k. Trần Xuân An -- Khúc Thừa Dụ - Dương Diên Nghệ -- lịch sử cổ đại nước ta - Tệp 11

author's copyright

TRẦN XUÂN AN

       12 tháng 3 HB6 (2006) / 19 tháng 3 HB6 (2006)

07/01/09

           

 

 

       Lời thưa

 

       Bài 1

 

       Bài 2

 

       Bài 3

 

       Bài 4

 

       Bài 5

 

       Bài 6

 

       Bài 7

 

       Bài 8

 

       Bài 9

 

       Bài 10

 

       Bài 11

 

       Bài 12

 

       Bài 13

 

       Bài 14

 

       Bài 15

 

  Phụ lục thơ

 

    Phần cuối

 

 

 

 

 

 

 

                               

  

Tặng hai con thương quý của ba:

 

TRẦN XUÂN BÀI THƠ

& TRẦN XUÂN NHÂN VĂN

 

TXA.

 

 

( Bài 11)

 

Xem:

Website Giao Điểm:

http://www.giaodiem.com       

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

 

 

 

 

TRẦN XUÂN AN

 

                

 

 

 

 

 

 

SUY NGHĨ

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ

TRONG

LỊCH SỬ CỔ ĐẠI

NƯỚC TA

 

                             

 

 

KHÚC THỪA DỤ, KHÚC HẠO, KHÚC THỪA MỸ,

DƯƠNG DIÊN NGHỆ,

VÀ CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC MỚI CỦA NGƯỜI VIỆT

 

1

Họ Khúc, thời cơ xuất hiện và thế lực, uy đức sẵn có

 

Cương mục (1) chép: “Năm Bính dần (906). (Đường, Chiêu Tuyên đế, năm Thiên Hựu thứ 3). Tháng giêng, mùa xuân. Nhà Đường phong chức đồng bình chương sự cho quan Tĩnh Hải quân tiết độ sứ là Khúc Thừa Dụ. Họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu (2). Thừa Dụ, tính khoan hoà, hay thương người, được dân chúng suy tôn. Gặp thời buổi loạn lạc, nhân danh là hào trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là tiết độ sứ và xin mệnh lệnh với nhà Đường; nhân thế vua Đường cho làm chức ấy” (3).

Như vậy, Khúc Thừa Dụ không phải là một lãnh tụ khởi nghĩa, giành lại chính quyền cho nhân dân Việt. Tiết độ sứ thực chất chỉ là một chức quan của nhà Đường phong cho các thủ lĩnh của những phiên trấn quanh trung nguyên. Tuy thế, vẫn có khác biệt với các chức quan khác, là tiết độ sứ có quyền thế tập, cha truyền con nối, lại nắm giữ tất cả mọi lĩnh vực, từ tài chính, dân chính đến quân sự, ở lãnh địa. Theo Phan Khoang, thậm chí có tiết độ sứ lại “tự thị” không nhận tướng sĩ của triều đình bổ nhiệm đến… (4). Hầu như đó là các tiểu vương mặc dù không được chính thức phong là tiểu vương. Khúc Thừa Dụ cũng gần như thế.

Ở thời điểm này, vua Chiêu Tông nhà Đường hẳn đã bị Chu Toàn Trung giết, và Đường – Ai đế được lập lên làm vua; cuối cùng, đến năm sau, 907, nhà Đường bị cướp ngôi vĩnh viễn!

Cương mục chép tiếp: “Năm Đinh mão (907), (Đường, năm Thiên Hựu thứ 4; Lương, Thái Tổ, năm Khai Bình thứ 1). Khúc Thừa Dụ mất, con là Hạo giữ Giao Châu, tự xưng là tiết độ sứ. Khúc Hạo nhờ vào cơ nghiệp cũ, giữ lấy La Thành, tự xưng là tiết độ sứ, chia đặt các lộ, phủ, châu, và xã ở các xứ; đặt ra chánh lệnh trưởng và tá [:phó – dg. ct.] lệnh trưởng, bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch; lập sổ khai hộ khẩu, kê rõ họ tên quê quán, giao cho giáp trưởng trông coi. Chính sự cốt chuộng khoan dung giản dị. Nhân dân đều được yên vui. Khi đó, nhà Lương dùng tiết độ sứ Quảng Châu là Lưu Ẩn kiêm lĩnh chức Tĩnh Hải quân tiết độ sứ và phong cho tước Nam Bình vương. Lưu Ẩn giữ thành Phiên Ngung, Khúc Hạo giữ Giao Châu, tự xưng tiết độ sứ, hai bên chực thôn tính lẫn nhau” (5).

Lưu Ẩn là người Hán, làm tiết độ sứ ngay trên đất Bách Việt cũ (Giao Chỉ bộ bị chia hai, một bên thành Quảng Châu, một bên là Giao Châu). Y là quan chức nhà Đường, nay Đường tiêu vong, y tiếp tục công việc cũ, lại nhận tước gia phong là Nam Bình vương của nhà Lương mới thành lập. Và như sử cổ viết, một tình huống đối đầu bắt đầu diễn ra, giữa họ Khúc (Việt) với Lưu (Hán).

Mười năm sau, Đinh sửu (917), khi Lưu Ẩn chết, em của Ẩn là Nham nối ngôi. Ngay lúc mới nối ngôi, Nham đã quyết chí cát cứ, thành lập một vương quốc riêng, lấy quốc hiệu là Hán, tức là nước Nam Hán, đặt niên hiệu là Kiền Hanh.

“Khúc Hạo sai [con là] Thừa Mỹ sang Nam Hán kết mối hoà hảo. Thực ra, đó là mượn tiếng hoà hảo để dò xét tình hình hư thực” (6).

Cũng năm 917 ấy, “Khúc Hạo mất, con là [Khúc – ct.] Thừa Mỹ lên thay” (6).

Hai năm sau, năm Kỉ mão (919), nhà Lương ở trung nguyên Trung Hoa chính thức trao chức tiết độ sứ cai quản Giao Châu cho Khúc Thừa Mỹ, sau khi Khúc Thừa Mỹ sai sứ sang nhà Lương để xin lãnh “tiết việt”. Theo suy nghĩ của Khúc Thừa Mỹ, đó là cách dựa vào một nước lớn (nước Lương tuy xa hơn), nhằm để ngăn bớt tham vọng của nước láng giềng (nước Nam Hán mặc dù gần hơn!).

Năm Quý mùi (923), ở Trung Hoa, Lý Tồn Húc đã diệt nhà Lương, lập nên nhà Hậu Đường! Thế là Khúc Thừa Mỹ bị hẫng chỗ dựa, chưa kịp sai sứ sang nhà Hậu Đường, thì đã bị quân Nam Hán chớp lấy thời cơ, tấn công. Bấy giờ, chúa nước Nam Hán là Lưu Cung (đổi tên vì kiêng cữ, dị đoan)!

“Theo sách An Nam kỉ yếu, trước kia, Lưu Cung [vốn tên là Lưu Nham – ct.] nghe nói Thừa Mỹ đã nhận “tiết việt” của nhà Lương, giận lắm, sai tướng giỏi là Lý Khắc Chính đem quân sang đánh, bắt được Thừa Mỹ đem về” (7).

Lưu Cung liền sai tướng của y là Lý Tiến sang làm thứ sử, cùng với Lý Khắc Chính chiếm đóng, cai trị nước Giao Châu ta (923).

Thế là vai trò lịch sử của họ Khúc đã chấm dứt. Đó là một sự nghiệp cứu nước, cứu dân, tuy không hào hùng, chủ yếu nhờ vào uy đức vốn được nhân dân suy tôn, biết chớp lấy thời cơ lịch sử để bước đầu xây dựng nên một hệ thống nhà nước Việt của người Việt.

 

2

Dương Diên Nghệ,

người anh hùng hai lần đánh bại quân Nam Hán

 

Sau khi Khúc Thừa Mỹ đã bị quân Nam Hán đánh bại, bắt về nước, Toàn thư (8) chép rõ diễn biến tiếp theo: “Lý Khắc Chính ở lại Giao Châu, bị tướng của Khúc Hạo là Dương Đình [:Diên – ct.] Nghệ, người Ái Châu, đánh đuổi. Vua [Nam – ct.] Hán trao cho Đình Nghệ tước vị, lấy Lý Tiến làm thứ sử Giao Châu, cùng với Lý Khắc Chính giữ thành, bảo tả hữu rằng: ‘Dân Giao Chỉ hay làm loạn, chỉ có thể ràng buộc (ki mi) mà thôi’.” (9).

“Tân mão, [931], ([Hậu – ct.] Đường – Minh Tông, Tự Nguyên, Trường Hưng năm thứ 2). Mùa đông, tháng 12. Dương Đình Nghệ nuôi 3 nghìn con nuôi, mưu đồ việc khôi phục. Lý Tiến biết, sai chạy ngựa về báo cho vua [Nam – ct.] Hán. Năm ấy, Đình Nghệ đem quân vây Tiến. Vua Hán sai thừa chỉ Trần Bảo đem quân sang cứu, chưa đến nơi, thành đã mất. Tiến trốn về nước. Bảo đến vây thành, Đình Nghệ đưa quân ra đánh, Bảo thua chết. Từ đó Đình Nghệ tự xưng tiết độ sứ, trông coi việc châu” (10).

Năm Bính thân (936), nhà Hậu Đường ở Trung Hoa tiêu vong; Thạch Kỉnh Đường cướp ngôi lập nên nhà Hậu Tấn. Năm sau, 937, vào một ngày mùa xuân tháng ba, “nha tướng của Đình Nghệ là Kiều Công Tiễn […] giết Đình Nghệ để thay chức” (11).

Người anh hùng với chiến công lừng lẫy, ít ra là đã hai lần đánh bại quân Nam Hán, khiến chúng hãi hùng, nhụt mộng xâm lăng, bỗng gặp phải cái chết hết sức đau lòng bởi kẻ thuộc hạ có lòng dạ xấu xa như thế!

Dẫu sao, từ lúc họ Khúc thực sự xây dựng chính quyền Việt của người Việt (906) cho đến thời điểm 937 này, trừ đi khoảng non 10 năm (923 – 931) Lý Khắc Chính và Lý Tiến kìm kẹp, chiếm đóng, Dương Đình Nghệ tuy thắng nhưng buộc phải “hoà”, còn lại, nhân dân ta đã được sống gần 20 năm độc lập tự do, lập nên những chiến công hiển hách.

Có một điều rất đáng tiếc, từ họ Khúc (Khúc Thừa Dụ,  Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ) đến Dương Đình Nghệ, nước ta vẫn chưa có một lãnh tụ xưng vương, xưng đế như trước kia, mà chỉ chịu “thừa lệnh, chấp hành”, trên danh nghĩa chỉ là tiết độ sứ, thần phục theo dạng hợp thức hoá như là quan chức được sai phái đến của bọn phong kiến Trung Hoa!

 

TP. HCM., viết xong lúc 15 giờ 53 phút

Ngày 16. 07. HB4 (29. 05 G. thân HB4).

TRẦN XUÂN AN

 

 

Cước chú của bài Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, Dương Diên Nghệ…:

 

(1) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) (gọi tắt là Cương mục), tiền biên và chính biên, bản dịch (2 tập), tập 1, Nxb. Giáo Dục, 1998.

 

(2) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 218 (Tb. [tiền biên], [quyển] V, [tờ] 14): Lời chua: Ninh Giang, Bình Giang thuộc tỉnh Hải Dương.

 

(3) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 217 – 218  (Tb., V, 14). TXA. in đậm (iđ.).

 

(4) Phan Khoang, Trung Quốc sử lược, ấn quán Hồng Phát, Chợ Lớn – Sài Gòn, 1958, tr. 130 – 131.

 

(5) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 218  (Tb., V, 14 – 15). TXA. (iđ.). Lời chua: theo An Nam kỉ yếu, một thư tịch của Trung Hoa, không phải Khúc Thừa Dụ, mà chính Khúc Hạo, người Giao Chỉ, đã nhận chức tiết độ sứ nhà Đường thay Độc Cô Tổn! Khúc Hạo làm tiết độ sứ 4 năm thì mất!

 

(6) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 219  (Tb., V, 15). TXA. ct..

 

(7) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 220  (Tb., V, 16). TXA. ct..

 

(8) Đại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập), tập 1, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003.

 

(9) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 290 (NK. [ngoại kỉ], q. [quyển] V, [tờ] 18a). TXA. iđ. & ct.. Ki mi (hoặc cơ mi), từ để chỉ sự vật cụ thể, có nghĩa là chính quốc thực dân chỉ ràng buộc lỏng lẻo, trao nhiều quyền tự chủ cho xứ bị lệ thuộc.

 

(10) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 291 (NK., q. V, tờ 18b). TXA. iđ. & ct..

 

(11) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 291 (NK., q. V, tờ 18b – 19a).

 

TXA.

 

 

(  xem tiếp bài 12

 

Trở về trang chủ

THÔNG BÁO

              Cập nhật: 07/01/09

              (tháng / ngày / năm)

  

Google page creator  /  host