Trần Xuân An -- 30-4, triệu vui, triệu buồn, vậy có thơ biểu ngữ rằng...

Xem ảnh chữ lớn hơn

CÂU HỎI SAU BA MƯƠI CHÍN NĂM

Trần Xuân An

tháng tư, đỏ đôi bờ sông tuyến

biển lại vàng thuyền ghe vượt đi

nay một ngày, minh oan lịch sử

sáng Nam – Bắc, sách muôn trời ghi?

01:30 – 02:45

25-04 HB14 (2014)

T.X.A.

Xem ảnh chữ lớn hơn

ĐIỂM NÓNG CHIẾN TRANH LẠNH

Trần Xuân An

hai miền Việt Nam như hai bàn tay

mấy mươi năm mê dại, vỗ vào nhau tóe máu

tát vào Hai Khối say cơn cuồng bạo

thắng thua thua thắng, ta cùng nhân loại tỉnh chưa?

03:45, 29-04 HB14 (2014)

T.X.A. 

Xem ảnh chữ lớn hơn

30-4, nỗi danh dự máu xương thuở ấy...

TỪ CHỐNG NGOẠI XÂM ĐẾN HAI KHỐI...

Trần Xuân An

xương trắng 

ngót ba mươi năm (*)

quan quân chống xâm lăng

không ngừng ướt máu kẻ sĩ, thường dân

sáu mươi năm tuôn chảy

lại ba mươi năm máu xương

giữa hai luồng

của ngàn sông: ngàn vực xoáy

Quang Trung nào 

phải mất thêm mười năm biên giới Bắc, Tây Nam

máu xương gọi máu xương thức dậy

cũng chỉ chữa liền da 

vết thương Hiền Lương?

lịch sử còn trông mong Quang Trung nào 

sẽ chữa lành nỗi đau 

Hoàng Sa, Gạc Ma quằn quại?

sẽ chữa lành 

nỗi danh dự máu xương thuở ấy

vẫn còn nhức nhối Miền Bắc – Miền Nam?

08:30 – 09:47, 30-04 HB14 (2014)

T.X.A.

(*) Các giai đoạn lịch sử trong bài thơ: 

1858-1885-1888, 1885-1945, 1945-1975, 1975-1989…

NHỚ VÀ MỪNG 

CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN 1954

Trần Xuân An

vắt cơm chiến hào đắng mùi Đại Hán

cố nuốt vào, làm chiến thắng Điện Biên

hiểu oan máu Việt Nam mình phân hóa

hương nhớ hoa mừng xin trọn thiêng liêng.

09:01 – 09:34, 02-05 HB14 (2014)

T.X.A.

&

Trần Xuân An - Màu sắc di tích Hiền Lương (thơ) -- 31-03 HB14 (2014)

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/txa-mau-sac-di-tich-hien-luong

Các nhân vật trong hai trích đoạn tiểu thuyết dưới đây, với những tâm tư, suy nghĩ và đối thoại của họ, có thể còn thô mộc, giản đơn, có khía cạnh còn sai sót, nhưng thực chất họ đã chạm đến cốt lõi của cuộc chiến tranh mà biểu tượng là vết thương lịch sử cầu Hiền Lương 1954-1975, cùng những năm tháng dài trước cũng như sau đó (trong bối cảnh Chiến tranh lạnh giữa Hai Khối, ... 1945-1991). Phần cốt lõi đó chưa chắc những trí thức với bằng cấp đầy mình đã nắm bắt, thấu hiểu cho dù từng nhiều lần trông thấy, nghe được, đọc tới. Các nhân vật buộc chúng ta phải động não thêm.

T.X.A.  

TRÍCH TIỂU THUYẾT "MÙA HÈ BÊN SÔNG" (chương V):

"... Có vài câu ông Nộp thường xuyên nói, khi thì như quát lên cho con cháu, xóm làng nghe, nhưng không dám quát to, và chỉ quát lúc một mình, thành ra không ai nghe thấy cả, khi lại lầm thầm một mình như tự nhủ. Hình như đó là những câu thần chú cứu khổ cứu nạn cho đời ông: "Phản phong, phản đế, phản thần! Chống quân chủ, phong kiến; chống thực dân, đế quốc; chống duy tâm, hữu thần! Tui thua Cách mạng lâu rồi, thua ông Hiền, chú Học lâu rồi. Suốt cả cuộc đời thằng ngụy Nộp ni theo giặc Pháp, giặc Mỹ thiệt, cũng có chịu lụy cố đạo "thập ác" cho qua thời, qua buổi thiệt. Bởi vì theo hai thằng giặc Pháp, giặc Mỹ nớ cũng như theo hai thằng giặc Nga Sô, giặc Trung Cộng thôi. Phía mô cũng giặc. Bởi vì chịu lụy "tả đạo" thì còn đình, còn chùa, còn lư hương, bát nước thờ cúng ông bà, tổ tiên, chứ theo Đảng vô thần, giặc vô thần thì mất sạch sành sanh, mất nước mất non, ruộng đất thì chung chạ sinh bậy bạ, lại mất cả hồn cả vía, ông bà không nhang không khói, lại đặt mấy thằng mắt xanh mũi lõ với mấy thằng chệt Mác - Lê - Mao trên đầu trên cổ của cả dân tộc, nhục đến rứa làm răng sống nổi! Xóm làng ai hiểu cho thằng ngụy Nộp ni thì hiểu, con cháu đứa mô hiểu cho thằng cha ngụy, thằng ôông ngụy của bây thì hiểu".

Mỗi lần quát một mình, không dám quát to vì sợ bị tù, mặc dù rất muốn cho xóm làng, cháu con nghe thấy để thông cảm, hoặc khi lầm thầm trong miệng như niệm thần chú, ông Nộp thường trào nước mắt, đôi lúc khóc ồ ồ rất thảm. Tuy vậy, cán bộ xã cũng biết! Có lắm lần chú Tập, bí thư xã, trách ông Nộp già rồi mà còn bệnh ngoan cố! Nhưng chú Tập hiểu đó là nỗi bệnh đâu chỉ riêng ở ông Nộp, mà của cả một cuộc chiến tranh dài dằng dặc, từ Xô-viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931) cho đến mãi sau này. Chú Tập ôn tồn bảo: "Chừ đình làng, chùa chiền, ban thờ tổ tiên với lư nhang bát nước, mọi thứ chi của ôông cũng đều có cả rồi. Rứa mà ôông còn nói ri, nói tê, tui không chịu trách nhiệm mô nghe. Ôông còn quát một mình, còn lầm bầm trong miệng như rứa nữa, thì chính ôông phải lên công an huyện để tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đó!". Nói vậy, có điều chú bí thư Đảng uỷ xã cũng biết ông Nộp tuy sai điểm này, nhưng không phải không đúng điểm nọ, nên chú Tập không khỏi cảm thấy đau đứt cả ruột. Đau đứt cả ruột, nhưng chú Tập cũng bực bội không kém. Chú rủa ông Nộp trong bụng: Lão ngụy cứ ngụy biện!

Có một lần, đau lòng, bực óc quá, chú bí thư Đảng uỷ xã định mời ông ngụy Nộp lên trụ sở để đả thông tư tưởng, nhưng rồi đích thân chú đạp xe đến nhà ông Nộp phía sau vườn đình làng.

Chú Tập nói cho dù ông Nộp chối:

- Tui biết ôông quát, lầm bầm những điều chi rồi. Nhưng ôông với chế độ ngụy đã làm được cái chi, hay chỉ làm nhục hai chữ Việt Nam? Ôông thử trả lời cho tui rõ: Ai đánh Pháp thắng lợi? Ai góp phần đánh Nhật thắng lợi? Ai đánh Mỹ thắng lợi? Ai đánh "tả đạo" thắng lợi? Ai đánh Trung Quốc bành trướng thắng lợi? Ai đánh Khơ-me Đỏ thắng lợi?

Ông Nộp cúi đầu, đáp, nhưng không dám nói hết ý nghĩ:

- Dạ, đó là nhờ ơn Cách mạng của Bác Hồ vĩ đại. Nhưng... Trước đây, rõ nhất là năm 1973, tui chống Trung Quốc của Bác Mao, vì Bác Mao xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa của mình. Trước đây tui chống Nga Sô vì Nga trực trị mười hai nước trong Liên Sô, gián trị nhiều nước chư hầu ở Đông Âu... Các nước bị Nga Sô trực trị bây chừ đã tuyên bố độc lập rồi! Đài, báo ở nước mình cũng đã đưa tin, bình luận. Tui là ngụy, dám mô quát, dám mô lầm bầm điều chi trong miệng!

Nghi ngờ sự thành thật của ông Nộp, nhưng dẫu sao cũng là chuyện đã rồi, nghĩ vậy, và đã chuẩn bị ý tưởng, chú bí thư xã lại chậm rãi nói:

- Ôông trả lời những câu hỏi của tui đúng, và biết nói "nhờ ơn Cách mạng của Bác Hồ vĩ đại" là được rồi. Ôông phải biết, Cách mạng của Bác Hồ đã làm nên những chiến thắng lừng lẫy địa cầu, hiển hách nhất lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc mình! Còn những vướng mắc của ôông, tui trả lời cho ôông rõ, là ri đây: Nga Xô, rồi Liên Xô... - Chú Tập bỏ dở câu nói để giải thích cách phiên âm của hai miền Nam - Bắc: sô-viết hay xô-viết chi thì cũng như nhau -. Tui nói lại, Nga Xô, rồi Liên Xô và Trung Quốc đều có cái bậy của họ, nhưng họ bậy thì kệ họ, họ giúp Cách mạng chống đủ thứ giặc là tốt rồi. Ôông đồng ý không?

- Dạ thưa, tôi đồng ý, nhất trí từ lâu rồi.

Đưa ánh mắt dò xét với sự nghi hoặc vào gương mặt nhăn nheo, râu ria bạc trắng của ông Nộp, nhưng cũng từ lâu rồi chú Tập hiểu rằng không thể thuyết phục người khác bằng những gì bản thân chú cũng rất băn khoăn, đau lòng, nhức óc. Chú bí thư xã buột miệng:

- Có phải là ôông sợ cấp uỷ, chính quyền xã và công an huyện, nên ôông chấp nhận như rứa, chứ trong bụng ôông nghĩ khác?

Ông Nộp hơi giật mình, vẻ mặt trở nên âu lo, sợ sệt, lắc đầu quầy quậy:

- Dạ, không... Thật lòng tôi đồng ý, nhất trí từ lâu rồi.

Chú Tập cũng chẳng biết nói gì hơn, vì những điều còn lại, ngay chính chú là bí thư nhưng cũng bí lí. Thật lòng nhờ chính những gì ôông Nộp quát một mình, lầm bầm một mình, ban an ninh xã rình nghe được, báo cáo lại, chú mới thấy lão ngụy này không theo Cách mạng mà theo giặc Pháp, Mỹ, thì cũng có cái lí của ngụy. Đặt ảnh tượng mấy thằng mắt xanh mũi lõ với mấy thằng chệt Mác - Lê - Mao trên đầu trên cổ cả dân tộc là thế nào! Dẹp đình làng, dẹp chùa chiền là thế nào! Bác Hồ vĩ đại không thờ cúng cha ông, tổ tiên chi cả là thế nào! Còn cờ đỏ sao vàng, cũng là cờ Liên Xô trích ra... nữa, là thế nào! Nhưng quả thật, sự thật phơi bày giữa hiện thực sờ sờ vốn là như thế! Chú Tập thấy bực óc, đau lòng thật. Và chú Tập còn biết rằng, mấy tay ngụy cũ như lão Nộp hiện giờ vẫn còn giữ nguyên trong đầu óc luận điệu ấy, lại còn kết án Cách mạng của Bác Hồ, chứ chẳng biết ơn chút nào, thậm chí còn oán trách rằng, nếu Cách mạng của Bác Hồ đừng sùng bái theo kiểu nô lệ các tên lãnh tụ Tây Tàu Mác - Lê - Mao - Xít-ta-lin với lại lốp sốp, lép sép gì đó, uỷ ban cách mạng Nghệ - Tĩnh thì cứ uỷ ban cách mạng Nghệ - Tĩnh, đừng xô viết xô vét gì đó, nghe sặc mùi lai căn, sặc mùi Nga La Tư, chẳng khác gì bọn rước voi về giày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà Trần Ích Tắc, thì bọn ngụy chúng nó chẳng thằng nào đi lính ngụy cả, mà cả nước này đều theo Cách mạng của Bác Hồ tất thảy, và chiến tranh không kéo dài đến vậy, máu xương không chất ngất, lênh láng đến vậy. Chú bí thư xã biết rõ, có những tay ngụy cũ còn bảo với nhau: Mấy lão Cách mạng với lũ ăn theo Cách mạng cần phải mở mắt ra, nhìn các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ la tinh mà xem, để đối chiếu về sự mất nước của họ, nền độc lập của họ, nền tự do, dân chủ của họ, chứ mấy lão Cách mạng đừng ếch ngồi đáy giếng, xem trời bằng vung. Bọn ngụy láo xược thật! Mặc dù chúng tự thừa nhận chúng là ngụy đích thực, đành phải theo thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thật, chịu lụy "tả đạo" thật, nhưng lại dám bảo nhau thế đấy về Cách mạng của Bác Hồ! Có những kẻ còn cam đoan chúng chỉ nương theo chiều gió, kiểu nhu đạo, để lợi dụng ngược bọn Pháp, Mỹ, tả đạo, trước mắt nhằm đối phó với cộng sản vô thần Bắc Việt và cả với quan thầy của Bắc Việt là Nga Sô, Trung Cộng, sau đó mới quật lại Pháp, Mỹ, tả đạo! Luận điệu của ngụy là thế! Nhưng lấy cái gì để cải tạo, thuyết phục được bọn ngụy cũ, nếu không bằng sự thật lịch sử và hiện thực đã chứng kiến, đang ngó thấy? Chẳng lẽ thực tế nhất, hiệu quả nhất theo kiểu thực dân, đế quốc, phát xít, đó là dùng bạo lực nhà tù, trại cải tạo, thủ tiêu để trấn áp, khoá miệng? Hay vẫn theo câu "ranh ngôn" nào đó khá mỉa mai, là chân lí, sự thật lịch sử thuộc về kẻ mạnh, muốn vo tròn, bóp méo thế nào là tuỳ? Thế thì làm thế nào học tập được Nguyễn Trãi: Bệ hạ làm thế nào cho tận nơi thôn cùng xóm vắng không còn tiếng hờn giận, oán sầu... Tư tưởng và chương trình hành động thân dân, yên dân như thế mới là gốc của mọi gốc. Ấy là nền tảng của thái bình thịnh trị lâu bền và của chính nghĩa đích thực, sử sách nghìn thu ca ngợi, hậu thế tự hào. Nhưng hiện tại làm thế nào theo Nguyễn Trãi nổi? Lê Lợi, và trước đó, Trần Hưng Đạo, làm nên chiến thắng hiển hách, có cần ngoại viện nào đâu, nịnh hót lãnh tụ nước nào đâu? Ồ, thời thế khác nhau chứ, gươm đao giáo mác cổ xưa với tên lửa tầm xa, máy bay phản lực, ra đa các thứ tối tân, hiện đại khác nhau chứ!... Nhưng dẫu sao cũng không nên sùng bái, nịnh hót kiểu tôi đòi như thế, phi truyền thống như thế, gây ra quá nhiều ngộ nhận! Lại còn "giặc vô thần" nữa!

Chẳng lẽ cứ bạo lực và bạo lực, nhồi sọ và nhồi sọ là ổn tất? Quả thật, chú bí thư Đảng uỷ xã rất đau lòng, nhức óc.

Chú Tập định nói bừa, được cái này mất cái kia, nhưng cũng cảm thấy hơi nhục quốc thể, cái nhục quốc thể này xưa nay trong lịch sử bốn nghìn năm chưa có tiền lệ (12)! Chú đành bấm bụng tránh né vấn đề, chào ông Nộp, lên xe, đạp ra khỏi khuôn viên đình làng.

Chú Tập dẫu sao cũng còn khá hơn bao cán bộ cách mạng khác, ở chỗ chú còn biết suy nghĩ, trăn trở. Còn ông ngụy Nộp vốn đã dốt nát, quen thói hèn hạ, lại còn bị sự sợ hãi làm cho ngu muội hơn.

Hôm ấy, khi chú Tập về rồi, ông Nộp mừng đến trào nước mắt, vì cứ ngỡ lại phải khăn gói lên công an huyện để bị đưa đi trại cải tạo một lần nữa. Hôm ấy cũng đã lâu lắm rồi, ờ, bốn năm rồi, có lẽ...

Ông Nộp nằm trên giường một mình hồi tưởng. Ông mong Hành và Hiền Lương hiểu cho ông... Ông lại tiếp tục thao thức nghĩ ngợi..." ...

TRÍCH TIỂU THUYẾT "MÙA HÈ BÊN SÔNG" (chương VII):

"... Trong cô Hà, ngoài mặc cảm quê mùa nảy sinh, hồi mới giải phóng Sài Gòn, lúc cô từ Hà Nội vào thăm bà con, còn một mối hoài nghi những thứ lí luận mà cô luôn được củng cố bằng học tập, đài và báo. Sao Miền Nam nói chung, riêng Sài Gòn, người ta sống sướng thế! Bấy giờ, cô Hà chỉ mặc mỗi một loại quần đen thắt dải, áo cổ bẻ, tay dài gài nút, màu xanh hoà bình hay trắng, lại đi đôi dép nhựa cao gót, xách cái túi giả da xấu xí. Cô Hà choáng ngợp trước phồn hoa Sài Gòn đến muốn khóc cho hả, mặc dù nghe nói đấy là phồn hoa giả tạo.

Năm bảy tám, cô Hà có dịp vào Đà Nẵng công tác. Hồi ấy, vải để may quần chỉ có mỗi một màu đen cho phụ nữ, chất vải lại mau nhăn nhúm. Thợ quốc doanh đường kim mũi chỉ quá tệ. Cái quần cô mặc co lại quá ngắn, gần đến bắp chân. Một chị bán hàng ở Đà Nẵng nói cay độc:

- Chị giải phóng, mặc cái quần gì chó táp ba ngày không tới!

Mím chặt môi, cô Hà phang lại thật đắng:

- Chó Miền Nam đấy! Vì Miền Nam bà mới khổ thế này!

Chị Đà Nẵng không vừa, tung chưởng:

- Chó Liên Xô, Trung Quốc thảm quá, còn hàm hồ.

- Chó cố đạo, chó Pháp, chó Mỹ! - Chị Hà Nội quăng lại.

Chị Đà Nẵng điên tiết, định xuất lại một chiêu thật độc, nhưng sợ công an, đành hậm hực ngậm miệng.

Cô Hà bỏ cả một buổi họp vì đau đớn. “Gà nhà bôi mặt đá nhau” thế cho bọn nước lớn nó cười, hay hớm gì. Nhưng cô không ngờ cô cũng tệ hại đến vậy, nhỏ nhen và đê tiện đến vậy. Cô rút kinh nghiệm, cãi nhau về chuyện nhỏ nhen, đê tiện, hóa ra mình tự hạ mình xuống ngang tầm với chuyện đó. Nhưng vết thương vặt cũng đau như nhọt đinh, cô Hà mấy lần phát sốt khi nhớ lại mẩu chuyện ở chợ Cồn, Đà Nẵng. Năm ấy, cô Hà mới ba lăm, ba sáu tuổi.

Cô Hà nhìn cô Bân, nói trong thoáng hồi ức về mẩu chuyện cũ, tuy đã cố nén lòng :

- Phản loạn, chống Triều đình, “bình Tây sát tả”, chiến tranh, chia cắt Đất nước, rồi tư tưởng xung đột, đau lắm. Những người ở lại Hà Nội sau năm tư, còn đau như xé. Vết đau cả một trăm mấy chục năm rồi. Bây giờ, bọn Pháp, bọn Mỹ với mình làm lành với nhau, nhưng chúng thua trận chúng cũng đau, cũng nhục. Mấy tay cỡ như Mác Na-ma-ra thú nhận sai lầm nhưng cũng muốn gỡ gạc. Vừa hội thảo đấy.

Cô Bân hơi chột dạ, chạnh lòng. Cô  Bân cười gượng:

- Bây giờ, nói chuyện gỡ gạc thì hóa ra nhầm. Chị có thấy Liên Xô sụp đổ không. Trung Quốc cũng chấp nhận kinh tế thị trường, tức là tư bản, nhưng tránh dùng từ cũ kẻo mích lòng nhau.

- Ý tôi muốn nói, Mỹ gỡ gạc về chiến tranh. - Cô Hà nói dịu lại.

Cô Bân tấn công nhẹ nhàng:

- Chiến tranh ý thức hệ mà! Đấu tranh giai cấp gì đấy mà!

Cô Hà cũng non về chính trị, giật mình, lại cố dàn hòa:

- Ừ nhỉ, tư bản cũng có cái hay. Đổi mới, Mở cửa thấy khá hơn trước.

Cô Bân thừa thắng, cười thật tươi:

- Chỗ dân gốc thủ đô với nhau, lấy chồng cùng quê, nói thật, theo Chúa là đúng chứ! - Cô Bân lại nắm tay cô Hà đang để trên bàn -. Chị thấy không, nước nào theo Chúa đều khá cả. Chống Chúa chỉ mạnh lên một thời rồi sụp (II.15).

Cô Hà phân vân, nhìn cô đồng hương quý phái và son phấn:

- Chuyện đời bối rối thật, chả biết thế nào!

Thật ra cô Hà chỉ mới học lớp bảy hệ mười năm, gia đình cũng buôn thúng bán bưng ở Hà Nội. Cô Bân cũng lớp bảy hệ mười hai năm, hiện đang buôn bán vải, cái nghề cô phải theo từ sau bảy lăm, bây giờ yêu luôn, theo nghiệp của bố mẹ mang từ Hà Nội vào.

- Thời này cán bộ như hữu sản hóa hết rồi! - Cô Hà nói.

- Hữu sản chứ vô sản thế nào được! Tôi nghe ông Nông nhà tôi nói, tư hữu là bản tính xưa nay của con người. Ngày xưa mấy ông cha đạo, tức là linh mục đấy chị, cũng nói vậy. Cộng sản là hoang đường, huyễn hoặc! Làm sao có thiên đường trên trần gian được! Chỉ có sướng sung hơn thôi! Thiên đường thật chỉ có trên trời!

Cô Hà thấy chưa đồng ý, nhưng cũng chẳng nói gì, lòng vẫn băn khoăn. Thật ra, bực mình bởi thời cuộc đâm ra nghĩ ngợi dăm điều, cô Bân lẫn cô Hà vốn chỉ thích tin vào kết quả trông thấy, hạnh phúc chỉ là những gì rất cơm áo gạo tiền, và là, chồng con sung sướng, khỏe mạnh, được thiên hạ nể vì! Cô Bân, mắt sáng lên, trong bụng hả hê lắm khi nói chuyện với cô Hà..." ...

___________________

---  HOÀ GIẢI, ĐÚNG NGHĨA CỦA TỪ: PHẪU THUẬT LỊCH SỬ ĐỂ CHỮA LÀNH VẾT THƯƠNG LỊCH SỬ CẦU HIỀN LƯƠNG 1954-1975

https://sites.google.com/site/tranxuananwriter/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/txa-hoa-giai-vet-thuong-cau-hien-luong-1954-1975

---  Trần Xuân An -- (đề xuất) -- KIẾN NGHỊ CÁC BIỆN PHÁP CỤ THỂ ĐỂ THỰC HIỆN HOÀ GIẢI DÂN TỘC - 15-04 HB 14 

https://sites.google.com/site/tranxuananwriter/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/txa-kien-nghi-bien-phap-hoa-giai-dan-toc

Video ( Trần Xuân An )

.

.

THÊM MỘT BÀI THƠ HÒA GIẢI ĐƯỢC VIẾT TỪ LÂU (1994-1995):

Trần Xuân An

CHÉN RƯỢU

TRÀN BÔNG KHẾ TÍM

người lính già bâng khuâng đọc thơ

mái tranh chiều giọt từng bông khế tím

kẻ từ xứ giá băng

nhấp ráng hồng buồn lịm

tê tím những vì sao khuya khoắt Ca-li (*)

xưa vác tầm vông vạt nhọn ra đi

gửi lại quê nhà đứa con chưa biết mặt

ngày súng tắt

nơi rào tù tàn binh

giấu tím dòng nước mắt

ruột thịt lần đầu thấy nhau!

chuyện trò ngàn đêm, nào gặp gỡ đâu

dẫu cùng dưới mái tranh này

cùng mền khăn cơn sốt rét

mẹ thêm già nua giằng xé lòng mỏi mệt

bao bữa cơm bỏng lạnh

hiên chiều giọt tím rơi rơi

người lính già lại đăm đăm,

trơ trọi chơi vơi

thắp hương thương vợ

chạnh nhớ con trôi giạt

tiếng súng rền giấc mơ nửa đêm tỉnh giấc

sương tím nhem nhoè phong thư xa xôi

bây giờ, cha bên con

đều trầm lắng nỗi đời

bông khế rụng vào nền trời tím

sao tím vợi vời

tím nốt nhạc rưng rưng

khói nhang vờn tím

đứa con trở về nhìn cha

bâng khuâng chén rượu

tím chiều.

Viết tặng…

Rút từ tập thơ thứ tư của Trần Xuân An

LẶNG LẼ Ở PHỐ, Nxb. Trẻ, 1995

Cước chú của bài Thay lời ngỏ: Chén rượu tràn bông khế tím:

(*) California, một tiểu bang của Mỹ (USA.).

(Chú thích ngày 15. 03. 2005).

https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/1411618102445470

_______________________

 

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE