Nộp TrTTĐT. Hội Nhà văn Việt Nam: Phê bình thơ

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

PHÊ BÌNH THƠ:

ĐỌC THƠ HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

Trần Xuân An

1

Trước Ngày Thống nhất (1975), những năm còn là học sinh trung học rồi sinh viên đại học, mặc dù ở thị xã Tam Kỳ, thành phố Đà Nẵng hay cố đô Huế, thỉnh thoảng tôi vẫn được nghe lén thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường qua Đài Phát thanh Giải phóng. Cùng với một số trí thức, văn nghệ sĩ Miền Nam thuở bấy giờ đang đấu tranh ở nội thành hoặc đã thoát li lên chiến khu, ra Miền Bắc, thường được Đài giới thiệu, Hoàng Phủ Ngọc Tường là một gương mặt thơ ca tôi chỉ nghe chứ chưa được thấy bao giờ. Chẳng qua, thời anh trực diện đấu tranh ở Huế, tôi vẫn còn quá bé (lại ở tận trong Nam bộ). Năm tôi lên mười (1966), đang ở Quảng Trị, nhà giáo Hoàng Phủ Ngọc Tường đã “lên xanh” cầm súng chiến đấu.

Sau Ngày Thống nhất (1975) khoảng mươi tháng, bấy giờ tôi đã có thơ đăng trên tuần báo Văn Nghệ Giải Phóng (*), nên khá mạnh dạn đến 26 Lê Lợi, cơ quan của Hội Liên hiệp Văn học – nghệ thuật Thừa Thiên – Huế, ghé vào, gửi một chùm thơ 09 bài. Cũng không nhớ rõ, một hoặc hai tháng sau gì đó, lúc Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên đã thành lập, tôi nhận được giấy mời đến để trao đổi về biên tập.

Sau khi gặp nhà thơ Xuân Hoàng, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, tôi mới được chuyện trò đôi câu với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Có lẽ đêm trước bận thức khuya để viết, sáng hôm ấy anh đến muộn. Đó là lần đầu tiên tôi gặp anh. Sau khi tôi chào các anh để về, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường còn giữ tôi lại, cho địa chỉ, bảo tôi đến nhà anh chuyện trò cho vui. Tôi không ngờ một người có dáng vẻ nghiêm nghị, bấy giờ còn có chút nào khắc khổ nữa, lại cởi mở và dễ thân tình đến vậy.

Từ đó đến nay, gần ba mươi năm, thỉnh thoảng tôi vẫn có dịp gặp anh, khi hội họp, khi đi thực tế do Hội Văn nghệ tổ chức (1976 – 1978), khi gặp gỡ chuyện vãn. Nhiều lần, không chỉ trà lá, mà còn bia rượu nữa, lúc ở nhà riêng của anh và chị Lâm Thị Mỹ Dạ, lúc ở quán xá. Nhưng điều đáng nói nhất, đó là lời anh động viên, khuyến khích tôi sáng tác, giới thiệu thơ tôi trên tạp chí Văn Nghệ Bình Trị Thiên, Sông Hương, và sau này, tạp chí Cửa Việt. Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là người đề tựa, cùng nhà văn Xuân Đức cấp giấy phép cho tập thơ đầu tay của tôi (1991).

Bây giờ, tôi lại thử đọc thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, đọc trong những hồi ức về những gì có thể gọi là kỉ niệm ấy. Ấn tượng trong tôi lâu nay về anh, Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trí thức Miền Nam tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ và là một nhà văn có làm thơ, trong đó có thơ yêu đương, thơ tâm trạng riêng. Nhưng qua hai tập thơ được tuyển chọn lại, cùng một số bài được anh sáng tác sau hai tập ấy, trong Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường (tập 4) (1), tôi có cảm giác vừa hụt hẫng về mặt này, vừa tràn trề về mặt kia.

 

2

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết về anh trong những cuộc rượu: “Mỗi lúc như vậy, giá có cái máy ghi âm, chép ra chắc sẽ có hàng nghìn trang sách sinh động với một giọng văn hấp dẫn đặc biệt. Điều ấy chứng tỏ rằng, tri thức cuộc đời và sự nghiền ngẫm nội tâm trong anh là vô cùng phong phú. Những bài tuỳ bút anh viết ra mới chỉ là cái phần bề nổi của chính anh mà thôi” (2). Anh Nguyễn Trọng Tạo còn cho rằng: “Phải chăng Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng làm thơ bằng máu của mình, làm thơ như “viết di chúc để mà chết”…”, sau khi đã khẳng định “nhà thơ như nghe thấy được tiếng nói của chính mình từ thế giới bên kia vọng lại, và thế là hai thế giới âm dương cùng hoà quyện vào nhau” (2). Ở bài viết ấy, Nguyễn Trọng Tạo chỉ nhận định về tập thơ thứ hai của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Người đi hái phù dung (1995).

Thú thật, tôi không có cái may mắn như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, được nghe thấy “phần bề sâu” của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, mặc dù cũng có dăm ba lần bia rượu với anh. Anh Nguyễn Trọng Tạo không nói gì đến mảng thơ kháng chiến chống Mỹ của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Các anh Hồ Thế Hà, Ngô Minh cũng thế. Chỉ có nhà thơ Thanh Thảo lướt qua mảng này, và khẳng định bài thơ tiêu biểu nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường về đề tài chống Mỹ là Tôi đi trên những con đường rừng cũ (1971 [?]), nhưng rồi cũng xoáy sâu về mảng Người đi hái phù dung.

Tôi hơi ngạc nhiên về sự thể đó.

Theo ấn tượng chủ quan của riêng tôi về Hoàng Phủ Ngọc Tường, anh có nhiều, rất nhiều tâm trạng, bao nỗi suy tư về cuộc kháng chiến chống Mỹ mà anh trực tiếp tham gia. Từ 1963, anh đã đấu tranh ở nội thành. Sau đó 03 năm (1966), anh thoát li “lên xanh” hẳn, cho đến Ngày Thống nhất (1975), anh mới về lại Huế.

Thật ra, sau gần 30 năm thống nhất Đất nước, đến lúc này, cũng cần nói cho công bằng: Số lượng trí thức Miền Nam như anh (tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, bảo vệ thành công luận văn cử nhân triết học tại Đại học Văn khoa Huế, giáo sư trung học Quốc Học Huế), tham gia kháng chiến chống Mỹ không phải là nhiều, và lại là nhà văn, nhà thơ nữa, thì càng quá hiếm quý. Do đó, với cái nhìn chủ quan có tính trực giác về anh, tôi nghĩ mảng thơ Người đi hái phù dung kia, phần lớn cũng chỉ là hệ quả của bao tâm trạng, bao nỗi suy tư trong quãng đời kháng chiến, nhất là thời hậu chiến mà thôi. Hiểu một cách nào đó, Người đi hái phù dung vừa là phần bề sâu của tâm tư anh thời trẻ mà anh đã từng gạt qua, phủ định nó để lên chiến khu, nay anh phục hồi và thăng hoá lại nó, nhưng đồng thời cũng chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” (theo lối nói của Ernest Hemmingway), mà phần chìm của tảng băng ấy chính là tâm trạng, suy tư trong thời kháng chiến chống Mỹ, và về sau, những lúc ngẫm nghĩ lại thời kháng chiến ấy, nhưng chủ yếu vẫn là về thời hậu chiến. Nói rõ ra, ở giai đoạn hoà bình về sau, có lẽ anh không thể nói bằng ngôn ngữ trực tiếp, bộc trực, không thể “nói thẳng, nói thật” về thời kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là về hiện thực xã hội hậu chiến, nên chỉ biết lặng lẽ buồn. Ngay việc bị hạn chế tự do ngôn luận, tự do sáng tác đã là nỗi buồn quá lớn! Nhưng anh cũng chỉ đòi cho được mỗi một “quyền được buồn”. Hoàng Phủ Ngọc Tường tự đề từ: “Mỗi người chỉ thực là chính mình trong căn nhà của nó. Thơ cũng vậy. Thơ cần phải trở về căn-nhà-ở-đời của nó là nỗi buồn. Một quyền của thi sĩ là quyền được buồn” (3).

Không kể do nguyên nhân thể chất như bệnh tật, suy nhược hầu như không có ở Hoàng Phủ Ngọc Tường (anh bị bệnh sau khi đã tái bản Người đi hái phù dung), thực chất của trạng thái tâm lí buồn với các cấp độ, sắc thái của nó (buồn bực, buồn bã, buồn đau…) chung quy là hệ quả tâm lí của con người nói chung và cũng của riêng anh, trước thực tại bất như ý, sự đổ vỡ của niềm tin, lí tưởng, hi vọng, ước muốn… Có thể khái quát thành 03 dạng buồn: buồn về mình, hoàn cảnh riêng tư; buồn về kiếp người nói chung; và buồn về hiện thực kháng chiến – xã hội hậu chiến. Nói gọn hơn: buồn riêng tư, buồn kiếp ngườibuồn đời.

“Quyền được buồn” có một thời gian khá dài, bị cấm ngặt, chỉ trừ một số nét buồn bi tráng. Bởi lẽ, buồn là uỷ mị, là làm giảm sút tinh thần chiến đấu. Buồn bị quy vào phương diện thế giới quan duy vật biện chứng, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa của bản thân ai đó đã “có vấn đề”, và cũng bị quy vào phương diện “bôi đen chế độ” (!), “chống đối chế độ” (!). Nói theo cách nói của cán bộ tuyên truyền, “cách mạng là ngày hội của quần chúng”, không có lí do gì để buồn! Thật là “tả” khuynh quá đáng, suy diễn và quy chụp đến mức đáng sợ! Từ một tiên đề không sai, người ta lại suy diễn ra những hệ luận chỉ với mục đích thiển cận và nhằm trói buộc những người sáng tạo!

Do đó, cần nói thẳng, nói thật thêm một điều, “quyền được buồn” còn là quyền được cân bằng tâm lí bình thường của con người và của văn chương, sau một thời gian dài xã hội đã vui, phải vui, vui thật cũng có, vui giả cũng khá phổ biến.

Ở nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, qua 02 tập thơ của anh, cho dù chia làm hai mảng khác nhau, thơ kháng chiến chống Mỹthơ yêu đương, tâm trạng riêng, vẫn có một mối tương quan nhất định và dĩ nhiên.

 

3

Những dấu chân qua thành phố

 

Để tìm ra được chân dung tâm hồn, con người sâu thẳm đích thực của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, phải bắt đầu từ tập thơ này.

Năm 1963, phong trào Phật giáo trước đó và ở thời điểm đó dâng cao hào khí bi tráng, chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Bấy giờ, nhà giáo Hoàng Phủ Ngọc Tường mới 26 tuổi. Năm anh 28 tuổi (1965), Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, tôi chỉ là thằng bé lên chín, từ Quảng Trị vào Huế chơi, nào biết anh là ai trong đoàn biểu tình, chỉ thấy biểu ngữ nâng cao, bàn thờ Phật “xuống đường”, trầm hương nghi ngút và chuông mõ vang lên khắp các đường phố Huế để chống Thiệu – Kỳ (4). Suốt 03 năm “tham gia phong trào yêu nước của sinh viên học sinh và trí thức Huế với tư cách tổng thư kí Tổng Hội Sinh viên Huế” (5) (1963 – 1964) và đơn thuần là một giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Trường Quốc Học (1964 – 1966), Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn đang là một trí thức trẻ xấp xỉ tuổi ba mươi. Rất tiếc là thơ anh không có bài nào trực tiếp ghi nhận những thao thức, trăn trở, những dấn thân hào hùng của anh, bạn bè anh và nhân dân Huế trong thời đoạn lịch sử ấy. Điều đó, chỉ được anh hồi ức lại trong 05 năm về sau. Có thể đọc thấy qua một bút kí anh viết về anh và Trịnh Công Sơn (6). Nhưng cố nhiên đó không phải là thơ. Riêng Năm năm ta đi, cũng được viết vào năm 1971:

“… Chắc bây giờ trên những lối đi xưa / Dấu giày ta đã đọng vết rêu mờ / Đã ngủ yên dưới hàng cây im lặng / Bước ta đi giữa ngày tháng ưu tư // Khi ta nhớ, hương sầu đông đầy ngõ / Khi ta yêu, phượng thắm dấu môi son / Thù hận chín giữa phố hè lửa đỏ / Tình yêu ta cùng mọc giữa căm hờn // Chào những bầy hoa ngũ sắc ven đường / Cười sặc sỡ bên khung trời thơ ấu / Chào giã từ con cầu trắng đêm sương / Ta đi qua giữa tâm hồn giông bão // Thành phố tắm đời ta trong sắc biếc / Nên cỏ hoa mang đầy dấu tâm hồn / Máu đã viết nên nghìn trang sử đẹp / Nuôi đời ta khôn lớn giữa đời dân…” (7).

Hoàng Phủ Ngọc Tường bấy giờ không thể không trải qua những “ngày tháng ưu tư”, “thù hận” Diệm, Cẩn – Thiệu, Kỳ và đế quốc Mỹ trong “lửa đỏ” phố thị, đồng thời “tình yêu” Đất nước dâng lên với ngọn triều “căm hờn” của dòng sông Hương vốn phẳng lặng. Với “tâm hồn giông bão”, người trí thức trẻ ấy đã thực sự dấn bước trên con đường lịch sử của một phân số nhân dân hướng về Mặt trận Giải phóng và một phân số khác, đông đảo hơn, quyết tâm “cách mạng quốc gia”, đơn thuần là cách mạng dân tộc, dân chủ và dân sinh, không thuộc đảng phái nào. Tuy khác chính kiến, nhưng tất cả đều cùng tuần hành chung dưới rừng cờ biểu ngữ.

“… Lời đất nước giương trùng trùng biểu ngữ / Người đi lên, tóc lộng nắng như cờ / Đường áo trắng hôm nay thành sông lửa / Nổi đuốc thiêng nhìn rõ mặt quân thù…” (7).

Hiện thực được phản ánh khá chân thực. Tuy nhiên, phải thấy rằng không một dòng nào anh nhắc đến phong trào đấu tranh Phật giáo. Nếu đọc kĩ, ta cũng chỉ phân vân hỏi rằng, phải chăng đây là câu thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường phản ánh một cách hết sức mơ hồ về những toán lính ngụy đang lái xe Dodge, GMC. đi “hốt” những bàn thờ Phật “xuống đường” đấu tranh chống chính quyền Thiên Chúa giáo do Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu (4) ?

“Không thể mặc cho loài bán nước / Vung bàn tay cướp đoạt những thiêng liêng” (7).

Phải chăng một trong những lí do nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, giáo sư triết học Trường Trung học Quốc Học Huế, đã lên chiến chu chống Mỹ chính là để bảo vệ Phật giáo trước sự đàn áp khốc liệt của chính quyền Thiên Chúa giáo Diệm – Thiệu?

Dẫu xuất phát từ nguyên cớ trực tiếp là Phật giáo bị đàn áp hay nguyên nhân cơ bản là khát vọng độc lập, trong không khí đấu tranh có thật đó, chàng tuổi trẻ trí thức Hoàng Phủ Ngọc Tường đã quyết tâm lên chiến khu. Ngày lên đường, ở trên “xanh”, anh chỉ có thể nhìn ngắm khắp cả Tổ quốc bằng cái nhìn của tâm hồn và ước vọng thống nhất. Hành trang  (8) mang theo của anh có gì?

“Tôi trèo lên đỉnh Trường Sơn / Nhìn thấy quê hương nguyên hình chữ S / Thấy con sông Hồng đỏ máu ra khơi / Thấy mũi Cà Mau nhọn vút chân trời // Đêm giã từ thành phố / Ánh đèn ngoại ô / Hành trang cũ: / Niềm kiêu hãnh lâu đời / Và nắm cơm gian khổ chuyền tay / Từ những chuyến đi xưa còn mãi đến hôm nay”.

                                                            (Huế, ngày lên đường, 05. 1966)

Hoàng Phủ Ngọc Tường quyết tâm nối tiếp công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của bao thế hệ trước, qua suốt bốn nghìn năm lịch sử. Bài thơ còn vẽ nên một dáng đứng tuổi trẻ hào hùng trong mạch sử thi truyền thống.

Chính với ước vọng thống nhất, Hoàng Phủ Ngọc Tường khắc hoạ hình tượng người lên đường, cầm súng, qua những câu đối thoại giữa người thầy giáo với học trò về bản đồ Việt Nam chỉ còn một nửa, trong một tiết học địa lí. Và chính sử kí đã thôi thúc nhà giáo ấy lên chiến khu như Nguyễn Trãi ngày xưa. Niềm thôi thúc ấy càng rõ hơn khi cuộc đối thoại xoáy vào một vấn đề lưu cữu (thù hận lương – giáo, thực chất là giữa người Việt yêu nước với giáo dân bị thực dân, đế quốc lợi dụng) suốt cả một trăm mấy mươi năm qua trong Mùa Giáng sinh 1966:

“… Em hỏi thầy: Bom Mỹ / Có giết trẻ con không? Rằng: Làng quê khói lửa / Nào thương Chúa Hài Đồng / Em nhớ bày máng cỏ / Ở trong hầm ca-nông…” (9).

Hành vi rất chính trị đó, cũng không tránh được sự sát hại của lính Mỹ đối với mẹ của người học trò. Điểm đỉnh của câu chuyện bằng thơ đọng và mở ở câu kết, neo vào lòng người đọc: “Đừng hỏi nữa em ơi! / Thầy lên đường đánh Mỹ”. Phải trả lời cho thế hệ học trò bằng hành động lên đường, cầm súng! Bài Câu hỏi có thể được quần chúng nhân dân nhớ lâu, nhớ sâu bởi các chi tiết tinh lọc và vần, chứ không phải bằng ngôn ngữ thơ. Khác với nhà thơ liệt sĩ Ngô Kha (cũng là giáo sư trung học như anh), mặc dù hai người là bạn rất thân, Hoàng Phủ Ngọc Tường từ độ mới lên chiến khu ấy, đã cố gắng vứt bỏ hết những ngôn từ bay bướm, tinh tế, giàu hình ảnh với sự chạm trổ, khảm giát lóng lánh một cách đài các, cầu kì, khó hiểu trong thơ.

Chính Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tự biểu hiện chính mình qua hình tượng người thầy giáo sử địa ấy.

Hoá ra, qua bài Câu hỏi và bài Hành trang, ta thấy sự chọn lựa con đường đấu tranh, việc lên chiến khu rừng thẳm đầy gian khổ của anh quá đỗi đơn giản và anh dễ dàng thích nghi đến thế. Tôi không thể tin như vậy. Nhưng tôi tin chắc một điều, có một thời kì, vì trách nhiệm trước người đọc và vì yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, nhà thơ cần phải “lột xác” thật nhanh, phải giấu đi những trăn trở về tư tưởng, những thử thách của bao khó khăn gian khổ. Chính Trần Độ, về sau, khoảng năm 1976, cũng bảo thế trong một cuộc họp mặt người viết ở 26 Lê Lợi, Huế: Trí thức đã trăn trở, “lột xác” từ 1945 hoặc từ 1954 kia, chứ không đợi đến những năm sau này; cho nên, chỉ có lao vào cách mạng chứ không trăn trở, thao thức “chọn đường” gì nữa! Phải chăng từ mười năm trước tư tưởng chỉ đạo đã thế, nên thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường khuyết đi những mảng rất lớn. Hầu như sau Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên (1960), rất ít bài thơ trăn trở, thao thức “chọn đường” được đăng tải. Thậm chí, có thể bị khiển trách, bị làm kiểm điểm nếu còn trăn trở, thao thức “chọn đường”! Do đó, tôi rất ngạc nhiên nhưng lại hiểu ra ngay, sao mảng thơ “lên đường” này của Hoàng Phủ Ngọc Tường lại sơ lược đến thế. Tâm hồn anh, tư tưởng anh không thể “sơ lược” như vậy.

Có lẽ phải ngẫm nghĩ lại, ngẫm nghĩ sâu hơn về ý thức lịch sử của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong quá trình bản thân anh đã dấn thân, tham gia vào công cuộc chống chính quyền Thiên Chúa giáo của Diệm – Thiệu và đế quốc Mỹ. Tôi thấy đây là một trong những trọng điểm trong niềm thao thức, trong quyết tâm của anh. Ở bài Những dấu chân qua thành phố (10), anh viết:

“Như thời gian gió cuốn triều dâng / Lịch sử đã qua đây trăm lần / Những người đi sau nối theo người trước / Thành phố này in dấu những bàn chân // Từ những năm xưa đánh Tây giữ nước / Hoả mai nón dấu, súng thần công / Đến bây giờ trên mặt thành cỏ biếc / Đá trăm năm còn tạc dấu chân trần // Nắng vẫn chiếu huy hoàng trên cẩm thạch / Những bàn chân đạp đổ ngai vàng / Đất rung chuyển nhịp chân vệ quốc / Vòm cửa ô, kèn Nam tiến còn vang…”.

Bằng hình tượng dấu chân lịch sử, phải chăng anh đã hình dung lại thành cổ Phú Xuân, nơi Nguyễn Huệ của phong trào Tây Sơn đã đánh tan quân Trịnh để tiến tới thống nhất Tổ quốc? Cũng với hình tượng dấu chân lịch sử ấy, anh cảm nhận lại cuộc kinh đô quật khởi 23 tháng 5 Ất dậu (1885); và anh tiếp tục hình dung, cũng bàn chân lịch sử ấy, vào thời Cách mạng tháng tám (1945), đã đạp đổ ngai vàng, buộc vua bù nhìn Bảo Đại thoái vị.

Rất tiếc là khi viết Tôi đi trên những con đường rừng cũ (11), anh không nhớ lại Tân Sở (Cam Lộ) với tuyến đường thượng đạo Bình Định – Nghệ An – Hưng Hoá, thời Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và phong trào Cần vương.

Trở lại đất Hùng (1975) (12), Hoàng Phủ Ngọc Tường suy nghĩ về tiếng trống đồng (từng khiến sứ giả nhà Nguyên bạc tóc khi nghe), suy nghĩ về 99 ngọn núi Nghĩa Lĩnh (hình tượng đàn voi trăm con; một con voi trong đàn voi ấy đã ngoái đầu ra sau, nên bị chém đầu). Anh lại suy nghĩ về phút giây Nguyễn Trãi cùng người cha là Nguyễn Phi Khanh chia tay nhau ở Lạng Sơn, cột mốc số 0 của bản đồ Đất nước, trong bài Ngọn cỏ làm chứng (13):

“Nơi đây một người con trai lau nước mắt từ biệt cha / Nỗi riêng chung, cỏ hoa làm chứng đến bây giờ / Từ cây số không, bắt đầu những gì ta có / Nên lịch sử mỗi đời người cũng bắt đầu từ đó”.

Và cũng theo mạch sử thi ấy, anh chọn cho mình một chỗ đứng, ngay trên lầu hoàng cung nhà Nguyễn, để Lại nhớ về chiến khu xa thẳm (14), khi Đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất, sau cuộc chiến tranh dài dằng dăïc (1858 – 1975), mà trong đó, giai đoạn kháng chiến chỉ kể từ Cách mạng tháng Tám là quãng thời gian chính nhà thơ đã được lớn lên, tham gia chiến đấu.

Cũng từ cảm hứng và ý thức lịch sử, cộng với suy nghĩ về thi sĩ cộng sản người Pháp Paul Éluard, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết từ năm 1969:

“Pha máu làm mực / Kê lịch sử làm bàn / Trải đời tôi làm giấy / Viết tên Người Việt Nam” (15).

Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ kháng chiến với trái tim một người yêu nước mà còn bằng bộ não của một người cộng sản nơi anh.

Cảm hứng, ý thức lịch sử và ý chí cộng sản chủ nghĩa là trạng thái tinh thần chủ đạo, chung nhất của những nhà thơ Miền Bắc và những nhà thơ Miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ dưới ngọn cờ của Mặt trận Giải phóng, nhưng ở Hoàng Phủ Ngọc Tường, có sự nổi trội, đậm đặc hơn.

Cũng không thể không ghi nhận sự thành công và nhất là tấm lòng nhà thơ đối với quê nhà. Hoàng Phủ Ngọc Tường còn viết một chùm thơ về một vùng đất Quảng Trị đã được giải phóng từ 1972. Trong đó, bài thơ Bàn tay trên trán (16) viết về người mẹ Gio Linh có cái tên rất Việt cổ: Mẹ Nậy. Đó là một bài thơ rất cảm động. Cũng là cảm hứng sử thi về Đất nước, nhưng ta còn thấy được tuổi thơ của chính nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường trên đất đai Quảng Trị quê hương bản quán qua những câu thơ rất gần gũi:

“… Như quên đi mình đã lớn nhiều / Với thời gian ồn ào biến động / Con gặp lại trong cơn mê nóng bỏng / Một tuổi thơ chân đất chạy khắp làng / Và cánh đồng xưa nắng chang chang / Lũ chuồn chuồn bay qua những tháng ngày óng ả / Như quên mình đã lớn nhiều / Với đất nước những năm lo nghĩ / Vầng trán con dưới bàn tay mẹ / Lại hiện về giấc ngủ thơ ngây…”.

Cảm hứng – ý thức lịch sử, hay có thể gọi là tình tự dân tộc, quê hương, Đất nước và ý chí kháng chiến, quả thật, đã xuyên thấm toàn bộ tập thơ Những dấu chân qua thành phố của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ở bất kì bài nào, với chủ đề gì, kể cả chùm thơ khi anh viết ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Cáclôpherơ (Bungari)…

Về mảng thơ kháng chiến chống chế độ Thiên Chúa giáo Diệm – Thiệu và đế quốc Mỹ, giải phóng Miền Nam, thống nhất Đất nước của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, nếu từ một góc độ văn học khác để tiếp cận, ta sẽ không thấy một dấu vết bi quan, dao động nào. “Quyền được buồn” đã được nhà thơ giấu kín vì ý thức trách nhiệm.

Ngoài ra, nếu cần thiết phải nói đến lập trường, tâm thế sáng tác trong tương quan với hiện thực chiến tranh chống Mỹ ngụy mà nay đã trở thành lịch sử, thì cũng đã đến lúc, sau 30 năm thống nhất Đất nước. Phải chăng không thể để muộn hơn? Ở một số bài thơ khác, nếu đọc bằng đôi mắt sử học, người ta còn thấy anh miêu tả hiện thực với thái độ địch – ta quá “quyết liệt” bằng thủ pháp cường điệu! Ở đây, tôi không nói đến Diệm – Thiệu và các tổng thống đế quốc Mỹ, tôi chỉ muốn nói đến những người quốc gia, dân tộc chủ nghĩa, yêu nước nhưng không cộng sản, không thể vô thần một cách phi truyền thống. Dẫu sao, nếu nói theo cách của Chế Lan Viên sau này, cũng cần phải “trừ đi”, để nhận thức hiện thực lịch sử về giai đoạn ấy trong thơ ca cho thật đúng đắn, công bằng. Tuy nhiên, như ở một bài viết tôi đã viết, thơ ca không phải là sử kí. Thơ ca không chỉ phản ánh hiện thực bên ngoài mà chủ yếu là tấm gương phản ánh tâm thế nội tâm của nhà thơ trước hiện thực ấy (**). Nhà thơ lại đang trực diện đấu tranh với quân bán nước Diệm, Thiệu và đế quốc Mỹ, vì vậy, tất nhiên trái tim nhà thơ phải sục sôi căm thù, không thể có sự bình tâm cần thiết của nhà sử học. Không thể đòi hỏi nhà thơ phải có cái nhìn hai phía, nhìn từ ta sang địch và ngược lại, nhìn từ địch sang ta, để có nhữngï nhận định khách quan, khoa học. Nếu đòi hỏi như vậy, thế giới này không còn một nhà thơ nào cả! Phải vậy chăng? Tôi tin rằng cuộc đời vốn đa dạng, nhiều vẻ (với cái nhìn bao quát đồng đại), và dân tộc cũng như nhân loại không chỉ tồn tại vài ba thế hệ (với cái nhìn xuyên suốt lịch đại). Vấn đề là hiện thực chiến tranh 130 năm (1858 – 1975 – 1989), đặc biệt là 30 năm (1945 – 1975) khốc liệt nhất, hào hùng nhất ấy, dù thế nào đi nữa, cũng đã và đang hình thành nên một giai đoạn văn học trên toàn cõi Việt Nam nước ta với tính đa dạng, nhiều vẻ của nó. Và hiện thực chiến tranh ấy sẽ mãi mãi còn được vang vọng, tái hiện, tái tạo trong văn học tương lai, như ta và mãi mãi sau này, các thế hệ vẫn còn suy tư, chiêm nghiệm về thời đại vua Hùng; về thuở đánh bại đế quốc Nguyên – Mông; về thời Lê Lợi – Nguyễn Trãi cùng nhân dân viết Bình Ngô đại cáo bằng máu và khát vọng độc lập, tự do; về thời mở đất phương Nam và đau thương chinh chiến do Trịnh – Nguyễn phân tranh, cùng vai trò lịch sử của Quang Trung, Gia Long trong sự nghiệp thống nhất non sông Đàng Trong – Đàng Ngoài… Nhưng cho dẫu nhìn xa, nhìn rộng là vậy, Hoàng Phủ Ngọc Tường và những nhà thơ, nhà văn đồng đội Giải phóng quân của anh vẫn mãi để lại trong văn học sử những gì đã viết, không thế lực nào có thể bôi xoá được, mặc dù trong đó, một số trang viết chỉ còn có giá trị như những tư liệu.

 

4

Người hái phù dung

 

Hình như có khá nhiều năm sau Ngày Thống nhất (1975), Hoàng Phủ Ngọc Tường thi thoảng mới làm thơ. Có lẽ hơn mười năm, anh chuyên chú với thể văn bút kí, nhất là sau thành công của Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đặt tên cho dòng sông (1984)… Rất tiếc là ở cuối mỗi bài thơ, không phải bài nào anh cũng ghi ngày tháng năm và nơi sáng tác để có thể xác định, chứ không chỉ là phỏng đoán.

Người hái phù dung là tập thơ tích đọng lại sau hơn 20 năm (1976 – 1997). Ở Tuyển tập, tập 4, gộp vào phần Người hái phù dung, còn một số bài thơ khác, được viết vào năm 2001. Thời điểm muộn nhất là cuối mùa đông năm Tân tị, 25. 12. 2001.

Người hái phù dung, mảng thơ yêu đương và thơ tâm trạng riêng tư (xin được tạm gọi như thế), trước hết là vẻ đẹp chóng tàn của hiện thực cách mạng xã hội ở Đông Âu và Liên Xô. Phải chăng, theo anh, đó cũng là vẻ đẹp mong manh, thoắt thắm thoắt phai của loài hoa phù dung?

Mặc dù tâm trạng trong bài thơ mang tên Bài ngâm “đùa chơi” (17) chỉ có ở anh vào năm 1991, hoặc tâm trạng đó vốn đã có trước (kể từ 1885) nhưng chỉ được anh thể hiện vào năm 1991 ấy, năm có sự kiện Liên Xô sụp đổ, sau khi một loạt nước thuộc hệ thống chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã tan hoang. Vài dòng chữ này, tôi viết về anh, cũng chỉ là cảm nhận phỏng đoán trên cơ sở văn bản nghệ thuật là phần thơ thứ hai của anh.

Bài ngâm “đùa chơi”, Hoàng Phủ Ngọc Tường đề tặng Irina Zisman, không thuộc tập thơ Những dấu chân qua thành phố (1976), mà ở tập Người hái phù dung (1995 & 1997). Tự bài thơ đã toả ra hết những cung bậc suy tư, tình cảm trong tâm trạng anh, một trí thức yêu nước đồng thời là một đảng viên cộng sản, cho dẫu anh thuộc vào những người trí thức được kết nạp Đảng rất muộn.

“Đùa thôi nhé, thiên đường mộng ảo / Thế giới vỡ tan ngoài chân mây / Cầm giấc mơ xanh vàng tím đỏ / Ngoảnh lại nhìn nấm mọc đầy tay // Ta đi hết một thời trai trẻ / Tìm thanh gươm nghĩa khí nghìn thu / Đùa thôi nhé sắc cỏ vàng trên mộ / Anh hùng xưa biệt dấu sương mù // Và tất cả những điều đã nói / Bằng con tim máu nóng dâng trào / Cũng đùa thôi, nhớ chi hoài mệt óc / Chuyện nói cười một thuở gian lao // Ta tìm lại hình hài hoá bướm / Chút tự do quả thực trên đời / Rũ sạch hết đam mê hoang tưởng / Núi thông nhiều, ta hãy rong chơi // Chú tiều ơi, chú tiều xưa cổ / Lời du ca lảnh lói gọi ta về / Cuộc phong trần ta may còn hồ rượu / Để cùng người kết bạn sơn khê // Tiều rằng đã từ lâu chẳng dại / Kìa như tranh vân cẩu trên trời / Những tấn kịch thánh thần sa nước mắt / Thế gian này cũng chuyện đùa thôi… // Còn cho ta một trời mây bay / Một vầng trăng soi sáng mặt mày / Mai chú lại lên đồi hái củi / Ta về rừng gối đá ngủ say” (17).

Phải chăng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cười cợt hết thảy một cách đau xót, buồn bã, trước sự sụp đổ hầu hết các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa, ngay cả “thành trì” Liên Xô, và trước tình trạng ở 03 nước rưỡi còn lại, chủ nghĩa xã hội đã chuyển qua kinh tế thị trường trong lộ trình hoà nhập với thế giới tư bản chủ nghĩa? Anh chỉ biết quay về với Lão Trang qua hình tượng chú tiều xưa cổ, tìm lấy tự do cá nhân theo tiêu dao du và tề vật luận trong Nam Hoa kinh, với giấc mộng “không biết Trang hoá bướm hay bướm hoá thành Trang”! Thế giới hiện thực này, đối với anh, cho dù dụi mắt bao lần, anh cũng thấy rõ là y hệt trên trời cao, mây nhẹ như là áo trắng, bỗng chốc hoá thành chó đen, trong thơ Đỗ Phủ (“Thiên thượng phù vân như bạch y / Tu du hốt biến vi thương cẩu”).

Dẫu cho thế cuộc ra sao, người đọc cũng thấy được Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà thơ đã từng dám phản kháng, quyết tâm dấn thân theo sự chọn lựa của mình với ước muốn chất chứa tất cả Đất nước và nhân dân vào trái tim mình, theo một lí tưởng đại đồng bao năm đeo đuổi mà bây giờ anh tự trào là “đam mê hoang tưởng”. Hẳn anh cũng tự nhận thấy thế, khi những câu kết bài thơ gợi ta liên tưởng đến Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi (“Côn Sơn có suối đàn cầm / Mưa tuôn đá sạch ta nằm ta chơi…”):

“… Còn cho ta một trời mây bay / Một vầng trăng soi sáng mặt mày …”.

Dẫu sao, anh cũng không phải rơi vào bi kịch Huyền thoại Sisyphe (1942) của Albert Camus (1913 – 1960): hết lòng hết sức lăn tảng đá lên núi, rồi lại hạnh phúc (!) buông tay, cho tảng đá rơi xuống chân núi, và lại tiếp tục như bi kịch dã tràng, như bi kịch loài người. Huyền thoại Sisyphe được Bùi Giáng phỏng dịch nhan đề là Xe cát biển Đông!

Hình ảnh con dã tràng cũng được Hoàng Phủ Ngọc Tường nhắc đến trong bài Lời ngu ngơ của một gã mù chữ (18). Hình như đó là một bài thơ thể hiện một ước muốn, bằng một thứ ngôn ngữ mới của trái tim anh, anh nhận thức lại thế giới của riêng anh và cả thế giới của loài người, như thể sau một lần hành tinh này lại được tái tạo.

“Và khi thế giới được tái tạo trong ngôn ngữ mới / ta đọc hết nét ngu ngơ trên biển / của con dã tràng tiền sử / mê mải / viết / tên em”.

Điều đó, anh đã chiêm nghiệm, trong bài Gửi cho người (19):

“Tài hoa cũng chuyện đùa chơi / Làm sao thưa hết một lời yêu thương / Anh đi tìm khắp thiên đường / Chỉ còn một đoá vô thường gửi em”.

Nỗi đau “vỡ mộng” ở anh, tôi đoán rằng, không phải đến 1991, mới oà vỡ thành Bài ngâm “đùa chơi”, mà từ lâu rồi, trước đó… Phải chăng đây là những gì anh đã giấu kín trong tập Những dấu chân qua thành phố? Đúng là chùm thơ lục bát có tên chung Đoản khúc ở rừng (20), thể hiện những thoáng buồn rất bình thường trong những tháng ngày đang cầm súng trên Trường Sơn ở các chiến khu Trị – Thiên. Đó là nỗi buồn ngay sau ngày rời Huế lên đường kháng chiến: “Hoa nào nở buổi lâm hành / Con chim nào hát ngày anh lên đường / Đêm đông nghe đổ mưa nguồn / Nghe thời gian xoã sợi buồn xuống vai” (20). Đó là nỗi nhớ về người yêu đã xa, phía dưới miền xuôi phố thị kia: “Xa rồi, em đã như mây / Vùi trong trí nhớ những ngày gấm hương …” (20). Đó là tâm trạng người kháng chiến ở chiến khu nhớ về thuở nồng thơm yêu dấu đã không còn vết tích kỉ niệm trong trí nhớ ai đó: “… Vỗ tay vách đá vọng âm / Nhớ niên hoa, chợt bâng khuâng nụ cười” (20). Nhưng những bài thơ thương nhớ, buồn bã và luyến tiếc bâng khuâng ấy một thời bị “niêm phong” giấu kín, không thể in được trong tập Những dấu chân qua thành phố (1976). Gần đây mới có thể in ở Người đi hái phù dung (1997). Những cảm xúc ấy giả định không có ở người kháng chiến, mà chỉ vui vẻ, hồ hởi thôi, thì mới là máy móc, bất bình thường. Điều đáng chú ý, chính là nỗi đau “vỡ mộng” chăng? Trước hết là thực tế núi rừng gian khổ, đói cơm nhạt muối, sên vắt, sốt rét, tất nhiên không phải là sách vở trong thư viện đại học. Khi đã quen với gian khổ như thư sinh Nguyễn Trãi ngày xưa quen chịu đựng với sơn lam chướng khí, anh lại tự đương đầu với nỗi buồn có chiều sâu nhận thức và “vỡ mộng” chăng? Với sự trải nghiệm, quan sát của bản thân, tôi tin ai cũng có thể chịu đựng được gian khổ, nếu họ có ý chí, nghị lực và khát vọng cao cả. Hoàng Phủ Ngọc Tường có thừa những cái ấy, sao anh vẫn buồn đến thế này?

“Thôi em xa thẳm Trường Sơn / Ngày xưa anh vẫn cô đơn đã thường / Đêm qua nằm nhớ mưa nguồn / Con chim tắt lửa kêu buồn mấy năm // Thôi em ròng rã suối khe / Anh về mắc võng nằm mê đợi người / Đêm qua nhớ lũ đười ươi / Lang thang rũ một trận cười trong mây” (21).

Có bao giờ ta nghe nói đến hay tận mắt chứng kiến “rừng cười” với những cơn dịch cười vô nghĩa lí, kéo dài đến kinh hoàng, sởn gáy? Đó còn là một phủ nhận sự vô nghĩa lí của chiến tranh giữa con người với con người, nước này với nước kia? Và còn gì nữa chứ không chỉ thế…

Điều tôi cảm nhận về Bài ngâm “đùa chơi” phải chăng vốn có cơ sở như thế?

Thôi em cảm tạ chờ mong

Ngày anh đi hái phù dung chưa về

Đêm qua hương đã tàn mê

Mày ai còn dấu trăng thề như in (21).

Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà thơ suốt một đời đi tìm cái đẹp mong manh và chóng tàn phai? Và ai là người chung thuỷ đợi chờ? Phải chăng lòng chung thuỷ mới vĩnh cửu (trong ý nghĩa tương đối), còn nhan sắc vốn chóng tàn phai? Không phải anh không khát vọng vĩnh cửu. Thực ra, hơn ai hết, anh quá yêu vĩnh cửu và luôn luôn cháy bỏng khát vọng về cái đẹp vĩnh cửu (chẳng hạn như nhan sắc cùng thuỷ chung, mãi mãi không bao giờ héo úa, phản bội). Có điều, sao anh lại buông ra tiếng thốt như lời ngăn, lời khuyên “thôi đừng hoài công” với những giá trị mà nhan sắc cùng thuỷ chung chỉ là một trong những giá trị đó. Bàn tay lao động ư? Tuổi trẻ ngày xanh ư? Con người nhân văn ư? Thôi, chẳng còn gì! Ngay trò chơi, cuộc rượu tình bạn cũng tàn! Trường Sơn kháng chiến ư? Chờ đợi con người lí tưởng đích thực như hoài vọng, như nghinh vọng ư, mặc dù để rồi thất vọng mà thôi, cho dù ý thức hoài vọng, nghinh vọng con người lí tưởng đích thực (21) cũng là một giá trị?

Phải chăng Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn thông qua những hình ảnh cụ thể để nói đến ý niệm phổ quát về cõi sống mong manh, dâu bể (“thương hải biến vi tang điền”; “bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”), mà Nguyễn Du gọi là “cõi người ta” này? Cho dù thời gian và vật chất trong ý niệm là vô thuỷ vô chung, vô cùng, vô tận, nhưng ở dạng cụ thể, ngày tháng như vó ngựa câu qua cửa sổ, kiếp người, kiếp hoa chỉ là hạt bụi trong bão gió. Nhưng vĩnh cửu chóng tàn là hai mặt của một chỉnh thể nhận thức – khát vọng: biết rằng tất cả những gì ta thấy được đều chỉ là phù dung, phù du nhưng làm sao cấm được lòng ta khát khao vĩnh cửu tuyệt đối trên trần gian này!

Rốt lại, thực chất Đêm qua chỉ là một nỗi buồn bầm thẫm, khi chợt đến lúc nỗi buồn ấy đã chín và rụng rơi, như quả táo Newton, nhưng không phải là tình cờ giúp anh phát hiện quy luật vật lí mới, như đã giúp Newton thức ngộ về quy luật trọng lực trong thế giới tự nhiên (vạn vật hấp dẫn đối với quả đất), mà về thế sự, thời cuộc, và lí tưởng vỡ tan trong quy luật âm dương ảo hoá (thiện hoá ác, ác hoá thiện; “quá mù sa mưa”…), quy luật âm dương (thiện, ác; và muôn vạn cặp đối lập cụ thể khác) tương khắc tương sinh và quy luật quân bình âm – dương (như mưa – nắng thuận hoà…). Có lẽ tôi đã đẩy liên tưởng thơ cađồng sáng tạo khi đọc thơ đi quá xa!

Đêm qua chỉ là lúc trái “vỡ mộng” chín rụng, vỡ oà.

Người hái phù dung chủ yếu vẫn là một mảng thơ ghi lại những cảm xúc, trầm tư về những chủ đề muôn thuở, khắc khoải nhất của triết học và của tâm thức con người ở mọi nơi, mọi thuở:

- Thời gian

- Kiếp người

- Tình yêu – hạnh phúc

- Cô đơn – khổ đau

- Cái chết

- Tự do

- Hư vô (hay linh hồn, thượng đế) …v.v…

Phải chăng, tất cả những chủ đề triết học của các triết gia cũng là niềm khắc khoải của mọi con người bình thường nhất ấy đã được nhà thơ tư tưởng Hoàng Phủ Ngọc Tường chiêm nghiệm thông qua những khoảnh khắc tái hiện cảm xúc trước hiện thực sinh động, thường ngày, trên ý niệm tất thảy đều là vẻ đẹp mong manh, thoáng chốc, vẻ đẹp có thật mà rất đỗi hư ảo như hoa phù dung?

Bài thơ Dù năm dù tháng (22), tôi được đọc lần đầu tiên trong một tuyển tập thơ nhiều tác giả được xuất bản ở Huế giữa những năm 80 gần đây, dễ chừng cũng hai mươi năm rồi. Ở bài thơ này, có lẽ lần đầu tiên ý niệm mong manh, thoáng chốc, có thật mà hư ảo của biểu tượng hoa phù dung cổ điển xuất hiện trong thơ của tác giả Những dấu chân qua thành phố. Nhưng cụ thể hơn, ở đây là thời gian phù dung. Bài thơ được kết cấu theo dạng trình bày – gút lại. Theo tuần tự, đó là vẻ mong manh, thoáng chốc của một ngày; vẻ mong manh, thoáng chốc của một tháng; vẻ mong manh, thoáng chốc của một năm; rồi vẻ mong manh, thoáng chốc của một đời. Ngày, tháng, năm và cả đời người đều được biểu hiện bằng hai màu trắng và tím (màu mới nở và màu úa tàn) của hoa phù dung. Đoạn kết gút lại ý niệm về tính chất mong manh, thoáng chốc đó bằng cách nâng cao lên ý niệm ấy trong sự đối lập với ý niệm vĩnh cửu. Dù năm dù tháng còn là một bài thơ rất đẹp về ngôn từ, hình ảnh. Dù năm dù tháng được thể hiện trong nhạc điệu lục ngôn, hầu như chủ đạo vẫn là nhịp hai hoặc nhịp hai – bốn, đều đặn, trầm lắng, chỉ hai câu bắt đầu bằng hai từ “nhưng”, “nhưng lòng anh \ vẫn khôn nguôi” “nhưng trái tim \ mang vĩnh cửu”, là nhịp 3 \ 3, như tiếng thốt nên lời phản đề nhức nhối, da diết. Thực sự có vĩnh cửu chăng? Đó là thời gian vô cùng vô tận? Là sự trường tồn nòi giống, huyết hệ? Là khát vọng về cái đẹp vĩnh hằng trần gian mặc dù đó là ảo vọng (tuy chỉ là ảo vọng nhưng khát vọng về cái đẹp vĩnh hằng trần gian ấy vẫn không bao giờ tàn lụi một khi loài người còn tồn tại)? Là hi vọng về giá trị văn chương vĩnh viễn không bao giờ đổ vỡ? Hay trái tim hữu hạn mang chân lí vĩnh cửu? Dẫu cho với một ý nghĩa nào đó hoặc bao gồm tất cả các ý nghĩa ấy, thì đoạn kết được thể hiện trong sự đối lập ý niệm (mong manh, thoáng chốc – vĩnh cửu, vĩnh hằng) cũng làm cho phù dung càng phù dung hơn, nhưng cái phù dung ấy vẫn là một hạt ngọc của sợi dây chuyền thời gian được xâu kết bằng muôn muôn triệu triệu hạt ngọc.

Phải yêu đời lắm, Hoàng Phủ Ngọc Tường mới buồn như thế về tính chất phù dung của thời gian, đời người…

Và cũng phải yêu nàng thơ (hoặc yêu vợ) lắm, Hoàng Phủ Ngọc Tường mới viết được Nơi tôi gửi bóng (23). Cũng kết cấu trình bày – gút lại như thế, bài Nơi tôi gửi bóng lại đạt được một cái kết bất ngờ. Cách cấu tứ này không phải là mới, nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vận dụng một cách tài hoa và nhuần nhị, nhờ vào hình ảnh, ngôn từ và chiều sâu tư duy. Ẩn dụ hình tượng chiếc giếng nước được trình bày đến 06 khổ thơ, đến đoạn kết, bất ngờ bật sáng lên, trở thành hình ảnh nàng thơ (hoặc người vợ). Đây là hai khổ thơ làm nên đoạn kết ấy:

“Có gì đâu xa xôi / Sao mà em bỡ ngỡ / Giếng thẳm sâu đời tôi / Là đời em đó thôi // Giữ hoài cho màu nước / Sáng hoài như lòng tin / Đừng để thấy trong em / Gương mặt tôi tan vỡ”.

Cũng thuộc loại kết cấu trình bày – gút lại như thế, ta còn thấy anh sử dụng ở bài Bốn mùa (24). Xuân, hạ, thu, mỗi mùa đều có một loài hoa biểu trưng nhất theo Hoàng Phủ Ngọc Tường, đó là bông cỏ dân dã, phượng đỏ thế hệ, cúc vàng nữ sĩ, duy mùa đông, bất ngờ và thú vị thay, khi “hoa vắng nở trên cành / gương mặt em xinh đẹp / làm hoa cho riêng anh?”. Nhưng đối với thơ, đâu chỉ là cách cấu tứ! Tứ thơ mới là điều không thể non kém.

Và điều tôi muốn nói, là Hoàng Phủ Ngọc Tường vốn là một trí thức, một văn nghệ sĩ đã từng nung nấu lí tưởng. Anh tham gia kháng chiến không phải vì nghĩa vụ quân sự bắt buộc hoặc không thể chọn lựa được con đường theo chính kiến mình (giả định chính kiến anh xưa nay không phải là “con đường” Hồ Chí Minh). Từ thành phố Huế, anh lên đường vào chiến khu vì lí tưởng độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Có nung nấu khát vọng lí tưởng xã hội chủ nghĩa đến thế nên anh mới “vỡ mộng” đau đớn như thế khi nhìn thấy lí tưởng được thực hiện trong thực tế đáng chán, trì trệ, mất tự do, dân chủ như thế nào, và nhất là khi hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới hầu hết đã sụp đổ, thoái trào đến mức vô phương cứu vãn (?).Chịu đựng cơn đau đớn “vỡ mộng” này chưa nguôi, lại bị số phận giáng cho một nỗi đau riêng tư tức tưởi nhất. Điều này, tôi chỉ có thể đọc thấy trong thơ của anh như một sự phỏng đoán. Phỏng đoán qua thơ? Vâng, chỉ là phỏng đoán. Thơ vốn là thể loại hư cấu nữa! Chỉ tấm lòng anh, nỗi đau anh là thật. Phải chăng đó là sự đổ vỡ trong … chút tình thơ của anh? Một khi đã yêu nàng thơ đến thế (qua ba bài thơ Dù năm dù tháng, Nơi tôi gửi bóng Bốn mùa, anh không đề tặng ai), bỗng dưng, tình yêu đương rất thơ đó đổ vỡ ngoài ý muốn của anh, Hoàng Phủ Ngọc Tường rơi vào nỗi buồn bi thảm nhất. Này đây là thơ anh viết, Về chơi với cỏ (25):

“Thưa rằng người đã quên tôi / Tôi về chơi với ngọn đồi cỏ may / Một đường hoang một dấu giày / Một người ngồi một tháng ngày bóng nghiêng // Cảm ơn người trái đào tiên / Tôi về lãng đãng nơi miền cỏ gai / Cỏ gai hoa thắm mặt người / Trinh nữ ơi trinh nữ ơi – tôi buồn / Thôi người ở lại soi gương / Tôi đi về phía con đường cỏ lau / Nợ người một khối u sầu / Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi // Mai kia rồi cũng xa người / Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa / Có nàng xoã tóc tiên nga / Quỳ hôn cát bụi khóc oà như mưa”.

Đó là sự ra đi, thoát khỏi nàng thơ cụ thể một cách cao thượng. Không những không oán trách, anh còn cho rằng mình dẫu sao cũng mang nợ. Nợ gì? Phải chăng trót để nàng thơ ấy trĩu một khối u sầu trong trống vắng, khiến nàng thơ không thể cam chịu được nữa, để rồi sau bao ngày tháng anh rong ruổi, lúc quay về, sự đổ vỡ không ngờ đã xảy ra? Mối tình Nàng Trương (Vũ Thị Thiệt) và chiếc bóng trên vách ư? Hay đó là sự thật nhãn tiền đau đớn giữa anh và sự lạt lòng của nàng thơ? Dẫu sao, anh cũng tự trách mình, vẫn gọi nàng thơ ấy là trinh nữ theo quan niệm “chữ trinh kia cũng có dăm bảy đường” của Nguyễn Du (trong ý hướng an ủi của ông)? Cuối cùng, anh vẫn hi vọng một ngày kia rồi anh cũng sẽ chết, nàng thơ ấy trót vì u sầu mà lầm lỡ với ai đó sẽ hối hận, “quỳ hôn cát bụi khóc oà như mưa”?

Tôi thấy hình như Hoàng Phủ Ngọc Tường còn có chất hiệp sĩ, như trong một lần trả lời phỏng vấn trên tạp chí Cửa Việt, anh tự nhận mình chính là “hiệp sĩ mặt buồn”. Phải chăng anh còn là “hiệp sĩ mặt buồn” cao thượng kiểu lãng mạn chủ nghĩa trong sự đổ vỡ chút tình thơ riêng tư này, giữa thời kì tục dụng chủ nghĩa, cạm bẫy giăng đầy này. Tôi cầu mong sao sự đổ vỡ chỉ là trong thơ, và chỉ trong thơ mà thôi.

Phải chăng không những lí tưởng cách mạng xã hội, và thời gian – kiếp người, cùng những giá trị như bàn tay lao động, tuổi trẻ ngày xanh, con người nhân văn, cuộc rượu tình bạn, Trường Sơn kháng chiến, ý thức hoài vọng, nghinh vọng con người lí tưởng đích thực (21)… đều là phù dung, mà cả tình thơ cũng quá đỗi phù dung! Tất cả chỉ là vẻ đẹp mong manh, thoáng chốc, có thật mà hư ảo. Còn nỗi đau khổ trong trái tim anh, nỗi cô đơn của anh, cũng phù dung chăng?

Có lẽ từ những nguyên nhân đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường ở giai đoạn về sau, càng có khuynh hướng suy tư, chiêm nghiệm lại chủ đề cô đơn, cái chết, hư vô – linh hồn…

Có một điều, tôi thấy anh không bao giờ nói đến Thượng đế theo quan niệm tôn giáo (đấng siêu hình được nhân hoá). Anh vẫn là một thi sĩ vô thần, mặc dù có lẽ anh tin có linh hồn (một dạng siêu vật chất).

Cô đơn của anh lắm khi là sự xa lánh mọi người, để một mình anh đối diện với chính anh trong thiên nhiên cỏ cây sương khói. Bài Thiền định (26) kể về một “ngày ấy” xa xôi nào đó và cả bây giờ: “Tôi vẫn ngồi trong gió heo may / Một phiến hồ thu, nước lại đầy / Ngày không thiên sứ / chiều không nắng / Chỉ một mình tôi với bóng mây // Em kể tôi nghe chuyện núi đồi / Chỉ là ảo tưởng đấy mà thôi / Tôi nhìn trong khoảng mông lung ấy / Chỉ có tôi ngồi với bóng tôi ”, và cuối cùng xa lánh với cả người con gái ấy: “Em gọi tên tôi khắp mọi nơi / Gọi tôi vang động cả vòm trời / Tôi ngồi im lặng như lau sậy / Mờ mịt như màu sương khói thôi”. Niềm cô đơn trong thời trẻ tuổi chưa dấn thân, chưa tranh đấu chính là sự tìm quên thực tại chiến tranh? Niềm cô đơn này ở một nhà thơ từng có cả cuộc đời dấn thân, kháng chiến quyết liệt, bền gan nhất, phải chăng là một sự phản kháng lại thực tại hậu chiến?

Bài thơ viết về hư vô – linh hồn được nhiều người đọc, bình và nhớ là Địa chỉ buồn (27). Đạm Tiên trong Truyện Kiều như một ám ảnh về định mệnh bất hạnh của kiếp tài sắc. Ở bài thơ này, đường phố âm hồn của tài sắc mang tên bóng quế Đạm Tiên! Đó là nơi có vầng trăng soi chiếu giấc ngủ anh, và từ chốn vĩnh hằng, nàng tiên nào đó lặng nhìn. Đó là nơi có những giọt lệ nến trong thơ Lý Thương Ẩn cứ chảy hoài từ thuở sơ sinh như tiền định. Và, “những chiều Bến Ngự giăng mưa / chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi / tôi ra mở cửa đón người / chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang // nhà tôi ở phố Đạm Tiên / “dưới dòng nước chảy, bên trên có cầu” / cây sầu đông, cây sầu đau / thương tôi, cây cũng nở màu hoa râm”. Đây phải chăng là trạng thái tâm lí nhập thân (đồng nhất nhân vật Thuý Kiều với chính mình) của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường – anh bị ám ảnh (như Thuý Kiều bị ám ảnh) về kiếp nghệ sĩ tài hoa mà “bạc mệnh cũng là lời chung”? Phải chăng tận chiều sâu của trạng thái này chính là niềm phản kháng, phê phán xã hội như rất nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định về Truyện Kiều?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết rằng, luận văn cử nhân triết học của Hoàng Phủ Ngọc Tường là “Cái chết (La mort)” (28) và Nguyễn Trọng Tạo, Hồ Thế Hà cũng đã bình luận nhiều về chủ đề này trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tôi cảm nhận thêm một điều là ở thời tuổi trẻ, Hoàng Phủ Ngọc Tường chấp nhận cái chết tích cực, chết vì sự sống như trong bài ca dao về cây sầu riêng, “một cây ngã xuống, vạn chồi mọc lên”; ở giai đoạn sau này, cái chết thường xuyên trở đi trở lại như ám ảnh không rời trong tâm thức một “gã tình si kêu gào vĩnh cửu” (29) Hoàng Phủ Ngọc Tường, một nhà thơ từng tiếc nuối thời gian chóng qua (Dù năm dù tháng), phải chăng tận chiều sâu là một thái độ phản kháng thực tại?

Điều quan trọng nhất, đáng quan tâm nhất là quan niệm về tự do. Ở bài Người khát vọng bầu trời (30), anh viết hồi kỉ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi, 1980, bấy giờ, quan niệm tự do của anh mới mạnh mẽ biết bao! Đó là tự do cho cả dân tộc và cho mỗi con người. Cho dù trước kẻ thù ngoại xâm nhà Minh hay trước bọn gian thần bạo chúa nhà Hậu Lê, Nguyễn Trãi vẫn bất khuất. Kín đáo trong bài thơ này là khát vọng tự do, dân chủ của Hoàng Phủ Ngọc Tường và của cả dân tộc trong thời chưa Đổi mới (1986), chưa Cởi trói (1987). Nhưng tư tưởng tự do, dân chủ, cơ chế đối trọng của anh không thấy thể hiện trong thơ, mà chỉ loé lên trong vài bài báo! Tự do, dân chủ và cả công bằng, bình đẳng nữa, trong Người đi hái phù dung, thực chất chỉ là tự do cá nhân trong sự chối từ xã hội kiểu tiêu dao du, tề vật luận của Trang Tử, thể hiện qua Nam Hoa kinh:

“… Con chim nào giấu mặt trong sương / Khi chiều xuống cùng tôi trò chuyện / Chim hỏi tôi: Người từ đâu đến? / Thưa chim rằng: Tôi từ cỏ sinh ra // Tôi trở về tìm trong hương cỏ / Dịu dàng một chút bình yên / Tự do nhiều khi là im lặng / Để đừng nghe ai gọi tên …” (31).

Thật dễ thương biết bao trong đối thoại kiểu tề vật luận với tinh thần bình đẳng giữa vạn vật, muôn loài, nhưng tự do không chỉ là rong chơi, ngao du sơn thuỷ hoặc “dưới cây kia tôi ngồi hát nghêu ngao” (31) kiểu tiêu dao du nữa, mà còn là ý thức tự giải phóng ra khỏi thân thế (vốn như một thứ trói buộc cho dù tập ấm hoặc nô lệ truyền kiếp) và im lặng (vô công, vô vi), vô danh.

Phải chăng đó cũng là một cách phản kháng tiêu cực, quá tiêu cực, của một trí thức, trong thời tuổi trẻ, vốn đã đấu tranh không chùn bước trong cơ chế dân chủ tư sản Miền Nam trước Ngày Thống nhất (1975), cũng đã lên đường kháng chiến chống Mỹ, từng hiểu thấu đáo thế nào là tự do, dân chủ, đối lập, đối trọng lẫn các mệnh đề của chủ nghĩa Marx? Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường như thể đã đành quên “tự do của người này là điều kiện tự do của người khác”, “tự do là sự nhận thức được tất yếu” (“tất yếu” phải là tất yếu khách quan, xét theo quan điểm đồng đại, so sánh với các nước trên thế giới, không phải là thứ “tất yếu” bị áp đặt, xuyên tạc để bảo vệ nền chuyên chế độc tài, ở các nước nào đó!).

Trong tất cả các nhân quyền, Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ đòi mỗi một thứ tự do được bày tỏ thái độ, mà nói theo ngôn từ của anh là “quyền được buồn”. Thực chất quyền được buồn là quyền được bày tỏ công khai trên báo chí, bằng văn chương thái độ bất bình trước những gì chướng tai gai mắt, và cũng theo cách như thế, được quyền bày tỏ cả nhân sinh quan riêng của mình, sáng tạo riêng của mình… Tôi nghĩ, thực chất đó là quyền biểu đồng tình hay phê phán (và chấp nhận sự đồng tình hay phê phán phản hồi) một cách xây dựng, đó là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản… Thật ra, “quyền được buồn” cũng còn hạn chế lắm, nhưng thử tưởng tượng không một ai trong nước được quyền bày tỏ nỗi buồn bực, buồn chán của mình trước bao điều trái tai gai mắt xem! Thật khủng khiếp!

Và như đã nói, khi buồn (âm) quân bình với vui (dương), con người mới thật sự cân bằng tâm lí, để không đến nỗi bất bình thường, máy móc hoá!

Dẫu sao, tôi vẫn cảm nhận được những nét tiêu cực một cách tích cực của Hoàng Phủ Ngọc Tường qua Người hái phù dung.

Người hái phù dung là mảng thơ đẹp nhất của anh về ngôn từ, hình ảnh, nhạc điệu, màu sắc thơ, tuy có đôi chỗ (rất ít) có lẽ hơi sáo mòn như anh Nguyễn Trọng Tạo đã chỉ ra. Phải nói thêm, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đẹp trong trẻo và uyên áo. Nếu vừa thích vì đẹp, vừa trách sao thơ anh càng về sau càng buồn đến tuyệt vọng, thì chỉ có một cách là đọc thêm truyện kí của anh. Thang thuốc, như đối với mọi nhà văn, trước hết là cho mình, anh cũng đã tự kê đơn, có đủ cả thứ hàn, thứ nhiệt và thứ bình, trong sự tương tác lẫn nhau giữa các thứ như thế!

 

5

Có lẽ Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà thơ đồng thời là một nhà văn có tấm lòng quý mến đặc biệt đối với những người làm văn thơ trẻ tuổi hơn anh.

Cách đây gần 20 năm, bấy giờ tôi còn ở Quảng Trị, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường và các anh trong Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương, gồm nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà thơ Võ Quê và nhà văn Nguyễn Khắc Phê, có một lần ghé đến nhà tôi để thăm hỏi. Đêm đó, tôi có viết một bài thơ rất mộc mạc để kính tặng:

Tấm lòng

bất ngờ trước những tứ thơ

những trang văn, vẫn có ngờ được đâu!

bàn tay tìm đến nỗi đau

trái tim nghe tận nguồn sâu mạch đời

tấm lòng rộng mở đến tôi

cái nhìn gắng trải khắp trời Nắng – Mưa

bao điều đã viết và chưa

cơ hồ thấm thía như vừa đọc xong

văn chương tự những tấm lòng

mãi trong veo ngan ngát dòng Sông Hương

các anh vào, nắng vườn dương

cứ bâng khuâng ở bên đường làng quê

tôi ngồi đến cạn đèn mê

ánh trăng vằng vặc lại về trong tôi.

                                             TXA.

Quảng Trị, 1885

Bài lục bát Tấm lòng là một kỉ niệm đáng nhớ còn đọng lại trên giấy.

Về nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi còn nghĩ, chính anh mới là một chiếc cầu nối tuyệt vời nhất giữa hai bờ Bến Hải về văn học nghệ thuật. Không ai hiểu văn nghệ sĩ Miền Nam – Miền Bắc trước và sau Ngày Thống nhất (1975) hơn anh. Rất tiếc, anh đã bị bệnh suốt mấy năm nay, đến mức chỉ ngồi trên xe lăn, nói năng rất khó. Tôi vui mừng xen lẫn với ngạc nhiên như thể được chứng kiến một sự kì diệu, là anh vẫn tư duy rất minh mẫn, viết lách rất tài hoa, và càng cảm thấy mừng khi những ngày gần đây anh chuyện trò rõ tiếng hơn. Tôi cũng hi vọng 02 cuốn tiểu thuyết tôi mới xuất bản trong năm ngoái, Ngôi trường tháng giêng Sen đỏ, bài thơ hoà bình (**), đã được anh đọc. Không rõ tình trạng sức khoẻ như thế, anh có đọc tiểu thuyết hay không. Trong Ngôi trường tháng giêng, nhà văn Đan Sử (có nghĩa là sử đỏ, sử viết bằng máu) chính là nhân vật được hình tượng hoá từ nguyên mẫu rất thật là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Trong những năm tháng anh bị bệnh tật đến mức ấy, chị Lâm Thị Mỹ Dạ đúng là một người vợ hiền, thuỷ chung, chịu thương chịu khó với sự nhẫn nại bền bỉ đến mức không một ai không kính phục.

Tôi vẫn cứ nghĩ rằng, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ còn viết hay và viết nhiều hơn nữa. Hi vọng “phần chìm” ở Hoàng Phủ Ngọc Tường, anh Nguyễn Trọng Tạo có nói đến, sẽ được viết ra trên hàng ngàn trang giấy hay ít ra cũng sẽ được ghi âm lại. Và giá như có một thư kí bên cạnh chị Lâm Thị Mỹ Dạ để cùng chị giúp việc cho anh! Đó là cả một tài nguyên quý báu, mất đi sẽ không bao giờ có thể tìm lại được.

 

TP. HCM., khởi viết từ 08 giờ 10 phút, ngày 22. 10. HB4 (09. 9. G. thân HB4);

viết xong lúc 16 giờ 28 phút, ngày 24 . 10. HB4 (11. 9. G. thân HB4).

TRẦN XUÂN AN

 

(*) Trước đó, vào năm 1973, tôi đã được một tuần báo ở Sài Gòn, cụ thể là nhà văn Từ Kế Tường (Nguyễn Đan Trường), giới thiệu là một người thơ mới với bài Tiếng chuông xưa (Tuổi Ngọc, số 103, năm 1973).

(1) Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tuyển tập (TTHPNT.), (4 tập, Trần Thức tuyển chọn từ Những dấu chân qua thành phố, tập thơ, Nxb. Giải Phóng, 1976 và Người đi hái phù dung [1995], Nxb. Thuận Hoá tái bản, có bổ sung, 1997), tập 4, thơ, Nxb. Trẻ TP. HCM. & Công ti Văn hoá Phương Nam, 2002.

(2) TTHPNT., tập 4, bài bạt của Nguyễn Trọng Tạo: Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, một cõi tâm linh, sđd., tr. 187.

(3) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 5.

(4) Trần Tam Tỉnh (linh mục), Thập giá và lưỡi gươm (nguyên tác tiếng Pháp: Dieu et Çésar, Nxb. Sudest-Asie, Paris, 1978), linh mục Vương Đình Bích dịch, Nxb. Trẻ, 1988, tr. 133 – 158… Chế độ độc tài Ngô Đình Diệm (1955 – 1963) thực chất là con đẻ của Mỹ và chủ yếu là con đẻ của Thiên Chúa giáo, một thế lực phản quốc kể từ thời Tự Đức (1847 – 1883), Hàm Nghi (1884 – 1885 – 1888) đến 1963, điều đó ai cũng rõ, nhân chứng lịch sử cho đến nay vẫn còn sống khá nhiều. Riêng cái gọi là chế độ đệ nhị cộng hoà do Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu, vì Thiên Chúa giáo rút kinh nghiệm từ vụ Ngô Đình Diệm, và vì Nguyễn Văn Thiệu không lộ liễu chường ra nhãn hiệu thập giá, nên nhiều người còn ngộ nhận. Để tiện tham khảo và để dễ hồi ức lại bối cảnh lịch sử giai đoạn 1963 – 1975, xin trích một vài đoạn từ sđd.: “Cuộc binh biến đầu tiên do “Minh đại ca” [Dương Văn Minh – TXA. chua thêm (ct.)] chỉ huy đã bị lật nhào ngày 30 tháng giêng 1964 bởi một nhóm tướng trẻ do Nguyễn Khánh điều khiển. Khánh lại phải cuốn gói ngày 13 tháng 9 để nhường cho một “tên Thổ trẻ”, tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ. Như một phép lạ, ngày 27 tháng 10 năm 1964, xuất hiện một chính phủ dân sự của Phan Khắc Sửu [tín đồ đạo Cao Đài, làm quốc trưởng đến 1966 [?] – ct.], chẳng mấy bữa lại bị lật đổ, ngày 20 tháng chạp trong một cuộc “đảo chính bỏ túi”. Nguyễn Khánh lại lên ghế chủ tịch, bằng một cuộc trở về yên ổn ngày 28 tháng giêng 1965, để ba tuần sau đó lãnh án “lưu vong”, làm đại sứ lưu động, rồi sau đó làm chủ một quán ăn tại Paris. Vụ lật đổ thứ sáu đưa ông tướng hung hăng Nguyễn Cao Kỳ lên cầm đầu chính phủ. […] Có một nhân vật ngồi ung dung trong văn phòng mình tại Sứ quán Mỹ cứ giật dây, điều khiển các con rối và thay đổi chúng tuỳ thích, đó là Cabốt Lốt [Lodge – ct.]…” (sđd., tr. 143 – 144); “Chẳng bao lâu, y [Nguyễn Cao Kỳ – ct.] đã đành chịu đóng vai nhì bên cạnh một tướng cao mưu, xảo kế hơn, đó là Nguyễn Văn Thiệu. Tay này đã trở lại đạo Công giáo dưới chế độ Diệm. Một số người cho rằng y theo đạo Công giáo vì những động cơ chính trị, hơn là vì lí do tôn giáo [và vợ y là một tín đồ Thiên Chúa giáo – ct.]” (sđd., tr. 145); “Trong bối cảnh như thế, thái độ của Giáo hội [Thiên Chúa giáo – ct.] Việt Nam như thế nào? Sau một lúc bị gạt ra rìa bởi nhóm tướng tá đảo chính và Hoa Kỳ đang muốn chơi con bài Phật giáo, người Công giáo lại giành được thế mạnh chính trị vào năm 1965. Quả thế, trong vụ khủng hoảng Phật giáo và sau khi Diệm bị đổ, người Mỹ cứ ngỡ rằng có thể dựa vào Phật giáo để thực hiện mục tiêu của mình. Nhưng Giáo hội Phật giáo thống nhất, mặc dầu có nhiều xu hướng và ý đồ khác nhau, vẫn không tán thành chiến tranh và không chống lại việc thương thuyết với Cộng sản. Một điều chắc chắn, theo cây bút Xunbecgơ trong tờ Nữu Ước thời báo [Newyork Time – ct.] ngày 15. 3. 1965, tổ chức Phật giáo không đồng tình với kiểu cách của Oasinhtơn [Washington DC., thủ đô Mỹ – ct.], mà lại nghiêng về phía các ước nguyện của Việt cộng. Mất hứng trước thái độ của Phật giáo, Lầu Năm Góc quay lại luôn phía Công giáo và chơi cho hết ván bài này…” (sđd., tr. 149 – 150); “Năm 1967, […]. Tại Việt Nam, các binh sĩ Mỹ đã đặt lên ngôi tổng thống một người Công giáo (Nguyễn Văn Thiệu) và đưa vào thượng viện đa số nghị sĩ Công giáo (35 ghế trên 60)…” (sđd., tr. 155).

Xin xem thêm: Trần Xuân An, Mùa hè bên sông, tiểu thuyết, bản đã sửa chữa, bổ sung lần thứ ba, in vi tính ngày 19. 12. 2003 (trọn vẹn gồm 745 trang [kể cả phần chú thích, phụ lục] và phần ngoài sách gồm 15 trang [một bài thơ viết về Quang Trung cùng các chú thích sử học], cỡ sách 13 cm x 19 cm).

(5) TTHPNT., tập 4, sđd., phần gấp bìa 1.

(6) Xem thêm: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Như con sông từ nguồn ra biển (truyện kí, 1971), trong Tuyển tập HPNT., tập 2, Nxb. Trẻ, 2002, tr. 9 – 38.

(7) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 32 – 33 & bài Đường phố ấy, sđd., tr. 21 – 23.

(8) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 14.

(9) TTHPNT., tập 4, bài Câu hỏi, sđd., tr. 18 – 20.

(10) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 15 – 17. 

(11) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 11 – 13.

(12) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 64.

(13)  TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 65.

(14)  TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 79 – 82.

(15)  TTHPNT., tập 4, bài Tôi viết tên Người, sđd., tr. 26 – 28.

(16)  TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 52 – 56. Nậy có nghĩa là lớn.

(**) Chẳng hạn về cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 (báo chí Miền Nam gọi là “biến cố Tết Mậu thân”), bài thơ Dấu dép cao su trong vườn mẹ của Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ đúng và rất đúng với anh và đồng đội Giải phóng quân của anh cũng như với các gia đình cơ sở cách mạng ở Huế, kể cả ngoại thành. […].

[…] Cho nên, câu ngạn ngữ Phương Tây “bên này dãy Pyrénnées là chân lí, bên kia là sai lầm”, cũng có thể vận dụng ở trường hợp Tết Mậu thân Huế 1968 này chăng? Ở đây, tôi chỉ nói về quan hệ giữa thi ca và sử học cũng như đặc trưng của mỗi loại. Xin khẳng định lại một lần nữa để khỏi bị ngộ nhận: Tôi không có ý cho rằng bài thơ Dấu dép cao su trong vườn mẹ phản ánh sai sự thật lịch sử đối với nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường và đồng đội Giải phóng quân của anh cũng như đối với bộ phận gia đình cơ sở cách mạng ở Huế và ngoại thành Huế. Nhưng đó không phải là sự thật lịch sử toàn cảnh Huế vào Tết Mậu thân 1968.

(17) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 132 – 134.

(18) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 137 – 138.

(19) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 135 – 136.

(20) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 121 – 122.

(21) TTHPNT., tập 4, bài Đêm qua, sđd., tr. 106 – 108.

(22) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 83 – 84.

(23) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 87 – 88.

(24) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 157 – 158.

(25) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 126.

(26) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 161 – 162.

(27) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 104 – 105.

(28) TTHPNT., tập 4, hai bài đã dẫn, sđd., tr. 190 & tr. 200 – 201.

(29) TTHPNT., tập 4, bài Tình sử Hy Lạp, sđd., tr. 91 – 93.

(30) TTHPNT., tập 4, sđd., tr. 95 – 96.

(31) TTHPNT., tập 4, bài Tôi biết nơi kia có một chỗ ngồi, sđd., tr. 109 – 110.

(**) Trần Xuân An, Ngôi trường tháng giêng (tiểu thuyết) & Sen đỏ, bài thơ hoà bình (tiểu thuyết), xuất bản cùng một lượt, Nxb. Thanh Niên, 2003.

(*) Trần Xuân An, Ngôi trường tháng giêng (tiểu thuyết), Nxb. Thanh Niên, 2003.

TXA.

(trích một bài trong cuốn “Ngẫu hứng đọc thơ”, Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005)

 

________________________________________________________________________________________________

 

Trở về

 

THÔNG BÁO CẬP NHẬT Ở CÁC TRANG KHÔNG PHẢI TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI:

( http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update_mucluctrang )

 

TRANG BÀI MỚI - SÁCH MỚI - TIN TỨC MỚI

&

trang mục lục Giao Lưu:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket_mucluctrang

(mục lục của mục này -- các trang Giao lưu)

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

(trang 1 Giao lưu)

TRANG "NGÀN WEBs CỦA NGÀN NHÀ":

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/webcacnha

Trang chủ Web. Tác giả Trần Xuân An:

http://tranxuanan.writer.googlepages.com

trang "Những trang mục trên 'Web Tác giả Trần Xuân An'":

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/webtacgiatranxuanan

 

 

Google page creator  /  host

DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

    lên đầu trang (top page)   

 

 Ngày đưa trang này lên web: 11-9 HB9