b.a. Bài phụ của bài 2-Tl.4 - Lê Tiến Công - Có hay không "sở hữu trí tuệ" - nghiên cứu về NVT.

CÓ HAY KHÔNG “SỞ HỮU TRÍ TUỆ” TRONG NGHIÊN CỨU VỀ NGUYỄN VĂN TƯỜNG

(Những tranh luận tư liệu về Nguyễn Văn Tường)

Lê Tiến Công (*)    

 

Vài lời của WebTgTXA.: Lê Tiến Công không những đã tham gia bàn luận (comment) ở Trang Thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam (hnvvn vn, hoinhavanvietnam vn), Điểm mạng vi tính toàn cầu Trúc Sơn Trang (xuanduc vn) với mục đích phê phán một cách càn quấy, anh ta còn viết hẳn thành bài viết để đăng trên Tạp chí Huế Xưa & Nay, số 93, tháng 5 – tháng 6-2009, rồi gửi cả bản vi tính bài viết, yêu cầu đăng trên WebTgTXA.. Anh ta lại đề nghị thêm, nếu tôi (Trần Xuân An) viết bài đáp trả, thì tôi chỉ đăng trên WebTgTXA. mà thôi, chứ đừng gửi cho các báo, tạp chí in giấy!

 

Không có ai kì quái như Lê Tiến Công! Nếu anh ta chỉ gửi tạp chí in giấy, bản vi tính cho tôi đọc, tôi rất phục anh ta là quân tử, quang minh chính đại, không thèm “đánh lén”. Nhưng những yêu cầu kèm theo, rõ là kì quái.

 

Đã là “võ sĩ thượng đài” với tinh thần thượng võ, thì cùng đấu với nhau trên những võ đài nào mà cả đôi bên chấp nhận đấu chứ! Tại sao lại đề nghị tôi không được gửi bài đáp trả trên báo in giấy, chỉ mình anh ta độc quyền thôi? Anh ta không những đấu trên võ đài mạng (ảo?) mà còn "hoàn toàn thắng lợi" một cách hàm hồ ở võ đài báo chí in giấy (thực) nữa! Có ai kì quái như thế không?!?!

 

Riêng về kiểu phê phán của Lê Tiến Công, có người gửi lời bàn luận (comment) đến WebTgTXA. với lời lẽ phê phán anh ta khá nặng nề (nên WebTgTXA. không thể đăng lên được). Thậm chí có người khác bảo, những mẩu bàn luận (comment) kí tên Đinh Xuân Tâm (tam @ yahoo. com), Lê Đình Nam (dnam @ gmail. com), Huỳnh Ngọc Lãm (ngolam @ yahoo. com) với các địa chỉ điện thư “ma” (ảo) cũng chính là của Lê Tiến Công, chứ không ai khác, vì bài viết dưới đây của Lê Tiến Công hầu như chứa đựng cả những ý tưởng lẫn khí chất của các mẩu bàn luận phê phán cũng thuộc kiểu “càn quấy" của Đinh Xuân Tâm, Lê Đình Nam, Huỳnh Ngọc Lãm. Tôi cảm thấy như vậy có thể là oan cho Lê Tiến Công quá, mặc dù biết rằng trong thực tế, kẻ “ném đá giấu tay” bằng cách mở hộp thư điện tử “ma” thì thiếu gì. Nhưng WebTgTXA. có quyền gì quy kết khi không bắt được quả tang, thậm chí đưa ra phỏng đoán không có bằng chứng rõ rệt.

 

Vậy thì ai chịu trách nhiệm về những mẩu bàn luận (comment) phê phán kiểu càn quấy ấy?

 

Riêng Lê Tiến Công, anh ta phải chịu trách nhiệm về bài viết dưới đây trước công luận, kể cả việc Lê Tiến Công thâu tóm cả những mẩu bàn luận càn quấy của Đinh Xuân Tâm, Lê Đình Nam, Huỳnh Ngọc Lãm vào bài viết của anh ta.

Nếu quan hệ giữa người cầm bút với nhau mà càn quấy như vậy thì khổ tâm quá, đau óc quá, còn sức lực, lương tri, tâm hồn đâu để viết!

 

Lê Tiến Công à, nên quân tử hơn, văn hóa hơn, trí thức hơn, trong góp ý, thảo luận, phản biện và cả trong tranh luận. Nhưng tôi nghĩ, Lê Tiến Công cần phải học tập, nghiên cứu cẩn thận, kĩ lưỡng hơn. Điều gì Lê Tiến Công cho là vướng mắc, thì phỏng vấn. Đừng ép buộc tôi phải rơi vào tình huống phải "so bút" với kẻ càn quấy. Ngay cả việc dùng từ "càn quấy" rất ác này, tôi cũng thấy quá dễ sợ! Tôi không có nhiều thì giờ rảnh rỗi đâu. Nếu có vài giờ rảnh rỗi, tôi còn nhiều việc để làm một cách bổ ích hơn. 

 

Xin vui lòng xem bài phúc đáp của Trần Xuân An theo đường nối kết (link):

 

http://tranxuanan.writer.3.googlepages.com/txa_giaithich-cho-letiencong.htm  

 

WebTgTXA.

20-6 HB9 (2009)

 

Gần đây trên một số báo mạng như www. phong diep. net; http: // hnv.vn / News; http: // nhavan. vn của Hội Nhà văn Việt Nam, báo Quảng Trị và các trang blog cá nhân nổi lên tranh luận về quyền sở hữu trí tuệ nghiên cứu Nguyễn Văn Tường và những vấn đề liên quan. Cuộc tranh luận chủ yếu giữa ông Trần Xuân An và nhà báo Nguyễn Hoàn. Ở đây chúng tôi không lạm bàn về "lý lẽ" chi tiết của cuộc tranh luận, chúng tôi chỉ nêu lên những vấn đề cốt yếu liên quan đến việc nghiên cứu nhân vật lịch sử này mà thôi.

Mấu chốt của cuộc tranh luận hiện nay được ông Trần Xuân An đẩy lên là việc ông khẳng định ông là người có công hàng đầu trong việc nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường, phủ nhận những thành quả nghiên cứu, sưu tầm tư liệu của người khác, kể cả vai trò của Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) Việt Nam. Ông An cho rằng, ông xứng đáng giữ bản quyền nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường. Chúng ta thử xét vấn đề ở những khía cạnh sau:

1. Những "đóng góp" của ông Trần Xuân An

Ông An cho rằng, ông là người “nghiên cứu rốt ráo nhất" về Nguyễn Văn Tường bởi ông là người duy nhất có 4 đầu sách xuất bản về Nguyễn Văn Tường và những bài nghiên cứu liên quan. Những kiến giải của ông là hoàn toàn mới mẻ và có giá trị nhất. Ông xứng đáng là người giữ quyền sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu về cụ Nguyễn[1]. Chúng ta thử xem 4 đầu sách ông An đóng góp gì trong qua trình giải oan cho cụ Nguyễn Văn Tường.

Cuốn sách thứ nhất:Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường”. Sách dày gần 1000 trang, do Nhà xuất bản Văn nghệ, TP HCM ấn hành năm 2004. Đây là một công trình được tác giả xác định là “truyện - sử ký - khảo cứu tư liệu lịch sử”. Có thể xem là một công trình đồ sộ nhưng giá trị chiêu tuyết cho nhân vật đến đâu thì cần phải bàn.

Không ai có thể vừa viết “truyện”, lại vừa viết “sử ký”, “khảo cứu tư liệu lịch sử” trong một tác phẩm. Cắt nghĩa cụm từ trên cho thấy, truyện ở đây có thể là tiểu thuyết. Nhưng "sử ký" thì sao? "Từ điển thuật ngữ lịch sử phổ thông" do GS. Phan Ngọc Liên chủ biên cho rằng, sử ký là "sách ghi chép về sử"[2]. Công trình của ông An hẳn nhiên không phải là cuốn "sử ký" bởi nó viết bằng con mắt của người nghiên cứu ngày nay.

Đây là kiểu lập loè đánh lận. Cho dù ông An có cho rằng những chi tiết trong công trình này đều có trích dẫn nhưng thực ra những trích dẫn không đủ cơ sở dữ liệu. Khi đọc tác phẩm này tôi đã có không ít thắc mắc.

Tôi đã đem một số thắc mắc về các chi tiết hỏi ông An, ông đều thừa nhận với tôi là hư cấu: thứ nhất là “gốc gác” Nguyễn Văn Tường là “Nguyễn Phúc”? thứ hai, Nguyễn Văn Tường có phải là “thầy thuốc” không? thứ ba, Nguyễn Văn Tường có đánh cờ “ngang ngửa” với đại thần Trương Đăng Quế không? Các chi tiết này, ông An đều thừa nhận với tôi là “hư cấu”. Nhưng ông chỉ nói “miệng”, ông không thừa nhận trong sách là chi tiết ấy hư cấu (bởi sách đã in rồi!). Người đọc sách không am tường thì biết đâu là hư cấu, đâu là thực?

Có những chi tiết có thể gây ngộ nhận. Thí dụ, năm 1858, Pháp đánh vào Đà Nẵng, lúc đó Nguyễn Văn Tường mới chỉ là “tri huyện” Thành Hóa, một huyện miền núi Quảng Trị (Cam Lộ, Hướng Hóa, Đăk Rông ngày nay) vậy mà ông An cho rằng Nguyễn Văn Tường “ngay tức khắc” nghe được tin thực dân Pháp tấn công vào Đà Nẵng khi sự biến xảy ra (tr 71). Và rồi Nguyễn Văn Tường “lo” Pháp đánh từ Lào, Miến Điện qua nên chỉ đạo phòng thủ biên giới vùng Thành Hóa. Nguyễn Văn Tường lại “ngày ngày tìm cách lắng nghe tin tức từ Đà Nẵng, nghiên cứu các thông tư mật của triều đình” (Tr. 72).

Đọc những đoạn như thế mới thấy sự cường điệu hóa nhân vật của ông An. Một tri huyện miền núi không thể nghiên cứu “các thông tư mật” của triều đình trong cuộc chiến chống Pháp vừa mới nổ ra. Ai gửi cho ông và gửi để làm gì khi ông chẳng mang trọng trách gì trong việc kháng Pháp buổi ban đầu.

Tại sao ông Dương Trung Quốc giới thiệu sách của ông An và cho rằng sách này “đáng đọc”? Bài giới thiệu của ông Dương Trung Quốc đã vô hình trung là chiếc “gậy” để ông An đưa ra mỗi khi cần.

Tôi đã đưa thắc mắc này hỏi PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam, Chủ tịch Hội KHLS Thừa Thiên Huế về bài giới thiệu của Tổng thư ký Dương Trung Quốc, PGS.TS Đỗ Bang cho rằng, ông đã trao đổi với ông Dương Trung Quốc về vấn đề này, ông Dương Trung Quốc cho rằng, vào thời điểm đó, trong lúc đánh giá về Nguyễn Văn Tường chưa được thống nhất thì việc nghiên cứu để làm sáng tỏ công lao của cụ Nguyễn Văn Tường đối với lịch sử dân tộc là cần thiết nên đã viết lời giới thiệu như là sự khuyến khích.

Cuốn sách của ông Trần Xuân An có thể là công trình nghiên cứu "triệt để", với những tư liệu và các chi tiết đáng tin cậy không? Tôi e rằng, một nhà nghiên cứu “vững” không thể tin vào cuốn sách này. Đơn giản một điều, như tác giả cuốn sách khẳng định là “truyện - sử ký - khảo cứu tư liệu lịch sử”, tự tác giả ngay từ đầu đã lẫn lộn các thể tài này. Đánh giá về giá trị văn học của tác phẩm, xin hãy để các nhà phê bình văn học, còn về sử học có lẽ cần một công trình sử học nghiêm túc hơn.

Truyện là truyện, còn khảo cứu tư liệu lịch sử lại thuộc phạm vi khác, nếu gọi đây là tác phẩm "sử ký" thì hoàn toàn không đúng. Tác phẩm của Trần Xuân An là một dạng lẫn lộn văn không ra văn, sử không ra sử. (Không phải “văn sử bất phân” như quan niệm của các cụ ngày xưa)

Trong lời giới thiệu cuốn sách này, ông Dương Trung Quốc đã nói đến thể loại này là: “một thể loại ông tự phát kiến để chứng minh với người đọc rằng: cuộc đời của Nguyễn Văn Tường như ông thuật lại trong bộ sách là một cuộc đời thực như thế”. Tác giả Trần Xuân An chua thêm, cho rằng: “Việc hư cấu nghệ thuật một cách chân thật trên cơ sở nghiên cứu sử học, tiếp thu những thành tựu của khoa học lịch sử sẽ làm cho sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử trở nên sinh động hơn, và do đó, thật hơn cả sự thật lịch sử trong sử học”.

Đã gọi là hư cấu tức là không thể thật 100%, mà hư cấu cộng với tư liệu lịch sử lại thật hơn cả sự thật thật sử trong sử học (từ của ông An)  thì không biết là hư cấu kiểu gì. Nhận định này quả là táo bạo và xem thường vai trò nghiên cứu của các nhà sử học. Nói tóm lại, hư cấu là chuyện của văn học nghệ thuật, còn một công trình nghiên cứu lịch sử thì không thể và không cho phép hư cấu.

Cuốn sách thứ hai: "Nguyễn Văn Tường, một người trung nghĩa", Nxb Thanh Niên 2006. Sách dày 350 trang, cả phụ lục. Nội dung chính cuốn sách này là phần "khảo luận" về vai trò của Nguyễn Văn Tường sau ngày "kinh đô quật khởi" (Khảo luận này tôi sẽ bàn kỹ hơn ở phía sau). Bên cạnh đó là phần "đối thoại" mà tôi thấy cần góp ý thêm với tác giả.

Để chứng minh Nguyễn Văn Tường một lòng trung nghĩa thôi chưa đủ, ông Trần Xuân An đã "đối thoại" với các tác phẩm khác nhằm làm "sáng tỏ" nhân vật của mình mà không tiếc lời nặng nhẹ với những người đi trước như Tôn Thất Thuyết, Phan Bội Châu và cả GS. Trần Văn  Giàu.

Khảo luận "Về một vài trang đảo ngược sự thật lịch sử vì mục đích tuyên tuyền trong Việt Nam vong quốc sử". Ông An đưa vấn đề lên cao khi cho rằng đó là "vết thương sử học cần được hội chẩn và phẫu thuật tập thể". Ông chê cụ Phan bội Châu:

"Phan Bội Châu bị mắc mưu tuyên truyền bôi nhọ nhằm dập tắt phong trào Cần vương của Hector (khâm sứ thực dân Pháp), Đồng Khánh, Nguyễn Hữu Độ, Phan Liêm, Phạm Phú Lâm, và của hai cố đạo Puginier, Camelbeck cùng đồng bọn tả đạo trong Thiên Chúa giáo, sau khi đất nước và triều đình hoàn toàn rơi vào tay giặc Pháp. Thế hệ cụ Phan còn bị ảnh hưởng ít nhiều do sự nhồi sọ bởi nội dung giảng dạy, có thể như bản thảo Đại Nam thực lục, chính biên, đệ lục kỉ (1885 - 1888), trong nhà trường thực dân nửa phong kiến (trường học ở phủ, huyện và Quốc tử giám). Đây chính là các nguyên nhân tạo ra sự hoang mang, rối nhiễu, tác hại khôn lường trong xã hội Việt Nam hồi đó.

Mặt khác, nhận thức về hiện thực lịch sử trong thực tế đời sống của Phan Bội Châu vẫn có nhiều sai sót. Cụ Phan sai lầm đến mức lẫn lộn chi tiết cụ thể nhất là cái chết của Phạm Thận Duật với cái chết của Nguyễn Văn Tường; thậm chí cụ không biết chính xác ba tỉnh Miền tây Nam kì mất vào năm nào! v.v.

... Từ đó, với cái nhìn tổng thể về Việt Nam vong quốc sử, có thể nói rộng ra, ngoài những nhận thức chính xác về bản chất thực dân nói chung và sự phản kháng của nhân dân nói chung, không phải người yêu nước, nhiệt tâm cứu nước là không sai sót về kiến thức lịch sử, mà thậm chí vẫn sai sót nghiêm trọng nữa là đằng khác, và có lắm người sai sót mãi cho đến cuối đời!

Từ sai sót đến đảo ngược sự thật lịch sử về Nguyễn Văn Tường… là do một thủ đoạn chính trị. " (tr 99- 100).

Cụ Phan Bội Châu làm cách mạng vì dân tộc, cụ Nguyễn Văn Tường cũng vì dân tộc, thế nhưng cụ Phan có "thâm thù" gì với cụ Nguyễn Văn Tường không để ông An nói rằng cụ Phan đã thủ đoạn chính trị với cụ Nguyễn Văn Tường?

Vào đầu thế kỷ 20, việc cụ Phan nhầm cái chết của Nguyễn Văn Tường với Phạm thật Duật cũng có thể thông cảm bởi hoàn cảnh đâu dễ tiếp cận thông tin mà ông An lại nặng lời với cụ Phan đến thế? Ngay cả cụ Trần Trọng Kim khi phiên dịch Hạnh Thục ca của Nguyễn Nhược Thị, xuất bản năm 1950, cũng nhầm khi cho rằng thành Tân Sở là do Tôn Thất Thuyết chỉ đạo xây dựng, trong lúc sự thực là Nguyễn Văn Tường chỉ đạo. Nhầm lẫn cũng là điều có thể chấp nhận trong những hoàn cảnh cụ thể. Cụ Phan Bội Châu vẫn là nhà cách mạng, nhà văn hóa; cụ Trần Trọng Kim vẫn là học giả đáng kính, ông An có dám cho rằng mình cao hơn cụ Phan, cụ Trần một cái đầu không?

Khi cho rằng "Thế hệ cụ Phan còn bị ảnh hưởng ít nhiều do sự nhồi sọ bởi nội dung giảng dạy, có thể như bản thảo Đại Nam thực lục, chính biên, đệ lục kỉ (1885 - 1888), trong nhà trường thực dân nửa phong kiến (trường học ở phủ, huyện và Quốc tử giám). Đây chính là các nguyên nhân tạo ra sự hoang mang, rối nhiễu, tác hại khôn lường trong xã hội Việt Nam hồi đó", xin ông An chỉ ra chương trình "nhồi sọ" của chế độ ấy có đưa sách Đại Nam thực lục vào giảng dạy không mà ông khẳng định như thế? Một "thế hệ cụ Phan" mà "lắm người sai sót mãi cho đến cuối đời" như ông An nói, chỉ bởi nền giáo dục ấy, vậy những người như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, muộn hơn là Nguyễn Ái Quốc và bao nhiêu người cùng thời cũng ảnh hưởng nền giáo dục ấy thì giải thích làm sao?

Ở một đối thoại khác, ông An trích đoạn "Chống xâm lăng" (như là một cách đối thoại với GS. Trần Văn Giàu). Ngay từ đầu ông An đã "chỉnh" Giáo sư Trần Văn Giàu bằng một lý thuyết:

"Chúng tôi không dám vin vào những câu khiêm tốn trong lời nói đầu (viết vào năm 1956) của GS. Trần Văn Giàu ở bộ sách Chống xâm lăng để nghĩ rằng GS. không phải là nhà sử học, mà chỉ là một người học sử để làm công tác tuyên huấn của Đảng, trong hoàn cảnh thực dân Pháp thống trị, người có học lại chỉ học sử Pháp và rất mù mờ về quốc sử. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mạo muội nhận định: Quan điểm mác-xít - lê-nin-nít, GS. đã vận dụng một cách khá máy móc, không xét đến tính lịch sử - cụ thể. Lẽ ra, phần kiến thức sử học phải tuyệt đối khách quan, còn phần liên hệ (rút ra bài học từ lịch sử cho hiện tại và bản thân) vẫn bảo đảm mục đích yêu cầu tuyên huấn, nếu cần thiết phải tuyên huấn. Phải chân thực về lịch sử, tuyên huấn mới có sức thuyết phục, tức thời trước mắt và bền vững lâu dài! Ngoài việc vẫn bồi dưỡng lòng căm thù giặc ngoại xâm và tay sai, nên khẳng định ý thức không có gì quý hơn độc lập, tự do và nền dân chủ mới (xã hội chủ nghĩa đích thực), hơn là bôi nhọ chế độ phong kiến trong lịch sử, một hình thái chính trị tự bản chất đã quá lỗi thời, một đi không trở lại" (tr. 132).

Không biết giá trị cuốn sách của ông An đến đâu nhưng ông dám "nhắn nhủ" GS. Trần Văn Giàu nên đọc sách của ông viết về Nguyễn Văn Tường, bởi..."Với các cuốn sách của chúng tôi, mong rằng sẽ góp phần nhỏ để chấm dứt tình trạng người nói xuôi kẻ nói ngược rất rắc rối, tà tâm, học phiệt, và khá vớ vẩn!" (tr. 161). Nếu được như thế, ông An đã là bậc thầy của giới nghiên cứu đang "xuôi ngược".

Cũng trong đối thoại này, ông An cho rằng Tôn Thất Thuyết là người "ít học" khi viết: "chúng tôi tin chắc rằng lá “Thư gửi thống đốc Tahiti” đã được bịa ra, do những người chủ “hòa”, nhằm mục đích biện minh cho chính họ: người sáng suốt, có học (như Nguyễn Văn Tường) thì không thể “sát tả” được; chỉ người nóng nảy, ít học (như Tôn Thất Thuyết) mới chủ trương “sát tả” mà thôi!" (Tr. 158).

Ông An không biết hay cố tình không biết Tôn Thất Thuyết tuy nổi danh là võ tướng nhưng bước vào quan trường và trải qua những chức vụ gì. Năm 1869, Tôn Thất Thuyết giữ chức án sát Hải Dương, sung chức tán tương. Sau làm biện lý bộ Hộ, năm 1870 làm tán tương quân vụ cùng Hoàng Tá Viêm đánh dẹp giặc khách ở Bắc kỳ, chức quan này chính Nguyễn Văn Tường cũng trải qua.

Tháng 3 năm 1872, ông được bổ làm bố chính tỉnh Hải Dương. Năm 1873 làm tham tán đại thần hàm thị lang bộ Binh, rồi lên thự tham tri bộ Binh. Tháng 3 năm 1874 vẫn là tham tán đại thần nhưng Tôn Thất Thuyết được phong là hữu tham tri bộ Binh, tước vệ chính nam. Tháng 4 năm 1874, ông giữ chức tuần vũ tỉnh Sơn Tây kiêm tham tán đại thần. Tháng 3 năm 1875 ông là thự tổng đốc Ninh-Thái kiêm tổng đốc các việc quân Ninh-Thái-Lạng-Bằng. Đến tháng 10 năm 1875 lại được bổ làm hiệp đốc quân vụ đại thần, chức tước gần ngang với Tổng thống quân vụ đại thần Hoàng Kế Viêm. Với thắng lợi vào năm 1881, Tôn Thất Thuyết được phong chức Thượng thư bộ Binh và sang tháng 2 năm 1882 ông kiêm thêm chức hải phòng sứ Kinh thành Huế. Năm 1883, Tôn Thất Thuyết chính lãnh chức thượng thư bộ Binh và sau đó được cử vào Cơ Mật viện vào tháng 6 năm 1883.

Chính vua Tự Đức đã đánh giá cao tài trí của Tôn Thất Thuyết, cho rằng: "tướng có uy vũ, tài trí đáng khen, không phải là cuồng dũng như Ông Ích Khiêm, ít học như Trương Văn Để cho nên Lê Tuấn cũng từng khen là biết lễ"[3].

Một người đã qua nhiều trọng trách chức vụ, được đánh giá cao như thế lẽ nào ông An cho rằng "ít học". Chừng ấy thôi đã đủ thấy một thái độ nghiên cứu thiếu khiêm tốn của tác giả.

Trở lại phần nội dung chính của cuốn sách, ông An dành phần lớn kiến giải, nghiên cứu của mình cho việc đánh giá Nguyễn Văn Tường với "nhiệm vụ lịch sử" sau ngày "Kinh đô quật khởi". Đây là từ dùng "sáng tạo" của ông An. Ở Huế, ngày 23/5 Ất Dậu là một ngày đau thương, tang tóc, không có gì gọi là "Quật khởi", chỉ nghiên cứu kỹ và có lẽ chỉ người Huế mới thấy hết sự đau thương của nó. Thất bại của cuộc "quật khởi" là không biết bao nhiêu mạng người vô tội đã ngã xuống để hôm nay ngày 23/5 âm lịch hàng năm vẫn là ngày "quảy cơm chung". Chính Nguyễn Văn Tường thừa nhận trong bản phúc tâu lên Từ Dũ thái hoàng thái hậu: "Binh dân trong ngoài thành bị thương, chết rất nhiều; người bị thương đều đã lục đục về quê, còn người chết thì quan binh Pháp hoặc đốt đi, hoặc chôn cất, nay đã sạch sẽ"[4].

Nghiên cứu Nguyễn Văn Tường, phần khó đánh giá nhất là việc tìm ra lời giải Nguyễn Văn Tường có vai trò gì trong đêm 23/5 định mệnh. Tại sao Nguyễn Văn Tường ở lại và ông đã làm được gì cho cuộc kháng chiến của dân tộc.

Ông Trần Xuân An dùng dẫn liệu mà ông cho là quan trọng nhất, là "chuẩn cứ" từ sách Đại Nam thực lục chính biên để cho rằng Nguyễn Văn Tường ở lại sau ngày thất thủ kinh đô là do có sự phân công "kẻ ở người đi".

Nguyên văn lời dụ ngày 2 tháng 6 năm Ất Dậu (13 tháng 6 năm 1885) được chép trong Thực lục như sau: "Y thấy ta càng khuất, y càng ngày càng lấn, khiến Triều đình không còn mặt mũi nào, vạn bất đắc dĩ mà ta mới phải làm cái kế bỏ thành đi ra ngoài. Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta cùng quanh quẩn, còn ngươi là phụ chính đại thần thì ở lại mà thương đàm, kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân làm căn bản. Trời đất thực cũng chứng giám. Ngươi nên khéo thể tấm thịnh tình của tiên hoàng đối với nước láng giềng rất có thuỷ chung và cùng y giảng rõ về lý thế, cân nhắc về lợi hại, hết lòng thoả hiệp, phàm những khoản gì bách thiết, chung nhau bàn đổi, cốt khiến cho hai nước như anh em, vinh nhục cùng quan hệ, vui lo cùng chung nhau mười phần chân thành, không còn dùng đến uy thuật. Lúc này ta mệnh cho hồi loan, trên để phụng dưỡng ba cung, dưới để yên lòng thần dân, khanh cùng với Tôn Thất Thuyết trung trinh chói lọi, muôn thuở cùng sáng, những phường nịnh tử gian phu, đều phải lặn hình giấu bóng. Nam triều ta há chẳng hân hạnh ư, nước Đại Pháp chắc cũng vui vẻ mà cùng giữ lấy cường thịnh vậy.

Nếu không như thế thì các miếu xã lăng tẩm và các vương công không kịp đi theo ấy thì hết thảy uỷ cho khanh. Ta duy có chọn đất lánh ở, sợ trời vui trời, rường cột cương thường, cả nước cùng thế, không đâu không phải là Triều đình và không phải là tôi con vậy. Trẫm quyết không cùng với họ tranh được thua vậy.

Tình thế ví lại không thôi, trẫm nguyện phái thêm cán viên, lấy đường đi khắp các nơi, nghiêm sắc cho Ninh Bình trở về phía Bắc, bao nhiêu quan tỉnh, phủ, huyện đều để ấn lại mà đi, người nào như có trung nghĩa tài lược không kể quan hay dân, đều cho được tiện nghi làm việc,cốt không phụ tấm lòng tốt của triều đình dưỡng dục, tác thành, yên được bóng thiêng liêng ở trời của liệt thánh và đáp phó được nguyện vọng tha thiết của thần dân trong nước. Khanh nên nghĩ cho kỹ nhé, có muốn nên tâu đối, thì gởi theo đường trạm chờ xét cũng chẳng hại gì".[5]

Trước tiên, phải nói đây không phải là đoạn trích mà chỉ ông Trần Xuân An mới tìm thấy trong sách Đại Nam thực lục mà các nhà nghiên cứu khác cũng đã dùng để trích dẫn khi nghiên cứu từ trước. Ông An chủ yếu vin vào câu "Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta cùng quanh quẩn, còn ngươi là phụ chính đại thần thì ở lại mà thương đàm, kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân làm căn bản. Trời đất thực cũng chứng giám" để cho rằng có sự phân công giữa hai người Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường.

Ý kiến này được đăng tải trong tham luận của ông An tại hội thảo năm 2002 ở Huế. Sau này bổ sung và đăng lại trong các công trình khác của ông An.  Tuy nhiên, mặc dù được cho là một cách kiến giải mới nhưng chủ trì hội thảo lúc đó là TS. Đỗ Bang, đã phát biểu trong đề dẫn hội thảo rằng: "Về sự kiện đêm 4/7/1885, có tác giả cho rằng có sự phân công bàn bạc "kẻ ở" và "người đi" giữa Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường nhưng quả thật là chưa có đủ tư liệu để chứng minh. Tư liệu lịch sử chỉ cho biết, Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn chuẩn bị tập kích quân Pháp mà vua Hàm Nghi, bà Từ Dũ, Nguyễn Văn Tường và triều thần không hay biết"[6].

(Hội thảo đó có rất đông đại biểu, các nhà khoa học và tất nhiên có cả ông Trần Xuân An nhưng ông An không có giải thích gì thêm về lời đề dẫn nói trên).

Không nhấn mạnh như ông An về kế sách "kẻ ở người đi" nhưng tác giả Trần Viết Ngạc cũng có nhấn mạnh biến cố 23/5 Ất Dậu không thể không nói đến vai trò Nguyễn Văn Tường và ông ở lại là có lý do: "Họ có lý khi cho rằng, chẳng qua là khi sự việc thất bại thì Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết bàn nhau thực hiện kế hoạch đàm phán mà Nguyễn Văn Tường đảm nhận để Tôn Thất Thuyết có thời gian rước vua đi xa".[7]

Các nhà nghiên cứu dẫu muốn tin vào sự trong sạch của Nguyễn Văn Tường nhưng tư liệu từ Thực lục không đủ cơ sở chứng minh.

Mấu chốt vấn đề là tại hội thảo, hậu duệ cụ Nguyễn Văn Tường đã công bố một số tài liệu về Nguyễn Văn Tường mới sưu tầm ở nước ngoài rất có giá trị được đánh giá cao. Ông Dương Trung Quốc khi tổng kết hội thảo đã cho rằng: "Hội nghị đánh giá rất cao những thông báo mới về mặt tư liệu của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh - hậu duệ của Nguyễn Văn Tường. Những tư liệu này càng củng cố thêm cho những lập luận để có thể giải thích được thời gian hai tháng Nguyễn Văn Tường ở Huế trong khi Tôn Thất Thuyết và Hàm Ngi ở Tân Sở. Để giải quyết được bản chất mối quan hệ giữa Nguyễn Văn Tường và chính quyền thực dân là sự hợp tác hay là một sự phân công 'kẻ ở người đi" như dụ Hàm Nghi gửi cho Nguyễn Văn Tường"[8].

Như vậy là tư liệu mới có giá trị "củng cố" thêm cho những lập luận còn thiếu tư liệu trong nước. Tư liệu của ông An không phải là "mới" và chỉ dựa vào chừng ấy thôi thì kiến giải không có cơ sở nên không thể xem là "triệt để" nhất.

Cuốn sách thứ 3: "Tiểu sử biên niên Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886) kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp". Sách dày 450 trang do Nxb Thanh Niên ấn hành năm 2006. Đây là tập hợp những trang Đại Nam thực lục có ghi chép về Nguyễn Văn Tường hay những sự kiện liên quan tới ông. Đóng góp của tác giả là  sưu tập tài liệu để xâu thành chuỗi "biên niên". 

Tuy nhiên, thỉnh thoảng ông An cũng có những lời "bình" mà theo tôi là thiếu cơ sở. Thí dụ, sau khi Tự Đức mất, vai trò của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết "ai hơn ai". Đành rằng Nguyễn Văn Tường lớn hơn Tôn Thất Thuyết 15 tuổi (Nguyễn Văn Tường sinh năm 1824, Tôn Thất Thuyết sinh năm 1839) nhưng cả hai cùng sung phụ chính đại thần một lần. Ông An cho rằng Nguyễn Văn Tường là người có thể điều khiển Tôn Thất Thuyết trong khi Tôn Thất Thuyết mới là người nắm quân đội: "Tôn Thất Thuyết lập Phấn nghĩa quân, Nguyễn Văn Tường đồng ý và cho phép", (...) "lúc này chính Nguyễn Văn Tường đã đích thân ra Cam Lộ để trực tiếp thiết kế, đốc công xây dựng căn cứ địa Tân Sở. Do đó, hầu như việc triều đình, ông đã giao hết cho Tôn Thất Thuyết. Tuy nhiên, Tân Sở (Quảng Trị) và Kinh đô Huế chỉ cách nhau một ngày đường, nên Nguyễn Văn Tường vẫn có thể vào ra"[9]. Những phán đoán như thế liệu có cơ sở?

Ở cuốn sách này, ngay đầu đề tác phẩm, ông An đặt: "Nguyễn Văn Tường - Kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp" theo tôi là "có vấn đề". Cái "nhầm lẫn khái niệm" của ông An là ghép cụm từ "của chủ nghĩa thực dân Pháp" làm một. Chủ nghĩa thực dân (cũ) là sự xâm lược và thống trị thuộc địa của chủ nghĩa tư bản. Pháp là một đế quốc thực dân, hoàn toàn không sáng tạo ra một loại "chủ nghĩa" của riêng nước Pháp. Thậm chí tư bản Pháp phát triển thành đế quốc thực dân sau Anh cả một thời gian dài.

Cuốn sách thứ 4: "Thơ Nguyễn Văn Tường, vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng", Nxb Thanh Niên, 2008 (462 trang). Sách có 5 phần, phần đầu đăng tải các bài viết của các nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, Đoàn Quang Hưng, Võ Xuân Đàn, Trần Đại Vinh và đăng lại bài "tủ" của ông An. Phần thứ hai là những sáng tác ngoài thi tập. Phần thứ ba là Thi tập cũng là phần trọng tâm, giới thiệu, dịch nghĩa 66 bài thơ của Nguyễn Văn Tường trong Thi tập của ông.

Điều đáng nói là phần lớn thi tập (45 bài thơ) đã được Trần Đại Vinh và Vũ Đức Sao Biển phiên âm và dịch thơ, giới thiệu trong hội thảo năm 1996 tại TpHCM, ông Trần Xuân An chỉ đem trình bày lại, minh họa thêm mà ông gọi là "nhuận sắc" và... dịch lại thơ. Đó là một công việc theo tôi là vô duyên. Nhưng ông đã làm. Thậm chí còn ghi ở bìa sách là "Trần Xuân An biên soạn và khảo cứu". Còn lại 21 bài, ông An vì không biết chữ Hán nên đã nhờ Nguyễn Tôn Nhan phiên âm và dịch nghĩa. Cũng thao tác trên, ông An "hiệu đính" và dịch thơ.

Vậy đóng góp của ông An trong tác phẩm trên là gì? có lẽ xin để các nhà phê bình văn học xem xét, cho dù ông An có cho rằng dịch lại thơ vẫn cần thiết: "Mọi nguyên tác không phải bằng chữ quốc ngữ đều mong ước có những bản phiên âm, bản dịch tốt, kể cả những bản nhuận sắc. Hơn nữa cần có thêm các bình chú, tất cả để đối chiếu, cảm thụ sâu hơn" (tr. 13).

Ông An khẳng định tài sản trí tuệ của mình "ở những câu chữ không phải của các nhà nghiên cứu khác trong cuốn sách này" (tr. 15). Như thế, xem ra giá trị ấy còn đâu khi tất cả tác phẩm trong thi tập thì người khác đã phiên âm dịch nghĩa?

2. Tài liệu nước ngoài: giá trị và phủ nhận!

Hậu duệ Nguyễn Văn Tường là bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và Trần Nguyễn Từ Vân đã cất công tìm kiếm các tư liệu liên quan đến Nguyễn Văn Tường và lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 19 ở nước ngoài. Năm 2002, tại Hội thảo ở Huế, một số tư liệu đã được công bố và được hội thảo đánh giá cao, không một ai tỏ ý hoài nghi về giá trị của tư liệu mới này. Ông Dương Trung Quốc trong bài phát biểu tổng kết cũng khẳng định giá trị của tư liệu.

Ngày 1.11.2003, Hội KHLS Việt Nam tổ chức Hội nghị: "thông báo nghiên cứu sử liệu về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong phong trào Cần Vương" với sự tham dự của các nhà sử học của Hội và Viện sử học Việt Nam. Hội nghị đã đánh giá cao các tư liệu mới sưu tầm và khẳng định độ tin cậy của nó. Kết quả giám định tư liệu được thông báo trên tạp chí Nghiên cứu Lich sử là cơ quan ngôn luận của Viện sử học Việt Nam (số 6, 2003, tr 90); công bố trên tạp chí Xưa & Nay, cơ quan của Hội KHLS Việt Nam. Khẳng định: "Việc công bố mới đây một số tài liệu lưu trữ của Pháp và những cuộc khảo sát ở nhà tù Tahiti do hậu duệ Nguyễn Văn Tường thực hiện ở nước ngoài, đã giúp cho các nhà sử học có thêm cơ sở để đánh giá lại nhiều điểm oan khuất trong cuộc đời của Nguyễn Văn Tường, nhất là hai tháng cuối cùng ở Huế"[10].

Tư liệu này còn được công bố và sử dụng khá nhiều sau đó. Đặc biệt là năm 2007, Hội KHLS Việt Nam đã tặng văn bia cho gia tộc Nguyễn Văn Tường, trong đó khẳng định giá trị tư liệu sưu tầm từ nước ngoài. Là người thường trực trong quá trình làm văn bia cho Nguyễn Văn Tường, chúng tôi khẳng định đây là một việc làm vô cùng công phu và qua rất nhiều góp ý của các nhà sử học, nhà nghiên cứu mới tạo nên văn bia hoàn chỉnh. Rõ ràng đây là việc làm của cả một tập thể, của các nhà chuyên môn hàng đầu chứ không phải là của một cá nhân duy ý chí.

Giá trị của tư liệu đã được các nhà chuyên môn công nhận nhưng ông Trần Xuân An lại phủ nhận và cho rằng đó là những tư liệu không đáng tin cậy. Ông cho rằng không thể sử dụng những tư liệu này vì có thể "mắc mưu" cựu thù thực dân (!). Lý do không đáng tin cậy các tư liệu này rất đơn giản bởi theo ông An, nó không có dấu "chứng thực" bởi các cơ quan chuyên môn nước ngoài, ông An ám chỉ các cơ quan lưu trữ tư liệu. Nặng nề hơn, ông An cho rằng người sử dụng hay đánh giá cao tư liệu này là vì mục đích cá nhân, tư lợi, bị kẻ thù giật dây như những con rối hay cố tình "chơi khăm" ông An khi chẳng nói đến đóng góp của ông[11].

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã xem rất kỹ bộ tài liệu sưu tầm ở nước ngoài của hậu duệ Nguyễn Văn Tường. Đây là tập tài liệu sưu tầm năm 2003, hiệu đính năm 2004, đính kèm bản gốc và bản dịch, dày 231 trang A4[12], đã công bố trước các nhà sử học.

Tập tài liệu này chỉ có một dấu "chứng thực" sao y bản chính giấy khai tử của cụ Nguyễn (chứng thực ngày 20/8/2002) còn lại chủ yếu là tài liệu dạng hình ảnh. Tài liệu cô Từ Vân sưu tầm phần lớn là tài liệu cô chụp bằng máy ảnh loại tốt nên nhìn rất rõ hoa văn và màu sắc, nét chữ,.... nhìn thấy cả những chỗ mối mọt, chỗ bị bẩn hay thấy cả "ngón tay" đang đè lên cuốn sách để chụp hình....; người sưu tầm không chỉ chụp tài liệu văn bản mà còn chụp cả bìa, tập hồ sơ, trang báo của gần 120 năm trước. 

Có thể tin thông tin đó là có thật; không sửa chữa. Hơn nữa, các tài liệu đều ghi rõ xuất xứ, lấy ở ô nào, hộc nào nên việc kiểm định không phải là khó hay gọi là "mập mờ".

Việc ông An đòi hỏi phải có chứng thực thì hơi khó, chẳng lẽ in ảnh ra rồi nhờ người ta "đóng dấu" vào ảnh hay sao? Ông Trần Xuân An nghi ngờ thông tin nào thì cần nói rõ, không thể phủ nhận bừa công lao tìm tư liệu của người khác.

3. Có hay không "sở hữu trí tuệ" trong nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường?

Trong các tranh luận trên báo, kể cả thư ông gửi cho Hội KHLS Việt Nam và Hội KHLS Thừa Thiên Huế (cơ quan tặng văn bia Nguyễn Văn Tường), ông cho rằng việc không nêu những "đóng góp" của ông trong nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường vào văn bia là "có dụng ý sâu xa", là cướp công, cướp quyền sở hữu trí tuệ của ông: trong tranh luận, ông viết: "cốt lõi trong sự bất bình ấy lại chính là âu lo công trình của bản thân sẽ bị vô hiệu hóa về quyền sở hữu trí tuệ. Một công trình đầu tiên và duy nhất đến bốn đầu sách khoảng 2.200 trang với chuyên đề về Nguyễn Văn Tường (1824-1886) nhưng trong lễ giải oan cho ông lại không được nhắc tới, hẳn là có dụng ý sâu xa nào đó về lâu về dài. Trước mắt, sự thể ấy đẩy tôi vào tình huống buộc phải lên tiếng, mà lên tiếng chắc hẳn sẽ mất lòng, gây gãy vỡ quan hệ giữa tôi và các nhà nghiên cứu sử học"[13].

Sở hữu trí tuệ trong mọi lĩnh vực đều cần được đánh giá đúng. Công trình khoa học phải được gắn với tên tuổi của người thực hiện. Tuy nhiên việc ông Trần Xuân An tự cho rằng, ông có quyền sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường thì cần phải "bàn".

Sở hữu trí tuệ của tác phẩm hay công trình là điều vẫn thường thấy nhưng sở hữu trí tuệ trong nhận thức, nghiên cứu hay sở hữu lý luận, tư duy thì chỉ ông An mới đề ra. Hơn nữa, cái ông xem là đóng góp lớn lao thì thực ra chẳng đóng góp gì trong tiến trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường về mặt sử học (tôi không bàn đến giá trị văn chương). Sách của ông An hay tư liệu của ông dùng đều không phải là những căn cứ quan trọng để đòi quyền công bằng cho cụ Nguyễn.

Việc nghiên cứu để đánh giá đúng công lao, sự nghiệp của Nguyễn Văn Tường là của cả một tập thể với nhiều cá nhân góp sức; sự nghiên cứu lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn chứ không thể đề cao quá đáng (càng không thể tự đề cao) một cá nhân. Người nghiên cứu đọc các công trình nghiên cứu liên quan (xin đừng tính số trang nghiên cứu) sẽ hiểu vấn đề ai có công trong nghiên cứu Nguyễn Văn Tường chứ không cần phải lên tiếng "để khỏi bị thiệt thòi, thậm chí để khỏi bị mất quyền sở hữu trí tuệ đương nhiên của chính mình" như ông An tự nhận. Chính sự cực đoan và tự phụ quá đáng đã đẩy ông An đến ảo tưởng, không ai ngoài ông An đã tự đẩy ông vào hoàn cảnh này cả.

L.T.C

 

 

 

 

 

(*) Thạc sĩ, Đại học Phan Châu Trinh, Hội An

 

[1] Xem:

- Nguyễn Hoàn, Nghĩ từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường,

http://hoinhavanvietnam.vn/News.Asp?cat=13&scat=&id=896, ( 2/6/2009 2:53:29 PM ).   

- www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=84&modid=388.

- Trần Xuân An, Sự công tâm tối thiểu cần có khi cầm bút,

http://hnv.vn/News.Asp?cat=13&scat=&id=897(2/6/2009 9:21:05 PM ).

- Trần Xuân An, Nghĩ về cách biện giải, những ngộ nhận của nhà báo Nguyễn Hoàn và về một ý hướng tốt cho khu di tích Tân Sở, 

http://nhavan.vn/article/BantronVN/887/1/print/, Thứ ba, 17.02.2009, 07:02pm (GMT7).

[2] Phan Ngọc Liên, Từ điển thuật ngữ lịch sử phổ thông, Nxb ĐHQG, Hà Nội, 2000, tr. 333.

[3] Thực lục, tập 33, tr. 170, 230, 358.

[4] Thực lục, tập 36, Tr 233-234.

 

[5] Đại Nam thực lục chính biên, tập 36, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr. 225-226.

[6] Đỗ Bang, "Nguyễn Văn Tường - cuộc đời và lời giải", Báo cáo đề dẫn, Kỷ yếu hội thảo Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886), Huế, 2002. tr. 6. In lại trong sách Nguyễn Văn Tường, cuộc đời và lời giải, do PGS.TS Đỗ Bang chủ biên, Nxb VHTT, 2007.

[7] Trần Viết Ngạc, Nguyễn Văn Tường trong hai sụ kiện Tứ nguyệt tam vương và Thất thủ kinh đô, Kỷ yếu đã dẫn, tr.57.

[8] Dương Trung Quốc, "Nhận thức lịch sử là cả một quá trình", Phát biểu tổng kết hội thảo. In lại trong "Nguyễn Văn Tường - cuộc đời và lời giải", đã dẫn, tr 242.

[9] Tiểu sử biên niên Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886) kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp, tr. 249-250.

[10] Xưa & Nay, số 151 (199), tháng 11.2003, tr. 7-9.

[11] Xem tranh luận của Trần Xuân An với nhà báo Nguyễn Hoàn, các bài đã dẫn.

[12] Trong các tranh luận, ông An cho rằng chỉ "vài chục trang" trong phần phụ lục của cuốn sách do PGS.TS Đỗ Bang chủ biên là không đúng. Riêng về phần tài liệu gốc và hình ảnh của tập tài liệu (được đóng tập năm 2004), là hơn 100 trang. Trong phần phụ lục, chỉ in những tài liệu quan trọng, từ trang 247-338, không thể là "vài chục" được.

[13] Các bài tranh luận đã dẫn và thư ông Trần Xuân An gửi Hội KHLS Việt Nam, Hội KHLS Thừa Thiên Huế.

 

 

 

 

 

Google page creator /  host

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, WORDPRESS, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE