Trần Xuân An - Chùm thơ thứ hai về Gia Lai

Trần Xuân An

CHÙM THƠ THỨ HAI VỀ GIA LAI

(4 bài)

 

Bài 5

TỪ TÂY NGUYÊN

GỬI ĐỒNG BẰNG CỬU LONG

 

Kính tặng anh Trúc Phương (nhà văn)

 

tưới xuống, đặt vào bầu rỗng ngát

cuộn tròn, trong lóng trúc, óng ngời

gửi Pô Kô, thơ thơm rượu núi

gửi Bla, thơ đọng sương trời

 

đã sông Đà, Đồng Nai, khắp nước

giờ đây, góp sáng với Sê San

Yaly, bậc thang phát điện

xuôi Mê Kông, Tiền Giang, Hậu Giang

 

chiếc bầu, ống trúc đều về biển

dù sương dù rượu cứ say đời

thơ sẽ mưa về hồ Phố Núi

trăm rộng thu vào mỗi nhỏ nhoi

 

nhưng đó là đùa và nói dóc

thơ in sách báo, mạng trên không

có bưu cùng điện Sê San chuyển

từ Tây Nguyên về toả Cửu Long.

 

Pleiku – Kon Tum – TP.HCM.,

4 & 5 HB12

TXA.

 

 

 

 

Bài 7 

MÙA VE, GẦN VÀ XA

 

ở Sài Gòn vắng thiên nhiên

trầm kha nỗi nhớ quê nhà

có người lặn lội ngót ngàn cây số

quần áo cũ nhàu, duy máy ghi âm rất rõ

về thâu mùa Huế đang hè –

râm ran tiếng ve

và nhịp tim mình, bổi hổi

 

mẩu kí ức ấy trôi về

tuổi học trò sôi nổi

trôi về cả những tháng à ơi sơ sinh

trong khoảnh khắc gần trưa

vàng nắng chung chiêng

từ năm nào, ngang qua Rừng chùa Gò Dưa

thanh thoát chuông ngân, vọng sâu nhịp mõ

Rừng chùa Gò Dưa

bắt chợt nhạc ve bổng trầm, thi thoảng chao đưa

nắng bừng tươi, rợp gió

muốn reo lên, cùng đôi mắt ngó nghiêng

thành phố Hồ Chí Minh, thêm vạn cột đèn xanh đỏ

chưa mất hẳn thiên nhiên!

 

dăm băng đĩa nhạc ve với nỗi nhớ

nỗi nhớ kinh niên

không phải tay người trong chuyện kể kia

chính đất trời mở ra trên Phố Núi

ven hồ Đức An – Diên Hồng

bên cây đa thẫm lá ngước trông

bên mái đầu suy tư liễu cúi

bên cư dân Pleiku

sớm chiều luyện chân không mỏi

bên dăm du khách

lắng chìm trong âm thanh Phố Núi mùa hè

suốt đời thương nhớ tiếng ve

 

trưa Phố Núi, hướng về hai quê

Huế quê sinh, thành phố Hồ Chí Minh, quê ở

người trong mẩu chuyện kia, tôi bỗng nhớ

và với Pleiku, Diên Hồng bừng thức âm thanh mùa hè

 

nỗi bệnh thiếu thiên nhiên kia

kể cho hồ Đức An – Diên Hồng nghe

khi trong quán Hạ Vàng

nhâm nhi tách cà phê đen quánh

anh em tứ xứ ngồi bên cạnh

không quên âm sắc mỗi quê nhà

trong tiếng ve, gần và xa.

 

Pleiku, tháng 4 – TP.HCM., 08 – 5 HB12

TXA.

(Bài thơ "Mùa ve, gần và xa", đã đăng ở Tạp chí Sông Hương, số 301, tháng 03-2014)

 

Bài 8 

NHỮNG TẦM MẮT CỦA TÔI Ở GIA LAI

 

Trân trọng tặng cô R'Cơm H'Klers,

hướng dẫn viên của Cty Gia Lai C.T.C

 

với tầm mắt sớm mai

mái Trường Sơn tây, mái Trường Sơn đông

đèo Mang Yang, cổng trời – Ngọc Linh, đỉnh nóc

dáng Nam Á

không ngẫu nhiên trên trống đồng

càng thấm hiểu khi đứng trước nhà rông

khi nhìn sông Đắk Bla

ngược chiều, đổ dốc

khi trông sông Ba

xuôi về biển cả mênh mông

 

với tầm mắt ban trưa

nhà rông có phải thuyền buồm không?

giữa đại ngàn

thung lũng núi đồi như cuộn sóng

bão táp xa xưa

hẳn dừng lại trước tiếng chiêng cồng

chạm Mang Yang, bão trượt lên trời, thành hư không

chẳng tình cờ

ngôi đình người Kinh thấp đi và mở rộng

vì bão thông thống miền xuôi – bờ biển, ruộng đồng

 

với tầm mắt buổi chiều

đứng lặng trước Đền Hùng

mang dáng dấp nhà rông

nhà rông xây bằng chất liệu đình làng, gạch vữa

nữ thần mặt trời, kiếm cung vàng thắm sắc đồng

sắc thắm mười tám đời Văn Lang

đúc đồng giáp khố, tên nõ thần công

từ một góc Đồng Xanh cao nguyên

bạt ngàn hương lúa

đất nước chan hoà, tự chiều sâu tấm lòng

 

với tầm mắt nửa khuya

tôi lại nhìn

bằng tầm thấp lóng lánh hạt sương

sớm mai trong

bằng tầm cao ngời ngợi mặt trời

giữa trưa rực sáng

bằng tầm trung tim tím ngôi sao

chiều hôm hồng

và bên bờ hồ Đức An, đôi mắt chong

với ánh lửa thơ ca, tôi nhìn vào tâm thức lắng

bằng tia nhìn của xưa sau ước mong.

 

Pleiku, tháng 4 – TP.HCM., 08-5 HB12

TXA.

 

 

 

 

 

 

Thông tin trên TTTĐT. Hội Nhà văn TP.HCM.:

"NVTPHCM - Sáng ngày 20.4.2012, đoàn nhà văn TP.HCM gồm 15 nhà văn, nhà thơ đã có mặt tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai để tham dự Trại Sáng tác văn học do Hội Nhà văn TP.HCM kết hợp với Công ty cổ phần Văn hoá - du lịch Gia Lai tổ chức, nhằm đem tới những sự hiểu biết sát thực và cần thiết cho các trại viên về văn hóa, địa lý, con người, kinh tế, đời sống, các dân tộc, cộng đồng… của Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. 

Các thành viên trong đoàn, gồm các nhà văn, nhà thơ: Xuân Trường (trưởng đoàn), Phạm Sỹ Sáu, Đặng Nguyệt Anh, Nguyễn Ngọc Khương, Thanh Yến, Nguyễn Vũ Tiềm, Nguyễn Xuân Châu, Trần Xuân An, Trúc Phương, Chu Quang Mạnh Thắng…" và cán bộ Văn phòng Hội Nhà văn TP.HCM.: Hoàng Bá Tòng.

Xem tiếp:

Bấm vào đây

http://www.nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc/tin-van/doan-nha-van-tphcm-den-voi-gia-lai.html

 

 

 

Bài 6 

Ở CỬA KHẨU LỆ THANH

 

xe qua mốc biên giới kia

nhấp ngụm bia Cam-pu-chia, đậm đà

lần đầu trong nước, bước ra

nên say say chút ngà ngà đây nghe!

 

thấy am thiên dưới nắng hè

giống chùa thân mật Khmer Sài Gòn

xin gần, bấm máy ảnh con

lại quanh hai thớt bàn tròn, nâng li

 

đất bên nước bạn khác chi

thử nghe hoa trái có gì lạ hơn

nâng cao đĩa, ghé môi hôn

gốm ghi chữ phạn thương hồn trang kinh

 

hít hương trời – đất vào mình

chia tay, tay chắp lặng thinh, vẫy chào

quên Đức Cơ ở hướng nào

nửa giờ “xuất cảnh”, nao nao, lại về!

 

Đức Cơ, Gia Lai, 24-4 HB12

TP.HCM., 5 HB12

TXA.

 

 

Hình chụp tại biên giới Việt Nam - Campuchia

(cừa khầu Lệ Thanh và trên đất tỉnh Rattanakiri):

 

H.1  |  H.2  |  H.3  |  H.4  |  H.5  |  H.6   

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE