Trần Xuân An - Giữa thuở chuyển mùa (Hậu chiến, không riêng ai) (V)

HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI

Chương V

Trần Xuân An

 

1

 

Năm học 1980-1981 đã kết thúc. Kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học đang bắt đầu. Huyên cùng một số đồng nghiệp khác có tên trong danh sách giám khảo, nên đã có mặt tại Đà Lạt ngay sau khi học sinh đã thi xong tại bảy trung tâm thi, bốn ở bốn huyện (Đạ Huoai chưa có lớp mười hai) và ba ở thành phố tỉnh lị của Lâm Đồng.

Đáp án đã được đánh máy thành nhiều bản, mỗi giám khảo đã nhận một bản. Trưởng phòng phổ thông, anh Nguyễn Công, kiêm cán bộ chỉ đạo bộ môn ngữ văn, hướng dẫn tổ giám khảo thảo luận để nắm chắc thang điểm. Được phân công làm tổ trưởng giảm khảo bộ môn ngữ văn, Huyên cũng phải chấm bài của thí sinh như mọi giám khảo khác, chỉ cộng thêm một công việc là kí nhận bài thi đã được rọc phách và giao nộp sau mỗi buổi chấm. Dĩ nhiên là phải chấm chéo, giám khảo vốn là giáo viên trường này phải chấm xấp bài của thí sinh trường kia. Tên trường cũng đã được mã hoá để tránh trường hợp giao trùng, chấm trùng.

Sau ba ngày, đã hoàn tất công đoạn chấm. Việc vào phách và lên bảng điểm đã có ban chỉ đạo hội đồng chấm thi cùng một nhóm giáo viên được điều động phụ trách. Nhưng cũng nhờ là tổ trưởng, nên khi kí tên giao nhận, nhìn thấy bảng điểm bộ môn có đầy đủ tên họ, trường thi của thí sinh, Huyên biết được điểm thi ngữ văn Hồng Vàng đã đạt được. Con số 7 không phải là cao so với điểm tối đa là 10, nhưng Huyên thấy chỉ có hai thí sinh đạt được điểm ấy trên toàn tỉnh. Hai bài thi của hai thí sinh đó, Hồng Vàng và một học sinh ở Đạ Nông, trường Huyên giảng dạy, được tổ giám khảo đặc biệt lưu ý, cán bộ chỉ đạo bộ môn cũng xem kĩ. Ngoài ra, Huyên không biết những môn còn lại, Hồng Vàng và học sinh Đạ Nông ấy đạt được bao nhiêu điểm.

Đó là niềm vui của Huyên, nhưng thật ra, chỉ là niềm vui ít ỏi trên nỗi buồn to lớn: đa số bài thi còn lại chỉ ở mức điểm trung bình và dưới trung bình. Tình trạng của bộ môn ngữ văn Việt trầm trệ như thế, không phải riêng ở Lâm Đồng mà trên cả nước! Một phần, do cách lập đáp án và cách chấm điểm. Nhưng phần lớn là do học sinh không thích học ngữ văn. Học sinh không thích học ngữ văn lại chính do bảng phân phối chương trình, quy định nội dung phân môn giảng văn có quá nhiều tác phẩm phục vụ tuyên truyền trong thời chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, trong khi đất nước đã thống nhất được sáu năm, Nam và Bắc đã thấy rõ nhau, hiểu rõ nhau... Trường hợp đạt được điểm 7 cũng đã là quý hiếm!

Sau buổi họp tổng kết đợt chấm thi và bữa ăn liên hoan, cùng với đồng nghiệp về lại khách sạn, thực ra chất lượng chỉ như phòng trọ, phòng nghỉ, do Sở Giáo dục lo liệu, bố trí, Huyên biết mình còn có một buổi chiều rỗng. Ngày mai, Huyên đã phải lên xe vào Thành phố Hồ Chí Minh để mua vé tàu lửa về nghỉ phép hè tại quê nhà Quảng Trị, vì đèo Ngoạn Mục trên đường xuống Phan Rang trước khi ra ga lớn Nha Trang, là một con đèo rất đẹp mắt nhưng khá nguy hiểm, nhất là ở thời điểm gần đây, đường đèo ấy có nhiều đoạn đã sạt lở và xe khách cũng thiếu phụ tùng để thay thế, tu sửa. Vé xe về TP.HCM. cũng đã được Sở Giáo dục đăng kí mua giúp rồi. Buổi chiều trống rỗng càng trống rỗng hơn, khi một vài đồng nghiệp đi thăm nơi này, chỗ khác. Huyên cùng một vài người bạn còn lại rủ nhau đi đến một quán cà phê nào đó để nhâm nhi, ngắm đường phố trung tâm Đà Lạt và hồ Xuân Hương.

Khi ngồi trong quán cà phê, Huyên hồi ức lại buổi sáng anh cùng Ngàn đã gặp hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng trên đường ven hồ Xuân Hương kia, và đã cùng nhau đến quán Thanh Thuỷ. Mới đó, cũng đã hơn ba tháng trôi qua!

Thấy Huyên ngồi trâm ngâm, Chu nói:

- Năm học này, trường mình chỉ có anh Dương Sĩ Cảm và Huyên được viết báo cáo thành tích! Mình thấy anh hiệu trưởng Đặng Đắc San đi tìm hai ông để thúc nộp gấp mà! Phải vậy không?

Huyên gật đầu:

- Cho vui vậy thôi. – Huyên khiêm tốn, nói lảng đi –. Nghe đâu môn vật lí của Chu, trong kì thi này, học sinh đạt điểm cao cũng nhiều?

- Ừ, đề cũng không hóc lắm. – Có lẽ Chu đã biết tình trạng điểm môn ngữ văn, nên nói thêm –. Môn xã hội các ông bì sao được với những môn tự nhiên!

Huyên đành cười trừ:

- Đúng là học sinh thích học các môn tự nhiên hơn... Và cũng vì các môn xã hội có nhiều vấn đề phức tạp quá, kể cả đáp án, thang điểm, cách chấm... – Huyên nói, nét mặt và giọng điệu không hào hứng lắm –. ... Nhất là ở môn ngữ văn của bọn mình, phần lớn học sinh phạm lỗi diễn đạt, đặc biệt là ngữ pháp và chính tả... Không thể có học sinh đạt được điểm tuyệt đối như các môn tự nhiên của các ông được...

Uống cạn những giọt cà phê cuối cùng, Chu nhấp một ngụm trà rồi đứng dậy, bắt tay Huyên và bạn bè. Huyên biết Chu sẽ đến thăm nhà cô giáo Hậu cùng nhóm vật lí. Ngồi thêm một lúc, Huyên có ý định sẽ đến thăm một nhà thơ quen biết với Huyên. Anh ấy đã thu thập đủ thơ của những tác giả ở Lâm Đồng này, trong đó có Huyên, và đang xin giấy phép, kinh phí để ấn hành một tuyển thơ chung: “Như anh em một nhà”. Năm ngoái, cũng đã xuất bản được một tập thơ nhiều tác giả như vậy. Nhan đề của bài thơ Huyên viết đã được chọn làm nhan đề chung cho cả tập: “Đất gọi thầm” (*). Huyên chào các bạn, nói Huyên đi thăm một người quen, rồi lững thững bước ra đường một mình, trong khi các đồng nghiệp còn muốn ngồi nán lại để nghe nhạc và ngắm phố phường, phong cảnh hồ Xuân Hương thơ mộng.

Tuy thế, không hiểu thế nào Huyên lại có ý định sẽ đến nhà Hồng Vàng trước khi đến nơi ở của nhà thơ quen biết ấy. Huyên thầm nghĩ, đúng rồi, nếu đến nhà Hồng Vàng theo địa chỉ Huyên còn nhớ được, ở lá thư hồi tháng ba vừa rồi Hồng Vàng gửi cho anh, Huyên phải đi trước khi chiều xuống. Đó là một nơi Huyên chưa đặt chân tới bao giờ.

Huyên hỏi đường qua một người tình cờ gặp, và lại chậm rãi bước tiếp. Đường phố Đà Lạt là những con dốc, vươn dài giữa những khu nhà xây cất trên những triền đất nghiêng nghiêng, duỗi mình giữa những đồi thông xanh tươi suốt bốn mùa. Huyên bước, nhưng vẫn cảm thấy có gì đó thật vướng víu trong lòng. Dẫu sao Hồng Vàng vẫn còn là học sinh phổ thông trung học, mặc dù đã qua kì thi tốt nghiệp, đã mười tám tuổi rưỡi. Dẫu sao Huyên cũng là thầy giáo, mặc dù mới bước vào tuổi hai mươi lăm. Huyên bước, nhưng cảm thấy mình nên quay gót, rồi vẫn cứ bước tới.

Cuối cùng Huyên cũng đi đến đúng số nhà và tên đường. Ngôi nhà của Hồng Vàng đã ở trước mặt anh. Để vờ như ngẫu nhiên, vô tình, Huyên chỉ thoáng nhìn trong khi đang bước. Qua cổng nhà, lẽ ra Huyên đứng lại, tìm nút bấm chuông hay gọi khẽ tên Hồng Vàng, nhưng Huyên lại bước thẳng.

Đến lúc đi hơi xa một quãng, Huyên mới nhận thấy ánh nắng chiều đã ngã bóng, trời se lạnh hơn nhiều. Anh mặc lại chiếc áo khoác va lua đang vắt trên vai. Huyên lại phải hỏi đường để đến nhà người bạn thơ, lớn hơn Huyên khoảng mươi lăm tuổi.

Huyên mỉm cười một mình, thấy mình ngớ ngẩn với tâm trạng chẳng khác nào một cậu học trò cuối bậc trung học! Nhưng cũng không hoàn toàn như vậy, chút vướng víu chính, Huyên tự hỏi, phải chăng vì anh đã là thầy giáo, Hồng Vàng vẫn còn là học trò phổ thông!

 

2

 

Huyên đã từ Quảng Trị quê nhà vào lại Đạ Nông, sau hai tháng nghỉ phép hè.

Chiếc xe khách TP.HCM. – Đà Lạt, khoảng hai mươi bốn chỗ ngồi, có lẽ là một trong ít chiếc xe tốt nhất còn sót lại, đã đỗ ở lề đường, sát quán “Bít tất”, phía đối diện với cột cây số 270. Huyên xuống xe với chiếc xách cầm tay.

Khi xe chạy vụt đi, Huyên thấy khung cảnh quanh Trường Phổ thông trung học Đạ Nông trước mặt anh khác với chính nó cách đây hai tháng. Lúc Huyên rời trường, ngô mới gieo hạt, cao mới nửa bắp chân. Bây giờ đang là mùa mưa, những khoảnh đất trồng ngô hai bên và sau nhà ở tập thể của trường lại đang xanh ngắt, cao ngang ngực, lộ rõ dấu vết đã được thu hoạch trái đợt đầu.

Huyên bước chéo qua đường để vào cổng trường. Sân trường buổi chiều vốn đã vắng lặng, nay đã lưa thưa mọc lên những vạt cỏ dại vì thiếu bóng dáng học sinh trong dịp nghỉ hè, trông càng hoang vu hơn. Nhưng Huyên vẫn tin chắc ở dãy nhà tập thể giáo viên ít ra cũng đã có mặt dăm người. Anh bước vào lối đi nhỏ giữa văn phòng và dãy phòng học cũ.

Huyên rất vui mừng khi thấy ở trước ngôi nhà nhân viên, chị Ninh đang bồng con đứng bên chồng, cười chào:

- A! Thầy Huyên mới vào! Thầy có một lá thư bưu điện mới đưa tới đây!

Huyên đến gần:

- Chào anh chị! – Và Huyên rút từ xách tay chút quà nhỏ, dúi vào tay cháu bé –.

Chị Ninh vào nhà, quay ra ngay với phong thư.

- Cảm ơn chị Ninh nghe!

Huyên nhận ra ngay nhờ bốn chữ viết tắt: L.T.H.V.. Thư Hồng Vàng! Nhận thư xong, Huyên nói:

- Xin chào anh chị.

Huyên bước về phía nhà tập thể. Phòng của Huyên và Chu là phòng giữa của dãy nhà. Chu vẫn chưa có mặt. Huyên tìm chìa khoá trong xách tay và mở cửa phòng, bật đèn. Phòng ở vẫn như hai tháng trước đây.

Việc đầu tiên là Huyên mở thư để đọc.

“Đà Lạt, ngày 10 tháng 8 năm 1981

Kính gửi: Thầy giáo Nguyễn Phan Huyên

Thưa thầy,

Em chỉ dám viết ngắn gọn để thưa với thầy về hai kì thi của em.

Em đã đỗ kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học vừa rồi với số điểm là 32 (bốn môn thi). Và em cũng đã đi TP.HCM. để dự thi vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm ở đó. Mức làm bài, em tự đánh giá là có khả năng đỗ.

Dẫu đỗ vào đại học hay không, em cũng đã thấy mình đang bước vào năm thứ nhất lứa tuổi trưởng thành, chứ không thể cứ mãi là bé bỏng.

Nói thế, nhưng xin thầy cứ hi vọng là em sẽ đỗ như em đang hi vọng. Và cũng không còn cảm thấy nữa, mà chắc chắn là em đã bước qua rồi tuổi học trò trung học.

Em rất mong được gặp lại thầy.

Kính chúc thầy luôn vui khoẻ.

Em,

L.T.H.V.”

Đây là lá thư thứ hai Huyên nhận được từ cô học trò Hồng Vàng. Cũng như lần trước, niềm vui tràn ngập lòng anh. Trong niềm vui đó, Huyên thử tính nhẩm, và thấy điểm 7 môn ngữ văn lại là điểm thấp nhất trong bốn môn, nhưng Hồng Vàng vẫn yêu thích môn ngữ văn nhất. Anh biết, điểm ngữ văn phải cộng thêm từ 1 đến 2 điểm dung sai, hay có thể gọi là điểm đặc thù bộ môn, nếu cần thiết phải so sánh điểm với các môn khác: số 7 đó có thể bằng 8 hay 9. Và dù sao, điểm 7 Hồng Vàng và một học sinh Đạ Nông đạt được cũng đã vượt xa các điểm trung bình và dưới trung bình của tất thảy các thí sinh khác trong kì thi. 

Huyên kéo ghế, ngồi vào bàn viết, và viết ngay ý tưởng đó để kịp gửi thư ngay cho Hồng Vàng trong chiều nay, những mong Hồng Vàng sẽ được chút nào khích lệ, động viên. Sau đó, anh đi quanh nhà tập thể giáo viên để xem thử những ai đã có mặt. Huyên rất vui khi thấy anh Văn, giáo viên địa lí, ở một trong năm phòng đơn phía sau. Một cái bắt tay chào nhau thật chặt.

- Tôi đi ngay lên bưu điện huyện, lát nữa về. Sau đó anh em mình ra quán 99 nghe!

- Làm gì phải đi bưu điện gấp vậy?

Huyên cười, nói có việc cần. Và Huyên ra nhà chị Ninh để mượn xe đạp.

Huyên phải vượt vài ba con dốc mới đến nơi. Mơ hồ tiếng thác Liên Khương theo gió chiều vọng đến, khi anh bỏ phong thư vào thùng thư chính.

 

3

 

Anh Văn buông cây đàn ghi ta khi thấy Huyên xuất hiện ở cửa sổ, với tay lấy chiếc áo len màu xanh đậm, cầm ở tay, và bước ra.

Hai người bạn đồng nghiệp cùng đi đến quán 99 như đã hẹn.

Dưới tán cây xoài thấp nhưng xum xuê lá, tiếng nhạc hoà tấu êm nhẹ từ dàn loa trong nhà sàn vọng ra, hương cà phê phin thơm ngát.

Khoảng thời gian cuối năm học vừa rồi, những giáo viên hay ra ngồi ở quán 99 này thường yêu cầu chủ quán cho nghe đi nghe lại bài “Quán bên đường”, một bài thơ  được ghi là khuyết danh tác giả do Phạm Duy phổ thành nhạc. Lần này, anh Văn đề nghị Huyên vào quầy để nhờ cô con gái của chủ quán cho nghe lại bài ấy.

“... Rồi em hỏi anh làm chi?

- Cầm bút, để viết ngày đêm...

- Viết gì?

- Đời thối, phải nói là thơm. Ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm...

... Em hỏi nghệ thuật là chi?

- Là đui, là điếc, là câm, mà đi...”.

Huyên lại châm một điếu thuốc lá, ngồi im lặng lắng nghe. Từ những năm trung học, anh đã nghe bài hát này. Bẵng đi một quãng thời gian dăm bảy năm, sống trong tâm nguyện làm thơ vì đất nước, với nhãn quan mới, Huyên hầu như quên mất. Gần đây, Huyên mới thấy bài thơ đã trở thành ca khúc ấy có phần gần gũi với bài báo “Viết về chiến tranh” của Nguyễn Minh Châu, bài tiểu luận về “chủ nghĩa ‘phải đạo’” của Hoàng Ngọc Hiến, tác giả đã xem “phải đạo” chính là đặc điểm của văn học vài thập niên qua ở Miền Bắc và hiện nay trên cả nước. Tất nhiên là “Quán bên đường” đau hơn rất nhiều, vì hình ảnh, câu chữ cụ thể và trực tiếp hơn, nên xoáy sâu hơn vào trái tim người nghe. Nhưng nó là tiếng kêu đòi ở Miền Nam, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, đã bị lật đổ từ 1963, được phổ biến rộng rãi sau năm 1963 ấy, nên không nổ vang, chấn động mạnh như hai bài của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, trong hai năm 1978 và 1979, chưa xa lắm với năm 1981 này. Tất nhiên hai bài ấy vẫn thể hiện tinh thần trách nhiệm, không chứa đựng mục đích chính trị phản động bên ngoài văn học.

Bất chợt, xuất hiện ngoài cổng quán bóng dáng của Nho. Nho cười thật tươi, bước vào, ngồi trên khúc cây dựng làm ghế bên cạnh Huyên:

- Mình xuống Tùng Nghĩa, vừa lên lại trường, nghe anh em nói Huyên mới vào, đã cùng anh Văn ra đây!

- Rất vui khi lại gặp nhau!

Cô gái tiếp viên từ nhà sau bước ra, hỏi thầy giáo Nho dùng thức uống gì.

- Vẫn “Quán bên đường”! – Nho phớt tỉnh –.

- Không. Em hỏi thầy uống gì?

- Vẫn “Quán bên đường”! – Nho lại vờ phớt tỉnh –.

Cô gái bật cười, đứng chờ câu trả lời của Nho. Huyên phải “phiên dịch”:

- Ông thầy này nói cho một cà phê phin và nghe lại hai lần bản “Quán bên đường”.

Nho bị bắt buộc phải đính chính:

- Không, một chanh rum và hai lần “Quán bên đường”.

 

 

 

Huyên nói:

- Đúng ra phải là cà phê mới “Đắng và ngọt” như tên nguyên tác của nhà thơ tác giả chứ! Nhưng ông muốn chanh rum: chua, cay và ngọt! Cà phê tỉnh người, còn chanh rum say người.

- Nóng người chứ! – Nho nói với tiếng cười dài –.

- Nhưng có chanh, nên dã rượu ngay, và nước đá, làm hạ nhiệt tức thì. ... Nhè nhẹ thôi mà... Có điều, thôi, đừng diễn dịch mà mang hoạ vào thân. – Huyên nói, cũng cười với hai người bạn –.

Nói thế, nhưng thật ra Huyên biết, anh Văn dạy địa lí và Nho dạy sinh vật, dù yêu văn chương nghệ thuật nhưng cũng không đau bằng những ai đang giảng dạy văn chương như Huyên. Huyên lại là người làm thơ nữa, nên nỗi đau nhân lên gấp nhiều lần.

- Nếu Nho thích, tối nay, qua phòng mình, mình sẽ hát hầu Nho bài hát đó và cho Nho chép lại cả nhạc lẫn lời. – Anh Văn nói –. Nhưng chỉ đề tên tác giả thơ là Minh Phẩm (Trang Thế Hy) mà thôi. Trang Thế Hy là nhà thơ mà ở chế độ cũ bị ghi là khuyết danh...

- Biết rồi! Trang Thế Hy là nhà thơ cách mạng thì lo gì. – Nho nói –.

- Nên cứ hát và cứ chép... – Anh Văn cười thành tiếng –. Nhạc sĩ bây giờ lại bị khuyết danh!

Huyên mỉm cười, khi thầm nghĩ tiếp, có thể kể thêm, sau Trang Thế Hy lại có Trần Quang Long, cũng đều thuộc giới cầm bút cách mạng Miền Nam. Nhưng ở Miền Bắc, giữa những năm 50 đã có Phùng Quán... Lại cũng từ Miền Bắc, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến mới cách đây chỉ hai năm và ba năm, nên chấn động, âm vang vẫn đang lan toả...

Trong khi hai người bạn vẫn tiếp tục nghe đến lần thứ ba bài “Quán bên đường”, Huyên lại nhớ đến Hồng Vàng với ước vọng và trăn trở khi đang chờ kết quả để dấn bước trên con đường văn chương đầy chông gai, thác ghềnh, sóng gió, với ý thức góp phần nhỏ tâm sức của mình để văn chương đích thực là văn chương. Thật chân. Thật thiện. Thật mĩ. Không phải là quá nhấn mạnh đến chức năng giáo dục chính trị nhưng lại đặt trên cơ sở có phần nào che đậy sự thật, thiếu trung thực về chức năng phản ánh, và vì thế, thô sơ, công thức, xơ cứng, không thể nâng cao được chức năng thẩm mĩ.

Hồng Vàng bỗng hiện ra trong trí tưởng Huyên thật dịu dàng, cương nghị, bản lĩnh.

Và Huyên cảm thấy đau lòng, xót tiếc khi nghĩ đến thí sinh thứ hai đạt điểm 7 môn ngữ văn, ở Trường Phổ thông trung học Đạ Nông này, trong kì thi tốt nghiệp vừa rồi, nhưng trước đó học sinh ấy đã vội buông xuôi, đành chấp nhận nộp hồ sơ dự thi vào đại học theo một chuyên ngành thuộc khoa học tự nhiên, chứ không phải văn chương!

 

4

 

Cũng như kì thi tốt nghiệp, đợt tuyển sinh vào lớp mười năm học mới, 1981-1982, điểm bộ môn ngữ văn, một trong hai môn thi không thể thiếu, vẫn thế. Rền rặt vẫn là điểm 4 và 5. Rất hiếm hoi ở mức điểm cao hơn. Riêng môn toán, điểm khá hơn nhiều, có nhiều học sinh đạt 9, 10. Anh trưởng phòng phổ thông cũng là cán bộ chỉ đạo bộ môn ngữ văn buồn bã than phiền: “Không những ở Miền Nam, mà cả Miền Bắc hiện nay học sinh cũng rất chán học ngữ văn!”.

Hoàn tất công tác chấm thi, Huyên lại có một buổi trống rỗng. Anh lại thả bộ tìm đến con đường và số nhà Hồng Vàng, nhưng rồi như cách đây hơn hai tháng, anh vờ như ngẫu nhiên, vô tình đi ngang qua. Thật lòng, nỗi vướng víu “thầy giáo – học trò trung học” vẫn không thể vơi bớt trong lòng Huyên.

Và cũng vậy, Huyên lại một mình đi đến nhà anh Nguyễn Huynh, một phóng viên đồng thời là một nhà thơ ít nhiều đã thân quen đối với Huyên.

Anh Huynh vốn rất nhiệt tình với bạn thơ. Anh nhất định mời Huyên phải ở lại dùng cơm tối với gia đình.

Khi vợ con và vài người thân trong gia đình anh đã dùng xong bữa, anh Huynh lại kéo Huyên lên căn gác gỗ nhà anh, với chai rượu trắng đang uống dở chừng, hai chiếc li nhỏ trong tay. Như thế là cuộc rượu vẫn lại tiếp tục.

Là một nhà thơ theo cha tập kết ra Bắc từ nhỏ, học tập, bắt đầu làm thơ ngoài đó rồi vào Miền Nam chiến đấu, hăng say sáng tác, nhưng hiện nay, thơ của anh Nguyễn Huynh lại đậm chất đau đời. Trong tâm trạng chung, nảy sinh trước cả khi hai bài chấn động của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến xuất hiện công khai trên báo chí, anh Nguyễn Huynh có những bài thơ mà anh chỉ đọc theo cách “xuất bản bằng miệng”, hay mở bản thảo cho xem, khi gặp những người làm thơ thật sự tâm huyết với văn chương, con người, cuộc đời, đất nước. Trong khi đó, cho đến lúc ấy, Huyên vẫn đang thành khẩn trút hết tâm sức của mình để viết theo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, với ý thức nâng cao tính nghệ thuật và chiều sâu tư tưởng đến mức có thể, chứ chưa dám quay lui, nghiêng lại hiện thực phê phán như anh Nguyễn Huynh. Nhưng Huyên không thể viết đều như trước đây. Rõ ràng Huyên đang rơi dần vào bế tắc.

Có lẽ không có gì đau khổ hơn đối với người trút hết tâm huyết của mình vào thơ nhưng lại bế tắc. Hiện thực với bao điều trông thấy xám xịt, thì văn chương tươi hồng, làm sao viết nổi!

Anh Nguyễn Huynh không phải không sợ, nhưng nghĩ không ai có thể “chụp mũ” được anh. Còn Huyên, Huyên có một phần nỗi sợ sệt, rụt rè của Nguyễn Du trong người, mặc dù về bản chất nỗi sợ Nguyễn Du khác hẳn nỗi sợ của Huyên. Sống dưới chế độ cũ, Huyên đã mạnh dạn, thậm chí liều lĩnh công khai phê phán chế độ cũ bằng thơ ca, ấn hành tập san, lên diễn đàn đấu khẩu trước máy vi âm, để rồi đến Ngày Thống nhất, vui mừng hoà nhập vào chế độ mới, những tưởng tìm ra lối thoát. Thế nhưng, đến lúc này, Phan lại rơi vào bế tắc trong sự bế tắc hiện thời của cả giới cầm bút, trẻ tuổi cũng như lão thành. Nỗi sợ của Huyên là nỗi sợ trước một lệnh ngầm trừng phạt, mãi mãi bị treo bút. Chế độ cũ muốn cấm cũng không thể cấm viết, cấm lưu giữ bản thảo, cấm in. Nhưng chế độ mới hoàn toàn có thể cấm được. Vấn đề trớ trêu là ở đó. Không phải chỉ riêng đối với Huyên.

Có điều, ở anh Nguyễn Huynh, hầu như không hề thấy nỗi đau như Nguyễn Minh Châu, khi ngẫm lại những tác phẩm “viết về chiến tranh”. Nỗi đau, vì viết chưa toàn diện, mà còn phiến diện, “nên có” một cách “phải đạo”, trong thời chiến, về chiến tranh, không có ở anh Nguyễn Huynh. Thơ Nguyễn Huynh chủ yếu là phê phán sự ngự trị hiện tại của những gì đã già cỗi, như nếp hằn tư duy, cảm xúc cũ mèm chẳng hạn, không còn phù hợp với bước tiến của xã hội không đứng yên, mỗi phút, mỗi ngày.

Huyên vừa nhấp môi những li rượu nhỏ anh Huynh rót, vừa nghĩ ngợi, và nhận ra, rõ rệt hơn, phải chăng chính cái ẩn chứa đằng sau hai bài viết của Nguyễn Minh Châu (1978) và Hoàng Ngọc Hiến (1979) mới thực sự loé ra phương hướng hoà giải dân tộc sau bao nhiêu năm chiến tranh. Riêng trong nội bộ dân tộc: tuyên huấn chính trị, đã có bộ môn chính trị; sự thật lịch sử, đã có bộ môn sử; hãy để văn chương thật sự là văn chương của cả hai miền Nam – Bắc. Sách giáo khoa phải gồm những tác phẩm văn học hiện đại – cách mạng mang tinh thần đó, để học sinh hiểu rằng văn chương không phải là thứ chữ nghĩa “một chiều”, “hiện thực xấu nên có”“hiện thực tốt nên có” cũng tuỳ theo lập trường - chiến tuyến, chứ không phải lập trường dân tộc - đoàn kết. Báo chí, đài phát thanh cũng cần đến loại văn chương đích thực như thế, trong thời hậu chiến này, để tấm lòng công chúng mở ra, mát gió cảm thông, hoà hợp, chứ không phải đóng chặt lại, sợ gió lạnh buốt như dao nhọn hay gió ma trơi ảo ảnh xô gục mình xuống.

Huyên ngẫm nghĩ và đã bày tỏ điều đó với anh Nguyễn Huynh, và lại một lần nữa nhấn mạnh, để anh Huynh khỏi hiểu lầm: Văn chương hậu chiến vẫn phê phán thẳng tay bộ phận “tả đạo” ngoại xâm, thực dân, phát xít, đế quốc, bành trướng, nhưng đặc biệt, riêng trong nội bộ dân tộc, “chiến tranh ý thức hệ”, “nội chiến” (từ ngữ ở Miền Nam), cũng có thể gọi là cuộc chiến tranh “ít nhiều có tính chất nội chiến” gần đây, không thể không hoà giải như thế. Anh Huynh có lẽ hơi chạnh lòng. Suy nghĩ hồi lâu, anh nói:

- Cả Nguyễn Minh Châu lẫn Hoàng Ngọc Hiến bị “đánh” tả tơi, thì lấy đâu ra những tác phẩm “hiện thực hiện có” đúng nghĩa, và không phải “hiện thực ‘phải đạo’”, để đưa vào sách giáo khoa ngay lúc này, nhằm mục đích hoà giải, hoà hợp... Mà dẫu có trong ngăn kéo cá nhân, bí mật, thì ai cho phép xuất bản, ai cho phép đưa vào sách giáo khoa!

- Em cũng nghĩ hai bài của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, phải chăng là do người ta sử dụng thủ thuật “dựng bóng, đập bóng” trên sân bóng chuyền. – Huyên nói –. Có phải thế không anh Huynh? Hay suy nghĩ của em đã lung tung lắm rồi?

Anh Huynh không trả lời, chỉ im lặng. Hồi lâu, anh mới bảo:

- Vì học sinh, với văn học trong nhà trường, và vì sáng tác văn chương ở giữa cuộc sống xã hội, nên cậu nghĩ như thế, là rất thực tế, có trách nhiệm... Rõ ràng là các cụ lão thành cấp trên chậm chuyển biến trước tình hình mới, bởi vì những ai có chức năng báo cáo lên trên thì đều báo cáo láo cả... Còn “nhà văn nói láo, nhà báo nói gian, dối trá tràn lan là do nhà giáo”!

- Như vậy chỉ còn biết tin vào biện chứng của cuộc sống, “cái khó sẽ mở ngõ cho trí khôn”. – Huyên cười buồn –. Dẫu sao cũng phải lạc quan, phải không anh Huynh?

Mấy phút trôi qua, anh Huynh lại nói thêm:

- Hoặc giả, nếu các cụ đã chuyển biến, nắm bắt được tình hình mới, thì cán bộ bên dưới vẫn còn nặng sức ì quán tính. Hai năm 1980, 1981 này, Quốc hội đã và đang phát động sáng tác quốc ca mới để thay thế quốc ca hiện hành, nhưng xem ra cũng chưa thay được!

Huyên cảm thấy đó là một vấn đề quan trọng: 

- Vấn đề quốc ca, em không dám bàn đến đâu! Em chỉ nói về văn chương và việc giảng dạy ngữ văn Việt thôi.

Hai người uống hết những giọt rượu cuối cùng trong chai. Khi Huyên muốn từ giã, về khách sạn, nơi các giáo viên làm giám khảo được bố trí trong thời gian chấm thi tuyển sinh, anh Huynh quyết giữ chân Huyên. Huyên đành ngủ lại tại nhà anh Huynh, trên căn gác gỗ đó.

Có lẽ do rượu, giấc ngủ kéo thẳng một mạch đến sáu giờ sáng, lúc chuông đồng hồ báo thức reo lên.

Khi bước trong sương sớm lạnh buốt để về lại khách sạn, Huyên chợt thấy một cụm bông hồng vàng trên sân nhà ai đó, khiến anh đứng sững trong mấy phút.

 

T.X.A.

14:11, 11-03 HB13 (2013)

 

(*) “Đất gọi thầm”“Như anh em một nhà”, Ty (Sở) Văn hoá – Thông tin tỉnh Lâm Đồng xuất bản, 8-1980 và 10-1981. Mãi đến tháng 10-1986, mới ấn hành được tập “Đà Lạt thơ” (nhiều tác giả), cũng do Sở VH.-TT. Lâm Đồng ấn hành. Trong đó, thơ Trần Xuân An được tuyển chọn một bài ở tập thứ nhất, ba bài ở tập thứ hai, một bài ở tập thứ ba.

 

 

 

 

 

ĐÃ GỬI TTTĐT. HỘI NHÀ VĂN TP.HCM. (14-03 HB13 [2013])

& TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG (14-03 HB13 [2013])

 

http://txawriter.wordpress.com/2013/03/14/hau-chien-khong-rieng-ai-v-tiep-theo/

 

 

Chương I:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-i

 

Chương II:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-ii

 

Chương III:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-iii

 

Chương IV:

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-iv

    

 

Xem tiếp:

"Hậu chiến, không riêng ai" -- tiếp theo -- (VI)

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE