai em, trong đó có đến mười em là nữ! Là “kĩ sư tâm hồn”, Nam thấy để hiểu một cô bé mới mười hai tuổi đầu, khó biết bao, nữa là đến ba mươi hai em không ai giống ai với hoàn cảnh, môi trường riêng khác nhau! May cho Nam, lớp anh chủ nhiệm chỉ có Ngoan, Ka Tem hơi lạ, cả K’Bẻo, cần lưu tâm, và Qua, cậu bé rất thông minh trong các trò chơi lành mạnh cũng như nghịch phá, nhưng học quá kém, kể cả những môn không nặng tính hệ thống, đòi hỏi phải có căn bản ở các lớp dưới, như môn sử ở cấp cơ sở.

Quá mệt bởi nhiều việc, Nam đành cho rằng chính anh đã phức tạp hóa vấn đề. Anh toan buông xuôi, rồi lại áy náy.

- Mẹ dạo này cứ la mắng Ngoan phải không?– Một lần đã lâu, Nam hỏi –.

- Thưa thầy, không có …– Ngoan nói nhanh, và ngừng lại –.

- Ông bà nội với chú Hải mắng chứ gì?

- Dạ không.– Ngoan ngước lên nhìn thầy giáo, hơi ngạc nhiên –.

Rồi Ngoan chợt hiểu. Cô bé hơi nhợt nhạt sắc mặt, run giọng:

- Dạ có ạ. Dạo này em học hơi sút, từ hôm kiểm tra chất lượng …

Nam cố mỉm cười, nói từ tốn:

- Tại sao như vậy?

Ngoan lúng túng, úp mặt xuống bàn. Nam thấy vai cô bé rung lên trong tiếng khóc kìm lại.

Nam hiểu ra, cô giáo Xinh không quan tâm lắm việc học của con gái mình, ít ra là gần đây! Không, chỉ mới gần đây thôi! Hai tháng nay, Nam cũng thấy gương mặt xanh xao hơi sớm già của chị Xinh gầy hẳn, lại nhớn nhác lo âu.

Cách đây một tuần, trong khi cùng anh em tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở bàn ăn tập thể, chú ý nhìn Đồi Hương trình bày trên bảng đen những bài toán vui cấp một và giai thoại vui về các nhà toán học, Nam chợt thấy một gương mặt ló vào sau tiếng kẹt của cánh cửa. Có lẽ người đẩy khẽ không ngờ cửa lại kêu to đến vậy. Gương mặt ấy hốt hoảng rụt lại. Nam biết không ai khác hơn là Ngoan.

Nam vội bước ra, mở cửa, gọi nhỏ:

- Ngoan! Ngoan!

Cô bé đang bỏ chạy bỗng dưng sựng lại bởi tiếng gọi của thầy giáo. Nếu không phải tiếng gọi của thầy giáo Nam, có lẽ cô bé không thể đứng lại. Ngoan đứng lại vì nể sợ thầy chủ nhiệm, và vì lòng biết ơn sự quan tâm, mà Ngoan rất bứt rứt, của chính thầy giáo mình.

Dưới bóng trăng, cô bé òa khóc. Nam đành bảo Ngoan đợi đó, rồi vào căn nhà nam, bật lửa, châm đèn. Bước ra hàng hiên, Nam gọi khẽ:

- Ngoan! Em vào đây.

Ngoan sợ hãi như sắp bị phạt.

- Vào đây! Ngoan!– Nam cố dịu giọng –.

Khi cô bé ngồi xuống, cúi đầu, gỡ móng tay dẫu chẳng có gì để gỡ, Nam ôn tồn hỏi:

- Ngoan tìm mẹ phải không?

- Dạ.– Ngoan vẫn cúi gầm mặt, nấc lên –.

- Không phải mẹ bệnh hay bận việc gì sao?

Cô bé lắc đầu, cắn môi nén tiếng khóc. Ngoan nấc lên rồi khóc thành tiếng với một nỗi đau khổ kì lạ.

Nam không đủ kiên nhẫn để gạn hỏi nữa, sau rất nhiều câu hỏi của anh, Ngoan chẳng chịu trả lời. Nỗi đau khổ của cô bé mới mười hai tuổi đầu với sự im lặng tức tưởi khiến Nam vừa chua xót vừa bực mình. Vậy là chị Xinh đã bỏ buổi tự học tập thể tối nay!

Không thể tế nhị được nữa, Nam nói khẽ:

- Thầy hiểu lâu rồi. Chính ông Trà đã làm khổ mẹ con Ngoan phải không? Thầy là thầy giáo, là cậu họ của Ngoan, em hãy nói cho thầy rõ!– Nam làm như đã nắm rõ mọi điều –.

Cô bé im sững tiếng khóc thút thít, rồi lại gật đầu, bật khóc như rên rỉ bởi nỗi khổ đau em đang chịu đựng. Nam giật mình.

Nam rót cho cô học trò nhỏ một li nước. Bỗng Ngoan uống ực một hơi, đưa tay áo chùi miệng. Một tia lửa kì lạ trong mắt của cô bé chợt lóe lên. Nam sững sờ chờ phút giây Ngoan sẽ nói hết những gì đã giày xéo trái tim bé bỏng của cô bé, lại bất ngờ, cô bé nói nhanh vài lời xin phép rồi vụt chạy, không đợi Nam cho phép.

Nam nhìn theo chiếc bóng bé nhỏ của Ngoan trong ánh trăng sáng vằng vặc và lạnh buốt.

Nam đành vừa đi vừa chạy theo cô bé Ngoan. Khi thấy bóng cô bé bước vào bậc cửa sáng đèn, Nam ngần ngừ, rồi quay bước về lại với buổi tự học, tự bồi dưỡng đang dở dang. Một cảm giác vừa mừng, vừa buồn, vừa nhục nhã, vừa cảm thông khiến Nam bàng hoàng, ngẩn người.

Nam hiểu anh chưa đến nỗi như nhà toán học mừng rỡ đến phát cuồng, vì tìm ra một đáp số bí hiểm như Đồi Hương đang kể, cũng không phải như Ngoan, có thể đang đau lòng đến lịm người ở nhà, ngỡ cả đất trời đang vỡ vụn, nhầy nhụa thành bùn.

 

19

 

Ngoan nằm úp mặt trên gối, nước mắt cứ lặng lẽ trào ra. Đêm nay, cô bé muốn thức suốt. Hồi nãy, lúc ở nhà tập thể của thầy cô, sau cơn đau đớn, nhục nhã đến bàng hoàng khi phát hiện ra mẹ đã trốn học, cô bé suýt ngã nhào vào cánh cửa khép hờ. Có lẽ Ngoan vừa muốn nhìn cho rõ sự thật, vừa không làm chủ được bản thân mình, khi sự thật đã giáng cho cô bé một đòn muốn té úp. Lúc thầy Nam rót nước vào li, cô bé chợt hi vọng nước chè thật đậm, đậm đến đặc quánh như nội thường uống, để đêm nay Ngoan lại thức như hôm nào.

Trước ngày thi kiểm tra chất lượng nửa học kì, Ngoan dại dột uống một li nước chè đậm đặc để ôn bài, với hi vọng sẽ giành được điểm cao cho thầy giáo chủ nhiệm vui lòng. Không ngờ cô bé sau khi lên giường nằm bên mẹ, rúc vào nách mẹ xin mẹ đừng trách sao chả ngủ đúng giờ, lại cứ thao thức mãi. Nhắm mắt, vẫn tỉnh, rồi lơ mơ, lại tỉnh, Ngoan không cách nào ngủ say được. Ngoan mệt đến bần thần, cứ trở mình, khiến mẹ càu nhàu, vuốt lưng Ngoan, cho đến khi mẹ ngủ thiếp. Đêm khuya, những tiếng động của cây lá rõ đến rợn người. Cô bé co rúm trong chăn, bỗng nghe mẹ ú ớ, quờ tay, rồi thốt lên thì thầm, tha thiết: “Anh Trà! Anh Trà! Em yêu mà …”. Ngoan sửng sốt. Ngoan muốn hét to, khóc lớn cho hả. Nhưng Ngoan mệt quá, nỗi đau xót khiến cô bé nghẹn tắc. Mẹ cô bé lại nói như khóc trong cơn mê sảng với âm sắc da diết, van vỉ: “Anh Trà! Anh Trà! Anh nghĩ lại giùm …”. Ngoan nằm im, mong có thể chết đi lúc ấy.

Sáng sớm, được mẹ đánh thức, cô bé tự hỏi sao không chết trong nỗi mệt lả người với nỗi đau nhường ấy.

Ngoan đến trường với mẹ, những mong đêm qua cô bé Ngoan mồ côi cha chỉ gặp ác mộng. Song cô bé tự biết không thể là mộng mị được. Và bài kiểm tra chất lượng chỉ là trang giấy nguệch ngoạc sai bét. Rồi tiếp đến là những ngày u uất, bơ thờ, lơ đễnh.

Ngoan không dám hỏi mẹ cho ra lẽ, cũng chẳng hé môi cho ông bà nội lẫn chú Hải rõ. Ngoan đọc thấy tội lỗi trên gương mặt vốn đã xanh xao kinh niên của mẹ.

Rõ ràng mẹ Ngoan đã không còn chung thủy một lòng với cha Ngoan rồi! Hình ảnh của cha trên bàn thờ vẫn còn đó. Một cảm giác ghê tởm, lờm lợm, khi nhìn mẹ thắp hương, lâm râm khấn niệm, hay lúc thấy mẹ ngửa cổ nhăn nhó nuốt bát nước hà thủ ô, đã dấy lên trong Ngoan. Ngoan không cách nào theo mẹ vào rẫy đào đất rất sâu để moi củ hà thủ ô được nữa. Càng thương cha, Ngoan càng muốn mẹ đừng bao giờ hồng lại làn da như trước. Ngoan chẳng hiểu vì sao cô bé Ngoan là mình lại căm hận đến độc ác với mẹ như thế. Ngoan cơ chừng phát sốt lên vì ghen tuông thay cha mình, những đêm mẹ vắng nhà, vắng tới lúc sắp đến giờ ngủ mới về! Nhưng trội lên vẫn là sự tủi nhục đến cay đắng. Và không chỉ vậy.

Hai tháng rồi, trong tâm tư cô bé Ngoan mới mười hai tuổi đầu, mưa to, bão giật không ngớt. Ngoan không thể quên được đêm uống nước chè đậm đặc ấy, cũng không làm sao xóa bỏ nổi một buổi tối sau đêm ấy mười hai hôm. Buổi tối đó, trăng cao nguyên vẫn bao la ánh sáng, thứ ánh sáng trong vắt hòa tan trong bóng đêm và hơi sương lạnh. Ngoan quyết nhận rõ thực hư, lén đi theo mẹ. Mẹ bảo mẹ lên nhà tập thể giáo viên để tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoan không tin. Ngoan theo bước mẹ đi về cuối khu trung tâm, rồi cũng cách mẹ khoảng vài trăm mét, cô bé lại theo mẹ quay về đầu xóm, ngang qua nhà nội, với sự phập phồng, hồi hộp đến thắt tim. Ngoan biết mẹ đánh lạc sự chú ý của mọi người, trước khi đến nhà ông Trà bằng một lối tắt. Quả thật như thế. Ông Trà đã đóng cửa quán, đang thắp ngọn đèn hột vịt trong căn nhà tranh cách quán một vạt dâu tằm. Ngoan run rẩy, sục sôi căm giận khi nép mình trên thềm đất nhìn qua khe ván.

Ở mé giường, ông Trà ngồi bên mẹ, mỉm một nụ cười, Ngoan nhận thấy quá đểu cáng.

- Xinh lại đến với anh. Cảm ơn Xinh.

Trong ánh đèn mờ, bấc đèn nhọn búp lửa như hạt bí, gương mặt mẹ Ngoan không còn vẻ xanh xao của bệnh thiếu máu. Ngoan nóng cả người khi thấy bỗng dưng mẹ quá đĩ thõa, ngước nhìn ông Trà với vẻ e thẹn, say đắm. Cô giáo đó sao!

- Anh Trà nhớ Xinh không?– Mẹ nũng nịu! –.

Ông Trà gật đầu:

- Nhớ, nhớ nhiều lắm.

Đôi mắt mẹ Ngoan mờ đi như rưng rưng. Ngoan thấy đôi mắt ấy long lanh, tình tứ rất đáng ghét, như người đàn bà lẳng lơ bị cả làng phỉ nhổ, trong một bộ phim nào đội lưu động về chiếu năm ngoái, như Tào Thị trong truyện Phạm Công – Cúc Hoa nội thường kể cho Ngoan nghe. Ngoan bủn rủn cả người khi nghĩ mình còn đáng thương hơn cả Nghi Xuân, Tấn Lực!

- Vậy là chúng mình đến với nhau cả năm trời rồi. Sao anh Trà … Anh Trà không thương Xinh sao?

Ông Trà quàng một tay qua cổ mẹ Ngoan, tay kia áp vào má, khẽ day mặt mẹ Ngoan lại. Ông Trà cúi xuống. Ngoan muốn hét to lên, song cô bé nhắm chặt mắt, rồi ù té chạy. Ngoan suýt vấp vào tấm biển đề ngữ “Sơn sửa xe đạp” trên hai thanh gỗ chôn bên lề đường.

Ngoan thảng thốt, ràn rụa nước mắt. Ngoan chạy, chạy mãi, không biết chạy về đâu. Không thể về với nội! Mộ cha Ngoan ở tít ngoài Quảng Ngãi, làm sao Ngoan về!

Bóng trăng chợt mênh mông, rợn lạnh.

Ngoan chạy, rồi bước chậm xuống tận cuối khu trung tâm. Cô bé chợt nhớ đến cậu – thầy Nam. Nhưng không. Không thể. Không nói với ai hết, phải tự nuốt sự phẫn hận, nỗi tủi nhục, niềm tan vỡ trước người mẹ kính yêu bỗng chốc trở thành đĩ thõa, lăng loàn. Ngoan chạy tiếp, lại bước chậm xuống xóm cuối, một xóm có vườn tược như xóm Ngoan, định lần mò theo triền dốc bên này suối đá để tới chiếc cầu treo nối đường vào rừng.

Nước suối lấp loáng trăng, mài mòn lòng đá, róc rách, róc rách. Cầu treo dưới ánh trăng như thể đu đưa.

Ngoan chẳng biết đi đâu. Ngoan không có ý định lên cầu treo để nhảy xuống suối đá. Không. Cô Lụa năm ngoái có bảo, tự tử là hèn nhát, là đầu hàng hoàn cảnh. Sao chân Ngoan lại chạy đến đây như ma quỷ dẫn đường?! Khói đá, hơi nước tỏa lên lạnh buốt. Ngoan rùng mình. Ngoan níu tay vào một gốc dâu tằm trên triền đất bên cạnh, và bấm chân xuống đất. Ngoan bỗng sợ té ngã trên đường mòn nghiêng dốc này. Ngoan chẳng hiểu sao mình lại liều lĩnh đến thế. Ban ngày, đi lối dốc này còn sợ kia mà.

Ngoan bỗng cẩn thận tìm đường về thật ngắn. Băng qua triền dâu có lẽ chắc chắn nhất, nhỡ trượt chân còn có dâu để níu. Ngoan leo lên triền đất, bước, bước, mê mải. Lá dâu đẫm sương, lấp lánh, quẹt sương vào mặt, vào cổ cô bé.

Ngang qua nhà tập thể giáo viên, Ngoan bỗng muốn ghé vào. Ngoan bước vào, rồi đứng bên hàng rào, suýt lọt chân xuống hố đất trồng su su có điều chẳng thấy su su đâu. Đèn vẫn sáng, các thầy cô còn làm việc, tuy cửa đã khép vì khuya lạnh.

Ngoan muốn nói hết với thầy chủ nhiệm. Nhưng, không, không bao giờ hé môi. Ngoan gọi thầm, thầy ơi, và khóc với hai hàm răng cắn chặt môi, rồi vụt bỏ chạy, sợ tiếng khóc đánh động thầy cô. Ngoan chạy như ma đuổi. Sương ướt cả vai áo. Đôi chân trong dép nhựa ướt sướng nhớp nháp bùn đất.

Ngoan chợt muốn hét lên vì cặp chó nhà nào với nhà nào đang vờn nhau dưới trăng, bỗng sủa lên inh ỏi. Đang chạy, Ngoan phải chậm chân lại. Không nhà nào mở cửa khi trời mới sụp tối, nữa là lúc này. Bản năng tự vệ buộc Ngoan phải bình tĩnh. Trước sự đe dọa của chó, phải rất bình tĩnh. Vâng, phải bình tĩnh, đừng hốt hoảng. Ngoan bước chậm như người vô cùng thanh thản. Cô bé cúi xuống định vớ cái roi dâu ai vứt trên đường. Cũng không. Đừng để chó ngỡ mình tấn công. Cặp chó ngơ ngác lại vờn nhau dưới trăng. Bất giác, Ngoan nhổ một bãi nước bọt. Tuy nhiên, phải bình tĩnh.

Ồ, phải bình tĩnh. Đúng rồi, phải bình tĩnh. Phải bằng mọi cách giành lại mẹ cho cha. Mẹ phải về lại với gia đình nội trọn vẹn. Phải dũng cảm như Kim Đồng. Anh Kim Đồng ơi … Nhưng sao lại có Kim Đồng trong chuyện này! Ồ đúng rồi, cô Lụa bảo em bé nào cũng là Kim Đồng trong bất kì tình huống nào, ngay trong từng việc nhỏ của kế hoạch nhỏ. Lượm giấy vụn cũng Kim Đồng cơ mà, nữa là giành lại mẹ cho cha, cho chính Ngoan, cho ông bà nội và chú Hải. Mẹ phải là mẹ đảm, dâu ngoan, chị tốt!

Ngoan lại bật khóc, muốn chạy trốn, khi thấy bóng mẹ với chú Hải đang hớt hải đi tìm Ngoan. Tuy nhiên lúc này Ngoan không còn cách nào khác hơn là hi vọng mẹ vẫn lại là mẹ. Mẹ lại là mẹ như năm nào, phải không, mẹ ơi … Mẹ khóc kìa, còn chú Hải vừa cáu vừa mừng rỡ vì tìm gặp được Ngoan. Cô bé bỗng nắm lấy tay chú Hải như kéo riêng chú về nhà, muốn bỏ mặc mẹ một mình trong đêm. Chú Hải giật tay lại, không hiểu gì cả, mắng Ngoan phát khùng!

Sau đêm đó, Ngoan cảm sốt mất hai hôm. Ngoan uống thuốc giỏi hơn bao giờ, để chóng lành bệnh. Ngoan biết mình phải làm gì.

Nhưng có làm được gì đâu với mẹ!

Tối nay, mẹ lại trốn học rồi!

Ngoan những muốn thức suốt đêm nay, khi còn ngồi ở nhà tập thể với thầy Nam. Song có lẽ đó không phải nước chè đậm đặc. Lúc ực một hơi, Ngoan đâu biết nước gì. Chắc là nước hà thủ ô hay râu bắp gì đó thôi. Ngoan nhớ là đã thấy màu nâu sậm của chè buồm mà.

Ngoan mệt mỏi rã rời, nhướng mí mắt lên, cố nhướng, lại nhắm mắt thiếp đi. Hình như nội có đến sờ trán Ngoan và đắp chăn cho cô bé. Ngoan lơ mơ rồi chìm sâu vào giấc ngủ trẻ thơ, mới mười hai tuổi đầu!

 

20

 

Từ hôm trót gật đầu trước câu hỏi của thầy Nam ở nhà tập thể giáo viên, Ngoan hối hận quá. Lẽ ra, Ngoan không hé môi, chả bày tỏ một cử chỉ nào xác nhận tội lỗi của mẹ, cho dẫu với bất kì ai đi nữa. Ông bà nội và cả chú Hải cũng chưa hay biết, chỉ thấy mẹ con Ngoan dạo này có khác đi, rồi ai cũng bận trồng dâu nuôi tằm, chăm sóc các vạt đất hoa màu ở lũng thấp, đâu nghĩ gì khác hơn. Ngay cả cô giáo Xinh cũng chỉ mơ hồ thấy con gái có hơi lạ, nhưng cũng cho là sắp đến tuổi nhổ giò, tuy chưa thấy dấu hiệu cơ thể nào khác hơn núm vú trái cau đã có trái tràm từ năm ngoái. Song dần dần cô giáo Xinh cũng bắt đầu hiểu dù chưa đoan chắc.

Từ buổi theo sát bóng mẹ đến nhà ông Trà, rồi đi lang thang vì căm phẫn, nhục nhã, tan vỡ hình ảnh bấy lâu về mẹ, Ngoan cố tìm mọi cách để đưa tâm hồn của mẹ về lại với cha, tuy cha đã mất. Trong những chuyện cổ tích nội ông, nội bà kể, người chết đi, linh hồn vẫn còn, và chết càng trẻ như cha Ngoan, linh hồn càng vưởng vất trong nhà để chăm sóc, vỗ về, bảo ban con cái. Ngoan không rõ. Sao cầu nguyện bao lần để được gặp cha lúc Ngoan thức, cha vẫn không về! Còn trong giấc mơ, thỉnh thoảng được trò chuyện với cha, nhưng thằng Qua cùng lớp có chết đâu vẫn hiện ra trong giấc mơ của Ngoan với các trò chơi quậy phá đáng ghét của nó, cả ông Trà độc ác, đểu cáng, lừa bịp mẹ nữa, đã chết đâu, sao cũng có trong giấc mơ của Ngoan! Dẫu sao, Ngoan vẫn quyết giành lại mẹ cho cha, giành lại mẹ cho gia đình Ngoan, và quan trọng nhất, mẹ hãy mãi là mẹ nguyên vẹn của cha Ngoan như thuở cha còn sống.

Ngoan bỗng chăm thắp hương cho cha, lau dọn bàn thờ, khung ảnh cha sạch bóng, cả những lư hương thờ ông cố, bà cố nữa. Ngoan cố ý làm cho mẹ thấy để nhắc nhở mẹ về truyền thống gia phong như nội dạy Ngoan.

Cô giáo Xinh nhiều lần thấy thế, chẳng hiểu vì sao. Cô Xinh chưa hiểu, nên rất xúc động.

- Ngoan dạo này hiếu quá. Mẹ thương nhiều đó nghe!

Ngoan im lặng, quắc mắt, vẫn không nhìn mặt mẹ.

Cô Xinh mơ hồ hiểu ra, giật mình, chột dạ.

Một buổi tối, cô Xinh suýt giật thót người khi Ngoan đem chiếc khăn tay đã cũ ra ngồi thêu, chỉ thêu lại màu đen, vì các loại chỉ màu khác chẳng biết tìm đâu. Trên nền vuông khăn trắng, có bốn chữ màu bút chì: “Tiết hạnh khả phong”, chữ “Tiết”đang được thêu dở dang. Cô giáo Xinh hoảng hốt nhìn cha mẹ chồng với chú Hải đang chuyện vãn. Lạnh toát, bối rối. Có lẽ nào mọi việc đã phơi bày? Cô giá Xinh run run níu mép bàn đứng dậy, vào giường nằm, gác tay lên trán, nén tiếng thở dài. Mới mười hai tuổi đầu, Ngoan đã đáo để đến vậy sao! Có ai mớm ý cho nó chăng?

Sáng hôm sau, Ngoan lại đặt vuông khăn thêu xong lên bàn thờ, lấy lư nhang đằn lại một cạnh để khăn khỏi bay. Cô giáo Xinh sực nhớ, lâu lắm rồi, cô có kể cho Ngoan chuyện tích xưa về người quả phụ thủ tiết thờ chồng nuôi con, được vua ban tặng bốn chữ vàng “Tiết hạnh khả phong”; về sau, thời thế đổi thay, bị quan huyện ép cưới, đã dùng dao tự sát trước bàn thờ. Cô giáo Xinh đâu ngờ Ngoan còn nhớ! Nhục nhã, bởi trước hết, cô đã phản bội chính cô. Ngày cô kể ấy, cha Ngoan đã chết vì bệnh ở nhà thương Quảng Ngãi được bốn năm, Ngoan mới bảy tuổi! Và sau buổi sáng xuất hiện vuông khăn “Tiết hạnh khả phong”, cô giáo Xinh bỗng gầy sút, bơ phờ, hốc hác hẳn.

Cô giáo Xinh chờ sự chửi rủa của cha mẹ chồng, hình dung ngày phải cắp nón ra đi, bỏ lại Ngoan cho ông bà, mà chẳng biết đi đâu! Giấc ngủ cô giáo Xinh không yên, thỉnh hoảng mở mắt sau cái giật mình, ú ớ.

Cô chẳng ngờ con gái cô lại giáng lên trái tim tội nghiệp mới ba mươi hai tuổi của cô những đòn cân não đau đớn vậy. Chú Hải, ông bà nội biết hết rồi sao?

Sáng sớm tuần trước, Ngoan đánh răng xong, chợt la lớn ai đã đập vỡ lư hương với ba đầu rau bằng đất nung trên bếp. Cô giáo Xinh mới nấu nước hồi sớm, thấy vẫn còn nguyên, sao lạ thế. Đang chải lại tóc, chuẩn bị đến trường, cô bước nhanh xuống, với cả ông bà nội, chú Hải. Không thể mèo nhà ai nhảy làm đổ được. Chạm nền đất, lư hương và ba đầu rau không thể vỡ vụn thế, dù có đổ!

- Ai làm vỡ?– Ông nội cau mày –.

- Cháu không biết.– Ngoan đáp –.

- Con cũng không rõ, ba mẹ à.– Cô giáo Xinh thưa khẽ, ngồi thụp xuống nhặt –.

Ông nội lên bàn thờ thắp nhang, khấn vái.

- Chắc điềm gì rồi đây.– Bà nội nhìn trời, chép miệng than –.

Cô Xinh muốn co rúm người lại bằng con giun, nhưng cố giữ vẻ bình thường, đến góc bếp cầm chổi.

Khi chú Hải và bà nội lên nhà trên, chỉ còn mẹ con Ngoan, cô giáo Xinh bỗng đâm ra rụt rè trước đứa con mới học lớp bảy của mình, không hỏi có phải Ngoan đập vỡ không.

- Đàn bà hai chồng mà thờ với cúng!– Ngoan bỗng chua ngoa đến kinh ngạc –.

Cô giáo Xinh rụng rời, đứng tựa vào phên tranh. Cô hoảng hốt biết lưng áo đã dính đầy khói bồ hóng. Đứng sững một lúc, khi thấy bóng con gái ra ngõ với bao ni lông đựng sách vở, cô mới vội lên nhà, thay áo để đến trường.

Cô giáo Xinh không thể ngờ con gái bé bỏng, mười hai tuổi ngoài đời, với một tuổi trong lòng cô, lại đáng sợ đến thế. Chi đội trưởng của lớp bảy – chi đội Sống Như Anh (28) – của cô Lụa và thầy Nam đấy! Cũng không hoàn toàn do vậy. Thầy Nam mới về trường, gần đây còn không biết vì sao Ngoan thay đổi đột ngột, đã hỏi cô, và cô cũng nói chả có gì cho xong việc.

Trên đường đến trường, cô giáo Xinh đau đớn nhớ lại, cách đó mấy hôm, cũng trên đường hai mẹ con đến trường, Ngoan nói:

- Mẹ ơi, hồi hôm con nằm mơ thấy cha.

- Vậy à? Cha nói gì không?– Cô Xinh vuốt tóc con –.

- Cha bảo mẹ đừng lấy chồng, nhất là đừng tư tình kiểu lén lút, lăng loàn.– Ngoan nặng lời –.

Cô Xinh sững bước, còn Ngoan nhanh bước.

Cô Xinh nhớ và buồn tủi biết bao. Biết nói làm sao cho con gái bé bỏng của cô hiểu! Chính cô, cô cũng chẳng thể nào hiểu trái tim bùng cháy, khát khao, mê muội ba mươi hai tuổi của cô! Cô giáo Xinh chợt thấy mình cúi gầm trên đường đi. Cô giật mình, gắng ngẩng mặt bình thường để bước.

Ngoan đã đến lớp, ngồi gục mặt trên bàn, mặc tiếng cười đùa, nghịch ngợm vô tư của lũ bạn trai.

- Ngoan bị bệnh hay sao vậy?– Một người bạn gái hỏi –.

- Ừ.– Ngoan đáp –.

Ngoan nhớ ba đầu rau vỡ, lư hương vỡ, chẳng hiểu vì sao Ngoan lại cả gan trút hết phẫn nộ, nhục nhã vào đó. Cô bé bỗng thấy thấm thía nỗi sợ hãi. Ngoan không ngờ đã dám dằn mặt mẹ như vậy. Ngoan táo tợn đến vậy sao. Ngoan vẫn thấy Ngoan đúng, tuy đã ân hận.

Chuyện cả gan, táo tợn ấy đã xảy ra cách đây một tuần, và mới hai hôm đây thôi, Ngoan đã gật đầu xác nhận trước câu gạn hỏi của thầy Nam. Lúc này, ngẫm nghĩ, cô bé thấy hết cách lay chuyển được mẹ. Mẹ còn dối nhà, trốn học! Ngoan biết làm sao bây giờ! Ngoan thấy Ngoan mồ côi cả cha lẫn mẹ thật rồi.

mồ côi cha ăn cơm với cá

mồ côi mẹ liếm lá đầu đường!

Cũng không phải trách mẹ, trách trời?

trời mưa bong bóng phập phồng

mẹ đi lấy chồng, con ở với ai!

Có phải lời trách cay đắng đó không? Những bong bóng âu lo, hồi hộp, sợ hãi, thoắt hiện thoắt vỡ … Ngoan rùng mình. Và Ngoan chợt tỉnh lại, thấy mình đã vẩn vơ suy nghĩ đến dở hơi. Không. Không có gì cả đâu. Ngoan chỉ muốn mẹ mãi là mẹ, vẹn nguyên của cha, của Ngoan, của ông bà nội và chú Hải như thuở nào. Mẹ đừng lầm lỡ, nhuốm bùn tội lỗi như Ngoan đã thấy nữa. Ngoan không muốn mẹ tự sát trong Ngoan, trong mắt mọi người bằng cách đó! Nhưng Ngoan thấy chẳng còn cách nào để cứu mẹ. Chẳng có ông bụt nào hiện ra, hỏi vì sao Ngoan khóc!

Ngoan gục mặt, khi ôm đầu gối trên bậu cửa, khi đứng tựa vách nhà, khi ngồi trước trang sách, cả khi đi trên đường, tự hỏi, mình có vô lễ, bất hiếu với mẹ không, Ngoan có còn là Ngoan không! Bao lần nước mắt Ngoan chảy ràn rụa. Có ai cứu được mẹ cho Ngoan không. Nói với nội, với chú Hải, biết đâu sẽ to chuyện, vỡ lỡ. Kể hết với thầy Nam – cậu Nam – để thầy cứu mẹ chăng? Không. Không cứu được đâu. Ngoan chỉ muốn chạy tới nói với thầy Nam, cái gật đầu hôm kia chỉ do Ngoan gật bừa.

Ngoan bao lần chảy nước mắt khi chạnh nghĩ, thế là mẹ như đã chết, Ngoan mất hẳn mẹ rồi, và rồi hai nội sẽ già, sẽ không còn nữa trên đời, chú Hải rồi cũng lấy vợ, Ngoan sẽ bơ vơ lúc chưa trưởng thành. Ngoan bao lần nghĩ thế, khóc tức tưởi, cố giấu nước mắt và cả tiếng khóc.

Ngoan chợt thấy lóe lên trong óc một tia sáng: ngay từ bây giờ Ngoan phải tự cứu lấy số phận Ngoan. Đừng mong cứu mẹ nữa, hãy cứu lấy đứa trẻ mồ côi là chính mình. Phải học! Phải kiên quyết khai trừ mẹ ra khỏi dòng họ, khỏi trái tim Ngoan. Phải khai trừ mẹ, hãy tự cứu lấy số phận mình. Ngoan cứ luẩn quẩn với ý tưởng đó! Ngoan nghe đầu óc Ngoan xoáy tít, trái tim bé bỏng của Ngoan bị ném từ cầu treo xuống suối đá, tan nát. Ngoan không thể là anh Kim Đồng, tuy chỉ giành mẹ lại, để mẹ mãi là mẹ, cô Lụa ơi. Ngoan bỗng sợ hãi, bởi Ngoan đã dám đập vỡ lư hương của hai ông Táo và một bà Táo, đập vỡ cả ba đầu rau, hình tượng của họ. Táo quân vào cuối tháng chạp sẽ lên tâu với Ngọc hoàng, Ngọc hoàng sẽ sai Thiên lôi đánh sấm sét xuống mái nhà của Ngoan, mọi người trong nhà sẽ thành tro bụi! Ngoan rùng mình. Cũng sắp đến ngày hai mươi ba tháng chạp rồi. Ngoan hối hận quá. Ngoan cũng tự nghĩ, luật nhà Trời cho phép mẹ có hai chồng sao? Ngoan cắn răng: Thì mặc nhà Trời, mặc mẹ! Ngoan bất giác khinh Trời, khinh mẹ quá thể. Ngoan quên phắt Ngoan chỉ mới mười hai tuổi. Mười hai tuổi, Ngoan làm sao giải mã được hình tượng Bếp lửa điển tích, làm sao hiểu được trái tim người đàn bà chỉ mới ba mươi hai tuổi!

Ngoan sực nhớ một câu ca dao:

dù ai nói ngả nói nghiêng

lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân!

Lại còn thế nữa cơ chứ! Bếp lửa bừng bừng dục vọng lăng loàn, chẳng chính chuyên duy nhất! Không thể được, nhà Trời ạ. Ngoan khinh bỉ cả ca dao, khinh bỉ cả tín ngưỡng dân gian! Ai biện hộ, bao che, cho phép mẹ như thế, kể cả Trời, kể cả dân gian, đều là kẻ thù của Ngoan, vì mất mẹ là mất tất cả, cần gì! Ngoan phải hỏi cô Lụa – chị tổng phụ trách Liên chi đội. Nhưng cô Lụa đi Đà Lạt để được tập huấn thêm rồi. Vâng, Ngoan phải hỏi thầy Nam, cả cô Lộc Biếc nữa, mặc dầu cô Lộc Biếc không dạy lớp bảy. Vâng, Ngoan đã nổi loạn thật rồi!

Chẳng lẽ như thầy Nam đùa sao, Hoàng Thị Ngoan Ngoan với “ngoan” lấp láy, là hơi ngoan, chứ không phải điệp từ “ngoan, ngoan”, có nghĩa là rất ngoan?!

 

21

 

Ngoan thấy thầy Nam đang ngồi làm thơ trong căn nhà nam. Đôi mắt thầy xa xăm, thỉnh thoảng mới viết thêm một dòng, rồi gạch, xóa, lật qua trang khác, hình như chép lại khổ thơ mới viết. Ngoan đi qua sân, vờ như xuống trường. Nhưng xuống đó làm gì vào buổi chiều. Ngoan quay bước, định về nhà. Ngoan chợt thấy thầy Khoai từ khu trung tâm bước vào sân, tay cầm gói thuốc lào có lẽ mới mua ở ngoài quán. Ngoan vòng tay, lí nhí:

- Thưa thầy.

- À, Ngoan. Thầy Nam đang đợi em đấy.

- Dạ.– Ngoan nhìn vào –. Thầy Nam đang bận.

- Cứ vào đây.– Khoai nói –.

Ngoan đứng ngoài hàng hiên, hơi bối rối. Cô bé không biết thầy chủ nhiệm muốn nói chuyện gì, và có nên hỏi thầy về Táo quân không. Nam xếp lại cuốn vở, bước ra cửa:

- Ra chái đầu hồi đi Ngoan.

Khi thầy trò đã ngồi đối diện nhau, Ngoan hơi cúi đầu, chờ đợi.

- Ngoan! Chiều nay tôi muốn gặp em, xem thử có giúp được gì em không. Thi học kì một đến nơi rồi, vào đầu tuần sau, như em đã biết. Em học hơi sút, nay có khá hơn, đã năng động trở lại ở các tiết học của các môn. Thầy rất mừng. Phải phấn đấu thêm để kết quả thi học kì đạt ít ra như năm ngoái. Nhớ nhé.

- Dạ.– Ngoan ngẩng mặt –.

- Ngoan là lớp phó học tập, kiêm chi đội trưởng. Em có nhớ điều đó không? Phải gương mẫu, để điểm thi đua, chất lượng học tập của lớp khá hơn.

- Dạ.– Cô bé hơi ngượng, bỗng buồn hẳn –.

Nam nhìn ra ngoài nắng, ngập ngừng, rồi nói:

- Có một điều thầy rất băn khoăn. Thật ra, chuyện riêng của gia đình em, thầy không muốn xen vào. Nhưng em hiểu đó, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, cũng là anh chị phụ trách, cần phải kết hợp với gia đình trên mọi phương diện. Tất cả cũng vì các em.– Nam thấy anh hơi nặng nề, nên ngừng lại –. Ngoan, tại sao em gật đầu xác nhận, nguyên nhân sức học em giảm sút, do sự tìm hiểu giữa mẹ và ông Trà, rồi lại bảo là không phải?

Ngoan cúi đầu, nhìn mặt bàn.

- Em hãy trả lời cho thầy đi Ngoan.– Nam giục –.

Ngoan lúng túng:

- Thưa thầy …

- Em hãy tin ở thầy. Có nhiều vướng mắc, bất kì tuổi nào cũng rất khó tự giải quyết. Em biết không, ở tuổi tám mươi, người ta vẫn còn phải được tư vấn bởi bạn bè, các chuyên gia. Thầy cũng có lắm vấn đề vướng mắc về việc chọn ngành học hồi mới bước vào lứa tuổi sinh viên, suýt làm hỏng cả cuộc đời,– Nam thấy cần phải cụ thể hơn nữa với Ngoan –, nhưng … Này Ngoan! Phải cần làm rõ các vướng mắc để yên tâm, say mê học tập và tu dưỡng. Đừng cạn nghĩ, để rồi không cứu vãn được đâu.– Nam thấy anh còn trừu tượng quá, đâm bực mình với chính mình –.

Ngoan vẫn ngồi im lặng.

- Em không hiểu tôi nói gì sao hở Ngoan?– Nam nói, hơi cau mày, suy nghĩ tìm cách dẫn dắt mạch chuyện cho cô bé bộc bạch hết những vướng mắc, những gì giày vò cô bé –.

- Dạ, thưa thầy, em hiểu chứ. Nhưng …– Ngoan lại im lặng, ngước lên nhìn thầy giáo rồi lại cúi mặt –.

Sau một lúc trầm ngâm, anh thấy phải nói cho cô bé Ngoan hiểu, trải lòng ra là cần thiết, chẳng có gì đáng ngại.

- Để tôi kể truyện tình của tôi cho em nghe.– Nam cười –.

Ngoan mở tròn đôi mắt nhìn thầy. Cô bé hoàn toàn ngơ ngác.

- Đây là chuyện thầm kín, rất riêng tư.– Nam hư cấu như đang sáng tác truyện ngắn –. Trước khi ra trường, đi dạy học, tôi cũng đã có một người yêu. Cô ấy học cùng trường, sau tôi một khóa, nhưng khác khoa. Hai chúng tôi đã tìm hiểu nhau rất lâu trước khi yêu nhau. Khi yêu, lại vẫn tìm hiểu nhau để đi đến việc lập gia đình, thành chồng thành vợ. Em vẫn còn quá bé để hiểu việc người lớn, nhưng khó thay, việc người lớn lại ảnh hưởng đến em.– Nam bỗng đi thẳng vào chuyện –. Việc ông Trà và mẹ em tìm hiểu nhau có gì là lạ. Mẹ có quyền tái giá, nghĩa là có quyền lấy chồng lại … Tìm hiểu là việc bình thường …

Ngoan gục mặt xuống mặt bàn, khóc kinh hoàng, tiếng khóc rất lớn, rung cả hai vai. Khoai hốt hoảng chạy ra. Nam liền đưa tay ngăn lại. Khoai ngơ ngác rồi quay vào.

- Ngoan!– Nam đợi cô bé dịu lại –. Còn ông Trà, tôi đã tìm hiểu. Ông ấy đã có vợ con, nhưng họ đã di tản sang Mỹ. Chẳng bao giờ có thể gặp lại nhau.– Nam cố đùa –. Họ đã sang “bên kia thế giới”, hiểu như đã chết, trong bối cảnh lịch sử hiện nay.– Nam chợt hẫng vì thấy học trò anh không cười –. Ngoan này, ông ấy có quyền tục huyền, nghĩa là lấy vợ lại. Đó là chuyện bình thường tự nghìn xưa. Sao em lại buồn vì chuyện đó?

Ngoan lắc đầu như lăn đầu trên hai cườm tay:

- Không! Không thể như vậy!– Cô bé quyết liệt –.

Bỗng Ngoan như rít lên, với một nỗi khổ nhục ghê gớm:

- Như Táo quân là lăng loàn! Nội em vẫn dạy em, cả mẹ em cũng dạy em, phải “tiết hạnh khả phong”, phải “tứ đức, tam tòng”. Mẹ em không thể như vậy được. Em nhục lắm thầy ơi! Sao thầy còn nói thế! Ông nội, bà nội em, và cả chú Hải, sẽ bị nhục.– Ngẩng mặt lên, cô bé nói, rồi lại gục mặt xuống –.

Nam giật mình:

- Em có thật hiểu các chữ đó không?

Ngoan gật đầu:

-  Thưa, dạ hiểu.– Giọng như hụt hơi vì mệt –.

- Em giải thích giúp thầy.– Nam ôn tồn kiểm tra học sinh của mình, sau một lúc –.

- Dạ, người nữ phải đức hạnh, cứng cỏi trước mọi cám dỗ, mọi quyền thế. “Tiết hạnh khả phong” là … là … tôn vinh tiết hạnh ạ, là … tiết nghĩa và hạnh kiểm tốt đẹp, chính chuyên, chung thủy ngay cả sau khi chồng qua đời …– Vì đang vận dụng óc suy nghĩ và theo thói quen khi được giáo viên phát vấn, cô bé ngỡ đang ngồi trong lớp –. Dạ … và “tứ đức” là công, dung, ngôn, hạnh. Còn “tam tòng” là nhỏ ở với cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết chỉ thờ chồng, nuôi con chứ không được lấy chồng khác. Thưa thầy … nội em bảo vậy.

Nam trắc nghiệm lại:

- Em không cho mẹ Xinh lấy dượng Trà sao?

- Không, thưa thầy.– Ngoan dứt khoát –.

Nam mỉm cười, bỗng thấy cảm mến Ngoan vô cùng:

- Em đúng là cán bộ lớp!

Ngoan nhoẻn miệng cười, gạt nước mắt còn đọng lại.

Nam đã buộc cô bé xác nhận nguyên nhân được rồi. Nam cố giấu nỗi mừng vì chắc chắn hiểu rõ cô bé, cả hai ông bà nội, và đã đưa được Ngoan vào trọng tâm. Nam cũng rõ đây là vấn đề cũ rích từ thời Tự Lực văn đoàn. Chiều nay là buổi chiều gần cuối năm một ngàn chín trăm bảy mươi tám, chứ không phải của “Lạnh lùng” (29) ở những năm của thập niên ba mươi thế kỉ này. Nam tự nhắc mình như vậy.

Nam cười:

- Biết đâu em sẽ sung túc, hạnh phúc hơn. Dượng Trà sẽ là người cha thứ hai rất tốt của em.

- Em tởm ông Trà và mẹ em.– Ngoan bỗng cứng rắn hẳn –.

Nam hơi giật mình bởi chữ “tởm” quá nặng nề, hơi vô lễ của Ngoan. Cô bé mười hai tuổi này xem ra đã căm hận sâu sắc.

- Tại sao lại “tởm”? Em dùng từ có chính xác không?

Ngoan bình tĩnh:

- Thưa thầy, đúng ạ.

Nam cứ muốn cô bé nói rõ, nhưng ngượng. Anh suy nghĩ rồi nói:

- Lúc nào người ta có cảm giác tởm? Đấy là khi đứng trước cái gì gớm guốc, thối tha, hoặc vô đạo đức, trái với văn hóa Việt Nam.– Nam lúng túng bởi cứ phải dùng các từ trừu tượng. Chẳng đặng đừng, Nam nói rõ –. Ông Trà và mẹ Xinh đã hôn hít nhau hay ăn nằm với nhau sao?– Nam nghiêm nét mặt khi nói –.

Cô bé ấp úng rồi thưa:

- Dạ, cả hai.– Ngoan gục mặt xuống hai cườm tay –.

Nhưng đã quá ngưỡng cảm xúc để khóc, cô bé như hóa đá!

Nam hốt hoảng thật sự. Anh hỏi khẽ:

- Thật không? Chính mắt em thấy?

- Chính mắt em đã thấy vài lần.– Giọng Ngoan lạnh tanh –.

- Thế thì không thể gọi là “tìm hiểu” nữa. Em tởm là đúng. Hôn hít nhau cũng đã là vô đạo đức. Em phải nhớ rõ điều này. Nhưng thôi. Cái chính là em. Em phải cố gắng học tập tu dưỡng cho dù người lớn đáng tởm. Con cái hơn cha mẹ là nhà có phúc.

Ngoan nhìn thầy, từ trạng thái vui mừng vì thầy nhất trí rằng Ngoan dùng chữ tởm là đúng, lại phải xịu mặt ngay với sự chán ngán, thất vọng bởi điều thầy bảo liền sau đó.

Tất cả khổ đau, tủi nhục từ nỗi tan vỡ hình ảnh về mẹ, Ngoan đã trút ra hết rồi. Cô bé bỗng trống rỗng, sững sờ. Thì đành vậy, câu tục ngữ thầy giáo mới nhắc, “con hơn cha [mẹ] là nhà có phúc”, vẫn là lời động viên có lí, cả về mặt đức hạnh. Trông Ngoan như một người già, một triết nhân buồn trơ, lúc này.

- Em định hỏi thầy và cô Lộc Biếc dạy ngữ văn, tại sao lại thờ Táo quân ạ?– Cô bé lại hỏi thầy giáo chủ nhiệm, sau một lúc im lặng –.

Nam hơi tự ái nghề nghiệp:

- Sao lại có cô Lộc Biếc ở đây? Thôi được, nếu cần, tôi sẽ nhờ cô Lộc Biếc, vì chuyên môn của cô là ngữ văn, trong đó có văn học, tư tưởng dân gian. Có điều, cô ấy đi họp Chi đoàn Thanh niên Cộng sản ở phòng học của lớp chín rồi.– Nam chỉ tay vào bảng công tác treo ở vách gỗ đầu hồi–.

Anh ngẫm nghĩ:

- Nhưng tôi có thể giải mã Táo quân giúp em. Em lắng nghe nhé. Thế này, đó là cả một bi kịch đau thương. Một người đàn bà đã có chồng, do hoàn cảnh, chồng phải một đường, vợ phải một ngả. Người đàn bà tái giá, cũng do hoàn cảnh riêng mà phải vậy. Gặp lại chồng cũ, tình xưa sống lại. Tất nhiên chỉ mời cơm nhau thôi. Và bi kịch xảy ra là bởi còn lưu luyến tình xưa nghĩa cũ. Kết thúc thế nào, Ngoan biết không? Cả ba người đều bị chết cháy trong đống rơm. Tuy vậy, có một điều rất quái lạ là: họ được nhà Trời phong làm Táo quân, nghĩa là Vua bếp. Tại sao như vậy? Cái kết thúc cả ba bị chết cháy là một lời cảnh cáo, răn dạy: không thể hai chồng một vợ được; đừng nên lưu luyến tình cũ nghĩa xưa, vì đã chia tay, dù do hoàn cảnh nào, cũng phải dứt tình khi có duyên mới. Rất rạch ròi. Em biết không, họ đã bị nung cháy bởi ngọn lửa trừng phạt đến muôn đời! Mỗi ngày họ bị tra tấn đến hai hoặc ba lần. Đó là một hình phạt khủng khiếp. Các bà nội trợ, các ông cấp dưỡng, mọi người ăn cơm nấu chín, uống nước đun sôi được nhắc nhở hàng ngày, hàng bữa.– Nam cười –. Ngoan thấy có kinh khủng và sâu sắc không? Vua bếp là tín ngưỡng thứ ba trong gia đình đó!

Ngoan sung sướng gật đầu lia lịa, cười cả mắt lẫn môi, nom rạng rỡ hẳn:

- Dạ, hay quá. Phải thế chứ! Em cảm ơn thầy.

- Nhưng tại sao lại được phong làm Táo quân, tam vị nhất thể, ba người chỉ là một người?– Nam mỉm cười hỏi –.

- Tại vì họ khổ quá, bị nung cháy bởi lửa trừng phạt đến muôn đời, thưa thầy.

- Một lẽ là vậy. Em suy nghĩ thêm đi.

Nam nhìn ra chuồng thỏ. Những cây sắn đã trổ lá xanh quanh chuồng. Qua những kẽ hở, Nam thấy các chú thỏ trắng, xám đang đùa nhau. Nam cũng không ngờ chiều nay lại phải nặn óc giải mã Vua bếp. Anh đang ngẫm nghĩ lại, bởi lắm khi phải vừa nói, vừa nghĩ tiếp. Lâu nay, Nam có nghĩ gì về Táo quân đâu, và cũng chẳng đọc ở đâu những gì anh vừa suy luận, vừa nói với Ngoan. Nam cũng mừng, bởi có lắm điều trực nhận hơi mơ hồ rồi mới đến được mức có thể gọi là thấu hiểu chính xác, sâu sắc, không khiên cưỡng, không tùy tiện. Nam cũng không muốn anh là cụ đồ nho cổ hủ.

- Vì sao họ vừa bị trừng phạt đến muôn đời, vừa được phong làm Vua bếp muôn đời?– Thầy Nam vừa hỏi vừa gợi ý để Ngoan trả lời, và anh hỏi tiếp –. Em có biết ngày ông Táo lên Trời không? Để làm gì?

- Vì họ khổ nhục đến thế! Họ bị nung lửa, bị bôi nhọ, lấm tro mãi mãi.– Ngoan chưa tìm được ý mới, chỉ phát triển thêm ý đã nói.– Và ngày ông Táo lên trời báo cáo là hai mươi ba tháng chạp.

- Lẽ ra người ta có thể quên đi ba vị ấy, cho dẫu họ đáng bị trừng phạt. Nhưng biến họ thành điển tích khổ đau đời đời như thế, cũng oan cho họ. Họ chỉ đáng thương thôi, nếu nghĩ cho cùng. Phong họ làm vua, tuy là Vua bếp, của mỗi nhà, mỗi nước, của cả thế giới, là an ủi họ, “trọng dụng” họ. Nhà Trời cũng cần hiểu rõ góc nhà, xó bếp trần gian (nồi cơm, niêu cá, sơn hào hải vị, nói chung là miếng ăn, bữa ăn, thể hiện rất nhiều điều). Đó là sự bù đắp, sự trọng dụng bên cạnh sự lợi dụng họ để răn đe, cảnh cáo nhân gian. Đó là bài học quá đỗi trực quan sinh động.

Nam lại ngẫm nghĩ. Anh hơi ngập ngừng:

- Dẫu sao, đó cũng chỉ là truyện cổ tích, là tín ngưỡng dân gian có ý nghĩa luân lí, xã hội. Thôi nhé. Bây giờ em phải nhớ rằng, mẹ có thể tái giá. Em có thể vì vậy mà bất hạnh hơn hoặc may mắn hơn … Có ba khả năng xảy ra, cho em, trong tương lai. Mẹ có quyền chọn lựa. Chọn lựa nào cũng có mất mát, được cái này, mất cái kia, khó trọn vẹn cả mọi điều. Một là, hạnh phúc cho mẹ, có thể là bất hạnh cho em. Hai là, bất hạnh của mẹ, có thể là hạnh phúc cho em. Bất hạnh của mẹ là mẹ không tái giá … Và thầy mong sẽ diễn ra khả năng thứ ba cho em và mẹ Xinh: cả em lẫn mẹ đều không ai bất hạnh cả. Em có thể được yêu thương, chăm sóc, bảo ban bởi ông Trà, nếu ông ấy là con người tốt, biết điều. Nhưng “tìm hiểu” kiểu ông Trà, em tởm là phải. Đó là sự bất chính, vô luân!– Nam ngừng lại, giọng bỗng buồn buồn –.Chỉ nhớ một điều thôi, Ngoan ạ: phải cố gắng học tập, tu dưỡng để nên người. Hãy phấn đấu, nỗ lực, để lớp bảy, chi đội Sống Như Anh được tiến bộ, đạt điểm thi đua cao. Nhớ nhé.

Ngoan lại úp mặt lên bàn, vẫn không muốn mẹ lại lấy chồng!

- Đừng úp mặt như thế, Ngoan! Bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải ngẩng mặt, nhìn về tương lai, – Nam nói –, và đừng khóc. Không bao giờ khóc. Chỉ có quyền khóc vì yêu thương thôi.

Ngoan ngẩng mặt, chống hai khuỷu tay, bóp trán. Thầy giáo Nam nhìn ra sân chiều đang rực nắng. Nam không biết nói gì nữa. Thật tâm, anh thấy hình tượng người mẹ trẻ góa chồng, không tơ tưởng tư tình, không tái giá, nguyện vẫn ở vậy đến già, nguyện suốt đời thay chồng hi sinh cho cha mẹ chồng, nhất là cho con rồi cho cháu, mãi mãi là hình tượng thủy chung, hi sinh cao đẹp nhất. Đó đâu phải chỉ là cái đẹp cổ điển của văn hiến quá khứ và chỉ là giá trị quá khứ! Thủy chung, hi sinh mãi mãi vẫn là những giá trị đáng kính trọng và mãi mãi còn thuộc về những thời đại trong tương lai. Nhưng sự thủy chung, hi sinh ấy phải xuất phát từ ý thức tự nguyện. Không ai có quyền bắt buộc người phụ nữ phải thủy chung tuyệt đối cả trong tâm tưởng lẫn trong đời sống thực tế với người chồng đã chết. Không ai có thể, cho dẫu bằng “áp lực” của phong tục tốt đẹp (“tiết hạnh khả phong”), bắt buộc người phụ nữ phải hoàn toàn hi sinh, quên mình tuyệt đối, thay chồng phụng dưỡng cha mẹ chồng và nuôi dạy con cái. Đúng vậy, thủy chung như thế, hi sinh như thế phải xuất phát từ ý thức và nhất là từ tấm lòng tự nguyện. Và đúng vậy, thủy chung, hi sinh như thế là một dạng hạnh phúc, hạnh phúc cao cả và cao quý nhất. Có điều, Nam không nói gì nữa. Hai thầy trò ngồi trong im lặng. Nam thấy cô bé học trò mới mười hai tuổi đầu của anh quá trĩu nặng âu lo, buồn khổ.

Ngoan chợt hỏi về câu ca dao với niềm chán chường:

- Sao lại “vững như kiềng ba chân”, thưa thầy?

- Đó là thế chân vạc, ba chân. Người ta có thể khai thác một sự vật với nhiều ý nghĩa. Tùy ngữ cảnh! Câu đó không dính líu gì với ba vị Táo quân cả.

Ngoan xin phép ra về, sau khi nghe thầy Nam giải thích cặn kẽ với nhiều ví dụ cụ thể.

Chiếc nón lá của mẹ hơi quá lớn so với vóc dáng của Ngoan, khiến Ngoan càng bé bỏng hơn. Nam ngồi im lặng nhìn theo cô bé học trò lớp bảy của mình, lòng bỗng bâng khuâng buồn. Chuyện người lớn, Ngoan còn quá sớm để hiểu chăng? Nhưng biết làm thế nào được! Bất hạnh này thường dẫn đến bất hạnh khác. Trẻ thơ mồ côi, sớm khôn là vì vậy chăng? Trái tim bé bỏng của Ngoan làm sao chịu thấu nỗi khổ đau và âu lo đến thế. Đó còn chưa cộng thêm nỗi áo cơm! Ánh nắng chiều bỗng làm cay mắt thầy giáo Nam.

Nhìn mông lung ra vạt đất trồng khoai lang đã lắm cỏ tranh, bên kia lối nhỏ trước sân nhà, Nam cũng nhận ra, anh vẫn còn khá lúng túng khi tự xưng với học trò. Dẫu sao, chữ “THẦY” cao quý quá, anh cảm thấy chưa thể xứng đáng, còn phải học tập, rèn luyện, tu dưỡng nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Nam thở dài.

 

22

 

Vừa làm cỏ cho dâu và khoai lang với học sinh lớp mình, Nam vừa trông chừng các em. Trường không có giáo viên kĩ thuật nông nghiệp, tài liệu về trồng dâu nuôi tằm, về khoai lang không biết tìm đâu. Nam hơi buồn cười cho mình là vừa học ở các em, vừa soạn giáo án lao động. Các giáo viên ở đây đa số là dân huyện lị, thành phố, chỉ có Khoai là rành ruộng đất. Có điều Khoai lại dạy quá nhiều tiết toán. Nam thấy giáo án nào nào mục đích, yêu cầu cũng giống nhau ở sự nghèo nàn, rỗng tuếch, chỉ khi thầy cùng trò thực hiện, trong các tiết dạy và học, hướng dẫn và thực hành, mục đích, yêu cầu ấy mới thật sự sinh động. Và mặc dù có khó khăn, nhưng rồi đâu đấy vẫn ổn, nhờ giáo viên hơn học trò cái đầu. Nam mỉm cười, cái chính là giáo dục chứ không phải là kĩ thuật, năng suất. Đó là tình cảm với người lao động, hiểu giá trị lao động chân tay, biết tạo cảnh quan với màu xanh cây lá cho trường học, thôn xóm. Về kĩ thuật, năng suất, anh quan sát, hỏi kinh nghiệm của các em và vài phụ huynh rồi khái quát lên, hơi liều lĩnh, nhưng hẳn không sai sót. Nam không bằng lòng, vẫn áy náy, song xem ra chẳng có giáo viên nào vượt qua điều kiện hạn chế. Nam tự biết giới hạn mình lại trong lĩnh vực này để đầu tư vào vấn đề văn hóa chữ cho các em.

Nam nhìn quanh, thỉnh thoảng anh lại dừng xà bất, bỏ mạch suy nghĩ tản mạn để quan sát các em. Nam rất mừng khi thấy Ngoan vẫn cố vui vẻ với các bạn …

Nam luôn để ý đến các học sinh cần lưu tâm …

Học sinh ở đây, buổi chiều phải giúp cha mẹ, nên các em lao động nông nghiệp quá giỏi. Các em vẫn dẻo dai trong khi Nam đã thấy mệt. Nam vẫn thường bảo các em chỉ làm vừa sức, tuy nhiên do thói quen, chưa được nửa thời lượng của giáo án, các em đã làm xong!

Hoán thổi một hồi còi dài. Học sinh các lớp đang làm cỏ, vội xếp hàng theo đội hình, tập thể dục giữa giờ. Các giáo viên cũng tập với các em theo sự điều khiển của Ngày, Liên chi đội trưởng.

- Các em lưu ý!– Hoán nói lớn –. Lao động làm cỏ, thao tác không vận động toàn thân, các cơ bắp có cơ vận động, có cơ không vận động, do đó cần tập thể dục để cân bằng các cơ, điều hòa nhịp thở. Các em nhớ chưa?

- Dạ nhớ!– Tiếng trả lời của các em như sấm rền trên sân trường –.

Ngày hô lớn:

- Tan hàng! Khỏe!

Nam vẫn để ý đến cô bé Ngoan lúc tập thể dục …

Anh gọi K’Bẻo lại.

Đôi mắt xanh lam dưới hàng lông mi bạch kim của K’Bẻo dễ bị chói nắng. K’Bẻo bước đến trước mặt thầy giáo Nam, chớp chớp mắt.

- K’Bẻo này! Em cuốc cỏ vừa sức thôi.– Nam mỉm cười –. Như những buổi lao động chân tay khác, em được phép nghỉ nửa buổi sau.

Nam quàng vai K’Bẻo, bước đến cửa lớp bảy. Nam nói:

- Cố gắng tuần sau, còn ba ngày nữa thôi, thi học kì cho tốt nhé.

- Dạ, em vẫn cố nhiều lắm.– K’Bẻo thưa–.

Nam ngoắt Ka Tem và K’Bri. Hai em bước tới vòng tay chào.

- Ka Tem, K’Bri cầm xà bất cuốc cỏ, xớt cỏ rất khỏe, có kĩ thuật lắm. Buổi này chắc được điểm cao rồi đấy.

Ka Tem, K’Bri nhoẻn miệng cười.

- Cố gắng thi cho tốt nhé. Hai em vốn học khá trong lớp. Phải học thật nhiều nữa. Và bỏ ý tưởng học đến lớp chín là nghỉ đi nhé.

K’Bri thật thà:

- Học làm chi cho nhiều thầy!

Nam vờ nghiêm mặt, nhưng rất chân thành:

- Em cứ đùa! Như thầy K’Đa làm giáo viên, thầy K’Đăng tập kết, lớn tuổi vẫn học đại học ở Hà Nội, bây giờ làm lãnh đạo ngành giáo dục huyện mình đó. Rồi những ai như thầy K’Đăng, còn có thể làm tổng bí thư Đảng, chủ tịch Hội đồng Nhà nước … Tổ quốc Việt Nam là Tổ quốc chung của người Thượng lẫn người Kinh mà! K’Bri có triển vọng lắm!

K’Bri mỉm cười:

- Em thích thành kĩ sư kia. Nhưng khó quá thầy!

- Vậy mới phải chứ. Phải có cao vọng như vậy. Không khó đâu.

- Nhà em nghèo lắm thầy.– Ka Tem thưa –.

- Ka Tem cũng muốn thành kĩ sư à?– Nam xoa đầu em –.

- Dạ.– Ka Tem chợt hơi chạnh buồn –.

- Thầy K’Đa, thầy K’Đăng sẽ gửi các em đi học nội trú, tiền Nhà nước nuôi ăn học mà. Vấn đề là có chí, có cố gắng.– Nam nói –.

- Nhưng không ai làm cái rẫy ở nhà!– K’Bẻo bỗng nói thay –.

- Cứ có chí, rồi khắc phục được hết. Mà kĩ sư ngành gì hở Ka Tem, K’Bri, và K’Bẻo nữa?

- Thủy lợi thầy.– K’Bri đáp –.

Nam cười cảm động:

- Đúng rồi. Tây Nguyên đất tốt song khan nước vào mùa khô. Địa danh nào cũng bắt đầu bằng từ có nghĩa là nước: Đạ, I-a (Ia) … Các buôn làng thường du canh du cư ven suối, ven sông. Đúng không?

Ka Tem chớp chớp đôi mắt đen nhánh. Nam thấy tóc của Ka Tem đúng là tóc mây, sợi cứng và mượt, tóc K’Bri lại xoăn, tuy cũng đen bóng. K’Bri ngẫm nghĩ rồi gật mái tóc Á Phi:

- Dạ. Chắc đúng rồi đó thầy. Không hiểu sao em rất thích làm thủy lợi, Ka Tem cũng thế. Có lẽ vì vậy đó thầy.

- Ừ, giỏi lắm.– Nam nói khi nghe tiếng kẻng –. Thôi, hai em ra làm tiếp khoảng nửa giờ nữa. K’Bẻo ra đứng chơi nhé.

Nam lại cuốc đất vun luống thêm, sau khi đã xớt cỏ cùng các em. Khối lượng công việc gần như xong. Nam nghe mồ hôi lại ướt trên lưng dưới ánh nắng. Quai nón lá bằng vải của Trăng Thu anh đã tháo ra để cất, thay vào là sợi dây bẹ chuối, đang ngưa ngứa dưới cằm Nam. Nón lá anh mượn hình như tỏa ra mùi hương con gái thơm thơm dễ chịu. Nam mỉm cười, bâng khuâng.

Xong việc được giao, các em lớp Nam đang chống cuốc, xà bất đứng kháo chuyện. Nam đề nghị K’Bri, lớp phó phụ trách lao động, đi nghiệm thu một vòng, xem có gốc dâu nào bị xà bất phang nhằm không, và đưa tay giở cả các ngọn khoai để xem còn cỏ không.

Nam nhắc K‘Bri tập họp lớp ở phòng học rồi điều khiển lớp tiến hành rút kinh nghiệm luôn thể.

Theo nền nếp tự quản Nam đã hình thành cho các em, đặc biệt cho K’Bri, Nam ngồi tì tay lên bàn nhìn K’Bri làm nhiệm vụ với chức năng của em.

K’Bri đứng trước lớp, hỏi:

- Về an toàn lao động, có bạn nào bị trầy, xước gì không?

- Không.– Cả lớp đáp –.

- Có bạn nào làm ẩu, không đúng yêu cầu kĩ thuật không?

- Nghiệm thu rồi mà! Không có.– Một số em đáp –.

- Bạn nào còn nhớ ý nghĩa giáo dục thầy phổ biến đầu buổi?

Một em đứng dậy:

- Như mọi lần, hỏi hoài!

K’Bri cáu:

- Tôi chưa cho phép bạn đứng dậy phát biểu mà! Sao lại như mọi lần được! Câu ca dao lần này bạn thuộc không?

Hóa ra không ai thuộc hết, chỉ K’Bri còn nhớ.

Cuối cùng, K’Bri tổng kết khá bài bản, nhưng em không dám nhận xét cụ thể vì tính hay cả nể. Nam đành nhờ Ngày nhận xét bổ sung. Nam nhắc lại câu ca dao ngợi ca đất và mồ hôi, đồng thời thể hiện khát vọng cơ giới hóa.

Bỗng nhiên Nam thấy K’Bẻo quay lại khi các bạn đã vác xà bất, cuốc ra về trong tiếng nói cười. Nam hỏi:

- Sao vậy? Có gì không K’Bẻo?

K’Bẻo chớp chớp mắt. Giọt nước mắt ứa ra dưới khóe mắt xanh lam. Nam vuốt mái tóc bạch kim óng mượt của em.

- Làm sao lành bệnh thầy? Em cũng muốn thành kĩ sư như Ka Tem, K’Bri, nhưng …

Nam không biết nói sao, anh đứng lặng một lúc, cầm bàn tay trắng hồng phơn phớt lông măng vàng hoe của K’Bẻo.

- Cố học đi em. Biết đâu sẽ có thuốc chữa lành. Cách đây vài chục năm, bệnh hủi như của Hàn Mặc Tử là đành bó tay, bây giờ đã chữa khỏi. Các nhà bác học giỏi lắm, họ sẽ nghiên cứu, chế được thuốc cho em.

K’bẻo mở sáng đôi mắt châu Âu rất mơ màng:

- Thật không thầy?

- Thật chứ. Trước hết, phải biết hi vọng có cơ sở khoa học. Hi vọng cũng là thuốc giúp mình chặn bớt bệnh.

Nam nghe tay K’Bẻo run trong tay anh.

- Về đi, K’Bẻo. Các bạn đang chờ. Phải biết hi vọng, nghe K’Bẻo.– Nam đưa K’Bẻo ra tận cửa lớp –.

- Dạ. Em hi vọng … Vâng, hi vọng …– K’Bẻo vừa đi vừa nói lắp bắp, như nói một mình –.

Nam thấy thương chú bé K’Bẻo quá. Anh đã qua C, buôn B’Kẽh một lần, thấy gia đình K’Bẻo quá cơ cực. Với bệnh bạch tạng, không biết K’Bẻo còn đủ sức khỏe để học trong hoàn cảnh gia đình như thế không. Chẳng lẽ hi vọng là phương thuốc không mất tiền duy nhất của người nghèo và bệnh sao? Nhưng bệnh màu da, đã có thuốc nào đâu!

Nam nhìn theo K’Bẻo, rồi phóng tầm mắt ra xa theo hút cô bé Ngoan. Ngoan đang cùng các bạn đi về khu trung tâm.

Mấy hôm nay, anh cũng để ý một cách tế nhị về thái độ học tập trong lớp cũng như cách chơi đùa với bạn lúc ra chơi của Ngoan. Nam thấy cô bé đang cố vượt lên nỗi đau, niềm tan vỡ hình ảnh người mẹ của mình. Thầy giáo Nam chỉ nhìn, mỉm cười  động viên Ngoan. Anh vận dụng bài học tâm lí giáo dục, cố tìm cách để biểu dương, khen ngợi Ngoan trước lớp, để Ngoan thấy sự mặc cảm trong tâm hồn đã bị đánh tan. Ngoan mặc cảm về mẹ, nên rất sợ bạn bè biết. Chính điều này khiến Ngoan chán ngán, lo âu khi đến lớp. Nam muốn cô bé Ngoan hiểu ngầm rằng, thầy Nam hiểu hết, có điều mẹ Xinh sẽ được cứu, và Ngoan không có lỗi gì trong chuyện này. Khi giảng bài sử vào sáng hôm qua, Nam có liên hệ đến câu chuyện “Mục Kiền Liên cứu mẹ”, vốn là nội dung của Ngày Vu lan (rằm tháng bảy nguyệt lịch). Nam chỉ phỏng tác ngắn gọn. Dưới ánh sáng khoa học, anh phân tích như chuyện cổ tích, ngầm động viên Ngoan. Anh tin Ngoan sẽ tích cực, duy xã hội hơn. Nam muốn chặn đứng dư luận của học trò, trước khi chuyện cô Xinh vỡ lỡ, một cách gián tiếp. Có lẽ hơn ai hết, Ngoan hiểu điều này, tuy chỉ mới mười hai tuổi. Không ai khác, Nam biết Nam với các thầy cô giáo sẽ là điểm tựa cho cô bé Ngoan.

Nam vừa suy nghĩ vừa bước lên nhà tập thể.

Nam tự bảo, dẫu sao, cũng chưa nên nói với bất kì ai điều này, trước khi tự nó vỡ lỡ. Nam cũng tự ngẫm, buổi lao động chân tay sáng nay, anh đã hiểu thêm gì về học trò anh. Anh vẫn tin, qua mỗi nhát xà bất, mỗi giọt mồ hôi, mỗi động tác nâng lật ngọn khoai, mỗi tiếng cười, tiếng nói của các em, anh hiểu từng em một cách toàn diện hơn. Liệu mình có giúp được gì thêm cho học sinh không?– Nam tự hỏi –. K’Bẻo ơi, Ngoan ơi, tôi có đủ trình độ, nhiệt tâm để làm điểm tựa cho các em không?

Nam ngẩng đầu, nhìn thẳng và bước trong nắng. Chiếc nón lá của Trăng Thu thoang thoảng hương con gái. Nam lại mỉm cười, ghé vào ảng nước, rửa tay chân một cách hết sức dè xẻn nước. Nam mỉm cười chào Lộc Biếc ở căn phòng nữ, về lục trong hộc bàn quai nón bằng vải lụa, thay vào, rồi mang nón lá trả cho Trăng Thu. Trăng Thu mỉm cười, đâu biết hương con gái ngai ngái khiến ngây ngất, bâng khuâng lòng người thế nào! Một thoáng đa cảm thường tình thoảng qua tâm hồn Nam như chút rung động tình cờ theo hương hoa bay trong mơ hồ.

 

( xem tiếp phần 6 )

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

            Cập nhật: 06/30/09

            (tháng / ngày / năm)

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7