38. Trần Xuân An - Căn nguyên sự hủy hoại nhân tính (trong "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư)

 

CĂN NGUYÊN SỰ HỦY HOẠI NHÂN TÍNH

(trong “Cánh đồng bất tận”,

truyện vừa của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư)

 

Trần Xuân An

 

(26-12 HB11)

 

Đã gửi đăng trên báo chí

 

 

CĂN NGUYÊN SỰ HUỶ HOẠI NHÂN TÍNH

(trong “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư)

 

Trần Xuân An

 

Truyện vừa “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư làm dậy lên tiếng vang đã khá lâu. Không những trên báo chí văn chương và thời sự, nó còn được trao các giải thưởng lớn, lại được dựng thành phim, và những ngày bắt đầu công chiếu cũng thật rầm rộ. Đối với riêng tôi, văn bản truyện vừa này đã hai lần khiến tôi phải tìm đọc. Lần thứ nhất, đọc xong, thấy ghê gớm quá, nên tôi tìm những tác phẩm của các tác giả khác. Lần thứ hai, văn bản tôi đọc không phải trên báo, mà là cuốn sách con tôi mua về (1). Lần đọc này, tôi nghĩ nên viết lại những cảm nghĩ của mình.

 

Ngay trong những dòng đề từ, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã trích dẫn một đoạn luận giải Phật pháp về cách thức “hạn chế sân hận, trải rộng tình thương”, và bảo rằng, khi bị lâm vào cảnh phải giận dữ, thù hận, không thể lặng im, bất động, không thể không nghĩ tới kẻ gây nên sân hận cho mình, rồi Nguyễn Ngọc Tư cảm thán: “Đạt đạo mới khó làm sao”!

 

Trong khoảng năm mươi trang sách, nhân vật người cha (chỉ một lần được gọi tên là Út Vũ) chắc hẳn ở độ tuổi mới bước vào trung niên, hiện ra càng lúc càng rõ nét. Ở người cha này, nổi bật nhất vẫn là căm hận.

 

Bằng thủ pháp theo lời kể của Nương, con gái của chính Út Vũ, Nguyễn Ngọc Tư sắp xếp mạch chuyện ở thì hiện tại gồm hai phân đoạn đầu và hai phân đoạn cuối; bốn phân đoạn giữa lại ở thì quá khứ. Trong tám phân đoạn được nhà văn đánh số hẳn hoi: quá khứ soi rọi hiện tại, hiện tại chính là hệ quả của quá khứ ấy. Một phần khá lớn các tình tiết ở các thời đoạn đều nhằm khắc hoạ tính cách của Út Vũ.

 

Út Vũ, theo câu chuyện của cô bé Nương, được gọi là “cha tôi”. “Cha tôi” vốn là một chàng trai hẳn như bao chàng trai khác ở miền đồng bằng có nhiều dòng sông và chằng chịt kênh rạch. Cha tôi gặp mẹ tôi, thuở bấy giờ, còn là một cô gái trẻ. Đó là khi mẹ tôi đang ngồi khóc bên bờ sông. Và ông đã đưa mẹ về xóm ấp của mình, cũng trên một bờ sông. Hai người thành gia thất, sinh ra tôi và “thằng Điền”, em tôi. Cha tôi lo làm thợ mộc và chăn vịt, thường đi xa để dựng nhà, đóng bàn ghế cho thiên hạ hay lùa vịt đi ăn dăm ngày mới về một lần. Mẹ ở nhà chăm sóc hai đứa tôi. Nhà nghèo. Nhưng mẹ lại thích se sua lụa vải. Mẹ bán thân cho tên chủ ghe bán dạo vải vóc. Hai đứa tôi thấy được. Và mẹ bỏ đi, khi biết “chúng tôi” đã thấy sự thể ô nhục đó. Cha tôi khi đang dựng nhà, nghe tin, ông quay về, căm hận nhưng cố nén lại. Cha tôi đốt hết áo quần của mẹ, và đốt cả nhà, đưa hai đứa chúng tôi xuống ghe, sống đời du mục với nguồn vốn là bầy vịt đẻ...

 

Đó chính là bước ngoặt cuộc đời của Út Vũ và của hai đứa trẻ. Út Vũ lầm lì, ít nói, cộc cằn, thường cười gằn. Theo lời con gái Út Vũ, anh ta căm hận vợ mình, nên cũng thường đánh hai con, vì chúng là hình ảnh của mẹ chúng, mặc dù cũng thương yêu chúng một cách khá lạnh lùng. Căm hận vợ, nhưng Út Vũ không hề thắc mắc đến nguồn gốc xuất thân của vợ, vốn là một cô gái trẻ theo Út Vũ làm vợ, không cưới hỏi. Đến với anh không cưới hỏi, bỏ anh đi lại như thế đó! Út Vũ cũng không truy tìm vợ, sau khi vợ bỏ trốn, để phục hận, giả định như anh ta muốn phục hận. Cũng không thấy Út Vũ tìm kẻ đã quyến rũ vợ mình bán thân bằng vải vóc, để trả thù, giả định như anh ta muốn trả thù. Căm giận, hận thù, có đối tượng, nhưng Út Vũ lại trút căm hận vào hai đứa con! Và trên những dòng sông, dòng kênh du mục, trải qua rất nhiều lần Út Vũ trút căm hận vào những cô gái, đàn bà yêu Út Vũ, bỏ nhà, bỏ con để quyết theo anh. Theo lời Nương kể, suốt cả phân đoạn 5: Trong số các cô gái, đàn bà đó, vụ người đàn bà trẻ có gia sản đáng kể, có con xinh, quyết bỏ hết theo “cha tôi”, “cha tôi” chấp nhận, hẹn cô ta ở bến sông, nhưng đến khi cô ta đến, ông chở đi một đoạn rồi lại lừa cô ta lên bờ để bỏ rơi. Vụ này, có lẽ ấn tượng nhất hay chỉ là một ví dụ điển hình. Út Vũ cảm thấy hả hê với những lần bỏ rơi như vậy. Đó là phục hận, trả thù ư? Vả lại, lẽ nào Út Vũ không biết mình đang sống trong xã hội pháp quyền, và Út Vũ có thể nộp đơn đưa cả vợ lẫn kẻ bán vải kia ra toà về tội người vợ ngoại tình, gã đàn ông quyến rũ vợ người khác (thậm chí gạ gẫm vợ người khác để mua dâm – điều mà Út Vũ lẫn xóm giềng cũng không ngờ)? Toà án sẽ trừng phạt họ thay Út Vũ! Tác giả Nguyễn Ngọc Tư không lí giải. Người đọc chắc hẳn tự nhủ rằng, Út Vũ không tìm vợ, tìm kẻ mua dâm vợ để trả thù, phục hận, mà lại nhắm đến cả giới phụ nữ, trẻ con, hay bao quát hơn, Út Vũ trả thù đời bởi “hận đời đen bạc” – dòng chữ thường thấy nhiều người xăm trên cẳng tay! Anh ta thù hận cả loài người và cả trái đất này! Phải chăng là vậy? Tôi nghĩ, thực ra, Út Vũ lo làm lụng nuôi con, tuy cũng có đánh con, nhưng cũng chỉ đánh nhẹ tay, không đến nỗi gọi đó là đòn thù, đòn hận. Lắm khi, đó chỉ là biểu hiện của sự cộc cằn (có thể giấc ngủ không ngon...), vốn là hệ quả của chấn thương tâm lí. Cái chính là Út Vũ thích thú, hả hê khi bỏ rơi những người đàn bà con gái mê say Út Vũ, bỏ nhà, bỏ tất cả để quyết theo anh. Ở khía cạnh này, tôi nghĩ, cũng chỉ là một cách Út Vũ xoa dịu sự tổn thương lòng tự ái bị vợ bỏ, và động cơ chủ yếu là để trừng phạt, răn dạy những cô gái, đàn bà nhẹ dạ theo trai. Cũng cần nói thêm: Có thể Út Vũ cứ nghĩ vợ mình đúng như lời người quen kẻ biết nói, “bỏ nhà theo trai” (tr. 172), trong khi theo cô bé Nương, chỉ vì mẹ mình có thói ham mê vật chất, cụ thể là se sua áo quần. Thậm chí, trong phút đau đớn, nhục nhã nhất của đời mình ở cuối truyện, Nương cũng nghĩ thế: “kí ức ùa về kinh hãi, vẻ mặt má tôi cái hôm bị người đàn ông bán vải đo lên người hình như không phải là khoái lạc thăng hoa, nó giống như tôi bây giờ, đau ràn rụa, nhói tận chân tóc...” (tr. 212). Cũng có nghĩa là bị hiếp dâm, nhưng bất động chịu trận? Nhưng dẫu bán dâm lấy vải hay bởi lí do khó tin là hiếp dâm, bất động chịu trận, thì trong tâm thức của Út Vũ, vợ anh vẫn là “bỏ nhà theo trai”, và anh trừng phạt, răn dạy các cô gái, đàn bà nhẹ dạ theo anh cũng chỉ với động cơ này.

 

Thật ra, tình huống chính của truyện vừa “Cánh đồng bất tận” là lúc xuất hiện nhân vật thứ tư và suốt thời gian nhân vật thứ tư này có mặt trên chiếc ghe của ba cha con. Nguyễn Ngọc Tư đã mở đầu truyện bằng cảnh cô gái ăn sương bị một nhóm người, trong đó có vợ của một kẻ đã bị cô gái ăn sương này “rù quến”, tiêu phí ăn nhậu và trả tiền mua dâm đến một triệu hai, trên tổng số hai triệu đồng xoá đói giảm nghèo mới nhận được! Kết thúc tình huống truyện là lúc cô nàng bỏ đi.

 

Trong văn bản truyện, cô gái ăn sương này không thấy có tên, mặc dù cô nàng hiện diện đúng nghĩa là một hình tượng nhân vật với tất cả chiều kích tính cách của mình. Đây là một hình tượng được mạnh dạn khắc hoạ gần với các thông tin trên báo chí. Tuy nhiên, cô gái ăn sương của Nguyễn Ngọc Tư vẫn đậm chất văn chương và khá độc đáo... Nói như thế, thật ra không mâu thuẫn, mặc dù báo chí vẫn viết theo cách của báo chí, trong khi đó, các nhà văn ở nước ta vẫn bị ám ảnh bởi hình tượng Thuý Kiều của Nguyễn Du với chủ nghĩa nhân đạo của ông. Nhưng Thuý Kiều lại là người tài hoa bạc mệnh, bán mình chuộc cha, và luôn luôn tủi nhục về thân phận của mình, đã hai lần tự tử và ít ra cũng năm, sáu lần có ý định tự tử. Không phải cô gái ăn sương nào cũng thuộc diện quý hiếm này. Ngoài ra, còn nhiều bài thơ, tiểu thuyết lừng danh trong nước viết về họ, như thơ Phan Văn Dật, Xuân Diệu, Tố Hữu, Trang Thế Hy (*)… chưa kể văn chương nước ngoài, như Trà Hoa Nữ (A. Dumas), thuộc trào lưu lãng mạn, hay xuất phát từ ảo tưởng chủ quan một cách chân thành... Và không phải các nhà văn chương không biết quan điểm của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, rồi cách luận giải của Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu) về Kiều của Nguyễn Du, quan điểm của Nhất Linh, Khái Hưng về nhân vật Tuyết trong “Đời mưa gió” cũng đã bị phê phán một thời. Vì vậy, các nhà văn, thi sĩ thường nghiêng về phía thương cảm, sẻ chia, quy lỗi cho xã hội cũ hay đổ tại hoàn cảnh riêng. Tôi nói Nguyễn Ngọc Tư mạnh dạn bởi cô lại viết về cô gái ăn sương với bản chất đĩ của cô ta: “Chị cần nhiều hơn, nhiều hơn, nhiều khủng khiếp, tưởng như chị có thể ngốn ngấu, bào mòn tất cả đàn ông trên thế gian này. Lúc đầu là kiếm sống, nhưng lâu dần, sự chung đụng của thể xác làm chị nghiện” (tr. 200). Đó gần như là nhận định khái quát gần cuối truyện của Nương. Nhưng ngay từ đầu, sau dăm hôm, kể từ khi hai chị em chống thuyền ra xa, để nhóm người đuổi đánh cô gái ăn sương không bắt được cô ta lại, tiếp tục đánh đập, Nương đã trực nhận ra, khi cô ta nói: “... ‘Ba mấy cưng đẹp trai dễ sợ...’. Vì lẽ đó? Có phải vì cha mà chị ở lại với chúng tôi, trên một cánh đồng vắng ngắt. Những vết thương đã lành rất mau. Chị cười, bị đánh hoài riết cũng quen. Tôi hỏi chị làm gì để bị đánh. Chị cười, ‘Làm đĩ’. Rồi có lẽ chị áy náy vì quá sỗ sàng với chúng tôi, chị vò đầu Điền ‘Chắc mấy cưng không biết đâu’...” (tr. 160). Đó là lúc hai đứa trẻ ở bình diện thì hiện tại của câu chuyện, cũng đã lớn, tuổi mười bảy và trên mười bảy, tuy còn hoang dã và ngờ nghệch vì hoàn cảnh sống! Thế rồi, với lòng bao dung một cách tự nhiên, và do người cha đang độc thân, lại có một người phụ nữ trong gia đình, nên một tình cảm gì đó nẩy sinh trong lòng chúng như là tình cảm của hai đứa con đối với mẹ. Nhưng dần dần, chúng lại nhận ra: “Mắt chị nhìn cha đầy khiêu khích, ‘Cuộc đeo đuổi vẫn còn dài, cưng à...’. Chị đổ lì. Chị tìm mọi cách để sà vào cha” (tr. 164). Có lẽ chi tiết kinh tởm nhất là khi đã lén đến chòi của người cha, quyến rủ ăn nằm, rồi lại ngay trưa hôm sau, lúc cùng hai đứa con tắm sông, cô gái ăn sương này lại giở trò với đứa con trai của người cha ấy, trước mặt đứa con gái, nhưng cô ta bị hụt hẫng! Một chi tiết khác: Cô gái ăn sương này dám bán dâm công khai cho hai nhân viên phụ trách việc kiểm dịch cúm gia cầm, khi tính đem cả bầy vịt của gia đình Út Vũ đem đi tiêu huỷ, để hai tên kia tha cho đàn vịt ấy. Cô ta tưởng như vậy là đã cứu cả gia đình ba cha con Út Vũ. Thật ra, cô ta không thể hiểu nổi một điều sơ đẳng, rằng, chẳng có người đàn ông nào cam chịu như thế, mà chỉ khinh bỉ cô ta thêm mà thôi. Điều gì khiến cô ta không hiểu nổi? Chỉ vì cô ta làm đĩ đến tận bản chất, xem mua dâm bán dâm là quá bình thường chăng? Chút nhân tính còn lại ở cô ta là lúc “cha tôi cười, hơi giễu cợt, ‘Sao, hồi tối vui không? Chắc họ tưởng cô là vợ tôi nên hứng thú lắm hả? Cứ để họ nghĩ vậy...’. Chị ngó trân vào cha, rồi day qua tôi, chị để rớt từng lời: ‘Má cưng ác một, nhưng người cha này của cưng ác tới mười’...” (tr. 204). Đó là khi cô gái ăn sương nghĩ sự hi sinh (quái dị!) của mình bị phản bội, bị thờ ơ và bị giễu cợt. Đây là một hình tượng sống động, với mục đích phê phán, nên không có gì thơ mộng hoá cả.

  

 

Nguồn ảnh: Google & Bing – MSN search

 

 

 

Hai đứa trẻ, thật ra, cũng đã mười bảy, mười tám cả rồi, nhưng chúng sống du mục trên sông nước và các bãi hoang, thỉnh thoảng có dừng thuyền ở một xóm làng nào đó để đổi chác tôm cá lấy hàng hoá cần dùng hay đến các chợ bán trứng vịt, nên chúng không bình thường. Đây là hậu quả của cha mẹ gây ra. Má đã thế, cha lại ra thế! Đặc biệt, Điền, đứa con trai, từ tình cảm đối với cô gái ăn sương ban đầu rất trong sáng (từng căm thù tình dục, thậm chí Điền đã đánh đôi chó đang giao hoan với ý thức đó), Điền vốn có cảm tưởng cô ta như là mẹ, rồi dần dà về sau, nhất là từ khi đã bị cô gái ăn sương đánh thức bản năng tình dục, nên Điền cũng thầm có tình cảm nam nữ với cô gái đĩ ấy (một thứ tình cảm bệnh hoạn, vì không còn ai khác!). Chính về sau, Điền đã bỏ cha, bỏ chị gái để chạy theo cô ta, nhưng không ai biết Điền đi về đâu, có gặp cô ta hay không, có bị tai nạn gì với đám trai làng trong kia hay không... Và ở Nương, sau khi cha mình bị bọn côn đồ cướp vịt đánh tả tơi, Nương lại thấy trong mình có một cảm xúc quái dị, bất hiếu: “Sẽ không ra gì nếu một đứa con gái tỏ ra mừng rỡ khi cha nó bị đánh tả tơi, nhưng rõ ràng cha tôi đang thay đổi, đang sống lại những cảm xúc bình thường nhất. Tôi thích ông như thế này”! (tr. 209). Đó là “bình thường” của bất bình thường! Hay bởi người cha của Nương trước đây kiêu hãnh quá, tàn nhẫn quá, mà Nương không hiểu đó là hệ quả của sự chấn thương tâm lí? Thật không thể hiểu nổi mạch tâm trạng này, vì đó là một trạng thái tâm lí bất bình thường của một cô gái lớn lên trong hoang dã. Và ngay cả khi Nương bị bọn côn đồ kia hãm hiếp cũng thế, cô nghĩ mình như món hàng bọn kia đã định giá, thậm chí, cô hầu như cam chịu: “... Và món hàng bị ghì ngửa trên mặt ruộng bì bõm nước. [...] Ngoái nhìn về phía cha và thấy ông lầm lũi đằng xa, tôi mong ông đừng quay mặt lại. Sau đó thử chống cự một lần, rồi thôi, sự vùng vẫy chỉ kích thích lòng ham muốn. Tôi không muốn bị đè nghiến, bị vùi nghẽn trong bùn. Bọn chúng hơi khó chịu trước một đứa con gái yếu ớt và câm lặng...”. Nhưng chúng vẫn không buông tha cô gái, chúng thực hiện tận cùng hành vi đồi bại, thú tính. Thật ra, Nương cũng có lập luận theo kiểu “thắng lợi tinh thần”: “Chúng mày có lột bỏ cả trăm cả ngàn, tầng tầng lớp lớp những vỏ bọc, cũng chẳng bao giờ thấu đến tận tao”... “Vậy thì, cha ơi, quay lại làm gì...” (tr. 211), nghĩa là tâm hồn của Nương vẫn trinh nguyên! Không cần giải cứu! Thật kì quặc!

 

Phải chăng đó là cách ứng xử bất bạo động trước bọn người thú vật đang bạo hành? Không, không thể hạ giá phương thức đấu tranh bất bạo động như thế. Không thể hiểu sai những dòng trích luận giải Phật pháp ở phần đề từ: “Khi nào bạn bực tức, giận dữ, hãy bất động! Ngay tại đó! Đừng cử động! Đừng làm gì cả! Đừng nói gì, dù chỉ một lời... [...] ... Tuyệt đối không biết gì đến kẻ hoặc sự việc làm cho mình giận dữ” (tr. 154). Ai cũng biết mỗi câu văn đều có văn cảnh nhất định. Ai cũng biết mọi phương thức đấu tranh hay cách ứng xử thông thường ở đời phải tuỳ vào bối cảnh, tuỳ vào sự việc. Nếu mở rộng ra: Về quân sự, Phật giáo nước ta chẳng phải đã đánh giặc Tống, Mông – Nguyên bằng vũ lực – gươm đao, binh pháp – đó sao? Phải chăng chính tinh thần Phật giáo Việt Nam tích cực này cũng thể hiện trong lĩnh vực khí tiết, tiết hạnh? Trong thực tế, và cụ thể trong trường hợp như Nương, cũng đã có bao người liệt nữ nghìn thu ca ngợi vì biết tự chống lại, tự bảo vệ trinh tiết (2). Hay ít ra, cũng đề cao những người nữ khản giọng kêu cứu, quyết chống lại đến cùng, trước khi thúc thủ. Chính Nguyễn Ngọc Tư cũng thú nhận “Tôi hiểu biết về Phật giáo không nhiều...”, đồng thời thể hiện quan điểm của mình ở phần đề từ, dẫn truyện: “Trời ơi, mình giận muốn chết, muốn gào thét, muốn cào cấu... [...] ... mà không cho mình nhúc nhích...” (tr. 154).

 

Một hướng tiếp cận khác về tình huống và tâm thế này của Nương: Có thể từ nhiều năm qua, Nương suy nghĩ về trường hợp của mẹ, cố ý lí giải lệch đi, để biện minh cho mẹ. Và ý nghĩ đó đọng lại trong vô thức, ý thức của Nương, đến lúc này, bất giác chi phối Nương, khiến Nương cũng bất động, chịu trận như mẹ: “kí ức ùa về kinh hãi, vẻ mặt má tôi cái hôm bị người đàn ông bán vải đo lên người hình như không phải là khoái lạc thăng hoa, nó giống như tôi bây giờ, đau ràn rụa, nhói tận chân tóc...” (tr. 212). Tâm thế này còn bị chi phối bởi bản năng sống, thứ bản năng thường lấn át bản năng tự bảo vệ trinh tiết.

 

Và cũng ngạc nhiên biết bao, khi cuối truyện, tác giả lại xuất hiện, thay lời Nương kể chuyện, để kết thúc bằng mệnh đề: “là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn” (tr. 213). Tôi ngẫm nghĩ và thầm hỏi, sao tác giả không quy trách cho người lớn, không khuyến nghị người lớn những điều cần khuyến nghị, để trẻ con được hạnh phúc, trưởng thành trong văn hoá, ít ra là văn hoá dân gian đậm tính giáo dục nghìn đời của xóm làng (và dĩ nhiên, cả văn hoá trong những mái trường quê, dù còn tranh tre nứa lá)?

 

Tôi tạm gọi hai thì kể chuyện trong truyện vừa “Cánh đồng bất tận” là bình diện hiện tại và bình diện quá khứ. Và tôi cũng nghĩ, chính bình diện hiện tại đã lấn át bình diện quá khứ. Trong bình diện quá khứ, nổi bật lên sự trừng phạt, răn dạy hơi dã man, tàn nhẫn nhưng có ý nghĩa tích cực đối với loại đàn bà con gái bỏ nhà, bỏ chồng con theo trai. Trong bình diện hiện tại, cái bản năng tình dục của Út Vũ, của Điền, của cô gái ăn sương, nói chung, và bản chất người đã bị tha hoá của cô gái làm đĩ ấy lại nổi lên quá kinh sợ. Chính sự lấn át này, tuy phù hợp với kết cấu của truyện (quá khứ được hồi ức nhằm làm rõ hiện tại), nhưng giá trị, tác dụng của truyện ngắn đối với người đọc lại giảm. Một điểm nữa, cũng cần nêu dấu hỏi: Phải chăng nhà văn Nguyễn Ngọc Tư muốn tạo nên một “công án” về Phật pháp để người đọc suy ngẫm? Nếu như vậy, người đọc phải thuộc bậc thượng thừa.

 

Dẫu sao, “Cánh đồng bất tận” vẫn là một truyện vừa có nhiều khía cạnh buộc người đọc phải suy ngẫm. Văn bản truyện không có những điểm thơ mộng hoá thân phận, cảnh huống cô gái ăn sương (như tắm ở ao rau muống, chứ không phải ao sen!), cũng không có những trường đoạn đặc tả hành vi tình dục (nay thường được gọi là “cảnh nóng”!). Đó là một ưu điểm. Ưu điểm khác, ấy là giọng văn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Mặc dù có một số từ hơi ngồ ngộ, tuồng như dân gian quen dùng sai nghĩa, nhưng đâu đáng kể gì. Chất văn của Nguyễn Ngọc Tư biểu hiện một tài năng văn chương.

 

TXA.

03:07 – 09:49, 26-12 HB11

09:46, 27-12 HB11

__________________

 

(1) Nguyễn Ngọc Tư, “Cánh đồng bất tận”, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng ASEAN, Nxb. Trẻ, 2010, tr. 154-213.

 

(2) Đơn cử: Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam liệt truyện”, Bản dịch Viện Sử học, 4 tập, Nxb. Thuận Hoá, 1992 - 1993. Quan điểm tam giáo đồng nguyên (Nho Phật Lão cùng một nguồn đạo, cụ thể là đạo lí) thể hiện rõ ở “Liệt truyện”: “Liệt truyện” tôn vinh các liệt nữ, các tấm gương hiếu nghĩa, cao tăng, ẩn sĩ, dật sĩ cùng với các nhà nho nhập thế, làm quan có công trạng (theo quan điểm của triều Nguyễn)... Ở đây, tôi nhấn mạnh đến các liệt nữ ngày xưa.

 

 

(*) Chú thích bổ sung ở ngoài bài:

 

Bài thơ Đắng và ngọt(nhan đề khác: “Cuộc đời”), theo thông tin gần đây, là của nhà văn Trang Thế Hy (bút hiệu khác: Minh Phẩm). Trước 1975, khi nhạc sĩ Pham Duy phổ nhạc, cũng bài thơ ấy, nhưng lại đổi nhan đề là Quán bên đường, không ghi tên hay bút danh tác giả, chỉ ghi là Khuyết danh. Vụ việc này khá rắc rối là vì vậy, và cũng vì nhân chứng (nhà văn Bình Nguyên Lộc) đã chết. Do đó, cho đến nay, có người xếp vào loại tồn nghi.

 

Hiện nay, cũng có những kẻ gây nhiễu, nhằm mục đích xấu trước mắt và về sau.

 

Đây là một trường hợp chúng ta nên rút kinh nghiệm: tên tác giả (cùng với vài nét tiểu sử, ảnh, video…) luôn luôn gắn liền với tác phẩm (in ở sách; báo chí có giới thiệu tác giả; ở điểm mạng [webblog, website…]…).

 

 

Bài viết đã được tác giả chỉnh sửa, bổ sung một ít chữ,

nhưng nội dung không có gì thay đổi (28-12 HB11) 

 

 

 

 

 

 Bấm vào đây để xem

 

 

 

 

 

 

 

 

____________________________

 

 

   

CÁC BÀI MỚI VIẾT - 2

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-2 

  

TRẦN XUÂN AN

ĐÃ TỰ SẮP XẾP LẠI THÀNH HAI ĐẦU SÁCH MỚI

(nhân sinh nhật, lần thứ 55, kể từ ngày chào đời: 10-11-1956 ---

tính theo tuổi ta, lần thứ 56, kể từ ngày 08-10 Bính Thân):

Z.(29). Ngẫm nghĩ khi đọc văn chương

Z.(30). Hát mộc với biển đảo và những bài thơ khác

 

 Mặc dù vậy, tác giả vẫn tiếp tục bổ sung bài mới viết ở trang này, kể từ ngày 14-11 HB11.

 

 

_____________________________________ 

 

  

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE