37. Trần Xuân An - Bông sen trong những góc khuất và tận đáy xã hội

 

BÔNG SEN TRONG NHỮNG GÓC KHUẤT

VÀ TẬN ĐÁY HÀ NỘI

(ĐỌC “LẠC CHỐN THỊ THÀNH” CỦA PHONG ĐIỆP)

 

Trần Xuân An

 

Cuốn tiểu thuyết được mở đầu bằng những trang nồng ấm tình bạn, tình người, quanh một bếp lửa hồng của hàng quà quẩy nóng, trong một chiều mưa lạnh ở một xóm nghèo Hà Nội. Hoá ra đó chỉ là buổi chia tay của nhóm nữ sinh viên các tỉnh sau khi tốt nghiệp đại học, để rồi có người về quê thăm nhà ít hôm, có người quyết ở lại, nhưng cùng hẹn lại gặp nhau ở đất thủ đô. Người đọc có thể tự hỏi, liệu có còn nồng ấm chăng, suốt gấn ba trăm trang của cuốn tiểu thuyết có tên gọi không mấy vui: “Lạc chốn thị thành”? Bước chân lạc loài khởi từ thời điểm nào? Xong đại học chữ, nay họ chuẩn bị bước vào đại học đời, phải chăng là thế? Hay suốt năm năm dài ở Đại học Luật Hà Nội, có sinh viên đã phải vào đời, “lạc chốn thị thành” sớm hơn? Và có gì cao hơn, xa hơn, sâu hơn, đằng sau “Lạc chốn thị thành”?

 

1. Vì sao “lạc chốn thị thành”?

 

Nhân vật xưng “tôi” để kể suốt câu chuyện có tên khai sinh là Kiều. Kiều dẫn đưa người đọc về làng quê của cô ở huyện nào đó thuộc tỉnh Thái Bình. Ở làng quê ấy, thật ra cũng không có ngôi nhà của cha mẹ. Kiều từ tấm bé đã phải nương tựa vào ông cậu, em ruột của mẹ, vì sau khi cha mẹ chia tay, mẹ Kiều cũng sớm mất. Trong ngôi nhà của ông cậu luôn thương yêu, đùm bọc Kiều, Kiều lại thường xuyên chịu đựng lời chì chiết, nói cạnh nói khoé của mợ. Bởi thế, chấp nhận “lạc chốn thị thành” – lạc trong mê trận tìm việc làm – ở Hà Nội với tấm bằng cử nhân luật khoa là con đường không thể khác, đối với Kiều.

 

Trong ba người bạn của Kiều, Nhung tuy gia cảnh đỡ hơn, nhưng lẽ nào ôm tấm bằng cử nhân rồi về lại làng quê! Con đường vào đời của Nhung gần với Kiều hơn. Trong khi đó, Phương từ Nghệ An ra. Nổi tiếng qua một cuộc thi hoa khôi, Phương từ đó trở thành con nuôi của một đại gia, hoàn toàn thoát khỏi cảnh quần nâu mụn vá, và đến nay, tốt nghiệp xong là đã có việc làm ngay! Có bí ẩn gì đằng sau từ “con nuôi”? Oanh, một thành viên trong “bộ tứ”, lại là cô gái phải bươn chải với trường đời, từ phía bên ngoài cổng trường đại học, với bước khởi đầu là mớ giày dép bán lẻ trên lề phố, sau mấy lần thi trượt! Mỗi người đều có lí do, hoàn cảnh để quyết vào đời ở chốn dễ tìm việc nhất (và nhiều cạm bẫy nhất), đó là Hà Nội, thủ đô của cả nước. Vả lại, còn quá trẻ, đương nhiên họ đều mang hoài bão lớn (hay tham vọng lớn), không thể chấp nhận mòn đi, gỉ đi, mốc meo số phận. Chỉ những ai già nua, mỏi mệt mới chép miệng thở dài an phận. Chỉ những kẻ yên vị trên phồn hoa mới cười khẩy trước hoài bão sống danh giá hơn của những người trẻ tuổi ở các tỉnh lẻ cách xa thủ đô Hà Nội. Chính người cậu của Kiều, một giáo viên trường làng, cũng bàn cạn lẽ với Kiều, rồi phải tán thành ý định của cháu: “Cháu nói cũng phải. Tuổi trẻ các cháu còn dài, có điều kiện thì cứ vùng vẫy” (tr. 32). Công cuộc “Đổi mới” đã tháo gỡ ách hộ khẩu, vốn đè nặng và chôn chặt mỗi số phận vào một địa phương thường trú nào đó, các trường đại học không còn đào tạo sinh viên theo kế hoạch cứng nhắc, ưu tiên cho đặc quyền, gây nên bao uất ức, nhưng đồng thời lại đẩy tuổi trẻ vào cuộc đua học tập, tranh sống, với sự chọn lọc, đào thải nghiệt ngã và cũng không phải tuyệt đối công bằng.

 

2. Thị thành Hà Nội ra sao với những người trẻ tuổi “lạc bước”?

 

Bước theo nỗi đoạn trường “lạc chốn thị thành” của Kiều và ba người bạn gái thân yêu của cô, những mảng tối của Hà Nội hiện ra thật nghiệt ngã, nanh nọc, ghê tởm đến hãi hùng. Bếp lửa hồng hàng quà bột chiên (quẩy nóng) của mẹ Năm, cái Nấm, nồng ấm, thân thương kia, hoá ra cũng quá đỗi hiếm hoi!

 

Thật ra, cũng không phải chỉ Hà Nội mới đến thế. Ngay trên chuyến xe về thăm quê, Kiều đã gặp phải những hành vi thô lỗ, lời nói tục tĩu, không một ai ra tay nghĩa hiệp bảo vệ cô, và cô không thể chịu đựng, phải xuống xe, đón xe khách khác. Khi trở lại Hà Nội, rời khỏi kí túc xá trường đại học, Kiều về ở chung với Phúc, một bạn sinh viên ngoài “bộ tứ”, tại một nhà trọ nhiều phòng ở, tính tiền theo từng tháng. Phúc lại cặp bồ, mang thai, tự phá thai theo kiểu nông thôn, rồi phải về quê... Có lúc Kiều phải đến biệt thự “bố nuôi” của Phương ở nhờ, cảm thấy ở đó đầy mờ ám... Kiều lại bị lừa mất một số tiền không nhỏ cho một văn phòng giới thiệu việc làm “ma”. Nhưng may thay, không phải văn phòng nào dạng ấy cũng “ma”. Nhung, “chị cả” của “bộ tứ”, tìm cho Kiều một chân gia sư kiêm bảo mẫu, từ một văn phòng giới thiệu việc làm có hoạt động thật sự. Tuy vậy, người dẫn đưa Kiều đến nhà gia chủ, sau khi xong việc, lại mở miệng đòi tiền “bồi dưỡng riêng” với lời lẽ quá chừng nanh nọc, trâng tráo, đầy hăm doạ. Sau một thời gian, lại bị cắt hợp đồng từ phía gia chủ, Kiều phải kiếm một nhà trọ khác. Nhà trọ khác ấy dựng trên hồ rau muống cũ, với chủ nhà là vợ của một công nhân, lời lẽ buông ra thường kèm theo những từ không mấy êm tai, tuy thực chất vẫn tốt bụng. Ở đấy, một sinh viên trường nghệ thuật sân khấu, điện ảnh lại cũng cặp bồ, phòng ở thường phát ra những tiếng động và rên rỉ của loài sinh vật đang cơn giao phối, bất chấp những phòng trọ khác. Kiều lại gặp Hạ, bạn học cũ, giới thiệu đến một văn phòng luật của người bà con. Đó là nơi của trung gian mánh mung về luật pháp, là “vệ tinh” của toà án, chạy án và mặc cả mức án. Từ nhân viên cho đến giám đốc, trừ Nam, đều có vẻ là loại bảo kê, “dân anh chị” và đã giở trò gây oan cho Kiều, như gây hỏng máy vi tính, bấm lén lệnh in khiến in thừa đến sạch giấy, buộc phải bồi thường, lại giấu sách tư liệu... Chỉ có Nam, cùng hoàn cảnh như Kiều, thương mến cô. Nam làm nhoà hình ảnh Ân, người bạn cũ cùng quê, cùng trường từ thời trung học, Kiều chỉ mến chứ không yêu. Nhưng Nam cũng đang phải lo “chăm sóc khách hàng” cho công ti luật, đến mức phải kiêm dắt gái, thậm chí suýt bị làm điếm đồng tính cho người ngoại quốc. Lại thất nghiệp. Lại đăng tên vào mục rao vặt – việc làm trên báo. Lại gặp chủ sao chụp sách lậu với lời thô tục thường xuyên đầu lưỡi... Trong khi đó, Oanh lại cặp bồ với một đại gia Hàn quốc luống tuổi cần con trai, nhưng thai Oanh mang lại là gái! Kiều lại phải thăm Oanh trong ổ chuyên phá thai, một trong những ổ dọc con phố nào đó ở Hà Nội chuyên hành nghề này! Phương cũng đã bị đuổi khỏi biệt thự của “bố nuôi”, sau khi người con gái thật của gã đàn ông tóc muối tiêu, thích bồ non ấy bắt quả tang cha ruột với Phương, không cho Phương mặc áo quần... Có lẽ đỉnh điểm của tai hoạ đối với “bộ tứ” này là lúc Oanh bị phát hiện nhiễm “ết” (AIDS., suy hoại tính miễn nhiễm mắc phải).

 

Qua hai, ba năm dài lạc bước tìm việc làm của Nhung và Kiều, “chốn thị thành” Hà Nội hiện ra với những góc khuất, mặt trái thật khủng khiếp. Hà Nội thanh lịch, Hà Nội văn hiến, trái tim của cả nước là có thật, nhưng ở những nơi khác, của những hạng người khác, chứ không phải của Kiều, của Nhung, khi cơ may chưa đến; cũng không phải của hai người bạn liều lĩnh, dại dột của họ – Phương và Oanh, một người còn hi vọng, nếu biết tự làm lại cuộc đời, và một người hầu như tuyệt vọng, chỉ còn biết sống lạc quan, sống cho ra người trong tình cảnh bi thảm đã thấy trước (tính ở thời điểm khi tác phẩm được xuất bản, 8 - 2005). Nếu không nương tựa vào nhau, nếu không có những con người nghèo khổ hay thô lỗ nhưng tốt bụng như mẹ Năm, bé Nấm, chị Hoa, và nếu không có người đồng cảnh ngộ như Kiều là Nam, họ sẽ hoàn toàn sống trong hoàn cảnh khủng khiếp, ghê sợ đó.

          

Nhà văn Phong Điệp - "Lạc chốn thị thành" (2005)

Nguồn ảnh: Google search 

 

 

 

Nhưng một khi cái ách hộ khẩu đã được tháo gỡ, những trường đại học không cấm cửa một ai đạt điểm trúng tuyển và điều kiện tìm kiếm việc làm ngang bằng nhau, họ không thể oán trách cơ chế công quyền. Nếu có trách được chăng, là chỉ trách đời! Phải chăng là như thế?

 

3. Những con đường và sự nâng đỡ nào của những người trẻ tuổi?

 

Tiểu thuyết “Lạc chốn thị thành” của nhà văn Phong Điệp cơ hồ muốn nhấn mạnh đến điều này. Oanh cũng có thể thành đạt trên con đường kinh doanh, mặc dù ít nhiều cô cũng bị nhũng nhiễu bởi những viên chức quản lí thị trường, nếu cô gái này không đốt cháy giai đoạn bằng cách cặp bồ với những thương nhân ngoại quốc, không chịu trượt dài vào chốn “gái gọi cấp cao”. Phương cũng vậy, nếu Phương không cam chịu làm bồ nhí, gái bao hạng sang cho một đại gia. Chính sự thành công của Nhung đã chứng minh việc tự chọn đường của mỗi người tuỳ vào năng lực và quan niệm về lẽ sống thế nào. Nhung đã được tổng biên tập một toà soạn phát hiện, ưu ái, tạo điều kiện cho cô trở thành nhà báo, sau một loạt bài báo cô viết được đăng. Và Kiều, sau những vấp ngã, thất bại, cô vẫn giữ được sự trong sạch của tâm hồn và thể xác, để rồi cuối cùng, Kiều được trúng tuyển vào một công ti luật đứng đắn, nghiêm túc và thực sự có uy tín. Kiều sẽ là một luật sư trong tương lai, khi cô được tập sự ở một nơi như thế.

 

Nhà văn Phong Điệp cũng cho người đọc thấy, chính Phương lại tự mở ra một lối về với cuộc sống đáng sống, lương thiện, đàng hoàng, sau khi trốn vào Nam, tìm được việc làm, và đã gửi thư cho các bạn, hẹn một ngày về tươi sáng. Số phận Oanh đáng trách và đáng thương nhất. Oanh đã không đỗ được vào đại học, lại phải buôn bán trên vỉa hè, và điểm đỉnh thành công là thuê được một cửa hàng, nhưng lại phải phá thai, rồi bị dính “ết”. Cái may duy nhất của Oanh là nhờ có tấm lòng của bạn bè, Nhung và Kiều, nên cô tập sống lạc quan, có ích, và hơn thế nữa, có sáng tạo, khi biết kinh doanh mặt hàng mĩ nghệ, trang sức làm bằng gốm sứ, dây vải, trong quãng đời còn lại của mình, trước khi đi đến giai đoạn phát tác của căn bệnh quái ác ấy.

 

Nhà văn Phong Điệp cũng cho người đọc thấy, khi Oanh đã nhiễm “ết”, có nghĩa là rơi xuống tận đáy vực của số phận, cũng là lúc Kiều và Nhung dám can đảm đưa Oanh về phòng trọ của mình để ở chung. Thật không dễ dàng gì để đi đến quyết định sống chung như vậy. Đặc biệt, về yếu tố tâm lí, mỗi người rất khó vượt thắng được chính mình, cho dù kiến thức y học đã chỉ cho họ những con đường lây truyền chính. Đến như bác sĩ, trong điều kiện của bệnh viện, cũng có người không may bị truyền nhiễm, nữa là Kiều, Nhung trong một phòng nhà trọ kém tiện nghi, kém vệ sinh. Thế rồi, cuối cùng, tình bạn, lòng nhân đạo đã thắng, không những cứu được Oanh khỏi ý định tự tử, còn giúp Oanh tìm ra một con đường sống đàng hoàng, có ích, trong những ngày còn lại.

 

Tiểu thuyết của Phong Điệp gợi cho người đọc nhớ đến một châm ngôn tự đặt ra của H. de Balzac: “Nhà văn phải là người thư kí trung thực của xã hội”. Tuy thế, kết thúc của “Lạc chốn thị thành”, chính nhân vật xưng “tôi” để kể chuyện, cũng không đẩy người đọc đến chỗ bế tắc, tuyệt vọng, như thường thấy trong các tác phẩm hiện thực phê phán, mặc dù, đã viết rõ: “Tôi không có ý định viết nên một câu chuyện tròn trịa và có hậu”. Để giải quyết đến nơi đến chốn, đó chính là trách nhiệm của các giới chức khác.

 

Nhưng đó là phát ngôn của nhân vật kể chuyện. Còn Phong Điệp với tư cách một nhà văn? Trên bình diện này, có thể nói tiểu thuyết của Phong Điệp chú trọng nhiều đến chi tiết. Nhà văn cũng đẩy đưa nhân vật trôi giạt qua nhiều không gian sống khác nhau, tuy cũng ở Hà Nội và chút ít ở Thái Bình, nên khó có thể tập trung ngòi bút, bàn phím. Bù lại, nhà văn đã cung cấp cho người đọc một cái nhìn khá rộng khắp, qua việc thể hiện sự lạc loài, trầm luân của Kiều và nhóm bạn. Điều tập trung Phong Điệp nhắm tới chính là nhân vật, đặc biệt là Kiều, thứ đến là Nhung. Mặt khác, cho dù Phong Điệp viết về sự suy đồi, chạy theo đồng tiền, nhưng không đánh thức dục vọng, lòng tham lam trong bản năng thấp hèn của con người, và cũng không nuông chìu dục vọng, khuyến khích lòng tham tiền bạc. Nhà văn giữ vững thiên chức phản ánh hiện thực mình đã trải nghiệm (chủ yếu bằng quan sát), và phần nào vạch ra hướng thoát, vươn tới, khẳng định sức mạnh diệu kì của nghị lực, bản lĩnh tự trui rèn, gieo được mầm hi vọng, niềm tin vào cuộc đời – cuộc đời mãi vẫn còn bao con người tốt đẹp ta chưa có cơ may gặp gỡ, quen biết. Và có lẽ trước khi trở thành nhà văn làm báo văn nghệ, Phong Điệp đã là nhà báo chuyên về mảng xã hội chăng? Tôi không được rõ, nhưng cũng đoán chừng như thế. Với giả định này, tôi nghĩ tiểu thuyết của cô gần với phóng sự – tiểu thuyết, một thể loại pha lẫn báo chí với văn chương, làm nên tên tuổi lừng danh của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố... Tuy nhiên, tôi chỉ may mắn tìm được mỗi một cuốn “Lạc chốn thị thành” (đạt giải thưởng “Văn học tuổi 20”, 2005, do báo Tuổi Trẻ, Nxb. Trẻ phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM. tổ chức), trong các nhà sách tại thành phố tôi đang sống, ở thời điểm 2011 này, làm sao tôi có thể cả gan đi đến một nhận định khái quát về Phong Điệp! Vả lại, con đường văn chương của Phong Điệp hãy còn rất dài...

 

TXA.

15:25 – 10:02, 22-12 HB11

 

 

____________________________

 

 

   

CÁC BÀI MỚI VIẾT - 2

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-2 

  

TRẦN XUÂN AN

ĐÃ TỰ SẮP XẾP LẠI THÀNH HAI ĐẦU SÁCH MỚI

(nhân sinh nhật, lần thứ 55, kể từ ngày chào đời: 10-11-1956 ---

tính theo tuổi ta, lần thứ 56, kể từ ngày 08-10 Bính Thân):

Z.(29). Ngẫm nghĩ khi đọc văn chương

Z.(30). Hát mộc với biển đảo và những bài thơ khác

 

 Mặc dù vậy, tác giả vẫn tiếp tục bổ sung bài mới viết ở trang này, kể từ ngày 14-11 HB11.

  

_________________________________________________ 

 

_____________________________________ 

 

  

Google Sites /  host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE