q. Tiểu mục 17 - Giao lưu - Nguyễn Thị Bích Nga (& vài cảm nghĩ của TXA.)

 

Web Tác giả Trần Xuân An

 

 

 

NGUYỄN THỊ BÍCH NGA

 

                 

 

Tên thật: Nguyễn Thị Bích Nga

Quê gốc: Đà Nẵng

Ra đời vào năm 1961 tại Sài Gòn (TP.HCM.)

Cử nhân ngữ văn Việt & cử nhân Anh văn

Giáo viên Trường Ngoại ngữ Không Gian TP.HCM.

Dịch giả Anh -  Việt & Việt -  Anh; đã dịch đúng nguyên tác & biên dịch đến cả trăm tập sách (có đầu sách gồm 5, 7 tập).

Ngoài ra, Nguyễn Thị Bích Nga còn sáng tác truyện thiếu nhi. Trong đó, "Chuyện cổ tích của vườn" là tác phẩm đạt giải A trong cuộc vận động sáng tác của Nxb. Trẻ Tp.HCM., 'Văn học thiếu nhi vì tương lai đất nước', lần thứ nhất, 1993; "Nhạc giữa trời", đạt giải A Nxb. Kim Đồng, 1995.

 

Ảnh chân dung 4 được phóng lớn:

http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/bichnga_realest.jpg

 

 

  Có thể xem vài nét ngẫm nghĩ ở quãng giữa, hơi gần cuối (vị trí 2/3) của trang web này (TXA.).        

 

( hoặc tại link mới ở Google Sites, 04-7- HB9 {2009]:

 

http://sites.google.com/site/tranxuananwriter/Home/danh-muc-tac-pham-txa/tieu-luan-2/bai33 )               

 

 

 

Mờ sương

 

Tém trở mình. Cái lạnh đột ngột của thời tiết làm nó tỉnh giấc. Tém thò chân khoèo cái mền chỉ trong góc giường, ôm vào bụng nhưng rồi nó bỗng hết thèm ngủ nữa, ngước nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời chưa sáng. Phía trên tàu chuối còn lấm tấm những vì sao lung linh...

Tém nằm im, cố dỗ lại giấc ngủ. Nó xổ tung tấm mền mỏng, đắp kín tận cổ, lim dim mắt lắng nghe sương rơi. Tiếng sương lộp bộp từng đợt mỗi lần gió rung nhẹ mấy tàu chuối phất phơ. Âm thanh quen thuộc đến nỗi nó lấy làm lạ rằng hình như nó mới nghe được lần đầu hay sao đó...chắc là sương muối.

Ừ, mùa này trời hay có sương muối. Nó hình dung được cảnh vật ở bên ngoài sương đục đến nỗi cách xa độ mươi bước chân là nhìn không rõ mặt nhau. Sương là đà quanh những luống rau muống xanh tươi, chờn vờn len lỏi giữa giàn bí giàn mướp. Nhưng mà sương muối thì hại lắm! Chà, nó chợt thở dài, lo lắng nghĩ tới mấy vồng dưa leo đang tượng trái...

Tém cảm thấy hai bàn chân lạnh buốt, nó co chân lên, nghiêng người nằm cong như một con tôm. Tại cái mền ngắn ngủn hay tại giò cẳng nó dài ra? Mỗi lần ông Bảy gặp nó, ổng cứ quở:

- Cái thằng, nhổ giò dữ vậy mậy?

Lúc đó, Tém cười khì khì, chạy theo cặp trâu hổng thèm trả lời. Nó đang khoái chí vì cẳng dài thì leo cây nhanh như khỉ. Nhưng bây giờ nó phát bực lên, bởi cái mền đắp hổng tới thì hai bàn chân cứng đờ như ngâm đá. Xoay qua trở lại một hồi, Tém ngồi dậy.

Tuy ở quê, nhưng Tém ngủ một mình một giường, nó nhất định không chịu ngủ chung với ai. Ba nó phải đóng cho nó cái chõng tre lót vạt tầm vông thay ván. Hồi đầu, nó bị cấn lưng khó chịu ghê lắm, bây giờ cũng đã quen. Nó quỳ lên nhìn ra ngoài trời. Ngôi sao mai đã đi xuống ngang với bụi tre tàu, nghĩa là trời sắp sáng. Thình lình, không gian bị khuấy động bởi con gà trống phía chái bếp đột ngột gáy lên.

- Ò...ó...o...ò...

Trời sáng bây giờ

Kêu nhau thức dậy

Không nên chần chờ...

Đáp lời nó là tiếng gáy của con gà trống cồ ngủ ở chuồng trâu. Thế là gà trong xóm rủ nhau gáy rân, mỗi con một giọng, mỗi con một kiểu, rộn ràng thúc giục người nông dân. Tém xếp nhỏ cái mền chỉ, quăng vào một góc rồi chui ra khỏi mùng. Nó co ro, rón rén đi qua bên nhà ngang. Ba nó đang ngồi vấn thuốc, hỏi:

- Mày hả Tém?

- Dạ.

- Còn sớm mà dậy làm gì?

- Lạnh quá, ba. Ngủ hổng được.

Ba nó im lặng, mồi lửa. Cây đèn dầu hột vịt vặn lu xuống thiệt nhỏ, vậy mà Tém cũng nhận ra sương tràn vào tận trong nhà. Nó rùng mình, thu tay vào trong áo, co chân ngồi xếp bằng trên ghế. Ba nó chợt nói:

- Hôm nay mày ráng cho trâu ăn no một chút nghe Tém, mấy bữa rày nó cày cũng mệt đừ lắm rồi. Tội nghiệp mấy con trâu.

Rồi ông lẩm bẩm:

- Mùa này, trời mơ sương dữ đa...

 

 

 

Thăm chuồng

 

Hai cha con thằng Tém ngồi đối diện nhau. Tém nhìn chằm chằm cây đèn dầu, theo dõi mấy con rầy đi lạc đang bay chập chờn quanh quẩn. Một con lọt vào bên trong bóng, chịu nóng không nổi quýnh quíu tìm đường bay trở ra. Nào ngờ nó bay xẹt ngay ngọt lửa, rớt xuống... Tém trề môi:

- Cho mày queo râu luôn.

Nó chẳng còn biết nói chuyện gì với ba nó nữa, bèn đứng dậy, ra thăm chuồng. Chuồng trâu ở phía sau cách nhà không xa, cho nên ở đó có động tĩnh gì, ở đây cũng nghe thấy. Tém nghe phía đó có chuyện cãi cọ ì xèo, nó ngạc nhiên, chụp đại cái nón lá trên đầu, chạy tới. Thì ra con trâu Bỉnh đang gây lộn với con trống cồ...

Mấy hôm nay cặp trâu nhà nó có người mướn cày phá đất, công việc tương đối nặng nhọc. Bởi vậy cặp trâu thèm ngủ nướng thêm một lát để bù đắp lại sức lực đã hao tổn. Ai dè trời còn mờ sương vậy mà con gà trống cồ đánh thức nó dậy lãng xẹt. Sau khi tức mình mài sừng sàn sạt vào gióng chuồng, trâu Bỉnh hăm dọa:

- Cái thằng trống cồ liệu hồn! Bắt đầu từ mai mày kiếm chỗ khác ngủ rồi mặc sức mà gáy. Mày còn láng cháng ở đây, tao tóm được thì tao xé nát cái bầu diều của mày ra!

Gà trống cồ nghe vậy hoảng quá, vỗ cánh bay tót lên cành mít, phân trần:

- Anh Bỉnh! Anh Bỉnh! Em có làm gì sai trái đâu? Em chỉ gáy lên để báo thức mọi người dậy thôi mà.

Trâu Bính còn nằm trong góc chuồng uể oải lên tiếng:

- Thôi, bỏ qua đi, nó không cố ý đâu. Việc của nó thì nó làm thôi.

Trâu Bỉnh còn giận:

- Mày có thấy suốt ngày bọn tao phải phơi nắng dầm mưa ở ngoài đồng không? Còn mày ở nhà làm được gì? Chỉ núp dưới ụ rơm là giỏi thôi!

Gà trống cồ nhũn nhặn:

- Em biết chứ, hai anh làm việc vất vả, nhưng hai anh cũng tội cho em, phải gân cổ lên gáy lúc mờ sương, nào có sướng gì đâu...

Trâu Bính dàn hòa:

- Bỏ qua giùm chút đi, anh em cùng một nhà chớ nào phải xa lạ cho cam.

Trâu Bỉnh quay vô góc chuồng, nằm xuống. Một lát sau, nó trở lại hiền hòa, miệng nhai nhóp nhép.

Thằng Tém nghe hết nãy giờ, thương cặp trâu của mình vô cùng. Nó nhẹ nhàng đẩy dóng chuồng, lách vô. Hai con trâu nghe động, cùng quay ra ngó. Trong bóng tối mờ mờ, bốn con mắt màu nâu long lanh, vẻ hiền hòa ngơ ngác. Thấy cậu chủ, bốn con mắt lộ vẻ mừng rỡ, ve vẩy đôi tai như chào đón. Tém ngồi chồm hỗm giữa cặp trâu, tay phải nó vuốt ve con Bính, tay trái nó xoa xoa con Bỉnh, giọng vỗ về:

- Tao cũng biết mấy hổm rày tụi bây cực lắm, cày mướn nó khác cày nhà. Người ta bỏ tiền ra thì người ta muốn phải có lời một chút, đó là chuyện bình thường thôi. Hôm nay tụi bây được ở nhà, tao sẽ dẫn hai đứa lên đồi ăn cỏ cho sướng. Chịu không?

Cặp trâu ý chừng cũng hiểu, gục gặc hai cái đầu to lớn đồ sộ. Tém sờ sờ mấy gọng sừng trâu cong cong, dỗ dành:

- Tao thương tụi bây lắm chớ bộ, cỏ còn đầy máng nè, nhưng tao muốn dẫn tụi bây đi chơi cho khỏi tù chân, tù cẳng. Chiều về, tao cho hai đứa tắm vũng nghen, đã lắm đó. Tội tụi bây quá, ông Hai Rựa bóc lột tụi bây ghê.

Tém lom khom lại bên máng, xốc xốc lại mớ cỏ lòa xòa. Cỏ ướt đẫm sương, lạnh ngắt bàn tay. Nó chắc lưỡi, nói nhỏ:

- Sương muối này ngon lành gì mà ăn. Mình sẽ nói với ba đan mấy tấm mành mành để che kín chuồng trâu. Tội nghiệp tụi nó!

Tém ra khỏi chuồng trâu thì trời đã sáng rõ mặt người. Nó co ro đứng dòm dòm chung quanh một hồi, sau đó nó so vai đi về phía chái bếp. Hứ, cái bụng của nó đang kêu réo dữ lắm rồi nè...

 

 

 

Bên bếp lửa

 

 

Sáng nào cũng vậy, thằng Tém ưa thích nhất cái việc chui vào chái bếp, ngồi lượm củi đút vào lò. Má nó thường chọc nó bằng một điệp khúc:

- Con trai lớn rồi mà còn phá củi. Quê xệ.

Nó tỉnh queo trả lời:

- Củi này ai chặt? Con chặt. Ông lò này ai đắp? Con đắp.

Má nó cười cười:

- Nhưng cái mặt thì rửa sạch chưa?

Tém cũng cười khì khì, bỏ củi xuống, ra sàn nước.

Sáng nay, vào bếp, nó cảm thấy ấm áp hơn mọi ngày. Có lẽ tại bên ngoài lạnh lẽo quá. Má nó đang tỉ mỉ chẻ nhỏ mấy thanh gỗ để làm củi nhen. Nó giành lấy cây rựa, ngồi chồm hỗm kế bên, nhanh tay chẻ. Thuận miệng, nó hỏi:

- Ông Hai Rựa trả tiền mướn trâu bao nhiêu một ngày hả má?

- Con nít, hỏi làm gì?

- Ổng hành hạ mấy con trâu của mình. Ăn thì ít mà làm thì quá sức. Trâu bò còn chịu hông nổi huống chi là người ta.

Má nó lo âu:

- Trâu khỏe không con?

- Ngày nay con sẽ bồi dưỡng lại cho tụi nó. Tại sao ổng có tiền mà ổng lại mướn trâu thay vì mua trâu hả má?

- Mua trâu thì ổng phải nuôi thêm một thằng nhỏ để chăn trâu, hao tốn lắm.

Tém ranh mãnh:

- Vậy má nuôi con có hao tốn không?

Má nó lắc đầu:

- Nói tào lao! Thôi đi rửa mặt đi.

Khi Tém trở vô, má nó mở vung nồi cơm, khói bốc lên nghi ngút, tỏa ra mùi thơm gạo mới. Nó xáp lại gần, dòm. Má nó lấy chiếc đũa cả, xới bung nồi cơm, lên tiếng:

- Con có cần nắm cơm theo không, Tém?

- Có, má. Chiều con mới dẫn trâu về lận

- Lấy cái bịch ni-lông kia cho má. Ờ, đó đó. Chút tao sửa soạn cơm nước cho đi.

Lúc này ba nó cũng bắt đầu ngồi vào bàn, chờ cơm sáng. Hai cha con nó ăn trước, ra đồng. Má nó và con Dọn ăn sau, vì con nhỏ đi học buổi chiều nên khoái nằm nướng lắm...

Làm nghề nông cần nhiều sức lao động nên nông dân phải ăn cơm ngày ba bữa mới chắc bụng. Nhà thằng Tém cũng vậy. Má nó đặt lên bàn một tô canh bí đỏ còn nóng hổi, một đĩa tép khô rang và một chén đậu phộng muối mè. Hai cha con lặng lẽ ăn. Trong lúc đó, má nó loay hoay bắc thêm ấm nước lên bếp lò, rồi nắm cơm riêng cho nó mang theo. Tém vừa ăn vừa nhìn những lưỡi lửa đỏ hồng mềm mại đang múa chung quanh ấm nước. Thỉnh thoảng, một bông lửa nổ "tách" rồi bắn ra ngoài như viên pháo nhỏ. Nó hỏi lẩn thẩn:

- Ba ơi, ai tạo ra lửa?

- Lộn xộn, lo ăn đi.

- Tại sao hồi đó ba đặt tên cho cặp trâu của mình là Bính và Bỉnh?

- Thì cũng giống như tao kêu mày là thằng Tém vậy đó.

Má nó dịu dàng xen vô:

- Buổi trưa có buồn ngủ thì kiếm chỗ mát mà nằm nghen con. Tao nghe tụi nó nói mày hay leo cây như con khỉ.

Tém cười:

- Có lần con ngủ quên. Xém té.

Ba nó ngắt lời:

- Thôi, ngồi ăn mà cái miệng nói hoài.

- Tại hôm nay cơm ngon quá chớ bộ. Con thích ăn đậu phộng muối mè. Chút nữa má gói theo nhiều nhiều nghen má, khỏi cần tép rang.

Có một điều nó không hiểu là tại sao ở trong chái bếp này, nó cảm thấy gia đình đầm ấm hơn ở nhà trên hay nhà ngang? Có lẽ nơi đây gần bếp lửa... Nó nhìn ba nó rồi nhìn má nó. Nhờ ánh lửa chập chờn, dường như khuôn mặt ba má nó dịu dàng khác hẳn lúc thường. Nó mỉm cười, và nốt chén cơm rồi đứng dậy.

 

 

 

Đường quê đất đỏ nhấp nhô

 

 

Khi thằng Tém nhanh nhảu mở dóng cửa chuồng, thì cặp trâu hiểu ý chủ, đủng đỉnh bước ra ngoài. Lúc này, mặt trời mới lên, to tròn đỏ lựng ở phía đông và sương tan hết từ lúc nào không rõ. Một con chim cô đơn ở đâu đó trong vườn cây hót lảnh lót, giọng buồn bã. Tém chu miệng huýt sáo theo.

Ra khỏi cổng, cặp trâu thong dong rẽ vào con đường đất đỏ, đi về hướng tây.

Con đường nhỏ, vừa đủ cho một chiếc xe bò lăn bánh. Hai bên đường là bờ ruộng, thường in đầy dấu chân của trâu bò ngược xuôi.

Tém lững thững đi theo cặp trâu, mặc kệ con Bính hoặc con Bỉnh lâu lâu dừng lại gặm cỏ. Nó vừa đi vừa huýt sáo, ngắm nghía bốn bề đồng lúa xanh rờn bao la. Lúa non mới lớn độ gang tay nhưng hứa hẹn một mùa thu hoạch rôm rả.

Có tiếng xe bò lọc cọc từ đằng sau đi tới, Tém cho trâu đi hàng một, sát bờ ruộng phải để nhường đường. Xe ông Bảy đây mà! Nó ới lên:

- Ông Bảy hái bắp hay hái dưa?

- Hái dưa. Hôm nay trâu mày nghỉ hả?

- Dạ, con dẫn nó lên đồi.

- Ừa, thôi đi đi

Chiếc xe vừa qua mặt thì bụi đỏ bốc lên, là là vướng víu quanh gót chân đôi bò. May là mới mưa ngày hôm kia, chớ không, bụi đỏ bốc lên mù trời, chịu sao thấu?

Hai con trâu lại dàn hàng ngang, đĩnh đạc tiến bước. Nhác thấy chú Sáu đang lom khom làm cỏ lúa đằng xa, Tém khum tay làm loa, hét lớn:

- Làm cỏ hả, chú Sáu?

Chú Sáu thẳng người lên:

- Ba mày đi chưa?

- Rồi chú. Bò chú đâu?

Tao còn nhốt trong chuồng chưa thả.

Cặp trâu vẫn thản nhiên nện móng đều đều xuống mặt đất gồ ghề nhấp nhô. Tém vung vẩy một cành tre nhỏ. Tiếng tre xé gió nghe vun vút, nó chợt nghĩ: con Dọn mà bị cô giáo đánh như vầy chắc sưng tay quá. Tại sao mấy đứa nhỏ bị cô giáo đánh hoài mà cứ ham đi học, nhà có đám giỗ biểu nghỉ chẳng chịu nghỉ?... Hồi đó, nó cũng được đi học, nhưng nhà nó đơn chiếc quá, hổng có ai phụ coi trâu cho gia đình. Thấy vậy, nó nghỉ luôn. Ba nó cũng không có ý kiến gì hết...

Đi ngang qua đám ruộng của bác Ba Đen, Tém nheo nheo mắt nhìn. Phụ nữ ở đâu ra ba, bốn người dữ vậy? Có một cô dáng người thon thả lắm, khác xa chị Trúc (tên là Trúc mà người mập như cái lu). Nó lại khum tay làm loa, rống lên:

- Ơi, chị Trúc.

Cả ba người đàn bà cùng ngước mặt nhìn nó. Chị Trúc (mập) cũng khoái giỡn, khum tay trả lời:

- Thằng quỷ, mai mốt qua bẻ bắp phụ nghen.

- Ờ, mai em qua.

- Tao cho mày ăn bắp nướng. Đã luôn.

Vậy là nó biết rồi, chị đèm đẹp là con dâu của bác Ba. Hình như chỉ người Cần Thơ hay sao... Có lần nó nghe nói con gái Cần Thơ đẹp số một, cũng có lý chớ.

Nhác thấy một con dế đang lủi nhanh sau mấy bụi cỏ, Tém thụp xuống, rình. A ha, một anh "lửa" chứ không phải giỡn đâu nghe. Tém phóng nhanh người tới, chụp. Ê, coi chừng hụt. Ngon lành rồi. Tém hé bàn tay ra, săm soi. Anh chàng cừ lắm...

Cặp trâu vẫn đủng đỉnh đi, bỏ lại một khoảng cách khá xa làm Tém phải chân cao chân thấp chạy theo. Vừa chạy, nó vừa nghêu ngao hát vui vẻ:

Bính Bỉnh Bình Binh

Tám chân rung rinh

Bốn sừng ngúc ngoắc

Bính Bỉnh Bình Binh

Trên con đường đỏ ngoằn ngoèo dẫn lên đồi cỏ xa tít tắp, hai con trâu ngoan ngoãn đi trước, Tém hiền lành đi sau. Mặt đất nhấp nhô, nhấp nhô...

 

 

 

Hai chị em

 

 

- Chị. Chị. Em té.

Rầm! Cái xe đạp nằm chổng gọng trên đường, đứa em té văng ra, lồm cồm đứng dậy. Con nhỏ chị từ xa chạy tới, phủi phủi đầu gối em nó:

- Cưng có sao không?

Đứa em mếu máo:

- Đau chút xíu, nhưng em muốn tập xe nữa hà.

- Ừ, để chị vịn cho cưng nha.

Con nhỏ chị chạy lúp xúp theo chiếc xe, bàn tay trắng hồng nắm yên giùm em nó. Hai chị em giống chị em sinh đôi, mặc dù tụi nó cách nhau vài tuổi. Thằng Tém đi ngang, thấy vậy, lắc đầu phê bình:

- Hổng được rồi, đạp mạnh lên, đừng có cà giựt cái chân. Đạp mạnh lên!

Rầm. Cái xe đạp mất thăng bằng lại ngã nghiêng ra. Tém dựng xe dậy:

- Để tao giữ cho, bé Hiền tránh ra chỗ khác đi. Còn bé Như, lại đây.

Tém giữ chặt yên sau, biểu bé Như leo lên ngồi chững chạc, rồi nó vừa đẩy xe chạy vừa la hét. Nhờ có trớn, bé Như đạp xe tròn chân được mấy vòng rất thành thục. Thấy vậy, Tém buông tay ra, dừng chân, đứng nhìn theo. Bé Như ngoái lui, hét lên:

- Anh Tém, anh Tém. Em té nè.

Rầm. Bé Như lại bò xoài ra đất, tay chân, mặt mũi tèm lem. Thằng Tém nổi sùng, chạy tới "cú" đầu con nhỏ một cái:

- Ngu quá, ai biểu dòm lui? Mày thấy có ai đi xe mà ngó lui không?

Rồi nó quay lại quát bé Hiền:

- Coi trâu cho tao, cột nó gần cây lồng mức kia kìa. Tao tập cho tới khi nào em mày nó biết chạy mới thôi.

Bé Như nhìn chị, mếu máo:

- Em hổng thích tập xe nữa.

Tém nạt:

- Tao tập giùm cho mà hổng chịu hả? Bộ tao ở không lắm sao? Leo lên xe, mau.

Bé Như nhìn chị cầu cứu thêm một lúc rồi mới riu ríu ngồi lên yên xe. Lần này Tém cẩn thận vịn yên lâu hơn một chút, nó thở hào hển chạy theo xe một quãng dài mới buông tay ra. Bé Như vẫn ráng đạp tròn vòng quay, ban đầu hơi loạng choạng, nhưng rồi con nhỏ chạy một mình ngon lành thêm một đỗi nữa. Tém nhe răng cười:

- Đó, thấy chưa? Tao tập là được mà. Cố chạy nhiều lần cho quen nghe không. Thôi, bé Hiền tháo trâu ra giùm tao đi.

Được cởi dây, con Bính và con Bỉnh nhẹ nhàng phe phẩy hai chiếc đuôi, tiếp tục bước như nãy giờ không có việc gì xảy ra. Tém lơn tơn theo sau quất cành tre veo véo. Nghĩ lại hồi còn nhỏ, nó tập xe một mình té lên té xuống, chớ đâu có ai vịn xe dùm cho. Vậy mà cũng biết đi như ai... Hồi năm ngoái, nó tập thả một tay, lái xe bon bon. Năm nay nó dám thả hai tay lận, có điều, lần nào thả hai tay, nó cũng đâm xe vô bụi tre...

Đi được một quãng, Tém ngoái đầu lại nhìn hai chị em. Nó chắc mẩm bé Như vẫn đang hì hục tập xe như lời nó dặn. Nào ngờ, con nhỏ quăng xe bên gốc cây lồng mức, cùng chị nó tha thẩn hái bông bồ công anh mọc ven bờ ruộng. Hai chị em cùng cắt tóc bom-bê, cùng mặc quần đùi lom khom chụm đầu vào nhau...

Tém bực mình đá bay một cục đất to, con khỉ, làm người ta mất thì giờ quá!

 

 

 

Cỏ đồi

 

Như một điểm hẹn, những nhà có trâu bò thường biểu con nít lùa bò lên đồi ăn cỏ. Gọi là đồi, vì đất dưới chân nó thoai thoải chớ thật ra nó đâu phải là đồi, là núi... Chính xác hơn, nó là một bãi cỏ hoang ở một khu đất cao.

Từ xa, Tém đã thấy bầy bò của thằng Phi đang thong dong gặm cỏ. Còn thằng Phi mặc áo trắng thì toòng teng trên cây ổi sẻ như con khỉ trong sở thú. Lần đầu tiên thấy thằng Phi mặc áo trắng Tém trề môi: "Cái thằng, dân quê mà bày đặt bận áo trắng, hổng giống ai!". Phi phân bua: "Của anh họ tao cho chớ bộ, ảnh bận chật nên ảnh cho, hổng bận ảnh buồn sao?"... Thằng Phi khoái mặc áo trắng lắm, chẳng thấy ngày nào nó thay ra, bây giờ cái áo biến thành màu cháo lòng phát ghê.

Tém cho trâu mình lại chỗ quen, vuốt ve mỗi con một cái, rồi tót lên cây với bạn. Phi hỏi:

- Mấy hổm rày trâu mày đi đâu?

- Đi cày cho ông Hai Rựa.

- Có lần ổng cũng lại nhà tao mướn đôi bò đực, má ba tao từ chối. Ba tao làm bộ nói bò còn "kẹt"

- Ờ, ba tao cũng thương cặp trâu, mà vì ổng cần tiền đóng xe. Ổng ham có xe lắm.

- Đúng rồi, có cái xe đỡ ghê chớ. Ba tao chỉ cần cho một chuyến tre, giá chót cũng vài ngàn bỏ túi.

Hai đứa nói lan man vài câu nữa rồi lặng thinh. Tém tìm ra được một trái ổi sẻ bằng trái chanh, nó nhoài người bứt, cắn một miếng. Ổi non chua chua, chát chát, ăn đỡ buồn. Tém nhìn cặp trâu của nó, con Bính đứng yên một chỗ, nó từ tốn rứt từng nạm cỏ còn loang loáng những giọt sương. Con Bỉnh ăn một cách tham lam, nó vừa đi vừa ăn, cái đầu chúi bên trái rồi chúi bên phải, miệng rứt cỏ liên tục. Mười con bò của thằng Phi cũng tản mát ra, tiếng gặm cỏ đều đều như ai lấy liềm cắt soàn soạt...

Thằng Phi chỉ:

- Bây giờ thằng Nhông mới dẫn bò tới kìa. Chắc là ngủ dậy trễ rồi. Để tao kêu nó.

Phi khum tay hú gọi bạn, thằng Nhông cũng hú trả lời. Nó quất quất tay, chắc là đánh mấy con bò đi chậm không theo kịp bầy. Đàn bò của Nhông chỉ có sáu con, toàn là bò sữa, con nào con nấy mập phình. Nhông cẩn thận cho bầy của nó lên phía trên một chút (trên đó có nhiều cỏ tươi non), rồi mới leo lên cây. Tém hỏi:

- Sáng dậy trễ hả?

- Đâu có, tao mắc nghe lén...

Phi cười:

- Nghe lén chuyện người lớn ha?

- Ừa, chị Hai tao có người qua hỏi rồi. Mới sáng bảnh mắt bà "mối" đã tới, cà kê dê nghỗng lâu lắc lâu lơ...

Tém thắc mắc:

- Vậy sao mày biết bả "làm mai" chị Hai mày?

- Tao phải ráng đứng nghe cho tới cùng chớ. Mày biết ai "hỏi" chị Hai tao không? Anh Cao điếc. Thiệt hết biết!

Phi huých cùi chỏ vào Nhông:

- Thôi đi mày, ảnh điếc nhưng mà ảnh có ruộng có bò. Bò của ảnh còn nhiều hơn bò nhà mày nữa.

Nhông "xì" dài:

- Mày nói chuyện giống "bà mối" quá hà, chị Hai tao đẹp như tiên.

- Thì cũng đúng thôi, nhờ chị mày đẹp mà chị mày sẽ có một bầy bò riêng. Tao cá là ba mày cũng đồng ý.

Nhông ỉu xìu:

- Ờ, ổng chịu rồi. Nhưng tao nói thiệt, tao muốn anh rể tao phải là anh Bình "nổ". Ảnh đẹp trai nhất xóm mình.

Cả Tém lẫn Phi cùng cười:

- Coi chừng ảnh "nổ văng miểng" nghen. Thôi đi Nhông ơi, ảnh nổ dữ quá, chuyện có một mà ảnh bốc lên thành mười. Đúng không?

- Thì tao có nói gì đâu...

Tự nhiên ba đứa im lặng, ngồi đu đưa mấy cặp giò mốc thếch. Tém dòm chừng cặp trâu. Con Bính đi theo con Bỉnh xa quá rồi, tụi nó xáp lại gần mấy cây bằng lăng thâm thấp, tìm chỗ gãi lưng. Tém ngắm miết đôi trâu. Hai con vật vô tư vừa rứt cỏ vừa gạ gạ cái hông đồ sộ vào thân cây mảnh mai, làm mấy ngọn bằng lăng rung rinh. Tém nói:

- Tao chuyển qua leo cây bằng lăng nè. Mấy con trâu của tao đi xa rồi.

- Tao theo luôn.

Ba đứa tuột xuống cây ổi sẻ, lững thững bước về phía đôi trâu. Con Bính nhận ra chủ, quay mặt lại, phe phẩy đuôi mừng. Còn con Bỉnh cứ cắm cúi ăn, cái tật tham lam phát ghét. Nhưng mà..., cỏ ngon quá, cỏ thật tươi, thật ngon, làm sao trách được nó đây?

 

 

 

Nhạc giữa trời

 

 

Ba thằng ngự lên ba cây bằng lăng mọc sát nhau. Cây còn non nên chưa trổ hoa, tiếc quá, nếu không tụi nó tha hồ hái bông bằng lăng đem về cho bọn con gái chơi bán hàng.

Đứa nào cũng lựa cho mình một chạc cây vững chãi, tựa lưng vào, ngắm nhìn trời xanh qua những kẽ lá đu đưa. Tém dõi mắt ngược lại con đường hồi nãy nó đi qua, cố tìm hai chị em Hiền, Như nhưng không thấy. Chắc con chị chở con em về rồi... Phía xa, người làm đồng khá đông, kẻ đứng người khom, đâu đâu cũng thấy nón lá tròn xoe, trắng toát...

Thằng Nhông reo lên:

- Anh Bình "nổ" kìa, tụi bây.

Tém và Phi nhìn theo hướng thằng Nhông chỉ. Anh Bình đang đạp xe từ phía ruộng đi về, phía sau ba-ga có cột một ôm đọt bí non xanh mởn, to tướng. Mặt anh quạu đeo như đang suy nghĩ điều chi. Tuy vậy, nhờ sống mũi thẳng mà trong xóm, đứa nào cũng chấm anh là "đẹp trai" nhất. Xe đạp cứ tưng tưng làm chùm tóc "mái tây hiên" của anh giựt lên giựt xuống như bờm ngựa bay bay. Coi kìa, ổ gà ổ trâu gì ảnh cũng phóng qua, thiệt tội cho con ngựa sắt của ảnh!

Thằng Nhông chồm người, réo:

- Anh Bình, ới anh Bình!

Mặt anh dáo dác tìm kiếm, ban đầu là nhìn lên cây ổi sẻ, sau đó liếc vào hàng cây bằng lăng. Nhận ra tụi thằng Tém, ảnh quẹo đầu xe, gò lưng đạp lên dốc. Ảnh dừng xe ngay dưới gốc cây có thằng Nhông đang nằm, hỏi liền:

- Ở ngoài ruộng, người ta đồn chị Hai em có bà "mối" tới đặt cọc, phải không Nhông?

Nhông chối bai bải:

- Em đâu có biết, chuyện người lớn mờ... Từ sáng tới giờ em đi chăn bò, mờ...

- Hừ, vậy mà thiên hạ đồn rùm lên, họ nói chị Hai em sắp lấy thằng Lành thợ rèn, sắp làm bà chủ tiệm lò rèn ngay ngã ba.

Nhông giấu đầu hở đuôi:

- Hổng dám đâu, hổng dám lấy lò rèn đâu! Chị Hai em sắp lấy anh Cao điếc! Bầy bò của anh Cao gần hai chục con lớn nhỏ!

Anh Bình bật cười:

- Thằng khỉ, tao làm bộ gài mày chơi chớ tao biết hết trơn rồi. Tao "đau khổ" lắm chớ bộ. Tao thử coi mày còn thương tao không.

Nhông nhảy nhảy làm mấy nhánh cây nhỏ muốn oằn xuống:

- Em còn thương anh mờ. Em giấu anh là em không muốn anh "đau khổ" đó.

Anh Bình quày đầu xe:

- Thôi được, bây giờ tao đem mớ đọt bí này về cho má tao cái đã. Sau đó, tao sẽ lấy đồ nghề ra đây làm diều cho tụi bây, mỗi đứa một cái. Diều của tao khét tiếng bay cao, chưa làng nào, xã nào làm diều qua mặt được tao... Chờ tao nghen.

Giữ đúng lời hứa, khoảng một tiếng sau, anh Bình ra tới. Bọn thằng Tém chưa kịp nói gì thì anh đã cười xuề xòa:

- Đáng lẽ tao ra sớm hơn, tại... bị... kẹt...

Chèn ơi, "đồ nghề" của anh tưởng là cái gì, ai ngờ độc có một cái rựa với mấy tờ báo cũ! Dựng xe vô gốc cây, ảnh nhìn thằng Phi, sai liền:

- Mày chạy ù ra bờ ruộng đằng kia, lại bụi tầm vông chặt cho tao một cây.

Phi lè lưỡi:

- Trời đất, tầm vông của người ta trồng, em hổng dám chặt đâu.

- Ai hỏi, mày cứ nói là lịnh của anh Bình... Ờ, ờ, mà thôi, mày chặt lén lén kẻo người ta hỏi mắc công lắm...

Rồi ảnh nhìn Tém:

- Còn mày, lại đó, bứt cho tao một ôm dây dang. Nhớ chọn dây mảnh mảnh dài dài một chút nghe mậy, tuốt hết lá cho sạch.

Tém dọt chạy, không để ý coi ảnh có sai thằng Nhông làm gì không... Lá dang thường mọc bò tràn lan trên đất, đụng cây gì, leo cây nấy. Một thân dây dài độ vài chục thước là thường. Lá dang có vị chua, hễ "kẹt" quá, người ta chỉ cần tuốt một túm lá là có nồi canh chua đưa cơm ngon lành...

Khi Tém ôm một mớ dây trở về thì thằng Phi cũng đã có mặt rồi. Nó chặt cây tầm vông ốm nhom ốm nhách, nó nói, hễ có ai bắt gặp cũng không la dữ lắm. Anh Bình lấy rựa chặt một lóng tầm vông để riêng, rồi chẻ cây tầm vông ra làm đôi, chắc chắc lưỡi:

- Chà, coi vậy mà hổng có dễ đâu nghen. Làm diều ngon, phải lấy cật tre mới xứng đáng. Tao xài tạm cái này vì tụi bây đó.

Ảnh chẻ nhỏ cây tầm vông, thanh nào ảnh cũng chê. Chê chê, bỏ bỏ, cuối cùng ảnh tuyên bố:

- Thôi, làm một con diều thôi, ba đứa mày chơi chung.

Phi liêc nhìn Tém. Tém liếc nhìn Nhông. Hèn chi tụi nó gọi ảnh là Bình "nổ" cũng phải quá!

Lụi hụi một hồi, anh Bình cột xong cái khung, mồ hôi vã ra như tắm. Anh giơ nó lên, ngắm nghía:

- Ngon lành, đi thi cấp huyện được.

Thằng Nhông bật cười thành tiếng. Nó đỏ mặt nói lảng:

- Em phụ làm với.

- Khỏi, mày coi tao làm rồi mai mốt bắt chước. Đưa tao tờ báo. Chà, không có kéo. Thôi, xé bằng tay cũng được. Tuy bây xé sợi dài làm đuôi nghe.

Ba đứa ngồi chồm hỗm , xé báo. Anh Bình móc túi, lấy lọ keo bằng mủ cao su thảy ra. À, có cái để dán rồi. Một lúc sau, con diều đã nên vóc nên hình, chỉ chờ lúc bay lên nô đùa với gió nữa thôi. Anh Bình hất hàm:

- Tém, dây dài không mày?

- Dạ dài lắm.

- Tụi bây đừng chê dây dang nghe, bền và chắc lắm đó. Người ta lợp tranh làm mái nhà, cột bằng sợi dang này chớ đâu. Đưa đây tao cột. Rồi.

Thằng Nhông dành con diều định thả thì anh Bình đã ngăn lại:

- Ê, khoan , còn nữa.

Anh Bình lượm lóng tầm vông lúc nãy lên, rút con dao nhíp ra. Ba đứa cùng reo lên thích thú:

- Sáo. Sáo diều. Sáo diều.

Lỗ mũi của ảnh phồng lên xẹp xuống như hai cái bong bóng. Ảnh làm bộ "vờ", bậm môi đục lỗ cho cây sáo. Sức vóc đàn ông có khác, ảnh đục bốn lỗ mà lỗ nào lỗ nấy bự như con ruồi!

Phi giành:

- Để em cột cây sáo vô sợi dây cho.

- Tin tưởng hông đó?

- Chắc ăn mà!

Đợi thằng Phi cột dây đâu đó xong xuôi, anh Bình phủi quần, đứng dậy:

- Thôi, ba thằng bây chơi chung, tao đi về.

Ham con diều quá, chẳng đứa nào nói được câu cảm ơn lẫn câu từ giã gì hết, chỉ lo bu quanh món đồ chơi. Tém sực nhớ tới cặp trâu mình, nhìn quanh. Con Bỉnh lại lang thang tận nơi nảo nơi nào rồi... Tém nói nhanh:

- Tụi bây thả đi, tao lùa trâu lại.

Tém lượm một nhánh tầm vông, vung vẩy, chạy tới. Lần này, con Bỉnh chịu nghếch mắt nhìn chủ, chắc nó cũng lưng lửng bụng rồi. Tém quất nhẹ lên mông nó, hiểu ý. Bỉnh lửng thửng quay về chỗ con Bính đang chờ...

Diều bay không được cao, có lẽ tại giấy báo nhiều quá nên nó bốc lên không nổi. Tuy nhiên, cái đuôi dài lất phất coi vậy mà tha thướt lắm. Tém hỏi:

- Sao? Sáo kêu chưa?

Nhông khum tay che mắt, nhìn theo cánh diều, lắc đầu:

- Chưa nghe kêu, lỗ bự quá trời.

Phi trề môi:

- Màu mè vậy thôi chớ kêu sao nổi.

Bất ngờ làm sao, đột nhiên con diều cất tiếng "hú...hú..." chớ hổng đồ rê mi gì hết ráo. Nhông bực:

- Lỗ bự quá, làm lại đi.

- Thôi, vậy cũng được. Cột vô cành bằng lăng đi, khỏi cầm mỏi tay.

Ba đứa lại leo lên cây, tựa mình vào thân, ngắm con diều đang lượn gió không mỏi. Giữa trời, tiếng sáo diều "hú...hú...hú..." càng lúc càng du dương...

 

 

 

Đôi bạn lặng lẽ

 

 

Trời xế trưa, nắng gần đứng bóng, lũ bò lần lượt tụ tập quanh khoảng cỏ râm mát to rộng của mấy cây bằng lăng tròn ngọn. Chúng túm tụm vào nhau, con đứng, con nằm, miệng nhai nhóp nhép liên tục. Tém nhảy xuống đất, đón đôi trâu từ đừ bước lại.

Trâu Bính và trâu Bỉnh chậm chạp lê hai cái bụng căng phồng. Tụi nó ăn trả bữa cho mấy ngày trước đây mà. Tới chỗ Tém, chúng khụy chân trước, nằm xuống. Tém vuốt ve đôi trâu, nó xoa xoa hai cái bụng giống hai cái trống, gãi gãi cổ cho tụi nó. Cặp trâu lim dim mắt, đón nhận tình yêu thương của chủ.

Tiếng thằng Phi gọi Tém:

- Mày về hay ở lại hả Tém?

- Ở lại. Má tao có bới cơm theo cho tao.

- Thịt gà kho sả hả?

- Bậy, đậu phộng muối mè.

Tém ngồi bệt xuống, tựa lưng vào gốc cây, lấy chân khều khều cổ con Bính. Miệng con Bính trệu trạo nhai nhai, nuốt xuống. Vài phút sau, nó lại ợ một mớ cỏ ăn dối khác lên, nhai nhai nữa... Nhìn cái cục cỏ chạy lên chạy xuống nơi cổ nó, Tém không nhịn được cười. Con Bỉnh cảm thấy kỳ kỳ, nó ngưng nhai, nhìn Tém. Mắt nó đẹp như mắt con gái với hàng mi dài thườn thượt. Sau đó, nó quay mặt đi, thong thả nhai.

Tém dời chân qua chỗ con Bỉnh, lấy ngón cái khều khều cổ con Bỉnh. Nó làm thinh chẳng thèm phản ứng. Tém dịu dàng nói với đôi trâu của mình:

- Tao cưng tụi bây lắm đó nghen, lo cho tụi bây đủ thứ từ A tới Z. Công nhận khôn? Tao muốn tụi mình là bạn, thông cảm cho nhau, trò chuyện với nhau... Nhưng tụi bây đâu thèm nói năng gì, thậm chí cũng chẳng thèm nhìn tao nữa. Thôi cũng được, tao chỉ cần tụi bây ăn no, ngủ yên, luôn luôn khoẻ mạnh để giúp đỡ ba má tao. Mai mốt nhà tao sẽ có xe, tụi bây tha hồ mà đi du lịch khắp nơi nghen...

Đôi trâu có vẻ lắng nghe, hai cái mũi đen ươn ướt phập phồng như hiểu ý...

 

 

 

Người đánh xe bò

 

 

Trời thật trong, thật xanh. Nắng chiếu xuống chói chang như thiêu như đốt, vậy mà con diều báo vẫn thản nhiên vẫy gió, chao lượn như trêu chọc bầy chim sẻ nhát gan bay ngang. Có tiếng lọc cọc trên đường... À, người ta bắt đầu về nhà dùng bữa cơm trưa đây.

Những chiếc xe bò thong thả nối đuôi nhau, người đánh xe ngất ngưởng ngồi phía trước, phì phà điếu thuốc. Trong thùng xe, chất đầy hoặc là dưa leo xanh mướt hoặc là bắp trái hoe vàng. Thứ nào cũng cao vun...

Thằng Tém dõi mắt "điểm danh" từng người. Ai nó cũng quen, nhưng mà không thân. Chỉ có người đánh xe bò cuối cùng, ông Bảy là nó thân hơn cả. Ông hay giỡn với nó mỗi lần ông tới rủ ba nó đi nhậu lai rai. Người ông đen quắt, nhỏ xíu, tóc hoa râm như muối trộn tiêu. Lớn tuổi nhưng ông không có vợ, chỉ sống với mẹ (cũng gọi là bà Bảy luôn).

Ruộng ông xấu, nên ông sống về hoa màu là chính. Hết dưa tới đậu, hết bắp tới cà... Ông giỏi làm nên chẳng lúc nào ở chơi không. Tém còn nhớ như in mùa hái dưa trước, nó không phải giữ trâu nên đi theo ông Bảy xuống ruộng phụ hái dưa leo. Bước chân xuống ruộng, nó như lọt vô mê hồn trận. Dưa chạy luống thẳng tắp, cọc tre cắm đều san sát, trái lủng lẳng như treo đồ chơi. Tém đi giữa hai hàng cột tre, tay phải hái, tay trái bẻ, mắt dòm láo liên sợ bỏ sót thì qua mai mốt dưa sẽ bị già...

Cái giống dưa leo cũng ngộ, dây ốm tong ốm teo, lá nhỏ xíu, nhưng trái thì ngon lành vô cùng. Da xanh mướt, ruột trắng nõn, ngọt ngay. Lâu lâu, nó "tranh thủ" tránh nắng, bẻ một trái, lau sơ bằng vạt áo, cắn nghe "rốp" giòn rụm. Nước nhểu xuống cằm chùi không kịp... Ăn như vậy mới đã.

Thằng Nhông ở trên cành cây sực nhớ, vỗ tay đen đét:

- Ê, Tém, chạy ra chận xe ông Bảy lại.

- Chi vậy?

- Xin ổng mấy trái dưa leo chút mình ăn cơm.

Tém sáng mắt lên:

- Ờ hén, tao không nghĩ ra.

Nó đứng dậy, hổng thèm mang dép, cứ chân không mà chạy bay xuống dốc. Đạp đá, đạp sỏi nó chẳng sợ, chỉ sợ đạp nhằm xương khô. Chèn ơi, xương rắn khô mà ghim vô bàn chân là nhức hết biết luôn!

Tém quơ tay, kêu lia lịa:

- Ông Bảy, ông Bảy ơi.

Chiếc xe bò từ từ dừng lại, hai cái bánh gỗ to tướng còn ráng lăn thêm mấy vòng cọc cạch mới chịu thôi. Ông Bảy nghiêng vành nón lá rách te tua, cười móm sọm:

- Gì mà la om sòm giống thằng khùng vậy? Quá giang hả mậy?

Tém quệt mồ hôi:

- Hổng phải, con xin ông Bảy mấy trái dưa đặng ăn cơm.

- Ủa, hổng "dìa" hả mậy?

- Dạ, ở tới chiều luôn.

- Nè, mày có gì đựng không?

Tém chìa vạt áo ra:

- Khỏi, con bọc ở đây là được rồi.

Ông Bảy quăng xuống ba trái dưa bự chảng, cười hề hề:

- Ngu quá mày, "dìa" nhà ăn cơm nóng cho sướng. Cơm đùm cơm nắm mà ngon gì?

Tém trợn mắt:

- Ngon chớ ông Bảy. Bữa nào ông Bảy thử ăn chung với tụi con đi. Vui lắm.

- Xạo mày. Thôi đi đi kẻo nắng.

Chẳng cần cương, chẳng cần roi, đôi bò đực rảo bước đều như đôi chiến mã ra trận. Cỗ xe nặng, nhưng hai cái bánh gỗ khổng lồ vẫn băng băng xuống con dốc thoai thoải. Văng vẳng, tiếng "ví" tiếng "thá" vọng lại và một vành nón lá nhấp nhô...

 

 

 

Một món ăn quê

 

 

Phi và Nhông nhảy xuống đất chờ Tém từ nãy giờ. Tụi nó cười toe toét khi Tém lơn tơn đi tới, tay bụm vạt áo, mắt nhăn nheo vì chói nắng. Nhìn khuôn mặt của hai bạn rạng rỡ, tự nhiên Tém mủi lòng, thương thương bạn.

Thằng Phi tuy mang tiếng là con trai út, nhưng nó còn ba đứa em gái sàn sàn tuổi. Mấy đứa con gái là chúa "nạnh" nhau, chỉ có vài con bò mà tụi nó đẩy qua đẩy lại, cuối cùng thằng Phi lãnh hết. Đã vậy, nhà nó đông "đệ tử" nên thường thường bữa cơm chỉ có nước mắm ớt hoặc mắm ruốc xào lấy hương lấy hoa. Ba má nó lo chạy gạo là chính, thì giờ đâu ổng bả nghĩ đến chuyện bắt ốc, hái rau? Còn anh chị nó cũng ít quan tâm đến việc nhà, chỉ biết làm ăn riêng để bỏ túi riêng. Thằng Nhông sống khá hơn, nó là con trai út thực sự nên tương đối được cưng, không phải làm lụng. Ba nó là thương binh, hỏng mắt, chấn thương cột sống nhẹ, đi đứng khó khăn nên kinh tế eo hẹp lắm. Nhông thương gia đình, nài nỉ ba nó mua một con bò cái để nó chăn giúp. Bây giờ bầy bò lên tới sáu con, công lao của nó không nhỏ đâu...

Ba đứa ngồi quây quần bên nhau dưới gốc cây xoè bóng tròn to, dở cơm ra chuẩn bị cơm trưa. Đứa nào cũng lon cơm nắm với đậu phộng muối mè, hoặc tép khô rang, hoặc ruốc xào. Có thêm mấy trái dưa leo, cơm ngọt ngào hơn... Tém phát mỗi đứa một trái, lau sơ sơ, chuẩn bị "tấn công". Bất ngờ làm sao, có tiếng xe đạp chạy lên dốc, dây sên kêu tanh tách. Ba thằng ngẩn lên: ông Bảy.

Ba đứa lo âu, hổng biết ở nhà có chuyện gì xảy ra, thì khuôn mặt đỏ bừng bừng của ông Bảy nở nụ cười dí dỏm:

- Tao trốn má tao lại ăn cơm với tụi bây nè.

Cả ba reo lên:

- Hay quá, vui quá.

Nhưng rồi Tém có vẻ ngại ngần:

- Tụi con hổng có đồ ăn gì hết trơn, toàn là đậu phộng muối mè với mắm ruốc không hè. Sợ ông Bảy chê dở quá à.

Ông Bảy chỉ chỉ vô cái giỏ đệm móc đằng sau xe đạp:

- Khỏi lo, tụi bây khỏi lo. Tao trốn má tao nhưng mà bả cũng biết, bả cho tao một miếng thịt luộc bự tổ. Thôi, dọn ra đi...

Ba đứa lăng xăng, chộn rộn thiệt là vui. Nhông trải lá chuối làm mâm; Phi xé xấp bánh tráng mỏng ra làm tư; Tém xắt dưa leo dài theo chiều dọc. Đây nè, tấm lá chuối này đựng dưa, tấm kia đựng bánh tráng, tấm nọ đựng thịt luộc nghen. Còn keo nước mắm chanh ớt cho vô giữa mâm, đặng rồi sớt ra chén riêng.

Tém đặt miếng bánh tráng lên lòng bàn tay trái xoè ra, nó xếp hai lát dưa, một lát thịt, cuốn gọn miếng bánh lại. Nước miếng nó tứa ra đầy miệng. Nó liếc hai thằng kia. Đứa nào cũng chép chép, mắt chớp lia lịa. Tém chấm cuốn bánh tráng vào chén nước mắm chanh ớt, đưa lên miệng cắn. Nó chưa từng thấy miếng ăn nào ngon hơn. Thịt luộc beo béo, dưa leo ngọt mát giòn giòn, nước mắm chua chua cay cay. Nuốt xuống, nó nhìn ông Bảy:

- Ngon quá, hơn nem công chả phượng.

Ông Bảy khề khà:

- Mày đã ăn nem công chả phượng chưa mà bày đặt chê người ta?

Ba đứa tranh nhau nói:

- Chưa ăn, nhưng bánh tráng cuốn thịt luộc ngon hơn, ông Bảy ơi.

Ông Bảy hiền lành:

- Má tao cũng nói y như vậy đó. Nè, cuốn gì có một lát thịt một vậy bây? Ít quá đâu có ngon?

Cả bọn nhìn nhau khó nói, rồi Nhông cười tỏn tẻn:

- Cuốn ít ăn lâu hết chớ ông Bảy. Thức ăn của mình toàn là tươi nguyên: bánh tráng của bà Sáu mới phơi, thịt heo của ông Tiều mới mần hồi sáng, dưa leo của ông Bảy mới hái tức thì... Chèn ơi, cái gì cũng tươi roi rói hè...

Bốn người già, trẻ cười hinh hích. Sau đó, ai nấy lại tiếp tục cuốn cuốn, chấm chấm cho tới khi trên mặt đất còn trơ mấy tàu lá chuối không. Ông Bảy chắc chắc lưỡi:

- Hổng thấm tháp gì hết! Bây giờ tụi bây cho tao ăn cơm ké với chớ.

Ba thằng hò reo:

- Cơm, cơm đậu phộng muối mè. Cơm tép khô rang. Cơm mắm ruốc.

Những bộc cơm nguội được mở ra sớt qua bốn cái chén đất. Đây là muối mè. Đây là mắm ruốc. Mời ông. Mời bạn. Mắt cứ sáng vui. Miếng cứ tươi cười. Bữa cơm quê mộc mạc chan chứa biết bao nghĩa tình thân ái.

 

Nguyễn Thị Bích Nga

 

 

Nếu chỉ gặp và chuyện trò một vài lần, nhìn dáng vẻ, nghe giọng nói, biết được công việc dạy học, dịch sách, viết văn của Nguyễn Thị Bích Nga và có thể được giới thiệu rõ hơn một chút, từ bé đến lúc này, cô chỉ sống ngay tại Sài Gòn - TP.HCM., nơi cô được sinh ra, lớn lên, học tập và trưởng thành trong nghề nghiệp, chắc hẳn người được may mắn gặp gỡ ấy sẽ vô cùng ngạc nhiên, khi đọc những đoạn văn ngắn liên hoàn trên đây. Với một lối văn trong sáng như ánh mắt của trẻ thơ, Nguyễn Thị Bích Nga cho người đọc thấy cô có một vốn sống về nông thôn Nam Bộ không thể nói là những gì thu nhặt được sau một vài chuyến đi thăm thú miệt vườn. Không những cảnh vật, ngôn ngữ đậm chất đồng bằng Chín Rồng, Nguyễn Thị Bích Nga còn rất tinh tế ghi nhận được những nét tâm lí của tuổi nhỏ vùng đất ấy.

 

Nếu bảo rằng, nhà văn vốn có một tư chất đặc biệt là biết thu nhận vốn sống gián tiếp, điều đó có chi là mới mẻ, nhưng quả thật không bao giờ sai. Và cũng không có gì lạ, nếu người ta sực nhớ ra một điều sơ đẳng: con người có một mẫu số chung về tâm lí, mà sự khác biệt nhau là ở phần tử số. Thật ra, tâm lí con người thị dân và nông dân, cho dù ở Mỹ hay ở Nhật, ở Nga hay ở Ấn, về cơ bản không có gì khác nhau. Chỗ khác nhau là lứa tuổi và bản sắc địa phương, gồm ngôn ngữ địa phương, món ăn địa phương, khung cảnh địa phương, thậm chí gồm cả cảm xúc địa phương... Nguyễn Thị Bích Nga tinh tế là ở chỗ cô đã biết vận dụng chính đời sống tâm lí của mình để khắc hoạ hình tượng nhân vật trong một bối cảnh đậm chất miệt vườn. Cũng không thể nói rằng Nguyễn Thị Bích Nga chỉ vận dụng mỗi một tâm lí của chính mình hay của những người thị thành như mình. Ngạc nhiên là ở đó. Tất nhiên cần phải hiểu sâu nhà văn nữ này về cuộc sống thực với những năm tháng cô đã trải qua, mới có thể lí giải được mỗi ngạc nhiên như đã nói.

 

Và nhờ một chút ngẫm nghĩ đó, tôi đọc tiếp chùm truyện ngắn về loài vật dưới đây. Cũng với năng lực nội quan về tâm lí, Nguyễn Thị Bích Nga đã vận dụng đời sống tâm lí của chính mình, của loài người nói chung, để miêu tả một chú chim Sâu, một cô Bươm Bướm trắng, một chị Chuồn Chuồn lửa... Và đặc biệt, cô đã "thấy và nghe" được sự giao cảm đến mức một người đàn ông nào đó đã có thể cùng đối thoại với anh chim Sâu và gia đình của "anh" ấy, bằng một thứ siêu ngôn ngữ, và Nguyễn Thị Bích Nga đã diễn đạt ra bằng tiếng Việt trong trẻo của mình. Trong chùm truyện ngắn này, khác với những đoạn văn trên, Nguyễn Thị Bích Nga cho người đọc cảm nhận thêm một chất ngụ ngôn có màu sắc triết lí. "Tấm lòng vàng" khiến chúng ta không thể không suy nghĩ, cho dù tán thành với tác giả hay không. Hiến một quãng đời sống, cho dù đã tàn tạ, của mình, cho một cơn thèm ăn của một sinh vật khác sắp chết, liệu có xứng đáng tôn vinh là "tấm lòng vàng"? Nhưng có lẽ chất ngụ ngôn của Nguyễn Thị Bích Nga quả là dịu ngọt, dịu ngọt và nhẹ nhàng nữa, nhưng  thấm thía biết bao, về một tổ ấm hạnh phúc, trong "Vợ chồng chim sâu"...

 

Và...

 

Nhưng lúc này tôi đang làm gì vậy? Chẳng lẽ tôi quên bẵng việc cảm thụ truyện ngắn để nghiên cứu lao động nhà văn và chính cuộc đời nhà văn Nguyễn Thị Bích Nga chỉ qua ngần này trang sách của cô? Đúng là chỉ qua một giọt nước biển, người ta có thể hiểu được biển lớn, bởi trong giọt nước biển ấy, chứa tất cả phẩm và chất của biển lớn. Nhưng tôi không thể không biết thêm rằng, muốn thế, cần phải rong ruổi biết bao tháng ngày trên toàn bộ biển lớn kia, và còn phải bay cho đến tận mặt trăng, để phóng cái nhìn về biển lớn trên trái đất, mới có thể hiểu một giọt nước biển ấy.

 

Tôi muốn nói, không chỉ ở phần sáng tác, có thể không nhiều (hay chưa nhiều?), như cô khiêm tốn nói, mà ở phần tác phẩm dịch thuật, Nguyễn Thị Bích Nga cũng đã thể hiện được chính mình với tài năng của mình. Tôi tin điều đó, bởi rất nhiều người quên Đặng Trần Côn, nhưng không thể không nhớ Đoàn Thị Điểm (hay Phan Huy Ích?), rất nhiều người quên Anatole France nhưng không ai không nhớ Thanh Tịnh, ngỡ như chính Thanh Tịnh mới chính là tác giả đoản văn "Tôi đi học"...

 

Trần Xuân An

16 : 43', 3-6 HB7

 

 

 

 

CHUYỆN VẶT TRONG VƯỜN

 

Ở bất kỳ khu vườn nào, cuộc sống cũng phong phú và muôn màu muôn vẻ. Bầu trời trong vắt, xanh biếc; vài cụm mây trắng bồng bềnh thong thả trôi ngang; gió mát nhè nhẹ xào xạc trên từng ngọn cây, cành lá… Cuộc sống tươi đẹp biết dường nào!

Một con Sâu màu trắng chậm chạp bò dọc theo chiếc lá mít, thỉnh thoảng nó nghểnh đầu lên nghe ngóng rồi lại tiếp tục nhấm nháp lót lạ. Nó chưa thấy đói lắm. Chiếc lá non tỏa ra mùi thơm thơm, nó hít thở hương vị tuyệt vời ấy và nó ngủ thiếp đi. Rồi gió đến. Ái chà, anh gió ào ào đến như vũ bão, anh quật nghiêng ngả bụi tre ngoài bờ rào, anh quất tơi tả mấy hàng chuối sao hè đến là kinh khiếp… con Sâu trắng cảm thấy mình bị va chạm mạnh, toàn thân nó đau nhũn, nó mở choàng mắt hoảng hốt. Ồ, may sao, nó rơi xuống ngay một chiếc lá đậu bắp non. Con Sâu ê ẩm mình mẩy, nó nằm im ngủ tiếp.

-  Này, đến ở nhờ sao không xin phép?

Sâu trắng mở mắt, thấy một con Sâu xanh đang trố mắt nhìn nó. Sâu trắng thở dài:

-  Suýt chết đấy, hôm nay gió bạo quá.

-  Bồ ở đâu ra vậy?

-  Tớ té từ cây mít xuống, ngọn cao nhất đó.

Sâu xanh nghiêng cổ nhìn, le lưỡi:

-  Bồ can đảm ghê. Đói không? Ăn đại đi

Sâu trắng nhe răng cạp vào viền lá, nó phì ra ngay:

-  Nhớt quá, lá mít của tớ ngon hơn. Bữa nào bồ lên nhà tớ chơi nghen, cho bồ tha hồ ăn lá mít non.

Sâu xanh nhăn mặt:

-  Chán ngắt chớ ngon lành gì.

Sâu trắng chẳng phật ý chút nào, nó lừ lừ bò xuống, tìm đường về lại gốc mít quen thuộc. Đường xa gập ghềnh. Nó ngửi ra mùi beo béo của đám đậu phộng già, mùi ngan ngát của luống cà chua tơ, mùi dìu dịu của dàn mướp hương. Vậy là sắp tới rồi đó. Một bông mướp vàng cất tiếng:

-  Lang thang đi đâu vậy Sâu mít?

Sâu trắng không thèm trả lời. Mướp vàng tỏ ra hào hiệp:

-  Té phải không? Biết ngay. Để tôi gọi anh Bướm cho chú mày quá giang nhé?

Sâu trắng dừng lại:

-  Cũng có lý đó, đường xa quá.

Cõng Sâu trắng trên lưng, Bướm bay ì ạch, thở phì phò ra vẻ nặng nhọc. Nó đập cánh liên hồi mà vẫn không sao bốc cao lên được, bèn bảo Sâu trắng:

-  Tạm nghỉ ở trạm này nghe, ngày mai ta sẽ cho quá giang tiếp tục.

Nó nghiêng cánh, Sâu trắng trèo xuống một chiếc lá rồi tạm biệt. Chà, Sâu trắng biết mình đang ở trên một nhánh ớt bởi cái mùi hăng nồng nồng làm nó suýt chảy mũi. Nó ngao ngán thở dài và duỗi chân cho đỡ mỏi… Tiếng nói chuyện rì rầm làm Sâu trắng tỉnh dậy, nó nghe cây Ớt than thở

-  Chắc ta khó qua được mùa nắng này. Sức ta sắp tàn, đâu còn phong độ như xưa. Mỗi lần có gió to, tưởng là lúc ta gục ngã… Cuộc sống đẹp đẽ biết bao, ta khao khát được nhìn thấy bầu trời mãi mãi xanh biếc trên kia…

Sâu trắng chớp mắt, nó xúc động quá quên cả giữ gìn, kêu toáng lên:

-  Ai đó? Có phải bác Ớt không?

-  Ta là Gốc

-  Sao bác buồn quá vậy?

Một tiếng thở dài, rồi giọng nói trầm xuống và buồn bã hẳn đi:

-  Ta chỉ tiếc nuối mà thôi… Ngày mai hay tuần tới, làm sao ngờ được, sẽ có lúc ta gục xuống như một lão già vô tích sự nhất. Nhưng đã một thời ta nhiệt tình cống hiến cho con Người, có phải vậy không?

Sâu trắng buồn lây, nó cảm thấy muốn khóc bèn lặng lẽ rời khỏi cây Ớt và quyết chí tìm đường về nhà. Nó chậm chạp vượt qua những mô đất gập ghềnh. Đường còn xa…

 

 

 

TẤM  LÒNG  VÀNG

 

            Sáng hôm ấy, trước sân nhà đã xảy ra một thảm kịch mà cả họ nhà Vịt tưởng không bao giờ quên được.

            Số là bà chủ nhà đi chợ có mua về mấy cái bánh tráng nướng phồng, dặn cậu con trai nhỏ để dành đến giờ cơm rồi hãy ăn. Chú bé năm tuổi thèm quá, chú ngắm thật lâu những đốm mè đen toả mùi thơm phức, những khoảnh bánh phồng rộp vàng dòn... Bất ngờ chú chạm mạnh tay vào. "Rốp". Chiếc bánh rơi xuống đất bể vụn.

            Tức thì chú bị phát mấy cái vào mông đau điếng, kèm theo lời đe dọa sẽ bị cúp phần bánh vào bữa cơm trưa. Chú bé bật khóc tức tưởi, gào thật to cốt để mẹ xót thương...

            Lúc ấy, bầy Vịt đang nằm sưởi nắng trước sân sau khi điểm tâm no nê. Thấy cảnh ngồ ngộ, một con Vịt phê bình:

            -  Ăn trước hay ăn sau thì cũng là ăn.

            -  Mi nghĩ vậy chớ Người họ không nghĩ như vậy đâu.

            Một con khác xen vào:

            -  Vậy Người họ nghĩ gì?

            -  Ờ, họ nghĩ gì?

            Một con Vịt lông xám giái thích rành rọt:

            -  Người họ muốn để dành mấy cái bánh bánh đến bữa cơm là để đông đủ anh em quây quần bên nhau. Chẳng lẽ mày ăn một mình rồi mấy người khác nhịn? Phải không?

            Bảy, tám con Vịt cùng gật gù đồng ý. Rồi bảy, tám cái mỏ lập bập bàn tán chê bai đủ thứ chuyện trên đời nghe đinh tai nhức óc. Chú bé nãy giờ nín khóc ngồi rình mấy con Vịt, tức quá, bèn chọi một cục đá to vào chỗ bầy vịt đang nằm. "Kaaaaac". Mấy con Vịt bỏ chạy tán loạn, kêu la inh ỏi...

            Giữa sân vắng còn trơ lại một con Vịt bé, nó không chạy được, hòn đá to đã trúng vào người nó thật đau. Chú bé vỗ tay reo lên:

            -  Mẹ ơi, con chọi trúng rồi.

            -  Trúng cái gì?

            -  Con chọi trúng con Vịt. Nó sắp chết. Hi hi.

            Bà chủ nhà bước ra giận dữ:

            -  Sao con ác quá vậy? Nó chết chưa? Nó đâu rồi?

            Con Vịt cố giãy giụa. Nó lết. Nó trườn. Nó bò về phía mấy bụi cây. Nó đau đớn lắm, nước mắt nó ràn rụa đầy mặt. Nó kêu lên ai oán, đập đôi cánh nhỏ phành phạch nhiều lần rồi ngất đi vì đau. Giữa ánh nắng chói chang của mặt trời xế trưa, cái bóng nhỏ màu xám nằm im bất động là nỗi kinh hoàng của bầy Vịt tơ. Chúng nấp sau các bụi cây, mở to những đôi mắt tròn đầy nét sợ hãi, lặng im thin thít thật tội nghiệp vô cùng...

 

 

***

 

            Con Vịt nhỏ tỉnh dậy, nó nhận ra mình đang nằm sát một gốc điều tàn lá rậm rạp. Chắc có ai tưởng nó chết nên đã quăng xác nó vào đây. Ôi, may mà chưa có chú kiến nào phát hiện ra con Vịt nhỏ nằm thoi thóp chờ chết, nếu không thì nó đã bị ăn mù mắt rồi... Nó thử động đậy đôi chân: không còn cảm giác gì cả! Nó bắt đầu lết đi, cặp cánh vùng vẫy tuyệt vọng. Đau quá! Nó kêu lên: "Các bạn ơi, cứu tôi với...". Tiếng kêu của nó khò khè trong cổ, chẳng có một ai trả lời nó cả. Thế là nước mắt nó lại tuôn ra ràn rụa vì lo sợ và cô đơn...

            Buổi trưa trong vườn vắng vẻ tĩnh mịch làm sao. Cái nắng chói chang làm mọi vật rơi vào trạng thái nghỉ ngơi bất động. Con chó vá uể oải nhai một miếng vỏ mít trơ đầy xơ. Bầy gà choai rủ nhau bay lên một cành điều thấp để rỉa lông rỉa cánh. Bên gốc dừa là một bầy gà con mới nở, chúng chui cả vào bụng mẹ, mỏ líp chíp không ngớt. Một con ong vàng bay vẩn vơ... Cả không gian lẫn thời gian đều buồn chán đến kinh người. Có lẽ mọi vật đều muốn chia sẻ với con Vịt nhỏ nỗi đau trong nhiềm thương xót?

            Không, thật ra chẳng có ai quan tâm đến con Vịt đáng thương ấy, kể cả đồng loại của nó. Họ hàng nhà Vịt lớn bé đang tụm vào nhau ở tít xa kia, trong bóng râm của một bụi tre tàu mát lượi. Vịt lớn ngoẹo đầu nằm ngủ, dăm ba con Vịt bé thao thức rỉa mỏ vào mấy lá tre non. Chúng đã quên béng một con Vịt bất hạnh của đàn, quên luôn tấn thảm kịch đau lòng mà chúng kháo nhau là sẽ nhớ suốt đời Vịt...

 

 

***

 

            Chiều đã qua đi, bóng tối kéo đến. Con Vịt nhỏ đói quá, cất giọng than thở:

            -  Ước gì mình có một chút vào bụng nhỉ. Chắc đêm nay mình sẽ chết, nhưng mình thích chết no.

            Cái giọng rầu rầu của nó làm cho một con Châu Chấu già ở gần đó mủi lòng ghê gớm. Lão ngắm nghía con Vịt nhỏ đang nằm run rẩy chờ chết. Lão búng mình lại gần và hỏi thăm. Con Vịt hầu như kể lại câu chuyện bằng tiếng khóc, nước mắt nó lại tuôn ra. Nó cầu xin lão đừng bỏ đi, đừng bỏ nó một mình... Lão Châu Chấu già chậm chạp vuốt râu suy nghĩ:

            -  Ta già rồi, biết chết nay mai... Quanh vườn có gà vịt kiếm mồi, ta không bị con này cũng bị con nọ nuốt. Thôi, ta nên giúp đỡ nó, cái chết của ta sẽ có ích hơn.

            Lão Châu Chấu khoan thai nói:

            -  Nè chú em, bụng chú đang đói còn ta đây lại đang muốn chết. Hãy ăn thịt ta cho đỡ lòng. Đừng ngại.

            Lão búng tách, đứng trước cái mỏ Vịt đang run run vì xúc động bất ngờ. Ban đầu Vịt còn ngại ngùng từ chối, sau, nó không biết làm gì khác hơn bèn há mỏ ra. Con Châu Châu già nằm gọn ở trong mỏ vịt.

 

 

***

 

            Đêm đó, con Vịt con chết. Tội nghiệp, mỏ nó vẫn còn ngậm y nguyên con Châu Chấu già, dù rất đói nhưng nó không nỡ nuốt... Ôi, làm sao nó có thể ăn thịt một con vật có tấm lòng vàng đến vậy!...

 

 

 

CON BƯỚM TRẮNG

 

Trong vườn, không có ai kiêu căng, đỏm dáng bằng Bướm Trắng. Bướm Trắng thường tuyên bố rằng: màu trắng trên đôi cánh của nó là màu tinh khiết nhất. Bướm chê bông đu đủ có màu trắng đục ngầu, bông bầu có màu trắng bột gạo, bông sứ trắng héo, bông sen trắng mờ… Cứ thế, gặp ai Bướm cũng chê tuốt. Chỉ có đôi cánh của nó mới có màu trắng ngọc ngà, trắng trong như nước suối rừng… Nghe vậy, ai cũng ghét.

Ngày ngày Bướm Trắng nhởn nhơ bay để khoe với muôn loài đôi cánh duyên dáng nhịp nhàng của nó. Bướm rất sợ lao động, rất ngại giúp đỡ bạn bè vì không muốn bẩn đôi cánh đẹp. Cuộc sống ngắn ngủi của nó không có gì khác ngoài rong chơi, vòng quanh các bông hoa để so bì nhan sắc.

Tính Bướm Trắng chẳng biết yêu, chỉ biết ghét. Nó ghét cay ghét đắng Chuồn Chuồn lửa. Có gì đâu, Chuồn Chuồn lửa không những tốt bụng, nhân ái mà nó còn xinh đẹp nhất vùng. Đôi mắt to hiền hậu. Những bàn tay mềm mại như múa; những bàn tay biết xoa dịu bao vết trầy của đồng loại. Nhưng đẹp nhất là hai đôi cánh mỏng tang màu đỏ rực lửa như ánh mặt trời chiều. Càng nổi bật, Chuồn Chuồn lửa càng tránh xa mọi người vì kẻ thù của nó cũng không ít. Chúng chỉ chờ dịp là lao tới.

Có một lần, Chuồn Chuồn lửa rời khỏi nơi trú ẩn, vừa bay ra thì bị Bướm Trắng bắt gặp. Bướm theo dõi dáng bay thận trong của Chuồn Chuồn rồi tìm cách báo cho mụ Tra Trả… Trên đường bay, Chuồn Chuồn lửa nhìn thấy một con Mối cánh bị vướng vào lưới nhện đang vùng vẫy. Mối kêu:

-  Chị Lửa, cứu em với!

Không chút chậm trễ, Chuồn Chuồn đập mạnh cánh làm đứt tung vài đoạn lưới nhện và mối cánh bay ra. Thế là thoát… Nhưng, từ trên cao, mụ Tra Trả bổ xuống định quắp lấy Chuồn Chuồn. Bướm Trắng ló đầu ra vỗ tay reo cười, nhưng nó mừng rỡ hơi sớm… Chuồn Chuồn đã lướt xa và nấp vào các bụi cỏ khô.

Sau đó chẳng bao lâu, mùa mưa đến. Đó là mùa sâu bọ sinh sôi nảy nở với tốc độ kinh khiếp. Đó là mùa lá non bị phá hoại tàn nhẫn. Chỉ trong vòng một đêm, nhánh chanh non chỉ còn trơ lại vài cuống lá. Hoặc là các đọt ổi non luôn luôn phải chống cự lại một bầy sâu bướm háu ăn, cuối cùng chẳng còn đọt nào sống sót…

Con Bướm Trắng đã đến ngày đẻ trứng. Bướm nặng nhọc bay là là trên vạt đậu tơ tìm nơi kết trứng. Bản tính vốn kiêu ngạo nên Bướm luôn miệng chê bai, không nơi nào đáng cho nó dừng chân. Bướm nhìn thấy giàn mướp xanh ngắt những đọt non, nó vội đập cánh rướn mình bay lên… Chợt một tia chớp loé sáng kèm theo một tiếng nổ kinh hồn làm Bướm Trắng giật mình lảo đảo. Nó vội quạt đôi cánh nhưng mưa trút xuống đột ngột khiến Bướm Trắng không kịp tìm nơi trú ẩn. Một tia chớp khác loé lên trắng cả trời. Bướm quáng mắt, đâm sầm vào gốc cây và rớt xuống thảm cỏ…

Nãy giờ, Chuồn Chuồn lửa vẫn ẩn trong một hốc kín và trông thấy tất cả. Chuồn Chuồn hơi xúc động khi nhìn Bướm Trắng bị mưa gió quất tả tơi. Có lẽ Bướm Trắng khó thoát chết… Đôi cánh màu trắng rách teng và cái bụng to phập phồng… Đột nhiên Chuồn Chuồn lửa bật dậy. Không! Nó không đành lòng nhìn một người mẹ sắp chết, vì bản thân nó cũng là một người mẹ.

Chuồn Chuồn lửa vụt bay ra ngoài mưa lạnh, khéo léo dùng cái hàm chắc và những bàn tay khoẻ quắp lấy Bướm Trắng đem vào nơi khô ráo. Mưa lạnh lùng như muốn hất cả hai rơi lại xuống đất, gió vẫn giật từng cơn mạnh mẽ… Cuối cùng, Chuồn Chuồn lửa mệt nhoài thả Bướm Trắng nằm xuống một hốc ấm áp trên kèo nhà. Bướm hé mắt ra nhìn rồi vội vàng nhắm mắt lại. Dường như nó không tin rằng Chuồn Chuồn lửa dám hy sinh để cứu nó.

Vừa may, từ chóp bụng của Bướm Trắng, những chuỗi trứng tròn vo như những hạt bột báng chuồi ra, kết dính vào một cọng tranh. Bướm Trắng cảm động không nói nên lời, chỉ biết ấp úng:

          -  Xin… cảm ơn…

Chuồn Chuồn lửa mỉm cười, quay đi. Ở bên ngoài, trời đã tạnh mưa. Bầu trời trong xanh tươi mát. Có tiếng cóc nghiến răng vui vẻ, nó loan báo cho mọi người biết rằng cô Chuồn Chuồn lửa có tấm lòng nhân hậu hiếm có.

 

 

 

VỢ CHỒNG CHIM SÂU

 

Trong vườn, có một loài chim rất cần thiết không thể thiếu được: đó là chim Sâu.

Ồ, loài chim mới bé nhỏ làm sao! Cả thân hình mập tròn chỉ bằng một trái chanh, phủ lớp lông dày màu xanh đọt chuối óng ả. Con chim Sâu nhảy nhót trên cành, nghiêng bên nọ, ngó bên kia, mổ một cái rồi nuốt chửng con sâu ăn lá non. Cái đuôi dài, hết ngoắc sang phải lại ngoắc sang trái, bộc lộ tính chăm chỉ, cần mẫn, kiếm ăn suốt ngày không nghỉ của chim Sâu. Thật là một con chim có ích cho vườn cây: bất kỳ con sâu nào trốn thật kỹ, hóa trang rất tài tình, cũng bị chim phát hiện và mổ gọn. Tính ra, cuộc đời ngắn ngủi của một con chim Sâu tiêu diệt khoảng một vạn sâu lá… Tài tình làm sao!

Sự tích về chim Sâu cũng rất quen thuộc: Ngày xưa, khi Ngọc Hoàng tạo ra muôn loài, ngài đã phân công cụ thể như sau: trâu cày bừa ngoài đồng; lúa trổ bông cho gạo; gà cho thịt và trứng; cọp cai quản rừng rậm… Mỗi loài đều hân hoan làm tròn nhiệm vụ của mình. Nhưng một hôm, lá non bị sâu ăn trụi cả cây, bèn lên kiện Ngọc Hoàng. Ngài bối rối bảo bò giúp đỡ, bò than không biết trèo cây. Ngài bảo khỉ giúp đỡ, khỉ than nó rất sợ sâu. Không một loài nào nhận lời giúp Ngọc Hoàng, vì giống sâu có bề ngoài vô cùng gớm ghiếc. Rồi, một con chim nhỏ xíu từ đâu bay ra, tình nguyện làm công việc diệt sâu giùm lá non. Ngọc Hoàng mừng lắm, ban cho nó cái tên là chim Sâu. Từ đó, con chim bé tí kết bạn thân thiết với lá non, tiêu diệt hết loài sâu ăn hại, vô ích.

Mùa hè năm nay, tôi về vườn chơi để thay đổi không khí thành thị đang làm tôi chán ngấy. Vợ chồng người chủ nhà vốn là bạn học cũ ngày xưa đón tiếp tôi rất niềm nỡ, dành riêng cho tôi một căn buồng nhỏ đơn sơ. Căn buồng có cửa sổ nhìn ra phía sau vườn. Cửa sổ luôn đón gió nên tôi kê vào đó một chiếc bàn để ngồi đọc sách (hoặc đôi khi viết thư). Ngồi bên cửa sổ, tôi tha hồ ngắm cảnh, thích nhất là ngắm cây nhãn đang ra bông trắng xóa. Hầu như trưa nào cũng chỉ có con ong ấy đến xin mật, đem về để dành cho mùa mưa. Mỗi lần được các chùm hoa cho mật ngọt, Ong kiểu cách bay vòng vòng cúi đầu cảm ơn. Tôi mỉm cười thầm nghĩ: loài vật mà đối với nhau thật là lịch sự…

Chán mắt rồi, tôi quay sang ngắm bầy gà tha thẩn kiếm ăn quanh gốc xoài xum xuê bóng mát. Bầy gà mái hơn chục con túm tụm lại với nhau khoe những cái cẳng màu vàng nghệ – giống gà này đẻ trứng sai lắm. Mãi đến lúc này, tôi mới để ý đến con chim Sâu nhảy nhót trên cành cây thấp ngang tầm mắt tôi. Con chim nhỏ xíu bằng trái chanh, cái đầu nghiêng ngó, thoăn thoắt nhảy bên nọ, bên kia. Nó dừng chân ngơ ngác, hót lên một điệu lảnh lót rồi vỗ cánh bay đi. Tôi tiếc nuối nhìn theo, thầm khen màu lông của nó đẹp quá: vừa xanh đọt chuối, vừa vàng cam, vừa lam khói… Màu sắc xen lẫn vào nhau hài hòa đến là tuyệt diệu.

Cách vài bữa sau, tôi đang nằm nghỉ trưa trên giường thì trông thấy con chim Sâu bỡ ngỡ đậu trên đầu kèo. Nó nhìn tôi. Tôi cũng nhìn nó. Chợt nó lễ phép lên tiếng:

- Chào thầy, cho em vào bắt nhện. Phòng thầy có nhiều nhện quá.

Tôi sững người đến mấy giây. Có phải con chim Sâu nói với tôi không? Bất giác tôi gật đầu. Nó vội vã quay lưng, vỗ cánh chao qua chao lại, phá tan tác mạng nhện và chẳng có con nhện nào thoát khỏi cái mỏ sắc bén của nó. Ăn một bụng no nê, nó lững thững đi đến đầu kèo, lễ phép:

- Cảm ơn thầy, bữa nào rảnh em sẽ đến thăm thầy.

Nói xong, nó bay đi mất. Tôi không thể không bâng khuâng nhìn theo màu xanh đẹp đẽ của con chim sâu… Rồi trưa nào nó cũng đến, đậu một lát trên đầu kèo, hót líu lo mấy tiếng trong trẻo êm tai. Sau đó, nó lại bay vù ra cây xoài tìm sâu.

Có lần tôi hỏi nó:

- Nhà chim Sâu ở đâu? Có xa lắm không?

Nó quay đầu chỉ:

- Xa lắm ạ, nhà em tận trong núi, nhưng em hay bay đi bay đó, ít khi về.

Tôi nài nỉ:

- Hay là chim Sâu đến ở đây cho vui, đừng đi xa nữa.

Nó mỉm cười bối rối:

- Cảm ơn thầy, có lẽ… vài bữa nữa chúng em sẽ tới đây, và em sẽ bảo… vợ em lại chào thầy. Chúng em định ra riêng, thầy ạ.

Mấy hôm sau, vợ chồng chim Sâu bắt đầu làm tổ trên cây xoài trước mặt cửa sổ phòng tôi. Chim Sâu mái có vẻ lớn hơn và ít màu xanh chuối hơn. Nó có vẻ rụt rè, ít dám bay nhiều, chỉ đứng một chỗ ngó mông với đôi mắt buồn buồn. Chim Sâu trống tha rác về làm tổ: từng cọng rơm, từng cọng dây chuối khô… dần dần kết lại thành một cái tổ xinh xinh bé xíu, ẩn sâu trong một chòm lá xanh tốt. Chim mái vui mừng, hót véo von thật lâu như muốn báo tin cho toàn khu vườn biết vợ chồng nhà chim đã có một tổ ấm.

Tôi tò mò muốn xem tổ nên cũng thả bộ ra chơi. Chim Sâu trống lăng xăng nhảy nhót khoe với tôi căn nhà mới, nó một mực mời tôi vào nhà:

- Mời thầy vô uống nước.

Tôi từ chối:

- Cảm ơn, thầy làm sập tổ của hai em mất.

Chim mái cảm động khi tôi chúc mừng vợ chồng nó được hạnh phúc. Nó lộ vẻ sung sướng vì tôi là người duy nhất không hề có ý định phá vỡ tổ nó.

Sau đó, tôi quên bẵng vợ chồng chim Sâu một thời gian, tôi vùi đầu say mê đọc tác phẩm trọn bộ ba tập “20 Năm Sau” của Alexandre Dumas – viết tiếp truyện "Ba Người Lính Ngự Lâm". Truyện lôi cuốn tôi suốt một tuần lễ. Đọc xong, tôi mới chợt nhớ đến vợ chồng chim Sâu và ngạc nhiên là mấy bữa rày chẳng thấy chúng đâu cả…

Tôi bắt gặp con chim trống tìm sâu một mình trong một chòm lá ổi. Nó có vẻ ốm, bộ lông xơ xác hẳn, màu xanh chuối bớt vẻ óng ả. Tôi hỏi:

- Em bệnh à? Vợ em đâu rồi?

Trái với tôi nghĩ, nó hớn hở trả lời, giọng run lên:

- Thưa thầy, em không bệnh. Vợ em đang ấp trứng. Chúng em có bốn quả trứng rất xinh, thầy ạ. Em đi tìm mồi cho vợ em ăn.

Nó thoăn thoắt nhảy nhót, bắt được sâu là bay vù ngay về tổ đút vào tận mỏ chim mái, rồi lại tất tả bay đi. Tôi như chiêm ngưỡng cảnh lo lắng chăm sóc của vợ chồng chim Sâu. Tuy là loài vật nhưng tình cảm của chúng có khác gì của con người đâu. Khi thấy chim trống chỉ tìm mồi cho vợ mà quên đi bản thân mình, tôi nảy ra ý tốt, rải mớ thóc gạo ra sau hè để chim đỡ phải kiếm tìm. Nhưng, tôi vừa rải thóc xuống là bầy gà đổ xô đến mổ sạch trơn, tôi chỉ biết cười trừ…

Bầy chim non đã nở. Lũ chim líp nhíp đòi ăn suốt ngày nên hai vợ chồng chim Sâu cùng tỏa ra hai phía để tìm mồi. Chim mái lông xù ra, vẻ chững chạc hơn, chăm chỉ bay hết cây này sang cây khác ra dáng một bà mẹ tảo tần. Nó thường kiếm mồi nhanh hơn chim trống, đi đi về về như để canh chừng kẻ gian bắt mất chim con.

Tôi cứ ngắm mãi cảnh vợ chồng chim Sâu quấn quýt bên tổ ấm, có bốn cái đầu xinh xinh ló ra. Vâng, tôi cứ ngắm mãi cảnh yêu thương hạnh phúc ấy với lòng biết ơn thầm kín mà không hiểu vì sao…

 

 

Nguyễn Thị Bích Nga

(Chuyện cổ tích của vườn)

(giải A "Văn học thiếu nhi vì tương lai đất nước", 1993 – NXB Trẻ)

 

Nhận qua Gmail, 3-6 HB7: các truyện ngắn & ành chân dung tác giả

Nguồn ảnh bìa sách: Website Fahasa & website Nxb. Trẻ TP.HCM.

________________________________________________________________________________________________

 

 

Trở về trang Giao lưu:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/linkdoanket

 

 

Trở về trang bài mới - sách mới - tin tức mới:

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/baimoi-sachmoi-2

 

Trở về trang chủ "Web. Tác giả Trần Xuân An":

 

http://tranxuanan.writer.googlepages.com/home

 

 

Google page creator /  host

 

GOOGLE BLOGGER, DOTSTER, MSN. & YAHOO ...  /  HOST, SEARCH & CACHE  

 

    lên đầu trang (top page)   

 03-6 HB7 (2007) = 18-4 Đinh hợi HB7

Bổ sung vài dòng cảm nhận: 16 : 44' cùng ngày