i. Trần Xuân An - Ngẫu hứng đọc thơ - Đọc thơ Hà Linh Chi - Tệp 9

author's

copyright

trần xuân an

ngẫu hứng đọc thơ

 

 

phê bình thơ

Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005

06/30/09

 

 

Bài 1

 

Bài 2

 

Bài 3

 

Bài 4

 

Bài 5

 

Bài 6

 

Bài 7

 

Bài 8

 

Bài 9

 

Phụ lục 1

 

Phụ lục 2

 

                             

        

   Bài 9

 

ĐỌC THƠ HÀ LINH CHI

 

Kính gửi đến gia đình

cố thi sĩ HÀ LINH CHI

với niềm tưởng tiếc khôn nguôi về anh.

 

TXA.

 

1

Cuối cuộc họp rút kinh nghiệm về số đầu tiên tập san Văn nghệ Bình Trị Thiên, tôi mới biết người đàn ông đã ngoài ba mươi tuổi, có nước da ngăm ngăm nâu và khá vạm vỡ, vừa phát biểu kia, là nhà thơ Hà Linh Chi. Anh nói, xin anh em gửi bài về Đài Phát thanh tại Huế, nhưng nhớ đừng gửi những bài “lên gân”, bởi người biên tập là anh, vốn không thích “lên gân”. Anh dùng hai chữ đó với ý mỉa mai sự hô hào suông như “khẩu hiệu” trong thơ. Đó là ý kiến sau khi có người đã phê phán sự “bít bùng” trong nghệ thuật. Tôi suýt nữa phải bật cười, bởi sau Ngày Thống nhất (1975), như nhiều người đã viết, ở thời điểm đó, những người chiến thắng cùng với tuổi trẻ chưa thật sự vướng vào cuộc chiến tranh, rất lãng mạn, loại lãng mạn “hướng ngoại”, thường vẽ vời trong ước mơ những gì rất to tát, viển vông về xã hội, về Đất nước, quê hương, nên rất dễ duy ý chí. Anh Hà Linh Chi vốn là một người khá “ngang xương” như thế.

Đó là năm 1976, lần đầu tiên tôi gặp anh. Hình như sau đó không lâu, nhà thơ Hà Linh Chi cũng vào Lâm Đồng tiếp tục công tác ở Đài Phát thanh tại Đà Lạt.

Tháng 09. 1978, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, tôi được bổ nhiệm vào Ty Giáo dục Lâm Đồng. Tôi vẫn chưa gặp lại anh Hà Linh Chi. Năm học đầu tiên, tôi về giảng dạy tại Lộc Ngãi, huyện trà Bảo Lộc (*). Cũng chưa có dịp nào gặp lại nhau! Năm học sau đó, tôi về Trường Phổ thông cấp III Bảo Lộc, nhưng lại dạy tại phân hiệu Đa Huoai của trường, tít tận Chiến khu D cũ. Vẫn chưa gặp lại! Đến hai niên khoá ở hai vùng khai hoang lập ấp, thường được gọi là vùng “kinh tế mới”, tôi mới được lên giảng dạy tại Trường Phổ thông trung học (cấp III) Đức Trọng, nơi có sân bay Liên Khương và thác Prenn, thác Gougar nổi tiếng.

Năm 1980, chúng tôi mới gặp nhau lần thứ hai, sau lần đầu ở Huế vào năm 1976.

Lần gặp lại, anh bảo, mấy năm qua anh bị các vị lãnh đạo “hành hạ”, “lên dây cót” đủ việc, từ thu mua lương thực cho đến những việc không phải là thơ ca, báo chí, phát thanh gì ráo. Tôi không ngạc nhiên, vì biết nét cá tính khá ngang tàng một cách nghệ sĩ của anh, thế nào cũng bị lận đận bởi các vị cấp trên vốn ưa chuộng khuôn phép.

Từ đó, anh Hà Linh Chi với tôi rất thân tình, như thể bạn bè, đến mức thỉnh thoảng vẫn có thể cùng nhau rượu chè, cười cợt, châm biếm hơi suồng sã một cách đau xót về đủ thứ chuyện tiêu cực trên đời, hoặc khoái chí đến mức có thể cười ha hả hay xuýt xoa thích thú về những gì tốt đẹp ngoài xã hội, mặc dù anh lớn hơn tôi đến 16 tuổi.

“Trong cuộc sống thường ngày, Hà Linh Chi là người sôi nổi, nồng nhiệt với bạn bè, không hề che giấu bản chất con người mình. Phía sau những ứng xử có lúc như ào ạt là một một trái tim thơ nhân hậu, một trí tuệ sắc sảo, một cá tính độc đáo khắc sâu vào tâm trí những người đã có dịp gần anh” (1). Đó là một nhận định rất đúng về nhà thơ Hà Linh Chi.

Nhưng tiếc thay, hơn 10 năm rồi, kể từ ngày 21. 06. 1994 ấy, anh không còn nữa trên cõi đời này, ở tuổi 54 còn đầy sức sáng tạo! Ngày anh về với thế giới hư vô, với lòng Đất Mẹ tại Đà Lạt, tôi đang ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhận được điện tín báo tang do anh Trần Ngọc Trác gửi về, lúc nấm mộ anh đã đắp lại rồi, tôi chỉ biết thắp một nén nhang hướng mặt lên thành phố hoa quỳ vàng ấy.

Liệu tôi có thể viết gì về thơ của một người đã thành thiên cổ!

 

2

Hình dung ra cuộc đời nhà thơ Hà Linh Chi, có lẽ phải khởi đầu từ một bài thơ hồi tưởng của chính anh. Có những khoảnh khắc, những buổi, những ngày mãi còn đọng lại trong trí nhớ thời tấm bé, do được tận mắt chứng kiến hoặc được kể lại một cách tình cờ bởi người lớn, mãi về sau, trở thành một dấu ấn màu son không phai mờ trong tâm khảm. Hẳn những ai sáng suốt đều nghĩ rằng tâm thức con người không bao giờ là một tấm bản sao vô tri được chụp lại từ thế hệ trước cùng huyết thống. Tuy nhiên, với sự suy tư, chiêm nghiệm và có thể cả khảo nghiệm của mình về lịch sử, Hà Linh Chi đã có một Buổi sáng ấy (2), không thể nào quên:

“Con chỉ nhớ khi con vừa năm tuổi / Ngày tháng trôi qua trong sóng biển, còi tàu / Đường phố chợ có bao giờ bước tới / Cha đốt củi trên rừng, mẹ ra hói tìm rau // […] Mặt trời lên rồi bốn bề trống thúc / Trong Lăng Cô ra, ngoài Đá Bạc vào / Bên Tư Hiền cũng thuyền giăng mỏ giục / Rừng cờ, rừng người cuồn cuộn vàng sao! // […] Con đâu hay đó là Ngày Độc lập / Tháng Tám mùa thu cờ đỏ sao vàng / “Cờ pha máu chiến thắng mang hồn nước…” / Cha bước trong đoàn người cùng hoà nhịp ca vang // Bốn mươi lăm năm một đời con theo bước …” (**).

Bài thơ được anh viết vào năm anh đã 50 tuổi, vào một ngày gần cuối tháng tám, 1990. Đó là năm ở Đông Âu, một loạt nước xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ, sự biến Thiên An môn ở Bắc Kinh cũng đã diễn ra, và ở Liên Xô, một không khí rối loạn đã bắt đầu dữ dội hơn. Nhưng Hà Linh Chi vẫn muốn giữ trọn vẹn, không hề có chút dao động, như ai đó đã toan lau chùi đi dấu ấn màu son Cách mạng Tháng Tám và cả quãng đời, như anh đã thưa với hương hồn cha mình, “bốn mươi lăm năm một đời con theo bước” với Tiến quân ca.

Sau 09 năm kháng chiến chống Pháp, dưới ngọn cờ Tháng Mười tại Nga (1917) và ngọn cờ Tháng Tám Việt Nam (1945), ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, có một người chiến sĩ cách mạng đã dẫn con trai ra Miền Bắc, sau hiệp định Genève (20. 07. 1954). Hà Linh Chi chính là đứa con trai ấy, mới bước vào tuổi 14 được gần 03 tháng (3). Không phải ngẫu nhiên mà về sau, trong tập thơ của mình, theo nếp tư duy thuở bấy giờ (dẫu trong số bạn anh lắm người chê trách là di căn nhược tiểu (***)), vẫn có vài ba lần anh nhắc đến hai chữ Tháng Mười viết hoa:

“Rực rỡ đoá quỳ vàng / Đưa cao nguyên vào nắng / Nghiêng nghiêng vầng nón trắng / Óng vàng mái tóc Nga […] / Cùng vun gốc tỉa cành / Cho Tháng Mười bông trổ / Màu ba dan thắm đỏ / Trên tay cô gái Nga …” (4).

                                                                 (Đà Lạt, 10. 1983)

Từ năm 14 tuổi, Hà Linh Chi ra Miền Bắc học tập phổ thông, rồi đại học. Sau đó, giảng dạy tại một trường cấp III ở Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc. Giã từ ngành giáo dục, dự một khoá bồi dưỡng viết văn, năm anh 31 tuổi (1971), Hà Linh Chi cùng đồng đội vượt ngang sông vĩ tuyến mười bảy, có tên Hiền Lương (Bến Hải), để vào chiến trường Miền Nam, vừa cầm bút, vừa cầm súng:

“Cầu bảy nhịp còn hai /bom từ trường đợi nổ / dòng sông mùa mưa lũ / bến bờ không bóng thuyền // Bên kia làng Trung Giang /cỏ lau vàng hoang dã / dây kẽm gai hầm hố / bìm bịp kêu lạnh đồng //Đồn Đốc Miếu chông chênh / đỏ bầm từng ụ đất / dáng người đi cúi mặt / dưới tầm súng ca nông … […] / nước bồi hồi dưới ngực / tôi bơi qua dòng sông” (5).

                                                                (Hiền Lương, 1971)

Hai năm liền, Hà Linh Chi chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị. Bút pháp thơ của anh hình như đã định hình, rõ nét, là thiên về kí sự. Hình như anh rất chú ý việc miêu tả, và qua đó, thi thoảng mới bày tỏ cảm xúc, suy tư của cái tôi trữ tình một cách trực tiếp. Bài thơ Gió từ La Vang (6) được anh khắc từng nét bút mạnh và sắc:

“Trời La Vang gió giật từng cơn / Cát quất như roi / Lá mài như kiếm / Tre xát vào nhau ớn lạnh / Lào rào kẽm sắt / Lảng rảng mái nhôm / Gió từ La Vang tràn sang Cửa Việt / Mùa hanh heo gợi nhớ đồng bằng // […] Cát bỏng hầm sâu / Lửa xém đồng bằng / Máu chảy xuống, gió lùa khô tím ngắt / Gió miết đồi tranh lá sắc / Cỏ còn giữ nước mà cỏ thành chông / Gió khô cong sắc mặt cháy đồng hun / Rít ầm ù hoang khô vùng hậu địch …”.

                                                           (Quảng Trị, 1972)

Bài thơ Màu đỏ đất Cùa (7) cũng theo một bút pháp thơ kí sự như thế, có đoạn anh “chép” nguyên lời nhân vật vào thơ, như một nhà-báo-thơ tại mặt trận, có chỗ lại miêu tả một cách khá ấn tượng về sự khốc liệt, dữ dội, tàn bạo của chiến tranh, bất chấp cấm kị “tự nhiên chủ nghĩa” (thường khiến người đọc yếu vía mất hồn):

“Hãy nhìn tận mắt anh ơi! / Vườn xưa tuổi nhỏ / Bây giờ lau lách cỏ tranh / Bom toạ độ nổ thành miệng phễu / Vườn mẹ / Mênh mông chói đỏ ngút ngàn… // Lòng chảo Cùa như miệng cối xay / Nghiến nát màu xanh thành máu đỏ / Mỗi hạt tiêu cũng hoá thành hạt lửa […] // … Màu đỏ đất Cùa – màu lửa trái tim”.

                                                          (Cùa, tháng 8. 1972)

Đến tháng 08. 1973, nhà thơ Hà Linh Chi mới về lại quê hương Thừa Thiên của anh. Anh đã biểu hiện thay vì tự biểu hiện, thông qua nhân vật cái tôi trữ tình là một người đã kinh qua gần suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ:

“Về Thừa Thiên, ta về Thừa Thiên / Đất mẹ quê cha một đời cay cực / Núi Truồi ơi, hai mươi năm đánh giặc / Ta bạc tóc này cho núi mãi xanh tươi”.

Thiên về miêu tả “hướng ngoại”, ít khi xoáy cái nhìn vào chiều sâu nội tâm mình, Hà Linh Chi vẫn có cách miêu tả rất đỗi cảm thông về cái nghèo Trung bộ, nghèo vì sông suối nhiều, nhưng độ dốc cao và trong văn vắt, ít phù sa, lại chịu đựng chiến tranh hơn bất kì quê xứ nào:

“Bao giờ em đến miền Trung / đừng mặc áo hoa mà buồn con nước / nếu tuổi thơ em qua nhiều mất mát / em lại gặp mình trên mặt dòng sông” (8).

Cuộc chiến tranh kết thúc để sáng bừng lên một Ngày Thống nhất (1975). Hà Linh Chi viết về Dòng sông sau cơn lũ (9), có nhiều đoạn với thủ pháp xới lật; bắt đầu là mặt quá khứ, “phù sa từ hố bom / trôi qua vườn nhà mẹ / màu tím ngắt trong vườn / theo dòng sông ra bể […] // phù sa thấm vào rễ / quả hừng lên nỗi đau”; để rồi ở một đoạn khác, anh lật lại để nhìn rõ mặt hi vọng về tương lai, “phù sa từ hố bom / sẽ vươn xanh mầm lá / phù sa từ vườn mẹ / nở nụ hồng môi em […] // phù sa chìm trong rễ / cho hồng lên nụ cười”. Hình như khi viết về mặt nỗi đau, thơ Hà Linh Chi có nét mới mẻ hơn. Viết về mặt hi vọng, thơ anh lại rơi vào khuôn sáo! Phải chăng đó cũng bởi nguyên nhân chung của một thời? Rất nhiều, quá nhiều dòng thơ viết về hi vọng đến mức không còn gì là mới mẻ nữa ở địa hạt này, trong khi khổ đau vẫn còn nhiều “đất hoang” chưa khai phá. Tuy vậy, không phải Hà Linh Chi không có những câu sinh động: “em là ngọn nến hồng / soi đêm dài bão tố / trong veo, sau mùa lũ / em là dòng sông Hương”.

Thế là một quãng đời thơ khác đã mở ra, không còn súng đạn và máu xương, mà chỉ là màu xanh cây lá, sông nước và những mùa vàng ruộng rẫy.

 

3

Nếu trong tập thơ tuyển Lời đá của Hà Linh Chi, chỉ có vỏn vẹn 08 bài trước Ngày Thống nhất, thì thời gian suốt 19 năm hoà bình sau đó, có đến 47 bài được chọn.

Thi pháp thơ thiên về kí sự, miêu tả ngoại vật và ngoại cảnh như thể Hà Linh Chi là một nhà-báo-thơ, không chỉ là thi pháp của anh trong chiến tranh. Hoà bình, từ 1975, vẫn một thi pháp ấy, anh đi suốt 19 năm, cho đến ngày anh mất, 21. 06. 1994.

Nhà thơ Hà Linh Chi khác với những nhà thơ “hướng nội”, chỉ chú tâm biểu hiện những cảm xúc, tư tưởng nội tâm. Thơ “hướng nội”, tất nhiên hình ảnh thơ cũng mượn ở ngoại giới, nhưng là hình ảnh ngoại giới bất kì. Nhà thơ “hướng nội” sống, mở mắt thật to và mở hết mọi giác quan khác của mình để thu nhận hiện thực xã hội, thiên nhiên bên ngoài, và lại lắng nghe âm vang của hiện thực dội vào lòng, rồi cứ tích chứa mãi trong lòng, cho đến khi nội tâm xuất hiện một tâm trạng, một cảm xúc – tư tưởng, bấy giờ mới viết thành thơ bằng những hình ảnh ấn tượng sẵn chứa trong tâm thức. Thơ “hướng nội” không miêu tả ngoại giới mà chủ yếu là nhà thơ tự biểu hiện nội tâm. Nói chung, thi pháp “hướng nội” ấy hoàn toàn khác với thi pháp của những nhà thơ “hướng ngoại” như Hà Linh Chi.

Cũng như các nhà thơ “hướng ngoại” khác, Hà Linh Chi trải rộng tâm hồn mình trên những vùng đất mình sống hay có dịp đi đến. Vùng đất Nam Tây Nguyên có tên sau Ngày Thống nhất (1975) là Lâm Đồng (gồm Lâm Đồng cũ và Tuyên Đức cũ), cùng tỉnh lị của riêng nó là thành phố Đà Lạt, chính là nơi trái tim thơ của nhà thơ Hà Linh Chi ôm trọn theo nhịp đập trong lồng ngực anh. Hầu như nhà báo Hà Linh Chi đã đi hết mọi nẻo đường, từ đường nhựa phố phường, liên huyện, liên xã đến đường đất, đường mòn của các làng thôn, buôn bản trong tỉnh. Đến mỗi nơi, anh ghi nhận và đồng thời cảm xúc, do đó, hầu hết mọi nơi trong tỉnh đều có thơ Hà Linh Chi viết về. Thơ anh như một loại bút kí thơ hay kí sự thơ. Như đã viết, tôi thấy yếu tố miêu tả con người, nhất là khung cảnh, sự vật ở các huyện, xã thuộc tỉnh Lâm Đồng, trong thơ anh, chiếm một tỉ lệ khá lớn.

Tuy vậy, ở các nhà thơ, thật sự không có một sự phân biệt rạch ròi “hướng ngoại” với “hướng nội”. Xếp nhà thơ này hoặc nhà thơ kia vào khuynh hướng nào, chỉ là sự tương đối, căn cứ vào thi pháp chủ yếu mà nhà thơ ấy thường xuyên vận dụng. Ở Hà Linh Chi, anh là nhà thơ chủ yếu nghiêng rõ về phía “hướng ngoại”, nhưng với những đề tài như hoài niệm quá khứ chẳng hạn, anh không thể không tự biểu hiện nội tâm của mình theo khuynh hướng “hướng nội”.

Màu hoa tuổi trẻ (10) và hơn 10 bài thơ khác của anh về đề tài hoài niệm là mảng thơ “hướng nội” của anh.

“không biết mùi hoa hay hương tóc em / thơm rất lâu trên áo tôi hồi đó / ta chia tay chiến tranh và tuổi trẻ / hương hoàng lan đôi lúc thoảng về” (10).

Hành hương (11) là một bài rất cảm động trong thơ hoài niệm của anh:

“… Hành hương về cứ cũ / Cây cỏ phủ lối mòn / Anh gục đầu gợi nhớ / Vật kỉ niệm mình chôn // […] Mạch đất ấm bàn tay / Bớt đi chiều gió lạnh / Bất chợt từng cơn gió / Bất chợt từng tiếng ai…”.

Thực ra, chiến trường Trị – Thiên mới là nơi anh cầm súng chiến đấu, chứ không phải Nam Tây Nguyên, cụ thể là các làng ngoại thành Đà Lạt. Nhưng Hà Linh Chi, với sứ mệnh nhà thơ, thơ anh có khi chỉ là lời nói thay cho những ai luôn hoài niệm, thương tiếc đồng đội nhưng không hề làm thơ, tuy rất cần nhà thơ nói hộ những cảm xúc, suy tưởng giùm họ. Hoặc những người lính xuất ngũ, nay đang đi khai hoang lập ấp, họ cũng rất cần được nhà thơ nói thay tâm sự của họ, chẳng hạn như bài Tâm sự mgười đội trưởng (12). Hà Linh Chi có nhiều bài “hướng nội” theo kiểu nói thay như thế. Nếu dùng thuật ngữ, thì đó là biểu hiện (nói thay, nói về đối tượng) bằng thủ pháp tự biểu hiện (nhập thân vào đối tượng để nói giúp – cái tôi trữ tình của tác giả thực ra là cái tôi của đối tượng). Ở trường hợp này, ấy là “hướng nội” nhưng thực chất là “hướng ngoại”.

Đề tài nhân tộc thiểu số, cụ thể là các sắc dân bản địa lâu đời như K’Hor, Chiau Mạa, Chil, ở Hà Linh Chi, trở thành một mối quan tâm thường xuyên của trái tim anh. Bài Giai điệu của đá viết về loại đàn đá nổi tiếng của Tây Nguyên là một thành công của anh:

“bao cuộc đời trên mạch đá rêu phong / bao ngọn lửa tàn vào hoang lạnh / bao chiếc lá chìm trong suối vắng / sớm nay về trong tiếng đá vang ngân // sớm nay về trên nét mặt của em / địu con sau lưng cầm chày trước ngực / gõ lên đá điệu tâm hồn cháy rực / cho rung vang toàn vẹn những tấm lòng // đá hát thành lời cho trời cao hơn / sợi dây rừng rung rinh chìm nổi / âm thanh cao cho tóc em xanh mãi / âm thanh trầm từ mắt mẹ thẳm sâu // những năm động rừng đá chẳng mòn đâu / đói muối dời buôn theo người bền bỉ / những giai điệu âm thầm chung thuỷ / lại rung lên cùng đất nước hồi sinh // em hãy nhập vào xa thẳm thời gian / từ tiếng gõ rất êm trên mặt đá / nghe lịch sử nghìn năm về rạng rỡ / bên ché rượu cần và ngọn lửa tình yêu” (13).

Ở giờ phút thưởng ngoạn ấy, dĩ nhiên Hà Linh Chi không nghe hoặc đọc lịch sử qua những bài trường ca sử thi hoặc những truyền thuyết, anh cảm nhận qua tiếng đàn đá được gõ bằng chày, qua cả những rung cảm của người đàn bà trẻ địu con vốn là nghệ sĩ dân gian ấy. Lịch sử nghìn năm Nam Tây Nguyên thật sự là một thứ sử vô ngôn vô tự và sinh động. Lịch sử ấy chỉ hiển hiện ở những con người đang sống. Mỗi người là một trầm tích đồng thời là một tiếp nối. Âm nhạc của họ là một biểu hiện của lịch sử ấy. Và lịch sử ấy từ nghìn năm vọng về nhưng cũng toả ra cho đất và trời hiện tại, cho mái tóc xanh trẻ tuổi và ánh mắt sâu người già. Hà Linh Chi miêu tả sức bền của đá, thực ra qua năm, bảy thanh đá kia, Hà Linh Chi thể hiện lòng người thuỷ chung và nghị lực chân cứng đá mềm của người K’Hor, Chiau Mạa, Chil bao đời lên rừng xuống rẫy. Ché rượu cần và ngọn lửa đêm miền núi sương lạnh vẫn là hình ảnh kết đọng của lịch sử Nam Tây Nguyên. Rượu cần nồng ấm và ngọn lửa tình yêu, đâu chỉ là yêu đương đôi lứa, mà chính là tình yêu sâu thẳm thời gian, bát ngát không gian Nam Tây Nguyên!

Dẫu là người Kinh đặc sệt giọng nói Thừa Thiên, không pha lẫn chất Bắc hay chất Nam, Hà Linh Chi vẫn thể hiện được chính mình như là một người đồng bào thượng du Nam Trung bộ – Nam Tây Nguyên, với tất cả chiều sâu của trái tim mình. Hai đại từ “em”“mẹ” của anh rất đỗi ruột rà!

Miêu tả, một đặc điểm của thi pháp “hướng ngoại”, được nhà thơ Hà Linh Chi vận dụng thành công một cách nhuần nhị trong bài Giai điệu của đá này. Cái tôi trữ tình của tác giả chỉ thấp thoáng ở bình diện phụ, rất mờ nhạt, đúng như ý định nhà thơ là cố giấu mình đi, hay đúng hơn là người đọc biết có nhà thơ đang miêu tả, cảm xúc, suy nghĩ “hướng ngoại”, nhưng hầu như chẳng thấy nội tâm riêng tư của nhà thơ ở câu thơ nào; cho đến đoạn kết của bài thơ, mới thấy lời nhắc nhở đầy thương mến của tác giả. Trong khi đó, ở bình diện chính, hình tượng xuyên suốt, bao trùm, toả sáng khắp bài thơ vẫn là người đàn bà trẻ – nghệ sĩ dân gian sắc tộc ấy và chính nội tâm của cô mà nhà thơ cảm nhận được.

Anh còn có một bài viết về một ngôi trường ở một buôn làng nhân tộc ít người. Đây là bài thơ anh gửi tặng tôi (TXA.), khi tôi đã rời bỏ khỏi Trường Phổ thông trung học Đức Trọng. Anh viết về một nơi (trường Ka Đơm) nhưng lòng hướng về một nơi (trường Đức Trọng). Có thể đây là một hình thức không phải hiếm thấy ở các nhà thơ, như thể Nguyễn Gia Thiều mượn chuyện các cung nữ trong cung cấm để oán trách vua chúa không biết đến bốn chữ “chiêu hiền đãi sĩ” (Cung oán ngâm khúc). Tất nhiên “so sánh” nào cũng khập khiễng. Nhưng dẫu vậy, ở nghĩa nổi (hiện nghĩa), bài thơ vẫn là một thành công khác của anh về đề tài các nhân tộc miền núi:

Nơi mùa xuân em qua (14)

                         (Gửi TXA.)

“mùa xuân này em có về Ka Đơm / con đường dốc đầy cỏ gai giăng mắc / sương trắng lạnh sau giờ tan lớp / hoa trinh nữ hồng ngọn nắng đầu tiên // em đi rồi con đường dài hơn / cu rúc kêu buổi chiều khắc khoải / nước củ mì mắt bạn bè nheo lại / tìm dáng em bên bếp lửa nồng nàn // pạp (@) nhớ em ngồi chẻ lạt đan sàng / kể chuyện em dạy trẻ thơ đọc chữ / tóc lộng gió và nụ cười rộng mở / trời mưa to vẫn ra lớp ra trường // nơi quãng đường tôi đã gặp em / bên chiếc cầu em vô tình rơi bút / dòng sông ấy vẫn dịu hiền trong suốt / mực từ bút em xanh mãi theo dòng… // Ka Đơm bây giờ con đường cao hơn / bãi sình lầy đã xanh um lúa nước / những ngôi nhà đỏ tươi mái lợp / hoa cà phê thơm suốt những lô vườn // bên ché rượu cần vít cong hơi men / hương mùa gặt quyện tròn chiêng sáo / những cô gái cởi trần sàng gạo / đôi vú căng tròn lắt lay // tiếng trẻ học bài xanh mướt hàng cây / hoa quỳ vàng xốn xang đồi núi / như ngọn lửa, dòng sông em nhắn gửi / nhớ thương hoài trong sắc gió Ka Đơm”.

                                                          (Đà Lạt, 19. 11. 1983)

Viết về những vùng đất khai hoang lập ấp (vùng “kinh tế mới”) là đề tài thứ ba Hà Linh Chi quan tâm. Là một nhà thơ có quê gốc là Thừa Thiên – Huế, Hà Linh Chi viết về Huế bằng những câu thơ rất Huế. Có cả mươi bài rất Huế ở Lâm Đồng như thế. Đúng như anh Nguyễn Cửu Sử, một trong vài vị lãnh đạo của khu kinh tế mới Hương Lâm (sông Hương và Lâm Đồng) hồi ấy thường nói với bà con cô bác ở đó: “Đem Huế vào theo, chứ không phải bỏ Huế mà đi”.

“sau những ngày mở đất /ngọt ngào mùa sinh sôi / từ cao nguyên tít tắp / đã nghe Huế chào mời // […] chẳng có chi mua bán / cũng ưa đi chợ hoài / để nghe Huế nói cười / từ cao nguyên đầm ấm” (15).

“Sương xuống nhiều nên chưa rõ mặt em / Sông chảy giữa hai bờ rừng lặng lẽ / Nghe giọng hò biết em còn trẻ / Điệu mái nhì nghe hát ở cao nguyên // Anh ra bờ để nghe rõ giọng em hơn / Tiếng quê hương nơi miền đất lạ / Nón nghiêng nghiêng và lời ca thoảng gió / Tưởng như mình đắm giữa sông Hương …” (16).

Nhà thơ Hà Linh Chi luôn hướng cảm xúc – suy tưởng của mình ra với cuộc sống như thế. Nhưng cuộc đời luôn tồn tại những niềm vui, ít ra cũng là niềm vui trong dự cảm, hi vọng, giữa thời đoạn cực kì khó khăn gian khổ của đất nước, đồng thời ở bên cạnh hoặc ở phía mặt kia của niềm vui, dự cảm lạc quan là những đau đớn, những bức xúc, vì những khó khăn đó một phần là do chủ quan của những người lãnh đạo cấp này, cấp kia. Với trái tim nhà thơ, trước bối cảnh như vậy, Hà Linh Chi không thể vô tâm, vô tư và anh không thể không có một mảng thơ thứ tư, ấy là thơ thế sự.

Nỗi mong của người lượm củi (17) hồi mới được Hà Linh Chi viết ra ở dạng bản nháp, đã khiến những vị lãnh đạo và những viên “cớm” rất bực bội. Do đó, bài thơ không được anh trau chuốt lại! Tuy hơi thô sơ, nhưng chính vẻ thô sơ như chất dân dã đó cùng ý tưởng táo bạo của nó, hồi 1982, chưa được cởi trói (****), lại lan truyền khá nhanh bằng cách “xuất bản miệng” hoặc chuyền tay bản chép.

“… đã từng xanh tốt một thời / đã từng toả mát cho đời bóng râm / yếu mềm gãy trước bão giông / chẳng rơi xuống đất còn mong nỗi gì / đã khô dòng nhựa đi về / nặng thân cây lại còn đè chồi non / đã không hoa lá bóng tròn / vui làm nhánh củi về đun cho rồi // ước chi trận gió nổi dài / cành khô rơi xuống được nồi cơm sôi”.

                                                        (Đà Lạt, 25. 02. 1982)

Đó là phản ứng của một nhà thơ có trách nhiệm trước hiện thực xã hội với những khó khăn thật, do nguyên nhân khách quan (tình trạng hậu chiến, lại bị cấm vận), và những khó khăn giả, do nguyên nhân ở phía chủ quan, ấy là óc thủ cựu và tham quyền cố vị của các vị lãnh đạo, mặc dù trong qua khứ họ cũng rất có công lao. Sự kiện bài thơ này ở Lâm Đồng cũng như sự kiện Phạm Thị Xuân Khải ở báo Tiền Phong sau đó vài ba năm. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rõ, Hà Linh Chi hoàn toàn xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm của chính anh, để viết bài thơ đó.

Người thợ mộc và vân gỗ cẩm lai (18) là một bài thể hiện một cách hình tượng quan điểm dùng người rất cổ điển, theo kinh nghiệm nhiều đời truyền lại (dụng nhân như dụng mộc) và theo cái tâm trong sáng, vì trách nhiệm chung, vì số phận của mỗi con người, mỗi trí thức cụ thể. Nhà thơ Hà Linh Chi viết:

“Ba đời làm thợ mộc / Tôi thuộc lòng từng thớ gỗ trên tay / Thẳng làm thước, cong làm giằng xay / Súc gỗ quý có thể nào bỏ được? //Anh hãy nhìn thật kĩ / Nét hoa văn anh chưa gặp trong đời / Thứ gỗ này ngoài quê mình không có … //[…] Những đường vân kì lạ / Chỉ cần đẩy nhát bào sắc, nhẹ / Cả sắc trời khoáng đãng sẽ bừng lên // […] Nét hoa văn nghìn năm rừng già / Trong tầm mắt nhìn xa / Và, giọng trầm thiết tha người thợ: / - Mỗi loài cây có đường vân riêng / Làm sao để từng thớ gỗ / Được hiện hình toàn vẹn nét hoa văn!”.

Bài thơ Khoảng sáng trên trần nhà (19) đích thực là một bài thơ “đau đời” (nói theo từ ngữ hồi đó):

“có một ngày bất chợt quãng trời xanh / ập vào mắt tôi cái nhìn trẻ nhỏ / tôi bước đi – như người vỡ nợ / ôi dò phong lan – anh có lỗi với em! // tưởng có lúc chìm vào lãng quên / đất dưới chân ngỡ ngàng xa lạ / những dãy phố buồn thiu quán trọ / tôi chỉ còn là nỗi đau của em // tôi nhìn lên khoảng sáng mênh mông / viên ngói vỡ nên chẳng còn lăng kính / một ngôi sao ban ngày lóng lánh / cuối trời xa // có tiếng chim qua khoảng trống dội về / nghe trong vườn màu địa lan thắm đỏ / lặng im ngọn lửa / tôi làm thơ trong khoảng sáng riêng // và tôi nói với mình / như rễ cây nói vào lòng đất / sau mây là ngôi sao xanh / soi thấu mọi điều trên bàn tay anh”.

Phải nói ngay rằng, đây là bài thơ tâm trạng “hướng ngoại” thành công nhất của nhà thơ Hà Linh Chi. Anh đau nỗi đau đời, đau vì cuộc đời trì trệ, trầm uất, bởi những nguyên nhân sâu xa của chính thói đời… Chính vòm trời cao trong veo kia đã cho anh một cái nhìn của trẻ nhỏ, tuy vô tư nhưng đầy oán trách và lắm dấu hỏi. Cái nhìn ấy tự xoáy vào anh, tạo nên trong trái tim anh một vết thương đau đớn, và anh biết nhận trách nhiệm về mình, vô hình trung cũng phê phán những ai như mình. Bầu trời thì thế, còn đất đai dưới chân? Anh không thể lẫn trốn trong lãng quên! Đất không nhận anh là người con ruột thịt của đất nữa, như thể bởi chính anh đã góp phần làm Đà Lạt điêu tàn, hoang phế đến thế! Từ tâm trạng dằn vặt đó, bằng cách gút lại tứ thơ trong các ẩn dụ: viên ngói trên trần nhà đã vỡ, vỡ cả lăng kính của mắt nhìn, để xuyên qua khoảng sáng chân thực ấy, anh nhìn thấy rõ một vì sao xanh biếc của thiên nhiên đất trời đang nhìn anh, thấu hiểu anh, đọc hết những bài thơ anh đang viết. Điểm sáng thẩm mĩ hay còn gọi là nhãn tự của bài thơ chính là hai chữ lăng kính. Theo thành ngữ, người ta thường nói, nhìn đời qua lăng kính màu gì, cuộc đời sẽ là màu đó (tươi hồng, xanh mát hay vàng chói, đen tối?). Theo đó, cái nhìn không lăng kính có nghĩa là cái nhìn không bị định kiến làm đổi màu, sai sự thật. Hãy nhìn thẳng vào thực chất xã hội, con người bằng cái nhìn chân thực như xã hội, con người đang hiện hữu. Đừng nhìn bằng lăng kính định kiến. Đừng nhìn bằng lăng kính xuyên tạc. Đừng nhìn bằng lăng kính giáo điều. Nhà thơ Hà Linh Chi muốn mọi người đừng bị ý hệniềm tin tôn giáo (qua biểu tượng lăng kính) làm cái nhìn sai lệch, bị “nhuộm màu”!

Đối với nhà thơ Hà Linh Chi, đó là một trong vài bài thơ quan trọng nhất và thành công nhất của anh. Hà Linh Chi, bằng thơ của mình, đã góp phần tác động, mở đường cho công cuộc Đổi mới (1986) và Cởi trói (1987). Sống với trái tim nhạy cảm và một trí tuệ sắc sảo, anh nhìn thẳng vào hiện thực xã hội, và hiện thực ấy đã thức ngộ cho anh như thế.

Ngoài mảng thơ viết về chiến trường Trị – Thiên trước Ngày Thống nhất (1975), tôi những muốn gọi những mối quan tâm thơ của anh về thực trạng cuộc sống xã hội, ở Lâm Đồng và khắp đất nước (giai đoạn 1976 – 1994) bằng bốn tên gọi: hoài niệm chiến tranh, tấm lòng nhân tộc, đất mới, nỗi đau đời, như một cách cô đọng lại những gì thơ anh đã thể hiện, và tôi đã cảm nhận.

Chung quy, nhà thơ Hà Linh Chi là một thi sĩ hướng trái tim và mắt nhìn của mình ra với cuộc sống xã hội, chứ không chăm chú vào bên trong nội tâm riêng tư. Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và chủ yếu là Lâm Đồng là ba vùng đất anh sống và làm thơ. Chỉ riêng mảng thơ trong giai đoạn 19 năm (1976 – 1994) anh sống và viết tại vùng đất Nam Tây Nguyên ấy, với những gì anh quan tâm, không còn là thơ của riêng một tỉnh mà đã thành thơ của cả một giai đoạn đất nước trong cơn đau trở dạ thời hậu chiến.

Rất tiếc, anh đã mất cách đây mười năm.

Mười năm qua, hiện thực Đổi mớiCởi trói lại có những vấn đề của nó. Những vấn nạn thuộc về giai đoạn trước đó chưa được giải phóng một cách thật triệt để, mà càng trói buộc thêm những gì cần tháo mở (như nội dung khái niệm nền độc lập, tự do, dân chủ chân chính, gồm cả quyền độc lập, tự do, dân chủ cụ thể cho mỗi con người…), lại tháo mở những gì lẽ ra phải kìm chế (như thói ăn chơi, “đầu độc” tuổi trẻ…). Vòng lẩn quẩn của cuộc sống xã hội đôi khi y hệt một câu Kiều, “cởi ra rồi lại buộc vào như chơi”; và khi đã bị thắt vào, phải có một xung lực nội tại để nó lại tháo ra… Phải chăng biện chứng của hiện thực nước ta là thế? Tôi cảm thấy tiếc biết bao khi anh Hà Linh Chi không còn có thể làm thơ được nữa, bởi cái chết đã cướp anh đi. Dẫu sao, thơ anh và những mối quan tâm của anh về cuộc sống Lâm Đồng và cả nước vẫn còn đó trên những trang sách, trong bao tấm lòng bè bạn.

Làm sao quên được anh Hà Linh Chi!

Tôi mãi còn nhớ các tuyển tập thơ nhiều tác giả thuở ấy, Đất gọi thầm, Như anh em một nhà, và sau đó, khi tôi đã rời khỏi Lâm Đồng, là Đà Lạt, thơ. Mấy bài thơ tôi viết tặng anh, về sau, tôi đã in lại trong các tập thơ riêng đã xuất bản, trước hết là như một cách lưu giữ những kỉ niệm khó quên…

Làm sao quên được anh Hà Linh Chi!

 

4

Gặp nhau

 

                 Kính tặng anh Hà Linh Chi

 

“rất lâu mới gặp nhau / cánh tay như sóng biển / trên vai tôi, sóng choàng / tôi như hòn đảo nhỏ / đứng lặng trong nỗi mừng // rất lâu mới gặp nhau / chén rượu chiều sóng sánh / bài thơ “chiều củi rụng” (*****)/ đập vào vách đá im / nước mắt tràn trong đêm // rất lâu mới gặp nhau / cười đó rồi khóc đó / có khóc thì khóc thầm / có cười thì cười vỡ / sóng vỗ bờ đảo xanh // rất lâu mới gặp nhau / rượu cuồng đêm tâm sự / sáng ra còn làm, ăn / sóng còn ru đời nữa / đảo còn vui chim muông // rất lâu mới gặp nhau / để biển thêm tiếng sóng / đảo xanh vì mai sau / biết thế nào mà hẹn / tóc còn xanh trên đầu…”.

                                                                            1982

 

Ngôi nhà bên thung lũng sương

 

                 Kính tặng anh Hà Linh Chi và chú Hồ Phú Diên

 

“từ một nơi xa xôi tôi trở về thành phố / con dốc cao, đồi cỏ mượt, nắng vàng/ hoa! / hoa rung vào lòng bao thanh âm rạng rỡ / nghe hương mùa thơm trong lá thông / tôi lại về với nơi tôi thường nhớ / gió bồi hồi chiều ơi yêu thương // ngôi nhà bên thung lũng sương / chiều tháng tám, nắng đọng lại đằng sau khung cửa / lồng ngực rộn ràng, ngón tay khẽ gõ / (anh chị ơi, anh chị ơi, em đã về nhà) / và nắng ấm ùa ra… / tôi đứng ngẩn ngơ / giữa những nụ cười quây quần rất trẻ / siết chặt tay tôi là những bàn tay tin yêu nồng nhiệt thế / tôi biết nói gì, ân nghĩa ấy, bao la // dẫu giọng đọc đã khàn đi sau hai mùa kháng chiến / ánh mắt vẫn trong ngần soi nắng xuống trang thơ / ta hoà vào nhau từ mạch nguồn sâu thẳm / (ghềnh thác gian lao để sâu lắng lòng hồ) / tôi biết nói gì, ân nghĩa ấy, bao la // căn phòng đầy ắp tiếng thơ / vang vọng đêm rừng già thác đổ / vang vọng tiếng rơi thầm của máu / tiếng reo xanh bên đường phố, sớm mai / cả tiếng thở dài trong bóng tối, lẻ loi… // âm hưởng tự cõi người / cho mỗi trái tim rực đỏ / cho lòng ta bồi hồi / tôi biết nói gì? thơ hãy nói giùm tôi! // và Đà Lạt ơi! / thành phố rất thân yêu mà cả cuộc đời tôi / sao nhận hết vào lòng bao thanh âm rạng rỡ / sao hiểu hết con dốc cao, ngọn đồi xanh mướt cỏ / sao nghe hết hương mùa thơm trong lá thông… / nếu chẳng đến với nơi xa thành phố – / ôi những tấm lòng từ nguồn mạch yêu thương // nắng hừng đông ấm lên trong ngôi nhà đó / khung cửa mở ra mọi phía chân trời / tôi lại đến với nơi tôi vẫn ở / chào thung lũng sương long lanh sớm mai”.

                                                                            1982

Sau khi chép lại hai bài thơ Gặp nhauNgôi nhà bên thung lũng sương vào bài viết này, tôi lặng người đi, và cảm thấy không nên viết thêm một dòng nào nữa, vì như thế cũng đã đủ để nhớ lại những kỉ niệm… Kỉ niệm, mười năm nay đã là kỉ niệm trong niềm tưởng tiếc, kỉ niệm ấy biết nói thế nào cho đủ!

Tuy vậy, hi vọng là cũng chẳng sao, nếu có thêm một vài câu như thể là ghi chú cuối bài này.

Lẽ ra, ở bài thơ Gặp nhau, tôi phải rút gọn tứ thơ Nỗi mong của người lượm củi đúng như anh Hà Linh Chi viết, là “bài thơ ‘chờ củi rụng’”, chứ không phải ‘chiều củi rụng’. Nhưng sử dụng chữ “chờ” sẽ khiến những vị lãnh đạo thuộc loại thủ cựu và maoisme đang tại vị thời bấy giờ chạnh lòng, chột dạ. Chưa hẳn các vị ấy biết đến bài thơ của tôi và bài Nỗi mong của người lượm củi tôi đã nhắc tới, nhưng các viên “cớm” sẽ gây khó dễ, thậm chí là chụp xuống đầu chúng tôi những tai hoạ. Tốt nhất là xem như củi đã rụng rồi sau đợt thanh lọc những cán bộ các cấp bị đánh giá là maoisme, chẳng hạn như Hoàng Văn Hoan. Tôi xem củi rụng cũng là một nỗi đau thuộc loại bi kịch về tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc Nga và Trung, mặc dù tôi không thích những kẻ như Hoàng Văn Hoan… Tôi chỉ nghẹn ngào khi nghe bài thơ Nỗi mong của người lượm củi của anh Hà Linh Chi.

Thật sự, tôi và anh Hà Linh Chi chỉ ước ao các vị lãnh đạo tỉnh sẽ cho thành lập Hội Văn nghệ Lâm Đồng, để ra được một tập san văn nghệ, và chỉ có vậy. Nhưng thời bấy giờ, đó là cả một vấn đề! Thật quá mức nghiệt ngã, hẹp hòi, đến mức ai có chút máu văn nghệ cũng phải xin rời khỏi Lâm Đồng hoặc bị đơm bẫy, bị ép, bị đuổi khỏi tỉnh đó!

Mặt khác, tình hình tại Lâm Đồng thời ấy còn có một luồng sức ép ngấm ngầm nhưng rất kinh khủng khác nữa, chứ chẳng riêng phía các “cớm”. Đó là catholique… Có một chi tiết xem ra cũng khá buồn cười: “cớm” (công an) hay catholique cũng đều được viết tắt là CA.!

Về những kỉ niệm ở Lâm Đồng và riêng tại Đà Lạt, tôi đã viết ít nhiều trong cuốn tiểu thuyết Ngôi trường tháng giêng (*), qua phương thức hư cấu (thay đổi về tên tuổi, nhân dạng, giọng nói và một vài chi tiết nhỏ khác), nhưng vẫn rất thật. Nhân vật Cao Hồng Thứ, đó là anh Hà Linh Chi, và ông Võ Phả không là ai khác, mà chính là chú Hồ Phú Diên, một người vốn xem tất cả mọi nguồn mạch của chủ nghĩa yêu nước, cho dù qua thác, qua ghềnh, rồi cũng đều đổ về một sông, một hồ, một biển.

Trong tập Lời đá, nhà thơ Hà Linh Chi có bài thơ Một câu thơ nửa chừng (20), viết về một lần anh xuống Thuận Hải thăm chú Hồ Phú Diên, sau khi chú ấy chuyển công tác về tỉnh đó, với lời đề tặng “Nhớ anh H. P. D.”.

“… Cái giọng anh rè khàn / qua bao mùa mưa nắng / vẫn bồi hồi sâu lắng / vẫn tin yêu nồng nàn / trong gió lùa từng cơn…”.

Thế mà người trước, người sau, hai người kính mến ấy đã trở thành thiên cổ!

Kỉ niệm trong niềm tưởng tiếc, xin hãy cùng nén hương trầm toả ngát…

 

TP. HCM., khởi viết từ 06 giờ 59 phút, ngày 28. 10. HB4 (15. 09. G. thân HB4);

viết xong lúc 11 giờ 19 phút, ngày 29. 10. HB4 (16. 09. G. thân HB4).

TRẦN XUÂN AN

 

 

(1) Hà Linh Chi, Lời đá (LĐ.), tập thơ, Lời giới thiệu, Nxb. Văn Nghệ TP. HCM. & Hội Văn nghệ Lâm Đồng, 1995, tr. 4. 

(2) LĐ., sđd., tr. 34 – 35.

(**)  Những chữ đầu mỗi dòng thơ viết hoa hay không, tôi giữ nguyên theo cách trình bày của tác giả (hẳn Hội Văn nghệ Lâm Đồng & Nxb. Văn Nghệ TP. HCM. cũng giữ nguyên như thế).

(3) LĐ., sđd., Lời giới thiệu, tr. 3 & phần gấp bìa 1: Hà Linh Chi được sinh ra đời ngày 09. 10. 1940, mất ngày 21. 06. 1994.

(***) Đại để, ý nói: Nước Việt Nam chúng ta mang “di căn nhược tiểu, nô lệ”, quá lệ thuộc vào Nga Xô-viết [Cộng hoà Liên bang Xô-viết do Nga đứng đầu] (và Trung Cộng). Diễn đạt theo ngôn từ minh xác của sử học: Chính vì sự lệ thuộc đó, nên một phân số không ít trong dân tộc Việt Nam ta không tham gia phong trào Xô-viết Nghệ – Tĩnh (1930 – 1931), cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp (1945 – 1954) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phân số nhân dân ấy, từ đó về sau (1954 – 1975), lại bị kẹt giữa hai gọng kìm lịch sử “tả đạo” (Thiên Chúa giáo) và chủ nghĩa vô thần cộng sản, nên phải dựa vào một bên để lần lượt bẻ gãy hai gọng kìm đó, theo phương cách nhu thuật. Với tinh thần sử học xác thực và công bằng, tôi viết rõ ý tưởng này, ngõ hầu giảm bớt sự ngộ nhận về những người theo chủ nghĩa dân tộc Việt Nam thuần tuý, trước đây thường bị xếp chung nhất loạt là “ngụy”, và để góp phần tạo nên niềm cảm thông, hoà giải dân tộc. Chỉ có lực lượng Thiên Chúa giáo và những tên tay sai của thực dân, đế quốc mới đích thực là ngụy.

Những dòng chú thích trên, tôi viết thật rõ như vậy, mục đích chính là để người đọc cảm thông được bối cảnh xã hội nước ta nói chung và riêng ở Lâm Đồng. Đó là một thời đoạn trong xã hội vẫn còn nhiều sự xung đột tư tưởng, chính kiến một cách ngấm ngầm hoặc khá lộ liễu, do đó không thể không tác động đến người làm thơ, viết văn, trong đó có nhà thơ Hà Linh Chi. Có thể diễn đạt tình hình xã hội – sáng tác bằng các thuật ngữ văn học: đó là bối cảnh xã hội với các xung đột mâu thuẫn của nó trong tương quan với tâm thế sáng tác văn chương của nhà thơ, nhà văn và mối quan hệ giữa họ với nhau…

Xin xem thêm: Trần Xuân An, Mùa hè bên sông, tiểu thuyết, bản đã sửa chữa, bổ sung lần thứ ba, in vi tính ngày 19. 12. 2003 (trọn vẹn gồm 745 trang [kể cả phần chú thích, phụ lục] và phần ngoài sách gồm 15 trang [một bài thơ viết về Quang Trung cùng các chú thích sử học], cỡ sách 13 cm x 19 cm).

(4) LĐ., sđd., bài Cây sô-la-num nở hoa, tr. 34 – 35.

(5) LĐ., sđd., bài Tôi bơi qua dòng sông, tr. 14 – 15.

(6) LĐ., sđd., tr. 5 – 6.

(7) LĐ., sđd., tr. 7 – 9.

(8) LĐ., sđd., bài Sông suối miền Trung, tr. 14 – 15. Tôi dùng hai từ Miền Nam, Miền Bắc (đều viết hoa) để chỉ hai phần Đất nước, bị chia cắt ở sông Bến Hải (1954 – 1975). Từ “miền Trung” ở đây tương tự như Trung Kỳ (Bình Thuận – Thanh Hoá).

(9) LĐ., sđd., tr. 22 – 24.

(10) LĐ., sđd., tr. 29 – 30.

(11) LĐ., sđd., tr. 44.

(12) LĐ., sđd., tr. 58 – 59.

(13) LĐ., sđd., tr. 76.

(14) LĐ., sđd., tr. 38 – 39.

(@) Pạp: bố (chú thích của Hà Linh Chi).

(15) LĐ., bài Đi chợ may xưa, sđd., tr. 67 – 68.

(16) LĐ., bài Điệu mái nhì nghe hát ở thượng nguồn sông Đồng Nai, sđd., tr. 67 – 68.

(17) LĐ., sđd., tr. 88.

(****) Sự kiện Cởi trói do tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng, năm 1987.

(18)  LĐ., sđd., tr. 87.

(19) LĐ., sđd., tr. 91 – 92.

(*****) Xin xem bài Nỗi mong của người lượm củi của Hà Linh Chi, chú thích (17).

(20) LĐ., sđd., tr. 47 – 48.

 

 

Đã gửi:

 

Chị Kim Chi (vợ anh Hà Linh Chi, 30. 10. HB4)

(để được góp ý).  

 

E-mail: tranxuanan_vn@yahoo.com

Cập nhật 06/30/09                                                                    Trở về trang chủ

                                                                 

______________________________________________________________________________________________________________

 

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 01-5 HB7 (2007) = 15-3 Đinh hợi HB7