p. Trần Xuân An - Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Tệp 16 / tập I

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

07/01/09

           

 

TẬP I

 

 

Tệp 1

 

Tệp 2

 

Tệp 3

 

Tệp 4

 

Tệp 5

 

Tệp 6

 

Tệp 7

 

Tệp 8

 

Tệp 9

 

Tệp 10

 

Tệp 11

 

Tệp 12

 

Tệp 13

 

Tệp 14

 

Tệp 15

 

Tệp 16

 

________

 

 

TẬP I

 

TẬP II

 

TẬP III

 

TẬP IV

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:

NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

 

Trần Xuân An,

nội hậu duệ thế hệ thứ năm.

 

 

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

Xem:

Tạp chí điện tử Giao Điểm tháng 11-2005:          

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm

Blogger (Google) tháng 12-2005

http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/

   & các trang tiếp theo: … 2a … 2b … 2c …

 

 

TỆP 16

phân đoạn 6

truyện kí thứ sáu

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

VỚI NGỌN BÚT, THANH GƯƠM,

RA BẮC TIỄU PHỈ

 

Truyện kí thứ sáu

(phân đoạn 6)

 

      15

      Tháng mười nguyệt lịch năm Tự Đức thứ hai mươi bốn, Tân mùi (1871), sổ nhật biên ghi chép:

      “Hoàng Tá Viêm từ khi vâng mệnh cai quản quân cùng với thị sư Lê Tuấn, được vua ban cho thanh gươm của vua, cho tuỳ tiện được phép thay đổi các quan to, tự ý phủ dụ, nhận kẻ đầu hàng. [Tất thảy mọi việc] vua đều nghe [theo] cả. Đến nay, thế giặc mỗi ngày một lan rộng, dọc biên giới báo tin cấp bách, [Hoàng Tá Viêm] lại xin phái thêm quân để đánh dẹp. Nhân thế, vua giáng dụ quở trách, bắt phải đánh dẹp ngay. [Vua] lại sai quan quân thứ và quan tỉnh:

       [Một,] quan văn là Bùi Tuấn, Lê Hữu Thường, Trần Bình, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Kỷ, Hồ Trọng Đĩnh, Lương Quy Chính, Mai Quý, Phạm Thận Duật, Vũ Huy Huyến, Nguyễn Huy Du, Đặng Duy Trinh, Nguyễn Thứ, Lưu Tiến Điền, Hoàng Diệu, Nguyễn Mậu Kiến, Nguyễn Di, Nguyễn Quế, Trần Quang Trọng, Hoàng Tướng Hiệp, Phạm Hữu Thước, Nguyễn Phan, Nguyễn Văn Thận, Nguyễn Tạo.

      [Hai,] quan võ là Đinh Hội, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Ban, Trần Mân, Lê Văn Trinh, Nguyễn Văn Nhuận, Nguyễn Bưu.

      Và [ba, các quan tham mưu ở các quân thứ là] bọn Trần Đình Túc, Nguyễn Văn Tường, Đặng Huy Trước [:Trứ], Trần Thiện Chính, Vũ Văn Đức, Vũ Trọng Bình.

      [Tất cả các quan] phải hết lòng bày mưu, đặt kế, giúp các tướng soái về những chỗ thiếu sót” (146). 

      Tháng giêng nguyệt lịch năm Tự Đức thứ hai mươi lăm, Nhâm thân (1872), vua dụ các quan quân thứ và quan tỉnh Bắc Kì, để được phúc tâu (tâu lại) cho thật cụ thể:

      “Việc binh là việc hại dân, hại của, bất đắc dĩ mới phải dùng đến. Nơi biên giới Bắc Kì có giặc, đánh dẹp đã trải ba năm, người ở nhà mỏi mệt về việc vận lương, người đi đánh khổ sở về nạn giáo mác. Mùa thu năm ngoái đã giáng dụ bảo rõ, hạn ngặt cho nội trong năm ấy phải dẹp xong hết cả; lại có quân nước Thanh sang đánh giúp, quân nhiều đến mười bảy doanh. Thế mà các bọn giặc ấy không tụ họp như đàn ong ở hạt Sơn Tây thì tụ họp như đàn quạ ở hạt Tuyên Quang, Hưng Hoá; không lẫn trốn như con cáo ở hạt Thái Nguyên, Lạng Sơn thì họp như đàn muỗi ở Hải Dương, Quảng Yên. Đi đến đâu, [chúng] kéo đàn kéo lũ, cướp bóc bừa bãi, [khiến] mối lo nơi biên giới chưa biết bao giờ cho hết. Các ngươi là thống đốc Hoàng Tá Viêm, thị sư Lê Tuấn, trước đã xin mộ chiến sĩ, trù lương, quân, thế mà từ trước đến giờ, chưa làm được việc gì. Thế thì chỉ có tiếng là trù quân, lương, mà không có sự thực về quân và lương. Cùng là quan tỉnh Lạng Sơn, [ấy] là bọn Lương Quy Chính, đều có tâu xin khuyên các thổ hào, mộ người lập ra thổ binh, sức cho dân các huyện đều lập ra vùng, trại; quan tỉnh Cao Bằng là bọn Đặng Duy Trinh cũng xin mộ thổ dõng dồn thành đội ngũ, thay phiên nhau canh giữ; [nhưng] việc làm thế nào, tự trước đến nay chưa thấy tâu báo gì cả. Lại như bọn Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường can phải tội nặng, trẫm không nỡ xa bỏ, đã chuẩn cho chức hàm, để lập công chuộc tội, thế mà gần đây chẳng thấy làm việc gì có thực trạng. Quan nhà Thanh dùng viên phủ là Trần Bỉnh Di, đi đã lâu, cũng chẳng thấy thi thố được việc gì. Việc ấy cũng cho thống đốc Hoàng Tá Viêm cứ thực tâu kèm cho biết một thể” (147).

 

      Tháng hai nguyệt lịch năm Tự Đức thứ hai mươi lăm, Nhâm thân (1872), vua mật dụ cho ba vị tướng tá quân thứ ở mặt trận phía Bắc, đó là Hoàng Tá Viêm, Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường:

      “Việc lớn của nước không gì quan trọng bằng việc quân, mà uy quyền ngoài biên khẩu, không ai quyền to bằng người làm tướng. Tướng để dẹp giặc yên dân, mà tham tá để giúp tướng những chỗ thiếu sót. Trên dưới một lòng thì đánh đâu được đấy, chưa bói đã tin, không nhọc lòng phải tính lần nữa. Bọn ngươi hoặc con nhà dòng dõi, có đức tốt giống tổ tiên, hoặc được tuyển vào hạng tuấn kiệt trong nước, trước sau từng trải đã mấy chục năm nay, cho nên [trẫm] uỷ quyền cho cai quản ba quân, [hoặc] lên đến bậc tham tá. Mấy năm nay đánh giặc, chuyên chủ việc chiêu phủ, tốn phí không biết chừng nào. Nay ở hạ du công việc đánh dẹp hơi thư, nhưng ở biên giới công việc đánh dẹp rất cần kíp. Không sớm nghĩ đến việc sớm dẹp yên bọn giặc ấy thì quân và dân đến bao giờ được nghỉ? Trẫm xưa nay đối đãi với các thần hạ, chỉ lấy lòng thành thực cùng tin nhau, thế mà gần đây xem tờ tâu báo của các ngươi, hình như giả dối, che đậy sai lầm để mong thoát khỏi trách nhiệm. Bụng nghĩ, việc làm, chức phận của người làm tôi có quả như thế không? Từ nay về sau, Hoàng Tá Viêm, ngươi phải nên cố gắng mười phần, chớ nên như người đắp núi bỏ thiếu một sọt đất, [ngươi] lại phải hỏi khắp mưu trí của mọi người, không nên yêu, ghét, giận dữ không công bằng để sinh ra nhiều việc che lấp. Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường, các ngươi phải nghĩ hăng hái lên, chớ nên tự đùn đẩy. Phàm có nghe thấy sự gì, có kế hoạch gì, phải hết lòng bàn bạc với viên thống đốc cho ổn thoả mà làm, ngõ hầu hết trách nhiệm giúp đỡ. Mong rằng phải nên cố gắng” (148).

 

      Tháng bảy nguyệt lịch năm Tự Đức thứ hai mươi lăm, Nhâm thân (1872), vua lại dụ rằng:

      “Từ khi biên giới có việc binh đao, đến nay đã ba, bốn năm, quân thì mệt, tiền thì thiếu, sự khó nhọc phí tổn không biết thế nào mà kể. Thế mà các quân thứ chỉ lần lữa tháng ngày, nuôi giặc để lo về sau. Không phải là các tướng sĩ lười biếng, khinh nhờn, tham trái không chịu ra sức làm việc, nên đến thế ư? Xem ngay như việc trong quân không hoà thuận với nhau, điều khiển trái phép, đã biết được đại khái. Hoàng Tá Viêm, mình là một viên thống soái, oai quyền đến thế nào, mà trong lòng hèn nhát, độ lượng [thì] hẹp hòi, quá cẩn thận thành ra sợ sệt. Lê Tuấn hơi có học thức, tự cho là chí khí, nhưng chí thì lớn mà mưu kế thì không có gì, mệnh lệnh không được nghiêm chỉnh. Ông Ích Khiêm, Trương Văn Đễ thì cứng xẵng, làm theo ý mình, ít học, hay tức khí, rồi vì lời nói hay việc nhỏ, đem lòng tư hiềm, nhãng quên việc công, rất không phải hiềm nhau như Liêm Pha, Lạn Tương Như ngày xưa, mà lại kém sự hiểu biết của họ Liêm, họ Lạn nhiều lắm. Trẫm rất không cho là phải. Ngoài ra, như Vũ Trọng Bình thì là cựu thần có danh vọng, duy có tính nóng tài kém, tự để mối lo cho mình. Nguyễn Văn Tường vốn cậy mình tài giỏi, nhưng lúc thì giáng, lúc thì thăng, không biết cảm kích cố gắng. Lê Hữu Thường nhiều lần tham dự việc binh, cũng là người khá, thế mà từ khi [được cất] nhắc lên, uỷ cho quyền coi một địa phương đến nay, không thi thố được việc gì. Còn ngoài ra các quan ở quân thứ, ở tỉnh phần nhiều lấy cớ ốm để tránh việc, hoặc gièm chê lẫn nhau, quên nghĩa, vụ lợi, nuôi giặc, để sung sướng lấy mình. Bọn các ngươi như thế, tướng sĩ tất bắt chước cái dở mà sinh ra lười biếng, khinh nhờn. Huống chi lại quen thói nghĩ cửa nhà vua xa muôn dặm, rồi khoe công dối trá, coi thường mệnh lệnh, để chậm kì hạn, không nghĩ gì đến: “Vua phải lo thì bề tôi phải khó nhọc, dân phải khốn khổ thì nước phải thiệt hại”” (149).

 

16

       Mặt trận các tỉnh biên giới Bắc Kì vẫn đang rất căng thẳng, tình hình ở các vùng trung châu và duyên hải lại trở nên gay gắt. Đó là không khí gay gắt trong sự kìm chế. Các tướng tá đang lãnh nhận nhiệm vụ tiễu phỉ, với sắc dụ của vua Tự Đức và sự hạ quyết tâm của chính họ, rằng bằng mọi giá cũng phải ổn định tình hình Bắc Kì, bỗng nhận thấy rõ tính chất căng thẳng và gay gắt đang tăng cường độ của tình hình.

      Không phải đến bây giờ tán lí Nguyễn Văn Tường và các quan quân thứ, quan tỉnh mới biết Jean Dupuis, một tên thực dân người Pháp, đóng vai lái buôn súng đạn, các thứ quân dụng khác, làm việc cho đoàn thám hiểm Anh ở thượng nguồn sông Hồng, thuộc vùng Vân Nam (Trung Hoa). Y nghiên cứu địa hình, lưu vực, lưu lượng và nguồn hàng hoá cần thiết. Cũng như Jean Dupuis, đoàn thám hiểm của An Nghiệp Ngạc Nhe (Françis Garnier), mấy năm nay ngược sông Khung (Mê Kông) vừa đi vừa thăm dò, khảo sát, nghiên cứu, và từ lâu đã đến Vân Nam. Chúng đã và đang câu kết chặt chẽ với nhau. Như vậy, Nguyễn Văn Tường và các quan đều đã rõ mưu đồ của chúng. Họ không ngạc nhiên khi hay tin Đồ Phổ Nghĩa (còn gọi là Đô Phối, tức là Jean Dupuis), cho hai chiếc tàu, một chiếc thuyền buồm đến cửa Cấm, thuộc tỉnh Hải Dương, bày trò mượn đường đi Vân Nam (Trung Hoa) (150).

      Đang ngồi đọc các bản báo cáo của các quân thứ, khi đến những trang viết rõ về hành tung hai chiếc tàu thuỷ, một chiếc thuyền buồm của Jean Dupuis, tán lí Nguyễn Văn Tường nhíu mày, cắn chặt hai hàm răng, hiểu rằng thật sự Bắc Kì bắt đầu phải đối phó, đương đầu với một khó khăn mới: Thực dân Pháp đã bắt đầu lộ diện, phơi bày rõ mưu đồ xâm lược xứ Bắc Kì này.

      Hoàng Tá Viêm đã đọc trước, nên khi Nguyễn Văn Tường chợt ngẩng đầu lên hỏi, ông nói:

      - Không chỉ Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis), mà có cả tàu Bô Len (Bourayne) của suý phủ Pháp tại Gia Định. Tướng Pháp ở Gia Định đã gửi thư cho triều đình, thông báo là có cho tàu Bô Len của chúng ra các hải phận Bắc Kì dò bắt giặc biển, thăm các giáo phận đạo Gia Tô, rồi sau đó, tiện đường, sẽ chạy qua Hương Cảng (Hồng Kông). Nhưng trong tháng mười một nguyệt lịch này, tàu thuỷ Bô Len (Bourayne) ấy cùng ba chiếc tàu thuyền của Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis) đã phối hợp với nhau. – Hoàng Tá Viêm lại hỏi –. Theo quan tán tương, ý đồ của chúng rồi sẽ diễn ra như thế nào?

      - Chúng muốn mượn tay bọn tàn quân Thái bình thiên quốc (giặc Cờ) cùng bọn tàn dư phỉ người Việt theo đạo Gia Tô và các thứ phỉ khác để quấy rối Bắc Kì. Điều đó lâu nay chúng ta thừa biết và đã quyết dập tắt. Nay chúng vẫn thế. Lần này bọn Pháp thực sự lộ diện, nhưng vẫn ngụy trang, che đậy ý đồ thâm độc của chúng bằng cách chúng bắn phá qua loa, chiếu lệ mấy ghe thuyền của bọn hải tặc (cướp biển). Tàu Bô Len của tướng Pháp ở Gia Định  đang giở trò ngụy trang là săn bắt hải tặc giúp ta ấy mà! Thực chất mưu đồ của chúng là thế, và mọi thủ đoạn cũng chỉ để xâm lược Bắc Kì! – Tán lí Nguyễn Văn Tường ngẫm nghĩ, ông nói tiếp –. Trên tàu của chúng có cả người Anh, người Lã Tống (Philippines), lại có cả người Hoa nước Thanh, ngươi da đen A Phi Lị Gia (châu Phi, Afrique), nhưng thực chất những tên chủ tàu vẫn là Pháp, vẫn là Anh thôi, còn bọn kia là tay sai, chúng thuê mướn. Chúng những muốn “mượn đường”, ngược sông Hồng, lên Vân Nam, và đấy cũng chỉ là cái cớ (150).

      - Chúng ta sẽ phải đối phó cách nào? Quan kinh lược Bắc Kì Lê Tuấn, tổng đốc Hải Dương Lê Hữu Thường đối phó thế nào đó mà triều đình khiển trách, giáng cấp đấy (150). Thật là khó khăn quá, phải không? Thật ngang ngược hết nước nói, cái bọn “bạch quỷ” ấy! Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis) cho tàu thuyền đi từ Hải Dương đến Bắc Ninh, lại còn bắn súng làm hiệu lệnh ngay tại Hà Nội, thuê thêm thuyền để đi Vân Nam! Nếu là chúng ta, chứ không phải kinh lược đại thần Lê Tuấn, tổng đốc Hà Nội Bùi Thức Kiên (150), chúng ta đối phó cách nào đây, chẳng lẽ cứ nhịn nhục mãi?

      - Theo như sắc dụ, vua Tự Đức vẫn muốn ta nhẫn nại đối phó một cách mềm dẻo, nghĩa là “không hướng dẫn [cho chúng], không [đón] tiếp [chúng], [để] chúng đến đâu tự biết là khó đi, thì tự phải rút lui”! “Chúng đến đâu, làm việc gì, phải phi báo ngay để tiện xử trí, chớ có tự mình gây hấn trước, chớ để cho thất thế, là được rồi” (150)! Đấy, thưa quan thống đốc, ấy là sắc dụ của đức vua! Ngay cả khi chúng đến Hưng Yên, tuần vũ Nguyễn Đức Đạt và cả quan tỉnh khác là Tôn Thất Phiên [Phan], tất nhiên phải phái phó lãnh binh Trần Lương đi phòng giữ, xem xét, thế mà vẫn bị giáng cấp, lưu nhiệm đấy (151)! Theo tôi nhận thức, thì rõ là đức vua vẫn muốn xử nhũn, “theo thể thống mà đối phó cho khéo, chớ lộ thanh tích [= tiếng tăm, dấu vết] để cho người [ta, tức là bọn chúng,] ngờ việc…”.

      - Như vậy mình chắc phải cáo ốm thôi! Thật ra thì cũng có lần cáo ốm rồi! Hẳn là phải cáo ốm để xin nhà vua đổi người khác (152)! – Thống đốc Hoàng Tá Viêm bực nhọc nói –.

      - Thật không nên, thưa thống đốc! Như thế, sẽ bị lên án là đào ngũ! – Tán lí Nguyễn Văn Tường nói –. Phía châu thổ sông Hồng, ngay tại Hà Nội, ngoài kinh lược sứ Lê Tuấn, còn có khâm mạng đại thần Nguyễn Tri Phương. Hai vị ấy có trách nhiệm và hẳn có cách xử lí. Hi vọng họ xử lí được việc vừa khó khăn, vừa bị câu thúc ấy… Nhưng, như thống đốc đã biết, tên quốc trưởng Pháp tại Ba Lê (Paris) không thèm phúc đáp quốc thư của đức vua ta, mặc dù triều đình đã nhiều lần gửi quốc thư sang Ba Lê (Paris) (153)! Triều đình ngờ rằng tên tướng soái Pháp tại Gia Định ỉm quốc thư của ta đi, để hắn tha hồ thao túng! Do đó, nay triều đình lại phải nhờ thống đốc nước Anh chuyển giúp. Nội dung quốc thư nhờ chuyển ấy là muốn được chính quốc trưởng Pháp tại Paris trả lời các quốc thư triều đình đã gửi trước đây, và hỏi quốc trưởng Pháp thử xem triều đình ta có nên cử sứ bộ Đại Nam sang Pháp trực tiếp bàn chuyện hay không! Ngoài ra, nhà vua còn muốn gửi thư cho nước Anh, nước Phổ (Đức). Viện Cơ mật và Thương bạc được sai bàn nghị cho thật kĩ lại ý định đó, nhưng các đại thần trong Viện – Bạc lại xin thôi (153)!

      - Mình cũng đã nghe khâm mạng đại thần Nguyễn Tri Phương hồi tháng bảy vừa rồi nói chuyện ấy! Mình còn nhớ chứ! Tình hình quốc thư qua, quốc thư lại chắc đến bây giờ, tháng mười một, tháng chạp này cũng vẫn bế tắc! Quan tán lí chắc cũng đồng ý với tôi như vậy? Rõ là bế tắc mới có sự ngược ngạo, lộng hành của Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis) với tên trưởng tàu Bô Len (Bourayne) như thế!

      - Vâng, điều đó thì rõ rồi. – Tán lí Nguyễn Văn Tường nói –.  Đúng là bế tắc! Nói giản dị là bọn Pháp vẫn nuôi tham vọng xâm lược nước ta từng xứ một, rồi xâm lược toàn bộ đất nước Đại Nam này. Ai cũng biết vậy. Nhưng vấn đề là đối phó! Chúng ta đối phó cách nào? Câu hỏi của thống đốc, tôi cũng chỉ xin hỏi lại thống đốc như thế, chứ không thể đủ chức trách để trả lời thống đốc và cũng không thể tự trả lời cho chính tôi được. Người trả lời là đức vua và Viện Cơ mật!    

      Hai vị quan im lặng suy nghĩ.

      Tán lí Nguyễn Văn Tường bước ra cửa lớn của dinh cơ, nơi tạm đóng đại bản doanh. Ông cảm thấy rõ nỗi đau của những đất nước không tiến kịp với trào lưu của toàn nhân loại, bị một phần thế giới kia, các nước Âu Mỹ của chủng người bạch tạng, kéo quân đến xâm lược. Đất nước Đại Nam của ông cũng đang rơi vào nỗi đau đó. Bọn Âu Mỹ, chúng mạnh về vũ khí hơn ta nhiều lần, lại liên minh với nhau, chia chác với nhau. Vấn đề chiến tranh không chỉ là vũ khí, nhưng vũ khí là quan trọng nhất. Có gì chính nghĩa hơn khi một Đất nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền cho Tổ quốc mình, bảo vệ bản sắc văn hoá – lịch sử của dân tộc (gồm nhiều nhân tộc) của mình? Nhưng chính nghĩa cũng không thể là một sức mạnh vạn năng! Đó là sự thật, sự thật chính ông so sánh được ngay chỉ với bọn giặc Cờ! Vũ khí bọn giặc Cờ do Anh, Pháp cung cấp vừa đủ để quấy nhiễu Bắc Kì mà đã thế! Và trước đây mười bốn năm, lúc chúng đánh chiếm Đà Nẵng, Gia Định (1858 – 1862), chính khâm mạng đại thần Nguyễn Tri Phương cũng thấy rõ, nói gì đến Nguyễn Bá Nghi! Nhưng, mặc dù sau gần tám năm đánh dẹp bọn giặc Cờ, bọn phỉ Việt xứ Bắc Kì này, triều đình và quan binh, dân thứ đều kiệt quệ, chẳng lẽ lại chịu xử nhũn đến thế với giặc Pháp, cụ thể là tên Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis) và tên trưởng tàu Bô Len (Bourayne)?

      Thống đốc Hoàng Tá Viêm cũng suy nghĩ nhiều đến trách nhiệm và chức vụ của mình. Ông rất buồn, buồn đến chua xót và cay đắng khi đọc những bức dụ quở trách của vua Tự Đức trong hơn một năm qua. Đúng là “cha mẹ nói oan, quan nói ép”! Tục ngữ chả nói thế là gì! Cha mẹ đã thế, quan chức đã thế, nữa là hoàng đế! “Quan chi phụ mẫu”, quan là cha, là mẹ dân! Hoàng đế bao giờ cũng là “quân phụ”, là vua-cha! Quan và dân bao giờ cũng là tôi tớ và là con đỏ (“xích tử”) của “quân phụ”! Ở nghĩa tốt, ấy là vua, quan phải yêu thương, chăm sóc, nuôi dạy dân như con mới lọt lòng còn đỏ hỏn. Nhưng ở một nghĩa nào đó, riêng với vua, vua cũng tha hồ chửi mắng thậm tệ “con-dân”, “tôi tớ”! Chửi mắng oan ức, ép uổng để yêu cầu cao, nghĩa là luôn đòi hỏi “con-dân”, “tôi tớ” phải nỗ lực nhiều hơn, gắng gỏi mãi, chớ bao giờ tự mãn, tự phụ, kiêu căng, và có thể cho quen chịu nhục để giữ lễ (!).

      Thống đốc Hoàng Tá Viêm cũng bước ra cửa, đứng cạnh tán lí Nguyễn Văn Tường. Ông muốn tâm sự, chia cay sẻ đắng với Nguyễn Văn Tường về ba sắc dụ của vua Tự Đức từ tháng mười năm ngoái đến tháng bảy nguyệt lịch năm nay. Ông tin tán lí họ Nguyễn là người cảm thông ông hơn ai hết.

 

      17

      Sau ba ngày Tết Nguyên đán năm Tự Đức thứ hai mươi sáu, Quý dậu (1873), thống đốc các quân thứ ở mặt trận biên giới phía Bắc nhận được lệnh dụ từ kinh đô chuyển ra: “Chúng [tức là tên Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis)] đã đến Hưng Hoá. Hoàng Tá Viêm phải về ngay phủ Đoan Hùng để tiện tới gần điều khiển công việc tỉnh Sơn Tây, Hưng Hoá; còn việc tỉnh Hà Nội, giao cho Bùi Thức Kiên làm cho ổn thoả, Nguyễn Uy (Oai) phải đến ngay bàn tính ứng tiếp” (154). Đoan Hùng, nơi giặc Khách, thổ phỉ vừa vây bức hồi tháng sáu nguyệt lịch, năm ngoái, Tự Đức thứ hai mươi lăm (1872), và quân binh ta đã giải vây được (155)!

      Ngay tức khắc, thống đốc Hoàng Tá Viêm lên đường.

      Tiễn chân ông xong, tán lí Nguyễn Văn Tường quay ngựa lại dinh cơ quân thứ.

      Mới đó mà đã hơn bốn, năm tháng rồi, kể từ buổi sáng mùng bốn Tết Nguyên đán đầu năm nay. Trong thời gian ấy, mọi việc ở quân thứ đều do Vũ Trọng Bình và Nguyễn Văn Tường hội ý với quan tỉnh để tiến hành.

      Trước hết là việc mở đường cho sứ bộ đáo lệ sang triều cống nước Thanh (156). Tán lí Nguyễn Văn Tường cũng biết ấy chỉ là lệ “hậu vãng bạc lai”, ít ỏi mang đến, hậu thưởng mang về (157), nhưng ngoài ra cũng là dịp để bàn việc hai nước. Lần này, sứ bộ ta cũng chỉ trực tiếp dâng sớ bàn về tình hình ở biên giới chung.

      Sau khi từ biên giới về, tán lí Nguyễn Văn Tường lại nhận được sắc dụ chỉ đạo việc vẽ bản đồ cụ thể, chi tiết ở bốn nơi tiếp giáp Tam tuyên (158).

      Ông cùng Vũ Trọng Bình xem thật kĩ những bản đồ vẽ từ những năm trước, bàn bạc cụ thể để phân công các quan thư lại trực tiếp đến những vùng địa giới, thám xét lại địa hình.

      Nhấp một ngụm trà nóng, tán lí Nguyễn Văn Tường nói với người bạn già họ Vũ:

      - Mấy tháng vừa rồi, ai cũng bức xúc về tên Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis) và trưởng tàu Bô Len (Bourayne) của tên tướng Pháp tại Gia Định. Quan lớn có nghe tin gì về thống đốc Hoàng Tá Viêm ở tỉnh Hưng Hoá không?

      - Không rõ lắm. Nhưng cũng theo tinh thần xử nhũn của triều đình thôi! Trong tháng ba nguyệt lịch năm nay, tên tướng Pháp ở Gia Định lại đề nghị triều đình cho y mang tàu thuyền, quân binh ra giúp ta đánh dẹp bọn phỉ các loại ở Bắc Kì (159). Thật là bịp bợm, tráo trở đủ điều! Khi thì chúng giúp bọn tàn quân Thái bình thiên quốc, giúp bọn giặc theo đạo Gia Tô người Việt mình ở Bắc Kì, để quấy nhiễu ta, khi thì tráo trở, lại ngỏ ý giúp ta đánh dẹp các loại phỉ Tàu, phỉ Việt ấy! Triều đình dè dặt là phải, mặc dù nói khéo là sợ phải mang ơn chúng… Nhưng quan tán tương có hay tin về hai quan điểm khác nhau giữa Hoàng Tá Viêm với khâm mạng Nguyễn Tri Phương chưa?

      - Đây, triều đình có gửi ra các quân thứ để cùng bàn việc tối mật này. – Tán lí Nguyễn Văn Tường lấy một xấp giấy trong ống công văn ra, cầm và mở trên tay –. “Khâm mệnh là Nguyễn Tri Phương xin phong toả sông, cấm buôn bán, cho chúng phải khốn. Thống đốc Hoàng Tá Viêm cho là giặc ấy hiện nay tràn đến quấy nhiễu ở hạ du; [vì vậy] các ngả [đều] phòng bị, vị tất đã chu đáo hết; [do đó, nếu] hạ ngay lệnh phong toả cấm buôn, sợ rằng lòng giặc có khi bức bách”. Đức vua bảo: “Lời xin của Nguyễn Tri Phương là cốt làm cho giặc phải khốn. Hoàng Tá Viêm lại nghĩ khác, chỉ là [viên ấy] quá sợ, rút cục không bao giờ xong” (160). Nay nhà vua đã ra lệnh dụ, tham khảo các quan quân thứ, quan tỉnh. Không biết ý kiến của quan lớn thế nào?

      - Thì theo lệnh dụ, phong toả cho bọn giặc Cờ, bọn phỉ phải khốn thôi! – Vũ Trọng Bình ngẫm nghĩ –. Thật ra, nhà vua đã có sắc chỉ phong cho tán lí quân thứ Sơn – Hưng – Tuyên Tôn Thất Thuyết, nguyên hàm thị lang Bộ Binh, được thự hàm tham tri, sung tham tán, với quyền hạn rộng. Như thế là từ nay từ đề đốc, tán lí trở xuống, đều phải tuân theo quyền chỉ huy của Tôn Thất Thuyết. Viên tướng này như thế là quá trẻ, mới ba mươi lăm tuổi. – Vũ Trọng Bình nói tiếp –. Nhà vua bảo Tôn Thất Thuyết có “oai tướng như oai hổ” mà lính sợ hổ đuổi nên vượt sông, không đắn đo; như thế tốt hơn là treo thưởng cho lính để động viên, yêu cầu lính vượt sông ấy (161)! Hiệu quả trước mắt là rất lớn, nhưng không biết về lâu về dài thế nào! Quân lính có thể sẽ rơi vào tình trạng “diện phục, tâm bất phục” (ngoài mặt thì chấp hành lệnh, trong lòng bất bình, không tuân phục)… Tuy nhiên, quả thật, Tôn Thất Thuyết giữ được tính nghiêm, quân lính rất sợ, theo uy lệnh răm rắp.

      Tán lí Nguyễn Văn Tường nhìn xuống xấp giấy đầy đặc chữ ông đang cầm. Một thoáng phân vân, ông cuộn lại, bỏ vào ống đựng công văn. Ông nhìn ra ngoài sân, ngẫm nghĩ đến những vị tướng trong lịch sử, như Lí Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo chẳng hạn.

      Thời đánh đuổi quân Tống, thời đánh đuổi quân Nguyên – Mông, nhất là đế quốc Nguyên – Mông hùng mạnh nhất thế giới thuở bấy giờ, ngoài đức tính của vị tổng nguyên soái, còn là vấn đề vũ khí… Vũ khí xa xưa ấy là gươm đao, giáo mác, cung nỏ. Với trình độ đương thời thuở đó, không ai kém thua ai. Thậm chí nếu cho rằng Tây Âu còn lạc hậu hơn châu Á, thì mức chênh lệch cũng chả bao nhiêu. Riêng nước ta, so sánh với Tống, với Nguyên – Mông, ta đâu kém gì về vũ khí! Cho nên, vấn đề còn lại rất quan trọng là chiến thuật, chiến lược và đức tính, tài năng người cầm quân.

      Tán lí Nguyễn Văn Tường ngẫm nghĩ về điều đó: đức tính, tài năng vị tướng soái. Ông biết Tôn Thất Thuyết vừa mới được thăng chức với quyền hạn lớn. Trao quyền hạn ấy, hẳn nhà vua đã đắn đo, và không thể không có ý kiến của vị đại thần uy vọng nhất, ấy là Nguyễn Tri Phương. Tất nhiên ai cũng rõ Tôn Thất Thuyết có thời gian bị cách chức, chuyển qua làm bố chính Hải Dương, vì xử án tử hình lính chăn voi không đúng luật, bị xem là “tuỳ tiện”, mà Tôn Thất Thuyết phạm phải lúc còn ở quân thứ Hải – Yên (162). Trong vụ ấy, Lê Tuấn, Đinh Hội cũng ít nhiều chịu chung trách nhiệm! Sinh mệnh hai người lính, đó đâu phải chuyện đùa (162)!

      Tán lí Nguyễn Văn Tường ngẫm nghĩ về những tướng tá ông từng chung sức chiến đấu với họ:

      “Hoàng Kế Viêm, bản chất trầm trọng, bao dung, vốn có tài lâm cơ đoán định, lay chuyển chẳng rời, được xem là một tay đảm đương vậy”.

      “Tôn Thất Thuyết, theo việc quân lâu ngày, am tường chinh chiến, binh lính tướng tá đều sợ tánh nghiêm, nên cũng gọi là tay năng nổ”.

      “Nguyễn Đình Thi, gặp việc, nhận rõ chân tướng, chẳng nề gian hiểm, từng ở lâu nơi biên địa, tình thế khá quen, nhưng việc dùng binh không nghiêm trọng bằng Tôn Thất Thuyết”.

      “Ông Ích Khiêm, khí chất hung hãn, hơn mười (10) năm nay từng trải trăm trận; tuy trong khoảng đó có lúc cậy công, nhưng gặp lúc nguy nghèo đã vâng mệnh; lâm cơ ứng biến; binh lính đều chịu sai phái, kẻ địch cũng sợ hãi. Cho nên các bầy tôi ở quân thứ hiện nay không ai vượt qua. Nếu gặp được vị thống soái có tài hiểu biết, có uy vọng hơn hẳn thì có thể làm cho ông ta kính sợ, mới có thể từ bỏ hết lỗi lầm mà tỏ rõ công lao. [Được như thế, thì] đó cũng là vị lương tướng ngày nay vậy. Duy tài lộ ra ở khí, hàm dưỡng chưa sâu, mà kẻ đồng sự lại không có ai hơn mình, cho nên vì khinh nhờn mà sinh kiêu căng, vì cương cường mà sinh ra ngỗ ngược, đến nỗi tự mắc vào lỗi lầm thật rất đáng tiếc” (châu bản, 2 bản tấu: 07.6 và 20.6 Quý dậu, 1873) (29).

      Tán lí Nguyễn Văn Tường không thể không suy nghĩ về những quan văn cùng thời với mình. Làm chính trị, có người khởi từ nghiệp võ, và làm tướng, lắm nhân vật lịch sử vốn xuất thân từ khoa bảng văn thân.

      “Nguyễn Tư Giản, học vấn sâu rộng, nghị luận thông suốt, mà tài năng liệu việc, thần chưa được thấy”.

      “Phan Đình Bình, văn học, chính sự đều khả quan mà xét rõ vẹn toàn càng thêm thích hợp. Duy thể chất yếu, việc phiền nhọc chưa ắt chu toàn”.

      “Võ Khoa, học thức không có gì hơn người, nhưng mạnh gánh vác, tài biện luận cũng khả thủ” (châu bản, 2 bản tấu: 07.6 và 20.6 Quý dậu, 1873) (29).     

      Thượng thư Bộ Hình về hưu Phan Huy Vịnh, rồi tổng đốc Ninh – Thái Bùi Tuấn đã chết (1871, 1872) (163), lại tiếp đến Thân Văn Nhiếp mãi mãi về với lòng Đất Mẹ (1872) (164). Thân Văn Nhiếp để lại trong tâm hồn Nguyễn Văn Tường một niềm tưởng tiếc sâu sắc… Họ đã mất, ông còn phẩm bình như họ đang lo việc nước trên quan trường làm gì. Nhà sử kí và Quốc sử quán sẽ nhận định về họ…

      Tán lí Nguyễn Văn Tường biết rằng, “việc nghe thấy [nhất thời] cũng không phải là bằng cớ xác đáng”, và con người có thể “tuỳ môi trường mà đổi tiết”, “tuỳ chỗ dùng mà thấy sở trường; thật khó phẩm bình” (châu bản, 2 bản tấu: 07.6 và 20.6 Quý dậu, 1873) (29). “Dụng nhân như dụng mộc”, dùng người như dùng gỗ, “thẳng làm thước, cong làm giằng xay…”, có thứ chỉ để trang trí, dễ thay thế, có thứ làm cột, làm kèo, phải bền chắc để dài lâu… Vũ Trọng Bình là một vị quan bộc trực, thanh liêm nổi tiếng, đã từng nắm giữ Bộ Lại (30). Chính vị quan lớn đồng thời là bạn vong niên ấy của ông nói đúng: Thời gian sẽ khẳng định những phẩm chất về đạo đức, trí tuệ, thời gian cũng sẽ làm rơi tất cả những cái mặt nạ giả dối. Phải chăng những mặt nạ giả dối của những Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ và Lê Bá Thận, những kẻ Vũ Trọng Bình rất bất bình? Thời gian đã làm rõ một Đoàn Thọ trung dũng nhưng thiếu quyết đoán, đến nỗi phải trả giá bằng việc quá đau xót, nhục nhã là mất thành Lạng Sơn và cái chết của chính đại tướng quân họ Đoàn ấy, cùng cái chết hi sinh của lãnh binh quan Lê Văn Dã, của những chiến sĩ khác. Còn Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ và Lê Bá Thận? Vũ Trọng Bình cũng còn nói với ông hôm nào: Cánh chủ chiến bị chèn ép, lép vế, có điều kiện đâu mà phát huy để được mọi người đánh giá cho đúng đắn, chính xác! Và đừng ỷ y vào sự phát hiện, khẳng định và bóc trần của thời gian để rồi ân hận là trót để quá muộn. Phải chăng một người dân Gia Định cũng đã hét to với ý nghĩa: Dẫu thế nào thì Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ cũng là người gốc Hoa, là người Khách, nên đừng bao giờ trao vận mệnh Tổ quốc Đại Nam này cho họ. Đừng bán rẻ Đất nước cho người Khách! Chủ ra chủ, khách ra khách! Hãy nhớ đến quốc thể! Hãy nhớ thuyết chính danh định phận ở khía cạnh này! Mong họ và những người Khách như họ chỉ là những bậc trí giả ưu thời mẫn thế, những cố vấn tại gia, và chỉ thế thôi. Khách cũng rất nên góp ý, kiến nghị, đề xuất với triều đình.

      Ngẫm nghĩ về phẩm chất đạo đức, tài năng của vị tướng trẻ Tôn Thất Thuyết, ông không thể không chiêm nghiệm về Nguyễn Tri Phương, hôm nào ông chính thức viết sớ đệ gửi vào kinh, dâng lên vua:

      “Xin chọn quan văn võ [chỉ gồm những] người thanh liêm, tài giỏi, [điều động đến bốn phía] đông, tây, nam, bắc, mỗi tỉnh đều hai (2) người, sung làm tổng đốc, đề đốc, lại giao cho [mỗi tỉnh] năm trăm (500) quân tinh nhuệ (lính thú, mỗi tỉnh Đường Ngoài năm trăm (500) tên, [gồm] một nửa lính kinh, một nửa lính Thanh, Nghệ). Ở Hà Nội thì lấy quan đại thần có lòng công bằng, trung trực, biết xếp đặt việc nước, uy vọng rõ rệt, như quan Võ hiển Nguyễn Tri Phương, sung làm kinh lược đại sứ, [và xin] giao cho [kinh lược đại sứ] hai ngàn (2.000) quân tinh nhuệ để giúp việc đàn áp [bọn phỉ Tàu, bọn giặc trốn người Việt]. Các tỉnh ở Bắc Kì, việc chỉnh [đốn] bờ cõi, đốc suất việc binh, xét hỏi quan lại, vỗ yên nhân dân, đều ủy cho [kinh lược] đại sứ chuyên việc trông coi. Quy chế cũ ở Hà Nội cũng nên theo thời sửa đổi.

      Như thế, [một khi] quan chính đính thì dân chẳng ai dám chẳng chính đính” (69).

       Nguyễn Tri Phương trong nhận thức chín chắn và trong bản phúc tâu chính thức đệ trình lên vua của ông là thế, chứ đâu phải là “Nguyễn Tri Phương trung dũng có thừa mà cơ mưu phương lược hoặc thiếu”! Nguyễn Văn Tường gạch bỏ, chữa lại những nhận xét sai lầm của ông. Ông quyết định bỏ hẳn những gì ông nhận xét về Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ, nhất là sau khi nghe tin Phạm Phú Thứ (và cả Vũ Khoa) đang dính líu về một vụ bê bối về của cải, tiền bạc, bị vua Tự Đức quở trách rất nặng, bị đình thần nghị xử, xét án (165)!

      Bất chợt Vũ Trọng Bình cất tiếng hỏi:

      - Quan tán lí nhận thấy thế nào về sự đình lại việc cho tàu đi thám xét tình hình mọi mặt ở các nước phương xa hằng năm (11)? Lại nghĩ sao về việc Cơ mật viện và Thương bạc xin mở ba cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Đồ Sơn (166)?

      - Riêng việc mở cửa biển, đình thần có đình nghị lại, phân tích ra năm điều lợi, tám điều khó. Quan lớn cũng đã biết. Tôi cũng có nhiều suy nghĩ. Theo tôi, sự phân vân của đình thần trên cơ sở phân tích điều lợi, điều hại như thế là có lí của nó. Không ai không biết cần phải thông thương với nước ngoài mới học được cái hay của họ, thấy được cái dở của họ, cũng như ta có dịp để tự xét lại mình, hay ở đâu, dở ở đâu. Không ai không biết “không tiến bước ắt bị lùi, bị tụt hậu”, chính vì tụt hậu thua Âu Mĩ về công nghệ cơ khí, nhất là vũ khí, nước ta và các nước quanh ta mới ra nông nỗi nhục nhã này! Phải thông thương, Âu Mĩ đến nước ta, ta đến các nước Âu Mĩ. Biết vậy, nhưng thế nước của chúng ta hiện nay quá yếu về quân sự, đang bị “hoà” ước Nhâm tuất (1862) bó buộc, dân ta lại bị ức chế quá lâu dưới chủ trương “nông vi bản”, “trọng nông ức thương”, “trọng hư văn, khinh thực học”, cho nên, buôn bán với Âu Mĩ, trao đổi kiến văn, kĩ thuật công nghệ với Âu Mĩ, ta quá lúng túng, bối rối, nhút nhát! Ta chỉ nói đạo lí, trí thuật suông thì cạnh tranh với súng thép, tàu đồng, đồng hồ, xe máy (xe đạp)… của chúng sao được! – Tán lí Nguyễn Văn Tường cười chua chát –. Ta kiệt quệ về vũ lực quân sự, thiếu thốn vốn liếng, của cải, lại bị thằng Pháp bức hiếp, chiếm Nam Kì, chúng lại đang gây hấn để chiếm Bắc Kì, thì mở cửa biển giao thông, thương mại với “năm điều lợi, tám điều khó” (166) không cấp bách bằng việc suy nghĩ cách đuổi Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis)… Triều đình gác việc mở cửa biển là bởi xét thấy khó khăn nhiều hơn thuận lợi, và trước mắt là vì vụ Jean Dupuis đang xảy ra như thế! Bọn Pháp, bọn “tả đạo”, bọn giặc Cờ, bọn phỉ Bắc Kì có cho ta yên đâu!

      - Còn việc hồi tháng mười một năm Tự Đức thứ hai mươi bốn (1871), thị sư Lê Tuấn xin bán ruộng công bỏ hoang cho dân giàu khai thác thành ruộng tư (167)?

      - Quan lớn cứ hỏi như thể sát hạch để tiến cử tôi chắc? – Tán lí Nguyễn Văn Tường cười lớn –.

      - Không dám vậy đâu. Nhân tiện cũng chuyện trò với nhau cho vui. Tôi tiến cử quan tán lí được thì còn gì vui bằng! – Vũ Trọng Bình chân thành nói –. “Tiến cử được người hiền, sẽ được thưởng hậu; che giấu người hiền, sẽ bị giết”. Đức vua vẫn thường ra chiếu cầu hiền với câu nói của cổ nhân ấy… Nhưng, vấn đề bán ruộng công thành ruộng tư, quan tán lí hẳn phân vân?

      - Thị sư Lê Tuấn bấy giờ đã được sung làm kinh lược sứ Bắc Kì. Lúc đó quan thị sư họ Lê có nói: “… Hiện nay quân phí rất nhiều, mà các tỉnh Bắc Kì sau khi bị lụt, thuế khoá đã giảm, khuyên người quyên tiền ra cũng khó. Duy có cách nhân lòng người ai cũng hám lợi mà khơi ra, thì mọi người tất vui theo, mà nhà nước cũng lợi, hoặc có thể giúp vào quân nhu…” (167). Thật ra, hồi tôi còn làm phủ doãn kinh sư, tôi có đệ tập sớ lên vua, chung nhất vẫn là chủ trương “hạn điền” (168), tài chủ (địa chủ, người chủ cho vay, nhận cầm cố) chỉ được sử dụng đất trong phạm vi năm mẫu Trung Kì mà thôi. Phải “hạn điền”, nếu không thế, dân nghèo sẽ thiếu đất, mất đất canh tác, sẽ khốn đốn. Phải cho dân nghèo và binh đinh (binh lính, tráng đinh) có đất làm vốn, không canh tác nổi vì thiếu tiền thì vay vốn công hoặc cho làm rẽ (gặt xong chia đôi) (168). Cách suy nghĩ “chứa giàu của nước vào người giàu” (166), “dân giàu là mẹ dân nghèo” (169) e rằng phải xem lại! Tóm lại, theo cách đề xuất của quan kinh lược Lê Tuấn, trước mắt là để ruộng khỏi bỏ hoang, Nhà nước có thêm ngân sách để giải quyết quân nhu… Nhưng về lâu về dài sẽ rất phức tạp. Dân nghèo khốn đốn thì loạn lạc liên miên! Vừa rồi, thời điểm giáp hạt “tháng ba ngày tám”, năm Tự Đức thứ hai mươi lăm (1872), quan lớn với tôi cùng đi phát chẩn cho dân đói, điều tra và trừng trị nhũng lạm, cường hào ác bá đấy mà (170)!

      Tán lí Nguyễn Văn Tường hiểu rõ, một nguyên nhân lớn của các vụ nổi loạn tại Bắc Kì, ngoài những điều lâu nay ông cùng các quan đồng sự thường xuyên suy tư, còn có vấn đề ruộng đất. Cái đói của dân nghèo, sự nhũng lạm, bức hiếp của quan chức, cường hào ác bá là rất dễ bức xúc, rất dễ bị bọn phỉ, bọn “tả đạo” mị dân xúi giục, kích động…

 

      18

      Tháng năm nguyệt lịch năm Tự Đức thứ hai mươi sáu, Quý dậu (1873) ấy, tán lí Nguyễn Văn Tường nhận được sắc chỉ triệu về kinh đô Huế. Thế là gần tròn năm năm ông ra Bắc với nhiệm vụ tiễu phỉ, lo việc yên dân.

      Nguyễn Văn Tường được biết, từ tháng giêng năm nay, tướng Pháp tại suý phủ Gia Định đã trao thư cho triều đình, với nội dung thư là vẫn một mực khăng khăng yêu cầu phải lập “hoà” ước mới. Tay thực dân có tên là Du Bi Lê (Dupré) này cũng như những tên tướng Pháp tiền nhiệm đều yêu cầu ngạo ngược như nhau! Y muốn triều đình làm “hoà” ước mới như một cách chính thức hợp pháp hoá việc Pháp bức chiếm ba tỉnh Miền tây Nam Kì (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Như thế rõ ràng là chúng cướp chiếm một phần đất nước ta, lại buộc ta làm giấy chủ quyền cho chúng trên phần đất ấy!

      Đó là điều vào năm Nguyễn Văn Tường còn làm khâm phái bang biện Thành Hoá, lúc ông được cử sung vào sứ bộ đi châu Âu, ông đã phản đối kịch liệt bằng bản sớ tháng ba Mậu thìn (1868).

      Tán lí Nguyễn Văn Tường còn nhớ rất rõ, trong bản tấu đề ngày tám tháng ba nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ hai mươi mốt, Mậu thìn (1868) ấy, chính ông đã nói rõ ý kiến của mình:

      “Người Phú kia từ trùng dương đến đây, có chỗ cậy trông từ trước, mà cơ trí lại tham lam, giảo quyệt, sánh với Hung Nô, Khiết Đan thì càng hơn hẳn…

      Ngày nay tình thế cũng như vậy. Nó quỷ quyệt đã hơn mười năm nay mà triều đình trên thì không thể xem thời, xét thế, như cánh thuyền phân vân, cứ uỷ suông cho chủ [: nhà vua] lo lắng, việc tự cường tự trị nói rồi lại bỏ, trù liệu thì chẳng tiến triển, không biết lòng của các bề tôi như thế nào… Vả lại, từ xưa, muốn cho nước mạnh, chưa từng không chú ý đến binh lực, của cải hai điều. Thần xin chuẩn cho đặt kho nghĩa thương, để dành binh lương, bắt dân dõng bảo vệ làng xóm. Nhưng làm không lâu lại bỏ. Nay kẻ chăn dân, dạy chữ, nhiều người mất chức, không biết lấy gì để kêu gọi hoà hợp dân sinh. Kẻ cầm binh thì không biết yêu thương nuôi dưỡng. Việc công dịch, thuế khoá, sĩ tốt đã có lời oán hận. Ở Bắc Kì thì giặc cướp lộng hành. Kinh sư có dạy nghiêm thì binh dân lìa nhau mà dễ lầm lạc. Từ đó hiện tình thật đáng lo sợ. Nếu không lo điều ấy, thì bề tôi dẫu có tận tụy với chức vụ sổ sách, hoặc chỉ đem lời nói suông mà phê phán giặc mạnh, thì việc nội trị cũng ngày càng sai lầm, tương lai biết thế nào! Thần ngu dại không dám trù liệu ngược ngạo, chỉ đến khi Nam Kì đã cắt hết đất, muốn cùng đỡ đần để tự giữ thì thế lực cũng khó đương, muốn bồi thường tiền của để giữ yên ổn thì lòng địch chưa chán. Năm tháng trôi qua, sự thế ngày càng xô bồ, đến thế thì lấy gì để an uỷ sự linh thiêng của Liệt Thánh, đáp tạ sự trông mong của sĩ dân. Thần tuy chức phận nhỏ nhoi, cũng là quan lại của hoàng thượng, suốt đêm lo nghĩ không chịu nổi xúc động.

      Người xưa nói rằng, chiến rồi sau mới thủ được, thủ rồi sau mới có thể hoà được, cũng là chỉ cái thế lực tương đương vậy. Như nay, xem xét tình thế hiện tại của ta và nó, thần xin nói rằng: hoà để thủ, thủ để mưu chiến mới hợp cơ nghi, mà may mắn mới không sai lầm. Xin nguyện: hoàng thượng vững vàng duy trì sự giao thiệp với nước lân bang, có đường lối, dần dần bày tỏ sự thành thực sửa đổi việc nội trị, không quên điều nhục nước, thận trọng chọn người chăn dân, cầm binh, lo nuôi dưỡng dân, chiêu hiền, ắt như Hán Cao tổ vào đất Ba Thục, tiết giảm của dùng, công dịch, việc sinh tụ, dạy dỗ, ắt như Câu Tiễn ẩn nhẫn ở Cối Kê, trên dưới một lòng, tôn thân, hiền sĩ giúp đỡ hoặc có thể đợi vận trăm năm của triều đình, để duỗi cái uy trong nước. Thần tuy hèn kém, dâu dám tiếc cái sống thừa…” (171).

      Tán lí Nguyễn Văn Tường bấy giờ cũng đã hứa với vua Tự Đức rằng: “Nếu gặp lúc quan hệ, thần muôn vàn không dám làm kẻ bên lề ngồi xem thành bại, chỉ khư khư một tấm lòng đau khổ” (châu bản, tấu, 01.11, Giáp tuất, 1874) (171).

      Tán lí Nguyễn Văn Tường từ lâu đã quá rõ, thực dân Pháp “là cọp đói, ưng đói chẳng chịu bỏ miếng mồi ngon” (châu bản, tấu, 10.8 Quý dậu, 1873) (171), và “mọi rợ là mối lo, từ xưa đã có, nhưng chưa có mọi rợ nào như người Phú” (châu bản, tấu, 22.3 Mậu thìn, 1868), “người Tây xảo trá trăm mối, việc nghe đoán càng phải thận trọng” (châu bản, tấu, 06.2 Mậu thìn, 1868) (171), “bọn Tây dương tính tham, chấp theo điều lợi; ấy là tìm được rồi lại sợ mất đi; thật là khó lấy nghĩa lí, trí thuật làm lay chuyển nó nghe theo” (châu bản, tấu, 06.2 Mậu thìn, 1868) (171). Cũng trong bản sớ dâng lên vua Tự Đức, ông từng viết rõ:

      “Người Phú kia đã chiến thắng ta, việc đánh giữ khổ biết bao, mà vẫn đòi ta cùng thề?! Bởi vì nó từ trùng dương mà tới, chễm chệ ở đất ta, bên trong thì sĩ dân ta chống lại, bên ngoài thì các nước vây quanh dòm ngó, ăn ngủ sao yên, cho nên ắt phải đòi ta kí hoà ước, để khiến cho ta phải chịu đè nén, lấp đường công luận của các nước, mà cô lập tình trông mong của sĩ dân ta, tiện cho nó từ từ xử trí. Điều đó là sự khu xử giảo hoạt của nó. Nếu không thế, sao năm trước hoà ước phân minh, mà nay phó hoàn toàn cho hư văn, lại còn đòi sửa lại” (171), (172).

      “Đánh thì việc đã qua, không dám nói lại. Hoà như nay thì có gì để trông cậy?…

      Vả, không lo bọn giặc ngang ngược, chỉ lo ta không thể tự cường, không lo bọn giặc tham tàn chỉ lo ta không thể tự giữ…

      Kinh sư là đất căn bản, đồn luỹ đã vững chăng? Khí giới đã tinh chăng? Chí quân lòng dân đã được khích lệ chăng? Đường lộ, đường thủy, phòng bị đã vững khắp chăng? Tỉnh Bình Thuận đương xung yếu, các tỉnh đạo khác cũng có hải phận, quân lương binh lính làm thế nào cho tinh và đủ? Hào mục, sĩ dân làm thế nào cho cố kết và chuyên luyện? Nơi nào hiểm yếu cần phải giữ? Phép phòng thủ nào tất vững? Hoặc đặt riêng chuyên viên để uỷ thác công việc, hoặc chọn cử thổ hào các nơi để cho quen thuộc. Phàm những điều ấy tưởng cũng nên xét kĩ, trù liệu chín chắn và sớm thi hành để khỏi trở ngại về sau” (172).

      Nhưng đến nay, sau năm năm dài, “đình thần bàn [luận], cho là việc [yêu cầu phải lập “hoà” ước mới] ấy, sợ không phải ý của quốc chủ ấy [tại nước Pháp], xin cho ngay sứ sang Tây [:Pháp] hỏi rõ; [khi sứ bộ] trở về, hãy tính liệu” (173). Vua Tự Đức suy nghĩ, và cũng cho là phải. Nhà vua bèn xuống dụ triệu kinh lược sứ Bắc Kì Lê Tuấn, tán lí quân vụ Nguyễn Văn Tường, và quan viên sung Nội các (đang về quê cư tang cha, nuôi mẹ ốm) tên là Trần Hy Tăng, cả ba người đều phải vào kinh, chầu yết (173).

      Nguyễn Văn Tường về Huế, chỉ kịp ghé thăm nhà vợ con ở cửa Đông Ba và ở Bao Vinh, chưa kịp ra thăm làng quê An Cư  và quê hương thứ hai là Thành Hoá (Cam Lộ) ở Quảng Trị, ông đã phải cùng kinh lược sứ Bắc Kì Lê Tuấn vào hoàng thành chầu yết vua Tự Đức. Sứ bộ thiếu mất một người, đó là Trần Hy Tăng, con trai Trần Doãn Đạt (174). Từ quê nhà Vị Xuyên, Mỹ Lộc, Nam Định, Trần Hy Tăng đã đệ gửi sớ vào kinh, xin nhà vua cho phép được giữ trọn chữ hiếu, vả lại, đang lúc đau buồn vì tang cha, mẹ ốm, sợ không đủ tỉnh táo làm lỡ mất việc lớn.

      Tháng sáu nguyệt lịch, chưa đến tháng sáu nhuận năm ấy, vào một ngày hạ tuần, nhà vua ngự ở Điện Văn minh, vẫn với hoàng phục như những lần trước: khăn đóng đội đầu màu vàng, áo và quần đều bằng gấm vàng, giày cũng màu vàng. Vua có phần già đi, chòm râu đã chớm bạc.

      Vua Tự Đức muốn hỏi chuyện từng người một. Kinh lược sứ được vời vào chầu yết trước. Nhà vua hơi băn khoăn về chứng bệnh hầu tì (yết hầu, lá lách?) không quan trọng lắm (175) của Lê Tuấn, nhưng yên tâm về năng lực học vấn của ông. Nhà vua bảo Lê Tuấn đến Thái y viện để được bắt mạch, bốc thuốc. Vua còn có sắc chỉ ban ngự dược (thuốc thang vua dùng) cho ông. Kinh lược sứ Lê Tuấn hết sức xúc động, cảm kích.

      Sau khi kinh lược sứ Lê Tuấn ra, tán lí Nguyễn Văn Tường được thị vệ truyền chỉ mời vào. Đợi ông thi lễ xong, vua Tự Đức mỉm cười nói:

      - Nguyễn Văn Tường, sau năm năm, trẫm cũng mừng cho ngươi vẫn được khoẻ.

      - Muôn tâu hoàng thượng, thần kính đa tạ sự quan tâm của hoàng thượng.

      - Trần Tiễn Thành lần này tiến cử ngươi sung vào sứ bộ. Đó cũng là ý trẫm và đình thần. – Trong khi nhà vua nói, Nguyễn Văn Tường hơi khẽ giật mình, ông cứ ngỡ người tiến cử vẫn là Vũ Trọng Bình –. Nguyễn Văn Tường, đấy cũng là do sự tiến cử của Vũ Trọng Bình, người đã sát cánh với ngươi năm năm nay!

      Bây giờ Nguyễn Văn Tường mới hiểu ra. Thấy vua ngừng lại, ông nói:

      - Muôn tâu hoàng thượng, thần kính đa tạ. Nhưng cứ sợ phụ ân tri ngộ của hoàng thượng và hai quan đại thần họ Trần và họ Vũ cùng sự quan tâm của đình thần.

      Sau một vài câu thăm hỏi đầu câu chuyện như thế, vua Tự Đức bất giác trở lại với nỗi âu lo cố hữu:

      - “Việc ở biên giới Bắc Kì sao lâu mãi chưa xong?” (176).

      - “Bọn giặc chỉ ở thượng du, [ấy là] nơi nước độc, lam chướng nhiều. Quân đi phần nhiều nhiễm bệnh. Muốn cố gắng tiến lên, [quân ta] không khỏi thiệt hại. [Việc cứ phải trì trệ,] để mãi chưa xong là vì cớ ấy!” (176).

      - “Quân nước Thanh, kĩ nghệ có gì hơn ta, mà làm được cho giặc phải sợ?” (176).

      Tán lí Nguyễn Văn Tường tâu lên vua về súng ống của bọn giặc Cờ như ông đã thấy rõ, đã chạm súng, đã suy nghĩ, nhận định, khi còn ở trên chiến trường. Đó là bọn giặc được Anh, Pháp và các nước Âu Mỹ viện trợ, bán chác vũ khí tối tân nhất của thời hiện đại. Sau đó ông mới trả lời trực tiếp vào câu hỏi của vua Tự Đức:

      - Muôn tâu, thật sự kĩ nghệ vũ khí của quân Thanh chẳng hơn gì quân ta. Về binh pháp với kĩ thuật luyện quân, hành binh cũng không có gì để ta phải thua kém. Duy “quân nước Thanh phần nhiều chiêu mộ người ở ven biên giới. [Những người sơn cước ấy] thì ra vào nơi suối rừng, xông pha lam chướng rất quen, không như quân ta phần nhiều không quen [địa hình, lam chướng ở chốn đó]. [Quân ta] khi vào các đường, lối hiểm xa, chẳng qua năm, ba ngày, liền nhiễm bệnh ngay. [Do đó quân ta] đánh dẹp không mong được việc, nên không làm cho chúng phải sợ” (176).

      - “Đời xưa dùng binh, không quá ba năm, nay đã qua bốn, năm năm, [mà] đánh dẹp vỗ về không xong. [Hiện thời] tiền của thiếu, sức lực hết, hầu làm thế nào để cho được việc?” (176).

      - Muôn tâu, “việc ấy bọn thần đều đã hết lòng, nhưng [tình] thế [, kể cả thế lực quân binh ta,] không thể làm được”.

      - “Mong cho yên một phương ấy, để tiện chú ý mưu toan việc khác, không ngờ [lại] kéo dài đến thế! Thực rất để tâm lo ngại !” (các câu đàm thoại, trích ĐNTL.CB., tập 32) (176). – Vua Tự Đức cau mày, buồn bực –. “Lại như Nguyễn Tri Phương, Vũ Trọng Bình làm như thế nào mà đều không công hiệu? Đoàn Thọ trị chức cũng không phải nhỏ, cớ sao chẳng có khả năng? Trẫm thường than thở: Biết dùng người thậm khó!” (châu bản, châu phê của vua Tự Đức, 07.6 nhuận, Quý dậu, 1873) (171).

      Nhà vua khẽ thở dài. Nguyễn Văn Tường cũng không biết tâu tiếp điều gì để chia sẻ với nhà vua. Nhà vua bỗng khẽ hỏi:

      - Trẫm nghe kinh lược sứ Lê Tuấn nói, nhà ngươi có sáng tác mấy chục bài thơ chiến trường trong năm năm vừa qua. Lắm người bảo trong tập thơ ấy, có nhiều bài hoặc có câu, có đoạn đạt đến mức tinh diệu. Nguyễn Văn Tường, ngươi có thể cho trẫm xem bản thảo hoặc chép cho trẫm một bản không?

      Tán tương Nguyễn Văn Tường hơi giật mình:

      - Muôn tâu, thần thật không dám tự đánh giá thơ của thần ra sao, chỉ sợ rằng hoàng thượng chê trách… – Ông cảm thấy hơi ngại ngần –. … Nhưng… thần xin vâng lệnh kính trình lên hoàng thượng ngự lãm. Thần thật cũng không ngờ quan kinh lược Lê Tuấn lại tâu lên hoàng thượng về tập thơ của thần.

      Tán tương Nguyễn Văn Tường được phép thi lễ và lui ra.

      Sau đó, vua Tự Đức bảo thượng thư Trần Tiễn Thành và các quan trong Bộ Binh:

      -  “Gần đây có thị vệ đi đến các quân thứ về tâu: Giặc nước Thanh ở biên giới Bắc Kì phần nhiều dùng súng giống như súng thần công mà dài hơn, không có cỗ xe, chỉ một người vác, một người bắn, và [chúng còn dùng] súng lục kiểu Tây bằng đồng, cho nên bắn ra được nhanh chóng. Không biết mua được ở đâu [, bọn Âu Mỹ có bán ở nơi nào]? Các quân thứ nếu có thu được hạng súng ấy của giặc, thì [thông] tư [vào] Bộ, [Bộ cho người ra] đưa về để xem, để tiện kịp lần này cho mua, để dùng” (176).

      Kinh lược sứ Lê Tuấn lại được nhà vua triệu vào Điện Cần chính để hỏi tình hình và nhân sự ngoài Bắc Kì một lần nữa. Đặc biệt, vua Tự Đức hỏi về năng lực, phẩm cách Hoàng Tá Viêm và Lê Hữu Thường (176).

      Nguyễn Văn Tường cũng được triệu vào Điện Cần chính để vua Tự Đức hỏi về nhân sự.

      Nguyễn Văn Tường đã thấm thía hiểu về việc bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự. Không có người đảm đương việc quan trọng nhất trong các việc quan trọng ấy, là sẽ không đâu vào đâu! Nguyễn Văn Tường đã quyết định viết trong bản phúc tấu, đệ trình lên đức vua, mong đức vua sẽ điều Vũ Trọng Bình về kinh, trao cho ông quyền nắm giữ Bộ Lại như trước. Có như thế mới chấm dứt được mối tệ tham nhũng trong bổ nhiệm quan chức, mới thật sự tránh được trường hợp bổ nhiệm không đúng người, đúng việc (30). Và Nguyễn Văn Tường đã gửi bản phúc tâu ấy lên vua.

      Tiếp đó, đình thần cùng nhà vua cho triệu hồng lô tự khanh Nguyễn Tăng Doãn (người xã Câu Nhi, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) (177) về kinh, sung vào sứ bộ với chức vụ tham biện. Như vậy, chánh sứ là Lê Tuấn (người xã Hà Trung, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), và phó sứ vẫn là Nguyễn Văn Tường. Nguyễn Văn Tường được tạm hàm tham tri. Sứ bộ sang Pháp đã được tổ chức, hình thành. Nhưng trước khi sang Pháp, sứ bộ phải vào Gia Định để cùng toàn quyền đại thần Pháp quốc Du Bi Lê (Dupré) sơ bộ hội định “hoà” ước (178).

      Nguyễn Văn Tường và hai vị trong sứ bộ nhận thức rất rõ khó khăn trong đàm phán: Làm thế nào để đuổi tàu thuyền Jean Dupuis và tàu Bourayne khỏi Bắc Kì một cách êm thắm, không khích biến để khỏi sa vào mưu kế gây hấn của thực dân Pháp? Làm thế nào cho Pháp chịu trả cho ta một hoặc hai tỉnh Nam Kì?

      Sứ bộ nay mai ra đi với hai bàn tay trắng về quyền hạn, chưa được cấp ấn và sắc chỉ trao chức năng toàn quyền. Như thế, nhưng Nguyễn Văn Tường và hai sứ thần kia lại thấy thật yên tâm. Như thế, nhà vua và triều đình cũng yên tâm. Sứ bộ chỉ có nhiệm vụ đấu tranh cho thắng lợi, đạt cho được mục tiêu vua và triều đình giao phó, còn quyết định cuối cùng, vẫn là lúc nhà vua và triều đình trao ấn và sắc chỉ toàn quyền cho sứ bộ.

      Đất nước đang trong bước ngoặt cam go, đầy thách thức của thời thế!

      Ông lại suy nghĩ về những gì nhà vua yêu cầu ông tâu rõ.  

      Ông viết vào tập tâu đang viết:

      “Phận tuy nhỏ nhưng được ân tri ngộ như thần cũng hiếm. Thần mỗi khi tự nghĩ đều thấy mình vô tài, mà sứ mệnh lại hỏng, sợ khó mà báo đáp cho xứng với trọng trách. Cho nên từ lúc giúp việc binh tào cho đến lúc lạm dự kinh doãn, nhiều phen muốn trần tình xin giữ vụng để may mà khỏi phụ ơn ban. Rồi lần lượt được hoàng thượng thức tỉnh, cân nhắc cho. Sấm sét hay mưa móc thảy đều ngụ ý sinh thành. Thần như thế chỉ biết cúi đầu tỏ bày sự ngu muội, mong càng thấu cho sự cảm kích, nỗ lực. Tuy phong trần đã trải, nhưng còn được thân này, danh và thực đều nhờ hoàng thượng gầy dựng vậy. Nay đi Tây, đã vâng lời giản uỷ, lại vâng hỏi đến nhiều điều trọng sự. Thần là thế nào mà được quyến cố tin tưởng, dù lạm dự chứ chẳng là phận sẵn, thì biết báo đáp thế nào cho xứng đáng.

      Thần xin dám quyết tâm, xin mạo muội tâu bày” (châu bản, tấu, 07.6 nhuận, Quý dậu, 1873) (171).

      Nguyễn Văn Tường lại trăn trở suy nghĩ :

      “Trộm xét các nước Phương Tây thường chuộng công lợi, tham lam, giảo quyệt, mà nước Phú [Pháp] và nước Anh là nhất. Các nước Đông Phương ta gặp lúc này khó tiến. Đại Thanh, Nhật Bản, Cao Ly, Xiêm La, Cao Miên, Miến Điện đều bị chúng lộng hành. Ta cũng bị như thế… Hiện nay Gia Định thuế phiền, sưu nặng, dân không đường sống, thì việc nổi dậy cũng chưa biết ngày nào… Lục tỉnh là đất phì nhiêu đã rơi vào họng đói của nó, tự không phải là thế bị bức bách [đến mức vô phương], mà chính là lực không đủ để nó nhả ra” (châu bản, tấu, mười… tháng 8 Quý dậu, 1873) (171).

      “Cốt yếu ở chỗ ta phải có thế không thể xâm phạm, sau đó mới lấy lẽ không thể dung tha được để trách người” (châu bản, tấu, mười… tháng 8 Quý dậu, 1873) (171).

      Làm thế nào để đuổi tên Jean Dupuis với tàu thuyền của hắn cùng tàu Bourayne của bọn quân lính thực dân Pháp khỏi Bắc Kì, trong khi dã tâm của chúng từ nhiều năm nay là thăm dò, điều nghiên thực địa, lợi dụng bọn phỉ các loại nhằm làm ta kiệt quệ, và cuối cùng là gây hấn để xâm chiếm? Làm thế nào đủ lực để bọn thực dân Pháp nhả ra dù chỉ một hoặc hai tỉnh Nam Kì trong thời điểm này? Không đủ lực để chiến và thủ, làm sao đàm phán?

      Đó là những gì ông đã viết, đã đệ trình lên vua Tự Đức và cả những gì vẫn còn ở dạng ý nghĩ, ghi chép trong bản nháp với bao khắc khoải, trăn trở.

      Ngày mười sáu, tháng sáu nhuận, năm Quý dậu (1873) ấy, phó sứ Nguyễn Văn Tường cùng chánh sứ Lê Tuấn, tham biện sứ bộ Nguyễn Tăng Doãn cùng đoàn tuỳ tùng, trong đó có linh mục Nguyễn Hữu Cư (còn gọi là Thơ) làm thông ngôn, đã đi thuyền xuống cửa biển Thuận An, để lên tàu thuỷ lớn chạy bằng hơi nước vào Gia Định.

 

Hết phân đoạn 6 truyện kí thứ sáu (còn tiếp)

                                                             

Viết đến dòng chữ này lúc 16 giờ kém 10 phút,

  ngày mùng ba tháng mười, năm 2002

(27.8, Nh. ngọ, HB.2),

tại thành phố Hồ Chí Minh.

TRẦN XUÂN AN

 

                   

(145)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 157.

(146)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 176 – 177.

(147)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 185 – 186.

(148)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 224 – 227.

(149)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 253 – 255.

(150)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 258.

(151)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 257.

(152)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 256.

(153)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 272.

(154)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 219.

(155)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 279 – 280.

(156)       TQSL., 1958, tr. 393.

(157)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 283.

(158)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 285.

(159)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 286.

(160)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 287.

(161)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 208.

(162)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 140, 191.

(163)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 248.

(164)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 296, 335. Trích nguyên văn: “Vua nổi giận bảo rằng: “Bọn Nguyễn Uy đã làm việc sơ suất, quan ở Bộ [Hộ] cũng giấu lỗi! Của kho nhà nước thứ ấy, thứ khác, do tỉnh và Bộ riêng cấp báo với nhau, không được một lời tâu nào! Thế là phép luật kỉ cương gì? Bộ Hộ và quan tỉnh Bắc Ninh đều giao cho Bộ Lại nghị xử nghiêm ngặt. Bọn Phạm Phú Thứ (thự thượng thư), Nguyễn [Thượng] Phiên, Vũ Khoa (đều thự thị lang) rất xảo trá, khinh nhờn pháp luật, không thể khoan tha được, đều phải giải chức, giao Bộ Hình giam để đợi án”. […]. Rồi lại tha cho bọn Phạm Phú Thứ, chuẩn cho vẫn làm việc như trước […], đợi đình thần nghị xử. Đến khi án dâng lên, vua sửa lại: giáng Phạm Phú Thứ làm tả thị lang, Nguyễn Phiên, Vũ Khoa đều giáng làm hồng lô tự khanh, làm việc Bộ Hộ, đều hội đồng với nhau tạm giữ ấn bộ làm việc; quan tỉnh Bắc Ninh đã cấp [phẩm vật] rồi, thôi không bàn đến, tha cho không phải bồi [thường] (nguyên trước nghị xử quan Bộ Hộ đều giáng bốn (4) cấp, đổi đi nơi khác; quan tỉnh Bắc Ninh hỗ giá, bắt bồi thường)” (tr. 296 – 297). Có lẽ  sau đó, Phạm Phú Thứ có công trạng, chuộc được tội cũ, nên lại được khai phục (không thấy chép được xoá án cũ): “Mùa đông, tháng 10, trả lại chức cho Hộ bộ tả thị lang Phạm Phú Thứ làm Hộ bộ hữu tham tri, thự thượng thư” (tr. 335).

(165)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 267 – 269.

(166)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 166 – 169.

(167)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 186 – 188.

(168)       ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 49 – 50.

(169)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 191.

(170)       Châu bản Nguyễn Văn Tường được trích dẫn theo hai bài viết của nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc (nguyên giảng viên ĐHSP. Tp. HCM.)., trong tập tài liệu Các báo cáo khoa học, (gồm 15 bài nghiên cứu của nhiều tác giả), Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) tại Huế, ngày 02.7.2002, tr. 8 –19, tr. 42 – 58… Có một số bản tấu, sớ, chúng tôi trích dẫn vào các đoạn tiểu thuyết sớm hơn về thời điểm so với ngày tháng năm ghi trong bản tấu, sớ ấy. Xin đơn cử, chẳng hạn bản tấu có nội dung nhận xét về các quan đương thời đề ngày 20.6 âm lịch, năm Tự Đức thứ hai mươi sáu (1873) trong tập “Bắc Kì tấu nghị”, chúng tôi lại trích dẫn vào đoạn tiểu thuyết miêu tả lúc Nguyễn Văn Tường từ giã quân thứ Tuyên Quang để trở về quân thứ Lạng Sơn với Vũ Trọng Bình, vào tháng tư năm Tự Đức thứ hai mươi hai (1869). Như vậy là sớm hơn đến bốn (4) năm. Sở dĩ như vậy vì đây là tiểu thuyết, không phải là bài nghiên cứu khoa học. Vả lại, có nhiều ý tưởng, nẩy sinh, hình thành trong óc, ghi trong sổ tay, trao đổi trong lúc chuyện trò trước khi được viết lại trên văn bản chính thức. Văn bản cũng có văn bản nháp, viết rồi lại bỏ hoặc thêm vài đoạn, vài câu. Thực tế các văn bản do bản thân hoặc do gia đình, con cháu lưu giữ, chép lại là như vậy, ai cũng có thể tự liên hệ bản thân để nghiệm ra. Tóm lại, việc xây dựng chi tiết về nhân vật ở trường hợp như chúng tôi đơn cử trên, là căn cứ vào thực tế đời sống con người, trong đó có vấn đề quan hệ giữa quá trình nẩy sinh, hình thành ý tưởng với thời điểm viết văn bản.

(171)       Đây là đoạn sớ đã có trong ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 202 – 204. Cũng bản sớ đó, gần đây lại được nhà nghiên cứu, dịch giả Trần Đại Vinh (giảng viên ĐHSP. Huế) dịch trên bản chữ Hán do hậu duệ của cụ Nguyễn Văn Tường sao chép từ đầu thế kỉ XX, suốt cả trăm năm qua để thờ trong từ đường.

(172)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 293.

(173)       QTHKL, Nxb. Tp. HCM., 1993, tr. 369.

(174)       ĐNLT., tập 4, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 325.

(175)       ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 300 – 303.

(176)       ĐNLT., tập 4, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 263.

(177)   ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 304.                                  

 

Hết phân đoạn 6

trọn

truyện kí thứ sáu

 

HẾT TẬP THỨ NHẤT.

XIN XEM TIẾP TẬP THỨ HAI

(TRỌN BỘ BỐN TẬP).

 

 

 

 

MỤC LỤC

tập 1

 

            Vài lời thưa trước.

 

 

  Mục lục tập 1.

           

 

 

Tác giả giữ bản quyền

 

 

 

(  XEM TIẾP TẬP II  ) 

Trở về trang chủ

Cập nhật: 07/01/09

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7