e. Bài 5-Tl.1 - Trần Xuân An -- Thiền học với ý thức minh triết về dân chủ, bình đẳng

 

Web. Tác giả Trần Xuân An

 

 

BÀI THỨ NĂM

 

Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm

số tháng 9-2005

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

posted: 21.9.2005

 

 

 

THIỀN HỌC VỚI Ý THỨC MINH TRIẾT VỀ DÂN CHỦ, BÌNH ĐẲNG

 VÀ LINH HOẠT TRONG CÁCH SỐNG THIỀN

 

(TRẦN XUÂN AN

gom nhặt, sắp xếp lại một số trang tư liệu,

đặt đề mục, viết lời dẫn và cảm nghĩ).

1. Quan niệm về Thượng Đế siêu hình và nghi thức niệm Phật danh:

“… Các bậc Thiền đức không tán thành thái độ của người Công giáo [Ca-tô – ct.] – cả người Công giáo huyền học – quá chấp nặng vào ý thức Chúa [Thượng đế - ct.], coi như đấng khai sáng và bảo hộ thế gian và muôn vật. […] Môn đệ của Triệu Châu, Vân Môn và các bậc cổ đức khác không nhằm chứng gì hơn là hoàn toàn đồng hóa hoặc viên dung cái tôi, năng tri, và đối tượng của tư tưởng, sở tri. Vì lí do đó, các ngài quyết không chịu đọc đến tiếng “Phật” hoặc “Thiền” trong bài giảng của các ngài. Chắc chắn đó không phải là phản Phật, mà chính vì Phật giáo đã hoàn toàn đồng hóa trong người các ngài. Chẳng hạn như câu chuyện sau đây của Pháp Diễn ở Ngũ Tổ Sơn (? – 1104) quở nhẹ đệ tử là Phật Quả Viên Ngộ (1063 – 1135).

 

Ngũ Tổ nói: “Được lắm, nhưng có chút chưa ổn”. Viên Ngộ gạn hỏi hai, ba lần chút ấy là gì, rốt cùng sư mới nói: “Ông nói đến “Thiền” nhiều quá”. Viên Ngộ phản ứng lại: “Sao vậy? Học Thiền thì tự nhiên nói “Thiền”, sư phụ ghét là sao?” Ngũ Tổ nói: “Như một cuộc nói chuyện thường ngày vậy, thì tốt hơn”. Một ông tăng có mặt lúc ấy hỏi: “Tại sao hòa thượng ghét nhất người ta nói đến “Thiền”?”. – “Vì nó làm cho ta bợn dạ”, đó là lời phán quyết của Sư.

 

Cùng tinh thần ấy, Lâm Tế Nghĩa Huyền (? – 867) có lối nói cực bạo, triệt để cách mạng. Nếu không quen với phương pháp dạy Thiền, nhưng đoạn văn trích sau đây khiến ta trố mắt, nghiến răng, tóc dựng đứng lên được…

 

[…]

 

“Cầu Phật, cầu pháp là tạo nghiệp địa ngục. Cầu bồ tát cũng là tạo nghiệp. Coi kinh, coi giáo cũng là tạo nghiệp. Phật với Tổ sư đều là người vô sự”…

 

[…]

 

“Này, quý ông cầu chân lí! Muốn ngộ vào chánh tông (Thiền), chớ để thiên hạ phỉnh mình. Trong cũng như ngoài, gặp chướng ngại nào cứ đạp ngã ngay. Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, gặp La Hán hoặc họ hàng thân thiết, giết hết, chớ ngần ngại. Đó là con đường độc nhất để giải thoát. Đừng để bất cứ ngoại vật nào trói buộc mình; hãy vượt lên, hãy vượt qua, hãy tự do. Tôi thấy trong suốt thiên hạ những vị gọi là cầu đạo không ông nào đến với tôi tự do và độc lập hết. […]. Tôi không có gì để cho quý vị. Tất cả những gì tôi có thể làm được là tùy bệnh mà cho thuốc, là giải phóng cho quý vị tất cả phiền trược”…

 

[…]

 

Đó là Lâm Tế chủ tâm quét sách tất cả ngấn bụi ý thức về Chúa [Thượng Đế - ct.] trong tâm người cầu chân lí. Lẫm liệt biết bao nhiêu, như lôi thần Thor, Sư giáng tất cả sấm sét trong từng lời cổ võ!” .

 

(Daisetz Teitaro Suzuki, "Thiền luận", quyển thượng, Trúc Thiên dịch, [luận bảy, tiết X, “Ý thức về Thượng đế”], Nxb. TP.HCM. tái bản, 1992, tr. 569 – 576).

 

2. Quan niệm về tượng Phật được tô đắp, điêu khắc để tôn thờ:

 

 “…Một Thiền sư có nói: “Tâm nguyện của mỗi người phải vút lên bằng ngôi vị Phật Tì Lô đồng thời tình ý ở đời phải hạ thấp sát đất đến độ sẵn sàng quỳ dưới chân một đứa con nít”.

 

Nói một cách khác, đó là: “Muốn được cao trên thiên hạ, phải hạ thấp dưới thiên hạ, và làm tôi tớ cho thiên hạ”.

 

[Vì vậy, – ct.] nên sinh hoạt ở Thiền đường được quy định tỉ mỉ, mọi chi tiết cần được nghiêm chỉnh vâng theo nhằm thực hiện tinh thần ấy. Khiêm hạ, thanh bần, và tịnh tâm – đó là những lí tưởng tránh cho Thiền khỏi sa vào tệ bịnh của hàng triết gia mâu thuẫn luận thời Trung cổ* (cước chú: * Nguyên văn: medieval antinomians). […]

 

Thiền sư Đơn [:Đan – ct.] Hà Thiên Nhiên (738 – 824), đời nhà Đường, dừng bước vân du ở chùa Huệ Lâm, tại Kinh Đô; gặp tiết đại hàn giá buốt, sư rinh một tượng Phật lớn xuống bửa ra đốt sưởi ấm. Ông từ kinh hoảng hỏi: “Sao Hòa thượng dám đốt tượng Phật của tôi?”. Sư đưa gậy bới vào đống tro lửa như tìm kiếm vật gì, đáp: “Tôi đốt Phật để tìm xá lợi”. Ông từ nói: “Phật gỗ mà xá lợi ở đâu?”. Sư bảo: “Thế sao ông trách tôi? Ông cho tôi xin nốt hai phong tượng kia để sưởi cho đỡ lạnh”.

 

Sau đó, ông từ rụng hết lông mi * (cước chú: * về câu chuyện Thúy Nham nhắc đến truyền thuyết cho rằng người nào giảng sai giáo pháp của Phật sẽ rụng hết lông mày), vì lời quở trách Đơn Hà tội phạm thánh, còn sự thịnh nộ của Phật không bao giờ giáng xuống đầu Đơn Hà.

 

Dầu đáng ngờ về phương diện lịch sử, câu chuyện trên được truyền tụng nhiều, và các Thiền sư đều đồng ý về sự triệt ngộ của nhà sư Đơn Hà đốt tượng Phật”.

“Sau đó có ông tăng hỏi một Thiền sư về ý nghĩa Đơn Hà đốt tượng Phật, Sư nói:

 

“Lạnh đến lò than bên lửa sưởi”

Lại hỏi: Nhưng Đơn Hà có tội không?

Sư đáp:

“Nóng ra rừng trúc cạnh khe ngồi””.

 

(Daisetz Teitaro Suzuki, "Thiền luận", quyển thượng, Trúc Thiên dịch, [luận bảy, tiết V,  “Khiêm hạ” , tr. 543 – 550], Nxb. TP.HCM. tái bản, 1992, tr. 545 – 546).

 

Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Thiền sư Thạch Ðầu Hi Thiên và Mã Tổ Ðạo Nhất và cũng là thầy của Thiền sư Thúy Vi Vô Học. Sư là nhân vật chính trong Công án 76 của Bích nham lục.

 

Như Thiền sư Viên Ngộ Phật Quả thuật lại trong Bích nham lục, Sư trước học Nho, đi vào Trường An ứng thi làm quan. Trên đường đi Sư gặp một thiền khách, ông ta hỏi: “Nhân giả đi đâu?”. Sư đáp: “Ði thi làm quan”. Ông khách lại nói: “Thi làm quan đâu có bằng thi làm Phật”. Sư hỏi: “Thi làm Phật phải đến chỗ nào?”. Ông khách đáp: “Hiện nay ở Giang Tây có Mã Ðại sư ra đời, là trường thi làm Phật, nhân giả nên đến đó”. Sư bỏ thi, tìm đến Giang Tây ra mắt Mã Tổ. Mã Tổ lại khuyên Sư đến Thạch Ðầu Hi Thiên.

      Ðến Thạch Ðầu, Sư luân phiên làm bếp ba năm (Ðiển tọa). Một hôm Thạch Ðầu bảo chúng: “Ngày mai cắt cỏ ở dưới điện Phật”. Sáng hôm sau, đại chúng mỗi người cầm liềm cầm cuốc đến trước chùa làm cỏ. Chỉ riêng Sư lấy thau múc nước gội đầu, đến quỳ gối trước Hòa thượng. Thạch Ðầu thấy thế cười liền cạo tóc cho Sư. Cạo xong, Thạch Ðầu lại vì Sư nói Giới (s: śīla), Sư bịt tai ra đi.

 

Trở lại Giang Tây yết kiến Mã Ðại sư, chưa lễ ra mắt, Sư đi thẳng vào tăng đường trèo lên cổ tượng Văn Thù ngồi. Ðại chúng kinh ngạc chạy báo cho Mã Tổ hay. Tổ đích thân vào tăng đường, trông thấy, bèn nói: “Con ta, Thiên Nhiên!”. Sư bèn bước xuống lễ bái, thưa: “Cảm tạ thầy ban cho pháp hiệu”. Mã Tổ hỏi: “Từ đâu đến?”. Sư thưa: “Từ Thạch Ðầu đến”. Tổ hỏi: “Ðường Thạch Ðầu trơn, ngươi có té chăng?”. Sư đáp: “Nếu có trợt té thì chẳng đến đây”.

 

Sau khi từ biệt Mã Tổ, Sư vẫn tiếp tục du phương. Ðến chùa Huê Lâm, gặp lúc trời lạnh, Sư bèn lấy tượng Phật gỗ đốt để sưởi, viện chủ trông thấy quở: “Sao đốt tượng Phật của tôi?”. Sư lấy gậy bới tro nói: “Tôi đốt tìm Xá-lị”. Viên chủ bảo: “Phật gỗ làm gì có Xá-lị?”. Sư nói: “Ðã không có Xá-lị, thì thỉnh thêm hai vị nữa, đốt”. Viện chủ nghe câu này tất cả kiến chấp đều tan vỡ.

 

Niên hiệu Trường Khánh, năm thứ tư (824), ngày hai mươi ba tháng sáu, Sư gọi đệ tử bảo: “Lấy nước nóng tắm, ta sắp đi đây”. Tắm xong, Sư đội mũ mang giày cầm trượng, duỗi một chân chưa đến đất, liền tịch. Vua sắc phong là Trí Thông Thiền sư” .

 

(Website Thư viện Hoa Sen, Từ điển Phật học, mục từ ”Đan Hà Thiên  Nhiên",

http://www.daouyen.com/Data/Ph_DD/DD51.htm     ).

 

“Trên lí thuyết, đạo lí Thiền vượt ngoài tầm hiểu biết bằng tư biện, không bị ràng buộc trong luật mâu thuẫn luận lí. Nên đó là một miếng đất quá trơn, nhiều người không đi thẳng lưng được. Và hễ vấp váp thì kết quả thật tai hại. Cũng như nhiều nhà huyền học thời trung cổ, người học dễ bị sa đọa, trở thành phóng đãng, hết kiểm soát được mình. Lịch sử từng chứng minh điều ấy, và khoa tâm lí học cũng dễ giải thích diễn trình sa đọa ấy. Nên một Thiền sư Thiền sư có nói: ”Tâm nguyện của mỗi người phải vút lên bằng ngôi vị Phật Tì Lô đồng thời tình ý ở đời phải hạ thấp sát đất đến độ sẵn sàng quỳ dưới chân một đứa con nít”.

 

Nói một cách khác, đó là: “Muốn được cao trên thiên hạ, phải hạ thấp dưới thiên hạ, và làm tôi tớ cho thiên hạ” …

 

[…] Thế mới biết vai trò của kỉ luật Thiền đường quan hệ như thế nào trong việc truyền dạy đạo Thiền cũng như ứng dụng vào sinh họat thế tục” .

 

(Daisetz Teitaro Suzuki, "Thiền luận", quyển thượng, Trúc Thiên dịch, [luận bảy, tiết V, “Khiêm hạ”, tr. 543 – 550], Nxb. TP.HCM. tái bản, 1992, tr. 544 – 545).

 

3. Quan niệm về kinh sách – Phật pháp: 

 

“Không gì biểu minh cụ thể hơn giáo lí xả chấp của Phật bằng thí dụ thông thường về “chiếc bè”, có lẽ hơi khó hiểu đối với đôi học giả quen sống trong không khí trí thức đối nghịch khác. Cũng như một chiếc bè, tất cả “pháp” còn phải xả, huống nữa là “phi pháp” * (cước chú: * Trung Bộ kinh 22), đó là phiên khúc căn bản chạy dài suốt bộ sử diễn tiến của giáo lí Phật giáo. […] Thật vậy, cái “không” của các bộ kinh Bát Nhã chẳng gì khác hơn là bài triết luận về giáo lí xả chấp* (cước chú: * Coi Sulta Nipata, V. 21: “Ta đã đóng một chiếc bè chắc chắn, ta đã đến tận Niết Bàn, ta đã qua bờ bên kia, chiến thắng dòng cuồng lưu tham dục; ta không còn dùng chiếc bè vào việc gì nữa, vậy trời muốn mưa thì cứ mưa”). Kinh Kim Cương nói như vầy: “Như Lai thường dạy rằng, các thầy tì khưu nên biết pháp ta nói ra ví như chiếc bè đưa qua sông: pháp còn nên bỏ, huống nữa chẳng phải là pháp.”

 

Thí dụ ấy, “Trung Bộ kinh” giảng rộng như sau:

 

]“Này các thầy tì khưu, lời ta dạy ví như chiếc bè, để đưa qua [sông – ct.], không phải để mang giữ. Hãy nghe nhớ kĩ lời ta đây. Ví như có người suốt ngày đi đường nhọc mệt, gặp phải một con sông rộng nước sâu; bờ sông bên này đầy lo sợ và hiểm nghèo, còn bờ bên kia thì yên ổn, không [phải - ct.] sợ sệt, nhưng không có ghe thuyền đưa qua sông, mà cũng không có cầu bắc nối hai bờ. Ví như người ấy nghĩ bụng như vầy: Quả thật sông thì rộng, nước thì sâu; bờ bên này đầy lo sợ và hiểm nghèo, còn bờ bên kia thì yên ổn, không [phải – ct.] sợ sệt; nhưng không có thuyền mà cũng không có cầu đưa ta qua bờ bên kia. Sao ta không thử lượm lặt những lau sậy, những que cành chà lá, kết lại làm bè coi sao? Rồi ngồi trên bè, ta dùng tay dùng chân làm chèo, chèo êm qua bờ bên kia. Theo đó, này các thầy tì khưu, ví như người ấy lượm lặt những lau sậy, những que cành chà lá, kết lại làm bè, rồi dùng tay dùng chân làm chèo, chèo êm qua bờ bên kia. Bấy giờ, sông qua rồi, bờ đến rồi, ví như người ấy nói vầy: Quả thật chiếc bè ấy đã giúp tôi nên việc lớn. Nhờ nó chở tôi, và tôi dùng tay dùng chân làm chèo, tôi mới qua êm được đến bờ bên kia; bây giờ phỏng như tôi đội chiếc bè trên đầu hoặc mang nó trên vai, và cứ thế mà lên đường đi đâu tùy thích [chăng – ct.]? Các thầy tì khưu nghĩ sao? Người ấy dùng bè như vậy có khôn ngoan không? – Bạch ngài, nhất định là không. – […] Cũng như vậy đó, các thầy tì khưu, giáo pháp tôi day các thầy ví như chiếc bè, cốt để đưa qua [sông – ct.], không phải để mang giữ. Thấu rõ như vậy đối với pháp, các thầy còn phải xả thay, huống nữa là cái phi pháp” * (cước chú: * Pháp: dhrama; phi pháp: addhrama (chẳng phải là pháp))” .

 

(Daisetz Teitaro Suzuki, "Thiền luận", quyển thượng, Trúc Thiên dịch, [luận ba, tiết V,  “Dhyana (Thiền) và chiếc bè pháp (dhrama)”, tr. 229 - 239], Nxb. TP.HCM. tái bản, 1992, tr. 234 – 237).

 

“Để hiểu rõ thêm về bản chất của đức tin trong đạo Phật, ta nên đọc lại đoạn này trong kinh Kalama:

 

“Một hôm, các vị hoàng tử xứ Kalama đến bạch Phật: “Thưa ngài, trong khi các vị đệ tử dòng họ Thích cho rằng giáo lí của Phật là đúng. Vậy thì các nhà truyền giáo khác cũng cho rằng giáo lí của họ cũng đúng. Vậy chúng tôi biết nghe theo ai?”. Phật trả lời: “Này các hoàng tử Kalama: Đừng vội công nhận một điều gì, dù điều đó là điều người ta hay nói. Đừng vội công nhận một điều gì, dù điều đó là điều ấy phù hợp với nội giáo. Đừng vội công nhận một điều gì, dù điều đó mình rất ưa thích. Đừng vội công nhận một điều gì, dù điều đó phù hợp với chủ trương của mình. Đừng vội công nhận một điều gì, dù điều ấy do một người có uy tín nói ra. Đừng vội công nhận một điều gì, dù điều ấy được nhiều người đáng kính trọng tuyên bố”.

 

“Này các hoàng tử Kalama, khi nào các ông nhận biết bằng lí trí các ông rằng, một cái gì đó là bất thiện, là đáng chê trách, là bị kẻ thức giả phủ nhận, và nếu đem cái ấy ra mà công nhận và thực hành theo thì sẽ mua lấy đau khổ và tan nát, [vậy – ct.] thì các ông hãy bác bỏ nó đi”.

 

“Và khi nào các ông nhận biết rằng lí trí các ông rằng, một cái gì đó là thiện, là không bị chê trách, là được kẻ thức giả tán thưởng, và nếu đem cái ấy mà công nhận và thực hành theo thì sẽ đạt tới sự an lạc và hạnh phúc, [vậy – ct.] thì các ông hãy tin nó và đem nó ra thực hành” .

 

(Thích Nhất Hạnh, “Đạo Phật đi vào cuộc đời”, [bài  “Đạo Phật, con đường thực nghiệm tâm linh” , trích dẫn "Kinh Kalama"], bản in lần thứ 2, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, 1966, tr. 189 – 190;

http://www.thuvienhoasen.org/tnh-daophattamlinh.htm ).

 

4. Quan niệm về việc trì giới linh hoạt:

 

“Một hôm, hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm (em gái của Thượng Sĩ Tuệ Trung) mở tiệc trong cung điện. Trên bàn có cả thức ăn mặn và thức ăn chay. Thượng Sĩ gắp thức ăn không phân biệt chay hay mặn. Hoàng thái hậu hỏi:

 

 “Anh tu Thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được ?”.

 

Thượng Sĩ cười đáp : “Phật là Phật, anh là anh. Anh không cần thành Phật. Phật cũng không cần thành anh. Em không nghe các bực cổ đức nói Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao”.

 

Trong bữa tiệc này có cả vua Trần Nhân Tông; vua rất thắc mắc về việc này và chưa hiểu rõ ý nghĩa câu trả lời của Thượng Sĩ, nhưng chưa tiện hỏi.

 

Dù là bậc hoàng tộc tôn quý (anh rể của thượng hoàng, cậu ruột của vua Trần Nhân Tông) và có chức tước cao sang bực nhất trong nước, nhưng Thượng Sĩ Tuệ Trung không ham thích công danh, sống thanh tịnh, an đường tu hành nơi Thái ấp Tịnh Bang, lập Dưỡng Chân Trang để tu Thiền và hoằng dương Phật pháp. Thượng Sĩ sống an nhàn tự tại, hòa lẫn trong thế tục, vui trong thiền duyệt, hết lòng dìu dắt những người muốn tu hành theo đạo Phật.

 

Phật tử đến tham học Phật pháp, Thiền giả đến tham vấn Thiền, Thượng Sĩ đều hết lòng chỉ dẫn những chỗ tâm yếu, khiến họ thông hiểu được lí đạo và ham thích tu học, không có vẻ quyền quý cao sang cách biệt với kẻ dưới, không phân biệt sang hèn, chưa hề phụ ai bao giờ.

 

Thượng Sĩ Tuệ Trung là một cư sĩ thọ giới Bồ Tát, sống chân thực và bình dị theo tinh thần của một thiền giả, nên sống rất tự tại, phóng khoáng, không câu chấp lễ nghi, tiểu tiết. Những điều luận bàn huyền nhiệm về Phật pháp là những thiền ngữ của ngài đều được các nhà Thiền học thời đó hết sức kính trọng, và vẫn còn giá trị cho đến ngày nay”.

 

“… Năm Đinh Hợi (1287), hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm băng. Thượng hoàng Trần Thánh Tông trông lo việc triều chính ở kinh đô, vua Trần Nhân Tông phải cấp tốc về đất An Bang để thỉnh cậu là Thượng Sĩ Tuệ Trung về lo lễ tang. Trên đường về kinh đô bằng thuyền, có thời giờ để Thượng Sĩ Tuệ Trung và cháu (vua Trần Nhân Tông) đàm luận. Trong khi đó, vua vẫn còn thắc mắc về việc Thượng Sĩ ăn mặn và những câu trả lời của Thượng Sĩ trong bữa tiệc mà Thái hậu đãi lần trước, vì vậy, vua hỏi Thượng Sĩ: “Thưa cậu, chúng sanh quen cái nghiệp ăn thịt, uống rượu, làm thế nào thoát khỏi tội báo nghiệp lực?”.

 

Thượng Sĩ đáp: “Nếu có người đứng xây lưng lại, thình lình có vua đi qua phía sau lưng, người kia không biết, vô tình ném vật gì đó trúng vào vua, thử hỏi người ấy có sợ bị tội hay không, và vua có giận, bắt tội hay không? Nên biết, hai việc đó không dính dấp gì đến nhau cả”. Tiếp theo đó, Thượng Sĩ đọc cho vua nghe hai bài kệ trong kinh sách Phật:

 

Vô thường chư pháp hành

Tâm nghi tội tiện sanh

Bổn lai vô nhứt vật

Phi chủng diệc phi manh

Nhựt nhựt đối cảnh thời

Cảnh cảnh tòng tâm xuất

Tâm cảnh bổn lai vô

Xứ xứ Ba-la-mật.

 

Tạm dịch:

 

Vô thường các pháp hiện,

Tâm ngờ tội liền sanh

Xưa nay không một vật

Không giống cũng không mầm

Ngày ngày thì đối cảnh

Cảnh cảnh theo tâm xuất

Tâm, cảnh, vốn là không

Khắp nơi là “Niết bàn”.

 

Vua suy nghĩ giây lâu nhưng vẫn chưa hiểu hết ý Thượng Sĩ, nên lại hỏi cậu: “Tuy là như vậy, nhưng nếu tội là phước rõ ràng thì làm thế nào?”.

 

Thượng Sĩ biết vua chưa hiểu rõ nên đọc thêm một bài kệ để chỉ bảo thêm:

 

Khiết tháo dữ khiết nhục

Chúng sanh các sở thuộc

Xuân lai bách thảo sanh

Hà xứ kiến tội phúc!

Trúc Thiên dịch:

Ăn chay cùng ăn thịt

Chúng sanh tùy sở thích

Xuân về cây cỏ tươi

Chỗ nào thấy tội, phước!

 

Vua lại hỏi: “Như vậy, việc công phu giữ giới tinh nghiêm không chút lơi lỏng là để làm gì?”. Thượng Sĩ chỉ cười mà không đáp câu hỏi. Vua cố năn nỉ, Thượng Sĩ đọc hai bài kệ ấn tâm cho vua:

 

Trì giới kiêm nhẫn nhục

Chiêu tội bất chiêu phúc

Dục tri vô tội phúc

Phi trì giới nhẫn nhục

Như nhân thượng thọ thì

An trung tự cầu nguy

Như nhân bất thượng thọ

Phong nguyệt hà sở vi.

 

Tạm dịch:

 

Trì giới và nhẫn nhục

Chuốc tội chẵng chuốc phúc

Muốn biết không tội phúc

Không nhẫn nhục trì giới

Như người đang leo cây

Đang yên lại tìm nguy

Như người không leo cây

Trăng gió làm gì được?

 

Đoạn Thượng Sĩ bí mật dặn kĩ vua:

 

“Đừng nói với những người không hiểu biết (vật thị phi nhân)”.

 

Từ đó, vua Trần Nhân Tông mới biết môn phong Thiền học của Thượng Sĩ cao thâm siêu việt. Một hôm khác, vua Trần Nhân Tông hỏi Thượng Sĩ về “yếu chỉ của Thiền Tông” và muốn biết được bí quyết giác ngộ mà Thượng Sĩ được Thiền sư Tiêu Dao truyền.

 

Thượng Sĩ ứng khẩu đáp: “Hãy quay về tự quán xét chính bản thân mình chứ không thể nhờ một người nào khác (phản quan tự kỉ bản phận sự, bất tòng tha đắc)”.

        Nhờ vào lời dạy thâm sâu bí yếu này của Thượng Sĩ mà vua Trần Nhân Tông ngộ được yếu chỉ của Thiền tông và thấy được đường vào Đạo. Từ đó, vua Trần Nhân Tông mới hết lòng tôn kính Thượng Sĩ và thờ Thượng Sĩ làm thầy” .

 

(Trích Đoạn: “Tuệ Trung Thượng Sĩ với Thiền tông Việt Nam”, Viện Khoa học Xã hội, Trung tâm Nghiên cứu Hán – Nôm, Nxb. Đà Nẵng, 2000, tr. 352 – 355;

http://www.thuvienhoasen.org/ac-tuetrungthuongsivaanchay.htm   ).

 

“Theo Tuệ Trung, không cần phải ăn chay, trì giới vì “ăn cỏ hay ăn thịt là tập quán tự nhiên của mỗi loài khác nhau, cũng như xuân về thì trăm cây cỏ nảy nở, không cái nào là tội và cái nào là phúc”. Thậm chí ông còn bảo “trì giới và nhẫn nhục chỉ chuốc tội chứ không chuốc phúc”. Thái độ quyết liệt này xét đến cùng nhằm đánh tan những đầu óc bảo thủ, cố chấp thường làm con người ta trở thành kẻ nô lệ của mọi thứ và của cả chính mình. Ở Tuệ Trung nổi bật một tinh thần “phá chấp” triệt để. Ông cực lực đả kích cái nhìn “nhị kiến”, phân chia mọi vật ra thành hai cực giá trị để gán cho nó một cực này hoặc cực kia. Tuy nhiên ngài đã bí mật dặn kĩ vua:

 

“Đừng nói với những người không hiểu biết (vật thị phi nhân)”.

 

Lời dạy của ngài là chân lí, là cứu cánh, nhưng kẻ tầm thường thì không nên biết. Vì họ biết qua lời này họ sẽ chấp. Hoà thượng Thanh Từ có giảng trong “Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục”, [phi nhân – ct.] là “những người tầm thường; họ không hiểu nổi những ý nghĩa thâm sâu thì không nên nói cho họ nghe, có hại. Những câu này chỉ nói cho người xuất cách, vượt khỏi tầm thường nghe; hạng người này mới có đủ khả năng tiếp nhận…”.

 

(HT. Thanh Từ, “Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải”, Thiền viện Thường Chiếu Việt Nam ấn hành, 1996, tr. 104;

 http://www.thuvienhoasen.org/ac-tuetrungthuongsivaanchay.htm ).

 

“Đói thì ăn, mệt thì ngủ

Trong nhà có của báu, đừng tìm đâu xa xôi

Đứng trước cảnh mà vô tâm thì không cần hỏi Thiền nữa...”

 

“Tinh thần bài thơ “Cư trần lạc đạo”, cũng là tôn chỉ của Đệ nhất tổ, nằm ở bốn điểm:

 

Hãy nên sống hòa mình với đời, không câu chấp. Hành động tùy duyên, tức làm việc cần làm, đúng lúc phải làm, và không trái quy luật tự nhiên.

 

Tự tin vào mình, trở về khơi dậy tiềm lực của chính mình, không tìm cầu tha lực.

          Không nô lệ vào bất cứ cái gì, dù là Thiền hay Phật. Tinh thần này hoàn toàn nhất quán với quan điểm của Tuệ Trung, được tìm thấy qua thơ và ngữ lục của ông.

 

Ở Tuệ Trung nổi bật một tinh thần “phá chấp” triệt để. Ông cực lực đả kích cái nhìn “nhị kiến”, phân chia mọi vật ra thành hai cực giá trị để gán cho nó một cực này hoặc cực kia.

 

Theo Tuệ Trung, sự đối lập giữa “mê” và “ngộ”, giữa “sắc” và “không” (mê ngộ bất dị), giữa “phàm” và “thánh”, “ta” và“người”’, “Phật và “chúng sinh”, “phải và “trái”, “tà” và “chính” (phàm thánh bất dị), giữa “phiền não và “bồ đề” (Phật tâm ca) chỉ là một sự đối lập giả tạo. Thật sự “không” và “có” không khác biệt nhau, sống và chết đều từ một đợt sóng, xưa nay tất cả đều cùng một lẽ”. Mọi sự phân biệt lầm lẫn chỉ dẫn người ta đến chỗ tự mua dây buộc mình, suốt đời chạy vạy tìm kiếm cái không có thực... Ông khuyên “chỉ cần quên đi nhị kiến là có thể bao dung được các pháp giới”. Cũng trong tinh thần này, Tuệ Trung đã phá sự chấp trước vào cái khái niệm. Trả lời câu hỏi “thế nào là pháp thân thanh tịnh?”, Thượng Sĩ điềm nhiên bảo, “ra vào trong nước đái trâu, chui rúc giữa đống phân ngựa”. Thật là một đòn chí mạng đánh vào những đầu óc mê muội, giáo điều. Ông thẳng thắn chỉ rõ: “Vốn không có dơ, sạch. Dơ, sạch đều hư danh. Pháp thân không vướng ngại. Nào trọc lại nào thanh ?”. Với tinh thần cởi mở này, Tuệ Trung đã đạt đến một cách sống tự do tự tại mà Trần Nhân Tông từng ca ngợi và tâm đắc: “Trộn lẫn cùng thế tục, hòa cùng ánh sáng, đối với mọi vật chưa từng xúc phạm hay trái ngược”. Theo Tuệ Trung, không cần phải ăn chay trì giới, vì “ăn cỏ hay ăn thịt là tập quán tự nhiên của mỗi loài khác nhau, cũng như xuân về thì trăm cây cỏ nảy nở, không cái nào là tội và cái nào là phúc”. Thậm chí ông còn bảo “trì giới và nhẫn nhục chỉ chuốc tội chứ không chuốc phúc”. Thái độ quyết liệt này xét đến cùng nhằm đánh tan những đầu óc bảo thủ, cố chấp thường làm con người ta trở thành kẻ nô lệ của mọi thứ và của cả chính mình. Nhắc đến Tuệ Trung hẳn ít ai quên giai thoại độc đáo, lí thú về việc ông dự tiệc cùng Nguyên Thánh Thiên Cảm Thái hậu, gặp thịt cứ ăn…

 

Thái hậu lấy làm lạ hỏi : “Anh tu Thiền mà ăn thịt thì thành Phật sao được ? ông cười đáp : “Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật cũng chẳng cần làm anh. Cô chẳng nghe các bậc Cổ đức nói “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát” đó sao ?” Câu trả lời có một không hai này, phải chăng là sự gặp gỡ sâu xa với quan điểm “bản lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai?” (xưa nay không một vật, lấy đâu vướng bụi đời?) của Lục tổ Huệ Năng, mặc dù Thượng sĩ không cần đến những lời lẽ quá khích như Lâm Tế: “Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ” để biểu đạt quan điểm phá chấp triệt để của Thiền…”.

 

(”Tuệ Trung Thượng Sĩ với Thiền tông Việt Nam” , Viện Khoa học Xã hội, Trung tâm Nghiên cứu Hán – Nôm, Nxb. Đà Nẵng, 2000, tr. 24 – 25;

http://www.thuvienhoasen.org/ac-tuetrungthuongsivaanchay.htm ).

 

 “Bậc đạo nhân chân chánh […] quyết nhiên không câu chấp vào ngoại vật, thì trước mắt tức thì hiện chánh pháp; […] vào ba đường địa ngục như dạo vườn cảnh; vào ngạ quỷ súc sanh mà chẳng thọ báo; vào sắc giới chẳng bị sắc mê hoặc; vào thanh giới chẳng bị thanh mê hoặc; vào vị giới chẳng bị vị mê hoặc; vào xúc giới chẳng bị xúc mê hoặc; vào pháp giới chẳng bị pháp mê hoặc” .

 

(Daisetz Teitaro Suzuki, ”Thiền luận”, [trích dẫn lời Lâm Tế Nghĩa Huyền (? – 867)], quyển thượng, Trúc Thiên dịch, [luận bảy, tiết X,  “Ý thức về Thượng Đế” ], Nxb. TP.HCM. tái bản, 1992, tr. 569 – 576).

 

 “… Cho nên học Phật là đào sâu vào kinh nghiệm tâm linh để nắm lấy nguyên lí, để thực hiện nguyên lí và để đạt đạo. Đạt đạo rồi thì không cần một bộ luật nào cả, không cần một sách chỉ nam nào cả, không cần một nền luân lí nào cả. Người đạt đạo ăn ngủ là đạo, thuyết pháp là đạo, ăn rau cũng là đạo mà ăn thịt cá cũng là đạo nữa. Những người chưa đạt đạo thì không thể bắt chước họ được (1)”.

“([Cước chú (1) của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh: – ct.] Có một hôm Tuệ Trung Thượng Sĩ (Trần Quốc Tảng) được thỉnh thọ trai trong cung. Ngài gắp cả thịt cá trên bàn mà không ý thức. Hoàng hậu em Ngài hỏi: "Anh tu mà còn ăn mặn làm sao thành Phật ?". Ngài cười trả lời: " Phật là Phật, anh là anh, anh không cần thành ra Phật, Phật cũng không cần thành ra anh").

 

(Thích Nhất Hạnh, ”Đạo Phật đi vào cuộc đời”, [bài cùng tên sách], bản in lần thứ 2, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, 1966, tr. 41).

 

5. Đôi điều suy nghĩ của người tâm đắc Thiền học:

 

Người sắp xếp những dòng tư liệu trên chỉ nhấn mạnh (in đậm) một câu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Những người chưa đạt đạo thì không thể bắt chước họ được”  (sđd.).

 

Phương pháp truyền dạy Thiền học của các thiền sư, thường là đề xuất vấn đề một cách rất ấn tượng, khiến người học phải động não để tự lí giải, và nhờ đó, tiếp nhận có hiệu quả, bền vững nhất. Học tập theo phương cách tu tập đó, tôi cũng chẳng dám lạm phép nghị luận, mặc dù chủ kiến không thể không có.

 

Tuy vậy, cũng xin nêu ra một số khía cạnh đơn giản và thiết thực:

 

a. Với chân lí “kiến tánh thành Phật”, “Phật tại tâm”, “niết bàn tại tâm”, Thiền học định hướng cho mỗi đạo hữu vào con đường tu tâm. Chúng sinh là vô số và đa dạng, mỗi người một căn cơ, do đó không có hình mẫu cụ thể nào là duy nhất, cho dù đó là Đức Phật Thích Ca. Cách nói dữ dội có tính phá chấp, buộc phải động não ấy của thiền sư Lâm Tế và cư sĩ Tuệ Trung Thượng Sĩ là với ý thức minh triết ấy:  “Mỗi người tự thắp đuốc mà đi” , đi trên đường Thiền trong cõi ta bà với ý thức về chân lí đạo đức học phổ quát trong Thiền học.

 

b. Tất cả các pho tượng (để hướng chân tâm), kinh sách (để nghiên cứu, học tập), nghi thức tụng niệm (để tự kỉ ám thị điều lành, tránh điều ác) đều là phương tiện, trong khi đó, cứu cánh (mục đích cuối cùng của các mục đích) là  “kiến tánh thành Phật”  – Phật với ý nghĩa nghiêm chỉnh của danh từ là người giác ngộ bản chất của trần gian ta bà và chân lí hướng đến. Ai cũng có thể thành Phật, như Phật Thích Ca đã nói:  “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành” .

 

c. Ngay cả ý thức và ý chí tu trì theo các giới luật cũng chỉ là phương tiện để đạt đạo. Tất nhiên, người ăn chay (chấm dứt cả thị dục trong ăn uống) dứt khoát phải được xếp cao hơn nhiều bậc so với người ăn mặn. Người xuất gia, không kết hôn (khác với giới luật Tin Lành và một vài tôn giáo khác), đã thực hiện đúng chữ “vô” một cách nghiêm ngặt nhất, bởi lẽ, họ cần tu luyện để làm tấm gương sáng về ý thức diệt dục và chứng minh khả năng diệt dục của sinh vật người. Tuy nhiên, con đường xuất xử của nhà nho mà thiền sư Đan Hà, thuở bấy giờ, nửa đường rẽ lối sang Thiền đạo, không phải là con đường không cần thiết, thậm chí là rất cần thiết, cho con người, xã hội và dân tộc, Đất nước.

 

d. Trong hoài bão của nhiều trí thức trẻ hiện nay, vốn là đạo hữu (chứ không phải là Phật tử) của Đức Phật Thích Ca, chắc hẳn là việc xây dựng một giáo hội Phật giáo Việt Nam đậm tính dân tộc, khoa học và hiện đại. Định hướng khế lí (giữ vững nguyên lí Phật pháp) và khế cơ (linh hoạt theo sự phát triển nhận thức và công nghệ hiện đại) của họ, hẳn là những thiền viện tối tân, đạm chứ không nồng, và Thiền học được tu tập như một triết học thực hành, mà trong đó, đạo đức học thực hành là chính yếu.

 

Cuối cùng, tôi muốn một lần nữa viết lại nhan đề của bài gom nhặt tư liệu Thiền học này:

 

THIỀN HỌC VỚI Ý THỨC MINH TRIẾT

VỀ DÂN CHỦ, BÌNH ĐẲNG

VÀ LINH HOẠT TRONG CÁCH SỐNG THIỀN.

 

Việt Nam, TP. HCM., lúc 16 : 20, ngày 21 tháng 9 năm HB5

Trần Xuân An

soạn và cảm nghĩ.

 

 

Xem tiếp: Bài thứ sáu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta_b6.htm

 

Trở về: Trang mục lục của tập bài viết "Luận về thời chúng ta...":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/luanvethoichungta

 

Trở về trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

 

Google page creator /  host

  Ngày đưa lên trang web này: 28-4 HB7

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE