Tệp 2 - Viết về tác phẩm Trần Xuân An

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

BỔ SUNG CÁC BÀI VIẾT VỀ TÁC PHẨM CỦA TRẦN XUÂN AN

(tiếp theo từ: http://tranxuanan.writer.3.googlepages.com/vietve-tpham-txa.htm )

 

1

VÀI CẢM NGHĨ VỀ THƠ TRẦN XUÂN AN

VƯƠNG TÂN

Lâu lắm, tôi mới được đọc một tập thơ có chất thơ, một tập thơ của người làm thơ đích thực, một tập thơ thi sĩ đã sống chết với thơ.

Trần Xuân An có một phong cách riêng, một ngôn ngữ riêng, không giống ai; nhưng là phong cách của một người làm thơ, phong cách lãng đãng, phong cách phất phơ, vừa nhập thế vừa xuất thế; ngôn ngữ thơ Trần Xuân An là ngôn ngữ rất đời thường, nhưng cũng rất thơ, ngôn ngữ riêng của chàng ta.

Sự sống ngồn ngộn trước mắt, thiên nhiên hào phóng tươi tốt chung quanh nhà thơ, nhưng nhà thơ vẫn cứ muốn vượt lên trên cái sự sống đó, cái thiên nhiên đó, tìm một cõi riêng cho mình, cho thơ. Mỗi nhà thơ cần phải có một cõi riêng của mình; chính cái cõi riêng này làm thành thế giới thơ mang dấu ấn của thi sĩ.

Mỗi thời đại có một số nhà thơ của nó. Thời đại hôm nay là thời đại của thơ Trần Xuân An với những khắc khoải, những dằn vặt, những ưu tư.

Nhà thơ là người luôn luôn tự vượt mình, không bao giờ bằng lòng với những gì đã đạt được. Thơ Trần Xuân An đáng trân trọng ở chỗ luôn mỗi lúc một mới, mỗi lúc một lạ, mỗi lúc một gần với cái đẹp, cái chân, cái thiện, và cứ phăng phăng như thác lũ nhập vào cuộc đời, nhập vào cõi thế. Tôi nghĩ Trần Xuân An còn đi xa, rất xa trong cõi thơ của chàng ta, một cõi thơ đáng trân trọng.

VƯƠNG TÂN (*)

1995

 (*) Vương Tân là nhà thơ đã thành danh trước 1975.

 

2

XANH TÌNH, XANH NGHĨA VÀ NIỀM VUI SÁNG TẠO

(bạt)

INRASARA

Khát vọng sáng tạo đẩy kẻ sáng tạo rơi lạc vào một thế giới mộng tưởng và ảo tưởng nhưng thực hơn cả thế giới thực - một thế giới không còn bóng dáng của lối mòn nhợt nhạt mà đầy tràn ánh sáng sáng tạo - dù kẻ sáng tạo phải đánh đổi cuộc đời cho í hướng, dự phóng cao vời, căng phồng viễn tượng đó.

”Có một nơi lá mãi xanh”, nhân vật Niên cũng trải nghiệm con đường khai phá mà bất kì kẻ sáng tạo nào cũng một lần bước qua. Nhưng không như những ai khác ở Phương Tây, sự va chạm giữa thực và mộng, đóng khung và bung phá, phi cá tính và cá tính... là căng thẳng không chịu đựng nổi để dẫn đến sự đổ vỡ không thể tránh hay hậu quả khôn lường. Ở Niên có cái mực thước của trí tuệ Phương Đông.

Từ một Nguyễn Văn Phần, anh giáo dạy văn (biểu trưng cho quy phạm) đến một Phan Cát Niên, nhà văn (biểu trưng cho cá tính sáng tạo) là cả một bước chuyển tư tưởng mang tính quyết định mà trận ''đấu tố'' thời bao cấp chỉ như giọt nước cuối cùng làm tràn li.

Cũng cần nhìn động thái tự đánh mất mình hay thay đổi họ tên của nhân vật Niên là một biểu trưng nghệ thuật ngang bằng hành vi chịu đứng đằng sau kẻ sáng tạo của người dạy văn ở buổi đầu của anh.

Trước biến thể thành con sư tử gầm thét giữa sa mạc, con lạc đà của Nietzsche phải mang chở tất cả gánh nặng của quá khứ - chịu đựng và cưu mang cho đến kì khai nở cuộc biến thể thứ hai ấy. Để sau cùng, ''Nietzsche trở thành một triết gia vô thần, duy í chí, ''siêu nhân'' của giai cấp tư sản, một cây bút triết học phản động, tiền bối của chủ nghĩa phát-xít''. Với Niên, sau cùng, anh trở thành trẻ thơ vi vu ca hát ''và đồng thời cũng tích cực dấn thân vì tình yêu Tổ Quốc, chủ nghĩa xã hội dân chủ và cởi mở, vì tình yêu con người, cuộc sống trần gian'' (*).

”Có một nơi lá mãi xanh”, í hướng sáng tạo đậm nét nhất qua nhân vật Niên. Niên theo đuổi Cúc Tần như theo đuổi Cái Đẹp, cái đẹp lung linh mờ ảo trước mặt, nhưng thật khó nắm bắt, nhưng luôn luôn lôi cuốn kẻ sáng tạo dấn bước xa hơn nữa trên con đường lao động nghệ thuật khổ ải, hiểm nguy và hoan lạc.

Tất nhiên, cảm nhận một nghệ phẩm cũng là một cách sáng tạo lại nghệ phẩm ấy theo chủ quan người đọc.

Bởi thế, ta vẫn cảm thấy tiếc rẻ khi gấp sách lại, mặc dù vẫn hi vọng - hi vọng có một nơi lá mãi xanh, ''xanh Tình, xanh Nghĩa'', thắp sáng khát vọng sáng tạo của Trần Xuân An.

Sài Gòn, 23.6.1998

INRASARA.

(*) Những dòng in nghiêng là ý kiến của T.X.A., khi người viết bài này (Inrasara) trao đổi với tác giả.

 

3

“CÓ MỘT NƠI LÁ MÃI XANH” (*)

TRẦN HỮU LỤC

Với hơn 200 trang, tác giả Trần Xuân An đã dựng lại cuộc sống, tâm tư tình cảm của những nhân vật Niên, Cúc Tần, Bông Trang, Hòa Bình, Bảo và một không gian thân thiết của họ: quán cà phê Lá Xanh. Những người trí thức đã quan hệ, quen biết và tìm đến với nhau “với cảm xúc hạnh phúc dịu dàng tinh khiết”. Một nhân vật Niên, người đang viết tiểu thuyết dở dang, đang “xao xuyến” trước Cúc Tần, cô giáo trung học dạy Việt văn, ba mươi hai tuổi, độc thân, xinh đẹp, thông minh, dịu dàng. Bảo và Hòa Bình là một cặp vợ chồng hạnh phúc, chủ nhân của quán Lá Xanh, còn Cúc Tần với Hòa Bình cùng dạy một trường… Một câu chuyện gần gũi, như ở đâu đó quanh người đọc, với những quan hệ chồng chéo phức tạp, những Điệp, Bông Trang và nhiều nhân vật khác vừa có liên hệ (trong quá khứ và hiện tại), vừa như để khắc họa tính cách của Niên, của Cúc Tần, như một cách nói của Niên: “Anh chỉ muốn đo lường tình cảm ở em…”. Nhưng với Cúc Tần thì “không cách nào khác, vẫn cứ là bạn bè với nhau”. Hai người đã từng yêu nhau, và họ đã đi vào các trang tiểu thuyết của Niên như một tự truyện. Và Cúc Tần đã đọc, thấm đẫm bóng dáng của cô trong từng trang sách, từng tình tiết, vừa tham dự sâu sắc, vừa ngỡ ngàng đau đớn, day dứt… Mối tình éo le ấy đã đến hồi kết thúc, đành dừng lại ở chỗ phải dừng. Cuối cùng, Niên bừng tỉnh, quên “Thiên đường” đi, và vẫn yêu Cúc Tần “như một người vợ thứ hai, ít ra cũng như một người tình trăm năm”.

Trần Xuân An có lối dựng truyện mới lạ, viết văn chắc tay. Đây là tiểu thuyết đầu tay (**), như một thử sức ở lĩnh vực khác của một người làm thơ đã từng xuất bản bảy tập thơ.

TRẦN HỮU LỤC

(đăng trên Tạp chí Văn – Hội Nhà văn TP.HCM., số tháng 8, 1999, trang bìa 3 & 4)

(*) Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1999.

(**) Tiểu thuyết đầu tay là “Mùa hè bên sông” (1997 & 2003), chưa xuất bản.

 

4

NGÔI TRƯỜNG THÁNG GIÊNG

& SEN ĐỎ, BÀI THƠ HÒA BÌNH

“Ngôi trường tháng giêng” “Sen đỏ, bài thơ hòa bình”, hai cuốn tiểu thuyết cùng tác giả Trần Xuân An; Nxb. Thanh Niên, 6-2003. Đây là tác phẩm thứ chín và thứ mười của Trần Xuân An sau một loạt thơ, trường ca xuất bản trong vòng mười năm qua. Quê gốc Quảng Trị (sinh năm 1956), tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế (1978), tác giả hiện ở TP. Hồ Chí Minh, đang sức viết mạnh, với 5 bản thảo hoàn tất chờ in: “Mùa hè bên sông” (tiểu thuyết), “Thơ những mùa hương” (thơ), “Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên” (thơ), “Nước mắt có vị ngọt” (tập truyện), “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” (truyện - sử kí, 4 tập).

GIAO HƯỞNG

(Báo Thanh Niên, số 178 (2743), ra ngày thứ sáu, 27-6-2003 (28-5 Quý mùi), tr. 9).

 

5

XUẤT BẢN BỘ TRUYỆN - LỊCH SỬ

"PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG"

GIAO HƯỞNG

Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh vừa in xong bộ sách Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886) của Trần Xuân An, trọn bộ 4 tập, in chung - 985 trang, với lời giới thiệu của nhà sử học Dương Trung Quốc - đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam:

"Đây là bộ sách được viết rất công phu. Trước hết (người viết sách) đã chọn một đề tài không dễ về một nhân vật mà tính phức tạp ở sự đánh giá đã kéo dài nhiều thập kỷ. (Đến nay) người ta nhận ra một Nguyễn Văn Tường không những không cách biệt mà còn gắn bó làm một (với những người chủ chiến như Tôn Thất Thuyết) nhờ vào những phát hiện về sử liệu cũng như những phân tích mà nhiều cuộc hội thảo sử học đã tiến hành trong một thập kỷ vừa qua".

Dựa theo những kết luận của giới sử học, Trần Xuân An xây dựng tác phẩm bằng một thể loại tự mình đưa ra và thể nghiệm: truyện - sử ký - khảo cứu tư liệu lịch sử. Phần tư liệu in kèm và chú thích tỉ mỉ không chỉ để dẫn chứng cho phần sáng tác mà còn minh chứng khả năng tiếp cận với sự thật lịch sử của tác phẩm. Tác giả Trần Xuân An năm nay 49 tuổi, người Huế, quê gốc Quảng Trị, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế (1978), dạy học tại Lâm Đồng (từ 1978 - 1983), đã xuất bản 10 tập thơ, trường ca, tiểu thuyết, hiện sống và sáng tác tại TP Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu Trần Xuân An cho ra mắt một cuốn sách thuộc loại truyện khảo cứu của mình, phát hành vào giáp Tết Ất Dậu 2005.

GIAO HƯỞNG (Trần Phá Nhạc)

Nguồn: Báo Thanh Niên, ngày đăng: 25/01/2005

 

6

SỰ AN ỦI DỊU DÀNG CỦA CÁI ĐẸP

TẦN HOÀI DẠ VŨ

Nhà thơ chỉ có tạo vật làm kiểu mẫu và chỉ có sự thật làm kẻ dẫn đường. Nhưng chỉ với những gì của riêng mình mới có thể sáng tạo nên nhưng câu thơ có bản sắc và tìm ra con đường của chính mình.

Trong một chừng mực nào đó, có thể nói những sản phẩm tinh thần nếu thiếu những điều kiện cần thiết của Cái Đẹp khả giác thì không thể trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Và như thế, nhà thơ chính là kẻ biết kết hợp những hình thể có thể trông thấy hoặc không trông thấy – những hình thể nẩy sinh từ những suy niệm – vì đó là một sự kết nối phức tạp, cần nhiều kĩ năng. Khi đã hợp điệu được những đường nét, màu sắc, âm thanh cùng những sức mạnh của tinh thần, suy tưởng và sự phóng tứ thực sự thì chắc chắn sẽ mãn nguyện ở thành quả cuối cùng. Chính việc nắm bắt được, dù trong những thời gian bất chợt và những không gian không ngờ, để tạo nên những mối liên hệ, bắt nguồn từ những tâm trạng, mà nhà thơ đã thu hẹp được tạo vật trong cái thế giới riêng của mình. Trong thơ, cũng như trong bất cứ nghệ thuật nào khác, sự liên hệ chính là sức mạnh hình thành tác phẩm. Chính sự liên hệ đó, trong những tình trạng u uất khôn tả, đã có khả năng khám phá ra những sức mạnh không ngờ của tiềm thức, nơi mà trí tuệ không thể dễ lọt vào. Và trong trường hợp đó, thời gian chẳng có nghĩa gì cả. Sự kết tinh có thể chỉ là cái phút giây của một tia chớp, loé lên, và sáng loà. Nhưng cũng có thể là quãng thời gian của một năm, hay mười năm. Có đáng chi điều ấy. Nhà thơ là người phải luôn kiên nhẫn đợi tia sáng mới. Tia sáng của sự kết tinh ấy sẽ tới, như mùa xuân thổi lại cơn gió làm xanh hơn màu lá. Nhưng nó chỉ tới với những ai biết đợi. Và tôi có cảm tưởng Trần Xuân An đã trầm tưởng để đợi chờ như vậy, trong sự kiên trì của đời sống nội tâm, và cả trong những cơn đau dữ dội của tâm hồn và thần trí anh.

Ở Trần Xuân An, đó là kết tinh hoang tưởng. Và giải mã hoang tưởng phi lí đem đến sự giải thoát (*).

Tôi quen biết Trần Xuân An đã trên hai mươi năm, đủ để hiểu những giông bão đã tới trong đời anh. Có một quãng thời gian khá dài (**) tưởng như Trần Xuân An đã đi tới chỗ đối mặt với hư vô. Những cơn sóng ngầm u uẩn của cuộc đời đã xô đẩy Trần Xuân An vào trong bóng tối cô độc. Nhưng chính sức mạnh của tâm hồn đã đưa Trần Xuân An trở về với cuộc sống. Và trong cuộc trôi giạt định mệnh đó, Trần Xuân An đã thực sự trở thành kẻ đi, về giữa ánh sáng và bóng tối, hay nói một cách khác, do những cơn trầm cảm của mình, anh đã khám phá ra những điều kì lạ, phi lí mà thực hơn cả sự thực, trong thế giới nội tâm, chính xác hơn là thế giới tiềm thức, mà một người bình thường hẳn là khó lòng đặt chân tới (***). Có thể nói, Trần Xuân An đã đắm chìm trong những ảo giác hoang đường ghê sợ. Nhưng có điều rất lạ là, sau đó, tâm hồn anh vẫn giữ được sự trong sáng. Chính nhờ vậy mà khi đọc thơ Trần Xuân An, chúng ta có thể tìm thấy vẻ êm dịu trong nỗi khổ đau của anh, và biết rằng anh đã thoát qua nỗi đau khổ ấy. Cũng chính nhờ vậy mà chúng ta sẽ lại sống trong nỗi vui mừng vì chúng ta đã cùng với anh tìm lại được niềm tin ở cuộc sống, thoát khỏi những nỗi sợ hãi và ám ảnh quằn quại đen tối của tâm trí, như được đón nhận ánh sáng hồi sinh của một mùa xuân mới.

Thơ Trần Xuân An, vì thế, giống như một kẻ thân thiết dắt tay ta đưa tới phương trời xa và các vực thẳm. Nhưng vẫn còn một cõi trở về, đó là Tình Yêu: Vọng về một cõi xa xăm, Loé hồng đốm thuốc trầm ngâm bóng người, Vọng về năm tháng xa vời, Rưng rưng mắt nhớ môi cười xa xôi; dẫu có lúc anh đã muốn dứt bỏ tình yêu ấy để dấn bước trên nẻo đường cô đơn mà Cái Đẹp chỉ là ảo ảnh phía trước: Biết chân trời mãi còn xa, Vẫn đành rét buốt, đường nhoà, bơ vơ. Nhưng có ai trong chúng ta không mong muốn trở về? Dẫu trong bất cứ cảnh đời hiện tại nào chăng nữa ước nguyện trở về vẫn là niềm khao khát và đồng thời là ý thức bất lực của kiếp người: Trở về với một thiên đường tuổi thơ hay trở về với một cõi tháng năm chỉ còn đẹp trong tiếc nhớ. Chính vì vậy mà đôi khi ta yêu chính tâm hồn ta, yêu chính tình yêu của ta hơn là yêu người ta yêu. Trần Xuân An đã nói hộ ta điều ấy. Và có lẽ nhờ vậy mà ta tìm thấy hồn ta trong thơ anh: Thoáng nghe rơi giữa hư vô, Tiếng kêu thảng thốt vật vờ một tôi, Hồn cam chịu kiếp mồ côi – Yêu tình yêu hơn cả người mình yêu! Đó là mộng tưởng, mà đó cũng là cuộc đời: Khuya buồn, chưa tuổi tàn xiêu, Ngẩn ngơ, mộng tưởng tiêu điều, thương ai. Khi bâng khuâng tự hỏi thương ai thì cũng có nghĩa là còn phải tự thương mình. Và khi Trần Xuân An ý thức được những điều đó, ta hiểu rằng anh đã phải trả giá cho sự khám phá của mình bằng chính những cơn đau tột cùng của đời anh. Hay nói khác đi, ở đây không còn chỉ là ý niệm tự thức. Ta, hay tha nhân, không quan trọng. Chính xác, đó là Con Người, thế giới nội tâm sâu thẳm của con người, sự thấm thía nỗi đau và niềm vui của một kiếp người. Và thơ như một sự đồng cảm: Thương ai thơ biết mỉm cười, Lắm khi trào nước mắt đời cùng ai.

Nhưng đừng tưởng vì vậy mà Trần Xuân An đã thực sự tìm thấy hạnh phúc giữa cuộc đời. Anh vẫn ở trên đường. Đó là con đường tâm thức. Con đường gập ghềnh đau đớn và bí ẩn. Và anh vẫn luôn mơ ước một nẻo về, dẫu lắm khi phải tự hỏi: Tôi về chẳng hiểu về đâu, Chiều ngơ ngác chiều buông mau chiều rồi. Đừng tưởng rằng nếu tìm thấy nẻo về thì có thể thôi âu lo, đau khổ. Thơ Trần Xuân An vẫn luôn dịu dàng những nỗi đau tâm cảm. Tiếng thơ ấy như kêu đòi một sự chia sẻ, nhưng đồng thời lại đề nghị một giải thoát. Đó là một thế giới khép và mở. Đó cũng là sự tinh tế và bản sắc quyến rũ của thơ Trần Xuân An. Cho nên, có thể nói rằng, chính bằng nỗi khắc khoải và niềm đau của mình, thơ Trần Xuân An đã mang lại cho chúng ta sự an ủi dịu dàng của Cái Đẹp.

Cuối cùng, phải chăng như một bù trừ, chính vì Trần Xuân An không tìm thấy hạnh phúc, hay nói đúng hơn, không tìm thấy sự thanh bình giữa cuộc đời, mà với thơ, anh đã tìm được sự giải thoát khỏi nỗi khổ đau. Nghĩ cho cùng, đó cũng là một hạnh phúc: Hạnh phúc của người sáng tạo đã tìm thấy chiều sâu của lòng mình, chiều sâu của thơ mình.

Tôi muốn cùng Trần Xuân An tiếp tục ở trên đường…

TP. HCM., tháng 6. 1993

TẦN HOÀI DẠ VŨ

(*) Tôi nhấn mạnh (bold ital). TXA.

(**) Từ 1983 đến 1985; âm hưởng đến 1991.

(***) Đó là sự phản ánh của quy luật tự nhiên, hiện thực xã hội, và quy luật, hiện thực đó đã kết tinh thành biểu tượng, như trong Nhật kí người điên của Lỗ Tấn. Ở ý nghĩa triết học, phải chăng nhân vật Người điên ấy bị ám ảnh về tội sát sanh tàn bạo có tính quy luật của thế giới sinh vật muôn loài, đến mức cho rằng địa chủ, kẻ cho vay nặng lãi, thầy thuốc cùng ông nội, bà con ruột thịt, láng giềng, làng xóm và cả xã hội loài người đều nhăm nhe ăn thịt anh ta? Anh ta sợ hãi, kinh hoàng, khủng khiếp trước sự thể “người ăn thịt người” đó. Trong tập thơ này, tác giả (Trần Xuân An) đã vận dụng thủ pháp nhập thân để thể hiện ám ảnh hãi hùng, rùng rợn của một Người điên khác, về quy luật “người cưỡng hiếp người”.

Cùng với việc giải mã (một cách khám phá sáng tạo) hình tượng tác phẩm trên của Lỗ Tấn, tôi (TXA.) đã bổ sung thêm một trong hai tiên đề quan trọng của vô thần luận (phủ nhận Thượng đế [hay còn gọi là Đức Chúa Trời], mặc dù vẫn hi vọng có sự tồn tại của cái ngã siêu linh [hay linh hồn] ở mỗi con người – sinh vật cấp cao).

Nói rõ ra, sát sanh (“người ăn thịt người”) và loạn luân (“người cưỡng hiếp người”) là hai quy luật tồn tại của sinh vật (nhất là ở loài người nguyên thuỷ, ở sinh vật cấp thấp từ nguyên thuỷ đến nay: chó, mèo, gà, vịt…). Do đó, không thể có một Thượng đế (Đức Chúa Trời) sinh thành ra vũ trụ với muôn loài như vậy.

       Chính loài người sẽ ngày mỗi tiến bộ, cải tạo được cả quy luật tất yếu của thế giới tự nhiên (sát sanh, loạn luân [mà kết quả của sự tiến bộ về ý thức đạo đức văn minh là đã trở thành sự tố cáo kinh hoàng: “người ăn thịt người”, “người cưỡng hiếp người”]…). Thế giới tự nhiên bao gồm tất cả các chủng loại sinh vật từ cấp thấp đến cấp cao, trong đó có loài người; nhưng cho đến nay, chỉ loài người mới đạt được trình độ đạo đức văn minh đó. Chính sự phấn đấu cho mục đích văn minh ấy đã làm cho lịch sử loài người có ý nghĩa sâu sắc. Sống và lao động một cách rất có ý nghĩa nhân văn như thế, đâu phải là một tiến trình phi lí!

Xin xem thêm: Trần Xuân An, Mùa hè bên sông, tiểu thuyết, bản 2003; và phụ lục (trích Từ điển văn học) ở cuối tập thơ này.

                    (TXA. chú thích ngày 07 & 26. 03. 2005).

 

7

ĐẰNG SAU NỖI BUỒN CÓ NIỀM VUI SÁNG TẠO?

 CAO QUẢNG VĂN

(bài giới thiệu)

Tập thơ thứ năm của Trần Xuân An sáng tác trong bốn năm gần đây (1991 – 1994) (*) – với 151 bài thơ ngắn – đã để lại trong lòng tôi nhiều suy nghĩ. Hình như thơ Trần Xuân An (**) kén người đọc và không thể chỉ đọc một lần. Mặc dù, mỗi chữ, mỗi dòng thơ ấy đậm đà bao nỗi buồn vui về con người và cuộc đời.

Không thể không nhận ra có chút gì chua chát, xót xa, lắng sâu ở đằng sau những dòng tỉnh táo. Những dòng lặng lẽ đau đáu niềm đau, canh cánh nỗi buồn. Nhà thơ lặng lẽ ghi và chiêm nghiệm bao nhiêu chuyện đời, qua đôi mắt tinh tế, với tấm lòng mẫn cảm, dẫu rằng có đôi lúc mệt mỏi?

Thơ Trần Xuân An mang nhiều dấu ấn những năm sau cùng thế kỉ XX. Và tự thân tứ thơ thể hiện nỗ lực cách tân ngôn ngữ, từ điệu. Thơ Trần Xuân An thường hàm súc, ít lời. Có cái nhìn quay vào bên trong, có cái nhìn phóng ra xa về bao la vũ trụ.

Dẫu không bị chi phối, bận tâm nhiều với chuyện cách tân, nhưng có lẽ trong thâm tâm Trần Xuân An, tôi nghĩ rằng, Trần Xuân An không hề bằng lòng và cho phép mình đi theo những lối mòn.

Phải chăng, trong một loé sáng của tâm thức không còn hồn nhiên, Trần Xuân An đã ngỡ ngàng, bất chợt tìm ra chính mình…

Nhớ đôi lần dưới gốc cây vỉa hè, Trần Xuân An bảo, “mỗi tập thơ đều phải mở rộng như hai lá phổi, luôn luôn hít thở tình người lẫn khói bụi ta bà, nhưng mãi hoài ấp ủ một trái tim chưa nguôi khát vọng tinh lọc, trong từng nỗi niềm co thắt – căng đầy”.

Và lòng tôi chợt vui vì người bạn thơ Trần Xuân An vẫn tiếp tục đi, không ngừng đi tới, trên con đường sáng tạo của mình.

CAO QUẢNG VĂN

Tháng giêng, 1995

(*) Thật ra, tập thơ này phần lớn được sáng tác trong năm 1994.                    

(**) Nguyên văn chỉ gọi là An một cách thân tình. Ở đây, tôi chữa lại cho đầy đủ tên họ, phù hợp với trang đề tựa, hướng đến người đọc.

                                 (Chú thích ngày 17. 03. 2005).

 

 

8

 

ĐỌC MỘT TRẦN XUÂN AN LẠ LẪM… 

bạt của HOÀNG DŨNG (*)

"Giọng thơ Trần Xuân An tuồng như chính là mêlôđi (**) của đồng quê trong Nắng và trong Mưa, là âm thanh của giọt nước tàu cau trước sân nhà, và là tiếng hát của chim sơn ca giữa trời xanh mây trắng”; quả là sắc sảo nhận xét của Hoàng Phủ Ngọc Tường về tập thơ đầu tay Nắng và mưa. Nhưng đến tập thứ năm này, bản hoà âm điền dã đã mờ nhạt đi rất nhiều.

Nhạt đi, chứ không mất hẳn. Vẫn là một Trần Xuân An trước đây, trong trẻo và dịu dàng như hồn Đất. Trong thơ anh, cũng như trước, thiên nhiên không có cái cuốn hút của sự kì vĩ. Sắc màu bình dị của hoa đồng cỏ nội đủ lay động hồn anh. Và ở những câu thơ thành công nhất của anh, người ta phải bàng hoàng trước cái đẹp thanh khiết của thi ca. Đây, câu thơ lộng lẫy, nhạc điệu ngây ngất, lảo đảo như chuếnh choáng hơi men, không, phải nói là như trạng thái nhập đồng:

tím ngan ngát hoa và phơn phớt nắng

sim sim mua mua vàng hồ phấn thông

Đây, tài tình không, những liên tưởng bất ngờ, những chuyển đổi cảm giác tinh tế mà một bông hoa súng đơn sơ giữa đồng không gợi lên trong anh:

lung lay chim nhỏ

hé giọng đỏ hồ

búp bấc đèn nở

đêm loang bao giờ.

Nhưng đậm lên rất nhiều là một Trần Xuân An thích triết lí; vì vậy, có khi không ngại rối rắm để biểu đạt. Tôn giáo, vũ trụ, máy cày, tem thư, toà án, sống chết… và nhất là lịch sử đều có thể khơi gợi ở anh cảm hứng triết lí. Và nhìn một hướng khác, cũng đậm hơn rất nhiều là một Trần Xuân An chói gắt, bề bộn, đa dạng, thành thị. Chỉ cần đọc tiêu đề một số bài thơ cũng đủ cho ta cái ấn tượng ấy: Từ vệ tinh, ảnh không lời về những quảng trường lăng tẩm trên trái đất, Khoả thân sống, Đồ chơi điện tử, Địa cầu bùng nổ thông tin, Hiệu ứng nhà kính, Vi tính cho trái tim… Điều ấy thể hiện ngay ở tên các tập thơ; này xem, bốn tập trước còn nhẹ nhàng: Nắng và mưa, Hát chiêu hồn mình, Tôi vẫn ở trên đường, Lặng lẽ ở phố, thì nay: Kẻ bị ném vào bão! Những câu thơ day dứt thế này thật hiếm hoi ở các tập trước: “thời rền máu sao đến thời rặt chợ”, “bao năm phố quẩn phường quanh, lạc xiêu trầm lụy tròng trành u mê”, “cơ hồ giáp mặt cuộc đời..., tôi ngồi bệt xuống ngó tôi trên nền”…

Ngay cả về kĩ thuật, cũng có nhiều nét không giống trước. Dường như Trần Xuân An muốn thí nghiệm. Hầu hết các bài thơ trong tập thơ này đều chỉ bốn dòng, nhưng tất cả, theo cách nói của anh, là loại “thơ bốn nhánh”, “thơ bốn chuỗi chữ”. Tuy nhiên, trong hạn định ngặt nghèo ấy, anh vẫn tự do: một bài chưa đủ, thì bốn bài liền mạch như một bộ tứ bình; câu thơ đa dạng, cả một phổ từ hai chữ đến vài chục chữ; thể thơ khi tự do, khi tứ tuyệt cổ điển, khi lục bát…; vần gieo đủ loại: vần liền, vần cách, vần lưng, vần chân…, cho đến cả vần ngỡ không vần, và cũng không ngần ngại dùng đến loại vần dân dã chữ cuối câu lục ăn với chữ tư câu bát; ở một số bài, các hình ảnh đột ngột, bề ngoài như rời rạc, mà sâu xa được nối kết bằng những liên tưởng…

Một Trần Xuân An lạ lẫm như vậy đã thấp thoáng trong Lặng lẽ ở phố, nhưng phải đến Kẻ bị ném vào bão mới rõ nét.

Gấp tập thơ lại, người đọc có cái bâng khuâng khi thấy tỉ lệ các bài thơ ta thích không nhiều bằng các tập trước. Nhưng rồi giật mình: Không khéo lại lẩn thẩn, đòi phải trở lại một Trần Xuân An hệt như xưa! Không, “thơ anh tránh được những lối mòn quen thuộc, có nét độc đáo trong ngôn từ và một cái ‘souffle’ riêng” (Trần Phong Giao) (***), thì chính anh cũng phải tránh lối mòn của chính mình, tự vượt lên với một giọng điệu mới. Cái mới nào cũng làm ta bỡ ngỡ! Thử nghiệm cái mới thành công sẽ khiến ta thay đổi cả nền tảng thẩm thức! Trên con đường thăm thẳm của thi ca, phải dám chấp nhận khả năng lạc bước, và điểm đến của sáng tạo không phải bao giờ cũng là ảo ảnh.

Khẳng định hay phủ định, điều đó thuộc về thời gian.

                             Tp. HCM., cuối năm 1994

HOÀNG DŨNG

 

Cước chú của bài Bạt của Hoàng Dũng:

(*) Bởi có nhiều Hoàng Dũng thành danh trong thời đoạn này, do đó, xin xác định đây là giảng viên Đại học Sư phạm Huế (PTS.) & Đại học Sư phạm TP. HCM. (PGS. TS).

(**) Melody: âm điệu du dương; giai điệu.

                            (Chú thích ngày 20. 03. 2005)

(***) Souffle: hơi thơ (khí thơ)

 

 

 

9

Một "tội đồ thiên cổ" triều Nguyễn được gỡ bỏ nỗi oan nghiệt

HỒ SĨ BÌNH

Nguyễn Văn Tường (1824-1886) là vị quan dưới triều Nguyễn từ thời vua Tự Đức cho đến thời vua Hàm Nghi.

Với cương vị Phụ chính đại thần, ông đã nắm vai trò quyết định trong triều đình nhà Nguyễn suốt thời gian dài, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Cần Vương, điểm đỉnh là sự kiện thất thủ kinh đô ngày 23/5 Ất Dậu (1885). Trước đây, ông bị coi là "tội đồ thiên cổ", bị liệt vào nhóm chủ hòa, đầu hàng giặc Pháp...

Nhờ không khí đổi mới của đất nước, những năm gần đây, giới sử học Việt Nam đã bắt tay vào việc đánh giá, xác định độ chân thực của lịch sử nhằm gỡ bỏ "vòng kim cô" oan nghiệt trên đầu Nguyễn Văn Tường. Có những hội thảo khoa học được tổ chức: Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường (ĐHSP TP.Hồ Chí Minh chủ trì 1996), Nhân vật Nguyễn Văn Tường (Viện Đại học Huế chủ trì 7/2002), Thông báo những nghiên cứu và sử liệu về nhân vật Nguyễn Văn Tường trong phong trào Cần Vương (Hội KHLSVN tổ chức tại Hà Nội 11/2003).

Nhà nghiên cứu Trần Xuân An từ nhiều năm đã rà soát, thu thập nhiều tư liệu cổ, tư liệu gốc... biên soạn 3 tập sách và chủ biên 1 tập nghiên cứu (gồm nhiều tác giả) về đề tài này gồm: Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (NXB Văn nghệ TP.HCM, 2004), Nguyễn Văn Tường một người trung nghĩa (NXB Thanh niên, 2006), Tiểu sử biên niên Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, Kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân (NXB Thanh niên 2006), Nguyễn Văn  Tường, thơ, vài nét về con người, tâm hồn, tư tưởng (sắp xuất bản) (*).

Trước đây, Nguyễn Văn Tường bị qui chụp rất nặng nề là chủ hòa, đầu hàng giặc Pháp, trong đó phải kể đến Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim và Đại nam thực lục chính biên quyển 36, 37, 38 (được viết dưới thời Đồng Khánh)...

Bằng những luận chứng và tư liệu gốc cụ thể, Trần Xuân An đã giải thích, làm sáng tỏ hành vi của Nguyễn Văn Tường trong sự kiện thất thủ kinh đô (23/5 Ất Dậu- 1885) khi ông ở lại Huế trong khi Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi lên Tân Sở. Đó không phải là sự đầu hàng, là phản bội phong trào Cần Vương mà là sự sắp xếp, phân công "kẻ ở, người đi" nằm trong kế hoạch từ trước của các thủ lĩnh phong trào yêu nước. Mật dụ của vua Hàm Nghi gởi cho Nguyễn Văn Tường từ căn cứ Tân Sở cho thấy việc ở lại Huế của quan Phụ chính là thực hiện kế hoạch "vừa đánh, vừa đàm". Nhiệm vụ của Nguyễn Văn Tường còn nặng nề hơn, bởi đó là cách ngăn chặn sự truy kích của giặc Pháp và nhất là ổn định tình hình lộn xộn của kinh đô Huế khi triều đình để trống ngai vàng. Làm sao gọi Nguyễn Văn Tường là chủ hòa, tay sai cho Pháp được?

Những tư liệu gốc đã chứng minh rằng: Việc lập hệ thống căn cứ Tân Sở ở Cam Lộ, Quảng Trị và Sơn phòng ở Quảng Bình, Hà Tĩnh là chủ ý của Nguyễn Văn Tường đã chuẩn bị từ trước (do có nhiều năm ông làm quan cai quản vùng này nên rất rành về địa thế).

Chính trong thư từ, báo cáo của quan lại Pháp đều xếp Nguyễn Văn Tường đứng đầu trong danh sách chủ chiến (gồm Tôn Thất Thuyết, Trương Văn Để, Trần Xuân Soạn, Ông Ích Khiêm) và một sự thật hiển nhiên minh chứng cho lòng yêu nước của bậc danh thần Nguyễn Văn Tường là thực dân Pháp đặt ông vào đối tượng là kẻ thù không đội trời chung, là kẻ thù đáng sợ nhất, đã  đày ông đến Côn Đảo, rồi chưa yên tâm phải đày ông tới đảo Tahiti xa tít ở châu Mỹ La tinh.

Bám sát vào tiểu sử và hành trạng của quan Phụ chính Nguyễn Văn Tường, nhà nghiên cứu Trần Xuân An còn phát hiện và chứng minh những khía cạnh, công lao của Nguyễn Văn Tường về nhiều mặt: Ý thức canh tân đất nước, khai hoang canh tác, quan điểm nhân trị, đức trị đi đôi với việc tăng cường quân đội...

Với tập truyện ký Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, Trần Xuân An đã khắc họa lại nhân vật Nguyễn Văn Tường bằng một hình tượng văn học đúng nghĩa. Cách viết truyện ký của tác giả luôn trung thành với tư liệu lịch sử, bám sát hiện thực nhằm xây dựng một nhân vật tồn tại như tự bản thân vốn có trên bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19. Không những thế, tác giả còn đi sâu vào phần trước tác của bậc danh thần. Văn tức là người. Thơ ca của Nguyễn Văn Tường để lại thể hiện tâm tư, tình cảm, những thao thức dằn vặt với vận nước, một lòng trung thành với phong trào Cần Vương và đất nước.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, thay mặt Hội KHLSVN, khi giám định cuốn sách Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường đã nhấn mạnh: Giới sử học đã đạt tới sự đồng thuận cao trong quan điểm đánh giá Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường là người yêu nước, hoạt động trong phong trào Cần Vương vũ trang chống Pháp.

HỒ SĨ BÌNH

(Đà Nẵng)

Bài đăng trên báo điện tử Kinh tế hợp tác Việt Nam, thứ tư, 25/07/2007  

(*) WebTgTXA. chú thích

-●- Về cuốn "Nguyễn Văn Tường (1824-1886) -- Thơ -- Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng":

Trần Xuân An biên soạn (tổ chức nội dung, khảo luận, bị chú các bài khảo luận của các tác giả,

chú giải thơ, chuyển ra ngôn ngữ thơ trên cơ sở Thi tập chữ Hán do Nnc. Trần Viết Ngạc sưu tầm,

bản phiên dịch của Nnc. Trần Đại Vinh, Nnc. Vũ Đức Sao Biển, Nnc. Nguyễn Tôn Nhan

[Ts. Ngô Thời Đôn hiệu đính các bản dịch]).

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/tho_nvt-vnvcnthvttuong

Cũng cần thiết phải minh định rõ: Ngay trong việc chú giải thơ Nguyễn Văn Tường, tôi đã đưa vào những kết quả nghiên cứu của mình về nhân vật lịch sử này cũng như các vấn đề thuộc giai đoạn sinh thời của ông (1824-1858-1885-1886).

Và cũng rất cần xác định lại 2 từ "biên soạn", "nghiên cứu". Theo "Từ điển tiếng Việt", Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội, Việt Nam, 1994:

-- Biên soạn: Thu thập, chọn lọc tài liệu và viết thành bài, sách. [Ví dụ:] Biên soạn sách giáo khoa. (sđd., tr. 60)

-- Nghiên cứu: Xem xét, tìm hiểu kĩ lưỡng để nắm vững vấn đề, giải quyết vấn đề hay rút ra những hiểu biết mới. [Ví dụ:] Nghiên cứu tình hình. Nghiên cứu chính sách. Nghiên cứu khoa học (sđd., tr. 658)

-- Khảo luận: Nghiên cứu và bàn luận chuyên về một vấn đề gì (thường là viết thành sách). [Ví dụ:] Khảo luận về văn học (sđd., tr. 475)...

Trong thực tế, công việc biên soạn và nghiên cứu đan xen với nhau, nhưng vì khiêm tốn, nên chỉ tạm gọi là biên soạn. Đúng ra, nên dùng từ biên khảo.

-●- Về 3 đầu sách khác cùng đề tài, tôi đã ghi rõ thể loại ngay ở bìa sách và phần nào đã giới thuyết về thể loại cũng như quá trình lao động khoa học của bản thân để hình thành từng cuốn sách, bộ sách ở ngay các "Lời thưa đầu sách".

 

10

 

Mấy suy nghĩ từ khảo luận của Nnc. Trần Xuân An

về "Văn minh miệt vườn"

VÕ VĂN LUYẾN (*)

 

            Tôi có cái vinh hạnh được đọc nhiều tác phẩm của Trần Xuân An, có cuốn từ khi còn nguyên dạng bản thảo và cả những cuốn sau khi ấn hành. Cảm nhận chung là ở cây bút này tung hoành trên nhiều địa hạt, từ thơ, tiểu thuyết, đến khảo cứu, nghiên cứu, phê bình, trải khắp các lãnh địa văn học, sử học, triết học... Đặc biệt, gần đây, anh cho ra đời loạt tác phẩm biên khảo với đề tài Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (2004, 2006, 2008) đã làm cho nhiều nhà chuyên môn chú ý, thán phục, và được thuyết phục bởi một tư duy nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng và khoa học. Điều này thì nhiều người đã thấy. Ở đây, tôi chỉ xin "đi rết" (direct) vào bài tham luận của anh về nhà văn, nhà Nam bộ học Sơn Nam qua việc đánh giá lại tác phẩm biên khảo "Văn minh Miệt vườn" của chính nhà văn nổi tiếng này, đặt trong sự cấu thành của một khối lượng trước tác làm nên di sản tinh thần của ông để lại.

            Bài viết cho thấy một Trần Xuân An ngấm lâu và sâu về tác phẩm "Văn minh Miệt vườn" (tác giả nhớ đã đọc từ hồi còn học phổ thông, và bây giờ đọc đi đọc lại). Có lẽ nhờ thế nên cách tiệp cận và lý giải thật rõ ràng tinh thần cũng như thông điệp mà nhà văn Sơn Nam gửi đến qua cuốn sách. Ngay tựa đề "Văn minh miệt vườn" đã bắt người đọc ngụp lặn vào những vấn đề cần tìm hiểu và tiếp tục tìm hiểu, soi sáng từ nhiều góc độ.

            Trước hết, Trần Xuân An cho thấy một Sơn Nam vừa là chủ thể (người Nam bộ ròng) vừa là khách thể nghiên cứu nên những điều ông nêu ra có sức truyền dẫn, gợi thức và khá thuyết phục. Văn minh miệt vườn được khảo cứu ở cả hai trục lịch đại và đồng đại. Trên trục lịch đại (thời gian), tác giả có cái nhìn xuyên suốt và phần nào vẽ được độ biến thiên qua sự hình thành nhân cư của vùng đất so với lịch sử hình thành dân tộc Việt còn rất mới này.

            Đó là sự tiếp biến văn hoá (trong đó có văn minh) trên vùng đất vốn hội tụ người Khơ-me, Tàu, Chăm... nghĩa là có mặt nhiều dạng thể văn minh khác nhau, nếu không muốn nói là có chỗ căn cốt khác biệt như người Tàu thì thích buôn bán... Nhưng trong tiến trình "thích nghi hoá" để chung sống, họ đã tìm tới cách hoà huyết để sau đó bị dòng máu Việt chinh phục và tạo ra một chân dung miệt vườn độc đáo mang bản sắc Nam bộ đặt trong sự phong phú của văn minh Việt "hoà hợp nhưng không hoà tan".

            Qua bài viết có tính chất "nghiên cứu của nghiên cứu" của nhà nghiên cứu Trần Xuân An, tôi thấy tác giả đã  gợi mở và đặt ra nhiều vấn đề cần đi sâu tìm hiểu hơn nữa về văn minh miệt vườn, mà người đặt móng cho vấn đề này không phải ai khác mà chính từ "ông già Nam bộ" - nhà văn Sơn Nam đáng kính của chúng ta.

Võ Văn Luyến

Điện thư: 22:15 Ngày 10 tháng 10 năm 2008

(*) Thạc sĩ, giảng viên Trường Cao đẳng Sư Phạm Quảng Trị tại Đông Hà. (WebTgTXA. ghi chú).

 

 

XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN CÁC NHÀ CẦM BÚT

ĐÃ VIẾT VỀ TÁC PHẨM (SÁNG TÁC, BIÊN KHẢO) CỦA TRẦN XUÂN AN.

 

12-6 HB9 (2009): TXA. tập hợp lại trên trang web này để thuận tiện cho việc đọc.

 

 

________________________________________________________________________________________________

 

Trở về

 

THÔNG BÁO CẬP NHẬT Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI:

( http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update_mucluctrang )

 

TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

&

trang mục lục Giao Lưu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket_mucluctrang

(mục lục của mục này -- các trang Giao lưu)

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

(trang 1 Giao lưu)

TRANG "NGÀN WEBs CỦA NGÀN NHÀ":

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/webcacnha

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

    lên đầu trang (top page)   

 

 Ngày đưa trang này lên web: 11 & 13-9 HB9