v.a. Bài phụ của bài 22-Tl.3 - Nguyễn Hoàn: Công tâm hay đề cao mình nhất

 

Công tâm hay đề cao mình nhất và phủ nhận sạch trơn người khác? 

NGUYỄN HOÀN

 

      Sau khi bài bút ký “Nghĩ từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường” của tôi được đưa lên mạng internet, ông Trần Xuân An đã viết bài phản hồi nhan đề “Sự công tâm tối thiểu cần có khi cầm bút” đăng trên Web Hội Nhà văn Việt Nam và Web: Phongdiep.net. Đối chiếu nội dung bài viết của tôi với những điều ông Trần Xuân An phản hồi là không có gì liên quan với nhau cả, ông Trần Xuân An chủ yếu đề cập đến những vấn đề ngoài bài viết của tôi. Lẽ ra, tôi khỏi phải lên tiếng, nhưng vì bài viết của ông Trần Xuân An có những lời lẽ áp đặt, cực đoan, nghi vấn, suy diễn đối với tôi, tự đề cao mình quá đáng, thậm chí đề cao mình bằng “công nghệ” phủ nhận người khác, phủ nhận cả những điều mà Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã công nhận, có thể gây nên sự hiểu lầm tai hại nên tôi cần có đôi điều trao đổi lại cùng bạn đọc.

      *Dẫn nhập: Trở lại với chủ đề bài bút ký

      Bài bút ký của tôi chỉ bàn đến những khía cạnh mà chủ đề xác định của nó hướng đến, do đó, độc giả sẽ không buộc nó phải bàn đến những khía cạnh nằm ngoài chủ đề. Chủ đề mà bài viết của tôi hướng đến đã được nêu rõ trong nhan đề: “Nghĩ từ chuyện giải oan...”. Nghĩa là thông qua chuyện giải oan cho Nguyễn Văn Tường mà suy ngẫm về những kết quả do đổi mới tư duy sử học mang lại, về sức mạnh của ý thức cội nguồn trong huyết mạch của những người Việt cho dẫu đang sống xa xôi ở trời Tây, về việc cần phải tôn tạo, phục chế lại di tích lịch sử quốc gia Tân Sở tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị và gắn việc lưu niệm về Nguyễn Văn Tường với di tích này, vì chính Nguyễn Văn Tường là người thiết kế và chỉ đạo xây dựng thành Tân Sở (1883-1885). Tập trung vào chủ đề đã nêu, bài viết của tôi vì thế không phân tích lại hành trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường, đánh giá ai có công nhiều, công ít, ai có công lao lớn nhất, giải quyết vấn đề giải oan cho Nguyễn Văn Tường “rốt ráo nhất” (theo cách nói của ông Trần Xuân An), việc đánh giá đó thuộc thẩm quyền của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Tôi cũng không đề cập gì đến “quyền sở hữu trí tuệ” của ông Trần Xuân An như ông đã nêu đối với những cuốn sách của ông viết về Nguyễn Văn Tường, vì việc đó không liên quan gì đến chủ đề bài viết. Chủ đề như vậy có “động chạm” gì ông Trần Xuân An đâu, nhưng vì ông Trần Xuân An muốn “vu vạ” cho tôi thì tôi buộc phải nói rõ sự thật.

      *Mượn danh nghĩa “công tâm” để đề cao mình nhất, phủ nhận sạch trơn người khác

      Ông Trần Xuân An “nhắc nhở” người cầm bút phải có “sự công tâm tối thiểu”, vậy bài viết “Sự công tâm tối thiểu của người cầm bút” của ông liệu có được viết với bút pháp công tâm tối đa? Ông Trần Xuân An đã dẫn ra hai tập kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường năm 1996 và năm 2002 rồi phán ra vẻ khách quan: “Đọc kĩ những bài tham luận trong 2 kỉ yếu đó, sẽ thấy ai là người giải quyết rốt ráo nhất về Nguyễn Văn Tường (1824-1886)”. Chữ “ai” phiếm chỉ nhưng trong trường hợp này lại có nghĩa chỉ định, còn “ai” nữa, “ai” đấy chỉ có một Trần Xuân An này thôi, người tự suy tôn mình là người “giải quyết rốt ráo nhất” về Nguyễn Văn Tường. Ông Trần Xuân An còn tự phong cho mình các danh hiệu “người duy nhất”, “của riêng tôi”: “Tôi là người duy nhất đã nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu và viết về đề tài Nguyễn Văn Tường (1824-1886) đến bốn đầu sách (cả 04 đầu sách đều đã xuất bản chính thức bằng sách in giấy)”, “Tôi khẳng định thêm rằng, những kiến giải của tôi về điểm mấu chốt là vai trò Nguyễn Văn Tường (1824-1886) trong cuộc Kinh đô quật khởi, bị thất thủ, và hai tháng sau đó là của riêng tôi”.

      Sự thật, ông Trần Xuân An có phải là người nghiên cứu rốt ráo nhất, toàn diện nhất, người nghiên cứu đầu tiên “mở đường”, người nghiên cứu có tiếng nói quyết định cuối cùng để kết thúc việc giải oan cho Nguyễn Văn Tường không? Câu trả lời chắc chắn là không. Hãy điểm lại hành trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường và những “điểm nhấn” quan trọng mà giới nghiên cứu sử học đạt được sẽ thấy rõ điều này. Ngày 12-11-1991, Trường Cao đẳng Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học lịch sử về “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế cuối thế kỷ XIX”, trong đó có đề cập đến Nguyễn Văn Tường, với sự tham gia của một số nhà nghiên cứu ở thành phố Hồ Chí Minh và Huế. Ngày 20-6-1996, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức Hội nghị khoa học “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”, thu hút được 30 báo cáo khoa học và tham luận của 29 tác giả trong cả nước. Xin nói rõ là tại hai Hội thảo và Hội nghị năm 1991 và 1996 này, ông Trần Xuân An chưa có mặt, chưa tham gia. Kỷ yếu Hội nghị khoa học năm 1996 còn lưu những tham luận giá trị, với nhiều tư liệu quý, có tính chất đặt “nền móng” quan trọng cho việc nghiên cứu Nguyễn Văn Tường mà về sau, các nhà nghiên cứu, viết sách thường kế thừa, trích dẫn, kể cả ông Trần Xuân An. Xin nêu một vài dẫn chứng từ tập Kỷ yếu này.

Bài “Cuộc kháng chiến chống Pháp tiếp tục của nhà nước phong kiến Việt Nam những năm 80 thế kỷ XIX” của giáo sư Nguyễn Văn Kiệm đã dẫn một đoạn do Puginer, giám mục Pháp viết về việc Nguyễn Văn Tường ở lại Huế sau vụ biến kinh thành Huế, nêu rõ hành vi “trá hàng” Pháp của Nguyễn Văn Tường: “Vua Hàm Nghi đi theo Thuyết, còn Phụ chính Tường ở lại, vẫn giữ nguyên chức tước, và sau một thời gian trá hàng, lại tiếp tục có những hành động đối kháng” (1). Bài “Nguyễn Văn Tường trước và sau vụ biến kinh thành Huế 5-7-1885” của PTS Võ Xuân Đàn dẫn lại hai bản dụ của vua Hàm Nghi sau khi đã rời bỏ kinh thành gửi Nguyễn Văn Tường và hoàng tộc, bày tỏ niềm tin tưởng và khen ngợi hết lời dành cho Nguyễn Văn Tường (hai bản dụ này về sau cũng được các nhà nghiên cứu trích dẫn nhiều). PTS Võ Xuân Đàn mạnh dạn khẳng định tên của Nguyễn Văn Tường xứng đáng gắn liền với Tôn Thất Thuyết, hai vị đại thần đứng đầu phe chủ chiến trong triều đình Huế (2). Bài “Tìm hiểu chủ trương của Nguyễn Văn Tường sau cuộc binh biến Ất Dậu (1885)” của giáo sư Đoàn Quang Hưng dẫn lời cáo thị của Khâm sứ Pháp De Champeaux kết tội Nguyễn Văn Tường khi buộc ông phải đi đày: “Văn Tường đã chống cự nước Pháp nhiều năm” (3)…

      Hội nghị khoa học về Nguyễn Văn Tường năm 1996 kết luận Nguyễn Văn Tường là người yêu nước. Tuy nhiên, Hội nghị này còn thiếu nhiều tư liệu lý giải việc Nguyễn Văn Tường “cộng tác” với Pháp 2 tháng sau ngày thất thủ kinh đô là có xuất phát từ động cơ trong sáng hay không, nếu có thêm tư liệu, giới sử học mới yên tâm thực sự trong đánh giá về Nguyễn Văn Tường. Bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và con gái là Trần Nguyễn Từ Vân, những hậu duệ của Nguyễn Văn Tường ở hải ngoại đã nhận lãnh trọng trách bổ sung tư liệu mới về Nguyễn Văn Tường, qua việc sưu tầm tư liệu suốt 7 năm trời tại các trung tâm lưu trữ ở Pháp và Tahiti. Mẹ con bà Oanh đã trình những tư liệu này với Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường do Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Huế (Đại học Huế) và Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức tại thành phố Huế ngày 2-7-2002 (như vậy, mẹ con bà Oanh đã đem về nước những tư liệu này từ năm 2002 chứ không phải là năm 2003, 2004 như ông Trần Xuân An đã viết theo kiểu “đẩy lùi thời gian”). Với Hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường năm 2002 ở Huế tập hợp 15 bản báo cáo khoa học và thông tin tư liệu của 16 tác giả tham gia (trong đó, ông Trần Xuân An có tham gia 1 tham luận), hành trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường xem như đã đạt đến đích.

Về những tư liệu mà mẹ con bà Oanh sưu tầm được, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổng kết Hội thảo khoa học năm 2002 đã khẳng định: “Hội nghị đánh giá rất cao những thông báo mới về mặt tư liệu của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh - hậu duệ của Nguyễn Văn Tường. Những tư liệu này càng củng cố thêm cho những lập luận để có thể giải thích được thời gian hai tháng Nguyễn Văn Tường ở Huế trong khi Tôn Thất Thuyết và Hàm Nghi ở Tân Sở. Để giải quyết được bản chất mối quan hệ giữa Nguyễn Văn Tường và chính quyền thực dân là sự hợp tác hay là một sự phân công “kẻ ở người đi” như dụ của Hàm Nghi gửi cho Nguyễn Văn Tường” (4). Văn bia Nguyễn Văn Tường do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND xã Triệu Phước, Triệu Phong, Quảng Trị tổ chức trao tặng trên quê hương Nguyễn Văn Tường ngày 3-6-2007 đã có những dòng khắc ghi khẳng định giá trị của những tư liệu do mẹ con bà Oanh sưu tầm được ở Pháp và Tahiti trong việc làm sáng tỏ những uẩn khúc khó giải trong cuộc đời Nguyễn Văn Tường.

Vậy mà ông Trần Xuân An lại dám bất chấp sự thật, bất chấp những căn cứ đã được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, tìm cách phủ nhận sạch trơn tư liệu quý về Nguyễn Văn Tường ở Pháp và Tahiti: “Tôi khẳng định là tôi không cần đến tư liệu chưa được chứng thực ở Pháp mà Từ Vân và bà Oanh tìm kiếm, đem về nước vào năm 2003, 2004 (sau khi tôi đã hoàn tất cả bốn đầu sách), mặc dù cuốn sách nào của tôi, tôi cũng liệt kê thêm cho đầy đủ sự đóng góp tìm kiếm tư liệu này (và tên tuổi các nhà sử học có tham luận). Số tư liệu ấy chỉ có giá trị bổ trợ, nếu chúng đã được chứng thực, giám định khoa học thực nghiệm. Cường điệu, quan trọng hóa quá đáng về số tư liệu này là có dụng ý không trong sáng, là rơi vào bẫy chịu lệ thuộc cựu thù thực dân”, “Nếu chúng ta không xác định được tư liệu chuẩn cứ, chỉ trông mong vào tư liệu của phía Pháp (hoặc các nguồn tư liệu “vô bằng cớ” khác), chúng ta sẽ luôn bị động, dao động, hoang mang, bị giật dây như những con rối”.

 Những tư liệu mà mẹ con bà Oanh sưu tầm được ở Pháp và Tahiti đã được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thẩm định, cho công bố và chính ông Trần Xuân An cũng đã sử dụng trong khi viết sách nên không có gì phải bàn cãi nữa. Điều cần nói ở đây là để giải oan cho Nguyễn Văn Tường, phương pháp làm việc của giới sử học Việt Nam như PGS TS Đỗ Bang đã nêu là “hình thành một nhóm sưu tầm tư liệu về Nguyễn Văn Tường một cách toàn diện, trên nhiều địa phương ở trong và ngoài nước, nhiều cơ quan lưu trữ với nhiều loại hình tư liệu” (5). Như vậy, để giải oan cho Nguyễn Văn Tường, giới sử học đã phải nghiên cứu, đối chiếu rất nhiều nguồn tư liệu, chứ đâu phải “chỉ trông mong vào tư liệu phía Pháp”, và “rơi vào bẫy chịu lệ thuộc cựu thù thực dân” như ông Trần Xuân An đã nêu theo kiểu “bài ngoại”. Ơ hay, không chỉ nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường, lâu nay, nghiên cứu về những nhân vật lịch sử lớn như Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh, giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam vẫn phải dựa vào những tư liệu ở Pháp để đánh giá kia mà?

Ở đây, ông Trần Xuân An muốn tự đề cao “tư liệu của mình”, đề cao các kiến giải của mình nhất nên đã phủ nhận sạch trơn tư liệu của người khác, theo kiểu “hạ thấp người để tôn mình lên”, “mục hạ vô nhân” (dưới mắt mình không có ai khác). Nhưng tôi thấy không cần phải góp ý, phê bình gì ông Trần Xuân An ở mặt này nữa vì chính ông cũng đã thấy được sự tai hại và hậu quả của cách làm nói trên của ông, khi ông nhận ra ông đang ở trong “tình huống buộc phải đụng chạm, làm rạn vỡ những quan hệ tốt đẹp giữa tôi và một số nhà nghiên cứu sử học tên tuổi, giữa tôi và những người bà con, tuy ít hoặc không thân mật, nhưng có chung một huyết thống dòng tộc”, “Ngoài phạm vi giới nghiên cứu ra, chứng minh quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân tôi là một việc tuy cần thiết nhưng cũng có thể là khá buồn cười, thậm chí là nhỏ mọn, là tệ hại, đau lòng, khác nào làm diễn ra cảnh “lục súc tranh công” trong quan hệ bà con, chung cội rễ, huyết thống…”.

      Đối với việc ông Trần Xuân An tự cho mình là người “duy nhất đã nghiên cứu toàn diện”, “giải quyết rốt ráo nhất” về Nguyễn Văn Tường, về những kiến giải mấu chốt về Nguyễn Văn Tường là “của riêng tôi” v.v...xin hãy để cho giới sử học phân định mới chính xác, khách quan, tránh sa vào chủ quan, tự phụ. Hoặc bạn đọc đọc kỹ các tập kỷ yếu hội thảo về Nguyễn Văn Tường và có liên quan đến Nguyễn Văn Tường sẽ rõ vấn đề. Ở đây, chỉ xin đề cập đến một trường hợp xử lý tư liệu vào loại “hóc búa”, góp phần “giải quyết rốt ráo” về Nguyễn Văn Tường mà chính Trần Xuân An đã phải dẫn lại khi viết về Nguyễn Văn Tường. Chúng ta biết rằng, ngoài dụ Cần Vương (thật) của vua Hàm Nghi ban hành từ Tân Sở ngày 13-7-1885 ra, nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc (Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh) từ lâu đã lưu tâm, băn khoăn về cái gọi là Chiếu Cần Vương 2 đề ngày 11 tháng 8 Ất Dậu (19-9-1885) với lời lẽ mạt sát Nguyễn Văn Tường thậm tệ mà Gosselin dẫn ra trong cuốn sách “Le Laos et le protectorat francais”, Paris, 1900, trang 320. Tại Hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường năm 2002, nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc đã đi đến khẳng định cái gọi là Chiếu Cần Vương 2 trong sách của Gosselin là tư liệu không xác thực.

Đóng góp này của ông Trần Viết Ngạc được nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá là “đặc biệt” khi tổng kết Hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường năm 2002: “Đặc biệt chúng ta muốn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải khẳng định, thẩm định được một trong những tài liệu góp phần làm cho hình ảnh Nguyễn Văn Tường như là một nhân vật tiêu cực, đó là văn bản được gọi là chiếu hay dụ Cần Vương lần thứ hai. Tại cuộc hội thảo này, những người tham gia chia sẻ với ý kiến của một số tác giả đã khẳng định văn bản này là sự nguỵ tạo của Gosselin. Có những yếu tố để khẳng định đây là văn bản không có thực trong lịch sử và chính văn bản này là cơ sở về mặt tư liệu cho những đánh giá Nguyễn Văn Tường như là một nhân vật phản bội lại lý tưởng và đường lối của phe chủ chiến trong triều đình” (6). Đọc đến đây, chắc bạn đọc đã quá rõ những nội dung mấu chốt trong vấn đề giải oan cho Nguyễn Văn Tường mà Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổng kết rồi phải không.

      *Quyền sở hữu trí tuệ: Ai xâm phạm đâu mà phải “lên tiếng”

      Ông Trần Xuân An có nói đến chuyện tôi “cố tình quên lãng” bốn đầu sách của ông viết về Nguyễn Văn Tường và chuyện phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của ông đối với 4 đầu sách đó: “Một lẽ khác, cũng thường tình thôi, là tôi bất bình khi không chỉ một lần Nguyễn Hoàn cố tình quên lãng bốn đầu sách chuyên đề về Nguyễn Văn Tường (1824-1886) do tôi nghiên cứu, biên khảo, viết và xuất bản...Nhưng cái chính, cốt lõi trong sự bất bình ấy lại chính là âu lo công trình của bản thân sẽ bị vô hiệu hóa về quyền sở hữu trí tuệ. Một công trình đầu tiên và duy nhất đến bốn đầu sách khoảng 2.200 trang với chuyên đề về Nguyễn Văn Tường (1824-1886) nhưng trong lễ giải oan cho ông lại không được nhắc tới, hẳn là có dụng ý sâu xa nào đó về lâu về dài”, “Tôi cũng phải lên tiếng, để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chính đáng của bản thân tôi thể hiện trong bốn đầu sách và những bài viết sau đó (2005-2008) tôi viết về đề tài Nguyễn Văn Tường (1824-1886); và cho những tác phẩm thuộc các thể tài khác của tôi”.

Chuyện “sách vở” này của ông Trần Xuân An hoàn toàn không liên quan gì đến tôi nhưng ông Trần Xuân An đã nêu ra, tôi xin thưa lại cùng bạn đọc thế này: Ông Trần Xuân An không thể buộc tôi hay bất kỳ bạn đọc nào phải đọc sách của ông được, còn nếu sách của ông thuộc loại “hữu xạ tự nhiên hương” thì bạn đọc tự khắc sẽ tìm đọc mà không cần ai quảng cáo. Cần nhấn mạnh ở đây rằng, bốn đầu sách của ông Trần Xuân An viết về Nguyễn Văn Tường theo ông cho biết là được xuất bản qua các năm 2004, 2006 và 2008. Như vậy, số sách này xuất bản khá muộn hơn so với thời điểm năm 2002, năm mà Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam “đánh dấu” hành trình giải oan cho Nguyễn Văn Tường đã về đích. Ông Trần Xuân An không thể lấy chuyện ông viết nhiều sách về Nguyễn Văn Tường (xuất bản sau khi việc giải oan cho Nguyễn Văn Tường đã giải quyết xong) mà quả quyết rằng những kiến giải mấu chốt minh oan cho Nguyễn Văn Tường là của riêng mình ông được. Chuyện giới sử học giải oan cho Nguyễn Văn Tường và chuyện các đầu sách của ông Trần Xuân An được xuất bản sau khi Nguyễn Văn Tường đã được giải oan là hai chuyện khác nhau, không thể đánh đồng được, đánh đồng là ngộ nhận. Ông cũng đừng nên ngộ nhận về chuyện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đừng suy diễn gì về “mưu kế li gián”, “lập thế (tạo bẫy)” ở đây cả.

Trong khoa học, học thuật không có chỗ cho sự ngộ nhận và suy diễn. Sách của ông đã được xuất bản thì mặc nhiên nó có quyền sở hữu trí tuệ, có ai xâm phạm đâu mà ông “lên tiếng”. Nếu ông muốn sách của ông cũng được lưu danh thiên cổ như Nguyễn Văn Tường thì hãy để cho bạn đọc và thời gian phán xét, cần gì phải tự đề cao mình nhất, phủ nhận sạch trơn người khác. Ông muốn “răn dạy” người khác về chữ công tâm, trước hết ông phải tự soi lại cái Tâm của mình đã.  

 

NGUYỄN HOÀN

 

1) Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, 20-6-1996, tr. 14.

(2) Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 118.

(3) Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 103.

(4) PGS TS Đỗ Bang (chủ biên), Nguyễn Văn Tường (1824-1886) cuộc đời và lời giải, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2007, tr. 242, 243.

(5) PGS TS Đỗ Bang (chủ biên), Sđd, Hà Nội, 2007, tr. 15.

(6) PGS TS Đỗ Bang (chủ biên), Sđd, Hà Nội, 2007, tr. 242.

Bản gửi Phongdiep.net 

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE