j. Trần Xuân An - Mùa hè bên sông - Tệp 10

author's

copyright

 

trần xuân an

MÙA HÈ BÊN SÔNG

tiểu thuyết

1997 & 2003

 

 

06/29/09

        

   

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

m ù a 

 h è

 b ê n

  s ô n g 

    

(nỗi đau hậu chiến)

 

tiểu thuyết

 

 

nnhà xuất bản  

 

1997 & 2003

 

 

     

CHƯƠNG X

 

 

1

 

 

Một vài lần, Hiền Lương đã mượn chiếc xe đạp của Bông Bưởi đi quanh làng, để có cái nhìn bao quát hơn về quê nội của cô.

Sáng nay, cô ngồi ở vệ cỏ nghĩa trang liệt sĩ xã, nơi mà Hành hôm nọ đã đưa Hiền Lương tới thăm. Lần đó, cô đã thắp một nén hương lớn cắm vào lư hương chung khá lớn trước đài Tổ quốc ghi công, hai nén hương khác trước bia mộ của o Ngoan, chú Học. Lúc này, sau phút mặc niệm, Hiền Lương mải mê suy tư, mải mê đưa những nhát cọ mềm mại trên khung vải. Hiền Lương đã nghe Hành lẫn thím Cận nói, nấm mộ bà nội thứ hai của Hành hiện ở Côn Đảo, nơi đôi lần ông Hiền ra thăm. Do đó, Hiền Lương đang vẽ một bức tranh có bối cảnh là nghĩa trang liệt sĩ này, với nghĩa trang Trường Sơn và nghĩa trang Hàng Dương - hai nghĩa trang lớn, cô chỉ thấy qua ảnh.

Bầy trẻ, đang mùa hè, nghỉ học, chăn trâu giúp cha mẹ, xúm quanh xem Hiền Lương vẽ, xem cả cô gái thị xã Thủ Dầu Một này nữa! Tiếng gió từ luồng nam sớm lay lay hàng hàng dương liễu, bạch đàn, vi vu và khôn nguôi.

Vải đã được căng trên khung gỗ nhờ chú Cận đóng cho. Hiền Lương vẽ ở tiền cảnh những chiếc máy kéo, những người trẻ tuổi tại các trạm giống cây con, những dòng mương máng tưới tiêu thủy lợi, và lò gạch hợp tác xã... Đấy là những nơi cô đã từng đạp xe ngắm nghía, quan sát, ghi vài nét vào sổ tay. Với các chi tiết được xem là biểu trưng nhất, Hiền Lương phối trí trong một bố cục cô thấy là có thể nổi bật đồng thời hàm ẩn ấn tượng tổng thể của cô, niềm bồi hồi xao xuyến của trái tim cô trước quê nội - quê nội mà chú Nông, ba của cô, và cả cô nữa, như những đứa con, đứa cháu đã trót đi lạc, đã tìm về, rồi sẽ lại ra đi. Cũng chẳng còn mấy ngày nữa, Hiền Lương cùng mẹ sẽ lên tàu lửa vào lại Bình Dương rồi.

Với các kí họa, Hiền Lương có thể thực hiện tranh sơn dầu, ngay tại nhà chú Cận hoặc khi vào tận nhà ở Bình Dương. Lúc ấy, cảm xúc có thể sâu lắng hơn. Nhưng, vác một bó giá gỗ tháo rời, một bó cọ lớn nhỏ, các ống màu, bảng màu nham nhở, lem luốc ra đây, dưới bóng nắng rười rượi được lọc qua lá cành dương liễu, bạch đàn ken nhau thế này, Hiền Lương hi vọng nét cọ có chất cảm xúc tươi nguyên hơn. Những hình tượng đã hư cấu lại, dẫu như thế, cũng roi rói cảm giác của đôi mắt.

Giữa những lúc ngừng tay, ngay cả trong lúc dịu dàng hoặc mạnh mẽ đưa những nhát cọ, chừng như Hiền Lương bị chia trí, cô lại chợt nhớ các ý tưởng về Mở cửa và Đổi mới mà ba cô cũng như chú Tập suy nghĩ. Ờ nhỉ, giá như những “lẽ ra” của chú Tập là hiện thực hôm nay. Cái cần thiết là giải phóng sức sản xuất trong nước, cũng như khả năng sáng tạo trên mọi lãnh vực của con người... Thật lòng, cũng như mọi người, cô sợ “con đỉa tư sản hai vòi”... Rồi Hiền Lương lại để trí tưởng lan man đến những điều Hành nói, rằng làng nội từ những năm sáu mươi đã trở thành vành đai trắng, lau và tranh ngút ngàn, rằng chiến tranh đã vô sản hóa dân làng, chẳng còn ai trung nông, tất cả đều là bần nông... Có lẽ, thành quả lớn nhất, rõ rệt nhất của cách mạng là vấn đề ruộng đất... Các cuộc đấu tố oan những trung nông bị quy nhầm là địa chủ cuối những năm bốn mươi, đầu những năm năm mươi đã chìm vào quá khứ. Sau Ngày Thống nhất, vấn đề ấy không còn, chỉ có những đợt “đánh tư sản” ở Sài Gòn. Nghe đâu, các ông lí, ông cửu, ông bát với chức danh phẩm hàm tồn tại trên cửa miệng mọi người do thói quen, dưới chế độ ngụy, sau Ngày Thống nhất ấy, đã biết thân biết phận lặng lẽ tự nguyện hiến đất. Đôi người có con cháu đi tập kết ra Bắc vẫn lặng lẽ tự sát ngay những ngày mới giải phóng Miền Nam. Nhưng đấy là ở các làng khác, các huyện khác. Làng nội cô, tất cả đã là bạch đinh trước hàng rào điện tử của Mỹ lâu rồi - bạch đinh hóa bởi vành đai trắng! Cuộc cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông thôn ở làng này diễn ra êm thắm nhất trên cả nước! Có lẽ thế. Mặc dù có những đau thương quá khứ, như vết thương trong tim ông giáo Hiền, nhưng mọi người vẫn thừa nhận chủ trương người cày có ruộng, xoá bỏ tư hữu về ruộng đất là đúng... Người nhiều thêm mãi, đất muôn đời vẫn nguyên kích thước!... Nóng vội nâng cấp về quy mô hợp tác xã là sai, là hình thức chủ nghĩa và thành tích chủ nghĩa. Trong nông nghiệp hiện nay cũng có sự thụt lùi về quan hệ sản xuất : phải lùi lại “khoán sản phẩm đến người lao động và nhóm lao động”, lùi đến “khoán 10”, lùi từ tập thể lùi về cá thể, lùi từ công hữu lùi về tư  hữu, nhưng không phải tư hữu vĩnh viễn, đời nọ đến đời kia, mà tư hữu có thời hạn trên cơ sở công hữu. Ôi, tư hữu, cho dù là có thời hạn, nhưng là thời hạn dài, người nông dân mới thâm canh, mới đầu tư phân bón, nghĩa là hết mình với đất ruộng và hạt thóc, hạt gạo. Từ đó, ruộng thục hơn, thóc bội thu hơn, gạo mẩy trắng hơn. Thụt lùi, lại thành công với hiệu quả năng suất lớn. Thành công trong quan hệ hợp tác xã là thủy lợi hóa, sinh học hóa, cả điện khí hóa, cơ giới hóa... Cái để đo thành công ấy là hiệu quả về năng suất, và lòng người...

Hiền Lương khát khao vẽ những chiếc máy cày tay, máy cày lớn màu đỏ tươi loang lổ bùn ruộng, thóc chín màu vàng rực, vạt ruộng xanh non, xanh ngắt...

Không phải tả chân, Hiền Lương vẽ toàn cảnh quê nội với các ấn tượng thị giác, với một bố cục xen lẫn các ấn tượng đã thành hình tượng. Dưới nét cọ của Hiền Lương là một bức tranh cỡ khá lớn và rộng, rất hiện thực.

Một chú bé đánh xe bò đi ngang qua, dừng lại, chạy vào nhập với lũ trẻ để ngắm cô gái Bình Dương lạ lẫm, xinh đẹp đang vẽ tranh. Cô gái Bình Dương trong một tháng hơn rồi về bên dòng sông Bến Hải này, nơi mà cô ngỡ là quê nội đích thực của cô! Chúng xì xầm, bảo với nhau, rằng cô con gái út chú Nông anh chú Cận đang vẽ không giống ảnh chụp trên báo, trên lịch, nhưng trông rất đẹp. Lũ trẻ chỉ mang máng hiểu. Làm sao chúng hiểu hết họa tiết nọ, hình tượng kia, sắp đặt không theo phối cảnh hiện thực trong tổng thể bức tranh này, tạo ra những nghĩa gì. Hiền Lương phải giải thích một hồi lâu như bình giảng một bài thơ có cấu trúc tầng tầng lớp lớp về một bức tranh có tứ hàm súc... Lũ trẻ lắc đầu, bảo chỉ thấy đẹp, cảm giác về niềm đau thương xương máu, hào hùng chiến công, và cảm giác về sự rạng rỡ, tươi tắn, đầy hứa hẹn, nhưng lúng túng chẳng biết nói thế nào về những cảm giác ấy, khiến cô nghĩ ngợi.

Tháo ốc, cột các thanh gỗ lại từng bó, khệ nệ vác lên vai, tay cầm túi xách đựng màu và cọ, cả dao vẽ nữa, tay mang tranh lè kè, Hiền Lương xin chú bé đánh xe bò cho đi nhờ về nhà...

Chiếc xe lọc cọc trên đường làng trong bóng nắng mùa hè, bóng cây dương liễu, bạch đàn dọc đường thôn.

Trên xe bò, Hiền Lương nghiệm lại cảm giác của các chú bé học sinh cấp một, cấp hai đang nghỉ hè, chăn bò thay cha mẹ, trước bức tranh chưa hoàn chỉnh của cô. Cô thầm mừng chúng cảm giác đúng. Cô đâm ra sợ sự phản trắc của hình tượng nghệ thuật đối với ý đồ sáng tạo của chính cô, như ông giáo Hiền và Hành đã nói hôm kia. Là cô gái đang phấn đấu trong lao động sáng tạo, để trở thành họa sĩ tài năng, cô không thể không say mê, hết lòng tin vào sức mạnh của hình tượng hội họa, và hình tượng nghệ thuật nói chung. Sức mạnh ấy không có gì sánh bằng. Sự khô khốc của các khái niệm trừu tượng, các thuật ngữ lí luận đơn nghĩa, cực kì minh xác, mặc dù tương đối thế thôi, tất nhiên có sức mạnh của nó, vẫn bị xuyên tạc, diễn dịch từ sự cắt xén thô bạo kiểu sa-đích (sadisme), nữa là thế giới hình tượng tươi nguyên, lắng trầm sự sống của nghệ thuật. Cô nghĩ, chắc phải lưu tâm hơn nhan đề của bức tranh này, và mọi bức tranh khác, thậm chí như các họa sĩ ngày xưa, đề thơ trong tranh, hoặc ghi những dòng chữ cần thiết có tác dụng bình chú, gợi mở cho sự thưởng ngoạn đúng hướng, để tác giả cùng thị giả gặp nhau trong tâm cảm và chiều sâu trí tuệ. Tranh của cả một đời cô miệt mài, cực khổ, nhọc nhằn vẽ, có nghĩa gì, tác dụng gì, khi bao người nông dân chân lấm tay bùn lẫn các chú bé chăn trâu nghèo đói kia lắc đầu, chỉ thấy đèm đẹp... Hiền Lương đồng thời cũng muốn tranh của mình không thể không khiến các họa sĩ nổi tiếng nhất nước, nhất thế giới, cho dù thuộc trường phái, khuynh hướng nghệ thuật nào, và thuộc bất kì dân tộc nào, cũng phải sững sờ chiêm ngưỡng, thán phục. Hai mươi hai tuổi, cô có quyền hi vọng, hơn nữa, nuôi dưỡng, nung nấu cao vọng, cũng đôi khi, có thể hơi ngông thầm kín trong lòng chứ!

Hiền Lương chợt nhớ lại những bài báo, các tập hồi kí của các văn nghệ sĩ trước Cách mạng Tháng tám và sau cuộc cách mạng ấy. Họ đã lột xác, đã đổi đời. Họ từ bỏ các khuynh hướng nghệ thuật đã trót nửa đời hay một phần đời đeo đuổi, vốn xa rời quần chúng, xa rời cuộc sống của dân tộc dưới ách thực dân, phong kiến, để đến với cách mạng, với nhân dân, mặc dù có thể họ hơi “tả” khuynh ấu trĩ , từ cực này chuyển qua cực khác hơi cực đoan, nhưng tấm lòng họ chân thành. Rõ ràng, từ ấy, nghệ thuật họ có tác dụng thiết thực nhưng có lẽ hơi thô sơ, máy móc. Ông Hiệu Điên chủ quan, nhưng đúng là câu tục ngữ lâu đời vẫn đúng và mãi đúng: “sông có khúc, người có lúc”. Bây giờ, đã hai mươi hai năm hòa bình (có vài năm chiến tranh biên giới, hơn mười năm đánh tràn theo gót Khơ-me Đỏ), đã chuyển sang Đổi mới... Nghệ thuật những năm gần đây lại có những khuynh hướng suy đồi! Tự do sáng tạo là khát vọng, nhưng không thể tự do suy đồi, truyền bá suy đồi. Ồ, nói chi đến nghệ thuật dâm ô, vọng ngoại!... Người nghệ sĩ có thể trải nghiệm mọi cảnh suy đồi, thậm chí cả trụy lạc, nhưng họ có thể nào có quyền truyền bá sự suy đồi, trụy lạc ấy, và níu mọi người xuống sự suy đồi, trụy lạc ngập ngụa! Một khi, nhỡ đã nghiện sự đồi trụy, liệu nghệ sĩ có còn giữ được tính lành mạnh cho tác phẩm? Cô chua xót...

Bỗng Hiền Lương muốn hét lên khi thấy cổ chân mình ròng ròng máu chảy. Trên tấm ván xe bò, một con đỉa hút căng tròn máu vừa nhả ra, rơi xuống. Chiếc xe này mới chở phân hóa học ra ruộng, ai bắt đỉa bỏ vào xe phơi nắng. Và đỉa bò lên cổ chân cô tự hồi nãy! Chỗ đỉa hút máu, máu vẫn chảy không cầm lại được. Hiền Lương sợ hãi, mặt tái ngắt. Chiếc xe bò vẫn lọc cọc lăn bánh. Đến khúc đường đất cát pha, chắc xe sẽ êm lại.

Chú Cận hồi sáng chở Hiền Lương ra nghĩa trang liệt sĩ, đã vào luôn Đông Hà, chắc lát nữa mới về. Không có chiếc xe bò của chú bé này, bây giờ Hiền Lương còn ngồi bên vệ cỏ nghĩa trang.

 

 

2

 

 

Nắng sớm mùa hè rực rỡ. Hiền Lương đã chuẩn bị để hoàn tất tạm thời bức chân dung về ông Hiệu Điên. Những phác thảo đã được vẽ đi, vẽ lại. Cô đã xin với ông Hiệu Điên một cái hẹn, vào sáng hôm nay, để chớp được, phải chớp bằng được, cái thần thái của một tính cách độc đáo. Làng nội của cô hiện tại cũng có một vài ông nghè, ông cống du học ở Nga, ở Tiệp và cả ở Mỹ, nhưng công tác nơi xa hoặc ở lại nước người! Ông Hiệu Điên hiện ở làng là người có học vị thời Pháp thuộc cao nhất: thành chung. Mảnh bằng trung học cơ sở, bấy giờ gọi là cao đẳng tiểu học, là cả một trời vinh quang! Nhưng ông có cái “tội” yêu nước, không cam phận nô lệ, nên đến nỗi ấy! Cả một trời phi lí!

Hiền Lương đứng trông ra, dõi mắt chờ đợi.

Mặc dù cách xa nhà ông giáo Hiền vài mảnh vườn, mỗi mảnh vườn lại trồng tre hóp hoặc lồ ô làm hàng rào, và trồng cây ăn quả tuy không sum suê, nhưng tất cả cây lá ấy cùng tre pheo kia cũng đủ che khuất tầm mắt, Hiền Lương vẫn ngỡ như nhìn thấy cụm hình tượng được tạo hình bằng cây chè lá nhỏ của ông giáo.

Hai cuốn sách Vô ngôn Vô tự - cách gọi hồi ông giáo Hiền còn giữ bí mật và để gọi hình tượng bằng chè kiểng lá nhỏ - cơ hồ đang mở ra trang sách về ông Hiệu Điên. Hiền Lương đã hiểu hai cuốn sách ấy. Tất cả đã được ghi lại, và mới lạ là ở chỗ trong đó có phần vô thức của làng nội thân yêu này. Phần hữu thức về làng quê dày đặc chữ và hình ảnh, về một cộng đồng nhỏ đã gắn bó lại với nhau, với cả nước, cả nhân loại, bằng một ngôi đình làng. Nói cách khác, rõ hơn, đó là biểu tượng về phần sách có chữ và về phần sách không có chữ. Hữu thức (phần có chữ như những cuốn từ điển bách khoa bình thường) có thể, gần như chắc chắn, là rất thiếu sót, sai lệch ít nhiều. Vô thức (phần không có chữ), đầy đủ đến từng ý nghĩ trong đầu mỗi người, dẫu vô thức mỗi người như ống kính vạn hoa vạn điều quỷ quái. Nói như ông giáo Hiền, hôm ở chùa, ý nghĩ dù bâng quơ hay nung nấu, đã và sẽ chi phối đời người, cộng đồng, trong sự tương tác thầm lặng, với các hành vi, cử chỉ, lời nói đã và sẽ bị chi phối... Vẽ tranh, Hiền Lương muốn vẽ được cái phần chìm phổ quát lẫn cái sâu thẳm cá biệt của đời người. Như một tạng chất riêng, cô rất thích vẽ chân dung, không phải chân dung của ảnh căn cước, chứng minh nhân dân.

Nhưng nắng đã lên, sao ông Hiệu Điên chưa tới. Cô quay vào ngắm những tranh, những phác thảo tranh của mình.

Đến khi cô bắt đầu cảm thấy thất vọng, không chỉ ông Hiệu Điên, mà cả Hành nữa, lại đến. Có lẽ hai người gặp nhau trên đường đi...

Ôi thói quen! Sao người ta cứ quen gọi ông Hiệu là ông Hiệu Điên! - Hiền Lương thốt lên trong đầu, khi bước ra tiếp đón.

Ông Hiệu Điên rất tế nhị, bảo chỉ ngồi một chốc thôi. Ông giả vờ cho rằng vì đôi chân lang thang của ông rất mau có cảm giác tù túng. Hiền Lương xuýt xoa xin lỗi ông. Yêu cầu một người đã bảy mươi ba tuổi mặc dù còn rất khỏe như ông phải đến ngồi mẫu cho mình, thật quá thất lễ, nhưng Hiền Lương đã mấy lần mang vật dụng lỉnh kỉnh đến, ông lại đi đâu mất! Ông cười, xin lỗi lại. Khi ông Hiệu Điên tỏ ý muốn về ngay, Hành vờ ngó lảng, vờ không hiểu, Hiền Lương vờ không nghe, nửa muốn ông ngồi thật lâu để có thể nhiếp thu cái thần thái của ông đưa vào tranh, nửa muốn nói chuyện với Hành. Nhưng trội lên trong cô là niềm xót xa về sự vô tình trong cách gọi tên. Dân làng rất mực kính trọng ông, sao vẫn thế? Cô nặn màu ra bảng pha...Vừa vẽ, cô vừa ngơ ngẩn nghĩ ngợi.

Hành có dịp ngắm những tranh hoàn tất tạm, những phác thảo trên giấy hoặc trên vải. Hơn một tháng ở quê nội của Hiền Lương đã kết đọng lại ở đấy, mặc dù còn dang dở tất cả. Hành biết, có những hòa sắc, những ý tưởng, những ấn tượng hiện thực rất hội họa về làng quê này còn lưu giữ trong Hiền Lương. Biết đâu, bức tranh thành công nhất của cô mười năm sau mới có thể vẽ ra trong một thoáng bất chợt. Hành nghĩ, có lẽ sáng tạo nào cũng vậy, cũng có những phút ơ-rê-ka (tìm thấy rồi!). Nghệ thuật cũng như khoa học đều phải khám phá trong sáng tạo.

... Lúc đó, Hiền Lương vẫn đang nghĩ về những hỗn danh hài hước mến yêu, thân mật, và cô nhận ra, quả thật con người có những thói quen vô nghĩa!...

Và cô đặt cả tâm hồn vào nét cọ...

Ông Hiệu Điên ra về. Hai người cùng bước ra tiễn chân. Ngõ bông cẩn nắng nhuộm ngời, xanh thắm và tươi đỏ, màu của lá và hoa.

Quay vào nhà, Hành lại uống chè xanh. Anh tự mở nắp cái ấp nước, lấy bình rót vào hai chén. Hành ngắm tranh, bình tranh trong khi chuyện trò với Hiền Lương. Không hiểu sao hai người dừng lại rất lâu trước bức phác thảo về sư Tâm Tự. Thấp thoáng đằng sau gương mặt của sư là hai ngôi chùa, một cổ đã đổ nát, và một mới, vừa được xây cách đây mấy năm, là hình ảnh Hành, lửa, dây thép gai, cánh đồng, máy cày... Có cả ngôi chùa hiện đại vẫn rất cổ kính trong mơ ước của sư nữa, ở bối cảnh của bức tranh ấy.

Họ lại nhìn vào bức tranh chân dung ông Hiệu Điên. Hiền Lương bảo, cần phải trau, sửa lại nét cọ, còn chưa khô màu dầu. Đấy, hình tượng về một con người đã sống bảy mươi ba năm, mái tóc cắt ngắn tua tủa, với những nét nhăn nheo rám nắng, đôi mắt đã hơi đục nhưng rất ngời, nụ cười hài hước, nhưng trong tổng thể vẫn tỏa ra các ấn tượng đáng nể, đáng kính và vời vợi nỗi đau.

- Ông Hiệu Điên tính cách thật độc đáo. Thú thật Hiền Lương cũng chưa hiểu hết cuộc đời của ông từ bé đến bây giờ, chỉ mang máng nhưng mạo muội vẽ thế thôi. - Hiền Lương cười buồn -. Có điều, Hiền Lương cũng sắp phải về lại Thủ Dầu Một. Mong anh Hành sẽ viết thư vào cho biết thêm về con người “điên” mà cả làng rất mực kính trọng đó.

- Đấy là một Con Người, viết hoa cả hai chữ, là một Anh Hùng. Nhưng Con Người Anh Hùng nói chung vẫn có nhiều dạng thể. Đại để như văn chương, có loại, có thể, và mặc dù ngay cùng một thể thơ nhưng cũng chẳng bài thơ nào giống bài thơ nào, ngay cùng thể truyện ngắn, cũng chẳng truyện ngắn nào giống truyện ngắn nào, thậm chí chẳng hai bài thơ, hai truyện ngắn nào giống nhau dù viết về một con người... Thế giới tinh thần của một cá thể người cực kì phức tạp, phong phú, chính mỗi người cũng chẳng thể nào hiểu hết về vô thức, tiềm thức, ngay cả ý thức mình trong sự vận động, biến thiên của chúng. Người sáng tác chỉ có thể mô tả những hành trạng bên ngoài, với những nét lớn, những bước ngoặt, những diễn biến từ bé đến già, đến chết. Về những diễn biến, trong đời mỗi người, chỉ có người đó và duy nhất người đó hiểu trọn vẹn mà thôi. Hiểu hai chữ “diễn biến” ở đây là diễn biến của tổng số các hành vi, phần tâm trạng ở dạng ý thức được, chính xác là tự ý thức được, của một đời người. Hiểu như vậy, Hiền Lương có đồng ý không, là chỉ mỗi người tự hiểu mình. Ngay anh, anh cũng chẳng hiểu hết ông nội của anh mặc dù chỉ hiểu như thế. Ngay em, em cũng chẳng hiểu hết về mẹ của em, bố của em. Đúng không? Tất cả chỉ là tương đối. Có quá nhiều những phỏng đoán, những suy luận mà thiếu hoặc lệch một chi tiết là sai hoàn toàn. Sai một li, đi một dặm. Do đó, chỉ nên tin vào con mắt của mình, với điều kiện phải dụi mắt bảy mươi lần bảy. “Phúc cho ai không thấy mà tin” là chuyện vô hình, siêu hình. Cái tai, hoàn toàn đáng ngờ. Nhiễu thông tin là chuyện thường thấy. Nhưng như thế là rơi vào chỗ bất khả tri. Chúng ta phải tin vào năng lực nhận thức, với những suy đoán, suy luận, đối chiếu, phân tích, tổng hợp các dữ kiện, các tư liệu đã được giám định bằng phương pháp thực nghiệm, loại trừ tư liệu giả, tư liệu sai lầm, để kết luận. Vẽ hay viết phải thật khoa học. Tiếc là Hiền Lương sắp vào rồi. Anh sẽ cố gắng viết thư kể lại những diễn biến đời người, hiểu với mức độ đã nói hồi nãy, về ông Hiệu Điên cho Hiền Lương. Đấy là một nhân vật tốt, rất hay, tất nhiên chỉ ở mức độ tương đối. Nói như vậy, cuốn sách vô thức hữu thức vẫn đúng, quy luật nhân quả, tương tác vẫn đúng, ví dụ như một sợi khói thuốc (cũng như một ý nghĩ đen tối trong đầu óc), nó ít nhiều cũng hủy hoại tầng ô-dôn (sinh quyển), nhưng trước hết sợi khói ấy hại phổi người hút thuốc lá (người có ý nghĩ đen tối ấy) và người ở gần y; nếu y bị lao phổi (tội phạm thật sự), lại lây nhiễm cho vô số người khác. Vấn đề là người ta không tự ý thức được, và cũng chẳng ai ngờ, mặc dù ai cũng có kinh nghiệm bản thân về vô-thức-đầy-rẫy-tham-sân-si! Ví dụ ấy rất cụ thể, phải không?- Hành hơi ngượng, cười khẽ với khoé cười cảm hiểu, thoáng chút xấu hổ của Hiền Lương.

- Như vậy, có thể rút gọn lại là, không ai có thể hiểu hết người khác, và cũng không ai hiểu hết chính mình?

Hành gật đầu. Buồn cười là điều bình thường đến thế, nói ra vẫn gây sự ngỡ ngàng, nghi hoặc! Đó chỉ là một cảnh báo về tính khoa học thôi!

Khi một người nghi hoặc tất cả, kể cả Thượng đế, chắc chắn người ấy sẽ chỉ biết tin vào mình, hoặc chỉ tin cái gì tận mắt thấy. Có thể người ấy sẽ cô độc, không chơi thân thiết với ai, không thật sự yêu ai đến mức điên mê? Đấy là sự tỉnh táo trưởng thành? Đấy không phải là sự đa nghi bệnh hoạn? Đa nghi, có phải là nét tâm lí thế hệ?

Hiền Lương chợt nghĩ, vậy làm sao có thể lấy chồng? Biết tin vào ai mà tính chuyện trăm năm? Chắc Bộ Nội vụ phải làm thêm dịch vụ điều tra cho những ai cần tìm hiểu người sẽ kết hôn với họ? Công an có những thủ thuật điều tra, với kết quả khả quan đáng tin cậy chứ! Lấy hai mươi mấy, ba mươi mấy năm, từ sơ sinh tính tới, cũng có thể dự kiến mấy chục năm sau của người ấy chứ, dẫu vẫn phải dự phòng “sông có khúc, người có lúc” với hai mặt của câu tục ngữ! Đục rồi sẽ trong? Hi vọng vậy! Nhưng trong rồi sẽ đục? Biết đâu!

Thôi thì cứ bình tâm mà sống. Như thế là tỉnh táo, khôn ngoan.

- Cảm ơn anh Hành về điều vừa nói! Quả là minh triết. “Tận tín thư bất như vô thư”, từ đây, đã có hệ luận “tận tín nhân bất như vô nhân”. Nhưng điều kiện kĩ thuật thực nghiệm và phương pháp giám định, xử lí tư liệu đâu phải dễ dàng gì! Dẫu sao... Hiền Lương cũng chỉ vẽ tranh hư cấu... từ nguyên mẫu có thật. Vâng, khả năng nhận thức, kết luận! Cảm ơn anh đã lưu ý tính khoa học.

-  Đừng bất nhân! “Vô nhân” chứ đừng “bất nhân”!

Cả hai cùng cười, cười giòn giã nhưng thoáng chút buồn. Con người đa nghi như vậy có sa vào cá nhân cực đoan không? Có đoàn kết và yêu thương nhau không? Hãy tin vào con người, nhưng cần có ý thức cảnh giác. Nhà văn Tiệp Khắc chả nói “Hãy cảnh giác” trong cuốn Viết Dưới Giá Treo Cổ là gì! Hãy tin vào khả năng hướng thiện của con người, hãy bình tâm, rất bình tâm nghĩ đến khả năng phản trắc của họ. Trên đời, người tốt bao giờ cũng nhiều, kẻ xấu ít thôi. Trên đời, người trí tuệ lại ít, người mù quáng lại nhiều, vì họ mù quáng nhưng chẳng biết mình mù quáng! Trên đời, người sống theo lí trước tình sau ít hơn người sống vì tình quên lí! Nhưng đại đa số vẫn cố sống sao cho đạt lí, thấu tình! Bình tâm, hãy bình tâm! - Hiền Lương tự nhủ và cố trấn an. Chẳng có gì tuyệt đối, nữa là niềm tin tuyệt đối. Tuy quả thật, tỉnh táo nhận thức sẽ thấy có niềm tin tương đối.

- Nhưng ngay cả “vô nhân” như hệ luận vừa nói cũng kinh khủng quá! Cứ tưởng tượng không còn con người, quả đất như mặt trăng, như sao hỏa, ồ, không có con người quanh ta, như Thần Trụ Trời một mình một hành tinh, như A-đam theo Kinh Thánh trong chương Sáng thế kí, và như những nhân vật duy nhất, đầu tiên trong những huyền thoại khởi nguyên ngây thơ thuở hồng hoang của các dân tộc! Kinh khủng thật! - Hiền Lương nói, tự củng cố về niềm tin tương đối.

- Vấn đề là “tín”, đừng “tận tín” (quá tin, cả tin) như anh thợ mộc trong truyện ngụ ngôn Đẽo Cày Giữa Đường! Nói chính xác hơn, “tận tín” như thế vào sách, vào con người cụ thể nào đó, là mê tín, là thiếu khoa học. Tinh thần khoa học và thực tiễn! Với tinh thần đó, ta chỉ tin những gì có lí, được khoa học thực nghiệm và thực tiễn kiểm chứng. Phật, Chúa Giê-su và cả Khổng, Lão đã sống cách đây hơn hoặc gần hai nghìn năm, họ là tinh hoa bậc nhất của thời đại họ, dân tộc họ, nhưng họ vẫn là con người xương thịt, tất nhiên có hạn chế lịch sử. Chưa kể sự sai lạc, tam sao thất bổn, bị sa-đích trong các kinh điển của họ. Mác là hậu sinh, mới cách đây hơn một thế kỉ thôi, tất nhiên khả úy hơn. Mác thừa kế họ, phải hơn họ chứ! Tuy nhiên, Mác cũng có hạn chế của bản thân, làm sao thừa kế hết tinh hoa của nhân loại. Mác hầu như không hiểu gì về triết Đông lắm! - Hành nhìn Hiền Lương -. Trở lại vấn đề niềm tin vào con người, anh nói vậy, có phải là đã đầu độc em về tinh thần không? Giết chết hoặc làm tổn thương niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào con người, là ác lắm, tàn nhẫn lắm, nhất là với một con người như Hiền Lương.

Hiền Lương thật lòng hơi nao núng, nhưng cô bình tâm, cố bình tâm mỉm cười.

Hành nói tiếp :

- Tuy nhiên, chúng ta quá thiên lệch về vô thức, tiềm thức và những gì sâu kín trong lòng người rồi, khi chỉ chú trọng đến dục vọng xấu xa, thấp hèn thuộc về bản năng thú tính cũng như các thứ tội lỗi thông thường ít nhiều ai cũng phạm phải. Thật ra, phải nhìn nhận cho đầy đủ, toàn diện hơn. Còn có lương tâm, lương tri, siêu ngã trong vô thức, tiềm thức và những ý tưởng, cảm xúc cao đẹp trong đời sống nội tâm sâu kín của con người cũng như những hành vi cao cả thầm lặng của con người nữa. Nói gọn hơn, ở trần gian này, tại nông thôn cũng như tại thành phố, có rất nhiều, rất nhiều vị thánh nông dân chân lấm tay bùn, hoặc đang tảo tần buôn bán, sản xuất, hoặc đang cắp sách đến trường... Đó là những vị thánh đích thực nhưng thầm lặng, không được sách báo nào viết đến, đang sống cùng ta, sống quanh ta hằng ngày. Ông Lý Văn Hiệu là một vị thánh như thế. - Hành vẫn tiếp tục nói với giọng trầm tư, sâu lắng -. Hiền Lương còn nhớ không, ông nội của anh, hôm ăn cơm trưa ở chùa, có trình bày lại một điều ông thường nói với anh, về hình tượng hai cuốn sách: ""Nghĩa thứ nhất, cả hai cuốn là sách Hữu thức, có chữ, có các mục từ, về đủ mọi lĩnh vực, như đã nói, kể cả mục từ như thể “Chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ nhất của nhân dân Việt Nam (Đại Việt)”. Nghĩa thứ hai, cả hai cuốn đồng thời là hai cuốn sách Vô thức, như thể vô thức cộng đồng. Không có gì đã có mà mất đi, cho dẫu một ý nghĩ tốt hoặc xấu trong đầu, bâng quơ hay nung nấu. Vì sao? Vì những ý nghĩ ấy sẽ ngấm ngầm chi phối một đời người, đời người ấy tương tác cùng bao người khác nữa, cũng là nhân, sinh ra quả, tùy chất, tùy lượng mà tốt hay xấu, theo một tiến trình biện chứng. Ví như một sợi khói thuốc lá cũng đủ gây thêm một chút ô nhiễm làm hỏng tầng ô-dôn, dẫu người ấy hút thuốc một mình trong đêm tối, ngỡ chỉ tự hại phổi. Ví như đọc một câu thơ hay trong óc cũng có tác dụng tự kỉ ám thị, làm tốt đẹp hơn cái tâm, cái tình người đọc ấy, rồi sẽ gián tiếp ảnh hưởng sang các hành vi khác ngỡ chẳng liên quan, hay liên quan trực tiếp đến câu thơ là một số hành vi nào đó, và hành vi ấy, những hành vi ấy, sẽ tác động ít đến nhiều tới cộng đồng, với mức độ, quy mô, từ nhỏ đến lớn... Hai cuốn sách ở nghĩa thứ hai, Vô ngôn Vô tự, là vậy. Không có gì đã có mà mất, có thể nó tồn tại ở dạng khác. Mọi người nghĩ tốt, tích lũy cái tốt, phê phán sâu sắc và triệt để cái xấu, sẽ sống tốt"". Theo anh, đó là một nhận định có tính phổ quát về diễn trình vô thức, tiềm thức, ý thức với hành trạng cụ thể của con người nói chung. Không biết Hiền Lương còn nhớ không?

Hiền Lương gật đầu, cảm thấy chính đầu óc của bản thân mình không phải không đen tối, khi mới theo một nửa mạch chuyện mà đã trót bi quan quá về con người và cuộc sống chung quanh. Phải chăng cảm quan nhạy bén với mặt đen tối hơn là với mặt trong sáng cũng là khoảng đen tối của lòng mình? - Hiền Lương tự vấn -.

Hai người im lặng một lúc khá lâu. Hiền Lương muốn hướng câu chuyện về các kinh điển với câu ngạn ngữ "tận tín thư bất như vô thư", cô nói:

- Vâng, con người với sự khủng khoảng niềm tin về con người, với nỗi đau "bất như vô nhân" (thà không có con người) là thế, còn kinh điển với sự dao động, trăn trở, với nỗi đau "bất như vô thư" (thà không có sách)?

Hành mỉm cười, đáp lời Hiền Lương như thể nói tiếp một ý tưởng dở dang:

- Nhưng tinh thần của chủ nghĩa Mác vẫn là tinh thần thời đại, khoa học nhất. Chủ nghĩa Mác có thiếu sót, nhưng không phải vì thiếu sót mà sai. Chủ nghĩa ấy đúng về cơ bản nhưng cụ thể, chưa đủ. Mác vẫn để ngỏ cho hệ thống tư tưởng của mình, không giáo điều. Hình như Mác đã đề nghị hậu thế sẽ bổ sung, sẽ điều chỉnh lại theo sự chuyển biến của lịch sử. Khoa học là cuộc đua tiếp sức. Mác không muốn hậu thế mê tín mình. - Hành nói chậm lại -. Anh đã lan man rồi, chuyện nọ xỏ qua chuyện kia! Từ chuyện ông Lý Văn Hiệu, tức ngài Hiệu Điên của chúng mình, của làng mình, anh lại bàn đến các vấn đề mung lung, mênh  mông quá!

Hiền Lương mỉm cười, vẫn không dứt ra được khỏi sự lan man của mạch chuyện:

- Về Chúa Giê-su, em có nghe ba em nói, một ông linh mục rửa tội cho ba em hồi nhỏ đã bảo, sau nhiều năm gặp lại, rằng, Giê-su không có ý thức độc lập dân tộc, hơn nữa, còn thỏa hiệp với đế quốc La Mã, và trong hoàn cảnh Do Thái bị xâm lược, bị đế quốc La Mã thống trị mà Giê-su gieo rắc tư tưởng mạt thế, luôn bảo “sắp tận thế”, “đến ngày phán xử cuối cùng” là nối giáo cho giặc. Có phải Kinh Thánh đã bị cắt xén, bị sa-đích bởi các thế lực xâm lược cổ và kim? Một con người không yêu nước, chấp nhận ngoại xâm, gieo rắc tư tưởng mạt thế (tận thế) lúc bấy giờ, thật có đáng tôn thờ không? Chúa Giê-su có phải là kẻ đóng kịch theo kịch bản từ Cựu ước? Đế quốc La Mã truyền bá Kinh Thánh nhưng bản thân các hoàng đế, tức là các xê-da, lại không tin? Hay các xê-da tin việc xâm lược là theo ý Đức Chúa Trời, và xâm lược, thống trị các nước nhỏ là sứ mệnh thiêng liêng, có lợi, vừa được phần hồn, vừa được phần xác cho chúng? (II. 15).

- Sao gia đình em vẫn đi nhà thờ, đọc kinh Thiên Chúa? - Vì đã quá thân tình, Hành đâm ra thiếu tế nhị một cách chân thành -. Ở Phương Tây, người ta đã bỏ đạo nhiều rồi! Cam chịu đế quốc thống trị mà đức tin sao?!

- Do thói quen, do áp lực của giáo hữu, giáo xứ một cách vô thức... Đồng tiền vàng có hình xê-da - nhưng là tài nguyên Do Thái - mà của xê-da ư!? - Hiền Lương như thể tự hỏi.

- Triết học Việt Nam rất đơn giản: Không có gì  quí hơn độc lập, tự do! Độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Từ đó mà ra tất cả: phải văn minh, phải giàu mạnh. Trong đó có dân chủ. Không có dân chủ thì các giá trị kia cũng hữu danh vô thực, thậm chí là không có động lực để đạt những giá trị ấy. Những gì trái với triết học Việt Nam, truyền thống và hiện đại hóa, ta phản đối.

- Chắc em phải kiếm việc làm và thoát li gia đình. - Hiền Lương nói, buồn buồn.

- Bản thân mỗi người cũng phải độc lập, tự do. - Hành cười với nụ cười cảm thông, chia sẻ.

- Sao Phật Thích Ca, Khổng Khâu, Lão Đam không nói đến độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân? - Hiền Lương nêu vấn đề, mỉm cười.

- Giai đoạn Phật Thích Ca sinh ra đời, tìm đạo, thành đạo và truyền đạo, đến khi viên tịch, không có yêu cầu của lịch sử là nêu cao ý thức độc lập, tự do như vậy. Tổ quốc của Phật bấy giờ đâu bị ngoại xâm! Còn Khổng, ít nhiều cũng có tư tưởng bành trướng, “can thiệp”, sen-đầm quốc tế. Lão Đam chỉ bàn kế sách tâm linh và chính trị chung cho mọi người, mọi đất nước, trong đó có đề xuất chia các nước lớn thành nhiều nước nhỏ, đề cao và khuyến khích lối sống chất phác. - Hành ngừng lại, cười  khẽ -. Anh cũng hạn chế lắm, anh cần đi học thêm, chủ yếu tự nghiên cứu thêm. Chúng ta thiên thung mang nai (tản mạn, lung tung, lan man) quá rồi... Diệt dục là đã gồm diệt mộng xâm lăng. - Hành nhấn mạnh câu cuối.

- Thiên thung mang nai cho vui mà. - Hiền lương mỉm cười bảo -. Những suy nghĩ có thể đúng, có thể sai. Trong học tập, nghiên cứu, cũng rất cần phải biết cái sai để khẳng định cái đúng, và ngược lại. Có điều, ở đây chúng ta chỉ bàn phiếm, nói vô phép, - Hiền Lương cười thành tiếng -, tầm bậy tầm bạ, để tạo men kích thích sự tìm tòi, nghiên kíu (cứu), học hỏi, mà chủ yếu là tự học, tự suy nghĩ. Tuy nói hài hước hóa như thế, nhưng thật ra, chân thành mà nói, việc trao đổi, chuyện trò cũng giúp nẩy bật ý tưởng mới, làm sáng tỏ được nhiều điều sai lạc mà chủ quan vẫn tin chắc khư khư.

Rút mấy bài thơ được đánh máy vi tính từ túi áo, Hành nói:

- Thơ về Chúa Giê-su đây! - Anh chỉ bài “Truyền thuyết về khát vọng cứu rỗi”.

Hình như Hành đã chuẩn bị để bàn với Hiền Lương, thảo nào Hành đành phải gác lại chuyện ông Hiệu Điên, mặc dù anh rất quý trọng ông ấy.

Hiền Lương đọc câu đề từ, trích từ sách Ê-sai, từ phần tiểu truyện về Chúa Giê-su của Ma-thi-ơ, và đọc lại, dừng mắt vào lời Chúa Giê-su: “Người giàu vào nước Thiên Đàng khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim” - câu nói nổi tiếng mà cả ba trong bốn tác giả tiểu truyện Tân ước đều có ghi lại.

- Bài thơ được nhìn ở góc độ “thân phận con người”, và thủ pháp là tái tạo, hư cấu lại, dựa trên văn bản bốn tiểu truyện trong Tân ước, được xác định rõ, chỉ là truyền thuyết về Giê-su. Đó là cảm nhận ở phía tích cực của hình tượng Giê-su, theo quan điểm xã hội chủ nghĩa về đấu tranh giai cấp và điều hòa mâu thuẫn giai cấp, trong các giai đoạn lịch sử, toàn bộ xã hội (?!) đều “nha phiến” hóa. Nếu giai cấp thống trị La Mã xưa và các đế quốc ngày nay cũng thật lòng tín ngưỡng người thợ mộc, người nô lệ mất nước, người chiến sĩ bị tử hình có tên là Giê-su thì “hai ngàn năm dịu gió mưa” thật. Nếu không, sự bóc lột của bọn đế quốc khốc liệt đến chừng nào! Giê-su là người đầu tiên rất cộng sản nhưng lại rất chủ "hoà"! Cần phải hiểu rõ hơn: tất nhiên chỉ dịu đi thôi, gió mưa vẫn cứ gió mưa như lịch sử thế giới đã diễn ra một cách bạo ngược, đẫm máu, nắng chỉ ngời trong tiếng hát khát vọng!

- Phía tích cực của hình tượng Giê-su, em hiểu rồi! Nhưng, thế này là cái nhìn thiện cảm với Giê-su, chứ thực ra không trung thực theo văn bản của Tân ước! Tuy nhiên, câu trích đề từ rất chính xác.

- Tái tạo, hư cấu lại! Biết đâu, Tân ước đã bị sa-đích, như đã bàn. Nếu mất nước mà chỉ lo chuyện trên trời, mặc dưới đất đồng bào và Tổ quốc bị giày xéo bởi bọn đế quốc, thì cứu rỗi cái gì! Nhưng nói vậy có phạm thượng, báng bổ Thần Thánh không?

- Ba của em kể, có một ông linh mục đã cởi áo dòng, không chịu làm linh mục nữa, bảo, ông thấy Quả đất này được cai quản theo quy luật Sa-tăng. Quỷ Sa-tăng sáng tạo nên thiên hà này, trong đó có Quả đất. Thiên Chúa sáng tạo nên thiên hà khác với những hành tinh khác. Giê-hô-va là quỷ dữ. Giê-su mang chứng hoang tưởng. Hóa ra Đức Chúa Trời lâu nay người ta thờ lạy, ngợi ca, lại chính là quỷ Sa-tăng. Loài người ngộ nhận mấy ngàn năm nay! Cứ nhìn sản phẩm địa ngục trần gian là biết người sáng tạo. - Hiền Lương bình thản nói.

Hành trầm ngâm nghĩ, có một đoạn Kinh Thánh nói Chúa mất trí thật, nhưng anh không dám bàn điều này.

- “Này là mình ta, này là máu ta, máu Tân ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và loài người được tha tội”. Đấy là tội sát sanh chăng? Con người đã ăn thịt, uống máu bao nhiêu sinh vật có sự sống như trâu, bò, lợn, gà, ăn biết bao cây cỏ khác cũng có sự sống..., mỗi bước đi lại giẫm đạp biết mấy côn trùng... Giê-su là Thiên Chúa, sao không cứu rỗi bằng cách khác, nhiệm mầu hơn? Hay Chúa chấp nhận “người ăn thịt người”?! - Hành dè dặt nói.

Hiền Lương rùng mình. Thảo nào Chúa không lấy vợ và Phật ăn chay! - Hiền Lương nghĩ. Cô nói :

- Thế mà rước Mình Thánh Chúa hằng ngày trong thánh lễ mi-sa kia đấy! Nhưng phân tích hình tượng vậy đã đúng chưa? Có phải là chấp nhận “người ăn thịt người”?

Hành cố quên đoạn Chúa ví von thiên đàng là chiếc giường tân hôn, với mười cô dâu trinh nữ.

- Như tục ăn cau trầu của người Việt ấy mà! Máu thịt đỏ cả mồm cả miệng! Trong truyện cổ tích Trầu Cau ấy, dân gian đã phản ánh rất nên thơ hai vấn đề nghiêm trọng nhất của mọi sinh vật, cái ăn để tồn tại và sự truyền giống để duy trì chủng loài, với ngụ ý rất văn hóa. Nói rõ ra, Chúa cũng cứu chuộc loài người bằng nghi thức ăn thịt uống máu, qua hai cái biểu hiện, bánh và rượu, thường gọi là rước Mình Thánh Chúa (chỉ linh mục hành lễ mới được uống rượu thánh!), vì Chúa lỡ sinh ra loài người!

Hiền Lương sực nhớ đến lễ rửa tội và tội tổ tông truyền. Cô không thể không nhớ đến một đoạn Tân ước, trong đó Chúa thừa nhận một tục lệ gần như “nối dây”, và đoạn nói về nguyên nhân Thánh Giăng bị giết.

- Đừng bóc và lột nhau! Chúa cứu rỗi bằng khát vọng tận thế chăng!?

Hiền Lương không thể cười khi Hành bông đùa, có lẽ cho nhẹ bớt không khí trầm trọng trong cuộc chuyện trò. Yằ nghĩa của ẩn dụ quá đỗi bất ngờ! Không, đó là cách cảm nhận xa văn bản? Cách cứu rỗi của Thiên Chúa trước sự thống trị của đế quốc La Mã là cam đành quằn quại dưới gót giày của chúng, chịu chết quá yếu hèn, như thể tự nguyện, trên thập giá của đế quốc ư? Không, Hiền Lương tin Giê-su chỉ là con người, chỉ là con người, thế thôi. Cô đồng cảm với cách cảm nhận, rằng Giê-su là người thợ, người nô lệ mất nước, người chiến sĩ chống đế quốc, chống bọn giả hình bán nước, và giải phóng con người khỏi mặc cảm thân phận con người, một cách tích cực, trên đời này, khi họ còn sống. Chúa và về sau, có thêm Mo-ơ, đã khơi mào chủ nghĩa xã hội, mặc dù Mo-ơ gọi xứ sở xã hội chủ nghĩa là Mộng Tưởng (U-tô-pi). Kinh Thánh đã bị giáo hội, đế quốc sa-đích hai ngàn năm nay! Phúc âm và hành trạng Chúa Giê-su đã bị sa-đích, sa-đích bằng cách siêu hình hóa Nước Chúa, siêu hình hóa Ngày Phán xử cuối cùng về chủ nghĩa đế quốc, khiến người Do Thái mất nước hai ngàn năm? Còn Đức Mẹ? Trọn đời đồng trinh? Tin Lành giáo đúng hay Thiên Chúa giáo đúng? Phải chăng cách giải mã của ông giáo Hiền và anh Hành về Thánh Gióng có thể vận dụng vào Đức Mẹ Ma-ri-a, Mẹ Thánh Giăng? Để chống lại sự ám thị, mọi nguyên lí, mọi giáo điều phải được xới, lật!

- Hiền Lương có biết Giáo hội La Mã mới thanh minh cho Ga-li-lê sau bốn trăm năm? Cam-pa-nen-la bị chặt đầu vì vô thần? San-man Rút-s-đi mới bị Hồi giáo I-ran tuyên án tử hình và săn lùng ngày đêm? - Hành vờ co rúm người lại, trong lòng cũng ngán.

- Em biết. Thật kinh khủng. Đêm trường trung cổ còn đậm đặc đến tận thế kỉ hai mươi! Sắp đến năm hai ngàn chẵn rồi! Chấm hết công nguyên Cờ-rít cũ, sẽ đến công nguyên Hòa Bình! - Hiền Lương vừa nói vừa cười -. Như vấn đề Thánh Gióng, ở đây, về Giê-su, ta chỉ phân tích đùa thôi mà!

Hành nghĩ đến “chiến tranh và cách mạng”, trong đó có vấn đề đấu tranh giai cấp, cốt lõi vẫn là đấu tranh ý thức hệ, đặc biệt là về quyền sở hữu tư liệu sản xuất. Hành le lưỡi. Lần đầu tiên Hiền Lương thấy Hành cố ý le lưỡi. Có lẽ ai cũng sợ bị rơi vào trường hợp những nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà văn đã trở thành hay suýt trở thành các “thánh tử vì đạo” - đạo là chân lí khoa học - như Ga-li-lê, với sự xác tín “dẫu sao quả đất vẫn tròn”. Quyền sống, nhân quyền! Hành nghĩ, đấu tranh giai cấp thực chất là đấu-tranh-sinh-tồn-của-sinh-vật-theo-Đác-uyn. Từ quy luật sinh vật học, Các Mác vận dụng vào kinh tế học, xã hội học và lịch sử phát triển của loài người với quan điểm biện chứng đó thôi. Ai cũng muốn sống, muốn làm người ra người, người đừng bóc lột người, bức hiếp người. Hành nghe ớn lạnh, tự bảo chấm dứt sự xới lật kinh rợn này.

Hành nhìn Hiền Lương, mỉm cười. Tự nghiệm chính mình, Hành thấy, việc học tập ở nhà trường và không khí thoáng đãng của xã hội là rất căn bản để con người cảm thông nhau, tiếp cận được chân lí.

- Anh có một người bạn ở Gio Linh này, nay đã vào sinh sống tại Sài Gòn. Anh ấy làm thơ và viết văn.

- Anh ấy tên gì? Cho em biết địa chỉ được không?

- Được. Nhưng gặp, anh ấy yêu Hiền Lương mất! - Hành cười.

Hiền Lương phá ra cười giòn tan, thật duyên dáng, tươi trẻ.

- Anh ấy bao nhiêu tuổi?

- Tuổi bính thân! Bốn mươi mốt tuổi. Nhưng anh chàng này đa tình lắm! Anh ta cứ bảo anh ta mãi mãi hai mươi, dẫu sau này già tám chục tuổi vẫn vậy. Trái tim thơ ca mãi còn trẻ, anh ta bảo thế!

- Vui quá. Ngộ nhỉ! Hơn em đến hai thập niên! Anh ấy có dám yêu con nhỏ mới hai mươi hai tuổi ranh như em không?

Chưa bao giờ Hiền Lương cười thoải mái đến vậy.

- Như Hiền Lương, anh ta yêu “từ bị thương đến chết”.

- Vẫn tốt thôi. Em thấy phụ nữ thường phải trẻ tuổi hơn đàn ông mới hay.

- Rứa anh chẳng dại! Chẳng dại gì giới thiệu em cho anh ấy.

Hiền Lương thoáng sững người, rồi lại cười vang lên. Cô đỏ mặt, nghĩ Hành cũng lém lắm.

- Anh ấy làm thơ, viết tiểu thuyết, rất đỏ.

- Đỏ kiểu mới?

- Tất nhiên. Bạn anh đã xuất bản sáu tập thơ từ chín mốt đến nay. Anh ta chủ trương tiếp thu, phê phán hết một cách khách quan, khoa học. Và anh ta đọc lại, nghiền ngẫm lại, lật ngược, trở xuôi nhiều vấn đề, nhiều triết thuyết từ vốn cũ anh ta đã đọc thời trung học, đại học và những năm dạy học, để từ đó cái gì đúng, khẳng định, cái gì sai, phê phán, kể cả chủ nghĩa xã hội.

- Như thế là thông minh, sáng suốt. Ai cũng cần phải như vậy. - Hiền Lương nói -. Dại gì để con cháu, và biết đâu, cả hậu thế, sẽ khinh mình. Ngay cả vẽ tranh, em cũng vậy.

- Điểm tựa thông minh, vững chắc nhất là sự thật lịch sử, tinh thần dân tộc, tình yêu nhân loại, và chân lí khoa học. Chẳng một ai dại gì xây lâu đài nghệ thuật của mình trên cát, nói theo một câu nói cửa miệng của nhiều người. Phải có một nền tảng vững chắc, đúng không? Anh cũng dựng sự nghiệp như thế.

- Và anh ta đỏ?

- Đúng, anh ta chọn đỏ, - Hành cười -, vì đỏ là khoa học, tất nhiên là đỏ kiểu mới. Anh ta chọn chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội với tinh thần thật sự dân chủ và cởi mở.

- Hiện nay làm gì? Em muốn hỏi về anh ấy.

- Đã viết thêm một trường ca “Quê Nhà Yêu Dấu”, đang viết một tiểu thuyết về Bến Hải này.

- Về làng nào, xã nào?

- Làng này, xã này. Hiện anh ta ở Sài Gòn, có gửi thư ra bảo như vậy. Anh cũng đã giới thiệu Hiền Lương cho anh ấy, qua hai dòng ngắn ngủi. Anh ta chưa biết Hiền Lương bao giờ, nhưng cũng hứng chí, viết thư trả lời sẽ hư cấu một hình tượng tên Hiền Lương!

Hiền Lương tròn mắt. Thật lạ kì! Sao Hành nói phớt tỉnh vậy! Cô hỏi Hành:

- Anh có đùa không? Ngộ thật! Em không ngờ... có trường hợp ngộ nghĩnh như thế!

Hành cười tủm tỉm:

- Thì tiểu thuyết và thơ mà! Anh ta hư cấu gì tùy thích anh ta. Chẳng biết anh ta viết cái gì, gán vào miệng nhân vật tư tưởng gì, nhào nặn tính cách nhân vật ra sao. Có thể anh đây cũng bị hay được nhào nặn thành nhân vật tiểu thuyết. Anh ta hư cấu một trăm phần trăm, cho nhân vật thể hiện tư tưởng của anh ta.

Hành và Hiền Lương nhìn nhau cười.

- Cho Hiền Lương biết tên, địa chỉ anh ấy đi!

- Không, sợ anh ta gặp Hiền Lương sẽ yêu Hiền Lương mất! Những nàng thơ thường ở tuổi hai mươi.

Cả hai cười ngất.

- Tiểu thuyết sắp xong rồi đó! Anh ta viết thư từ Sài Gòn ra hôm qua bảo vậy. Anh ta dự định sẽ xong giữa tháng bảy theo lịch mặt trời. Bây giờ đã là ngày mười hai tháng bảy, chín sáu. Có thể đã xong, đặt dấu chấm sau dòng cuối sách.

- Ngộ thật đấy! Em muốnvào tìm anh ta để đọc cuốn tiểu thuyết sắp viết xong ấy.

- Chỉ mượn tên Hiền Lương thôi. Hư cấu mười mươi mà!

- Ngộ thật!

- Đừng đến nghe. Nhưng Hiền Lương đến, hẳn anh ta sẽ rất vui. Chắc gặp Hiền Lương, bạn anh sẽ say điếu đổ ngay.

Hiền Lương cười:

- Đừng đùa nữa anh!

- Kẻ nào đa tình cũng bạc tình cả! Xin xấu bụng nói với em như vậy. Em hiểu giùm anh chứ? Nhưng... lại cũng đùa!

Hiền Lương mỉm cười, mắt long lanh, đỏ bừng cả mặt.

- Anh có sẵn sáu tập thơ của anh ta! Em đọc nghe (nhé)?

- Dạ, xin anh cho mượn. Em cũng sắp vào, chỉ đọc lướt thôi.

- Nghe đâu, với cuốn tiểu thuyết sắp xong, anh ấy tập trung suy nghĩ về một số vấn đề “chiến tranh - cách mạng”, cũng sự thật lịch sử, chủ nghĩa yêu nước, dân tộc, vấn đề tôn giáo, khoa học, tình yêu nhân loại, giai cấp vô sản trên thế giới...

- Thì cứ nói sự thật tôn giáo, chính trị, sử học...

- Anh ta ngán ngẩm các vấn đề ấy lắm. Anh ta sợ mọi cái anh ta viết ra, từ thơ đến văn xuôi sẽ bị xuyên tạc, đành phải minh định. Anh ta cũng như mọi kẻ cầm bút khác, và bao người khác, đều là nạn nhân của sa-đích. Sợ, rất sợ những vụ án hình tượng văn nghệ!

- Anh ta đa tình theo nghĩa lăng nhăng thật hay đùa?

- Có cả thảy năm cô gái yêu anh ta, từ năm mười bảy tuổi đến hai mươi sáu tuổi. Nhưng biết đâu, Hiền Lương mới là người đầu tiên và cuối cùng của anh ta! - Hành nói, cố tỏ ra cao thượng.

Hiền Lương đỏ mặt:

- Sáng nay anh đùa quá đáng đấy!

Hành cười, bỗng dưng bâng khuâng. Sau một lúc im lặng, Hành đề nghị lên chùa thăm sư Tâm Tự một lần nữa, nhân thể chào sư.

Hành sắp đi học lí luận, Hiền Lương và mẹ cũng sắp vào lại quê sinh của cô - Thủ Dầu Một. Rồi Hiền Lương sẽ cùng mẹ lên chùa chia tay nhà sư khả kính, nhưng chiều nay, cô cũng xin phép mẹ lang thang lên chùa với Hành.

Khi tiễn Hành ra ngõ, cô nghe anh lại nói tiếp câu chuyện bỏ dở:

- Cuốn tiểu thuyết ấy nghe đâu cũng rất khó được xuất bản. Anh ta sẽ mở một số “khóa”. Những cái “khóa”, tức là những vấn nạn, từ vấn đề hồng hoang, mông muội đến cao siêu, lẫn thiết thực đời thường, kể cả dung tục hiện đại, kể cả chính trị, tôn giáo... Nói chung là ý thức hệ. Và tất nhiên mở cả những cái “khóa” về lịch sử, kể cả lịch sử tư tưởng... Mở tất, những cái khóa “hóc” nhất, để dọn đường cho ý chí tiến thủ, quên đi các mặc cảm quá khứ... Lịch sử đã thuộc về lịch sử... Lớp trẻ có quyền sống, có quyền tiến thủ theo chí hướng riêng, định hướng chung. Và bất kì lứa tuổi nào cũng vậy... Tự do, nhân quyền gắn liền với chân, thiện, mĩ (thật - tốt - đẹp), trong đó có thuần phong mĩ tục của dân tộc, đã được rọi soi bằng ánh sáng khoa học hiện đại. Chân thiện mĩ là chủ nghĩa xã hội Việt Nam, rất Việt Nam, không rập khuôn theo nước nào cả.

Hiền Lương cắn vào môi mình, che giấu niềm xúc động khi nghe ba chữ “rất Việt Nam”. Cô chợt nhìn sâu vào mắt Hành.

- Thế thì... Anh chưa đọc sao biết hết “mục đích yêu cầu” về nội dung tư tưởng rồi?

Hành cười:

- Bạn bè mà! Thành phố Hồ Chí Minh - Quảng Trị đâu xa cách gì nữa! Thư từ, nay có thêm điện thoại...

Hiền Lương đứng nhìn theo dáng cao, gầy của Hành. Đi được mấy bước, Hành quay lại:

- Nhớ chiều nay nghe! Chiều ni (nay)...

Hiền Lương mỉm cười trong nắng, dưới ngõ hoa râm bụt, đỏ và xanh, màu của hoa và lá. Nắng đã gần đứng bóng.

 

 

3

 

 

Nắng trưa hoa cả mắt. Hiền Lương bước vào nhà, lặng lẽ ngồi trước bức tranh ông Hiệu Điên còn dang dở. Cô thấy mình thật đáng xấu hổ. Hiền Lương thở dài, tự trách mình. Chẳng phải là cô đã quá phân tán năng lực của tâm hồn khi vẽ ông Hiệu Điên đấy sao. Nếu sáng nay Hành không đến với ông ấy một lần, có lẽ cô đã chú tâm hết mức, có thể bức tranh đã thành công. Hiền Lương thấy nóng bừng cả mặt, nghe nhịp tim chừng rối lên khi hình dung gương mặt Hành, với giọng nói rất chuẩn của thầy giáo dạy văn và tiếng Việt, với âm sắc cô đã vô cùng quen thuộc, đã nghe từ bé qua giọng của cha cô.

Hiền Lương lại bất giác thở dài.

Tiếng thở dài của cô trùng với tiếng thở dài của Hành. Hành đang đứng trước cửa. Nãy giờ, anh đã quay lại. Thấy Hiền Lương đăm đắm trong suy nghĩ, Hành cũng lặng lẽ chiêm ngưỡng. Hiền Lương đẹp một vẻ đẹp quá chừng gần gũi sao vẫn vô cùng xa xăm. Hành cảm thấy mình chẳng bao giờ có thể với tay chạm khẽ và nâng niu, âu yếm. Những khoảng cách, những hàng rào vô hình sao vẫn trùng trùng đến thế.

Hành đành lên tiếng đánh thức bức tượng có tên Hiền Lương, khi Bông Bưởi ở nhà ngang đang chuẩn bị cơm trưa bắt gặp, bụm miệng cười. Hành đỏ mặt, cố tỏ vẻ tự nhiên.

Khi Hành bước hẳn vào nhà, Hiền Lương cũng vừa đứng dậy bước ra.

- Anh Hành! Ủa... - Hiền Lương bối rối.

- Hiền Lương! - Hành đứng sững.

Hai người trở về với quan hệ chừng như đã được xác lập suốt tháng trời nay: vẫn là tình đồng hương, tình bạn, sau một giây ngỡ ngàng được gặp lại nhau.

Hành mỉm cười:

- Hiền Lương đã uống nước chanh chưa? Suốt buổi sáng bọn mình chuyện trò như diễn thuyết!

Hiền Lương bật cười giòn giã:

- Nhà giáo như anh Hành sao thanh quản yếu thế! Bọn em học ở Sài Gòn, bạn gái, bạn trai cùng lớp, có lần cãi nhau đến khao cả cổ, suốt cả ngày. Về nhà ngủ, sáng mai gặp nhau lại tranh luận tiếp. Ba em cũng thích ăn “cải” lắm, “cải cay” ấy, với bạn bè ba. “Cãi cay” nhưng không nóng!

Hành nhìn Hiền Lương, trìu mến:

- Anh mới về nhà, nhận được cái giấy triệu tập triệu tiếc này, - Hành chìa phong thư có đóng dấu chữ nhật đỏ -, nên chiều mốt, may ra chiều mai mới có thể cùng Hiền Lương lên chùa thăm sư Tâm Tự được. Quá tiếc. Nhưng ngày tê (kia), ... Hiền Lương mới vào mà. Nhưng... nếu không kịp tiễn Hiền Lương và bác...

- Dạ... - Hiền Lương muốn bày tỏ một điều gì đó, song kín đáo ngừng lại, và thoáng nghĩ trong nỗi nghẹn ngào đến bối rối: Chẳng lẽ chia tay thật rồi sao...

Hành lưu luyến, giọng nghèn nghẹn:

- Biết răng chừ (sao giờ)! Thôi, anh về. Cơm đã dọn dưới nhà ngang rồi đó... - Chợt nhớ, Hành nói tiếp -. Vội quá, anh chưa kịp mang sáu tập thơ của bạn anh qua. Còn ông Hiệu, có một số bài báo viết về ông ấy đấy. Ông nội anh có giữ. Hiền Lương chịu khó qua nhà hỏi ở ông nội nghe (nhé).

Hành bước ra, vội vàng. Bông Bưởi đứng ở cửa bên nhà ngang chờ sẵn. Cô bé lém lỉnh:

- Bông Bưởi biết rồi nghe... - Và cười thật giòn.

Hành vừa đi vừa quay mặt đưa tay tỏ vẻ răn đe với nụ cười lấy lòng. Đến ngõ, Hành đứng lại, nhìn Hiền Lương đang ngó ra.

Hiền Lương mỉm cười, lại bất giác thở dài. Cô muốn khóc, vội đi vòng ra giếng, tránh ánh mắt tinh quái rất buồn cười của Bông Bưởi. Hiền Lương múc nước, dấp nước mát lạnh vào mặt. Nắng lóng lánh từng giọt trên gương mặt trắng hồng. Nắng sóng sánh chói mắt trong thau nước. Cô không muốn ai biết cô suýt rơi nước mắt. Hiền Lương cắn vào môi mình để tự trấn tĩnh.

Bông Bưởi cũng chực sẵn sau lưng với một câu trêu có lẽ đượm vị the the, thơm thơm và ngọt lịm trong đầu, những muốn thốt ra ngay. Trong đầu Bông Bưởi, vẫn còn ánh mắt của thầy Hành khi đứng dưới ngõ râm bụt nhìn vào, nhìn nồng cháy, vời vợi vào chị của cô bé, bất chấp sự có mặt của ai lúc đó với tiếng cười trêu nếu có. Bông Bưởi mỉm cười nghĩ, thầy giáo Hành cũng liều lĩnh ra phết đấy chứ. Bỗng dưng, cô bé không muốn trêu chị Hiền Lương của mình nữa. Và rất trẻ con, Bông Bưởi muốn làm khó với thầy Hành, để thầy Hành biết chị mình cao giá thế nào, vả lại, sự có mặt của cô bé này cũng quan trọng lắm chứ! Bông Bưởi đâu biết mình còn trẻ con đến thế. Rồi Bông Bưởi nhớ nụ cười lấy lòng của thầy Hành khi mới bước ra nửa chừng sân, cô bé lại thích thú! Thầy Hành ơi, liệu mà răn đe em đấy nhé! - Bông Bưởi khoái chí chạy vào nhà.

Hiền Lương đứng dậy, với tay lấy chiếc khăn lông vắt ngang sợi dây kẽm. Cô vội vã lau mặt, bước vào nhà ngang cùng Bông Bưởi và thím Cận dọn cơm canh ra bàn. Thím Cận tủm tỉm cười, bâng khuâng nhớ thời còn là con gái chưa chồng của mình.

 

 

4

 

 

Bữa cơm trưa chỉ còn bốn người. Từ sáng sớm, cô Bân đã qua nhà bác Su, ở lại bên ấy, có lẽ tối mới về. Bữa cơm vẫn vui vẻ như thường ngày. Thật ra, Hiền Lương thấy tận sâu trong lòng mình có sự xáo động đến muốn nấc lên, nhưng vẫn cố giữ nét mặt tươi tỉnh.

Cơm xong, Hiền Lương lau bàn, bưng mâm chén ra giếng trong khi Bông Bưởi rót nước chè xanh và lấy lọ tăm cho cha mẹ. Hiền Lương khẽ hát một khúc hát vui trong tiếng chén bát chạm nhẹ vào nhau trắng bọt xà bông. Cô hát rất khẽ, muốn nhờ giai điệu tươi sáng, nhí nhảnh xua đi một vết thương mới cứa vào tim cô. Hiền Lương thật chẳng hiểu nổi mình. Vết thương sông Bến Hải phản ánh vào tâm hồn cô chăng? Cô suy nghĩ mãi về vết thương ngang mình Tổ quốc, rồi chính cô bị vết thương kia chi phối như một ám ảnh không rời? Liệu có phải nỗi cảm xúc hình-như-tình-yêu đối với Hành cũng chỉ khởi phát từ cái tên của cô, cái tên của chiếc cầu đã trở thành biểu tượng lịch sử? Tình cảm cũng là một phức hợp của một tổng hòa nội tâm?

Xong xuôi công việc rửa chén bát, Hiền Lương bước ra mái hiên nhưng sực nhớ chẳng có chuyện gì ở đấy. Hiền Lương vòng ra chái đầu hồi, mắc võng.

Cô không thể không nhớ đến Hành. Cô quý trọng Hành có lẽ bởi chiều sâu trí tuệ và nhân cách của anh. Hành hơi quê mùa nhưng lại cao sang với những tri thức uyên bác, với cách ứng xử chân tình, lịch thiệp không kiểu cách, màu mè hình thức.

Hiền Lương cũng hiểu chính cô. Đôi khi, cô cảm ơn ngẫu nhiên của số phận đã cho cô một nhan sắc và cả một năng khiếu nghệ thuật. Cô đã thấy rõ giá trị của cô qua bao ánh mắt, mặc dù cô cũng tự biết cô chưa hề nổi tiếng, chưa cống hiến được gì. Cô chưa là gì cả nhưng ở tuổi hai mươi hai, cô có những gì bạn bè cô ao ước. Quyết tâm nuôi dưỡng, rèn luyện năng khiếu nghệ thuật với lao động miệt mài cũng là một giá trị.

Nhưng chẳng hiểu sao Hiền Lương cảm thấy trái tim mình bị xúc phạm đến thế khi nghĩ đến tình yêu với Hành, mặc dù chỉ là hình như và mới dự cảm. Tình yêu mến lẫn với niềm tự trọng nẩy sinh cùng một lúc, hình thành làm một. Rõ hơn, tình yêu đương với niềm tự trọng bị xúc phạm do những giá trị xã hội vô nghĩa khiến tình yêu đương ấy bị hoen ố. Tình yêu đương vốn trong sáng hóa ra không trong sáng trước ánh mắt đời vốn đầy định kiến. Tình yêu đích thực không hề có sự trục lợi, dựa dẫm. Người tự trọng phải sống chỉ với giá trị của mình và chỉ được tự hào với giá trị của mình do chính bản thân mình cực nhọc làm ra. Người tự trọng không thể ăn theo hào quang của bất kì ai, kể cả chồng (vợ) lẫn cha mẹ. Sự “ăn theo” quyền lợi chính trị hoặc tiền bạc, danh vọng bao giờ cũng hàm nghĩa đê tiện, tự làm nhục mình. Oái oăm là bao nhiêu người không ý thức được giá trị tự thân, không biết và chẳng thể làm nên giá trị tự thân. Oái oăm là sự đê tiện, tự làm nhục mình, bằng cách “ăn theo” hào quang (phẩm hàm, vàng bạc, sự nổi tiếng...) của người khác, được xem đáng tự hào. Chử Đồng Tử, Tiên Dung bàng hoàng nhìn ra giá trị của nhau sau khi tình cờ trút bỏ tất cả. Hai nhân phận trần trụi nhìn nhau để thấy rõ mình. Hai con người đã trút bỏ hết rồi những giá trị bên ngoài bản thân mình. Nếu trút bỏ luôn được cả thân xác có thể bất toàn, bất túc hoặc tuyệt vời hoàn hảo, họ cũng trút bỏ, để chỉ còn lại duy nhất giá trị của chính mỗi người, những giá trị tự bản thân mỗi người làm ra dẫu khởi điểm không bằng nhau. Đấy là một ảo tưởng? Bất bình đẳng tự nhiên, xã hội là Định mệnh? Tất yếu khách quan? Đạo Nội của dân tộc chống lại Định mệnh - tất yếu khách quan một cách vô vọng? Không. Nhận thức tận giới hạn cuối của tương đối là đã đạt đến tuyệt đối của trí tuệ, tâm hồn. Giai cấp có nghĩa lí gì khi Chử và Dung trần trụi mọi giá trị bên ngoài, ngay manh áo chiếc quần, và ý thức sâu sắc về điều đó tận trong tâm họ. Xóa bỏ giai cấp là một khát vọng nhân đạo - tôn trọng nhân phận.

 

“Làm gì có giai cấp trong máu cùng đỏ,

Làm gì có giai cấp trong nước mắt cùng mặn”.

 

Phật Thích Ca chẳng nói thế sau khi rời bỏ ngai vàng và ngộ đạo đó sao! Mục tiêu cao đẹp của chủ nghĩa cộng sản chẳng phải là vậy đó sao! Biện pháp duy tâm tôn giáo và biện pháp duy vật kinh tế luận chẳng gặp nhau ở mục tiêu cuối cùng đó sao!

Thực tế cuộc đời không phải như ước vọng cao đẹp kia. Hiền Lương thấy cuộc đời không lấy thước đo nhân văn để đo giá trị. Có phải như tài sản tư hữu, lí lịch chính trị là một thứ vật chất thừa kế? Có phải để xóa bỏ nỗi đau pa-ri-a (paria, người cùng khổ), phải rất giai cấp, rất chuyên chính? Pa-ri-a, danh từ được dùng để chỉ giai cấp cùng đinh nô lệ ở Aãn Độ! Cô nghe cay đắng đến nghẹn ngào trước vết thương mới chớm rướm máu trong tâm hồn cô. Không. Hiền Lương cắn răng, tự nhủ, đừng dại gì chuốc lấy tình yêu đương đau xé lòng vì niềm tự trọng rồi sẽ bị xúc phạm. Không. Lòng tự trọng đang bị xúc phạm! Vả lại, giữa cô với Hành còn có quãng cách về chí hướng riêng.

Người nghệ sĩ có ý thức sâu sắc, đầy tự trọng, về giá trị riêng của bản thân, rồi một hôm nào sẽ đến, gõ cửa trái tim cô? Cô đã miệt mài tìm kiếm đến bao giờ? Quả thật, cô đã tìm kiếm và chưa tìm thấy. Nếu tìm thấy, cô sẽ chủ động gõ cửa trái tim anh ấy nữa kia. Cô biết mình thừa tự tin để gõ cửa tình yêu.

Nhưng biết bao giờ? Liệu con người có thể nào tìm thấy người trong ngôi nhà của tâm hồn mình? Sự kiếm tìm tuyệt đối mãi là vô vọng chăng? Yằ tưởng ấy còn quá trẻ con chăng, phù phiếm một cách mộng tưởng chăng?

Khi biết mình còn quá trẻ con, mộng tưởng, cô đã xao xuyến trước Hành chăng? Liệu anh chàng Hành này có dám quẳng bỏ tất cả, cũng như cô sẽ quẳng bỏ tất cả, để đến một nơi nào không còn dấu vết của thân thế chăng? Ở đấy, cô và Hành sẽ bước vào đời với một hành lí là giá trị riêng của mỗi người. Nơi ấy, cũng trên Đất nước yêu dấu này! Cô đã táo bạo biết bao trong giấc mơ lãng mạn giữa trưa rười rượi bóng mát bên chái nhà, nơi gió nam lửa Quảng Trị đã được lọc bằng màu xanh lá. Hiền Lương cả gan húc vào một định kiến khác? Cô liều lĩnh vẽ vời, cô sẽ cùng Hành ngang nhiên đăng kí kết hôn ở phường (xã), tự tổ chức đám cưới, mời cha mẹ, bà con, bạn bè đến dự. Chẳng cần ai chủ hôn! Rồi sau đó, dắt nhau ra đi sau khi để lại địa chỉ. Hai con người này đã tuyên bố thoát li gia đình, mọi ân huệ, khổ đau bởi gia đình. Tại sao không?

Nhưng Hiền Lương thấy mình ảnh hưởng Rô-mê-ô - Giyu-li-ét, bao mối tình cũng mô-típ này. Cô buồn cười. Không. Cô học Sếch-x-pia một cách Việt Nam, một cách Á Đông hơn. Luật pháp Việt Nam hiện hành chấp nhận điều đó. Tại sao không?

Đến lúc này, Hiền Lương thấy cô đã cường điệu tình cảm đến mức hơi vớ vẩn. Mặc dù chợt nhớ đến tình yêu và khác biệt về tôn giáo, Đạo Hồi và Đạo Tin lành - trong Uyên Ương Gãy Cánh của Ka-lin Gi-b-răng -, Hiền Lương cũng thấy tình cảm của mình chưa mãnh liệt, sâu đậm đến mức ấy. Hãy biết dừng lại chỗ phải dừng. Hiền Lương tự hỏi, bản chất thật của một người nữ như cô không thể và sẽ không bao giờ biết tình yêu đương là gì chăng? Không, đừng ăn phải thứ bùa mê thuốc lú của thứ tình yêu cuồng si đến điên dại. Đấy là thứ yêu đương vị kỉ đến cực đoan, bất chấp các loại tình yêu lớn lao hơn, vị tha hơn. Hơn nữa, chẳng lẽ trái tim của cô trở thành vật cản trên con đường sự nghiệp chính trị của Hành - người cô yêu mến! Lí lịch cha, mẹ, thân thuộc của cô là ngụy tặc mà!

Hiền Lương giật mình nghĩ, cô có phẩm chất tâm hồn của nghệ sĩ không? Có phải nghệ sĩ bao giờ cũng quá ngưỡng trong mọi tình cảm mới thật là nghệ sĩ? Cô cảm thấy lo sợ, hoang mang.

Cô yêu Hành, hay chỉ là chút cảm tình quý trọng cộng với sự thách thức cuộc đời - chế định xã hội? Cô chẳng rõ.

Trong con người dịu dàng, đằm thắm Hiền Lương, có lẽ là cả một núi lửa đang sục sôi niềm kiêu hãnh, tự ái, tự trọng xen lẫn với nỗi mặc cảm truyền kiếp đau đớn, thầm lặng và trầm uất. Một người vốn khát vọng chân lí, bị đặt trước những đôi mắt nghi ngờ như họng súng, con người ấy trở thành con thú bị rình rập, giăng bẫy và săn đuổi. Không có gì đau đớn hơn khi con người bị đặt trước một dấu hỏi nhọn sắc như lưỡi câu, như lưỡi hái thần chết.

Biết làm sao được, cuộc đời! Hiền Lương tự bảo, hãy mở to mắt nhìn thẳng vào sự thật cuộc đời, để sống. Không ai có thể chọn lựa cho mình một thân thế, một bối cảnh lịch sử. Mọi tự tôn, tự ti về gia thế đều không xuất phát từ giá trị đích thực của bản thân. Đấy là một thứ tập ấm phong kiến đã bị lịch sử lên án. Đấy là dấu chàm nô lệ bị đóng vào số phận tự lúc phôi thai cũng đã được lịch sử giải phóng. Lí lịch gia thế bị biến thành rào cản để bảo vệ lợi ích cá nhân và cục bộ. Biết làm sao được, cuộc đời!

Hiền Lương có thật yêu Hành không, hay đấy chỉ là một thứ trục lợi, dựa dẫm? Nếu cô vô thức thuận theo chủ trương phân sáp (chia ghép) của triều Nguyễn ngày xưa, sao cô lại yêu Hành, nhà chính trị tương lai! Hiền Lương ý thức sâu sắc thế hệ cô đang sống giữa một giai đoạn lịch sử mà mọi thứ tài năng, phẩm chất đều thứ yếu! Cảnh giác chính trị là trên hết. Hãy biết rõ sự thật để bình tâm sống. Nhưng đừng đánh đắm cuộc đời mình. Mỗi người chỉ có một cơ may được sống duy nhất một lần... Cô hoang tưởng bị bức hại rồi chăng?!

Hiền Lương tự hỏi, sao cô tự độc ác với cô đến vậy, tự hành hạ và đay nghiến mình đến vậy, tự đứng trước mắt nhìn như họng súng, tự buộc mình trước câu hỏi như lưỡi câu, như lưỡi hái thần chết? Bên ngoài hay tự trong tâm cô, niềm bi thiết ấy? Sao cô nỡ biến tình yêu mới chớm thành một thứ thủ đoạn đê mạt, khốn nạn đẫm mùi máu Mỵ Châu và cái chết đáng đời Trọng Thủy? Cô “tự sát” hay “bị bức tử” trước những nghi ngờ, rình rập? Cô sẽ bị giết nhân phẩm - sinh mệnh đạo đức? Cả thân xác cô cũng chết vì những vụ thủ tiêu dàn cảnh? Cô bị cảm ứng bởi thứ bệnh bức hại cuồng? Cô đã nghe chính Hành kể một vở kịch cương viết lại một sự thật về một y sĩ nhạc sĩ bị chứng bệnh ấy. Có lẽ không phải hoang tưởng bị đóng kịch, mà bị đóng kịch thật. Vở kịch như một răn đe, một chốt khóa, một li gián?

Nhưng hãy vui, Hiền Lương ạ. - Cô tự nhủ.

Nhìn lên những lóe nắng chói lòa xuyên qua tán lá luôn bị gió lay đập đến oằn oại, thỉnh thoảng lá thưa ra để lóe nắng ấy chớp lóa, Hiền Lương nghĩ đến điều cô đang nghĩ. Con người chẳng thể vô tư như cây lá. Được làm người, sinh vật cao cấp nhất vì biết suy nghĩ, chẳng vô tư, là mang một sứ mệnh... Dẫu sao đây là thời đại đáng sống nhất, đau đớn đến quằn quại vẫn đáng sống. Thời đại này có nhiều điều để ngẫm nghĩ hơn bất kì thời đại nào.

Cô lại giật mình, nếu Hành biết những ý nghĩ khủng khiếp này, anh ấy sẽ rợn gáy hay mỉm cười an nhiên? Và bất giác cô nghĩ :... nhưng liệu xã hội cho những người tự trọng, như chính Hiền Lương luôn luôn nuôi dưỡng ý thức tự trọng, làm nên sản phẩm thể hiện giá trị tự thân không?

 

 

5

 

 

Hiền Lương bước vào phòng mẹ con cô đằng sau chiếc tủ đứng. Cô lặng lẽ ngắm lại bức tranh vẽ về nghĩa trang liệt sĩ làng cô cùng với nghĩa trang Hàng Dương và nghĩa trang Trường Sơn.

Như một người nhập đồng trong cảm xúc, cô nhìn ra khung cửa sổ mở ra vườn sau.

Cô thấy ý tưởng mới lóe lên có gì đó xúc phạm, nhất là xúc phạm đến người đã mất.

Cô đã từng đọc kinh, xem lễ trong những ngày lễ các Thánh tử vì Đạo. Có những vị “Thánh” chống triều đình Lê - Trịnh, chúa Nguyễn và triều Nguyễn, đặc biệt là trong thời Minh Mạng đến Hàm Nghi, và cả “Thánh” chống cộng được Va-ti-căng phong thánh, mặc dù các vị “Thánh” này bị triều Lê - Trịnh, triều Nguyễn (thời còn giữ được độc lập) và bị Cách mạng lên án là đầu sỏ bạch quỷ hoặc tay sai của giặc! Rồi còn bao vị Thánh đã chết vì lí tưởng bảo vệ đức tin Ki-tô hữu? Họ chết trong đức tin, khoa học đã chứng minh chỉ là đức tin sai lầm. Và liệu có phải chỉ thuần túy đức tin  tôn giáo, không mảy may là thực dân hoặc bị thực dân lợi dụng?

Và những nhà tư tưởng, nhà văn, nhà vật lí, sinh học... bị chết bởi pháp đình Thiên Chúa giáo. Vì tiến bộ của Trái đất, loài người, họ hi sinh.

Rồi những “anh hùng tử sĩ”, dưới trướng các tổng-thống-ngụy, -chưa-một-ngày-chống-Pháp, -thậm-chí-là-tay-sai-của-Pháp, -lại-chịu-làm-bù-nhìn-của-Mỹ, cũng từng được đặt tên cầu, tên đường phố.

Và những chiến sĩ hi sinh vì sự nghiệp cứu nước, chống Pháp, Nhật, Mỹ, Tàu, Khơ-me Đỏ... và giải phóng dân tộc thoát khỏi quan hệ sản xuất bóc lột và bị bóc lột ở ruộng đồng nông thôn, ở nhà máy phố thị, thoát khỏi chủ nghĩa ngu dân tôn giáo dạng cuồng tín, chống lại chủ nghĩa yêu nước, thoát khỏi văn hóa thực dân mới...

Những cái chết, những hi sinh...

Không phải Hiền Lương, mà chính thời đại đã bừng sáng các tiêu chí để định giá. Cô rùng mình kinh hãi. Quả là vẽ đề tài nào, chính đề tài ấy lại khắc sâu trong cô như một ám ảnh. Từ một ấn tượng trực quan, có thể tình cờ thôi, trở thành một dự định nghệ thuật, rồi càng vẽ càng bị khắc sâu. Sao cô cứ trở đi trở lại ý nghĩa của cái chết. Phải chiêm nghiệm cái chết khi mới hai mươi hai tuổi, tuổi chưa được sống với đời ấy ư? Chết, một vấn đề triết học lớn lao. Mọi tôn giáo là gì, nếu không là suy nghiệm về cái chết? Mọi thứ triết học nếu được gọi là nhân bản, không thể không suy tư về cái chết, cho dẫu rất tránh nói về siêu hình của cái chết như Khổng giáo. Mọi cái chết cho lí tưởng xã hội đều đẹp, đẹp nhất. Nhưng chân lí là đâu? Chân lí không phải là ước lệ, là quy định tạm thời. Không thể có hai chân lí phổ quát đối nghịch. Không thể “bên này dãy Pi-rê-nê là chân lí, bên kia là sai lầm” nếu suy nghiệm về loại chân lí thuộc cấp độ phổ quát, ở dạng thuần lí. Ai đó chẳng nói “những tư tưởng lớn thường gặp nhau” đó sao? Ai đó cũng từng nói “đồng quy nhi thù đồ” - mặc dù khác con đường nhưng sẽ gặp nhau ở đích đến - đó sao? Vâng, động cơ và mục đích có thể gặp nhau, nhưng chân lí và con đường thực hiện chân lí phải loại trừ nhau...

Hiền Lương rùng mình khi nghĩ Chúa, Phật, Khổng, Lão bị quật đổ, bị đấu tố, Giê-hô-va hay Ông Trời bị chứng minh là quỷ dữ. Những vấn đề cũ rích vẫn khiến cô rùng mình. Các nước xã hội chủ nghĩa phê phán tôn giáo thường xuyên, công khai, trên sách báo, trong nhà trường. Ở Phương Tây, rồi ở Miền Nam trước bảy lăm cũng rộ lên phong trào vô thần, hiện sinh vô thần (Sác-tơ-rơ, Ca-muy...), siêu nhân vô thần (Nít-sơ), cả thiền học dấn thân nhập thế vô thần...

Đâu là chân lí? Cô đã rõ. Sao cô cứ bị ám ảnh bởi những nhát búa đập vào tượng thờ? Sao cô cứ trở đi trở lại như một ám ảnh không nguôi? Không, vấn đề hóa ra lẩm cẩm đến càm ràm dai dẳng là vấn đề bị chân lí hay sai lầm chọn lựa, hay chủ động chọn lựa chân lí hoặc sai lầm. Cả sư Tâm Tự, cả ông Nộp, ông Hiền, cả chú Học, o Ngoan, cả ba và mẹ cô, cả Hành và cô, ai đã chọn lựa trong tư cách chủ động chiếm lĩnh chân lí hoặc sai lầm ngỡ là chân lí? Cô Bân và Hiền Lương chẳng cười đến sặc sụa, cười trào nước mắt trước câu nói của ông Hiệu Điên đó sao: Giá như Bác Hồ chọn Miền Nam sau bốn lăm và từ năm tư.

Hiền Lương chợt nhớ một trang sổ tay, năm kia cô đã ghi chép. Trang giấy nhỏ với những nét chữ của cô bỗng như đã in vào trí nhớ tự bao giờ, lúc này hiện ra rất rõ trong suy tưởng: Sở dĩ Bác Hồ chọn Miền Bắc Việt Nam là vì ngoài ấy có vị trí địa lí - chính trị thuận lợi: a) Núi rừng Việt Bắc là căn cứ địa kháng chiến tốt; b) Miền Bắc tiếp giáp với Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, một hậu phương lớn thuộc khối cộng sản. Miền Bắc nước ta, xét về yếu tố địa - chính trị, cũng tương tự như Bắc Triều Tiên (Nước Cộng hòa nhân dân Triều Tiên). Và cũng hiện ra rất rõ trong trí nhớ Hiền Lương một trang sổ tay khác: Nước ta đã nhiều lần bị chia cắt: a) Nam - Bắc triều (Trịnh - Mạc phân tranh, 1527 - 1592, ranh giới: Thanh Hóa - Sơn Nam); b) Trịnh - Nguyễn phân tranh (1592-1786, ranh giới : sông Gianh); c) Đại Nam độc lập - Nam kì thuộc Pháp (1862 - 1885, ranh giới: núi Thần Quy, còn gọi là núi Thần Mẫu, ở giữa Bình Thuận - Biên Hòa); d) Miền Bắc độc lập - Miền Nam bị tạm chiếm (1954 - 1975, ranh giới: sông Bến Hải, sông Thạch Hãn).

(...)

Hiền Lương thấy mình nhảy cóc trong suy tưởng. Cô thấy mình đã mệt mỏi. Cô trượt từ vấn đề này sang vấn đề khác với những quãng quá xa!

Thật ra, trong nghiên cứu lịch sử, người ta có quyền đặt ra những “giá như” để định giá một hành vi chính trị. Lịch sử là chuyện đã rồi nhưng không phải là chuyện đã rồi. Trong bối cảnh cụ thể - lịch sử ấy, hành vi chính trị nào là tối ưu, và có cần thiết phải như thế. Cứu cánh không thể biện minh hết cho phương tiện.

(...)

Phải lên án chủ nghĩa Tào Tháo và chủ nghĩa Ma-ki-a-ven...

Hiền Lương vẫn ngoan cố với chính cô. Không, phải biết lẽ chết để hiểu lẽ sống... Cô quá trẻ con, buồn cười, chả hiểu gì về địa - chính trị!?

Không biết có phải là sự bù đắp về tâm lí không, cô được hưởng niềm vui của người sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật. Cô thấy bức tranh về nghĩa trang liệt sĩ của cô có một chiều sâu hơn trước, mặc dù bức tranh vẫn cứ thế, chưa thêm bớt nét nào. Một cảm giác tâm lí đầy ảo tưởng? Một thứ nác-xi-xít (narcissisme) tội nghiệp của nghệ sĩ đầy lao tâm khổ tứ, tự say mê không phải bóng hình của chính gương mặt da thịt mình, mà tự say mê tư tưởng và cảm xúc của chính mình, được thể hiện bằng tài năng của chính mình? Cô hồn nhiên sung sướng! Có lẽ cô hơi điên trong giây phút này.

Đã hai giờ xế trưa ngả chiều, Hiền Lương phải qua nhà ông Hiệu Điên. Vừa ân hận, cảm thấy mình thật đáng trách bởi sáng nay bị Hành ít nhiều cuốn hút, rất đáng xấu hổ, vừa tiếc rẻ bức tranh ông Hiệu Điên còn dở dang, Hiền Lương thay áo quần, xin phép chú thím và bước ra ngõ.

 

TXA.

 

CƯỚC CHÚ chương X: không có cước chú.

 

 

( xem tiếp chương XI )

 

 

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/29/09                                                                   

Trở về trang chủ

 

 

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE