k. Trần Xuân An - Mùa hè bên sông - Tệp 11

author's

copyright

 

trần xuân an

MÙA HÈ BÊN SÔNG

tiểu thuyết

1997 & 2003

 

 

06/29/09

        

   

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

m ù a 

 h è

 b ê n

  s ô n g 

    

(nỗi đau hậu chiến)

 

tiểu thuyết

 

 

nnhà xuất bản  

 

1997 & 2003

 

 

     

 

CHƯƠNG XI

 

 

1

 

 

Nhà ông Hiệu Điên vẫn như mọi căn nhà khác ở nông thôn, trống toang trống toác, không phòng ốc gì cả. Ông lại đi vắng. Người con trai của ông tuổi chừng năm mươi, bên mấy đứa cháu nhỏ gọi ông Hiệu bằng cố, đón tiếp Hiền Lương, chưa kịp rót nước, Hiền Lương đã cản tay người đàn ông ấy, xin phép về.

Theo lời bác con trai của ông Hiệu, Hiền Lương ra bờ sông, bến nước gần nhà ông nhất để tìm. Ông mới xách oi với gói giun đất, vác cần câu ra đó.

Tre hóp xõa bóng trên bến mát rượi. Mặt sông loáng nắng, dập dềnh trên những gợn sóng bao lá tre hóp vàng úa. Đến tận bến, vẫn không thấy có ông Hiệu Điên ở đấy, Hiền Lương thở dài, nghe rã rời, thất vọng. Cô ngồi xuống thành xi măng xây xuôi bên bậc cấp của bến. Mồ hôi thấm ướt áo, gió thổi mát cả lưng.

Thế là Hiền Lương đành phải về nhà ông giáo Hiền thôi. May ra với những bài báo viết về ông Hiệu, cô lọc được chi tiết nào khả dĩ bổ sung thêm những gì cô đã hỏi thăm, đã hiểu về ông. Thật ra, cô muốn hiểu thật sâu, thật đầy đủ về cuộc đời ông suốt bảy mươi ba năm ông sống, muốn hiểu tận cùng, còn những nét lớn, những bước ngoặt trong đời ông, tâm trạng ông, Hiền Lương đã gần như thuộc. Hiền Lương thấy Hành nói đúng. Ông Hiệu là một nhân vật có tính cách độc đáo, là một Anh Hùng, một Con Người, viết hoa cả hai chữ, phần “Con” (sinh vật) cũng đáng kính, phần “Người” (văn hóa) cũng đáng trọng. Tất cả ở ông đã được ý chí, nghị lực của chính ông làm thăng hoa trong đời sống thực. Chỉ tiếc là vết thương ở sọ não do bị tra tấn đã biến ông thành người tàn phế, mặc dù mọi người và cả chính ông chẳng “phế” ông. Ông không đánh đắm cuộc đời ông vào bệnh tật với vết thương thực thể ấy. Nhưng có gì đau hơn khi một số phận lẽ ra sẽ thành đạt, sẽ cống hiến lớn cho đời, đành phải lủi thủi, thỉnh thoảng lên cơn sùi bọt, lang thang suốt nẻo đường làng, từ những năm còn tuổi hai mươi!

Hiền Lương dõi mắt theo chiếc đò buôn bán rau mắm từ Cửa Tùng đang ngược dòng ngang qua bến. Hiền Lương tiếc mình đã mua vé tàu lửa rồi. Cô ngồi thừ người bâng khuâng trong tiếng lao xao, kẽo kẹt của tre hóp, chợt nhớ lại vở kịch cương hôm nào Hành đã kể cho cô nghe khi hai người tha thẩn lên chùa. Hôm ấy, đang chuyện vui, Hành bỗng trở lại với những vết thương chiến tranh và cách mạng, vấn đề Hiền Lương quan tâm. Anh kể về vở kịch cương, vở-kịch-một-người, vở-kịch-giữa-đời, anh đọc cách đây mười mấy năm:

- Nhân vật có lí lịch gia đình ngụy từ Pháp đến Mỹ, lạ một điều là cha và anh của nhân vật đều ngụy quyền cấp cao, không có ai ngụy quân. Chính gốc vốn ở một làng quê giữa rặng núi Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, theo cha mẹ di cư sau Ngày Chia cắt, nhưng nhân vật đấu tranh trong sinh hoạt bệnh viện, cả về chuyên môn, gần như Pa-ven, nhân vật trong tiểu thuyết Thép Đã Tôi Thế Đấy. Anh ta vừa giỏi chuyên môn, vừa đỏ đến vậy, nên nhiều đồng nghiệp quý mến, tuy ngại, sợ đấu tranh. Chẳng biết ai xúc xiểm, có người bôi nhọ anh ta yêu cô giáo Thơm dạy chính trị - người Bắc bảy lăm, con cán bộ tập kết - để lên chức vụ nào đó, tức là “kiếm” cái ghế! Nguyên văn lời bôi nhọ ấy còn là thế này: “Cô ấy dạy chính trị, cái nghề cưỡng hiếp lịch sử. Yêu cô Thơm là vô luân”. Anh ta bị bôi nhọ, bị sỉ nhục đau đến vậy. Và anh ta còn bị cho uống hóa chất tâm thần thực nghiệm. Người ta muốn biến anh ta thành một nhân vật tâm thần! Quả là nhân vật ấy có viết tiểu thuyết hư cấu lại từ các nguyên mẫu ở trường phổ thông trung học cũng gần nơi công tác, trong đó có nhân vật Thơm. Nhưng đấy là tiểu thuyết! Suốt mấy năm trời công tác ở miền núi, y bác sĩ này có bao giờ tán tỉnh cô này! Trong thực tế, anh ta lại yêu tín đồ Thiên Chúa giáo và con gái gia đình ngụy: Trần Thị Tuyết Sáng và Nguyễn Lan Mùa Thu. Anh ta bị ép phải bỏ việc. Về Sài Gòn, anh ấy đi kiếm việc làm, người ta không chấp nhận, ngay cả việc cho vào Lực lượng Thanh niên xung phong. Anh ta đành về quê. Đến nhà, nhân vật y bác sĩ ấy lại chạy vào Quy Nhơn, nhưng cũng chẳng biết vào đó để làm gì. Nhân vật lại về quê! Rồi anh ta nghĩ, công an đã chủ mưu vụ này, bởi lẽ, đã viết đơn kêu cứu Sở Y tế, Viện Kiểm sát bao lần, nhưng vẫn bặt tăm (có lẽ người ta biết đấy là đơn của người hoang tưởng). Nhân vật đành ở trong thế phải gầm lên, đọc đơn ngay trước chợ, để công khai hóa! Đêm đêm, nhân vật nghe công an đứng sau phên tôn lủng lỗ chỗ miểng đạn của nhà anh ta, ám thị anh ta, lúc thức, cũng như lúc ngủ. Nội dung ám thị là cô Thơm (gái Bắc) đã sa-đích số phận anh ta, mẹ và chị anh ta cũng đã sa-đích số phận anh ta như vậy. Nhân vật “bị trói” trên giường, thành nạn nhân của sa-đích, gầm rú. Thiên hạ hùa nhau sa-đích, buộc đừng “lên” hoặc “chịu”!

Hiền Lương sượng sùng, gượng mỉm cười.

Hành vẫn tiếp tục kể vở kịch cương viết về vết thương chiến tranh ấy:

- Cả cái ghế cũng đè cứng lên cuộc đời anh ta! - Hành nói nhanh và rõ, rồi chậm rãi -. Như đã kể, y bác sĩ ấy bị ám thị để bôi nhọ rằng, anh ta “vô luân” vì chấp nhận sự cưỡng hiếp lịch sử... Trong giấc mơ hoang tưởng, anh ta còn thấy công an ám thị kiểu thôi miên, điều khiển cả giấc mơ. Công an nhảy xổ vào giấc mơ điều khiển sự tùng xẻo, cắn xé kiểu sa-đích và ám thị nhập tâm để bôi nhọ, nhằm kích động chống lại Đảng: đạo diễn “hoang tưởng bị sa-đích, gồm cả bị bôi nhọ”, bị giết về nhân cách, bị tử hình sinh mệnh đạo đức và cả sinh mệnh chính trị!

Hiền Lương ngạc nhiên, nhìn những bóng nắng trên đường làng. Cô cũng chợt thấy Hành kể chuyện quá rối rắm.

- Nhưng tại sao công an lại làm như vậy? Kịch sửa sai? - Hiền Lương hỏi -. Anh có thể nói rõ hơn không?

- Để mọi người thấy, gia đình ngụy, không thể đỏ được, đỏ dổm, đóng kịch đỏ mà thôi. Nhân vật tự suy luận: đã công khai hóa, đọc đơn giữa chợ, công an, chính quyền chẳng nói gì, cũng chẳng xét xử hoặc bảo vệ thì rõ là công an Bộ Nội vụ chủ mưu rồi, do đó, càng chửi để công khai hóa. Và anh ta càng chửi Bác Hồ, chửi Đảng, càng trúng kế. Kế ấy bày ra để làm gì? Để bảo vệ chính trị nội bộ, bởi sợ anh ta chui sâu vào guồng máy cán bộ Đảng và Nhà nước, như Vũ Ngọc Nhạ, một thứ gián điệp trong “Ông Cố Vấn”, cỡ nào đó... Nhân vật lại rủa cả ông Trường Chinh về đấu tố.

- Nhân vật của vở kịch đã man khai lí lịch sao?

- Không. Nhân vật khai lí lịch rất chính xác, trung thực từng chi tiết. Trừ bản thân, dẫu sao lí lịch thân thuộc anh ta cũng là chống cộng. Thực ra, nếu anh bị bôi nhọ, bị ám thị vậy, anh cũng chửi tất!

- Làm sao chui sâu được, nếu với lí lịch rõ ràng như thế?

- Nhân vật có tài, có chút tài. Anh ta ngang tính, không sử dụng được, nên làm vậy để chứng minh “chủ nghĩa lí lịch” là đúng. Thực tâm anh ta đỏ, mặc anh ta, vẫn cố sức ép anh ta chống lại Đảng, Bác Hồ, chửi ông Lê Duẩn... Để làm gì? Dựng đứng sự cố ở một nơi hẻo lánh như thế, ai biết đâu mà làm vậy? Để rồi đồn miệng, tuyên truyền miệng một bài học cảnh giác... Thỉnh thoảng anh ta chửi trong năm tám ba đó. Sau đó là âm hưởng chấn thương tâm hồn.

- Thế rồi, anh ta thế nào? Cứ kể theo diễn biến vở kịch!

- Thì chỉ phát điên vào năm một ngàn chín trăm tám ba ấy. Cái ghế, gái Bắc, mẹ và chị... là những hình tượng được hư cấu để phản ánh vấn đề giai cấp, ý thức hệ thể hiện từ trong mỗi nhà ra xã hội. Đó là vở kịch về vấn đề giai cấp, có thể nói rõ, cụ thể là về sự sa-đích lịch sử... Anh ta “vô luân vì cam làm nạn nhân của sa-đích”! Bây giờ, “cởi trói” rồi, “cởi trói” từ năm tám bảy!... Trong vở kịch, dàn đồng ca lật lại vấn đề, vì nghe đồn thổi, rằng bôi nhọ anh ta như thế, để trả đũa bằng cách tố cáo lại sự sa-đích lịch sử nhằm thanh minh cho Ngô Đình Diệm với Trần Thị Lệ Xuân, cũng là để thăm dò dư luận. Một bung xung lãnh đạn! Thực ra, Ngô Đình Diệm - Lệ Xuân chỉ là bung xung kiểu ma-ki-a-ven-lít!?

- Vậy thủ phạm là ai? Ai biến anh ta thành một dạng bung xung ma-ki-a-ven-lít để tố cáo sự sa-đích lịch sử? Còn anh em Diệm, thì rõ quá rồi, chỉ là các bung xung ma-ki-a-ven-lít làm nhiệm vụ độc tài kiểu sa-đích. - Hiền Lương lại hỏi -. Vậy ai là thủ phạm đạo diễn ra vụ bức hại cuồng này?

- Kẻ giấu mặt! Nói ngược, nói xuôi, dàn đồng ca bị cảm ứng bởi hoang tưởng và lại bị chi phối bởi kẻ giấu mặt! Kịch tâm thần cũng lây thành dịch đấy! Vụ tố cáo sự sa-đích lịch sử, văn hóa, tư tưởng này, ngoài tác dụng tích cực là đánh động và kêu gọi các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà triết phải tổng xét duyệt lại tất cả, còn có một số tác hại không nhỏ là bọn thực dân, phát-xít, đế quốc, bọn tay sai gian ác như Diệm, Nhu, Lệ Xuân và Thiệu, Kỳ cũng được biện minh, thậm chí tội ác của Thiên Chúa giáo từ triều Nguyễn đến nay cũng có cơ hội để biện minh! Đó là “tác dụng phụ” của một liều thuốc chữa bệnh.

Hiền Lương kinh ngạc, không hiểu vở kịch có nguyên mẫu trong đời hay không, có thể chỉ là mười mươi hư cấu. Cô đề nghị Hành kể tiếp.

- Đó là con người có thật, được viết thành kịch! Điên lên, chửi, để êm êm, anh ta lại đỏ, đỏ kiểu mới, nhưng vẫn đỏ, nói chung là đỏ từ đầu chí cuối, trừ đôi lúc chửi vì bị ám thị nhục nhã như thế. Ai lại cam đành là nạn nhân của sa-đích như vậy... (thiên hạ có thể “fuck you” anh ta chứ!...), nên phải chửi! Nhân vật chửi chế độ vì nghĩ chính công an đưa anh ta vào vở kịch này. Cũng thực là, anh ta bị buộc làm người điên của Nhật Kí Người Điên, nhân vật trong tác phẩm của Lỗ Tấn! Đấy, một “vở kịch giữa đời”, để đồn miệng. Một kí kịch, không hư cấu, hiện thực được cô đặc lại... - Hành ngừng lại, rồi nói tiếp -. Vẫn có người dùng hình tượng Khuất Nguyên để làm lá chắn nhằm tự bảo vệ trước nguy cơ bị bôi nhọ! Khuất Nguyên, một nhà thơ lớn của Trung Hoa, cũng như bạn bè, mọi người yêu thơ, làm nhạc khác, trước khi điên, anh ta rất tâm đắc... - Hành bỏ lửng, lại nói -. Nội và ngoại nhân vật mười đời không một ai điên. Không một ai bị tâm thần, trong thực tế lí lịch.

Hai người vẫn bước chậm trên đường làng. Hành lại kể, tự nhận thấy mình quá lủng củng trong khi diễn đạt nhưng lại mỉm cười, vì anh hiểu rằng “lủng củng” cũng là một thủ pháp của nghệ thuật gợi ý, kích thích động não.

- Trừ cái năm tám ba ấy thôi, ngoài ra nhân vật chẳng bao giờ điên cả, còn tỉnh hơn những người tỉnh nhất. Trí thức nên trầm tĩnh phê phán, sao lại chửi bới! Buộc anh ta làm bung xung như vậy, thì quá độc ác! Biến anh ta thành kẻ cơ hội, tráo trở, làm tan tành sự nghiệp chứ chẳng chơi! Thân bại, danh liệt! Di hại về sau, tất cả mọi mặt! Quá độc ác, và vô nghĩa! May là kịch!

Họ bàn về cái gọi là kịch cương, về những nỗi đau chiến tranh.

- Hay Việt kiều, CIA. của Mỹ, P.II của Pháp..., Thiên Chúa giáo, một bộ phận nào đó của Phật giáo... là thủ phạm vụ này? Mục đích là phục thù, gỡ gạc lại sự thảm bại nhục nhã trước bảy lăm? Nhưng xem ra chẳng gỡ gạc được gì. Sự thật lịch sử vẫn là sự thật. Thảm bại vẫn thảm bại. Chẳng ai dại gì xây lâu đài tâm huyết trên sự giả dối, lừa mị. - Hiền Lương chợt nhấn mạnh -. Có thể bọn Mỹ, Pháp, Nhật muốn li gián dân Miền Nam với Đảng và chính quyền cách mạng, khoét sâu mâu thuẫn, mặc cảm để làm hậu thuẫn cho chúng trở lại thực dân về kinh tế. - Hiền Lương nói.

- Đọc vở kí kịch, mình suy nghĩ như vậy. Chúng ta không ngu. Nổi rõ trong vở kịch là vấn đề ý thức hệ, giai cấp trong gia đình, ngoài xã hội, giữa các nước. Vở kịch đã lật ngược, lật xuôi nhiều vấn đề về “chiến tranh và cách mạng”, trong đó có vấn đề ý thức hệ, duy tâm hay duy vật, tư hữu (tư bản) hay công hữu (cộng sản), vấn đề mối quan hệ hài hòa giữa cái riêng và cái chung, vấn đề đấu tố giai cấp, vân vân... Khi điên, nhân vật trong kịch quan tâm đến mọi bình diện của vấn đề đấu tranh giai cấp suốt cuộc, đặc biệt là quyền sống, nhân quyền. Anh ta khái quát: đấu tranh giai cấp thực chất là đấu-tranh-sinh-tồn-của-sinh-vật-theo-Đác-uyn (Darwin). Từ quy luật sinh vật học, Các Mác vận dụng vào kinh tế học, xã hội học và lịch sử với quan điểm biện chứng đó thôi. Ai cũng muốn sống, muốn làm người ra người, người đừng bóc lột người, bức hiếp người!

- Thì ra chỉ là tạo tình huống giả và đạo diễn một vở kịch! Quảng Trị mình có vở-kịch-một-người kì lạ. Vở-kịch-giữa-đời thì có nghĩa lí gì! Như thế cũng chỉ là hư cấu!

Cô lại nghĩ ngợi trong âu lo, nếu ai bôi nhọ, ám thị, mình cãi, và cãi là mắc mưu sao?! “Giết người” rồi vu cáo thành “tự sát”?! Ở đây, lại “giết” nhân phẩm, sinh mệnh chính trị !

Hành cảm khái một cặp câu đối trong giai thoại về Cao Bá Quát:

 

Nước trong leo lẻo, cá đớp cá

Trời nắng chang chang, người trói người!

 

Hành nói :

- Nhưng y bác sĩ ấy không phải là Cao Bá Quát, cao ngạo và nổi loạn.

Hai người đến bậc thềm cổng phụ của chùa. Hành mỉm cười:

- Ngồi đây nghỉ một lát. Bóng cây ngọc lan rất mát!

Hiền Lương ngồi xuống, nhớ động tác rửa tay của Phi-la-tô La Mã, khi đã quyết định tử hình Chúa Giê-su.

- Nhân vật y bác sĩ ấy vốn rất chuyên tâm về tâm thần học trước khi bị nạn ấy. Nhân vật cũng đã sáng tác rất nhiều nhạc tình! Anh ta vừa làm y bác sĩ, vừa làm nghệ thuật, viết nhạc tặng năm người yêu chính thức: Hồ Xuân Mưa Hoa, Trần Thị Nhà Xinh, Lê Thị Chất Sen, Trần Thị Tuyết Sáng, theo thứ tự, từ những năm trung học đến khi bị nạn ấy. Và có thể kể thêm cả Nguyễn Lan Mùa Thu, cô học trò lớp mười hai do nhân vật dạy kèm môn sinh (cô bé này “không” yêu nhân vật này) cùng một lô nàng thơ khác. Nhạc là một trong những sản phẩm hư cấu của trí tuệ và tâm hồn, do đó, không lạ gì khi thấy nhân vật còn viết nhạc tình thay cho nhiều người, mọi người nữa... Qua những nàng thơ của âm nhạc anh ta, thấy rõ một quan niệm về con người siêu thành phần, phi lí lịch, độc lập trong các quan hệ, theo cách nhìn nhận của xã hội Việt Nam mình từ xưa..., và rất thơ mộng... Một vở kịch quá vô ích! Một cơn tâm thần thực nghiệm! Hay vở kịch viết về một người bị đạo diễn, để kêu đòi nhân quyền và “cởi trói”!?

Hiền Lương hơi chạnh lòng, lại mỉm cười.

Hai người đều thấy quá vô nghĩa, nếu quên vở kịch, chỉ chú ý đến diễn viên, đúng hơn, một y bác sĩ nhạc sĩ bị buộc phải đóng vở kịch Nhật Kí Người Điên ngay giữa đời, hay bị “giả điên” thì cũng thế.

Hành và Hiền Lương ngồi lặng im một lúc lâu trên bậc cấp cổng phụ của chùa. Cả hai trầm ngâm suy nghĩ. Họ ngồi đấy, cho dịu bớt hơi nắng. Bóng cây ngọc lan mát rười rượi. Lát sau, Hành khẽ nói:

- Thôi, hãy quên anh chàng y bác sĩ nhạc sĩ bức hại cuồng ấy đi. Anh ấy đã là y bác sĩ nhạc sĩ nổi tiếng rồi.

- Bây giờ anh ấy sống ở đâu? Làm nhạc kí bút hiệu hay tên thật?... Ồ, những số phận bị cả hai bên bốn bề cưỡng hiếp và bôi nhọ!

Hành nhìn Hiền Lương, khi ấy, cô đang trông xa vời ra cánh đồng. Anh nói:

- Ở Nha Trang. Nhạc sĩ Đất Lành đó, y bác sĩ Lê Đất Lành... Trừ cái năm một chín tám ba đó, từ nhỏ cho đến bây giờ, anh ta chẳng hề điên một tí nào cả! Có người bảo, năm tám ba ấy, anh ta chỉ giả điên mà thôi! Nói cho đúng, anh ta không giả điên một cách ngu muội như vậy. Anh ta bị kẻ khác kích động, chọc điên một cách rất có kĩ thuật, với những loại thuốc hóa chất nào đó...

Hiền Lương nghe cái tên là lạ. Hình như chưa bao giờ cô được nghe nhạc của nhạc sĩ này. Cô cũng ngạc nhiên, nếu nhạc sĩ ấy nổi tiếng sao cô chẳng biết. Có lẽ anh ấy chỉ nổi tiếng về nghề y bác sĩ ở một thành phố ven biển ấy thôi, nhưng trong ngôn ngữ nói, Hành quen miệng kết lại hai chức danh làm một, hoặc chỉ được biết đến ở Quảng Trị này, về tài nhạc lẫn nghề y.

Hiền Lương cười, muốn “xới” thêm vở kịch gián cách kiểu Bơ-rét (Brecht) ấy:

- Hay đấy là “Bi Kịch Người Đốt Đền”, đốt đền cho nổi tiếng? Nói như thế thì ác thật. - Hiền Lương bưng mặt xấu hổ vì điều cô vừa nói.

Hành giật mình, không ngờ cô gái dịu dàng, nhân hậu này lại nêu vấn đề như vậy. Anh cười buồn, chuyện thế sao diễn dịch ra thế!

- Về nghĩa bóng, đền thờ nào thiên hạ cũng đốt rồi. Đông, Tây gì cũng thế. Rất nhiều thế kỉ rồi, những ngôi đền, thánh đường đã bị bốc cháy, dọc theo chiều dài lịch sử tư tưởng, triết học bởi Đi-ô-gen Xi-ních, Căm-pa-nen-la, Mác, Nít-sơ, Ca-muy, Sác-tơ-rơ... Người ta đã “triết lí với cây búa”, và đã đến từ rất lâu thời “hoàng hôn của những thần tượng”. Có thần tượng nào còn đâu! Trước bảy lăm, trong Nam cũng hạ bệ thần linh tơi bời, cả lãnh tụ cũng thế. Nếu ai mưu toan “đốt đền” để nổi tiếng, có lẽ muộn rồi, và chỉ chuốc lấy tiếng cười khinh bỉ. - Hành ngừng lại -. Nhưng anh ta có tài, có bao nhiêu điều kiện để nổi tiếng, ít nhiều cũng nổi tiếng trước khi bị đóng kịch cái vở-kịch-một-người-giữa-đời oái oăm, đau khổ ấy, thì cần gì làm vậy. Anh ta chỉ là nạn nhân của một mưu đồ chính trị, và quả là đã mắc mưu thật! - Hành nhỏ giọng lại, nói tiếp -. Nếu công tác tổ chức kĩ thế, sao Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ...? Vấn đề là chính nghĩa, hiệu quả xã hội và năng suất kinh tế, chứ không phải là nguyên tắc tổ chức...? - Hành lúng túng, bỏ nửa chừng câu nói, vì anh chỉ muốn nói về người bị “giả điên” -. Đấy là một người rất bản lĩnh, sức khỏe tinh thần - thể chất rất tốt, không có tiền đề tinh thần - thể chất cho bệnh điên. Tính cách của anh ta: nhiệt tình, chịu khó, kiên trì..., đặc biệt là rất điềm tĩnh, sáng suốt.

Hiền Lương buột miệng:

- Em đọc sách, biết có hóa chất tâm thần thực nghiệm.

- Đúng. Có thuốc ấy thật, và còn có bao nhiêu thiết bị điện tử để điều tra!

- Và có cả thuốc khai thác tù nhân, thuốc nói thật.

- Đúng. Thuốc nói thật có từ rất lâu rồi, ít ra từ những năm sáu mươi. Nhưng phải bắt được trọn ổ những kẻ phạm tội, bọn thủ phạm vụ này, cho tất cả uống thuốc trong phòng biệt giam, để những lời nói thật do tác dụng của thuốc phun ra, rồi tổng hợp, đối chiếu, coi khớp không. Thuốc thường dùng để khai thác đối tượng bị tình nghi là gián điệp.

Bất ngờ, Hiền Lương nói:

- Đấy là thần dược! Có nó, mọi người khỏi bị nghi là gián điệp. Hoặc, mỗi người tự nguyện đeo thiết bị theo dõi! - Hiền Lương trầm ngâm, bỗng thấy chua xót quá đỗi -. Nhưng có phải người ta bày ra vở-kịch-một-người-giữa-đời như vậy để mọi giáo viên dạy văn, dạy sử Miền Nam “mất dạy”? Những người làm nghệ thuật... phải bẻ bút, quăng cọ...? Nếu lên án ngụy, người ấy bất hiếu, vô luân, thì ai cũng thế, bởi ai  cũng ít nhiều dính líu huyết thống với ngụy quân, ngụy quyền, “tả đạo”. Phải chấp nhận sự thực lịch sử, nếu sử kí, khoa học, văn hóa... không bị sa-đích nữa.   

Hành thở dài. Có phải đấy là một dụng ý gỡ gạc lại vấn đề lịch sử?

- Lịch sử giai đoạn vừa qua đau đớn thật. Ngày xưa, Phạm Thái, Nguyễn Huy Lượng, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan..., nói chung, kẻ sĩ Bắc Hà sau thời Trịnh - Nguyễn, Tây Sơn - Lê Trịnh đau khổ một, nay trí thức và nhân dân Miền Nam đau khổ mười, có thể gấp trăm nữa. - Hành nói với ngữ điệu bi phẫn -.Vì ý thức hệ. Vì thế lực bên ngoài  Đất nước của cả hai miền... Của cả hai miền!

Hiền Lương nhìn xa xăm, nhưng thực ra không nhìn đâu cả, nghe vết thương trong tim cô nhói buốt.

... Ờ, chuyện phiếm bao giờ cũng rối...

Vả lại, đó là một vở kịch cương, lời thoại và tình huống kịch rất tùy nghi. Hơn nữa, đó cũng là vở kịch theo dạng gián cách của trường phái Béc-tôn Bơ-rét (Bertolt Brecht), có sự tham gia của dàn đồng ca để xới lật vấn đề và để phản ánh ý kiến của quần chúng xem kịch, kể cả loại ý kiến bên ngoài chủ đề, chủ đích của vở kịch. Do đó, không thể không rối rắm, mâu thuẫn.

Hành cũng chừng như muốn kể lủng củng, ngắt quãng, rời rạc, nên còn rối rắm, mâu thuẫn hơn. Đúng là một vở kịch tâm thần! Rõ là một vở kịch bức hại cuồng! Có điều, dẫu sao, Hiền Lương vẫn trực nhận ra một chủ đề nhất quán.

... Ờ, chuyện phiếm bao giờ cũng rối...

Hành và Hiền Lương rơi vào một lúc im lặng khá lâu. Mỗi người đang đeo đuổi ý nghĩ riêng của mình.

Hành lại cười buồn, nhăn mặt:

- Thôi, thôi, hãy quên anh chàng y bác sĩ nhạc sĩ ấy đi. Đau đớn lắm! Đúng, vấn đề là vở kịch, chứ không phải là diễn viên. Việc bị đóng kịch, bị “giả điên” không thành vấn đề!... “Con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội, trong tính hiện thực của nó”, Mác đã viết như vậy. Vấn đề là “tính hiện thực của nó”, của các quan hệ... Lí lịch gia thế vô nghĩa, nếu không hiểu cụ thể. Người ta xem lí lịch là một rào cản hoặc một quyền lợi khi “hạnh phúc là chiếc chăn quá hẹp”... Và phê phán những sai lầm của Đảng không phải là chống Đảng, là phản quốc. Đừng lấy lí lịch để bịt miệng, bóp nghẹt dân chủ... Những ai tham gia cách mạng Miền Bắc sau năm tư, hoặc từ bé tí theo cha mẹ ra Bắc làm “học sinh Miền Nam” ở Bắc, sao đáng quý hơn những ai ở Miền Nam đấu tranh tự phát vì yêu nước!

Hiền Lương vẫn im lặng. Cô thấy ỷ lại, dựa hơi là chuyện bẩn thỉu phổ biến, để giành giật quyền lợi. Hành lại nhớ đến vấn đề Ma-ki-a-ven, trong khi đó, Hiền Lương chợt liên tưởng đến lí lịch Mác, Ăng-ghen...

Hành nói:

- Ma-ki-a-ven-lít! Vấn đề là không phải không chấp nhận hành-vi-ác-độc-cần-thiết vì mục đích cuối cùng, tức là cứu cánh, hợp với đạo lí phổ quát. Vấn đề là biện pháp ấy, biện pháp vạn bất đắc dĩ ấy, thực hiện trong tình huống nào.  Đánh giá một chủ trương, một hành động chính trị phải xét đến tình huống cụ thể - lịch sử, cũng như đánh giá một phong trào khởi nghĩa, một lãnh tụ phải xét đến yêu cầu lịch sử trong một không thời gian nhất định. Trong một tình huống có nhiều cách giải quyết, nên thận trọng xét xem cách giải quyết nào là tối ưu. Bối cảnh ấy, tình huống ấy có cần phải nổi dậy, độc tài, bóc lột, tàn ác, đổ máu không? Và vì ai? Vì dân tộc, nhân loại hay vì lợi ích vị kỉ? Trước ánh sáng khoa học, tội ác chỉ là tội ác nếu vì quyền lợi cá nhân, cục bộ, bản vị. Chân lí và sự thật lịch sử thuộc về khoa học và thời gian chứ không thuộc về kẻ mạnh - các thế lực bên ngoài Đất nước. Cũng không phải “kẻ chiến thắng không bị xét xử” như Ma-ki-a-ven nói... Hiền Lương đồng ý vậy không? Trở lại với vở kịch cụ thể: Nêu lên và giải quyết vấn đề lịch sử, gồm cả văn hóa, một cách văn minh hay man rợ? Và đánh giá thế nào nếu nêu lên vấn đề, giải quyết vấn đề lịch sử, văn hóa một cách man rợ nhưng lẽ ra không cần thiết phải man rợ đến mức độc ác như thế?

Bất giác, Hiền Lương buột miệng:

- Em chợt sáng ra vấn đề. Vở-kịch-một-người, vở-kịch-giữa-đời về một nhân vật bị bức hại cuồng khiến em liên tưởng đến các vụ bức hại giáo dân Thiên Chúa giáo dưới triều Nguyễn. Phong trào “bình Tây sát tả” (II.12) thời đó là sự thật lịch sử, diễn ra từ triều Minh Mạng đến giai đoạn Cần vương. Có phải người ta muốn làm sáng tỏ về các giáo dân bị bức hại qua hình tượng y bác sĩ nhạc sĩ nọ? Nhân vật ấy có phải là giáo dân không?

Hành lắc đầu:

- Không. Đúng ra, nhân vật ấy bỏ đạo Lão từ rất lâu, mà cũng chỉ theo Lão giáo từ thời học cấp một đến hết cấp hai. Vở kịch chỉ lướt qua chi tiết này.

- Vậy mà em cứ ngỡ đây là vụ “sát tả” mới. Hình như anh có nói, vở-kịch-một-người xảy ra vào năm một chín tám ba? - Hiền Lương run giọng.

- Đúng. Đó là thời điểm lẽ ra phải kỉ niệm một trăm năm thất thủ Thuận An, một tám tám ba - một chín tám ba (1883-1983). Nhưng đó chỉ là ngẫu nhiên, trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Chẳng lẽ... “đánh phủ đầu, chận họng”?

- Sao em vẫn có cảm tưởng rằng đó là một cuộc báo oán, phục thù và ngụy biện về các vụ bị bức hại của “tả đạo”. Thiên Chúa giáo hồi đó theo giặc Pháp thật!

Hành khẽ giật mình, suýt bật ra thành lời: “Phép lạ” Quy Nhơn và thánh địa La Vang! Anh cau mày ngẫm nghĩ: Chận họng? Báo oán? Phục thù? Ngụy biện?

- Chẳng lẽ Thiên Chúa giáo buộc nhân vật ấy phải trả món nợ lịch sử từ một trăm năm trước?!?! Đúng là có các vụ “sát tả” ở Truồi, Cầu Hai, và sau ngày kinh đô Huế thất thủ, ở Bình Định và tại tổng Bái Trời này! Ồ, chúng ta chỉ suy diễn một cách hoang tưởng thôi! - Hành nói -. “Bình Tây sát tả” là vấn đề lịch sử. Sử học là một khoa học, mọi vấn đề thuộc về lịch sử đều cần thiết phải có tư liệu và là tư liệu đã được giám định về tính xác thực, phải loại trừ tư liệu giả, tư liệu sai lạc, đồng thời phải tiến hành các thao tác khoa học khác. Hiền Lương đồng ý không? Phải tỉnh táo, sáng suốt để thấy rằng, vở-kịch-một-người, vở-kịch-giữa-đời ấy chỉ là một tiếng gào thét đánh động, và chỉ như thế. Muốn làm sáng tỏ sự sa-đích lịch sử, sa-đích văn hóa, kể cả sa-đích tôn giáo, và bi-kịch về nạn nhân do sự sa-đích  suốt khoảng một trăm năm mươi năm gần đây, không thể chỉ là vở kịch bức hại cuồng đơn giản như vậy. Muốn làm sáng tỏ, thật ra, phải có một loạt công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc và xác thực, trên cơ sở các tư liệu được giám định nghiêm ngặt bằng phương pháp thực nghiệm. - Hành nhìn ra cánh đồng phía trước, lại nói -. Sự báo oán, phục thù ư? Và ngụy biện về vấn đề “bình Tây sát tả” một cách hàm hồ, man rợ như thế thì thuyết phục được ai? Chẳng lẽ để phỉnh gạt trẻ con và người già lú lẫn? Ồ, chúng ta suy diễn một cách quá mức hoang tưởng rồi! Phải bám chặt chủ đề của vở kịch chứ! Đó là vấn đề “bị sa-đích lịch sử”, gồm cả vấn đề “bị sa-đích văn hóa” ..., vấn đề chủ nghĩa lí lịch... Phải bám sát chỉnh thể hình tượng vở kịch: “hoang tưởng bị sa-đích, cùng dạng như Nhật Kí Người Điên”. Ngoài ra, có thể nói thêm về phương thức phản ánh và “tác dụng phụ”. Đó là vở kịch thuộc phạm trù mĩ học cái tục tĩu, thường được dùng trong truyện tiếu lâm chính trị! Đó là một sự sỉ nhục độc ác! Đó là một sự tố cáo vấn đề sa-đích để trả đũa sử học, văn hóa học, tôn giáo học..., và để vô hiệu hóa nhân vật, bằng trò đùa man rợ! - Hành nói tiếp -. Trọng tâm của vở kịch, Hiền Lương thấy không, là hiện thực những năm trước khi Đổi mới, là nỗi đau hậu chiến, là niềm nhức nhối trong sự va chạm các quan điểm ("quan điểm" cũng làm méo mó sự thật lịch sử!), sau cuộc chiến tranh một trăm mười bảy năm (1858 - 1975).

... Mẩu chuyện khi hai người ngồi dưới bóng ngọc lan ở cổng phụ của chùa lại trở về trong trí nhớ Hiền Lương chiều nay.

Hiền Lương buồn và tiếc không tìm gặp được ông Hiệu Điên. Cô lặng lẽ một mình ngồi nhớ về Hành, những câu nói của anh, nhìn xuống mặt sông lấp lóa nắng chiều. Hiền Lương thở dài.

Cô nghĩ, cuộc sống thật mệt mề, đa đoan! Muốn xông vào đời, hiểu đời để sáng tạo, để có chút gì góp phần làm đẹp hơn cuộc đời, cũng chẳng phải không khổ tâm. Nhà thơ không phải là kẻ ngây thơ mà là đứa trẻ thơ đại trí. Họa sĩ cũng vậy, phải đọc, phải tìm hiểu tất cả. Cô sợ hãi khi chuốc vào mình những đa đoan, phức tạp ấy - mặt tối và mặt sáng của mọi thực thể tinh thần lẫn vật chất trong đời. Nhưng đấy là nghiệp dĩ nghệ sĩ, biết làm sao được! “Những gì thuộc về con người đều không xa lạ với tôi” - câu châm ngôn Mác thích!

Một chiếc ghe nhỏ chở chú bé cầm sào, đầu ngọn sào buộc chùm lá, đang chầm chậm xuôi sông. Phía trước ghe là đàn vịt vừa bơi vừa rúc mỏ xuống nước tìm mồi.

Chiều xuống rồi. Hiền Lương thấm thía nỗi buồn của buổi chiều quê nội, bên dòng sông vĩ tuyến mười bảy này.

Bỗng dưng cô cảm thấy mình đê mạt, rởm đời khi nghĩ đến chuyện đê mạt, rởm đời. Con người là Con Người, khi biết làm, nỗ lực làm nên giá trị của bản thân, được đánh giá, nhìn nhận qua giá trị ấy -. Cô nghĩ -. Chính định kiến đời biến tình cảm cô thành bẩn!

Hiền Lương mỉm cười, chợt thấy đã hơi khùng khi cứ mãi ngồi một mình bên bờ sông thế này. Nhưng hình ảnh, dáng dấp thiên tài Nguyễn Du lơ láo, mỗi lời mỗi dạ dạ, vâng vâng, với câu nói, không phân biệt kẻ Bắc, người Nam, Đàng Trong, Đàng Ngoài, của Gia Long, cứ ám ảnh cô. Hiền Lương thấy mình đa đoan thật. Cô có cảm giác hơi khinh mình. Dưới triều Mạc tiếm ngôi và hèn hạ đến mức vô liêm sỉ (Mạc Đăng Dung tự trói, quỳ gối, cắt đất dâng cho Tàu), cụm mây trắng Bạch Vân kia, biểu tượng của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tiêu dao, phiêu bồng rất vô ưu, thanh thản, mặc dù dấn thân vào tục lụy, đa đoan, thật đáng kính biết bao với vẻ cao thượng của nó?! Một đứa bé đen đúa, cháy nắng, ung dung tự tại cỡi trâu về nhà trên đường làng khiến cô liên tưởng đến Lão Tử, vị trích tiên vẫn cứ làm tiên, mang tâm hồn trẻ thơ, dẫu mới lọt lòng đã già cấc. Khung cảnh trước mặt như một ảo ảnh, khiến cô thấy bờ sông Bến Hải nở đầy hoa anh túc nha phiến, thứ nha phiến của tâm hồn và trí tuệ? Hiền Lương mỉm cười bước về nhà. Nụ cười rất hư vô - vô vi, vô công, vô danh?... Như vua Hùng, như Thánh Gióng, trong lĩnh vực hội họa? Chỉ lưu danh trong tổ chức Hội để chịu trách nhiệm?... - Hiền lương tự hỏi và cơ hồ hỏi dòng sông Bến Hải.

 

 

2

 

 

Đêm đến, Hiền Lương cứ tiếc mãi, không kịp hiểu thêm ông Hiệu Điên, nhưng cô cảm thấy mình đã quá mệt mỏi, mệt mỏi đến rã rời. Mở trang sách, cô ôm đầu suy nghĩ dưới ngọn đèn ống, thỉnh thoảng nhìn ra vườn trăng. Hiền Lương không thể đọc được dòng nào và cô cũng chẳng muốn đọc. Nhưng cô không thích ai nhìn thấy cô đang đắm mình vào suy tưởng như một kẻ dở hơi, thẫn thờ.

Cô lại nhớ Hành, những mẩu chuyện vừa nghiêm túc vừa bông đùa anh đã nói với cô...

... - Ông Hiệu  Điên có sưu tầm được một Sáng thế kí rất hay.

- Kinh Thánh hay truyện cổ dân gian, như thần thoại Thần Trụ Trời, Bàn Cổ, Đẻ Đất Đẻ Nước...?

Hành cười, nhìn Hiền Lương:

- Có thể ông ấy sáng tác từ sự chế biến, dung hợp lại, nhưng cứ bảo là sưu tầm.

- Kể cho em nghe đi. - Hiền Lương mở to mắt, đợi chờ.

- Thần thoại này hơi dài. Cố gắng lắng nghe, đừng sốt ruột... Thưa em, chuyện rằng, - Cả hai bật cười -, khởi thủy vẫn là Lời. Khởi thủy của sự sống trên trái đất này, không chỉ là A-đam, E-va và muông thú, cỏ cây trong vườn địa đàng nhỏ bé. Trời vốn là Đấng Vô tính đã sáng tạo ra thế giới với nhiều thủy tổ, nhiều họ tộc trên khắp hành tinh này. Muôn loài chúng sanh khởi thủy đã rất văn minh, đã có luân lí rất cao mang tính chủ thể sáng tạo là chí nhân, chí trí, chí dũng của Đấng Toàn năng. Đạo đức học, khoa học về huyết thống rất tuyệt đến tuyệt đối. Tất cả sinh vật, kể cả cây cỏ, vi sinh, côn trùng..., đều sống có trật tự xã hội, rất bình đẳng. Bình đẳng giữa tất cả các sinh vật! Hai yếu tố căn bản là ăn và truyền giống đã cực kì văn minh, rất khoa học, rất nhân đạo. Tất cả chỉ ăn không khí, thở không khí, uống nước cam lồ không có vi sinh vật, hoặc chỉ ăn quả, gieo lại hạt có mầm sống trong trật tự quy định hoặc có thể uống sữa và ăn các sản phẩm từ sữa, ăn thêm trứng sinh vật, không có sự sống. - Hành ngừng lại, mở một ngoặc đơn trong lời đang nói -. (Bây giờ, ngoài trứng gia cầm, theo luật tự nhiên không thụ tinh, còn có trứng công nghiệp, cũng theo luật tự nhiên không thụ tinh, nhưng đạt năng suất cao trong sản xuất). - Hành nói tiếp -. Mọi sinh vật thuở khởi nguyên ấy không có khả năng phạm tội - không có tham, sân, si. Truyền giống là sự nhân lên từ một tế bào của mỗi sinh vật, đúng độ tuổi trưởng thành. Sinh vật vốn vô tính. Trời cho mọi sinh vật được tự do. Và bi kịch trần gian bắt đầu từ lúc chính loài người cùng muôn loài sáng tạo nên tham, sân, si! Cần nhấn mạnh là Trời không treo trái cấm thử thách, chẳng có con rắn nào nanh nọc cám dỗ, rủ rê, bởi Trời không thể không chế ngự được quỷ, mà Trời chẳng sáng tạo ra quỷ làm gì. Chính vì chúng sanh tất thảy, nên địa đàng trái đất hóa thành địa ngục trần gian, theo luật nhân quả. Bây giờ, ở cuối thế kỉ hai mươi này, trên tinh thần khoa học, chúng ta thử quan sát và suy nghiệm về địa ngục trần gian, đặc biệt là về hai vấn đề nghiêm trọng nhất: ăn và truyền giống, của tất cả các sinh vật, từ thực vật đến động vật, từ động vật cấp thấp đến động vật cấp cao... để từ đó, chúng ta thấy được tính chất bi đát và khủng khiếp, có thể nói là kinh tởm nữa, của sự sống, của mọi sinh vật. Đó là chưa nói đến vận động, biến chuyển gây tác hại khôn lường của vật thể khác - phi sinh vật (đất, đá, gió, lửa...)... Đấy, kết quả của tự do tham sân si !

Hiền Lương cười nghi ngờ:

- Tự do độc hại vậy sao?!

Hành hơi lúng túng, vội kể tiếp:

- Theo ông Hiệu Điên, lẽ ra, từ sau khi chúng sanh muôn loài tự tiện, lạm dụng tự do, sáng chế ra tham, sân, si, phải có luật trời. Sinh vật nào phạm tội là “chết” ngay. “Chết” là bị giải giao về luyện ngục để cải huấn, nếu tốt sẽ cho “luân hồi, tái sinh”, nghĩa là được phóng thích về trần gian lại. Không ai thoát khỏi mắt trời, vì Trời ở khắp mọi nơi, mọi lúc. - Hành ngừng lại, phác một cử chỉ rất kịch để Hiền Lương biết anh đang đóng tuồng theo trường phái Béc-tôn Bơ-rét, và để Hiền Lương giải lao bằng một chuỗi cười trong vắt.

Hành tiếp:

- Nhưng sau sai lầm là đã ban cho chúng sanh tự do, thứ tự do sáng chế ra cái ác, cái tội lỗi, cái u mê..., Trời lại phạm sai lầm thứ hai, là tình thương vô nguyên tắc, cho kẻ phạm tội cứ sống nhơn nhơn giữa chúng sanh, làm lây nhiễm, làm mọi kẻ trơ lì với cái ác... mặc dù Trời biết tất, biết rõ từng hành vi, từng ý nghĩ của mỗi sinh vật, từ... vi sinh đến con người. Theo luật nhân quả khách quan, địa đàng trái đất hóa thành địa ngục trái đất, từ thuở đã xa xưa, giai đoạn mà chúng ta quen gọi là "thời nguyên thủy". Nay, có khá hơn, nhưng còn lâu chúng sinh muôn loài mới phấn đấu xây dựng lại được địa đàng trái đất... Xem ra, sự phấn đấu ấy cũng thuộc chủ nghĩa lạc quan...

Hiền Lương mỉm cười:

- Vâng, chúng ta phải lạc quan, nhân loại phải lạc quan... Nhưng sự sai lầm của Trời mới thánh thiện và cao cả làm sao!

- Chứ sao! Trời mà lị (lại)! - Hành cười vang.

Hiền Lương nhìn Hành:

- Vấn đề là giải quyết hậu quả của thứ tự do, thứ tình thương vô nguyên tắc, bằng luật trời, “chết - tái sinh”.

Hành thích thú nghĩ, chỉ còn tự do, tình thương và luật. Anh cười:

- Đúng! Đúng! Hiền Lương quả là chí thánh. Đấy, như vậy, Giê-hô-va là quỷ, bởi sự ngộ nhận về Trời của người Do Thái cổ. Trời như ông Hiệu Điên mới đúng.

- Kinh Thánh, ngay Sáng thế kí cũng bị sa-đích mà!

- Ừ nhỉ! Ừ hè!... Vấn đề còn lại là: cứu rỗi bằng cách nào xưa nay? Một là, theo cách của Phật: Phật khuyên ăn chay, thiền định... Hai là, theo cách của Chúa: Chúa hạ mình dưới tầm loài người để loài người, và chỉ loài người thôi, bớt mặc cảm, rồi hứa hẹn một Ngày phán xử cuối cùng, Thiên đàng trên trời... Ba là, không biết của ai: Mỗi người phải là một Đấng Cứu thế theo khả năng của mình (các ngành nghề đủ các lĩnh vực), chú trọng khoa học - kĩ thuật. Cách thứ ba hẳn của Mác!

Hiền Lương suy nghĩ. Hành cũng nghĩ ngợi về những gì mình vừa nói. Hiền Lương ngẩng lên nhìn Hành:

- Phạm tội trong tư tưởng, từng ý nghĩ, hoặc gây ra tội lỗi bằng hành vi, là “chết” ngay. Nhưng có nhiều, rất nhiều tội ác tày trời, tác hại còn hơn thiên tai (núi lửa, lũ lụt, bão táp...), đồng thời có quá nhiều ý tưởng xấu xa, đồi bại của nhiều người, quá nhiều! Sao họ vẫn sống nhơn nhơn? Điều đó chứng tỏ “Trời ở khắp mọi nơi mọi lúc” là sai, là không có Trời. Và bao nhiêu oan khốc, oan uổng!...

- Anh nhớ không lầm thì chính Đề-cạc (Descartes), một triết gia duy lí, đã thí nghiệm bằng cách cân một người lúc hấp hối và sau khi chết để xem trọng lượng có thay đổi không, và để xác định linh hồn nặng bao nhiêu gam. Hồi ấy, chưa có cân điện tử và máy móc điện toán để đo sóng sinh điện. Liệu có linh hồn không? Liệu có thế giới linh hồn, xã hội linh hồn không? Chính anh đôi khi cũng cần ảo tưởng hoặc cần hi vọng siêu hình, và đã thử hình dung ra một thế giới, xã hội của tỉ tỉ tỉ linh hồn, cái ngã siêu linh đang sinh hoạt như chúng ta...

... Bây giờ, ngồi trước cuốn sách mở, Hiền Lương thấy mình lại lẩm cẩm mất rồi. Sáng thế kí của ông Hiệu Điên sưu tầm đâu đó chưa giải quyết được, khẳng định rõ sự hiện hữu của Trời. Người ta cứ mãi nhận thức, giải thích bằng trí tưởng tượng, theo trình độ luân lí học và khoa học tự nhiên của thời mình, của cá nhân mình. Người ta lấy tiêu chí chân, thiện, mĩ của con người để gán cho Trời. Mỗi thời đại, mỗi dân tộc, nhất là thời không có phương tiện thông tin tầm xa, cứ lí giải theo cách của họ. Đối với người Do Thái cổ, Đức Chúa Trời, theo họ, như trong Kinh Thánh, đã là chí nhân, chí trí, chí dũng. Mỗi dân tộc đều có hạn chế cụ thể - lịch sử. Tất cả Kinh Thánh đều là sản phẩm của con người, chẳng phải là pho sách được mặc khải gì cả!... Nhưng, nguy cơ của thế giới hiểu ra không có Trời?

Dẫu là vậy, mỗi con người, mỗi sinh mệnh đều vẫn có linh hồn, cái ngã siêu linh, tồn tại ngay cả sau khi đã chết. Với niềm hi vọng, mỗi người, mỗi sinh mệnh đều tu nhân tích đức, làm điều lành, tránh điều dữ, không sa chước cám dỗ, để mang tài sản tinh thần, nhân đức ấy, một ngày nào đó, sang thế giới, xã hội linh hồn - thế giới, xã hội của bao cái ngã siêu linh - vẫn đang sinh hoạt như chúng ta !...

- Liệu có thật một hành tinh âm thế nào đó không anh ? - Hôm ấy, Hiền Lương hỏi Hành.

- Chín mươi phần trăm là không có, năm phần trăm là ảo tưởng đúng nghĩa, năm phần trăm còn lại là hi vọng, đúng, hi vọng có thế giới, xã hội linh hồn ở một hành tinh âm thế nào đó, thuộc một thiên hà nào đó, không thể biết được, không cách gì liên lạc được. - Hành lại mỉm cười. - Năm phần trăm hi vọng, đủ để chống chỏi với chủ nghĩa hư vô. Cảm giác hư vô rợn lạnh lắm!

- Chỉ chừng đó thôi, cũng đã có nhiều người ở nhiều thời “bỏ hình bắt bóng”. Họ tự sát một cách có ý thức để rời bỏ hành tinh dương thế này, tìm đến hành tinh âm thế kia. Hiện nay, ở Mỹ, có giáo phái Cổng Trời, tổ chức tự sát tập thể cho tín đồ. - Hiền Lương nói -. Ở nước mình, đồng bào mình tốn bao công sức, tiền của cho vàng mã nhảm nhí, lẽ ra chỉ để tượng trưng thôi!

- Nhảm nhí thật... Người ta “tử vì đạo” bằng cách tự sát như thế sao? Không, đó là cái chết tự nguyện kia mà! Anh biết Thiên Chúa giáo có luật cấm tự sát.

- Đúng rồi. Sao anh hiểu kĩ Thiên Chúa giáo vậy? - Hiền Lương nhìn ra xa, cô nói -. Có những tín đồ tự sát một cách vô ý thức bằng cách mượn tay người khác giết mình chăng? Quá khích để bị tử hình chẳng hạn?

Hành khẽ rùng mình. Cả hai im lặng nghĩ ngợi.

- Thôi, đừng “bỏ hình bắt bóng” nữa. Hãy yêu lấy Quả đất này, Đất nước này. - Bất giác, Hành quay mặt qua, nhìn vào đôi mắt Hiền Lương -. Sao em ra quê hương Quảng Trị mà không đi thăm thánh địa La Vang?

Hiền Lương lắc đầu, mỉm cười, vẫn im lặng. Một lúc khá lâu, cô khẽ nói :

- Lúc còn nhỏ, Hiền Lương từng nuôi mơ ước được có một lần hành hương ra thánh địa La Vang. Lạ một điều là khi lớn lên, lúc đã học cấp ba, em chỉ mơ ước có dịp ra thăm cầu Hiền Lương, chiếc cầu em mượn tên của nó. Nhưng thôi, anh nói tiếp về linh hồn, cái ngã siêu linh đi.

- Nhờ lao động, vượn-người thành người, và cũng nhờ lao động mới có linh hồn, cái ngã siêu linh.

Hiền Lương chẳng hiểu sao cô cứ lẩm cẩm, trăn đi trở lại vấn đề này. Cô quẫn trí rồi chăng? Mình quẫn trí rồi chăng? - Cô tự nhủ thầm. Cô mong khoa học - kĩ thuật sẽ sản xuất mắt trời điện tử đầy rẫy! Hiền Lương nhìn ra vườn trăng sau cửa sổ, mở ra phía hậu nhà. Trăng đẹp quá, lung linh, diệu vợi. Chẳng lẽ cứ để trí tuệ mình già nua thế này? Thôi thì già nua để hồn nhiên lại! Dẫu sao, Hiền Lương mới hai mươi hai tuổi. Hiền Lương nghĩ, mỉm cười một mình trong ý tưởng: Quả đất sẽ đến lúc mỗi người kiểm tra, theo dõi cả thế giới, cả thế giới theo dõi, kiểm tra mỗi người, kể cả nguyên thủ!

 

 

3

 

 

Tắm sông xong, tóc cũng đã khô, cũng gần tám giờ sáng rồi, Hiền Lương xin phép mẹ và chú thím để qua nhà ông giáo Hiền. Cô muốn tìm mấy bài báo về ông Hiệu Điên, mượn sáu tập thơ của người bạn anh Hành để về đọc.

Hiền Lương bước vào sân, cố ý đi chậm lại để ngắm một lần cuối hai cụm hình tượng bằng chè kiểng của ông giáo, không phải với cái nhìn như lần đầu mới thấy nữa. Một cảm tưởng rõ rệt trong cô: những tác phẩm ấy rất đơn sơ và rất sâu sắc. Bước vào nhà, Hiền Lương thấy ông giáo Hiền đang ngồi xem truyền hình. Có lẽ mải xem, và bởi âm thanh từ máy, ông không nhận ra tiếng bước chân cô từ ngoài ngõ. Bây giờ, bóng cô che khuất khung cửa nắng, ông quay lại, mừng rỡ.

Ông giáo đáp lại tiếng chào của Hiền Lương khi kéo ghế mời cô:

- Chào cháu. Ngồi xuống đây chơi. Chiều qua, và cả tối hôm qua, ông có ý đợi cháu như Hành có dặn, nhưng đợi mãi không thấy.

Hiền Lương thưa:

- Dạ, cháu có ý hỏi mượn mấy bài báo với sáu tập thơ. Nhưng... cháu chưa định giờ nào sẽ qua làm phiền ông tìm và cho mượn.

Ông giáo Hiền cười:

- Đó là ngỡ cháu sẽ qua từ chiều hoặc tối hôm qua...

Ông giáo rót nước mời Hiền Lương với một nụ cười. Sau đó, ông bước tới chỗ đặt máy truyền hình, vặn giảm đến mức tối đa nút chỉnh âm.

Ông giáo nhìn Hiền Lương:

- Cháu có vẻ hơi bần thần, mệt mỏi. Về quê nghỉ hè mà làm việc quá mức rồi đó! Mệt mỏi quá sẽ đuối nét cọ mất!

Hiền Lương thú thật:

- Cháu hơi tham công tiếc việc, vì không thể không vẽ, không vẽ bây giờ thì chẳng biết khi nào vẽ được. Với lại, quê mình có lắm điều hay đến không ngờ. Cơn say đam mê, điên mê sáng tác...

Rót thêm nước chè vào hai chén, ông giáo cười:

- Cháu mới gặp một số người già và nghèo. Làng mình những ai tài cao, sức tốt, giàu có đều chẳng thèm ở đây.- Ông nhìn Hiền Lương để đọc phản ứng trên nét mặt cô -. Làng này còn có cấp tá, sĩ quan cao cấp ngụy và cách mạng, ông nghè, ông cống ngụy và cách mạng. Ở đây, họ chẳng biết làm gì, mặc dù họ vẫn rất yêu quê hương. Họ ở Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minh...

- Dạ, cháu có biết qua lời anh Hành, thím Cận...

Hiền Lương nhìn màn hình, cô muốn thư giãn, bớt nặng nề và bớt ôm đồm, vì ngày mốt phải vào Bình Dương lại rồi. Cô nói:

- Thưa ông, tại sao giọng Quảng Trị nếu đọc chuẩn như xướng ngôn viên vẫn bị bạc đãi đến vậy ạ? - Thấy mình nói hơi bóng bẩy, Hiền Lương vội chữa -. Dạ, sao giọng Hà Nội lại độc chiếm Đài Tiếng nói và Truyền hình Việt Nam. Và giọng Sài Gòn...

Ông Hiền cười:

- Người ta không tuyển diễn viên kịch nói người Khu Bốn cũ nữa kia! Thật ra có bốn giọng đặc trưng: Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Nam bộ. Giọng nào cố gắng đọc thật chuẩn theo chữ quốc ngữ, thứ chữ kí âm, đều hay. Các đài trung ương đều phải đọc bằng bốn giọng đặc trưng ấy. Thẩm thức còn do thói quen. Đa thanh là biểu hiện của sự phong phú. Đúng, giọng Khu Bốn cũ bị phân biệt đối xử, bị bạc đãi, - Ông giáo cười thật giòn -, trong khi các lãnh tụ số một đều phần lớn là người Khu Bốn cả, chưa kể mấy trăm năm triều Nguyễn, và thiên tài ngôn ngữ thơ, ca cũng vậy... Ngụy cũng vậy, cách mạng cũng vậy... - Ông giáo mỉm cười - ... Nước nào cũng chọn giọng thủ đô làm chuẩn. Chữ quốc ngữ ở giai đoạn hoàn chỉnh, đầu thế kỉ hai mươi này, được kí âm theo giọng Hà Nội. Nhưng chuẩn chưa hẳn là gốc. Thủ đô dễ pha tạp...

- Nguyễn Văn Thiệu... - Hiền Lương hơi hổng.

- “Trùm ma túy” Thiệu cũng người Miền Trung, nhưng gốc Phan Rang, không phải Khu Bốn cũ.

- Sao lại “trùm ma túy”, thưa ông?

-  Đó là dùng lại chữ của tạp chí Đối Diện, tạp chí do một nhóm linh mục độc lập chủ nhiệm và chủ biên... Trước bảy lăm, ở Sài Gòn, có đăng Bản cáo trạng số một tố cáo Nguyễn Văn Thiệu là trùm đường dây ma túy trong tạp chí này.

Như bất kì câu chuyện phiếm nào, hai ông cháu vui vẻ sa đà, từ chuyện nọ xỏ qua chuyện kia.

- Nhưng vua Hùng có gốc là Phú Thọ. Đó là thủ đô đầu tiên, thủ đô gốc. Lẽ ra phải lấy chuẩn ở đó. Nhưng nói chung, giọng Bắc bộ vẫn giọng gốc chứ, thưa ông? Đúng hơn, vua Hùng gốc Rồng, miền biển Bắc bộ, nhưng bấy giờ là thời hậu kì mẫu hệ, còn dấu vết mẫu hệ, con cả theo Mẹ Tiên ở núi, được làm vua...

- Thật ra, giọng Khu Bốn chỉ bốn thanh, vì ngã, nặng, hỏi hơi trùng nhau mất rồi. Ngôn từ lại nhiều tiếng Việt cổ... Cứ nghiệm thử xem, có bao nhiêu ca sĩ thì có bấy nhiêu chất giọng, thậm chí anh em ruột chất giọng cũng khác nhau. Do đó, chính sự khác nhau tí ti ấy đã xác định không có ai giống ai về bộ phận phát âm đến mức mười mươi... Chất giọng, âm sắc Khu Bốn do nhóm người di dân đầu tiên phát âm theo cơ chế sinh lí riêng của bộ phận phát âm của từng người trong họ, dần dần giọng nói chung lệch đi, tổng hòa lại thành một giọng địa phương Khu Bốn? Ban đầu chỉ khác một tí ti, dần dần, khác hẳn? Nguyên nhân chính có lẽ là bởi sự giao lưu hạn chế ngày xưa. Và do lai tạp tại chỗ? Dân Bắc bộ rõ ràng bị lai, Hán hoá, và theo thời gian mà lệch xa âm cổ? Có khi, tâm lí người ra đi khỏi đất Tổ lại bảo thủ hơn người ở lại, họ phát âm gần âm cổ hơn, giữ nhiều từ cổ hơn. Cái này cần có sự nghiên cứu sâu của các nhà ngữ âm học. Dẫu sao, thực trạng tiếng Việt suốt mấy trăm năm nay là có bốn giọng đặc trưng. Hãy cố gắng phát âm theo chữ kí âm, tức là chữ quốc ngữ, đầu thế kỉ vốn lấy chuẩn là giọng Hà Nội, để tránh tình trạng dần dần nói một đàng viết một nẻo như tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác. Hãy làm chủ sự vận động của ngôn ngữ, ngữ âm. Ở nhà trường, cần có nhiều tiết tập đọc, luyện phát âm đúng chuẩn theo chữ quốc ngữ, nhưng vẫn giữ âm sắc địa phương cho đa dạng, phong phú. Ngày xưa, nói chung, người ta chưa biết làm chủ nên mới tùm lum như thế. Có nhiều dân tộc cùng một thứ tiếng, ở xa nhau, giao thông liên lạc khó, dần dần không hiểu nhau nữa. Tính thống nhất của một dân tộc là ngôn ngữ. Ngôn ngữ không phải tất cả, nhưng cơ bản nhất, quan trọng nhất, nghe Hiền Lương!

Hiền Lương bỗng hóa đứa bé học trò. Cô líu ríu “dạ” trước giọng nói đậm tính nghề nghiệp sư phạm của ông giáo già, giọng nói như giảng bài, chính ông cũng không ngờ. Thói quen giảng bài đã thâm nhiễm trong ông tự mấy chục năm nay. Hiền Lương cũng vô thức bị thôi miên thành đứa trẻ. Vâng, tiếng Việt với bốn giọng đặc trưng, lấy chuẩn cứ là chữ quốc ngữ, chứ không phải chuẩn cứ độc nhất là giọng Hà Nội. Giọng Hà Nội nay ít nhiều cũng khác xưa.

Ông giáo mỉm cười, bảo sẽ đọc cho Hiền Lương nghe một bài thơ của Hồ Vi, một nhà thơ có quê gốc là Quảng Trị, chất thơ cũng đặc sệt Quảng Trị, vốn là Vệ quốc quân thời chín năm kháng chiến chống Pháp. Đó là bài Lời quê, được sáng tác vào năm 1950. Ông đứng dậy, bước tới kệ sách, lấy ra một tuyển tập thơ khá dày. Trong khi ông lật giở các trang để tìm, Hiền Lương thấy ở bìa màu nhũ bạc nổi lên mấy chữ: Thơ Miền Trung thế kỉ XX, Nxb. Đà Nẵng, 1995. Đôi mắt và khoé môi ông giáo Hiền chừng như sáng lên nét cười khi đã tìm được Lời quê, bài thơ gắn liền với kỉ niệm của thế hệ ông thời trai tráng.

Ông nói, ông sẽ đọc theo cách phát âm Quảng Trị. Hiền Lương đang chờ đợi lắng nghe, nhưng chưa phải đọc thơ, ông giáo hỏi:

- Cháu Hiền Lương đã biết bài này chưa? - Thấy Hiền Lương khẽ lắc đầu, ông nói tiếp -. Trong bài có một số từ địa phương, như "bưa" có nghĩa là vừa, là chán chê; "ngái" cũng có nghĩa là xa; "nỏ có" có nghĩa là không giàu có.

 

mấy bữa ni rồi trời thiếu nắng

chừng chưa bưa lụt, nước còn cao

khi hôm bộ đội hành quân tới

trấn thủ dầm phơi chật cả sào

 

chị ơi! Đem dũi ra ngoài ruộng

kiếm ít đam cua, chút của đồng

thêm đôi ba miếng, anh em đỡ

của [cảnh?] nhà quê kiểng buổi thu đông

 

bớ anh nội vụ, khoan đi chợ

xa ngái, đường trơn, bấm cực chân

xuồng bên chị Mót buôn tơi nón

anh nhảy mà đi được nửa chừng

 

thương anh, nỏ có, cầu anh mạnh

anh nện thằng Tây bể sọ dừa

thương anh cơ khổ, mà nghèo quá

thiếu rơm lót ổ lạnh lùng khuya.

 

Bài thơ đúng như nhan đề, là những lời quê chân chất và đậm đà tình nghĩa, được thể hiện qua âm hưởng giọng đọc rất Quảng Trị một cách cố ý của ông giáo, để minh hoạ cho những điều ông bàn về ngôn ngữ. Hiền Lương cảm thấy niềm xúc động như dâng lên trong ngực mình. Có gì cảm động hơn, khi một người dân bạch đinh thương những anh bộ đội Vệ quốc, nhưng chẳng có gì để giúp, thương các anh lính đánh Pháp quá cơ khổ, mà mình cũng quá nghèo, đến nỗi thiếu cả rơm lót ổ trong khuya gió bấc buốt lạnh. Nhưng đó không phải hoàn toàn là lời than. Có chút gì tưng tửng một cách mộc mạc, lại chắc nịch, mạnh mẽ, nhưng vẫn rất xót xa, chân thành, da diết. Quả thật, rất Quảng Trị không chỉ ở ngôn từ, mà Quảng Trị tận gan ruột. Bất giác, cô buột miệng:

- Thưa ông, chắc ông còn nhớ bài Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy, được sáng tác cũng vào thời điểm chín năm kháng chiến chống Pháp đó?

- Làm sao quên được! Bản nhạc “Bà mẹ Gio Linh”, còn có tên là Bà mẹ nuôi. - Ông giáo Hiền nhíu mày cố nhớ -. Hình như bài hát ấy được viết vào năm 1948, lúc Phạm Duy cùng đoàn văn nghệ sĩ vào công tác tại Quảng Trị này và khắp cả Liên khu Bốn. Phạm Duy! Rất tiếc là... ông ta đã phản bội cách mạng, toan tính sửa ca từ để phủ nhận mấy năm kháng chiến, sau khi vào Sài Gòn theo Mỹ - ngụy. Nhưng thôi, có một nhà văn, đó là Nguyễn Trọng Văn, ở tại Sài Gòn, đã khai tử Phạm Duy ngay khi ông ta còn sống, bằng một cuốn sách: "Phạm Duy đã chết như thế nào?"... Có điều, dẫu sao, Bà mẹ Gio Linh vẫn bất hủ.

Bỗng dưng, thật bất ngờ, ông giáo Hiền khẽ hát:

 

mẹ già cuốc đất trồng khoai

nuôi con đánh giặc đêm ngày

cho dù áo rách sờn vai

cơm ăn bát vơi bát đầy

 

nhà thì nó đốt còn đây

khuyên nhau báo thù phen này

mẹ mừng con đánh giặc hay

ra công xới vun cày cấy

 

con đi dân quân

sớm tối vác súng về

mẹ già một con

yêu nước có kém chi

 

đêm nghe xa xa

nghe tiếng súng oán thề

mẹ nguyện cầu cho

con sống rất say mê

 

mẹ già tưới nước trồng rau

nghe tin xóm làng kêu gào

quân thù đã bắt được con

mang ra giữa chợ bêu [cắt?] đầu

 

nghẹn ngào không nói một câu

mang khăn gói đi lấy đầu

chiều về trên xóm buồn teo

xa xa tiếng chuông chùa gieo

 

tay nâng nâng lên

rưng rức nước mắt đầy

mẹ nhìn đầu con

tóc trắng phất phơ bay

 

ta yêu con ta

môi cắn bết máu cờ

nụ cười hồn nhiên

đôi mắt ngó trông ta

 

mẹ già nấu nước chờ ai

đêm đêm súng nổ vang trời

giật mình em bé mồ côi

khăn tang cũng hoen tiếng cười

 

đoàn người kéo đến nhà chơi

khơi vui bếp lửa tơi bời

mẹ già đi nấu nồi khoai

bưng lên khói hương mờ bay

 

khi trông con nuôi

xúm xít dưới túp nhà

mẹ nhìn đàn con

thương nhớ đứa con xưa

 

con con con ơi

uống hết bát nước đầy

ngày một ngày hai

con nhớ ghé chơi đây...

 

Đó là “Bà mẹ Gio Linh”, có người con trai đi kháng chiến, bị giặc Pháp bắt được. Chúng chém đầu anh du kích ấy, bêu đầu anh giữa chợ, nhằm răn đe những ai còn chống Pháp! Mặc dù chất giọng của ông giáo Hiền đã khàn đục, khi hát lại càng lộ rõ hơn mức độ khàn đục ấy, nhưng Hiền Lương không thể không trào nước mắt. Lúc ông chấm dứt bài hát, cô muốn nói một câu gì đó để chia sẻ cảm xúc với ông, song lồng ngực cứ nghèn nghẹn, cô không thể nói được lời nào.

Vuốt nhẹ hai giọt nước mắt, lặng người một lúc với những hình ảnh đau thương còn lưu trong kí ức mà ca từ ghi lại, ông giáo Hiền muốn trở về với thực tại, những ngày gần đây. Ông nâng tách nước, nhấp một ngụm, cố nở một nụ cười:

- Bữa ăn cơm chay trên chùa vui chứ, Hiền Lương?

Cũng đột ngột trở về với thực tại, Hiền Lương mỉm cười. Ngập ngừng một thoáng, cô thưa:

- Dạ, quá hay. Có lẽ cháu sẽ truyền bá tư tưởng Bến Hải vào trong Nam. Đạo của ông rất Nam bộ.

- Đúng, ông có học tập tinh thần Nam bộ.

- Thưa ông, vậy quốc lễ là giỗ vua Hùng và Thánh Gióng chứ ạ?

Ông giáo cười, bắt chước khẩu ngữ thời thượng Sài Gòn nhưng pha vào từ địa phương:

- “Hổng dám mô!”... Cũng lạ kì mà không lạ kì là các nước khác còn... Lễ Giáng sinh!

Hai ông cháu cười vang, vui vẻ. Và câu chuyện cứ trôi mông lung theo khe mạch bất ngờ của nó.

Thật ra, tiếng cười của hai ông cháu là khá vô tình, chỉ vì nguyên nhân duy nhất là bất chợt ông giáo nhại giọng địa phương và khẩu ngữ thời thượng trong ấy. Ông Hiền tắt vội tiếng cười của mình, tự trách mình hơi bất nhã. Ông Hiền chợt liên tưởng: Lễ Giáng sinh ở Phương Tây, có lẽ đó là một tập quán, mặc dù ý nghĩa tôn giáo nhạt dần đi? Mặc dù trong hiện tại, thế lực tôn giáo - chính trị của Thiên Chúa giáo... vẫn còn mạnh, nhưng phải chăng dần dần Lễ Giáng sinh ở Phương Tây cũng giống như Tết Đoan ngọ ở nước mình, vốn là ngày giỗ Khuất Nguyên, nhưng quá lâu rồi chẳng còn mấy ai nhớ tới nhà thơ Khuất Nguyên của Trung Hoa trong ngày Tết Đoan ngọ nữa? Và, còn lễ... hoàng gia!?... Cách mạng tư sản với các giá trị tự do, bình đẳng, bác ái và dân chủ, dân quyền, nhân quyền đã hơn hai trăm năm, sao vẫn còn xem Tổ quốc như tài sản cha truyền con nối của một dòng họ hoàng gia?! Nhưng ông trở lại vấn đề quốc lễ...

- Cái đó phải có lệnh của Chính phủ, của Đảng. Cờ cũng vậy. Cờ đỏ sao vàng là lá cờ hiển hách nhất lịch sử Việt Nam bốn ngàn năm nay. Nhưng đó là cờ chế độ. Đến giờ chừ, đến bây giờ, ông không biết cờ Tổ quốc ra sao, chừng như mỗi triều đại có một lá cờ riêng, quốc hiệu cũng thế. Trên tất cả, duy dân tộc là nhất quán, vĩnh hằng... Đó là nhân chuyện mà nói cho vui thật, nhưng thật ra, vấn đề ấy rất trọng đại, nghiêm túc, không phải chuyện đùa... Phải kiến nghị Đảng nghiên cứu và làm công việc cho triệu triệu năm sau. Cờ trên thế giới của một trăm mấy chục nước cũng tùm lum, tùy tiện lắm. Có lẽ vậy. Khá nan giải... Nhưng dễ! Phải xác định tinh thần dân tộc là trên hết, trên tất cả. Con gà trống Gô-loa (Gaulois) còn đứng đậu ngạo nghễ ngay trên đầu Thánh giá Giê-su nữa đấy ! Cháu đã lên thăm nhà thờ Con Gà ở Đà Lạt rồi chứ ?...

Ông giáo ngừng lại, bâng khuâng, lại gượng mỉm cười:

- Nhưng có lẽ cháu đang sốt ruột muốn đọc mấy bài báo về ông Hiệu Điên? Đúng ra phải gọi là ông Lý Văn Hiệu!

- Dạ, và sáu tập thơ của anh bạn anh Hành.

Ông giáo đứng dậy, bước ra sau kệ sách. Hóa ra phía sau có một tủ sách nữa.

- Hành có dặn. Ông chuẩn bị sẵn rồi đây.

Ông giáo Hiền đặt xuống bàn trong khi Hiền Lương khẽ cảm ơn ông.

- Và có riêng hai bài thơ nó đánh máy vi tính, một bài từ một trong sáu tập sách này, một bài từ bản chép tay. Nó dặn ông lưu ý cháu đọc trước. Còn đây là mấy bài báo đã cắt ra để sưu tập. Cháu giữ kĩ nhé. Ông Hiệu Điên chẳng giữ gì đâu!

Hiền Lương ngắm từng tập một. Cô thấy vài cuốn bìa không được đẹp lắm, nếu không muốn nói là xấu, giấy cũng thường, may là chữ khá rõ và rất rõ. Hiền Lương nói như reo:

- Vậy là cháu biết tên, biết địa chỉ, biết mặt tác giả!

- Nó họ Trần, khác làng, khác xã nhưng cũng thuộc huyện này. Đúng ra là họ Trần nhưng gốc Nguyễn, nên gọi thành họ kép là họ Trần Nguyễn.

- Anh này đa tình nên bạc tình lắm hở ông? - Hiền Lương hơi bẽn lẽn vì tò mò, nhìn vào ba chữ Trần Nguyễn Phan trên bìa sách.

Ông Hiền cười:

- Ai bảo? Thằng Hành đùa đấy! Anh chàng này nghiêm túc, đàng hoàng đến khô khan trong đời sống. Nghe đâu, mới đây chỉ đùa tếu. Nhưng từ rất lâu, đã làm thơ tình rất tình tứ, và buồn, tuy vẫn lạc quan. Ông già rồi nhưng cũng thích đọc thơ tình. Già, đọc thơ tình, ngỡ như đọc lại tuổi trẻ mình. - Ông Hiền bỗng xa xăm.

Hiền Lương chia sẻ với nỗi ngậm ngùi hoài niệm của ông giáo.

- Thật thế thì rất vui! Cháu thấy rõ là cuộc sống xô bồ cần những nỗi buồn hướng thượng.

Cô đọc lướt qua hai bài thơ trên hai tờ giấy rời đã vàng úa. Một bài viết về Bác Hồ, một bài viết về Giê-su mà hôm nọ Hành đã đọc và bàn với cô. Ông giáo Hiền chỉ vào bài viết về Chúa:

 

với truyền thuyết

về khát vọng cứu rỗi

 

“Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Đức Chúa Trời”.

(MATHIƠ: 19:24; MÁC: 10:24; LUCA 18:25)

 

“Người đã bị người-ta khinh-dễ và chán-bỏ, từng trải sự buồn-bực, biết sự đau-ốm, bị khinh như kẻ người-ta che mặt chẳng thèm xem, chúng-ta cũng chẳng coi Người ra gì. Chính Ngài đã lấy tật-nguyền của chúng-ta, và gánh lấy bệnh-hoạn của chúng-ta”.

(ÊSAI 53: 2-4; MATHIƠ 8:17)

 

nhịp trái tim mãi ban sơ

giáo đường nhạc vút xanh lơ sớm chiều

trầm tư, lắng tuổi xế xiêu

ngấm trong sầu khổ đã nhiều phúc âm

 

ngát thơm nguồn sáng từ tâm

hồn em cúi xuống, vọng thầm sóng mơ

vai oằn thập giá bao giờ

tôi tìm Đức Mẹ đọc thơ tình người

 

em là ngọn nến trong tôi

xua đi bóng tối truyền lời yêu thương

máu cứu rỗi sáng con đường

ánh vàng Núi Sọ rung chuông chói lòa

xin nhân danh Đất Trời và

nỗi Khổ Đau và Thăng Hoa giữa Đời

nhà người thợ rất thánh ơi

mồ hôi nước mắt muôn thời hương bay

 

cõi trần gian còn đắng cay

vẫn còn khát vọng như ngày xa xưa

hai ngàn năm dịu gió mưa

nắng ngời tiếng hát bốn mùa cho nhau.

 

                                                                 1992

 

- Thật ra vấn đề kết hợp, dung hợp chủ nghĩa xã hội với Kinh Thánh chẳng có gì mới. Kinh Thánh, và nhiều kinh điển của các tôn giáo khác đều ít nhiều có yếu tố gần gũi với nguyên lí của chủ nghĩa xã hội, với lí tưởng về thế giới đại đồng. Trong vấn đề ấy, có một vấn nạn là Kinh Thánh có bị sa-đích (nên thỏa hiệp với đế quốc) hay không mà thôi. Không thể không kiên quyết vấn đề này: Độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân. - Ông giáo Hiền mỉm cười -. Chúa Giê-su trong bài thơ này là chiến sĩ đã bị tử hình, đã hi sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đó. Nỗi khổ đau bị áp bức đã thăng hoa giữa đời chứ không phải trên trời. Thơ ca mà! Không phải là khoa học về tôn giáo và không phải sử học! Trần Nguyễn Phan đã tái tạo lại, hư cấu lại từ hình tượng Giê-su và gia đình cha nuôi - mẹ đẻ là Giê-su - Ma-ri-a trong Kinh Thánh.

- Ông hiểu thế nào về câu “hai ngàn năm dịu gió mưa”, thưa ông?

- Thiên Chúa giáo, khi nó là một thực thể chính trị, phục vụ cho sự xâm lược của bọn thực dân và cho chính  nó, thì rất thâm độc, nhưng khi nó chỉ thuần túy là tôn giáo, thì quả là giúp tín đồ sống lương thiện hơn. Thiên Chúa giáo xưa nay tồn tại với hai bộ mặt, quỷ dữ và thiên thần. Những lúc dịu đi là những khi quỷ dữ được thiên thần ru ngủ, vỗ về, hăm dọa trong chính nó... Và tùy ở giáo hoàng... Hai ngàn năm nay chưa hề có giáo hoàng nào da vàng hoặc da đen! - Ông giáo Hiền bật cười lớn -. Hai câu kết của bài thơ ấy, Trần Nguyễn Phan gửi thư ra cho Hành, có viết là đã sửa lại:

 

“Nắng ngời tiếng hát bốn mùa

Hai ngàn năm nếu chẳng mưa máu Đời”.

 

- Dạ, cháu hiểu. “Thập giá và lưỡi gươm” quả thật là vậy đó. Còn Giê-su, Giê-su là con người phàm, và chỉ vậy thôi. Cháu thấy cuối cùng, Đền thờ Tổ quốc Việt Nam, Đền Hùng với đình làng, và hai cụm hình tượng Việt Nam, Thế giới của ông là hay nhất.  Đó là quốc hồn quốc túy, hiểu đúng nguyên nghĩa nghiêm chỉnh của từ, còn tất cả đều là ngoại lai. Chúa của Do Thái, xin trả lại cho Do Thái.

Ông Hiền cười. Hiền Lương xin phép ông để về. Ông giáo tiễn Hiền Lương ra tận ngõ. Ông bảo:

- Cũng phải tiếp thu tinh hoa ngoại lai, tiếp thu trên tinh thần Việt Nam, vì dân tộc chúng ta, một cách khoa học. Cũng phải góp phần của Việt Nam vào sự tiến bộ, hòa bình, đoàn kết của nhân loại... Phải học ngoại ngữ, cả quốc tế ngữ...

- Biết bao giờ mới làm được chiếc cầu bắc ngang sông Bến Hải quê mình, như hoài bão của ông, ông nhỉ! Số tiền lớn lắm.

Ông giáo Hiền cười buồn, nhưng vẫn hài hước như trạng cười:

- Chỉ còn cách mua vé số xây dựng quê hương! - Ông cười vang lên nhưng rưng rưng trong khoé mắt -. Nhưng, nếu đã có tiền, cũng còn phải kiến nghị và được phép của Đảng, Nhà nước, Quốc hội... Trong thực tế quản lí hành chính, chỉ cần sự cho phép của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa - Thông tin, Tỉnh uỷ, Uỷ ban tỉnh... - Ông giáo Hiền hiểu mình đang lạc quan tếu -. Thiết thực nhất là chỉ làm mô hình trong sân nhà của ông mà thôi, rồi chờ một cơ may nào đó...

 

TXA.

 

CƯỚC CHÚ chương XI: không có cước chú.

 

 

( xem tiếp chương XII )

 

 

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/29/09                                                                   

Trở về trang chủ

                                                                 

 

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE