g. Trần Xuân An - Có một nơi lá mãi xanh - Tệp 7

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

TRẦN XUÂN AN

có một nơi lá mãi xanh

 

CHƯƠNG BẢY

 

 

 

1

 

 

            Mùa mưa bắt đầu bằng những cơn mưa vào giữa tháng năm. Mới đó đã hơn một tháng. Với Cúc Tần, ba mươi mấy ngày vừa qua đầy ắp công việc, đầy ắp những dòng chữ bản thảo của Niên. Dẫu bận bịu với công việc coi thi, chấm thi tú tài, cô vẫn luôn cầm trong tay xấp bản thảo ấy. Hơn hai trăm trang đánh máy chữ, giấy cỡ lớn, cô đã đọc hai lần. Những đoạn Cúc Tần lưu tâm, cô đọc đi đọc lại mãi. Nhân vật xuyên suốt ba phần ''Những Mùa Thơ Dại'' của Niên là Nguyễn. Một Nguyễn tâm tình, chia sẻ nỗi niềm với một dáng dung tưởng tượng, như An-nơ Phơ-răng, như Tú Uyên của Bích Câu kì ngộ (20). Một Nguyễn vừa mơ mộng, lãng đãng, vừa đấu tranh cho hòa bình và thống nhất, độc lập và tự do của Tổ Quốc trong mấy năm cuối  bậc trung học. Một Nguyễn từ đại học Huế di tản vào Sài Gòn. Một Nguyễn vừa tức tưởi vừa hân hoan, choáng ngợp rồi say mê trong hào khí cách mạng - hào khí vừa bừng sáng vừa lắng sâu trong tim những người giản dị, dân dã trở về từ bao cánh rừng Trường Sơn, từ bao vùng đất bên kia sông Bến Hải. Một Nguyễn đam mê học tập và sinh hoạt. Một Nguyễn từ thơ lãng mạn đã đến với thơ cách mạng bằng những bước vừa bồng bột, vừa sâu lắng. Một Nguyễn của năm tháng khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc vẫn lạc quan giảng dạy hết mình, với ước vọng chất anh hùng lao động sẽ ngấm vào học trò, vào những bài thơ anh viết. Một Nguyễn bỏ trường lên Sài Gòn kiếm sống, bất đắc dĩ, cũng  vội xem đó là trường đại - học - cuộc - đời (21). Sách vở bấy giờ là những con người thật chứ không phải hình tượng văn chương. Một Nguyễn trải nghiệm thứ tình yêu đầy tính dục, với cô gái Thùy Mị sống đến tận cùng mọi cảm xúc tâm hồn lẫn cảm giác xác thịt. Một Nguyễn bán sách báo cũ ở vỉa hè cháy nắng, đầm mưa, ngập bụi của Sài Gòn một thuở thiếu thốn, túng quẫn. Một Nguyễn sống với tổ ấm được xây kết bằng rác rến sách báo cũ, bên cạnh Kiều Vân và bé Tục Ngữ nào đó. Tất cả, tất cả những chặng đường, những bước ngoặt của một con người đã được hư cấu thành hình tượng tiểu thuyết để ghi dấu ấn chung của một lớp người trong một giai đoạn cụ thể. Nguyễn không hẳn là Niên. Nguyễn là những Niên, những người cùng lứa tuổi, cùng hoàn cảnh, cùng tâm trạng. Cúc Tần đọc, ngẫm nghĩ. Cúc Tần đọc ''Những Mùa Thơ Dại'' bằng trái tim người tình đọc trái tim người tình. Cúc Tần hi vọng, qua hình tượng nhân vật Nguyễn, cô có thể thấy bóng dáng Nguyễn Văn Phần, tâm hồn và tư tưởng Phan Cát Niên. Trước hết, Cúc Tần đọc theo yêu cầu của trái tim cô như thế.

            Tháng đầu của mùa mưa Sài Gòn, những đêm khuya sau khi Lá Xanh tắt đi các bóng đèn màu, cổng và cửa đã đóng, những buổi sáng, buổi chiều ngồi một mình ở quầy cà phê, ngó bao người khách chuyện trò, nhấm nháp các loại thức uống, Cúc Tần không chờ Niên nữa. Cô biết anh ấy chìm trong một bi kịch, không lối thoát nào khác là tập lãng quên, như chính cô, cũng đang tập lãng quên. Không thể có Tú Uyên và Giáng Kiều giữa đời thực bây giờ sao? Cúc Tần thành thật với mình, đôi khi cô ước chính cô là cô Tấm Giáng Kiều của Tú Uyên Niên. Cô nhớ một nhân vật của Hem-ming-guây (22), trong ''Chuông nguyện hồn ai'', đã cố gắng sống bảy ngày như bảy mươi năm. Bảy ngày cũng đủ cho khát vọng một đời. Kiều - Uyên có đến ba năm trăng mật, rồi có con với nhau, và muôn thuở ở cõi tiên. Yằ tưởng lãng mạn một cách táo bạo, bi đát! Mộng mơ, ngẫm lại dẫu sao cũng bi đát. Không. Khát vọng tình yêu đương đích thực, hạnh phúc đích thực ấy vừa đời thật vừa rất tiên giới giữa cõi người ta này. Bây giờ cô mới thấm thía chất lãng mạn của những tình huống bế tắc, của những con người không tìm ra lối thoát giữa đời. Một phân số người lãng mạn nào đó không hề yếu đuối, ủy mị trong những ước vọng bay bổng, vượt thoát một cách lành mạnh. Thương mình, thương Niên và thương những tâm hồn lãng mạn đó. Thương, thương lắm những khát vọng lãng mạn khỏe khoắn!

            Cúc Tần năm mười ba tuổi cũng yêu một Gương Mặt Tình Yêu tuy không phải  như nhân vật Nguyễn. Nguyễn cô đơn và cô độc. Cô chỉ mộng mơ. Mười ba tuổi còn bé quá để có người tình. Cúc Tần không đua đòi tập tành cặp đôi. Cúc Tần chỉ yêu một nhân vật hóa thân từ  tác giả của tiểu thuyết. Đấy là hình tượng cô không còn gặp được nữa, vì bấy giờ bản thảo nghe đâu đã bị đốt, tác giả nghe đâu đã chết. Nhân vật bao giờ cũng sâu sắc, phong phú hơn người thật, vì nhân vật được khắc họa bằng văn chương. Người-chưa-và-không-thể-gặp-lại thường có hào quang do ảo tưởng của người chưa và không thể gặp người ấy. Bây giờ, ở tuổi ba mươi hai này, đã gặp Niên, đọc hết ba  mươi sáu năm đời nhân vật Nguyễn, cô tỉnh ra thêm một chút. Cô không còn ngây ngô để ngã bệnh với cơn đau vỡ mộng. Cúc Tần đã yêu Niên với đôi mắt nhìn tỉnh táo của cô, yêu Niên với những nét tầm thường đời thực của anh. Trước đây, cô yêu Niên bởi Niên là Niên. Bây giờ, cô yêu Niên khi đã biết Niên chính là Phần. Hơi ngỡ ngàng. Có phải một Nguyễn Văn Phần Tú Uyên trong vô thức đã xui khiến cô trực giác ra Niên khi chưa biết Niên là Phần. Cô chẳng hiểu sao cô từ chối tình cảm của Điệp. Cô không thể nào hiểu vì sao cô yêu Niên. Trước đây là thế. Bây giờ cô chợt trực nhận, hiểu ra, và có thể đúng lắm chứ.

            Cúc Tần cứ lẩn quẩn với chính mình để tìm thấy mình, cứ trở đi trở lại một ý tưởng...

            Nhân vật Nguyễn với ba mươi sáu năm sống, từ mấy trăm trang bản thảo, đã trở thành kí ức của cô. Sao mình không thể không lãng mạn với Tú Uyên Niên? Phải dám lãng mạn với anh ấy chứ! Cúc Tần tuổi mười ba và Cúc Tần ba mươi hai tuổi không thể mất Niên được nữa! Cúc Tần nghĩ thế. Cúc Tần run sợ với ý nghĩ táo bạo ấy. Nguyễn, tất cả mọi ngóc ngách tâm hồn, tư tưởng, mọi bước ngoặt cuộc đời, mọi sa đọa, mọi vượt thắng của hình tượng đều chưa đáng quan tâm. Quan trọng với Cúc Tần lúc này là phải hiểu ''Bé Con Yêu Dấu - Giáng Kiều'' của Niên, Thùy Mị  và Kiều Vân của anh ấy. Cúc Tần không muốn nói chính trái tim cô đã nếm thấy vị đắng và cay của sự ghen tuông, đang sẽ sàng len vào.

 

 

2

 

 

            Có một điều bất ngờ là cô bé Cúc Tần mười ba tuổi năm nào đã tình cờ gây nên một xúc động trong tâm hồn Nguyễn. Cúc Tần run lên, xúc động ứa nước mắt khi đọc thấy chi tiết này trong bản thảo của Niên.

 

            ... Nguyễn đứng sau tấm ván ép nối liền chiếc tủ đứng thô sơ dùng để đựng sách giáo khoa, giáo án với vách tường xi măng. Tấm ván ép, chiếc tủ ngăn căn phòng làm hai, phía trước là phòng khách, nơi soạn, chấm bài, phía sau là phòng ngủ với mấy chiếc giường cá nhân. Nguyễn nhìn qua một lỗ đinh, thấy cô Hoàn và một cô bé khoảng mười ba, mười bốn tuổi. Cô Hoàn hỏi Tẩm, một giáo viên ăn ở cùng phòng với Nguyễn:

            - Nguyễn đi thật rồi sao? Rời trường hôm trước tết kia à?

            Cô bé mở to mắt như ghi nhận chữ ''Nguyễn'', trong khi Tẩm nói:

            - Ảnh đi rồi. Dạ, trước tết. Bực mình lắm, có lẽ vậy.

            - Bậy thật! Tôi không ngờ! - cô Hoàn thở dài, cau mặt, còn cô bé ứa nước mắt - Thật đáng tiếc! Biết đâu mà tìm đây!

            Nguyễn cũng muốn khóc trước khóe mắt rưng rưng của cô bé. Anh nghĩ đấy là một cô bé giàu cảm xúc. Nguyễn càng để ý quan sát cô bé: đôi mắt to, gương mặt xinh xắn,  hiền hậu rất đỗi ngây thơ. Đây là lần đầu có người không phải học sinh của anh, đã ứa nước mắt vì anh. Điều đó làm anh muốn khóc bởi cảm động.

            ... Thật ra, Nguyễn chưa đi được khỏi Mỹ Tho hôm hai mươi sáu áp tết, vì xe cộ hồi ấy rất khó mua vé, nhất là vào dịp ấy. Nguyễn chỉ ra khỏi nhà tập thể, ghé ở lại tại nhà một học sinh nam khá thân thiết với anh. Sáng mùng ba tết anh lại đến nhà tập thể. Thấy cô Hoàn, anh lánh mặt sau khi dặn dò Tẩm. May thay anh giáo Tẩm này đối đáp thật suôn sẻ. Và may mắn nhất là nhờ vậy, Nguyễn hiểu thêm tình cảm sâu đậm của cô hiệu trưởng Hoàn, ghi nhận được đôi khóe mắt rưng rưng của một cô bé xa lạ.

            ... Sáng mùng bốn tết, Nguyễn vẫn chưa mua được vé xe lên Sài Gòn. Cô Hoàn mua được cho cô bé và một người đàn ông bà con. Lần thứ hai, Nguyễn thấy rõ cả dáng hình của cô bé, khi anh ngồi ở một quán cóc tại bến xe nhấm nháp cà phê đen sặc mùi bắp rang với hạt cau xay vụn. Không làm sao anh quên được giây phút cảm động sáng hôm qua lẫn giây phút vừa muốn đến hỏi thăm tên cô bé, vừa ngại phải gặp cô Hoàn, mà chắc chắn sẽ khó xử với Nguyễn. Nhưng tiếc thay, gương mặt cô bé đã mờ nhòa trong trí nhớ anh vì chưa kịp khắc đậm, sau rất nhiều năm  tháng! Tuy thế, trong những lúc cay đắng nhất, Nguyễn vẫn thường nhớ lại đôi khóe mắt rưng rưng của cô bé, có lẽ là cháu ruột của cô Hoàn. Đôi khóe mắt rưng rưng ấy suốt đời còn long lanh trong tâm hồn Nguyễn.

 

            Cúc Tần ứa nước mắt mỉm cười. Trong trí nhớ của cô, Cúc Tần cũng không sao quên được giây phút mắt rưng rưng, nghẹn ngào lẫn thất vọng thuở ấy. Nghẹn ngào thương nhân vật Nguyễn có những năm tháng côi cút ở Quảng Trị xa xưa. Thất vọng bởi không thể gặp tác giả Nguyễn Văn Phần.Bấy giờ, cô đã từ Sài Gòn về Mỹ Tho với ước mong tìm gặp! Cúc Tần không ngờ anh Phần thuở ấy đã nhìn thấy cô và bây giờ Niên đã đưa vào tiểu thuyết. Cúc Tần sung sướng, cảm động gặp lại mình năm mười ba tuổi qua trang viết của Niên. Cô muốn khóc cảm ơn ngẫu nhiên của cuộc sống trần gian này. Cúc Tần cũng không ngờ Niên lại đổi tên cô Sông Phố thành Hoàn!

            Cúc Tần hiểu Niên có thể đã hư cấu nhiều đoạn, thay đổi, thêm thắt, hoặc diễn lệch, giảm bớt nhiều chi tiết, nhiều tình huống, nhưng có rất nhiều đoạn, chương, chi tiết hầu như chép lại, chụp lại từ cuộc sống thật như chúng đã diễn ra. Tất cả vì yêu cầu của nghệ thuật. Không những Cúc Tần, cô Sông Phố, mà cả thầy giáo Chí, cô giáo Quỳnh - vợ thầy, cả Hoà Bình lúc mới chín tuổi nữa, cũng đã được Niên ghi nhận lại, với những cái tên cũng khác.

 

            ... Thầy giáo Vĩnh, bí thư chi bộ cũng đồng thời là thư kí công đoàn trường, vốn là dân gốc Mỹ Tho. Thầy Vĩnh trong những năm sáu mươi, bảy mươi được gửi lên Sài Gòn học. Thời gian ấy, thầy là một trong những ngòi pháo của các cuộc đấu tranh tại thành thị. Trưởng thành trong phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn, thầy được kết nạp vào Đảng Nhân Dân Cách Mạng (Đảng Lao Động Việt Nam) từ  năm hai mươi mốt tuổi. Chính thầy Vĩnh thuở đó đã giác ngộ cách mạng cho cô sinh viên sư phạm Trịnh Thu Hoàn. Cô Hoàn từ phong trào đấu tranh của Phật Giáo chống Ngô Đình Diệm, Thiệu - Kỳ - Hương, đến với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tốt nghiệp đại học xong, thầy Vĩnh và cô Hoàn vẫn vừa giảng dạy vừa đấu tranh. Cô Hoàn lại kết hôn với một giáo viên cùng trường có  khuynh hướng tiến bộ nhưng rồi ngả dần về phía cầu an, trung lập. Bất đồng chính kiến làm rạn nứt gia đình, cô Hoàn bồng hai con, thuê nhà đi ở riêng. Sau đó, bị bại lộ, cô Hoàn phải mang hai con về Cần Thơ gửi ngoại nuôi, để vào bưng biền. Sau bảy lăm, cô Hoàn với thầy Vĩnh lại về tiếp quản chung một trường. Thầy Vĩnh từ lâu đã kết hôn với một sinh viên gốc Thái Trắng đâu ngoài Việt Bắc, gia đình vào Nam từ năm ba mươi tám, là cô Huỳnh. Cô Huỳnh cũng đảng viên. Họ đã có hai mặt con. Bé Hoà rất dễ thương.

            ... Nguyễn vô trường nhận công tác giảng dạy được một vài tháng, anh mới có dịp ghé thăm nhà thầy Vĩnh, cô Huỳnh. Căn nhà nhỏ trên một đường phố vắng. Hồi đó, người ta đã đi xe đạp lại khá nhiều,thỉnh thoảng mới thấy còn một chiếc xe gắn máy chạy qua.

            Qua một vuông sân rộng, Nguyễn vào nhà với Tẩm. Thầy Vĩnh bắt tay hai giáo viên trẻ của mình, niềm nở pha trà, rót nước. Không ai có thể nghĩ thầy Vĩnh là một đảng viên dày dạn kinh nghiệm đấu tranh ở thành thị...

            ... Chính trong căn nhà ấy! Vào dịp chuẩn bị thi học kì một, sau khi Nguyễn dạy học được một năm, Nguyễn đã được mời về nhà riêng để làm việc với thầy Vĩnh trong một buổi chiều. Lạ thay, con người dày dạn kinh nghiệm đấu tranh thành thị và công tác trí vận ấy, bây giờ đã quan liêu ''lên lớp'' cho Nguyễn, dù vẫn còn tế nhị mời về nhà riêng!

            - Tôi không ngờ anh học đại học phần lớn học trình của cách mạng mà vẫn còn lạc hậu về tư tưởng đến vậy!                      - Thưa anh, là sao ạ? - Nguyễn bối rối, ngạc nhiên.

            Thầy Vĩnh hất hàm:

            - Anh suy nghĩ lại đi! - rồi quay lại phía sau - Em ơi, nhờ lấy giúp cái cặp nghen.

            Cô giáo Huỳnh mang cặp ra, nói giọng Bắc pha Nam:

            - Chào anh Nguyễn. Đây, cặp đây, anh Vĩnh!

            Thầy Vĩnh rút ra xấp bản thảo. Nhác thấy, Nguyễn giật mình. Bản thảo anh để trong rương dưới đầu nằm của giường cá nhân, sao lại vào tay ông bí thư chi bộ được! Anh cố giữ vẻ điềm tĩnh.

            - Cái này anh mới viết?

            Nguyễn đáp như cái máy:

            - Không. Từ bảy tư, sau bảy lăm một hai tháng.

            - Sao mới vậy? Giấy với lại mực đều mới!

            - Tôi cất kĩ trong mấy lớp bao ni lông.

            - Sao anh không chữa lại? Tốt hơn nên đốt bỏ hay xé đi.

            Nguyễn ngỡ xé xác anh, đốt thân anh.

            - Bản thảo là máu thịt mà anh!

            - Bởi vậy tôi mới không ngờ!

            Nguyễn hiểu ông bí thư nói anh đỏ vỏ xanh lòng.

            - Tôi định sau này hẵng chữa. Chữa bây giờ vẫn khó in.

            - Không ai cho in đâu. Khó lắm.

            - Em vẫn đăng thơ dài dài trên báo. Còn cái này phải in thành sách. Mươi năm sau chữa lại rồi in. Bây giờ giấy mực hiếm...

            - Anh không thấy là nó còn duy tâm, siêu hình, lãng mạn và suy đồi sao? Anh phê phán chưa triệt để. Anh còn thật thà quá.

            - Tư tưởng em bây giờ vượt lên rồi, vượt xa mức ấu trĩ ấy.      

            Thầy Vĩnh nói, gật gù:

            - Nay ta cùng phê phán trong tổ ngữ văn nghen!

            Nguyễn cay cú im lặng. Điều anh bực nhất là tại sao từ rương anh, lại nằm đây, cái bản thảo ấy! Và tại sao lại phê phán trong tổ ngữ văn! Đó đâu phải giáo án hoặc tài liệu ngoại khóa!

            Nguyễn chào, về trường trong ý tưởng bị rình rập, nghi ngờ... Ai đã xúc xiểm gì thêm chăng?

 

            Cúc Tần mỉm cười. Quả là chuyện không đáng gì, một thời vẫn căng thẳng thế đấy. Điều cô mừng là ngay lúc ấy, Niên đã nhận ra vấn đề, còn việc bực mình là chỉ vì bị ''lấy trộm'' và bị ''đánh tập thể''. Niên đã viết một câu rất hay: ''Chẳng lẽ lấy áo quần thời ấu trĩ để đo kích thước của người đã trưởng thành hơn?''

            Với Cúc Tần, điều Niên hận hay không hận chuyện cũ ấy, cô đã hiểu. Ngoài việc cô quan tâm nhiều đến điều đó, cái chính là cô thích tập bản thảo thuở nọ, dẫu sau này, cô thấy lời kết án ấy không phải không có lí.

            Năm tháng qua đi, có thể bây giờ Niên đã hạ thấp mức tư tưởng của anh hồi ấy. Hồi ấy, có thể anh đã trưởng thành hơn mức đã ghi nhận vào hình tượng Nguyễn năm đó. Có thể như vậy, để hình tượng tiểu thuyết mang dáng vẻ tiểu thuyết hơn! Hay anh sa vào ''công thức người trí thức hay dao động''?

            Đấy chỉ là hai đoạn ngắn cô lưu ý không nhiều. Cúc Tần lưu ý nhiều hơn nhân vật Thùy Mị và nhân vật Kiều Vân. Đây là hai điển hình cho hai phân số trong giới trí thức? Bản thảo trên tay cô nếu là tự truyện, Niên có cần điển hình hóa không?

 

 

3

 

 

            Cúc Tần không biết trong đời thật Thùy Mị xinh đẹp, ngọt ngào và nồng cháy như thế nào. Niên đã khắc họa một hình tượng có lẽ với nhiều đam mê, chăm chút nhất. Có thể Thùy Mị cũng chỉ là Giáng Kiều của Tú Uyên, Giáng Hương của Từ Thức. Có thể cô ấy chỉ xinh đẹp, ngọt ngào với Nguyễn qua đôi mắt bên trong tâm lí của Niên. Có quá nhiều sự đánh giá một vẻ đẹp hết sức chủ quan. Tình yêu là một sự chủ quan mù quáng nhất, đến mức phải nghĩ rằng chính tính chất chủ quan mù quáng ấy làm nên cảm thức yêu đương! Cúc Tần hiểu vậy. Cô vừa ganh tị, vừa thoáng chút mỉa mai, khi đọc mối tình cháy bỏng của Nguyễn với Thùy Mị. Đấy là một mối tình với quan niệm yêu đương Cúc Tần từng biết đến qua phim ảnh, văn chương, cả trong đời sống thật của bạn bè. Nhưng Niên vẫn khắc họa bằng cách rất riêng của anh.

 

            ... Đứng trên gác gỗ nhìn xuống con hẻm, Nguyễn cảm nhận đến tận cùng nỗi bơ vơ, cô độc. Côi cút từ nhỏ, Nguyễn ngỡ đã qua rồi tâm trạng đơn côi bi thảm. Không. Cô đơn thật khó quen. Nó là một cảm giác vật chất như cảm giác đói và khát. Làm sao quen đến mức nhịn đói và khát suốt đời! Con người có thể là Rô-bin-sơn (23) giữa hoang đảo nhưng không thể một mình giữa mọi người. Nguyễn bỗng cảm thấy mọi con đường, ngõ hẻm của thành phố là những dòng sông, anh là một thanh củi rều đã chết khô, trôi nổi giữa sóng nước với bao nhiêu đàn cá sinh động. Nguyễn cũng nghĩ anh chính là cụm lục bình đang tím ngát hoa hoài niệm, hối tiếc. Nguyễn đã lên Sài Gòn, may gặp được người bạn cũ. Tân đã là nơi cho anh nương náu. Tất cả ở Tân là lòng hào hiệp: Không những cơm ăn, áo mặc, còn cả công việc nữa. Tân đã chỉ dẫn anh đi mua sách báo cũ ở các nhà trong thành phố lẫn ngoại thành, tỉnh nhỏ. Và Thùy Mị, em gái Tân, tốt nghiệp đại học, đang thất nghiệp, mang lại cho Nguyễn niềm vui bè bạn. Nhưng rồi Nguyễn không muốn làm phiền ba má Tân dù ông bà rất tốt, tốt cả trong hoàn cảnh khó khăn ấy, thời hậu chiến và bị cấm vận, thời của những sai lầm do nóng vội về kinh tế. Bây giờ Nguyễn đã thuê một phòng trên gác gỗ để ở riêng. Anh lại cô đơn và cô độc.

            ... Thùy Mị ngước mắt nhìn Nguyễn, đôi tay đưa lên đặt trên đôi vai của anh. Cô khẽ nhắm mắt lại, đôi môi hé mở. Hai bàn tay cô như bấu vào da thịt anh. Nguyễn nóng ran cả người. Anh thèm khát đặt trên đôi môi dâng hiến, đợi chờ kia một nụ hôn. Hai tay của Thùy Mị bỗng níu ghì gương mặt Nguyễn. Cô hôn anh bằng tất cả đắm say, nồng cháy. Nguyễn cũng ghì đỡ bờ vai và chiếc gáy tròn đầy cơ hồ đang run rẩy của cô. Đôi chân Thùy Mị như muốn khuỵu xuống. Nước mắt cảm xúc của cô tràn chảy, ướt hoen hai khuôn mặt, mặn nồng hai đôi môi đang mê dại gắn khít vào nhau. Nguyễn chỉ dám vừa nâng vừa ôm chặt lấy Thùy Mị. Cô mềm trong tay anh. Nguyễn biết đã đến lúc phải nhẹ nhàng bế Thùy Mị đến chiếc nệm trải trên sàn gỗ, hoặc phải khẽ khàng đặt cô ngã người lên ván gác đen xỉn, ngay chỗ hai người đang đứng. Bản năng đàn ông và sức mạnh của đứa trẻ thơ nghìn tuổi đầy uy dũng có tên là lương tâm đang chạm trán nhau trong xác thịt anh. Nguyễn chỉ đứng hôn Thùy Mị, cái hôn đầu đời của anh và có lẽ của Thùy Mị nữa, kéo dài cả dăm phút, dăm phút vô tận... Nguyễn bỗng rùng mình, vòng tay đang ôm chặt Thùy Mị, nâng lấy chiếc gáy và bờ lưng nóng bỏng của cô, bỗng lơi ra. Nguyễn nghe một cảm giác rã rời khắp thân thể anh. Đôi mắt Thùy Mị ướt đẫm nước mắt, mở ra nhìn anh đờ đẫn, thoáng chút xấu hổ, thoáng chút hụt hẫng.

            ... Thùy Mị đã đến với Nguyễn bằng tất cả chân thành, say đắm. Nguyễn yêu cô, thương cả cô nữa, bởi anh biết Thùy Mị, cô gái hai mươi ba tuổi này đang hoang mang trước một tương lai xám xịt. Cô gái Sài Gòn này mang tâm trạng của một phân số cư dân thành phố. Họ đã chết mọi hi vọng trước một hiện thực khá xơ xác, tiêu điều, túng quẫn. Tất cả mọi công ăn việc làm đều tạm bợ. Nguyên liệu thiếu và hết sạch. Máy móc hỏng và không phụ tùng thay thế. Gạo thiếu. Sữa cạn. Thuốc lá đen cháy phổi. Họ bỗng rất đỗi hiện sinh chủ nghĩa. Hoá ra, loại triết học này trước hết là một khuynh hướng nảy sinh từ một thực tại hoang tàn, đổ vỡ, không tương lai trong mắt họ. Nhiều người không đọc loại triết học này, chưa nghe ai nói tới, cũng sống rất đỗi hiện sinh. Hoá ra, hiện sinh là một tâm trạng hậu chiến, thời của những giá trị cũ đã đổ vỡ trong lòng người. Thùy Mị lần đầu yêu bằng một tình yêu đầy cảm giác tình dục như thế, trong tâm trạng bơ vơ, cô đơn, phó mặc như thế. Cũng có thể, biến tướng của triết học hiện sinh đã lây lan.

            ... Nguyễn và Thùy Mị đã sống với nhau bao buổi chiều, bao giờ khắc đầu hôm rất vợ, rất chồng. Một tuần vài lần, cô đạp chiếc xe cỡ nhỏ, cũ kĩ đến với anh. Họ bất chấp tất cả.

            - Hai đứa mình ra phường kết hôn đi, Mị nhé - Nguyễn siết bàn tay cô.

            - Không. Lấy gì sống! Làm sao nuôi con! - Thùy Mị lắc đầu, mỉm cười buồn bã - Cần gì cái giấy kết hôn hình thức ấy! - cô hôn phớt lên môi anh - Thế này là vợ chồng rồi! Cũng chung giường, chung mâm. Chỉ thiếu mỗi chung con! - cô cúi đầu, rồi lại mỉm cười nhìn Nguyễn - Cảm ơn anh đã gìn giữ để chúng ta chưa có con. Đừng có con nghe anh! Đừng ham nghe, ông chồng cưng!

            Trong lòng Thùy Mị, đã bao lần cô tự bảo, Nguyễn là người chồng đầu tiên và duy nhất của cô. Cô đã trao hết trinh trắng của thể xác cô cho Nguyễn. Thùy Mị không hề nuối tiếc nhưng đôi khi cô chạnh buồn. Nhưng cô vẫn cảm ơn hạnh phúc. Họ mang lại hạnh phúc nồng nàn cho nhau. Họ là vợ chồng của nhau với ý nghĩa đích thực.

            ... Nguyễn hôn Thùy Mị, cái hôn âu yếm sau khoái cảm rã rời xương thịt.

            - Hãy sống với nhau những năm tháng tuyệt vời nghe mình!

            Nguyễn cảm thấy buồn, vì dự cảm mọi chuyện giữa anh với Thùy Mị chỉ là cuộc chơi yêu đương không hứa hẹn về sau. Anh nằm im lặng.

            - Nghe không, mình ơi! - Thùy Mị cười, quay mặt sang anh.

            Nguyễn sờ tay lên môi cô, vừa tỏ sự âu yếm, vừa xin cô lặng im.

            ... Họ ngồi xếp bằng trên sàn gỗ, tựa lưng kề nhau vào vách gỗ. Trước mặt là mâm thức ăn, mấy vỏ bia lăn lóc, hai chiếc li lấm tấm, chảy ròng mồ hôi lạnh bởi nước đá bên trong.

            - Phải chia tay thật sao? Đã năm năm chồng vợ! Mình cưới nhau đi, để sống đàng hoàng, có con với nhau - Nguyễn nói, như van vỉ lần cuối.

            Thùy Mị mỉm cười buồn buồn:

            - Không. Em phải lấy chồng. Lấy chồng cho gia đình em, cả cho anh nữa.

            - Em nói như cô điên, bà khùng! - Nguyễn gắt.

            - Thật đó. Em vậy là đã có một đời chồng, với anh. Anh mãi là người chồng duy nhất của em - cô cười - Giờ em phải ''li dị'' anh để lấy một ông Việt kiều. Lần này có đăng kí kết hôn hẳn hoi - cô cười mỉa, buồn bã - Không cách nào khác. Nợ nần nhà em đã lên tới chục cây vàng. Anh cứ xem như em chết rồi - Thùy Mị lại cười, cô nói tiếp - Anh cũng phải lấy vợ khác cho đàng hoàng. Thỉnh thoảng ở nước ngoài, em gửi về giúp vợ chồng anh...

            - Tôi không cần sự giúp đỡ giết người đó - Nguyễn ngắt lời, gắt lên. Anh nổi nóng thật sự. Nhưng anh hiểu Thùy Mị, cô chân thành đến đáng sợ.

            - Thôi, uống đi anh. Quên. Quên hết. Tối nay là tối đầu tiên em ở lại với ông chồng cưng suốt đêm đó. Đồng ý nghen ông xã?

            Thùy Mị bật cười khanh khách. Hai dòng nước mắt trên gương mặt xinh đẹp, phúc hậu, sắc sảo của cô chảy ràn.

            ... Người vợ đầu tiên của Nguyễn thế đấy. Suốt đời anh không bao giờ quên Thùy Mị. Anh cũng hiểu, chỉ duy nhất một mình anh trên đời này hiểu giá trị đích thực của cô. Mọi người đều dè bỉu cô. Chỉ riêng mỗi một anh hiểu sự hi sinh kì quặc của Thùy Mị. Cô là Kiều của Nguyễn Du sao, khi cô bỏ anh để lấy một Việt kiều nào đó? Chắc chắn Việt kiều ấy không phải là Mã. Nhưng dẫu sao, đó là cô gái có quan niệm sống lạ lùng, hi sinh tất cả bằng một sự hi sinh không bức thiết. Nợ nần ư? Cứ làm ăn tần tảo hay đắp đổi sao đó để trả dần! Còn anh, anh từ chối sự hi sinh ấy. Hi sinh thế là làm đau lòng anh, làm nhục trái tim anh, bôi nhọ vào gương mặt anh. Nguyễn điên lên trong niềm đau ấy, nỗi nhục ấy. Ngay anh, anh cũng bó tay trước mối nợ quá lớn của gia đình Thùy Mị và Tân. Ân nghĩa ấy làm sao anh đền đáp! Anh muốn uất lên, nghẹn ngào khi Tân cũng chia sẻ với anh niềm đau, nỗi nhục ấy. Tân bảo, dẫu sao bên ngoài của cuộc hôn nhân xem ra cũng đẹp mặt, nhưng ngẫm nghĩ chỉ thấy nhục và đau. Anh Việt kiều ấy thật lòng, chấp nhận Thùy Mị như một đàn bà. Có lẽ chúng ta còn quá lí tưởng bởi xem nền móng của hôn nhân phải là tình yêu chứ không phải chỉ ý đồ nương tựa, dựa dẫm hay tiền bạc mua bán. Nguyễn cúi gầm mặt nhục nhã vì sự nghèo túng của anh trước tiếng thở dài của Tân.

            ... Thùy Mị mãi là Gương Mặt Tình Yêu ngời sáng với riêng anh, dẫu sáng với ánh sáng làm anh đau mắt bởi tủi thẹn. Tân nữa, Tân là người bạn anh chưa bao giờ có thể gặp người thứ hai như thế. Tân - bạn anh, ân nhân của anh, một người hào hiệp tận cùng, một trí thức yêu đời một cách buồn bã của thế hệ anh...

 

            Cúc Tần đã đọc và xem nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn và bao nhiêu là phim ảnh, vở kịch về tình yêu. Cô không lạ gì thứ tình yêu đồng nhất với tình dục, tâm hồn hòa quyện bằng xác thịt, thương nhớ nhân vào cảm giác xác thân. Người ta bảo đấy mới đích thực là yêu trọn vẹn, hết mình. Người ta còn dè bỉu thứ tình yêu tâm hồn thuần túy, xem đấy là sản phẩm bịnh hoạn của loại người đạo đức giả, loại người mà chất đạo đức giả đã ngấm vào máu rồi ngỡ đấy là đạo đức chân chính. Họ không bao giờ nghĩ rằng con người có thể khác với động vật, chỉ hơn động vật chút đỉnh về mặt tinh thần. Không. Tình yêu trước giai đoạn vợ chồng phải tuyệt đối không nhục dục để phân biệt được người và thú. Trinh tiết phải là ranh giới để phân biệt được như vậy. Có điều, Nguyễn và Thùy Mị là vợ chồng với nhau cơ mà! Thực chất là vợ chồng dẫu chưa kết hôn trên pháp lí? Hay đó chỉ là cách nói để tự lừa dối lương tâm? Niên đã ngụy biện cho Nguyễn và Thùy Mị chăng? Cúc Tần thương hai nhân vật này đồng thời cũng lo sợ bị tập nhiễm. Cúc Tần hơi bất ngờ trước tình yêu của Niên dành cho họ (hay cho chính anh và cô gái đã trở thành đàn bà trong vòng tay anh?). Có khi cô thấy anh không làm chủ được cảm xúc, suýt tự nhiên chủ nghĩa. Niên miêu tả ân ái quá sinh động và hấp dẫn. Cảnh ấy từ trang viết đã hiện ra trong đầu cô mồn một. Cô nghe cảm giác xác thịt nóng bừng trong thân xác. Niên đã đánh thức dục vọng ân ái cô kìm chế đến mức chỉ đôi khi hiện ra trong giấc mơ lúc ngủ. Cô cảm thấy không thể không bị cuốn hút bởi hình ảnh ái ân Niên vẽ ra bằng chữ. Cúc Tần thích và ý thức rõ ma lực của những trang viết ấy - ma lực kích dục. Cúc Tần vừa thương, vừa thông cảm, vừa ngại hai nhân vật ấy của Niên. Cô hơi sợ cho chút cảm thương, cảm thông nảy sinh trong tâm hồn cô.

            Niên lên án một thời điểm đã qua chăng? Bằng bi kịch tình yêu của Thùy Mị - Nguyễn, Niên phản ánh được tính chất bi đát của giai đoạn lịch sử đó. Nhưng Niên cũng chỉ ra được những nguyên nhân xa và gần, đồng thời nghiệm rõ cơ sở xã hội - lịch sử của khuynh hướng hiện sinh chủ nghĩa. Thương cảm, chua xót, ngậm ngùi, biết ơn, yêu dấu nồng đượm, thấm thía vào mỗi chữ của Niên. Có lẽ Niên cũng khá tỉnh táo phê phán được quan niệm hi sinh trong tình huống anh cho là chưa phải bức thiết, cũng phần nào Niên lờ đi quan niệm sống về việc xây dựng gia đình phải có cơ sở vật chất tiện nghi đầy đủ của Thùy Mị.

            Chán đời và hưởng lạc đâu phải mới mẻ gì! Có một giai đoạn văn chương, kẻ sĩ Bắc Hà xem thú hưởng lạc như một lối thoát. Họ đã sáng tạo nên một dòng văn học ả đào! Nguyễn và Thùy Mị lấp đầy cô đơn bằng tình vợ chồng tạm bợ, xét đến cùng, đâu đến nỗi? Không. Cô đã quá khắt khe, cũng đã quá dễ dãi chăng, trong thẩm định. Cúc Tần sợ phút ghen tuông chi phối sự đánh giá của cô trước tác phẩm của Niên.

            Còn cô với Niên nữa, bi kịch hiện cô lẫn Niên đang bế tắc, có lên án xã hội không? Có những bi kịch chỉ là bi kịch cá nhân. Bi kịch cá nhân là muôn thuở. Những bi kịch ấy chỉ do ngẫu nhiên của ngẫu nhiên, cá nhân với cá nhân. Bản chất tình yêu chỉ là một với một. Đôi, chứ không thể ba. Do đó, mãi mãi vẫn còn những tình yêu đau đớn như cô với Niên.

            Liệu Cúc Tần có rơi vào ý chí luận, buộc mọi tác phẩm hiện nay và sau này mãi mãi phải loại trừ nguyên nhân xã hội trong các bi kịch? Cô lại tô hồng một cách khiên cưỡng nếu cô là nhà văn? Lại sai lầm như một thời đã sai lầm phổ biến? Không. Cúc Tần không ngây ngô đến thế. Văn chương phải phản ánh đúng sự thật, dẫu là sự thật đau lòng, bởi thiên chức của nhà văn là ''thư kí của thời đại'', là ''bác sĩ của tâm hồn'' (24). Là bác sĩ của tâm hồn, của xã hội nữa, nhà văn phải chỉ ra căn bệnh, nguyên nhân sâu xa, trực tiếp, dẫu bó tay vì chưa có thuốc chữa.

            Cúc Tần thấy ý tưởng của cô đã trượt vào lí luận... Cô mỉm cười. Dẫu sao, vâng, dẫu sao cô không thể không thương Nguyễn của Thùy Mị, Thùy Mị của Nguyễn. Vâng, đó là tình chồng vợ xót xa, nồng mặn. Cúc Tần chỉ trách, sao họ không công khai với mọi người bằng một lễ cưới đơn sơ, đạm bạc, giao ước với nhau hẵng khoan sinh con? Không. Rõ ràng họ chưa thật minh bạch với nhau và với đời.

            Cúc Tần sực nhớ một đoạn thơ của Niên viết về Phạm Thái, người tình thi sĩ của Trương Quỳnh Như, hai nhân vật của Sơ Kính Tân Trang hôm nào nhóm sinh viên hóm hỉnh nhắc đến ở Lá Xanh này:

 

                        Chiêu Lì thầm gọi ai

                        trăng trời vỡ, trăng nước

                        vỡ. Cuồng trung, thở dài

                        chuếnh choáng, dốc cạn chai!

 

            Tất nhiên, chỉ thoang thoảng giống ở khía cạnh tình cảm yêu đương lãng mạn. Họ không mảy may ''hoài Lê'' đến rồ xuẩn như đôi bạn tình xưa, dẫu cuộc sống mỗi người chật vật, ngặt nghèo, khốn đốn. Họ không phải là Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan... Họ chỉ là nạn nhân của một thuở giao thời.

 

 

4

 

 

            ... Thùy Mị đã lấy chồng! Ngày cô theo chồng ra nước ngoài, Nguyễn đứng trên bao lơn vẫy tay đưa tiễn tại phi trường Tân Sơn Nhất. Nguyễn đã vào phòng vệ sinh ôm mặt khóc. Đợi tỉnh táo trở lại, anh rửa mặt, tự gượng mỉm cười vài nụ mếu máo, rồi mới bước ra hành lang, nơi khách đang đứng chờ chuyến bay kế tiếp, để tìm gia đình Tân. Mọi người thân của Thùy Mị, và cũng là của anh, dẫu không chính thức, đã ra về.

            Chưa bao giờ Nguyễn thấy nghèo khó làm con người đau xót đến thế. Bây giờ, anh mới hiểu ra giá trị đồng tiền. Có tiền, anh đã có một hạnh phúc trọn vẹn đến suốt đời với Thùy Mị. Có tiền, anh đã giữ được cô gái đã thành đàn bà trong tay anh. Đó là cô gái đầu tiên cùng anh biết hạnh phúc chăn gối, dẫu là tình chăn gối trong hoàn cảnh rất tạm bợ. Nhưng điều quan trọng nhất, ấy là chỉ một mình anh hiểu được Thùy Mị tận lòng cô.

            Nguyễn bơ vơ một mình đạp xe về căn gác gỗ, nơi anh và Thùy Mị có bao kỉ niệm!

            ... Mãi đến hơn một năm sau, Nguyễn mới tỉnh ra. Anh tự trách anh, trách cả hai, sao có đến những năm năm chồng vợ ỡm ờ đến thế. Họ đã trưởng thành, có thể kết hôn, không ai ngăn cấm, sao Thùy Mị vẫn thích lao vào khoảng giữa của tình yêu trinh trắng và hôn nhân. Cô đã cùng anh đục vào bức tường đạo lí một cánh cửa giữa hai cánh cửa! Mặc, đúng anh lẫn Thùy Mị đã mặc kệ tất cả! Nguyễn vừa nuối tiếc vừa tự khinh. Anh mong Thùy Mị tha thứ cho anh sự tự khinh bỉ này. Thật lòng mình, Nguyễn đã yêu  cô say đắm, với tất cả quý mến, trân trọng. Nhưng Nguyễn cố tự răn dạy anh, phải học lại bài học đạo lí sơ đẳng, bài học đã phôi pha trong anh. Hãy tập lại cách nhìn đứng đắn. Anh gượng gạo tập lên án cuộc tình ấy. Phải tàn  nhẫn với anh, phải nghiêm khắc với chính anh, phải khắt khe và vô ơn với Thùy Mị. Trong nhiều khuya vắng, anh nhớ cô, nhưng cứ tự nhủ cả hai đều yêu nhau sai lầm đến mức đáng căm ghét, phỉ nhổ. Anh muốn nhổ nước bọt vào nỗi nhớ da diết trong anh. Nhưng sao nặng nề đến thế! Họ chân thật, vô tư, nồng nàn yêu nhau một cách sa đọa. Nguyễn dằn vặt, tự đấu tranh trong khổ sở. Anh tự kỉ ám thị chính anh về sự trong sạch, trinh trắng của tình yêu như thuở mới lớn, với quá nhiều đêm vật vã. Mong sao Thùy Mị sẽ không trách sự vô ơn này của anh... Không. Không thể khác được, anh vẫn yêu Thùy Mị!

            ... Cùng một thời điểm, lúc Tân đã dần dà thuê được một căn mặt tiền sau nhiều năm tích góp với vợ, để tiếp tục bán sách báo cũ, Nguyễn cũng làm được giấy tờ mới. Lúc ấy, anh tự khai là dân kinh tế mới của thành phố về lại thành phố, nên được chấp nhận. Anh đã đổi bút hiệu từ  sau khi rời bỏ trường từ Mỹ Tho lên Sài Gòn. Nguyễn lấy bút hiệu làm tên thật.

            Một thời gian sau, Nguyễn rời vỉa hè vì phong trào làm sạch đường, sạch lề bắt đầu. Anh cũng tìm một căn nhà có mặt tiền khả dĩ bán được sách báo cũ như Tân, nhưng tiền thuê mặt bằng khó kham nổi.

            ... Rồi Nguyễn gặp Kiều Vân.

            Cái tên kép là lạ làm anh chú ý. Biểu tượng của tài hoa truân chuyên và biểu tượng của phúc hậu, vô tâm, vô tài. Không, Vân không vô tâm, Vân chỉ vô tư, ưu tài thôi... Nguyễn ghen chi với người phúc hậu cơ chứ! Nguyễn thiên vị chi với người tài hoa cơ chứ!... Dẫu sao, Kiều Vân là một kết hợp đẹp, trọn vẹn. Nguyễn cay đắng nhiều rồi, anh chỉ thích tài được kết hợp với phúc thành một số phận. Kiều Vân chưa là số phận ấy, đúng hơn, là ước vọng ấy, ước vọng vượt quá tầm hiện thực!

            Và anh yêu Kiều Vân, dù thực tế Kiều Vân không đẹp, không tài, chưa hẳn hứa hẹn sự phúc hậu. Đúng ra anh đã mệt mỏi, quá cô đơn. Anh đến với Kiều Vân trong tâm trạng ấy, qua sự giới thiệu của Đông, bạn đồng nghiệp. Nguyễn lại yêu như yêu một ước vọng không thành!

            Nguyễn chỉ biết Kiều Vân trước đây dạy học, và chỉ thế. Anh không cần biết gì hơn. Không cần biết nhiều lí lịch, quá khứ của nhau làm gì. Nguyễn chỉ cần hiện tại, tương lai của nhau. Lí lịch, quá khứ anh có gì vinh quang, quý báu! Mồ côi mồ cút, nhà nghèo, hết nhờ bác họ này đến anh họ kia, bà dì mòn mỏi chờ chồng tập kết ngoài Bắc về, giờ sống với hai cô gái con riêng của chồng đang cảnh muộn mằn, bản thân anh đến giờ vẫn tứ cố vô thân! Hơn nữa, Nguyễn không thích định giá trị của một con người bằng bà con thân thuộc của con người ấy, thậm chí, bằng quá khứ của chính người ấy. Mỗi người có thể sống nhiều kiếp khác nhau với từng giai đoạn của cuộc đời mình. Nguyễn và Kiều Vân có thể giúp nhau để mỗi người tự đổi đời, đổi kiếp. Như thế là nhân đạo với nhau một cách tích cực dẫu hơi phiêu lưu. Nhưng Nguyễn tin ở con mắt của anh, tin ở bạn anh. Đông là một người đáng tin cậy.

            ... Nguyễn đến cửa hàng của Đông như đã hẹn với nhau hôm trước. Đông đang ngồi sau chiếc bàn nhỏ, đọc sách, ghi chép dưới chụp đèn. Một người nữ khoảng hai mươi sáu tuổi, tóc cắt ngắn ngang vai, dáng hơi thấp đậm, gương mặt trông cũng dễ nhìn, đang ngồi phía trước cửa hàng sách báo cũ. Dăm người khách, kẻ đứng, người ngồi chồm hổm, tìm trong các kệ sách báo những cuốn, những tờ đang cần, hoặc thích thú xem những gì nhặt được trên tay một cách bất ngờ.

            Đông bắt tay bạn, kéo ghế mời ngồi.

            Đông nói khẽ:

            - Em họ của tôi đó. Ông thấy thế nào?

            Nguyễn cười, cũng nói khẽ:

            - Không thể sống lêu bêu mãi được. Sự bầm dập dạy cho tôi biết dễ tính, ông hiểu quá rồi mà Đông. Tôi cần sự ổn định cuộc sống riêng để viết. Hiểu nhau quá mà, còn hỏi!

            - Ông có thấy suy nghĩ của ông nó già nua quá không? - Đông hơi ngần ngại nhìn Nguyễn - Ông mệt mỏi quá rồi đó, Nguyễn! Chuyện cưới vợ chứ trò đùa đâu!

            Nguyễn hơi giật mình.

            Đông nói, sau một lúc cả hai người im lặng:

            - Thì cứ ra trước, gặp nhau cho biết?

            Rất may mắn lúc đó vợ Đông đang từ  xích lô ngoài đường bước vào, theo sau là người đạp xe vác trên vai một bao tải nhỏ đựng đầy sách báo cũ. Bỏ bao sách xuống, người đạp xe ra vác vào một bao khác. Vợ Đông vừa mua được một mớ hàng ở đâu đó về.

            Lát sau, vợ Đông trông hàng thay. Đông mời cô em họ và cả Nguyễn ra lề đường, ngồi sau xe nước mía, trên những chiếc ghế nhỏ quanh chiếc bàn phủ ni lông đã được rịt lại bằng thun cắt từ  ruột xe. Đông gọi ba li nước mía. Cô gái ngỡ Đông bàn chuyện mua bán sách báo cũ, ngồi im sẵn sàng lắng nghe.

Thấy Nguyễn nhìn cô em họ của mình với nụ cười, Đông giới thiệu:

            - Đây là anh Nguyễn, bạn anh. Đây là Kiều Vân, cô giáo, chỗ bà con, nay đã thôi dạy học.

            Ngồi thêm một chốc, Đông xin lỗi, nói vào nhà có việc, hẹn sẽ ra lại ngay. Nguyễn bắt chuyện:

            - Kiều và Vân. Cái tên của mọi mơ ước! Tài và Phúc.

            - Không dám đâu! - cô gái thật thà - Anh Đông đặt cho em đấy... Ngược lại, bất tài cộng với vô phúc thành em!

            Nguyễn khoát tay, lại mỉm cười:

            - Xin lỗi. Chỉ đùa cho vui chuyện. Cái tên, cái họ, thậm chí mọi cái liên quan đến tên họ đều không có nghĩa gì cả. Nói thế, Kiều Vân có phật lòng không? - Nguyễn nói - Em khiêm tốn quá!

            Cô gái lắc đầu. Nguyễn nhìn kĩ một cách bạo dạn hơn, và anh nghĩ Kiều Vân có thể là một người vợ tốt, dẫu Nguyễn không thích trò xem tướng mạo. Kiều Vân mắc cỡ, nhìn xuống mặt bàn.

            - Quê quán Kiều Vân hẳn trong tim Nguyễn Du thôi?

            - Quê em ở...

            Nguyễn cười, ngắt lời, vì qua Đông anh đã biết điểm này:

            - Không. Chỉ nói văn hoa một chút, vớ vẩn thế thôi mà.

            Nguyễn bỗng có cảm tình với cô gái mới quen bởi nét chất phác của cô. Nguyễn không xưng trổng nữa. Anh muốn làm thân với Kiều Vân ngay. Bởi anh cũng biết nội ngoại cô khác họ với anh.

            - Anh muốn nhờ cô giáo Kiều Vân dạy kèm - Nguyễn thích thú với câu nói của mình.

            Kiều Vân mở to mắt:

            - Dạy kèm? Buổi tối thôi, còn ban ngày em phải trông hàng giúp. Em dạy vật lí. Con anh lớp mấy rồi hả anh?

            - Anh chưa có vợ, làm sao có con!

            - Vậy kèm cho ai?

            Nguyễn để Kiều Vân thắc mắc một lúc.

            - Kèm cho anh! Anh cần cô giáo kèm cặp, dạy dỗ cho nên người! - Nguyễn cố nín cười, vờ phớt tỉnh nói.

            Kiều Vân ngỡ ngàng, hé môi cười, hơi đỏ mặt. Cô lúng túng trước cách nói của Nguyễn.

            - Anh muốn mời cô giáo Kiều Vân kèm cặp, dạy dỗ cho anh được nên người có ích cho xã hội - Nguyễn vờ nói bằng  giọng học thuộc lòng của trẻ nhỏ, và lại bật cười thân thiện, tinh nghịch - Em, Kiều Vân, em đồng ý không?

            Nguyễn và Kiều Vân làm quen nhau như vậy đó. Qua Đông, họ có thể yêu nhau với niềm tin vào nhau. Lễ cưới của hai người diễn ra sau đó vài tháng với khoảng mười người khách, ngoài Đông, không có ai là thân thuộc. Kiều Vân cũng thấy như thế là tốt, dẫu cô hơi buồn vì không thưa chuyện với cha mẹ, hiện đang sống dưới Sa Đéc với hai người anh ruột của cô.

 

            Cúc Tần hơi ngỡ ngàng. Cô thấy có gì quá giản đơn đến mức không thật trong việc Niên để cho Nguyễn và Kiều Vân gặp nhau, cưới nhau như vậy. Tính cách của nhân vật Nguyễn khá phức tạp với nhiều nét đối lập nhau, các mâu thuẫn tồn tại trong một con người khá rắc rối. Nhân vật ấy không thể giản đơn trong một việc hệ trọng là hôn nhân. Kiều Vân lại là hình tượng chấm phá sơ lược. Phần ba của ''Những Mùa Thơ Dại'' kết thúc bằng một đám cưới đơn sơ, dẫu Niên muốn thể hiện niềm hạnh phúc trong cái đơn sơ như thế, gây cho Cúc Tần cảm giác gượng gạo. Hay Niên muốn biểu hiện cái gượng gạo mang tính bi đát? Không phải đơn sơ không nồng đượm, thấm thía, tràn trề hạnh phúc. Nhưng đơn sơ ở đây là mỏi mệt, chán ngán, gượng gạo, buồn rầu. Cái vui, cái khôi hài, dí dỏm của Nguyễn chỉ để mua vui cho Kiều Vân, cũng thể hiện được bản lĩnh của Nguyễn. Nguyễn vốn buồn nhưng có thể chủ động lấy niềm vui tự tạo ra để xóa lấp nỗi buồn... Ờ, mà còn phần bốn nữa kia!

            Cúc Tần cũng không quên hình tượng Nguyễn đã từng có một đời ''vợ'' là Thùy Mị. Nguyễn mệt mỏi, chán ngán, buông xuôi, phó mặc thế sao? Nguyễn đã đặt hết mọi khát vọng hạnh phúc vào việc sáng tác thôi sao? Sức sống của Nguyễn chỉ còn lại ở khát vọng sáng tác! Mới ba mươi sáu tuổi, sao nhân vật Nguyễn đã chết hết mọi tình cảm yêu đương trong anh? Hay đấy là biện chứng của một tính cách: quá phức tạp đến mức quá ngưỡng, để trở thành quá giản đơn? Niên không thật lắm khi ''ác'' với Thùy Mị, lạnh lùng với Kiều Vân? Kiều Vân có phải là Bông Trang của Niên không? Cúc Tần đã đôi lần thoáng thấy Bông Trang ở cửa hàng sách báo cũ của Niên, cũng đôi lần gặp sáp mặt ở chợ dẫu chưa hề chuyện trò, quen thân. Đúng là Bông Trang hơi thấp đậm, chất phác, thoang thoảng chút quê mùa. Cúc Tần hiểu cô không thể nào ghen tuông với Bông Trang được!

            Bông Trang có đọc bản thảo của Niên không nhỉ? Cúc Tần bỗng nảy ra một ý tưởng từ hình tượng Kiều Vân: Không phải sắc sảo, tài hoa, truân chuyên, nhẹ dạ, cả tin như Kiều, chỉ là một nàng Vân hồn hậu với đời và được đời mỉm cười hồn hậu lại? Vợ Niên có lẽ rất vô tư... , mà tất cả chỉ là tái tạo, hư cấu!

 

 

Xem tiếp:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/co_mnlmxanh-8.htm

Cũng có thể xem tại:

http://tranxuanancmnlamaixanh.blogspot.com/

http://tranxuanancmnlamaix2.blospot.com/

Trở về trang

danh mục tác phẩm -- muc lục:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danhmtphamtxa_googlepcreator.htm

 

bài mới -- sách mới -- tin tức mới: 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

______________________________________________________________________________________________________________

 

Trang chủ "Web tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7