Trần Xuân An - CÓ THỂ TRONG NĂM NÀO SẮP ĐẾN - truyện ngắn

ĐÃ ĐĂNG & ĐÃ CÓ NHIỀU NGƯỜI ĐỌC 

tại

FACEBOOK 

https://www.facebook.com/notes/trần-xuân-an/co-the-trong-nam-nao-sap-den-truyen-ngan-tran-xuan-an/1655510681389543

& TXAWRITER.WORDPRESS.COM

https://txawriter.wordpress.com/2016/01/10/co-the-trong-nam-nao-sap-den-truyen-ngan-tran-xuan-an/

----------------------

1) Song sinh Kẻ Diên -- Trần Xuân An -- (truyện ngắn) -- truyện thứ nhất, xem tiếp truyện thứ hai cùng đề tài, nhân vật -- 13 - 01 HB16 (2016) 

(đã đăng trên Facebook & txawriter.wordpress.com, 04-01-2016)

2) Đầu đạn lưu cữu -- Trần Xuân An -- (truyện ngắn) -- truyện thứ hai cùng đề tài, nhân vật -- 23 --26-12 HB15 (2015) 

(đã đăng trên Facebook & txawriter.wordpress.com, 28 & 29-12-2015)

3) Có thể trong năm nào sắp đến - Trần Xuân An -- (truyện ngắn) -- truyện thứ ba cùng đề tài, nhân vật -- 09 & 10-01 HB16 (2016) 

(đã đăng trên Facebook & txawriter.wordpress.com, 10-01-2016)

CÓ THỂ TRONG NĂM NÀO SẮP ĐẾN

Trần Xuân An

truyện ngắn

 

1

 

Lần thứ hai đến thăm, ông Xuân đã bàng hoàng và sững sờ khi phát hiện một tấm ảnh đen trắng, chắc hẳn đã được chụp lâu lắm rồi, treo trên tường phòng khách nhà bạn cũ ông Trảng. Đó là chân dung của một cô gái, như thể từ kí ức ông Xuân hiện ra. Rời khỏi ghế sa lông, để mặc ông Trảng ngạc nhiên, ông Xuân đến gần tấm ảnh, hơi ngẩng mặt, nhìn chăm chăm. Bất giác, ông chợt lùi lại, hơi cúi đầu, cau mày ngẫm nghĩ, như đang lục lọi trong óc, rồi lại bước tới, nhìn từng nét một chân dung người con gái trong tấm ảnh ấy.

- Sao nhìn kĩ dữ vậy, bạn? – Ông Trảng nói với nụ cười trên môi, khi thấy ông Xuân quay lại, buông người xuống ghế, vẻ mặt xúc động –.

- Nhìn thấy quen quen. Hình như là bạn học cũ thời trung học. – Ông Xuân bỗng nhìn ông Trảng, hỏi nhanh –. Cô gái ấy là ai? Anh có biết tên không? Chẳng lẽ đó là bà chủ nhà này?

- Gặp lại người quen ngày xưa thì có gì lạ! Nhưng có chắc không? Tôi cũng không biết tên vợ của bạn cũ tôi là gì, chỉ nghe mấy người quen của bà ấy và người hàng xóm đến đây gọi là bà Phẳng. Phẳng là tên của bạn cũ tôi. Họ gọi theo tên chồng đó mà!

Ông Trảng cũng trả lời những câu hỏi tiếp của ông Xuân về gia đình ông Phẳng. Thì ra, thời vào quân trường tại Thủ Đức này, ông Trảng và ông Phẳng gặp nhau, thân nhau, vì cùng được bố trí vào một tiểu đội. Suốt chín tháng, họ thương quý nhau đến mức chỉ còn làm lễ kết nghĩa anh em nữa mà thôi. Những năm tháng sau đó, người phải xa quê Cần Thơ, theo đơn vị đóng tại Quảng Nam, người về đơn vị đóng tại quê nhà Quảng Trị, họ vẫn thường xuyên gửi thư cho nhau, và tranh thủ những dịp nghỉ phép để tìm thăm nhau. Chỉ sau ngày 30-4, trong dăm bảy năm, họ mới gián đoạn tin tức về nhau, vì cả hai đều phải học tập cải tạo ở các trại tập trung, rồi đều vất vả, bận lo sinh kế, vả lại cũng không tiện liên lạc với nhau bằng thư từ. Khi cuộc sống mỗi người tạm ổn định, họ lại tìm kiếm nhau, và tình bạn cũ lại được duy trì cho đến nay. Nhưng ông Trảng không thật rõ về vợ ông Phẳng.

- Tôi nhớ hình như có lần Phẳng đã nói tên vợ Phẳng, nhưng lâu quá, không nhớ chắc lắm.

- Có phải tên Nhị không?

- Không! Tên là gì đó, chứ không phải Nhị.

Ông Xuân hơi thất vọng. Và ông tự nhủ, chẳng lẽ trí nhớ mình lại lầm lẫn?

Ông Xuân biết Tre có đọc truyện ngắn ông viết về Nhị-tóc-nâu và tổ học sinh thuyết trình về tiểu thuyết “Bướm trắng”, vì lần đầu ông đến đây thăm ông Trảng, Tre có nhắc đến. Không ngờ Tre lại nhắc đến ngay tại ngôi nhà có treo tấm ảnh chân dung một cô gái mà ông Xuân tin chắc đó là Nhị-tóc-nâu ngày xưa!

Nhưng rồi ông Xuân cũng phải về lại nhà mình, sau khi nhờ ông Trảng, qua điện thoại, hỏi han vợ chồng ông Phẳng thử xem, có phải đúng như ông tin chắc không, và câu trả lời là không phải. Ông Xuân bỗng dưng buồn lạ lùng, khi biết “mẩu giấy bướm trắng” chỉ là kỉ niệm, mãi mãi bay vào hư vô, chỉ đọng lại thành chữ trong mấy trang truyện!

Lần thứ ba, ông Xuân đến thăm ông Trảng vào buổi tối, với hi vọng được gặp bà Phẳng, mà ông ngờ là Nhị-tóc-nâu ngày xưa.

Nhưng sau phút bỡ ngỡ, ông Xuân thấy bà Phẳng với vẻ mặt được trang điểm kĩ lưỡng, trông không giống cô gái trong tấm ảnh treo trên tường. Có lẽ giữa cô gái ấy và bà Phẳng cách nhau đến 44 năm. Thêm vào đó, hình như bà Phẳng đã có lần đến thẩm mĩ viện, nên nét mặt đã ít nhiều thay đổi so với gương mặt vốn có. Dáng dấp tuổi gần sáu mươi, lại mập mạp ra, đâu còn nét thon thả như kí ức ông Xuân còn lưu lại. Giọng nói cũng rặt Nam bộ như chồng, đâu phải giọng Tam Kỳ ở Nhị-tóc-nâu thuở đó! Tuy vậy, ông Xuân cảm thấy vẫn có gì đó quen thuộc ở bà Phẳng. Bà Phẳng cũng hơi ngập ngừng nhưng rồi bảo là chưa bao giờ sống tại Tam Kỳ, Quảng Tín xưa một ngày nào, nữa là học trung học đệ nhị cấp ở đó. Dĩ nhiên, khi nói thế, bà Phẳng đã mặc nhiên cho rằng không hề có dịp nào quen ông Xuân thời học trò cả! Tuy vậy, bà Phẳng vẫn có vẻ xúc động. Chừng như cả ba người đàn ông cũng nhận ra vẻ xúc động ấy, nhưng họ nghĩ đó là cảm xúc thường tình ở phụ nữ khi có ai đó ngỡ mình là bạn học cũ mà thôi.

Mặc dù vẫn còn chút ngờ ngợ, nhưng một khi bà Phẳng không thừa nhận mình là Nhị-tóc-nâu với quê quán Hà Lam – Tam Kỳ, ông Xuân không thể nói lời nào khác, ngoài việc xin lỗi mình đã nhớ lầm. Bỗng dưng ông Xuân lại rơi vào tâm trạng thất tình thời học trò trung học, mặc dù hiện nay trong lòng ông chẳng dám có chút xúc cảm yêu đương nào! Phải chăng đó là tâm trạng cũ, cách đây hơn bốn thập niên, sống lại trong ông?

 

2

 

Tre đã ra lại Kẻ Diên, Quảng Trị sau hơn mười lăm ngày ở tại thành phố này để cùng anh Trưng chăm sóc ông Trảng.

Trong thời gian đó, Tre và Trưng cũng đã vài lần gặp gỡ, trò chuyện cùng hai cô sinh viên Sông Xanh và Ánh Sương. Một cách khá mặc nhiên, Trưng chuyện trò với Ánh Sương nhiều hơn, và Tre cũng tỏ ra thích chuyện trò với Sông Xanh. Không hiểu sao, Tre thấy giữa hai cái tên Trưng và Ánh Sương có gì đó gần gũi, có lẽ vì quả trứng vàng và hạt sương long lanh đều gợi ra hình tròn, còn tên Sông Xanh và tên Tre lại gợi vẻ tương đồng là nét dài. Cảm nhận ấy hơi ngộ nghĩnh. 

Có điều, không hiểu sao Tre vẫn cảm thấy nhơ nhớ nghệ sĩ Sông Hiếu, và cho rằng mình phải ra lại quê nhà là hợp lẽ. Đó cũng là ý kiến của ông Trảng, nhưng cơ sở của ý kiến ấy hơi thực tế. Ba anh bảo, Tre nên ra, vì nhà chỉ còn có mẹ. Vả lại, anh Trưng ở lại đây, mẹ sẽ được nghỉ ngơi thêm, vì công việc bán cháo bột quanh năm vốn không phải nhẹ nhàng. Hơn nữa, về bếp núc, nấu nướng tại đây, Tre không khéo tay bằng anh Trưng.

Thật ra, Tre biết khi ra lại Kẻ Diên, có nghĩa là quãng cách địa lí giữa anh và cô giáo, nghệ sĩ Sông Hiếu ở Đông Hà gần lại, nhưng cũng chắc gì Tre sẽ ra Đông Hà hoặc Sông Hiếu sẽ vào Kẻ Diên, để gặp gỡ nhau, mặc dù họ đã thân nhau hơn, so với mấy tháng trước, khi mới hợp đồng với nhau về chiếc dĩa CD, thu âm thanh diễn ngâm hai bài ca dao cổ về Kẻ Diên!

Đêm trước khi chia tay, Tre đã hẹn gặp Sông Xanh ở một tiệm cà phê ven bờ kênh Nhiêu Lộc mà nay đã rất sạch sẽ, thoáng mát, thơ mộng, mặt kênh rộng như một con sông nhỏ. Quán ở khúc đường yên ả nhất, không nhạc xập xình và cũng không ồn ào, đông đúc khách.

Hai con đường ven hai bờ kênh có tên là Hoàng Sa, Trường Sa.

- Rất tiếc là chúng ta đang ngồi ở Hoàng Sa, Trường Sa tại Thành phố Hồ Chí Minh, chứ không phải ở Hoàng Sa, Trường Sa ngoài Biển Đông! – Tre nói, hơi chua chát –.

- Anh nói như thể là mỉa mai, phải không? – Sông Xanh mỉm cười, cảm thông –.

- Sự thật là vậy. Ngay những người đặt tên đường hẳn cũng ý thức rõ điều đó. Tên hai con đường nhắc chúng ta phải nhớ đến Hoàng Sa bị chiếm, những đá, bãi đã bị cướp, thuộc Trường Sa, nhưng nhớ một cách chua chát... Đó là cái nhớ cay đắng nữa, về sự mất mát, bị xâm chiếm. Nếu thu hồi được Hoàng Sa, các đá, bãi ở Trường Sa, thì đó là tên của hai chiến công! Nhưng sự thật đâu phải chiến công, mà ngược lại.

- Nhưng nhớ đến vẫn hơn là quên lãng.

- Đúng rồi. Nhớ, để mỉa mai, cay đắng, chua chát, và nhớ, để tái chiếm, để thu hồi. – Tre ngừng lại, giọng chùng xuống –. Hi vọng là vậy, chứ không phải đặt tên đường như thế để xoa dịu sự phẫn nộ của quần chúng. – Tre ngả người ra tựa ghế –. Thôi, ngày mai, anh ra lại Quảng Trị rồi. Chuyện Hoàng Sa, Trường Sa nếu vẫn cứ cái đà này, chắc còn dài ngày lắm! Bây giờ mình tạm gác lại, chuyện trò chuyện gì về bọn mình đi!

Sông Xanh gật đầu, nhưng cô lại im lặng.

Không thấy Sông Xanh nói gì, Tre ngập ngừng, rồi hỏi:

- Tốt nghiệp đại học xong, với bằng cử nhân tài nguyên - môi trường, Sông Xanh có muốn làm công chức không?

- Nhiều người thuộc các khoá trước Sông Xanh thường xin vào làm công tác quản lí nhà đất hoặc quản lí khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường...

- Nhà đất? Nếu tham nhũng thì giàu lắm đó! – Tre cười, trêu Sông Xanh –.

- Công chức thời nào cũng thế thôi. Nếu có tham nhũng mới giàu có, bằng không thì cũng chỉ lương ba cọc ba đồng. Có ngành béo bở, có ngành khô hạn... Sự thật đó ai cũng biết. Từ xa xưa, dân gian đã nói, “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” mà anh! – Sông Xanh nói –. Cho nên... Đến đâu hay đó thôi. Nghĩ xa, nhức đầu lắm, anh!... Thật ra, người làm công chức thì có cơ hội làm quan to, từ to vừa đến rất to, nhưng cũng chẳng mấy người đạt được, mà đa số là làng nhàng, đứng yên tại chỗ cho đến khi già, về hưu. Suốt một đời lương ba cọc ba đồng.

- Nhưng bây giờ ai không tham nhũng, sẽ bị đồng nghiệp loại trừ ngay. Thậm chí có người gào lên đau đớn, như nhân vật Chí Phèo, tôi muốn lương thiện, thanh liêm nhưng ai cho tôi làm người lương thiện, thanh liêm! Người ta đồn đãi với nhau như vậy. Không biết có đúng không? Báo chí chính thống ít nhiều cũng hé lộ, nhưng không rõ lắm! – Tre nói –.

- Nếu lương ba cọc ba đồng thì mức sống cũng như người dân làm những ngành nghề khác. Công chức đã vào biên chế nhà nước chỉ hơn thiên hạ cái ổn định và nhàn nhã, ăn mặc sạch sẽ, đàng hoàng, sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về. Phải vậy không anh?

- Kinh doanh tư nhân, có loại thăng trầm, có loại ổn định. Những ai không sợ thăng trầm thì có thể có người giàu to, còn những ai muốn làng nhàng ổn định cũng có thể được. Người trở thành đại gia cũng hiếm như người làm quan to. – Tre nói –. Nhưng làm công chức xem ra oai vệ, và thực tế là có quyền lực hơn làm người dân. Đại gia cũng chỉ có quyền trong công ti của mình thôi.

- Thôi đến đâu hay đó, anh Tre à!

- Ừ, biết là để biết mà sống, vậy thôi. Điều quan trọng nhất là chúng mình phải có trình độ học vấn, có bằng cấp, để làm việc gì cũng hiệu quả hơn, và để sống với đời chứ, phải không? Muốn ngẩng mặt với đời suốt đời, thì lúc còn trẻ như bọn mình, phải học, và học suốt đời, chứ không còn cách nào khác.

Cả hai người trẻ tuổi nhìn ra mặt kênh lấp lánh ánh đèn. Lát sau, Sông Xanh nói:

- Ngày mai anh ra rồi!... Sông Xanh đến bây giờ cũng hơi còn cảm giác ngỡ ngàng, tưởng như không phải trong đời thật, vì ở tận trong Nam bộ này mà quen với anh tận ngoài Quảng Trị.

- Có bao giờ Sông Xanh dự định ra ngoài đó chơi không?

- Có chứ anh! Khi quen anh, anh Trưng, chị Sông Hiếu, chị Lá Xuân trên Facebook, Sông Xanh lại càng thích ra thăm viếng Quảng Trị.

- Thì ra một chuyến cho vui. Nếu thấy thích thì cứ ra dài dài như ra quê hương vậy, cũng được.

Sông Xanh nghe mình đỏ mặt, thẹn thùng, và cô mỉm cười. Không thấy Sông Xanh nói gì, Tre nói về hình ảnh dòng kênh trước mặt, từ trí nhớ bỗng hiện ra trong ý thức:

- Ở trên dòng kênh Nhiêu Lộc này, có những người đã tổ chức thắp đèn thuỷ đăng để tưởng nhớ Hoàng Sa, thương tiếc những đá, những bãi như Gạc Ma, Chữ Thập ở Trường Sa...

- Đúng rồi, anh!

Bất chợt, Tre hình dung ra những đoá hoa giấy có thắp nến, đang vừa trôi vừa toả sáng trên mặt kênh. Tre cũng thấy trên những đoá hoa lửa nến ấy, có những con bướm trắng bằng giấy như trong một truyện ngắn của ông An Trần Xuân. Không hiểu sao lại có sự kết hợp lạ kì như vậy! Cánh bướm mộng ảo, yêu đương riêng tư liên quan gì đến những đoá hoa tưởng niệm, lung linh lửa nến, mà đau xót nghìn trùng!

Sau khi chở Sông Xanh đến nhà, vẫn căn nhà có phòng cho sinh viên trọ học, ven kênh Nhiêu Lộc này, Tre chia tay Sông Xanh, hẹn ngày gặp lại.

Đêm đó, và suốt buổi sáng hôm sau, khi đã ngồi trên tàu lửa, Tre vẫn không thôi suy ngẫm về dòng kênh Nhiêu Lộc, hoa nến trôi và bướm giấy trắng vờn bay. Đó là tấm lòng trong lành như suối khe nguyên sơ luôn luôn bị nguy cơ ô nhiễm đe doạ. Đó là nỗi đau bị xâm lược biển đảo. Đó là tình yêu đương ảo mộng. Tre bỗng ước mơ lũ bướm trắng kia phải biến hoá thành những chiếc máy bay phản lực xua đuổi quân bành trướng Trung Quốc ngang ngược... Đàn phi cơ Việt Nam bay trên những đảo, những bãi ngoài Biển Đông sáng đèn... Còn những tấm lòng trong lành? Biết lấy gì để bảo vệ và thanh lọc?

Tre thở dài, thầm nghĩ, với anh, Sông Hiếu cũng như Sông Xanh đều là ảo ảnh cả sao?

 

3

 

Vết mổ để lấy đầu đạn ra đã lành hẳn từ hơn nửa tháng rồi. Nó để lại một cái sẹo nhỏ. Hai hôm nay, ông Trảng lại được tháo băng bột ở chân, bằng một đường xẻ dọc bởi lưỡi cưa tròn nhỏ có gắn mô tơ điện của bệnh viện. Chỗ xương bị rạn đã liền. Nhưng sau một tháng cố định bằng thạch cao, chân ông teo lại thấy rõ. Bác sĩ dặn dò, ông cần phải tập đi và xoa bóp cẳng chân.

Tối nay, Trưng đã cùng Ánh Sương đi chơi. Bà Phẳng cũng đã về Cần Thơ quê chồng từ tuần trước và đã cùng mấy người chị em bên chồng đi du lịch ở Campuchia. Trên sân nhà, ánh đèn từ mái hiên đúc toả sáng vừa đủ để ba người đàn ông ngồi quanh chiếc bàn sa lông đã được bưng ra từ phòng khách. Trên bàn là vài món nhấm ông Xuân tiện đường ghé mua, mang tới, với chai rượu Trưng đã mua sẵn cho ba từ buổi sáng hôm qua.

 Ông Trảng ngồi ở vị trí có thể ngẩng đầu lên nhìn thấy chuồng bồ câu ở góc sân. Cả ba người đưa cao ba chiếc li thuỷ tinh, chạm nhẹ, nhưng chỉ hai li có rượu màu hổ phách sóng sánh, còn một li chỉ là nước tinh khiết trắng.

- Không biết anh Trảng có còn giữ tấm ảnh nào thời anh em mình học ở trường sĩ quan Thủ Đức và thời anh về đơn vị ở Quảng Trị không? Tôi vẫn còn nhiều ảnh lắm đó! – Ông Phẳng nói, nghiêng đầu cười –.

- Tôi cũng còn giữ chứ! Kỉ niệm mà. Thời sau 30-4 phải cất rất kĩ, vì sợ phiền hà. Nhưng đến nay, tôi vẫn còn khá nguyên vẹn, thỉnh thoảng cũng lấy ra xem. – Ông Trảng trả lời, và hỏi –. Đâu? Anh lấy ra đây để ba anh em mình cùng xem đi.

Ông Phẳng đi vào phòng ngủ, lấy ra một cuốn an bum khổ lớn, khá dày. Thấy không đủ ánh sáng để xem ảnh, ông vào lấy thêm chiếc đèn bàn với cuộn dây điện mang ra, rồi lại cầm đầu phích cắm, kéo dây vào phòng khách, cắm vào ổ điện. Đèn sáng trên bàn sa lông.

Ba mái đầu tóc đã muối tiêu, đã bạc chụm vào nhau. Ba đôi mắt, tháo kính cận ra hoặc mang kính lão vào, cùng ngắm nghía những tấm ảnh đen trắng. Ông Xuân cũng chia sẻ cảm xúc với hai người bạn lớn tuổi hơn, chứ ông Xuân chưa từng có một ngày nào trong đời phải đi lính cả.

- Tôi vẫn thấy tự hào thời đi lính, anh Trảng à! – Ông Phẳng đã xem an bum của mình nhiều lần trong mấy chục năm qua, nên để cho hai người bạn mải mê xem, ông nói –.

Ông Xuân cũng đã ngồi lại với tư thế cũ, nhìn ông Phẳng:

- Kỉ niệm trai trẻ mà!

Ông Phẳng:

- Thời trai trẻ, đúng rồi, anh! Nhưng tôi muốn nói là thời tụi tôi là sinh viên sĩ quan, rồi là sĩ quan quân đội chế độ cũ ấy. Thời đó, chúng tôi cũng như nhiều người lính khác, đều yêu nước, chiến đấu chống Nga Sô, Trung cộng ẩn mình xâm lược, lộ diện bành trướng đó chứ. Bây giờ phe đỏ chiến thắng, thống trị thì thời thế nó thế phải thế.

 

Ông Trảng gấp tập an bum lại, tháo kính lão, bỏ vào túi áo:

- Đúng rồi, anh! Mình vẫn giữ niềm tự hào chống Nga – Trung ẩn mình xâm lược, lộ diện bành trướng. Nhưng cũng rất đau, đau mãi khôn nguôi do một nửa tính chất còn lại của cuộc chiến tranh, đó là người Việt với người Việt cầm súng đạn hai Khối, Khối Tự do và Khối Cộng sản, bắn nhau, giết nhau, đến khi đã thống nhất rồi, vẫn còn hành hạ, thù ghét nhau...

Ông Xuân góp chuyện:

- Bây giờ chỉ nói gọn là tự hào về một thời Quốc gia yêu nước, chống ngoại xâm Nga - Trung là đủ rồi. Đó sự thật lịch sử, cho dù trong hàng ngũ quân đội Quốc gia, chính quyền Quốc gia vẫn có những kẻ quá khứ chính trị không đẹp đẽ gì. Đó là tôi nói đến những phần tử vốn là sản phẩm của thời thuộc địa, bán thuộc địa Pháp ấy mà!

Ông Phẳng có vẻ không bằng lòng, ngắt lời:

- Thì phía đỏ cũng vậy thôi. Cấp tướng, cấp lãnh đạo chính trị cao của phe đỏ cũng có người xuất thân là lính thuộc địa Pháp, công chức, nhân viên thời Pháp thuộc.

Ông Xuân cười xoà:

- Tôi chưa nói hết mà anh!

Ba người đàn ông sắp đến tuổi sáu mươi và sắp quá tuổi sáu lăm cùng cười, mời nhau nâng li. Ông Phẳng cười lớn nhất, nhưng nói vừa đủ nghe:

- Hoan hô! Người Việt Nam, cho dù thuộc phe đỏ hay thuộc phe vàng, đều thoát thai là nguỵ đỏ hay nguỵ vàng, cũng đều yêu nước, chống ngoại xâm cả.

- Nhưng phe vàng chúng ta chiến bại! – Ông Trảng nói, trầm tĩnh hơn –.

- Trời đất! “Đừng đem thành bại luận anh hùng” mà! Cổ nhân đã dạy thế từ xưa. Thì rõ ràng phe vàng chúng ta đã bại, đã phải vượt biên, vào trại cải tạo, đi HO, đủ trăm ngàn nhục nhã, khốn khổ khốn nạn, nhưng sự thật là chúng ta chỉ chống “quan thầy Nga Sô và Trung cộng” thôi. Chúng ta yêu nước, chống hai nước lớn xâm lược, bành trướng, áp đặt tư tưởng, chủ nghĩa của lãnh tụ chính trị họ lên đầu lên cổ chúng ta. Đó là sự thật lịch sử. Chúng tôi thất bại, anh bạn Xuân à, nhưng chúng tôi vẫn mãi tự hào là quân đội Quốc gia yêu nước, chống ngoại xâm ẩn mình, bành trướng lộ diện Nga Sô – Trung cộng. Thế là đủ rồi. Chúng tôi đâu có thể làm gì hơn. Chúng tôi từ lâu chấp nhận thất bại, chấp nhận tù tàn binh, chấp nhận bị phe đỏ cai trị, rồi chúng tôi thành công dân của chế độ đỏ này, nhưng chúng tôi vẫn có quyền tự hào về quá khứ là lính tráng, sĩ quan quân đội Quốc gia, Việt Nam cộng hoà chứ! Không ai có thể sadisme lịch sử được, trong thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu này!

Ông Xuân mỉm cười, đồng cảm:

- Hai phe, đỏ và vàng, đều là người Việt Nam, yêu nước, chống ngoại xâm sau lưng của nhau! Tôi cũng đã từ lâu nói như vậy, viết như vậy.

Ông Phẳng lại mời hai người đàn ông, một người là bạn thâm niên, một người là bạn mới quen, cụng li lần nữa.

Ông Phẳng lại vào nhà, mang cây đàn ghi ta ra. Tắt đèn để bàn trước mặt ông Trảng, ông ôm đàn, hát khẽ vừa đủ nghe. Đó là dăm bài hát thời oanh liệt trai trẻ của ông và ông Trảng. Ông Trảng cũng ôm đàn hát, nối tiếp niềm cảm xúc của nhau.

Ông Xuân lặng lẽ ngồi nghe. Trong tiếng hát, tiếng đàn, ông Xuân hình như nghe có chen vào tiếng chim bồ câu gù trên chuồng. Có thể đàn chim bồ câu đã rúc đầu vào cánh ngủ say, nhưng với ông Xuân, mơ hồ có tiếng bồ câu gù thật.

 Trong vài phút giây nào đó, ông Xuân cảm thấy trong lòng mình có vướng víu chút thắc mắc về bà vợ ông Phẳng, mà thật lòng, ông Xuân ngờ ngợ như là Nhị-tóc-nâu thuở học trò Tam Kỳ, Quảng Tín xa xưa. Bà về Cần Thơ quê chồng, rồi cùng chị em chồng đi du lịch sang xứ Angkor Wat, Angkor Thom?

Như thể đột ngột, ông Trảng lại nói:

- Điều mà chúng ta cần và mong có được, đó là sự công bằng lịch sử trong sách sử, trong đời sống xã hội. Đó là danh dự cho lớp già. Đó là cơ hội đồng đều, vô điều kiện cho lớp người trẻ, trong đó có con cháu chúng ta... Con cháu phe vàng chúng ta cũng được đối xử công bằng như con cháu của phe đỏ. Không có gì cản trở, kìm hãm chúng.

Ông Phẳng cũng nói, mắt trở nên xa vời:

- Cựu lính vàng chúng tôi, người trẻ nhất đến năm nay cũng gần chạm ngưỡng sáu mươi tuổi. Đó, thử tính xem, 1975, 18 tuổi, thì 2015, 58 tuổi. Già hết rồi... đâu có mong muốn gì hơn...

- Đúng vậy đó, hai anh! Rất thiết thực, phù hợp với lẽ phải, đạo lí... – Ông Xuân lặp lại, để nhấn mạnh –. Tóm lại, thứ nhất, công bằng trong sách sử cũng như trong đời sống là trả danh dự, phẩm giá cho cựu binh, cựu công chức Việt Nam cộng hoà, và thứ hai, cơ hội tiến thủ đồng đều, vô điều kiện cho lớp trẻ con cháu họ cũng như con cháu người lính Việt Nam dân chủ cộng hoà trước 30-4. Ngắn gọn và đầy đủ vậy thôi. – Ông Xuân nói thêm –. Tôi còn muốn khẳng định về sự thật lịch sử 1945-1954-1975 là Quốc gia, gồm cả Việt Nam cộng hoà về sau, cũng như Việt Nam dân chủ cộng hoà đều chống ngoại xâm. Đó là các thứ ngoại xâm khác nhau: Pháp, Nhật, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc...

Hai người bạn đồng đội chế độ cũ uống những ngụm rượu cuối trong chai. Không uống được rượu, ông Xuân cũng nâng li nước tinh khiết. Tuy vậy, không khí vẫn rất chan hoà, thân tình.

- Tôi rất quý trọng hai anh, và nói thật, – Ông Xuân trầm tĩnh nói –, yêu cầu của các anh nói chung, nếu Đảng, Nhà nước hiện hành thực hiện, cũng không tốn kém tiền bạc gì lắm, chỉ soạn lại bộ sử về giai đoạn 1945-1954-1975 và những chương sách giáo khoa liên quan, đồng thời ban hành một nghị quyết về cách ghi lí lịch, cơ hội tiến thủ đồng đều, vô điều kiện cho lớp trẻ hai miền Nam cũng như Bắc. Không tốn kém tiền bạc gì lắm đâu. Chỉ cần cách nhìn, sự nhận thức lại, và tấm lòng trong sáng, hoà giải, hoà hợp dân tộc thật sự, chứ không phải vờ vịt, lừa và dối. Đúng là nếu những nhà lãnh đạo tối cao có đủ hai điều đó, thì thật sự đại phúc cho Đất nước Việt Nam chúng ta, dân tộc Việt Nam chúng ta. Muôn đời lòng dân và sách sử ghi công ân họ. Tuy nhiên, cũng quá khó. Khó là vì cách nhìn thiếu sự nhận thức lại, mà rặt định kiến, và lòng dạ hẹp hòi. Nhiều người đã nói, ngụ ý nhắc nhở chung, rằng, trong lịch sử, đã từng có những tập đoàn phong kiến chiến đấu chỉ vì quyền lợi cục bộ, chỉ vì quyền lực, địa vị và cũng chiến thắng... – Ông Xuân nói tiếp –. Có thể, trông chờ ở lớp người lãnh đạo Việt Nam không dính líu gì đến cuộc chiến tranh 1945-1954-1975 tại nước mình trong bối cảnh thời Chiến tranh lạnh trên thế giới (1945-1991). Đó là những người hiện nay dưới tuổi 50. – Ông Xuân lại nói tiếp –. Tuy nhiên, thực tế là, các anh cứ tin chắc hiện thực lịch sử sẽ diễn ra như vậy, nhưng không biết đến thời điểm nào mới diễn ra. Có thể trong năm 2016 sắp đến.

  Ông Trảng đứng dậy, bỗng ngã xuống sân. Có lẽ ông quên bẵng cái nạng gỗ, trong khi cẳng chân mới được tháo bột thạch cao và còn yếu. Ông Xuân, ông Phẳng vội đỡ ông Trảng dậy. May quá, có lẽ vậy, ông Trảng không phải đột quỵ.

 

4

 

Sau khi tiễn chân hai cha con ông Trảng lên tàu lửa ra Quảng Trị, Ánh Sương và Sông Xanh xin chào tạm biệt ông Xuân, ông Phẳng ở cổng ra vào sân ga Hoà Hưng.

Ông Phẳng đang ngồi trên xe máy của mình, quay mặt về phía ông Xuân, cũng đang ngồi trên xe máy, ở bên cạnh:

- Anh Xuân, tôi mời anh đến một tiệm cà phê máy lạnh nào đó, để nói với anh về một điều mà tôi nghĩ, chắc anh cũng cần biết rõ. Anh đồng ý chứ?

Hơi bất ngờ, ông Xuân hỏi lại:

- Chuyện gì thế anh?

- Chuyện tấm ảnh trên vách phòng khách nhà tôi đó mà!

Ông Xuân sững sờ, buột miệng như cái máy, “vậy hả!”, và sau mươi giây, định thần lại, ông gật đầu. Ông Xuân chạy xe theo xe ông Phẳng.

Người bảo vệ kiêm cả công việc giữ xe đưa cho hai người khách mới ghé xe vào hai tấm thẻ ghi số bọc ni lông đã cũ kĩ.

Họ bước vào tiệm cà phê, lên lầu, đến ngồi ở một bộ bàn ghế đặt tại góc phòng. Máy điều hoà không khí khiến họ cảm thấy dễ chịu. Trong khi chờ tiếp viên mang thức uống đến, theo yêu cầu của mỗi người, ông Phẳng ngẫm nghĩ một chút rồi nói:

- Anh Xuân này! Tôi biết anh nhớ không lầm về tấm ảnh ở phòng khách nhà tôi. Tấm ảnh ấy, có ai hỏi, bà ấy cứ bảo là em họ mà thôi!

- Thật là ảnh chân dung của cô bạn học Nhị-tóc-nâu à? –. Ông Xuân ngẩn ngơ –.

- Đúng rồi. Đó là một trong hai cô nữ sinh cùng tên họ và chữ lót: Cao Thị Phương Nhị, mà lớp của anh hồi đó gọi là Nhị-tóc-nâu và Nhị-tóc-đen đó mà!

- Thì ra, anh cũng tường tận như vậy! Anh có biết Nhị-tóc-đen bây giờ thế nào không?

- Không. Tôi chỉ biết Nhị-tóc-đen như trong nhật kí 1971-1974 của nhà tôi thôi.

- Nhị-tóc-đen sau 30-4 vẫn sống ở Quảng Nam, chủ yếu ở Đà Nẵng, chồng con đề huề, gia đình hạnh phúc lắm.

Tiếp viên bưng khay thức uống ra. Cuộc chuyện trò tạm ngừng lại, rồi tiếp tục.

Ông Phẳng mỉm cười:

- Chúng ta bây giờ lớn tuổi cả rồi... Tôi cũng thành thật nói với anh, thật ra, tôi không thuộc loại người tò mò, tọc mạch về kỉ niệm của vợ mình. Đó là tấm ảnh vợ tôi chụp năm bà ấy học lớp 12...

- Năm lớp 12 tôi không còn học chung lớp ở Tam Kỳ với chị nhà nữa, tôi đã ra Đà Nẵng để học tiếp lớp 12.

- Tôi cũng biết điều đó. Và thú thật với anh, những điều tôi biết được không phải tôi cố ý tìm hiểu hay điều tra gì đâu! – Ông Phẳng nhếch môi cười nhẹ –. Tình cờ cả thôi! Số là thế này, vợ chồng chúng tôi lần đầu gặp nhau ở Cần Thơ, rồi khoảng vài tháng thì thành hôn. Đó là thời điểm cuối năm 1978, sau khi tôi vừa được phóng thích khỏi trại cải tạo khoảng bốn tháng. Tôi không hề hỏi han gì về kỉ niệm cũ của cô ấy cả. Nhưng, thế rồi, cách đây khoảng mười năm, nghĩa là sau khi tôi và Cao Thị Phương Nhị kết hôn, chung sống, có hai mặt con đã khôn lớn, đã lập gia đình riêng, tôi tình cờ tìm thấy nhật kí của vợ tôi trong một chiếc hộp bà ấy để trong một ngăn khoá tủ. Tôi đọc thử, thấy bà ấy viết khá văn chương, nên tôi bị hấp dẫn ngay. Đó là nhật kí chủ yếu về ba năm trung học đệ nhị cấp, từ lớp 10 đến lớp 12, và lác đác có ít trang rời rạc về mấy năm sau 30-4-1975. – Ông Phẳng bỗng tắt nụ cười nhẹ –.

- Thế thì có gì đâu anh? – Ngập ngừng, rồi ông Xuân hỏi tiếp –. Tôi không hiểu vì sao Nhị-tóc-nâu lại khác xưa nhiều quá, ngay giọng nói cũng khác...

- Bà ấy lúc trẻ thì gầy, mảnh mai, nhưng lúc đã lớn tuổi, đâm ra phốp pháp hẳn! – Ông Phẳng cười –. Còn giọng nói, bà ấy sống với tôi đã ba mươi bảy năm rồi, nên nói giọng Nam bộ đặc sệt. Và anh biết đó, những năm gần đây, phụ nữ họ chịu khó đến thẩm mĩ viện, chịu khó trang điểm hơn xưa nhiều lắm... – Vẫn giữ nụ cười trên môi, ông Phẳng nói –.

Ông Xuân thắc mắc:

- Nhưng vì sao chị nhà lại bảo với tôi là chưa từng sống tại Tam Kỳ ngày nào, nữa là học hành ở đó... Tôi biết chắc Nhị-tóc-nâu là người Hà  Lam, Quảng Tín cũ mà, và gia đình vào sống tại Tam Kỳ từ lúc Nhị-tóc-nâu còn học tiểu học.

Ông Phẳng bỗng im lặng, trong một lúc khá lâu. Ông không nói gì, nhưng nét nặt ông dần dần trở nên trầm tư hẳn.

- Điều hệ trọng đối với Nhị-tóc-nâu lại xảy ra sau khi bỏ dở việc học do Trường Đại học Quảng Đà ở Đà Nẵng bị giải thể, sau 30-4.

Không nói tiếp nữa, ông Phẳng lục túi xách tay, lấy ra chiếc điện thoại di động, bấm mở màn hình. Ông đưa điện thoại cho ông Xuân, và nói:

- Đây là năm trang nhật kí của bà xã tôi. Anh cứ đọc đi, sẽ rõ, anh à.

Ông Xuân cảm thấy xúc động, và cũng không biết định rõ tính chất của xúc động đó là gì. Ông dán mắt vào màn hình điện thoại trên tay, sau khi cởi kính cận ra, cầm ở tay kia.

Khoảng hơn mười lăm phút im lặng trôi qua, ông Xuân đã đọc xong năm trang viết tay với nét chữ không khác nét chữ học trò ngày xưa của Nhị-tóc-nâu, nét chữ trên “mẩu giấy cánh bướm”.

Chừng như để tôn trọng ông Phẳng, tôn trọng Nhị-tóc-nâu, ông Xuân cũng lại tiếp tục im lặng. Ông chờ nghe ông Phẳng nói, chứ không thể bày tỏ cảm nghĩ của chính mình.

- Đây chỉ là chuyện riêng tư thôi. Tôi quý anh, nên nói rõ để anh biết, và đưa anh đọc năm trang nhật kí ấy. Đó là lí do vì sao bà ấy lại giấu kín quê hương, bản quán Quảng Tín cũ, không nhận anh là bạn học cũ ở Tam Kỳ. – Ông Phẳng lại khẩn khoản nói –. Xin anh đừng kể lại cho ai biết nữa. Chỉ có anh và tôi, dĩ nhiên là cả vợ tôi nữa, biết đến năm trang nhật kí này. Ba đứa con tôi, trong đó có đứa con đầu là con riêng của bà ấy, chúng cũng chẳng biết. Anh cố gắng giữ bí mật giúp tôi.

- Tôi không bao giờ tiết lộ cho ai khác đâu anh. Xin anh và chị nhà cứ yên tâm.

- Thật ra, đó là một chuyện tình buồn thời không khí xã hội quá thảng thốt, cơm áo khó khăn, bản thân Nhị-tóc-nâu lại suýt cuồng dại vì bị lỡ dở việc học... Vả lại, Tam Kỳ thì bé nhỏ, nên chuyện trai gái yêu đương, có bầu, nhưng hai gia đình hai bên, một bên là cán bộ tập kết, một bên là công chức chính quyền Miền Nam, không đồng thuận, gay gắt đến mức chàng trai phải đâm đơn xin qua Campuchia chiến đấu, rồi tử thương ở đó, cả Tam Kỳ đều biết. Vợ tôi xấu hổ, khổ tâm vô cùng. Vì vậy, nên vợ tôi mới vào Cần Thơ... Thế thì đâu có gì trầm trọng lắm, phải không anh Xuân? Vậy mà... – Ông Phẳng nói thật khẽ, và im lặng, không nói tiếp nữa –.

Ông Phẳng vào quầy thu ngân tính tiền thức uống.

Hai người đàn ông chia tay nhau, không quên hẹn ngày gặp lại. Nhưng trong thâm tâm, ông Xuân tự nhủ, ông chỉ có thể đến thăm vợ chồng ông Phẳng, một khi chính bà Phẳng – Nhị-tóc-nâu ngày xưa – đích thân mời ông. Ông tôn trọng nỗi đau giấu kín của người bạn học cũ.

Trên đường về nhà, ông Xuân bất chợt nhớ đến Tre, Trưng, Sông Xanh, Ánh Sương cùng hai người bạn của họ, hai cô gái mà ông chưa bao giờ gặp, chỉ nghe nói đến, là cô giáo, nghệ sĩ diễn ngâm Sông Hiếu và Lá Xuân.

 

T.X.A.

13: 20, 08-01 – 16:50, 09-01 HB16 (2016)

 

 

ĐỂ TRÁNH NHỮNG NGỘ NHẬN ĐÁNG TIẾC, XIN LƯU Ý, CÁC NHÂN VẬT CHỈ LÀ SẢN PHẨM CỦA TƯỞNG TƯỢNG, ĐƯỢC TÁC GIẢ HƯ CẤU ĐỂ PHẢN ÁNH CHÂN THẬT HIỆN THỰC, CHUYỂN TẢI NHỮNG NỘI DUNG CẦN THIẾT

 

 

 

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE