e. Bài 5-Tl.4 -Trần Xuân An - Thơ Trịnh Bửu Hoài, dòng suối trong trẻo trên sườn núi của vùng đất phù sa

 

Cập nhật (27 & 28-8 HB9): Bài mới nhất:

 

Trần Xuân An --  THƠ TRỊNH BỬU HOÀI, DÒNG SUỐI TRONG TRẺO TRÊN SƯỜN NÚI CỦA VÙNG ĐẤT PHÙ SA ( đang gửi đăng trên các báo, tạp chí in giấy & điện tử  Mới! ):

 

 

 

 

 

 http://www.vannghesongcuulong.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=5576

 

 Thành thật cảm ơn Trang Ttđt. Sông Cửu Long đã đăng tải

 

 

 

THƠ TRỊNH BỬU HOÀI,

DÒNG SUỐI TRONG TRẺO TRÊN SƯỜN NÚI CỦA VÙNG ĐẤT PHÙ SA

 

Trần Xuân An

 

 

Nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm, khi viết lời giới thiệu cho tuyển tập thơ Trịnh Bửu Hoài, đã có một so sánh thú vị giữa hai người thơ trẻ tuổi của hai miền Đông và Tây Nam bộ: “Một Nguyễn Tất Nhiên tân thời quần jean áo pull, tràn ngập sáng tạo, nhí nhảnh đầy chua cay, với một chàng Trịnh Bửu Hoài nhỏ nhẹ, áo lụa trắng trẻo, môi cắn một cành lá xanh mỏng mảnh có một cánh hoa mười giờ đỏ rực” (1). Cố nhiên Đông và Tây Nam bộ không can dự gì đến Phương Đông và Phương Tây của quả đất, nhưng cũng vui vui khi nghĩ, người ở miền Đông lại thiên hướng Phương Tây, người ở miền Tây lại ấp ủ hơi hướm Phương Đông. Và hẳn có ẩn ý tinh tế, khi anh Nghiễm tạo hình “cành lá xanh mỏng mảnh” ghép với “hoa mười giờ đỏ rực”? Nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm còn cho biết, điều này, Nguyễn Tất Nhiên ngày đó, và hẳn trong những năm tháng ở nước người, chưa mất vì quyên sinh, đã rất đồng ý với anh. Và cũng chính điều ấy, vẫn theo anh Nghiễm, Trịnh Bửu Hoài có lần tâm sự với Trần Hữu Dũng, anh Hoài chỉ muốn là một nhà thơ thuần khiết, viết như người gieo hạt Á Đông.

 

Tôi đã đọc hết tuyển thơ ấy và cả những tập thơ Trịnh Bửu Hoài tôi được anh tặng trong khoảng mươi năm gần đây, để kiểm nghiệm lại đôi điều Ngô Nguyên Nghiễm đã nhận định cũng như thuật lại.

 

Thơ của Trịnh Bửu Hoài là thơ của thời áo trắng trung học và đại học, tràn ngập tình yêu mơ mộng, thơ của tình yêu đương khi trái tim đã đến tuổi chín, ngọt nồng những mật, thơ của tình quê hương trĩu hồng phù sa sông Hậu nhưng cũng đầy ám ảnh âu lo về bao mùa lũ ngập đất ngập trời, và còn là thơ của tình bạn chí tình, hào sảng. Tuyển thơ của anh phân định rõ ràng bốn mảng đề tài tâm cảm như vậy.

 

Cùng với tuyển thơ, những tập thơ khác, “Lẽo đẽo bụi hồng” (1995), “Gởi một người phương xa” (1998), “Tứ tuyệt mùa xuân” (2000), “Ký ức” (2002), “Ngan ngát mùa xưa” (2005), và hình như mới nhất là “Khúc trăng xưa” (2008) (2), có lẽ vẫn là một nguồn thơ chưa hề đổi dòng chảy, với một chiếc thuyền ngược nước, cánh buồm mãi ngoảnh về núi rừng nguồn cội, từng vùng đất đã qua, từng ngày tháng đã chìm khuất:

 

Ta về rừng núi sông ra biển

Nương náu cùng nhau cõi vô thường

Đã sống như trôi dù trôi ngược

Đất khách quan hoài ơi cố hương!

               (Khúc trăng xưa - Ngược dòng Cà Ty, tr. 72)

 

Mây trắng bay qua đầu núi

Sẽ không trở lại bao giờ

Ta đi hết vòng nhân thế

Để về lại với tuổi thơ

 

Ngó lên núi cao lồng lộng

Chợt nghe tóc bạc trên đầu...

                  (Khúc trăng xưa - Mang mang Đèo Cả, tr. 78)

 

 

“Đoá hoa mười giờ đỏ rực” trong hạn chế Trịnh Bửu Hoài

 

Hầu như Trịnh Bửu Hoài không muốn nói hay rất ít khi nói đến những thao thức thời cuộc, những chiêm nghiệm trước các giờ khắc hào tráng hay bi tráng của lịch sử, những trăn trở thoát xác, những góc khuất tăm tối của bao phận người khốn khó trong chiến tranh hay trong thời mở cửa đất nước.

 

“Sài Gòn” (Khúc trăng xưa, tr. 64-66), bài thơ Trịnh Bửu Hoài viết tặng Ngô Nguyên Nghiễm, cho dù nhẹ nhàng thôi với cái nhìn hồi ức, gắn liền con người mình với thời cuộc, thế sự chung quanh và cả chiến tranh trên đất nước, vẫn là rất hiếm hoi trong thơ của anh. Đâu rồi “những bài thơ nhuốm mùi khói cay”, vọng lại tiếng “bom đạn đâu đây nghe nổ rất gần”? Đâu rồi những niềm thơ (chứ chưa là câu chữ) giữa thời bình yên như mơ ước nhưng vẫn “sợ lạc nhau bên cạnh cuộc đời”? Hình như chỉ một lần và với mỗi một câu, anh viết về giờ phút “ngồi trầm tư một góc thị thành”, giữa thời thế “chẳng vội vàng cũng phải vượt lên nhanh”!

 

Chùm thơ gây nhiều xúc động nhất của anh về hiện thực cuộc sống, nổi bật lên một cách khá khác thường trong chất thơ vốn có của Trịnh Bửu Hoài -- chất mật ngọt, chất cam vắt hơi chua chua đầu lưỡi hay chất cay của rượu đế đọng ngọt dư vị hương gạo ở cuống họng – đó là dăm bảy bài thơ anh viết về mùa lũ đồng bằng sông Cửu Long. Thì ra, Trịnh Bửu Hoài đôi khi đã thoát ra khỏi trường lãng mạn trích tiên Lý Bạch, anh cũng rất ấn tượng với những chi tiết khắc hoạ cảnh khốn cùng lầm lội như Đỗ Phủ. Nhưng đây cũng là chùm thơ hiếm quý trong hàng trăm bài thơ của Trịnh Bửu Hoài.

 

Những con sóng màu đen

Vỗ vào giấc ngủ trắng

Anh choàng người lẳng lặng

Trầm tư giữa mênh mông

 

Những ánh chớp màu trắng

Rạch vào giấc ngủ đen

Anh thức cùng bóng đêm

Đôi mắt ngày mệt mỏi

         (Thơ Trịnh Bửu Hoài – Đêm nước nổi, tr. 158)

 

Và Trịnh Bửu Hoài còn có những câu thơ hiện thực dễ khắc sâu vào trí nhớ người đọc về mùa lũ lụt Nam bộ (khang khác với lũ lụt Miền Trung): “Nhà treo trên biển lũ / Nghe cá quẫy dưới lưng” (bđd., tr. 159), “Nửa đêm sóng vỗ ướt lưng nằm” (sđd., Ba mùa lũ, tr. 145). Nhưng rồi, cho dẫu vẫn viết về lũ lụt, anh cũng viết theo giọng thơ và cách cảm nghĩ thơ vốn là chủ đạo trong anh: “Một chiếc đò không / Bồng bềnh mùa lụt // Điên điển ngàn bông / Giữa trời thao thức” (sđd., Trở lại Cần Đăng, tr. 162).

 

Nói cho công bằng, Trịnh Bửu Hoài cũng đau nỗi đau của quê nhà, của bà con chòm xóm láng giềng, nhưng anh chỉ muốn nói đến nỗi khổ cùng với sức chịu đựng dẻo dai, cuộc đấu tranh sinh tồn bền bỉ thấm đượm mơ ước lạc quan trước thiên tai – thiên tai như một tác nhân hung dữ, tàn phá, nhấn chìm tất cả nhưng lại chính là tác nhân làm tràn trề tôm cá và bồi đắp ngồn ngộn phù sa, tạo nên bao cánh đồng bát ngát lúa vàng, bao khu vườn tươi tốt bậc nhất của đất nước. Trịnh Bửu Hoài không hề nói đến tác nhân xâm lược, chiến tranh, thời cuộc, cơ chế kinh tế này khác hay lòng dạ tốt đẹp, tâm địa tệ hại của con người.

 

Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là “đoá hoa mười giờ đỏ rực” trong hạn chế Trịnh Bửu Hoài.

 

“Cành lá xanh mỏng mảnh” trong đặc sắc Trịnh Bửu Hoài

 

Thời thơ mộng ban đầu của Trịnh Bửu Hoài được anh viết lại ngay từ thuở ấy, thật dễ thương. Khi anh bảo lòng mình mênh mông như biển, cũng là lúc anh khiêm tốn nhận mình: cái bóng theo chân một người con gái --  thần tượng tôn thờ của chính anh:

 

Như là con sóng mộng mơ

Ngàn năm cứ vỗ vào bờ để tan

Như là cái bóng dưới chân

Ngày theo em, tối âm thầm lìa nhau

                     (Thơ Trịnh Bửu Hoài - Thuở ban đầu, tr. 16)

 

Chút yêu đương “trẻ con” của chàng trai đã vượt qua thời trung học đúng là viên kẹo hồng mộng ảo:

 

Giận cho nhỏ cứ về trong mộng

Mộng ngọt ngào nhưng mộng hư không

Ô! Môi nhỏ là cục kẹo hồng

Ngậm trăm năm chẳng mòn hương vị

                       (Thơ Trịnh Bửu Hoài – Tình thơ dại, tr. 18)

 

Vẫn ngôn từ của một thời dễ thương đã xa (và dường như cũng thật xa xưa), anh nói như nói về một sự thật hiển nhiên khi nhận thấy trời đất thông cảm với anh, đã đổ mưa để mưa đồng hành cùng anh:

 

Anh và mưa đâu hẹn đến thăm người

Mà mưa chợt theo anh vào ngõ

 

Em có hiểu vì sao mưa tỏ

Từng ngọn nguồn trong trái tim anh

                          (Thơ Trịnh Bửu Hoài - Chiều qua cầu chữ S, tr. 91)

 

Và khi anh viết: “Bao giờ em mới thôi ngần ngại / Bao giờ anh hết tới cùng mưa / Mộng của anh em giữ để mong chờ / Em là trăng, anh là đêm mười sáu”, ta cứ ngỡ tứ thơ sẽ được sáng lên bởi ánh trăng mơ ước đã trở thành hiện thực, nhưng hoá ra, anh chỉ ngừng lại ở ao ước: “Sao mưa không dài suốt ngàn năm / Anh ở lại trong mắt người mãi mãi” (bđd., tr. 91-92)! Để rồi, tất cả bao buổi chiều mưa đều bị chôn vùi trong hai chữ kỉ niệm.

 

Thơ Trịnh Bửu Hoài quả đúng như anh tự nhận ra - một hồn thơ cổ điển, chất cổ điển trong trẻo như ca dao, cho dù hầu hết thơ anh đều là thơ vần liền, thể bảy hay tám chữ (có chút hơi hướm Nguyên Sa), hoặc gieo vần cách trong thể năm hay sáu chữ, thảng hoặc mới là lục bát:

 

Chờ em lá ngập khoang này

Một hồn cổ điển mọc đầy cỏ lau

Chờ em nước lớn dòng sâu

Chờ em tôi chết ngọn sào để tang

              (Thơ Trịnh Bửu Hoài - Người lái đò tình yêu, tr. 114)

Khi anh ngắt dòng, thực chất hồn thơ cổ điển của anh vẫn trong khuôn thước của những thể thơ cổ điển ấy:

 

Cả hoàng hôn

Rơi theo

Bàn tay vẫy

 

Người đi

Ngược sóng biếc

Về đâu

                     (Thơ Trịnh Bửu Hoài - Một lần đến Năm Căn, tr. 129)

 

Có một lần, Trịnh Bửu Hoài thoát ra ngoài những hình ảnh thơ mà bây giờ có thể nhìn lại và xem như chúng đã là ước lệ. Ấy là lúc bút thơ anh hướng đến chi tiết rất thật, quá đỗi đời thường, nhưng với cách nói nghiêng về ẩn dụ có chất tượng trưng: “Cơm chiều đã sôi / Hạt gạo chín rồi một nửa / Còn một nửa / Chờ em!” (sđd., Chiều xuân, tr. 134).

 

Tình quê nhà trong thơ Trịnh Bửu Hoài còn là một tấm tranh lụa (chứ không phải sơn mài) trong bộ tranh tứ bình của toàn thể thơ anh. Không chỉ là quê nhà mùa lũ lụt, còn là những gì đau đáu, thiết thân nhất:

 

Mẹ ta như một bờ lau trắng

Nhớ cánh cò xa biệt chốn nào

Tiếng ngoáy trầu khuya buồn đứt ruột

Nghe bước ta về trong chiêm bao

 

Cha ta như một tàn cây quạnh

Tóc đã phai màu theo nắng mưa

Sớm tối còng lưng bên ngõ trúc

Thương con se sắt gió giao mùa

                        (Thơ Trịnh Bửu Hoài - Quê xa, tr. 151)

 

Bài thơ “Đi xuồng trên sông Bình Di” phần nào không còn ngọt ngào, êm mướt mà đã len vào, vượt qua “bộ lọc” của tâm điệu thơ anh để hiển hiện những chi tiết khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng thú vị nhất là lúc anh trôi trong giấc ngủ chênh chao, bập bềnh trên sông, anh bất giác nhận ra: “Thì ra ta đã hoá sông rồi!” (sđd., tr. 152).

 

Tình quê của Trịnh Bửu Hoài cũng không chỉ là bao cảm xúc, nỗi niềm, khát vọng với quê nhà và chỉ với quê nhà, mảnh đất bên bờ sông Hậu và dưới núi Thất Sơn, nơi dòng họ bao đời trào mồ hôi sôi nước mắt gắn bó, chắt chiu vun xới, giữ gìn. Anh chiêm nghiệm và thấm thía niềm biết ơn tổ tiên đã từ Đàng Ngoài di dân vào mở đất Thuận Quảng, làm nên dăm vùng đất đầu tiên của Đàng Trong, rồi từ Miền Trung ruột thịt tiến dần về Đất Phương Nam bạt ngàn hoang vu nhưng đầy hứa hẹn. Từ niềm thâm cảm đó, anh đã làm mới thơ mình khi có những chuyến ra Trung, lên Tây Nguyên, ra Bắc, đến tận mạn ngược Tây Bắc. Anh đã mới hẳn mắt nhìn, mới cả câu chữ, âm điệu thơ ca. Và lạ lùng thay, nhưng rất dĩ nhiên, từ những vùng miền xưa cổ cội nguồn của dân tộc, anh lại có dịp chiêm nghiệm sâu hơn, thấm thía hơn về Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó có mảnh đất quê hương anh. “Đêm nghe ‘Dạ cổ hoài lang’ trên Tam Đảo” (sđd., tr. 154-155) là một trong những bài thể hiện điều đó: “Nhớ thời mở đất / Cuối trời / Gánh quê / Nặng / Một vai đời lưu dân / Lời ca / Mang nắng Phương Nam / Thắp trên Tam Đảo / Bóng trăng Đồng bằng” (bđd., tr. 155).

Tôi rất yêu, đến nỗi suýt khẳng định nếu chọn vài ba bài thơ hay nhất của Trịnh Bửu Hoài, tôi sẽ chọn ngay bài “Yên Tử sơn” anh viết tặng nhà thơ Chim Trắng, với điều kiện anh cho phép tôi đổi một chữ, chỉ một chữ thôi, hoặc chữ “người” hoặc chữ “tham” vì có thể ai đó sẽ không hiểu chữ “tham” bị tách ra trong từ ghép “tham thiền” quen thuộc: “Vạch sương tìm cội / Lặn lội nghìn trùng / Ung dung đá sỏi / Hư thực vô cùng // Dưới trời không đất / Trên đất không trời / Nhân gian lơ lửng / Ai màng cuộc chơi // Hoa Yên mù khói / Ẩn hiện chùa Đồng / Người tham [thầm? trầm? Tham thiền?] tiếng mõ / Gió gõ chuông không // Nghe hồn đại thụ / Phiêu bồng cổ nhân / Ngàn năm Yên Tử / Một lần hoá thân” (bđd., tr. 149). Và tuy không phải là một trong những bài hay nhất của anh, lại còn có dăm câu, tiếc thay, anh say đất say người quá, nên thừa chữ (chỏi nhịp), lỗi vần một cách vô ý (hay cố ý?), nhưng “Hành Tây Bắc” (Ký ức (3), bđd., tr. 52-62) rất thú vị với âm điệu hào sảng Phương Nam: “Tây Bắc chập chùng mây chớn chở / Hồn cao như núi, thân như cỏ... // Nậm Na nước xiết leo ghềnh đá / Khe núi cao, người như cánh lá...” (bđd., tr. 52 & 59).

 

Trong bức tranh lụa thứ tư của bộ tứ bình (theo cách nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm chia thơ anh ra làm bốn mảng đề tài), thơ tình bạn của Trịnh Bửu Hoài khiến người đọc có tần số cảm động dày hơn, sâu hơn, mặc dù anh viết về đề tài này không nhiều lắm. Cũng đúng như Ngô Nguyên Nghiễm nhận định: “Có lẽ làm tôi xúc động và nhập tâm nhất là giai đoạn Trịnh Bửu Hoài thả hồn thơ lang bạt xuyên sơn diệu vợi, đồng cảm với tình bằng hữu”; “Bản chất của Trịnh Bửu Hoài rất hiền dịu, lãng bạt và chân thật như núi, nên tình bạn thâm giao, tri âm tri kỉ, là một cứu cánh vĩnh cửu khiến anh xúc cảm viết ra nhiều bài thơ đau lòng, khóc bạn” (Thơ Trịnh Bửu Hoài, tr. 11 (1)). Đối với một người xem tình bạn là một trong vài mục đích cuối cùng (cứu cánh) của lẽ sống đời mình, thì tình bạn đối với người ấy sâu nặng biết bao!

 

Tôi nghĩ, trong tình bạn thâm giao, Trịnh Bửu Hoài khi viết về bạn, cũng là lúc anh thể hiện chân thành, trung thực chính anh một cách mặc nhiên mà có thể anh không ngờ đến. Cũng có thể, có những người bạn mà cuộc đời họ, nhất là cách sống, quan niệm sống, khiến anh tâm cảm, có thể cả cảm phục nữa, nhưng do hoàn cảnh riêng, anh không thể sống như bạn. Nhưng dẫu thế nào, anh vẫn tâm niệm như khi một mình trên Đèo Cả: “Bụi hồng đâu bẩn cuộc chơi” (Khúc trăng xưa – Mang mang Đèo Cả, tr. 77).

 

Viết về Nguyễn Như Mây, Hoàng Ngọc Châu, Ngàn Thương, Lộc Vũ, Nguyễn Miên Thượng, Trần Ngọc Mỹ, Vũ Hữu Định, Tô Nhược Châu, Đặng Văn Trào, Dương Văn Cầu, Phạm Hữu Quang, Phạm Thường Gia, Ngọc Sương, Trung Nguyên, Phước Sanh, Đoàn Khải, người đã về với đất đai quê nhà, người còn sống và tất nhiên, vẫn còn dịp “rót từ chung nắng đến chung sương” (Khúc trăng xưa - Ngược dòng Cà Ty, tr. 71), Trịnh Bửu Hoài thể hiện con người bên trong của mình một cách “đời thật” nhất, thật hơn cả những bài thơ về tình yêu đương hay nghĩa vợ chồng.

 

Bạn mang hồn Phương Đông

Quay lưng ra phố chợ

Áo cơm không là nợ

Hồn phơi phới ngàn lau

                  (Thơ Trịnh Bửu Hoài, Bạn tôi, tr. 167)

 

Bạn gánh nghiệp đời như gánh mộng

Thế mà sương khói nặng đôi vai

Ta lên núi để rồi xuống núi

Đạo sư buồn trắng cả hai tay

                   (Thơ Trịnh Bửu Hoài, Uống rượu bên hồ Trúc Giang, tr. 167)

 

Nhưng cảm động nhất vẫn là thơ viết về những người bạn nghèo cực, khốn khó: “Rời sỏi đá bạn về châu thổ / Xa chợ đời heo hút ánh trăng quê / Giọt mồ hôi xói mòn gian khổ / Tiếng gọi mùa trong giấc ngủ mê // Rời núi xanh bạn về nơi cỏ dại / Gót chân chai đọng ngấn phèn vàng / Khúc nhạc dế gieo nỗi buồn khắc khoải / Trên mảnh hồn người đi khai hoang” (Thơ Trịnh Bửu Hoài, Xa quê, tr. 177-178).

 

Khi khóc bạn, tiễn đưa về nơi yên nghỉ cuối cùng, hay lúc nhớ bạn không còn nữa trên đời, thơ Trịnh Bửu Hoài vẫn không sướt mướt mà đậm chất bi tráng, cái bi tráng của những con người mang chí lớn nhưng chưa thành trong nghiệp đời, nghiệp văn;

 

Ngước mặt về tây Thất Sơn sừng sững

Áo giang hồ cuồn cuộn gió Phương Đông...

 

... Cồn Nguyễn Du gió mùa vẫn thổi

Không còn ai bên máy chữ gọi thơ về

                    (Thơ Trịnh Bửu Hoài - Đưa bạn về Bắc Đuông, tr. 177-178)

 

Thật ra, trong gần hai mươi tập thơ mỏng và một tuyển thơ khá dày, tỉ lệ thơ thời áo trắng học trò, thơ tình yêu đương vẫn chiếm tỉ lệ nhiều nhất. Nhưng đặc sắc nhất, có thể bởi vì không còn hay hay, quen quen như nhau, bài này che khuất bài kia, mà thoát hẳn ra, mới hẳn lên, chất Nam bộ đậm nét hơn, nên thơ tình quê hương đất nước và tình bạn, tạo một ấn tượng sâu đậm, trở thành đặc sắc Trịnh Bửu Hoài.

 

Thơ Trịnh Bửu Hoài không có đột phá về cấu tứ, không đeo đuổi ý hướng làm mới lạ về câu chữ. Bốn mảng đề tài thơ anh lại vốn là bốn lĩnh vực tình cảm thông thường nhất của con người. Do đó, để có thơ hay, quả là một thử thách rất lớn.

 

Có nhiều nhà thơ tài năng thơ ca không cao, suốt đời làm thơ nhưng không thành công, lại viết được dăm bài thơ rất mới lạ nhờ tình cờ phát hiện được tứ hay. Cũng có nhiều nhà thơ trọn đời kì khu, giũa mài câu chữ, nhưng chỉ được tiếng là người lập dị, bỗng dưng bất chợt buông xuôi, thả hồn trong một điệu ca dao dung dị, lại trở thành đỉnh cao sáng tác của đời mình. Thơ là cõi sống vô cùng, khó so sánh ai với ai. Trịnh Bửu Hoài tất nhiên không thuộc hai trường hợp này.

 

Thơ Trịnh Bửu Hoài vì không quan tâm nhiều đến cấu tứ, không cố quyết làm cho mới, cho lạ câu chữ, cũng không hô hào cách tân, mà anh chỉ đặt nặng ở cái tâm, cái tình, nên mặt mạnh của thơ anh chính là ở tâm và tình thể hiện trong thơ. Nhiều người đọc, bạn thơ anh cũng đều nhận thấy thế. Họ rất quý thơ anh, trong khi vẫn sẵn lời dè bĩu thứ thơ ca không có tâm, hay nói đúng hơn, có tâm, nhưng tâm địa không sáng, lại khoác lên những chiếc áo thời thượng lố bịch.

 

Ôi, thơ ca, cõi sống vô cùng, làm sao thấu hết mọi điều! Nhưng dẫu sao, tâm niệm vẫn là, phải tinh ròng tận tâm, nếu từng “ví mình là viên đá cuội, lăn tăn chút sóng hồ đời” (sđd., Buổi chiều thiên niên kỉ, tr. 185) và nếu trong viên cuội đáng yêu, dễ mến kia không chứa ngọc. Nào đã có ai đập vỡ thơ ca của mình, trái tim của mình, để xem thử trong đó có ngọc hay không. Nhưng dẫu không đập vỡ, mỗi người vẫn có thể tự mình biết được tâm thành, tình thật của chính mỗi người. Tâm và tình tự nó phát sáng, hồn nhiên nhi nhiên. Tôi nghĩ, thơ Trịnh Bửu Hoài đã phát sáng hồn nhiên nhi nhiên như vậy.

 

Trần Xuân An

Viết từ khoảng 9:00 đến 17:24, ngày 27-8 HB9 (2009);

Chữa lại vài chữ: 9:33, ngày 28-8 HB9

 

______________________

 

(1) “Thơ Trịnh Bửu Hoài”, Ngô Nguyên Nghiễm tuyển chọn, giới thiệu, Nxb. Đồng Nai, 2006, tr. 8-9.

 

(2) Trịnh Bửu Hoài, “Lẽo đẽo bụi hồng” (Nxb. Văn Học, 1995); “Gởi một người phương xa” (Nxb. Trẻ, 1998); “Tứ tuyệt mùa xuân” (Nxb. Mũi Cà Mau & Hội Văn nghệ An Giang, 2000); “Ký ức” (Hội Văn nghệ An Giang, 2002), “Ngan ngát mùa xưa” (Nxb. Văn nghệ TP.HCM., 2005; “Khúc trăng xưa” (Nxb. Phương Đông, 2008)…

 

(3) Trịnh Bửu Hoài, “Ký ức”, Hội Văn nghệ An Giang, 2002.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

27 & 28-8 HB9:

Đã gửi anh Trịnh Bửu Hoài, TrangThông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam, TrangThông tin điện tử Sông Cửu Long...

 

06-9 HB9: TXA. đưa lên WebTgTXA.

 

 

Google Sites / host 

 

GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE