j. Bài 10-Tl.2 - Trần Xuân An -- Nghĩ về những khó khăn, cản trở và quậy phá bị gặp phải

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

NGHĨ VỀ NHỮNG KHÓ KHĂN, CẢN TRỞ VÀ QUẬY PHÁ BỊ GẶP PHẢI

TRONG QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU

 

Trần Xuân An

 

Đối với người cầm bút, cho dù cầm bút trong địa hạt thơ ca, tiểu thuyết hay lĩnh vực nghiên cứu, phê bình, chỉ có tác phẩm mới chính là điều quan trọng nhất. Hình ảnh người cầm bút thường gây ít nhiều phản cảm cho người đọc bởi những chuyện chung quanh, ngoài lề tác phẩm. Sự thể đó không có gì lạ.

Viết về những suy nghĩ chung quanh, ngoài lề đó, thật là không nên chút nào, nếu nghĩ như vậy. Nhưng có lẽ cũng không vô ích, nếu gặp trường hợp cần thiết.

Tôi cũng không dám nói là cần thiết phải thưa chuyện với mọi người đọc quen biết về những gì chung quanh, ngoài lề quá trình nghiên cứu, viết sách, viết báo về đề tài nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886).

 

Đối tượng nghiên cứu & phản ứng của các thế lực bị phê phán

 

Nguyễn Văn Tường (1824-1886) có lẽ là một trong vài nhân vật lịch sử chịu nhiều hàm oan nhất. Không phải riêng ông, mà cả nhóm chủ chiến triều đình Huế, gồm Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Trương Văn Đễ (và cả nhân vật Ông Ích Khiêm, trước 1884) đều bị hàm oan như vậy, bởi họ có quá nhiều kẻ thù thắng thế. Bi kịch của họ chính là bi kịch của những người yêu nước, chống Pháp, chống tả đạo trong Thiên Chúa giáo, chống lại phe bảo hoàng ngu trung, nhất là  khi họ thất bại, bị lưu đày, bị lưu vong. Việc họ còn được lực lượng Cần vương ủng hộ sau ngày 6 (hoặc 8) tháng 9-1885 (ngày Nguyễn Văn Tường bị lưu đày) lại là một nguyên nhân khiến họ càng bị thực dân, phong kiến tay sai ra sức làm hình ảnh họ càng thêm méo mó. Đó là một lẽ.

Một lẽ khác, bản thân Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và cả nhóm chủ chiến của hai ông, đã gặp phải những tình huống lịch sử mà chính họ phải chọn lựa cách hành xử quá táo bạo, quyết liệt. Bi kịch “tứ nguyệt tam vương” là việc thực thi công lí, công lí của muôn đời và mọi nơi trên trái đất này, nhưng lại đụng chạm đến nguyên tắc “trung quân” mù quáng của một bộ phận nho giáo cổ truyền. Đành rằng vua thoả hiệp với giặc để cam tâm làm tay sai cho giặc, có nghĩa vua cũng chính là giặc, nhưng việc bức tử, giam đói người đến chết, và người đó lại là vua (Hiệp Hoà, Dục Đức), cho dù tử hình vua (theo cách bấy giờ) là vì dân, vì nước và vì triều đại nhà Nguyễn, trong bối cảnh xã hội mà ý hệ phong kiến nho giáo bảo hoàng là tinh thần thời đại, thì họ không thể tránh khỏi sự phê phán của chính những người đồng chính kiến với họ -- lực lượng chống Pháp, chống tả đạo Thiên Chúa giáo – nhưng lại chưa thoát khỏi vòng kim cô “trung quân” mù quáng (“quân sử thần tử, thần bất tử, bất trung”), vốn dĩ khác với lòng trung hiếu nho giáo sáng suốt (“dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”).

Đó là dư luận ngày xưa, thuở đương thời.

Ngày nay, hình ảnh Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và cả nhóm chủ chiến hầu như trở thành một biểu tượng của chủ trương chính trị chuyên chính trong thời điểm đất nước cần thiết phải được tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Khi đất nước được xác định là đang ở trong tình trạng khẩn cấp, các nền dân chủ thuộc loại dân chủ nhất trên thế giới vẫn cho phép người lãnh đạo tối cao tự quyết đoán chủ trương, biện pháp, kể cả biện pháp quân đội với kỉ luật sắt (tổng thống thường là tổng tư lệnh tối cao của quân đội). Nhưng trong thời điểm hiện nay, các yêu cầu đòi hỏi dân chủ trong lòng xã hội Việt Nam nước ta và cả từ Việt kiều cũng như từ các nước siêu cường châu Âu, châu Mỹ đang mỗi lúc mỗi tăng cao, việc làm sáng tỏ và tô đậm hình ảnh Nguyễn Văn Tường cùng nhóm chủ chiến triều đình Huế (1883-1885) là một việc làm không được nhiều người ủng hộ. Đành rằng, nghiên cứu sử, nhận định sự kiện lịch sử, đánh giá nhân vật lịch sử phải theo quan điểm lịch sử - cụ thể, hồi đó phải như thế đó, lịch sử là lịch sử, hiện tại là hiện tại, chuyện nào ra chuyện đó, nhưng tư duy của nhiều người, nhiều kẻ lãnh đạo các lực lượng đòi hỏi dân chủ thực sự hay chỉ mượn chiêu bài dân chủ, hiện nay, vẫn nhập nhằng, không phân biệt rạch ròi. Trong đó, có lẽ Thiên Chúa giáo hiện nay là lực lượng phản đối mạnh mẽ nhất, vì không thể nói khác được, chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và nhóm chủ chiến, cùng phong trào Cần vương, là những kẻ “sát tả” (tiêu diệt tả đạo Thiên Chúa giáo theo thực dân Pháp). Người quan sát có thể ghi nhận rằng, khi “cùng tham gia” việc đưa ra hình ảnh Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến, những người Thiên Chúa giáo chỉ muốn biến hai nhân vật chủ yếu là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết thành hai hình tượng bị lên án. Họ những muốn vận động cả xã hội nước ta và nước ngoài lên án kẻ thù “sát tả” như một mũi tiến công nhằm mục đích đưa ra chiêu bài “dân chủ” kiểu Thiên Chúa giáo hiện đại. Và chắc hẳn, đến thời điểm này, có thể nói họ đã thất bại.

Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn, cản trở hiện nay trong quá trình làm sáng tỏ sự thật về Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến. Một điều ai cũng thấy rõ: Không có một thời nào, triều đại nào và lương tâm nào có thể cho phép mình minh oan cho một nhân vật lịch sử mà lại gây ra những khó khăn, cản trở như vậy, thậm chí khiếm nhã đến thế.

Đối tượng nghiên cứu -- nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886) -- còn là một hình tượng không được thiện cảm, hay chính là hình tượng bị bóp méo để phê phán, bởi chính khuynh hướng sử học Đàng Ngoài và của chính giới sử học Miền Bắc trong 21 năm đất nước bị chia cắt (1954-1975), kéo dài mãi đến những năm đầu thuộc thập niên 90/XX, khoảng 15 năm sau Ngày Thống nhất. Và hiện nay, định kiến do ảnh hưởng sai lạc ấy vẫn còn trong não trạng nhiều người, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên như những vết hằn khó xoá. Đến nay, hầu như vẫn còn song song tồn tại hai khuynh hướng nhận định về Nguyễn Văn Tường, cho nên không lạ gì, bên cạnh những cuốn sách có những chương, đoạn và những bài báo viết về ông một cách trung thực, có thiện cảm, vẫn còn những chương, đoạn sách, bài báo căm ghét ông, hiểu sai về ông.

Lễ dựng bia đá lịch sử Nguyễn Văn Tường vào ngày 03-6-2007, trong quá trình chuẩn bị cũng phản ánh điều đó. Có gì đó không thực tâm. Có gì đó thiếu dũng cảm. Có gì đó như thể bị tác động, giật dây, bị “đạo diễn” của lực lượng nào đó, khiến nảy sinh những bức xúc, những bất công trắng trợn giữa người nghiên cứu với người nghiên cứu một cách đáng trách.

 

Hậu duệ của đối tượng nghiên cứu và sự đáng trách không thể chối cãi của họ

 

Đây cũng chính là một trong những khó khăn, trở ngại về tâm lí trong quá trình nghiên cứu và trong những cuộc hội thảo, hội nghị khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường. Mặc dù hậu duệ của Nguyễn Văn Tường có nhiều người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và tập kết ra Miền Bắc, nhưng lại có một tỉ lệ lớn hơn cũng là hậu duệ của ông lại ở phía chiến tuyến chống cộng, thậm chí có người giữ chức vụ khá lớn dưới chế độ ngụy tả Diệm - Thiệu, hiện nay sinh sống ở nước ngoài. Đó là chưa nói đến các chắt chiu dâu rể, có người vốn là tướng tá, công chức cao cấp nguỵ, cũng đang sống lưu vong ở hải ngoại. Trong số đó, có người lại còn đang chống cộng trong các cuộc biểu tình, trên các tạp chí, diễn đàn điện tử. Sự thể đó gây ra những khó khăn cho giới sử học Việt Nam hiện nay, hầu hết đều là đảng viên Đảng Cộng sản. Mặc dù biết rằng, tổ tiên là tổ tiên, hậu duệ là hậu duệ, không nên lấy tổ tiên để hiểu hậu duệ, không nên lấy hậu duệ để nhận thức tổ tiên, nhưng tôi cũng biết chắc, Viện Sử học Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế cùng giới sử học, hầu hết là cán bộ giảng dạy tại các trường đại học, đều đã tuyên thệ chiến đấu tiêu diệt nhưng kẻ, những lực lựợng phản động, mà Mỹ - nguỵ là đối tượng trực tiếp phải tiêu diệt, cho dù trong gian đoạn tạm gọi là “hoà giải, hoà hợp dân tộc” này, cũng là giai đoạn cần nhận thức lại quá khứ, trả nợ cho những sai lầm vô ý hay cố ý về sử học Miền Bắc và ngay cả sau 1986, nên họ vẫn có những gì đó về mặt tâm lí là không ổn.

Bản thân hậu duệ Nguyễn Văn Tường cũng gặp phải bi kịch. Những người có tham gia cách mạng, tập kết ra Bắc, trong giai đoạn ở Miền Bắc, họ âm thầm chịu sự bất công của sử học và thậm chí, có người bị “nhồi sọ” đến nỗi cũng tin cụ tổ Nguyễn Văn Tường của họ cũng không tốt đẹp gì. Những người ở lại quê hương bản quán phía Nam vĩ tuyến 17, phần lớn trong số này bị đi quân dịch, hoặc phải làm công chức cho nguỵ quyền Miền Nam bởi “chạy trời không khỏi nắng”. Một số khác lại ẩn nhẫn hay thoả hiệp với chính quyền nguỵ tả Miền Nam đến mức không xuất bản những di cảo của cụ tổ Nguyễn Văn Tường, trong điều kiện sau 1963 là có thể xuất bản, để minh oan cho Nguyễn Văn Tường. Đây là những người phải nói là đáng trách và đến nay lâm vào cảnh “há miệng mắc quai” (một dạng “bi kịch” tự thân). Hiện nay, một số còn ở nước ngoài, có người mới bắt đầu dũng cảm thanh minh cho Nguyễn Văn Tường khi trong nước đã có những cuộc hội nghị, hội thảo khoa học và tôi đã viết sách, sách của tôi đã được xuất bản. Những người này rất ít, chỉ một hai người, nhưng chắc hẳn cũng phải chịu rất nhiều sự “tấn công” của lực lượng giáo dân Việt Nam hải ngoại. Cũng có người về nước ủng hộ các cuộc hội thảo, hội nghị, làm đền thờ, trùng tu mồ mả tại quê nhà, đồng thời bỏ công sức tiền của để đi sưu tầm tư liệu ở các trung tâm lưu trữ tại Pháp và Tahiti. Nhưng khó khăn là họ không có phương pháp sưu tầm, không biết mời các chuyên gia sử học trong nước (hay ngoài nước) làm người hướng dẫn, nhân chứng tại chỗ, đến nỗi sau khi sao chụp tư liệu, đã không có chứng thực của các trung tâm lưu trữ (trừ một chứng từ khai tử tại Tahiti), lại chỉ biết tự dịch và in vi tính. Điều này cũng rất khó thuyết phục công luận đông đảo (1).

Lẽ ra, những hậu duệ của Nguyễn Văn Tường phải làm công việc minh oan cho ông từ sau 1963 là muộn nhất (thời điểm Phạm Văn Sơn, đại tá nguỵ tại Miền Nam, viết và công bố “Việt sử tân biên”, “Việt sử toàn thư”… ; cho dù Pham Văn Sơn có sai lạc trầm trọng ở đoạn này câu nọ, nhưng đã mạnh dạn phê phán Thiên Chúa giáo [1858-1885 …] (2)). Và sau khi ra hải ngoại, từ 1975, lẽ ra họ hoàn toàn có đủ điều kiện để làm điều đó, trong không khí đa nguyên, đứng trên lập trường vô thần hoặc thuần tuý dân tộc, thậm chí có thể thuần nho giáo như thời nhà Nguyễn độc lập, tự chủ hay lập trường Phật giáo dân tộc. Mọi người quan tâm đến sử học đã từng thấy có những nhà nghiên cứu như Cao Huy Thuần (1969), Yoshiharu Tsuboi (1982) bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Pháp; trong luận án của họ đầy đặc những trang phê phán tả đạo Thiên Chúa giáo (1858-1885 …). Nhưng các hậu duệ Việt kiều của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường chưa làm được việc đó để minh oan cho tổ tiên mình! Rõ ràng, một bộ phận hậu duệ của Nguyễn Văn Tường, vốn là Việt kiều, cũng không phải không gây tâm lí không ổn đối với giới nghiên cứu sử học trong nước, vì chính bản thân họ không đủ dũng cảm, sợ bị rơi vào tình trạng là kẻ thù của lực lượng giáo dân, lực lượng chống cộng vốn người Việt Nam hải ngoại, trong khi gia đình họ hiện đang sống ở nước ngoài (hoặc, họ thực sự đang “thoả hiệp”, như trước 1975, thời họ còn ở trong nước) (3). Họ còn thua những người như GS.TS. Cao Huy Thuần rất xa, chưa kể đến nhóm Giao Điểm (giaodiem.com -- thời ông Nguyễn Văn Hoá làm chủ biên) và Giao Điểm online tại Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Họ về nước trong khoảng mươi năm đổ lại, cho đến thời điểm này, và nếu họ muốn tạo uy tín, hoặc vô hình trung mà có uy tín cho cá nhân họ, trong việc thanh minh cho cụ tổ Nguyễn Văn Tường, một khi họ không là người trong hàng ngũ cộng sản hay là công dân trong nước, hoặc đang “thoả hiệp” ở nước ngoài, thì giới sử học Việt Nam và những lãnh đạo chính trị trong nước cũng rất dè dặt, nếu không muốn nói là bất đắc dĩ, vì phải trả món nợ sử học quá khứ, vì sợ công luận nhân dân và các trí thức hải ngoại lên án.

Cũng cần nói thêm, không phải chỉ riêng hậu duệ Nguyễn Văn Tường, mà hậu duệ những nhà yêu nước, những anh hùng chống Pháp, những danh nhân khác dưới triều Nguyễn, ở Miền Nam (Đàng Trong), cũng không phải không rơi vào tình trạng như thế.

Phải chăng đó là sự thật ai cũng thấy được hoặc cảm nhận được?

 

Người duy nhất viết sách về Nguyễn Văn Tường, ngoài nghiên cứu sử học, lại còn “liều mạng” bình luận chính trị - xã hội theo kiểu “động thời văn”

 

Nếu dùng những từ ngữ để xác định đúng, thì từ trước cho đến nay, trong cũng như ngoài nước, tôi là người duy nhất viết sách (và đã xuất bản 1 bộ sách và 2 cuốn sách khác, chưa kể 1 cuốn còn ở dạng sách điện tử) có đề tài trung tâm, xuyên suốt là cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Văn Tường. Như đã nói, vì có thể ở nước ngoài, còn có một người khác đang viết về đề tài này (tôi nhấn mạnh: đang viết, chưa biết đã đến đâu), là ông Nguyễn Quốc Trị (chỉ mới thấy công bố 4 bài, đang còn ở dạng bản thảo, trên mạng liên thông).

Thật sự đây là một việc làm xuất phát từ ý định từ thuở tôi còn học trung học đệ nhất cấp, thuở còn nghiên ngẫm “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim. Nhưng bản thân còn có một năng khiếu bẩm sinh về thơ ca, tiểu thuyết, nên tôi đi vào con đường văn học, vì biết rằng văn học là một bộ môn gần với sử học, nhất là văn học ở nước ta, vốn có nhiều tác phẩm văn sử bất phân. Tôi đã quyết đi vào văn học để rồi sẽ dành nhiều thời gian cho sử học.

Việc nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường là hoàn toàn do ý thức tự nguyện của tôi, trước hết là thử tìm hiểu, nhận thức về dòng máu -- hiểu huyết thống ở ý nghĩa vật chất -- của chính mình, dù muốn hay không, cũng đang chảy trong huyết quản tôi. Tôi cũng chính là một nội hậu duệ của Nguyễn Văn Tường (1824-1886), cho dù mang họ Trần Xuân.

Nhưng ở đây, bài viết này, tôi muốn nhận thức vì sao tôi lại gặp nhiều khó khăn, trắc trở, thậm chí bị quậy phá như vậy, ít người ủng hộ, giúp đỡ như vậy, nhất là khi thực sự đi vào nghiên cứu, viết sách, viết báo về Nguyễn Văn Tường.

Tôi được sinh trưởng ở Miền Nam, bên này Vĩ tuyến 17 (1954-1975). Cũng như phần lớn hậu duệ Nguyễn Văn Tường, gia đình tôi không thuộc chiến tuyến mà ngày trước, người ta thường nói là chịu sự điều khiển của “quan thầy Nga Sô, Trung cộng”, theo chủ nghĩa vô thần. Bản thân tôi như thế nào không biết, nhưng rõ ràng là tôi phải chịu gánh nặng chủ nghĩa lí lịch dưới mắt nhìn của chính quyền hiện hành. Tôi không được tạo điều kiện thuận lợi một chút nào, nếu không muốn nói là bị gặp phải ít nhiều khó khăn, đặc biệt khi đi vào nghiên cứu thực sự đề tài nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, cho dù đất nước đã Đổi mới, được Cởi trói từ 1986.

Giả định như bản thân tôi chỉ thuần nghiên cứu sử học giai đoạn 1858-1885 và đi sâu vào đề tài Nguyễn Văn Tường, thì có lẽ tôi sẽ gặp thuận lợi hơn. Đằng này, tôi còn là một người sống chết với thơ ca, tiểu thuyết, nhất là những bài bình luận chính trị - văn hoá - xã hội, trong đó, có những vấn đề bị xem là “gai góc”, “nổi cộm” đối với các nhà xuất bản, các vị lãnh đạo Viện Sử học Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử các cấp của nước ta. Điều đó khiến nhiều người trong và ngoài giới sử học ngần ngại bày tỏ sự ủng hộ, nếu không muốn nói là tránh né hoặc thậm chí muốn kìm hãm tôi. Họ không muốn dính líu, họ phải bày tỏ thái độ bất đồng tình với tôi. Họ có lí do của họ. Thực ra, lí do của họ cũng do chính cơ chế chính trị xã hội quy định, mà họ phải tuân thủ. Nước ta vốn từ một nước có cả hàng ngàn năm sống dưới chế độ phong kiến, giai đoạn phong kiến trung ương tập quyền không ngắn, lại có một thời gần đây nhất, từ 1954, Miền Nam chịu sự độc tài của tả đạo Thiên Chúa giáo, gia đình trị họ Ngô, và đồng thời Miền Bắc xây dựng nền chuyên chính vô sản, cho đến khi đất nước thống nhất, 1975, cả nước sống trong chế độ chuyên chính vô sản ấy. Do đó, từ rất lâu, đã hình thành ý thức sợ liên luỵ trong mọi quan hệ xã hội. Những người liên can đến vụ Nhân văn - Giai phẩm đã bị ám ảnh sợ không nguôi, là một ví dụ. Cho dù hơn 20 năm Đổi mới, thứ quan niệm tàn dư ấy vẫn chưa vơi bớt bao nhiêu. Điều này hoàn toàn khác với quan hệ giữa người với người, cụ thể là giữa những người cầm bút với nhau, trong xã hội đa nguyên, như ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ chẳng hạn. Có một giai đoạn ở Miền Nam từ sau 1963 đến 1975, tinh thần chung sống đa nguyên đó là có thật. Trong một quán cà phê sinh viên, người ta có thể thấy nhiều chính kiến, quan niệm sống khác nhau được thể hiện. Trên báo chí cũng vậy. Mỗi tờ báo một chính kiến, một thái độ sống. Hơn thế nữa, nhiều chính kiến, thái độ sống khác nhau trong một tờ báo. Nước ta hiện nay, vẫn đang trong đà trượt của thời chiến tranh ngoài Miền Bắc, hoàn toàn phải tự rập khuôn nhau, nếu muốn tồn tại. Tất nhiên thời Đổi mới có khác hơn. Nhưng báo chí, cho đến nay, tuyệt nhiên vẫn là một...

Và còn là vấn đề cạnh tranh sinh tồn Nam - Bắc ngay trên đất Miền Nam nữa!

Vả lại, tôi còn là một người đề xướng chủ nghĩa dân tộc rộng mở, không chấp nhận biến tinh hoa tư tưởng dân tộc thành giá trị bản địa của các học thuyết, tôn giáo ngoại lai, ngoại nhập, mặc dù tôi ra sức học tập tất cả.

Cho nên, việc tôi gặp khó khăn, cản trở, không có gì lạ. Lạ là còn viết lên được những sự thật ấy – cái lạ của thời Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, đất nước hô hào Đổi mới, mở cửa, thời “liều mạng” liên thông toàn cầu, và Đảng Cộng sản Việt Nam lại gia nhập WTO, APEC!

Dẫu sao tôi cũng đã vượt qua khó khăn, trở ngại, sự quậy phá từ nhiều phía (nhất là phía tả đạo Thiên Chúa giáo – tôi đã nói quá nhiều điều này). Sự thật là ngoài 11 cuốn sách trong lĩnh vực thơ ca, tiểu thuyết, phê bình thơ, tôi đã viết và đã xuất bản thêm được 1 bộ sách và 2 cuốn sách khác về đề tài Nguyễn Văn Tường (1824-1886) (vẫn còn 7 cuốn khác đang ở dạng sách điện tử, chưa xuất bản với dạng in giấy được).

Đây là những lời diễn đạt sự nhận thức của chính tôi về những nguyên nhân nào tôi gặp phải khó khăn, trở ngại và sự quậy phá, ít được sự ủng hộ của giới sử học, giới báo chí và người đọc đến thế.

Vâng, không phải do chất lượng, tính khoa học! Hoàn toàn không phải do chất lượng, tính khoa học trong những tác phẩm nghiên cứu sử học của chính tôi, gồm cả bộ sách khảo cứu lịch sử được diễn đạt bằng ngôn ngữ truyện kí, mà do đề tài buộc phải đụng chạm đến nhiều thế lực như vừa phân tích, và còn do chính tự thân các hậu duệ Nguyễn Văn Tường, do chính tác giả là tôi, tôi cũng đã trung thực phân tích rõ (4).

Về bản thân tôi, tôi thấy cần thiết phải ghi vào cái tạm gọi là tự tổng kết này của riêng tôi thêm một điều: Thực sự, giữa việc kêu đòi dân chủ, tự do với sáng tác, nghiên cứu có mối quan hệ tác động qua lại. Không có dân chủ, tự do trong báo chí, xuất bản thì không thể có tự do sáng tác thơ ca, tiểu thuyết, độc lập, tự chủ nghiên cứu sử học; cho nên, để có thể sáng tác, nghiên cứu có hiệu quả, ít ra là được đăng báo, xuất bản sách, lập điểm mạng liên thông, cần phải kêu đòi tự do, dân chủ, tối thiểu là trong lãnh vực cụ thể, liên quan. Mặt khác, sự kêu đòi này không phải không chĩa vào lực lượng có lịch sử độc tài hàng ngàn năm tại châu Âu là Thiên Chúa giáo và cụ thể là Thiên Chúa giáo Việt Nam trong và ngoài nước…

 

Trần Xuân An

khoảng 9 : đến 15 : 38’, ngày 01-6 HB7 (2007),

tại TP.HCM., Việt Nam

 

 

____________________________

(1) Về điều này, tôi đã khẩn thiết nhắn tin đến bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và con gái bà, cô Trần Nguyễn Từ Vân, là rất cần tiếp tục làm nốt công đoạn chứng thực tư liệu, có chuyên gia làm chứng tại chỗ, dịch nghiêm túc, theo kiểu dịch tư liệu và có hiệu đính bởi người có uy tin trong lĩnh vực dịch thuật, sau đó phải in thành sách.

(2) Chú thích bổ sung (02-6 HB7): Nếu so với Trần Trọng Kim qua "Việt Nam sử lược", người đọc thấy Phạm Văn Sơn qua "Việt sử tân biên" đã cung cấp nhiều tư liệu chi tiết về sự câu kết Thiên Chúa giáo với thực dân Pháp hơn, và có vài nhận định về Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết tương đối chính xác hơn, bên cạnh những câu phê phán, xuyên tạc hai ông theo quan điểm thực dân, giáo dân. Sau đây là một vài đoạn trích (tư liệu Pháp được trích dẫn hoặc nguyên văn của Phạm Văn Sơn):

-- Dẫn theo sách của P. Cultru, về tình trạng giáo dân Bắc Kỳ cam tâm theo Pháp và bị Pháp bỏ rơi, 1873-1874: "... Ngoài ra việc bỏ rơi miền trung châu Bắc Kỳ sẽ tai hại vô cùng cho các kẻ theo Pháp bởi chắc chắn họ sẽ bị các quan và Văn thân nước Nam trừng phạt, nhất là giáo dân là những người đã ủng hộ Françis Garnier trong việc đánh chiếm xứ Bắc vừa đây đã bị xử trị, rất tàn nhẫn, không như hiệp ước [1874] đã nói rằng họ sẽ không bị phiền phức gì hết... [...] ... Vì những cuộc khủng bố và đàn áp đẫm máu kể trên, một số người Việt do Garnier bổ nhậm đã vùng dậy chống lại các quan Việt Nam và cũng xin người Pháp đỡ đầu. Họ đã gửi thư cho ông Hautefeuille, xin ông đứng ra chỉ huy cuộc chống đối. Lời yêu cầu của họ không được chấp nhận. Họ cứ gây loạn và đã vây thành Hải Dương và thắng nhiều trận, ta [Pháp] lại đem quân đi giải tán họ, thế mới phiền. Thế rồi họ phải rút quân ra đảo Cát Bà (11-1874) từ đó..." (Việt sử tân biên, quyển V, Thư Lâm ấn thư quán, 1962, tr. 330).

-- Một trong những lí do khiến Dục Đức bị truất phế: "Dục Đức đã đưa vào nội cung một giáo sĩ để làm việc riêng" (sđd., tr. 386); và nhận định về hai vị phụ chính: "Nước nhà lúc này đang ở trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, nạn vong quốc mỗi giờ mỗi phút tiến lại một gần. Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết là hai lãnh tụ của phe kháng Pháp đâu có thể tiếp nhận một ông vua vô hạnh và thân Pháp trên chánh trường Việt Nam bấy giờ. Bảo rằng Tường, Thuyết độc tài, chuyên chế, đó là ý kiến của bọn có chủ trương đầu hàng quân xâm lược... [...] ... nếu công bằng mà xét, tình thế nước ta lúc này nguy ngập vô cùng, nhiều biến cố xẩy ra dồn dập, người lĩnh trách nhiệm lớn như hai ông Tường, Thuyết không cương quyết, không độc đoán không xong" (sđd., tr. 387).

-- Về vụ phế truất Hiệp Hoà: "[Nguyễn Văn] Tường cho rằng nhà vua đã chuyển hướng và có ý dựa vào Công giáo để đi đến chỗ thân Pháp thì mọi kế hoạch kháng Pháp của bọn ông sẽ chịu ảnh hưởng tai hại" (sđd., tr. 402); "Đề phòng việc Pháp can thiệp vào việc tôn lập vua Kiến Phúc và khỏi biết mọi việc đang khai diễn trong nội thành, từ 5 giờ sáng, quân lính của ta bao vây tư thất của giám mục Caspar và Tu viện Thợ Đúc. Hai, ba giờ sau Toà Khâm mới hay. De Champeaux tức lắm" (sđd., tr. 404); "... xét nhiều nơi giáo dân đã đi lính cho Pháp, tiếp tế cho Pháp và làm cả gián điệp cho Pháp. Nhiều giáo sĩ Pháp và linh mục Việt Nam cũng đóng nhiều vai trò tham mưu và cố vấn trong hàng ngũ quân đội viễn chinh. Phe kháng chiến cho rằng trừ tiệt giáo dân là trừ được tay chân của Pháp đang có nhiều hoạt động..." (sđd., tr. 404).

Ở đây, điều cần khẳng định là, vào vài năm cuối của chế độ Diệm (thời điểm nổ ra cao trào chống Diệm của nhân dân và Phật giáo Miền Nam, khiến chế độ do ông ta đứng đầu bị lung lay dữ dội, báo trước sự sụp đổ và đã sụp đổ vào ngày 1-11-1963), không khí xã hội đang được thay đổi, tạo điều kiện để giảm bớt được sự che đậy về sự thật Thiên Chúa giáo trên sách báo. Sách của Phạm Văn Sơn cũng được viết và xuất bản trong thời điểm này (VSTB, tập V: 1962). Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định rằng, Phạm Văn Sơn có những đoạn, những câu biện minh cho Thiên Chúa giáo hoặc viết rất sai sự thật lịch sử về Nguyễn Văn Tường (chẳng hạn như về cái chết của Kiến Phúc; giai đoạn sau ngày kinh đô quật khởi, bị thất thủ, 5-7-1885...), nếu so với tư liệu gốc "Đại Nam thực lục" (ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. Khoa học xã hội - Hà Nội, 1976, tr. 150-151 & ĐNTL.CB., tập 37, 1977, tr. 35).

Chú thích này chỉ để làm sáng tỏ ý tưởng ở phần chính văn bên trên: Sau 1963, không có lí do gì di cảo Nguyễn Văn Tường không xuất bản được; và những oan khuất của ông không lí do gì không minh oan được bằng sách báo công khai.

   http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/dicao-nvt_trandaivinh.htm

(mới gõ phím & đưa lên web  ngày 05-6 HB7 [2007])

Bị chú (05-6 HB7): Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết: Vào khoảng thời gian một, hai năm sau Ngày Thống nhất 1975, Khoa Sử thuộc Trường Đại học Sư phạm Huế có tổ chức những đợt sưu tầm tài liệu triều Nguyễn. Gia đình một hậu duệ của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886), tại số nhà 12 Hàn Thuyên, Thành Nội, Huế, đã trao cho giảng viên Trần Viết Ngạc tất cả di cảo của Nguyễn Văn Tường. Mãi đến 16 năm sau, ông Trần Đại Vinh mới tiến hành dịch thuật một phần, và đã công bố danh mục các châu bản di cảo ấy trên Tạp chí Thông tin Khoa học & Công nghệ, số 2(2), 1991. Đến 1996, Thi tập Nguyễn Văn Tường cùng với một vài đoạn trích châu bản lần đầu tiên được công bố tại Hội nghị khoa học lịch sử với đề tài "Nhóm chủ chiến triều đình Huế & Nguyễn Văn Tường (1824-1886)", vào ngày 20-6-1996. Thi tập này được ông Trần Đại Vinh dịch thơ (không có bản dịch nghĩa), nhưng chỉ 31 bài; nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Vũ Đức Sao Biển dịch thêm 7 bài (chỉ có bản dịch nghĩa và một vài đoạn dịch thơ), tổng cộng là khoảng 38 bài; nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc giới thiệu (các trích dẫn châu bản cũng ở trong bài giới thiệu này). Như vậy, số di cảo gồm châu bản (tấu, sớ...) và Thi tập nói trên được công bố với bản dịch ra quốc ngữ ABC ở tình trạng dịch dở dang như đã nói là lần công bố đầu tiên.

Xem thêm:

 

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/tho_nvt-vnvcnthvttuong_1.htm

 

hoặc:

 

http://tranxuanan-writer-5.blogspot.com/2006/11/nguyn-vn-tng-1824-1886-th-vi-nt-v-con.html

Sau khi tôi (TXA.) nhờ nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan dịch nghĩa 28 bài còn lại, tôi chuyển thành bản dịch thơ, và chú giải xong (hoàn tất việc biên soạn), đưa đi xếp chữ, in thành sách vi tính (năm 2000), sao chụp thành nhiều bản, đem tặng luật sư Nguyễn Văn Toàn 1 bản, mới được biết, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cũng đã dịch nghĩa thêm một số bài, có đưa cho ông Nguyễn Văn Toàn trước đó.

(3) Chú thích bổ sung (03-6 HB7): Để bảo đảm an ninh cá nhân, người cầm bút thường lấy bút danh (tất nhiên là bút danh nghiêm túc; ở đây không nói đến các cây bút châm biếm, trào phúng).

(4) Xin xem thêm thông tin theo thứ tự các LINKs:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/dentho-nvt_xuanay-ltc.htm

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thukiennghi_vanbia.htm

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/vanbia.htm

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/trdoi_pgsdobang_bianvt.htm

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/8-cauhoi.htm

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/kinhchuc.htm

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/thugui-nhabao-qtri.htm

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/thu-moi-nha-bao-dieu-tra.htm

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/phuchu_thumoi.htm  

 

 

Bài đã đăng trên Tcđt. Hội Tụ:

 

http://www.giaodiem.us/us-2007/607/607-txa-nghiencuu-danchu.htm

 

_________________________________________________________________________________________________________

Trở về trang "Thư trao đổi với PGS.TS. Đỗ Bang":

 

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/trdoi_pgsdobang_bianvt.htm

 

trang bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

Ngày đưa trang này lên mạng liên thông: 01-6 HB7 (2007)

Bổ sung chú thích (2) và chú thích (2) được đổi thành chú thích (3): 16 : 29', 02-6 HB7

Bổ sung chú thích (3) và chú thích (3) được đổi thành chú thích (4): 6 : 06', 03-6 HB7

Bổ sung bị chú thuộc chú thích (2): 7 : 31', 05-6 HB7