c. Trần Xuân An - Ngôi trường tháng giêng - Tệp 3

author's copyright

 

TRẦN XUÂN AN

 

06/30/09

12 tháng 3 năm HB6 (2006)

           

 

        Phần 1

 

        Phần 2

 

        Phần 3

 

        Phần 4

 

        Phần 5

 

        Phần 6

 

        Phần 7

 

        Phần 8

 

        Phần 9

 

        Phần 10

 

        Phần 11

 

        Phần 12

 

        Phụ lục

 

 

 

 

 

 

 

trần xuân an

 

 

ngôi trường

tháng giêng

 

tiểu thuyết

 

 

 

 

 

 

 

 

nhà xuất bản

THANH NIÊN

 

2003

 

 

 

            

 

xem

http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/

( phần 3 )

 

      11

 

Nam bước lùi lại, nhìn lên tấm bảng đen, ngắm mấy dòng chữ được cắt dán bằng giấy màu rất sắc nét và đều nét. Anh nói với Hoán:

- Phải thừa nhận cô Đạ Lạc nhà mình khéo tay!

Một cô giáo tay còn bê bết hồ dán mỉm cười:

- Suối Vui hay Đạ Lạc vẫn vậy, một nghĩa, nhưng xin gọi đúng tên cho. Mới lên đây, thầy Nam cũng biết Đạ là nước, là suối, có lẽ nhờ lớp thầy chủ nhiệm có học sinh Chiau Mạa?

- Cô giáo Suối Vui, dòng suối róc rách nguồn vui cho mọi học sinh, giáo viên, đúng chưa? Rồi Đồi Hương, rồi Cam Ly … Xin nói là các cô trang trí rất khéo trong điều kiện của trường mình. – Nam lại cười –. Dịch đùa cho vui ấy mà! Cho chữ Lạc “nhập tịch” Chiau Mạa luôn!

- Thì ông Nam khéo nói. Ai cũng khéo cả, – Hoán nói –, kể cả tôi. Tôi tháo bức vách gỗ ngăn hai lớp, chỉ mình tôi với Hạ, gọn chưa? – Hoán đùa, nhưng tiếng cười khùng khục là tếu nhất –.

Hạ là nhân viên tạp vụ – giao liên của trường. Nam vỗ vai cậu thanh niên mười sáu tuổi này giữa nụ cười của mọi người.

- Hoan hô Hạ, đồng chí trẻ tuổi! – Nam thân mật –.

Các cô giáo, Hoán và Hạ đã lên văn phòng. Nam phải trực, đứng nhìn hai phòng học đã thành hội trường khá rộng.

Sau tiếng kẻng của Hạ, Nam thấy các giáo viên của bốn phân hiệu, kể cả các đội viên của Đội Thanh niên Ánh sáng, cùng các cán bộ xã, khá nhiều phụ huynh đang trên lối xuống trường.

Đại hội đã khai mạc sau lời giới thiệu của anh Quỳnh về nội dung chương trình, thành phần tham dự. Nam nhận thấy ông Binh, bí thư Chi bộ xã, là một ông già khoảng trên sáu mươi tuổi, vóc người to cao trong bộ đồ đại cán đã bạc màu, và người đàn ông khoảng gần năm mươi tuổi, tầm thước, mắt hơi hiếng, áo sơ mi ngã màu cháo lòng là chủ tịch xã.

Anh Giảng nói, đại để xã nhà đang kì thu hoạch, do đó đã gộp hai đại hội làm một, còn đại hội Hội Phụ huynh học sinh như năm ngoái đã bàn, vẫn duy trì Ban Chấp hành Hội và Chi hội như cũ, chỉ báo cáo tổng kết công tác năm trước với kế hoạch năm nay ở cuối buổi. Như vậy, chỉ một buổi, nhưng tổ chức gọn cả ba đại hội luôn thể.

Suốt buổi, Nam thấy ông Binh vẫn là vị quan khách đáng chú ý nhất. Nam bấm tay Hoán, hơi nghiêng đầu vào tai anh:

- Ông Binh có lẽ là cán bộ lâu năm? – Nam hỏi khẽ –.

- Đúng rồi, – Hoán gật đầu –, từ thời chống Pháp đến thời chống Mỹ, bây giờ lại lãnh đạo dân đi khai hoang lập ấp.

- Hoạt động lâu năm, ăn nói khúc chiết, mạch lạc thế sao chức lại nhỏ vậy? – Huyện hỏi khẽ như Nam –.

- Chẳng rõ. – Hoán đáp, mắt vẫn nhìn lên đoàn chủ tịch –.

Nam thấy ông Binh đúng như Huyện nhận xét, hơn nữa, ông lại có tác phong của lãnh đạo. Với giọng Quảng Ngãi, ông Binh phát biểu dõng dạc, từ tốn, thân ái, tỏ ra rất quan tâm đến giáo dục. Như một tập quán riêng của huyện này, ông Binh cũng gọi giáo viên bằng hai chữ “đồng chí”.

- Sao ở đây cán bộ cứ hay gọi giáo viên là đồng chí vậy Hoán? – Nam chợt hỏi nhỏ –. Cả giáo viên cũng gọi nhau như vậy …?

- À, ông phó bí thư Huyện ủy Tư Dũng học tập theo đồng chí Lê Duẩn. Mới giải phóng, ông Lê Duẩn, em ruột của ông Lê Nin, gọi ngay giáo viên Đà Nẵng là “đồng chí”. – Hoán tếu khẽ vào tai Nam –.

- Ra thế! – Nam bật cười trong lòng bàn tay –.

Suốt buổi sáng, Nam cứ suy nghĩ mãi về ông Binh.

Buổi trưa, liên hoan nội bộ chỉ có cơm trắng, gạo mới do Hợp tác xã Bảo Nghĩa tặng, và một ít thịt, Hạ phải ra tận Đa Công mua hôm trước. Hôm nay mới đủ mặt giáo viên, nhân viên và đội viên Đội Ánh sáng, tất thảy gần bốn mươi lăm người. Hầu hết đều còn quá trẻ, mười tám, hai mươi, người lớn tuổi nhất mới ba mươi bốn, là anh Ruộng. Đa số là người Đà Lạt và huyện lị Đa Công. Nam và Khoai bấm Huyện, khi Huyện nói khẽ:

- Lâu nay mới biết, ở các phân hiệu, có nhiều cô quá xinh, lại hát khá hay một số bản nhạc cách mạng. Biết vậy, xin anh Giảng xuống dạy cấp một, qua các phân hiệu mà ở quách!

Lúc giải lao, Nam cũng đã nghe các cô hát, thấy các cô cũng biết chọn nhạc lắm. Nam không có máy thu thanh, suốt mấy năm rồi anh đâu được nghe nhạc mới, chỉ nghe các loa truyền thanh thành phố Huế phát tin với các bản nhạc hành khúc chiến đấu. Khoai cũng gục gặc đầu với Huyện, xem ra anh cũng thích thú. Khoai vẫn lén nhìn Lộc Biếc, nghe nao nao trong lòng.

Sau giấc nghỉ trưa, nghe tiếng kẻng của Hạ, giáo viên, nhân viên, cả hai cô cấp dưỡng nữa, đều xuống hội trường, chỉ một mình Hạ ở lại trực văn phòng – nhà tập thể.

Anh Quỳnh, sau cuộc bầu cử hồi sáng, bây giờ đã là thư kí Công đoàn Trường Phổ thông cơ sở Bảo Nghĩa, đứng lên, rất trang trọng giới thiệu Lộc Biếc, người sẽ báo cáo chuyên đề suốt buổi chiều hôm nay. Tiếng vỗ tay ran lên.

Nam thấy trong buổi này, còn một mình ông Binh là quan khách. Ông đang rút cuốn sổ tay, cây bút bi từ xắc cốt ra, mở sổ đặt trên bàn, chuẩn bị ghi chép.

Với nụ cười rất tự tin, Lộc Biếc ngọt ngào bắt đầu cuộc nói chuyện văn chương với lời thưa lịch sự, phải phép, rất mực khiêm cung. Cô đã chinh phục mọi người ngay từ phút đầu.

Vì Lộc Biếc cố ý giữ bí mật, chỉ trao đổi trước về nội dung với Ban Giám hiệu và anh Quỳnh, vốn phụ trách chuyên môn cấp hai, nên lúc này, Nam, Huyện, Khoai mới biết đề tài Lộc Biếc báo cáo.

Nghe đề tài, Nam và Khoai tưởng chừng rởn tóc gáy vì xúc động. Là người làm thơ, viết văn, Nam lẫn Khoai không những đều rởn tóc gáy mà còn rúng động tận gan ruột, đúng hơn. Đó là điều quan tâm đến mức độ bức xúc nhất của mọi người sáng tác. Cả hai thấy Lộc Biếc khá táo bạo trong thời điểm này. Ngay lúc trình bày các đề mục sẽ xoáy sâu, Nam và Khoai thấy rõ, Lộc Biếc khảo sát cả Nhân Văn giai phẩm, kể cả các biểu hiện “phi chính thống” khác ở Miền Bắc, là đã quá dũng cảm! Lộc Biếc, cũng qua các đề mục, chứng tỏ cô khá am hiểu các dòng văn học ở Miền Nam, từ chống cộng, duy linh – nhân vị, hiện sinh, siêu nhân, thiền học đến đồi trụy, dâm ô, hạ cấp, nhất là dòng văn học phản chiến, thiên tả, dân tộc …

Lộc Biếc còn khẳng định trước:

- … Thưa các đồng chí, chính ở thời điểm cả nước vì mặt trận biên giới, cả nước chống chủ nghĩa Mao, trước nguy cơ các khuynh hướng khác đang và sẽ phục hồi, tôi thấy cần phải dũng cảm một cách khoa học trong thẩm định văn chương …

Nam nói khẽ với Khoai:

- Rất tuyên huấn, rất lập trường, phải không?

Khoai cười:

- Trông xinh đẹp, tươi tắn thế mà ra phết!

Từ đó họ cố gắng không trao đổi riêng với nhau nữa, để bày tỏ sự tôn trọng và ủng hộ buổi báo cáo chuyên đề của Lộc Biếc. Nam chỉ viết một mẩu giấy nhỏ nhờ chuyền lên cho K’Đa, phân hiệu trưởng ở C: “Mong được trao đổi về các em học sinh Chiau Mạa đang học lớp bảy sau buổi báo cáo, nếu còn sớm”. K’Đa ngồi trước Nam hai dãy ghế, quay lại, mỉm cười gật đầu. Sau đó, cũng như cả hội trường, Nam hoàn toàn bị thu hút vào nội dung lẫn cách nói chuyện văn chương của Lộc Biếc. Có lẽ Nam và Khoai bị thu hút mạnh nhất: lắng nghe, ghi chép, với những dấu cảm, dấu hỏi bên lề trang giấy sổ tay (là kí hiệu lưu ý, thắc mắc).

Bằng giọng Sài Gòn ngọt ngào, khá chuẩn, có lẽ do tập luyện, phụ âm đầu v với d, phụ âm cuối c với t, n với ng không trùng nhau, Lộc Biếc trình bày nội dung rất sinh động. Ngữ điệu và cách dùng từ bày tỏ thái độ, cảm xúc với nhiều cung bậc, sắc độ: mạnh mẽ, tha thiết, dí dỏm, châm biếm, sắc lạnh … Lộc Biếc đọc khá nhiều, có lẽ từ thời cấp hai, cấp ba, chứ không phải chỉ trong bốn năm đại học, kể cả mảng sách dịch đã ảnh hưởng vào văn học hai miền. Lộc Biếc khái quát vấn đề qua những nhận định sắc bén rất riêng trên sự phân tích các dẫn chứng khá sâu. Nhiều lúc Nam sững người xúc động hoặc suýt bật cười thú vị.

Tự do! Tự do sáng tác! Khát vọng vươn tới cái thật, cái đẹp, cái tốt bằng các trang văn, tứ thơ với những biến thiên phong phú, đa dạng: đúng đắn, sai lầm, dũng cảm, thỏa hiệp, tránh né …

Nam lẫn Khoai vẫn mong chờ những điều gì hơn thế nữa ở bài nói của Lộc Biếc, nhưng chính cô rõ ràng còn chấp nhận sự hạn chế. Cả hai thấy hụt hẫng. Lộc Biếc chỉ dũng cảm, mạnh dạn, táo bạo tới đường biên cuối cùng của giới hạn cho phép. Có một điều rất đặc biệt là Lộc Biếc hai lần dẫn chứng bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán ở Miền Bắc:

… người làm xiếc đi dây rất khó

nhưng không khó bằng làm nhà văn

nguyện suốt đời đi trên con đường chân thật

yêu ai cứ bảo là yêu

ghét ai cứ bảo là ghét

dù ai ngon ngọt nuông chiều

cũng không nói yêu thành ghét

dù ai cầm dao dọa giết

cũng không nói ghét thành yêu

 

tôi muốn làm nhà văn chân thật

chân thật đến trọn đời

đường mật công danh không ngọt được lưỡi tôi

sét nổ trên đầu không xô tôi ngã

giấy bút tôi ai cướp giật đi

tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá! (13)

và dẫn chứng hai lần truyện ngắn dã sử của Vũ Hạnh ở Miền Nam: “Bút máu”.

Trước các dẫn chứng đó, cả hội trường, kể cả ông Binh, như một nồi cơm, một nồi súp de máy hơi nước sôi sục được đậy kín hơi. Tiếng vỗ tay ran lên khắp hội trường.

Nam, Huyện và Khoai không có đồng hồ đeo tay, cũng quên bẵng ánh nắng ngoài sân, vì mặt trời phía đầu hồi, chiếu thẳng với đường nóc mái trường, nắng không lọt vào cửa lớp.

Anh Giảng chỉ tay vào đồng hồ của anh, báo hiệu hết giờ cho Lộc Biếc. Có lẽ anh đang lo cho các giáo viên ở các phân hiệu, họ phải đi bộ hoặc xe đạp khá xa trước khi trời tối. Lộc Biếc nhìn xuống chiếc đồng hồ đeo tay đặt trên bàn, cô đã mượn của Suối Vui.

Lộc Biếc mỉm cười, tuy đã “cháy” phần liên hệ đến văn học trong nhà trường. Cô nhắc lại các luận điểm chính rồi từ tốn nói tiếp:

- … Thưa các đồng chí, chân thiện mĩ, ba chữ ấy đã trở thành một từ. Nhưng nhận thức rõ nội hàm của từ ấy, có nhiều vấn đề như đã trình bày, cũng như khát vọng tự do sáng tác (sáng tác là một hình thức lao động trong tâm thế hết sức tự do; nói cách khác, sáng tác chính là động thái tự do; có tự do, sáng tác mới đạt được chân thiện mĩ), khát vọng chính đáng ấy vẫn còn lắm vấn đề. Văn học hai miền của Việt Nam chúng ta đều nung nấu, trăn trở với khát vọng và lí tưởng ấy.

Tôi xin phép nhắc lại một lần nữa:

Ở Miền Bắc, Nhân Văn giai phẩm đã được làm rõ, cũng như đã làm rõ một số biểu hiện “phi chính thống” đã được đăng tải, xuất bản. Tuy nhiên khuynh hương “phi chính thống” truyền khẩu như vè, truyện tiếu lâm chính trị … vẫn đang bị né tránh.

Ở Miền Nam, tôi chỉ xin đưa ra hai ví dụ tiêu biểu: nhà giáo, nhà thơ Trần Quang Long với “Thưa mẹ, trái tim”:

… con sẽ mài thơ như kiếm sắc

chặt đầu văn nghệ tay sai …

dùng chính quả tim là [:làm] trái phá

sống chết một lần thôi …

và nhà giáo, nhà văn Vũ Hạnh với ý kiến khá ấn tượng sau ngày Đất nước hoàn toàn được giải phóng: “… văn học vùng bị tạm chiếm, trong đó có khuynh hướng phản động và đồi trụy. Có thể nhận định riêng về khuynh hướng này: Đó là dòng văn học của cái đầu, rồi của trái tim, sau đó tụt xuống cái bụng và bộ phận dưới bụng, tiếp đến là văn học của đầu gối và hai chân chạy ra hải ngoại” (14). Nhà giáo, nhà văn Vũ Hạnh còn nhận định về văn học cách mạng: “Đó là nền văn học tuy lành mà chưa mạnh vì thiếu sức thuyết phục trong việc phản ánh hiện thực”. Tôi nhấn mạnh: chưa mạnh chứ không phải không mạnh. Vì thế, cần phải thật, thật để tốt, thật để đẹp, thật một cách tốt, đẹp.

Lộc Biếc chậm rãi nhấn mạnh từng chữ tựa đề bài nói của cô trước khi bày tỏ lời cảm ơn. Ông Binh rồi anh Giảng, anh Quỳnh lên bắt tay cô ngay tại bàn viết, chỗ Lộc Biếc nãy giờ đứng trình bày. Ông Binh tỏ ra rất xúc động nhưng vẫn cau mày, bóp trán lúc ra về.

Nắng chiều vẫn còn vàng rực. Mới khoảng hơn bốn giờ chiều.

Nam, Khoai và Huyện lại bắt tay Lộc Biếc với lời chúc mừng rất bè bạn. Gương mặt Lộc Biếc xinh xắn, hơi tái nhợt đi trong vẻ mệt mỏi. Cô bưng li nước trên bàn đã nguội ngắt, uống một hơi cạn sạch. Suốt buổi cô chưa hề nhấp môi ngụm nào.

- Thêm một li đầy nữa chứ? – Huyện rót trà giúp cô –.

Lộc Biếc mỉm cười, lắc đầu. Khoai nhìn ra sân để che giấu một cảm giác pha trộn nhiều cảm giác khác nhau trong anh. Nam đã bước vội theo K’Đa.

Đồi Hương đứng bên cạnh, chuẩn bị dọn dẹp các vật trang trí, khẽ hát một bài ca của phong trào sinh viên học sinh tranh đấu năm nào ở Miền Nam:

… không ai ngăn nổi lời ca

lời tôi ca giữa đêm trường … (15)

Suối Vui, Cam Ly và Hạ cùng mỉm cười.

 

12

 

K’Đa ngồi xuống, tì tay vào mép bàn học trò, loại chỉ dành cho hai học sinh ngồi, đặt áp sát vào vách một bên cửa ra vào của gian nhà nam, đối diện với Nam đang ngồi ở bàn học sinh cũng ngắn và đặt như vậy ở phía bên kia. Giữa họ là lối ra vào phòng ngủ tập thể. Có bốn bộ bàn ghế như thế ở hai bên.

Nam quay qua người đàn ông râu muối tiêu, trán hơi hói, ngồi ở giữa dãy bàn ghế học sinh phía sau K’Đa, lưng ghế áp sát vách gỗ của phòng ngủ:

- Chú vui lòng đợi thầy giáo Huyện. Thế mà cứ tưởng sau đại hội hồi sáng, chú đã về B rồi.

Ông Lịch, ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ huynh, bỗng buồn bã, lúng túng hẳn:

- Thưa thầy, tôi mới từ nhà bà con ở xóm này vào lại đây, để tranh thủ bàn chuyện con bé Nhi nhà tôi với thầy Huyện một chút. – Môi ông khẽ mấp máy, hàng râu mép như run nhẹ vì bối rối, xấu hổ –. Nghe đâu thầy Huyện chủ nhiệm thay cô Lộc Biếc hơn một tuần nay rồi? Thầy đây vẫn dạy sử lớp chín chứ ạ?

Nam giấu sự sốt ruột:

- Dạ vâng. Cháu có dạy em Nhi.

- Tôi xấu mặt với Nhi quá. Làm cha, làm mẹ có con dốt vậy, thật …– Ông Lịch gục đầu xuống, nghẹn giọng –.

Huyện vừa lên tới nơi, anh hơi ngạc nhiên:

- Chào chú!

Nam vội chào ông Lịch rồi kéo K’Đa ra chái đầu hồi.

- Tôi muốn trao đổi với anh K’Đa về ba em, K’Bẻo, K’Bri và Ka Tem. – Nam cười thân mật khi hai người đã ngồi xuống ghế –.

K’Đa nhấp nháy hàng lông mi dày, cong vút trên đôi mắt to, đẹp như mắt thiếu nữ. Anh mỉm cười:

- Học sinh cũ của phân hiệu tôi … Tôi còn hiểu khá rõ gia cảnh của ba em ấy nữa. K’Bẻo bị bạch tạng, nó mặc cảm lai Tây, thật ra chỉ do bệnh thôi, Tây đâu mà Tây! Nó học đến năm lớp hai thì mắc bệnh, chạy chữa không khỏi, học kém hẳn. – K’Đa muốn nói gì thêm, nhưng sực nhớ đã chiều rồi –.

- Anh K’Đa! Tôi sẽ đi xe đạp với anh. Tôi muốn vừa đi vừa hỏi chuyện để anh còn kịp về C. Sau đó tôi quay lại.

- Thôi, cứ trao đổi. Trời tối tôi vẫn về C được.

Nam đứng dậy:

- Tôi muốn đạp xe một vòng cho thư thả. Tôi có xe đạp với đèn pha hẳn hoi. – Nam cười –. Vậy nhé?

K’Đa có vẻ áy náy khi thấy Nam nhiệt tình như thế. Nhưng Nam đã vào chái sau dắt xe ra.

- Cứ đạp thong thả như dạo mát ấy mà, anh K’Đa!

- Ừ, thì đạp từ từ …– K’Đa cười, bày hàm răng trắng bóng trong đôi môi màu mận chín, nổi bật trên gương mặt nâu –.

K’Đa to, cao trên chiếc xe đạp cỡ nhỏ. Hai người đạp xe song song ra khu trung tâm.

- K’Bri và Ka Tem học khá lắm. Có điều, chẳng hiểu sao Ka Tem hơi buồn lo điều gì, ngồi trong lớp cứ bồn chồn.

K’Đa gật đầu:

- Tôi hiểu. Tôi tưởng cô Lụa, khi bàn giao công tác chủ nhiệm, đã nói với anh rồi.

- Có, nhưng tôi muốn rõ thêm.

- Anh Nam! Bố Ka Tem theo Phuyn-rô (FULRO.) (16),– K’Đa nhìn Nam –, từ sau Ngày Giải phóng, năm bảy lăm.

- Tôi biết. Bố Ka Tem trước đây là thiếu úy ngụy?

- Đúng vậy. Lúc còn bé, Ka Tem đâu có hiểu gì. Lớn lên, nó sợ. Nghe đâu bố nó đã được phong đến trung tá rồi! Và thật ra, do ông ấy sợ cách mạng nên theo Phuyn-rô luôn đó thôi.

- Má Ka Tem vẫn ở buôn B’Kẽh?

K’Đa gật đầu. Xe đạp hai người đã qua xóm anh Ruộng. Bánh xe Nam suýt xìa vì gờ sống trâu trên đường đã khô bùn. K’Đa cười:

- Đi trời tối phải lưu ý đoạn lồi lõm này …

Nam hỏi lại câu hỏi hồi nãy, K’Đa nói:

- Vẫn ở B’Kẽh, đang có bầu sắp sinh. Vì vậy Ka Tem hơi khó về lương thực.

- Sao lại có bầu? Bố Ka Tem vào rừng rồi mà?

K’Đa phá lên cười:

- Vào rừng sâu, xa lắm. Song má Ka Tem vẫn vào thăm.

Nam cũng cười nhưng cố kìm lại. Hai người đã đi ngang qua doanh trại bộ đội. Trong sân, bộ đội đang đánh bóng chuyền. Con đường trước mặt như rẽ hai một đồi trà rộng và thấp như mu rùa. Nắng đã úa hẳn.

- Còn K’Bri?

- K’Bri vẫn học khá chứ anh Nam?

- Khá đều các môn. Bố K’Bri là thôn trưởng hiện tại của B’Kẽh?

- Anh Nam sâu sát học sinh quá! – K’Đa cười –.

Ra đến đường lớn, khu K đã nằm bên tay trái với các cửa hàng quốc doanh và trạm xá. Nam thấy bóng K’Đa ngã vắt lên xe đạp anh. Nam nói:

- Đến C chắc vẫn chưa tắt mặt trời?

- Còn sớm. Quen đường, tôi đi trong đêm được mà.– K’Đa nhìn qua cặp kính cận của Nam, hơi ái ngại –. Mang kính trắng, anh Nam đừng đi đêm nhé. Gặp mấy tay săn, ngứa tay cò, ngỡ …

- Mắt tôi tinh lắm! … À, ngỡ cọp bị đóng đèn chứ gì?

K’Đa cười lớn, vui vẻ:

- Đúng rồi, đã có người chết vì mang kính trắng đi đêm.

- Hôm nào tôi qua C, anh dẫn tôi đi thăm nhà các em lớp tôi chủ nhiệm nhé. Anh phiên dịch cho thì quá tốt.

- Nhất trí. Tôi chờ. Thôi, anh Nam quay lại đi, kẻo trời tối. Năm nay trường mình có cô Lộc Biếc nói chuyện tốt quá. Hôm nào anh rủ cô Lộc Biếc qua C chơi luôn. Đây, ngả rẽ vào C đây. – K’Đa chỉ về phía một con đường đất đỏ khá rộng –.

- Cảm ơn anh K’Đa. Anh về nhé!

K’Đa đưa tay lên chào, chân vẫn đạp xe. Nam quay xe. Bánh xe lăn trên đường đất ba dan, sỏi kêu lạo xạo. Nắng sắp tắt, nhưng Nam đoán chừng, về đến trường chắc hẳn trời chưa tối. Nam bỗng thấy chưa kịp hiểu thêm gì về ba học sinh Chiau Mạa của anh cả, anh chỉ mới có dịp làm quen với K’Đa, người mà anh biết đã tốt nghiệp khóa đào tạo giáo viên tiểu học ở Buôn Ma Thuột từ những năm bắt đầu thập niên bảy mươi này. Cái chính là sức học và tính nết của các em lúc cấp một, còn gia cảnh chỉ một phần nào, dù trực tiếp tác động. Cái chính ấy anh cần hỏi thật cụ thể, thật chi tiết, lại chưa hỏi được.

Ngang qua một quán nhỏ, Nam thấy anh Trà đang lúi húi dọn dẹp những vành, những lốp xe. Nam định hôm nào sẽ rủ các bạn đến quán cóc này trò chuyện cho vui. Cuộc sống mà!

Bóng Nam đã mờ dần trên đường. Mặt trời sau lưng đã lặn hẳn, tuy nền trời còn sáng. Nam không biết cô Lài cấp dưỡng có nhớ để lại phần ăn chiều cho anh không. Nam thấy đói khi nghĩ đến các chén bo bo xay nhỏ đã nấu chín.

Đang đạp xe, anh chợt nhận ra, mới mấy năm gần đây, anh đã ảnh hưởng nặng “chủ nghĩa lí lịch”, mặc dù anh căm ghét thứ định kiến thiếu biện chứng do “chủ nghĩa phong kiến” ấy.

Nam tin chính nghĩa của cuộc chiến đấu chống thực dân, đế quốc, phát xít, bành trướng cùng với chân lí của chủ nghĩa xã hội khoa học sẽ thuyết phục được bất kì ai, bởi nói như Tản Đà, ai cũng có thiên lương – lương tri, lương tâm, lương năng (năng lực sáng tạo mọi cái đẹp, bao gồm cái có ích, cho cuộc sống nhân dân và nhân loại). Có bao nhiêu đôi mắt bị kéo mây thời cuộc do tuyên truyền? Lịch sử đã chữa sáng. Chắc chắn sáng.

Nắng chiều hôm Bảo Nghĩa, một ngày tháng mười năm bảy tám ấy, Nam nghĩ, cũng là lúc nắng hừng đông bên kia quả đất. Đó là hừng đông thiên nhiên. Còn với ẩn dụ mặt trời, chính nghĩa và chân lí, đó là Ni-ca-ra-goa (Nicaragua). Mặt trời trên Đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay có bao giờ tắt đâu! Mặt trời chỉ lặn vào giấc ngủ mỗi tối, đó cũng là hừng đông trong tâm thức – hừng đông lần thứ hai của mỗi hai mươi bốn giờ.

 

13

 

Cô Lài nghe thấy tiếng gõ cửa chái sau, vội bước ra, kéo then. Ngoài trời đã mờ mờ, trong nhà nhập nhoạng tối. Ánh đèn từ cửa sổ phía sau văn phòng, chỗ anh Giảng ngủ và làm việc, hắt lên mặt bàn ăn tập thể. Phòng của cô Lài với chị Trâm vốn chiếm một phần tư diện tích của văn phòng, nhưng chỉ độc một cửa lớn mở ra phía chái sau. Chị Trâm đã thắp thêm một cây đèn cỡ vừa, bưng từ phòng ra, đặt trên bàn ăn. Một con mèo đực khá lớn, ngồi bên cạnh lồng bàn đậy mâm cơm. Trên lồng bàn là một khúc gỗ khá nặng.

Nam cười, cảm ơn cô Lài và chị Trâm.

Trong khi Nam lặng lẽ một mình bên tô bo bo có một phần cơm trắng, có lẽ do gạo hồi trưa còn lại, với một chén canh cải, một dĩa nhỏ có hai miếng cá khô, Nam nghe bên gian nhà nữ có tiếng anh Giảng hỏi Lộc Biếc:

- Cô Lộc Biếc, cho tôi mượn lại cuốn luận văn tốt nghiệp của cô?

- Dạ vâng. Để làm gì nữa, anh Giảng?

- Luận văn được đánh giá là xuất sắc chứ? Tôi cần đọc kĩ thêm một chút. Tôi hơi phân vân khi thấy ông Binh cau mày bóp trán.

- Có lẽ em trình bày hơi rắc rối, khó tiếp nhận?

- Không. Không phải vậy. Có lẽ chưa phù hợp với ở đây …

Anh Giảng trở về văn phòng, kéo thuốc lào sòng sọc.

Nam mỉm cười, vẫn lặng lẽ nhai cơm rồi cũng chén sạch luôn phần bo bo. Anh chừa lại cho chú mèo đực một ít.

Trong căn nhà nam, Khoai đang hí hoáy viết gì đấy, anh Quỳnh đọc lại biên bản các cuộc thảo luận về kế hoạch xây dựng đời sống tập thể ở các phân hiệu mà anh đã tổng hợp trong tuần trước, cả biên bản đại hội Công đoàn toàn trường ngày hôm nay. Bên cạnh, Hoán, Huyện đang soạn giáo án.

- Tưởng ông ở lại C đêm nay chứ. – Khoai ngẩng lên nói –.

- Không. Mai có tiết đầu phải lên lớp. – Nam trả lời, bước ra hàng hiên –.

Ánh đèn dầu từ ba khung cửa sổ của ba căn nhà hắt ra sân. Bóng tối đã khỏa tràn bốn phía. Xa xa, những ánh đèn le lói như những vì sao trên mặt đất.

Bước vào phòng anh Giảng, thấy anh đang chăm chú đọc, Nam lấy điếu cày dựng trên mặt bàn, se thuốc, châm lửa, kéo đẫy hơi, lâng lâng nhả khói.

- Ông thấy ngày hôm nay thế nào? – Anh Giảng nhìn Nam –.

- Em thấy gọn và có chất lượng. – Nam đáp –.

- Vẫn có người xầm xì là chưa thảo luận được nhiều, chưa phát huy được tinh thần làm chủ tập thể …– Anh Giảng cười –. Nhưng họ đâu biết cách làm việc linh hoạt của mình! Tùy địa bàn chứ!

- Đời mà! – Nam cũng cười –. Anh đọc lại luận văn của Lộc Biếc à?

Anh Giảng đang quan tâm đến phần kết luận của Lộc Biếc. Trước mặt anh là trang viết về Trần Quang Long, Lộc Biếc trích dẫn khá nhiều đoạn với nét bút chì đỏ đánh dấu.

- Đồng chí thi sĩ! Ông thấy quá táo bạo không, khi Lộc Biếc xoáy hơi mạnh về mảng ở Miền Bắc? Bây giờ, tôi mới thấy ngại … Còn mảng Miền Nam, Vũ Hạnh với Trần Quang Long này thì tốt rồi …

- Không có gì đâu anh! Khoa học mà … – Nam cười, nhìn anh Giảng đang lộ vẻ âu lo –. Anh cứ đọc lại đi. Theo em, vậy là mạnh dạn song vẫn đúng hướng. Rất xây dựng. Thôi, em về lo giáo án đã. Không can chi đâu anh!

Nói vậy, nhưng Nam vẫn biết, có nhiều vấn đề chỉ được chấp nhận phần nào ở môi trường đại học, trên tinh thần đại học. Tính khoa học trong học thuật, nhất là ở các khoa xã hội, đôi lúc phải chịu nhân nhượng … một cách phi lí và có hại về lâu về dài.

Nam ngồi vào chỗ của mình, lật ra những trang sách giáo khoa. Anh có đến ba giáo án trong sáng mai. Nam mỉm cười thấy Khoai dạo này đang cặm cụi với truyện ngắn, có điều tối nay Khoai cơ chừng bị phân trí, bồn chồn thế nào ấy.

Đêm. Cao nguyên đang bắt đầu vào mùa lạnh. Mùa mưa vậy là đã qua rồi với tiết trời hơi ấm. Mùa khô ráo mới thật rét. Sương trên mái tôn rơi thành giọt trước hiên nhà. Từng giọt bắt ánh đèn, sáng lóng lánh, treo ngập ngừng ở đuôi sóng tôn rồi rơi thành hàng như dãy lỗ đáo trước thềm đất. Sương đọng thành móc, từng hạt lớn, trên lá cây ngọn cỏ. Nam lại bước ra sân, nghe hơi lạnh phả vào mặt, vào cổ, hai bàn tay cũng cảm nhận rõ hơi lạnh ngọt ngào ấy sau hơn một giờ đồng hồ ngồi bên đèn dầu hỏa.

Đêm đó, cánh nhà nam không thể không bàn về bài nói chuyện của Lộc Biếc hồi chiều. Khoai ít nói hẳn, hình như anh đang thầm lo âu cho Lộc Biếc nhưng không tiện nói ra.

Ngủ một giấc, Nam thức dậy, vẫn thấy ánh đèn bên phòng anh Giảng, và nghe rõ tiếng kéo thuốc lào sòng sọc trong khuya. Nam hiểu anh Giảng đang lo gánh nặng trách nhiệm. Nam cũng nghĩ thầm, sao quá cả lo đến thế! Rồi giấc ngủ lại kéo sụp mí mắt thèm ngủ của Nam cho đến sáng sớm.

 

14

 

Dưới nắng trưa, không khí ngoài trời ấm dần lên, hơi lạnh trong nhà thật dễ chịu. Hạ vác vào căn nhà nam một bao nhỏ, đặt xuống chân bàn với nụ cười dưới hai con mắt gần như nhắm khít lại. Nhìn Hạ, Khoai nói:

- Gì vậy Hạ? Coi bộ có gì ăn sao?

- Bắp cuối vụ đó thầy.

Huyện đang lơ mơ nghỉ trên giường:

- Hoan hô đồng chí Hạ!

- Nhà em đang thu hoạch. Nhưng trái nhỏ lắm, cuối vụ mà. Ba em bảo cứ mang lên mấy thầy cô ăn chơi cho vui.

Hoán cười:

- Cảm ơn ông cụ. Bắp rang tươi là nhất, phải không Hạ?

Hoán xuống nhà bếp chẻ củi, trong khi cánh nhà nam lảy ra từng hạt trên rá, chừa lại một số quả nguyên.

Những hạt bắp tươi mọng sữa sem sém vàng đã chín trên chảo. Già một nửa được Hạ bưng qua căn phòng nữ sau khi sớt bớt vào tô cho hai cô cấp dưỡng. Cánh nam ra chái đầu hồi nhấm nháp. Đúng là ngon và ngọt.

Anh Quỳnh bàn:

- Này, kế hoạch nuôi thỏ ở phân hiệu mình, theo lịch công tác, sẽ tiến hành chiều nay. Ăn xong, mỗi người một tay, sẽ đóng chuồng ngay vạt đất bên cạnh thư viện. Nhất trí chứ?

- Ông anh bảo sao bọn em nghe đó. Nhất trí cao.– Hoán đùa –.

Huyện thấy không ổn lắm nhưng thật ra, từ nhỏ đến lớn, anh chỉ ở thành phố, Đà Nẵng rồi Huế, có rành gì về việc chăn nuôi. Huyện vẫn nói: “Nhất trí”! Cả Nam lẫn Khoai cũng nói vậy. Tuy dân nông thôn, họ vẫn chưa thấy ai nuôi thỏ bao giờ. Trong nhà tập thể, chỉ mỗi mình cô Lụa là giáo viên sinh vật, hiềm một nỗi, về phần ứng dụng thực tế, cô cũng lúng túng! Hôm góp ý cho dự thảo kế hoạch công đoàn, cô Lụa tự nghĩ, việc nuôi thỏ cũng giản đơn thôi, và hoàn toàn nhất trí theo tập thể.

Anh Quỳnh hoàn toàn tự tin, lại rất nhiệt tình. Quỹ công đoàn năm ngoái, anh dự định sẽ trích ra một số để mua giống tận Đa Công, rồi chính anh cùng Hạ sẽ chở vào, phân phối đến từng phân hiệu và hộ gia đình ở ngoài. Anh K’Đa, chị Xinh, anh Ruộng, cả Hạ nữa, sẽ nuôi thỏ tại nhà riêng của mỗi người.

- Có nuôi thỏ mới cải thiện được bữa ăn, tăng thêm chất đạm, chất béo ngoài chất bột của bo bo. Lát nữa, các đồng chí hăng hái lên nhé!– Anh Quỳnh vừa nhai bắp vừa nói –. 

Anh vốc thêm một nhúm, cho vào miệng rồi ra đứng ở chỗ dự định sẽ làm chuồng, ngắm nghía.

Đó là miếng đất nhỏ cuối chái đầu hồi, gần sát bờ rào, cỏ mọc lưa thưa, chỉ cách chỗ nhóm giáo viên đang ngồi khoảng vài mét.

- Anh đừng sốt ruột! Xong ngay thôi.– Nam nhìn ra, nói với anh Quỳnh –.

Sau khi uống nước, sáu anh em, kể cả Hạ, đi ngang qua gian nhà nữ trước khi xuống sân trường. Anh Quỳnh nhìn vào:

- Các đồng chí nữ lát nữa ra xem chúng tôi làm chuồng thỏ. Còn việc cắt cỏ ống cho thỏ ăn hàng ngày, mỗi người đều có ngày trực cả đấy.

- Nhất trí! Nhất trí!– các cô giáo vui vẻ nói đang khi còn nhai bắp –.

Trên đường xuống trường, ngang qua hai vạt đất trồng dâu, Huyện bảo:

- Chắc dâu của Công đoàn năm ngoái? Cái này coi bộ chủ lực đây. Đây là đất dâu tằm mà.

- Tôi thấy mấy ông cán bộ quy hoạch quá dở.– Khoai bàn chuyện cho vui –. Suối Đạ Nga gần đây lại không đóng trường, buộc giáo viên quá khổ vì nước, phải dùng nước khe, nước ngầm rả rích. Mặt bằng họ cố lấy cho được, cày hết lớp đất màu, khiến cây cối còi cọc. Dâu này lẽ ra khỏi cần phân, nếu đất màu còn giữ được.– Khoai nhìn quanh các vạt đất phẳng trên đỉnh đồi –.

- Hôm nào đi chơi suối Đạ Nga đi! – Nam thích thú –. Nghe các em học sinh nói, Đạ Nga rộng gần bằng con sông nhỏ, nước ào ào, trong tận đáy, khoái lắm.

- Ừ … Bây giờ, mỗi người vác một vác nhỏ.– Anh Quỳnh nói lúc đứng trước đống thân sắn đã róc hết cành và lá, mỗi cây như một thanh gỗ thẳng, còn nguyên mắt –. Đây, thân sắn lớp chín cho đây.– Anh Quỳnh lại nói trong khi các cô giáo dạy buổi chiều nhìn ra –.

Nam và Huyện lẫn Khoai đều hơi lạ lẫm với tập quán canh tác, chăn nuôi ở vùng cao này, nên cứ theo lệnh của anh Quỳnh. Họ vác lên vai, mỉm cười chào các cô giáo từ xa.

Ném bó thân sắn xuống đất, ngoài chái đầu hồi, anh Quỳnh vào chái sau mang ra mấy chiếc xà bất. Xà bất là một loại cuốc lưỡi nằm ngang một phía, còn phía kia là một lưỡi khác, nhỏ hơn, hình tam giác vuông, có thể sử dụng để làm cỏ tận gốc chè. Nông cụ thô sơ này ở miền xuôi Trung bộ không có.

Mấy anh em xớt cỏ bằng xà bất, rất nhẹ lại rất sạch cỏ.

- Cái xà bất này rất hay!– Khoai buột miệng, tay vẫn làm –.

Nam, Huyện cũng thấy vậy.

Anh Quỳnh dùng xà bất vạch một hình chữ nhật cỡ bốn mét vuông, yêu cầu anh em trở lưỡi xà bất đứng lại để cuốc sâu xuống đất, đào rãnh sâu bốn cạnh. Anh lưu ý, cuốc kiểu đó, nên nhẹ tay thôi, kẻo hư xà bất mất.

Lộc Biếc và Đồi Hương ra đứng nhìn nãy giờ. Huyện nói:

- Lộc Biếc ở Sài Gòn, chẳng biết vọc đất, nói gì đến cuốc!

- Em chỉ dùng bay thợ hồ để trồng cây kiểng thôi.– Cô nói, lại cười –. Nhưng nếu cần, vẫn cuốc được chứ sao!

- Vậy Lộc Biếc phải làm chủ nhiệm lại, để học kĩ thuật nông nghiệp với các em lớp chín, bằng chính đôi tay!– Nam ngước lên đùa –.

- Bộ em thua học trò sao!– Lộc Biếc thách thức với cái vênh mặt rất duyên –.

Khoai định nói gì đó, song cứ lúng túng trong miệng đang khi cuốc. Anh cuốc mạnh hơn để che giấu sự bối rối.

- Cuốc đi Lộc Biếc! Bao giờ sần chai bàn tay, tôi sẽ cấp văn bằng lao động nông nghiệp cho đồng chí.– Nam chìa cán xà bất cho cô –.

Đồi Hương phản đối:

- Công đoàn đã phân công rồi, bọn em chỉ cắt cỏ cho thỏ thôi, và hái lá dâu thôi.

Nam chợt hỏi với nét mặt rất phớt tỉnh:

- Công đoàn trường mình mấy năm qua, có cô giáo nào làm dâu chưa nhỉ? Trồng dâu thì nhiều rồi!

Sau mấy giây ngớ ra, mọi người cười giòn giã. Hai cô giáo đỏ mặt.

- Em! Sắp tới Lộc Biếc sẽ nhờ Công đoàn làm đám cưới cho em! Nhưng chú rể lại là rễ chuối hoặc rễ cà phê!

Mọi người lại cười ầm. Khoai giật mình, ngỡ cô nói “điềm gở”.

Đến lượt những thân sắn được cắm san sát bên nhau theo rãnh đã đào. Anh Quỳnh cũng dùng thân sắn để làm nẹp, rồi dùng dây thép buộc lại. Hạ và Hoán đi quanh, dùng thân sắn chèn vào các chỗ còn hở. Thế là xong một cái chuồng thỏ lộ thiên, có một cánh cửa để ra vào. Khoai dùng xà bất làm vật nện, nện cho đất ở bốn đường rãnh thật chặt, trong cũng như ngoài chuồng.

- Các đồng chí thấy đơn giản chưa!– Anh Quỳnh có vẻ hoan hỉ –. Lát nữa, đồng chí Giảng họp ở Ủy ban xã về, sẽ khoái cho xem.

Cất xà bất ở chái sau xong, cánh nam kéo nhau xuống chân đồi để tắm rửa. Tuy chiều đang nắng gắt, nhưng vẫn nghe lạnh. Nước từ ống nhựa cắm vào chân đồi rả rích chảy vào thùng. Cuối mùa mưa, đầu mùa nắng, nước còn khá lắm. Nước trong vắt, lạnh buốt. Có điều, chưa có cô giáo, thầy giáo nào bị cảm lạnh vì nước như nước đá tan ra ở đây. Có lẽ nhờ tất cả đều khỏe và trẻ – phiếu sức khỏe của họ đều loại A.

Huyện vừa dội nước vừa hỏi Khoai:

- Hồi nãy ông vắt chiếc áo trên cột đầu dốc để làm dấu hiệu, có buộc lại không hở Khoai?– Giọng Đà Nẵng của Huyện dường như đã hơi ngấm nước lạnh buốt này –.

- Rồi!– Khoai đáp –. Yên chí! Chả có cô nào, trò nào thấy biển cắm ấy với áo của mình mà dám xuống đây!

Anh Quỳnh cười sằng sặc, nhìn các thầy giáo đánh trần, quần cộc:

- Một lũ vượn-người A 1! Nhất là thầy thể dục có tên là Hoán! Công đoàn còn có chỉ tiêu lập đội tuyển bóng đá đấy!

Nước ở khe nhỏ vẫn thư thả chảy. Chiếc giếng được sắp bằng đá, ngay giữa lòng khe, để tiện thò gáo xuống múc nước, giếng ấy vẫn chưa cần sử dụng đến vào thời điểm này. Dưới chân đồi, nắng khuất, hơi nước bốc lên, nghe mau thấm lạnh. Mấy anh em tắm nhanh rồi lần lượt vào căn phòng tắm nho nhỏ của cánh nữ để thay áo quần. Họ lại nối bước nhau trên lối mòn để lên dốc về nhà tập thể.

Đến đầu dốc, Khoai mở hai tay áo đã được buộc lại trên cọc gỗ có tấm biển nhỏ, khoác áo lên vai.

Một buổi chiều sinh hoạt công đoàn thật vui, năm ấy. Năm ấy, đến năm nay, gần trọn hai mươi năm, ngỡ trong một chớp mắt!

 

 

( xem tiếp phần 4 )

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

             Cập nhật: 06/30/09

             (tháng / ngày / năm)

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7