g. Trần Xuân An - Ngẫu hứng đọc thơ - Đọc thơ Tần Hoài Dạ Vũ - Tệp 7

author's

copyright

trần xuân an

ngẫu hứng đọc thơ

 

 

phê bình thơ

Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005

06/30/09

 

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

Bài 7

 

Bài 8

 

Bài 9

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

                             

        

   Bài 7

 

ĐỌC THƠ TẦN HOÀI DẠ VŨ

                          

1

Cách đây ba mươi mấy năm, tôi đã nghe nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ giải thích bút danh của anh (*). Trong những năm gần đây, rất tình cờ, một lần nữa tôi lại được nghe lời giải thích đó cũng của chính anh với những người bạn trẻ, bắt đầu làm thơ khi đất nước bước vào cuộc Đổi mới ở thập niên 90 vừa qua. Cái bút danh bốn chữ hơi đậm chất từ chương Hán học ấy, quả thật là một điển cố trong văn học Trung Hoa. Anh mượn tứ thơ của Đỗ Mục đời Đường, bài “Bến sông Tần Hoài” (1), nhưng thay thế hình ảnh sương khói, ánh trăng đêm bằng hình ảnh mưa đêm (dạ vũ), để thể hiện tâm trạng và tuyên ngôn cho đời thơ của mình.

Mưa đêm trên bến sông Tần Hoài, tự thân hình ảnh điển cố – thơ, có sáng tạo thêm ấy đã biểu đạt tâm trạng bi thiết của người dân mất nước, thể hiện tuyên ngôn thuở bấy giờ của một người trẻ tuổi làm thơ, quyết tâm dùng thơ ca để cảnh tỉnh, đánh thức những ai còn ngủ vùi trong men say cùng tiếng hát phấn son trước vận nước đau thương.

Nhưng suốt ba mươi mấy năm đọc rải rác thơ Tần Hoài Dạ Vũ, đến lúc này, sau khi đã đọc hết 03 tập thơ anh đã xuất bản, tôi vẫn muốn tách bút danh ấy thành hai hình ảnh, “bạc Tần Hoài” “dạ vũ”. Tôi nghĩ, như vậy mới hiểu thật trọn vẹn hai mảng thơ xuyên suốt và song hành trong đời thơ anh. Tần Hoài Dạ Vũ là một nhà thơ thao thức, trăn trở về hiện thực đất nước, nhất là về Miền Nam trước Ngày Thống nhất, đồng thời anh cũng là nhà thơ của những tình yêu đương trầm buồn da diết, ít ra cũng rất đỗi ngậm ngùi.

Có thể nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ sẽ không bằng lòng về sự tách bút danh thành hai như một cách nói đó. Tuy nhiên, theo tôi, có thật sự hiện hữu hai khía cạnh chính yếu của một tâm hồn thơ như thế trong con người nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ. Dĩ nhiên hai khía cạnh ấy khác nhau, và mặc dù cũng có chút nào đó mâu thuẫn nhau, nhưng không thể tách rời nhau một cách máy móc. Nhìn chung, con người nào lại không là một khối mâu thuẫn! Nguyễn Du là một khối mâu thuẫn! Maiakovski cũng là một khối mâu thuẫn! Có thể tìm thấy sự mâu thuẫn ấy trong hầu hết các nhà thơ, nhà văn. Vả lại, sáng tạo thơ ca của một đời thơ là cả một quá trình. Quá trình sáng tạo nào cũng không thể đứng yên, mà luôn vận động trong mối quan hệ biện chứng giữa tâm hồn với bối cảnh của từng thời đoạn xã hội. Do đó, tôi cũng không thể đọc thơ phản chiến và thơ yêu đương của Tần Hoài Dạ Vũ với cái nhìn tĩnh tại, phiến diện.

 

2

Thơ yêu nước tại Miền Nam còn được gọi bằng một cụm từ quen thuộc trước đây, thơ phản chiến. Tần Hoài Dạ Vũ là một nhà thơ phản chiến, trực tiếp dấn thân vào hiện thực xã hội Miền Nam, có thể kể từ bài thơ có ghi ngày tháng sáng tác sớm nhất trong tập Tình yêu và vầng trăng lửa (2): tháng 3. 1963. Tất nhiên đó là một bài thơ của nhà thơ 17 tuổi, đã đăng trên báo chí thời ấy.

“… Những nghìn năm giết nhau / Thôi tôi mỏi tôi nhừ […] // Tôi ôm đầu âu lo / Tôi cong mình đau đớn / Chữ S thành từ đó / Rằng Việt Nam Việt Nam // Vô sản hay tư bản? / Độc tài hay tự do? / Tôi đui mù tâm thức / Mồm túa đầy cơn ho…” (3).

Đại từ “tôi” trong bài Lời đất này không phải tác giả tự xưng. Đó là Đất. Đất lên tiếng nói. Nhà thơ như một người thư kí ghi chép lại đúng y nguyên lời của Đất. Qua đó, nhà thơ vẽ lại hình thể đất nước ta như một người ôm đầu, hai chân như sắp khuỵu. Một cách khá bộc trực, thơ đã được viết như thế, bởi xã hội đòi hỏi nhà thơ phải nói thẳng, nói rõ những trăn trở, thao thức, băn khoăn trong chọn lựa. Thơ ca luôn gợi cho người đọc nhiều liên tưởng. Đọc Lời đất, tôi còn hình dung ra, đất nước sau một thời gian dài phân liệt Đàng Trong – Đàng Ngoài, phân liệt lương – giáo, lại rơi vào tình cảnh chia cắt Đất nước, chia cắt bằng dòng sông Bến Hải, một dòng sông hiền hoà bỗng dưng bị biến thành lưỡi dao khổng lồ, sắc lẻm và đầy máu.

Tần Hoài Dạ Vũ thuở bấy giờ đã nhận rõ, trên đất nước Việt Nam chúng ta, “mỗi thân thể hằn vết thương chia cắt / mỗi linh hồn đau nhức chuyện phân li” cùng với “máu anh em bè bạn hãy còn rơi” (4) “thân đã rách giữa hàng rào ý thức” (4).

Như khá nhiều nhà thơ khác, sáng tạo thơ ca và nhận thức lịch sử, nhận thức thực tại đang từng phút từng giây trở thành lịch sử hầu như đồng thời song hành và đồng nhất trong một quá trình. Ở tuổi mười bảy (1963), tuổi hai mươi (1966), trong xã hội Miền Nam bị bưng bít thông tin, Tần Hoài Dạ Vũ bấy giờ, cũng như nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn, đã nhận thức cuộc chiến tranh trên đất nước ta chỉ là một cuộc nội chiến tương tàn như thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Ở bản nhạc Gia tài của mẹ trong tập Ca khúc da vàng, Trịnh Công Sơn viết vào khoảng năm 1966: “hai mươi năm nội chiến từng ngày”. Hai mươi năm nội chiến nào vậy? Bốn chữ số 1966 ghi dưới bài thơ sau đây của Tần Hoài Dạ Vũ xác định rõ, đó là 1946 – 1966. 1966, đó chính là thời điểm Tần Hoài Dạ Vũ viết bài thơ Tháng hai ở Huế (5), và anh cũng xem hai mươi năm với “những giới tuyến, những màu cờ” ý thức hệ ấy chỉ là một trận dịch hạch:

“… Chiến tranh quất vào thân thể chúng ta bầm tím / Chiến tranh quất vào quê hương chúng ta nghèo đói / Anh lớn lên thì sự đã rồi / Mọi chuyện đã dàn bày hận thù đã tới / Tới cùng những cơn mưa nước mắt / Tới cùng những giới tuyến những màu cờ / Tới cùng lửa cháy tới cùng bom đạn / Tới đã hai mươi năm tới từng số phận / Như trận dịch tới hôm nay…”

“Những giới tuyến, những màu cờ” không chỉ là Bến Hải kể từ 1954 về sau!

Có thể vào tháng 2. 1966, Huế phải đối đầu với một trận dịch hạch có thật, nhưng khi vào thơ Tần Hoài Dạ Vũ, dịch hạch thành một ẩn dụ, “ôi súng ôi bom ôi dịch hạch / những tháng ngày lấm lem // gặp nhau hỏi bàng hoàng thảng thốt / đã chích chưa đã chích chưa đã chích ngừa dịch hạch chưa?”. Hẳn nhà thơ khẳng định rằng, cuộc chiến trên đất nước đã đẩy dân tộc vào sự tương tàn bằng súng đạn bom mìn và bằng cả những thông tin tuyên truyền tâm lí chiến độc hại, lan nhanh, xuất phát từ đài phát thanh, báo chí chế độ cũ. Không dám đoan chắc, nhưng tôi cũng có cảm giác Tần Hoài Dạ Vũ khi viết, đã vận dụng nhan đề của một cuốn sách khá phổ biến hồi đó, Dịch hạch (1947) của Albert Camus (1913 – 1960), một nhà văn Pháp, với tư tưởng bế tắc của ông ta, “cả thế giới là một trại tập trung và chiến tranh phi nghĩa”, và chút tinh thần trách nhiệm của con người trước vận mệnh chung mà ông kêu gọi. Trong chiều hướng ấy, ông thuộc vào hàng ngũ tiên phong ở Phương Tây. Nói đúng hơn, cựu đảng viên Đảng Cộng sản Pháp Albert Camus muốn tìm kiếm “con đường thứ ba”, ở giữa hai khối, cộng sản và tư bản. Camus viết Dịch hạch để chống lại “vi trùng dịch hạch” của chủ nghĩa phát xít. “Con đường thứ ba” này ở các nước thuộc địa như Việt Nam vốn đã có trước cả Albert Camus với tính đặc thù trong điều kiện xã hội cụ thể. Và dường như cũng trong luồng tư tưởng “mở ra con đường thứ ba” đó, nhưng Tần Hoài Dạ Vũ vận dụng Dịch hạch phù hợp với bối cảnh xã hội Miền Nam thời trai trẻ của anh. Huế của Tần Hoài Dạ Vũ là “nơi chúng ta còn đối mặt bi thương”, đối mặt với những luận điệu tuyên truyền của Mỹ ngụy. Không quay lưng với Tổ quốc, với Huế, thái độ đó đã là một sự dấn thân, và anh không muốn chỉ ở riêng anh, anh làm thơ như một lời kêu gọi, một sự chia sẻ trong tinh thần cộng đồng trách nhiệm.

Cũng như Trịnh Công Sơn và một phân số khá lớn trong lứa tuổi anh cũng như lứa tuổi của tôi về sau, nhận thức, tâm tình, thái độ ấy là có thật như một trạng thái tinh thần thế hệ đã thuộc về lịch sử của xã hội Miền Nam trước đây.

So với thơ yêu đương, thường quen gọi là thơ tình, ở Tần Hoài Dạ Vũ, thì những bài thơ phản chiến của anh, nói đầy đủ là thơ phản đối chiến tranh phi nghĩa, đã trở nên phóng khoáng hơn, mạnh mẽ hơn, thật sự thoát khỏi sự câu thúc về niêm luật thanh vần. Ở thể thơ tự do, câu thơ tãi ra, giãn ra, dễ hiểu như lời nói thường ngày. Đó là loại thơ không phải để thầm thì giữa hai người yêu nhau hoặc để vừa đọc vừa ngẫm nghĩ một mình với tâm trạng cô đơn, trầm lắng. Đó là thơ để đọc trầm hùng, hoặc đọc như gào thét, như tiếng kèn xung trận trước công chúng. Tuy vậy, anh vẫn làm thơ theo các thể truyền thống, nhưng để dễ hiểu, Tần Hoài Dạ Vũ lại thường dùng phương thức biểu đạt nửa ẩn dụ (mặc dù cũng có ẩn dụ toàn phần) để thể hiện những ý tưởng về sự vật có ý nghĩa biểu trưng, về trạng thái trừu tượng:

“… cho con sông nhân đạo / chảy trên cánh đồng tim / chẳng gặp ghềnh ích kỉ / thuyền yêu không sợ chìm…”  (6).

Hành trình tư tưởng và thơ ca của Tần Hoài Dạ Vũ, không nghi ngờ gì nữa, đã khởi phát từ tinh thần dân tộc, khát vọng tự do, phản kháng cường quyền tay sai với nhận thức mà về sau anh tự nhận là quá nhiều “sương mù” (không phải là sương mù thiên nhiên, sương mù thơ mộng!), để dần dần tiến đến phủ nhận những cái gọi là “cách mạng quốc gia”, “chỉnh lí quốc gia” ở chính trường Miền Nam. Vào tháng 12. 1967, trong một bài thơ Thư gửi em gái ở Hội An, người em gái được mẹ sinh ra “năm tháng trước ngày đình chiến […] / khi người ta lập tờ khai sinh hai nước Việt Nam” (1954), Tần Hoài Dạ Vũ viết:

“… Mười ba năm trên xứ sở tật nguyền / Tiếng súng nổ ru em ngày mới lớn / Cách mạng xuống đường đả đảo hoan hô / Thay đổi gì đâu em / Đời vẫn ngục tù / Vẫn cha mẹ ngày đêm khốn đốn / Gạo tiếp tế tháng đôi lần chen lấn / Cơm vẫn thường bữa mắm bữa rau  […] / Anh thức dậy đêm nay […] / Từ trái tim mở ngõ một ngày / Là đau thương thổi về ngàn năm lồng lộng / Tổ quốc chúng ta đây / Màu cờ thấm máu / Lịch sử chúng ta đây / Tầm tã trận mưa bom / Mưa tan nát trên mặt người hấp hối / Trời Bắc Nam sùi sụt không thôi / Ôi Sài Gòn Hà Nội / Những bàn tay chưa nối lại nhịp cầu / Những mắt nhìn còn chôn giấu hầm chông / Trong tiếng nói có nghi ngờ phục kích / Làm sao để yêu thương / Mà không sợ người giật mìn chia cắt …” (7).

Từ nền tảng cơ bản của mọi nền tảng là tinh thần dân tộc, Tần Hoài Dạ Vũ đã trăn trở, thao thức, tìm kiếm và do đó, tất nhiên phải nếm trải cả những sai lầm vì xã hội đầy đặc “mù sương” tuyên truyền. Tâm trạng, nhận thức bấy giờ của anh, sau bao nhiêu năm tháng, ta nhìn lại, thấy đáng quý biết bao. Dẫu có sai lầm ít nhiều về nhận thức, về tư tưởng, nhưng giữa một Miền Nam sa đoạ, suy đồi bằng đủ các thứ khuyến khích lãng quên, buông xuôi, phó mặc thời cuộc và vận nước, tấm lòng và nghị lực của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ vẫn sáng lên trong bối cảnh quá nhiều “sương mù” đó. Tìm đường! Nhận đường! Mở đường! Đó là tiếng gọi của thời đại và của trái tim anh. Con đường ấy, anh và thế hệ tự tìm kiếm, tự khai mở lấy, chứ không phải khi mới chào đời hoặc khi đang còn là cậu bé học sinh trung học, con đường ấy đã được người lớn chỉ vẽ, áp đặt. Do đó, đọc thơ Tần Hoài Dạ Vũ, không ai không quý mến, trân trọng hình ảnh một thanh niên cùng với thế hệ mình thao thức, trăn trở để tự khai mở một hướng đi tới, mà khởi điểm cũng như mục đích vẫn là tinh thần dân tộc, nền độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc.

Con đường thơ ca và nhận thức của anh, một chàng trai bấy giờ đang ở lứa tuổi hai mươi, vẫn còn ở phía trước. Anh viết Gửi tới một tương lai, trong âm hưởng sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân (1968), mà báo chí Miền Nam gọi là “biến cố Tết Mậu Thân”, chính xác là vào mùa đông năm ấy. Đó cũng là thời điểm có lẽ nhà thơ đã tốt nghiệp đại học sư phạm và đã ra trường, đi dạy học, lại trở về thăm Huế.

“Những ngày trở về tôi không gặp mặt bạn bè / Thiên nhiên khóc bên lòng vô vọng / Thành phố im lìm dưới trời mưa tai ương / Còi hụ giới nghiêm lúc tám giờ […] // Nhưng đời sống của chúng tôi đóng cửa vội vàng / Giấc ngủ trẻ con giàu ác mộng // Ai đang đi dưới một bức tường / Bỗng thấy tim đau đời mẹ nổ // Những ngày trở về tôi sống bơ vơ / Đi mãi về lòng mình lá chết / Thèm gặp một người quen mừng rỡ hàn huyên / Chỉ thấy những người lính viễn chinh nói cười la hét / Những đêm khuya gác tối không đèn / Un buồng phổi khói tàn nhựa thuốc / Muốn viết những bài thơ tố cáo bạo quyền / Muốn viết những trang thư tình dù em không đọc / Nhưng lòng khô bãi gió đìu hiu / Chỉ còn nỗi chết im lìm trong hai huyệt mắt / Sáng ngày mai rửa mặt, lang thang / Đi gặp những hồn ma kêu vang mất nước // Tôi muốn cúi xuống hôn những con đường / Ghi từng nỗi nhọc nhằn dân tộc…” (8).

                                                                 (Huế, 12. 1968)

Đây là bài thơ có thể nói, đã phản ánh rất đúng tâm trạng của một phân số thế hệ trong bối cảnh Huế – Miền Nam hồi đó. Lính viễn chinh Mỹ, Đại Hàn “nói cười la hét” bắt đầu có mặt trong thơ anh! Và Tần Hoài Dạ Vũ không thể không viết rõ, viết công khai hai chữ “mất nước”!

Với một người anh cũng là học sinh, năm học 1969 – 1970, tôi đang ở Huế. Từ Quảng Trị, tôi vào thành phố cổ kính ấy để học lớp 8 (đệ ngũ) tại Trường Trung học Hàm Nghi, ngôi trường dưới triều nhà Nguyễn được gọi là Quốc tử giám. Tôi có thể cảm nhận được không khí đấu tranh của sinh viên học sinh Huế vào thời điểm ấy, và cũng có đôi lần tham dự bãi khoá, mít tinh, biểu tình. Đọc lại chùm thơ Tần Hoài Dạ Vũ viết về Huế trong thời đoạn này, tôi như đang cảm nhận lại một phần không khí Huế năm xưa.

Ở thời điểm 1969, Tần Hoài Dạ Vũ đã thật sự đến gần với Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Trong những người bạn của anh, có người đã “lên xanh”, như Trần Minh Thảo, Trần Văn Hoà. Họ đã lên chiến khu, cầm súng chống đế quốc Mỹ xâm lược. Với anh, trận tuyến hầu như đã khá rõ ràng.

“… tôi nhớ đến các anh / những người đã ra đi không lời từ biệt / có bao giờ chúng ta lại nói với nhau / lời chân thật? Có bao giờ chúng ta im lặng xót đau / thấy một mùa tai ương thổi tới / đất nước nghẹn ngào mưa / niềm vui chúng ta gót chân người giẫm nát […] // những con ruồi xanh bu trên hạnh phúc tôi thiu / những con ruồi xanh trên phần số chúng ta / nỗi ám ảnh kinh hoàng dân tộc […]// không lẽ chúng ta sống suốt một đời khốn nạn / và chết trần truồng nô lệ ngày mai? […] // tôi nghĩ đến người xưa mài gươm dưới trăng […] // trên vỉa phố hồn mình còn nghe đau nhức / những gót giày ngoại quốc ngửa nghiêng …” (10).

Ý thức phản chiến không còn là phản đối chiến tranh phi nghĩa chung chung. Thơ Tần Hoài Dạ Vũ lúc này cũng trở nên nhuần nhị hơn. Có lẽ đây là lúc ngọn bút thơ của anh đã được tháng ngày và nhiệt tình rèn luyện, mài giũa, để có thể viết nên những dòng thơ sắc nét và tài hoa, bay bướm một cách giản dị.

Tần Hoài Dạ Vũ nhìn vào hiện thực chiến tranh, để thấy rõ những điều giả dối trong sách giáo khoa, thấy rõ bản chất của lòng thù hận ở ngoài xã hội, và muốn được giãi bày cùng người em hay nàng thơ nào đó về những nỗi niềm mà hiện thực chiến tranh đã khắc sâu móng vuốt của nó vào lòng anh, về những lớp học sinh đầu tay ở ngôi trường đầu tiên anh làm thầy giáo:

“… trong những trang sách anh dạy học trò / đã thấy hiện hình những điều xảo trá / hạnh phúc bỏ đi xa / khi chúng ta mỗi ngày chen vai cùng thù hận // Niềm thù hận không phải tự tâm hồn / không phải tới từ đồng bào hay xứ sở / nhưng thù hận vẫn tới khắp mọi miền / như loài quạ đen của thời đại / về từ miền đất nào xa xôi / bay suốt tim người rao tin dữ […] // Em làm sao đọc hết một đời / trang sử lòng anh đầy máu đỏ // Sáng hôm nay đứng giữa sân trường / chung quanh tôi những đời đơm lộc mới / biết ngày mai chúng ta còn gặp lại nhau? / mừng một niềm vui vừa tới / Đêm hôm qua người chết lặng câm …” (10).

                                                             (Tam Kỳ, 08. 5. 1970)

Phải chăng không phải “nội chiến” mà chính là “ngoại chiến”?

Như hầu hết những bài thơ phản chiến hồi đó, thơ tự do của Tần Hoài Dạ Vũ hình như được tiếp nối bằng mạch thơ của Hữu Loan, Yên Thao, Quang Dũng, Trần Dần, Phùng Quán thời kháng chiến chống Pháp và kể cả thời Nhân văn – giai phẩm ở Miền Bắc. Bài thơ thường là khá dài, tâm trạng trữ tình – suy tưởng được trải bày từ một khung cảnh (đi bách bộ trên đường phố mưa chẳng hạn), trong đó nhà thơ với nhiều góc độ hướng về nhiều không gian, thời gian, và nhà thơ độc thoại đơn thuần hay độc thoại theo cách đối thoại với nhiều đối tượng thơ khác nhau, khi với mẹ, khi với em, khi với bạn… Thơ như một loại tuỳ bút chất chứa, trào dâng, miên man nhiều cảm xúc trữ tình công dân (chữ của Trần Dần là “thơ chính trị”). Có lẽ bài Màu tím hoa sim của Hữu Loan, bài Nhà tôi của Yên Thao, bài Lời mẹ dặn của Phùng Quán, bài Nhất định thắng của Trần Dần… là khá tiêu biểucho loại thơ theo cấu trúc này. Thử làm một sự so sánh giữa thơ Trần Quang Long, Trần Vàng Sao, Thái Ngọc San, Trần Đình Sơn Cước, Lê Văn Ngăn, Lê Gành, Trần Phá Nhạc, Nguyễn Đông Nhật (11) và thơ Tần Hoài Dạ Vũ… với những bài thơ của các nhà thơ lớp trước trên kia sẽ thấy rõ một sự ảnh hưởng khá rõ về kết cấu, nhạc điệu, ngôn từ…

Có gì trái khoáy không khi nhận định như thế? Nếu cần thiết phải có một chút lí giải, phải chăng là thế này: Những nhà thơ phản chiến ở Miền Nam vốn là những người trẻ tuổi có lòng yêu nước mãnh liệt, tâm hồn họ chan chứa tinh thần dân tộc, trái tim họ sục sôi ý chí căm thù quân xâm lược viễn chinh, họ dũng cảm kêu đòi thống nhất, họ tha thiết yêu công lí với tất cả tấm lòng. Theo ngày tháng, họ đã nhận thức rõ thực chất của chế độ Mỹ nguỵ ở Miền Nam, nên dần dần họ đến với Mặt trận Giải phóng. Nhưng họ cũng là những người cháy bỏng khát vọng tự do. Do đó, họ không thích thú gì với loại thơ ca “chính thống” ở Miền Bắc. Họ sẵn sàng làm người cộng sản, và thực sự có người là đoàn viên, đảng viên cộng sản thuộc Đảng Nhân dân cách mạng Miền Nam Việt Nam (Đảng Lao động Việt Nam tại Miền Nam), nhưng thực chất họ vẫn là những người cộng sản tự do, dân chủ và biết phản kháng lại bất công ngay dưới chế độ cộng sản, chứ không phải là loại “cộng sản đàn cừu” dưới gậy chăn dắt, gậy chỉ huy văn nghệ. Tôi nghĩ rằng đó là trạng thái tinh thần đích thực của những người sinh viên tuổi hai mươi, những nhà thơ trẻ phản chiến ở Miền Nam. Sự gặp gỡ giữa Hữu Loan, Yên Thao, Phùng Quán, Trần Dần… với Trần Vàng Sao, Trần Quang Long, Thái Ngọc San, Trần Đình Sơn Cước, Lê Văn Ngăn, Lê Gành, Trần Phá Nhạc, Nguyễn Đông Nhật, Tần Hoài Dạ Vũ… là không có gì nghịch lí.

Tôi cũng không dám quả quyết về tư tưởng và hành trạng chính trị của những nhà thơ phản chiến ấy, nhưng điều tôi đoan chắc trên kia, là trên cơ sở văn bản nghệ thuật được đăng tải trên các tờ báo hợp pháp hoặc không chịu sự kiểm duyệt thuở bấy giờ.

Thơ Tần Hoài Dạ Vũ không những thể hiện tính kế tục giữa thơ chống Pháp, Nhân văn – giai phẩm với thơ anh trên mặt báo, mà chính bản thân con người nhà thơ trong đời thực cũng thế. Tôi vốn là một trong những học sinh của thầy giáo Nguyễn Văn Bổn (Tần Hoài Dạ Vũ), nên đã được nghe ngay tại lớp học những bài thơ không bao giờ có thể có trong sách giáo khoa dưới nhà trường chế độ cũ, do chính nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đọc (**). Đó là những bài Màu tím hoa sim, Nhà tôi, Lời mẹ dặn, Nhất định thắng… cùng với những bài thơ phản chiến của chính thầy giáo – nhà thơ, trong đó có bài Dòng chữ máu rưng rưng.

“Buổi chúng ta về qua một dòng sông / Sương mù quê hương lên rất chậm / Anh nhìn tôi cười nói như xưa / Nhưng trong nắm tay đã có tấm lòng uất nghẹn […] / Dù trái tim chúng ta có buồn / Vẫn thấy nắng hồng lên chật phổi / Những khổ đau như nấm mọc thân non / Khô héo hết khi niềm tin lớn mãi […] // Lòng chúng ta ai cứa vết dao / Nhìn những đoàn xe viễn chinh cuốn bụi mù cuối phố […] // Ai cướp cơm và ai đong máu / Ai bán thịt xương ta dựng những phố lầu / Đời chúng ta ai rào quanh bóng tối / Anh em ơi, lòng nhớ dặn lòng / Hạnh phúc vẫn đang còn trui lửa đỏ / Anh đã tin và tôi đã tin / Trước bạo lực không bao giờ cúi mặt […] // Tôi cúi đầu đi / Mưa rơi / Rơi mãi / Đất nước Miền Nam trơ trụi xác xơ […] / Thiếu những nụ cười / Thiếu cả tự do làm hơi thở […] // Anh ơi, đêm còn quá dài không thể ngủ / Tôi ngồi trong tối ngóng phương xa / Chờ đợi Hoà bình lên trước ngõ / Lòng sục sôi mà không viết nổi câu thơ / (Hăm bảy tuổi lẽ đâu đành chịu trói?) […] // Này anh bạn viễn chinh xa lạ / Xóm làng tôi anh đốt phá tan tành / Tương lai chúng tôi anh nung sém điêu linh […] // Anh ơi, hãy thắp đuốc lên môi / Nắm tay lại bao nhiêu xích xiềng phá hết […] // Ta đi mừng hội mới / Tổ quốc ơi, khắc hết cả cuộc đời / Dòng chữ máu rưng rưng / Tự do hay là chết / Khắc giữa quả tim Việt Nam mãi mãi kiêu hùng” (12).

          (30. 6. 1971)

Sau khi ra Huế tiếp tục giảng dạy, Tần Hoài Dạ Vũ vẫn tìm cách gửi báo in không giấy phép (thậm chí còn ghi giấy phép là Hiến Pháp, để chơi khăm chế độ Mỹ ngụy) vào Tam Kỳ (tỉnh Quảng Tín, tức là tỉnh Quảng Nam bây giờ). Chúng tôi, những học sinh lớp 10, 11 chuyền tay nhau đọc. Bài Nối bước, viết tặng Nguyễn Đông Nhật, em trai của nhà thơ, đã được in trên tạp chí Đối Diện (***) hồi ấy. Đó là sự nối bước theo thế hệ cha ông chống Pháp:

“… chúng lộn, chúng nhào / chúng gào, chúng thét / chúng băm vằm ứa máu bầu trời xanh / nhà cháy / thây tan / dưới những cơn mưa sắt / nhưng chúng càng giết người càng sáng ngời tim sự thật / trái tim Việt Nam anh dũng chống xâm lăng // Em tôi nay trưởng thành đi chiến đấu / (đứa em sinh chưa đầy tháng buổi cha đi) / nối bước ông cha quyết chí giữ làng / nương bóng tre xanh vươn mình chống Mỹ […] / khuya nay loa gọi thức ánh trăng rằm / sao trời nở trên ngọn cờ cứu nước / ta ôm súng lên đường nhớ lời mẹ ru thuở trước…” (13).

(06. 1972)

Và sau khi Hiệp định Paris 1973 kí kết, nhà thơ chào mừng đứa con đầu lòng ra đời bằng một bài thơ, không phải là thơ ru con, mà thơ phản chiến.

“Bây giờ không còn những con chó sói bên ngoài / không còn những tiếng nổ xâm lăng / không còn hận thù làm mắt nhìn bốc lửa / nhưng bây giờ vẫn còn những con chiên ghẻ trong làng / những tên đồ tể vẫn hằng trục lợi / những tên đầy tớ ngoan ngoãn để người sai / chúng âm mưu níu mùa đông lại / chúng rào quanh những khu vườn cây trái còn tươi / nhưng mùa xuân ở bên kia sông đang bước tới […] / Anh có nghe không nắng mai vừa tới / mang tình yêu hoà hợp xây đời // Còn rất nhiều nghi kị giữa chúng ta / còn rất nhiều hiểu lầm lo sợ […] // Ta đi khắp xóm làng hát lời ca ngợi / mùa thương yêu hoà giải của dân ta… ” (14).

Từ đó, thơ Tần Hoài Dạ Vũ luôn được viết với sự lặp đi lặp lại những từ “hoà hợp, hoà giải, liên hiệp, Hội trùng tu, Hội Nước” và có cả “Hội Loài người” (15). Trong Gió hoà bình đã thổi, có đoạn rất cảm động và nhuần nhị, có đoạn vì cần chuyển tải khẩu hiệu, nên vẫn còn “khó đọc”:

“Khi lũ giặc đã cuốn cờ xâm lược / gió thanh bình thổi bát ngát lòng ta / em nhớ về chung tay mừng Hội Nước / khắp Bắc Trung Nam hoà hợp một nhà! […]/Mẹ già ơi, gió hoà bình đã thổi / chúng con về dựng lại xóm làng xưa / thù hận cũ, bên bếp hồng, hoà giải / lòng tạnh rồi sau những tháng ngày mưa…” (15).

Đọc thơ Tần Hoài Dạ Vũ giai đoạn này, hiểu anh nhìn rõ thù hận chất chứa cả trăm năm là thù hận có thật, cần phải hoà giải để hoà hợp. Tôi vẫn còn nhớ trong cuốn Việt Nam sử lược (16), một bộ sử được xuất bản dưới chế độ thực dân, vài ba thế hệ đã đọc, có câu: “Dần dần người trong nước phân ra bên lương, bên giáo, ghen ghét nhau hơn người cừu địch”. Thù hận giữa người Việt với người Việt còn hơn thù hận cừu địch ngoại xâm là cả một sự thật khủng khiếp, và đã thuộc về sử kí! Nhưng lịch sử vẫn còn đang tiếp diễn từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai, cho nên, mặc dù nói với niềm hi vọng lạc quan nhất, cũng phải nói thù hận ấy hiện vẫn còn tồn tại âm hưởng của nó (chỉ âm hưởng thôi), trong xã hội Việt Nam hậu chiến (1975 – 2004) (17)!

Từ những bài thơ đầu tay, như Cho tương lai (18) (1964), Tần Hoài Dạ Vũ đã viết đến hai chữ “đức tin”. Phải chăng đây chỉ là một cách tu từ, hay thực sự là đức tin tôn giáo, cụ thể là Thiên Chúa giáo? Ở bài thơ Thư gửi em gái ở Hội An, anh lại mỉa mai: “Em ơi, phải chi Chúa cho chúng ta được quyền chọn lựa / Thuốc độc hay Hoà Bình” (7). Nhưng có lẽ một trong những đoạn thơ của Tần Hoài Dạ Vũ dễ khiến người đọc khó quên nhất vẫn chính là mươi dòng viết về người vợ hiền của anh (gia đình cha mẹ vợ thuộc bộ phận đạo dòng Thiên Chúa giáo): “Ôi vợ tôi hiền lành như bông lúa / Mắt trong ngon như một giọt nước dừa / Vẫn cam chịu đi về mấy mùa mưa nắng / Vẫn là con chiên ngoan đạo mỗi sáng đến nhà thờ / Cầu nguyện cho người chồng ngoại đạo…” (12). Tất nhiên Tần Hoài Dạ Vũ biết rõ như anh đã viết: “nhưng bây giờ vẫn còn những con chiên ghẻ trong làng…” (14)!

Có những cuộc tình duyên vốn khởi đầu bằng những rung động trong sáng, vô tư, rồi theo ngày tháng, những trái tim bị sa lầy không lối thoát một cách oan uổng. Đó là những cuộc tình duyên bi kịch rất có ý nghĩa về mặt văn chương, nhưng dưới lăng kính chính trị, hoá ra “có vấn đề”!

Tôi nghĩ, đây là một trong những điều đã làm nên khối mâu thuẫn trong tâm hồn thơ Tần Hoài Dạ Vũ! Nhưng ở thi sĩ, mâu thuẫn có tính bi kịch hoá ra lại là vấn đề rất thu hút đối với các nhà nghiên cứu, phê bình văn học vốn thường quan tâm đến các vấn nạn của hiện thực xã hội trong văn học. Và một nền văn học đích thực không bao giờ đơn điệu, bởi có sự hiện hữu của những mâu thuẫn bi kịch rất hiện thực ấy!

Chung quy, với mảng thơ phản chiến này, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ vẫn là một nhà thơ hiện thực giàu chất lãng mạn và lắm ảo mộng. Tôi từng biết, ai đó đã không ưa anh, cho anh là nhà thơ “tiểu tư sản”, ai đó nặng nề hơn, gọi anh là nhà thơ “ngụy tín”, “cải lương chủ nghĩa”, thậm chí thúc đẩy việc thi hành kỉ luật đối với anh (khai trừ anh cùng một loạt người ra khỏi Đảng), và ai đó chỉ biết ngậm ngùi, trong những cuộc chuyện trò nào đó, khi chợt nhắc về anh: thi sĩ “thất sủng”!

Chính Tần Hoài Dạ Vũ đã ghi nhận vào thơ anh những dư luận từ trước đó, 1965, trong bài Những ảo tưởng mùa xuân của loài rêu, chứ không đợi đến sau này (từ 1975), vì những lí do khác.

“… Người ta bảo anh là nhà thơ – anh tự hỏi không biết có phải – chỉ là một giống nhai lại mớ ngôn từ giẻ rách lừa dối thiên hạ bằng những ảo tưởng mặc áo hoa những khổ đau vớt ra từ lò nhuộm những hận thù súng đạn chết chóc viển vông // […] // Biết nói thế nào với em khi trán anh vẫn kẽm gai rào kín mắt anh nhìn tua tủa bàn chông và người đời thì vẫn liên tiếp ngộ nhận đằng sau mỗi lời nói nghi ngờ vẫn hằng phục kích? // Anh rơi từ đỉnh đau thương xuống vực sâu tủi hổ giấu mặt nằm im không dám nhìn ngày lên vàng vọt sợ đồng loại nhận ra mình chỉ là một tên mồm mép nói hoài về cuộc chiến tranh trong mỗi trái tim trên mỗi phần da thịt quê hương // […] // Anh vẫn đánh lừa anh mỗi ngày nghĩ rằng người ta không quên được vết thương càng lúc càng lở lói máu càng lúc càng đặc quánh căm hờn và những ruộng lúa chết ngạt trong rừng mưa bom sâu vào thân thể…” (19).

Mặc dù ít nhiều thừa nhận những thiên lệch trong cách nhìn, trong giọng thơ trước hiện thực Miền Nam và thường tự trách mình bằng hai từ “ảo tưởng”, “ảo vọng” (bởi thơ là tiếng nói cảm tính, không phải là kí sự lịch sử lạnh lùng), nhưng cũng chính nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã xác định cho mình sứ mệnh của thi sĩ, trước những dư luận công kích, trước những bạo lực luôn luôn cố quyết dìm chết những tiếng thơ phản kháng:

“Anh đi ven sườn đồi / cứ muốn vượt lên đỉnh / sự thật ở trên cao ở phía trước anh / giữa một thời đại / mà mọi sức mạnh / đều muốn nhận chìm anh // Ngày chói sáng và mây bay đi / ngày chói sáng / những tiếng kêu xé lòng […] / anh không ngừng sống / với những ảo vọng // […] Thời đại kêu thét điên dại / trong trái tim anh lửa cháy / trái tim thành một lưỡi hái / gặt những mùa ảo vọng / trái tim không ngừng / chảy / máu…” (20).

Tôi thấy Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ có chất đỏ rất Pablo Néruda, một thi sĩ Chi Lê (Nobel 1971), mặc dù anh nhắc đến Núi Sọ trong Tân ước (Kinh Thánh), nơi Jésus Christ chịu tử hình trên thập giá dưới chế độ thực dân của đế quốc phong kiến La Mã, vì Jésus Christ đã dám rao truyền “đức tin mới”. 

Luôn trăn trở về sứ mệnh của thơ ca và trách nhiệm của nhà thơ, Tần Hoài Dạ Vũ còn viết bài Dự báo (1986):

“Những nhà thơ của thập kỉ dãi dầu / lại viết về những ngày bình yên hằng tưởng […] // Những nhà thơ sống một thời xa hoa / nói điều cao xa trước một em bé đói / câu hát gỉ của một dàn đồng ca tiền chế / trôi thờ ơ trên những mặt người đang đứng trước cánh cửa tai ương // […] sẽ đến trong cuộc sống chúng ta / một ngày phố phường đỏ tươi ngọn cờ phẫn nộ // Khi ấy tình yêu chúng ta được đánh thức / bằng tiếng hát của những nhà thơ cô đơn” (21).

Phải chăng anh đã đi đến với chân lí nghệ thuật và chân lí trong lao động sáng tạo nghệ thuật? Không bao giờ có thơ ca được sáng tác tập thể và nhà thơ đích thực thiếu cá tính sáng tạo cả. Và câu hỏi cũng là câu trả lời của Jean Paul Sartre (1905 – 1980), anh thường nói với học trò ngày ấy, “trước một đứa bé đói, hãy đặt cuốn La naussé (Buồn nôn (22)) và ổ bánh mì, nó sẽ chọn thứ gì?”. Phải chăng cháu bé đói khát ấy không thể chọn La naussé (1938), cho dẫu La naussé là cuốn sách mà Jean Paul Sartre dốc hết tinh hoa của đời mình vào đó, để trình ra giữa đời một chủ nghĩa hiện sinh vô thần. Cháu bé cần phải ăn cho lớn và đi học cho thành tài đã, rồi bấy giờ nó mới tìm đọc La naussé, xem tại sao phải buồn nôn trước hư vô, trước cuộc đời phi lí, phải dấn thân, phải phản kháng, và phải có tự do, phải có trách nhiệm. Ở đây, tôi không có ý nhắc lại để phê phán hay khen ngợi chủ nghĩa hiện sinh vô thần, mặc dù đó là “con đường thứ ba” ở Phương Tây giữa thế kỉ XX, theo cách của Phương Tây. Vấn đề là đôi câu thơ của Tố Hữu trong bài Có thể nào yên: “Tôi muốn viết những dòng thơ tươi xanh / Vẫn nóng viết những dòng thơ lửa cháy”. Điều này đã có nhiều cuốn sách bình luận, tôi không phải bàn thêm. Cuối cùng, cái chính là suy tư của chính Tần Hoài Dạ Vũ về “tình yêu chúng ta”“nhà thơ cô đơn”, chứ không phải nhà thơ trong dàn đồng ca thi sĩ “tiền chế” trước cây gậy chỉ huy văn nghệ. Tình yêu nào vậy? Tình yêu đương? Tình yêu cuộc sống? Tình yêu Đất nước? Tình yêu chủ nghĩa nhân đạo cụ thể và thiết thực? Vân vân dấu hỏi sẽ được đặt ra cùng ba dấu chấm lửng hay một dấu chấm quả quyết? Nhưng rõ ràng là đã có sự kiện Cởi trói (1987) trước “một ngày phố phường đỏ tươi ngọn cờ phẫn nộ”.

 

3

Tần Hoài Dạ Vũ còn là một thi sĩ của tình yêu đương và các tình cảm khác bên ngoài những suy tư về thời cuộc, những gì có thể gọi là thực sự dấn thân vào cuộc chiến tranh. Anh đã xuất bản hai tập thơ viết về những nỗi niềm đôi lứa và về những tâm trạng riêng tư: Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ Ngọn lửa quạnh hiu. Thật ra, trong tập Tình yêu và vầng trăng lửa, mặc dù chủ yếu là thơ phản chiến, nhưng cũng có một chùm thơ yêu đương thuần chất được anh đặt vào giữa tập.

Số lượng thơ yêu đương được anh viết trước Ngày Thống nhất (1975) trong hơn hai tập thơ hoá ra không nhiều, so với mảng thơ cũng về đề tài này được anh viết về sau. Nếu chỉ căn cứ vào tỉ lệ như thế, ta cứ ngỡ đến lúc đã bước vào tuổi ba mươi (1976) Tần Hoài Dạ Vũ mới thật sự lao vào tình yêu đương!

Thơ yêu đương, Tần Hoài Dạ Vũ viết lúc anh còn ở lứa tuổi cháy bỏng nhất về loại tình yêu này, rất dễ nhận thấy, căn cứ vào sắc thái đặc trưng về ngôn ngữ thơ Miền Nam trong hơn hai thập niên chia cắt đất nước (1954 – 1975). Thơ tâm trạng riêng của anh trong giai đoạn này cũng thế. Tôi gọi đó là hương vị ngôn ngữ thơ Miền Nam (23).

Sau mấy mươi năm, đến bây giờ tôi vẫn thấy những đoạn thơ trong bài Hẹn về với Huế của Tần Hoài Dạ Vũ tuy vẫn chưa hề cũ, nhưng đó là nét đẹp cổ kính rất Huế:

“… Anh sẽ về một sáng mùa thu / sông Hương còn trắng những sương mù / áo em trắng nhịp cầu thương nhớ / bóng ngã lòng anh câu hát ru // Anh sẽ giong thuyền trên nước xanh / chở trăng Gia Hội vào Nội thành / soi nghiêng mái tóc thề tôn nữ / thiếp giữa một vùng hương mỏng manh…” (24).

                                                                                (1964)

Hoặc ở bài Khi em 16 tuổi, nhà thơ bước vào tuổi 18 viết những điều vừa thơ mộng vừa rất thực ở tuổi dậy thì trong trắng:

“Nắng e thẹn dìu em từng bước nhỏ / hồn có buồn hơi thở cũng còn thơm / rừng tóc rối xôn xao loài dị thảo / mùa xuân sang chợt rủ xuống giận hờn // […]Con sóng nhỏ vỗ hai bờ cảm giác / vườn ngây thơ bướm trắng đã thôi vào / rồi một buổi buồn bỗng dưng thức giấc / đường em về chiều hoa rụng lao xao…” (25).

                                                                                (1964)

Nhưng riêng ở mảng thơ về tâm trạng riêng trước Ngày Thống nhất, không phải chỉ một mình tôi, mà rất nhiều người đã đọc và thuộc nằm lòng một bài thơ được đăng trên bán nguyệt san Văn hồi ấy. Chiều mưa uống ruợu là bài thơ đẹp hoàn chỉnh của Tần Hoài Dạ Vũ về mặt ngôn ngữ thơ và tâm trạng thể hiện trong đó. Bài thơ của một người xa Huế và nhớ thương về Huế trong sự trống vắng quanh mình. Phải sống với Huế rất lâu và rất sâu với Huế mới có thể viết được những câu thơ với bao hình ảnh mang hồn vía Huế như vậy.

“buồn xuống ngang vai chiều tới chậm / lòng tôi mưa bụi nữa đây em / không chắc đêm nay mà ngủ được / rượu tàn không ấm nhớ không tên // tâm sự cứ như là áo rách / từng chiều chếnh choáng bước loanh quanh / hồn thôi bỏ mặc cho sương xuống / thương nhớ không vàng giọt nắng hanh // dừng chân dưới cột đèn châm thuốc / không gió mà tay lạnh rất đầy / mùa thu về nữa trên cây lá / mai mốt sẽ buồn như heo may //không biết tình xa chiều có lạnh / người về qua một bến sông xanh / áo bay hay là rơi vào Nội? / thương nhớ lòng theo mấy cửa thành // sao tôi cứ là mây viễn xứ / thèm về soi giữa mắt nhung xưa / mà không là một vầng trăng tỏ / nở giữa hồn em cả mấy mùa? // mưa rụng thêm hồn tôi nữa đây / chiều tàn. rượu hết. sầu chưa say / mai về tay níu vai cầu cũ / cởi áo xưa buồn cho gió bay” (26).

                                                                                   (1969)

Sau Ngày Thống nhất (1975), nhất là trong thời Đổi mới (1985) và Cởi trói (1887), thơ yêu đương và thơ tâm trạng riêng của Tần Hoài Dạ Vũ không phải vô cớ lại chiếm lĩnh cả tâm hồn anh. Tuy cả xã hội và riêng văn học nghệ thuật được đổi mớicởi trói, nhưng Tần Hoài Dạ Vũ đã không còn dấn thân với tất cả tinh thần trách nhiệm như trước đây. Anh thừa biết những câu trong sách giáo khoa, ban biên soạn đã viết nhằm phê phán thơ ca lãng mạn tiền chiến (1930 – 1945), đại để là nhà thơ tìm đến tình yêu đương như một sự thoát li hiện thực xã hội dưới chế độ thực dân – nửa phong kiến. Nhưng khó viết về “con người mới, cuộc sống mới”, nay được tự do thể hiện cái tôi trữ tình trong thơ yêu đương cũng là một lối thoát cho sự bế tắc hiện tại. Và tình yêu đương bùng cháy trong bao tập thơ, trang báo. Không thể ra khỏi quỹ đạo của thời đoạn, Tần Hoài Dạ Vũ sống lại với thời thanh xuân đã qua. Với yêu đương, anh yêu bằng cả trái tim nhưng đó là trái tim của một người đứng tuổi, đã từng trải, và đã xa lắm rồi những ngây thơ, sôi nổi, thiết tha mà thơ mộng ở tuổi sắp là sinh viên đại học. Trái tim anh gần đây vẫn sôi nổi, thiết tha như thuở nào, nhưng cảm xúc lại có chiều sâu của những trầm tư. Anh suy nghiệm về tình yêu đương. Và không nghi ngờ gì nữa, anh muốn tìm trong yêu đương một sự thăng hoa, giải thoát: tình yêu đương như một thứ tôn giáo mang tính chất trần tục. Anh làm thơ triết lí về tình yêu đương, trong đó có cả dục tính với sự ngợi ca thân xác (tất nhiên ở tuổi đã quá trưởng thành!), sự truy tìm bản thể, lại gồm cả sự tính toán giàu sang, danh vọng của người đàn bà ở tuổi chín muồi và đã trải qua nhiều nỗi đời, sự âu lo ở tuổi sắp sửa xế chiều của người đàn ông cô đơn, không thừa thãi tiện nghi vật chất. Tôi có thể nói về thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ giai đoạn sau này như vậy. Và tôi không thể không nhận ra, chính anh, Tần Hoài Dạ Vũ, sau cuộc trải nghiệm yêu đương với “người bạn đời ngoài hôn ước” (27) – theo cách nói của anh –, nhà thơ đã viết: “Kỉ niệm bây giờ là đôi mắt địa ngục soi mói khi cuối cùng tôi đã hiểu ra rằng chẳng phải tình yêu là tất cả” (28).

“Cuối cùng thì những dối trá cũng bày ra / nhưng anh không ngờ nó lại trần trụi đắng cay đến vậy / Bệnh tật là mặt trái của đắm say // Cuối cùng thì những ảo tưởng đã tan đi / nhưng anh vẫn không bao giờ còn nhắm lại được con mắt trong sáng / Chiếc mặt nạ của thói đời phóng đãng // Cuối cùng thì cuộc tình muộn phiền cũng đã kết thúc / nhưng anh vẫn không thể nào bước qua trái tim ngập giữa tro tàn / Li nước đã không còn một chút cặn” (29).

Quả thật, Tần Hoài Dạ Vũ đã viết được những bài thơ rất đẹp, đẹp một cách cay đắng, và có chiều sâu tư tưởng về tình yêu đương. Ngoài những thể thơ, kể cả thể tự do, thường thấy trong các tập thơ của anh, Tần Hoài Dạ Vũ còn làm sống lại và làm mới mẻ hẳn loại thơ văn xuôi mà chúng ta nếu để ý, sẽ thấy rất gần với thể phú trong văn học Việt Nam cổ điển. Ngọc tĩnh liên phú của Mạc Đĩnh Chi, đặc biệt là Tài tử đa cùng phú của Cao Bá Quát, Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ, đó là vài ba dẫn chứng dễ tìm thấy và hầu như ai cũng biết. Thể phú thực chất là thơ văn xuôi, có thể nói như vậy, mặc dù ở thể phú còn bị ràng buộc bởi phép biền ngẫu, thanh vận. Nói cách khác, thơ văn xuôi chính là thể phú tự do. Rabindranath Tagore thường dùng thể thơ văn xuôi này như ở tập Tâm tình hiến dâng (30) chẳng hạn, và các nhà thơ trước đây cũng có nhiều người sử dụng như Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Mai Trung Tĩnh, Nh. Tay Ngàn… Chùm thơ văn xuôi của Tần Hoài Dạ Vũ có tên riêng của từng bài như Thư gửi một người lỗi lầm, Mùa xuân xa tít, Đoạn kết của một nỗi buồn, Kinh cầu riêng cho một người, Bằng chứng, Bài ca của lòng trắc ẩn muộn màng, Phút giây vĩnh cửu, Lối về, và có thể kể cả bài Niềm tin. Đó là những sáng tạo mới rất đáng kể của anh. Riêng bài Niềm tin, thử không ngắt dòng, ta đọc được một đoạn thơ văn xuôi tuyệt vời:

“Nếu tuổi trẻ đã qua đi và chỉ còn những hoài niệm luôn luôn đè nặng tâm hồn tôi. luôn luôn cuốn tôi đi trong dòng xoáy của đời. luôn luôn vọng lại trong tôi những lời từ biệt, tiếng còi tàu hay tiếng gió của buổi hoàng hôn mưa bụi. tôi vẫn không tin rằng cuộc đời này chỉ có nỗi buồn…” (31).

Ở bài Niềm tin ấy, lần thứ nhất in ở tập Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ, lần thứ hai anh in cuối tập Ngọn lửa quạnh hiu để thay một lời tự bạt. Điệp cú “tôi vẫn không tin rằng cuộc đời này chỉ có nỗi buồn” ở cuối mỗi đoạn thơ là một sự khẳng định niềm yêu cuộc sống của anh như anh từng quả quyết đặt đầu đề cho một bài thơ khác, “Vì niềm vui. Với niềm vui” (32).

Một điều nữa có thể thấy ở mảng thơ yêu đương suốt đời thơ của Tần Hoài Dạ Vũ, mà tôi mạn phép gọi là mảng mưa đêm (dạ vũ), bên cạnh mảng thơ phản chiến bến Tần Hoài (bạc Tần Hoài): đó là hàng trăm bài thơ trau chuốt nhất của anh về ngôn từ, nhạc điệu và hình ảnh. Thơ phản chiến, anh viết khá giản dị, dễ hiểu, có nhiều bài đẹp và sâu trong sự giản dị, dễ hiểu ấy, nhằm phục vụ quần chúng. Thơ yêu đương của Tần Hoài Dạ Vũ được viết hầu hết với thi pháp khác hẳn, để người yêu thầm thì đọc cho người yêu, để ta đọc đi đọc lại trong suy ngẫm, mỗi lúc đọc mỗi phát hiện ra những dụng công rất tinh tế của nhà thơ.

Tuy nhiên, cũng không vì thế để rồi nói bừa rằng, Tần Hoài Dạ Vũ bỏ tất cả tâm huyết và gan ruột vào thơ yêu đương và chỉ thơ yêu đương mà thôi. Không, hoàn toàn không phải vậy. Tôi nghĩ, viết thơ phản chiến một cách dung dị lắm khi lại phải khổ công lao động nghệ thuật gấp nhiều lần so với việc làm một bài thơ yêu đương có hình thức trau chuốt tinh tế.

Một điều khác nữa, Tần Hoài Dạ Vũ rất ít khi làm thơ lục bát. Tuy vậy, với thể thơ này, để thể hiện tâm trạng riêng, anh vẫn có những câu rất hay, cái hay của sự giản dị, trong trẻo và gần gũi:

Mười năm không trở lại nhà

Bóng trưa nghiêng đổ tiếng gà trong mơ (33).

 

4

Mặc dù có sự giao thoa giữa mảng thơ phản chiến (bạc Tần Hoài) và thơ yêu đương (dạ vũ), nhưng ở Tần Hoài Dạ Vũ qua 03 tập thơ, có một sự rạch ròi đến độ không cần lưu ý cũng có thể thấy ngay.

Trong mảng thơ phản chiến, qua những bài thơ được sắp xếp theo thứ tự thời gian ở tập Tình yêu và vầng trăng lửa, dưới mỗi bài lại có cả địa điểm, ngày tháng năm hoặc chỉ là năm sáng tác, người đọc có thể hình dung rõ những chặng đường nhận thức cùng những dấu ấn tư tưởng và thủ pháp nghệ thuật thường dùng trong mỗi giai đoạn của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ. Thơ trữ tình (vốn thuộc loại hình hư cấu) không phải là hồi kí (thuộc loại hình ghi chép người thật, việc thật), tác giả cũng không xác định đó là kí sự hay nhật kí bằng thơ, tuy nhiên, người đọc vẫn hình dung ra một chân dung thơ (tôi không dám khẳng định là chân dung khắc hoạ con người đời thật) của Tần Hoài Dạ Vũ. Đó là con người thơ bên trong, con người sâu thẳm, của chính nhà thơ. Mảng thơ yêu đương của Tần Hoài Dạ Vũ góp phần rất lớn để chân dung thơ, con người sâu thẳm của nhà thơ hiển hiện trước mắt ta, qua những tần số rung cảm, tần số xuất hiện những hình ảnh, từ ngữ, ý tưởng, thủ pháp nghệ thuật mà tác giả tâm đắc nhất, trăn trở nhất, thao thức nhất.

Tôi có thể cam đoan với những ai chưa đọc trọn vẹn 03 tập thơ của Tần Hoài Dạ Vũ một điều: Trong một bối cảnh văn học đầy ngập những ấn phẩm suy đồi, có tác hại xô đẩy hoặc khuyến khích tuổi trẻ tìm kiếm sự lãng quên thế cuộc trong những mối tình yêu đương đủ loại, trong những thứ triết học xa lạ, viển vông, ẩn chứa nhiều độc tố chưa được chỉ ra (bên cạnh những yếu tố tích cực), và trong không khí xã hội đầy đặc những nỗi niềm mặc cảm nhược tiểu, mặc cảm thân phận, những thứ mặc cảm chỉ khiến tuổi trẻ cúi gục đầu buồn thảm, Tần Hoài Dạ Vũ đã phần nào nhìn ra sự thật lịch sử và thực trạng chế độ xã hội, đặc biệt là ở Miền Nam, để rồi xác định cho mình, bạn bè mình và cả những người nhỏû tuổi hơn mình một trách nhiệm ở trái tim – ngọn bút, trước vận nước. Đó là điều rất đáng quý trọng và kính mến. Tất nhiên anh cũng có những sai lầm, thiếu sót, phiến diện, những ảo vọng dung hợp đối cực, và không phải không có những thiên lệch. Nói rõ ra, chẳng lẽ Tần Hoài Dạ Vũ không có một chút nào xúc động trước hiện thực đấu tranh của phong trào Phật giáo, gồm cả lực lượng dân tộc thuần tuý đông đảo, chống chế độ Mỹ ngụy thời bấy giờ? Và anh còn thiên lệch về nhiều phương diện khác nữa. Nhưng với một tiếng thơ đấu tranh trực diện, những thiên lệch (đúng hơn là sử dụng thủ pháp nghệ thuật cường điệu) của tình cảm cháy bỏng nẩy sinh từ nhiệt huyết là một điều không thể khác được. Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ cũng không phải không nhận ra điều đó. Tôi nghĩ, hẳn có lúc anh đã tự hỏi, trái tim nhà thơ có thể công bằng, khách quan hơn đối với lịch sử, và cái nhìn của nhà thơ cũng có thể tỉnh táo, toàn diện, thấu đáo hơn về hiện thực xã hội – lịch sử chăng?

Tôi vẫn giữ lòng quý trọng, kính mến ấy về nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ ở những thao thức, trăn trở trong thời gian sau Ngày Thống nhất (1975), mà anh đã viết thành thơ trong 03 tập thơ đã xuất bản, mặc dù hình như anh đã bị quá nhiều áp lực, các luồng sức ép vừa thực chiêu vừa hư chiêu, nên “nhiều lúc như để tâm hồn nghiêng về thế giới của hư vô” (34); và cho dẫu như vậy, anh “vẫn không tin rằng cuộc đời này chỉ có nỗi buồn” (31).

Tôi hiểu, chưa có thời đoạn nào sức ép đối với người làm thơ, viết văn (tất nhiên liên quan đến sử học) lại ghê gớm và từ nhiều phía như hiện nay.

Nhưng, ngoài tình yêu cuộc sống, chúng ta còn biết đòi hỏi gì nữa ở một nhà thơ vốn quá bơ vơ và rất lẻ loi giữa trần gian này?

 

Khởi viết từ 10 giờ đúng, ngày 15. 10. HB4 (02. 9 G. thân HB4);

Viết xong lúc 16 giờ 03 phút, ngày 17. 10. HB4 (04. 9 G. thân HB4).

                                                     TRẦN XUÂN AN

 

(*) Trong cuộc sống, có nhiều góc độ ứng xử, và mỗi góc độ đều phải đặt trong một điều kiện giao tiếp thích hợp. Đây là lần đầu tiên, tôi xin phép được gọi thầy giáo trực tiếp giảng dạy tôi vào học kì I năm lớp 10 bằng một đại từ trong quan hệ chỉ chênh lệch nhau khoảng 10 tuổi và trong tình thân văn nghệ: anh.

(1) Thơ Đường, tập 1, nhiều người dịch, Nxb. Văn Học, 1987, tr. 263: “Bạc Tần Hoài”, nguyên tác của Đỗ Mục: Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa / Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia / Thương nữ bất tri vong quốc hận / Cách giang do xướng “Hậu đình hoa”! Khương Hữu Dụng dịch: Nước lồng khói toả, cát trăng pha / Thuyền đỗ sông Hoài cạnh tửu gia / Con hát biết chi hờn mất nước / Cách sông còn hát “Hậu đình hoa”!

(2) Tần Hoài Dạ Vũ, Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ (TTTHDV.), tập thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 1992; Ngọn lửa quạnh hiu (NLQH.), tập thơ, Nxb. Trẻ TP. HCM., 1996; Tình yêu và vầng trăng lửa (TY. & VTL.), tập thơ, Nxb. Trẻ TP. HCM., 1997.

(3) TY. & VTL., sđd., tr. 13 – 14.

(4) TY. & VTL., bài Giấc ngủ mùa xuân, sđd., tr. 16 & bài Bài thơ của một thành phố đóng cửa, sđd., tr. 45.

(5) TY. & VTL., sđd., tr. 42 – 44.

(6) TY. & VTL., bài Cho tương lai, sđd., tr. 23.

(7) TY. & VTL., sđd., tr. 58 – 59.

(8) TY. & VTL., sđd., tr. 66 – 69.

(9) TY. & VTL., bài Những sáng mùa đông, sđd., tr. 70 – 74.

(10) TY. & VTL., bài Hi vọng bên cõi chết, sđd., tr. 79 – 80.

(11) Nhiều tác giả, Tiếng hát những người đi tới, Nxb. Trẻ, 1993. Ở đây, tôi chỉ liên hệ đến các nhà thơ và chỉ những nhà thơ thường làm thơ theo thể tự do, có ảnh hưởng mô-tip (motif) này; tôi cũng không đề cập đến các nhà văn hoặc những nhà sáng tác vốn nổi trội hơn về văn xuôi mặc dù cũng có làm thơ, như Trần Duy Phiên, Trần Hữu Lục… Xin thêm một vài dòng vào chú thích này: Tôi biết nhà thơ Trần Vàng Sao, tác giả Bài thơ một người yêu nước mình cùng nhiều tập thơ, sau khi đã thoát li “lên xanh”, anh vẫn cứ là nhà thơ phản kháng trước những bất công, giả dối, nên bị đưa ra Miền Bắc. Ở Miền Bắc, anh lại bị “giam” tại một trại hẻo lánh, bản thảo thơ anh bị tịch thu, tiêu huỷ. Sau Ngày Thống nhất, được về Huế, nhà thơ Trần Vàng Sao vẫn là “nhà thơ dân đen” hay “nhà thơ cùng đinh”. Giai đoạn mới Đổi mới, anh lại xuất hiện trên tạp chí Sông Hương, gây chấn động dư luận bằng bài Người đàn ông bốn mươi ba tuổi kể chuyện mình và nhiều bài khác. Hiện nay, anh vẫn còn sống và vẫn tiếp tục sáng tác tại thành phố Huế.

(**)  Xin xem thêm: Trần Xuân An, Giữa vòng tay Tam Kỳ và bè bạn, bút kí, Kỉ yếu 40 năm (1955 – 1995) thành lập Trường Trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ, Quảng Nam – Đà Nẵng, 1995, tr. 58 – 70. Trong bút kí này, nhân vật thầy giáo B. là giáo sư trung học đệ nhị cấp Nguyễn Văn Bổn (Tần Hoài Dạ Vũ).

(12) TY. & VTL., sđd., tr. 100 – 107.

(***) Tạp chí Đối Diện (hay Đồng Dao, Đứng Dậy), ấn hành từ 1969 đến 1978, do một nhóm linh mục cấp tiến, hoạt động độc lập bên ngoài Giáo hội Thiên Chúa giáo, chủ trương: Chân Tín, Nguyễn Nghị, Nguyễn Ngọc Lan… Tôi không dám đoan chắc về dư luận này: Đây là những linh mục Thiên Chúa giáo muốn thực thi một sách lược hoà hợp, hoà giải dân tộc, chống chế độ Mỹ ngụy và liên hiệp với Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam cùng chính quyền Miền Bắc nước ta. 03 linh mục kể trên hiện nay còn sống và thường trú tại TP. HCM..

(13) TY. & VTL., sđd., tr. 116 – 119.

(14) TY. & VTL., bài Chào mừng Nắng Mai, sđd., tr. 124 – 129.

(15)  TY. & VTL., bài Gió hoà bình đã thổi & bài cuối tập là Mùa xuân của chúng ta, sđd., tr. 132 – 134 & … 144.

(16) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (1921), Nxb. Tân Việt, bản in 1964, tr. 343. Tôi không khẳng định Trần Trọng Kim viết hoàn toàn đúng. Riêng về khía cạnh này, thật ra, ông đã “lách” khi viết về mâu thuẫn lương – giáo. Xin trích một đoạn tôi đã viết ở một cuốn sách: “Mâu thuẫn giữa Pháp xâm lược – Việt chống ngoại xâm bị tôn giáo “đầu độc” nên chuyển thành mâu thuẫn Việt bên giáo – Việt bên lương! Người Việt bên giáo thù hằn người Việt bên lương hơn thù giặc Pháp, thậm chí tôn vinh giặc Pháp là sứ giả của Thiên Chúa, và ngược lại, người Việt bên lương chủ trương vừa bình Tây vừa sát tả!”. Xin xem thêm tư liệu gốc: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên, kỉ đệ tứ – kỉ đệ lục (1847 – 1888), bản dịch Viện Sử học, Nxb. Khoa học xã hội, 1972 – 1977.

(17) Để rõ hơn, xin xem thêm: Trần Xuân An, Mùa hè bên sông, tiểu thuyết, bản đã sửa chữa, bổ sung lần thứ ba, in vi tính ngày 19. 12. 2003 (trọn vẹn gồm 745 trang [kể cả phần chú thích, phụ lục] và phần ngoài sách gồm 15 trang [một bài thơ viết về Quang Trung cùng các chú thích sử học], cỡ sách 13 cm x 19 cm).

(18) TY. & VTL., sđd., tr. 24.

(19) TTTHDV., sđd., tr. 24 – 25.

(20) NLQH., bài Nhà thơ, sđd., tr. 19 – 20.

(21) NLQH., sđd., tr. 25 – 26.

(22) Jean Paul Sartre (1905 – 1980), Buồn nôn, Phùng Thăng dịch, Nxb. An Tiêm, 1969.

(23) Không chỉ trong thơ yêu đương, thơ tâm trạng riêng, mà bất kì thể loại văn học, báo chí nào cũng thế. Rõ ràng ở Miền Nam hình thành riêng một hệ ngôn ngữ tiếng Việt, mặc dù đất nước chỉ bị chia cắt trong 21 năm. Điều đó có thể nhận ra ngay, khi đọc những ấn phẩm sách báo xuất bản ở Miền Nam trước 1975, và đối chiếu với hệ ngôn ngữ tiếng Việt ở Miền Bắc trong cùng giai đoạn.

(24) TTTHDV., sđd., tr. 17.

(25) TY. & VTL., sđd., tr. 83 – 84.

(26) TTTHDV., sđd., tr. 27 – 28.

(27) NLQH., bài Phút giây vĩnh cửu, tr. 88.

(28) NLQH., bài Đoạn kết tạm thời của một nỗi buồn, sđd., tr. 63.

(29) NLQH., bài Hồi cuối, sđd., tr. 74.

(30) Rabindranath Tagore, Tâm tình hiến dâng (đúng ra là The Gardener – Người làm vườn, 1961), Đỗ Khánh Hoan dịch, Nxb. An Tiêm, 1969.  

(31) NLQH., sđd., tr. 92.

(32) NLQH., sđd., tr. 33 – 38.

(33) NLQH., bài Trăng ý, sđd., tr. 42.

(34) Lời “ghi chú” của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ.

 

Phụ chú (ngày 9-7-2005): Xin chú thích thêm: 4 câu thơ về lá cờ Mặt trận Giải phóng và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Đó là lá cờ chính thức và chủ yếu ở Miền Nam, trước ngày Hiệp thương Thống nhất (1976). Đoạn thơ ấy trích trong trường ca “Nước non ngàn dặm” của Tố Hữu: “Lá cờ nửa đỏ nửa xanh, Màu đỏ của đất, màu xanh của trời, Ngôi sao chân lý của đời, Việt Nam – vàng của lòng người hôm nay”. Phải chăng đó là lá cờ ngược (sách lược tạm thời)? hay do vô thức chi phối khi Tố Hữu cấu tứ? Có nên truy kích nhau trong phê bình văn học? Tôi (Trần Xuân An), trong những năm về sau, đã mạn phép chữa nghịch lý lại cho hợp lý hơn: “Lá cờ nửa đỏ nửa xanh, Màu đỏ hừng sáng, màu xanh biển ngời, Ngôi sao chân lý của đời, Việt Nam – vàng của tim người hôm nay”. Tất nhiên, bấy giờ cũng như bây giờ, tôi không dám sửa thơ của người khác (nếu không phải bạn bè, thân quen và có trao đổi chân tình) như vậy, nhất là thơ của Tố Hữu (đã vào văn học sử khi ông còn sống). Ý tưởng này với những hình ảnh ấy, tôi đã thể hiện trong một bài thơ của mình vào năm 1976.

TXA.

 

 

Đã gửi:

 

Ô. Tần Hoài Dạ Vũ (18. 10. HB4).

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/30/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7