h. Trần Xuân An - Mùa hè bên sông - Tệp 8

author's

copyright

 

trần xuân an

MÙA HÈ BÊN SÔNG

tiểu thuyết

1997 & 2003

 

 

06/29/09

        

   

 

TRẦN XUÂN AN

 

 

 

m ù a 

 h è

 b ê n

  s ô n g 

    

(nỗi đau hậu chiến)

 

tiểu thuyết

 

 

nnhà xuất bản  

 

1997 & 2003

 

 

     

 

CHƯƠNG VIII

 

 

1

 

 

Về thăm “quê nội” của Hiền Lương đã được năm hôm, bây giờ cô Bân đã khỏe người ra, vì đã quen với gió nam, gió nồm và cái nắng mùa hè ở đây. Hôm qua, còn có một trận mưa rào xối xả nên sáng nay thật dễ chịu. Hai hôm nay, cô Bân đã vui vẻ, linh hoạt như trước, cơ chừng như có bão khô, nam nóng cấp mười cô cũng quen được.

Chiều này, mùng một tháng sáu Bính tí (mười lăm tháng bảy, chín sáu), sẽ có một cuộc tiệc trà mừng sinh nhật của Bông Bưởi. Mấy hôm trước, nhân hỏi tuổi của cháu gái út, cô Bân nảy ra ý định này, vì ngày sinh của Bông Bưởi đã gần kề, và cũng luôn dịp mời một số người quen biết, bà con đến gặp mặt nhau cho vui.

Mọi người trong nhà hoan nghênh ý định. Thế là Hiền Lương với Bông Bưởi ra trạm xá nhờ điện thoại, gọi vào Đông Hà nhờ bạn chú Cận đặt các loại bánh trái giúp. Sáng nay, chủ tiệm bánh đã chở ra, nhận tiền, kể cả nước ngọt, đá lạnh.

- Từ nhỏ đến chừ, em chưa tổ chức mừng sinh nhật. - Bông Bưởi nói với nụ cười.

Hiền Lương đặt hai tay lên vai Bông Bưởi:

- Người Á Đông mình trọng ngày húy nhật - ngày mất, ngày hoàn tất cuộc đời, tạm gọi vậy... - và ngày Tết Nguyên đán là ngày mừng tuổi, báo hiếu chung cho mọi người. Khỏi cần mừng sinh nhật, mặc dù ai cũng nhớ ngày sinh tháng đẻ, kể cả giờ lọt lòng để dựng vợ gả chồng, các thứ, để xem tử vi nữa. - Hiền Lương cười thành tiếng. - Tuy nhiên, nếu thích, cũng tổ chức mừng sinh nhật cho vui, như các vua chúa. Chả hiểu Tây thế nào, nhưng mình cứ xem sinh nhật là dịp nhớ ơn, báo hiếu cha mẹ đã cho mình ra đời, cũng là tạ ơn đời. Thật ra, ngoài các ngày kị giỗ, còn lại, thể hiện chung trong ngày Tết Nguyên đán là đủ rồi.

Bông Bưởi diện bộ đồ mới hôm trước Hiền Lương mua tặng, cứ bẽn lẽn. Ai cũng thấy cô bé lớn hẳn, đẹp hẳn trong vẻ giản dị, kín đáo của bộ áo quần khá thời trang.

Cuộc tiệc cũng đơn giản. Cô Bân cắm mười sáu cây nến hồng trên chiếc đĩa đặt trước chiếc bánh sinh nhật. Trên bốn chiếc bàn là bánh trái, bánh đủ loại và trái đủ loại, có cả thanh long, chôm chôm, sầu riêng đang mùa chín rộ ở Nam bộ, khách buôn chở ra tận Quảng Trị này để bán. Hoa nữa, hoa buôn ra từ Huế và hoa tại Đông Hà. Bốn bình hoa rực rỡ, tươi thắm. Hiền Lương rất thích mấy đĩa trái sim tròn mọng, đen tím, trái thanh yên the giòn, thích nhất là hoa trù trè vàng thơm - năm, sáu cánh như lá tre xòe, mềm vàng, thơm ngọt. Trù trè, cái tên dân dã mà hoa xinh thế, và hương ngát thế.

Hai giờ chiều, khách đã đến. Trong khi chờ đông đủ, những khách mời đến trước đi quanh ngắm tranh của Hiền Lương. Chú Cận bảo nên để chú đóng vài cái khung, nhưng Hiền Lương nói chưa bức nào hoàn chỉnh, còn phải chữa, phải trau thêm. Tranh mới tạm ghim bằng đinh nhỏ để găm giấy, loại đinh có mũ lớn.

Bông Bưởi đã tìm được hai bài thơ viết về cha mẹ. Mở đầu cuộc tiệc trà này, cô bé sẽ đọc diễn cảm. Cô Bân lẫn Hiền Lương hài lòng lắm.

 

 

2

 

 

Ăn bánh và trái, uống bia và nước ngọt, cuộc tiệc nhẹ nhàng, rôm rả, sau khi Bông Bưởi đã đọc thơ báo hiếu, đã được chúc mừng. Mấy bạn thân của Bông Bưởi, lúc này, vừa vào tiệc vừa hát tặng.

Bàn của người lớn hết trao đổi về nắng mưa dưa lúa, lại chuyện trò về lớp trẻ bây giờ.

Chú Tập cắn đôi trái sim tròn mọng, uống hết ly bia lanh canh đá lạnh, rút khăn tay lau bọt trắng quanh mép. Chú Tập nói:

- Lũ trẻ bây giờ sung sướng thật. Dân mình chưa giàu có gì, mới đủ sống; có thể có cháu ở trong hoàn cảnh gia đình ba mẹ còn cực, nhưng nói chung lũ trẻ là sướng, sướng vì không biết chiến tranh là gì.

Ông giáo Hiền chấm thanh bánh quế vào li bia, đưa lên miệng. Ngẫm nghĩ, ông nói:

- Chú Tập nói thật phải. Chỉ lũ già, -  Ông giáo cười khi cố ý dùng từ “lũ già” -, chỉ bọn mình lãnh trọn những nỗi đau chiến tranh. Từ phát súng đầu tiên thật sự chống xâm lược Pháp ở  Đà Nẵng đến phát cuối cùng chống diệt chủng ở Cam-pu-chia, thế là gần một trăm ba chục năm.

- Nhưng khốc liệt và toàn diện nhất là chống Pháp, chống Mỹ. Người lớn tuổi đau đã đành, lớp trung niên ngó rứa nhưng vẫn còn rất ngấm nỗi đau. Lớp trẻ như Bông Bưởi vẫn còn chịu hậu quả của cuộc chiến tranh. Phải vài ba thế hệ nữa, khoảng một trăm năm nữa di chứng của nỗi đau chiến tranh mới hết, mới nguôi. - Hành nói, thoáng dừng mắt lại ở ông Nộp rồi nhìn Hiền Lương.

Hiền Lương gật đầu, nhìn xuống.

Hành tiếp:

- Nỗi đau! Ta đã dịch cuốn Chiến tranh của anh em đỏ,... - Hành bỗng ngừng lại và im lặng -, nguyên văn là Ré-đ b-ro-dơ-hú-đ ét uơ (Red brotherhood at war) của hai tác giả nước ngoài (III.II.3) (*).

- Hiền Lương ra đây thăm quê nội, và vẽ tranh về vết thương chiến tranh khá nhiều. Trước đây, văn nghệ nói chung chỉ khẳng định cái được, bây giờ cởi mở hơn, cũng rất cần thiết vẽ, viết về cái mất. - Chú Tập uống cạn thêm li bia nữa sau câu nói.

- Bên này, bên kia, cả hai bên bốn bề, nói, hay là viết và vẽ, cần phải thật công bằng, đúng như sự thật lịch sử. - Sư Tâm Tự chỉ ăn trái cây, uống nước ngọt, bỗng chêm vào, giọng thật khẽ, chậm rãi, có khi ngỡ như bỏ lửng câu nói.

Hành tiếp lời:

- Có nhiều cái nhìn từ nhiều chỗ đứng, nhiều góc độ, về cuộc chiến tranh ấy, kể cả chiến tranh chống bành trướng, chống diệt chủng. Mác Na-ma-ra, người lập hàng rào điện tử, biến làng mình cùng nhiều làng khác thành vành đai trắng, mới qua hội thảo cùng tướng Võ Nguyên Giáp đấy. Đây là cuộc đụng đầu lịch sử giữa hai khối thật, nhưng chính Việt Nam đụng đầu với Pháp, với Nhật và với Mỹ. Chỉ Việt Nam thôi, chỉ Việt Nam đứng mũi chịu sào, đầu sóng ngọn gió. Các nước Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc chỉ hậu thuẫn, còn Pháp và Mỹ trực tiếp đọ súng với Việt Nam, trực tiếp đàm phán, hội thảo với Việt Nam. Phải nói rõ sự thật lịch sử này!

Cô Bân hỏi bằng một câu khẳng định với giọng cảm thán:

- Vậy thì ngụy quân, ngụy quyền Miền Nam quá thê thảm trong vai trò của họ? Họ không được coi thuộc về dân tộc Việt Nam nữa?

Ông Nộp giật mình, im lặng. Chú Tập tránh trả lời thẳng:

- Rất đau đớn, rất bi kịch! - Chú Tập tiếp - ... kể cả người lính Pháp và lính Mỹ bị xua qua đây. Họ bị “lùa” qua đây!

Hiền Lương chợt nhớ chú Nông có kể về người lính Mỹ. Có một lần chú Nông đọc thấy dòng chữ bằng bút bi trên nón sắt một hạ sĩ Mỹ: “Xin Thượng đế nhẹ tay. Đồ dễ vỡ”. Đó là câu dặn, in ở hộp đựng đồ thủy tinh, nhưng thêm vào hai chữ: Thượng đế, và lại viết trên mũ sắt che đầu, đỡ mảnh pháo mũi đạn, vừa đầy chất hài hước của người Anh, vừa thấm thía chất bi kịch! Có một lần khác, chú Nông đọc thấy dòng chữ tiếng Anh khắc xăm trên cánh tay người lính Mỹ: “Tôi đã và đang tiêu phí cuộc đời tôi ở địa ngục trần gian (hell - world), cho nên, tôi sẽ lên thiên đàng nếu một hôm nào tôi chết”. Trái đất, như chú Nông nói, được Sa-tăng quỷ dữ sáng tạo theo quy luật của Sa-tăng (cũng lời vị cựu linh mục bỏ đạo), và chiến tranh là cái tạo thêm tính chất khủng khiếp của địa-ngục-trái-đất. Có thể người lính Mỹ ấy chưa hiểu sâu đến vậy, chỉ trực cảm rồi viết một cách tu từ thôi. Nhưng tính chất bi kịch của người lính Mỹ là có thật. Chiến tranh, họ chẳng hiểu vì sao như vậy. Cái chẳng-hiểu-vì-sao của người lính Mỹ quá bi đát. Đừng để chiến tranh trở thành Định mệnh, theo quy luật sinh vật của quỷ dữ. - Hiền Lương nghĩ.

Cô Bân lại hỏi bằng câu khẳng định buồn đau:

- Chủ nghĩa xã hội có thừa nhận sai lầm trong thực hiện, sai lầm lớn, ngay trong thời kháng chiến. Vậy ngụy là  ngụy, vì những sai lầm của cách mạng? Những người yêu nước khác chính kiến bị đẩy về phía đối phương?

Hiền Lương biết câu này là của ba cô nói, mẹ của cô chỉ nhớ lại, đặt thành câu hỏi.

Chú Tập nhìn cô Bân:

- Đúng. Sai lầm, máy móc, “tả” khuynh, giáo điều chủ nghĩa. Và “trói”. “Trói”, tôi nhấn mạnh. Và phải sửa sai, phải “cởi trói”. Và nhiều sai lầm nữa. Nhưng, có cái thuộc về biện pháp thời chiến: cả Miền Bắc ở trong kỉ luật quân đội. Quán tính còn kéo dài đến những năm tám mươi. Có người còn độc miệng bảo là “chủ nghĩa xã hội kiểu trại lính”.

Cô Bân lại hỏi, mặc dù câu trả lời của chú Tập hơi khó hiểu:

- Sao Liên Xô,  Đông Âu tan rã, không ít trí thức bên đó lại lên án chủ nghĩa xã hội? Trung Quốc chấp nhận kinh tế thị trường là vì sao?

Ông giáo Hiền không nói gì. Chú Tập không nói gì. Hành nói:

- Nhờ có chủ nghĩa xã hội với cách tổ chức của nó, cả nước và Miền Bắc mới thắng Pháp, thắng Mỹ. Mặc dù chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở các nước, hay đã cải cách, đổi mới, thì định hướng, nguyên lí xã hội chủ nghĩa vẫn đúng. Đó là ước vọng của nhân loại, của Đạo Phật..., kể cả Giáo phái Cơ Đốc xã hội chủ nghĩa. Xanh Xi-mông (Saint - Simon) là nhà xã hội chủ nghĩa hình như được Thiên Chúa giáo phong thánh thì phải (I.132). Xanh Xi-mông là tiền bối của Mác! Nói chung, ước vọng ấy có tự ngàn đời, nhưng chưa thực hiện được. Chưa, chứ không phải không.

Hành muốn nói đến phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa, phương thức ấy yêu cầu một trình-độ-làm-người cao hơn, quá cao nên rất khó thực hiện, như đã nói với Hiền Lương, nhưng lại kịp ngưng lại.

Hiền Lương nghĩ đến vết thương ông giáo Hiền, ông Nộp, sư Tâm Tự, cả vết thương của chú Nông và của mẹ cô,- gạt ra những bi kịch cá nhân, cô biết cũng như chưa biết. Những vết thương bởi bi kịch cá nhân muôn đời vẫn còn, vẫn có, dẫu biết những bi kịch cá nhân đôi khi do nguyên nhân thời đại, nguyên nhân chính trị, nhưng chỉ có một vài trường hợp như thế. Cái chính là bi kịch chung của lịch sử trong từng thân phận cụ thể.

Hiền Lương còn nghĩ, những nguyên-lí-xã-hội-chủ-nghĩa-theo-Mác là những giá trị đạo đức. Nguyên lí kinh tế gắn liền, đồng nhất với nguyên lí đạo đức, chắc thiên đàng trên mặt đất là có thật. Đến bao giờ? Phải cải thiện quả đất địa ngục thành quả đất thiên đàng chứ! Công hữu triệt để, thật chí công vô tư theo Mác, quả là phẩm chất quá cao. Dẫu Hiền Lương biết công hữu là công hữu tư liệu sản xuất, cụ thể là ruộng đất, nhà máy, công ti, xí nghiệp. Chủ nghĩa xã hội không phải không chấp nhận và không bảo hộ quyền tư hữu tư liệu tiêu dùng như nhà cửa, xe cộ. Đấy là bài học sơ đẳng, nhập môn. Chẳng bao giờ loài người quay trở lại thời cộng sản nguyên thủy, “cộng vợ, cộng chồng”, như thời Diệm - Nhu đã bôi nhọ Việt Minh, Việt Cộng. Cộng sản phải là cộng sản văn minh, cộng sản ở một cấp độ văn minh nhất, theo đường xoáy trôn ốc - tiến trình tiến hóa của nhân loại. Đấy cũng là bài học sơ đẳng, nhập môn.  Nhưng bây giờ con người đã đạt đến chưa cái trình-độ-làm-người làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa ấy? Để tiến lên chủ nghĩa xã hội cũng cần phải có thời kì quá độ dài.

Buổi tiệc trà mừng sinh nhật của Bông Bưởi bỗng chuyển qua vấn đề “vết thương chiến tranh, kháng chiến và cách mạng”! Đúng là chẳng sính chính trị, nhưng chính trị ở khắp mọi nơi, mọi lúc, mọi biểu hiện của đời sống. Đúng như nhận định của chú Tập, về Bông Bưởi, về lớp trẻ bây giờ trong thời hòa bình rằng, họ hạnh phúc, nhưng niềm tự hào chiến thắng Pháp, Nhật, Mỹ, Tàu, Khơ-me Đỏ gắn liền với nỗi đau, mà nỗi đau chia cắt Tổ quốc là niềm đau lớn nhất. Tại sao chia cắt? Tại sao phải thống nhất bất cứ giá nào? Câu trả lời đã quá rõ. Vấn đề còn lại là “vết thương chiến tranh”. Hiền Lương thấy mình chưa bước qua bên kia cầu, Vĩnh Linh với địa đạo Vĩnh Mốc, một Đất thép của Tuyến lửa, vĩ tuyến mười bảy. Nhưng với một nửa nỗi đau, cô đã không chịu nổi!

Ôi, những người lính ngụy và con cháu họ! Và chẳng biết thế nào, cả những người lính Pháp thực dân, lính thuộc địa châu Phi của Pháp, cả những người lính Mỹ xâm lược nữa? Mặc dù trong những tên lính ngoại quốc lê dương ấy, có những kẻ cực kì nham hiểm, tàn ác, tự bản chất, nhưng chính chiến tranh thực dân, xâm lược làm chúng nham hiểm, tàn ác hơn. Chiến tranh, vì đâu? Họ có quyền hỏi những lãnh tụ đã ghi tên vào lịch sử với tư cách tổng thống, bộ trưởng quốc phòng chăng?

Bông Bưởi, em nghĩ gì về ngày sinh của em, số phận của em không?

Hiền Lương ngồi lặng người với những suy tưởng miên man, như một người chịu khó lắng nghe bên bàn tiệc trà. Đôi lần, Hiền Lương đi xuống nhà ngang, để bưng lên, tiếp thêm bánh trái và thức uống.

Đã bốn giờ chiều, nắng ngoài sân còn vàng rực. Chiều rồi.

Sư Tâm Tự hẹn mọi người một buổi nào đó, trong tuần tới, cùng gặp nhau ở chùa đàm đạo cho vui. Cô Bân và Hiền Lương đã dự định cũng trong tuần tới sẽ về Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh. Trong ấy, suốt tuần nay chú Nông cô quạnh một mình hay mải đàn đúm với bạn bè, trở lại thói say xỉn? Cô Bân chợt nhớ ở làng nội Hiền Lương, bên sông Bến Hải này không có nhà thờ, mà ngày mai chủ nhật cô Bân còn phải đi lễ mi-sa. Cô Bân biết Hiền Lương, tuy phải bỏ dự lễ, nhưng con bé này chắc chẳng một chút băn khoăn!

Lúc này, Hiền Lương đang tiễn khách bạn của Bông Bưởi ra ngõ.

Khi bước vào, Hiền lương nhớ lại quy luật biện chứng, muốn có trình-độ-làm-người xã hội chủ nghĩa phải có cơ sở hạ tầng xã hội chủ nghĩa, và ngược lại, không có cơ sở hạ tầng ấy sẽ chẳng bao giờ có trình-độ-làm-người ấy.

Rồi Hiền Lương cũng nghĩ, tại sao phải cần bánh sinh nhật, những ngọn nến hồng? Chỉ mười sáu bông bưởi thơm ngát cho mười sáu tuổi của Bông Bưởi được không? Hay cúc? Huệ? Cẩm chướng? Mỗi tuổi một đóa hoa thơm ngát. Hoa nào chẳng là hoa, miễn thơm và đẹp!

Hiền Lương cảm thấy mình đôi khi thật đa đoan, lẩm cẩm, với những liên tưởng bất ngờ, với một lô gích đứt quãng nhưng cô không thể cấm mình cứ nghĩ ngợi mọi điều với ý nghĩa ẩn chứa trong chúng. Cô không thể vô thức với cuộc sống, với dòng sống, mà cô là  một sinh vật được giáo dục và biết tự giáo dục, là con người, là một hạt nước nhỏ bé biết suy tư.

 

 

3

 

 

Năm giờ sáng, như mọi ngày, Hiền Lương cùng Bông Bưởi đi bộ ra bờ sông hơn một cây số đường làng, ghé vào nhà bạn gái của Bông Bưởi, rủ cô bạn ấy cùng tập thể dục, tắm sông. Hiền Lương cũng đã mua tặng cô bạn nhỏ một bộ đồ bơi thể thao, tay và ống quần dài, ôm sát người, màu xanh đậm thuần sắc bằng thun. Trời hưng hửng sáng, ba cô gái ba màu bơi lội. Trên bờ sông Bến Hải, tre pheo lung lay trong gió sớm với những tia nắng mai non, chim chóc chuyền cành chiêm chiếp, luyến láy.

Tắm xong, cô vào nhà bạn nhỏ tắm lại bằng xà bông với nước giếng. Trong bộ đồ bộ thường ngày, Hiền Lương mặc cho hai cô bé ríu rít với nhau về chuyện sách vở trường lớp, một mình ra ngồi trên thành xi măng bến sông, nhìn nắng sớm xuyên qua hàng tre lấp lóa trên mặt nước. Mặt trời phía Cửa Tùng rực rỡ đỏ. Nắng mai non rọi tia ấm vào cô, Hiền Lương lâng lâng trong cảm giác tươi sạch, sảng khoái.

Những ý tưởng từ bữa tiệc trà bánh trái hôm qua vẫn còn vương vấn trong cô. Nuôi khát vọng sáng tạo nghệ thuật, Hiền Lương làm sao có thể thờ ơ những gì còn đau đáu trong tâm hồn người cùng thời, tuổi cha ông, tuổi em, tuổi cháu, nhất là lứa tuổi đã trải nghiệm những cuộc chiến nối tiếp nhau. Thật ra, với hai mươi hai năm sống của Hiền Lương, mười lăm năm làm người, được làm người, của Bông Bưởi, của cô bạn nhỏ, và với thì tương lai, chắc chắn rồi sẽ của cả các cháu chưa được sinh ra, tất thảy những lứa tuổi được sinh ra sau Ngày Thống nhất ấy, nào ai đã trải nghiệm chiến tranh trên Tổ quốc này, mà xuyên suốt những cuộc chiến ngót một-trăm-ba-mươi-năm ấy là khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc, cũng là cuộc đụng đầu lịch sử Đông và Tây, cuộc chiến tranh giai cấp, hệ tư tưởng... Trừ cư dân ở các vùng biên giới, tất thảy những ai cùng tuổi với Hiền Lương, Bông Bưởi chỉ ngấm đau âm hưởng chiến tranh. Âm hưởng chiến tranh biên giới, chống diệt chủng dội về hậu phương, cộng với âm hưởng hậu chiến của một trăm mười bảy năm chống thực dân, đế quốc. Có khi âm hưởng ấy còn nặng nề đến cả trăm năm sau. Đói nghèo, lạc hậu (tụt hậu), bệnh tật, góa bụa, mồ côi, còn nhiều nỗi đau về danh dự, nhân phẩm. Có lẽ, không, chắc chắn, những Hành, những Hiền Lương, những Bông Bưởi đã phải trải nghiệm gánh nặng nỗi đau và niềm tự hào trên hai quang gióng trĩu đôi vai của mỗi người.

Hiền Lương đang trải nghiệm niềm tự hào và nỗi đau ấy. Cô cảm nhận nỗi niềm oái oăm, trái khoáy, thậm chí giằng xé, phủ định lẫn nhau giữa tủi đau và tự hào. Cô tự hào dân tộc Việt Nam trong vai trò, trách nhiệm lịch sử, đã bừng sáng trong ý thức chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc trong suốt bốn nghìn năm nay, đặc biệt là từ một-trăm-ba-mươi-năm ấy. Cô tủi đau cho chính mình trước vết thương chia cắt  Đất nước.

Và chiến tranh là chiến tranh giữa những con người, cùng một Tổ quốc, cùng một dân tộc, khác Tổ quốc, khác màu da. Cô tự hỏi cô đã hiểu gì về con người. Ba của cô đã từng ngần ngại khi hiểu cô đã chọn cho chính cô con đường hội họa. Con đường nghệ thuật đòi hỏi bản thân người nghệ sĩ phải sống-với, trải nghiệm bằng chính bản thân, cả con người của bản thân với cuộc sống, với con người cùng thời, thậm chí phải nhập thân vào mọi thuở đời. Phải như thế, để hiểu đời, hiểu con người. Phải như thế, để cuộc sống trở thành máu thịt của tâm hồn, của tư tưởng, cảm xúc - tư duy sáng tạo nghệ thuật. Phải như thế, để trở thành nghệ sĩ đích thực, không phải là thợ viết, thợ sao chép quá đỗi cơ giới cuộc sống một cách vô cảm bằng những xác chữ vô hồn, vô tâm và vô tình. Nhưng cô đã hiểu gì về tình yêu, trong đó có yêu đương. Cô đã hiểu gì về thù hận, trong đó có hận tình đôi lứa. Cô đã hiểu gì những mưu mô độc ác. Cô đã hiểu gì về khát vọng nhân phẩm. Cô đã hiểu gì về dục vọng. Cô đã hiểu gì về cái đói, cái túng thiếu của người bệnh nằm chờ chết bên cạnh người bệnh khác thừa mứa thuốc thang. Cô đã hiểu gì về nỗi đau màu da chủng tộc, cái vênh vang cũng về màu da chủng tộc. Cô đã hiểu gì về số phận, về sự lừa dối, mê tín. Cô đã hiểu gì... Quả thật, hai mươi hai tuổi trong trắng nhường kia, được sự đùm bọc, yêu thương của cha mẹ, cô nào có chút kinh nghiệm đời nào đâu! Những trải nghiệm của cô bé nhỏ quá, vụn vặt quá.

Ba của cô bảo cô có tư chất của nghệ sĩ với trực giác nhạy và sâu, có óc tư duy phân tích, tổng hợp, nhưng đó chỉ là tố bẩm đã và chỉ được rèn luyện qua sách vở. Đọc sách, xem phim, ngắm tranh, xem ảnh, cô chỉ mới tiếp thu được vốn sống, chất liệu sống gián tiếp.

Chính vốn liếng chất sống từ sách vở, từ sự cảm nghiệm niềm tự hào trái khoáy với nỗi tủi thân của chính cô, hơn một tháng rồi về với quê nội bên dòng sông Bến Hải này, vốn liếng ấy đã giúp cô cảm nhận sâu hơn những vết nhục hay huân chương trong tim của ông Nộp, ông giáo Hiền, sư Tâm Tự, Hành, Bông Bưởi, và của chú bác, của bao người nữa ở ngôi làng nhỏ bé này. Hiền Lương đã xới lật biết bao điều ngỡ đã cố định. Cái nhìn của cô liệu có đúng?

Hiền Lương xấu hổ khi được mang tên chiếc cầu nối liền hai miền Nam - Bắc. Cô đã hiểu gì bờ bên kia, nơi có địa đạo Vĩnh Mốc, một  Đất thép của Tuyến lửa!

Cô sực nhớ đến một Lũy Thầy, một sông Gianh, cũng trên đất Khu Bốn cũ. Đào Duy Từ, người được tôn vinh là Thầy, vốn là đứa con của phường hát, thời mà con hát được xem là vô loài vô loại. Con hát, ấy là nghệ sĩ, một thuở từng bị xem không là loài nào cả. Mỗi loài đều có luân lí của nó, cho dù luân lí ở cấp độ tiến hóa nào. Đào Duy Từ là con trai của phường hát, cũng bị xem không là con người, đúng hơn là người không ra người, cũng chẳng phải ngợm. Đào Duy Từ không được làm kẻ sĩ, tinh hoa của dân tộc. Người ta không thấy được sự hi sinh rất cao quý theo quy luật sáng tạo!

Đúng là người nghệ sĩ thương vay hát mướn, đau nỗi đau người khác, nhục cái nhục người khác, tự hào niềm tự hào không phải của mình, vui cái vui không thuộc về mình. Cô ca sĩ kia nhập thân vào hàng trăm mối tình của ai đó với cả tâm hồn và cảm giác tưởng tượng. Nhà văn, nhà thơ cũng vậy. Kịch sĩ mới đáng sợ: sống trọn, sống hết mình với vai trò nào kia... Ngay cả ở Phương Tây, thời trung đại, người nữ không được diễn kịch. Vai nữ phải do diễn viên nam đóng... Người xưa cấm đoán cả mộng mơ, tưởng tượng, để giữ gìn sự trinh bạch của tâm hồn...

... Ngay trong tưởng tượng cũng có vốn sống trải nghiệm riêng của nghệ sĩ.

Nghệ sĩ, còn là nòi tình, đa đoan và nhiều hệ lụy.

Nghệ sĩ, kể cả họa sĩ, cần sống cái sống trải nghiệm nhiều cảnh đời, tất nhiên có giới hạn của đạo lí như thể không thể trải nghiệm bằng thuốc độc, cái chết của thân xác. Ôi cái chết nhân cách!

Chính Đào Duy Từ, Người Thầy từng bị cấm làm Kẻ Sĩ , đã thiết kế, đã cho thi công lũy chống Lê - Trịnh thời chúa Nguyễn, dẫu đấy là chiến lũy của phong kiến với phong kiến, chỉ dị biệt ít nhiều. Một Đàng Trong đất mới thoát khỏi định kiến cũ phần nào, và phần nào cần chiêu hiền đãi sĩ, với một  Đàng Ngoài khắc nghiệt, trì trệ, ao tù, nước đọng trong tâm thức, thừa hưởng mấy nghìn năm văn hiến của dân tộc nên thừa mứa kẻ sĩ! Thiếu, thừa của mấy trăm năm trước.

Hàng rào Mác Na-ma-ra, có phải là Lũy Thầy? “Dãi thây trăm họ nên danh một người”? Không thể so sánh như thế. Bản chất khác nhau. Cái giống nhau là chiến lũy, là vết chém ngang thân mình Tổ quốc. Mác Na-ma-ra, lịch sử cho thấy chỉ là một kẻ xâm lược bại trận.

Trước dòng sông Bến Hải này, sớm mai này, Hiền Lương miên man với những liên tưởng. Ba của Hiền Lương đã bày tỏ niềm lo âu lẫn sự ngần ngại chính đáng trước sự chọn lựa con đường đời của cô. Đấy là sự chọn lựa số phận. Chú Nông bảo, với kinh nghiệm đã trả giá bằng cả cuộc đời đau đớn, rằng, phải hiểu mình là ai, có những tố chất, sở thích đích thực gì, không phải là thị hiếu thời thượng, học đòi, học mót, phải hiểu gia thế và thời đại, để chọn lựa đường đời. Tuyệt đối thành khẩn, trung thực với chính mình, khi nêu câu hỏi cho mình. Tuyệt đối không được ảo tưởng tô hồng hay ảo tưởng nhuộm đen chính mình, gia thế mình, thời đại mình. Phải tự làm nên số phận riêng với những điều kiện ắt có và đủ như  thế. Hiền Lương đã tự ngẫm lại hai mươi hai năm cô sống, từ lúc bắt đầu hiểu, nhớ, rồi từ lớp một đến cử nhân... Có lẽ hơi muộn trong chọn lựa, nhưng cô đã chọn lựa con đường nghệ thuật tạo hình, một loại ngôn ngữ phi văn tự dẫu vẫn đậm đà tính dân tộc. Cô đang tự thử thách mình, kiên tâm với chọn lựa. Cô sợ hãi, nếu chọn lựa sai? Ôi, chọn sai nghĩa là làm hỏng cả cuộc đời mình! Người ta chỉ sống một lần. Làm hỏng cuộc đời mình ư? Sao đành lòng phiêu lưu!

Và trải nghiệm, không nhất thiết phải làm hoen ố phẩm giá của người nữ. Cô tin tiếng khóc của người khóc mướn còn đau đớn, thống thiết hơn tiếng khóc của thân nhân người chết. So sánh nghệ sĩ với người khóc mướn là làm nhục nghệ sĩ. Nhưng quả thật, cô tin vào năng lực cảm nhận nỗi đau một cách gián tiếp, sự nhập thân tài tình của nghệ sĩ với các vốn liếng, văn hóa, chất liệu sống gián tiếp trong đời sống, và bằng đôi mắt quan sát, đôi tai lắng nghe của chính họ với tố chất bẩm sinh có thực. Còn sự chọn lựa đề tài nữa, điều ấy rất quan trọng, nào phải dễ dàng gì.

Hiền Lương vạch ra con đường số phận của cô, đang bước những bước đầu tiên. Cô tiếc bản thân cô không có tư chất của nhà khoa học kĩ thuật thuộc các khoa tự nhiên, dẫu cô biết, các nhà khoa học tự nhiên đích thực là những Đấng Cứu thế, đã mấy ngàn năm nay cứu con người, biến quả đất của quỷ Sa-tăng thành quả đất văn minh tương đối, rồi sẽ thành quả-đất-thiên-đàng.

Ngồi trước dòng sông Bến Hải này, Hiền Lương còn liên tưởng đến dòng sông Thạch Hãn, dòng sông mồ hôi của đá, của chất đá và của chất xám. Thạch Hãn, cũng từng là vết thương chia cắt! Rồi liên tưởng gợi liên tưởng, Hiền Lương một lần nữa xuôi ngược với thời gian. Dòng lịch sử của cả một dân tộc như đang chảy trước mặt. Bến Hải trở thành dòng sông chất chứa những nỗi đau chia cắt... Lịch sử đã một lần đau nỗi đau kẻ sĩ Bắc Hà với Phạm Thái, Nguyễn Huy Lượng, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan..., với dòng sông Gianh đau nhức nhối như vết chém..., - Cô chợt nhớ...-, chưa kể đến cuộc chia cắt Nam - Bắc triều thời Trịnh - Mạc, chưa kể đến Nam Kì phải xót đau chịu thuộc Pháp, đứt lìa với Tổ quốc Đại Nam thời Tự Đức (núi Thần Quy như vết thương sưng tấy)... Dòng liên tưởng trong Hiền Lương cứ miên man, trùng điệp...

 

 

4

 

 

Nắng ban mai ấm áp, hồng tươi, loang loáng bên sông. Một chiếc đò ai vừa rẽ nước xuôi về biển.

Có bàn tay ai vừa bịt mắt Hiền Lương. Cô hết hồn, định la lên. Hai tiếng cười trong trẻo cất lên làm Hiền Lương nhẹ nhõm. Bông Bưởi, và Nàng Hương - vốn là tên của một loại lúa thơm - đang đứng sau lưng cô với tiếng cười chưa dứt.

- Làm chị hoảng hồn! Ngồi xuống đây chơi. - Hiền Lương nói.

- Chị Hiền Lương còn làm thơ nữa chắc? - Bông Bưởi cười.

- Em nghe cô giáo em nói thi sĩ là họa sĩ vẽ tranh bằng chữ, cũng tư duy bằng hình tượng, còn họa sĩ làm thơ, viết văn bằng màu sắc, cũng tư duy bằng hình tượng luôn. Phải rứa không chị? - Nàng Hương suốt tháng nay quen với Hiền Lương như chị em, đang thân mật níu một bên vai Hiền Lương để hỏi.

Hiền Lương cười thành tiếng:

- Cả hai đều đúng. Nếu nói như thế thì chị đang làm thơ và đang vẽ về ý nghĩa của sông Bến Hải quê mình. Câu nói của cô giáo rất đúng, ít ra với chị. Nhưng chị cũng có tư duy trừu tượng, cũng luyện tư duy này bổ sung cho tư duy kia, như các em vừa học lí luận văn học vừa học thơ, học vẽ, học âm nhạc. - Hiền Lương thấy mình chợt vui, mà hóa ra có vẻ khoe khoang, gượng nói tiếp -. Học toán rất quan trọng, để rèn tư duy luận lí học. Chị thích lí luận văn học, chị muốn mở rộng là lí luận nghệ thuật. Và, hai em thích sử chứ?

- Một số bạn thích, một số ghét. - Bông Bưởi nói.

- Gạt đi phần vua chúa với đời tư của họ, tham vọng giàu sang, quyền chức và tính dục thấp hèn, nói chung là dục vọng, thì sử nước mình rất đẹp, rất đáng tự hào - sử của một dân tộc luôn luôn nêu sáng tấm gương độc lập dân tộc. Sử loài người là sử của sự vươn lên từ địa-ngục-quả-đất thành thiên-đàng-quả-đất. Ghét sử là ghét dân tộc, ghét loài người. Phần lớn vua chúa và đời tư của họ, thời nào, nước nào cũng vậy, mặc dù không phải thiếu những nhân vật lịch sử rất cao đẹp về nhân cách.

- Chị kết án ghê quá. - Nàng Hương nói -. Em có nghe thầy dạy sử nói, xưa nay, khoa học lịch sử có ghi nhận một số nhà sử học chuyên sa-đích lịch sử. Sa-đích là chi chị? Hình như viết là S, A, D, I, M, S, (E).

Hiền Lương cười ngượng:

- Sa-đích là tiếng Pháp, tiếng Anh, nhiều tiếng khác nữa. Sa-đơ, đấy là tên một nhà văn mắc chứng bệnh của quỷ râu xanh, thực hiện giao cấu với đàn bà rất hung bạo, xong là giết. - Hiền Lương có đà để nói thẳng -. “Chủ nghĩa Sa-đơ”, tức là chứng bệnh của một số nhà sử học, nhẫn tâm và độc ác, đã cưỡng hiếp lịch sử, bôi nhọ nhân vật lịch sử để thoả mãn thú tính chính trị và tự ái bản thân. Ví dụ, họ cắt xén, bưng bít một số chi tiết, thậm chí cả giai đoạn lịch sử, và xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử để tuyên truyền, kích động. Nói riêng ở Miền Nam, ba chị và ba hai em đi lính ngụy một phần lớn là do sự tuyên truyền ám thị với sự cưỡng hiếp, bôi nhọ lịch sử đó. Những người lính ngụy cầm súng với ảo tưởng và sai lầm, thứ ảo tưởng và sai lầm đã bị ám thị bằng đài, báo, sách giáo khoa, và bằng cả tôn giáo nữa, với cả lực “lôi cuốn”, điều khiển ngầm của “guồng máy” xã hội, với cả sức ép, sự đe dọa của báng súng, dùi cui, nhà tù. Đấy là chỉ  nói riêng ở Miền Nam.

Rồi Hiền Lương dẫn giải bằng một loạt ví dụ cụ thể. Hai cô bé chuẩn bị lên lớp mười lé mắt nhìn Hiền Lương, không ngờ cô chị xinh đẹp, thon tròn, tươi mát này lại sâu sắc, uyên bác thế.

- Chị học ngoại ngữ sao giỏi sử dữ rứa? - Nàng Hương buột miệng.

Hiền Lương cười:

- Chị nói tầm bậy đấy. Học sinh thông minh là phải độc lập suy nghĩ, phải biết lật ngược, lật xuôi vấn đề, phải chân thành hỏi thầy cô giáo, thực sự cầu thị, phải tâm không, vô chấp chấp nhận cái gì là chân lí, sự thật. - Hiền Lương lại dẫn giải dài dòng, và cô nói tiếp -. Chị nói với Bông Bưởi, với Nàng Hương cũng hết sức trung thực, chân thành. Chị cứ bảo mình nói tầm bậy nhưng thực sự đó là những gì chị xác tín.

Nàng Hương là cô bé láu lỉnh, gài Hiền Lương:

- Giai đoạn Đổi mới này, có bạn bảo, biết vậy nước mình theo chủ nghĩa tư bản, bây chừ dân giàu nước mạnh rồi.

- Vấn đề độc lập, tự do, con đường Bác Hồ chọn là đúng. Con đường cách mạng vô sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng đúng luôn. Nhưng, chính Lê-nin đã có công với nhân loại, lại cũng hơi đốt giai đoạn, tức là nóng vội... Theo Mác, bao giờ các nước tiên tiến nhất về khoa học kĩ thuật, lực lượng sản xuất cũng tiên tiến nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội đã, bấy giờ, sau đó, chủ nghĩa xã hội mới tỏa ra các nước khác. Chị nhấn mạnh ba chữ “tiên tiến nhất”. Nga, Tàu, Mỹ, Nhật, Pháp, Anh,  Đức... tiến lên chủ nghĩa xã hội rồi nước mình cùng các nước khác tiến lên. Như vậy sẽ không bị các nước mạnh ăn hiếp, bức hiếp, và cũng hợp quy luật khách quan, đúng như Mác nói! - Hiền Lương lại một thôi dài giải thích từng cụm khái niệm, từng vế một của câu, có ví dụ cụ thể.

Hai cô bé này bỗng xem Hiền Lương như thánh sống, như thần tượng, vì chưa hề thấy ai giỏi như vậy. Hiền Lương cũng đâm ra khoái chí, càng nói hăng thêm. Bỗng có con cá nào quẫy đuôi làm cô tỉnh lại, thấy mình buồn cười. Cô dịu lại, với giọng ngọt ngào:

- Thật ra, vấn đề là cái tư hữu, cái nhà Phật gọi là tham. Chúa cũng nói, “người giàu vào nước thiên đàng khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim” (cách nói rất hay, ý nghĩa rất sâu) vì quá coi trọng vật chất, không dám xả thân vì nghĩa lớn, và vì làm giàu ắt phải bóc lột... Làm ăn cá thể, mình làm việc mình, một mình mình, với gia đình mình, không thuê mướn ai để bóc lột giá trị thặng dư từ lao động của họ, làm sao mà giàu! Mác, Phật, Chúa nói vấn đề tư hữu này rất đúng, dù có khi Chúa mâu thuẫn với mình ở một ẩn dụ khác (hoặc nhất quán, nếu xem người chủ đồng ta-lâng (II.8) là chủ hãng quốc doanh). Nhưng tư hữu còn là động lực kinh tế. Phải ham làm giàu, nước mới giàu. Mỗi người dân phải giàu, nhà nước mới giàu, và giàu sẽ mạnh. Anh Hành, thầy giáo Hành, có nói với chị một ý rất hay: Từ công xã nguyên thủy tới nay, cuộc cách mạng nào cũng là cách mạng hữu sản. Nông nô, hữu sản. Phong kiến, hữu sản. Tư sản, hữu sản. Chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa là vô sản. Tương tự như vậy, chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa là duy vật. Trước đó, đều duy tâm. Duy vật và công hữu, đó là hai phẩm chất làm người quá cao, trình-độ-làm-người siêu cao, nên chưa thành công được. Tất cả vấn đề là ở điểm đó! Đó là nguyên nhân nảy sinh tính chất sắt thép của chuyên chính vô sản! Đổi mới là thụt lùi, thụt lùi cho phù hợp với trình-độ-làm-người, để phương thức sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất. Đổi mới là thụt lùi, chị nhấn mạnh. - Hiền Lương ví dụ -... như năng lực một học sinh lớp chín khó nhảy lên đại học, em bé bốn tuổi không thể lái máy cày cày ruộng được nhưng cứ bị ép bởi nền chuyên chính duy ý chí. - Rồi cô lại giải thích, lại ví dụ.

Hiền Lương ngừng lời, và lại băn khoăn:

- Nhưng cứ lề mề, ăn chơi, làm sao nâng cao trình-độ-làm-người, gồm cả trình độ khoa học - kĩ thuật, làm sao giàu mạnh!

Hai cô bé nghe Hiền Lương nói chậm rãi, ví dụ dễ hiểu, suýt quỳ xuống sùng bái cô. Nhưng chẳng hiểu sao, hai bạn nhỏ hai bên ôm chầm lấy cô chặt cứng làm Hiền Lương đỏ bừng cả mặt.

- Nhưng có những cái không thể thụt lùi, ví dụ học đòi lối sống pờ-lây-boi, khỏa thân, hát nhạc thác loạn, đọc truyện dâm ô, suy đồi, bi quan, bế tắc, và chưng diện áo quần lố lăng, kích dục!... Ai cũng có dục, xin đừng kích dục. Hồi giáo quá cực đoan, nhưng cũng có cái lí của nó, là chống sự kích dục bằng áo quần lố lăng, cũn cỡn. Không nên thụt lùi thành con vật. Con vật còn có bộ lông với cái đuôi che thân!

- Em thấy trên truyền hình nhà em, trên phim ảnh nữa, người ta quảng cáo cách ăn mặc kích dục, khiêu dâm, và cả kích động bạo lực, máu me!

Hiền Lương tức tối:

- Chị đầu hàng! Những người cộng sản đã thụt lùi đến thế! Đẹp, quý, sang, mọi người có quyền như thế, nhưng không ai được quyền kích dục, mới là phẩm chất đạo đức Á  Đông, đạo đức cộng sản Việt Nam.

Nắng đã lên khá cao. Cô muốn nói và nói to: Phương Tây xưa cũng kín đáo!

Bên bờ sông Bến Hải, ba chị em nói chuyện quá sôi nổi nhưng họ chỉ nói vừa đủ nghe. Như bản năng tự vệ, con gái bao giờ cũng kín đáo, kể cả nói chuyện với nhau lúc nhiệt tình nhất. Chất giọng nữ cũng thanh, nhỏ hơn chất giọng nam. Cơ thể họ cũng thế. Nhưng cái phần chất xám và nếp xoắn vỏ não của họ không phải thế.

Sau những phút sôi nổi, ba cô gái bây giờ bỗng sinh trầm tư. Họ nhìn ánh nắng lấp lánh sáng chói trên nước. Bóng tre hóp lung lay như thoảng qua mình ba cô gái. Lại một chiếc đò nữa rẽ nước xuôi về Cửa Tùng, có lẽ thuyền buôn cá mắm và rau gạo.

Hiền Lương đoán lúc này khoảng mười giờ sáng rồi. Cô nhắc hai cô bé vào nhà. Áo quần tắm liền thân, khăn choàng rộng thùng thình gần bằng tấm vải giường đã gần khô. Hiền Lương, Bông Bưởi bỏ vào túi xách. Sáng nay, cao hứng thế nào đến giờ vẫn chưa về ăn sáng! Khẽ chào, cảm ơn mệ già của Nàng Hương (chỉ còn bà ở nhà), hai chị em bước chậm trở về. Con đường làng ngập bóng râm tre pheo và nắng. Gió nam lửa đang thổi lay ngọn tre, bạt ngọn chuối. Gió. Gió. Ơi, mùa hè bên sông! Hiền Lương lâng lâng trong cảm giác sảng khoái. Ơi, lịch sử, trong thụt lùi phải có tiến lên! Đồng thời niềm cảm khái dâng lên trong ngực cô. Bất giác, cô cảm thấy mình đa đoan, buồn cười thật. Hiền Lương tự nhủ, đấy cũng là một nét trong cái nghiệp của người nghệ sĩ chăng.

Đến ngõ, đã thấy mẹ và thím Cận đứng chờ. Mẹ mắng:

- Tưởng rong rêu cuốn chân chị em mày rồi! Tắm gì đến giờ mới về? Còn ngồi ở bến sông đấu láo nữa chứ!

Hai chị em, Hiền Lương và Bông Bưởi, cười biết lỗi,  chạy vụt vào nhà. Thím Cận vào cửa nói:

- Khi hồi (hồi nãy), có chú Thản bên xóm nói hai chị em với con gái bác Tùng - con Nàng Hương chi đó - ngồi cười giỡn với nhau ở bến, nên bác Bân với thím không ra tìm. Đừng ỷ bơi giỏi!

Hiền Lương cũng thấy mình hơi liều, quên bẵng là không có phao cấp cứu. Thật ra, cô chẳng dám bơi xa, bơi hết sức, chỉ bơi khoảng mười thước, lại bơi vào bờ ngay, cứ thế suốt tháng nay.

Cô nói với thím Cận, nhỏ thôi, sợ mẹ nghe được mẹ thêm lo:

- Không có phao cấp cứu, cháu đâu dám bơi xa! Cháu xin lỗi thím.

 

 

5

          

 

Để chiếc giường rộng, bên khung cửa sổ rộng mở ra vườn sau, cho mẹ nghỉ trưa được thoải mái, Hiền Lương treo võng ở chái đầu hồi. Nắng đứng bóng chiếu thẳng xuống đất. Hơi nóng của nắng với gió nam lửa rất đặc trưng của vùng Khu Bốn cũ dịu bớt nhờ màu xanh cây lá, thổi lồng lộng như gió biển. Bóng mát của cây trứng gà, xanh kín lá cành như chiếc ô, phả xuống không khí đã được điều hòa.

Hiền Lương ôn lại những gì cô đã cảm nhận, suy tưởng, đã nói bên bến sông với Bông Bưởi và Nàng Hương.

Khi Hiền Lương còn nhỏ hơn cả hai cô bé này, Đất nước đã Đổi mới. Hai mươi hai tuổi, cô còn bị xem thường là trẻ con dưới những đôi mắt trịch thượng của người khác đã già. Thật ra, ở tuổi này, bao người đã làm nên nhiều công trình lớn với những ý tưởng sâu như đáy biển và cao như núi. Cô đã là cử nhân, như thế không thể không phải là trí thức. Từ những năm còn bé, cô không cho phép mình ngu dốt hoặc chỉ học vẹt. Ngoài việc học và đọc, Hiền Lương còn sáng tạo. Những điều cô nói với hai cô bé, Hiền Lương đã không hề ngụy tín với chính trái tim cô.

Nghệ sĩ, không thể thiếu tư chất cùng kiến thức mọi mặt. Cô đã nung cháy ngọn lửa của khát vọng sáng tạo trong ngực mình với hai vốn liếng ấy. Tài năng, ấy là khả năng nhạy bén nắm bắt được phần chiều sâu mang tính bản chất của con người, của các cảnh đời để tái hiện, tái tạo thành tác phẩm có giá trị, thật mới mẻ. Không có khả năng ấy là không có gì cả. Điều cô trăn trở nhất là sự trải nghiệm với cả con người cô và bản lĩnh giữ gìn sự trong trắng của nhân cách. Vẽ về trẻ thơ, vẽ phong cảnh, vẽ những gì tinh khiết, cao cả, hào hùng, thánh thiện, khoan dung! Vẽ những mặt sáng của người đời, cảnh đời! Đối tượng được vẽ sẽ tác động ngược vào cô, cô sẽ hấp thụ được ánh sáng nhân cách, tâm hồn lẫn vẻ đẹp của đối tượng. Biết vậy, nhưng cô cao vọng quá, cô cứ muốn phải đi tận cùng mặt tối để hiểu được mặt sáng, thậm chí muốn vẽ chút ánh sáng hay cả nguồn sáng trong tận cùng hang tối. Chú Nông, ba của cô, đã có lí khi sợ cô phải trả giá quá đắt trước cao vọng ấy. Cô sợ hi sinh cho nghệ thuật? Không. Cô có thể vắt kiệt nhan sắc xinh tươi và cả máu mình cho khát vọng sáng tạo. Mặt tối của người đời, cảnh đời? Cô sẵn sàng lội bùn, cuốc rẫy, bán dạo, thậm chí ăn xin... Có lẽ rồi cô sẽ lấy chồng, một người làm nghệ thuật, để cùng nhau, sát cánh bên nhau dấn thân, đánh bạn với mọi tội phạm trong khát vọng nhặt giùm họ, giùm đời những hạt kim cương chói lòa ánh sáng trong vỉa than tăm tối và đen tối... Một tháng về với quê nội, cô hết mình trong khát vọng khám phá, sáng tạo. Cô đã được gặp những con người mang vết thương, những vết thương tủi nhục, như ông Nộp... Liệu cô sẽ gặt hái được gì trong mùa sáng tạo quá ngắn ngày này? Cô đã hiểu gì về những người anh hùng như ông Hiền, chú Học, o Ngoan...

... Gió Lào lồng lộng. Nắng mùa hè đang trưa rực rỡ. Hiền Lương lơ mơ trong sự chìm dần vào giấc ngủ. Như một vang vọng thầm thì từ bến sông, khát vọng nào đó lại gọi cô, buộc cô thao thức. Ồ, con người ai cũng có dục vọng, bản năng thú tính còn sót lại. Ngoài bản năng thú tính của xác thân sinh vật, còn tham vọng con người nữa, chúng vẫn còn đó, vì vẫn còn đó lòng tham tư hữu, chiến tranh, tính dục... Xin đừng kích dục - cái dục ở nghĩa rộng. Chính Hiền Lương, trong trắng nhường kia, không thể chẳng đôi khi bị cồn lên những dục vọng. Tư hữu, tham vọng chiếm hữu vật chất trần gian, tham vọng giàu có, đi xe mới nhất, mặc áo sang nhất, và bao nhiêu người răm rắp tuân lệnh, thậm chí lũng đoạn cả hệ thống quyền lực để thỏa mãn tham vọng quyền lực, để bảo đảm sự giàu lẫn sự được làm giàu mãi, và sẽ vươn cánh tay ngắn ngủn ra khắp thế giới bằng sự chắp nối thêm nhờ đồng tiền, cánh tay thịt mọc ngàn cánh tay tiền, vỗ vai các lãnh tụ lừng lẫy, nhiều ảnh hưởng đến thế giới nhất, nhấc bổng bất kì thằng khờ nào lên ngai thống đốc, tổng thống... Tư hữu, dục vọng của mọi dục vọng, kể cả tư hữu người tình như chiếm hữu công cụ vật chất! Quả là kinh khiếp.

Không. Tận đáy sâu lòng mình, Hiền Lương chỉ có một thứ hay đúng hơn, một dạng tư hữu, ấy là tư hữu chất xám của não và chất đỏ của máu trái tim. Có thể ư, không, còn có khát vọng chi phối, tác động vào đời sống bằng tác phẩm của mình. Cô còn có khát vọng được kính trọng, được ngưỡng mộ. Đấy là sự thật. Hiền Lương muốn có công và danh, công thành, danh toại. Công tốt, đẹp với đời, cô muốn được đóng góp. Danh thơm, sáng của mình tỏa thơm, tỏa sáng cho cha mẹ, làng quê này đây, Bình Dương trong kia và trong tim cô, cho Đất nước cô được sinh ra và vô cùng yêu dấu. Cô có quyền như thế. Cô chẳng bóc lột ai, ngoài chính sức lao động miệt mài của một mình bản thân cô. Đấy là dục vọng đã trở thành cao vọng tốt đẹp. Xin hãy khích lệ cô, kích thích cao vọng này. Là người, Hiền Lương không thể không có chí tiến thủ. Chí tiến thủ, cho dù ở tuổi nào, cũng là một phẩm chất cao quý, là năng lượng sống của từng cá nhân và sức bật của xã hội, của Đất nước, của Quả đất. Tư tưởng yếm thế, cầu nhàn đã đẩy bao con người vào sự trì trệ, lạc hậu, vô trách nhiệm. Hiền Lương đã động não tự kỉ ám thị để chống lại sự ám thị của thói ăn chơi, xa hoa và trụy lạc. Tờ giấy trắng cũng là tấm thép trắng của sự tôi luyện bản lĩnh. Một khi đài, báo còn kích dục, biết kêu cứu ai?! Có phải Nhà nước đang bị lũng đoạn bởi các thế lực cực hữu đã đổ bộ vào nước này với đồng đô-la? Nước này lại là chiến trường kinh tế và văn hoá?

... Trưa. Gió nam lửa dịu trong màu xanh vườn tược. Hiền Lương không thể ngủ. Cô cảm thấy mình căng thẳng, gần như phẫn nộ. Cô tự nguôi lòng thầm bảo: nhưng cái ăn, cái mặc, cái ở, cái đi lại trên đường cần thiết lắm, đôi khi hơn cái đọc, cái nghe, cái xem. Phải giải phóng sức sản xuất của mọi người, của mọi xu tiền trong túi, dưới ngạch tủ. Đất nước, và riêng chỉ làng nội cô, phải giàu có vật chất bên cạnh văn hóa, đúng hơn, vật chất đan xen, thấm vào nhau với văn hóa. Nhưng vấn đề là giải pháp thực tiễn. Tư hữu, ấy là động lực kinh tế. Khát vọng làm giàu chính đáng phải được khích lệ. Làm giàu, cũng là một tài năng. Thực tiễn lắm, phù hợp lắm với trình-độ-làm-người chung của nhân loại hiện nay? ... Làm giàu với ý thức công dân, cho bản thân, gia đình, Tổ quốc và Quả đất! Chính nguyên lí kinh tế rất đạo đức của chủ nghĩa xã hội, oái oăm thay, lại kìm hãm sản xuất. Và nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ được chỉ ra một cách mơ hồ là bởi sự sai lầm kéo dài về kinh tế làm người sản xuất mất lòng tin... Xí nghiệp, nhà máy, công ti dân lập, công lập! Chủ nghĩa xã hội là gì, là trường học công lập, bệnh viện công lập, nhà máy, xí nghiệp, công ti công lập... Tại sao không thực hiện được! Chú Nông đã chẳng khao khát dạy ở trường công lập Nguyễn Hoàng hơn trường tư thục Thánh Tâm đó sao? Đấy là vấn đề đào tạo giáo chức, tuyển sinh, quản lí! ... Xin hãy so sánh về lĩnh vực quản lí kinh tế!... Tất nhiên kinh tế là làm ra sản phẩm, và có lãi, để tái sản xuất mở rộng, trường học công lập, bệnh viện công lập chỉ là phúc lợi xã hội, được bao cấp. Chủ nghĩa xã hội hoàn toàn có thể xây dựng thành công, chả có gì đáng hoài nghi. Sai lầm là ở chỗ triệt tiêu mọi mầm mống tư bản chủ nghĩa trong thời kì quá độ. Công hữu và tư hữu phải song hành. Hiền Lương nghĩ, có nhiều nhà tư sản, chỉ một mình với vợ con, lại quản lí cả hàng trăm nhà máy, văn phòng đại diện đặt khắp các nước, và quy mô vẫn ngày mỗi phình to, tức là có lãi. Sao mình quản lí kém thế?... Nhà tư sản ai ghi công! Nhà cộng sản như giám đốc, tổng giám đốc đáng ghi vào sử vàng lắm chứ. Mục đích đầu tiên của nhà kinh doanh cộng sản là vì dân, vì nước, vì nhân loại cơ mà. Điều đó hoàn toàn là chân lí, có giá trị khoa học lẫn thực tiễn.

... Trưa. Hiền Lương hăng lên, chùng lại trong ý nghĩ, một dòng ý nghĩ như dòng suối, khúc chảy xiết, khúc lặng lờ. Chính những suy nghĩ, tưởng tượng của cô làm cô khi thì quá chừng phấn khích, lúc lại quá chừng chán nản. Cảm xúc, với Hiền Lương, trưa nay và nhiều lần khác, là phó sản của tưởng tượng, suy luận, tưởng chừng có thể reo vui, khóc buồn. Đó là một năng lực tinh thần và những tri thức cần có sự cọ xát vào thực tế...

Một tháng về với quê nội, cô nhận, và cảm nữa, bao nhiêu điều về chiến tranh, về cách mạng. Cô cũng mừng, cô đã có được quê cha đất tổ ở đây, với quê sinh, quê ở tại Thủ Dầu Một, gần kề thành phố công nghiệp. Hiền Lương lại khao khát khám phá, sáng tạo biết bao! Cô nhắm mắt lim dim truy tìm trong trí nhớ những ấn tượng thị giác. Aãn tượng thị giác với họa sĩ là tất cả! Cô tái hiện, rồi lại tái tạo, nhào nặn, hư cấu hình tượng. Tất cả sống động, tươi nguyên chất sống, dáng sống. Cô tự khắc sâu vào trí nhớ. Cô muốn tìm cuốn sổ ghi lại hình ảnh phác thảo ba chị em trên bến sông mai nay. Thực và ảo. Thực nẩy sinh ảo, nhưng ảo ấy là từ thực ấy. Ảo rất thực. Nắng, mặt sông, bóng mây, bóng tre và ba cô gái xõa tóc hong khô... Cô muốn khóc sung sướng với hình tượng ba cô gái làng quê bên dòng sông Bến Hải. Cô biết mình rơi vào cơn say sáng tạo, cơn điên ngây ngất của người nghệ sĩ. Kìm lòng, Hiền Lương ơi! -  Cô ứa nước mắt như kẻ tâm thần, tự nhủ.

          

 

6

          

 

Thế mà suốt buổi chiều Hiền Lương chỉ phác thảo được bố cục của bức tranh cô tạm gọi là Bến Sông. Ngay cái tên cũng chưa ổn. Điều quan trọng là ba gương mặt. Cô sẽ hư cấu một số nét về cả ba người để trở thành hình tượng, với cả dáng ngồi, ánh mắt, cả dáng bàn tay. Tất thảy cần cách điệu để thể hiện được những gì đã cảm, đã nghĩ, đã nói với nhau giữa ba cô gái ấy, sáng mai này. Làm sao xem bức tranh, mọi người hiểu được như đọc một truyện ngắn với dung lượng phản ánh gần như nhau, cả chiều sâu tâm trạng của từng hình tượng? Cuối cùng, Hiền Lương đành gác lại.

Hiền Lương giở cuốn Ô-ten-lô của Sếch-x-pia ra. Tiếng Anh thế kỉ mười sáu nhiều chữ cổ quá. Cô lật tự điển, vừa tra vừa đọc. Hiền Lương bỗng thương anh chàng da đen quá. Tướng da đen kì tài sánh duyên với cô gái Đét-x-đê-mô-na tóc vàng cực đẹp. Một cuộc tình đẹp nẩy sinh, giữa da trắng và da đen. Nhưng lòng ghen tuông của loài người cũng quá kinh khiếp. Ghen tuông, có phải là bản tính của con người? Cô nhớ đã đọc ở đâu đó một câu danh ngôn của Mác: “Ghen tuông, ấy là thuộc tính của người tư hữu”. Cô nào đã yêu đắm đuối ai để nếm trải cái ghen tình yêu đôi lứa. Hiền Lương vận dụng những dạng ghen khác, và những bài thơ ghen như của Nguyễn Bính, Pút-x-kin để hiểu. Tư hữu người tình? Ghen với người đoạt tình, với tình địch? Nếu không là người tư hữu, tôi chẳng có tính ghen sao? Tình yêu, là niềm tin giữa hai người, chứ không phải là quan hệ chiếm hữu lẫn nhau, biến người yêu thành nô lệ... hoặc tư liệu sản xuất! Khi ngoại tình, niềm tin ấy không còn, tình yêu đã không trọn vẹn. Cô ướm thử vào mình, thế là tôi mất tình yêu, mất người yêu, có giữ được chăng là giữ được thân xác người yêu. Tôi phải tự xem lại sự thất bại của mình trước tình địch, đấy là thái độ tự trọng và cao thượng. Tôi không đánh ghen để chiếm hữu lại người yêu, nếu sự thuyết phục cuối cùng của tôi thất bại, trước và chỉ trước trái tim người yêu. Sự đánh ghen cách này hay cách khác đều vô ích, nhiều lắm chỉ thỏa mãn lòng tự ái. Thương biết mấy nhà thơ Pút-x-kin: “Cầu cho em có người tình như tôi đã yêu em”. Và nhà thơ chết vì tục lệ đấu súng chứ không phải vì ghen. Đấu súng, vì danh dự bị xúc phạm, vì tự ái, đã thành tập tục ở châu Âu. Cái chết xoàng xĩnh và vô duyên thế? Ô-ten-lô bóp cổ Đét-x-đê-mô-na, như hàng vạn vụ án trên quả đất trong mươi năm. Đấy là chiếm hữu? Đấy là tự ái? Danh dự bị xúc phạm? Tình yêu bị phản bội? Đấy là tình yêu biến thành thù hận? Trước hết, Ô-ten-lô rơi vào kế li gián của I-a-gô.

Nhân loại, với các màu da, với những vụ án tương tự, phải chăng là bởi thuộc tính tư hữu, tự ái lấn lướt tự trọng và cao thượng? Hiền Lương đọc những lời bình tiếng Anh, ngẫm nghĩ.

Hiền Lương vào buồng hỏi mẹ về ngoại tình. Mẹ cô chỉ nói bâng quơ, nghẹn giọng. Hiền Lương ngơ ngác. Cô Bân đánh trống lấp:

- Mẹ đang nghĩ về ông Hiệu Điên, trong bữa tiệc trà sinh nhật.

- Ông có nói gì đâu? - Hiền Lương còn băn khoăn, nhưng đành nói.

- Đúng, ổng (ông ấy) chỉ ngồi lắng nghe. Lúc con chạy xuống nhà ngang, ổng (ông ấy) mới nói một câu làm mẹ suy nghĩ mãi.

Cô Bân ngồi dậy, vuốt lại tóc, tựa lưng vào thành gỗ đầu giường. Cô Bân kể: Lúc đó, ông Hiệu Điên cầm cái máy thu thanh, vặn một số đài như dò tìm, rồi “phán” một câu xanh rờn: Nghe tất cả, thấy tất cả, rồi suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Đừng nghĩ bằng đầu gối mà bằng đầu óc.

- Rồi ổng xí lô xí la tiếng Pháp rất Pháp nhưng tao chẳng hiểu gì cả. - Cô Bân nói -. Ổng chêm tiếng Tây mất lịch sự quá, chỉ có ông giáo Hiền hiểu và cười đồng tình. Ông giáo Hiền cũng chẳng dịch lại, thật quá bất nhã. Bộ tiếng Việt thiếu chữ sao!

Cô Bân kể tiếp: Ông Hiệu Điên lại “phán”: Ta ở một cái làng heo hút nhất nước, nhưng mọi người đều thấy Pháp, thấy Mỹ, thấy Nhật, thấy Tàu, thấy Nga, thấy ngụy, thấy cộng cả rồi...

- Ổng bỏ lửng. Mẹ cũng giật mình. Mọi người, mỗi người đều cười một kiểu sau câu nói bỏ lửng ấy. Ổng điên mà thâm thế! - Cô Bân cười -. Ổng còn nói, nếu Bác Hồ chọn Sài Gòn, ba mày đã là đại tá cách mạng, và đại tá cách mạng người Bắc lại rất ngụy!

Hai mẹ con cười sặc sụa, đến trào nước mắt.

- Cũng ngộ thật. Năm nay mẹ biết ổng mấy mươi tuổi không? Bảy mươi ba rồi. Ổng chống Pháp, tham gia hội kín, bị Pháp tra tấn. Nghe nói chúng quay điện, đánh đập... làm ổng bị suy nhược thần kinh và bị chấn thương não, thỉnh thoảng sùi bọt mép, co giật, phát điên, đi lang thang, xổ tiếng Tây, hoảng hốt rồi ưỡn ngực tỏ vẻ kiên cường, thường nhớ thời hoạt động chống Pháp trong hội kín trước bốn lăm. Ổng điên nhưng điên lành, ai cũng mến và quý trọng. - Hiền Lương nói trong bùi ngùi.

- Hình như con có vẽ ổng? - Cô Bân khẽ hỏi.

- Dạ, nhưng đó là phác thảo. - Hiền Lương tiếc rẻ -. Ổng giỏi lắm...

- Tra tấn, khảo cung cách sao mà điên người ta dữ vậy?

- Điên có nhiều loại. Có thể cơ chế vỏ não ông hơi trục trặc sẵn, lại bị dòng điện kích thích quá ngưỡng, quá mạnh làm “chạm” luôn. Có nhiều người bị tra tấn nặng hơn nữa, như chị Trần Thị Lí anh hùng, nhưng chỉ bị bệnh khác thôi, không điên hẳn mấy chục năm như vậy. Điên có nhiều loại lắm.

- Dù sao, ổng cũng còn quá thông minh, thâm thúy  quá.

- Nhưng ông Hiệu Điên chủ quan rồi. Đâu phải ai nghe đài cũng chịu khó suy nghĩ đâu. Nghe sao biết vậy. Nói xuyên tạc mà đúng tâm lí, người ta cũng tin, cũng thích. Với tâm thế riêng, có thể hiểu ngược!

- Thì giờ đâu mà suy nghĩ, như mẹ đây này! - Cô Bân định nói vì dốt nữa, nhưng ngượng với con gái, nên thôi.

Cô Bân hơi cáu, bảo Hiền Lương ra đọc sách đi.

Khi còn lại một mình, cô Bân lại chìm vào kí ức... Cô Bân nghĩ đến hai chữ “nhẹ dạ”. Cô Bân buồn buồn nghĩ đến chuyện ngoại tình của cô, nhớ đến Đạc. Cô rùng mình. Nếu Hiền Lương biết làng quê bên sông Bến Hải này không phải là làng nội của nó, và bố thật của nó không phải chú Nông, liệu tình cảm đối với chú Nông, với làng này có thay đổi, thậm chí vỡ vụn không. Cô Bân hối hận quá. Nó càng thương ba, càng yêu quê nội này, cô càng đau đớn, càng bị lương tâm cắn rứt.

Cô Bân nhìn ra cửa sổ. Trời chuyển mưa, đen kịt mây, và nhoáng nhoàng sấm sét. Mưa to hạt, vỡ trên những phiến lá. Không khí bỗng mát lạnh. Mưa rơi trên tấm tôn chuồng gà, hình như cửa chuồng đang được chống lên thì phải, âm thanh như tiếng ném đá. Cô Bân nhớ thuở còn nhỏ mẹ cô bảo, ở ngoài Bắc trong Nam gì ngày xưa, đàn bà chửa hoang, hay mới thậm thụt ngoại tình, đều bị làng phạt vạ bằng tiền rất nặng (có khi phải bỏ làng, bỏ cả cha mẹ, con cái, phải ra đi xiêu lạc), lại bị cạo đầu bôi vôi, hoặc phải bỏ bụng chửa sỉa xuống hố đào trước sân đình, nằm sấp, để chịu đánh roi vào mông. Cô Bân nhắm mắt lại chịu trận, ngỡ đang chịu hình phạt thật, với tiếng roi, và cả tiếng ném đá vào cô. Cô Bân chết trong tiếng roi quất xối xả, tiếng-ném-đá-từ-luật-Do-Thái-cổ-xưa. Cô Bân chấp nhận hình phạt man rợ ấy, vì cô đã nhẹ dạ, và nhẹ dạ là độc ác với chú Nông, với Hiền Lương quá. Cô đã lừa dối, để tội này dẫn đến tội khác. Cô Bân đấm tay vào ngực, nước mắt ràn rụa. Đàn ông, đàn bà gì ngoại tình cũng đáng chịu phạt như thế. Cô khóc thầm.

Ngoài trời, mưa gió thét gào như nguyền rủa An-na Ka-rê-ni-na và bà Bô-va-ri.

Ở phòng ngoài, dưới ánh đèn ống, Hiền Lương mải mê đọc Ô-ten-lô.

“Ghen tuông, ấy là thuộc tính của người tư hữu”. Câu nói của Mác, vài dòng lời bình tiếng Anh về cái ghen, làm cô suy nghĩ mãi. Cô biết, cô chỉ hiểu bằng cái đầu, cảm nhờ hình tượng, bởi đã bao giờ cô dám yêu mà biết ghen, nếm trải thế nào là ghen. Có thể Hiền Lương thông minh, đọc nhiều, giỏi vận dụng vốn sống gián tiếp, có học vấn và năng lực cảm thụ thẩm mĩ, năng lực suy tư, nên cô sâu sắc. Còn bao người bị phụ tình, họ chỉ đau đớn, quằn quại, phẫn nộ, cay đắng, chua xót, nếu trả hận được, lại hả hê, rồi ân hận chứ chắc chắn họ không thể diễn đạt, sáng tạo thêm, thành một tác phẩm nghệ thuật, dù bằng ngôn ngữ tạo hình hay văn tự. Nhưng với Hiền Lương, vốn sống gián tiếp từ sách vở kia, biết đâu, gặp một tình huống nào đó, của ai đó, cô lại cảm nhận đến mức sâu hơn nếm trải chăng. Và biết đâu Sếch-x-pia sống lại, phải ngã mũ chào thua Hiền Lương! - Hiền Lương mỉm cười đọc sách, với ý nghĩ hơi tếu ấy.

Ngoài trời, vẫn mưa và gió thét gào, như sự cuồng phẫn Ô-ten-lô.

... Giá như cô Bân đã từ lâu rèn luyện thành nhà văn nhỉ...

... Hiền Lương đang đọc sách, chợt nghĩ, Sếch-x-pia có bao giờ làm vua đâu mà viết về Mác-bét hay thế! Sếch-x-pia có là phụ nữ đâu, sao viết về Đét-x-đê-mô-na hay thế! Chỉ bằng thiên tài, Sếch-x-pia sáng tạo ra cả hàng trăm nhân vật như thế!

Ngoài trời, vẫn mưa và gió thét gào, như trong lòng Hoạn Thư.

Rồi Hiền Lương tự bảo, về đây, đâu phải để đọc sách. Đọc sách chỉ để trám vào sự trống rỗng, hay để vơi bớt sự đầy ắp của tâm trí. Cuốn sách đáng đọc bây giờ là suy nghĩ về ông Hiệu Điên. Bức tranh ba cô gái trên bến sông gác lại đó. Cần một thời gian ngắn để ủ chín cảm xúc và đầy đặn thêm hình tượng. Về nỗi đau mẹ cô, Hiền Lương chẳng hiểu gì.

Ngoài trời, vẫn mưa và gió thét gào.

Vẳng từ đâu đó trong kí ức cô một bài ca dao về lòng cao thượng nhân hậu của chàng trai nào xa xưa:

 

mất nhau từ thuở còn son

anh về qua ngõ thấy con nàng bò

con nàng những đất cùng tro

anh đi gánh nước rửa cho con nàng

 

Có thể đấy là ghen và hận đã được tình yêu làm thăng hoa chăng?

 

TXA.

 

 

CƯỚC CHÚ chương VIII:

 

(*) Đây là một chú thích sai tính hệ thống. Sở dĩ như vậy là bởi tác giả tiểu thuyết (TXA.) tự ý dịch nhan đề của cuốn sách tiếng Anh này sang tiếng Việt (gần sát nghĩa, nhưng đúng với tinh thần nội dung của cuốn sách) để nhân vật Hành khỏi lược thuật. Dịch như thế, khác với nhan đề bản dịch của dịch giả Nguyễn Tấn Cưu (cũng đúng là trong cuộc chiến tranh giữa Việt Nam với bá quyền bành trướng Trung Quốc - Khơ-me Đỏ diệt chủng, 1975 - 1989, chân lí và chính nghĩa thuộc về Việt Nam). Sở dĩ như vậy cũng bởi lẽ khác, tác giả tiểu thuyết mới tìm lại được bản sách dịch này để xem lại trong dịp sửa chữa, bổ sung lần thứ ba (quý tư 2003). Xin vui lòng xem chú thích III, mục II, tiểu mục 3. Kính cáo lỗi.

 

TXA.

 

( xem tiếp chương IX )

 

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/29/09                                                                   

Trở về trang chủ

                                                                 

 

 

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE