z+c. Bài 28-Tl.2 - Trần Xuân An - Đọc lại những khoảnh khắc tâm linh trước thềm năm mới

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

ĐỌC LẠI NHỮNG KHOẢNH KHẮC TÂM LINH TRƯỚC THỀM NĂM MỚI

Trần Xuân An

 

1. NHÌN LẠI MÌNH QUA MỘT BÀI THƠ ĐÃ VIẾT:

“TIẾNG CHUÔNG XƯA” (*)

Vào một tuổi nào đó, ở người thơ, có thể những suy cảm nẩy sinh, được viết ra chỉ bằng trái tim. Nhớ hoài tờ tuần báo đã đăng “Tiếng chuông xưa” với lời giới thiệu trang trọng của anh Nguyễn Đan Trường (Từ Kế Tường), năm tôi mười bảy tuổi. Bấy giờ tôi nào biết, qua cassette của La Đình Thuận, một người bạn Tam Kỳ, “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp đã trở thành một ấn tượng vô thức thật dễ thương từ một vài năm trước đó. Nàng thơ ấy chỉ đến một lần với thơ, và mãi mãi mười lăm tuổi. Người con gái đi chùa trong thực tại của tuổi mười bảy tôi chỉ là một gợi nhớ về thời gian đã mất, một tiền kiếp mơ hồ nào đó – tâm thức hoà nhập phi thời gian trong vũ trụ đồng nhất thể, phi không gian. Niết bàn của tâm hồn tôi không phải là cõi tinh độ, mà chính là “Ngày xưa” (**) đậm đà hồn dân tộc -- thuở huyền sử và thuở đất nước chưa bị thực dân Phương Tây giẫm nát. Có người hiểu tôi ngày đó muốn chết đi theo “người yêu” đã chết -- một tâm trạng rất trần thế. Xin tuỳ. Chỉ một ám ảnh thực đến mức như một kỉ niệm có thực đã chết đi theo dĩ vãng trầm hương. Đó có lẽ là cách phủ nhận hiện thực lọc lừa gian dối chiến tranh. Có lẽ đấy là nỗi đau đẹp. Không biết đến niềm bi luỵ cao khiết ấy đời sống nghèo đi biết mấy, không đủ sức vươn tới tương lai, phía chân trời khát vọng nhân văn. Đời sống và thơ, như thế, thật hơn, người hơn, không hô hào cạn cợt, giấu giếm giả tạo. “Tiếng chuông xưa” vẫn là cội rễ của trái tim tôi, trái tim giữa cõi “Nắng và mưa”, không hề chịu khô héo, nhạy cảm với đất tối khổ đau và hạnh phúc.

Tuy nhiên, đây chỉ là những dòng chân thành một cách thừa thãi của tác giả. Người đọc có cách cảm thụ riêng mình. Mỗi bài thơ, nếu may mắn được tồn tại, là thế giới rất riêng của mỗi khoảnh khắc, mỗi người, mỗi thời. Tất nhiên nó không phải là một trong vạn bài ca dao gần giống nhau về phong cách, không còn in dấu cá tính sáng tạo.

Mặc dù rất yêu thích và trải qua nhiều năm tháng sống với thiền học, tôi chưa bao giờ là một đệ tử của Phật giáo về hình thức. Nhưng tác giả không phải là lí do để tác phẩm tồn tại hay không tồn tại, và xem đó là cơ sở để cảm nhận một cách thô thiển và máy móc. Năng lực cảm thụ văn chương, ở một khía cạnh nào đó, đòi hỏi nâng cao tri thức về sự khúc xạ tâm linh. Không ai để cảm nhận nghèo nàn đen đúa, cho dù mặt đất hiện thực đen đúa là cỗi nguồn của tất thảy, kể cả tâm linh.

Mấy ai hiểu hết những gì đã viết ra, nhất là một tác phẩm đích thực, như là một sự sống, một số phận riêng nó, cho dù là nhà thơ khi nhìn lại đứa con máu thịt đi nữa. Nói thế là đã chạm đến một vấn đề khá lớn về vô thức trong lao động sáng tạo văn chương. Nói thế là cũng để dành một vùng đất trống cho sự cảm nhận đồng sáng tạo của người đọc.

Người thơ cần thiết có những thoáng ngoảnh lại những bài thơ tâm đắc đã viết. “Tiếng chuông xưa” với tôi là như thế.

TP.HCM., 19-07-1992

Trần Xuân An

 

2. TÂM LINH

Con người không thể sống vô cảm. Tâm linh thăng hoa từ tâm hồn -- vượt lên thất tình (bảy loại tình cảm, cảm xúc) đã thăng hoa để thăng hoa ở những cung bậc cao hơn? Cấp độ cao nhất của tâm linh là sự hoà nhập vào cõi siêu hình của tôn giáo đích thực?

Tôi không thuộc căn cơ cảm nhận được huyền nhiệm.

Nhưng cũng may, bằng trực giác thơ ca, tôi cảm nhận vũ trụ và nội tâm, trong những trạng thái thi sĩ (xuất thần), mà người yêu văn chương nào cũng có.

Và không chỉ như vậy.

Tôi vẫn yêu câu thoại thời Phục hưng (XVI): “Những gì thuộc về con người đều không xa lạ đối với tôi”, “Phải tôi rèn nên hạnh phúc của chính mình”, đồng thời tôi cũng chịu dấu ấn của một câu văn Hermann Hesse, giữa thế kỉ XX: “Cho dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn yêu tha thiết cái trần gian điên dại này”. Mặc dù như thế, nhưng tôi vẫn thực sự được sống trong nhưng khoảnh khắc giao cảm tâm linh với bao tiền nhân đã khuất cùng với hoài niệm lịch sử loài người, lịch sử dân tộc và lịch sử gia tộc.

Không ai muốn hư vô chủ nghĩa trước vũ trụ sinh hoá sắc không “vô tận”, dù quả thật thân phận con người rất đỗi bé nhỏ trong thế giới vật chất mong manh ấy:

“không có gì tan mất đâu

thấy trong gỗ mục nguyên màu chồi tươi

bàn tay in dấu vào đời                              

cho nghìn xưa sống với người nghìn sau” (***).

Tôi sống với tín ngưỡng Việt thuần tuý và rộng mở. Phật giáo là một nguồn sáng chiếu dọi vào khung cửa rộng mở của tâm hồn, tâm linh thuần Việt trong tôi.

TP.HCM., 04-03-1993

Trần Xuân An

 

________________

 

(*) In lại trong tập thơ riêng “Nắng và mưa”, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/nang_vmua_p1.htm   |   Link: Thơ đã được phổ thành nhạc

(**) Tên tập thơ của Nguyễn Nhược Pháp. "Ngày xưa" tuy đáng quý trong chiều hướng lãng mạn hoài niệm, thoát li thực tại mất nước, bị thống trị bởi thực dân Pháp, nuối tiếc "Ngày xưa", nhưng cũng thể hiện những hạn chế của Nguyễn Nhược Pháp khi trở về với "Ngày xưa" ấy. Trong đó, không kể tục tảo hôn, rõ nhất là không phải thuở hào hùng, bất khuất với những chiến công hiển hách của dân tộc trong sự nghiệp chống ngoại xâm Trung Hoa.

     Link: bấm vào: ảnh phóng lớn   |   Link: Bài thơ "Chùa Hương"

(***) Trần Xuân An, “Nắng và mưa”, sđd.:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/nang_vmua_p2.htm  

 

 

Bài đã đăng trên điểm mạng toàn cầu Hội Tụ:

 

http://www.giaodiem.com.vn/us-2008/208/2_08txa_b1.htm

 

Trở về trang 11 "Bài mới - sách mới - tin tức mới":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-tinmoi-11

 

________________________________________________________________________________________________

 

Trở về

 

THÔNG BÁO CẬP NHẬT Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update_mucluctrang

 

TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

&

trang mục lục Giao Lưu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket_mucluctrang

(mục lục của mục này -- các trang Giao lưu)

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

(trang 1 Giao lưu)

TRANG "NGÀN WEBs CỦA NGÀN NHÀ":

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/webcacnha

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 

 Ngày đưa trang này lên web: 08-02 HB8 (mùng 2 Tết Nguyên đán Mậu tí HB8)